(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

I-Con đường kinh hành bằng châu báu

02 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 16819)


Chương này bản dịch của Tỳ Khưu Thiện Minh đang cập nhật, xin mạn phép ghép bản dịch của Tỳ khưu Indacanda (Trương đình Dũng) để quý vị có tài liệu tham khảo.

Dịch Việt: Tỳ khưu Indacanda
(Trương đình Dũng)

Con đường kinh hành bằng châu báu  

 RATANACAṄKAMANAKAṆḌO

 

Khi ấy, vị Phạm Thiên Sahampati chúa tể của thế gian đã chắp tay thỉnh cầu đức Phật rằng: “Ở đây có những chúng sanh có bản chất ít bị ô nhiễm, xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn thuyết giảng Giáo Pháp đến hạng chúng sanh này.”

Đức Thế Tôn, vị chúa tể của thế gian và là đấng tối thượng của loài người, đã được hội chúng Phạm Thiên chắp tay lên thỉnh cầu rằng: “Ở đây có những chúng sanh có bản chất ít bị ô nhiễm, xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn thuyết giảng Giáo Pháp đến hạng chúng sanh này.

Xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Xin Ngài hãy thuyết giảng đạo lộ Bất Tử. Hỡi đấng Lãnh Đạo, vì lòng bi mẫn đối với thế gian xin Ngài hãy thuyết giảng Giáo Pháp.

Lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh đã sanh khởi đến Ngài là vị đã thành tựu toàn vẹn trí tuệ và đức hạnh (Minh Hạnh Túc) như thế ấy, là đấng Quang Minh có thân mạng cuối cùng, là đức Như Lai không người sánh kịp.”

Nghe vậy, đức Thế Tôn bậc Đạo Sư đã nói lời này:

 Những ai có tai nghe hãy cởi trói niềm tin. Các cánh cửa bất tử là không còn che lấp đối với các vị ấy. Này Phạm Thiên, do suy nghĩ là tai hại nên ta đã không thuyết giảng cho các chúng sanh về Giáo Pháp tuyệt vời đã được thuần thục.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, đấng Hiền Triết cao thượng, vị có lòng bi mẫn đối với những người cần được huấn luyện, đã khởi đầu từ cội cây Nigrodha của những người chăn dê.

Với sự ra đi theo tuần tự, đức Thế Tôn đã ngự đến Bārāṇasī. Khi ấy, Ngài đã ngồi xuống trong chính tư thế kiết già cao quý ấy.

Và Ngài đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp về Khổ, về sự sanh khởi của Khổ, về Diệt, và về Đạo Lộ tối thượng đến nhóm năm vị.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã chuyển vận điều ấy đến nhóm ẩn sĩ năm vị ấy cùng với hội chúng Phạm Thiên gồm mười tám koṭi vị.[i][2] 

Trong lần tụ hội thứ nhất, Koṇḍañño, Bhaddiyo, Vappo, Mahānāmo, và Assaji đã đạt được sự lãnh hội Giáo Pháp.

Khi ấy, tất cả đã được huấn luyện theo tuần tự từ vị này đến vị khác cùng với hội chúng Phạm Thiên gồm mười tám koṭi vị.

Khi ấy, trong lần tụ hội thứ nhất đã có quả vị Nhập Lưu. Với sự ra đi theo tuần tự, Ngài đã ngự đến Rājagaha (Vương Xá).

Vị Hiền Triết cao thượng đã ngự tại đại tu viện Veḷuvana. Và sau khi nghe được điều ấy, (đức vua) Bimbisāra (Bình Sa Vương) đã đi đến gặp đức Thế Tôn.

Đám tùy tùng là đông đảo với mười một nahuta (110.000) người.[ii][3] (Đức vua) đã cúng dường đèn, hương thơm, nhang, tràng hoa, v.v... đến đức Thế Tôn.

Khi ấy tại chính cuộc hội tụ này, Ngài đã thuyết giảng về tai hại của các dục đến vị vua lãnh tụ cho đến khi chấm dứt cuộc thuyết giảng.

Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn người. Nghe được điều ấy, vua cha đã phái đi chín vị sứ giả.

Cùng với chín ngàn tùy tùng, họ đã cầu xin đấng Hiền Triết về việc xuất gia. Họ và đoàn tùy tùng chín ngàn người đã đạt đến phẩm vị A-la-hán.

Cuối cùng, vị Kāḷudāyi ấy sau khi đạt được hình tướng tỳ khưu cùng với một ngàn tùy tùng đã mời thỉnh đức Thế Tôn.

Sau khi nhận lời thỉnh mời, đấng thực hành đạo lộ vĩ đại, vị Sakya cao thượng, đã lên đường cùng với hai mươi ngàn vị tỳ khưu.

Với sự ra đi theo tuần tự, Ngài đã ngự đến Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Vị ấy đã thực hiện điều kỳ diệu ở bờ sông Rohiṇī.

Vị Sakya cao thượng đã ngồi xuống ở trung tâm với thế kiết già ấy. Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp về (Bổn Sanh) Vessantara vĩ đại đến người cha. Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn người.

 (Đức Phật quán rằng:) “Bởi vì chư thiên và đám người này không biết được đức Phật đấng Tối Thượng Nhân này là như thế nào, (không biết được) năng lực của thần thông và năng lực của trí tuệ là như thế nào, (không biết được) Phật lực của đấng tế độ chúng sanh là như thế nào.

Bởi vì chư thiên và đám người này không biết được đức Phật đấng Tối Thượng Nhân này là như vầy, (không biết được) năng lực của thần thông và năng lực của trí tuệ là như vầy, (không biết được) Phật lực của đấng tế độ chúng sanh là như vầy.

Như vậy, ta sẽ thị hiện Phật lực tối thượng. Ta sẽ làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung.”

Chư thiên thuộc địa cầu, thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương, thuộc cõi Đạo Lợi, thuộc cõi Dạ Ma, thuộc cõi Đẩu Suất, thuộc cõi Hóa Lạc Thiên, thuộc cõi Tha Hóa Tự Tại, luôn cả đoàn tùy tùng thuộc cõi Phạm Thiên nữa đều hoan hỷ và đã tạo nên tiếng hò reo vang dội.

Khi ấy, sau khi chứng kiến điều kỳ diệu phi thường, quả địa cầu cùng với các cõi trời đã được chiếu sáng và vô số khoảng không gian tối đen dầy đặc phân chia các cõi thế giới đều bị tiêu tan.

Ánh sáng chói lọi rực rỡ đã hiện ra bên dưới, bên trên, chiều ngang, và chiều dọc ở giữa các hạng thiên nhân, càn-thát-bà, nhân loại, và quỷ sứ ở cả hai nơi: ở thế gian này và ở thế giới khác.

Được chư thiên và nhân loại cúng dường, đấng Đạo Sư, bậc Tối Thượng của chúng sanh, không ai vượt trội, là nhà lãnh đạo có đại oai lực có trăm tướng mạo về phước báu, đã thị hiện điều kỳ diệu phi thường.

Trong cuộc hội tụ ấy, đấng Đạo Sư đấng Chiến Thắng, sau khi bay lên trên bề mặt không trung, đã làm hiện ra ngọn núi Sineru có con đường kinh hành xinh đẹp.

Trong sự hiện diện của đấng Chiến Thắng, chư thiên của mười ngàn thế giới đã kính lễ đức Như Lai. Họ đã thực hiện sự cúng dường đến đức Phật.

Khi được thỉnh cầu bởi vị thiên nhân cao quý, bậc Hữu Nhãn ấy, đấng Tối Thượng Nhân, vị Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi quán xét về điều lợi ích đã làm hiện ra con đường kinh hành được hoàn thành khéo léo và đã được thực hiện bằng tất cả các loại châu báu.

Đức Thế Tôn đã thuần thục về ba điều kỳ diệu là: thần thông, tài thuyết giảng, và sự giáo hóa. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã làm hiện ra con đường kinh hành được hoàn thành khéo léo và đã được thực hiện bằng tất cả các loại châu báu.

Ở tại mười ngàn thế giới, Ngài đã thị hiện theo tuần tự những con đường kinh hành làm bằng châu báu giống như các cột trụ ở ngọn núi Sineru tối thắng.

Sau khi vượt qua mười ngàn thế giới, đấng Chiến Thắng đã tạo ra con đường kinh hành làm toàn bằng vàng ở bên cạnh con đường kinh hành làm bằng châu báu.

Cả hai con đường đều tương đương, được lót nền bằng vàng miếng. Các lan can đều toàn bằng vàng đã được thực hiện ở cả hai bên.

Được thực hiện bằng các loại châu báu, được rải rắc lớp cát là ngọc ma-ni và ngọc trai, con đường rọi sáng khắp cả các phương giống như ánh mặt trời đã mọc lên.

Trong việc đi kinh hành ấy, vị thông thái, bậc Toàn Giác, đấng Chiến Thắng, rực rỡ với ba mươi hai tướng trạng cao quý, đã đi kinh hành ở con đường kinh hành.

Tất cả chư thiên đã tụ hội lại rải rắc xuống bông hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô thuộc về cõi trời (tán thán) sự việc đi kinh hành (của đức Phật).

Hội chúng chư thiên thuộc mười ngàn thế giới đã tụ hội lại chiêm ngưỡng đức Phật. Trong lúc kính lễ, họ hớn hở, vui mừng, hoan hỷ hạ thấp người xuống.

Chư thiên ở cõi Đạo Lợi, cõi Dạ Ma, luôn cả cõi Đẩu Suất, chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên và chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại chiêm ngưỡng vị Lãnh Đạo Thế Gian với tâm phấn khởi hân hoan.

Cùng với chư thiên, các hạng càn-thát-bà, nhân loại, quỷ sứ, các loài rồng, thiên điểu, luôn cả loài kim-sỉ-điểu, nhìn thấy đấng tế độ chúng sanh có lòng bi mẫn ấy giống như mặt trăng tròn đã mọc lên ở ngay trên bầu trời.

 (Chư thiên) ở các cõi Quang Âm Thiên, Biến Tịnh Thiên, Quảng Quả Thiên, và Vô Tưởng Thiên với trang phục vô cùng tinh khiết thanh bạch đứng chắp tay.

Hơn nữa, các vị còn rắc xuống bông hoa mạn-đà-la năm màu được trộn lẫn với bột phấn gỗ đàn hương và vung vẫy các tấm vải ở trên không trung (ca ngợi rằng): “Ôi Đấng Chiến Thắng, bậc có lòng bi mẫn tế độ chúng sanh.

Ngài là vị thầy, là ngọn cờ, là biểu hiện, là trụ cột của chúng sanh, là nơi chốn nâng đỡ, là ngọn đèn (là hòn đảo),[iii][4] là bậc tối thượng của loài hai chân.”

 (Với vẻ) hớn hở, vui mừng, hoan hỷ, chư thiên thuộc mười ngàn thế giới có đại thần lực vây quanh lại tỏ sự tôn kính.

Với tâm tư hớn hở tín thành, các thiên nhân và các tiên nữ cúng dường những bông hoa ngũ sắc đến bậc Nhân Ngưu.

Chiêm ngưỡng vị ấy, hội chúng chư thiên (khởi tâm) tín thành, có tâm tư hoan hỷ, rồi cúng dường những bông hoa ngũ sắc đến bậc Nhân Ngưu (tán thán rằng):.

 Ôi thật là điều kỳ diệu ở thế gian! Thật là phi thường khiến lông dựng đứng! Điều kỳ diệu khiến lông dựng đứng giống như việc này trước đây chưa từng xảy ra!

Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, các thiên nhân ấy đã ngồi xuống ở cung điện của mỗi một vị và nở nụ cười vang vang.

Các vị ngự ở không trung và ngự ở trên đất liền trang phục bằng lá cỏ, chắp tay lên nghiêng mình kính lễ (với vẻ) hớn hở, vui mừng, hoan hỷ.

Ngay cả các loài rồng trường thọ có phước báu và đại thần lực cũng hoan hỷ lễ bái và cúng dường đến bậc Tối Thượng Nhân.

Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, các vị xướng lên những bài đồng ca ở khoảng không gian trên bầu trời và trình tấu những chiếc trống da.

Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, nhiều vị cũng đã biểu diễn các tù và vỏ ốc, có các phèng la nữa, và luôn cả những chiếc trống con ở trên không trung.

  (Rồi tán thán rằng:) “Quả nhiên, điều phi thường khiến lông dựng đứng đã sanh khởi đến chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đạt được sự thành tựu lợi ích bền vững. Thời điểm của chúng ta đã đến rồi.”

Khi nghe rằng: “Đức Phật!” niềm phỉ lạc đã tức thời sanh khởi đến các vị ấy. Họ đã đứng yên, chắp tay, thốt lên rằng: “Đức Phật! Đức Phật!

Và ở trên không trung, nhiều hạng chúng sanh chắp tay, thốt lên lời tán thán, ca ngợi, cổ vũ, reo hò.

Các vị ca hát, hò hét, tấu nhạc, vỗ tay, và nhảy múa. Hơn nữa, các vị còn rắc xuống bông hoa ngũ sắc, bông hoa mạn-đà-la được trộn lẫn với bột phấn gỗ đàn hương.

 (Họ thốt lên rằng:) “Hỡi bậc Đại Hùng, tương tợ như dấu hiệu của bánh xe ở hai bàn chân của Ngài có ngọn cờ, lưỡi tầm sét, huy hiệu, sự hưng thịnh, và gậy móc câu là vật tô điểm.

Không có ai tương đương về dáng vóc, về giới, về định, về tuệ. Ngài ngang bằng với các bậc không thể sánh bằng về sự giải thoát và trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.

Sức mạnh tự nhiên trong cơ thể của Ngài là sức mạnh của mười con voi. Không ai sánh bằng Ngài về năng lực thần thông trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.

Các vị hãy kính lễ bậc Đại Hiền Triết, đấng Từ Bi, vị Chúa Tể Thế Gian đã được thành tựu tất cả các đức hạnh và đã đạt được toàn bộ các chi phần như thế ấy.

Ngài xứng đáng tất cả các sự tôn kính, ca tụng, đảnh lễ, tán dương, lễ bái, và cúng dường.

Bạch đấng Đại Hùng, ở trên thế gian bất cứ những ai nên được đảnh lễ, những ai xứng đáng sự đảnh lễ, Ngài là vị đứng đầu tất cả. Người bằng Ngài không tìm thấy được.”

Sāriputta có đại trí tuệ, thông thạo về định và thiền, chiêm ngưỡng đấng Lãnh Đạo Thế Gian dầu đang đứng ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu).

Vị ấy nhìn thấy đấng Nhân Ngưu trông giống như cây Sālā chúa nở hoa đều khắp, tương tợ như mặt trăng ở trên bầu trời, y như là mặt trời lúc chính ngọ.

Vị ấy nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian rực rỡ ánh hào quang trông giống như cây trụ đèn đang cháy rực, tương tợ như mặt trời hừng đông đã ló dạng.

Sāriputta đã tức thời tựu hội lại năm trăm vị tỳ khưu là những vị có các lậu hoặc đã tận, không còn ô nhiễm, có các phận sự đã được hoàn thành như thế ấy (nói rằng):

 Đức Phật đã làm hiện rõ điều kỳ diệu tên là ‘Sự phô bày thế giới.’ Chúng ta cũng sẽ đi đến nơi ấy và chúng ta sẽ đảnh lễ đấng Chiến Thắng.

Hãy đến, tất cả chúng ta sẽ đi. Chúng ta sẽ hỏi đấng Chiến Thắng. Chúng ta sẽ xua tan mối hoài nghi sau khi nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.”

Sau khi đáp lại rằng: “Lành thay!” các vị thông thái ấy, có các căn được hộ trì, đã cầm lấy y và bình bát rồi mau chóng đi đến.

Bậc đại trí tuệ Sāriputta đã đi đến bằng thần thông cùng với các vị Lậu Tận đã được rèn luyện trong sự rèn luyện tối thượng, không còn ô nhiễm.

Được tháp tùng bởi các vị tỳ khưu ấy, vị có hội chúng đông Sāriputta đã đi đến bằng thần thông tợ như vị thiên nhân đang đùa giỡn ở trên không trung.

Sau khi ngăn lại tiếng tằng hắng và sự khịt mũi, các vị có đức hạnh đã tiến đến gần bậc Toàn Giác với sự kính cẩn, thận trọng.

Sau khi đến gần, các vị nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc tự mình chứng ngộ, vị Anh Hùng, đã ngự lên ở trên không trung trông tợ như mặt trăng ở trên bầu trời.

Các vị nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tương tợ như là cây trụ đèn đang cháy rực, như là tia chớp ở trên không trung, như là mặt trời lúc chính ngọ.

Toàn bộ năm trăm vị tỳ khưu nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tương tợ như là hồ nước sâu thẳm không bị chao động, như là đóa hoa sen đang nở rộ.

Hớn hở, vui mừng, hoan hỷ, các vị đã chắp tay lên và trong lúc kính lễ các vị quỳ xuống ở dấu hiệu bánh xe (nơi bàn chân) của bậc Đạo Sư.

Vị có đại trí tuệ Sāriputta, thiện xảo về định và thiền, được xem như tương đương với loài hoa koraṇḍa, đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.

  Vang động như là đám mây đen, vị có đại thần lực Moggallāna, được xem như tương đương với đóa sen xanh, là không ai sánh bằng về năng lực thần thông.

Còn vị trưởng lão Mahākassapa tương tợ vàng nguyên chất, được công nhận là vị đứng đầu trong đức hạnh đầu-đà, được (chư thiên và nhân loại) tán dương, được bậc Đạo Sư khen ngợi.

Đứng đầu trong số các vị có thiên nhãn là Anuruddha, có đồ chúng đông đảo, hạng nhất trong hàng quyến thuộc của đức Thế Tôn, đang đứng không xa.

Upāli là vị rành rẽ về sự phạm tội, về sự không phạm tội, về việc sám hối tội, được công nhận là vị đứng đầu về Luật, được bậc Đạo Sư khen ngợi.

Vị ẩn sĩ con trai của bà Mantānī, phân tích ý nghĩa vi tế và bén nhạy, đứng đầu các vị Pháp sư, có đồ chúng, được nổi tiếng với tên là Puṇṇa.[iv][5]

Biết được tâm của các vị ấy, bậc Hiền Triết, là vị thiện xảo về sự so sánh, là đấng Đại Hùng, là vị dứt trừ sự nghi hoặc, đã thuyết giảng về đức hạnh của bản thân:

  “Có bốn điều không thể tính đếm được và không ai biết được điểm tận cùng của các điều ấy: Tập hợp các chúng sanh, bầu không gian, các cõi thế giới vô biên, trí tuệ vô lượng của chư Phật; những điều này là không thể biết rõ.

Có phải sự biến hóa thần thông của ta là điều kỳ diệu ở thế gian? Còn có nhiều sự việc khác nữa là kỳ diệu, phi thường, khiến lông dựng đứng.

Vào lúc ta ở tại cung trời Đẩu Suất, khi ấy ta có tên là Santusita. Các vị thuộc mười ngàn thế giới đã tụ hội lại chắp tay thỉnh cầu ta rằng:

- Hỡi bậc Đại Hùng, giờ là thời điểm của Ngài. Hãy sanh vào bụng mẹ. Trong khi giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua, Ngài sẽ giác ngộ đạo lộ Bất Tử.

Sau khi mạng chung ở cõi trời Đẩu Suất, vào lúc ta hạ sanh vào bụng (mẹ), khi ấy mười ngàn thế giới và quả đất rúng động.

Khi ta rời khỏi bụng mẹ với sự giác tỉnh, mười ngàn thế giới đã rúng động, thốt lên tiếng “Lành thay!

Không gì sánh bằng việc nhập thai của ta. Từ việc sanh ra, trong việc ra đi cao cả, trong việc tự mình giác ngộ, và trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, ta là vị đứng đầu.

  (Chư thiên đã thốt lên rằng): “Ôi Tính chất vĩ đại về đức hạnh của chư Phật là điều kỳ diệu ở trên đời!” Khi ấy, mười ngàn thế giới đã rúng động sáu cách.[v][6] Và có ánh sáng vĩ đại đã xuất hiện. Là điều phi thường khiến lông dựng đứng!”

Và vào khoảng thời gian ấy, trong lúc hiện ra cho thế gian luôn cả chư thiên chiêm ngưỡng, đức Thế Tôn, bậc Tối Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, vị Chiến Thắng đã đi kinh hành bằng thần thông.

Ngay trong lúc đang đi kinh hành ở đường kinh hành, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã thuyết giảng. Như thể (đang đi) ở trên con đường kinh hành (có chiều dài) bốn cánh tay, Ngài không quay ngược trở lại (khi đang) ở vào khoảng giữa (con đường).[vi][7]

Là vị có đại trí tuệ, thiện xảo về định và thiền, đã đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ, Sāriputta hỏi bậc Lãnh Đạo Thế Gian rằng:

- Bạch đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân, lời phát nguyện của Ngài là như thế nào? Bạch đấng Anh Hùng, sự giác ngộ tối thượng đã được Ngài mong mỏi vào thời gian nào?

Bố trí, (trì) giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn là như thế nào? Nhẫn nại, chân thật, quyết định, bác ác, hành xả là như thế nào?

Bạch đấng Đại Hùng, vị Lãnh Đạo thế gian, mười ba-la-mật là như thế nào? Thế nào là ba-la-mật bậc trên được tròn đủ? Thế nào là ba-la-mật bậc tối thượng?

Đã quyết định bao nhiêu việc làm? Và điều chủ đạo là như thế nào? Các ba-la-mật là như thế nào? Các điều chắc chắn ở thế gian là như thế nào?

Từ, bi, hỷ, và xả là như thế nào? Làm cho tròn đủ toàn bộ các pháp của vị Phật là như thế nào?

Được vị ấy hỏi, Ngài đã trả lời với giọng nói ngọt ngào (như giọng hót) của loài chim karavīka (ca-lăng-tần-già) làm mát mẻ con tim, làm hoan hỷ thế gian luôn cả chư thiên.

Bằng trí tuệ hướng về các kiếp sống trước đây, Ngài đã giảng giải về (lịch sử) của chư Phật quá khứ, của các đấng Chiến Thắng, đã được thuyết giảng, đã được truyền thừa theo tuần tự chư Phật, là điều lợi ích cho thế gian luôn cả chư thiên.

 (Lời đức Phật:) - (Lịch sử ấy) là điều làm sanh lên niềm hoan hỷ vui mừng, là sự nhổ lên mũi tên sầu muộn, là việc đạt được mọi sự thành tựu, các ngươi hãy chú tâm lắng nghe ta.

 (Lịch sử ấy) là điều làm tiêu tan các sự đắm say, là sự xua đi các nỗi buồn rầu, là việc hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, là đạo lộ tiêu diệt tất cả khổ đau, các ngươi hãy nghiêm trang theo dõi.

Dứt Chương Con Đường Kinh Hành Bằng Châu Báu.

 

-ooOoo-

 



[i][2] Là 180.000.000 vị. 1 koṭi = 10.000.000 (ND = người dịch).

[ii][3] 1 nahuta = 10.000 (ND).

[iii][4] Chú giải ghi nghĩa của dīpa theo cả hai cách: ngọn đèn và hòn đảo.

[iv][5] Puṇṇa Mantāniputta, đệ nhất về thuyết Pháp, con trai nữ bà-la-môn Mantānī.

[v][6] Sáu cách là: trái đất ở trong mười ngàn thế giới đã nghiêng từ đông sang tây, từ tây sang đông, từ bắc qua nam, từ nam qua bắc, từ trung tâm ra bên ngoài, từ bên ngoài vào trung tâm.

[vi][7] Con đường kinh hành này nối dài từ thế giới ở phía đông sang đến thế giới ở phía tây. Và đức Phật đã đi kinh hành từ đầu đường phía bên này sang đến điểm cuối con đường ở phía bên kia chứ không quay ngược trở lại lúc đang đi ở vào khoảng giữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn