(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

5.32- Cùng Một Nguyên Lý

15 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 9455)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 5


5.32- Cùng Một Nguyên Lý

Hôm nọ, thánh y Jīvaka cùng một số gia nhân mang theo tràng hoa, vật thơm, dầu đèn, các loại dầu thoa chữa bệnh, các loại mật, sữa, đường... thức dùng phi thời - từ hoàng cung đến Veḷuvanārāma tịnh xá cúng dường đức Thế Tôn cùng chư tăng. Trong lúc đảnh lễ đức Đạo Sư, vị thầy thuốc hoàng gia ân cần ôm chân bụi của ngài rồi hỏi thăm về sức khỏe, hỏi thăm về tình hình hoằng pháp các nơi...

Đức Phật đưa mắt dịu dàng nhìn vị thánh y hiền thiện:

- Như Lai hoằng pháp thuận lợi. Về sức khỏe thì không có chi phải nói. Vậy còn ông thì sao, này Jīvaka?

- Đệ tử công việc bộn bề. Hết chăm sóc sức khỏe cho đức vua, hoàng hậu, quý phi, thái tử, hoàng tử, công chúa, đệ tử lại sang đây. Có một số các vị trưởng lão thọ đầu-đà khổ hạnh bậc thượng, ghé Veḷuvanārāma, họ bị nhiều bệnh; đệ tử muốn khám, muốn chữa trị nhưng các ngài nói là không cần thiết, tự mình điều chỉnh được.

- Đúng vậy đó, này Jīvaka!

- Đệ tử cũng hiểu nguyên lý ấy. Ngoại trừ ăn uống thiếu chất bổ dưỡng không đủ nuôi cơ thể; ngoại trừ không bị những tác động quá đột ngột của thời khí, của mưa nắng, của nhiệt độ thất thường; ngoại trừ những căn bệnh do nghiệp; ngoại trừ ăn hoặc uống những vật thực nóng quá hay lạnh quá đánh mất sự quân bình hài hòa của tứ đại; ngoại trừ những oai nghi đi đứng nằm ngồi không được điều chỉnh, vận động cân phân - một vị tỳ-khưu có tu tập, có định có tuệ - không thể bị bệnh được, bạch đức Tôn Sư!

- Đúng là vậy, này Jīvaka!

- Do vậy, bạch đức Thế Tôn! Phàm tăng thì bị bệnh nhiều lắm, còn chư vị thánh tăng có có cũng như không. Các ngài, đôi khi lại mỉm cười, chế nhạo hay tiếu đùa rất thú vị nữa... Đệ tử nghe mà hỷ lạc cả người...

- Ồ, họ tiếu đùa ra sao?

- Thưa, có vị thì nói: Ồ! Bệnh hả, xem mày làm gì cái thân già này nào? Đau hả, nhức hả, hai ống chân này mày nổi loạn hả? Được rồi, cứ nổi loạn đi! Nhưngnổi loạn xong, nhớ giải tán cho lịch sự, cho đàng hoàng, nghe! Có vị lại nói, ngồi nhiều quá thì bị tản khí, đầy hơi; đó là sự thật mà sao cứ gọi là bệnh, là bệnh hả, ông thầy thuốc! Có vị lại nói, ở trong hang động, nghĩa địa, ngụ dưới cội cây, ngồi trên đá cỏ, nằm trên giường lá rác – thì không bị ẩm thấp, không bị khí này, khí kia nhiễm độc mới lạ! Đó cũng là cái gì rất tự nhiên, tất nhiên, như nhiên thôi, này ông thầy thuốc! Có vị lại nói, đừng bắt cái thân làm việc nhiều quá, đừng bắt hơi thở dồn dập, mất nhịp điệu, đừng bắt máu huyết chạy rần rật – là cái cách tự chữa trị cái thân của ta đó, này thánh y! Có vị lại nói, thú vị lắm, này Jīvaka, có đau, có bệnh, ta lại có cơ hội chiêm nghiệm, học hỏi cái đau, cái bệnh ấy ra sao? Nếu không đau, không bệnh thì hóa ra ta mang cái thân kim cương sao? Chúng chính là bài học để giác ngộ, giải thoát đó, này ông bạn!...

Đức Phật mỉm cười, hỏi:

- Các vị ấy, nói thế, có đúng với nguyên lý chữa bệnh của ông không, này Jīvaka?

- Đấy là nguyên lý tối cao của nghề thuốc, bạch đức Tôn Sư! Từ khi học hỏi được giáo pháp tuyệt vời, tối thượng của đức Tôn Sư, đệ tử hằng suy nghĩ, tự vấn, tự giải; và đệ tử cảm giác mình đã gần bước đến cái chỗ mà chư vị trưởng lão đã nói.

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Chữa bệnh thân, chữa bệnh tâm, chúng có cùng một nguyên lý đấy! Hãy thử chiêm nghiệm một chút nữa đi, này Jīvaka!

- Thưa, đệ tử chiêm nghiệm rồi, đã thấy rồi!

- Ừ, hãy nói cho Như Lai nghe với nào?

- Thưa, lúc phiền não, tham sân gì đó xuất hiện do duyên nội cảnh hay ngoại cảnh, cứ nhìn ngắm nó mà chơi, rất tự tại, rất thanh thản, rất dịu dàng - như ngắm nhìn cái đau nhức, ngắm nhìn cái tản khí, ngắm nhìn cái đầy hơi, ngắm nhìn cái thở dồn dập, ngắm nhìn máu huyết chảy rần rật, ngắm nhìn cái đau, cái bệnh ấy - với tâm xả ly, với tâm rỗng không, với tâm vô ngã vắng lặng, với tâm không có chấp trước, với tâm định tĩnh sáng suốt... vân vân và vân vân ... thì thân bệnh là ở đâu, tâm bệnh là ở đâu, bạch đức Tôn Sư?

- Hay lắm, này Jīvaka! Ông đã học được cái quán minh, tuệ minh trong pháp thiền bốn chỗ niệm thân, thọ, tâm, pháp của Như Lai rồi đó!

Thánh y Jīvaka hỷ lạc đầy khắp cả người khi được đức Phật khen ngợi. Cuối buổi nói chuyện, ông ta ngưỡng mong đức Phật quan tâm tế độ cho đức vua Bimbisāra, hoàng hậu Videhī và cả hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế).

Đức Phật im lặng một hồi, rồi chợt hỏi:

- Ajātasattu năm nay chắc đã là một thanh niên cường tráng rồi phải không?

- Thưa, đúng vậy!

- Ừ, đã hai mươi sáu tuổi rồi! Chắc là vị hoàng tử này đang nôn nóng muốn làm thái tử đây!

- Đã được phong thái tử từ lâu rồi, thưa Tôn Sư.

Đức Phật lại mỉm cười:

- Ừ, vậy là cậu ta nôn nóng muốn làm vua đây mà!

Thánh y Jīvaka nghe lạnh mình, cái điều ông muốn nói, bây giờ thấy không cần thiết nữa rồi!

Sau đó, đức Phật như muốn giáo giới vị thánh y:

- Cũng giống như để tâm trí rỗng rang (không)(1), không làm gì cả (vô vi)(2)khi chữa trị thân bệnh, tâm bệnh vậy. Như Lai biết rất nhiều chuyện, rất nhiều việc, nhưng Như Lai cũng không làm gì cả. Hãy để tự nhiên cho nhân, cho duyên, cho quả, cho báo nó làm việc, này Jīvaka!

Đúng là sự thấy biết của một bậc Chánh Đẳng Giác.

Thánh y Jīvaka chỉ biết im lặng, cúi đầu.



(1)Không có tướng tham sân si, không chấp trước.

(2)Không trước ý, không khởi tư tác (cetanā).

 

5.33-  “Hớt” Phước Của Người Nghèo!

Tôn giả Mahā Kassapa sau thời gian đi vào định “lắng yên cảm giác, lắng yên tưởng tư”(1), ngài cảm nghe thân thể nhẹ nhàng, sảng khoái như sau một giấc ngủ ngon dài, không mộng mị. Nó đã nghỉ ngơi suốt cả bảy ngày rồi còn gì! Bước ra cửa động, hít thở khí trời trong lành rồi tôn giả đi kinh hành qua lại, tới lui bên triền núi có những khóm cây rừng nở hoa thơm dịu nhẹ...

Trong lúc ấy thì tại cung trời Đao Lợi, một số ngọc nữ là cung nga của Đế Thích thiên chủ, họ vốn có thiên nhãn, biết “sự kiện trọng đại, hy hữu” ấy nên bàn tính với nhau, là hãy cùng nhau xuống đặt bát cúng dường cho tôn giả, để kiếm được quả phước thù thắng. Tâm ý tương thông, cả mấy chục cô ngọc nữ, mỗi người chuẩn bị một nắm vật thực cõi trời, màu sắc lấp lánh, thấm tẩm nhiều chất bổ dưỡng, thiên hương, thiên vị; gói trong mảnh mây lụa, cài thêm những đóa hoa trời rồi như đám mây ngũ sắc, họ xuất hiện tại hang động Pipphaliguhā, nơi này cũng không xa Veḷuvanārāma tịnh xá bao nhiêu.

Tôn giả Mahā Kassapa vừa ôm bát ra khỏi cửa động thì thấy sự xuất hiện đột ngột của cả một đám thiếu nữ sắc nước, hương trời, dung mạo và xiêm áo đều khác phàm, biết ngay họ là ai, nhưng ngài cũng điềm đạm, lịch sự hỏi:

- Quý cô là ai? Đến đây có việc gì không?

- Thưa, xin ngài hãy tế độ chúng con! Cho chúng con được đặt bát cúng dường!

- Xin chi biết lý do của sự cúng dường này?

- Để cho chúng con kiếm được một chút ít phước báu nương nhờ trong mai hậu.

- Vậy sao? Hãy xem lại mình đi! Phước báu hiện tại của quý cô hơn cả trăm ngàn lần, hơn cả triệu lần những người đang đói khổ ở xóm làng chiên-đà-la này, thế mà còn cất công từ xa xôi đến đây đòi “bòn” thêm phước nữa ư?

- Vâng! Chúng con luôn luôn thèm phước, luôn luôn thấy mình thiếu phước. Hãy cho chúng con đặt bát, thưa tôn giả quý kính!

Tôn giả Mahā Kassapa vẫn ôn tồn giải thích:

- Quý cô thử coi! Gió thường tìm vào hang trống, nước chỗ cao thì phải chảy xuống chỗ thấp. Đấy là định luật tự nhiên của đất trời. Khi mình đã có nhiều phước rồi, thì nên để dành phước này cho những người nhà cửa rách nát, thiếu cơm, thiếu áo, này hỡi chư ngọc nữ cung trời Ba Mươi Ba.

Biết là đã lộ tẩy trước đôi mắt của bậc thắng trí thượng nhân, chẳng biết sao hơn, tiu nghỉu, chư ngọc nữ tức khắc bay trở lại cung trời.

Đế Thích thiên chủ thấy biết hết mọi chuyện, ông cười cười nói với họ:

- Đi đặt bát cúng dường cho tôn giả Mahā Kassapa mà quý cô lại trang phục ăn vận cao sang như đi lễ hội nhà trời. Tôn giả ấy chỉ tế độ cho người nghèo, kẻ quần túm áo ôm, kẻ mà vá cơm có trấu lót bụng cũng thiếu thốn, nghe rõ không? Vậy thì mình phải biết giả dạng khuôn mặt méo mó, nhăn nhiu, già khọm, nghèo khổ, run lẩy bẩy... ở trong cái chòi trống hoác, lỗ chỗ nhìn thấy ngàn sao thắp rạng ban đêm kìa, biết chưa? Ta sẽ giả dạng như vậy may ra mới “hớt” được cái phần phước thiên hạ vô song này!

Nói xong, Thiên Chủ kêu nàng thiên hậu cưng quý của mình, cả hai tức khắc hóa trang thành hai ông bà già xấu xí, đói khổ rồi mất tích!

Thấy tôn giả Mahā Kassapa đang từ từ chậm rãi đi đến xóm nghèo của các gia đình cùng đinh, nô lệ, Đế Thích bèn sử dụng thần thông nối thêm một con đường mòn ngoằn ngoèo, bò sang một hướng khác. Ở tại đầu lối nhỏ này, Đế Thích cũng sử dụng thần thông tạo một căn nhà xiêu lệch, tồi tàn mà ông là một ông lão già khọm trên trăm tuổi, tóc bạc phơ, áo vá trăm mảnh, thân tợ bộ xương khô, teo tóp da và xương đang lẩy bẩy kéo chỉ. Còn bà cũng già nua như ông vậy, tóc bạc lưa thưa, răng rụng, móm mém... cũng đang tẩn mẩn, cặm cụi làm việc nơi khung dệt.

Dừng chân trước cửa, nhìn vào bên trong, thấy rõ sinh hoạt của một gia đình già cả neo đơn, tôn giả Mahā Kassapa tự nghĩ: “ Đúng là gia đình thợ dệt chăm chỉ! Cơ khổ! Chẳng có ai mà lại nghèo khó đến như hai ông bà già lão này. Dẫu không có cơm, có bánh đi nữa, dầu chỉ còn canh thừa,nước cháo chua hay cám rau... ta cũng hoan hỷ thọ nhận, độ thực để cho họ thoát kiếp khốn khổ này!”

Đế Thích biết chuyện ấy bèn dùng thiên âm rót vào tai nàng thiên hậu: “Ngài đang đứng trước cửa. Nàng cứ giả vờ không thấy, không biết, không nghe gì hết. Và ta cũng vậy. Cứ chăm chỉ, cần mẫn công việc của mình”.

Tôn giả đứng hồi lâu, thấy hai ông bà vẫn không hay biết, bèn cất tiếng “tằng hắng”. Vẫn không ai nghe. “Có lẽ họ điếc”, tôn giả tự nghĩ rồi “tằng hắng” lần thứ hai, lần thứ ba, lớn hơn.

Đế Thích bây giờ mới nói vừa đủ nghe:

- Bà nó ạ! Hình như có ai đang đứng trước cửa, bà nó xem thử là có chuyện gì vậy?

- Tui mắt mờ hơn ông, ông hãy nhìn xem thế nào?

Đế Thích bỏ khung cửi, bước ra, che mắt, hom hem nhìn. Như thử đã thấy biết rồi, ông già quỳ mọp xuống, lạy sát đất rồi than thở:

- Thần thánh ôi! Nghiệt dữ ha! Không mấy thuở có vị sa-môn của đức Phật Cù Đàm ghé nhà, cái tệ xá rách nát này đúng là được hưởng phước trời rồi! Nhưng bà nó ơi! Nhờ coi xem mình có thứ vật thực nào thượng hảo hạng, quý giá nhất không vậy bà?

Thiên hậu cũng phụ hoạ theo, đóng cho trọn vẹn màn kịch hay, lẩm ca lẩm cẩm nói:

- Ông nó nói cái gì vậy cà? Cái gì mà thượng hạng, cái gì là đệ nhất vậy cà? À... nhà ta có đấy! Hôm qua, tôi đã âm thầm bỏ tiền mua một món ăn đặc biệt, định bất ngờ tặng ông để kỷ niệm “một trăm lẻ mười mùa xuân” của ông đó!

- Tốt quá! Tốt quá! Vậy bà hãy làm ngay cái món đặc biệt ấy đi! Chúng ta cúng dường cái món “một trăm lẻ mười mùa xuân” thì chúng ta sẽ được hưởng hằng ngàn, hằng ngàn cái mùa xuân kia lận!

Tuân lời, bà lão bước vào trong một lát, bước ra, trên tay đã có một món ăn đặt trong cái bát lớn, sứt mẻ nhưng hương thơm lại tỏa ra ngào ngạt, như thơm lan cả kinh thành Rājagaha...

Tôn giả Mahā Kassapa sau khi thọ nhận vật thực tự tay hai ông bà run rẩy thay nhau sớt vào bát, tự nghĩ: “Gia đình thợ dệt nầy quả thật là rất nghèo khổ, nhưng bát vật thực, tại sao hương thơm lại tỏa ngát lên cả bốn cõi trời thiên vương như thế? Ai đây hả?”

Hướng tâm, và khi biết đấy chính là Đế Thích cùng với thứ hậu, tôn giả Mahā Kassapa la rầy:

- Thiệt là hết nói! Hiện hình ra đi thôi, Đế Thích thiên chủ và thứ hậu thiên nương! Tại sao hai vị lại chơi có trò này, lại đang tâm “hớt” mất phần phước của người nghèo khổ vậy?

Biết không còn giấu giếm bậc Đại thánh tăng được nữa, họ trở lại nguyên dạng. Đế Thích trong thân tướng mũ miện chói ngời, quỳ mọp bên chân:

- Xin tôn giả xá tội cho. Bởi đệ tử nghèo quá nên muốn “bòn” một chút phước thôi mà!

- Thiên chủ mà lại nghèo ư? Lại than nghèo hả? Một bậc thiên chủ cao sang, oai lực trùm trời đất, cai quản cả bốn châu thiên hạ(1), cai quản cả ba mươi ba tầng trời mà lại than nghèo, than khổ? Tội nghiệp không!

- Quả thật như vậy mà, đệ tử nghèo phước lắm! Đệ tử nói thật đó!

- Vậy thì thử nói ta nghe?

- Tôn giả cứ thử hướng tâm một chút là biết ngay mà. Sở dĩ đệ tử làm vua cõi trời Ba Mươi Ba là nhờ công đức mà đệ tử đã làm trong thời kỳ không có đức Chánh Đẳng Giác ra đời.

- Ừ, ta thấy rồi, biết rồi... và còn sao nữa?

- Kể từ độ ấy đến giờ, đệ tử cũng chỉ thọ hưởng phần phước xưa cũ đó thôi.

- Đúng vậy! Thiên chủ chưa làm thêm được một phước mới nào! Hãy nói tiếp đi!

- Thưa, trong kiếp hiện tại nầy, khi thấy tuổi thọ của mình sắp mãn, đệ tử đã qua trung gian ông nhạc sĩ trưởng của thiên đình, nên đã đến thăm viếng đức Thế Tôn trên núi Vediyaka, làng Ambasaṇḍā...

- Ừ, ta cũng thấy rồi, biết rồi. Nhưng lần ấy do phước trí nghe pháp, thiên chủ đạt được tâm bất thối với con đường, đồng thời hóa sanh trở lại thân Sakka trong nháy mắt...

- Đúng vậy! Nhưng đệ tử cũng chỉ hưởng lại phần phước cũ, phước mới cũng chưa có một chút gì!

- Ừ, ta đã hiểu.

Ngẫm nghĩ một lát, Đế Thích thưa:

- Tôn giả hãy cho biết: Làm phước, làm công đức trong thời kỳ có đức Chánh Đẳng Giác và làm phước, làm công đức trong thời kỳ không có đức Chánh Đẳng Giác thì cái nào thù thắng hơn, cái nào quả phước vượt trội hơn?

- Dĩ nhiên là thời kỳ có Phật!

- Vậy thì thưa tôn giả! Phước của đệ tử từ xưa đến nay, được làm, được tạo từ thuở không có Phật nên phước báu của đệ tử làm sao so sánh được với phước báu hiện nay của cận sự hai hàng trong giáo hội của đức Đạo Sư!

Tôn giả Mahā Kassapa gật đầu:

- Thiên chủ nói đúng!

- Vậy thì đệ tử nói đệ tử “nghèo phước” có đúng chăng?

- Đúng, nếu so sánh với những cận sự nam nữ hiện nay.

Rồi thiên chủ như tâm sự:

- Tôn giả biết không? Hiện nay trên cõi trời của đệ tử, có vị thiên vương tên là Cūḷaratha, vị thiên vương tên là Mahāratha, vị thiên vương tên là Anekavaṇṇa; họ chỉ là những thiện nam bình thường, nhưng nhờ bố thí, cúng dường đến đức Thế Tôn và tăng chúng nên mạng chung, hóa sanh lên cõi trời Đao Lợi, tức khắc, họ “giàu phước” hơn đệ tử nhiều.

- Nói cụ thể hơn một chút, thiên chủ!

- Thưa! Quyền lực cai trị, cai quản thì họ cũng chỉ là thần dân của đệ tử nhưng hào quang, sắc tướng thì họ thắng xa đệ tử. Đứng bên cạnh ba vị ấy thì quang sắc của đệ tử trở nên lu mờ và đen tối. Có lần, khi đến gần các vị ấy, đệ tử thấy thân sắc của mình trở nên u ám thảm hại; xấu hổ quá, đệ tử và cả đoàn cung nga đành phải chạy trốn vào biệt điện! Ôi! Thật là tệ hại! Ánh sáng từ nơi tướng hảo quang sắc của họ chiếu đến đệ tử thì như bao trùm cả đệ tử, dõng mãnh uy hiếp đệ tử; còn ánh sánh của đệ tử thì như sợ hãi, thập thò, thập thò... không dám bò tới, lết tới đụng đến cái chéo thiên bào của họ! Quả thật là khốn khổ, quả thật là nghèo đói phước đức quá trời trời, thưa tôn giả!

“ Đúng sự thật là vậy!” Tôn giả Mahā Kassapa nghĩ! “Tuy do mưu, do mẹo nhưng dù sao, nhân và duyên đã xảy ra rồi, quả và báo không thay đổi được”. Ngài bèn nhắc nhở:

- Thôi! Ta thông cảm! Nhưng một lần duy nhất này thôi đó nghe! Đừng có chơi cái trò chơi thiếu chơn, thiếu chánh như vậy nữa, thưa thiên chủ!

Như được đại xá, thiên chủ quỳ sụp, lạy lia lịa:

- Tri ân tôn giả! Tri ân tôn giả đã thông hiểu nỗi lòng!

- Được rồi!

- Nhưng đệ tử “dùng mẹo” để đặt bát cúng dường như thế thì phần phước sau này sẽ như thế nào, thưa tôn giả?

- Vẫn trả quả như thường, tuy nhiên, nó sẽ không được trọn vẹn đâu!

- Tại sao?

- Vì do thiên chủ có cái tâm hơi xiên lệch đó!

- Đệ tử hiểu!

- Phải tinh cần tu tập thêm một chút, chớ quá phóng dật! Phải hộ trì giáo pháp nhiệt tâm thêm một chút! Ta phúc chúc cho thiên chủ được tròn ước nguyện. Thôi, hãy đi đi!

- Xin ghi nhận lời dạy dỗ và tri ân tôn giả một lượt nữa!

Thế rồi, Đế Thích thiên chủ nắm tay thiên hậu, bay bổng lên không trung, tan hòa giữa mây trời, hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, cao hứng thốt lên ba lần, âm ba vang động cả sơn hà, đại địa:

“- Ôi! Ta đã cúng dường vi diệu, thù thắng và ta sẽ được quả phước vi diệu, thù thắng!”

Đức Phật theo dõi diễn tiến câu chuyện từ đầu, đến khi thấy Đế Thích cảm hứng ngữ thốt lên sung sướng như vậy, ngài kể lại cho đại chúng tỳ-khưu nghe, sau đó thuyết giáo thêm rằng:

- Với phước báu cao sang như vậy rồi mà cái ông thiên chủ Đế Thích kia còn muốn đi “bòn” phước nữa! Cho hay, bất cứ chúng sanh nào cũng phải nương tựa phước, nhờ phước sanh, nhờ phước thành. Cho chí Như Lai cũng vậy, trong suốt bốn a-tăng-kỳ, trăm ngàn đại kiếp, Như Lai gần như toàn mãn ba-la-mật, mà những kiếp cuối cùng, như tích truyện thái tử Vessantara(1), vẫn còn tích lũy thêm năng lực của năm đại thí. Vậy, câu chuyện này các vị phải thuyết lại nơi này, nơi khác cho hai hàng cận sự nam nữ được nghe, để họ noi theo, để họ làm gương...

Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19:

Trong tác phẩm “Sự tích đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni” của soạn giả Minh Thiện - Trần Hữu Danh; ở hạ 19 này, tại núi Linh Thứu, có kể lại câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” của thiền tông Đông độ. Đại lược là khi đức Phật cầm bông hoa đưa lên, đại chúng không ai hiểu chuyện gì, chỉ có tôn giả Mahā Kassapa là mỉm cười. Đức Phật bèn nói: “Nay Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn – Như Lai trao lại cho ông đó”.

Theo Tuệ Sỹ trong “Tinh hoa triết học Phật giáo” cũng nói là chuyện xảy ra tại núi Linh Thứu, và hoa là cành hoa Kumbhala.

Từ đấy, theo thiền Đông độ, ngài Mahā Kassapa được tâm ấn của Phật nên làm sơ tổ của thiền tông.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng có kể lại chuyện này, trong tác phẩm “Đường xưa mây trắng” - cũng trong hạ 19 này, nhưng bối cảnh không gian thì xảy ra ở tại Jetavanārāma.

Xét rằng, câu chuyện này có một số vấn nghi:

1- Mới hạ thứ 19 mà sao đức Phật vội “trao” vậy? Và cuối đời, trước khi Niết-bàn, đức Phật chỉ dạy đại chúng trong mai hậu, hãy lấy Pháp và Luật làm thầy!?

2- Thời Phật, và tại Ấn Độ, chưa có thiền được gọi là thiền của tổ? Chỉ sang Trung Hoa mới có tổ sư thiền.

3- Tôn giả Mahā Kassapa duyên gặp đức Phật tại cội cây Bahuputtaka, gần làng Mahātiṭṭha; ngài đắc quả A-la-hán vào cuối hạ thứ nhất của đức Phật, sau hai vị đại đệ tử, sau ba vị Kassapa thờ thần lửa, sau 30 vị vương tử xứ Kosala, sau 54 vị bạn hữu công tử Yasa và Yasa (55), sau nhóm 5 đạo sĩ Koṇḍañña. Như vậy, trước tôn giả Mahā Kassapa, tối thiểu cũng có 95 (60+30+3+2) vị trên đây đắc quả A-la-hán, có nghĩa là họ đều có “chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn” cả rồi (con số 95 là chưa tính đệ tử của 3 anh em Kassapa và đệ tử của hai vị thượng thủ giáo hội). Hay đây là chánh pháp nhãn tạng khác, Niết-bàn diệu tâm khác?

4- Đây “có lẽ” là ý đồ do thiền tông Trung Hoa dựng lên, họ lập tôn giả Mahā Kassapa làm sơ tổ để chứng tỏ mình được kế thừa chính thống từ đức Phật. Nhưng danh sách ba mươi ba vị tổ sư lại quá nhiều sơ hở - vì có ít nhất là 5 vị tổ không liên hệ gì với thiền tông Trung Hoa cả, đó là:

- Thế Hữu (Vasumitra): Tổ thứ 7, sống vào thời vua Kanishka II, phụ tá với Hiếp Tôn Giả chủ trì kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ bằng tiếng Saṅskrit. Hai bộ luận của ngài là “Dị bộ tông luận”“Giới thân túc luận” không liên hệ gì đến thiền tông cả. Ngược lại, Hữu bộ luận là nơi lập cước để các truyền thừa đi sau tranh luận với phái Không tông, Trung quán của Long Thọ.

- Hiếp Tôn Giả (Pārasava):Tổ thứ 10, chủ tọa cuộc kết tập kinh điển lần thứ IV của Hữu bộ. Cũng không liên hệ gì với thiền tông Trung Quốc (Ngay sự sắp xếp Hiếp Tôn Giả thứ 10, mà Thế Hữu thứ 7, ta đã thấy có cái gì đó bất ổn rồi.

- Mã Minh (Aśvaghoṣa):Tổ 12, chính ngài là người nhuận sắc toàn bộ Tam Tạng cho Hữu bộ, cũng không liên hệ đến Thiền Tông.

- Long Thọ (Nāgārjuna):Tổ 14, là vị triết gia kỳ vĩ, trước tác luận Trung Quán, là cơ sở của tất thảy học phái Không tông của Đại thừa sau này. Lưu ý: Không tông là lập cước cho các kinh luận Đại thừa phát triển chứ không phải Thiền tông – là bất lập văn tự.

- Thế Thân (Vasubandhu):Tổ 21, ngài trước tác 500 bộ luận tạo giềng mối vững chắc cho Hữu bộ, đả phá Đại thừa. Sau, do Vô Trước, anh ruột, thuộc Đại thừa, buồn phiền mà sinh bệnh; thương anh, Thế Thân viết tiếp 500 bộ luận nữa để xiển dương Duy thức, phát triển tư tưởng Đại thừa. Với hành trạng như thế mà Thiền tông cũng đưa ngài vào làm tổ của mình! Tóm lại, Thiền tông cố ý đưa cả 5 vị kể trên – kế thừa tổ thiền tông cả – thì mọi tinh hoa tư tưởng đều được họ mang về phái mình ở Trung Hoa hết rồi.

5- Thời Phật, tôn giả Mahā Kassapa được tôn là đệ nhất đầu-đà; và ngài chỉ nổi bật ở hạnh này, còn các phương diện khác như trí tuệ, thần thông, trì luật, thuyết pháp... thường không bằng các vị khác.

6- Đức Phật thường nói, Như Lai chỉ là một vị đạo sư dẫn đường, không phải là người lãnh đạo giáo hội, cũng không có ý đề cử ai lãnh đạo thay ngài. Vậy việc đức Phật “trao” cho tôn giả Mahā Kassapa “cái tâm gì đó” là khả nghi lắm! Cái thấy Niết-bàn, giác ngộ, thân chứng Niết-bàn, đức Phật “trao cho tất cả những ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu” kia mà!

7- Thiền tông còn nói rằng: Sau tôn giả Mahā Kassapa, người kế thừa là tôn giả Ānanda? Xin thưa, sau khi đức Phật nhập diệt ba tháng, trong lần kết tập Phật ngôn lần thứ nhất, tôn giả Ānanda đã đắc quả A-la-hán rồi. Không biết tôn giả Mahā Kassapa “trao kế thừa” cho tôn giả Ānanda cái gì đây? Lại nữa, tại Ấn Độ không có truyền thống kế thừa y bát.

(Ở đây chỉ xét về mặt lịch sử. Còn tư tưởng của Thiền tông từ ngài Đạt Ma, tư tưởng trong “Pháp bảo đàn kinh” của ngài Huệ Năng có chăng một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ kinh văn nguyên thuỷ - lại là chuyện khác, thuộc nghiên cứu khác).



(1)Là định diêt thọ, tưởng.

(1)Tứ Đại thiên vương là 4 vị thiên tướng của Đế Thích.

(1)Chuyện thái tử bố thí vợ, con.

 

Mùa An Cư Thứ Hai Mươi (Năm 568 trước TL)


5.34-  Phước Cho Quả Hiện Tại

Tại kinh thành Rājagaha có một nhà trồng hoa nổi tiếng, tên là Sumana ; buổi sáng nào ông cũng có bổn phận kết tám vòng hoa mang vào cung điện cho đức vua Bimbisāra, sau đó nhận được cả công và thưởng là tám đồng tiền vàng kahāpaṇa, một khoản tiền khá lớn. Công việc này ông thực hành đều đặn, ngày này sang ngày khác, không dám bỏ quên một buổi nào. Gặp lúc ốm đau, cảm mạo thất thường thì ông nhờ người thân tín mang vào rồi thưa trình lý do cặn kẽ với các quan nội thị rất đàng hoàng.

Hôm nọ, như lệ thường, ông Sumana mang hoa vào thành phố rồi quành qua hướng vào cung điện thì gặp đức Phật và tăng chúng tỳ-khưu đang đi trì bình khất thực. Vì vào sáng sớm, đức Phật đã rà soát võng lưới, thấy có nhân duyên với người bán hoa nên ngài vừa bước đi thong dong, tự tại vừa phóng hào quang sáu màu vòng quanh kim thân, biểu lộ oai lực tối thượng của một bậc Chánh Đẳng Giác.

Khi thấy tướng hảo quang minh rực rỡ, hào quang sáu màu sáng dịu, lung linh lạ thường nơi kim thân đức Phật, ông Sumana nhìn sững, vừa hân hoan vừa sợ hãi. Sau đó, ông còn nhìn thấy những tướng quý, tướng tốt hiện ra nơi thân tướng trang nghiêm của đức Phật nữa. Ông lẩm bẩm :

- Làm sao đây? Ôi! Mình có cái gì để cúng dường đức Phật đây? Ôi ! Dễ gì có một lần may mắn trong đời gặp một bậc Sa Môn Đại Nhân xuất hiện ở trên đời?

Nhìn tám vòng hoa đang quành qua cổ, quành qua cánh tay, ông nghĩ tiếp :

- Ta sẽ cúng dường tám vòng hoa này tức khắc? Tại sao vậy? Nếumang tám vòng hoa này vào cung thì ta chỉ kiếm được tám đồng tiền vàng kahāpaṇa mà thôi. Nếu đem cúng dường tám vòng hoa này lên đức Phật thì ta sẽ được hạnh phúc, lợi lạc nhiều đời; và đồng thời, dĩ nhiên, ta sẽ bị xử phạt, bị tội tù! Vậy nên lấy cái lợi ích nhiều đời hay chọn bị xử phạt, tội tù một kiếp? Ôi! Cái kiếp sống chốc thoáng phù du, vui ít, khổ nhiều; ta sẽ chọn cái lợi ích lâu dài vậy!

Nghĩ thế xong, hân hoan, phỉ lạc phát sanh, nhanh như một sát-na tốc hành tâm, ông Sumana tung một lượt hai vòng hoa lên đầu đức Phật; bỗng nhiên, cả hai, chợt bung xòe ra như tán lọng, lơ lửng giữa hư không che đầu cho ngài. Hoan hỷ quá, ông Sumana tung thêm hai vòng hoa nữa ở bên phải của đức Đạo Sư thì tự nhiên chúng lại kết thành một bức màn hoa, che phía bên vai phải của ngài. Và rồi, cứ thế, hai vòng hoa nữa, thành màn hoa che bên trái; hai vòng hoa nữa, lại thành màn hoa che chắn phía sau lưng. Như thế là tám vòng hoa đã làm xong nhiệm vụ của mình, trang điểm quanh kim thân của đức Phật, chỉ chừa phía trước như một cánh cửa hoa để ngài bước tới, đi tới...

Hiện tượng lạ lùng vừa rồi chỉ là một chút phép mọn của đức Đạo Sư nhằm tăng trưởng đức tin và phước báu cho người trồng hoa; và đồng thời, gởi thông điệp hình tượng ấy cho cả muôn dân kinh thành Vương Xá. Quả thật vậy, dân chúng thấy chuyện lạ, ùn ùn kéo nhau đến đặt bát, ùn ùn đi sau chiêm ngưỡng một hình ảnh lạ lùng chưa từng thấy từ cổ chí kim.

Sumana xoa hai tay vào nhau, hân hoan, thoả mãn; hỷ lạc rần rần, nổi gai ốc cả người, ông từ từ, lặng lẽ đi ở phía sau xa, tâm trí như chìm sâu, lặn xuống một hồ nước thơm tho và mát mẻ dị thường. Ông đang hưởng hạnh phúc của riêng mình. Ông cười mỉm, ừ, bị xử phạt, bị tội tù, cho dẫu cái đầu này bị rơi đi thì cũng có sao đâu nào? Ôi! Ta sung sướng quá!

Đã về đến nhà. Bà vợ thấy sắc mặt quái lạ, nụ cười bí ẩn trong ánh mắt của chồng nên cất tiếng hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Ông đang cười trong mê à? Vậy tám đồng tiền vàng đâu?

Ông Sumana có mê đâu, ông rất tỉnh, ông tỉnh một cách lạ lùng, ông nói :

- Bà nó à! Tôi cúng rồi! Tôi đã cúng dường hết tám vòng hoa kia cho đức Phật Cù Đàm rồi!

- Hả? Ông nói cái gì vậy hả? Ông đã đem cúng hết cả tám vòng hoa à?

- Đúng vậy bà nó ơi! Ôi sung sướng quá!

- Sung sướng à? Sung sướng cái đầu ông! Sung sướng cái đầu sắp rơi khỏi cổ kìa! Ai đời, ông dám cả gan lấy tám vòng hoa của đức vua mà đem dâng cúng cho ông Cù Đàm! Nguy to rồi! Không thoát tội đâu!

Ông Sumana bình tĩnh nói :

- Tôi biết rồi mà! Hẵng để một mình tôi chịu. Không liên hệ gì đến bà đâu!

- Tôi dại gì mà liên can! Từ rày về sau, tôi không còn dính líu gì với ông nữa.

Nói thế xong, bà vợ nhanh chóng thu xếp một vài vật dụng cần thiết, một ít tiền bạc phòng thân, bỏ trong cái đãy rồi quày quả bỏ đi, không thèm chào hỏi ông một tiếng. Bà đi thẳng vào hoàng cung, năn nỉ quân canh, xin gặp đức vua Bimbisāra cho bằng được.

Khi được bệ kiến, đức vua hỏi :

- Nàng muốn tâu trình việc gì?

Bà kể:

- Chồng con là người trồng hoa, tên là Sumana, là người kết tám vòng hoa mỗi ngày, mang vào triều rồi nhận thưởng được tám đồng tiền vàng kahāpaṇa. Ông làm việc ấy rất siêng năng, rất cần mẫn. Đột nhiên, sáng nay, ông ấy nổi điên, nổi khùng, lấy tám vòng hoa ấy dâng cúng cho ông Cù Đàm. Hành động ngông cuồng của ông ấy, rõ là không coi luật vua, phép nước ra gì; và chắc chắn là bị xử phạt, bị tội tù, bị chặt đầu! Làm việc nghịch tặcđộng trời ấy mà mặt mày ông ta tỉnh bơ, tỉnh queo! Lại còn nói là rất hạnh phúc, là rất sung sướng nữa chớ! Con sợ hãi quá nên mạo muội vào đây, tâu trình cho bệ hạ rõ. Việc dâng cúng tám vòng hoa cho ông Cù Đàm, có phước báu gì đó thì ông ấy hưởng. Việc coi thường luật vua, phép nước, có tội gì đó với bệ hạ thì ông ta gánh chịu, không liên hệ gì với con cả. Sáng nay, con đã đoạn tuyệt, đã cắt đứt tình nghĩa vợ chồng với ông ta rồi. Xin đức vua anh minh, sáng suốt, chứng giám cho con sự thực nầy, lời khai thành khẩn nầy!

Đức vua Bimbisāra là một bậc thánh cư sĩ, lắng nghe hết lời thưa trình kể trên, ông nghe xót xa trong lòng, cảm thương cho đầu óc tối tăm, ngu muội của người đàn bà và của cả thế gian, nói chung, luôn sống theo bản ngã, dục vọng, tham sân si mà chúng không tự thấy, tự biết! Chúng luôn sống trong bóng tối của ích kỷ, tư kỷ, suốt đời tích luỹ hoài, tích lũy mãi chứ không chịu cho ai một xu, một cắc; chẳng bao giờ cúng dường cho sa-môn, đạo sĩmột muỗng canh, một vá cơm! Tuy nhiên, cái mặt phía bên kia của tối tăm, hôn ám ấy lại có một thế giới khác, thế giới của thí xả, thế giới của cho đi, thế giới của sáng láng, của trong sạch, của hỷ lạc thanh cao, êm đềm và yên tĩnh. Bất giác đức vua cảm thấy tôn trọng, kính trọng người bán hoa Sumana vô cùng, đã không cần tám đồng tiền vàng, coi thường cả mạng sống của mình khi làm một phước sự hy hữu. Có thể coi đây là sự bố thí, cúng dường sanh mạng được chăng? Có thể lắm chứ? Ồ, điều này ta sẽ tìm gặp đức Tôn Sư để hỏi cho cặn kẽ.

Nghĩ thế xong, đức vua Bimbisāra nhè nhẹ gật đầu :

- Thôi được rồi! Ta nghe xong chuyện rồi. Bà đã nói đúng, phước thì ông ấy nhận, tội thì ông ấy chịu, không liên hệ gì đến bà. Là đức vua tối cao của quốc độ nầy, ta xác chứng chuyện ấy, sự thực ấy!

Khi người đàn bà đi rồi, đức vua hối hả ban lệnh cho nội cung, nội thị chuẩn bị vật thực để dâng cúng cho đức Phật và Tăng chúng. Do ở nhà trù vương cung, thượng vị loại cứng, loại mềm lúc nào cũng có sẵn nên lát sau, đức vua, tùy tùng, một số gia đình hoàng gia, với vật thực tươm tất, đầy đủ, họ đứng chờ đợi ở cổng cung điện.

Đức Phật khi ấy đang đến gần hoàng thành, ngài biết chuyện người đàn bà và cả tâm tư của đức vua nữa. Việc cúng dường tám vòng hoa coi thường sinh mạng mình của ông Sumana đã xúc động chánh pháp, xúc động tâm trí đức vua nên nó sẽ mang đến kết quả hiện tiền, là cái gương soi cho chúng sanh ba cõi.

Đức Phật đi đầu, tám vòng hoa uyển chuyển di động, uyển chuyển che chắn trên đầu, sau lưng, bên phải, bên trái như bức màn màu sắc; và phía trước, một cánh cửa hoa di động, trông đức Phật như đang bước ra từ rừng hoa... Thấy cảnh tượng huy hoàng ấy, đức vua tràn đầy hoan hỷ, bước ra đảnh lễ và dâng cúng vật thực. Những gia đình hoàng gia, quý tộc, tùy tùng theo sau đức vua, từng đoàn, từng đoàn cùng nhau ra đặt bát, không những cho đức Phật mà cho cả đoàn chư tăng như con rồng vàng kéo dài ra tận phố. Dân chúng thì càng lúc càng đông, vòng trong, vòng ngoài, trong nhà, trên mái nhà, trên cây, trên tường thành; họ chiêm ngưỡng tám vòng hoa di động như có mắt thấy, như có chân đi, như có cánh bay chập chờn... rồi họ tán thán, rồi họ reo vui lành thay... xao động cả vùng trời...

Đức vua và tùy tùng cùng đứng lặng, không nói gì, chỉ chấp tay chiêm ngưỡng; ai cũng phát sanh niềm hỷ hoan dịu nhẹ, êm đềm và thanh khiết. Con rồng vàng dài dằng dặc, đức Phật và tám vòng hoa dẫn đầu, lại từ từ quay lưng trở lại Veḷuvanārāma tịnh xá.

Buổi chiều, đức vua Bimbisāra cho gọi người trồng hoa Sumana đến, cất tiếng hỏi, ra vẻ nghiêm khắc:

- Sao ngươi lại cả gan dám lấy tám vòng hoa của ta mà dâng cúng cho đức Phật ? Ngươi không sợ bị xử phạt, bị tội tù hay sao?

Ông Sumana khép nép, cúi đầu :

- Tâu bệ hạ! Bị xử phạt, bị tội tù, có ai mà không sợ! Nhưng vì lúc ấy cái tâm cúng dường nó lớn mạnh quá, nó ùn ùn dâng lên tràn đầy, choáng ngợp cả tâm trí của con... nên có chút sợ hãi nào thấp thoáng ở đó được đâu!

- Kể cả chém đầu, ngươi cũng không sợ sao ?

- Dạ, cũng không sợ!

Đức vua lại gặng hỏi :

- Đấy là giả dụ, còn bây giờ là sự thật. Ta cho quân chặt đầu ngươi ngay tức khắc, ngươi có sợ không?

Ông Sumnana chợt nở nụ cười tươi như hoa, từ tốn và điềm đạm nói:

- Tâu bệ hạ! Điều này thì con đã suy nghĩ chín chắn rồi, đã cân phân tính toán, lựa chọn rồi. Một bên là tám đồng tiền vàng, ổn định được đời sống phù du, trăm năm thoáng trôi. Một bên là sự nương tựa cho nhiều đời, an vui cho nhiều kiếp. Dĩ nhiên là con chọn lựa cái lợi lạc lâu dài vậy. Khi đã lựa chọn cái lợi lạc lâu dài thì kiếp này, con chấp nhận bị xử phạt, bị tội tù, hay bị chém đầu... cũng là lẽ đương nhiên vậy!

Thấy người trồng hoa ung dung, bình tĩnh, ăn nói đâu ra đó, rõ ràng, mạch lạc; lại còn dám xả bỏ thân mạng khi dâng cúng tám vòng hoa, đức vua không còn hồ nghi gì nữa: Đây là bố thí ba-la-mật, không bậc thượng thì cũng là bậc trung, cao thượng vô cùng, thế gian ít người làm được.

Đến bây giờ đức vua mới nở nụ cười:

- Những câu hỏi có vẻ nghiêm khắc của ta vừa rồi là chỉ muốn thăm dò cái tâm bố thí của ngươi đấy thôi. Ta là đệ tử của đức Thế Tôn, và ta tu tập theo giáo pháp thoát khổ của ngài cũng đã khá lâu, đã gần hai mươi năm về trước. Ta cũng đã từng trân trọng bố thí cúng dường, tài vật cũng lớn lắm, nhiều lắm. Nhưng bố thí cúng dường mà không sợ chết, dám coi thường sinh mạng như ngươi thì ta không bằng được. Vậy, ta vô cùng ngưỡng mộ! Ta vô cùng ngưỡng mộ cái tâm cúng dường kiên định ấy! Ngươi đúng là một bậc đại nhân, một bậc đại trượng phu (mahāpurisa) hiếm có ở trên đời. Ngươi sẽ không bị bất cứ một tội danh gì hết, dù lớn dù nhỏ; ngược lại, ngươi sẽ được ban thưởng một cách xứng đáng!

Sau đó, đức vua lệnh cho quan nội cung, thủ khố tức khắc ban thưởng cho ông Sumana tám ngàn đồng tiền vàng, tám voi, tám ngựa, tám tôi trai, tám tớ gái, tám bộ y phục cực kỳ sang quý, tám cung nữ xiêm áo lộng lẫy - được phóng thích khỏi hoàng cùng để hầu hạ Sunana. Đức vua còn cung cấp thêm lợi tức tám ngôi làng ở ngoại ô để ông ta sinh sống được nhàn tản, thảnh thơi trọn đời...

Ông Sumana quỳ lạy và nói lời tri ân.

Đức vua trang nghiêm nói :

- Không cần phải tri ân ta. Người đáng được xưng tán, tri ân chính là đức Đạo Sư, chính là giáo pháp, chính là Tăng-già. Cũng chính nhờ Tam Bảo mà ta có được cái thấy biết sáng suốt, cái tâm thanh bình, an lạc ngày hôm nay. Ta trọng thưởng cho ngươi, không chỉ là phước quả hiện tiền của ngươi, mà còn là cái mặt trời, mặt trăng cho quốc độ này nữa. Ngươi chưa biết đấy thôi. Người có tâm bố thí cúng dường thì thường dễ có thêm giới đức, thường dễ có thêm đức tin, thường dễ có thêm cái trí xa lìa ác độc, tham sân. Nếu những điều tốt đẹp ấy được nhân rộng ra toàn xã hội thì đâu cũng biết nhường cơm xẻ áo, đâu cũng có tấm lòng, đâu cũng không có trộm cắp, tà vạy, ác hạnh; và đây chính là thiên đàng tại thế rồi còn gì?

Sumana như được mở rộng tâm, mở rộng trí do lời dạy bảo của đức vua hiền thiện, ông vui sướng nói :

- Bệ hạ lại còn cho con uống thêm một liều thần dược của giáo pháp nữa! Con vô cùng cảm kích!

Chợt đức vua cười ha hả, đứng dậy :

- Nói vậy thì nghe được! Thôi, ông về đi! Nhớ sống theo giáo pháp! Nghĩa là sống cho tốt, lợi ích cho mình, lợi ích cho người! Nghe! Đại nhân!

Chuyện người trồng hoa Sumana, cả gan lấy tám tràng hoa của đức vua đem dâng cúng đức Phật, thay vì bị xử phạt, bị tội tù, lại được đức vua trọng thưởng hậu hĩ, không mấy chốc, như hương thơm bay nhanh hơn làn gió thổi khắp kinh thành Vương Xá. Ở đâu cũng bàn tán chuyện hy hữu, lạ đời ấy. Chư phàm tăng ở Veḷuvanārāma tịnh xá cũng vậy, không những xôn xao bàn tán mà họ còn đặt những câu hỏi liên hệ đến phước quả hiện tiền, liên hệ đến quả dị thục trong tương lai là như thế nào nữa.

Đức Phật biết rõ chuyện ấy, nên chiều kia, tại chánh pháp đường, ngài đã giải minh những thắc mắc ấy:

- Này đại chúng tỳ-khưu! Đức Phật giảng giải - Sở dĩ người trồng hoa Sumana cúng dường tám vòng hoa lại được trả quả báo trong hiện tại, là do ông ta đã hội đủbốn điều kiện sau đây.

Thứ nhất, là khi cúng dường, ông không hề nghĩ đến sự hiểm hoạ cho mình, không nghĩ đến cả sanh mạng của mình nữa; sự cúng dường ấy được gọi là cúng dường cao thượng, cúng dường ba-la-mật!

Thứ hai là, lúc cúng dường, tâm ông nhanh nhạy, ông làm một cách tức khắc, ở sát-na tâm thứ nhất(1), không lưỡng lự, không do dự.

Thứ ba là, trước khi cúng dường, tâm ông hỷ hoan, trong khi cúng dường, tâm ông hỷ hoan, sau khi cúng dường, tâm ông hỷ hoan; nghĩa là hỷ hoan cả ba thời, trước khi, trong khi và sau khi.

Thứ tư, điều kiện cuối cùng, đối tượng cúng dường ấy là bậc vô lậu, không còn tham sân, phiền não như Như Lai, một đức Chánh Đẳng Giác.

Vậy bất cứ ai, lúc bố thí cúng dường mà hội đủ bốn điều kiện nêu trên, đều được trả quả vi diệu tức khắc ngay trong hiện tại này.

Cũng có trường hợp đặc biệt, thù thắng nữa là ai đặt bát cúng dường cho chư vị Phật Độc Giác, hai vị đại đệ tử, chư đại trưởng lão A-la-hán hay A-na-hàm sau bảy ngày xuất định diệt thọ, tưởng – thì cũng có khả năng thâu hái phước quả hiện tiền như thế

Đại chúng thở phào, nhẹ nhõm; họ đã thấy rõ được sự kỳ diệu, vi tế của tâm và cả lý do của nhân, của quả.

Về sự thắc mắc còn lại, là quả dị thục trong mai hậu, nhiều kiếp về sau, nó sẽ như thế nào, thì đức Phật lại đọc lên một bài kệ:

- Những người bố thí cúng dường

Với tâm cao thượng, pháp hương nhiệm mầu

Lâu xa trăm kiếp địa cầu

Khỏi rơi ác đạo, khổ đau bốn miền(1)

Hằng luôn hưởng phước nhân thiên

Rồi đắc Độc Giác, thắng duyên Niết-bàn!(2)



(1)Theo Abhidhamma, trong 7 sát-na tác hành tâm (javana), ai có tư tác ngay trong sát-na thứ nhất thì trả quả ngay trong hiện tại; 4 sát-na tiếp theo thì trả quả trong nhiều đời sau, chưa biết kiếp nào; 2 sát-na cuối cùng sẽ trả quả đời sau, tức đời kế tiếp (Nếu làm với sát-na tâm thứ nhất, không kể thiện hay ác. Thiện thì như tích truyện này và chuyệnhai vợ chồng chỉ có một tấm áo choàng dâng cúng cho đức Phật; ác thì như tích truyện người thợ săn ác độc xua bầy chó cắn vị tỳ-khưu, ông ta bị trả quả bị chó cắn xé thân xác ngay tại chỗ).

(1)Tứ ác đạo: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.

(2)Dịch từ câu Pāḷi: Kappānaṃ satahahassaṃ, duggatiṃ na gamissati, ṭhatvā devamanussesu, phalaṃ etassa kammuno, pacchāpaccekasambuddho, sumano nāma bhavissati (Chú giải kinh Pháp cú của trưởng lão Pháp Minh).

 

5.35-  Bảy Thánh Sản

Vua trời Đế Thích trở lại thiên cung, mới nghỉ ngơi một đêm, sáng ngày, ông thấy sinh lực trong cơ thể tuôn chảy cuồn cuộn, theo đó, thân tướng của mình ngời ngời quang sắc; châu báu từ nơi thiên bào, mũ miện như cũng đồng loạt tiếp sức, thêm năng lượng, túa hắt ra ánh sáng; tất cả chúng kết dệt nên một thứ hào quang lóng lánh lan xa, chiếu xa không biết đến tận không gian biên xứ nào mà kể. Hào quang của ba vị thiên vương Cūḷaratha, Mahāratha, Anekavaṇṇa trước đây đã làm cho Đế Thích hổ thẹn, nay thì ngược lại, họ trở nên tối tăm, ỉu sìu, thảm hại.

Tự suy, tự ngẫm, Đế Thích vô cùng tri ân tôn giả Mahā Kassapa, bậc lậu tận, bậc đầu-đà đệ nhất khổ hạnh – đã cho đặt bát cúng dường nên phước báu quang sắc bây giờ mới được như thế này đây. Cảm kích vô cùng, ông nguyện từ đây sẽ hộ trì giáo pháp một cách nhiệt tình, chăm chuyên hơn trước đây.

Thế là từ đó, ông hằng chuyên để tâm theo dõi thế gian, xem ai có nhân duyên gì, xem có thể giúp đỡ được ai, sách tấn được ai trên con đường hướng thiện và hướng thượng.

Hôm nọ, quét thiên nhãn nhìn xuống kinh thành Vương Xá, thấy đức Chánh Đẳng Giác, sau khi đi trì bình khất thực, ngài ghé vào một tu viện ở ngoại ô, ngọ trai rồi thuyết pháp cho chư tăng và hai hàng cận sự nam nữ ở đây. Bài pháp nhắc nhở mọi người, không kể tăng hay tục, phải biết gìn giữ “gia tài của bậc thánh”, không để cho nó hư mất, mà ngược lại, luôn làm cho nó lớn mạnh. Cuối cùng, đức Phật đã tóm tắt “bảy thánh sản(1)ấy là như sau:

Một, có đức tin; ở đây là có đức tin nơi Tam Bảo, tin vào lý nhân quả nghiệp báo.

Hai, có thọ trì học giới, gìn giữ, trau dồi thân khẩu ý cho trong sạch, tránh xa tà vạy, bất chánh, tội lỗi.

Ba, biết hổ thẹn với lương tâm mình khi làm những điều xấu ác.

Bốn, biết sợ hãi dư luận, miệng tiếng chê cười khi làm những việc xấu ác.

Năm, thường xuyên nghe pháp, tầm cầu pháp, học hỏi pháp, thọ trì pháp và biết tích lũy kiến thức về pháp.

Sáu, có tâm xả ly, dứt bỏ, biết bố thí, cúng dường với bàn tay rộng mở.

Bảy, có tuệ thấy rõ nhân quả, tội phước, thiện ác; thấy rõ vô thường, khổ không và vô ngã của tâm và pháp.

Bài pháp chấm dứt, tiếng “sādhu” lành thay vang lên, va động vui tươi, xôn xao cả cây lá, cả không khí vườn rừng. Nhưng Đế Thích để ý, có một người không cất tiếng tán thán hòa chung sự hân hoan ấy, đó là một người đàn ông mang bệnh phong cùi lở loét! Ông ta đang núp sau một khóm cây, cạnh cửa sổ giảng đường, chăm chú lắng nghe thời pháp từ đầu đến cuối. Lúc thời pháp chấm dứt, hỷ lạc dâng trào, ông cảm thấy rõ tâm mình an bình kỳ lạ, và sự thấy biết về con đường giáo pháp rất rõ ràng, quang minh và chơn chánh. Trọn vẹn con người ông thay đổi, chuyển hóa, cả thân lẫn tâm, nói theo kinh điển thì ông đã vào dòng, đã nhập lưu, đã đắc quả Tu-đà-hoàn. Ông nhắm mắt lại, lắng nghe nội tâm và rồi ông an trú vào phúc lạc ấy. Có cái gì thúc đẩy ông, ông muốn vào trình với đức Phật cái mà ông đang cảm nhận, đang chứng nghiệm; nhưng đã mấy lần tranh đấu, ông vẫn lưỡng lự, không dám. Vả chăng, ông là người cùi hủi ghê tởm, đang bị quăng vất ngoài rìa xã hội; không biết phận mình hay sao mà lại chường mặt vào chốn giảng đường tôn nghiêm? Cho đến khi, đức Phật và đại chúng đã rời đi hết mà người cùi hủi vẫn còn ngồi nguyên chỗ cũ với sự do dự của mình.

Đế Thích thiên chủ, vốn là cư sĩ bậc thánh, theo dõi tâm và biết rõ người cùi hủi sau khi nghe pháp đã đi vào dòng(1), đồng thời biết luôn tâm tư, nguyện vọng của người cùi hủi tội nghiệp kia nữa. Tự dưng, Đế Thích khởi tâm muốn thử thách người cùi hủi, xem thử cái bất động tâm, bất động trí của ông ta như thế nào!

Ý nghĩ ấy vừa khởi sanh, tức khắc, Đế Thích thiên chủ đã hiện xuống khu vườn, đứng lơ lửng giữa hư không, cách mặt đất chừng ba, bốn tầm cây thốt nốt. Để cho người cùi hủi thấy mình, Đế Thích mới cất tiếng nói:

- Này Suppabuddha(2)! Ngươi là kẻ bần cùng, là kẻ mạt hạng, đói nghèo, khốn khổ, lại mang thân cùi hủi ghê tởm; không biết thân biết phận hay sao mà lại bò lết đến đây, trốn sau khóm cây như trốn trong hang chuột mà nghe pháp? Pháp của ông Cù Đàm có gì hay ho mà lôi cuốn được ngươi, kẻ đã bị xã hội ruồng bỏ, xem như một con số đen bất hạnh? Việc ngươi phải lo trước mắt là cơm bánh, y phục và chỗ ở. Phải dẹp bỏ cái pháp của ông Cù Đàm đi để lo cho cái thân của mình trước đã, nghe rõ chưa?

- Tôi biết chớ! Nhưng pháp của đức Thế Tôn tại sao lại phải bỏ?

- Ta có một điều kiện đây. Nếu ngươi chịu nói, nói thật to lên rằng, Phật không phải Phật, Pháp không phải Pháp, Tăng không phải Tăng; ta chẳngnương tựa Phật, ta chẳng nương tựaPháp, ta chẳng nương tựa Tăng thì ta sẽ cho ngươi đầy đủ, sung mãn thức ăn, vật uống, áo quần, chỗ ở cùng những tiện nghi sinh sống phú túc cho đến trọn đời! Ta lại còn cho ngươi thêm vàng bạc cùng châu báu nữa kìa! Ta có quyền lực đấy, và ta sẽ làm được điều ta đã hứa!

Nghe nói vậy, người cùi hủi ngước mắt lên, hỏi gắt:

- Ngài là ai?

- Ta là Đế Thích thiên chủ đây! Ta đang cai quản ba mươi ba tầng trời và cả bốn châu thiên hạ!

- Vậy là ngài có nhiều oai lực, quyền lực thật! Là một vị vua trời cao sang, sao thiên chủ lại thốt lên lời ngu si, bất kính và phạm thượng như thế mà không biết xấu hổ? Mà không sợ tội địa ngục a-tỳ? Tại sao lại bắt tôi phủ bác Phật, Pháp, Tăng khi Phật, Pháp, Tăng là tuệ sáng của nhân loại, là trái tim của nhân loại? Thiên chủ bảo tôi nghèo đói, khốn khổ ư? Không! Thiên chủ lầm rồi! Chính thiên chủ mới là kẻ đang nghèo đói, đang khốn khổ và bất hạnh!

Đế Thích cười ha hả:

- Nói nghe hay dữ! Tại sao? Giải thích cho ta nghe thử với nào, xem có lọt tai không?

- Thưa, vì tôi có một gia tài rất lớn. Cái gia tài này vô cùng quý báu, mà tài sản thế gian, những vật trân quý nhất như bảy báu, như vương vị hoặc như uy lực, quyền lực bao trùm cả quả đất này, nếu đem so sánh cũng không có nghĩa lý gì!

Đế Thích, trong bụng cảm thấy rất thú vị, nhưng ngoài mặt thì ra vẻ chế nhạo:

- Nói khoác! Nói vậy mà không biết xấu hổ ư? Gia tài vô giá của ngươi chắc là đựng ở trong cái đãy dơ dáy và hôi hám kia? Giấu trong cái lớp da sần sùi, ghẻ lở, gớm ghiếc kia ư?

Người cùi hủi không hề giận:

- Tôi cảm thương cho sự ngu ngốc, thiểu trí của thiên chủ! Thôi được rồi, tôi sẽ nói cho thiên chủ nghe! Gia tài vô giá ấy chính là bảy thánh sản, là tài sản của bậc thánh mà đức Thế Tôn vừa trao cho tôi trong thời pháp vừa rồi...

Nói thế xong, tuần tự từng điểm một, từng điểm một, người cùi hủi Suppabuddha chịu khó giảng giải lại cho trời Đế Thích nghe, khá trôi chảy, khá rõ ràng, mạch lạc... Rồi cao hứng, ông ta còn tóm tắt chúng trong một bài kệ ngôn:

“ Cầm tay tín, giới lên đường

Có thêm tàm, quý tựa nương vững vàng

Đa văn, pháp học sẵn sàng

Lại còn dứt bỏ nhẹ nhàng như không

Cuối cùng, thắp ngọn tuệ hồng

Thấy nhân, biết quả, giải thông ba thời

Nữ nam cận sự trên đời

Đủ bảy thánh sản, phúc trời sá chi

Kim cương, ngọc báu nghĩa gì

Giàu sang ‘vô lậu, vô vi’ xuất phàm!”(1)

Nghe xong, Đế Thích thiên chủ tỏ lời cảm tạ, tri ân người cùi hủi; còn lanh tay bỏ vào đãy cho Suppabuddha một số vàng bạc, không cho ông ta biết rồi biến mất giữa hư không, sau đó có mặt ngay tại Veḷuvanārāma tịnh xá.

Đức Phật lắng nghe Đế Thích kể xong đầu đuôi câu chuyện về người cùi hủi, ngài gật đầu nói rằng:

- Đúng là vậy đó, này Sakka! Dẫu cho một trăm hay một ngàn người như thiên chủ, với miệng lưỡi tài giỏi, khéo ngôn, khéo thuyết hơn thiên chủ, tìm cách thuyết phục, với thêm phần thưởng bảy báu thế gian, cũng không thể nào bảo một thánh đệ tử, có đầy đủ bảy thánh sản - phủ bác Phật, phủ bác Pháp, phủ bác Tăng cho được. Thiên chủ thất bại là lẽ đương nhiên. Nhưng thất bại của thiên chủ chính lại là thành công của giáo pháp Bất Tử vậy!

Chuyện còn kể rằng, sau đó không bao lâu, người cùi hủi bị bò húc chết, nhưng do trạng thái tâm của một vị thánh Nhập Lưu, lại đang còn hoan hỷ trong thời pháp nên ông ta hóa sanh lên cõi trời Đao Lợi.



(1)Bảy thánh sản: 1- Tín (saddhā). 2- Giới (sīla). 3- Tàm (hiri). 4- Quý (ottappa). 5- Đa văn (bāhusacca) 6- Dứt bỏ, thí (cāga). 7- Tuệ (paññā).

(1)Đế Thích đã đắc quả Nhập Lưu. Vị thánh Nhập Lưu có thiên nhãn, tha tâm thông - có thể biết tâm của vị Nhập Lưu; tương tự, vị thánh tầng quả trên có thiên nhãn, tha tâm thông, có thể biết tâm của vị thánh quả dưới – nhưng ngược lại thì không thể.

(2)Trùng tên với đức vua Thiện Giác.

(1)Dịch thoát từ câu kệ Pāḷi – trong “Chú giải kinh Pháp cú” của trưởnglão Pháp Minh: Saddhādhanaṃ sīladhanaṃ, hirī ottappiyaṃ dhanaṃ, sutadhanañca cāgo ca paññā ve sattamaṃ dhanaṃ, yassa etā dhanā atthi, ittthiyā purisassa vā, adaliddoti taṃ ahu, amoghaṃ tassa jīvitanti.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn