(Xem: 1493)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1859)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

4.27- Sự tích cõi trời Ba Mươi Ba

14 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 12838)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập-4

←Nghe: 4.28-Cuộc chiến với A-tu-la thiên blank

←Nghe: 4.30-Mùa An cư thứ mười ba blank

4.27- Sự tích cõi trời Ba Mươi Ba

Rời Bārāṇasī, đức Phật lại nhắm hướng Đông, theo một lộ trình mới, lần hồi, qua sông Gaṇgā lên Vesāli, đến rừng Đại Lâm, trú tại Trùng Các giảng đường.

Lúc ấy là vào thời tiết cuối xuân, đất trời còn mát mẻ - nghe đức Phật trở về, chư vị trưởng lão và chư tỳ-khưu trong vùng tìm đến đảnh lễ, vấn an sức khỏe của ngài. Rồi thời gian, nhóm này đến, nhóm kia đến, đức Phật tùy nghi thuyết pháp cũng kéo dài đến nửa tháng. Đặc biệt có vương tử Mahāli (1) và tùy tùng đến thăm viếng đức Phật cùng lễ phẩm cúng dường rất trọng hậu. Vương tử Mahāli vẫn còn nhớ ân đức Phật và tăng chúng đã cứu nạn cho Vesāli tám năm về trước. Ông cũng có đức tin với chư thiên cùng những oai lực của họ, nhất là đức vua trời Sakka - nhưng không rõ đời sống, cảnh giới của họ thật sự ra sao. Nhân dịp này, Mahāli hỏi đức Phật về sự thắc mắc của mình.

Thấy hội chúng tăng ni và cư sĩ hôm ấy khá đông - nên đức Phật kể lại sự tích về cõi trời Ba Mươi Ba ấy.

- Này Mahāli! Như Lai biết rõ chư thiên, biết rõ Đế Thích thiên vương, biết rõ nhân duyên và quả của cảnh giới ấy nữa.

Rồi câu chuyện kể của đức Phật về sự tích ấy được các nhà chú giải, các vị sư sính văn chương, chữ nghĩa, thuật lại, như sau:

Thuở ấy, thật là quá lâu xưa, khi chưa có chư Chánh Đẳng Giác ra đời, tại ngôi làng Macala (2), thành Rājagaha, nước Magadha - có chàng thanh niên tên là Magha ra đời. Vì do phước và trí sanh nên thanh niên Magha bước xuống thế gian với đầy đủ phẩm chất của một con người hiền lương, có đầu óc và có tấm lòng.

Cũng như mọi người, chàng lập gia đình, có bốn vợ, sinh con đẻ cái, siêng năng làm ăn, xây dựng cửa nhà cùng để tâm đến những công việc lợi ích chung cho nhân sinh, xã hội.

Ngôi làng Macala ấy không được yên vui, không được hạnh phúc vì đầy ác giới. Dân chúng thường hay gây gổ đánh đập nhau bằng binh khí miệng lưỡi hoặc bằng đao gậy. Sự xáo trộn, bất an trong mọi gia đình như giông bão ầm ào hoặc như lửa cháy âm ỉ không có dấu hiệu ngưng dứt.

Nghề nghiệp của dân làng là săn bắt muông thú trong rừng và giăng lưới tôm cá ở sông hồ. Một số kẻ bất thiện vô công rỗi nghề thì bắt trộm chó gà, ăn nhậu với rượu men, rượu nấu. Khi no nê và say sưa chí tử, không có tội lỗi nào mà chúng không làm, không có xấu ác nào mà chúng không phạm.

Tiếng cười lẫn với tiếng khóc, tiếng la hét, rên rỉ lẫn tiếng kêu gào, cuồng nộ từ góc xóm này sang góc xóm khác, ngày qua ngày, đêm qua đêm.

Thanh niên Magha thấy, nghe mọi chuyện - nhưng chàng tự nghĩ:

“- Hướng dẫn đời sống đạo đức và hiền thiện cho ngôi làng này, trong lúc này, chẳng khác gì nước đổ đầu vịt! Hãy kham nhẫn, hãy từ từ, chớ nên nóng vội! Không phải bằng nói năng, thuyết lý cho hay ho mà phải bằng những hành động cụ thể, cả vật chất lẫn tinh thần. Làm thế nào có thể cứu giúp họ, an ủi họ vào lúc mà cơ cực, lầm than, khốn khổ tột cùng; lúc mà nước mắt tràn đến họ như một cơn lũ lớn - lúc ấy ta hãy ra tay!”

Bắt đầu từ đấy, chàng cùng các con siêng năng và chăm chuyên hơn trong công việc làm ăn tích lũy của cải, tài sản. Tất cả mọi nghề có thể làm được mà không tổn hại đến ai - là chàng đều nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng rồi đầu tư công sức. Ngoài nông vụ, đồng áng - chàng cùng các con còn làm nghề đan lát, thợ mộc, thợ hồ, thợ sơn... Rảnh rỗi, chàng cùng các con lên rừng khai thác các loại danh mộc, trầm hương rồi kết bè đem về bán tại các thị trấn miền xuôi. Siêng năng, cần kiệm, có đầu óc, có ý chí như thế - một thời gian không lâu, gia đình chàng tích lũy được một tài sản lớn. Khi mà mỗi gia đình trong làng, năm này sang năm khác sống trong những cái hang, cái chòi tối tăm, rách nát, hôi hám, muỗi mòng, bẩn thỉu - thì Magha đã có được một trang trại rộng lớn, nhà cửa dãy ngang, dãy dọc, kẻ ăn người ở vào ra tấp nập - với kho thóc, kho bắp, kho đậu, kho vải, kho củi, các chuồng trại trâu bò cày bừa... như gia sản của một ông tiểu triệu phú.

Thời đã đến. Ngôi làng Macala xảy ra một vụ tranh chấp, kiện tụng về quyền lợi nơi đám rừng săn thú. Chúng bị bồi thường và bị phạt vạ. Tiếp đến là nạn cháy nhà. Tiếp đến là nạn hạn hán, mất mùa. Củ sắn, củ khoai, hoa trái lặt vặt, cây lá cũng không đủ ăn. Chúng rơi vào trận đói kinh hoàng cùng với dịch bệnh lây lan tìm đến mọi nhà.

Magha từ lâu đã có dự tính, nên đã tích lũy sẵn mọi thứ dành cho mối hiểm họa này. Chàng kêu cả làng đến, phân phát lương thực, vải vóc, thuốc men... với tấm lòng yêu thương rộng mở. Rồi chàng tụ tập ba mươi chàng thanh niên trai tráng, đại diện cho ba mươi gia đình tương đối đàng hoàng nhất - giáo giới với họ rằng:

- Này các bạn, hãy nghe tôi! Tôi sẽ cứu các bạn và cả ngôi làng này qua khỏi cơn đói nghèo. Bắt đầu ngày mai, lương thực của tôi chính là lương thực của các bạn. Chúng ta hãy cùng nhau lên rừng. Tôi biết ở đâu có gỗ quý, có trầm, biết chỗ bán chúng để đổi gạo cùng các loại thực phẩm, vật dụng nhu yếu khác. Chỉ cần một chuyến đi như vậy là chúng ta đủ sức giúp đỡ mọi người. Chuyến thứ hai là các bạn có đủ lương thực dự trữ. Chuyến thứ ba là các bạn có đủ tiền bạc, vật dụng, giống má để chăm lo nông vụ. Hãy theo tôi! Hãy chiến thắng cái đói nghèo!

Như gặp được vị cứu tinh, cả dân làng đều hoan hô và tán dương gia đình Magha không tiếc lời. Ba mươi chàng thanh niên thì đang vui mừng, phấn chấn vì một tương lai sáng sủa đã bày ra trước mắt họ. Tức thì, các kho dự trữ của Magha được mở rộng, mọi dụng cụ đi rừng không những cung cấp đủ cho ba mươi người mà còn hơn thế nữa.

Thế rồi, nhờ theo lời Magha, ngôi làng Macala đã đẩy lùi được cái đói. Đã nghe được giọng nói hoan hỷ của những cụ già. Đã có đâu đó tiếng cười đùa hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ trên các ngõ xóm. Ba mươi chàng thanh niên rường cột của ba mươi gia đình theo chân Magha lên rừng, xuống nội - đã được Magha trình bày tóm tắt chương trình làm việc trọn năm như sau:

- Chỉ cần bốn tháng lên rừng lấy gỗ, tìm trầm, các hương liệu, mật ong, măng giang, mộc nhĩ... là chúng ta có đủ lương thực trọn năm. Bốn tháng tiếp theo chúng ta làm đầy các kho ngũ cốc và làm cho các ngôi vườn xanh tươi rau quả. Bốn tháng còn lại - những mái nhà, bệnh xá, những cầu cống, những con đường, những hầm rác... đang chờ đợi chúng ta! Này các bạn! Hãy nghe tôi! Hãy biến cái ngôi làng nghèo khổ này thành ngôi làng của cõi trời!

Thế rồi, niềm vui bốc lên mắt, chạy rần rật nơi cái tay, cái chân, nhúc nhích trên những sợi râu của các cụ già... Người ta tán dương công đức của Magha - và từ đây, họ quý trọng và kính yêu gọi chàng là “thanh niên sư trưởng”, “người bạn chí thiện” hoặc “bậc thầy hiền đức”. Một phong trào rầm rộ và toàn diện về chuyện làm ăn, xây dựng, canh tân, chỉnh trang làng mạc, đường sá... được bàn bạc từ đầu thôn cho đến cuối xóm. Đèn đuốc đốt thâu đêm... Niềm vui rảo khắp hang cùng, ngõ hẻm... lây lan sang các gia đình khác nên ai cũng cố gắng bắt chước, chí thú làm ăn.

Khi đủ ăn, đủ mặc, có dư dả chút ít thì một vài tệ trạng manh nha khởi lên như biếng nhác, rượu thịt, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau... lại diễn ra. Tuy biết nhưng Magha không nói gì vì thấy chưa đúng thời. Trong lúc này nên làm hơn là nói. Bởi vậy, chàng cùng các con luôn dẫn đầu các việc công ích xã hội. Chiếc bóng của Magha bao giờ cũng xuất hiện đầu tiên, chỗ này, chỗ kia và ra về sau cùng. Ba mươi chàng thanh niên lấy Magha làm gương soi, là ngọn đèn sáng, là con mắt tinh anh của họ. Thế rồi, các con đường trong làng lần lượt được đắp lên cao ráo với những hàng cây có hoa và tỏa bóng râm mát. Những chiếc hồ công cộng trong xanh được thả sen, thả súng, nhởn nhơ bơi lội những con cá màu. Những chiếc cầu lót đá hoặc gỗ bắc qua những con kênh, bờ nước có liễu rủ, có bóng tre. Những bệnh xá tương đối khang trang, đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi, thuốc thang dành cho tất cả những người đau ốm, tật bệnh. Không còn một đống rác, những bãi phân, những vũng nước tù đọng, hôi hám. Tất cả chúng đều được chôn lấp, lấy đi, san bằng. Có những nghĩa địa lộ thiên dành cho người và thú. Mọi công trình công ích kể trên đều được làm bởi sự tự nguyện của dân làng, được quản lý, bảo vệ và chăm sóc tốt.

Biết là thời đã đến. Magha giáo giới ba mươi chàng thanh niên thiện chí của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi:

- Này các bạn! Tại sao đầy đủ cơm ăn, áo mặc mà trong ngôi làng của chúng ta vẫn có tiếng khóc, chửi mắng và rên than?

Họ trả lời:

- Chúng không biết tuân theo lời giáo huấn của sư trưởng. Chúng tự ý lên rừng săn thú, kiếm thịt ăn nhậu say sưa rồi đánh đập, chửi mắng nhau.

- Vậy thì hữu lý không khi chúng ta đừng đi theo cái nghề sát sanh hại vật?

- Hữu lý lắm!

- Các bạn có giữ được giới ấy chăng?

- Chúng tôi giữ được, thưa sư trưởng!

Magha mỉm cười, nói tiếp:

- Từ khi xẩy ra chuyện cờ bạc, ăn nhậu - ngôi nhà của các bạn có mở rộng cửa ngõ? Có phát sanh sợ hãi khi có kẻ rình trộm với con dao?

- Chúng làm cho mọi gia đình đều sợ hãi dầu đã cửa đóng, then cài! Chúng tôi chẳng dám đi đâu khi có tiền, có bạc ở trong người.

- Vậy thì có hữu lý không, muốn giải thoát nỗi sợ hãi cho cả ngôi làng, chúng ta cố gắng giữ gìn điều học không trộm cắp?

- Hữu lý lắm!

Bằng cách như vậy, bằng sự thực cụ thể, liên hệ về nhân về quả, sự tai hại và sự lợi ích - Magha đặt năm học giới trong tâm cho ba mươi chàng trai thanh niên tiến bộ.

Tin được truyền đi, người thôn trưởng đâm ra lo sợ, tự nghĩ:

“- Trước đây, khi người dân làng này sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu - thì ta được hoạnh phát tiền của. Nào là tiền mua rẻ hàng trộm cắp, tiền rượu, tiền phạt vạ, tiền bồi thường, tiền kiện tụng, tiền cúng tế, tiền ma chay, tiền tranh chấp của cải, tài sản, tiền giảng hòa, tiền hối lộ... Nay ông Magha giáo giới chúng, đặt năm giới cấm trong tâm của chúng, từ ba mươi gia đình sẽ lan ra bốn mươi gia đình, năm mươi gia đình... Cứ lần hồi như vậy thì ta sẽ khánh tận tài sản, lợi lộc. Vậy ta làm thôn trưởng để làm gì?”

Tức tối, hậm hực, với mưu chước, người thôn trưởng cụ bị hành lý, hối lộ quan cửa thành, đi thẳng đến cung vua xứ Magadha, tâu trình một cách gian dối, xảo quyệt như sau:

- Thưa thiên tử! Tại làng của con có một bọn cướp, chúng gồm ba mươi mốt đứa kể cả tên đầu sỏ đảng trưởng. Chúng nó phá làng, phá xóm. Chúng thiêu hủy các cuộc vui của nhân dân. Chúng làm cho các miếu, đền thờ thần đất, thần núi, thần lửa, thần mặt trời... vắng lạnh và điêu tàn. Không một bóng người trên sông. Không một bóng người trên rừng. Trống không các buổi tế lễ, hội hè, đình đám, tiệc tùng... Ôi! Quả thật là một bọn cướp đáng sợ!

Mới nghe như thế, đức vua chưa cho người điều tra sự vụ hư thực đã vội quát lên:

- Hãy đem theo lính, đao kiếm và dây, bắt trói tất cả chúng rồi dẫn đến đây!

Thế là Magha và ba mươi chàng thanh niên chí nguyện bị bắt trói xếp cánh sau lưng rồi được dẫn đến hoàng thành. Đức vua nước Magadha không điều tra, không hỏi cung mà ra lệnh đem tất cả ra pháp trường cho voi chà xử tội.

Khi nằm trên đất để nhận chịu sự hành hình oan uổng, Magha điềm đạm nói:

- Này các bạn! Hãy bình tĩnh! Nếu quả thật chúng ta bị tử nghiệp voi chà nầy - thì không ở đâu có thể trốn thoát được dù ẩn vào động thẳm, hang sâu. Nhưng nếu chúng ta không có tội - thì uy lực của đức vua, sức mạnh của ngàn con voi cũng chẳng thể làm được gì chúng ta cả. Vì sao vậy? Vì do thiện pháp bảo vệ, chúng ta sẽ được an toàn!

Vậy này các bạn! Chớ có sợ hãi! Hãy hành trì giới, tâm niệm giới! Hãy khởi lòng từ với kẻ ác, với kẻ đã vu cáo ta! Hãy khởi lòng từ với đức vua thiếu sáng suốt! Hãy khởi lòng từ với đàn voi - vì chúng không biết gì, lại sắp dẫm đạp chúng ta! Tâm từ ấy phải được quảng đại, sung mãn, bao trùm đồng đẳng tất cả chúng sanh, đầy tràn hư không giới. Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng! Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng!

Tất cả ba mươi thanh niên y lời nên trầm tĩnh, an nhiên như một rừng thiền định.

Khi đàn voi đến, chúng đứng sững lại như gặp một bức tường thành kiên cố. Chúng co rúm lông, đuôi dựng đứng lên, thối lui, rống to rồi quay lưng bỏ chạy. Đàn voi khác đến, cũng thế, không thể vượt được bức tường của tâm từ, chúng trở lui và bỏ chạy tán loạn.

Đức vua nghe báo chuyện lạ, ra hiện trường xem, tự nghĩ:“Chắc trong người bọn chúng có giấu thuốc trường sanh nên chúng đã trở nên bất tử chăng?” Bèn cho người lục soát nhưng chẳng thấy gì. Lại nghĩ: “Hay là chúng có đọc bùa chú?” nên đức vua hỏi to:

- Này bọn cướp kia! Có phải các ngươi đã âm thầm niệm chú để chống lại bản án tử hình chăng?

Magha bẩm chất thông sáng, thoáng nghe hỏi đã hiểu ra mọi sự - nên bình tĩnh đáp:

- Vâng, có, thưa thiên tử!

- Ấy là bùa chú gì? Đọc lên cho ta nghe thử coi?

- Thưa thiên tử! Hãy lắng nghe, tôi sẽ nói. Tôi và ba mươi chàng thanh niên này trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống các chất say. Chúng tôi khởi lòng từ đồng đẳng đối với mình, với các sanh loại. Chúng tôi làm các thiện sự, các công ích xã hội như dựng bệnh xá, làm cầu, làm đường, đào ao hồ, các công trình vệ sinh... Tất cả đấy là bùa chú (manto) của chúng tôi, là sự bảo vệ (paritto) của chúng tôi, là sức mạnh của chúng tôi!

Đức vua ngạc nhiên quá, cặn kẽ hỏi đầu đuôi. Thế rồi tên thôn trưởng đành phải cung khai thú nhận mọi tội lỗi.

Đức vua hài lòng, mỉm cười sung sướng về việc làm tốt đẹp của những công dân lương thiện. Ông cho tịch thu gia nương điền sản của tên thôn trưởng, bắt toàn thể gia đình làm nô lệ suốt đời có khắc dấu lên trán. Còn Magha thì được đức vua biếu tặng cả đàn voi để làm việc công ích, cho sở hữu cả ngôi làng với quyền lực, uy tín, danh vọng được đức vua xuống chiếu bằng văn bản có triện son tươi rói.

Từ đấy, Magha và ba mươi chàng thanh niên thiện chí được tự do và an tâm để làm các công đức, công ích xã hội - được đức vua bảo vệ, tán dương cùng các khoản trợ cấp hào phóng...

 

Hôm kia, họ khởi tâm làm một đại hội trường rộng lớn tại khoảng đất trống gần ngã tư đường, là trung tâm của ngôi làng Macala. Họ bàn bạc rồi thống nhất ý kiến với nhau, rằng là, nữ nhân nghiệp dày dễ đem đến rối loạn và phiền não - không nên cho đàn bà góp công góp sức vào công trình này.

Sudhammā, bà chánh thất của Magha mang một số tiền đến gặp người phụ trách tòa kiến trúc (kiến trúc sư), tha thiết, năn nỉ rằng:

- Ông hãy giúp tôi, bằng đủ mọi cách để cho tôi có cơ hội hùn góp công đức vào phước sự lớn lao nầy!

Vừa nể tình vừa thấy tội nghiệp, người thợ cả kiến trúc hứa giúp với mưu kế - là làm một cái chóp tháp nhọn bằng danh mộc, chạm trổ công phu, phơi khô, lấy vải cuộn lại rồi bảo bà Sudhammā cất giấu đi.

Khi tòa kiến trúc đại hội trường vĩ đại xây dựng xong - đến giờ đặt tháp nhọn, người thợ cả hốt hoảng la to lên:

- Chết rồi, các bạn ôi! Chúng ta đã quên một việc quan trọng!

Mọi người xôn xao:

- Cái gì vậy?

- Chúng ta quên làm cái chóp tháp nhọn, biết làm sao bây giờ?

- Ồ! Chẳng hề gì! Có thể làm gấp được mà!

- Không phải vậy! Ông ta lắc đầu - Thứ nhất là gỗ phải thuộc loại đại danh mộc, cứng như sắt nguội không bao giờ bị nứt rạn. Thứ hai là gỗ phải được phơi khô trong bóng râm vài ba tháng - nếu không đạt yêu cầu như thế thì đầu mối sẽ không ăn khớp, bị hở và nước sẽ thấm vào. Nay sắp đến ngày khánh thành rồi, lại có đức vua và triều đình tham dự, thời gian không còn kịp nữa, biết làm sao?

Thật là nan giải. Ai cũng nín lặng. Chợt người thợ cả kiến trúc chấp tay lên đầu rồi đưa ý kiến:

- Lạy chư thần gia hộ! Trong ngôi làng của chúng ta có cả hằng trăm ngôi nhà có tháp nhọn, chóp nhọn. Vậy, biết đâu một nơi nào đó có thể có sẵn hoặc còn thừa một cái chóp nhọn bằng danh mộc, đẹp, vừa vặn và in khít thì sao?

Mọi người phân tán ra khắp làng tìm kiếm. Ngạc nhiên làm sao, họ thấy bà Sudhammā có sẵn một cái chóp tháp bằng danh mộc rất đẹp, chạm trổ công phu, tinh xảo, đúng tiêu chuẩn yêu cầu. Họ hỏi mua nhưng bà không chịu bán.

Bà nghiêm trang nói:

- Tiền bạc chẳng thể nuôi sống ta từ đời này sang kiếp nọ. Vả, chồng ta công đức quá lớn, ta mà thiếu phước báu thì làm sao hy vọng gặp lại được chàng trong kiếp lai sinh? Vậy hãy cho ta hùn góp một tí công đức! Ta chẳng cần núi tiền, núi bạc của các ông! Hãy cho ta dự phần!

Thấy không thể quyết định được - vì như thế là phá vỡ kế hoạch ban đầu là không cho nữ nhân tham dự dẫu đấy là bà chánh thất của sư trưởng - họ bèn đến gặp Magha xin ý kiến chỉ đạo, nhưng vốn tôn trọng mọi người nên chàng cũng dụ dự, bất quyết.

Vị thợ cả lớn tiếng:

- Sao các bạn cố chấp thế? Chỉ phạm thiên giới mới không có nữ nhân! Các bạn đã là vị phạm thiên chưa mà làm oai, làm phách vậy? Tại sao các bạn không nhận chân sự thực rằng, nữ nhân trên đời này đã đem lại tình yêu và hạnh phúc cho các bạn? Cho chí các cõi trời, nếu không có tiên nữ thì các bạn lên đó sống với ai, vui chơi bầu bạn với ai? Không có tiên nữ thì còn đâu là sinh thú, lạc thú của cõi trời? Các bạn hãy nói đi?

Mọi người nín lặng, thừa nhận sự thực ấy nên cúi đầu ra vẻ hổ thẹn. Ông thợ cả tấn công tiếp:

- Các bạn hãy từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi! Hãy chấm dứt tâm phân biệt đầy kiêu căng và ngã mạn đó! Hãy lấy cái chóp nhọn để bà Sudhammā góp phần công đức kẻo không còn kịp nữa. Và theo ý tôi, chúng ta cũng nên đón nhận tất cả nữ nhân trong làng đến hùn góp công đức về các công trình phụ còn lại.

Ba mươi chàng thanh niên cũng không phải là những kẻ cố chấp - họ thầm nhận ý kiến của người thợ cả là hợp tình, hợp lý - bèn xin quyết định cuối cùng của Magha. Chàng mỉm cười nói:

- Đấy là mưu chước của phu nhân tôi - nhưng lại là mưu chước đáng yêu, đáng được hỷ xả và tôn trọng. Chúng ta cũng nên dang tay mở rộng cửa trời để mọi người cùng bước vào, chẳng nên phân biệt nam nữ.

Thế là nóc tháp nhọn được đặt lên, vừa vặn, khít khao, tuyệt mỹ. Nữ nhân trong làng, sau khi được mở cửa - họ đua nhau đến góp công, góp của với không khí tưng bừng, vui tươi như hội bướm mùa xuân - lúc nào tiếng ca hát, reo cười cũng vẳng lên nơi này, nơi kia của công trường...

Ông thợ cả kiến trúc đã nói rất có lý, vì từ khi có nữ nhân cùng tham dự, không khí công trình như vui tươi, sống động hẳn lên. Đàn ông con trai say mê làm việc và say mê cả những câu hát hò đối đáp với các cô thiếu nữ.

Không bao lâu sau, một quy mô cực kỳ vĩ đại được hoàn thành.

Trong đại hội trường có đầy đủ bàn ghế, chỗ ngồi cho cả ngàn người, có sân khấu rộng để tổ chức biểu diễn múa hát, các lễ hội. Nơi những hành lang rộng thoáng, cạnh lối đi và cửa sổ có thảm hoa và những ghè nước mỹ thuật. Các công trình phụ như nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm hơi công cộng cũng tiện nghi và đẹp đẽ. Cách quãng hợp lý là những bức tường dài, dạng hình cung có gắn ô cửa vuông, cửa tròn có hoa văn, họa tiết... Những con đường tản bộ được lót sỏi trắng. Những hàng cây sāla, tre trúc, bồ-đề, dâu da... xanh tươi và mát mẻ. Xung quanh giảng đường cách những khoảng sân rộng thiết kế vườn hoa, cây cảnh - là những ngôi nhà trọ dành cho bộ hành lỡ bước, trạm nghỉ chân cho khách thương. Có cả những hàng quán bán buôn đủ loại, vật thực uống ăn được bán với giá phải chăng cho mọi người. Lại có cả những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh dành cho trẻ em chơi đùa và cho cả trẻ nít chăn trâu bò, cừu dê... cạnh những con đường thông vào ngõ xóm.

Bà Sucittā, phu nhân thứ hai của Magha, hùn chung công đức một công viên mỹ lệ, có những thảm cỏ xanh biếc, những cụm quái thạch um rêu dựng nổi bật. Hằng trăm cây ăn trái, cây kiểng, cụm cây thân thảo lá vàng, lá đỏ, lá tím đan xen nhau, nhiều sắc hoa, dáng hoa lạ lùng tỏa hương thơm ngào ngạt. Không có cây nào ở đây không phải là danh hoa, danh mộc. Không có đường nét chi tiết mỹ thuật nào ở đây không bắt mắt, gợi cảm tạo sự thưởng ngoạn kỳ thú...

Bà Sunandā, phu nhân thứ ba của Magha không chịu thua, nàng chịu khó thuê người, không quản tiền bạc, của cải để làm hồ và suối. Hồ xanh thăm thẳm lấp lánh sao trời, phô thắm hoa sen, hoa súng đủ màu. Suối vờn quanh những thảm cỏ xanh biếc chỗ sâu, chỗ cạn, trong leo lẻo, đủ loại cá màu lặng lờ lui tới ngoạn mục. Những chiếc cầu đá trắng lơ thơ liễu rủ trông thơ mộng như cõi bồng tiên.

Riêng Sujātā, bà phu nhân thứ tư, trẻ nhất và đẹp nhất thì thường làm biếng, không đóng góp một chút công sức gì vào công trình vĩ đại nói trên. Suốt ngày quanh đi, quẩn lại nhìn ngắm sắc đẹp của mình; rồi lại đổi thay y phục, thay đổi những món trang điểm của mình. Lại còn tìm ăn món này món nọ để dưỡng nhan, để mong mình được trẻ mãi, đẹp mãi...

Với công đức, nhân tạo tác của mỗi người như vậy, lúc mệnh chung, Magha hóa sanh làm vua trời Đế Thích (Sakka), cai quản ba mươi ba tòa cung điện. Con cháu, dâu rể của Magha và mọi người trong làng, ai có công đức về những việc công ích xã hội đều được sinh làm thần dân thiên tử của cõi trời này. Ba mươi tòa cung điện cao sang, lộng lẫy, huy hoàng là phước báu dành sẵn cho ba mươi chàng thanh niên cùng thê tử của họ. Ba tòa tháp mỹ miều, tráng lệ là phần của ba bà thiên hậu của Sakka - đấy là Sudhammā, Sucittā và Sunandā. Riêng bà thứ tư, Sujātā, do không có phước báu, chẳng đóng góp được chút ít công đức gì - không biết lai sanh về đâu hay đọa lạc ở cảnh giới nào!


4.28- Cuộc chiến với A-T-La Thiên

Từ đỉnh Sineru, vua trời Sakka đưa tầm mắt xa rộng nhìn thiên quốc ngọc ngà, châu báu, cao sang, mỹ lệ của mình. Ôi! Nó hiện ra như một giấc mộng tuyệt vời. Ba mươi ba tòa bảo tháp lấp lánh muôn màu, muôn sắc nhô lên giữa vùng mây ngũ sắc huyền hoặc, diệu kỳ.

Và ô kìa! Là thần dân của ngài. Chúng chư thiên nam nữ thấp thoáng, lấp lóa cánh vàng, cánh bạc, cánh hồng, cánh tía... tha thướt xiêm y bay lượn, rong chơi đây đó. Chúng trẻ trung, hồn nhiên, đẹp đẽ và tươi mát như cả một công viên hoa bướm rộn rã trong nắng xuân. Chúng ngây thơ không biết rằng, thiên quốc này vừa xảy ra một cuộc chiến tranh với bọn quỷ A-tu-la thiên. Nhưng may nhờ mưu kế sử dụng “mỹ tửu”, vua trời Sakka đã dẹp xong cuộc chiến tranh ấy.

Ôi! Cái bọn A-tu-la thiên cứng đầu và ngoan cố lắm. Suốt đời chúng chỉ thích đánh nhau, đánh nhau là niềm vui của chúng. Dẫu ta tạm thời đuổi chúng đi rồi, nhưng chắc thiên quốc của ra cũng khó bề yên ổn được - vì rượu trời ấy không say được lâu. Tỉnh dậy, chúng không biết là bằng cách nào ta đã quăng chúng xuống dưới biển ấy. Nếu biết, chắc chúng sẽ vô cùng tức giận. Lũ a-tu-la thiên lúc phẫn nộ thì ghê gớm lắm, thần lực của chúng có thể đốt cháy cả cõi trời thanh bình này. Ôi! Nguyện cầu thiên pháp hộ mệnh chúng ta.

Thiên nhạc từ đâu đó dặt dìu, êm dịu vẳng lại cắt đứt dòng suy nghĩ của Đế Thích. Nó lảnh lót, réo rắt tuôn ra những giai điệu làm hoan hỷ và tươi vui lòng người. Khi những khúc nhạc trời vẳng lên thì cả không gian đều như ngưng lắng lại, một làn gió, một đám mây đi qua cũng phải bâng khuâng, xao xuyến. Và ồ! Mùi hương nào đây mà lạ lùng, mà ngất ngây, mà diệu vợi đến thế? Hôm trước, Đế Thích đã ngỡ ngàng bước vào rừng hoa mạn-thù và ngài đã sửng sốt trước vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều và hồn nhiên của các cô tiên nữ. Và mùi hương nào ở đây mà cũng thấm đẫm, sực nức cả hoa viên? Mùi hương kỳ diệu ấy như được tứa ra từ cây cỏ, từ xiêm y, từ những hạt sương lóng lánh trăm màu, từ những hạt bụi phấn li ti, bồng bềnh khói sương, nước mây thiên quốc.

Ôi! Thiên lạc! Dẫu cả trăm lần, vạn lần tưởng tượng cũng không hình dung ra được một phần lạc thú của cảnh giới nầy dành cho những kẻ miệt mài tinh cần với công đức. Phước báu này ta và các bạn của ta xứng đáng được hưởng. Các bà vợ của ta cũng xứng đáng được như vậy.

Trời Đế Thích chợt mỉm cười hài lòng khi thấy sự diệu kỳ của nhân quả.

Phu nhân Sudhammā cúng dường một cái tháp nhọn chạm trổ công phu thì giờ đây, cái cung điện bảo tháp của nàng được trả lại hằng ngàn cái tháp nhọn tầng tầng lớp lớp bằng thất bảo vô song. Phu nhân Sucittā kiến tạo một công viên đẹp đẽ cho mọi người du thưởng - thì nàng được trả lại không biết bao nhiêu là công viên sang trọng, xinh xắn, bội phần diễm lệ hơn.

Phu nhân Sunandā dụng tâm làm hồ suối thì bây giờ không biết bao nhiêu là hồ suối tráng lệ, mỹ miều chầu quanh cung điện. Nơi nào cũng bảy báu chói ngời. Nơi nào cũng chim hót, suối reo, hoa nở, trái chín mọng đầy cành. Rồi nào thì hoa sen, hoa súng thù thắng mà mỗi cánh hoa chứa hàng ngàn đóa hoa mà hương sắc thì không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ thế gian. Rồi nào là từng lớp sóng bảy màu lấp lánh những hạt cuội bảy màu. Những lan can, chuông gió, đàn đá, ghế ngồi, nhạc trời... ở đâu cũng gặp, ở đâu cũng tự hiện ra khi muốn dừng chân uống trà, uống rượu...

Thế còn phu nhân Sujātā, giờ ở đâu? Nàng thác sanh vào cõi nào? Than ôi! Vì giới, thí, tuệ của nàng không đồng đẳng, vốn bị khiếm khuyết nên chẳng thể hóa sanh lên đây để thọ hưởng phước báu thiên lạc. Vậy lúc nào thuận duyên, ta sẽ dùng oai lực của một thiên chủ tối cao để tìm kiếm, nhắc nhở nàng tu tập công đức ngõ hầu lai sanh tái ngộ.

Đế Thích ngước mắt lên từ vùng suy tưởng. Một bóng mây lướt nhanh từ phương Đông, hiện hình một vị thiên nam trang sức như một chiến sĩ, sáng ngời vũ khí xuất hiện.

- Tâu thiên chủ! Chúng lại đến!

- Ai? Cái gì?

- Thưa, là đội quân của A-tu-la vương, có lẽ chúng lên để phục thù. Hiện chúng như bầy kiến đang từ lưng chừng núi bò lên. Chúng còn xuất hiện ở mặt biển phía Đông, phía Nam, khí thế sôi sục, bừng bừng như vừa uống rượu trời...

- Sao nữa? Bình tĩnh lại! Cứ từ từ mà thuật lại.

- Thưa! Ôi! Lửa, khói, những binh khí có răng cưa, có móc nhọn, có những vòng, những khoen, những trục nằm ngang, nằm giữa... Chúng đang giương cao vũ khí, rầm rộ, khí thế bạt sơn, xẻ núi... Kinh khiếp! Thật kinh khiếp! Xin thiên chủ hãy ban thiên lệnh!

Không lay động như đỉnh Sineru, không lay động như Ba Mươi Ba tòa bảo tháp - Đế Thích nhìn vẻ hốt hoảng của vị thiên nam - là chiến sĩ trưởng của ngài. Ôi! Đấy là dũng lực của một chiến sĩ trưởng ư? Nhưng biết làm sao được, chúng không quen đánh nhau. Chúng chỉ ưa trang điểm hoa hòe, hoa sói đủ loại diêm dúa trên người để du hí với các nàng phấn hồng tiên nữ mà thôi. Chúng chỉ quen hội hè, tiệc tùng, đàn ca, xướng hát. Nay đánh cờ núi Tây, mai khiêu vũ biển Bắc! Họ đẹp và trẻ trung, thanh xuân như những chàng trai, cô gái mười sáu tuổi, suốt đời không ốm bệnh, già yếu, hay lão suy. Chúng trường xuân miên viễn.

Thế rồi, họ, tiên nam, tiên nữ thường du hành như những đám mây bay về thung lũng bạc, thung lũng xanh, đeo đủ loại trang sức ngọc ngà, vòng hoa và chập chờn như bướm lượn. Hai mươi vạn vị chư thiên nam của ta đều như thế. Và mấy muôn triệu vị tiên nữ của ta cũng đều là như thế. Chúng hóa sanh lên đây là để hưởng phước báu, để vui chơi dục lạc - chứ không phải để cầm trượng, cầm đao, cầm kiếm. Chúng sinh ra để ăn mặc, trang sức cho đẹp để rong chơi thỏa thích. Bàn tay của chúng chỉ biết gảy đàn, đánh cờ, ôm nhau khiêu vũ và bưng những ly rượu trời. Bọn A-tu-la sẽ dễ dàng tha thứ cho chúng. Còn tiên nữ thì chúng sẽ bắt làm vợ, làm hầu thiếp, tỳ nữ, làm hoa, làm cảnh, ca vũ nhạc kịch.

A-tu-la vương chỉ thù một mình ta mà thôi. Nó còn muốn thay ta làm thiên chủ, nắm quyền lực tối cao. Nhưng phước báu nào cho nó làm được như vậy? Rõ là tham vọng ngông cuồng. Mà thôi, tự ta sẽ dùng uy lực của mình để thử sức với bọn chúng xem sao rồi từ đó mà trù liệu.

Nghĩ thế xong, Đế Thích chợt mỉm cười vô sự, điềm nhiên khoát tay:

- Các ngươi cứ rong chơi đây đó! Ai đàn cứ đàn, ai hát cứ hát, ai với trò tiêu khiển nào thì cứ tiếp tục. Riêng các thiên hậu, thứ hậu - ngươi hãy hộ tống họ tạm thời lánh cư về mặt biển phương Bắc. Còn tất cả ở đây hãy để ta tự lo liệu.

Khi vị thiên chiến sĩ trưởng đi khuất, Đế Thích thiên chủ bước ra bao lơn, phất tay ra hiệu. Chốc sau, chiếc xe thù thắng Vejayanta (3) xuất hiện cùng vị trời đánh xe. Thế rồi, chiếc xe dài một trăm năm mươi do-tuần, phút giây như mây gió nổi cuồn cuộn, vượt hư không, vượt biển, lao trên những đọt sóng chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của A-tu-la vương.

Sau chốc thoáng bị đẩy lùi, bọn A-tu-la lại tiến lên như vũ bão, nổi lửa, xô dạt những làn sóng, ào ạt, hàng hàng lớp lớp bao vây Đế Thích. Vị vua trời như lọt vào giữa trung tâm ruột xoáy của đại dương...

A-tu-la vương mặt đỏ như say rượu, hừng hực lao tới với hai chiếc búa bằng lửa, tung ngang, bổ dọc thật là kinh khiếp. Trời sụp. Biển sụp. Trăm trăm, ngàn ngàn chiến sĩ A-tu-la với khí thế dõng mãnh - chúng vọt qua biển, vọt qua những sườn đồi, tràn lên, tràn lên...

- Sức ta chỉ có thế thôi! Đế Thích thầm nghĩ - Địch làm sao nổi bọn A-tu-la hiếu chiến, hăng say mùi máu, hăng say đánh nhau? Chặn biển Đông, chúng sẽ tràn biển Tây. Chặn núi Nam, chúng sẽ tràn qua núi Bắc. Khi A-tu-la vương đã cương quyết trả thù, muốn chiếm đất đai và giành quyền bá chủ thì ta, với địa vị ngôi trời chí tôn thật như ngồi trên đầu sóng! Thôi, mất mặt mà làm gì! Thiên chủ mà làm gì! Nếu ta sử dụng hết thần lực thì tất thảy sinh mạng bọn A-tu-la này sẽ biến thành tro bụi. Mà quả là ta không nỡ làm thế!

Nếu phước báu của ta ngắn ngủi như giấc mộng đầu hôm thì bảo vệ có ích gì? Ta sẽ trốn thôi. Ta sẽ bay qua mặt biển phương Bắc đón các thiên hậu, thứ hậu rồi đến tỵ nạn nơi các vị trời Đế Thích bằng hữu.

Nghĩ thế xong, thiên chủ nói rõ ý định của mình cho vị trời đánh xe nghe hiểu. Vậy là chiếc xe thù thắng Vejayanta chợt bốc cao từ vùng biển xoáy, thoát khỏi sự bủa vây của bọn A-tu-la.

Rồi như một cơn lốc vĩ đại, chiếc xe quạt trong không gian một cơn bão lớn, bỏ mặt biển, nó bay qua rừng cây lụa bông (4) với tốc độ như vệt chém. Chiếc xe bay đi nhanh quá, nó qua rừng cây mà dường như không có vật cản - chỉ như một ánh sao xẹt giữa hư không. Đế Thích thiên chủ thoáng nghe như có hằng trăm hằng ngàn tiếng chim kêu đầy tuyệt vọng.

- Này trời Mātali! Đế Thích hỏi - Chúng ở đâu vậy? Những tiếng chim kêu đầy thảm não kia?

- Thưa thiên chủ! Vị trời đánh xe (saṅgāhaka) tâu - Chiếc xe của chúng ta xuyên qua rừng như vết chém, hằng trăm hằng ngàn thân cây lụa bông gãy đổ, đứt lìa rơi xuống biển sâu. Rừng cây lụa bông này là quốc độ của loài kim xí điểu (Garuḷā) (5). Tổ của chúng bị bắn tung tóe, lũ chim non thì số chết, số bị thương, số không còn nơi ẩn náu.

- Vậy hả? Thế thì quay lui, tức khắc quay lui! Nghe đâu, một vạn do-tuần là rừng cây lụa bông này. Đừng vì mạng sống, vì thiên quốc của ta mà giết hại sanh mạng, phá hoại tổ ấm an lành của chúng sanh khác.

Hãy quay lui! Ta sẽ nộp mình cho quỷ dữ A-tu-la vương. Thân ta dẫu có bị nghiền ra tro bụi cũng không trả hết nợ sanh mạng cho sự vô tâm lầm lỡ nầy.

Ôi! Hỡi những con chim non vô tội, quả thật ta vô tâm, không cố ý, hoặc ta chỉ vô tình và ngu ngốc phạm giới sát mà thôi!

Thế rồi, vị trời Mātali tức tốc quay lui, tránh rừng cây lụa bông, lao xe bay nhanh về cung Ba Mươi Ba bằng lối khác.

A-tu-la vương và chiến sĩ đang uống rượu liên hoan, say men chiến thắng, tâm thần đang phấn khích, chưa ổn định, thấy chiếc xe của Đế Thích trở về và ông ta với thái độ bình thản và sắc mặt an nhiên - suy luận rằng:

- Chắc chắn các Sakka từ thế giới khác hay tin nên mang quân đến tiếp viện. Khi chạy trốn, chúng trốn hướng này, lúc trở lại, chúng đi hướng này! Như vậy, rõ ràng là chúng ta đã bị bao vây, không hồ nghi gì nữa!

Vì đinh ninh như vậy nên bọn A-tu-la rần rần bỏ chạy như đàn ong vỡ tổ, phút chốc không còn một mống. Khí giới đủ loại quăng bỏ ngổn ngang.

Đế Thích thiên vương đi vào thành với thiên chúng đoanh vây, mừng vui chào đón. Trong sát-na ấy, đất nứt ra và địa giới của thiên quốc trồi lên cao thêm một ngàn do-tuần.

Đế Thích thiên chủ đứng trang nghiêm nhìn ngắm phước báu kỳ lạ, tự nghĩ rằng:

- Có lẽ đây là do nhân từ tâm và bi tâm mà ta nhường nhịn, chịu thua bọn A-tu-la! Và có lẽ cũng do từ tâm và bi tâm - ta thà nạp mạng sống mình cho cho ác chủ tể còn hơn là biết mà vẫn sát hại rừng kim xí điểu!

Do vậy, Đế Thích càng có tâm bất thối đối với thiện pháp. Từ đấy, ngài ra lệnh bảo vệ sự an toàn sanh mạng cho loài rồng, loài kim xí điểu, loài cưu-bàn-trà cùng loài dạ-xoa trong thiên vương bốn cõi.

Còn từ nay, thiên quốc sẽ hoàn toàn thanh bình vì địa giới của A-tu-la đã trở nên quá xa xôi, không còn sợ bọn chúng quấy nhiễu nữa.

Dưới chiếc lọng trắng, Đế Thích thiên chủ ngồi trên ngai thiên bảo trải một tấm nệm bằng vàng mịn rộng một do-tuần. Ngài trị vì vương quốc quang vinh, làm những công việc của vua chư thiên, hỗ trợ loài người, bảo vệ thiện pháp trong khả năng, thiện chí và oai lực của mình.

Đã đến lúc Đế Thích thấy mình phải cứu độ phu nhân Sujātā - cô vợ bé bỏng vì thiếu phước nên không thể lai sinh đồng đẳng với ngài.

 

4.29- Mối tình keo sơn chung thủy

Trong lúc mọi người trong gia đình Magha, ba mươi ba gia đình và một số người trong ngôi làng Macala sum vầy lạc phúc trên thiên giới thì phu nhân Sujātā đọa sinh làm con chim hạc mái ở rừng sâu. Cha mẹ chết, cô hạc mái sống lẻ bóng, lạnh lẽo, không họ hàng thân thích, không có bè bạn, không có một niềm vui.

Đã nhiều lúc cô đơn quá, hạc mơ màng và mộng tưởng đến những hoàng tử, những công chúa, những đôi uyên ương sống với nhau ngàn năm trong những lâu đài tình ái... rồi thở dài và thầm thương cho thân phận hẩm hiu của mình.

Sớm hôm kia, dùng thiên nhãn quan sát thế gian, Đế Thích thấy rõ hậu thân của Sujātā, ngài bèn biến hóa mình thành một chàng trai hạc phương phi, cao sang mỹ tướng xuất hiện trong tầm mắt của hạc mái.

Trong ánh sáng mặt trời rực rỡ, ấm áp buổi sơ xuân, trên cành cây đối diện, không biết xuất hiện từ bao giờ một thanh niên hạc đẹp đẽ và quý phái lạ lùng. Chàng kìa! Đôi mắt trong xanh vời vợi, sâu thẳm, tròn to, đa tình; chiếc mỏ cong cong óng ánh lân tinh và đôi chân cứng mạnh tràn trề sinh lực. Trái tim cô gái hạc chợt nghe xao xuyến và rung động mạnh.

- Hãy cùng ta bay đến những tòa lâu đài ngàn năm tình ái, hỡi cô công chúa hạc diễm kiều!

Nàng hạc Sujātā thẹn thùa quá đỗi khi nỗi lòng của mình bị chàng trai hạc kia phát hiện, cô bèn khép cánh lại, nép đôi mắt ướt át sau một cành hoa. 

- Hãy đi chứ - Sujātā - nàng công chúa hạc ở rừng sâu? Hãy cùng ta đi ngoạn du một cảnh giới huy hoàng!

Với thần lực của mình, chàng hạc (Đế Thích) cất đôi cánh trắng, và cô hạc cảm thấy thân mình bị bốc lên không cưỡng được - rồi nhẹ nhàng lướt lên cao, bay xuyên qua những đám sương mờ...

Đế Thích đem hạc đến cõi trời Đao Lợi. Và sau khi dẫn nàng hạc bay vòng quanh ba mươi ba tòa bảo tháp nhìn ngắm chư thiên nam nữ lộng lẫy cao sang - rồi cả hai bay đậu nơi các công viên tươi đẹp - ngài mở lời bằng ngôn ngữ của chim:

- Vinh quang thay là thiên giới! Hỡi cô công chúa hạc yêu quý! Chúng ta dường như gặp nhau trong mộng, có bao giờ nàng mơ ước đến một cuộc sống như thế này: Ta với nàng kết nghĩa phu thê, trường sanh bất lão, mãi mãi hạnh phúc trong những tòa lâu đài sáng ngời kim ngân, châu báu, đoanh vây xung quanh muôn triệu kẻ hầu người hạ, với lạc thú ngũ dục tối thượng của cõi trời?

- Có, em có! Cô hạc thẹn thùa gật đầu, lắp bắp đáp với đôi mắt ẩn giấu niềm ước mơ cháy bỏng - nhưng vẫn là mộng thôi, chàng hỡi!

Chàng trai hạc bỗng cất cánh lên mây, hóa hiện thành Đế Thích thiên vương, rõ rỡ uy nghi ngồi dưới chiếc lọng trắng - đoanh vây hằng sa thiên nữ với hương hoa vi diệu, với muôn ngàn nhạc điệu mê ly của cõi trời. 

Cô gái hạc sợ hãi quá chừng, định cất cánh bay - nhưng Đế Thích đã hiện nguyên hình trở lại, đến gần bên, cất giọng rủ rỉ rù rì như rót mật vào tai:

- Em yêu! Kiếp trước ta là phu quân của em, tên là Magha. Em là Sujātā, là phu nhân thứ tư của ta, tại ngôi làng Macala, kinh thành Rājagaha, quốc độ Magadha...

Từng lời, từng lời của Đế Thích gợi lên hình ảnh vừa qua trong kiếp trước, phục hồi lại ký ức ngủ quên của nàng hạc. Lát sau, Sujātā bỗng nhớ lại tất cả. Nàng thổn thức, bồi hồi, nép mình bên chàng trai hạc như đặt trọn niềm tin tưởng nơi người chồng cũ. Thế rồi, với sự cố gắng, Đế Thích nói cho Sujātā nghe tất cả mọi nhân, duyên và quả; khuyên hạc sống đời thiện lương, giữ tròn những căn bản của ngũ giới - may nhờ phước báu ấy hỗ trợ, giúp nàng thác sanh cõi trời Ba Mươi Ba để tái ngộ tình xưa.

Thấy Sujātā gật đầu, Đế Thích hài lòng, đưa chim hạc trở về rừng cũ...

Tiếng nhạc của cõi trời như còn vọng lại sau đôi cánh xa xăm - hạc tỉnh mộng, bàng hoàng, sau đó nó biếng ăn, biếng bay, biếng đi kiếm mồi. Chàng ở trên cao kia do quá nhiều công đức đã làm trong kiếp trước. Còn ta? Ta đã ăn tận, hưởng tiệt các món ăn cũ, dư phước của kiếp nào. Khi mọi người nhiệt tình, hăng say với các thiện sự như bố thí, trì giới, làm các công tác lợi ích xã hội - còn ta thì không làm cái gì lợi ích cho ai hết. Rồi cái Đại hội trường nguy nga đồ sộ cùng với hàng trăm công trình phụ - là niềm vui chung cho cả làng - thế mà ta cũng chẳng đóng góp được chút gì. Ta chỉ lo trau chuốt, điểm trang, tới lui ngắm nghía vẻ đẹp của mình để tự mãn, để khinh người. Ta ngồi trong im mát hưởng thụ ngũ dục, làm đẹp nhan sắc với châu báu, với phấn, với hoa hương cho những đứa nô tì, kẻ làm công trầm trồ, tán thán. Chàng và họ, ba bà phu nhân hom hem, già lão - nhưng nhờ công đức, nhờ phước báu đã gieo trồng, bây giờ họ ngồi ở thiên đình an hưởng phúc quả. Còn ta thì đọa lạc làm thân chim xấu xí này thì còn chi để mà nói nữa? Than ôi! Hãy lo tu tập đi thôi! Đời chim chỉ có giới bất sát - vậy ta phải kiên quyết giữ tròn giới ấy như lời chàng yêu thương nhắc nhở.

Bắt đầu từ dạo đó, hạc không ăn các con vật đang còn sống. Do không quen ăn lá cỏ, các loại hạt nên hạc gầy yếu rất nhanh. Chỉ tuần sau là hạc kiệt lực, ngã gục bên bờ suối. Sương rừng và gió núi làm hạc tỉnh lại. Mệt mỏi, lờ đờ hạc lê vài bước. Một chút nước suối giúp hạc tỉnh hơn. Và ô kìa! Một con cá béo ngậy nằm phơi cái bụng vàng óng ánh! Nó chết rồi. Nó sẽ cho ta sinh lực và sự sống.

Khi ngậm con cá trong chiếc mỏ xinh xắn, hạc nghe thân cá rung động, uốn cong chiếc đuôi - nó vừa hoảng hốt và vừa như một phản xạ trong sạch từ lương tâm có giới, nó nhả con cá ra với đôi mắt thẫn thờ. Hạc còn không quên dùng chiếc mỏ đẩy con cá xuống dòng nước. Thà chết chứ hạc không thể nào phạm giới sát sanh. Dẫu cho cái đói có thúc bách, có hành hạ, hạc nguyện vẫn kiên gan chịu đựng để được lợi ích và tiến hóa dài lâu.

Trước mắt hạc chợt rực sáng. Con cá bạc từ suối nước bỗng vút lên hư không như một vệt thủy tinh, hiện thành Đế Thích thiên vương ngồi giữa đám mây lành, rực rỡ sắc màu.

- Lành thay! Sujātā yêu quý! Nàng đã có giới ở trong tâm. Nàng đã biết nghe lời ta. Thật ra, chỉ cái chớp mắt là kiếp hạc phù du. Hãy kham nhẫn, chiến thắng vị dục của cái bụng, rồi nàng sẽ được tái ngộ cùng ta giữa cõi đệ nhị thiên đường hạnh phúc xán lạn.

Nói thế xong, Đế Thích thoáng biến mất giữa hư không lồng lộng. 

Nàng Sujātā nhờ có giới hộ trì, nâng đỡ nhưng vì có ít phước báu - nên hết kiếp hạc, tái sanh thân phận một cô gái trong gia đình nghèo khổ làm nghề thợ gốm ở Bārāṇasī.

Từ đỉnh Sineru, nhờ thiên nhãn, Đế Thích thiên vương biết chỗ sanh thú của nàng. Khi cô gái lớn, Đế Thích hóa thành một cụ già đẩy một chiếc xe đầy cả dưa chuột chín vàng đi vào thành phố.

Ông già bán dưa chuột rao vang cái câu lạ lùng:

- Ai lấy dưa, kẻ ấy phải có giới! Ai có giới thì hãy đến lấy dưa!

Màu dưa chuột chín vàng rất thích mắt, thấy là đã muốn ăn ngay. Thật là loại trái cây giải khát quý hiếm giữa mùa nắng nóng cháy da. Người ta đổ xô lại và ai cũng tranh phần muốn mua.

Ông già hét to:

- Các ngươi có giới không? Ta chỉ cho dưa đến người có giới! Ai có giới mới có phần dưa!

Người ta nói:

- Tôi chẳng biết giới là gì, nhưng tôi có tiền. Tôi sẵn sàng trả giá cao nhất.

- Hãy đi! Ông già bán rong lấy tay xua - Ta không cần tiền. Tiền bạc thì được tích sự gì. Ta chỉ cho không cả xe dưa này đến người có giới.

Với sức mạnh do thần lực của vị thiên chủ, đôi cánh tay gầy guộc của cụ già như hai vòng đai kiên cố bảo vệ xe dưa chuột. Đám đông như chạm phải một bức tường sắt, dạt lui. Ai cũng nghĩ là ông già ấy điên. Mọi người lảng tránh dần.

Tiếng rao của cụ già khàn khàn nhưng vọng từ đường phố này sang đường phố khác, từ khu nhà này sang khu nhà khác. Muôn dân kinh thành Bārāṇasī, không hiểu tại sao cứ nghe mãi âm thanh của ông già rao dưa chuột vang vang trong lỗ tai. Kể cả kẻ điếc lãng, cũng nửa tin nửa ngờ, hôm ấy họ cũng nghe rất rõ ràng.

- Ai có giới, ta cho không dưa chuột. Ai có giới, ta cho không cả xe dưa chuột.

Tiếng rao vọng đến tai, nàng Sujātā nghèo khổ rung động mạnh. Tiềm thức quá khứ mơ hồ trở về. Nàng biết giới, nghĩ về giới, quen biết giới như người bạn thân đi xa lâu ngày gặp lại. Nàng rẽ đám đông bước lại.

- Thưa cụ! Tôi biết giới, tôi có một chút giới! Hãy cho tôi dưa chuột!

Cụ già chợt nở nụ cười hóm hỉnh, dịu dàng nhìn cô gái, hỏi rằng:

- Cả kinh thành Bārāṇasī này có ai biết gì về giới đâu? Vậy tại sao cô bé biết?

- Thưa cụ! Tôi biết giới từ quá khứ.

- Vậy giới là gì nào, cô bé?

- Là ngăn giữ những điều xấu ác, thưa cụ!

- Vậy là đúng, vậy là giỏi! Nhưng cụ thể cái gì là xấu ác, này cô bé?

- Ví dụ sát sanh hại vật là xấu ác, thưa cụ!

- Ừ! Hoàn toàn chính xác! Vậy thì hãy giữ cho tròn năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống các chất say - cô bé làm có được không?

- Được, thưa cụ! Tôi làm được cả năm giới ấy.

Đế Thích trao cho cô gái cả xe dưa chuột rồi nói nhỏ bên tai nàng:

- Chẳng phải dưa chuột đâu - là cả một xe vàng ròng đấy! Hãy dùng tài sản châu báu này nuôi mạng sống, nuôi cha mẹ già và làm các công đức. Nhớ tích lũy cho thật nhiều công đức như bố thí và làm các việc lành tốt hữu ích đến mọi người, cô bé sẽ đạt nhiều an vui và hạnh phúc trong mai hậu.

Thế rồi, cô bé nghèo khổ y lời, giữ giới trong sạch, cúng dường đến các đạo sĩ, bố thí đến người nghèo khổ, lập các trạm phước xá, chẩn bần cho đến mãn đời. Hết tuổi thọ, mạng chung, nàng sanh làm công chúa cõi A-tu-la thiên, mang sắc đẹp quý phái, đôn hậu và thùy mị.

Đến tuổi trưởng thành, A-tu-la vương cho nàng tự do kén chồng. Các A-tu-la thái tử, hoàng tử, công tử từ khắp các cõi A-tu-la đồng đến tham dự , ra mắt xem thử có lọt vào cặp mắt xanh của người đẹp không.

Hơn ai hết, Đế Thích biết rõ chuyện này, biến hóa thành một hoàng tử A-tu-la hiên ngang, anh tuấn, cỡi thớt ngựa trời sáng ngời châu báu. Giữa đám thanh niên A-tu-la, Đế Thích đẹp đẽ, phương phi, cao sang như chúa phượng hoàng.

Nhìn thấy Đế Thích, trái tim công chúa A-tu-la rung động mạnh bởi sợi dây ái luyến nhiều đời kiếp. Nàng chọn Đế Thích làm chồng giữa muôn vàn tiếng reo hò tán dương của thần dân ngưỡng mộ. Và dĩ nhiên còn cả sự đố kỵ, ganh tỵ từ phía những thanh niên đến cầu hôn.

Đế Thích ra mắt nhạc gia, hiện thành thân tướng cao sang, trang nghiêm đầy uy lực của một vị thiên chủ tối cao - trình bày cho A-tu-la vương nghe rõ nhân, duyên và quả của câu chuyện hôm nay - rồi sau đó, muốn kết tình giao hảo giữa hai quốc độ.

A-tu-la vương Vepacitti ban đầu đùng đùng nổi giận - sau nhìn thấy con gái đang rỡ rỡ hạnh phúc, bèn nghĩ rằng: Bây giờ, dẫu là ông vua trời cao sang nhưng đã hạ mình làm giai tế - thì có lý nào lại cố chấp, chuốc mối oán thù không đáng có! Điều nên đáng hãnh diện nữa là khác - rồi lớn tiếng cả cười:

- Đế Thích! Ha... ha...! Rốt lại, ngươi là con rể của ta, ha... ha...!

Đế Thích mỉm cười vui vẻ, sai chư thiên thuộc hạ dâng rượu trời, một số lễ vật trân quý mà cõi A-tu-la không thể có - rồi vái lạy A-tu-la vương làm nhạc phụ. Sau đó, Đế Thích chào cha vợ rồi dẫn công chúa A-tu-la về cung Đao Lợi, tặng riêng nàng một tòa bửu đài nguy nga, tráng lệ, đặt nàng lên địa vị thứ hậu, xung quanh đoanh vây hai ngàn năm trăm vạn thiên nữ.

Kể xong chuyện tiền thân Đế Thích của mình, đức Phật kết luận:

- Thuở còn luân hồi sinh tử, Như Lai đã làm những thiện sự không mệt mỏi. Không những chỉ mình làm - mà còn nhắc nhở, khuyến khích, giáo hóa người khác làm theo. Do vậy, những phước báu hữu vi của Như Lai cũng rất là đặc biệt, rất là thù thắng. Chính nhờ bố thí, trì giới, làm các việc lành tốt hữu ích cho cuộc đời mà Như Lai hưởng quả vị thiên chủ tối cao với ngũ dục, với uy lực, với quyền năng vô hạn! Điều nổi bật ở đây chính là đức tính tinh cần với những thiện sự. Ai tinh cần, người ấy được tán dương; ai dể duôi, biếng nhác sẽ bị người khác coi khinh, xem thường. Đúng như câu kệ ngôn:

“- Chỉ nhờ đức tánh tinh cần

Đế Thích cai quản bốn tầng thiên vương

Dể duôi thiên hạ khinh thường

Tinh cần mãi được tán dương đời đời!”(6)

Nghe xong tích truyện Cõi trời Ba Mươi Ba, nhiều vị tỳ-khưu còn trẻ, bàn tán với nhau:

- Đức Phật của chúng ta thuở còn là bồ-tát lại có những bốn bà vợ! Vui nhỉ!

- Ngài cũng chung tình ghê gớm nhẻ! Cái cô bé Sujātā kia bị đọa lạc làm con hạc mái, bồ-tát đã tìm trăm phương nghìn cách đem lên cõi trời để nối duyên cho bằng được.

- Vọng ngữ đó! Cái gì mà trăm phương nghìn cách? Chỉ một cách thôi là giúp nàng ta giữ giới!

- Bố thí nữa, chẩn bần nữa!

- Ừ, thì nhiều cách, nhưng đâu có trăm phương?

- Đến ba kiếp sau, cô bé mới được tái ngộ cùng chồng! Ghê nhỉ?

- Đa tình thế là đệ nhất!

- Ngài tạo phước báu hữu vi thiệt là cực kỳ. Mà khi xả bỏ cũng thiệt là cực kỳ!

- Vậy mới đúng là hiện thân siêu việt của một đức Chánh Đẳng Giác chứ!

 

MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BA 

4.30 Tiếp độ con trai nhà đại phú 

Tại ngôi làng Kalanda gần Vesāli có con trai của một nhà đại phú tên là Sudina, vừa mới lập gia đình. Hôm nọ, chàng và một số bạn hữu ghé kinh thành Vesāli vì một vài công việc làm ăn; thấy mọi người đổ xô đến Đại Lâm (Mahāvana), Trùng Các giảng đường (Kūṭāgāra) (7) để nghe đức Phật thuyết pháp - ông và bạn hữu cũng tò mò đi theo.

Thanh niên Sudina nhìn thấy đức Thế Tôn ấy được đoanh vây bởi một hội chúng đông đảo - và ngài như một sư tử vương, vàng rực, chói sáng, uy nghi như nhiếp phục cả đại giảng đường - tạo cho chàng một ấn tượng mạnh mẽ.

Rồi còn thời pháp nữa. Với âm thanh trầm hùng, thanh thoát, diệu vợi... với ngôn ngữ cô đọng, gãy gọn, chính xác, dị giản... như đi thẳng vào tâm, vào trí hội chúng. Còn nữa. Còn lý nghĩa và tư tưởng. Còn những ví dụ, những đoản ngôn. Còn chiều sâu và khoảng trống, khoảng lặng của những điều chưa nói hết... Tất cả ấy như cuốn hút tâm tư Sudina làm cho chàng chú tâm lắng nghe không bỏ sót một từ, một ngữ nghĩa nào. Thanh niên Sudina xúc động một cách sâu xa, như đảo hoán tận gốc rễ nếp suy nghĩ của chàng.

Cuối thời pháp, thanh niên Sudina như còn rúng động, bàng hoàng, đăm chiêu, tự nghĩ:

“- Quả là ta đã sống và đang sống một đời vô vị, vô tích sự. Bụi bặm, dơ uế, đặc đầy phiền não và buộc ràng! Ta đang đắm say, mê mải nơi thế giới đốm hoa không thực. Ta đã tìm kiếm hạnh phúc nơi cõi vô thường, tạm bợ, sinh diệt mà tưởng là hằng thường, vĩnh cửu.

Tiếng chuông của giáo pháp đã gõ mạnh lên đầu ta rồi. Ánh sáng của giáo pháp cũng đã chớp lóe trong tâm trí của ta rồi. Vậy, đời sống tại gia này còn thú vị gì nữa, còn chút sinh khí nào nữa đâu?”

Rồi chàng lại suy nghĩ tiếp:

“- Nhưng nếu muốn sống đúng như những điều mà đức Thế Tôn kia đã thuyết giảng - thì quả thật không phải là dễ dàng đối với người đời, đối với người tại gia với trăm công, nghìn việc, với ân ái vợ chồng, với tiền bạc, gia sản, với thôn lân, bằng hữu, với truyền thống, tập tục, với bùn lầy, tù đọng và chật chội của toan tính và lo âu.

Cái đời sống trong sạch và trinh trắng như vỏ ốc kia, cái đời sống giải thoát như cánh chim trời kia - chỉ thích hợp với người cạo bỏ râu tóc, tam y nhất bát, sống đời xuất gia phạm hạnh mà thôi!”

Thế rồi, với dõng lực và quyết tâm, lúc trở lại gia đình, thanh niên Sudina nói rõ ý định xuất gia của mình cho cha mẹ và cả cho cô vợ mới cưới hay. Ai cũng ngăn cản. Ai cũng nói ý định ấy là điên rồ và ngu ngốc. Ngay chính bạn bè thân hữu cũng xúm vào khuyên lơn chàng - vì chàng là con một - nên thuận theo truyền thống tổ tiên là sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường!

Ý định sống đời phạm hạnh như mũi tên đã bắn đi, không dừng lại được - thanh niên Sudina tuyên bố với sức mạnh nặng ngàn cân: “Một là xuất gia, hai là chết!” Chàng nằm xuống nơi chỗ nền đất không có trải lót rồi nhịn ăn, một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày.

Khi sự sống của Sudina chỉ còn thoi thóp, sợ con trai chết, cha mẹ mới đồng thuận cho chàng xuất gia.

Thế là vô cùng khó khăn, thanh niên Sudina mới bứt nổi sợi dây ràng buộc của gia đình, trở lại Đại Lâm, Trùng Các giảng đường để xin đức Phật được xuất gia sống đời phạm hạnh.

Đức Phật sở dĩ ở nán lại thêm mấy hôm ở đây cũng chỉ để chờ đợi chàng trai này - vì hơn ai hết, ngài biết ông ta có duyên với giáo pháp (8).

Và sau khi thấy rõ tâm ý, sở nguyện của thanh niên Sudina - đức Phật chứng minh và chư vị trưởng lão cho ông ta thọ đại giới - với những lời giáo giới căn bản và cần thiết nhất.

Tỳ-khưu Sudina sau đó, nguyện sống hạnh đầu-đà, mặc y phấn tảo(9), noi gương tôn giả Mahā Kassapa - tam y nhất bát, tu hành rất mực tinh tấn. Ai cũng kính trọng. Chỉ riêng đức Phật, các vị thánh lậu tận có thắng trí thì chỉ mỉm cười, không bình luận.


(1) Có tất thảy ba vị có tên Mahāli. Một, vương tử Mahāli nước Koliyā, phu nhân là công nương Suppavāsā - có con trai Sīvali, mang thai 7 năm. Hai, du sĩ Mahāli hỏi đạo đức Phật nhân chuyện tỳ-khưu Sunakkhatta. Ba, Mahāli đến thăm đức Phật đây là bạn thân của đức vua Bimbisāra, tám năm về trước, nhân Vesāli xảy ra nạn đói, dịch bệnh, ông đã đến Rājagaha cầu cứu đức Phật. Vị này vốn là một thái tử văn võ toàn tài, là bạn học của đức vua Pasenadi, bạn học với hoàng tử Bandhula nước Malla. Sau khi du học từ Takkasilā về, vì bị bệnh mắt ông chỉ xin giữ một chức quan coi thành khiêm tốn. Còn Bandhula do bất mãn triều đình, ông đã cùng với gia quyến đến ở với bạn là Pasenadi, được đức vua trọng dụng cho làm Đại nguyên soái thống lãnh quân đội, quyền hành rất lớn. Ông có bà vợ là Mallikā - trùng tên với hoàng hậu của vua Pasenadi - là đệ tử thuần thành của đức Phật (xem thêm chương tướng quân Bandhula sẽ viết sau này). 

(2) Pháp cú ghi là Acala, bổn sanh Kulāvaka ghi là Macala.

(3) Theo kinh thì nói Vejayanta là tòa lâu đài (Vejayanta- pāsāda) của Đế Thích - mà trong một lần, đức Moggallāna đã dùng ngón chân cái làm cho rung rinh - nhưng theo Pháp cú thì Vejayanta lại là chiếc xe (Vejayanta - ratha).

(4) Simbalī - đôi nơi dịch là loại cây chỉ tơ - rừng cây này ở dưới núi Tu Di (Sineru), là trú xứ của Kim xí điểu. Đây là loại chim thiêng, thường bắt rồng (Nāga) làm thức ăn.

(5) Hoặc Garuḍā - Một trong bốn loại chúng sanh trong kinh điển - do chúng có lông sắc vàng nên dịch là kim xí. Ba loại khác là Rồng (Nāga), Dạ-xoa (Yakkha), Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa).

(6) Pháp cú 30, nguyên văn: “ Appamādena maghavā devānaṃ seṭṭhataṃ gato. Appamādaṃ pasaṃsanti pamādo garahito sadāti”.

(7) Kūṭa là nóc nhọn; agāra là nhà ở, chỗ ở - nên đôi nơi dịch là “ Sảnh đường nóc nhọn”.

(8) Câu chuyện về tỳ-khưu Sudina này được mở đầu khi giới thiệu về luật tạng. Vì tám năm sau, lúc về thăm lại gia đình, cha mẹ chàng tha thiết khẩn cầu chàng để lại “hạt giống - bījaka” Lúc ấy, giới bất cộng trụ (pārājikā) thuộc thanh tịnh giới (pātimokkha) chưa chế định - chàng không biết, tưởng là không có tội chi, nên đã ba lần giao hợp với người vợ cũ. Kết quả là bà vợ sanh được một đứa con trai - nên bạn bè vui nhạo gọi tên bà là “Mẹ của chủng tử”! Mấy trăm năm sau, Mi-lan-đà sở vấn (Milindapañha) cũng có nhắc lại chuyện tỳ-khưu Sudina này.

(9) Paṃsukūla: Vải bó tử thi hoặc vải lượm từng tấm, từng mảnh nơi này và nơi kia, giặt sạch, nhuộm rồi may mặc - không thọ nhận vải mới, vải lành nguyên.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn