- Mục lục - Lời giới thiệu - Lời thưa
- 2.01- Về thăm lại đức vua SENIYA BIMBISĀRA
- 2.03- Hai vị đại đệ tử
- 2.06- Về thăm quê hương
- 2.10- Danh y JĪVAKA KOMĀRABHACCA
- 2.14- Viếng thăm Kỳ viên tịnh xá
- 2.17- Tứ đại thiên vương
- 2.20- Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi
- 2.26- Lễ Hỏa Táng Đức Vua
- 2.30- Cảm Hóa Thủ Lĩnh Tướng Quan Sīha
- 2.34- Duyên Xưa Lối Cũ
- 2.38- Cuộc Luận Chiến Về Chiêm Tinh
- 2.40- Thêm Một Vị Đệ Tử Lớn
Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt
Tập_02
←Nghe: Mùa an cư thứ Tư
←Nghe: Thiên tai, dịch họa
Mùa An Cư Thứ Tư
2.17- Tứ đại thiên vương
Tin đức Phật về, cả Rừng Trúc như xôn xao hẳn lên. Dường như nắng thì trong hơn, dịu hơn và mây bay cũng nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Rồi muôn chim chợt nhiên ca hót vang lừng. Sự sống trôi chảy dạt dào, tuôn tràn khắp đầu cây ngọn cỏ. Tôn giả Koṇḍañña, Uruvelā Kassapa, Bhaddiya và Mahā Moggallāna dẫn theo Nanda và Rāhula đi đón ngài.
Cả hai nhóm tỳ-khưu đảnh lễ nhau rồi theo sự hướng dẫn của tôn giả Mahā Moggallāna, họ tản mác đến các cốc liêu đã được sắp đặt sẵn.
Sau khi thăm hỏi các vị trưởng lão, đức Phật ngồi xuống cho vừa tầm Rāhula, cất giọng dịu dàng:
- Con học được có nhiều không, Rāhula?
- Nhiều lắm, bạch đức Thế Tôn! Rồi chú bé sa-di liến thoắng tiếp – Tôn giả Mahā Moggallāna dạy hài nhi nhiều lắm, không những bắt học thuộc mà còn thực hành! Hài nhi còn được đi bát nữa. Đức vua Seniya Bimbisāra và hoàng hậu Videhi thường cho thị nữ mang đến cho hài nhi rất nhiều thực phẩm ngon, có cả mật, đường, sữa và rất nhiều trái cây!
- Nếu con dùng không hết thì phải làm sao?
- Trước khi dùng, hài nhi lựa thứ gì ngon nhất, tốt nhất dâng thầy, các vị trưởng lão và cả chú Nanda nữa!
- Ừ, vậy là ngoan lắm!
Rāhula nụ cười tươi rạng, gật đầu; trông có vẻ ốm gầy nhưng khá rắn rỏi. Đức Phật nắm tay Rāhula bước đi.
- Thế nào hở Nanda? Đức Phật quay qua nói chuyện với ông hoàng si tình - Ở đây khung cảnh mát mẻ, thanh bình; tâm các vị trưởng lão cũng thanh bình và mát mẻ! Còn ông, tại sao, ngọn lửa nào - lửa ngọn hay lửa than - cứ thiêu đốt tim gan làm cho sắc mặt ông héo khô và tàn tạ như thế?
- Đệ tử sẽ cố gắng! Nanda cúi đầu đáp - Sẽ cố gắng nhiều hơn nữa!
- Không cần phải cố gắng nhiều lắm đâu, Nanda! Đức Phật ân cần giáo giới - Chỉ việc thở thôi, thở cho đều; và chỉ cần an trú liên tục, nhất tâm trên hơi thở - thì lửa ngọn, lửa than gì chúng cũng tự động tắt ngấm! Đừng tự hại mình nữa, Nanda!
Tỳ-khưu Nanda cảm thấy rất hổ thẹn, nhưng vì lửa lòng vẫn chưa tắt, chưa nguôi! Còn đức Phật thì thấy chưa phải thời, nên không nói nhiều.
Qua mùa nắng mà Trúc Lâm vẫn xanh tốt. Đây đó có đào thêm giếng. Các công trình nơi này nơi khác dường như có gia cố thêm cho chắc bền hơn.
Tại hương phòng, thị giả Upavāna đã đốt hai ngọn nến để hút khí ẩm, xông một lò trầm để xua khí tạp. Đức Phật ngồi lắng nghe công việc tại Trúc Lâm trong gần bốn tháng qua do tôn giả Mahā Moggallāna tường trình. Đức Phật hài lòng vì Trúc Lâm vẫn phát triển bình thường, còn có thêm mấy trăm tân tỳ-khưu tại kinh thành và các nơi khác gởi về. Đức Phật đặc biệt lưu ý các tôn giả Mahā Moggallāna, Koṇḍañña, Uruvelā Kassapa, Bhaddiya - đối với một số tỳ-khưu mới gia nhập; họ thiếu trình độ giáo dục sơ đẳng, tính khí nông nổi, cả tác phong và tư cách lúc ăn nói, lúc trì bình khất thực dễ làm mất niềm tin của đại chúng. Điều này quan trọng lắm đấy! Phải lưu tâm nhắc nhở, giáo giới họ một cách thường xuyên. Như vậy là chúng ta còn thiếu giáo thọ sư. Sau an cư mùa mưa, phải rút Sāriputta và một số các trưởng lão ở các nơi khác về đây phụ giúp. Kỳ Viên chừng hơn mươi năm sau mới hội đủ nhân duyên phát triển. Lại nữa, trong mấy năm tới, các quốc độ bên bờ Bắc sông Gaṅgā sẽ có rất nhiều việc làm, các vị tỳ-khưu A-la-hán ưu tú phải phát tâm, phải khởi tâm, phải vận dụng từ, nhẫn, xả và các phương tiện trí nhiều hơn nữa! Hiện nay, các lực lượng chống đối yên lắng một thời gian nhưng vẫn còn âm ỉ ở đâu đó, có lẽ phải hỗ trợ thêm duyên lành, ít năm sau, ở vùng này mới yên được.
Hôm kia, đức Phật đi trì bình khất thực một mình, sau đó lên thẳng núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu), ở trong một hang đá. Đêm ấy, ngài phóng hào quang sáu màu, vì biết là hội chúng chư thiên và phi nhơn đã đến. Thêm vào đó, núi Linh Thứu cũng sáng rực lên bởi thần lực của chư thiên. Tứ đại thiên vương dẫn thuộc hạ tùy tùng đến rất đông, trình diện đức Phật một số thần dân đại biểu để đảnh lễ ngài, chào mừng ngài, tán thán ngài và dĩ nhiên còn muốn nghe pháp nữa.
Đa văn thiên vương (Vessavaṇa) cai quản phương Bắc - có thân màu lục, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu lục; tay phải cầm cờ chiến thắng, trên tay trái có con chuột màu bạc phun ngọc. Tháp tùng Bắc thiên vương có rất nhiều chư thiên, dạ-xoa và loài kim-xí-điểu Suppanna và Citrā[i]. Tăng trưởng thiên vương (Virūḷha), trị vì phương Nam - có thân màu xanh, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu xanh; tay cầm thanh gươm xanh - biểu tượng trí tuệ chém vô minh. Tháp tùng Nam thiên vương cũng rất đông chư thiên, dạ-xoa và cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa)[ii]. Trì quốc thiên vương (Dhataraṭṭa), lãnh nhiệm phương Đông - có thân màu trắng, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu trắng; tay cầm cây đàn đặc biệt của cõi trời - mỗi lần đàn lên là làm cho tâm của người nghe trở nên thanh tịnh. Tháp tùng Đông thiên vương cũng có hằng trăm chư thiên, dạ-xoa và rất đông càn-thát-bà (Gandhabha) [iii]với rất nhiều cây đàn hình thù kỳ dị - đủ để tạo nên một giàn nhạc vi diệu! Thứ tư là Quảng mục thiên vương (Virūpakkha) – có thân màu đỏ, vương bào, y giáp, mũ miện đều màu đỏ; tay phải cầm con rắn canh giữ ngọc maṇi. Tháp tùng Tây thiên vương cũng có cả một hội chúng chư thiên, dạ-xoa và rất nhiều rồng (Nāga)[iv]. Cả bốn hội chúng này vân tụ đầy đặc cả không gian. Một số đến chỉ vì tò mò, muốn chiêm ngưỡng quý tướng và mỹ tướng của đức Thế Tôn. Một số đến chỉ muốn hợp tấu vài khúc nhạc để ca tụng tán thán oai đức của bậc Toàn Giác đã chấn động các cõi trời. Một số dạ-xoa chưa có đức tin thì hờ hững, đứng một bên hoặc bỏ đi ra bên ngoài. Còn một số đông thiên chúng, dạ-xoa, sau khi nghe pháp, họ đồng thuận quy y rồi phát lời nguyện hộ trì Tăng chúng, giáo pháp cho được dài lâu...
Hoan hỷ về thời pháp, kính ngưỡng hào quang thù thắng của đức Phật; Trì quốc thiên vương nâng cây đàn lên - như vị nhạc trưởng điêu luyện, với mấy ngón tay bạch ngọc vừa vuốt nhẹ dây đàn - là cả giàn âm thanh của càn-thát-bà như đồng lúc khởi tấu một khúc nhạc chưa hề có ở nhân gian. Và lạ lùng làm sao, đằng sau âm điệu du dương, trầm bổng là mùi hương của cây, của lá, của hoa, của những hương liệu dị kỳ tỏa ngát giữa không gian! Chưa thôi, giữa dòng âm thanh như những làn sóng thanh khí, mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng như nâng bổng tâm hồn lên cao, lên cao mãi, như hòa nhập với mây xanh là lời ca phiếu diễu, phiêu bồng bằng ngôn ngữ của cõi trời - không phải ai cũng nghe được, cũng hiểu được...
Đức Phật mỉm nụ hoa sen - lắng nghe thử mấy ông trời nhạc sĩ này ca tấu cái gì...
Họ ca rằng:
“- Ôi! diễm tuyệt làm sao!
Huyền nhiệm xiết bao!
Như vầng mây trắng
Kết thành đài hoa
Người hiện xuống giữa trần gian
Sạch trong, vô nhiễm!
Như hạo khí nghiêng chao đỉnh Sineru
Nghiêng chao thiên vương bốn cõi
Người bước ra khỏi Marā
Bước ra khỏi vô minh tối ám!
Như một mặt trời
Như một vầng trăng
Hợp hôn giờ hoàng đạo
Giáo pháp bất tử của Người
Ban phát bởi từ tâm và trí tuệ
Lừng lững giữa vô cùng
Lừng lững giữa thế gian
Lừng lững không thời gian
Chưa bao giờ lặn tắt!”
Đến ngang đây thì âm ba, cung bậc thay đổi đột ngột, như réo rắt hơn, dìu dặt hơn:
“- Ôi! người ôi!
Có thấy chăng,
Như chiếc cầu vồng lung linh bảy sắc
Vút qua giữa nghìn trùng hư vô
Vút qua giữa bít bùng khổ đau, sự chết
Để đón em-bất-diệt-vô-sanh
Để đón tình yêu Nibbāna tinh khôi, vĩnh cửu!
Chàng càn-thát-bà hát ca
Nàng dạ-xoa khiêu vũ
Từ cung điện miền Đông dập dờn xiêm lụa
Đến bảo tháp non Tây yêu kiều tiên nữ
Và cả Bắc, Nam thánh thót cung đàn
Ôi trái tim, nhịp đập miên man
Trào cảm xúc hương mạn-thù thơm ngát
Víu bắt hạt sương
Như đôi mắt em long lanh, tinh anh, trong suốt
Víu bắt niềm vui
Như mùa xuân em - tươi rạng nụ cười
Và nắng ấm sát-na tâm
Lấp lánh tiếng lời
Cho từng hạt bụi đời
Thành giọt bảo châu trong vắt!”
Đến đây thì ca từ, âm tiết có vẻ chậm rãi, yên bình và thanh thản:
“- Ôi!
Trần gian có nghe chăng,
Ngàn lá, ngàn hoa nẩy hương, nẩy ngọc
Và gió và mây hòa chan, náo nức
Biển thẳm, non sâu phơi phới, hỷ hoan
Giáo hội đức Tôn Sư mở sáng con đường
Vô lượng a-tăng-kỳ cung nghinh, chiêm bái
Hãy lắng nghe ca từ
Chim Ca-lăng-tần-già líu lo, mê mải
Tán thán Người - nhân cách thiên thu!
Tán thán Người - mở xiềng xích ngục tù
Cho vô lượng chúng sanh
Duyên lành siêu thoát
Cho trời và người thanh bình, an lạc!”
Khúc hợp xướng chấm dứt, cả bốn hội chúng đồng reo hò rung chuyển cả không gian.
Đức Phật nói:
- Này, Trì quốc thiên vương! Ngươi và hội chúng càn-thát-bà của ngươi ca tụng, tán thán Như Lai – mà sao ở đấy có lẫn lộn một khúc tình ca như thế?
- Chúng đệ tử chỉ biết cúng dường bằng ngôn ngữ và âm thanh – Trì quốc thiên vương đáp - Và đấy là tấm lòng của chúng đệ tử - bạch đức Thế Tôn!
- Nó hay đấy! Đức Phật mỉm cười – Như Lai mong rằng, các ngươi “hộ trì chánh pháp” cũng hay như thế!
Tứ đại thiên vương đồng khấu đầu phát nguyện:
- Tất thảy chúng đệ tử sẽ đồng tâm hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ! Tuy nhiên, bạch đức Thế Tôn! Trong hội chúng do chúng con cai quản vẫn còn rất nhiều dạ-xoa nhiều thần lực và ít thần lực; chúng không tin tưởng Tam Bảo, vẫn đang còn sống với ác giới, bất chánh, tà tâm... Chuyện đã xảy ra, đang xảy ra, nơi này và nơi kia – chúng hủy báng Tam Bảo, phá rối sự tu tập của tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di... Vậy, trong bốn chúng, khi đang an cư tu tập ở bất cứ đâu, dẫu trong rừng sâu, động vắng, nghĩa địa, miếu hoang, giữa xóm làng... nếu cảm thấy bất an, sợ hãi, cảm giác sợ phi nhân quấy phá thì xin đức Thế Tôn cho phép họ đọc to lên, đọc tụng lớn tiếng tên của những dạ-xoa, đại dạ-xoa, quân sư, đại quân sư có nhiều oai lực, có nhiều thần lực sau đây, thì tức khắc sẽ được an ổn. Đó là: “ Inda, soma, vā varuna, Bhāradvaja, Pajāpati, Candana, Kāmasettha, Khinnughandu, Nighandu, Panāda vā Opamanna.”[v]
Đức Phật chấp thuận. Họ vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ ngài rồi biến mất giữa không gian.
Một tháng an cư diễn ra bình thường. Đức Phật thuyết rất nhiều thời pháp ở đây và cũng rất nhiều thời pháp ở núi Linh Thứu. Đặc biệt, đức Phật thuyết một thời pháp nói về trị quốc, an dân; phải cải cách chính sách cho dân giàu nước mạnh, muôn người an vui, hạnh phúc - tại triều đình đức vua Seniya Bimbisāra, gồm mười điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất là rà soát lại các tội tử hình, tội chung thân khổ sai, giảm miễn các hình phạt quá đau đớn về thân thể. Các hình thức như lóc thịt, năm ngựa phanh thây, chặt đầu ba khúc, chặt chân, chặt tay... đều phải bị bãi bỏ; chỉ gia trọng tội hình bằng cách tăng gia sản xuất, làm việc tại các xưởng công nghệ; và do thành quả lao động, các năm tù tội sẽ được giảm khinh.
Thứ hai là các ông chủ ngân hàng giảm bớt tiền cho vay quá nặng lãi; các ông chủ nghiệp đoàn, chủ các công nghệ, công xưởng phải trả đồng lương cho thầy thợ tương ứng khả năng và sức lao động để cho họ đủ ăn đủ mặc.
Thứ ba là tôn kính, cúng dường các sa-môn, đạo sĩ; giữ gìn truyền thống văn hóa, các phong tục, mỹ tục, các lễ tiết, lễ hội, cúng tế tổ tiên và mùa màng!
Thứ tư, người cày phải có ruộng, giảm thuế nông nghiệp, cung cấp phân, giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khuyến khích các ngành nghề thủ công. Giảm bớt thuế má lâm sản, khoáng sản và hải sản.
Thứ năm là cấm ngược đãi, áp bức nữ giới; đối xử tốt với gia nhân, người làm công, giới chiên-đà-la.
Thứ sáu là khuyến khích sự học cho con em, cấm bóc lột sức lao động trẻ em.
Thứ bảy là lập các trại chẩn bần, cứu tế, mở bệnh xá - chữa bệnh cho dân và cấp phát thuốc men cho dân.
Thứ tám, mở thêm các hí trường lộ thiên, các nhà nghỉ cộng cộng, cơ sở vệ sinh; làm thêm các công viên, vườn hoa, trồng thêm cây xanh.
Thứ chín, nạo vét kênh mương, đào thêm giếng nước ở các trấn thành cũng như ở xóm làng.
Thứ mười, cấm buôn bán người làm nô lệ. Cấm giết súc vật để cúng tế.
Do chính sách cải cách tiến bộ, vì dân và cho dân thật sự - được giáo hóa bởi đức Phật nên uy tín của giáo hội ăn sâu vào quần chúng. Các giáo phái khác ở đây vẫn được đức vua tôn trọng, đối xử công bằng – nhưng họ cũng bị co cụm dần trước sự phát triển lớn mạnh của giáo pháp chơn chánh đầy lẽ phải và tình thương giữa cuộc đời và trong lòng người.
2.18- Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-thát-bà
Sớm hôm kia, không thông báo với ai, đức Phật ôm bát đi khất thực một mình. Sau khi thấy vật thực vừa đủ dùng, ngài ra phía ngoại ô, đi mãi về hướng Đông thành Vương Xá (Rājagaha). Tại làng Ambasaṇḍā, trên núi Vediyaka đức Phật ngồi dưới gốc cây độ ngọ. Vì trời mưa lất phất và gió lạnh, ngài tìm vào hang động Indasāla để nghỉ trưa, sau đó, trú sâu vào đại định – là nơi tĩnh cư của bậc thánh. Đức Phật thấy có sự hữu duyên để hóa độ một chúng sanh lớn nên ngài tìm đến đây.
Trời Sakka vừa được Tứ đại Thiên vương lên chầu kể lại là vừa xuống Veḷuvana để thăm viếng đức Phật, sau đó tấu nhạc ca, rải hoa hương tán thán ngài như thế nào.
Trời Sakka mấy lúc này cơ thể rịn mồ hôi, mệt mỏi, rã rời dường như không còn hơi sức, màu sắc thiên bào và những tràng hoa mau phai nhạt, cảm giác chán nản ngũ dục - biết đấy là dấu hiệu sắp từ giã cõi đời – nên muốn xuống hầu Phật để nghe ngài giáo giới. Giấu chuyện buồn của mình, trời Sakka cười vui rồi nói:
- Các vị đã đến trước ta! Ta cũng đang muốn xuống đảnh lễ, tán thán ngài, sau đó sẽ hỏi ngài vài câu hỏi quan trọng về sự sinh tử, về sự vui khổ của đời người. Một bậc Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian là khó lắm, chư vị biết không?
- Vâng! Hy hữu lắm! Vậy thì thiên chủ cứ đi, thưa thiên chủ!
- Ừ, ta sẽ đi! Vậy thì ta cùng với chúng chư thiên mang theo vị nhạc sĩ trưởng của thiên đình, có được không?
- Được lắm! Quý hóa lắm!
Sau khi Tứ đại Thiên vương đi rồi, trời Sakka cho triệu tập chúng thiên Nam, thiên nữ 33 tòa cung điện, nói lý do cuộc thăm viếng này. Ai cũng hoan hỷ chuẩn bị sắc phục, mũ miện, trang điểm châu ngọc sáng ngời, phướn lọng rực rỡ, hoa hương thơm ngát...
Đế Thích cho gọi viên nhạc trưởng phụ trách ban ca vũ nhạc thiên đình là Pañcasikhā đến... Pañcasikhā là ai?
Cả thiên đình, hầu như ai cũng cảm thương chuyện tình của chàng nhạc sĩ tài hoa này. Các bậc có thắng trí kể lại rằng, thời Phật Kassapa, chàng là một trẻ chăn bò lêu lổng, ham chơi, ca hát líu lo suốt ngày như trẻ nít. Lớn lên, cái tính ham chơi, lêu lổng vẫn y như cũ, không chịu làm người lớn. Được cái là chàng kính tin Tam Bảo, luôn luôn tìm cách phục vụ đức Phật và chư Tăng. Nghiệp ấy, mệnh chung, chàng hóa sanh làm con của càn-thát-bà nhạc sĩ trưởng của thiên đình. Vì không thích làm người lớn, tính khí, thói quen sao thì nghiệp tạo như vậy - nên hình vóc chàng như chú tiên đồng mũm mĩm, da dẻ hồng hào, với 5 chỏm tóc trên đầu, ai cũng gọi là Pañca-sikhā, lâu trở thành tên[i]. Do mầm giống cầm ca, nối nghiệp cha, Pañcasikhā phụ trách ban vũ nhạc kịch của cung đình. Nghệ sĩ là giống đa tình, chàng yêu si mê cô tiên nữ Suriya Vaccasā con của tiên ông Timbaru; nhưng trái ngang thay, cô tiên này không yêu chàng - cậu tiên càn-thát-bà [ii] con nít trông như trái đào có 5 chỏm tóc ấy – mà lại yêu thương Sikhaddhi, là con trai của Mātali, người đánh xe thân cận của Sakka!
Đế Thích nói với viên nhạc sĩ trưởng:
- Này, Pañcasikhā! Con có chuẩn bị sẵn được một bản nhạc, một ca từ nào tối thượng để dâng tặng bậc Chánh Đẳng Giác không?
- Dạ thưa, có ạ! Một khúc nhạc ca tuyệt vời!
Pañcasikhā nghĩ là tuyệt vời – vì thất tình, chàng nhạc sĩ đã sáng tác một ca khúc, như tiếng nhạc lòng chưa thổ lộ với ai, chưa tấu cho ai nghe! Hôm nay, chàng muốn dâng lên đức Thế Tôn nhạc khúc với ca từ vi diệu ấy, như được chắt ra từ máu của trái tim chàng! Và đấy chính là biểu lộ sự kính trọng tối thượng của chàng với đức Thế Tôn!
- Thế là tốt! Này Pañcasikhā! Ta nhờ ngươi một việc có được không?
- Xin thiên chủ cứ nói!
- Đến viếng thăm đức Thế Tôn có vẻ đường đột như thế này ta rất ngại. Các đức Chánh Đẳng Giác thường thích chỗ an cư tĩnh lặng. Vậy thì làm thế nào, khúc nhạc ca của ngươi, khi lọt vào tai đức Thế Tôn mà không quấy nhiễu ngài, lại còn như bước thăm dò, để rồi sau đó, ta được ngài cho tiếp kiến, được chăng?
- Dễ dàng thôi, thưa thiên chủ! Pañcasikhā tự tin đáp - Lời ca tiếng nhạc của con thì tảng đá cũng phải nghiêng tai, gió bão đi qua cũng phải ngưng lại; và những đám mây lang thang giang hồ kia cũng phải dừng chân giây lát để thảng thốt mà lắng nghe! Thiên chủ cứ yên chí đi! Đức Thế Tôn sẽ tiếp ngài bởi lời ca, tiếng hát và khúc nhạc cầm vi diệu của con!
- Ừ, vậy thì như thế này, Pañcasikhā! Hiện giờ đức Thế Tôn đang ở tại làng Ambasaṇḍā, núi Vediyaka, trong hang động Indasāla – phía Đông thành Rājagaha. Khi xuống dưới đó, ta và hội chúng chư thiên sẽ ngự giữa làng, xung quanh núi; còn ngươi thì tìm đến chỗ phải lẽ, không gần quá, không xa quá, chỉ vừa đủ cho tiếng nhạc du dương của nhà ngươi lọt vào tai ngài mà không làm phiền rộn ngài, được chăng?
Chú tiên đồng năm chỏm tóc tuân mệnh. Thế là từng đám mây... từng đám mây đủ màu, sáng rực, chói ngời giữa không gian, trong đêm, thoáng chốc đã bay đến nơi dự định. Họ ngự lác đác giữa làng và xung quanh núi Vediyaka.
Lúc ấy, đêm chưa khuya. Dân chúng quanh vùng hớt hải, ngạc nhiên vùng thức dậy. Họ ào ào ra sân, ra vườn:
- Núi Vediyaka có lẽ bị cháy?
- Núi Vediyaka có lửa sáng rực?
- Bên trên ngôi làng Ambasaṇḍā cũng thế!
Có bậc thức giả nhiều kiến văn, chăm chú nhìn hiện tượng lạ, nói rằng:
- Không phải đâu, chư vị! Giữa hư không thế kia thì đâu có cỏ, có rác, có cây khô... mà lửa cháy!
- Đúng rồi! Vậy thì cái gì mà sáng rực vậy?
- Có lẽ đấy là ánh sáng của chư tiên ở cõi trời!
- Thế à? Họ hiện xuống đây làm gì?
- À, xem nào? Một người nói - Ở núi Vediyaka chắc hẳn có bậc đại thánh nhân nào ngụ cư ở đấy rồi chăng? Đây là hiện tượng chư tiên xuống chầu!
- Phải rồi! Nghe nói hồi trưa nay, có đại sa-môn Gotama đi sâu vào trong đó!
- Đích thị rồi!
- Vậy thì sớm mai, chúng ta hãy vào đảnh lễ, cúng dường ngài cho có phước! Là vị đại A-la-hán đấy!
Trong lúc ấy, Pañcasikhā cầm cây đàn Beḷuva, cẩn trọng tìm chỗ vừa tầm, đứng không gần, không xa hang núi Indasāla. Lựa tìm một chỗ ngồi, lắng nghe hướng gió, chàng dạo đầu một khúc nhạc như âm thanh tự nhiên giữa đất trời: Đấy là tiếng lá reo qua cành trúc, là tiếng suối chảy giữa khe sâu, là tiếng muôn chim hợp tấu giữa rừng xuân! Chàng nhạc sĩ nghĩ thầm: “Ta không dám đánh lừa lỗ tai của đức Đại Giác – nhưng ta phải lấy âm thanh tự nhiên ấy, chuyển mạch, chuyển tiết tấu để đi vào khúc đàn lòng của ta mới không đột ngột!” Pañcasikhā bèn nghĩ tiếp rằng:“Vậy cũng chưa đủ, chưa xứng với danh tài của ta! Bọn càn-thát-bà nhạc sĩ “tỉnh lẻ”, thuộc hạ của Trì Quốc thiên vương kia, khi tấu nhạc, nhạc còn tỏa mùi hương của lá, của hoa... thì ta cũng cho vào nhạc những hương liệu của cõi trời mà nhân gian này không có được!” Thế rồi, khúc nhạc quyện lẫn với ca từ vi diệu, quyện lẫn với những mùi hương lạ lùng - đã được tấu lên, được hát lên... tha thiết... mê ly... say đắm làm xao xuyến cả trời đất, cỏ cây.
Đức Phật lúc ấy đã xuất định. Ngài biết mọi chuyện. Ngài biết rõ khúc nhạc tình si mê của Pañcasikhā, cả nhân và quả của nó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật mỉm nụ cười trong tâm, ngài lắng nghe từ đầu.
“- Ôi! Suriya Vaccasā!
Ta đảnh lễ Timbaru
Bậc thân phụ của nàng
Đã sanh nàng thiên nữ
Nguồn hạnh phúc của ta
Như gió cho kẻ mệt
Như nước cho kẻ khát
Nàng là tình của ta
Như Pháp với đức Phật
Như thuốc cho người bệnh
Thức ăn cho kẻ đói
Thiên nữ với nước mát
Hãy dập tắt lửa tình!
Như voi bị nắng thiêu
Tắm mình hồ nước ngọt
Có cánh sen, nhụy sen
Cũng vậy, ta muốn chìm,
Chìm sâu vào ngực nàng
Như voi bị xiềng xích
Hất móc câu, gậy nhọn
Ta điên vì ngực nàng
Hành động ta rối loạn
Tâm ta bị nàng trói
Tháo gỡ thật vô phương
Rút lui cũng bất lực
Như cá đã mắc câu
Hiền nữ hãy ôm ta
Trong cánh tay của nàng!
Hãy ôm ta, nhìn ta
Trong ánh mắt dịu hiền
Hãy ghì chặt lấy ta!
Thiên nữ, ta van nàng!
Ôi! Hiền nữ suối tóc!
Ái dục ta có bao,
Nhưng nay đã tăng bội!
Như đồ chúng đức Phật,
Mọi công đức ta làm
Xin dâng lên đức Phật!
Ôi! Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả cho ta
Công đức khác của ta
Đã làm trên đời này
Ôi! Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả của ta
Vị Thích tử thiền tu
Nhất tâm và giác tỉnh
Tầm cầu đạo bất tử
Cũng vậy, ta cầu nàng!
Như người tu sung sướng
Chứng bồ-đề tối thượng
Kiều nữ, ta sung sướng
Được nhập một với nàng!
Nếu thiên chủ Sakka
Cho ta một ước nguyện
Ta ước nguyện được nàng
Vì ta quá yêu nàng
Như ta-la sanh quả
Tuệ nữ, phụ thân nàng
Ta sẽ đảnh lễ ngài
Vì sanh nàng toàn vẹn!” [iii]
Khúc nhạc tình si chấm dứt mà nước mây núi rừng Vediyaka còn bồi hồi, xao xuyến. Cả không gian chợt lắng lại như còn chìm sâu trong âm hưởng mộng mị.
Đức Phật cất giọng phạm âm, nghe rõ mồn một trong tai hội chúng chư thiên, nhất là với chàng nhạc sĩ:
- Này Pañcasikhā! Âm thanh những sợi dây đàn của ngươi hòa điệu tuyệt vời với ca từ, với giọng hát của ngươi, và ngược lại. Cầm đàn không thêm sắc màu gượng ép cho ca từ mà ca từ cũng không phô trương, cường điệu so với cầm đàn. Đúng là nhạc sĩ trưởng tài hoa của thiên đình! - Tiếng của đức Phật chợt như đi xuyên vào tâm não của chàng nhạc sĩ hơn - Nhưng mà này Pañcasikhā! Ngươi sáng tác khúc ca ấy lúc nào, duyên cớ bởi sao mà ngươi dám ví nàng ấy và ngươi - giống như Pháp với Như Lai? Ngươi tầm cầu nàng lại đem so như hành giả tầm cầu đạo bất tử? Ngươi sung sướng nhập một với nàng lại xem như Thích tử chứng bồ-đề tối thượng? [iv]
Pañcasikhā cất giọng sầu não:
- Đúng vậy! Đức Thế Tôn la rầy con là đúng lắm! Con sáng tác khúc ca ấy vào thuở ngài thành đạo dưới cội bồ-đề, nghĩa là vừa mới đây thôi. Biết sao hơn, đối với con, nàng là tối thượng. Ca từ và nhạc điệu vừa rồi là tiếng lòng vi diệu nhất của con. Vậy sự so sánh, ví von ấy, đối với con, bây giờ đây - là chân thật nhất, là tối thượng nhất, bạch đức Thế Tôn!
Rồi, anh chàng nhạc sĩ “cả gan” kể lại chuyện tình của mình cho đức Phật nghe!
Đế Thích thiên chủ tự nghĩ: “Đức Phật không đuổi Pañcasikhā mà chăm chú lắng nghe, còn tỏ vẻ thông cảm với anh chàng nhạc sĩ si tình này nữa! Ta có cơ hội rồi!”
Pañcasikhā, sau đó, không quên nhiệm vụ của mình:
- Bạch đức Thế Tôn! Thiên chủ Sakka, đình thần và thuộc hạ thiên chúng mong được diện kiến, đảnh lễ, vấn an sức khỏe của Người; sau đó được học hỏi về giáo pháp.
Đức Phật im lặng nhận lời. Thế rồi, khi thiên chủ Sakka và hội chúng được phép đi vào; họ dùng thần lực làm cho chiếc hang sáng và rộng thêm ra. Ai cũng đến đảnh lễ đức Phật và tìm đứng nơi phải lẽ.
Đức Phật nói:
-Thật là đột ngột khi thiên chủ ghé thăm Như Lai! Thật là kỳ diệu khi thiên chủ có nhiều trách nhiệm để gánh vác – mà còn có thì giờ vân du đến hang núi này.
- Bạch đức Thế Tôn! Quả thật vậy, cõi trời 33 thật quá nhiều việc phải làm. Nay bị ngăn trở việc này mai bị ngăn trở việc khác nên không thể đến hầu đức Thế Tôn thường xuyên được!
Đức Phật biết tâm tư và nguyện vọng của Sakka nên bắt đầu chuyển hướng câu chuyện:
- Ừ, Như Lai biết thiên chủ có đức tin – nhưng nhiều thuộc hạ của thiên chủ chưa có đức tin.
- Quả thật vậy, bạch đức Thế Tôn! Có nhiều việc lợi ích hiện tiền, thấy rõ trước mắt nhưng con cũng chưa thuyết phục được thuộc hạ của con. Con đã từng nói với họ rằng, lúc nào một đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện thì thiên giới tăng thịnh còn A-tu-la suy giảm. Rồi con kể ví dụ cụ thể cho họ nghe. Thuở đức Thế Tôn về thăm Kapilavatthu, có Thích nữ Gopakā đã già, kính tin Tam Bảo, đầy đủ quy giới, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiên giới, làm một vị thiên tử, là con trai của con, được thọ hưởng phú túc năm món dục lạc. Ngược lại có ba vị tỳ-khưu mà Thích nữ kia thường hộ độ, do tu hành mà còn lơ là, còn quá ham chơi nên được sanh làm càn-thát-bà hạ đẳng, phải hầu hạ vị thiên tử kia. Xét như vậy, Tam Bảo là phước điền vô thượng, ai không có đức tin, không có quy giới, không biết bố thí, cúng dường, không lo tu tập thì thật uổng phí một đời!
Từ tâm và trí của Đế Thích được dọn sạch như vậy; và những câu hỏi của ông ta liên hệ những ác pháp, tương duyên phát sanh như thù nghịch, ác ý, tật đố, xan tham, ưa ghét...vọng tưởng, hý luận... rồi nào là hỷ, ưu, xả trên lộ trình tiến tu như thế nào - đức Phật đã cặn kẽ từng điểm một, giải thích chu đáo cho Đế Thích nghe hiểu. Cuối buổi vấn đáp, Đế Thích thâu hái được những điều lợi ích sau đây: Thấy được tái sanh, sáng suốt chọn thai bào, sống với chánh niệm, tỉnh giác, tương lai sẽ gặt quả bồ-đề, hết thân cõi trời sẽ hóa sanh vào sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha) rồi Niết-bàn ở đấy không trở lại trần gian nữa! Nói cách khác, Đế Thích hân hoan quá khi biết mình đã thấy pháp, đã bất thối với Con Đường! Còn nữa, còn điều kỳ diệu nữa, ngoại trừ đức Phật, không ai thấy, là Đế Thích mạng chung rồi hóa sanh ngay tức khắc trở lại làm Đế Thích với sinh lực cuồn cuộn như được thay da đổi thịt, thay thân hoán cốt.
Hỷ lạc đầy ắp cả người, Đế Thích nói:
- Này Pañcasikhā! Ngươi đã giúp ta quá nhiều việc; và tối thượng nhất là nhờ ngươi mà ta được diện kiến đức Thế Tôn, được nghe những lời pháp bất tử! Để đền ơn ngươi, thứ nhất là từ bây giờ, ta đặc phong cho ngươi làm vua càn-thát-bà với đầy đủ mọi danh vọng và mọi danh xưng, uy nghi, hiển hách! Thứ hai, ta sẽ đóng vai thân phụ ngươi rồi ta sẽ tìm cách cưới nàng Suriya Vaccasā làm vương hậu cho ngươi, được chưa?
Vậy là chuyện tình si của chàng nhạc sĩ Pañcasikhā chấm dứt, từ rày về sau, ta chỉ còn được biết đến, Pañcasikhā - ông vua càn-thát-bà cao sang mà thôi!
2.19- Vesāli Thiên Tai, Dịch Họa
Qua tháng thứ hai an cư, xảy ra một biến cố. Chuyện là, miền Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng nay, phía Bắc lại không có một giọt mưa. Thế là một thảm họa đổ xuống các tiểu bang ở đây, nhất là kinh thành Vesāli: Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn. Thế là đói khát trầm trọng (dubbhikkhan-tarakappa) xảy ra. Đó là nạn thứ nhất. Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi. Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai. Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn; nhất là bệnh đường ruột, bao tử (vì gặp cái gì ăn được là ăn), bệnh dịch tả (các nguồn nước cạn kiệt bị ô nhiễm) càng làm cho người chết nhiều thêm nữa. Đó là nạn thứ ba!
Các đức vua và hội đồng tướng lãnh các tiểu bang cộng hòa cấp tốc hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli - vốn là thân hữu của đức vua Seniya Bimbisāra – làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến tiểu bang Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho muôn dân. Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Trúc Lâm với đại chúng tỳ-khưu!
Tôn giả Mahā Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát – mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân (Mahāpurisa), có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các bà-la-môn phù thủy! Tuy nhiên, không những đức Tôn Sư làm được, mà các vị thượng thủ A-la-hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm-sinh-vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau! Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng – có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác!”
Đức Phật đã sớm biết chuyện này, ngài nói:
- Các ông hãy về đi! Như Lai và hội chúng năm trăm tỳ-khưu sẽ đến Vesāli trong mươi, mười mấy hôm nữa! Như Lai đã có duyên với hoàng tộc Licchavī và dân chúng Vesāli – thì Như Lai sẽ cố gắng trong khả năng của mình!
Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, Đức Phật nói chuyện với vị đại đệ tử:
- Này Moggallāna! Ông nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau: Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi. Bây giờ, ông hãy gọi Ānanda đến đây!
Sau khi có mặt cả hai vị, đức Phật nói:
- Ānanda có trí nhớ rất tốt, vậy phải học bài kinh uy lực của Tam Bảo mà Như Lai sẽ đọc sau đây, nó có tên là Ratanasutta; sau khi thuộc rồi, ông hãy lựa chọn mấy trăm vị tỳ-khưu còn trẻ, trí nhớ tốt, tức tốc dạy cho họ học thuộc bài kinh ấy! Còn Moggallāna thì vào hoàng cung, gặp đức vua Seniya Bimbisāra, gợi ý là nên hỗ trợ cho Vesāli trong lúc đói kém, khoảng chừng một ngàn xe lương thực; và đức vua cũng nên cử quan đại thần và quân đội đích thân vận chuyển; chuẩn bị xong lúc nào là lên đường ngay lúc ấy; cứu đói như cứu lửa - phước báu sẽ rất lớn; và nhờ thế, tâm đức của đức vua sẽ sáng chói và lan rộng khắp cả châu Diêm-phù-đề! Cũng trình với đức vua là cho Jīvaka Komārabhacca, các trợ lý lương y, nhân viên cùng thuốc men để trị bệnh dịch tả cùng những biến chứng về bao tử, đường ruột...
Đại đức Ānanda làm trọn phận sự của mình, có năm trăm tỳ-khưu cùng học thuộc lòng. Còn đức vua Seniya Bimbisāra thì sẵn sàng hoan hỷ đáp ứng gợi ý thích đáng ấy; và còn hơn thế nữa - do mùa màng đất nước này bội thu - nên đã trợ cấp hào sảng hai ngàn xe lương thực để cứu đói. Lại còn rộng lượng cho vay thêm một ngàn tấn lương thực nữa, thời gian trả, không hạn định; lúc nào mùa màng bội thu, phú túc hẵng sẽ trả sau, không lấy lãi!
Thế rồi, đức Phật, mấy chục vị trưởng lão, năm trăm tỳ-khưu và phái đoàn cứu tế rầm rộ lên đường. Bảy ngày sau, đến sông Gaṅgā, tại thị trấn Pāṭaligama, đức vua đã cho chuẩn bị sẵn năm mươi chiếc thuyền lớn để chở phái đoàn và lương thực. Đang mùa mưa nên nước cuồn cuộn tràn bờ, nhờ thuyền lớn nên xuôi Đông nhẹ nhàng; đến ngã ba sông, đoàn thuyền bỏ sông Gaṅgā, theo nhánh sông Gaṇdak(?) tiến lên phương Bắc. Hai bên bờ, đồng khô cỏ cháy trông thật tang thương. Càng đến gần Vesāli chừng nào thì thuyền đi càng chậm vì sông cạn, lại lềnh bềnh tử thi và rác rưởi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ròng rã ba ngày, đoàn thuyền khá gian lao, vất vả mới đến được bến nước – giang khẩu vào kinh thành Vesāli!
Khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ Đông nước cộng hòa Licchavī - thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất – như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm![i]. Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất. Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa... Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật - nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời! Đức Phật, phái đoàn và ba ngàn xe lương thực vào thành. Dân chúng quỳ lạy hai bên đường...
Tôn giả Mahā Moggallāna nhanh trí, hướng dẫn quan đại thần của đức vua Seniya Bimbisāra đến bàn tính ngay với giới cấp lãnh đạo kinh thành Vesāli, làm gấp ba việc: Phân phối lương thực, bố trí ngay chừng hai mươi địa điểm, do chiến sĩ phụ trách để cứu đói rộng rãi cho dân chúng. Nhóm chiến sĩ khác cùng với thanh niên tình nguyện rải khắp các nơi, chôn lấp hoặc thiêu đốt tất cả tử thi còn lại. Bố trí một quảng trường và những dãy nhà có mái che, có sạp nằm để phái đoàn lương y do quan trưởng ngự y Jīvaka Komārabhacca dẫn đạo - chữa bệnh cho dân! Thanh niên Saccaka thấy đức Phật như một vị cứu tinh trên trời hiện xuống cứu giúp muôn dân nên huy động cả ngàn con em quý tộc tham gia hăng hái việc này việc kia chung với phái đoàn cứu tế.
Đêm xuống, dưới ánh đuốc chập chờn, đại đức Ānanda dẫn đầu năm trăm tỳ-khưu đi quanh thành Vesāli ba vòng, tụng bài kinh Ratanasutta suốt đêm không ngủ...
“- Yān’īdha bhūtāni samāgatāni
Bhummāni vā yāni’va antaḷikkhe
Sabbe’va bhūtā sumanā bhavantu
Atho’pi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ...
...
Phàm chúng thiên nhơn nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Phát sanh lòng hoan hỷ
Chánh tâm và thành ý
Lắng nghe lời dạy này
Tất cả chúng thiên nhơn
Hãy bi mẫn đồng tâm
Lòng từ luôn rộng mở
Năng chuyên cần gia hộ
Đối với nữ Nam nào
Ngày đêm thường bố thí
Phàm những tài sản gì
Đời này hoặc đời sau
Ngọc báu hay trân châu
Có cùng khắp thiên giới
Nhưng chẳng gì sánh nổi
Đức Thiện Thệ Như Lai
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Ly dục, diệt phiền não
Pháp diệu thù bất tử
Phật Thích-ca Mâu-ni
Đắc Tịch tịnh, Vô vi
Trong Thiền, chứng ngộ Pháp
Chẳng pháp nào sánh nổi
Chính Pháp Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Bậc Vô thượng Chánh Giác
Hằng ca ngợi Pháp Thiền
Trong sạch, không gián đoạn
Chẳng Thiền nào sánh nổi
Chính Pháp Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Thánh bốn đôi, tám vị
Bậc thiện hằng tán dương
Đệ tử đấng Thiện Thệ
Xứng đáng được cúng dường
Bố thí các vị ấy
Được kết quả vô lượng
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Các ngài tâm kiên cố
Ly dục sống Thánh Đạo
Khéo chơn chánh thiện hành
Lời Phật Gotama
Chứng đạt được quả vị
Thể nhập đạo Bất Tử
Hưởng tịch tịnh dễ dàng
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Ví như cột trụ đá
Khéo y tựa lòng đất
Dầu gió bão bốn phương
Chẳng thể nào lay động
Ta nói bậc Chơn Nhơn
Liễu ngộ Tứ thánh đế
Cũng tự tại, bất động
Trước Tám pháp thế gian
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Bậc Thánh Tu-đà-hoàn
Thấy rõ lý Tứ đế
Mà đức Chuyển pháp vương
Có trí tuệ thậm thâm
Đã khéo giảng, khéo dạy
Các ngài dù phóng dật
Cũng chẳng thể tái sinh
Nhiều hơn trong bảy kiếp
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Nhờ vững chắc chánh kiến
Nhờ kiên cố chánh tri
Đoạn lìa ba trói buộc
Là Thân kiến, Hoài nghi
Luôn cả Giới cấm thủ
Ra khỏi bốn đọa xứ
Không tạo sáu trọng nghiệp
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Bậc Thánh Tu-đà-hoàn
Dẫu vô tâm phạm lỗi
Bằng ý, lời hay thân
Chẳng bao giờ khuất lấp
Bởi vì đức tánh này
Được gọi là “thấy Pháp”
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Ví như cây trong rừng
Đâm chồi đầu mùa hạ
Cũng vậy, đức Thế Tôn
Thuyết giảng pháp Siêu việt
Pháp đưa đến Niết-bàn
Tối thượng, vô năng thắng
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Đức Phật - bậc Vô thượng
Liễu thông pháp Vô thượng
Ban bố pháp Vô thượng
Chuyển đạt pháp Vô thượng
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Nghiệp cũ đã chấm dứt
Nghiệp mới không tạo nên
Nhàm chán kiếp lai sanh
Chủng tử, dục diệt tận
Ví như ngọn đèn tắt
Bậc trí chứng Niết-bàn
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chơn hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhơn nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đảnh lễ Phật
Đã như thật xuất hiện
Mà chư thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chơn hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhơn nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đảnh lễ Pháp
Đã như thật xuất hiện
Mà chư thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chơn hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhơn nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đảnh lễ Tăng
Đã như thật xuất hiện
Mà chư thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chơn hạnh phúc...
Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị tỳ-khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo. Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu... Chư thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ - nếu các đức vua và hội đồng tướng lãnh sống theo chánh pháp.
Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư Tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ nhân dân kinh thành phải kính cẩn lắng nghe - tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan – không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc!
Các vị trưởng lão và các vị A-la-hán có trí, phải giải thích:
- Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu - đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam Bảo. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị tỳ khưu đọc tụng - tạo thành năng lực của tăng thượng tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới (tâm-sinh-vật lý) đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này.
Công việc cứu đói, trị bệnh và vệ sinh tẩy uế các nơi kéo dài hơn cả tuần lễ, đâu đó hoàn mãn. Trong thời gian ấy, khi chư Tăng về nghỉ ở Mahāvana thì đức Phật thuyết pháp liên tục tại triều đình - hội chúng gồm các đức vua, tướng lãnh, quý tộc, các quan đại thần, trí thức, nhân sĩ, phú hộ, thương gia... tai mắt: Cộng hòa Licchavī, thủ đô là Vesāli; cộng hòa Videha, thủ đô là Mithilā; năm sáu bộ tộc nhỏ liên minh thành liên bang Vajjī... Đức Phật nhấn mạnh về trị quốc an dân, lực lượng võ bị tuy cần thiết nhưng vẫn là thứ yếu; sự thương yêu, đoàn kết để sống trong thiện pháp mới là yếu tố quyết định. Đức Phật triển khai một số thời pháp liên hệ đến chư thiên, phi nhơn ở trong thế giới xung quanh - phải sống làm sao để họ cùng hoan hỷ!
Thấm đẫm về hương vị của chánh pháp và thấy rõ oai lực của đức Phật, của hội chúng giáo đoàn - đã giải tan tức khắc ba thảm nạn; họ xin quy giáo rất nhiều và hứa cải cách việc bầu cử chọn lựa các đức vua đức độ, các quý tộc võ tướng hiền tài điều hành và lãnh đạo các nơi... Mấy ngày sau, hội đồng đại biểu nhân dân được triệu tập bằng ba hồi trống, một trong ba quốc vương được ủy nhiệm chủ tọa hội đồng và tổ chức cuộc bầu bán bằng cách đề cử công khai. Chương trình cải cách và những biện pháp thực thi dựa theo chánh pháp được đa phần đại biểu chấp thuận. Đề cương chính sách được thảo luận đã thuyết phục được nhiều người rồi được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. Vậy là ngay tại Licchavī, mười bốn ngàn võ tướng được chọn lựa để điều hành chừng hai trăm năm mươi ngàn cư dân! Đạo đức của ba quốc vương được đề cao, tán dương; hội đồng tướng lãnh được khen ngợi về khả năng và ý thức trách nhiệm cải thiện đất nước... Từ đó về sau, các nước này bắt đầu thịnh cường, yên ổn trở lại. Các quý tộc Licchavī bắt đầu sống đời giản dị, khiêm tốn – thương dân như anh em! Các vị tướng trẻ không còn hống hách, ăn chơi, ngã mạn – đôi khi họ chỉ ngủ trên nệm cỏ, với võ khí sẵn sàng bên người, có thể vùng dậy bất cứ lúc nào để chăm lo an ninh cho nhân dân!
Đức Phật ở lại Vesāli nửa tháng thì dân chúng đã hùn góp, chung tay, chung lực làm xong một công trình lớn: Ngôi Nhà Nóc Nhọn tại Mahāvana để cúng dường lên thập phương Tăng. Hội đồng tướng lãnh, nhân dân và cư sĩ hai hàng thỉnh nguyện đức “Cứu-khổ-cứu-nạn” ở lại; thế nhưng, khi thấy tình hình đã trở nên sáng sủa, tốt đẹp - đức Phật và hội chúng từ giã, trở lại Rājagaha...
“Ôi! Cuộc chuyển hóa của đức Tôn Sư thật là vĩ đại” – Các vị trưởng lão đồng khởi lên một ý nghĩ giống nhau như thế!
Sau mùa an cư, hầu hết các vị trưởng lão các nơi tìm về Trúc Lâm đảnh lễ đức Phật và tường trình công việc hoằng hóa. Như vậy là giáo pháp đã được lan rộng sang một số tiểu quốc cộng hòa và các liên bang tự trị phía Bắc sông Gaṅgā – nơi nào cũng có cơ sở và có chư tăng thường trú. Riêng các tiểu quốc phía Tây Nam kinh thành Rājagāha như Kālāma, Kāsi, Vamsā... thì còn rất mỏng. Tôn giả Sāriputta và một số các vị trưởng lão ở Kỳ Viên về, cho biết là ở đấy có phát triển nhưng chưa được thuận lợi – do các lực lượng chống đối nổi lên công khai. Họ lại chưa có duyên tiếp cận để thu phục đức vua Pāsenadi và triều đình, có lẽ phải chờ đợi uy lực của đức Phật mà thôi.
Đức Phật phủ dụ, trấn an họ.
Do các tân tỳ-khưu các nơi khác về rất đông, con số đã lên đến trên dưới hai ngàn – nên các vị trưởng lão giáo thọ phải bộn bề công việc. Các ông hoàng dòng họ Sākya bây giờ đã được nghe nhiều, học nhiều nên nghiễm nhiên phải phụ tá công việc với các vị trưởng lão, làm những chúng trưởng mẫu mực, uy nghi để dẫn dắt cho các hàng môn đệ.
[i] Loài hóa sanh - phước báu thù thắng hơn loại do noãn, thai và thấp sanh – uy lực hơn cả loài rồng.
[ii] Phước báu cũng rất thù thắng.
[iii] Là những vị thiên đặc biệt có khả năng đàn, ca, xướng, hát; có vị trú hương rễ cây, có vị trú hương lõi cây, có vị trú hương giác cây, có vị trú hương của hoa, có vị trú hương của vị, có vị trú hương của hương - đời sống tinh thần khá thanh khiết, phước báu cao hơn cõi người rất nhiều..
[i] Pañca là số năm, sikhā là chòm, là chỏm.
[ii] Tuy vẫn ở cõi tiên nhưng thân phận thấp kém, phải hầu hạ chư thiên, ví dụ biểu diễn ca vũ nhạc kịch...cho các vị vua trời và thiên chúng xem.
[iii] Xem Đế Thích sở vấn, Trường bộ kinh 2, trang 150 – 153.
[iv] Nhận thấy đây là câu chuyện thú vị, độc nhất, hy hữu trong Tam Tạng – nên tác giả xin cung cấp thêm một dị bản - Trường A-hàm, do Tuệ Sỹ dịch và chú. Kinh văn đoạn này như sau: “ Rồi ông (Pañcasikhā – Ban-giá-dực) cầm đàn lưu ly đến trước Phật. Cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly, và hát lên bài kệ rằng: Bạt-đà ơi! Kính lễ phụ thân nàng. Sinh ra nàng cát tường. Mà tâm ta rất thương yêu. Vốn do nhân duyên nhỏ. Dục tâm sinh trong đó. Càng ngày càng lớn thêm. Như cúng dường La-hán. Thích tử chuyên bốn thiền. Thường ưa chốn thanh vắng. Chính ý cầu cam lồ. Tâm niệm ta cũng vậy. Đức Năng Nhân phát đạo tâm. Tất muốn thành Chánh Giác. Như tôi nay cũng vậy. Ước ao hội họp với người con gái ấy. Tâm tôi đã đắm đuối. Yêu thương không dứt được. Muốn bỏ, không thể bỏ. Như voi bị móc câu kềm chế. Như nóng bức mà gặp gió mát. Như khát mà gặp con suối lạnh. Như người nhập Niết-bàn. Như nước rưới tắt lửa. Như bệnh gặp lương y. Đói, gặp thức ăn ngon. No đủ, khoái lạc sinh. Như La-hán an trú pháp. Như voi bị câu móc kềm chặt. Mà vẫn chưa khứng phục.Bươn chạy, khó chế ngự. Buông lung chẳng chịu dừng. Cũng như ao trong mát. Mặt nước phủ đầy hoa. Voi mệt, nóng, vào tắm. Toàn thân cảm mát rượi. Những gì trước, sau, tôi bố thí. Cúng dường các La-hán. Và phước báu tôi có trong đời. Thảy mong được cùng nàng. Nàng chết, tôi cùng chết. Không nàng, sống làm gì? Chẳng thà tôi chết đi. Còn hơn sống không nàng. Chúa tể trời Đao-lỵ. Thích chúa, nay cho tôi ước nguyện. Tôi đã ca ngợi người đủ lễ tiết. Xin người suy xét kỹ.” Khi ấy, Thế Tôn xuất khỏi tam-muội, nói với Ban-giá-dực rằng: “ Hay lắm! Hay lắm! Ban-giá-dực! Ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh hòa với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển làm rung động lòng người. Khúc đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó nói đến sự trói buộc của dục, và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói đến sa-môn, cũng nói đến Niết-bàn!”
[iv] Loại hóa sanh, phước báu thù thắng hơn các loại rồng do noãn, thai, thấp sanh. (Tất cả những phi nhơn này có nhiều dị bản; và tên gọi quỷ, thần hoặc dạ-xoa – có khá nhiều sai khác)
[v] Xem thêm Trường bộ kinh II, kinh Ātanatiya.. Ở đây chỉ trích một ít – là dấu hiệu sớm nhất của Mật tông sau này!
Kinh Đại hội, Trường A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB Phương Đông, năm 2008 – có dấu ấn Mật tông rất rõ – do Hán tạng phiên âm chứ không dịch nghĩa. Kinh tương đương của Nikāya thì rất mờ nhạt về Mật tông.