(Xem: 1665)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2170)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

4.44- Hóa độ Phạm Thiên Baka

14 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11036)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 4

←Nghe: 4.45-Chuyện hối lộ blank

4.44- Hóa độ Phạm Thiên Baka

Trong lúc đó thì phạm thiên Baka đang sống đời vinh quang, xán lạn, thọ hưởng hạnh phúc an lạc bằng tuổi thọ mấy đại kiếp quả địa cầu Ý nghĩ đầy tự phụ và tự mãn sau đây khởi lên trong tâm của ông ta:

“- Quả thật là ta đang sống trong cõi vinh quang thường tồn, vĩnh hằng, kiên cố, bền vững, không có sự hủy hoại; không sanh, không già, không chết, không chuyển kiếp, không hóa kiếp, bất sanh, bất diệt... Ngoài cảnh giới của ta ra, không một nơi nào khác có được những tính chất thù thắng như vậy”.

Đức Thế Tôn dùng tha tâm thông, biết rõ chấp kiến mê muội của phạm thiên Baka, biết rõ ông ta sẵn có duyên lành có thể hóa độ được; bèn với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, ngài biến thân từ Jetavana, có mặt ở cõi phạm thiên Abhassarā (Quang âm thiên) trong chớp mắt.

Phạm thiên Baka nhìn thấy đức Thế Tôn ngự lên tận đây, tỏ vẻ vô cùng hoan hỷ, thốt rằng:

- Ồ! Quí báu thay! Kính thưa sa-môn Gotama! Tôi rất hân hạnh được đón tiếp ngài, chiêm ngưỡng ngài! Không rõ sa-môn Gotama có hữu sự gì, có duyên lành gì ở cõi vinh quang, xán lạn này chăng?

Đức Phật nghĩ là nên vào đề ngay:

- Này phạm thiên Baka! Như Lai đồng ý đây là cõi vinh quang, xán lạn; nhưng không rõ là sự vinh quang, xán lạn ấy tồn tại được bao lâu?

Phạm thiên Baka nhíu mày:

- Sao lại bao lâu? Sa-môn Gotama có ý nghĩ lạ đời, nghịch thường như thế? Thảng hoặc, sa-môn Gotama vì không rõ nên nói quấy chăng? Tôi hiện đang thọ hưởng hạnh phúc an lạc thường hằng, bất biến; chẳng ở nơi nào có được sự vinh quang, xán lạn, vĩnh cửu như ở đây!

Đức Phật thương hại cho thường kiến của vị phạm thiên này, nên nói:

- Hỡi phạm thiên Baka! Như Lai biết rõ không phải như vậy. Với tà kiến ấy, ngươi sẽ ở mãi chỗ tối tăm, mê muội, không bao giờ thấy rõ được sự thật đâu!

Phạm thiên Baka nghe đức Phật quở trách nặng nề, vẫn không chịu thay đổi chấp kiến; y dùng tâm ý, gọi nhóm bằng hữu 72 vị phạm thiên, đồng có mặt trong một lúc, rồi ngã mạn nói rằng:

- Ông sa-môn Gotama phải biết rằng, chúng tôi có cả thảy 73 người đã từng tạo sắc giới thiện nghiệp, cho quả hóa sanh lên cả đây! Tất cả chúng tôi đều biết rõ rằng, cõi trời phạm thiên này là kiếp chót, không còn sanh già nữa. Chúng tôi đã đến đỉnh điểm, đã đến cứu cánh rốt ráo của phạm hạnh. Trên thế gian này, tất cả nhân loại đều kính ngưỡng chúng tôi, mong ước ở địa vị chúng tôi. Họ đồng tán dương rằng, chư phạm thiên này là Đại phạm thiên! Không một ai, không một thế lực hữu hình và vô hình nào khống chế được. Chư Đại phạm thiên là những bậc có đại quyền lực, là đấng Tạo Hóa, là Hóa Sanh Chủ, là Tối Thượng Tôn, là Tổ phụ của muôn loài đã sanh và đang sanh trên hoàn vũ!

Vậy thưa ông sa-môn Gotama! Có 72 vị đồng phạm hạnh này làm minh chứng cho tôi. Thế thì lẽ nào đức Thế Tôn lại bảo, là ở đây, sự vinh quang, xán lạn này được bao lâu? Lại còn cho là chúng tôi rơi vào thường kiến tối tăm và mê muội? Xem chừng, sa-môn Gotama tự xưng là Phật, là đại A-la-hán được thế gian trọng vọng, tôn thờ nhưng rõ là ông vẫn chưa đạt được cứu cánh này, địa vị này? Hoặc may mắn lắm, ông chỉ là một vị trời tầm thường mà thôi vậy!

Đức Phật nghe những lời huênh hoang, khoác lác như thế, khởi tâm bi mẫn, nói rằng:

- Này phạm thiên Baka! Nghe Như Lai nói đây! Ông tưởng rằng ông tạo sắc giới thiện nghiệp nên hóa sanh lên cõi này sao? Do không thấy, không biết, không nhớ đến tiền kiếp của mình nên ông mới sinh ra tự tôn, cao mạn như vậy!

Phạm thiên Baka ngạc nhiên:

- Tôi không tin điều đó! Chẳng có gì để chứng minh cả, thưa ông sa-môn Gotama!

 Đức Phật mỉm cười:

- Kiếp trước đây, ngươi ở cõi trời Subhakiṅha (Biến tịnh thiên), có tuổi thọ 64 đại kiếp quả đất. Trước khi mất ở đấy, nhờ ngươi trú được định nhị thiền thâm sâu, có hỷ lạc thâm sâu, nên ngươi mới sanh vào cõi trời này. Như vậy là ngươi đã từ cảnh giới quang minh bất động của Biến tịnh thiên mà rơi xuống Vô lượng quang thiên chứ đâu phải sanh lên, hở phạm thiên Baka?

Vị phạm thiên vẫn ngoan cố lắc đầu:

 - Chuyện không thể tin được!

 - Vậy thì ngươi hãy ngồi xuống, trú tâm thanh tịnh – đức Phật nói – rồi Như Lai sẽ cho ngươi nương nhờ túc mạng thông của Như Lai, để ngươi nhớ đến kiếp trước của mình!

Rồi với năng lực thần thông của bậc Chánh Đẳng Giác, đức Phật để cho tâm trí phạm thiên Baka nhớ đến sanh thú trước đây. Giữa vùng yên lặng, trong sáng, đột nhiên Baka thấy rõ mình là một vị phạm thiên cao sang, thù thắng lạ lùng. Toàn thân vị phạm thiên ấy phát ra ánh hào quang vững chắc, như nhiên, kiên cố khó có thế lực, uy lực nào xâm phạm được. Vị phạm thiên ấy bước đi trong ánh hào quang không xao động, bay đi trong hào quang không xao động. Thân thể vị ấy đồng với hào quang, tan hòa trong hào quang; và niềm hạnh phúc an lạc của vị ấy thâm mật, tế vi, chẳng có hình ảnh, ngôn từ nào khả dĩ so sánh, diễn đạt...

Đức Phật thu lại thần thông, nói rõ mồn một vào tai phạm thiên Baka:

- Cảnh giới vinh quang, xán lạn, thường hằng, bất biến ở đây, so với cảnh giới ngươi vừa thấy, nó ra sao?

Phạm thiên Baka như vừa tỉnh một cơn mê dài, y bắt đầu nói chuyện có lễ độ hơn một tí:

- Thưa sa-môn Gotama! Niềm vinh quang, xán lạn ở đây thật là tệ hại, là tối tăm, là thấp thỏi! Ôi! Hóa ra cảnh giới mà tôi đã từng sống trước đây nó vi diệu, thù thắng như vậy sao? Và tôi cũng từng đã ở đấy 64 đại kiếp quả đất hay sao?

- Phải, và còn hơn thế nữa, này phạm thiên Baka! Ngay chính cảnh giới ấy nó vẫn còn thấp thỏi, hạ liệt. Ngươi đã từng sống ở một cảnh giới cao sang, thù thắng hơn thế nhiều. Đó là cảnh giới Vehapphala (Quảng quả thiên), mà phước báu ở đấy viên minh và vô lượng hơn nhiều. Niềm hạnh phúc an lạc kia, trong suốt tợ pha lê, một tí bụi của hỷ lạc xả thô tháo cũng không gợn lên được. Suốt một thời gian dài và lâu xa đến năm trăm đại kiếp quả địa cầu, ngươi sống và thọ hưởng niềm vinh quang tráng lệ ấy. Trước khi chấm dứt tuổi thọ, ngươi trú được định tam thiền và rơi đọa xuống cảnh giới mà ngươi vừa nhìn thấy.

Rồi cũng bằng thần thông lực bất khả tư nghì của đấng Diệu Giác, đức Phật để cho phạm thiên Baka thấy lại tiền kiếp đã bị quá khứ che lấp. Sau khi thấy rõ, biết rõ sự thật, bao nhiêu kiêu căng, tự mãn, tự đắc của phạm thiên Baka thảy đều tiêu tan, y quì xuống đảnh lễ chân bụi của đức Đạo Sư:

- “Con” không biết nói gì nữa. Thật là vô cùng tri ân đức Thế Tôn đã mở mắt cho con!

- Này phạm thiên Baka! Đức Phật tiếp tục dẫn dắt cho kẻ tối tăm, bít bùng thấy thêm con đường khoảng khoát, sáng sủa – Ngay chính cảnh giới thù thắng ấy cũng chưa phải là cao tột, tuyệt đỉnh. Đó chỉ mới là cảnh giới của đệ tứ thiền hữu sắc, tuy đạt được phúc lạc tế vi nhưng đối với Như Lai thì nó cũng rất tầm thường. Đấy là phước báu của sắc giới thiện nghiệp mà ngươi đã tạo ở cõi người, từ một kiếp trước đó, ngươi không biết thế sao?

- Thưa, con không biết!

- Thuở ấy - Đức Phật nói tiếp - Mặc dầu sinh vào thời không có đức Phật Toàn Giác, nhưng ngươi đã sớm có trí tuệ, thấy được sự hạ liệt, thấp thỏi của dục vọng ngũ trần nên ngươi đã từ bỏ đời vinh hoa phú quí, xuất gia làm đạo sĩ ở Tuyết Sơn. Do sự tinh cần, chuyên niệm, nỗ lực thiền định nên ngươi đã đắc được đệ tứ thiền hữu sắc thô tháo ấy! Như Lai khá khen ngươi đã tự tri, tự lực để vạch cho mình một lộ trình tươi sáng, trong lúc thế gian đang chìm trong giấc ngủ say nồng!

Rồi đức Phật lại cho phạm thiên Baka nương nhờ thần thông lực của mình, giúp y thấy lại được đời sống ấy, kiếp ấy.

- Con đã thấy rồi! Y nói - Con đã tin rồi, bạch đức Thế Tôn!

- Và này hỡi phạm thiên Baka! Ngươi đâu có biết rằng còn vô lượng cảnh giới thanh lương, mỹ toàn hơn thế, Như Lai đã từng chứng đạt, liễu tri; nhưng Như Lai đã không cần an trú ở đấy mà Như Lai đã đoạn trừ chúng, đã viễn ly chúng vì thấy chúng chưa phải là cứu cánh tột cùng, viên mãn! Vậy mà ở đây, ở cõi chỉ có một tí xíu an lạc này; ngươi đã dám tự tuyên xưng là thường hằng, bất biến; là nơi không còn sanh, già, bệnh, chết; là nơi không còn hóa sanh, chuyển sanh; là cõi vinh quang, đời đời, chẳng ở đâu hơn thế nữa!?

Phạm thiên Baka lại quì sụp xuống:

- Kính xin đức Thế Tôn cho phép con sám hối những lỗi lầm ngu si, tà kiến và ngã mạ ấy!

- Thôi được rồi! Đức Phật nói – Như Lai chứng minh cho lời sám hối ấy. Bây giờ ngươi hãy tính chuyện cho mai sau. Cảnh trời Quang âm này tuổi thọ chỉ 8 đại kiếp quả địa cầu. Ngươi ở đây cũng đã khá lâu, và Như Lai còn biết rõ, sự mạng chung của ngươi chỉ còn 100 ngàn Nirabhuda(1) mà thôi vậy!

Phạm thiên Baka kính cẩn nói:

- Bây giờ thì con đã có đức tin hoàn toàn nơi đức Thế Tôn! Con biết chắc đức Thế Tôn là bậc thấy rõ, biết rõ không cùng tận. Là bậc đã liễu ngộ sinh tử, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết; là bậc đã chấm dứt trọn vẹn mọi khổ đau, phiền não, đã vượt lên trên tất cả mọi cảnh giới thù thắng nhất. Niềm tin ấy là kiên cố và bất hoại ở trong con. Con quả là người đi đêm lạc đường, không hề biết lộ trình đã qua, lộ trình sẽ tới như thế nào. Xin đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn soi rọi cho con thấy một số kiếp quá khứ, con đã từng làm gì, đã từng tu tập như thế nào; để y cứ theo đó, con biết được tâm hành, thói quen, biết được những pháp hành mà con đã thọ trì trước đây. Điều ấy giúp cho con định hướng được tương lai cho đời mình!

Đức Phật nói:

- Vậy là tốt. Vậy là đúng đắn. Thật ra, không cần thiết phải biết các tiền kiếp cũng có thể tu tập giác ngộ, giải thoát khi có một bậc Chánh Đẳng Giác ra đời. Nhưng mà ngươi thật chưa đủ duyên. Vậy thì Như Lai cũng sẵn lòng vén mở lớp sương mù quá khứ cho ngươi thấy!

Này phạm thiên Baka! Hãy nghe đây! Rất nhiều kiếp quá khứ ngươi đã tu tập rất tốt, nhưng Như Lai chỉ nói ra vài kiếp... ngươi đã thành tựu tốt nhất, đắc ý nhất mà thôi!

Rồi đức Phật kể:

 - Kiếp ấy, ngươi sinh ra trong một gia đình giàu có, thọ hưởng đầy đủ hạnh phúc ngũ dục; nhưng không lâu sau, ngươi thấy rõ sự hạ liệt, thấp thỏi cũng như những tội lỗi, khổ đau, phiền não của đời sống ấy mang lại. Vì mong ước thoát khỏi sanh tử, thoát khỏi cảnh vô thường biến hoại của cuộc đời nên ngươi đã khẳng khái phất tay từ bỏ tất cả, lên non sâu sống đời xuất gia đạo sĩ. Với nước suối, với trái cây rừng, ngươi duy trì mạng sống để tiến tu thiền định. Với ý chí bất thối, với sự tinh cần, nỗ lực không mệt mỏi, ngươi chứng đắc được tứ thiền luôn cả ngũ trí thần thông! Nghĩ là đã thành tựu được mục đích rốt ráo của phạm hạnh, ngươi làm một cốc lá ven bờ sông Hằng để thọ hưởng hạnh phúc, an lạc của bậc đại Ẩn Sĩ!

Xa về phía Tây Bắc, lúc ấy có một đoàn thương buôn với năm trăm cỗ xe bò kéo đang vượt qua một bãi sa mạc. Ban ngày vì trời nắng nóng, cát lửa như thiêu như đốt, đoàn thương buôn chỉ khởi hành vào lúc chiều mát. Đoàn xe bò cứ đi, đi mãi trong đêm tối, tất cả chỉ trông cậy vào sự khôn ngoan, kinh nghiệm của con bò đầu đàn. Khi ước chừng đã qua khỏi sa mạc, theo lệnh người trưởng đoàn, tất cả củi và nước đều phải bỏ lại cho nhẹ xe vì họ sắp được vào làng mạc.

Trời hừng sáng, người trưởng đoàn chợt phát hiện là đoàn xe đang trở lại lối cũ, và họ còn ở giữa sa mạc mênh mông không thấy mé bờ. Mọi người đều kinh hoàng, thất sắc! Gần trưa, trời nắng nóng thiêu người, cả đoàn thương buôn, người và vật, vừa khát, vừa đói. Ai cũng mệt lả, nằm úp dưới lườn xe để chờ đợi cái chết đến dần dần, chẳng thể có phương cách nào cứu nguy được nữa.

Sáng sớm hôm ấy, đạo sĩ ra khỏi cốc lá, ngồi nhìn dòng sông Gaṅgā nước cuồn cuộn chảy tràn bờ. Một ý nghĩ chợt khởi sanh trong tâm đạo sĩ: “Chúng sanh thiếu phước, do si mê, không có trí tuệ, cam chịu sống giữa cõi đời ít vui, lắm khổ này. Chúng triền miên bị cái đói, cái khát, bệnh tật, ốm đau, nạn nước, nạn lửa, nạn gió bão, động đất, chiến tranh, bệnh dịch... chi phối và hành hạ mà không bao giờ có cách thoát ra khỏi. Dòng sông Gaṅgā nước chảy tràn bờ như thế này, nhưng ai dám đoan chắc rằng, hiện giờ không có chúng sanh ở một nơi nào đó đang chết khát, đang không có một giọt nước nhắp cầm hơi?!” Suy nghĩ đến ngang đây, đạo sĩ dùng thiên nhãn thông nhìn từ gần đến xa, sang các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc... Đoàn thương buôn cùng năm trăm cỗ xe bò, người và thú đang nằm chờ chết lọt vào tầm mắt của đạo sĩ!

Khởi tâm bi mẫn, đạo sĩ nghĩ là phải cứu họ, bèn vào định tứ thiền rồi dùng như ý túc tạo năng lực thần thông, phát nguyện rằng: “Xin cho một mạch nước ngầm chạy xuyên qua lòng đất, đến chỗ sa mạc kia, hiện thành một suối nước ngọt để cứu đoàn thương buôn cùng năm trăm con bò đang chết khát!”

Đạo sĩ vừa dứt lời, những người lái buôn chợt nghe tiếng nước chảy rồi thấy một mạch nước trong vắt vọt ra từ lòng cát, tuôn chảy ào ạt, sủi bọt, hiện thành một dòng suối lấp lánh dưới ánh mặt trời! Quả là một phép lạ nhiệm mầu. Họ chắp tay tạ ơn trời đất, vô cùng mừng rỡ, cười reo thỏa thích, uống no, tắm mát cả người lẫn thú. Đoàn thương buôn thế là thoát chết, cùng năm trăm cỗ xe vượt qua sa mạc, an toàn chở hàng về thành phố.”

Kể xong, Đức Phật tóm tắt bằng kệ ngôn với đại ý rằng:

“- Vì lòng bi mẫn, dùng thần thông hóa hiện một dòng nước ngọt, cứu sống đoàn thương buôn cùng năm trăm con bò đang chết khát giữa sa mạc mùa hè cháy bỏng. Đấy là một việc thiện, một pháp hành đáng khen ngợi của ngươi đấy, này phạm thiên Baka!”

Nghe xong, vị đạo sĩ năm xưa thốt lên:

- Con vô cùng hỷ lạc, bạch đức Thế Tôn! Thế ra, con đã có được tứ thiền và cả ngũ trí thần thông! Ngoài ra, con cũng có làm được một thiện sự nho nhỏ, lợi ích cho chúng sanh!

Đức Phật mỉm cười:

- Cứu từng ấy người và thú mà ngươi bảo là nho nhỏ, quả thật ngươi còn chỗ khả dung, đã bắt đầu biết nói lời khiêm tốn rồi đấy!

- Con không dám!

- Lại còn một trường hợp khác, cũng là một việc lành “nho nhỏ” mà ngươi đã từng làm nữa, này người đạo sĩ giàu lòng bi mẫn!

- Con xin được nghe!

Rồi Đức Thế Tôn kể tiếp như sau:

 - Cũng tại dòng sông Gaṅgā ấy, ở cốc lá của bậc đại Ẩn Sĩ ấy, có một xóm làng đông đúc, yên ả, thanh bình. Họ đang sống một đời sống an lành thì hôm kia có một bọn cướp kéo đến. Bọn cướp này có vẻ chuyên nghiệp nên rất hung dữ, bạo tàn. Chúng cướp đoạt tất cả tài sản, châu báu, vải vóc, lúa gạo của dân làng rồi còn lùa đi từng đoàn gia súc như trâu bò, dê lợn, gà vịt... Đã thế, ai chống cự thì chúng giết, ai tỏ vẻ phản kháng thì chúng đánh đập rất dã man. Ngoài ra, người nữ thì chúng hãm hiếp, trai tráng mạnh khỏe thì chúng bắt làm nô lệ để khuân vác vật dụng tập kết ở bờ sông. Đứa nào cũng hung dữ với dao búa cầm tay, roi gậy giắt lưng, miệng chửi rủa, tay đánh đập, chẳng kể già trẻ. Thôi thì tiếng kêu la, than khóc làm kinh động cả một vùng!

Đạo sĩ với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, nghe được, dùng năng lực thần thông biến hóa ra một đội quân kỵ mã tinh nhuệ với áo mão, gươm đao nai nịt sáng lòa. Trong chớp nhoáng, đội quân thiện chiến ấy phi ngựa nhanh như gió cuốn, quát to như sấm nổ, uy dũng như thiên binh, thiên tướng tự trời cao sa xuống, khí thế bốc chín tầng mây, oai phong hiển hách! Bọn cướp vừa thoáng thấy, tưởng là đội quân quyết tử của triều đình, lông tóc dựng ngược, run sợ, kinh hoàng, hớt hãi ba chân bốn cẳng chạy thoát lấy thân, quăng bỏ vũ khí ngổn ngang!

Đạo sĩ thu lại thần thông. Dân làng như vừa trải qua cơn mộng dữ. Trong chớp mắt, họ không còn thấy một tên cướp nào, cũng chẳng còn thấy đâu toán quân kỵ mã oai vệ vừa giải vây cho họ! Nhưng tài sản, châu báu, vải vóc, lúa gạo và từng đoàn gia súc thì vẫn còn y nguyên! Họ mở to mắt, véo vào da thịt mình, dường như không dám tin phép lạ nhiệm mầu vừa mới xảy ra! Họ ôm nhau mừng khóc còn hơn là cha mẹ chết đi, nay được sống lại!

- Này phạm thiên Baka! Đức Phật kết luận – Đấy là một việc làm khác tốt đẹp của ngươi! Là một mỹ sự, một pháp hành thiện hảo của ngươi ở quá khứ! Chính chúng là những hạt cát, những viên gạch để xây dựng lâu đài ba-la-mật trong tương lai cho ngươi đấy!

- Con hỷ lạc vô cùng, bạch đức Thế Tôn!

- Không chỉ có chừng ấy! Nơi cốc lá của vị đạo sĩ hiền thiện ấy còn xảy ra một việc nữa.

- Con đang nghe đây, bạch đức Thế Tôn!

- Có hai gia đình làm ăn lương thiện, kết bạn với nhau đã từ nhiều đời, một gia đình ở bên này sông và một thì ở bên kia sông Gaṅgā. Cả hai gia đình đều có một đời sống thuần hậu, nhiều lòng nhân ái, thường nhường cơm sẻ áo cho kẻ đói khổ hơn mình. Hôm kia, nhờ trúng to một vụ mùa, họ thuê hai chiếc thuyền lớn, kết lại, thả nổi giữa sông để mở tiệc ăn mừng. Thế rồi, đèn treo, hoa kết, cờ bay; họ ăn vận, điểm trang diêm dúa, đờn ca xướng hát, ăn uống linh đình thâu đêm, suốt sáng...

Long vương Gaṅgeyyaka lúc ấy đang nghỉ ngơi ở nơi thủy cung, nghe đờn ca xướng hát như thế rất bực mình, nghĩ rằng: “Bọn này là ai? Là loài người ti tiểu, hèn hạ mà tưởng đang làm vua cõi trời chắc? Mà cho dẫu là ông vua trời đi nữa cũng còn kiêng nể ta mấy phần! Được rồi, ta sẽ nhận chìm chúng, ba ngày sau là xác nổi lềnh bềnh, cho chúng học một bài học lễ độ!” Nghĩ thế xong, Long vương hung ác bèn hiện hình to lớn, tạo những cơn sóng thần, như những quả núi phủ chụp hai chiếc thuyền mỏng manh; đồng thời, lại còn nổi cuồng phong, phì hơi đè lên be thuyền, nhấn sâu xuống đáy sông nữa!

Mọi người trên hai chiếc thuyền hốt hoảng, kêu la cầu cứu... nhưng ở giữa dòng sông bao la, biết ai nghe cho? Và cứu thì cứu như thế nào?

Đạo sĩ của chúng ta lúc bấy giờ đang thọ hưởng an lạc của thiền định. Sau đó, nhờ thiên nhĩ thông nên nghe rõ, nhờ thiên nhãn thông nên thấy rõ và biết rõ mọi chuyện. Ngài tự nghĩ: “ Long Vương Gaṅgeyyaka vì cái bụng xấu ác đã thành nề, vì cái tánh ngã mạn, tự cao đã thành thói, hiện đang tâm, nhẫn tâm giết hại những mạng người vô tội. Lý ra phải có tâm từ ái với loài người, vì chúng vui ít, khổ nhiều. Một chút tiệc tùng ca hát vui chơi như thế, mặc dù là nhảm nhí, phù phiếm, nhưng cũng chưa phương hại đến ai; huống nữa, họ vốn là những con người hiền lành, làm ăn lương thiện rất đáng được nâng đỡ!” Rồi đạo sĩ nghĩ tiếp: ‘Long vương Ganïgeyyaka ngoan cố, ương ngạnh này, bình thường chẳng sợ trời đất là gì; nhưng hễ thấy bóng dáng của điểu vương Gadura là nó sợ đến đứng tim, vỡ mật!”

Xong, đạo sĩ sử dụng thần thông, biến hóa thành điểu vương Gadura to lớn như quả núi, tung hai cánh như che phủ cả bầu trời bay đến chỗ thuyền bị nạn. Điểu vương Gadura quát to như sấm rền, quạt mạnh hai cánh như bão lớn, thổi dạt cơn sóng thần đi xa; rồi thò hai chân to lớn như hai cột đình, đầy móng vuốt sắc nhọn, đâm sâu xuống lòng sông như để chộp lấy Long vương!

Đạo sĩ chỉ muốn hù dọa vậy thôi. Vì thật ra, khi vừa thoáng thấy điểu vương Gadura như hung thần tự trời sa xuống, Long vương đã tán đởm thần hồn, xẹp mang, xì hơi, lặn sâu xuống thủy cung mà quả tim còn nhảy loạn trong lồng ngực!

Thế là mọi người trên hai chiếc thuyền đột nhiên thấy trời yên sóng lặng, họ được an toàn tánh mạng mà không làm sao hiểu được lý do! Một con chim to lớn bằng mấy cái nhà bay đến, thế là những cơn sóng thần bỗng dưng tan biến, và sau đó, thân mạn thuyền không còn dao động nữa! Họ đã được an toàn.

Đức Phật kể xong, Phạm thiên Baka thốt lên:

- Thế là con có làm thêm được một việc tốt đẹp nữa, con đã đúc được một viên gạch ba-la-mật nữa!

- Phải! Đức Thế Tôn gật đầu – Những việc làm ấy thật là tốt đẹp, thật là đáng tự hào! Đúng là những viên gạch ba-la-mật đấy! Chúng sanh đang đau khổ khắp mọi nơi, không những là tứ ác đạo, mà cõi người này cũng xảy ra lắm bất trắc, tai ương, hoạn nạn và thống khổ! Có bao giờ ngươi nghĩ rằng, thọ hưởng hạnh phúc an lạc ở cõi thanh tịnh này là ích kỷ, là tô bồi cho cái bản ngã riêng tư? Sự thụ hưởng ấy, nó không cao đẹp bằng những hành động xả kỷ, vị tha, bi mẫn mà ngươi đã từng làm như trong mấy kiếp sống vừa rồi?

- Con đã thấy, bạch đức Thế Tôn!

- Đấy mới chính thật là ba-la-mật, là những hành động do tâm từ, tâm bi khởi sanh! Còn sự thọ hưởng niềm hạnh phúc, vinh quang trong cảnh giới này không phải là ba-la-mật đâu(2), này phạm thiên Baka!

- Thưa, con đã hiểu rồi!

Im lặng một lát, đức Phật nói tiếp:

- Ngoài ra, có một kiếp, ngươi còn làm thầy của Như Lai, Như Lai là học trò của ngươi! Vì nhân duyên thầy trò nên hôm nay Như Lai mới lên đây, muốn giúp ngươi giải trừ những tà kiến sai lầm! Ngươi có biết thế không?

Phạm thiên Baka cúi đầu:

- Con biết đức Thế Tôn là bậc đại Trí Tuệ, đang rọi đèn sáng vào trong bóng tối cho kẻ si mê, tối tăm là con đây!

- Kiếp ấy ngươi xuất gia làm đạo sĩ, tên là Kesava, và Như Lai thuở ấy là học trò của ngươi, tên Kappa. Đạo sĩ Kesava tu hành rất chơn chánh, đạo đức và trí tài nổi danh rất nhiều phương. Cậu học trò Kappa không những hộ độ cho thầy rất chu đáo mà còn là người cận kề tín cẩn của đạo sĩ nữa. Họ trò Kappa rất thông minh, mẫn tuệ, nghị luận sắc bén, có nhiều tài, mau nắm bắt được ý nghĩa từ lời thầy dạy nên đạo sĩ Kesava rất yêu quí. Thầy trò họ rất tương đắc, kính trọng nhau, thương mến nhau, không hề rời xa nhau. Tuy danh nghĩa là thầy trò nhưng thực sự họ là đôi bạn tốt, tương thân, tương trợ, hộ trì nâng đỡ nhau trên con đường tu tập...

Kể thế xong, đức Phật kết luận với lời lẽ rất thâm tình:

- Vị đạo sĩ ấy có trí tuệ, có chánh kiến như thế nào thì người học trò cũng có trí tuệ, có chánh kiến y như thế ấy. Vậy sao, từ đó, người học trò tu tập đạt quả vị Chánh Đẳng Giác, mà người thầy thì đang còn mải mê nơi cảnh giới thấp kém như thế này, hỡi phạm thiên Baka? Hãy tích lũy những công hạnh ba-la-mật đi thôi! Hãy sinh xuống cõi người mà làm các thiện sự, các công đức như trước kia ông đã từng làm!

- Con hiểu! Con biết! Con sẽ làm như vậy khi hết tuổi thọ ở đây. Con thâm tạ đức Thế Tôn không những cho con biết tuổi thọ còn lại của kiếp này mà còn vén mở cho thấy nhiều đời sống về trước. Điều ấy giúp con thấy rõ ràng, minh bạch những thiện sự, những pháp hành con đã từng tu tập từ quá khứ. Nhờ vậy, con sẽ bước ra khỏi vùng mê muội với những chấp kiến ngu si hiện nay. Cũng nhờ vậy mà con thấy rõ sự hưởng thụ tại cảnh giới như thế này là ích kỷ, hẹp hòi. Quả thật, ngài chính là Phật Toàn Giác, là đức Chánh Biến Tri. Không những ngài đem niềm vinh quang, xán lạn đến đây cho con mà còn cho cả cảnh giới này, cho cả tương lai mai hậu trong lộ trình tu tập hướng thượng của con nữa!

Phạm thiên Baka hết lời tán dương đức Phật, khi ngẩng đầu lên thì đức Phật không còn ở đấy nữa, ngài đã trở về Jetavana!

4.45- Chuyện hối lộ 

Thấy giáo hội của đức Phật ngày càng phát triển, và khi nào đức Phật trú nhiều tháng ở Kỳ Viên thì dường như đời sống tứ sự của chư tỳ-khưu ngày càng thịnh mãn nên chúng ngoại đạo đem tâm ganh ghét, đố kỵ. Có một nhóm tu sĩ ngoại đạo(1) ngang nhiên chiếm một khoảng rừng lớn phía trước chùa Kỳ Viên để xây dựng viện quán với ý đồ là đón đầu các nguồn tài lợi mà cư sĩ cũng như thập phương mang đến cúng dường cho đức Phật và Tăng chúng.

Chư vị trưởng lão thấy việc làm quá đáng ấy nên đích thân đến hỏi chuyện thì chúng bảo đã được đức vua Pāsenadi cho phép. Bán tín, bán nghi, các ngài tìm cách thăm hỏi để biết hư thực câu chuyện thì được hoàng tử Kỳ Đà cho biết chuyện ấy là có thực. Có một nhóm trưởng lão tu sĩ ngoại đạo mang một số phẩm vật quý giá đến triệu kiến đức vua, trong số lễ vật ấy, có một hộp vàng đựng một trăm ngàn đồng tiền vàng. Chúng muốn “hối lộ” đức vua hầu “xin một khoảng đất nhỏ bỏ hoang” để lập chùa viện.

Tôn giả Ānanda lập tức đi vào cung để hỏi cho ra lẽ nhưng đức vua không tiếp. Rồi tôn giả Moggallāna, tôn giả Sāriputta lần lượt đi vào hoàng thành cũng mong hỏi chuyện cho rõ ràng nhưng đức vua viện lý do bận việc triều chính!

Chuyện đến tai, đức Phật mỉm cười:

- Vậy ngay ngày mai, hãy thông báo là Như Lai cùng với năm trăm tỳ-khưu sẽ vào hoàng cung để trì bình khất thực.

Tin được loan ra, có một vị tỳ-khưu-ni gốc hoàng gia đang ở ni viện của trưởng lão Ni Gotamī cấp tốc cho người nhắn tin về triều cho hàng thân quốc thích hay để họ chuẩn bị đón tiếp. Hoàng hậu Mallikā cũng huy động đám cung nga thể nữ chuẩn bị vật thực thượng vị cứng mềm cho chu đáo.

Sáng ngày, khi nắng sớm vừa lên, sân hoàng cung chợt vàng rực những đám mây vàng. Từ lầu cao nhìn xuống, đức vua Pāsenadi trông thấy hoàng hậu, hoàng phi, gia đình các nội quan, cung nga thể nữ như những cánh bướm đủ loại sắc màu từ các hướng cung, viện đổ ra và ai cũng có sẵn mâm vật thực trên tay để đặt bát cúng dường!

Thấy đức Phật tự tại, uy nghi từng bước đi với dung sắc quang hảo như một vị đại phạm thiên, đức vua rúng động và sợ hãi mơ hồ, tự nghĩ:

“- Họ đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng rồi mà không cho ta hay! Vậy là chuyện gì đã xảy ra? Tại sao một việc trọng đại như thế này mà các hậu, các phi, các quan chẳng ai báo cho ta một tiếng? Ta đã có làm việc gì ‘phi pháp’ để họ như đồng một lòng mất niềm tin nơi ta như thế?”

Lát sau, đức vua gật đầu:

“- Ta biết rồi! Ba vị tôn giả bậc thượng của giáo hội có đến đây mà ta không tiếp nên hôm nay đức Phật mới đích thân đến đây! Ôi! Hóa ra chuyện ta nhận hối lộ một trăm ngàn đồng tiền vàng đã lan đi khắp mọi nơi! Họ đồng tâm đặt bát cho đức Phật và hội chúng tỳ-khưu như thế này là âm thầm phản đối viếc làm khuất tất, bất chánh của ta đây! Bây giờ, thấy cái bóng thánh thiện của đức Phật là tâm ta lại bất an, tại sao?”

Khi đức vua với vương bào, mũ miện chói ngời từ lầu cao bước xuống thì đức Phật đã có chỗ an tọa nơi sân rồng rộng mênh mông, đoanh vây hàng hàng lớp lớp tăng chúng trang nghiêm, thanh tịnh, yên lặng như một rừng đại định. Biết đức vua đang run sợ, đức Phật mỉm nụ cười từ bi, cất giọng lớn:

- Hãy lại đây, đại vương! Hôm nay, Như Lai và đệ tử của Như Lai đến xin ăn ở cửa hoàng gia đó! Chuyện không báo trước mà đức vua đã cho người đặt bát thật trang trọng, thật hậu hĩ! Như Lai chúc lành cho đại vương vì phước sự lớn lao này!

- Dạ, không dám ạ! Đức vua khom người kính lễ - Phần phước ấy thuộc về hoàng hậu, hoàng phi, các nội quan cùng ba cung sáu viện; còn riêng trẫm, trẫm xét rằng, trẫm là người có tội!

- Đại vương có tội gì?

Rồi đức vua thành thật tự khai,“thành thật” là đức tính của một bậc minh quân:

- Trẫm có nhận của hối lộ một trăm ngàn đồng tiền vàng của các vị “thánh chủ”!

Biết trong lòng đức vua vẫn tôn kính các đạo sĩ khổ hạnh và đã từng cung đón họ như các bậc A-la-hán nên đức Phật chậm rãi nói:

- Nếu là “thánh chủ” thì họ đã không làm việc ấy! “Đút lót” là một việc khuất tất, bậc “thánh chủ” thật sự thì họ không làm! Còn riêng đức vua, một bậc minh quân thì cũng không nên thọ nhận của bất chính ấy!

- Trẫm biết rồi!

- Đức vua mà nhận của hối lộ dầu là chút ít, lâu ngày sẽ trở thành một thói quen xấu. Chư vị đại thần, trăm quan, theo đó, chắc hẳn có người sẽ bắt chước làm theo. Rồi người đứng đầu các trấn thành, phủ huyện, thôn bản nhiễm theo thói ấy thì còn đâu là công minh, liêm chính: Là nội dung nền tảng pháp luật kỹ cương của quốc độ nữa? Hãy tức khắc dừng lại việc ấy để bảo vệ sự an toàn cho quốc độ cùng hạnh phúc, thanh bình của muôn dân, bá tánh, tâu đại vương!

Từng lời, từng chữ về nhân, về quả của đức Phật như thấm vào tâm trí của đức vua làm ông chết sững, toát mồ hôi hột.

Đức Phật và chư tỳ-khưu ra về rồi mà đức vua còn như đứng chôn chân một chỗ; sau đó như sực tỉnh, ông quát hỏi tả hữu sự việc xảy ra như thế nào tại đám đất nhỏ bỏ hoang ấy? Khi được biết là ngoại đạo ngang nhiên chiếm một khoảng rừng lớn ngay trước mặt tịnh xá Kỳ Viên để xây dựng viện quán thì đức vua không còn bình tĩnh được nữa:

- Quá đáng! Thật là quá đáng!

Đức vua hét toáng lên, bảo vị quan cận thần lấy một trăm ngàn đồng tiền vàng tìm cách trả lại cho “khổ chủ” và tức tốc sai quân lính tới tận nơi phá bỏ lều trại và những gì đang xây dựng rồi đuổi hết lũ “thánh chủ” cùng đệ tử của họ cuốn gói đi nơi khác.

Đức vua lẩm bẩm:

“- Ta chưa nhốt tù là may! Chúng đã lòi cái đuôi tà vạy, gian xảo ra rồi! Ôi! Từ lâu mình tưởng những khổ hạnh sư ấy là các bậc A-la-hán!”

Và sau đó, như hối lỗi việc làm bất chính của mình, đức vua cho xây dựng tại đám đất ấy một ngôi chùa có tên là Rājakārāma rồi dâng cúng cho Ni giới. Trưởng lão Ni Gotamī biết tâm ý của đức vua nên đã tế nhị “cắt cử” tỳ-khưu-ni Sumanā - là chị của đức vua - đến ở ngôi chùa hoàng gia ấy. Đức vua còn khởi tâm làm trong khuôn viên rừng Kỳ Đà một ngôi chùa khác nữa, có tên là Salaḷāgāra để dâng cho tỳ-khưu Tăng.

Hoàng hậu Mallikā thấy đức vua thành tâm cãi hối bằng những thiện sự tốt đẹp, bà rất hoan hỷ và sau đó cũng khởi tâm cho xây dựng một ngôi chùa gần Kỳ Viên tịnh xá, được gọi là Mallikārāma dâng cúng cho Chư tăng. Và ở tại khu rừng Andhavana, cách Sāvatthi ba mươi do-tuần về hướng Nam, bà còn cho thiết lập khá nhiều cốc liêu cho ni chúng có chỗ dừng chân khi họ du hành từ thành phố Āḷavī hay từ Bārāṇasī về Kỳ Viên tịnh xá đảnh lễ đức Phật và nghe pháp.

Vậy là do việc làm khuất tất của ngoại đạo, khi xin một đám đất nhỏ bỏ hoang mà chúng lại gian dối chiếm một khoảng rừng lớn, lại ở ngay chính trước mặt chùa Kỳ Viên với ý đồ tà mạng nên uy tín của chúng càng bị giảm sút thêm. Trái lại, nhờ giáo huấn của đức Phật mà đức vua biết lỗi của mình, thành tâm phục thiện nên lần lượt trước sau, vua và hoàng hậu kiến tạo thêm bốn ngôi già-lam nữa, đáp ứng cho tiện nghi cư trú và nhu cầu sinh hoạt của tăng ni tại kinh thành Sāvatthi nói chung và tại Kỳ Viên tịnh xá, nói riêng. 

 

4.46-Chuyện cô tu nữ xinh đẹp

Lúc mà uy tín của các giáo phái trong kinh thành ngày càng bị giảm sút, đời sống ngày càng khó khăn; tất cả chùa viện ngày càng hương tàn khói lạnh, vật thực bữa có bữa không thì chúng ngoại đạo ngày càng sinh tâm căm ghét, hận thù đức Phật và tăng chúng đến tận xương tủy.

Chuyện hối lộ cho đức vua một trăm ngàn đồng tiền vàng để xây dựng một “tiền trạm” ngay trước “mũi” chùa Kỳ Viên thất bại; nó như là giọt nước cuối cùng làm cho tràn ly, chúng ngoại đạo tìm phương kế thâm độc để trả thù. 

Kinh điển còn ghi nhận hai vụ trả thù bằng “mỹ nhân kế”, không biết chính xác là vào hạ nào của đức Phật tuy đều xảy ra tại Kỳ Viên tịnh xá. Và cũng không biết rõ là họ thuộc giáo phái nào. Vụ đầu tiên là họ sử dụng một nữ tu sĩ rất xinh đẹp, tên là Sundarī, giả một kịch bản là hay đến chùa Kỳ Viên vào những giờ giấc “khả nghi”. Sau đó cô ta nói xa nói gần, ỡm ờ nửa kín, nửa hở như là có liên hệ “gì đó” với đức Phật. Bậc trí và những thánh đệ tử thì mỉm cười trước những đồn thổi này, nhưng tăng, tục phàm phu thì nghi nghi, ngờ ngờ. Bước thứ hai của mưu kế này là cho người trà trộn vào những buổi thuyết pháp đông đúc, có mặt hai hàng cư sĩ để tung tin, rỉ tai, sau đó loan truyền khắp thành phố về chuyện “mờ ám” của đức Phật.

Dù bọn ngoại đạo và nữ tu Sundarī đã rêu rao nói xấu, vu khống nhiều cách nhưng vẫn không làm giảm uy tín đức Phật được, nên họ đã dùng đến thủ đoạn độc ác là bỏ bạc tiền thuê mướn nhóm côn đồ nghiện rượu chè, mê cờ bạc giết cô Sundarī rồi giấu xác chết trong đống rác trước cổng ra vào tịnh xá Kỳ Viên.

Sau đó, nhóm tu sĩ ngoại đạo cử người đại diện vào trình đức với vua Pāsenadi:

- Tâu đại vương! Một nữ tu trẻ đẹp của giáo phái chúng tôi tên là Sundarī, bỗng dưng mất tích trong thời gian lui tới chùa Kỳ Viên. Xin đại vương cho đội quân do thám đi điều tra!

 Cùng lúc ấy thì chúng chia ra nhiều toán giả vờ đi tìm kiếm khắp nơi. Có một nhóm loanh quanh luẩn quẩn trước cổng chùa Kỳ Viên rồi hô hoán lên là tình cờ thấy xác cô Sundarī trong đống rác. Tin được loan ra, hằng trăm tu sĩ ngoại đạo đồng bọn tìm tới, chúng làm ầm ĩ lên rồi đặt xác chết trên cáng, kéo đi khắp thành phố rêu rao với đại ý rằng:

- Hỡi muôn dân bà con kinh thành Sāvatthi! Hãy nghe đây! Quý vị đã thấy chưa? Cô nữ tu Sundarī của chúng tôi là một đệ tử ngoan đạo, thuần thành nhưng lỡ mang sắc đẹp mê hồn, kiều diễm của tiên nữ. Trong mấy lần lui tới chùa Kỳ Viên, không biết tại sao, cô ta lại bị giết chết rồi được chôn xác tại một đống rác tại cổng chùa? Ai giết? Và tại sao lại bị giết? Có phải sa-môn Gotama và đệ tử của ông ta đã lỡ làm điều xấu xa rồi muốn che giấu tội lỗi của mình bằng cách chôn xác phi tang? Ôi! Thật là oan uổng! Thật là oan uổng!

Xác chết sau đó được mang đến triều đình. Đức vua bước xuống, đi tới gần bên nhìn xác chết một hồi; vì mới một ngày một đêm nên dường như cái xác còn “tươi nguyên”; tuy lấm lem lá rác nhưng cũng không giấu được một vẻ đẹp làm nao nao, xao xuyến lòng người. Không cần vị quan nắm cán cân công lý, không cần mọi thủ tục rườm rà, đức vua cất tiếng hỏi:

- Ai là người đầu tiên thấy cái xác này?

Giữa đám đông, ước chừng có vài mươi người đồng cất tiếng tự nhận là mình:

- Là tôi!

- Chính tôi thấy!

Đức vua tức khắc thấy sự sơ hở của chúng, nhưng cũng hỏi tiếp:

- Thế các thầy đến cổng chùa Kỳ Viên làm gì?

Họ im lặng. Một vị có vẻ lớn tuổi đáp:

- Tâu đại vương! Có một bọn tàn thực đang khều cái gì nơi đống rác, thấy xác chết nên chúng hô hoán lên, sau đó chúng tôi mới tìm tới.

- Thế sao vừa rồi có cả mấy chục vị bảo là thấy xác chết đầu tiên? Vậy những vị bảo là thấy đầu tiên đâu, các thầy vẫn chưa trả lời câu hỏi của ta: Đến cổng chùa Kỳ Viên làm gì, có việc gì?

Họ im lặng. Đức vua bèn nghiêm khắc nói:

- Trẫm sẽ cho điều tra. Nhưng khi chưa có bằng chứng, khi chưa có kết luận của triều đình thì đừng rêu rao bậy bạ. Trẫm sẽ xử theo luật hình về tội: “Cố ý bôi nhọ, vu khống người khác, nhất là những bậc đạo cao đức trọng!”

Nói thế xong, đức vua cảm thấy xót thương cho đóa hoa trong đống rác, bèn cho lính bó nhiều lớp vải trắng rồi chu đáo cho hỏa táng thi hài Sundarī . Còn nhóm tu sĩ ngoại đạo thì đức vua bảo lính cai ngục giam giữ lại, đợi điều tra xong hãy tính.

Thế rồi, nghe kể rằng, chuyện điều tra cũng không lâu la gì. Đội quân do thám được đức vua cử đi đã lân la khắp các nơi vui chơi hạ liệt trong kinh thành, tức là những “điểm đen” thường xảy ra các loại tội phạm.

Có hai đứa côn đồ vừa xong một trận nhậu nhẹt say sưa nhưng khi trả tiền thì đứa này đùn đẩy sang đứa kia nên sinh ra bất hòa, tranh cãi ồn ào:

- Tiền đứa nào cũng bằng nhau, tại sao tao trả mà không phải là mày trả?

- Vì chính tay tao giết chứ không phải mày giết!

- Nhưng tao lại phải vác cái xác nặng nề, còn mày thì đi lông ngông như dạo mát vậy đó!

- Nhưng mà mày quăng xuống rồi bỏ đi, còn tao lại phải tìm lá rác để che giấu cái xác!..

Nghe chừng ấy chuyện, chẳng gặn hỏi lôi thôi, lính do thám xích tay hai tên du côn dẫn về triều định. Tại đây, chúng khai nhận tội, đồng thời khai luôn những kẻ thuê mướn, chính là nhóm tu sĩ ngoại đạo cho người đại diện vào triều tấu trình với đức vua.

Trước khi hành hình bọn côn đồ và bọn chủ mưu, đức vua cho lính dẫn nhóm tu sĩ ngoại đạo đi khắp các con đường lớn, con đường nhỏ trong kinh thành, đính chính lại lời rêu rao thất thiệt ngày hôm trước của chúng, phải thành khẩn và phải liên tục thay nhau loa truyền như sau: 

- Xin được đính chính! Xin được cải chính! Thưa bà con muôn dân kinh thành Sāvatthi! Mấy vị trưởng lão tu sĩ của chúng tôi sai người thuê mướn hai đứa côn đồ nghiện rượu giết chết cô tu nữ Sundarī để vu oan giá họa cho sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ta. Chính mấy vị trưởng lão của chúng tôi mới là người chủ mưu, mới là kẻ có tội! Xin được đính chính. Xin được cải chính!

Khi nhóm tu sĩ ngoại đạo cải chính rồi, dân chúng trong thành Sāvatthi không ai còn nghi ngờ gì nữa, đồng thời họ càng thêm khinh ghét bọn chúng! Hai đứa côn đồ nghiện rượu và mấy vị tu sĩ ngoại đạo chủ mưu giết hại cô nữ tu Sundarī đều bị hành hình, xử trảm theo pháp luật của quốc độ.

Trong thời gian ấy, tịnh xá Kỳ Viên vẫn yên lặng như tờ, vì đức Phật và chư vị trưởng lão đã dặn bảo đại chúng rằng:

“ - Nhân sanh ra ở đâu là nó sẽ diệt ở đó! Hãy giữ sự yên lặng và thanh bình của bậc thánh đệ tử!”



 

(1)- Nirabhuda: Có con số “1” đứng đầu, theo sau là 63 con số “0”, viết là 10 63 năm.

 

(2) - 10 ba-la-mật là: Bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả. Vì 10 pháp này đa phần là phụng sự, phục vụ chúng sanh, trong đó không có thiền định. Vì trú trong định, một là nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, hai là sự an hưởng hạnh phúc riêng tư, nếu không thấy rõ như vậy dễ phát sanh sự hưởng thụ vị ngã.

 

(3) - Gọi ngoại đạo không phải với ý nghĩa xấu, chỉ để chỉ những tu sĩ, đạo sĩ ở ngoài Phật giáo; nhóm này thường hay chống đối, chống phá đức Phật và Tăng chúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn