(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Khổ

01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 11361)

Phần I

KHỔ

Tứ Diệu Đế là bốn chân lý được Phật thuyết minh, bắt đầu bằng Khổ Đế, rồi Tập Đế, Diệt Đế và kết thúc bằng Đạo Đế. Khổ là một thực tại, dù ta có ý thức được hay không thì bản chất của cuộc đời vẫn là đau khổ. Có một số người dựa trên lý duy tâm, duy thức của đạo Phật, bảo rằng sướng khổ đều do tâm, nghĩa là nếu tâm nghĩ sướng thì sẽ sướng, cho là khổ thì sẽ khổ, chung quy tâm nghĩ gì thì sự vật sẽ là như thế. Nếu bạn đọc cũng nghĩ như trên thì khi đau răng bạn hãy thử nghĩ sướng xem, răng có hết đau không? Lửa nóng, nhưng bạn cứ nghĩ là mát và thò tay vào lửa xem tay bạn có bị đốt cháy không?

Sướng khổ đều do tâm, có nghĩa là hiện thời chúng ta sung sướng hay khổ đau đó là kết quả của những hành động quá khứ, trong đó tâm là chủ nhân tác nghiệp. Từ lúc tâm khởi niệm cho đến khi thọ lãnh quả báo, phải trải qua một thời gian tuân theo luật nhân duyên quả. Duy tâm không nên hiểu là tâm vừa nghĩ gì thì liền có cái đó. Nếu đúng như vậy thì khi bụng đói, bạn hãy nghĩ tới một cái bánh xem nó có hiện ra trước mặt bạn hay không?

Khổ là một thực tại, bản chất của cuộc đời là đau khổ, người tu Phật cần phải nhận rõ điều này. Đức Phật xưa kia vì sao lại rời bỏ cung điện xuất gia tìm đạo? Bởi vì Ngài chứng kiến cái khổ già, bệnh, chết. Không có khổ thì không có đạo Phật. Thấy và nhận định rõ khổ không phải để khóc mà để tìm đường thoát khổ.

Có một số người thấy khổ, biết mình khổ, nhưng lại không tìm đường thoát khổ, vì lầm cho đó là một định nghiệp, một quả báo của nghiệp quá khứ không thể tránh khỏi nên nhẫn tâm chịu đựng, chịu trả nghiệp. Nhưng xưa kia, ai đã trói buộc ta vào cuộc đời để rồi nay ta ngồi chờ giây kia tự đứt? Đạo Phật dạy Từ Bi nhưng cũng dạy Hùng Lực. Chúng ta khổ vì xưa kia đã tạo nhân xấu, nhưng đời này chúng ta không được thụ động ngồi chờ cho nghiệp hết, mà phải chủ động, đứng lên tìm đường giải thoát, phải có hùng lực chặt đứt nghiệp cũ. Chặt một lần chưa xong, phải chặt nữa, chặt hoài, đến khi nào đứt mới thôi.

Khổ không phải được biết một lần, hay quán chiếu một lần rồi để qua một bên. Khổ cần được quán chiếu thường xuyên ngay nơi bản thân, hoàn cảnh và sự vật. Người tu đạo thấy rõ Khổ nhiều chừng nào thì chí nguyện giải thoát sẽ mãnh liệt chừng nấy.

Khổ là gì? Ở đây chắc không cần nói rõ hơn vì ai ai trong chúng ta cũng đều trải qua và biết rõ những gì là khổ. Thông thường trong kinh sách có nêu ra ba hoặc tám thứ khổ:

Ba thứ khổ là:

Khổ Khổ: Cái khổ chồng chất lên cái khổ, bản thân đã khổ mà hoàn cảnh chung quanh lại tạo thêm bao cái khổ khác. Thí dụ như vừa bị thất nghiệp lại mang bệnh nặng, rồi sau đó con bị tai nạn chết, v.v...

Hoại Khổ: Cái khổ vì bị hoại diệt. Những gì đem lại cho chúng ta một chút sung sướng thì không bao giờ kéo dài được lâu. Ta muốn trẻ mãi nhưng vẫn bị già, ta muốn mạnh khỏe nhưng bệnh tật lại cứ đến, ta muốn người thương sống mãi bên ta nhưng tử thần lại đến cướp họ đi.

Hành khổ: Cái khổ của sự biến chuyển. Ta muốn sống hạnh phúc yên thân nhưng bản thân ta và sự vật xung quanh luôn biến chuyển. Thân xác ta biến chuyển từng giờ từng phút để đi tới già bệnh rồi chết, tâm thức ta luôn thay đổi hết vui đến buồn, hết lo đến sợ, hết thương đến ghét. Thế giới bên ngoài luôn biến chuyển theo luật thành, trụ, hoại, không, thiên tai, chiến tranh, hạn hán, bệnh dịch, v.v...

Tám thứ khổ là:

1) Sanh khổ: Sự sinh sống của con người có hai phần khổ: khổ trong lúc sanh và khổ trong đời sống. Lúc sanh thì cả mẹ lẫn con đều đau đớn. Lúc sống thì phải tranh đãu kiếm kế sinh nhai, làm lụng vật lộn với đời để sống còn.

2) Lão khổ: Con người đến lúc già, thân thể hao mòn, suy kém, trí huệ lu mờ, khổ cả thể xác lẫn tinh thần.

3) Bệnh khổ: Hành hạ xác thân con người, làm cho nó khổ sở, không gì hơn là cái đau. Đã đau, bất luận là đau gì, từ đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, đến các bệnh nan y như hủi, lao, ung thư v. v... đều làm cho con người khổ sở, rên siết, khó chịu.

4) Tử khổ: Khổ của sự chết. Con người sợ nhất là cái chết vì phải xa lìa vĩnh viễn tất cả bà con, của cải. Nhắm mắt buông xuôi không biết mình sẽ đi về đâu.

5) Ái biệt ly khổ: Khổ của sự chia ly với những gì thân yêu, ái luyến.

6) Oắn tắng hội khổ: Đây là cái khổ gây ra do sự thù ghét, hiềm khích nhau mà cứ phải gần gũi, chung đụng.

7) Cầu bất đắc khổ: Khổ của sự mong cầu, hy vọng mà không toại nguyện .

8) Ngũ uẩn thủ khổ: Khổ do sự bám víu, ái nhiễm của năm uẩn.

Trên đây chỉ là kể sơ lược, bạn đọc không cần phải học thuộc lòng ba hay tám thứ khổ trên. Hãy nhìn thẳng vào đời sống của bạn và tự nghiệm lấy khổ là gì? Sự xắp loại trên chỉ là gợi ý mà thôi .

-ooOoo-

NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ

Sau khi suy nghĩ, quán chiếu, thấy rõ thực tại của đau khổ, chúng ta phải làm thế nào để thoát khỏi sự chi phối của nó. Đây là vấn đề trọng yếu của đạo Phật, và mục đích chân chính của người Phật tử là giác ngộ, giải thoát.

Thông thường khi vào chùa để cầu đạo, chúng ta thường thích học Thiền, tu Tịnh Độ hay Mật Tông, v.v... tìm cầu pháp môn này, pháp môn kia để tu cho mau giác ngộ giải thoát. Nhưng giác ngộ cái gì? Giải thoát Ai chứ?

Chẳng hay bạn đọc có bao giờ thử chạy ngược dòng chưa? Ngược dòng ở đây có nghĩa là ngược dòng tư tưởng, ngược dòng ý niệm. Một lần trong sách "Đại Thủ Ấn" tôi có nói sơ về hai loại ý niệm tư tưởng:

1/ Ngược dòng: đây là những ý niệm phân tách tìm tòi nguyên nhân của một việc, nó là một phần của trí tuệ có công năng kéo tâm trở về gần bổn tánh hay thực tại .

2/ Xuôi dòng: Là những ý niệm suy nghĩ tính toán chuyện thế gian liên quan đến cái Ta (Ngã).

Nếu bạn đi xuôi theo dòng tư tưởng thì sẽ thấy nó vô cùng tận, không có chỗ hết, chỉ trừ khi bạn muốn ngừng hoặc chuyển sang một đề tài khác. Nhưng nếu bạn đi ngược dòng tư tưởng thì một lúc nào đó nó sẽ dẫn bạn đến một con đường cùng, bế tắc bởi một bức tường. Bức tường đó chính là bức tường vô minh, mà nếu không dùng trí tuệ soi thủng nó thì bạn sẽ chán nản trở ra đi theo con đường cũ (tức xuôi dòng).

Làm thế nào để đi ngược dòng? Có một phương tiện đơn giản đó là tự đặt ra nhiều câu hỏi ngược lại với những chữ như: Tại sao? Vì sao? Ai? Cái gì? v.v...

Để dễ hiểu chúng ta có thể lấy thí dụ về đề mục "giải thoát" để quán chiếu ngược dòng:

Hỏi: Tại sao muốn tu hành?
Đáp: Vì muốn giải thoát.

Hỏi: Tại sao muốn giải thoát?
Đáp: Vì khổ?

Hỏi: Ai khổ? Khổ cái gì?
Đáp: Tôi khổ. Khổ vì sinh, già, bệnh, chết....

Hỏi: Ai sinh, già, bệnh, chết?
Đáp: Hỏi vớ vẩn! Tôi sinh, già, bệnh, chết chớ còn ai vào đây. Chẳng lẽ cục đá sinh, già, bệnh, chết hay sao?

Hỏi: Thế "Tôi" là ai?
Đáp: Tôi là ờ...ờ .... ơ ...Tôi! Tôi là Tôi!

Nếu có hỏi tiếp nữa thì câu trả lời vẫn là: "Tôi là Tôi!" Không biết bạn đọc có bao giờ tự hỏi mình: "Ta là Ai " chưa?

"Tôi là Tôi! hoặc Ta là Ta!" chính là bức tường của đường cùng.

Hỡi các bạn Phật tử, tại sao chúng ta phải tu hành? Tu hành vì chúng ta khổ! Tại sao chúng ta khổ? Chỉ vì chúng ta có cái "Ta". Nếu không có "Ta" thì Ai khổ? Nếu không có Ai khổ thì Ai cần tu hành, Ai muốn giải thoát? Nếu không có "Ta" thì Ai sinh Ai tử?

Tóm lại nguyên nhân của khổ chính là sự có cái Ta (ngã) .

Trong Đạo Đức Kinh (Chương 13), Lão tử có nói:

Ngô sở dĩ hữu đại hoạn dả, vị ngô hữu thân,
Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?

Tức là:

Ta sở dĩ có hoạn nạn lớn vì ta có thân,
Nếu không có thân, làm gì có nạn (khổ).

Lão tử cho xác thân chính là nguyên nhân của khổ, nhưng nay nếu bạn hiểu được chính cái Ta (ngã) là nguyên nhân của khổ thì bạn có thể nói theo Lão tử.

Ngô sở dĩ hữu đại hoạn dả, vị ngô hữu ngô;
Cập ngô vô ngô, hà hoạn chi hữu.

Tức là:

Ta sở dĩ có hoạn nạn lớn vì ta có Ngã,
Nếu không có Ngã thì lấy ai chịu khổ.

Thông thường khi nói về nguyên nhân của khổ, đa số cho là ba độc: tham, sân, si. Nhưng nguyên nhân của khổ có thể nhìn từ cạn đến sâu. Theo cạn thì nguyên nhân của khổ là ba độc hoặc mười phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Xa hơn một chút thì ái dục được xem là nguyên nhân của khổ. Sâu hơn và tột cùng thì vô minh chính là nguyên nhân của khổ. Vô minh thường biểu lộ qua hai khía cạnh: chấp ngã và chấp pháp. Chấp ngã là tin có một cái Ta chân thật, hiện hữu tự tánh và bám víu vào nó. Chấp pháp là cho rằng tất cả sự vật thật có tự tánh, thường hằng không thay đổi. Chấp ngã và chấp pháp là hai căn bệnh vô thỉ của chúng sinh mà cũng là nguyên nhân chính của đau khổ luân hồi. Tất cả giáo lý Phật pháp đều nhằm giải trừ hai căn bệnh này. Tuy nhiên giáo lý Nguyên Thủy nhấn mạnh về việc điều trị bệnh chấp ngã, còn giáo lý Đại thừa nhấn mạnh về việc điều trị bệnh chấp pháp.

-ooOoo-

GIẢI THOÁT

Khi khỏi bệnh chấp ngã, tức hoàn toàn chứng nhập Vô Ngã (Anatta) thì hành giả đắc quả A La Hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Khi khỏi bệnh chấp pháp, tức hoàn toàn thấu triệt và thể nhập Không tánh (Sunyata) thì hành giả thành Phật, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nghi vấn: Có người hỏi vô ngã tức không có Ta, vậy nếu không có Ta thì Ai chứng A La Hán?

Nếu quán chiếu kỹ về sự chấp ngã, ta sẽ hiểu dễ dàng vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là không còn ai hết. Sau khi chứng A La Hán, hành giả vẫn còn thân, còn năm uẩn, thí dụ như ngài Xá Lợi Phất, sau khi chứng A La Hán, ngài đâu có biến mất, vẫn còn sống, còn ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi đứng, nói năng, v.v... Nhưng trong tâm của ngài không còn bám víu chấp vào một cái Ta. Khi đi, khi đứng, ngài thấy rõ chỉ có một sự đi, sự đứng, chứ không có một cái Ta nào đang đi hay đứng.

Thể nhập Không Tánh cũng vậy. Thể nhập Không Tánh không có nghĩa là biến mất vào hư không. Khi thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddharta) thành Phật, ngài đâu có biến mất, nước Ấn Độ cũng đâu có biến mất. Trong các chương sau sẽ nói rõ hơn về Vô Ngã và Không Tánh.

-ooOoo-

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Trước khi bước chân đi tìm một pháp môn nào đó để tu tập, thiết nghĩ chúng ta cần phải nắm vững, và hiểu rõ về ba Diệu Đế trước. Sau khi biết rõ lý do vì sao tu hành, thấy rõ mục đích để hướng tới, chúng ta có thể lựa chọn một con đường chính đáng và thích hợp cho mình .

Phật giáo Nguyên Thủy khi nói về Đạo Đế, thường liệt kê 37 phẩm trợ đạo: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chánh Đạo. Trong đó Tứ Niệm Xứ được thực tập nhiều nhất và đuợc xem như pháp môn chính ở các nước Phật giáo phương Nam như: Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt ...

Phật giáo Đại thừa khi nói về Đạo Đế, vẫn liệt kê 37 phẩm trợ đạo, nhưng trên thực tế thì lại xiển dương các pháp môn khác như Thiền Tông, Tịnh Độ, Mật Tông, v.v... Đại thừa Phật giáo được thịnh hành ở phương Bắc: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tây Tạng...

Ở đây bạn đọc có thể hỏi, tại sao Đại thừa không làm theo lời Phật dạy? Xin cho bạn hay về quan niệm của mỗi bên. Theo Tiểu thừa thì: "Tất cả những lời của Phật nói đều là chân lý". Theo Đại thừa thì: "Những gì (được xem) là chân lý đều do Phật nói". Quan niệm của Đại thừa phóng khoáng không bị hạn hẹp bởi lời kinh, dùng nhiều phương tiện thiện xảo (upaya) miễn sao đưa người đến giải thoát, đó là mục đích chính.

Trong Tứ Diệu Đế, theo tôi nghĩ thì Đạo Đế quan trọng hơn cả, vì chỉ có Đạo Đế mới làm cho đạo Phật khác hẳn các đạo khác. Vì sao? Vì các đạo khác cũng biết đời là khổ, biết tu hành để cầu sự sung sướng, nhưng con đường của họ không đưa đến giải thoát rốt ráo.

Nói về Đạo Đế là cả một vấn đề, nói hẹp thì có 37 phẩm trợ đạo, nói rộng thì có 84.000 pháp môn. Chúng sinh vô biên, căn tánh vô lượng, không biết đề nghị đến bạn đọc pháp môn nào cho phải. Vả lại dù muốn đi nữa cũng không đủ khả năng và tài đức. Riêng 37 phẩm trợ đạo thường được kê khai trong các bộ kinh A-Hàm và kinh Đại Bát Nhã, nhưng 84.000 pháp môn thì thú thật, tôi chỉ thấy đề cập đến mà chưa thấy kê khai rõ ràng trong tập Kinh hay Luận nào. Có lẽ đây là con số tượng trưng cho pháp môn vô lượng.

Nếu bạn thực sự cầu giải thoát thì trước hết tôi khuyên bạn nên quy-y tam bảo, thọ trì ngũ giới, sau đó không biết nói gì hơn là khuyên bạn đi tìm thầy học đạo. Ban đầu đến với đạo Phật, bạn có thể mua sách Phật đọc thật nhiều, để tạm gợi cho mình một ý niệm về con đường tu tập, sau đó bạn nên đi tìm một vị thầy để nương tựa, học hỏi. Nếu bạn thông minh, cảm thấy thấu hiểu đạo Phật mà vẫn chưa tìm được một vị thầy hướng dẫn tinh thần thì bạn hãy còn thiếu xót nhiều lắm. Nhờ có một vị thầy chỉ dạy cho ta thấy tánh hư tật xấu và lòng kiêu căng của mình thì cái ngã của ta sẽ dễ tiêu trừ.

-ooOoo-

LIÊN HỆ THẦY TRÒ

Ở ngoài đời có câu: "Không thầy đố mày làm nên". Từ thuở nhỏ đi học cho đến lúc lớn lên thành tài, chúng ta đã học không biết với bao nhiêu thầy giáo, cô giáo. Nếu không có các thầy giáo, cô giáo thì làm sao ngày nay chúng ta biết đọc, biết viết, biết cộng, biết trừ. Chữ thầy, ngoài nghĩa thầy giáo, cô giáo trong phạm vi học đường còn có nghĩa là người chỉ bảo mình cách làm. Ban đầu nếu không có người chỉ bảo thì mình khó có thể làm gì nên được.

Trong đạo Phật cũng vậy. Người tu hành ban đầu bao giờ cũng cần sự hướng dẫn của một vị thầy. Theo trong luật thì các vị Sa Di không được phép rời thầy của mình, và ngay cả các vị Tỳ Kheo cũng không được rời thầy của mình quá sớm, vì sợ đạo lực chưa đủ, có thể thối thất đạo tâm hoặc sa ngã. Như thế địa vị của thầy rất là quan trọng.

Lý do quan trọng thứ hai là nếu theo một thầy lành, ta sẽ trở nên lành, nếu theo một thầy ác, ta sẽ trở nên ác, ảnh hưởng của vị thầy không phải là nhỏ. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị thầy xứng đáng, tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành sẽ gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể đưa đến thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét tất cả các thầy tu khác nữa.

Làm thế nào để tìm cho đúng? Trước hết bạn phải có tâm thành cầu giác ngộ giải thoát, vì có nhiều Phật tử theo đạo mà không tìm cầu giải thoát mà chỉ đến chùa mua vui, tụ họp tán ngẫu, hoặc chỉ thích làm công quả kiếm chút phước. Sau đó khấn nguyện chư Phật, Bồ tát gia hộ cho bạn tìm được một vị thầy chân chính, xứng đáng. Khi nghe danh một vị nào đó, không được vội vã, hấp tấp mà phải trải qua một thời gian gần gũi, thân cận học hỏi và khảo xét. Theo trong quyển "Sự Sư pháp ngũ thập tụng" (Gurupancasika) , tức 50 bài kệ nói về sự hầu thầy của ngài Mã Minh (Asvaghosa) thì một vị thầy xứng đáng cần có mười điều như sau:

1/ Giữ giới thanh tịnh.
2/ Tu tập thiền định, có tâm vắng lặng.
3/ Có trí huệ, thấu rõ mọi ảo tưởng và chướng ngại.
4/ Phải có một sự hiểu biết sâu rộng nhiều hơn người đệ tử trong pháp môn giảng dạy.
5/ Có tâm kiên nhẫn và hoan hỷ trong lúc dạy học.
6/ Có đầy đủ nội điển Kinh Luận.
7/ Thấu hiểu tánh Không.
8/ Biết tùy căn cơ của đệ tử, dùng những phương tiện thiện xảo hướng dẫn.
9/ Có lòng đại từ, đại bi thương đệ tử.
10/ Hết lòng dạy dỗ đệ tử không nhàm mỏi, không phân biệt căn tánh, địa vị, giai cấp.

Nếu bạn may mắn, nhờ tích lũy căn lành từ nhiều đời trước, gặp được một vị thầy như vậy thì bạn hãy mau đảnh lễ vị ấy mà xin làm đệ tử .

Trong quyển "Đại Thủ Ấn", có nói đến một phép quán đặc biệt của Kim Cang Thừa, đó là "Bổn Sư Du Già" (Guru Yoga). Tất cả hành giả tu tập Đại Thủ Ấn nói riêng, và tu tập Mật Tông (Tantrayana) nói chung đều phải trải qua một thời gian tu tập về pháp môn này. Ở đây không kể lại dài giòng, chỉ xin nói sơ là trong pháp quán này, hành giả phải quán tưởng trước tiên vị Bổn Sư của mình trên đảnh đầu, sau đó mới quán tưởng tiếp đến những chi tiết khác. Do đó trong Kim Cang Thừa, địa vị của thầy Bổn Sư rất là quan trọng và thiết yếu.

Nhưng Bổn Sư của Mật giáo Kim Cang Thừa có đồng nghĩa với Bổn Sư của Hiển giáo Đại Thừa không?

Theo truyền thống Đại thừa thì vị thầy mà ta quy-y hay thọ giới đầu tiên được xem là thầy Bổn Sư. Chữ Bổn ở đây có nghĩa là thời gian đầu tiên, thuộc về sự tướng. Thêm nữa, dù người đệ tử có ưa thích, kính phục hay không thì vị thầy này vẫn là Bổn Sư. Để phân biệt với Bổn Sư của Mật Giáo, ta có thể tạm gọi vị thầy này là "sự tướng Bổn Sư".

Theo Kim Cang Thừa, vị thầy nào làm cho ta giác ngộ bổn tánh thì vị đó được xem là Bổn Sư (rtsa ba'i lama). Chữ Bổn (rtsa ba) ở đây có nghĩa là bổn tánh, thuộc về lý tánh. Như vậy, vị thầy truyền giới hay bất cứ vị thầy nào khác cũng có thể trở thành thầy Bổn Sư cả. Sự thành hình của Bổn Sư không qua hình tướng bên ngoài như lập đàn, truyền giới, thọ giới, quy-y ... Và vị thầy không thể nói với đệ tử: "Ta là thầy Bổn Sư của ngươi". Chỉ có chính người đệ tử tự lựa chọn lấy vị Bổn Sư của mình. Đây có thể gọi là "lý tánh Bổn Sư".

Chưa nhận Bổn Sư thì thôi, nhưng nếu nhận một vị thầy làm Bổn Sư thì người đệ tử phải hết lòng tin tưởng, tôn kính, cúng dường vị thầy đó xem như một đức Phật.

Nếu xem vị thầy của mình là một người thường, thì những lời dạy của thầy sẽ trở thành lời dạy tầm thường, và kết quả là ta sẽ chứng quả tầm thường.

Nếu xem vị thầy của mình là một Bồ tát, thì những lời dạy của thầy là lời dạy của Bồ tát, và nếu y theo tu tập thì ta sẽ trở thành Bồ tát.

Nếu xem vị thầy của mình là một đức Phật, thì những lời dạy của thầy sẽ là lời dạy của Phật, và nếu y theo tu tập thì ta sẽ thành Phật.

Xem thầy Bổn Sư như một Bồ tát hay một đức Phật là căn bản của Kim Cang Thừa. Không biết bạn đọc có bao giờ nhìn hoặc xem vị thầy của mình như một Bồ tát hay một đức Phật chưa? Nếu chưa thì bạn hãy tập thử đi. Nói thì có vẻ dễ, nhưng thực tế không phải chuyện dễ làm. Mỗi khi đến chùa, được thầy săn đón thăm hỏi, làm vừa lòng mình thì ta hoan hỷ cung kính cúng dường, nhưng khi nào bị thầy la mắng khiển trách thì tâm ta phiền não giận hờn oán ghét thầy. Ngày nào trong tâm còn chấp ngã, cống cao ngã mạn, thì ngày đó ta chỉ nhìn thấy những lỗi xấu của người khác, một mảy tốt còn không thấy, nói chi đến chuyện thấy là Bồ tát, là Phật.

Riêng nói thêm về Đại Thủ Ấn, phần tu tập thường được so sánh với ba phần trên thân thể của con người:

1/ Sự tin tưởng, tôn kính vị thầy được xem như phần đầu.
2/ Sự tu tập thiền quán được xem như phần thân.
3/ Sự xa lìa các pháp thế gian được xem như phần chân.

Sự tin tưởng, tôn kính vị thầy mình là nguồn gốc của tất cả thành tựu, chứng đắc (siddhi).

Đến đây, tôi không biết viết thêm bao nhiêu nữa cho đủ để nói lên tầm quan trọng của một vị thầy dẫn đạo. Chỉ biết khuyên bạn đọc nên tìm một vị thầy xứng đáng để nương tựa trong suốt cuộc hành trình đưa đến giải thoát. Sự liên hệ thầy trò thiêng liêng lắm, được làm đệ tử của một vị thầy giác ngộ hay tu hành chân chính, chắc chắn ta sẽ giải thoát, không trong đời này thì trong những đời kế tiếp, vì ta đã gieo duyên (connexion karmique) với thầy đó rồi. Với lòng đại từ đại bi, vị thầy đó sẽ không bỏ ta, dù trải qua trăm ngàn kiếp.

Tìm được lâu hay mau đó cũng tùy nghiệp duyên của bạn. Chư Phật, Bồ Tát, số lượng nhiều hơn số cát sông Hằng, các ngài ở khắp mười phương, thề độ tận chúng sanh, thế nhưng sao ta chẳng thấy? Nếu chưa thấy thì bạn hãy thành tâm cầu nguyện, tụng kinh sám hối và tiếp tục tìm kiếm. Tục ngữ Tây Tạng có câu: "Khi đệ tử chín mùi, thì vị thầy tự đến".

Xưa kia các đại đệ tử của đức Phật như: Xá lợi Phất, Mục kiền Liên, Ca Diếp, A Nan, v.v... có duyên lành được gặp Phật và mau đắc quả là do nhiều đời nhiều kiếp lâu xa đã từng gieo duyên với Phật, đã từng làm anh em, bè bạn, thầy trò với bồ tát.

Đa số chúng ta ngày nay rất hờ hững về liên hệ thầy trò. Người nam thường ít đến chùa, có đến chăng nữa, với căn tánh kiêu mạn nên ít chịu hạ mình lễ lạy, cung kính, hỏi đạo quý thầy. Người nữ thì ngược lại, thường đến chùa, nhưng căn tánh hay ái nhiễm, ganh tị, nên hoặc làm công quả hầu hạ quý thầy, hoặc tâm sự những chuyện tình cảm phiền não chồng con, ít có tham vấn học hỏi đạo lý. Như thế không biết đến bao giờ mới gặp được thầy lành, bạn tốt. Bản thân vô minh, u mê từ đời vô thỉ, nếu không gặp thầy lành, bạn tốt chỉ dạy, nhắc nhở thì đến kiếp nào mới mong giải thoát?

-ooOoo-

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn