Phần II-1
PHƯƠNG PHÁP TU
Tu tập về Vô Ngã chắc chắn có nhiều phương pháp, nhưng ở đây tôi chỉ xin giới thiệu bạn đọc hai phương pháp mà tôi được học và thực hành. Một phương pháp dùng lý trí suy luận theo Trung Quán và một phương pháp thứ hai là Tứ Niệm Xứ.
1/ THEO TRUNG QUÁN
Sau đây là phương pháp quán chiếu về bốn điểm, hay bốn giai đoạn, một phương pháp thông dụng của phái Hoàng Mạo (Gélugpa), một trong bốn phái chính của Tây Tạng [*]. Phương pháp này tôi được học tại Tu Viện Nalanda ở Lavaur (Toulouse).
[*] Tây Tạng ngày nay còn 4 phái chính: Cổ Mật (Nyingma), Áo Vải (Kagyu), Hồng Giáo (Sakya), và Hoàng Mạo (Gélug).
Trước khi tu tập về bất cứ pháp môn nào, chúng ta cần phải phát Bồ Đề Tâm (bodhicitta), tức phát nguyện thành Phật để cứu độ chúng sanh. Vì chúng sanh thảy đều là cha mẹ ta trong vô lượng kiếp, nay vì vô minh che lấp nên vẫn còn say mê lặn hụp trong sinh tử luân hồi. Tiếp theo chúng ta nhớ tưởng và đảnh lễ chư Phật, Bồ Tát cùng tất cả thầy tổ trực tiếp hay gián tiếp dẫn dắt và chỉ đạo cho ta và cầu xin các ngài gia hộ cho chúng ta sớm mau giác ngộ. Sau buổi tu tập, chúng ta không nên quên hồi hướng công đức cầu thành Phật, và cầu cho chúng sanh được an vui, hạnh phúc, chóng quay về bờ giác.
Sau đây là bốn giai đoạn quán chiếu:
1/ Nhận rõ đối
tượng phủ định.
2/ Quyết trạch.
3/ Không phải là một.
4/ Không phải là khác.
1/ Nhận rõ đối tượng phủ định
Đối tượng phủ định ở đây chính là cái Ta tự ngã, cái Ta hiện hữu tự tánh. Tới đây tôi xin nhắc lại, có hai loại Ta: một cái Ta dường như có thật, hiện hữu tự tánh (le Je intrinsèque), không lệ thuộc vào nhân duyên, không lệ thuộc vào năm uẩn, nó tựa như là chủ của thân và tâm. Chính cái Ta này là một tà kiến, cấu tạo bởi vô minh, nó là cái Ta cần được phủ định. Nó chưa bao giờ có thật mà chúng sinh bám víu vào nó rồi tạo bao nghiệp khổ đau!
Cái Ta thứ hai là cái Ta giả lập (le Je conventionnel) trên sự phối hợp của năm uẩn, rất cần thiết để phân biệt, chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân trong một cộng đồng. Một khi hiểu và phủ định được cái Ta thứ nhất, tức cái Ta tự tánh thì cái Ta thứ hai trở thành vô hại.
Cũng cần nói thêm về chữ phủ định, hay bác nghị (réfuter). Đối với một sự vật có thật mà ta từ chối, phủ định cho là không có, thì đó là chấp không hay chấp đoạn (nihilisme). Trong trường hợp cái Ta tự tánh, nó không có thật, chưa bao giờ hiện hữu, nhưng chúng sanh vì vô minh nên cho là có (hiện hữu). Phủ định cái Ta này không phải là từ chối sự thật mà là bác bỏ cái thấy sai lầm. Phủ định được cái Ta này là hiểu Vô Ngã. Vô Ngã có nghĩa là không có cái Ta độc lập hiện hữu. Trước khi muốn phủ định cái Ta này, bạn cần để ý rõ xem nó hiện hữu kiểu nào, khi nào? Nếu không thì chẳng khác gì đi lùng kẻ trộm mà không biết mặt mũi nó ra sao !
Khi đi chợ, bạn nói:"Tôi đi chợ". Cái Tôi (Ta) này thuộc loại Ta nào? Thuộc loại giả lập, vì thực tế có một cái thân đi chợ. Cái Ta ở đây được xem như đồng hóa với cái thân, tức liên quan, tùy thuộc vào thân. Như vậy cái Ta này không phải là đối tượng phủ định. Bạn hãy đi tìm trong trường hợp nào, cái Ta xuất hiện hoặc hiện hữu một mình, không dính líu hay tùy thuộc vào thân và tâm. Đó là những trường hợp khi bạn bị đau nhức, mắng chửi, hoặc cảm động, ưa thích. Thí dụ nếu có ai chửi bạn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, tức tối: "Tại sao nó lại chửi Tôi?" Chính ngay lúc đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy có một cái Tôi (Ta) hiện hữu rõ ràng như độc lập không ăn nhằm gì đến thân hay tâm cả ! Cái Tôi đó bị chửi, bị tổn thương chứ không phải cái tâm hay thân bị chửi. Người ta đâu có chửi thân tôi, đâu có chửi tâm tôi, người ta chửi "Tôi" mà ! Cái "Tôi" này chính là cái Ta tự tánh, cần phải phủ định, vì nó không có thật mà chỉ là một ảo tưởng (illusion) của tâm.
Nhiều khi đi làm về mệt, bạn tự nhủ: "Ta phải nghỉ ngơi để thân tâm được an ổn thoải mái !". Ngay lúc nói như vậy, bạn có thấy ba phần không? Đó là cái Ta, đóng vai trò chủ động, và thân, tâm hai phần này như là thuộc hạ của cái Ta, bị cái Ta sai khiển. Cái Ta này thuộc loại Ta tự tánh, cần được phủ định.
Trên đây chỉ là hai thí dụ ngắn để thấy thế nào là cái Ta hiện hữu độc lập tự tánh. Trong giai đoạn đầu, bạn hãy tập để ý, ghi nhận trong đời sống hằng ngày, sự xuất hiện cũng như sự hiện hữu của cái "Ta tự tánh" này. Sau một thời gian thuần thục ghi nhận sự xuất hiện của cái Ta tự tánh, bạn có thể dành những buổi thiền tọa để quán chiếu về nó. Vào đầu buổi thiền tọa, bạn hãy theo dõi hơi thở để đưa tâm trở về trạng thái yên tịnh. Sau khi yên tịnh rồi, bạn mới "lôi" cái Ta này ra, nghĩa là làm sao cho nó khởi lên trong tâm để quán chiếu, bằng cách nhớ lại vài chuyện buồn, giận, thương, ghét liên quan đến cái Ta. Bạn cần phải tế nhị trong việc "lôi" cái Ta này, vì vấn đề không phải dễ. Trong trường hợp định lực quá mạnh, theo dõi hơi thở chăm chú, an trụ được trong trạng thái yên tịnh, không muốn khởi nghĩ chuyện gì khác, thì không thể "lôi" cái Ta này ra được. Ngược lại, nếu định lực chưa đủ, "lôi" cái Ta này ra sớm quá, nó sẽ "lôi" lại bạn, nghĩa là nó sẽ lôi hết chuyện đời của nó ra cho bạn xem, để bạn cùng cười, cùng khóc với nó. Và như thế buổi thiền quán coi như bỏ đi !
2/ Quyết trạch
Thông thường, một vật nếu hiện hữu, thực có thì hoặc nó là một (unité) hoặc là hai (pluralité). Một có nghĩa là cùng một thứ, hai có nghĩa là khác (distinct). Thí dụ cây bút là một, bông hồng là một, nhưng bông hồng và cây bút là hai, vì bông hồng không phải là cây bút. Xin nhắc lại bạn đọc, ở đây chúng ta nói chuyện theo luận lý học (la logique) chứ không nói chuyện Thiền. Theo luận lý học thì một là một, hai là hai, một không phải là hai. Phương pháp quán chiếu ở đây thuộc biện chứng phủ định của Trung quán, nó cũng tuân theo kỷ luật của luận lý học, đặt ra những quy tắc căn bản để bàn cãi, chứ không phải phủ định bừa bãi.
Thí dụ đi đường, gặp cảnh sát hỏi giấy tờ. Bạn sẽ thò tay vào áo để tìm thẻ căn cước. Áo của bạn có hai túi: phải và trái. Nếu thẻ căn cước có ở trong áo bạn thì nó sẽ phải nằm hoặc trong túi phải hoặc trong túi trái. Nó không thể nào vừa nằm trong túi trái lại vừa nằm trong túi phải được. Thò tay vào túi phải không thấy, thì chắc nó nằm trong túi trái. Và nếu thò vào túi trái không thấy thì bạn phải kết luận rằng thẻ căn cước không có trong áo bạn.
Trở về cái Ta độc lập tự tánh (le Je intrinsèque). Nơi nào có năm uẩn là dường như có cái Ta. Nếu nó hiện hữu, có thật thì nó phải hoặc là một hoặc là hai. Một có nghĩa nó là năm uẩn. Hai có nghĩa là nó khác năm uẩn. Bạn phải công nhận quyết trạch chỉ có hai trường hợp này thôi, không thể có trường hợp thứ ba, thứ tư nào khác được. Nó không thể nào vừa là năm uẩn lại vừa khác năm uẩn được. Nếu nó không phải là một, cũng không phải là hai thì bạn phải quả quyết rằng nó không có thật, không hiện hữu.
3/ Không phải là một
Nếu cái Ta tự tánh là một với năm uẩn, tức nó chính là năm uẩn. Ở đây có hai trường hợp: hoặc nó là một với cả năm uẩn, hoặc nó là một với riêng từng uẩn.
a/ Cái Ta là một với cả năm uẩn: Cái Ta là một. Năm uẩn là hai vì Sắc không phải là Thọ, Thọ không phải là Tưởng, Tưởng không phải là Hành, Hành không phải là Thức. Một không thể là hai được. Đây là một điều phi lý. Vì nếu Ta là năm uẩn thì năm uẩn phải là một (thứ), tức Sắc là Thọ, là Tưởng, là Hành, là Thức. Nếu Sắc là Hành thì cái tay phải biết suy nghĩ, nếu Sắc là Tưởng thì ngón chân cũng nhìn thấy được cảnh vật.
b/ Cái Ta là một với riêng từng uẩn: Nếu Sắc là Ta thì bốn uẩn kia là ai? Nếu Ta là thân thì Ta không thể cùng lúc là tâm được. Bạn hẳn còn nhớ chuyện thẻ căn cước và hai cái túi? Ở đây cần nhắc lại một lần nữa, cái Ta mà chúng ta đang bàn luận không phải là cái Ta giả lập mà là cái Ta hiện hữu độc lập tự tánh. Tự tánh có nghĩa không tùy thuộc vào nhân duyên, tự nó có một mình, tức là một. Mà một thì không thể vừa là cái này vừa là cái kia được.
Một số trong chúng ta thường cho tâm là Ta. Nhưng nếu tâm là Ta thì thân là ai? Nếu Ta là tâm thì Ta không thể cùng lúc là thân được, mà nếu không là thân vậy khi đau chân tại sao lại nói: "Tôi đau chân"? Đây là điều phi lý thứ hai.
c/ Có một số cho rằng cái Ta nằm ở trong năm uẩn và chạy tới lui. Nếu bạn ở trong một căn nhà năm phòng, đồng ý bạn có thể chạy tới lui từng phòng, nhưng bạn cũng phải thấy được những gì trong từng phòng chứ ! Vậy nếu cái Ta nằm ở trong năm uẩn và chạy tới lui thì cái Ta cũng phải thấy được tim, gan, phèo, phổi,v.v... chứ? Do đó đây cũng là một điều phi lý.
d/ Nếu bảo Ta là một với năm uẩn, tức là một với thân tâm, vậy sao lại nói: "thân của Tôi", "tâm của tôi"? Nói như vậy có nghĩa là thân, tâm và Tôi là hai thứ khác nhau.
e/ Nếu bảo Ta là một với năm uẩn, là một với thân tâm, vậy khi Ta muốn gì, thì thân, tâm phải như thế ấy chứ ! Vậy khi bụng đau, sao Ta không bảo cái bụng hết đau đi?
Trên đây chỉ là vài thí dụ phủ định cho thấy rằng cái Ta tự tánh không phải là một với năm uẩn.
4/ Không phải là khác
Tới đây xin định nghĩa thêm về chữ "khác". "Khác" có hai loại:
1/ Khác (distinct) nghĩa là không giống nhau. Thí dụ: bánh xe "khác" với cái xe, nhưng bánh xe không phải biệt lập với cái xe, vì bánh xe và cái xe vẫn có một sự liên quan với nhau.
2/ Khác biệt (indépendant, séparé) có nghĩa là hoàn toàn biệt lập, cách lập. Thí dụ: bông hồng và cái xe là hai vật "khác biệt" (distinct et séparé) vì bông hồng không liên quan gì đến cái xe.
Cái Ta giả lập khác với năm uẩn nhưng không khác biệt với năm uẩn, vì nó là danh từ giả lập của năm uẩn, tương tự như thí dụ bánh xe và cái xe.
Cái Ta đang bàn luận ở đây là cái Ta hiện hữu độc lập tự tánh, và chữ "khác" dùng cho nó bao gồm cả hai nghĩa khác và khác biệt. Chữ "tự tánh" (nature propre, intrinsèque) quan trọng lắm, vì nếu không hiểu rõ thì pháp quán chiếu này sẽ trở thành một cuộc suy luận trí thức suông. Như đã nói ở trên, tự tánh có nghĩa là tự nó có một mình, không tùy thuộc vào yếu tố, nhân duyên nào khác cả.
Nếu cái Ta tự tánh khác với năm uẩn, tức là giữa hai bên không có sự liên quan nào, thì như vậy ta có thể tách rời đâu là Ta tự tánh và đâu là năm uẩn. Giống như bông hồng với cây bút là hai, tức hoàn toàn khác biệt nên ta chỉ có thể chỉ đâu là bông hồng, đâu là cây bút.
Nếu tách rời năm uẩn ra, bạn có thể chỉ đâu là Ta được không? Không thể được ! Như vậy năm uẩn và Ta tự tánh không phải là hai, không phải khác.
Như bạn với cái bàn là hai, tức biệt lập nên khi lấy dao chặt cái bàn bạn đâu có thấy đau. Cũng vậy nếu cái Ta và năm uẩn là hai, tức khác nhau thì đem dao chặt chân, cái Ta cũng phải không thấy đau chứ! Nhưng thực tế thì sao?
Vậy cái Ta và năm uẩn không phải là hai, cũng không phải khác. Rời năm uẩn ra không thể tìm đâu là cái Ta được.
Đến đây xin tóm lược lại để bạn đọc dễ nhớ về bốn giai đoạn:
1/ Xác định rõ
ràng có cái Ta (tự tánh).
2/ Nhận định nếu cái Ta có thì nó phải là một hoặc là hai với năm uẩn (thân,
tâm).
3/ Tìm cái Ta nơi năm uẩn không thấy.
4/ Tìm cái Ta ngoài năm uẩn cũng không thấy.
Sau khi tìm kiếm trong năm uẩn, ngoài năm uẩn, không thấy cái Ta đâu thì bạn hãy trụ ở trong trạng thái "không thấy Ta" này. Đây có thể gọi là "Vô Ngã thiền" (Meditation du non-soi). Nếu chẳng may, bị vọng niệm khởi lên làm mất trạng thái trên thì bạn phải quán lại từ đầu, tức đi tìm cái Ta xem nó ở đâu. Tìm đến mức không thấy nó đâu thì bạn lại trụ ở trong trạng thái "không thấy Ta" đó càng lâu càng tốt. Trong trạng thái này, không phải là không có gì, ngoan không (néant, nothingness) mà nó chỉ là trạng thái "không thấy có Ta". Trụ trong trạng thái này càng lâu thì sự bám víu vào cái Ta tự tánh càng tiêu mòn. Sau khi xả thiền, bạn vẫn đi đứng, nằm ngồi, nói năng, nhưng cái dư lực (effet) của "Vô Ngã thiền" sẽ khiến tâm bạn không còn lầm tưởng vào sự hiện hữu thật có của cái Ta tự tánh nữa, mà nó thấy rõ chỉ có cái Ta giả lập mà thôi.
Vấn đề trọng yếu đầu tiên của phép quán này là phải hiểu rõ sự khác biệt giữa hai cái Ta: cái Ta hiện hữu tự tánh và cái Ta giả lập. Nếu hiểu thì sự quán chiếu mới có căn bản và kết quả. Cũng cần phân biệt giữa hiểu (giải, liễu) và thành tựu (chứng đắc). Hiểu Vô ngã là hiểu và tin chắc không có cái Ta tự tánh, nó không có nghĩa là đắc đạo thành A La Hán hay Bồ Tát liền. Hiểu mới chỉ là bước đầu, cần phải tiếp tục tu tập quán chiếu không ngừng cho đến khi hoàn toàn thâm nhập Vô Ngã, nhắm mắt, mở mắt, đi đứng, nói năng, tất cả thời đều không thấy có cái Ta tự tánh, tâm luôn như ở trong "Vô ngã thiền", đấy mới được xem là chứng đắc hay thành tựu Vô Ngã. Xin bạn đọc cẩn thận vì đây không phải là việc dễ làm. Tu hành nói lý thì dễ, nhưng thực sự tu tập sẽ thấy rất là khó !
Phép quán Vô Ngã theo Trung Quán thuộc về suy luận nên cần dùng nhiều đến lý trí. Nếu bạn thấy chưa đủ trí huệ thì bạn có thể cầu tới ngài Văn Thù Sư Lợi (Manjusri) vì ngài là hiện thân của Đại Trí Bát Nhã và cũng là thầy của chư Phật ba đời . Trong giới Phật tử Việt Nam chúng ta thường ít có để ý đến vị Bồ Tát này, đa số chỉ biết cầu đến Bồ Tát Quan Âm để ngài cứu khổ, cứu nạn. Nhưng cứu khổ cứu nạn ai chứ? Nhìn kỹ chúng ta cầu cứu đến ngài chỉ vì lo cho cái Ta khốn nạn, sợ nó bị bệnh tật, tai nạn, đau khổ, v.v... Nhưng tại sao đau khổ chứ? Tại vì vô minh chấp ngã tạo nghiệp, mà tạo nghiệp thì không thoát khỏi quả báo. Nếu có trí huệ thì sẽ không tạo nghiệp, mà không tạo nghiệp thì làm gì có quả báo đau khổ? "Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả", không chịu trau giồi trí huệ, cứ lo tạo nghiệp để đến khi gặp quả khổ thì rên la cầu cứu khổ !
Xưa ở các Phật học viện Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ, trước khi buổi học bắt đầu, tất cả học tăng đều xưng tán, đảnh lễ Văn Thù Bồ Tát, trì tụng câu chú 7 chữ, cầu ngài gia hộ cho họ xa lìa vô minh chấp ngã, chấp pháp, trí huệ sớm khai mở để thấu hiểu thực tánh các pháp.
Ngày nay nếu bạn muốn, sáng sớm sau khi rửa mặt súc miệng, bạn có thể xưng tán và trì tụng câu chú của ngài, ít nhất 7 lần, hoặc 21 lần hoặc 100 lần. Cầu ngài gia hộ cho bạn trí huệ khai mở, học hành sáng suốt, xa lìa vô minh...
Con
xin đảnh lễ
Văn Thù Sư Lợi
Đấng Pháp vương tử
Thầy của chư Phật
Gia hộ cho con
Trí huệ khai mở
Xa lìa vô minh
Sớm mau giác ngộ.
"Om A Ra Pa Tsa Na Dhi" (7, 21, 100 lần).
Khi kết thúc câu chót, bạn đọc Om A Ra Pa Tsa Na Dhi Dhi Dhi Dhi Dhi Dhi Dhi ........Dhi. Đọc chữ Dhi một hơi càng nhiều càng tốt.
Mỗi lần nghiên cứu Kinh Luận hoặc quán chiếu Vô Ngã, Không Tánh, bạn nên trì tụng và tưởng đến ngài, chắc chắn trí huệ sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên theo truyền thống Kim Cang thừa Tây Tạng muốn tu tập hiệu nghiệm thành công thì phải hội đủ ba điều: lễ quán đảnh (dbang, initation), sự truyền khẩu (lung, tramission orale) và sự giải thích (tri, commentaire). Nếu chỉ trì tụng thần chú thôi thì không cần phải đủ cả 3 điều trên nhưng ít nhất cũng phải có sự truyền khẩu thì trì tụng mới linh ứng. Do đó, một ngày nào có duyên gặp các vị sư Tây Tạng, bạn nhớ xin các ngài truyền khẩu cho câu chú trên.
2/ THEO TỨ NIỆM XỨ
Tứ Niệm Xứ là một phương pháp hành thiền xuất phát từ Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) là kinh thứ 10 trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) và Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana Sutta) kinh thứ 22 trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya).
Ngoài ra trước đây ba năm tôi có viết quyển "Thiền Tứ Niệm Xứ" trình bày và giới thiệu phương pháp tu tập Tứ Niệm Xứ. Song le, trong quyển đó đã không đả động gì đến Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ, Vô Ngã) mà chỉ nhấn mạnh về cách thức tu tập chánh niệm (sự ghi nhận khách quan), đó chẳng qua có dụng ý muốn bạn tự tu tập, chứng nhiệm lấy hoặc nếu không thì đi tìm thầy chỉ giáo.
Lần này cũng nói về Tứ Niệm Xứ nhưng nhấn mạnh tới khía cạnh liên quan đến Vô Ngã.
Thế nào là Tứ Niệm Xứ?
Tứ Niệm Xứ là bốn lãnh vực (xứ) quán niệm gồm: thân, thọ (cảm giác), tâm và pháp. Quán niệm có nghĩa là chú tâm quan sát và ghi nhận.
Khi chú tâm quan sát ghi nhận thân thể và những gì liên quan đến thân thể thì gọi là niệm thân (kayanupassana).
Khi chú tâm quan sát ghi nhận những cảm thọ thì gọi là niệm thọ (vedananupassana).
Khi chú tâm ghi nhận và quan sát những trạng thái tâm thức thì gọi là niệm tâm (cittannupassana).
Khi chú tâm quan sát ghi nhận các pháp đối tượng của tâm thì gọi là niệm pháp (dhamma-nupassana).
Điều chính yếu ở đây là niệm (sati) và sự chú tâm quan sát (anupassana), nên gọi là quán niệm. Sự quán niệm ở đây cần phải được làm một cách khách quan, nên còn được gọi là chánh niệm (samma-sati). Chữ chánh có nghĩa là khách quan, ghi nhận đúng như thật, không phân biệt thêm bớt vọng tưởng của mình vào.
1/ Niệm thân:
Hành giả quán niệm thân thể nơi thân thể. Quán niệm về thân thể bao gồm sự ghi nhận quán sát về: hơi thở vô ra, bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), các động tác thông thường (ăn cơm, mặc áo, v.v...), tứ đại và chín giai đoạn tan rã của một tử thi.
2/ Niệm thọ:
Hành giả quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, có nghĩa là giác tỉnh chú tâm ghi nhận một cách khách quan những cảm giác hay cảm thọ của mình: vui sướng (lạc thọ), đau khổ (khổ thọ), hoặc không vui sướng cũng không đau khổ (xả thọ), xem chúng khởi lên ra sao và biến mất như thế nào. Thí dụ khi có một cảm giác vui, hành giả liền biết và ghi nhận: "có một cảm giác vui" và như thế hành giả hay biết các cảm thọ khác và chứng nghiệm chúng một cách tỉnh giác đúng như thật.
3/ Niệm tâm:
Hành giả quán niệm tâm thức nơi tâm thức. Mỗi khi trong tâm có những ý nghĩ hay tư tưởng phát sanh thì hành giả phải liền ý thức và ghi nhận chúng. Những tư tưởng ở đây có thể là tốt, là xấu, thiện hay bất thiện. Hành giả quan sát, theo dõi một cách khách quan, nhìn cả hai mà không luyến ái hay bất mãn.
4/ Niệm pháp:
Hành giả quán niệm đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Đối tượng tâm thức ở đây bao gồm: ngũ cái tức năm hiện tượng ngăn che (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi hối), năm nhóm tụ hợp hay ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), sáu giác quan và sáu loại đối tượng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng), bảy yếu tố của sự ngộ đạo, thất giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, hành xả), bốn sự thật cao quý Tứ diệu đế (khổ đau, nguyên nhân đưa đến khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau).
Cũng cần nhấn mạnh là pháp Tứ Niệm Xứ phải được thực hành một cách khách quan, có nghĩa là hành giả chỉ quan sát suông mà không nên dính mắc vào đề mục, không khởi tâm ưa ghét với đề mục.
Trên đây là phần trình bày sơ lược ý Kinh, riêng về phương pháp thực tập, xin bạn tìm đọc quyển "Thiền Tứ Niệm Xứ".
3/ TỨ NIỆM XỨ VÀ VÔ NGÃ
Tu tập chuyên cần, tinh tấn Tứ Niệm Xứ đúng như pháp, chắc chắn sẽ đưa đến chứng ngộ Tam Pháp Ấn, tức bản chất vô thường, khổ, vô ngã của năm uẩn. Theo kinh nghiệm bản thân, người tu tập Tứ Niệm Xứ cần có một vài căn bản khái niệm về giáo lý Phật Đà, nếu không thì phải được hướng dẫn trực tiếp bởi một Thiền Sư thì sự tu tập mới mau đem lại kết quả. Khi lựa chọn tu tập một pháp môn nào, ta cần phải biết nó sẽ dẫn đến kết quả nào. Một pháp môn chỉ là một phương tiện đưa ta đến mục đích. Nếu muốn hiểu và chứng nghiệm Vô Ngã thì Tứ Niệm Xứ là một phương tiện rất hay, thuộc trực giác, nó giúp hành giả cảm nhận trực tiếp sự vô chủ, vô thường của năm uẩn, không cần phải dùng lý trí suy luận.
1/ Niệm thân:
Khi đi, hành giả niệm, ghi nhận: "Đi! Có sự đi! Hoặc chân bước!". Ban đầu bạn có thể không để ý, nhưng sau một thời gian thực tập, bạn sẽ nhận ra sự ghi nhận này, nó trực tiếp cho bạn thấy chỉ có sự đi là một thực tại, Trong đó không có Ai đang đi ! Không có Ta (Tôi) đang đi ! Vì sao thế? Vì đó là một động tác vô chủ, là sự phối hợp chuyển động của thân và tâm. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy trong động tác đi đó, khởi đầu bằng một ý niệm "muốn đi", và ý niệm này tác động vào thân khiến chân nhúc nhích, di chuyển. Sự phối hợp giữa tâm (ý niệm muốn đi) và thân (chân) tạo ra sự đi. Do đó sự đi vô chủ, không có một ai đi cả !
2/ Niệm thọ:
Khi ngồi thiền lâu, bỗng nhiên cảm thấy đau nhức nơi chân. Bạn không nên niệm: ’Tôi đau chân, hoặc chân tôi đau’. Vì sao? Vì thực tế không có một cái Tôi nào đau chân, và cũng không có cái chân nào là của Tôi ! Chỉ có một cảm giác đau nhức đang phát sinh nơi chân và cảm giác này sẽ trải qua bốn giai đoạn: phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, tan biến. Nếu bạn đã có một chút khái niệm về "62 tà kiến chấp Tôi" thì sự niệm "Tôi đau chân, hoặc chân tôi đau" là cả một điều phi lý.
"Không có Tôi đau chân" vậy Ai đau chân? Không có ai đau chân cả ! Chỉ có một cảm giác đau đang phát sinh và một cái tâm (ý thức) đang ghi nhận mà thôi !
3/ Niệm tâm:
Trong lúc hành thiền, nếu có một ý niệm tham dục khởi lên, bạn phải tỉnh giác ghi nhận liền: "Có một ý niệm tham dục đang khởi lên trong tâm" hoặc "Đây là một ý niệm tham dục". Sau khi niệm xong bạn phải chú ý xem ý niệm đó còn tiếp tục hay đã tan biến. Nếu còn tiếp tục thì bạn cũng tiếp tục ghi nhận sự diễn tiến của nó. Trong sự ghi nhận này không có một cái Ta nào tham dục, và cũng không có Ai tham dục cả. Chỉ có một ý niệm tham dục vừa khởi lên trong tâm mà thôi. Nhờ hiểu như vậy, bạn sẽ không bực tức, không xấu hổ, và thoát ra khỏi sự kềm tỏa của ái dục một cách dễ dàng, không cần phải đè nén hay dằn vặt.
Với những người chưa bao giờ tu tập chánh niệm, chưa bao giờ biết ghi nhận quán chiếu sự hiện khởi của tâm ý, thì khi có một ý niệm tham dục khởi lên, họ sẽ không hay biết, và như thế ý niệm đó tiếp tục tăng trưởng lôi kéo họ. Nếu chẳng may bên ngoài lại có đối tượng kích thích, thí dụ như một người đàn bà đẹp, thì cái ý niệm tham dục kia sẽ thoát ra ngoài thân và có thể đưa tới sự hành dục, nếu không gặp một ngoại cảnh hay nghịch cảnh cắt ngang nó.
Ái dục, sắc dục là một chướng ngại rất lớn cho người tu hành cầu giải thoát. Người có chí, cần phải quán chiếu thật nhiều về Vô Ngã và sự bất tịnh nơi thân thể con người hầu thoát khỏi sự chi phối của ái dục.
Với những người đam mê ái dục, họ cần quan sát cho kỹ ! Sự giao hợp nam nữ mà người đời thường gọi là ân ái chẳng qua chỉ là một sự xúc chạm giữa hai xác thịt vô chủ làm phát sinh ra một cảm thọ cũng vô chủ !
Khi một thanh sắt nung đỏ nhúng vào nước phát ra tiếng xèo xèo. Thử hỏi tiếng xèo xèo đó của ai? Của sắt hay của nước?
Khi hai hòn đá lửa đập mạnh vào nhau toé lửa, vậy lửa đó thuộc hòn đá nào?
Cũng vậy người đời vô minh, không hiểu sự vô ngã, vô chủ của các pháp, lầm chấp cho rằng có Ta là người hành dục, thân là Ta, cảm thọ khoái lạc là Ta, là của Ta nên bám víu tìm cầu ái dục để thỏa mãn cái Ta chưa từng hiện hữu.
4/ Niệm pháp:
Trong phần niệm pháp của Kinh Niệm Xứ có đưa ra năm đề mục quán niệm, nhưng ở đây tôi chỉ đưa ra vài thí dụ cụ thể liên quan đến Vô Ngã.
Đang ngồi thiền, bỗng nhiên bên ngoài có tiếng động như tiếng xe hơi, lúc đó hành giả niệm: "nghe, nghe, nghe" (đó là nương theo nhĩ căn) hoặc niệm:"có tiếng động" (đó là nương theo thanh trần).
Ngoài giờ ngồi thiền, nếu bạn bị ai mắng chửi thì bạn cũng niệm như trên: "nghe, nghe, nghe" hoặc "có tiếng chửi".
Thật ra bạn không nên niệm "có tiếng chửi", vì niệm như vậy không được khách quan cho lắm. Song nếu hiểu và quán chiếu nhiều về Vô Ngã thì bạn cũng có thể niệm như vậy, không hại gì ! Vả lại, dù muốn dù không, ý thức của người thường luôn luôn hoạt động không ngừng nghỉ, ngoại trừ các trường hợp như ngủ mê, chết giả, v.v... do đó khi nghe tiếng chửi, không thể nào mà không biết đó là tiếng chửi !
Có tiếng chửi, nhưng không có thủ phạm! Không có ai chửi ai cả ! Nếu nhìn khách quan bạn sẽ thấy: bên kia có một niệm sân khởi lên, tác động vào thân, phối hợp với hơi, bụng, cổ họng, miệng, lưỡi, v.v... phát ra tiếng nói, hay đúng hơn là một chuỗi âm thanh. Và bên này có tai nghe thấy tiếng (nhĩ tưởng), biết rõ từng tiếng nói gì (nhĩ thức) và sau cùng biết đó là tiếng chửi (ý thức). Trên đây chỉ tạm gợi ý thôi, quán chiếu lâu ngày bạn sẽ thấy cái gọi là chửi chỉ là một chuỗi nhân duyên hiện hành vô chủ. Vấn đề ở đây là làm thế nào thấy được từng phần cấu tạo của chuỗi nhân duyên này. Muốn vậy bạn phải quán chiếu về Vô Ngã và thực tập chánh niệm, tức quan sát ghi nhận bốn lãnh vực.
Tu tập đúng đắn Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ có cái nhìn khách quan đối với sự vật. Không còn cho thân là Ta nên không còn nâng niu, ái nhiễm nó nữa. Không còn cho những cảm thọ là Ta, nên không chạy theo khoái lạc, và cũng không xua đuổi khổ thọ. Không còn lầm cho những ý niệm, tư tưởng, suy nghĩ là Ta nên không còn bị tham, sân, si, vui, buồn, tủi, nhục chi phối. Không còn cho các pháp là của Ta, liên quan đến Ta nên không còn bám víu, thủ xả.
Tóm lại hành giả sẽ sống tự tại giải thoát, "không còn bám víu vào bất cứ sự vật gì trên thế gian", vì không còn bám víu vào cái Ta và những cái của Ta nữa.
Sau khi quán chiếu thuần thục Vô Ngã, bạn có thể dùng chữ "Ai?" làm phương tiện nhắc nhở mỗi khi bị vô minh, phiền não, ái dục cám dỗ. Thí dụ như khi cơn giận nổi lên liền hỏi: "Ai đang tức giận"? Sau đó nhìn thẳng vào cái Ai đó thì sẽ thấy nó chỉ là một ảo giác và nó tự tan biến lấy. Hoặc thường xuyên quán chiếu theo kinh Vô Ngã Tướng như sau:
Thân xác này
không phải là ta hay của ta
Cảm thọ này không phải là ta hay của ta
Sự tưởng này không phải là ta hay của ta.
Những ý nghĩ này không phải là ta hay của ta
Sự nhận thức này không phải là ta hay của ta.
-ooOoo-