- -Mục Lục-Lời nói đầu
- * 1.1-Vi-Diệu-Pháp là danh-từ gọi pháp nào?
- * 1.2-Tâm (Citta)
- * 1.3-Bất-Thiện-Tâm (Akusalacitta
- * 1.4-Dục-Giới Tịnh-Hảo-Tâm (Kāmāvacarasobhaṇacitta)
- * 2.1-Vô-Nhân-Tâm (Ahetukacitta)
- * 2.2-Tâm Với Tâm-Sở
- * 2.3-Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
- * 3.1-Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm(Kāmāvacarakusalacitta)
- * 3.2-Quả Của 8 Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm
- * 3.3-Nhận Xét Về 3 Hạng Người Trong Đời
- * 3.4-Tái-Sinh Kiếp Sau ( Paṭisandhi)
- * 4- Đoạn Kết
Vi Diệu Pháp - Hiện thực trong cuộc sống
Phần - 2.3
Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Trong quyển sách nhỏ này chỉ đề cập đến 12 bất-thiện-tâm và 8 dục-giới đại-thiện-tâm và quả của 20 dục-giới-tâm này mà thôi, không giảng giải đến 5 sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 siêu-tam-giới thiện-tâm.
Tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) gọi là 12 bất-thiện-nghiệp hoặc 12 ác-nghiệp, và tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm gọi là 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp.
Mỗi bất-thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, mỗi dục-giới đại-thiện-nghiệp nếu có cơ hội thì cho quả ngay trong kiếp hiện-tại, kiếp sau kế tiếp và kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh-A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
Đức-Phật dạy nghiệp rằng:
“Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vā vācāya vā manasā.”[1]
- Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã tác-ý rồi, mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Vì vậy Như-lai dạy: ‘tác-ý là nghiệp.’
Đức-Phật dạy nghiệp và quả của nghiệp mà các hàng Thanh-văn đệ tử hằng ngày nên thường suy xét rằng:
“Kammassako’mhi,kammadāyādo kammayoṇi kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kam-maṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.”[2]
“Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp ấy.”
Thiện-nghiệp cho quả tốt là tâm an lạc, thân an lạc, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả xấu là khổ tâm, khổ thân.
Như vậy, nếu ta đã tạo thiện-nghiệp thì chắc chắn ta sẽ thừa hưởng quả tốt là tâm an lạc, thân an lạc đó là quả của thiện-nghiệp.
Nếu ta đã tạo ác-nghiệp thì chắc chắn ta sẽ chịu quả xấu là khổ tâm, khổ thân đó là quả của ác-nghiệp.
Nghiệp nào cho quả ấy thật là công bằng, không hề thiên vị một ai cả, như Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ, nên Ngài trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, và tiền-kiếp của Ngài đã tạo ác-nghiệp, nên kiếp-hiện-tại Ngài cũng phải chịu quả xấu của ác-nghiệp của Ngài.[3]
Đức-Phật dạy nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“Yādisaṃ vapate bījaṃ,
tādisaṃ harate phalaṃ.
Kalyāṇakārī kalyāṇaṃ,
pāpakārī ca pāpakaṃ.[4]
(Người nào gieo hạt giống thế nào,
Người ấy gặt quả như thế ấy.
Người hành thiện thì được quả thiện,
Người hành ác thì được quả ác.)
* Akusalacitta: Bất-Thiện-Tâm
Akusalacitta: Bất-thiện-tâm (ác-tâm) có 12 tâm, tác-ý (cetanā) đồng sinh với 12 ác-tâm gọi là 12 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).
12 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh do nương nhờ thân-môn, khẩu-môn, ý-môn. Vì vậy, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có 3 loại:
- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh do nương nhờ thân-môn, gọi là thân-bất-thiện-nghiệp hoặc thân-ác-nghiệp,
- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh do nương nhờ khẩu-môn, gọi là khẩu-bất-thiện-nghiệp hoặc khẩu-ác-nghiệp,
- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh do nương nhờ ý-môn, gọi là ý-bất-thiện-nghiệp hoặc ý-ác-nghiệp.
Ác-Nghiệp Có 10 Loại Tính Theo 3 Môn
1- Thân-ác-nghiệp (Akusalakāyakamma) là ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân, tạo 3 ác-nghiệp bằng thân:
- Ác-nghiệp sát-sinh,
- Ác-nghiệp trộm-cắp,
- Ác-nghiệp tà-dâm.
3 thân-ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi thân, còn gọi là thân-hành-ác (kāyaduccarita),
2- Khẩu-ác-nghiệp (Akusalavacīkamma) là ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu, tạo 4 ác-nghiệp bằng khẩu:
- Ác-nghiệp nói dối,
- Ác-nghiệp nói lời chia-rẽ,
- Ác-nghiệp nói lời thô-tục,
- Ác-nghiệp nói lời vô-ích.
4 khẩu-ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi khẩu, còn gọi là khẩu-hành-ác (vacīduccarita),
3- Ý-ác-nghiệp (Akusalamanokamma) là ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý, tạo 3 ác-nghiệp bằng ý:
- Ác-nghiệp tham-lam tài sản của người khác,
- Ác-nghiệp thù-hận người khác,
- Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.
3 Ý-ác-nghiệp này phần nhiều phát sinh do nương nhờ nơi ý, còn gọi là ý-hành-ác (mano-duccarita).
Ác-Nghiệp Phát Sinh Do Gốc Ác-Tâm
10 ác-nghiệp phát sinh do gốc ác-tâm:
- 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp nói lời thô-tục, ác-nghiệp thù-hận cả 3 ác-nghiệp này phát sinh do gốc sân-tâm (dosa-mūlacitta).
- 3 ác-nghiệp là ác-nghiệp tà-dâm, ác-nghiệp tham-lam, ác-nghiệp tà-kiến, cả 3 ác-nghiệp này này phát sinh do gốc tham-tâm (lobhamūlacitta).
- 4 ác-nghiệp là ác-nghiệp trộm-cắp, ác-nghiệp nói dối, ác-nghiệp nói lời chia-rẽ, ác-nghiệp nói lời vô-ích cả 4 ác-nghiệp này phát sinh do gốc tham-tâm (lobhamūlacitta), hoặc phát sinh do gốc sân-tâm (dosamūlacitta).
- Ác-nghiệp trộm-cắp phát sinh do gốc tham-tâm là muốn trộm-cắp của cải tài-sản của người khác, đem về làm của riêng mình, hoặc cho gia đình của mình.
- Ác-nghiệp trộm-cắp phát sinh do gốc sân-tâm là trộm-cắp của cải tài-sản của người khác, không đem về làm của riêng mình, mà chỉ phá hoại của cải tài-sản của người khác, để trả thù mà thôi.
- Ác-nghiệp nói dối phát sinh do gốc tham-tâm là muốn lừa gạt người khác để có lợi cho mình.
- Ác-nghiệp nói dối phát sinh do gốc sân-tâm là nói dối, vu oan giá hoạ người ấy để trả thù, làm khổ người ấy, hoặc làm cho người khác phát sinh nóng nảy khổ tâm.
- Ác-nghiệp nói lời chia-rẽ phát sinh do gốc tham-tâm là muốn chia-rẽ 2 người ấy nghi kỵ ghét bỏ lẫn nhau, để có lợi cho mình.
- Ác-nghiệp nói lời vô-ích phát sinh do gốc tham-tâm là nói lời vô-ích hài hước, nói chuyện khôi hài, hài kịch, … cho những người nghe, xem, để đem lại lợi cho mình.
- Ác-nghiệp nói lời vô-ích phát sinh do gốc sân-tâm là nói lời vô-ích, chuyện hoang đường không có thật, làm cho người nghe nổi cơn bực tức, mất lợi ích, …
Còn 10 ác-nghiệp chung phát sinh đều có gốc si-tâm trong mỗi ác-nghiệp.
Ác-Nghiệp Uống Rượu Và Các Chất Say
Vấn: Tại sao trong 10 ác-nghiệp không đề cập đến ác-nghiệp uống rượu và các chất say?
Vậy, uống rượu và các chất say thuộc về ác-nghiệp nào trong 10 ác-nghiệp?
Đáp: Uống rượu và các chất say là 1 giới trong ngũ-giới, trong bát-giới uposathasīla, v.v… của người tại-gia và của bậc xuất-gia, nhưng trong 10 loại ác-nghiệp, uống rượu và các chất say không quy định rõ một ác-nghiệp riêng rẽ, bởi vì uống rượu và các chất say là ác-nghiệp có tính chất bất định. Cho nên, uống rượu và các chất say không chế định riêng một ác-nghiệp.
Sự uống rượu và các chất say dĩ nhiên là ác-nghiệp mà ác-nghiệp này có tính chất bất định, để xác định uống rượu và các chất say thuộc về ác-nghiệp nào trong 10 ác-nghiệp, cần phải xét từng trường-hợp đối với người uống rượu và các chất say như sau:
* Trường-hợp nếu người nào uống rượu và các chất say, cốt để thưởng thức vị của rượu hoặc các chất say, rồi say tuý luý, không còn biết mình, ngủ say cho đến khi tỉnh say rượu, thì người ấy thưởng thức vị và hương của rượu hoặc các chất say, giống như người tạo ác-nghiệp tà-dâm cốt chỉ để thưởng thức xúc và hương của người khác phái.
Trong trường-hợp này, người uống rượu và các chất say đã tạo ác-nghiệp như là ác-nghiệp tà-dâm.
* Trường-hợp người nào vốn có tính nhút nhát, biết hổ-thẹn tội lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, không dám làm mọi ác-nghiệp, nhưng khi người ấy uống rượu hoặc các chất say vào, chất rượu hoặc các chất say kích thích tham-tâm, sân-tâm, si-tâm, người ấy trở nên hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh, không còn biết hổ-thẹn tội lỗi, không còn biết ghê-sợ tội lỗi nữa, nên dám tạo 10 loại ác-nghiệp.
Trong trường-hợp này, nếu người ấy tạo ác-nghiệp nào thì uống rượu và các chất say đã tạo ác-nghiệp ấy. Ví như:
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp sát-sinh thì người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp trộm-cắp thì người ấy đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp tà-dâm thì người ấy đã tạo ác-nghiệp tà-dâm do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nói dối thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói dối do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nói lời thô-tục thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời thô-tục do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nói lời vô-ích thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói lời vô-ích do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nghĩ tham lam của cải tài-sản của người khác thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nghĩ tham lam của cải tài-sản của người khác do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nghĩ thù hận người khác thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nghĩ thù hận người khác do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
- Nếu như người ấy uống rượu và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nghĩ tà-kiến thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nghĩ tà-kiến do nguyên-nhân uống rượu và các chất say.
Vì vậy, uống rượu và các chất say là nguyên-nhân tạo 10 loại ác-nghiệp. Cho nên, uống rượu và các chất say không chế định ra ác-nghiệp riêng biệt, mà chỉ tuỳ thuộc vào ác-nghiệp mà người ấy đã tạo do nguyên-nhân uống rượu và các chất say mà thôi.
[1] Manoviññāṇadhātu trong 89 hoặc 121 tâm thì có 76 hoặc 108 tâm (trừ 10 thức-tâm và 3 ý-tự-tánh-tâm (manodhātu).
[2] Aṅguttaranikāya, Chakkanipāta, kinh Nibbedhikasutta
[3] Có trong bộ khác, không có trong Aṭṭhakathā.
[4] Xem giảng giải trong phần 2 si-tâm trước.
[5] Bộ Visuddhimagga, Khandhaniddesa, Saṅkhārakkhandhakathā
[6] Aṅguttaranikāya, Chakkanipāta, kinh Nibbedhikasutta
[7] Aṅg.Pañcakanipāta, kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭṭhānasutta
[8] Quả ác-nghiệp tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, xem Bộ Nền Tảng Phật-Giáo, quyển I Tam-Bảo, trang 194.
[9] Bộ Saṃyuttanikāya, phần Sagāthavagga