(Xem: 1810)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2271)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

3.24- Sa-môn Đầu Trọc

13 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 13521)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập_03

Nghe: 3.24-Sa môn đầu trọc blank

Nghe: 3.25-Hóa độ Ba La Môn blank

Nghe:3.26-Lại nhiếp hóa blank

3.24- Sa-môn Đầu Trọc

Càng ngược Tây Bắc chừng nào thì khí hậu, thời tiết nghe lại càng dễ chịu hơn. Đức Thế Tôn và đại chúng đã rời Kapilavatthu một ngày đường, chừng hai ba hôm nữa thôi là họ sẽ đến Sāvatthī nước Kosala. Vật thực kiếm được bên các xóm làng cũng tương đối đầy đủ cho một hội chúng quá đông. Tuy nhiên, đức Phật đã thận trọng bảo các vị trưởng lão phân chia cách quãng từng đoạn, từng đoạn hoặc rải rác những lộ trình khác nhau. Hai vị đại đệ tử năng động lúc xuất hiện nơi này, lúc xuất hiện nơi khác để chăm sóc hội chúng. Lúc nào cũng có kẻ cảm đau bất ngờ, người nằm nghỉ dọc đường do yếu mệt hoặc chúng sa-di tuy khỏe khoắn nhưng thường ham chơi, nghịch ngợm tắm sông, tắm suối... lạc mất hội chúng là chuyện bình thường!

Đất nước Kosala nổi tiếng là giàu mạnh và tươi đẹp, vượt trội các tiểu quốc và các nước hùng cường phương Nam, nhưng nhìn chung thì những thôn làng giáp biên vẫn quạnh vắng và tiêu điều. Nạn cướp đường vẫn thường hay xuất hiện trên lộ trình thương mãi này, không thể tảo trừ tận gốc được. Các nhà xã hội học thường giải thích tệ trạng này là do còn nghèo đói, bất công; tuy nhiên, theo giáo pháp của Phật, được nhìn xuyên suốt qua các kiếp sống của chúng sanh, thì nguyên nhân kia tuy đúng, nhưng nó chỉ là phần ngọn; còn cái phần gốc, cái căn cội sâu xa là do tâm, chủng nghiệp mà sinh ra.

Thật không thể làm gì được, tốt đẹp hơn cho thế gian này bằng sự tu tập và truyền bá giáo pháp cho chúng sinh tự thấy biết nhân quả, nghiệp báo, sợ hãi việc xấu ác và làm những việc lành tốt; cuối cùng là giữ được tâm trí trong lành, mát mẻ, an tịnh là tạo được hạnh phúc cho đời này và nhiều đời sau...

Đi bên bờ Nam của một con sông Aciravatī nước cạn, đục lờ, đường sá, nhà cửa trông đã xuống cấp, vài ba ngôi thành bỏ hoang, dân cư thưa thớt, thấp thoáng xa gần là những đàn bò, đàn dê mỏi mệt gặm cỏ, gặm cây lá trên những đám đất khô vàng... đức Phật bước chậm lại, ngoảnh nhìn phía sau. Nhìn những đoàn sa-môn đầu trọc, nối tiếp nhau, lố nhố, thấp thoáng sau các hàng cây... đức Phật chợt mỉm cười, nụ cười rất lạ. Đi cạnh bên, thấy được vậy, tôn giả Ānanda thưa hỏi lý do nụ cười.

Đức Phật nói:

- Tại chỗ này, vùng này, cả một miền sông núi, thung lũng có vẻ xơ xác, hoang tàn này - thuở xưa có ai ngờ được rằng, là một thị trấn hữu danh, với lâu đài, dinh thự, nhà cửa khang trang, sông trong, cây lành, trái ngọt, trù phú, thạnh mậu - có tên là Vebhalinga, có một vị Phật ra đời đấy, này Ānanda!

- Nhưng mà nó có liên hệ gì nụ cười đâu?

Đức Phật leo lên một ngọn đồi nhỏ ven đường, ngồi nghỉ dưới bóng cây, lấy tay chỉ từng đoàn tỳ-khưu lố nhố gần xa - rồi nói:

- Ông có thấy những chiếc đầu trọc, kế tiếp những đầu trọc, trông rất vui mắt kia chăng?

Tôn giả Ānanda mỉm cười khi thấy đức Thế Tôn nói đến những cái đầu trọc!

- Dạ có thấy!

- Vì những cái đầu trọc ấy, mà Như Lai liên tưởng thuở đức Phật Kassapa ở thị trấn này, có một chàng thanh niên ngổ ngáo đã từng gọi vị Phật ấy là “sa-môn đầu trọc” nên Như Lai mỉm cười!

Thấy trời đã xế chiều, có lẽ đêm nay sẽ tạm cư ở đây, đức Phật cho triệu tập đại chúng, rồi kể lại tích truyện xưa liên hệ đến sa môn đầu trọc!

“- Thuở ấy, tu viện của đức Phật Kassapa ỏ gần đâu đây, trong vùng này, để giáo hóa chư tăng. Ngài có môt vị đàn tín đệ nhất là người thợ làm đồ gốm, tên là Ghaṭīkāra. Mặc dầu nhà nghèo lại sanh thuộc hạ cấp, Ghaṭīkāra rất được sự ưu ái của Thế Tôn Kassapa - vì ông ta đã thành tựu được lòng tin bất thối với Tam Bảo, đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử [1], và đang sống trong giới luật của bậc thánh.

Bạn thân với Ghaṭīkāra là thanh niên Jotipāla, thuộc giai cấp bà-la-môn nhưng lại không có lòng tin với tôn giáo. Đã rất nhiều lần, người thợ gốm Ghaṭīkāra khuyên bảo bạn mình đến nghe pháp hầu giúp bạn tiến hóa nhưng đều bị Jotipāla từ chối, lại còn nói: “ Đến với cái ông sa-môn đầu trọc ấy mà làm gì?”

Chẳng giận, chẳng buồn, chẳng nhụt chí - người thợ gốm vẫn với tâm từ ái và nhẫn nại sâu xa, quyết tâm tìm cách khuyến hóa bạn mình cho bằng được.

Một lần nọ, sau khi chu tất việc cơm nước phụng dưỡng cho cha mẹ mù lòa, Ghaṭīkāra đến thăm bạn với trang phục bình dị nhưng dung sắc rạng rỡ được toát ra từ một nội tâm không lúc nào là không thanh tịnh lạc trú.

Thấy Ghaṭīkāra, thanh niên Jotipāla cười cười:

- Có phải bạn sẽ mở lời quen thuộc: “Này bạn! Hôm nay trời đất thật là trong sáng, mỹ diệu, thù thắng, không một mảy bụi. Hoa nở rộ. Hương thơm ngát. Từng con đường cũng trong sáng, thù thắng, mỹ diệu, không một mảy bụi. Thế Tôn Kassapa đang ngụ cư trong một tu viện gần đây, không bao xa, ta hãy cùng đến đảnh lễ ngài, nghe pháp; rồi ta sẽ hưởng được phúc lạc tối thượng!”

Biết bạn là người thông minh, đã nói câu chặn họng, nhưng Ghaṭīkāra không chấp, vẫn mỉm cười, dịu dàng nói:

- Dòng sông mùa xuân trong xanh, mỹ diệu, tuyệt vời, không một mảy bụi. Thật là thoải mái, mát mẻ cho ta được bơi lội ở nơi ấy, được hít thở không khí trong lành, không một mảy bụi; được chà xát thân thể bằng bột tắm và đồ gãi lưng. Này bạn! Hãy cầm đồ gãi lưng và bột tắm, ta sẽ đi ra sông!

Thanh niên Jotipāla ngạc nhiên, nhưng rồi đã gật đầu lia lịa:

- Thế mới phải chứ! Đấy là điều mà ta mong ước, này thiện hữu!

Đến bờ sông, Ghaṭīkāra dẫn bạn mình đi xa một tí, đi xa một tí nữa...

Thanh niên Jotipāla dừng phắt lại:

- Chỗ này nước xanh và trong, sao không tắm ở đây, lại đi xa hơn năm đòn gánh, mười đòn gánh? À, hóa ra, bạn đã cố ý dẫn ta đến gần tu viện của sa-môn đầu trọc ấy?

Biết không thể qua mặt cái ông bạn có đầu óc sắc bén, tinh tế này - Ghaṭīkāra bèn dừng chân lại.

Sau khi tắm xong, Ghaṭīkāra nắm chặt tay Jotipāla như cái móc sắt, nói rằng:

- Thật hy hữu thay khi có một đức Thế Tôn, đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ra đời. Làm thân người đã khó, làm thân người Nam khó hơn, làm thân người Nam mà toàn hảo ngũ quan càng khó hơn nữa. Lại sinh nhằm thời có đấng Pháp Vương vô thượng lại càng hy hữu. Hãy đi! Chớ có chần chờ, chớ có trì hoãn! Hãy đến yết kiến ngài và nghe pháp! Đừng có cứng đầu nữa!

Sau một hồi vùng vẫy bằng sức mạnh của mình, thoát ra được, thanh niên Jotipāla cười ha hả:

- Thôi mà ông bạn! Vừa rồi! Đủ rồi! Chán cả cái lỗ tai rồi! Yết kiến sa-môn đầu trọc ấy mà làm gì, an lạc gì, lợi ích gì! Thôi! Đừng có nói nữa!

Người thợ gốm, lần này, khởi lên sự cương quyết tối thượng, sức mạnh được sử dụng định lực để tập trung tối thượng - nắm chặt chỏm tóc của thanh niên Jotipāla, cất giọng uy nghiêm:

- Này ông bạn thân! Thế Tôn Kassapa ở gần đây, không có bao xa. Lần này bạn không thể thoát đi đâu được. Ta sẽ nắm chặt, sẽ lôi và kéo bạn đến yết kiến đức Thế Tôn ấy! Dầu tay ta có bị đốt bằng lửa, có bị chặt bằng dao, bạn đừng nghĩ rằng ta sẽ thả tay ra. Ta sẽ không bao giờ thôi nắm chỏm tóc của bạn nếu chưa đạt được ý nguyện!

Nghe lời nói có thép, có lửa - thanh niên Jotipāla chợt dựng tóc gáy, thần sắc thay đổi, một ý nghĩ khởi sanh: “ Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Bạn thân của ta, thợ gốm Ghaṭīkāra tuy sanh thuộc hạ cấp, lại dám nắm chặt búi tóc của ta bằng cả hai tay? Lại còn hăm dọa sẽ lôi, sẽ kéo ta đi - dẫu ta vừa mới gội đầu, dẫu ta sanh thuộc giai cấp thượng đẳng? Việc này chắc chắn không phải tầm thường mà phải có lý do trọng đại? Lại nữa, bạn ta còn nói, đẫu bị đốt bằng lửa, bị chặt bằng dao, y cũng không buông ra? Việc ấy sẽ có lợi gì cho y mà y khổ tâm đến thế? Thôi! Đúng rồi! Rõ ràng là y đã có tâm từ ái đối với ta chứ không phải là có ác ý! Ồ, mà bạn ta có ác ý với ai bao giờ dù cả với con sâu, cái kiến!”

Nghĩ thế xong, thanh niên Jotipāla mềm mỏng nói:

- Ta hiểu rồi! Ta hiểu ý tốt của bạn rồi! Nhưng đến yết kiến ông sa môn đầu trọc kia, có cần thiết phải dùng cả hai tay nắm chặt chỏm tóc, lại còn hăm dọa lôi và kéo nữa?

- Cần thiết lắm chứ - người thợ gốm gật đầu cương quyết - vô cùng cần thiết nếu bạn không chịu đi, không chịu đến yết kiến đức Đại Tôn Sư!

Thấy thần sắc nghiêm nghị của bạn, Jotipāla nghĩ thầm: “ Chưa một lần nào, y bỡn cợt với ta! Chưa một lần nào mà ta thấy y lẫm lẫm uy nghiêm như thế! Dẫu ta có sức mạnh của tượng vương, dẫu ta có uy mãnh như sư tử vương - y vẫn lôi và kéo ta đi như thường, không có thối thất, không có nhụt chí!”

- Thôi! Hãy thả tay ra đi, ông bạn hiền thiện! Thanh niên Jotipāla thở ra một hơi dài, có vẻ thua cuộc - Ta hứa ta sẽ đi yết kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác của bạn.

Khi họ cùng đến nơi, người thợ gốm cung kính đảnh lễ đức Phật Kassapa còn thanh niên Jotipāla chỉ mở lời chào lấy lệ rồi ngồi một bên.

Ghaṭīkāra giới thiệu bạn của mình rồi khẩn thiết yêu cầu đức Thế Tôn ưu ái thuyết cho Jotipāla nghe một thời pháp.

Thế rồi, quán căn cơ xong, đức Phật, với pháp thoại đã làm cho người thợ gốm cùng chàng thanh niên đều thích thú, phấn khích. Họ hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.

Như vừa được hóa sanh từ giáo pháp, với hỷ và lạc đầy ắp trong tâm, với tín và trí ngời sáng trong mắt - trên đường về, thanh niên Jotipāla nói với người thợ gốm:

- Quả thật là tôi rất ngạc nhiên - là tại sao khi nghe được những thời pháp vi diệu, thù thắng như thế mà bạn lại không từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia theo giáo pháp của đức Tôn Sư?

Thợ gốm Ghaṭīkāra dừng lại, nắm chặt hai tay bạn:

- Phải lắm! Với thời pháp tối thượng ấy, ai là người có tai, có trí đều xa lìa thế gian cát bụi để sống đời trong lành, vô nhiễm.

Thanh niên Jotipāla xoay người lại, nắm cổ tay của người thợ gốm với sức mạnh chưa từng được thấy:

- Vậy tại sao bạn không xuất gia? Hay là tôi sẽ nắm chặt búi tóc bạn rồi kéo, rồi lôi bằng thần lực của trăm con voi to, ngàn con voi to?

Ghaṭīkāra phì cười:

- Coi kìa! Bạn phấn khích quá mà quên hoàn cảnh của tôi rồi! Tôi còn cha mẹ mù lòa ở nhà cần phải có người phụng dưỡng chứ!

- Ờ, xin lỗi! Thật tình xin lỗi! Còn tôi, ngay ngày mai, sẽ xuất gia thôi, không chần chờ một ngày nào nữa.

Thế rồi, thanh niên Jotipāla được xuất gia, thọ đại giới vào ngày hôm sau, bước vào đời sống phạm hạnh dễ dàng và thuận duyên như cá bơi trong nước...

Trời đã tối. Đức Thế Tôn mới kể đến ngang đây, đang ngừng hơi - thì tôn giả Ānanda cảm thán:

- Cái căn cơ của chàng thanh niên sao mà bén nhạy và sâu dày đến thế? Chỉ một thời pháp đã xoay ngược toàn bộ tri kiến, từ cái câu khinh mạn “ sa-môn đầu trọc” qua câu tôn kính “ đức Tôn Sư” chỉ có mấy nháy mắt!

Đức Phật mỉm cười:

- Đừng tưởng thanh niên ấy là ai, là Như Lai đấy! Và cũng đừng tưởng người thợ gốm ấy là ai, chính là phạm thiên Sahampati - người đã phương tiện thỉnh mời Như Lai xuống núi độ sinh tại Bhodhigayā độ nào!

Sự tiết lộ của đức Phật làm đại chúng tròn mắt, rồi xì xào bàn tán. Nghe nói rằng, đức Đạo Sư đã từng phát nguyện Chánh Đẳng Giác từ thời đức Phật Dīpaṅkāra, đã tu tập ba-la-mật đến 4 a-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp. Lẽ ra, năng lực công phu ấy nó sẽ tiềm tàng trong dòng nghiệp, dòng tâm. Làm sao có thể quên được mà lại phát ngôn mạo phạm một vị Phật kia chứ?

Đức Phật biết cái thắc mắc ấy nên ngài nói:

- Ừ, các thầy nghi ngờ là đúng! Quả thật có một ác nghiệp ngăn che. Một kiếp nọ, có một vị vua trông coi một quốc độ phồn vinh nhưng lại bị tà giáo lộng hành, đâu đâu cũng là những đạo sĩ giả hiệu lập giáo nơi này, lập giáo nơi kia, ma mị bòn rút của dân. Trăm trăm ngàn ngàn tu sĩ cạo trọc đầu sống đời biếng nhác kiếm ăn đủ mọi cách xảo trá, bất chánh. Thế là kỷ cương, phép nước được đặt ra. Vị vua kia bèn cho quân đội lùng sục các nơi - bắt bọn trọc đầu kia phải hoàn tục về nhà làm ăn sinh sống - hoặc đuổi ra khỏi nước. Vị vua kia bị ám ảnh... bị ám ảnh “ những cái đầu trọc” từ độ ấy; rồi nó còn ăn lan qua kiếp thứ hai, kiếp thứ ba lúc làm một vị quốc sư, lúc làm một quan tổng trấn.

Ồ, các thầy đừng tưởng vị vua ấy là ai, là Như Lai đấy. Tuy nhiên, cũng nhờ căn tu sâu dày, sự che ám ấy chỉ cần một người bạn lành, một người bạn tốt - như phạm thiên Sahampati nhắc nhở là Như Lai trở lại đường xưa lối cũ ngay!

Đại chúng thở phào do hiểu được sự vận hành kỳ lạ của nhân quả nghiệp báo.

Đến ngang đây thì giữa hư không chợt sáng rực rồi vọng xuống tiếng nói:

- Đức Thế Tôn căn cơ thâm hậu, mẫn tiệp gấp triệu triệu lần đệ tử! Nếu không nhắc nhở - thì đức Tôn Sư vẫn trở lại với dòng tâm, dòng trí của mình như thường! Cái dòng ba-la-mật ấy cuồn cuộn, với năng lực tối thượng thì vài hòn sỏi, hòn sạn đâu có mấy hơi sức mà đòi ngăn trở!

Đức Phật cũng cất giọng phạm âm:

- Này phạm thiên Sahampati! Ông bạn có thuận cho Như Lai kể lại hành trạng tối thượng của người thợ gốm ấy cho đại chúng nghe chăng?

- Đức Thế Tôn tùy nghi! Nhưng theo đệ tử hiểu - là đức Thế Tôn nên lựa chọn một hội chúng khác, có lẽ tại Sāvatthī, có đầy đủ vua quan cùng hai hàng cận sự Nam nữ thì lợi ích thù thắng hơn nhiều!

- Ừ, đúng là vậy!

- Thôi, Thế Tôn hãy nghỉ ngơi! Đệ tử vấn an sức khỏe đức Tôn Sư và xin được cáo biệt!

Ai cũng háo hức muốn nghe tiếp nhưng đức Phật đã ngừng chuyện kể. Họ âm thầm đảnh lễ đức Phật rồi mỗi người tự tìm lấy một gốc cây, một bãi trống, một hang đá nào đó tùy nghi qua đêm.Núi rừng như đi vào thiền định

 

3.25- Hóa Độ Bà-la-môn

Nhẩm tính thời gian, đức Phật biết là ngài sẽ ở lại Jetavana không được lâu. Sắp đến mùa an cư thứ chín, ngài sẽ có nhân duyên phải trở xuống Bārāṇasī rồi sang Kosambī. Sáng ngày khi rời ngọn đồi, đức Phật lại không đi vào thành Sāvatthī mà ở đó, chư tăng cũng như hai hàng cư sĩ mong mỏi - lại đi chệch sang một ngôi làng bà-la-môn hữu danh.

Từ lâu, đức Phật chưa muốn nhập hạ ở Kỳ Viên vì ngài biết rằng, xứ sở này có rất nhiều bà-la-môn uy tín lớn, kéo theo hằng ngàn đồ chúng tín mộ. Ngày nào mà chưa “mở mắt” được những vị bà-la-môn trưởng thượng này - thì Kỳ Viên chưa phát triển, hưng thịnh được. Lại nữa, ở đây đã được đức vua Pasenadi bảo trợ, lại sẵn có nhiều vị trưởng lão - còn những nơi khác thì lực lượng mỏng hơn, phải ưu tiên cho các quốc độ biên địa!

Tôn giả Sāriputta rất rộng kiến văn:

- Đại bà-la-môn Pokkharasādi nổi tiếng nhiều quốc độ. Ông ta là ngọn đèn, là con mắt sáng cho giới cấp bà-la-môn, nghe đâu, ông ta đang ở tại Ukkattha - một chỗ dân cư đông đúc, cây trái, ao hồ, ngũ cốc phong phú, vốn là một lãnh địa ân tứ của đức vua Pasenadi - ông ta được hưởng một phần lợi tức.

Đức Phật gật đầu:

- Đúng vậy! Nơi này dân cư thưa thớt, khất thực khó khăn cho cả một đại chúng đông đảo như thế này. Vậy các vị trưởng lão tùy nghi phân phối đi nhiều đường - buổi chiều hoặc tối sẽ gặp nhau tại khu rừng thuộc ngôi làng Icchānankala, gần Ukkattha. Tối nay chúng ta sẽ qua đêm ở đấy.

Nghe tin đức Phật và đại chúng đang vân hành đến hướng Icchānankala, bà-la-môn Pokkarasādi đã được chúng đệ tử báo tin. Đồng thời, tin đồn về đức Phật như thế nào về huyết thống, dòng dõi, sở học, sự chứng đắc và cả sự rầm rộ sinh hoạt của một tôn giáo mới này đã tràn vào tai họ từ lâu. Ai cũng xôn xao muốn đi chiêm bái, xem thử hư thực ra sao!

Bà-la-môn Pokkharasādi nói với đệ tử thân tín:

- Này Ambattha! Ngươi đã được ta trao cho tất cả mọi sở học, đặc biệt, chú thuật thượng đẳng ta cũng không che giấu. Vậy, hãy thay mặt ta, đến gặp sa-môn Gotama, nghe nói là tại khu rừng cách đây không bao xa. Đối thoại được thì đối thoại. Tranh luận được thì tranh luận, xem thử kiến văn, sở học của ông ta ra sao. Và điều quan trọng nhất là xem thử ông ta có đầy đủ 32 tướng của bậc đại nhân không?

Thanh niên bà-la-môn Ambattha hiểu - theo nhân tướng học truyền đời - nếu có đủ 32 tưiớng của bậc đại nhân, thì một, là làm chuyển luân thánh vương, hai là đắc quả Phật!

Vâng lời, Ambattha đem theo một số đông thanh niên bà-la-môn khác, lên xe ngựa kéo đến khu rừng. Họ hỏi nơi tịnh chỉ của đức Phật.

Một vị tỳ-khưu biết Ambattha, sau khi chỉ chỗ đức Phật, nói với bạn hữu:

- Hắn ta là môn đệ ưu tú của bà-la-môn Pokkharasādi, hữu danh đấy, trưởng tràng đấy! Lạ gì mấy cái chú ngựa non háu đá này! Gặp đức Tôn Sư chắc ngài sẽ dạy cho y một bài học thú vị đây!

Nói thế xong, tai truyền tai, miệng truyền miệng, chư tăng kéo đến, ngồi đứng xa xa, cách một quãng vừa phải - gốc cây si to lớn, mát mẻ - nơi đức Phật đang an tọa.

Đến chỗ Thế Tôn, các thanh niên bà-la-môn mở lời chào hỏi xã giao rồi ngồi xuống nơi thích hợp. Riêng thanh niên Ambattha thì không thèm chào hỏi, cứ đi qua đi lại, cất lời ỡm ờ, tiếng được tiếng mất, không rõ ràng...

Đức Phật nói:

- Này Ambattha! Có phải các bà-la-môn trưởng thượng đã dạy cho ngươi rằng, khi gặp một người có tuổi tác chú cha, các bậc giáo sư, tổ sư, các bậc tôn trưởng - thì không thèm chào hỏi, cứ đi lui đi tới như thế, thốt lời ỡm ờ, tiếng được tiếng mất như thế chăng?

- Không phải vậy, này Gotama! Phải đi mà nói chuyện với vị ấy, khi vị ấy đang đi! Phải ngồi mà nói chuyện với vị ấy khi vị ấy đang ngồi. Các oai nghi khác cũng thế! Đấy là điều mà tôi đã được học, phải biết xử sự cho đúng lễ phép ở đời - đối với những bậc trưởng thượng thật sự. Còn ông là gì nào? Hở ông Gotama? Ông là một sa-môn hèn hạ, trọc đầu, đê tiện, đen đui, sanh ra từ nơi chân của một bà mẹ hạ liệt - nên ta phải nói chuyện như đối với một người hạ liệt!

Biết là bị thanh niên phỉ báng, chọc tức nhưng đức Phật chưa cần thiết phải phản ứng; ngài chỉ nói một cách rất nghiêm túc:

- Này Ambattha! Như Lai chưa rõ ngươi đến đây với dụng ý gì? Hãy khéo tác ý cho đúng với mục đích khiến ngươi tới đây do bà-la-môn Pokkharasādi giao phó! Hãy cẩn thận giữ gìn tư cách và tác phong - đừng sử dụng ngôn ngữ của một tên du đãng vô học, vô giáo dục như thế!

Nghe cụm từ “ tên du đãng vô học, vô giáo dục” - thanh niên Ambattha tức giận đến sôi gan, cất lời thóa mạ:

- Này Gotama! Thô bạo là dòng họ Sākya! Ác độc là dòng dõi Sākya! Khi mạn là dòng tộc Sākya! Hung dữ, đê tiện cũng là giống dòng Sākya! Cái dòng Sākya hạ liệt, xuẩn ngốc, đê tiện của ông lại cả gan không kính nhường, không lễ bái, không tôn trọng, không cúng dường bà-la-môn! Vậy là không hợp lẽ, không đúng pháp!

Đức Phật vẫn bình tĩnh, hỏi lại cho ra lẽ:

- Này Ambattha! Dòng họ Sākya đã làm gì ngươi mà ngươi phỉ báng họ đến tận cùng như thế?

- Có chứ, này Gotama! Một thời, có công việc do thầy ta ủy nhiệm, ta đã đi đến Kapilavatthu, vào trong hội trường của dòng họ Sākya. Lúc ấy, một số đông thanh thiếu niên Sākya đang ngồi chơi trên ghế cao tại hội trường. Thấy ta, chúng không thèm chào hỏi, không mời ngồi - lại còn đùa bỡn, lấy những ngón tay thọc lét nhau rồi cười ha hả, cười hi hi - làm ta tức lộn ruột, vì ta chính là mục tiêu của sự bỡn cợt ấy, chứ không phải ai khác!

Đức Phật vẫn ôn tồn:

- Này Ambattha! Ngươi có thấy những con chim cáy không? Đấy là những con chim cáy con - chúng có thể tự ca, tự hát, tự chơi đùa thỏa thích trong cái tổ của chúng. Đấy là sự thường thôi. Ngươi có thấy là ngươi đã phật lòng vì một chuyện nhỏ mọn, rồi đi mà phỉ báng, nhiếc mắng cả một dòng họ, có xứng đáng không, có đúng với tư cách của một người hiểu biết không?

Thanh niên Ambattha lại sừng sộ:

- Hiểu biết cái gì? Chính ông là người không hiểu biết. Ông không hiểu biết rằng, trong bốn giai cấp - thì giai cấp bà-la-môn là trên trước, là thượng đẳng. Các giai cấp kia, sát-đế-lỵ, vệ-xá, thủ-đà-la phải có bổn phận tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, hầu hạ bà-la-môn hay sao?

Đức Phật thấy đã ba lần thanh niên này mạt sát dòng tộc Sākya. Nó ngu si và chấp kiến một cách lì lợm. Và sự ngu si, chấp kiến ấy đã ăn sâu trong truyền thống. Vậy phải vạch trần sự sai lầm cả truyền thống ấy cho nó thấy, cho thầy nó thấy và cả cho toàn thể bà-la-môn trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề này nữa!

Đức Phật, bắt đầu hỏi gốc nguồn của “tên bà-la-môn” này trước:

- Dòng họ ngươi là gì, này Ambattha?

- Dòng họ ta là Kaṇhāyanā!

- Này Ambattha! Nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ - thì dòng họ Sākya là thầy của ngươi. Và ngươi chính là con cháu hằng chục đời của một nữ tỳ dòng họ Sākya. Chắc dòng dõi của ngươi đều biết rằng, tiên tổ của dòng họ Sākya là đức vua Okkāka đệ tam. Do ông ta muốn trao vương vị cho vị hoàng tử, con của một bà hoàng hậu được sủng ái - mà chín người con, 4 trai, 5 gái phải lên rừng để kiến tạo vương quốc mới. Và họ là những người rất dũng cảm, đã làm được điều như họ muốn. Vì muốn bảo vệ huyết thống cho khỏi phai loãng, 8 anh chị em họ kết thành vợ chồng, cô công chúa trưởng đứng làm chủ hôn.

Hôm kia, đức vua Okkāka đệ tam hỏi các đại thần, là không biết các hoàng tử và công chúa giờ như thế nào? Được họ trả lời là rất giỏi, rất tài, những bàn tay và những khối óc ấy đã gầy dựng được một vương quốc tuy nhỏ bé nhưng rất giàu mạnh! Vua hân hoan quá, thốt lên: “Họ đúng là những Sākya[i] xuất chúng!”. Từ đấy dòng họ Sākya ra đời! Và Okkāka đệ tam chính là tiên tổ của dòng họ Sākya.

Này Ambattha! Rồi câu chuyện được tiếp tục như sau. Đức vua thương yêu một cô nữ tỳ, tên là Disā, và họ có sinh một người con, da rất đen và rất xấu xí. Vừa mới sinh, cậu bé đã nói với mẹ: “ Này mẹ! Con đen và xấu xí quá, mẹ hãy tắm cho con, hãy gội cho con, hãy tẩy sạch tất cả mọi bất tịnh ở nơi con. Rồi con sẽ giúp cho mẹ được nhiều việc lắm”. Người mẹ buồn phiền vì ai thấy mặt nó đều nói là “ kaṇha, kaṇha” - là đen, là xấu, là ác, là ác quỷ - từ đó thành tên. Dòng họ của ngươi, tiên tổ của ngươi “ Kaṇhāyanā” là từ đây mà phát sanh. Như thế, theo phụ mẫu hệ của ngươi từ quá khứ, tiên tổ của ngươi là con một nữ tỳ dòng họ Sākya! Ngươi đã không biết thân, biết phận là dòng dõi thấp kém, hạ liệt lại đi phỉ báng, nguyền rủa dòng dõi Sākya - thầy của ngươi - là thấp kém, hạ liệt!

Đức Phật ngưng nói - vì khi ấy những thanh niên đi theo Ambattha la ó lên:

- Này Gotama! Chớ có phỉ báng quá đáng tiên tổ Ambattha là con một nữ tỳ! Thanh niên Ambattha sinh vào quý tộc, con nhà danh giá, là bậc đa văn, là nhà đại hùng biện, là nhà bác học! Ambattha có thể biện luận, có thể tranh luận với sa-môn Gotama về vấn đề này!

Đức Phật mỉm cười, gật đầu:

- Nếu quả các ngươi đã tin tưởng Ambattha là như thế - thì các ngươi hãy im lặng, đứng sang một bên để Ambattha đối thoại với Như Lai được chăng?

- Thưa vâng, Gotama!

Đức Phật nói với Ambattha:

- Này Ambattha! Như Lai có một câu hỏi hợp lý, đúng đắn, dầu không muốn, ngươi cũng phải trả lời. Câu hỏi như sau: Ngươi có nghe các bà-la-môn trưởng lão, tôn túc, giáo sư hoặc tổ sư của ngươi - nói đến gốc nguồn của dòng họ Kaṇhāyanā hay không? Ai là tiên tổ của dòng họ Kaṇhāyanā?

Nghe đức Phật hỏi câu hỏi ấy, do hổ thẹn nên Ambattha không trả lời. Lần thứ hai, Ambattha vẫn im lặng.

- Này Ambattha! Như Lai báo cho ngươi biết rằng, bất cứ ai trên thế gian này, nếu khi Như Lai hỏi ba lần một câu hỏi hợp lý, đúng đắn - mà không trả lời hoặc cố ý lấp lửng, tìm cách tránh né sang một bên; hoặc im lặng, hoặc bỏ đi - thì ngay tại chỗ, cái đầu của hắn sẽ bị bể ra làm bảy mảnh! Đây là lần thứ ba: Ai là tiên tổ dòng họ Kaṇhāyanā?

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích đang nắm trong tay cái chùy kim cương (Vajirapāni) to lớn, sáng chói, đỏ rực đứng trên đầu Ambattha, nói nhỏ vào tai y rằng: “ Ta là Sakka thiên chủ, là thần hộ pháp của đức Thế Tôn - nếu ngoan cố không chịu trả lời thì cái đầu của ngươi sẽ vỡ đúng 7 mảnh, không thừa một, không thiếu một!”

Hình ảnh và câu nói ấy của Đế Thích chỉ có đức Phật và Ambattha nghe, thấy mà thôi. Sợ hãi quá, Ambattha hoảng hốt, tóc dựng ngược, liền cúi rạp mình xuống, lắp bắp trả lời:

- Thưa...thưa...tôn giả Gotama! Con...quả có nghe, đúng...như điều mà tôn giả đã nói. Chính... từ câu chuyện ấy mà phát sanh nguồn gốc dòng họ Kaṇhāyanā. Vị ấy chính là tổ phụ của dòng họ Kaṇhāyanā!

Nhóm thanh niên đi theo lại la hét ồn ỉ:

- Hóa ra Ambattha là dòng dõi tiện sanh...

- Hóa ra nó mạo danh quý phái...

- Tổ phụ của nó là con một nữ tỳ dòng dõi Sākya!

- Đúng là dòng dõi hạ liệt rồi!

- Trên đời này chưa nghe ai nói sa-môn Gotama không nói lời chân thực!

- Chuyện này thì chúng ta phải tin sa-môn Gotama!

- Chính y đã thú nhận mình là dòng hạ tiện!

Đức Phật tự nghĩ: “Chừng ấy đủ rồi! Sợ rằng Ambattha sẽ không chịu nổi! Bây giờ, ta sẽ cứu Ambattha, sẽ giải tỏa sự sỉ nhục ấy và lấy lại thể diện cho Ambattha!”. Rồi ngài cất tiếng phạm âm với 8 chất giọng tuyệt hảo:

-Này, các ngươi hãy im lặng, nghe Như Lai nói đây! Chớ có phỉ báng Ambattha quá đáng như thế! Kaṇha, tiên tổ của Ambattha là một ẩn sĩ vĩ đại!

Lời tuyên bố của đức Phật làm cho nhóm thanh niên phải chăm chú lắng nghe.

Đức Phật nói tiếp:

- Kaṇha có cha là sát-đế-lỵ, mẹ là chiên-đà-la; vậy thì dòng máu của y vẫn là sát-đế-lỵ!

Còn nữa, lúc lớn lên, Kaṇha chịu khó tầm cầu học hỏi và đã sở đắc các chú thuật phạm thiên, trở thành một ẩn sĩ vĩ đại! Trở lại kinh đô, ẩn sĩ Kaṇha bảo đức vua Okkāka đệ tam phải gả công chúa Khuddarūpi cho y.

Đức vua nổi giận, mắng rằng:

“- Ngươi dẫu là con ta, nhưng mẹ ngươi là nữ tỳ, không biết thân phận hay sao mà đòi cưới con gái xinh đẹp của ta?”

Nói xong, đức vua lắp mũi tên vàng vào cung, giương thẳng, nhắm bắn vào Kaṇka. Vị đại ẩn sĩ niệm chú rồi cười lạt:

“- Cứ bắn đi! Rồi ngươi sẽ đứng yên như thế, cánh tay nguyên như thế, cung và mũi tên cũng nằm yên như thế. Tất cả sẽ bất động!”

Đức vua sợ hãi khi thấy toàn thân không nhúc nhích được. Các quan đại thần xúm lại năn nỉ, cầu khẩn xin ẩn sĩ Kaṇha tha mạng cho đức vua.

Kaṇha gật đầu:

“- Ta tha! Nhưng mũi tên đã lắp vào cung rồi thì phải bắn!”

Các quan đại thần lo sợ hỏi:

“- Bắn ai? Bắn đi đâu?”

Kaṇha cất giọng đầy uy lực:

“- Ta không biết! Nhưng mũi tên này, nếu bắn xuống đất thì toàn thể quốc độ của nhà vua trong bảy năm sẽ bị khô cháy, hạn hán!”

Ai cũng lạnh cả người.

“- Nếu bắn lên trời?”

“- Thì bảy năm trời sẽ không mưa!”

Triều thần và cả thái tử lại quỳ sụp xuống van xin...

Kaṇha cất giọng ráo hoảnh:

“- Vậy thì hãy quay sang bắn thái tử - nhưng ta hứa, một sợi lông của thái tử cũng sẽ an toàn!”

Đức vua lúc này tay chân đã cử động được, nhưng ông nỡ nào bắn thái tử? Đột nhiên, vua cảm thấy tay mình không còn tự chủ được, đã tự động giương cung nhắm bắn về phía thái tử. Mũi tên vàng vun vút lao đi. Đức vua nhắm mắt lại. Có tiếng người đau xót la thét lên. Nhưng thái tử vẫn an toàn, vì mũi tên chợt dừng lại rồi biến thành một đóa hoa sālā tươi thắm rơi nằm trên đất. Mọi người thở dài nhẹ nhõm.

Đức vua Okkāka đệ tam sợ hãi, khiếp đảm sự trừng phạt của đứa con trai tạp giống, đồng thuận gã công chúa Khuddārūpi cho Kaṇha.

Kể xong, đức Phật kết luận:

- Vậy này các thanh niên bà-la-môn! Chớ phỉ báng Ambattha một cách quá đáng, Ambattha là dòng dõi của một ẩn sĩ vĩ đại!

Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, đám thanh niên không còn dám khinh rẻ Ambattha nữa. Còn Ambattha thì đưa mắt nhìn đức Phật ra chiều cảm kích.

Bây giờ lại quay sang Ambattha, đức Phật hỏi:

- Một thanh niên sát-đế-lỵ cưới một thiếu nữ bà-la-môn; cuộc hợp hôn này, một chàng trai sanh ra. Ngươi có thấy trường hợp này không, Ambattha?

- Thưa có! Và chuyện ấy vẫn thường xảy ra.

- Và khi ấy, những người bà-la-môn ấy đối xử với chàng trai kia ra sao?

- Thưa, vẫn được đối xử đồng đẳng.

- Nghĩa là vẫn có chỗ ngồi, mời nước, dự tiệc, vật cúng dường, tặng phẩm, dạy chú thuật, được phép cưới thiếu nữ bà-la-môn?

- Thưa vâng!

- Thế giai cấp sát-đế lỵ có chịu làm lễ, để cho chàng trai kia trở thành một sát-đế-lỵ không?

- Thưa, họ không cho! Người sát-đế-lỵ bảo rằng - vì mẹ nó là bà-la-môn, không cùng giới cấp nên không được phép.

Đức Phật mỉm cười nói:

- Vậy, tự ngươi đã nói ra, “có vẻ” như sát-đế-lỵ tự coi mình cao sang hơn bà-la-môn đấy!

Ambattha giật mình. Mà nhóm thanh niên bà-la-môn bây giờ mới biết rõ sự thật.

Đức Phật tiếp tục hỏi:

-Này Ambattha! Ngược lại, một thanh niên bà-la-môn cưới một thiếu nữ sát-đế-lỵ, một chàng trai sanh ra. Trường hợp này, giới bà-la-môn có kỳ thị y không?

- Thưa không, vẫn được đối xử đồng đẳng!

- Vậy, giới sát-đế-lỵ có chịu làm lễ cho thanh niên kia trở thành một sát-đế-lỵ danh chính, ngôn thuận chăng?

- Thưa, họ không cho, họ bảo rằng, vì cha không phải là sát-đế-lỵ!

Đức Phật lại mỉm cười:

- Như vậy, cả hai trường hợp, theo truyền thống giai cấp và cả xã hội, sát-đế-lỵ vẫn ở trên trước, vẫn coi thường bà-la-môn! Sát-đế-lỵ là ưu, bà-la-môn là liệt - các ngươi có thấy rõ như vậy chưa?

Không ai có thể tranh luận với đức Phật về sự thực ấy.

Đức Phật còn muốn đi xa hơn:

- Này Ambattha! Ví như có một bà-la-môn vì tội trọng thế nào đó mà bị các bà-la-môn trưởng thượng cạo trọc đầu, bị đánh bằng bị tro, tẩn xuất người ấy - thì các bà-la-môn khác đối xử ra sao?

- Thưa, cũng tẩn xuất luôn, không còn là bà-la-môn nữa!

- Ngược lại, có một sát-đế-lỵ cũng bị tội trọng như trên, bị cạo trọc đầu, bị đánh bằng bị tro, bị tẩn xuất ra khỏi giới cấp - thì các bà-la-môn sẽ đối xử với y ra sao?

- Thưa, họ không có kỳ thị gì!

- Nghĩa là vẫn được chỗ ngồi, mời nước, dự tiệc, vật cúng dường, tặng phẩm, dạy chú thuật, vẫn được phép cưới thiếu nữ bà-la-môn?

- Thưa vâng!

Đức Phật lại mỉm cười:

- Vậy, hóa ra một sát-đế-lỵ hạ liệt vẫn được đồng đẳng với chúng bà-la-môn! Hóa ra, trường hợp nào đi nữa thì sát-đế-lỵ vẫn ưu thắng, và bà-la-môn vẫn là hạ liêt - vậy các ngươi tự hào cái nỗi gì!

Cả đám thanh niên và cả Ambattha ngồi im thin thít.

Chưa dừng lại ở đó, đức Phật tiếp:

- Này Ambattha! Như Lai nghe ngươi là bậc đa văn, bác học, vậy ngươi có biết câu kệ hữu danh này do ai thuyết không - rồi ngài đọc: “ Phàm một chúng sanh nào, tin tưởng vào giai cấp, tối thắng ở nhân gian, chính là sát-đế-lỵ. Phàm một chúng sanh nào, tin tưởng vào tối thắng - giữa chư thiên, loài người: Là giới hạnh, trí tuệ!”

Ambattha tỏ ra là một thanh niên có rộng kiến văn:

- Thưa, bài kệ ấy do phạm thiên SaNam Kumāra thuyết!

Đức Phật gật đầu:

- Và phạm thiên Saham Kumāra là bậc có học hiểu vĩ đại, chú thuật vĩ đại, bậc thầy vĩ đại của giai cấp bà-la-môn?

- Thưa, đúng vậy!

- Và tất cả bà-la-môn trí thức đều có học bài kệ ấy?

- Thưa vâng!

Đức Phật im lặng một lát để cho hội chúng tự suy gẫm đoạn đối thoại ấy. Các thanh niên bà-la-môn thì đã thấy rõ, các thầy của họ từ lâu đã che giấu sự thật. Họ thở dài.

Ambattha nói:

- Nhưng tôi chưa rõ chính xác giới hạnh và trí tuệ trong câu kệ ấy như thế nào?

- Giới hạnh và trí tuệ ấy chỉ có mặt trong giáo hội của Như Lai mà thôi!

Sau khi biết cả hội chúng đều muốn nghe, đức Phật thuyết về giới - thế nào là giới của tại gia cư sĩ, thế nào là giới của bậc xuất gia phạm hạnh. Rồi đức Phật xoay quanh chữ “phạm hạnh” này - và nhấn mạnh rằng, chỉ có ai thực hiện được những giới luật của tỳ-khưu trong giáo pháp của Như Lai mới xứng đáng được gọi là phạm hạnh - tức là brāhmacariyā - chứ không phải chỉ là cái tên suông brāhmaṇa hoặc brāhmaṇi!



[i] Cứng như lõi cây sồi!


Rồi đức Phật nhấn mạnh:

- Thành tựu giới luật phạm hạnh mới được gọi là thành tựu giới đức. Từ giới đức mới có khả năng thành tựu trí đức. Nơi nào có giới đức, nơi ấy có trí đức, này Ambattha!

- Vậy thế nào là trí đức, thưa sa-môn Gotama?

- Muốn có trí đức phải tu tập theo lộ trình minh sát để thấy tam tướng - giác ngộ khổ, không, vô ngã - lần lượt chứng đắc tứ đạo, tứ quả và niết-bàn, chấm dứt vô lượng sầu bi ưu não trên cuộc đời - được gọi là thành tựu vô thượng trí đức; và không có sự thành tựu nào khác siêu việt hơn, cao thượng hơn sự thành tựu trí đức này! Bậc thành tựu vô thượng trí đức ấy không có luận nghị đến thọ sanh, không có luận nghị đến giai cấp, không khởi sanh ngã mạn để nói “ ta bằng người hay người không bằng ta!” Vậy những ai trên đời còn chấp trước lý thuyết thọ sanh, chấp trước lý thuyết về giai cấp, còn ngã mạn - thì họ rất lâu xa, hay muốn nói là không thể, không bao giờ có được vô thượng trí đức - này Ambattha!

- Xin sa-môn Gotama giảng rộng cho chúng tôi nghe chỗ này!

- Này Ambattha! Có bốn loại người chỉ chuốc lấy thất bại chứ không thể nào thành tựu vô thượng trí đức được. Thứ nhất, có người mang theo bên mình những vật dụng của một đạo sĩ, đi vào rừng và nguyện: “Ta chỉ ăn trái cây rừng để sống”. Người này chỉ tập sống theo tập quán của loài khỉ vượn, vô thượng trí đức làm sao đến được với người ấy! Thứ hai, có người mang theo cuốc và giỏ rồi đi vào rừng sâu và nguyện: “ Ta chỉ ăn củ, rễ và trái cây rụng để sống”. Người này có vẻ khổ hạnh hơn một chút, nhưng vô thượng trí đức đâu phải chỉ có chút xíu khổ hạnh ấy mà đánh đổi được? Thứ ba, có người chưa thấu đạt pháp “ ăn trái cây rừng”, chưa thấu đạt pháp “ ăn củ rễ và trái cây rụng”; chỉ đi đến cuối làng, góc rừng - nhen một đống lửa và đọc lên câu chú thờ thần lửa! Người này dẫu cho có đọc chú trăm năm, ngàn năm - thì vô thượng trí đức cũng không từ đâu giữa hư không mà rơi vào tâm trí cho ông ta được! Thứ tư, có người dựng giữa ngã tư đường một ngôi nhà chất đầy vật thực và nguyện: “ Ta sẽ cúng dường tất thảy sa-môn, bà-la-môn nào từ bốn phương đến đây!” Người này dù có tấm lòng, biết bố thí, cúng dường nhưng cũng chỉ xứng đáng làm thị giả theo hầu bậc vô thượng trí đức mà thôi! 

Ngưng hơi một lát, đức Phật hỏi:

- Này Ambattha! Ngươi và thầy ngươi có được xem là thành tựu vô thượng trí đức không?

- Thưa, không thể hoặc còn rất xa mới nói đến cụm từ thiêng liêng ấy!

- Tuy ngươi và thầy ngươi chưa thành tựu được vô thượng trí đức ấy - nhưng ngươi và thầy ngươi có đi vào rừng và nguyện “ ăn trái cây” hoặc “chỉ ăn củ, rễ và trái cây rụng” để sống không?

- Thưa không!

- Thế ngươi và thầy ngươi có đốt một đống lửa để “niệm chú cầu thần lửa” hoặc giả làm “một căn nhà giữa ngã tư đường để bố thí cho sa-môn, bà-la-môn” chăng?

- Thưa không!

- Như thế, ngay như bốn pháp chỉ chuốc lấy thất bại khi muốn nói đến thành tựu vô thượng trí đức ở trên - ngươi và thầy ngươi cũng chưa làm được; nghĩa là ngươi và thầy ngươi chỉ xứng đáng làm kẻ hầu người hạ cho 4 đạo sĩ thất bại kia. Thế nhưng, ngươi và thầy ngươi - bà-la-môn Pokkharasādi - lại dám cả gan thốt lên: “ Những hạng sa-môn giả hiệu, đầu trọc, đê tiện, đen đui, sanh nơi chân bà con ta - là ai, mà có thể đàm luận với những bà-la-môn tinh thông ba tập vệ-đà?” Thì thử hỏi, ngươi và thầy ngươi lầm lỗi như thế nào, có tự biết không?

Ambattha và nhóm thanh niên hổ thẹn, cúi đầu.

Đức Phật lại tiếp tục vạch trần sự thật, không khoan nhượng:

- Thầy của ngươi - bà-la-môn Pokkharasādi - mặc dầu được ân tứ của đức vua Kosala, nhưng đức vua ấy cũng không cho thầy ngươi diện kiến. Nếu lúc nào cần phải nói chuyện, đức vua ấy chỉ tiếp thầy ngươi qua một tấm màn! Như thế chứng tỏ trong con mắt của nhà vua, thầy ngươi đã là gì đâu - mà ngươi và thầy ngươi lại coi thường người khác, khi rẻ người khác, phỉ báng người khác?

Còn nữa, như đức vua Pasenadi nước Kosala cùng với các hoàng thân, vương tử, đại thần, tướng lãnh luận bàn quốc sự. Một người hầu cận đứng một bên nghe được nội dung toàn bộ cuộc nghị luận ấy rồi vui miệng, y kể lại cho bạn bè, thân hữu nghe. Dẫu người hầu ấy nói lại lời nói của vua, lặp lại câu nói của các quan đại thần - người hầu ấy có thể được xem là vua không, có được xem là một vị quan đại thần không, này Ambattha?

- Thưa, thật không thể nào!

- Cũng tương tợ như thế. Thuở xưa, những vị ẩn sĩ bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật - đã sưu tầm, đã hát lên, đã nói lên những thánh cú - thì hiện nay, các bà-la-môn cũng hát lên, cũng nói lên giống như các vị ẩn sĩ thuở trước. Dẫu ngươi và thầy ngươi có thể nói: “ Ta là đệ tử, đã học thuộc lòng những chú thuật của các vị ấy!”- thì có thể được xem là vị ẩn sĩ hay đã chứng địa vị của một ẩn sĩ hay không, này Ambattha?

- Thưa, không thể xem vậy được!

- Thế ngươi có nghe các vị bà-la-môn trưởng lão, tôn túc, giáo sư, tổ sư nói đến đời sống thường nhật của các vị ẩn sĩ ấy không? Những vị ấy có khéo tắm, khéo chải chuốt, tóc và râu khéo sửa soạn, trang điểm với vòng hoa và ngọc, mặc toàn đồ trắng với lụa là kasī thượng hảo hạng, tham đắm và tận hưởng năm món dục lạc - như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

- Không có vậy, thưa sa-môn Gotama!

- Các vị ẩn sĩ ấy có dùng cơm nấu từ gạo trắng thơm thượng hạng - với các hạt đen, hạt tấm được gạt bỏ ra? Có ăn canh, ăn cháo... cùng các loại sơn hào hải vị như ngươi và thầy ngươi không?

- Không có vậy, thưa sa-môn Gotama!

- Có có những thiếu nữ non trẻ, xinh đẹp với đường eo và thắt lưng có tua - hầu hạ như ngươi và thầy ngươi không, hở Ambattha?

Đến ngang đây thì Ambattha không dám trả lời nữa, chỉ cúi gằm mặt xuống!

Đức Phật vẫn tiếp tục:

- Hay là các ẩn sĩ ấy đi trên những chiếc xe sang trọng do những con ngựa cái có bờm kéo, đuôi được bện công phu rồi xoa dầu, xoa hương. Còn chủ nhân thì dùng cây roi bịt vàng, chiếc gậy dài bằng gỗ chiên đàn như ngươi và thầy ngươi hiện nay không, này Ambattha? Hay các vị ấy sống được che chở trong những thành lũy có những chiến hào bao bọc, có những cửa thành hạ xuống từ trên cao, có những chiến sĩ mang gươm dài túc trực, hộ vệ ngày đêm như ngươi và thầy ngươi hiện nay không?

Ambattha ủ rũ, im lặng. Các thanh niên cũng ủ rũ, im lặng.

Đức Phật kết luận:

- Như vậy, ngươi và thầy ngươi không phải là ẩn sĩ, không có học hạnh ẩn sĩ và cũng không sống đời của một ẩn sĩ. Ngươi và thầy ngươi mạo danh bà-la-môn, không học hạnh bà-la-môn, không sống đời phạm hạnh thật sự của một bà-la-môn! Ngươi và thầy ngươi chỉ là một cư dân bình thường ở trên đời, sống hưởng thụ ngũ dục tầm thường và hạ liệt, chẳng có gì là thanh tịnh, cao sang, quý phái để mà tự hào, hãnh diện; lại còn không có bất kỳ một giới hạnh và trí tuệ nào để có thể dạy dỗ người khác... Phải tự hiểu như vậy!

Nói xong, đức Phật đứng dậy, đi kinh hành lui tới.

Cả Ambattha và nhóm thanh niên lén nhìn tăng chúng lặng lẽ, yên tĩnh xung quanh các cội cây, cảm giác như tất cả mọi nền móng, lâu đài của bà-la-môn đều sụp đổ. Tan hoang, thảm thương. Tất cả đều bị phơi bày trần trụi trước tâm và trí, giới và tuệ của sa-môn Gotama này! Thanh niên Ambattha chợt đưa mắt quan sát, nhìn ngắm từng tướng một của đức Thế Tôn. Là một nhà tinh thông tướng pháp học, Ambattha đếm được 30 tướng.

Đức Phật thấy và biết, ngài tự nghĩ: “ Chúng bà-la-môn này thường không dễ thuyết phục họ, giáo giới họ bằng sự thật, bằng chánh pháp. Nhưng mà nếu ta hiện ra đủ 32 tướng của bậc đại nhân thì chúng có lòng tin ngay!” Thế rồi, đức Phật sử dụng thần thông, làm cho hiện ra thêm 2 tướng nữa - đó là tướng “ mã âm tàng” và tướng lưỡi rộng dài.

Khi thấy đủ 32 tướng rồi, Ambattha nói lời từ giã. Sau đó, y về kể lại toàn bộ câu chuyện cho thầy của y, là bà-la-môn Pokkharasādi nghe.

Sau một hồi chưởi mắng, rầy trách thậm tệ đệ tử của mình, bà-la-môn đích thân ghé thăm đức Phật. Và như học trò của mình, khi thấy đủ 32 tướng của bậc đại nhân, y khởi phát đức tin, cung thỉnh đức Phật và tăng chúng đặt bát cúng dường tại tư gia.

Tại đây, đức Phật đã thuyết pháp cho ông nghe; và bà-la-môn Pokkharasādi liền có được đôi mắt sáng, nhận chân được sự thật. Thế là toàn thể đồ chúng, bạn hữu, vợ con, thuộc hạ đồng xin quy y Tam Bảo, trọn đời quy ngưỡng.

 

3.26- Lại nhiếp hóa Bà-la-môn nữa

Trở lại Kỳ Viên, đức Phật chưa có thì giờ nghỉ ngơi thì giới bà-la-môn xôn xao kéo đến. Tin đồn đức Phật chủ trương cả 4 giai cấp đều thanh tịnh làm họ bất mãn, phẫn nộ. Lại nữa, bà-la-môn Pokkharasādi hữu danh, uy tín cùng tất thảy đồ chúng, thuộc hạ, vợ con đều đã quy y sa-môn Gotama càng như một tiếng sấm sét vang động giữa trời mưa, ai có tai đều phải nghe.

Họ chừng khoảng năm trăm bà-la-môn từ nhiều quốc độ, đến kinh thành Sāvatthī vì một số công việc - nghe tin đồn như thế, suy nghĩ rằng: “Ai là người có thể tranh luận với sa-môn Gotama để lấy lại uy tín, địa vị, danh vọng cho giới cấp bà-la-môn? Ai là người không những thông hiểu ba tập vệ-đà, lại còn quảng văn, quảng kiến, lợi khẩu, biện tài... có thể đối thoại với sa-môn Gotama với thế thượng phong?”

Sau khi tìm kiếm, lựa chọn giữa ngàn người, họ đến nhà thiếu niên Assalayana - vốn đang nổi danh bác học thần đồng ở Sāvatthī rồi nêu lên yêu cầu và sở vọng của họ.

Thiếu niên Assalayana trẻ tuổi, đẹp trai, đầu cạo trọc, khuôn mặt sáng và dịu như trăng rằm - trang nghiêm và kính cẩn lắng nghe tự sự - từ việc đối thoại của đức Phật với thanh niên Ambattha, chủ trương 4 giai cấp thanh tịnh đến việc bà-la-môn Pokkharasādi quy giáo như thế nào. Nghe xong, thiếu niên Assalayana nghiêm túc nói:

- Vậy là sa-môn Gotama đã nói rất đúng pháp, thưa các bậc trưởng thượng!

Hội chúng bà-la-môn ngỡ ngàng, tuy vậy, sau đó họ lại yêu cầu Assalayana hãy vì danh dự của giới bà-la-môn mà ra tay tranh luận.

Thiếu niên Assalayana lắc đầu:

- Không thể đâu, chư tôn giả! Với những ai nói đúng pháp thì ta không thể bài bác được. Lại nữa, đừng nói sa-môn Gotama, mà hằng chục đệ tử thượng thủ của vị ấy chúng ta cũng không có khả năng tranh luận được! Vậy, tôi là ai mà lại dám thảo luận với sa-môn Gotama?

Đến khi hội chúng năn nỉ lần thứ ba, thiếu niên Assalayana khó lòng từ chối, đành miễn cưỡng nói:

- Thật tình tôi không chấp nhận sự thỉnh cầu của chư tôn giả. Tuy nhiên, tôi sẽ đi theo yêu cầu. Nhưng tôi biết rất rõ rằng, với những bậc nói đúng pháp, có giới hạnh và trí tuệ toàn hảo như sa-môn Gotama - cuộc thảo luận ấy càng đưa ta đến chỗ thất bại thảm thương mà thôi!

Thế rồi, cuộc tranh luận xảy ra.

Thiếu niên Assalayana với cung cách rất lễ độ, toát ra tư cách của người có học, đưa câu tiền đề:

- Thưa tôn giả Gotama! Theo truyền thống thì bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt. Vì sao vậy? Vì chỉ có bà-la-môn là nước da trắng sáng, các giai cấp khác màu da đen điu hoặc không được trắng sáng như thế! Lại nữa, chỉ có giai cấp bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp khác là bất tịnh. Tại sao vậy? Vì bà-la-môn là con chính thống của phạm thiên, được sanh ra từ miệng phạm thiên, do phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của phạm thiên! Chẳng hay tôn giả Gotama nghĩ sao về quan niệm truyền thống ấy?

Đức Phật mỉm cười:

- Này Assalayana! Như Lai chỉ hỏi lại ngươi, ngươi thấy quan niệm ấy có đúng không?

Thấy thiếu niên im lặng, có vẻ lúng túng nên ngài tiếp:

- Như Lai là sát-đế-lỵ, nhưng trong giới bà-la-môn có ai có nước da trắng sáng như Như Lai không? Rồi, còn có cả hằng trăm đệ tử của Như Lai thuộc sát-đế-lỵ, thuộc vệ-xá - nước da họ cũng trắng sáng, ngời ngời không thua gì bà-la-môn đâu, có phải thế không, Assalayana?

- Thưa, đúng vậy! Nước da của đức Thế Tôn chưa có ai trong giới bà-la-môn sánh bằng. Các tôn giả khác, rất nhiều, và tôi cũng đã từng thấy.

- Vậy thì tự hào nước da trắng sáng không thể lập?

- Thưa vâng, không thể lập!

- Còn nữa, các nữ bà-la-môn họ có kinh nguyệt, mang thai, sanh con và cho con bú. Các nữ sát-đế-lỵ, vệ-xá, thủ-đà-la cũng có kinh nguyệt, mang thai, sanh con và cho con bú. Vậy thì có sự khác biệt gì giữa các giới - mà bà-la-môn lại thanh tịnh, các giai cấp khác là bất tịnh, ngươi xác định cho Như Lai xem với nào?

- Sự thanh tịnh kia cũng không thể lập nữa rồi!

- Con người, thuộc thai sanh, đều ở trong thai bào rồi được sinh ra từ âm căn cả thảy. Các bà-la-môn có thể chứng minh sự thực cho Như Lai thấy - là họ khác, họ được sinh ra từ miệng phạm thiên? Họ là nhân vật thượng đẳng nên họ không nằm trong bọc nước ối dơ uế, bẩn thỉu và tối tăm ấy?

- Thật đúng vậy rồi! Nên sinh ra từ miệng phạm thiên cũng không thể lập!

Đến đây thì hội chúng la ó, phản đối:

- Assalayana của chúng ta nói ăn theo!

- Y không có lập trường!

- “Miệng phạm thiên” là lập ngôn có tính chất ẩn ngữ, nghĩa bóng; là nghĩa tư tưởng và triết học!

Thiếu niên chợt nghiêm sắc mặt:

- Vậy thì chư tôn giả hãy tranh luận với sa-môn Gotama? Chư tôn giả mà có thể đặt được một bàn chân lên mặt chiếu tranh luận, có thể nhúc nhích, cựa quậy dẫu tí chút - thì tôi sẽ nhường cho chư vị, và tôi sẽ xin rút lui!

Hội chúng im lặng.

Thiếu niên Assalayana thủng thỉnh nói:

- Chư vị tôn giả tưởng tôi không hiểu nghĩa bóng, nghĩa tư tưởng, nghĩa triết học hay sao? Chỉ một thoáng sát-na tư duy, tôi thấy rõ rằng, chúng ta mà lôi nghĩa ấy ra, chúng ta lại càng thất thố, càng bị bẻ mặt, càng bị xấu hổ! Tại sao vậy? Nếu chúng ta có đời sống thanh tịnh, giới luật thanh tịnh, hành trì theo phạm hạnh thanh tịnh - thì khi ấy mới dám tự hào là dòng dõi thanh tịnh, được sinh ra từ miệng phạm thiên, là con cháu thừa tự phạm thiên! Còn hiện tại, xin lỗi chư tôn giả, chúng ta có xứng như thế không? Làm sao tôi lại có thể nói sai sự thật được!

Thấy thiếu niên đã trấn áp được hội chúng, đức Phật nói tiếp:

- Có một số quốc độ ở biên địa xa xôi, chưa ảnh hưởng truyền thống và tín ngưỡng bà-la-môn - họ chỉ có 2 giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ! Ai giàu là chủ nhân, ai nghèo là đầy tớ. Nếu người đầy tớ kia mà giàu liền thành chủ nhân. Nếu chủ nhân kia phá sản, nghèo đói lại trở thành đầy tớ. Vậy thì ai hơn ai? Ai thù thắng, ai hạ liệt - có thể phân định được không? Hay là chúng ta lấy lúa gạo, tiền bạc để đánh giá trị một con người, hở Assalayana?

- Không thể! Cái thước đo giá trị phải là tư cách và phẩm chất con người!

- Đúng vậy - đức Phật gật đầu - Chẳng thể nào chỉ có những người sát-đế-lỵ, người vệ-xá, người thủ-đà-la mới sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục, nói dối láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói phù phiếm, có tâm tham, tâm sân, tà kiến... còn giới bà-la-môn thì không làm vậy, họ đều có giới hạnh trắng sạch như vỏ ốc, hở Assalayana?

- Thưa, không thể có điều đó!

- Vì nhân xấu ác, bất thiện như thế nên ba giai cấp kia bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục - còn bà-la-môn thì ngoại lệ, họ được sanh thiên, thiện thú, thiên giới?

- Thưa, không thể như vậy được!

- Vậy thì bất kể giai cấp nào, nếu làm việc lành tốt, thiện pháp thì được sanh thiện thú, thiên giới; nếu làm việc xấu ác, bất thiện thì bị đọa lạc, ác thú, địa ngục - và quả báo ấy là bình đẳng?

- Dĩ nhiên rồi, thưa sa-môn Gotama!

- Người bà-la-môn có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân - thì ba giai cấp kia cũng có thể tu tập được như thế?

- Thưa vâng!

- Và nếu bà-la-môn tu tập từ tâm, không hận, không sân thì sẽ hoá sanh cộng trú với phạm thiên - ba giai cấp kia cũng tu tập từ tâm, không hận, không sân - thì họ cũng được cộng trú với phạm thiên chứ?

Cả hội chúng bà-la-môn im lặng phăng phắc. Cả thiếu niên Assalayana cũng thế. Đức Phật đã có lối lý luận vững chắc, hợp với nhân quả - nhưng đưa đến sự thực như thế thì không một ai ngờ tới. Không chấp nhận, không được; và nếu chấp nhận - thì sự cao thượng, thù thắng của giới bà-la-môn không có một kẽ hở để xen vào!

Đức Phật biết vậy nhưng ngài cũng chưa dừng lại ở đó.

- Một người bà-la-môn cầm cái cào lưng và bột tắm ra sông, kỳ cọ mình mẩy và tẩy sạch uế bẩn - thì ba giai cấp kia cũng làm được như thế chứ? Hay chỉ có bà-la-môn mới làm được như thế thôi?

- Thưa, việc ấy thì ai cũng làm được!

- Một người bà-la-môn cầm cái quay lửa bằng cây sālā hay cây sālāla. Một người sát-đế-lỵ cầm cái quay lửa bằng gỗ cây sen hay cây chiên-đàn. Một người vệ-xá cầm cái quay lửa bằng gỗ cây elanda, gỗ cây sồi. Một người đổ phân cầm cái quay lửa bằng gỗ máng heo ăn, máng chó ăn. Sau một hồi quay, gỗ khô cọ xát với gỗ khô, lửa và sức nóng hiện ra. Chẳng lẽ nào chỉ có lửa và sức nóng từ tay quay gỗ của bà-la-môn mới dùng được, mới nấu ăn được - còn lửa của ba giai cấp kia không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng, không có sức nóng, hở Assalayana?

- Tôi hiểu rồi, thưa sa-môn Gotama!

- Vậy thì từ cái gốc, cái thể cho đến cái tướng dụng - thì trong bản chất, chúng là đồng đẳng - chẳng có giai cấp nào thanh tịnh, ưu thắng, cao thượng hơn giai cấp nào?

- Đúng vậy, thưa tôn giả!

- Vậy thì chúng ta hãy bỏ qua một bên về cái được gọi là dòng dõi, giai cấp - được chưa?

- Thưa vâng!

- Này Assalayana! Một Nam tử sát-đế-lỵ, cưới một nữ nhân bà-la-môn, một bé trai hoặc một bé gái được sanh ra. Bé trai và bé gái ấy được gọi là sát-đế-lỵ hay bà-la-môn?

- Chúng giống cha nó mà cũng giống mẹ nó nên người thì gọi sát-đế-lỵ, người thì gọi bà-la-môn - đều được cả!

- Ngược lại, một Nam tử bà-la-môn cưới một nữ nhân sát-đế-lỵ, một bé trai hoặc một bé gái được sanh ra. Bé trai, bé gái ấy được gọi là bà-la-môn hay sát-đế-lỵ?

- Như trường hợp trên, gọi là bà-la-môn hay sát-đế-lỵ đều được cả!

- Này Assalayana! Trường hợp khác. Một con ngựa cái giao phối với con lừa - một con vật được sanh ra. Con vật ấy cũng giống cha nó, cũng giống mẹ nó - sao người ta không gọi là con ngựa hay con lừa mà gọi là con la?

- Đây là trường hợp giao phối khác giống nên có sự sai khác như thế. Tuy nhiên, nếu phân tích cho kỹ - thì con la ấy chỉ là cái tên thôi, tự bản chất, nó cũng giống cha nó là con ngựa, cũng giống mẹ nó là con lừa!

- Chính xác - đức Phật gật đầu - Tự bản chất, chẳng có sai biệt gì! Vậy chúng ta đừng bàn về huyết thống nữa nhé?

- Thưa vâng!

- Này Assalayana! Có hai anh em bà-la-môn đồng mẹ khác cha. Một người thông hiểu vệ-đà, đọc tụng thánh điển và chấp trì mọi nghi thức tế lễ đúng như truyền thống. Còn người kia không thông, không biết, không đọc tụng gì cả. Trong hai người ấy, người ta sẽ tiếp đón, tôn trọng, cúng dường vị nào?

- Dĩ nhiên là người thông hiểu vệ-đà...

- Thế giả dụ người thông hiểu vệ-đà ấy hành ác giới, ác pháp, sát sanh, trộm cắp, dối láo, bất thiện - còn người không thông hiểu vệ-đà lại sống lành tốt, trì giới, hành thiện pháp - thì người ta sẽ tiếp đón, tôn trọng, cúng dường ai?

- Dĩ nhiên là cho người lành tốt, trì giới, hành thiện pháp!

Đến đây, đức Phật kết luận:

- Thế là chúng ta đã đi từ sanh chủng, dòng dõi. Bỏ sanh chủng, dòng dõi, ta đi qua huyết thống. Bỏ huyết thống, ta đi qua thánh điển. Cuối cùng, bỏ thánh điển - chúng ta đã đi về sự thanh tịnh của bốn giai cấp như Như Lai đã từng tuyên giảng đó đây!

Cả hội chúng bà-la-môn im lặng, ủ rũ, co vai, cúi đầu, sững sờ - không ai mở miệng ra được, huống hồ là phản bác. Chỉ riêng thiếu niên Assalayana biết sự thực là như vậy, nên chàng rất tỉnh táo, lặng lẽ gật đầu, tiếp thu sự chỉ giáo của bậc đại sa-môn.

Đức Phật tiếp tục nói chuyện với chàng:

- Quan niệm truyền thống ấy có gốc nguồn từ một thuở rất xa xưa, này Assalayana! Nếu muốn nghe, Như Lai sẽ nói.

- Vâng, thưa tôn giả Gotama!

“- Thuở xưa có 7 ẩn sĩ bà-la-môn sống trong một ngôi rừng, họ có công hạnh lớn, chú thuật lớn, uy lực lớn. Hôm kia, họ cùng tự mãn, tự hào, tự tán tụng nhau - rồi khởi lên ý nghĩ: “ Trên đời này, chỉ có bà-la-môn là ưu thắng, cao thượng, tối thượng; là dòng dõi huyết thống thanh tịnh bảy đời, được sinh ra từ miệng phạm thiên, thừa tự phạm thiên - còn các giai cấp khác là thấp thỏi, hạ liệt - chỉ là người hầu kẻ hạ bà-la-môn mà thôi!”

Tại khu rừng kế cận có bậc đại ẩn sĩ, không những công hạnh, chú thuật, uy lực là bậc thầy của 7 vị ẩn sĩ kia - mà còn hiểu biết, thông tuệ nhiều lãnh vực khác nữa. Tên của bậc đại ẩn sĩ này thì tràn qua tai của mọi ẩn sĩ - đấy là Asita Devala - nhưng ai cũng nghĩ chỉ là huyền thoại hoặc là sự thêu dệt của mọi người. Biết được sự thiển cận, ngu dốt và tà kiến của 7 vị ẩn sĩ; và cũng muốn giáo hoá họ - đại ẩn sĩ Asita Devala sửa soạn râu tóc, đắp y vải màu đỏ tía, đi dép với nhiều đường viền kiên cố, cầm một cây gậy bằng vàng - với thời gian như viên lực sĩ co duỗi cánh tay, hiện ra trước những am thất của 7 vị ẩn sĩ - đi tới, đi lui, rồi đi lui, đi tới, miệng thốt lớn:

“- Ôi! Nơi này thật là ngu ngốc! Ôi! Nơi này thật là trống rỗng! Nơi này thật là tà kiến!”

7 vị ẩn sĩ nghe được, tự nghĩ: “ Kẻ kia là ai mà cứ đi tới, đi lui như con bò đi vòng tròn, lại dám cả gan thốt lên lời bất nhã, trịch thượng, dường như là ám chỉ chúng ta?” Với hận tâm, với sân tâm, với hại tâm - họ đồng sử dụng chú thuật rồi hét to rằng: “ Hãy biến thành tro tàn hạ liệt, hỡi lão già đê tiện kia!” Lạ lùng sao, chú thuật kia không đốt đại ẩn sĩ Asita Devala thành tro tàn - mà ngược lại, làm cho dung sắc ông ta sáng rực lên, chói ngời lên vô cùng đẹp đẽ, vô cùng khả ái!

Sợ hãi, hoảng hốt và cả buồn phiền, họ tự nghĩ: “Hỏng rồi! Uy lực của chúng ta mất tiêu rồi! Trước đây, chỉ cần một người đọc chú, thì hòn núi đá cũng tan tành; mà nay cả 7 người hợp lực, lại làm cho lão già kia đẹp đẽ, khả ái hơn - là nghĩa làm sao kia chớ?”

Họ bước ra, chăm chăm nhìn vị đạo sĩ kỳ quái.

Đại ẩn sĩ Asita Devala tủm tỉm cười:

- Các bạn đã phục chưa? Đã chịu bỏ tâm hận, tâm sân đối với ta chưa?

- Vâng, chúng tôi sẽ không dám thế nữa!

- Ừ, vậy là tốt! Nhưng hãy hứa đi! Nếu còn khởi tâm giết người nữa, thì một sợi lông chân của ta cũng đưa các ngươi trở về với cát bụi!

Nhìn ánh mắt uy nghiêm, không giận mà oai, toát ra một năng lực phi phàm - cả 7 vị co rúm người lại, lắp bắp:

- Xin hứa, chúng tôi xin hứa!

Thấy lão già lại nở nụ cười hiền hoà, họ bạo gan hỏi:

- Vậy ngài là ai? Phạm thiên chăng?

- Cũng đúng! Ta là ẩn sĩ Asita Devala - và rồi ta sẽ cộng trú với phạm thiên!

Hoảng hồn, họ sụp lạy.

Sau khi tìm kiếm chỗ ngồi thích hợp, ẩn sĩ Asita Devala tìm cách giáo giới họ.

- Ta đã nghe ý nghĩ khởi sanh trong tâm của các bạn. Bây giờ ta sẽ hỏi điều này. Các bạn có biết mẹ sanh của một bà la-môn, trước đó, bà ta giao hợp với một bà la-môn hay phi bà-la-môn?

- Thưa, thật khó biết.

- Và có chắc chắn rằng, 7 đời tổ mẫu của họ chỉ giao hợp với bà-la-môn chớ không phải phi bà-la-môn?

- Thưa, cũng thật khó biết.

- Cha sanh cũng thế, từ một đời cho đến 7 đời tổ phụ có chắc chắn là chỉ giao hợp với nữ bà-la-môn chớ không phải phi nữ bà-la-môn?

- Quả có thế, không thể xác quyết được!

- Vậy thì không thể, khó biết được - tại sao các bạn lấy cái huyết thống thanh tịnh 7 đời mà chủ trương? Nó từ đâu ra?

Cả bọn im lặng, cúi đầu. Họ đã biết mình sai.

Ẩn sĩ Asita Devala đi bước nữa:

- Có ai trong các bạn biết rõ chuyện nhập thai? Nó ra sao?

- Thưa, chúng tôi chỉ biết rằng, vào thời mà người nữ có điều kiện thụ thai, có người Nam giao hợp và có một hương ấm (gandhabha) tìm đến. Đầy đủ ba yếu tố ấy, sự nhập thai mới thành tựu.

- Đúng vậy! Và các bạn có thể biết rằng, hương ấm này là bà-la-môn, hương ấm kia là sát-đế-lỵ, hương ấm nọ là vệ-xá, là thủ-đà-la chứ?

- Thưa, không thể!

- Các bạn lại nói đúng nữa! Nhưng mà này, đây là câu hỏi tối hậu - ngay chính các bạn, các bạn có biết các bạn là ai không, từ hương ấm vô danh đầu tiên ấy?

Họ chợt như thấy rõ được điều gì, đồng sụp lạy bên chân vị đại ẩn sĩ:

- Quả đúng là vậy, sự tình là vậy - chúng tôi không biết chúng tôi là ai!”

Kể xong chuyện, đức Phật kết luận:

- Như thế, 7 vị ẩn sĩ kia đã bị đại ẩn sĩ Asita Devala chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng, tận cùng cho đến thức tái sanh (hương ấm) - họ đã không thể ứng đáp được, cuối cùng phải thú nhận không biết mình là ai! Vậy thì nay, ngươi và cả hội chúng bà-la-môn này - đều là hạng cháu chít của 7 vị ẩn sĩ - lại có thể ứng đối với Như Lai, còn là bậc thầy của đại ẩn sĩ Asita Devala kia nữa!

Tâm phục, tín phục đến tận cùng - thiếu niên Assalayana quỳ sụp dưới chân của đức Thế Tôn, xin được quy y Tam Bảo, làm một cận sự Nam cho đến trọn đời!

 

3.27- Chuyện Tỳ-khưu Nanda

Sau những buổi “tranh luận” ấy - thì uy tín, uy lực của đức Phật và giáo pháp đã làm cho giới bà-la-môn bàng hoàng, không còn dám cựa quậy, nhúc nhích nữa. Trí tuệ của đức Phật đã mở phơi trần trụi những bao che, phong kín ngụy trang bấy lâu nay của giới cấp bà-la-môn! Họ chẳng còn chỗ nào để tự hào và hãnh diện nữa. Đúng ngài là hiện thân của đức Chánh Đẳng Giác trên đời này thực sự rồi. Cả hai buổi pháp thoại đều được truyền tụng đi khắp mọi nơi; thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện được đậm đà; thêm gừng, thêm ớt cho nó cay cay hơn; thêm dấm, thêm chanh cho nó chua chua thêm một chút nữa. Chuyện đời mà. Các giới cấp từ lâu tự xem mình là thấp kém, bây giờ cảm thấy mình được cởi trói, được nở mày, nở mặt, được sống cho ra một con người. Họ tri ân đức Thế Tôn về quan điểm 4 giai cấp đều thanh tịnh ấy. Thế là khí hậu của Kỳ Viên đại tịnh xá như được thêm mưa thuận, gió hòa...

Các trưởng lão ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt, tu tập cho tăng chúng, bây giờ đã trên hai ngàn vị. Đến mùa an cư có thể còn đông hơn nữa. Hai vị đại đệ tử phải tuyển chọn thêm một số vị giáo thọ. Đức Phật gần gũi, trao đổi chuyện với Rāhula để xem chú có tiến bộ không. Ai cũng khen Rāhula hiếu học. Giới sa-di ở đây rất đông, hai vị đại đệ tử lại thêm vất vả để giáo huấn, được Rāhula phụ giúp rất đắc lực. Riêng tỳ-khưu Nanda thì khuôn mặt không được vui, trong lòng vẫn còn bị đốt cháy bởi khối lửa tình si.

Đức Phật chợt nói:

- Này Nanda! Hôm nay, ông cùng với Như Lai hãy đi chơi một chuyến cho khuây khoả!

Ngạc nhiên, Nanda tròn mắt:

- Đi chơi?

- Phải, lên cõi trời chơi! Tiện thể, Như Lai muốn giáo giới, nhắc nhở ông thiên chủ Đế Thích một chút.

Nói xong, đức Phật vận thần thông lực đưa tỳ-khưu Nanda đến cung trời Đao Lợi. Giữa không gian, khi bay ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa thiêu, đức Phật cốt ý để cho Nanda trông thấy một con khỉ cái bị cháy trụi lông; tai, mũi và đuôi đều bị sứt, đang cố ôm bám vào một thân cây trơ trọi để níu lấy sự sống.

Đến cung điện rực rỡ của đệ nhị thiên đường, chuông gió, sáo trời dặt dìu, mê ly, thánh thót; hoa trời nở đầy hai bên lối đi bạch ngọc, trân châu, mã não. Mấy muôn chư thiên lấp lánh ánh sáng, phục sức cao sang và quý phái, dẫn đầu là thiên chủ Đế Thích ra nghinh đón đức Tôn Sư. Và, ô kìa, mười muôn thiên nữ với sắc đẹp lộng lẫy, đài các, diễm lệ, kiêu kỳ xuất hiện giữa đám mây hồng, mây tím; nhóm vũ khúc, nhóm hát ca... có cả quần tiên càn-thát-bà tấu nhạc như một cuộc hội trường xuân miên viễn.

Thấy tỳ-khưu Nanda đang say sưa, mê mẩn ngắm nhìn, đức Phật nói:

- Này Nanda! Ông hãy tuỳ nghi đi chơi đâu đó cho thỏa thích. Như Lai có công việc với Sakka thiên chủ.

Thế rồi, đợi Đế Thích dẫn đức Phật vừa đi khuất, tỳ-khưu Nanda đi thăm thú cảnh “non bồng nước nhược”! Ở đâu cũng điện các trùng điệp, ở đâu cũng bảy báu trùng điệp. Không gian sạch trong, không một mảy bụi. Rồi hý trường, công viên, hồ cảnh, thủy tạ, đền đài, vườn cây, rừng cây với hoa trái lạ lùng chín mọng, hương thơm diệu kỳ. Và ô kìa, tiên nữ và tiên nữ... vóc ngọc, dáng ngà chỗ này chỗ kia thướt tha, uyển chuyển bay lượn đó đây - vẳng lại tiếng cười vui, âm thanh trong trẻo như ngọc chạm, như pha lê reo!

Tới chỗ nào, tỳ-khưu Nanda cũng như muốn chết sững, chân bước đi không nổi! Ở đây, sắc trời, thanh trời, hương trời nó hấp dẫn, lôi cuốn gấp hằng triệu lần thế gian. Cung điện Kapilavatthu huy hoàng, sang trọng - so sánh với đây thì chỉ như cái xó bếp tối tăm, nghèo nàn thật tội nghiệp.

Bước chân đưa đẩy, dẫn Nanda đến một tòa cung điện với 500 bảo tháp kim cương, hội tụ giữa hư không, phản chiếu ánh sáng lấp lánh muôn màu. Bước vào giữa điện, Nanda trông thấy một chiếc ngai khảm bảy báu, trông rất lộng lẫy, sang trọng. Tuy chưa thấy một vị thiên tử nào ngự ở đấy, nhưng hầu quanh có 500 thiên nữ mà cô nào cũng chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường - trông xinh đẹp, mỹ miều mà thế gian thật không tưởng nổi.

Tỳ-khưu Nanda bạo gan hỏi:

- Chiếc ngai bảy báu trân quý thế kia, sao chưa có vị thiên tử diễm phúc nào an ngự ở đấy - thưa quý tiên nương?

Một thiên nữ tủm tỉm cười đáp:

- Thưa tôn giả! Chúng thiếp chuẩn bị sẵn để chờ đợi cung nghinh một vị trong giáo hội của đức Thế Tôn!

Tò mò, Nanda hỏi:

- Vị nào vậy? Quý tiên nương có biết chăng?

- Thưa, nghe nói là tỳ-khưu Nanda! Vị ấy hiện đang hành trì, tu tập rất tinh tấn!

Ra khỏi toà lâu đài rồi mà trái tim Nanda còn nhảy loạn trong lồng ngực.

Trên đường trở về hạ giới, đức Phật hỏi:

- Này Nanda! Hằng muôn tiên nữ nơi cõi đệ nhị thiên đường, cụ thể là 500 tiên nữ nơi toà lâu đài bảo tháp kim cương - so với công nương Janapāda Kalyāni của ông, ai xinh đẹp, mỹ miều, diễm lệ hơn?

Nanda đỏ mặt ra đến tận mang tai, cúi đầu đáp:

- So với họ - thì công nương Janapāda Kalyāni chỉ giống như con khỉ cái bị cháy trụi lông, đen thui, sứt mũi, sứt tai, cụt đuôi tại khu rừng nọ.

Đức Phật mỉm nụ cười trong tâm, nói rằng:

- Này Nanda! Vậy hãy tinh tấn, nỗ lực! Như Lai hứa, nếu Nanda kiên trì tu tập giáo pháp - thì một ngày kia, 500 bảo tháp kim cương, chiếc ngai vàng thất bảo cùng 500 tiên nữ ấy sẽ thuộc về của ông!

Từ đó, khi ở tịnh đường, lúc ở nơi liêu đơn, gốc cây, bãi trống, rừng vắng... Nanda thiền định rất mực chuyên cần, rất mực chịu khó và nhiệt tâm.

Mọi người biết chuyện ấy. Các bậc thánh vô học hoặc hữu học thì im lặng, bởi họ biết phương tiện trí rất thâm sâu của đức Thế Tôn. Các vị còn phàm phu, nhất là chư sư trẻ tuổi - thì có dịp để họ nhạo báng, đùa bỡn hoặc tạo nên những nụ cười vui, vô hại, rất dí dỏm:

- Nè, tôn giả Nanda biết cách “đầu tư công phu” đó nghe!

- Ừa, chuyến buôn bán làm ăn này ông hoàng của chúng ta lãi to rồi!

- Đừng có xía phần! Ai ăn nấy no. Ai tu nấy được!

- Những 500 tiên nữ - “nhín” bớt cho một, hai, không được sao?

Chuyện đến tai, Nanda cảm nghe xốn xang, khó chịu vô cùng. Ngẫm nghĩ lại, ông chợt thấy rõ mục đích của mình tỏ ra tầm thường và thấp kém quá. Họ chế giễu là đúng. Họ nhạo báng là họ muốn thức tỉnh mình đây!

Đức Phật xuất hiện rất đúng lúc:

- Này Nanda! Bỏ qua chuyện ấy đi! Hôm nay ông và Như Lai đi chơi một miền xa. Hãy đến một cảnh giới đau khổ!

Lần này, đức Phật lại sử dụng thần thông đưa Nanda xuống thăm một cảnh giới ở địa ngục. Dịp này, Nanda chứng kiến tận mắt những thảm cảnh hãi hùng. Đây là một cột trụ đồng đỏ lửa rừng rực, các tội nhân trần truồng phải bám siết để leo lên, da thịt cháy xèo xèo. Bên kia là những con quỷ mặt trâu, đầu ngựa, cầm những chiếc đinh ba nhọn hoắt, đâm suốt qua lưng tội nhân rồi cất những tiếng tru ghê rợn. Nọ là những con dạ-xoa, la-sát cầm những chiếc cưa sắt nung lửa đỏ lòm, cứ tuần tự cưa tội nhân ra từng khúc, từng đoạn, gan ruột đổ lòng thòng, máu me chảy tràn thành vũng. Và thôi, nào là bàn chông, máy chém, máy lóc xương... kể sao cho xiết! Tội nhân chỗ này, chỗ kia giãy đành đạch, la hét, kêu gào... lẫn tiếng cười ghê rợn của quỷ dữ. Những cái cối đồng vĩ đại, những chiếc chày to lớn, đưa lên đưa xuống nhịp nhàng - bên trong là tội nhân với xương thịt bầy nhầy như cốt ý làm chả thịt người cho quỷ sứ ăn! 

Nanda rùng mình, ớn lạnh... bước sang một lò nấu người. Những chiếc vạc to lửa cháy xanh lè, bên trong dầu sôi sùng sục. Những con quỷ mặt xanh, mũi đỏ, thò tay quăng tội nhân vào từng chảo một. Nơi chảo khác, dầu cũng đã sôi như sóng cuộn, lại không có tội nhân...

Ngạc nhiên, Nanda hỏi thì được một con quỷ có vẻ lịch sự, đáp:

- Thưa tôn giả! Cái này thì còn để dành...

- Sao? Để dành? Cho tội nhân nào?

- Nghe nói là một vị tỳ-khưu!

- Ai? Vị nào vậy?

- Cái ông không chịu tu hành; ăn cơm của đàn-na thí chủ mà đêm ngày cứ tơ tưởng đến con gái! Là ông hoàng Nanda đấy!

Từng chân tơ, kẽ tóc đều dựng ngược cả lên, da thịt nổi gai ốc, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng - Nanda quày quả theo đức Thế Tôn trở lại trần gian mà cả tâm thần còn bủn rủn, cả tứ chi còn bải hoải!

Nanda phủ phục bên chân đức Phật:

- Xin đức Tôn Sư hãy huỷ bỏ lời hứa về chuyện 500 cô tiên nữ - đệ tử sợ hãi lắm rồi!

Đức Phật lắc đầu:

- Chưa! Chưa thể! Chừng nào ông không còn bám víu vào những sự vật trần gian; chừng nào mà ông đã vĩnh viễn viễn ly dục lạc; nội tâm hoàn toàn thanh tịnh như viên bạch ngọc trong suốt không tỳ vết nhiễm ô - thì lúc ấy, Như Lai huỷ bỏ lời hứa cũng không muộn gì!

Nói thế xong, đức Tôn Sư đọc một bài kệ:

“- Đau khổ và khoái lạc

Bùn nhơ đáy mặt hồ

Hương hoa sen toả ngát

Cho người diệt si mê!

Khoái lạc và đau khổ

Xúc động tâm phàm phu

Người vĩnh ly nhiễm ái

Hoa sen thắm mặt hồ!”

Trong lúc Nanda lắng nghe câu kệ có vẻ chú tâm - thì đức Phật đã không còn ở đấy. Vì ngài biết, bắt đầu từ bây giờ, Nanda sẽ gạt bỏ được những tư tưởng ô nhiễm, xấu xa để dành thời gian cho sự kiên trì tu tập. Rồi sẽ có hiệu quả tốt và không còn lo ngại gì về ông hoàng si tình ấy nữa.


[1] Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình.

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn