- -Mục Lục-Lời nói đầu
- * 1.1-Vi-Diệu-Pháp là danh-từ gọi pháp nào?
- * 1.2-Tâm (Citta)
- * 1.3-Bất-Thiện-Tâm (Akusalacitta
- * 1.4-Dục-Giới Tịnh-Hảo-Tâm (Kāmāvacarasobhaṇacitta)
- * 2.1-Vô-Nhân-Tâm (Ahetukacitta)
- * 2.2-Tâm Với Tâm-Sở
- * 2.3-Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
- * 3.1-Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm(Kāmāvacarakusalacitta)
- * 3.2-Quả Của 8 Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm
- * 3.3-Nhận Xét Về 3 Hạng Người Trong Đời
- * 3.4-Tái-Sinh Kiếp Sau ( Paṭisandhi)
- * 4- Đoạn Kết
Vi Diệu Pháp - Hiện thực trong cuộc sống
Đoạn Kết
* 12 Bất-thiện-tâm có 12 bất-thiện-nghiệp hoặc 12 ác-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ:
1- Thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhikāla) chỉ có 11 ác-nghiệp (trừ ác-nghiệp trong si-tâm hợp với phóng-tâm) cho quả có 1 quả-tâm là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của 11 ác-nghiệp làm phận-sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới đó là cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh, thuộc về loại chúng sinh duggati-ahetuka-puggala: chúng-sinh vô-nhân trong cõi ác-giới.
2- Thời-kỳ sau khi tái-sinh (pavattikāla) 12 ác-nghiệp cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của 12 bất-thiện-tâm trong kiếp-hiện-tại, khi hội đủ nhân-duyên tiếp nhận đối-tượng xấu không đáng hài lòng.
* 8 dục-giới đại-thiện-tâm có 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ:
1- Thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhikāla) 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả có 9 quả-tâm là 8 dục-giới đại-quả-tâm và 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp làm phận-sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-giới đó là cõi người và 6 cõi trời dục-giới thuộc về 3 hạng người hoặc 3 hạng chư-thiên:
* Hạng người tam-nhân (tihetukapuggala),
* Hạng người nhị-nhân (dvihetukapuggala),
* Hạng người vô-nhân (ahetukapuggala).
2- Thời-kỳ sau khi tái-sinh (pavattikāla) 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả có 16 quả-tâm là 8 dục-giới đại-quả-tâm và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm đều là quả của 8 dục-giới đại-thiện-tâm trong kiếp-hiện-tại, khi hội đủ nhân-duyên tiếp nhận đối-tượng tốt đáng hài lòng.
* Đặc biệt loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này, chính là kiếp trái đất mà chúng ta đang sinh sống có tính chất khác biệt với các cõi khác như:
* Chúng sinh trong cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, ngạ-quỷ trong thời-kỳ tái-sinh, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau, tiếp theo trong thời-kỳ sau khi tái-sinh chỉ có ác-nghiệp cho quả khổ mà thôi, còn những thiện-nghiệp không có cơ-hội cho quả an-lạc.
* Chư thiên-nam, thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 15 cõi trời sắc-giới, 4 cõi trời vô-sắc-giới trong thời-kỳ tái-sinh, thiện-nghiệp cho quả hoá-sinh kiếp sau, tiếp theo trong thời-kỳ sau khi tái-sinh chỉ có những thiện-nghiệp cho quả an-lạc mà thôi, còn những ác-nghiệp không có cơ-hội cho quả khổ.
* Riêng loài người sinh sống trong cõi Nam-thiện-bộ-châu, kiếp trái đất này, trong thời-kỳ tái-sinh, dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người, tiếp theo trong thời-kỳ sau khi tái-sinh không chỉ có những dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc mà thôi, mà còn những ác-nghiệp cũng có cơ-hội cho quả khổ nữa.
Cho nên, trong cuộc sống hiện-tại của mỗi người khi thì dục-giới thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả an-lạc, khi thì ác-nghiệp có cơ-hội cho quả khổ.
- 8 Dục-giới đại-thiện-nghiệp trong 8 dục-giới đại-thiện-tâm cho quả có 16 quả-tâm.
- 12 Ác-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.
* Mỗi thiện-nghiệp, mỗi ác-nghiệp nào đều có khả năng cho quả trong kiếp-hiện-tại, nếu kiếp-hiện-tại không có có cơ-hội cho quả thì nghiệp ấy mới trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp.
* Mỗi thiện-nghiệp, mỗi ác-nghiệp nào đều có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau kế tiếp, nếu kiếp sau kế tiếp không có cơ-hội cho quả thì nghiệp ấy mới trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp. * Tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi mỗi ác-nghiệp đã tích-luỹ từ vô-lượng kiếp trong quá-khứ đều có khả năng cho quả trong vô-lượng kiếp vị lai kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
Sau khi Bậc Thánh-A-ra-hán đã tịch diệt Niết-bàn rồi, tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp mới thật sự trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp mà thôi.
Hễ chúng sinh còn trong vòng tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài thì mọi thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp hiện-tại và trong thời quá-khứ vẫn còn có khả năng, vẫn có cơ-hội cho quả của chúng, không có nghiệp nào gọi là vô-hiệu-quả-nghiệp cả.
* Nếu không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp thì khi dục-giới thiện-nghiệp của mình có cơ-hội cho quả tốt, an-lạc, cho là gặp may mắn, hoặc nhờ người này, nhờ người kia hỗ-trợ, giúp-đỡ; nhưng khi ác-nghiệp của mình có cơ-hội cho quả xấu, đau khổ thì cho là gặp rủi ro, hoặc do người này, do người kia làm hại, gây ra sự đau khổ cho mình.
Thật ra, nếu khi dục-giới thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả tốt thì khiến cho người này, người khác đến hỗ-trợ, giúp-đỡ, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc, đến chủ nhân của dục-giới thiện-nghiệp.
Trái lại, nếu khi ác-nghiệp có cơ-hội cho quả xấu thì khiến cho người này, người khác đến làm khổ, gây thiệt hại, để đem lại sự bất lợi, sự thoái hoá, sự đau khổ đến chủ nhân của ác-nghiệp.
Cho nên, bậc thiện-trí có đức-tin nơi Đức-Phật dạy về nghiệp rằng:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kamma-yoni kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.([1])
Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’ ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp ấy.
Bậc thiện-trí có đức-tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình, nếu khi thiện-nghiệp của mình cho quả, thì bậc thiện-trí thừa hưởng quả tốt, sự an-lạc của thiện-nghiệp ấy; hoặc nếu khi ác-nghiệp của mình cho quả, thì bậc thiện-trí chấp nhận quả xấu, sự đau khổ của ác-nghiệp ấy, mà không hề trách cứ một ai cả.
Đối với bậc thiện-trí có nhận thức đúng đắn rằng: Nghiệp và quả của nghiệp thật là công bằng tự nhiên, không hề thiên vị một ai cả, dù là Đức-Phật, huống hồ đối với ta.
Quyển VI-DIỆU-PHÁP HIỆN THỰC TRONG CUỘC SỐNG được giảng giải về 12 bất-thiện-tâm và 8 dục-giới đại-thiện-tâm, sự phát sinh của mỗi tâm.
Tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) gọi là nghiệp, nếu đồng sinh với bất-thiện-tâm thì gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), nếu đồng sinh với dục-giới đại-thiện-tâm thì gọi là dục-giới đại-thiện-nghiệp. Ác-nghiệp cho quả khổ, dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc.
Nếu người nào không muốn khổ trong 4 cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh trong kiếp sau thì có 3 cách:
* Cách thứ nhất là người ấy thực-hành pháp-hành giới, giữ gìn giới hạnh trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, thường tránh xa mọi ác-nghiệp do thân-hành-ác, khẩu-hành-ác, ý-hành-ác, và thường tạo mọi thiện-nghiệp do thân, khẩu, ý trở thành thường thiện-nghiệp. Sau khi người ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người, 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc.
* Cách thứ nhì là người ấy thực-hành pháp-hành-thiền-định dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, rồi giữ gìn cho đến gần chết. Sau khi người ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với quả của bậc thiền ấy, hưởng mọi sự an-lạc vi tế.
* Cách thứ ba là người ấy thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu. Sau khi bậc Thánh-Nhập-lưu chết, vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ có tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới mà thôi. Bậc Thánh-Nhập-lưu chỉ còn tử sinh luân hồi nhiều nhất 7 kiếp nữa, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Nếu người nào muốn hưởng mọi sự an-lạc trong các cõi thiện-giới thì người ấy cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-nghiệp như dục-giới thiện-nghiệp, và có khả năng tạo sắc-giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp, siêu-tam-giới thiện-nghiệp, bởi vì chỉ có thiện-nghiệp mới mới cho quả an-lạc mà thôi, trái lại chỉ có ác-nghiệp mới cho quả khổ mà thôi.
Ngoài thiện-nghiệp, ác-nghiệp ra, không có một đấng tối cao nào có uy quyền ban cho ai sự an-lạc hoặc hành hạ ai chịu khổ cả.
Mỗi người đều có quyền hoàn toàn chủ động lựa chọn nên tạo thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào thuộc về nghiệp riêng của mình, nhưng mỗi người hoàn toàn bị động hưởng quả của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả của ác-nghiệp ấy. Đó là đúng theo định luật công bằng của nghiệp và quả của nghiệp.
Phật Lịch 2.557 / Tháng 4-2014
Rừng Núi Viên Không,
Xã Tóc-tiên, Huyện Tân-thành,
Tỉnh Bà-rịa - Vũng-tàu.
Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Patthanā
Iminā puññakammena,
Sukhī bhavāma sabbadā.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo,
Loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam ca raṭṭhikā sabbe,
Janā pappontu sāsane.
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ,
Patthayāmi nirantaraṃ.
Năng lực phước-thiện thanh cao này,
Cho chúng con thường được an-lạc.
Cầu mong chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển,
Tiến hoá hưng thịnh trong Phật-giáo,
Bần sư cầu nguyện với tâm thành,
Hằng mong được thành-tựu như nguyện.
* Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ,
* Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnam-raṭṭhe.
* Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn
trên thế gian.
* Cầu nguyện chánh-pháp được trường tồn
trên tổ quốc Viêt-Nam thân yêu.
* Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu.
* Cầu mong Phật-giáo được trường tồn.
SÁCH THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
* Bộ Tam-tạng Pāḷi và các bộ Aṭṭhakathāpāḷi,
* Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại-Trưởng-Lão Anuruddha,
* Toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Saddham-majotika,
* Các bộ sách của Ngài Đại-Trưởng-Lão Ledi Sayadaw, v.v…
[1] Aṅg. Pañcanipāta, kinh Abhiṇhapaccavekkhitabbaṭṭhānasutta