(Xem: 1752)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2192)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

2.30- Cảm Hóa Thủ Lĩnh Tướng Quan Sīha

12 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 12100)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 2

Nghe: Cảm hóa thủ lãnh blank

Nghe: Mùa An cư thứ Sáu blank

Nghe: Bà Quý phi xinh đẹp blank


2.30- Cảm Hóa Thủ Lĩnh Tướng Quan Sīha

Câu chuyện về bà kỹ nữ Ambapālī quy hướng đức Thế Tôn, đụng độ với hội chúng vương tử, công tử Vesāli; rồi chuyện hớt phần phước đầu, bị hạ đo ván, chuyện một trăm ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇa, chuyện cúng dường vườn xoài xinh đẹp... không mấy chốc đã lan đi khắp nơi. Thật lạ lùng là tâm địa tốt lành của các vị vương tử, công tử này. Họ đã không để tâm giận ghét, lại còn ca ngợi bà kỹ nữ Ambapālī dám coi đống vàng như đất cục, không chịu nhượng buổi cúng dường. Họ cũng không hết lời tán thán oai đức của Phật, oai đức của giáo pháp đã gieo được hạt giống đức tin thánh thiện vào tâm hồn của bà kỹ nữ nhiều tai tiếng ấy. Rồi họ tán tụng đức Phật với những mỹ từ như Đại Giáo Chủ, Đại Thánh Nhân, Đại Siêu Nhân... Chưa thôi, họ còn lấy câu kệ tán thán đức Phật, mừng cho vua Bimbisāra nước Māgadha khoác khôi giáp bảo châu – đem tụng đọc khắp nơi.

Sīha là bậc tướng quân thủ lãnh của hội đồng tướng lãnh, có biết, có gặp đức Phật, nhưng vốn là đệ tử nòng cốt, thân cận của Nigaṇṭha Nāṭaputta (Ni-kiền-tử) – nghe những lời tán thán ấy, nghĩ rằng: “Những lời ca ngợi kia có quá đáng lắm không? Sao chướng cái lỗ tai lắm vậy? Ta hãy đến thầy ta, thưa hỏi để biết rõ hư thực như thế nào?”

Sau khi được hội diện với vị giáo chủ, tướng quân Sīha kể lại điều đã được nghe rồi nói:

- Vậy đệ tử có nên diện kiến sa-môn Gotama để chất vấn ông ta về giáo pháp?

Giáo chủ Nigaṇṭa Nāṭaputta tỏ vẻ thận trọng:

- Ông có biết gì về giáo pháp của sa-môn Gotama hay không mà đòi chất vấn?

- Dạ thưa không! Xin thầy cho đệ tử được nghe!

Vị giáo chủ có vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi, sau đó nói rằng:

- Thật tình thì ta cũng chưa nắm rõ ngữ nghĩa cũng như tinh yếu giáo pháp của sa-môn Gotama. Nhưng có những tư tưởng ta từng được nghe, và quả thật có cái ta hồ nghi, có cái ta thắc mắc, có cái nghe rất xốn tai, có cái lại rất khó hiểu...

Rồi giáo chủ nói liền một hơi, và dường như những điều này ông cũng đã suy nghĩ khá lâu rồi:

- Này nhé! Sa-môn Gotama thuyết về hành động rồi dạy chư đệ tử về hành động. Sa-môn Gotama thuyết về không hành động rồi dạy chư đệ tử việc không hành động. Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt rồi dạy chư đệ tử cách đoạn diệt. Sa-môn Gotama thuyết về pháp ghê tởm rồi dạy chư đệ tử về sự ghê tởm. Sa-môn Gotama là người thiêu đốt lại giảng về sự thiêu đốt cho chư đệ tử. Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào lại dạy cho đệ tử cách thoát khỏi thai bào. Sa-môn Gotama là người tự tin, lại dạy cho chư đệ tử sự tự tin. Sa-môn Gotama là người từ bỏ lại dạy cho chư đệ tự sự từ bỏ... Đấy, đấy, nếu ông có khả năng hãy đi chất vấn sa-môn Gotama đi!

Nghe như vậy, lòng của tướng quân Sīha chợt lặng đi, lạnh đi; sự bồn chồn, nỏng nảy cũng không còn nữa. Vả chăng, thầy của ta cũng chưa nắm bắt được huống hồ gì ta? Nhưng sau đó, tướng quân Sīha đi đâu cũng nghe người ta ca ngợi, tán thán về đức Phật, về giáo pháp một cách rất nhiệt tình, rất hăng say và rất thành kính; không cầm lòng được, ông lên đường với một hội chúng lớn với xe ngựa, với quân lính tiền hô hậu ủng – đi diện kiến đức Thế Tôn tại Mahāvana.

Đức Phật tiếp tướng quân Sīha giữa rừng cây. Nếu tướng quân Sīha được đoanh vây bởi hằng trăm binh lính thuộc hạ oai phong lẫm lẫm – thì đức Thế Tôn cũng đoanh vây bởi hằng trăm sa-môn áo vàng thanh thản, trang nghiêm và bình lặng.

Sau khi tỏ bày sự kính lễ, tướng quân Sīha nói rõ lý do viếng thăm là thắc mắc về giáo pháp. Ông đã cặn kẽ, chi ly trình bày tóm tắt nhưng đầy đủ những điều mà thầy ông đã thuật lại. Để thắt kết, ông nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Vậy thì những điều người ta nói như thế là đúng với sự thật hay không đúng với sự thật? Thảng hoặc, những lời nói ấy có chỗ nào là sai trái, có chỗ nào là gièm pha, có chỗ nào là chê bai? Hay tất cả những điều ấy, đằng sau còn có ý nghĩa thâm diệu nào khác, y cứ vào đấy để tu tập, để hành trì mà chúng tôi do trí óc non kém không lãnh hội được chăng?

Thấy cử chỉ và thái độ điềm đạm, từ tốn; ánh mắt trong sáng, khiêm hòa; cách nói, cách sử dụng câu cú, văn từ... của vị tướng quân toát ra trình độ một người có học, có kiến thức - đức Phật mỉm cười, muốn tạo một ấn tượng đầu tiên nên ngài nói:

- Giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta thuật lại giáo pháp của Như Lai, như vậy là còn thiếu đấy, này tướng quân Sīha!

Vị tướng quân bất giác rùng mình, tự nghĩ: “Vị này còn có khả năng siêu phàm, biết việc xảy ra và cả câu chuyện giữa mình với giáo chủ của mình nữa.” Lấy lại bình tĩnh, ông thưa:

- Xin đức Thế Tôn cho được nghe?

- Vâng, này tướng quân! Như Lai còn thuyết về lửa cháy và dạy về lửa cháy. Như Lai còn thuyết về giết cha, giết mẹ, giết quân binh tùy tùng và dạy về cách giết cha, giết mẹ, giết cả quân binh tùy tùng. Như Lai còn thuyết về vô lượng, vô lượng giải thoát và dạy cho chư đệ tử về điều ấy. Như Lai còn thuyết về giới, về tăng thượng giới, về định, về tăng thượng tâm, về tuệ, về tăng thượng tuệ, về giải thoát, giải thoát tri kiến, về vô tướng, vô tác, vô ái, về vô thủ trước bát-niết-bàn...

Tướng quân Sīha nghe lùng bùng cả lỗ tai, ông quỳ mọp xuống, bạch rằng:

- Tôi không kham nổi đâu, bạch đức Thế Tôn! Tôi không thể đi sâu vào khu rừng ngữ nghĩa ấy mà không có ngọn đèn của con mắt sáng; không thể bơi qua cái biển kinh pháp ấy mà không có con thuyền của một trí óc thông tuệ. Xin đức Thế Tôn cứ xem tôi như một chiên-đà-la thiếu phước, vô học hoặc như một thủ-đà-la cả đời chùi ống cống vô tri... để giảng nói rành rẽ, bình dân, giản dị, dễ hiểu, dễ nắm bắt nhất... từng điểm một, từng câu một... bạch đức Tôn Sư!

Đức Phật biết, khi ông tướng quân ngoại giáo này, gọi ngài là Thế Tôn thì đúng là ngôn ngữ xã giao; nhưng khi ông sử dụng từ Tôn Sư là đã một phần nào tâm phục, khẩu phục. Thế là ngài với từ bi tâm, cặn kẽ giải thích cho ông ta hiểu hàm ý bên sau của từng câu chữ. Ngài nói rằng:

- Này tướng quân Sīha! Giản dị và dễ hiểu làm sao là những câu nói tóm tắt giáo pháp mà Như Lai đã từng giáo huấn cho môn đệ. Cái được gọi là hành động chính là thân hành, khẩu hành và ý hành; thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời, thiện hạnh về ý chính là điều nên hành động! Cái được gọi là không hành động thì ngược lại, là không ác hạnh về thân, không ác hạnh về lời, không ác hạnh về ý – chính là điều không nên hành động...

- Xin đức Thế Tôn giảng rõ cho chút nữa?

- Nghĩa là cái thân này nên làm những việc lành, tốt chứ không nên làm những việc xấu ác. Lời nói cũng vậy mà ý nghĩ cũng vậy.

- Cụ thể là như thế nào, bạch đức Thế Tôn! Vì việc lành, tốt đối với giáo phái này, triết hệ này đôi khi không phải là lành, tốt đối với giáo phái khác, triết hệ khác?

- Đối với Như Lai thì việc lành, tốt là lợi mình, lợi người và lợi cả hai. Việc xấu, ác là hại mình, hại người và hại cả hai. Khi thân không giết người, giết vật, không trộm cắp, tước đoạt tài vật của người, không tà dâm, tà hạnh, bất chánh - đấy là thân lành, tốt. Khi lời không dối láo, không sai sự thật, không hai lưỡi, không ác độc, không thêu dêt, không nói vô ích, không hoa ngôn xảo ngữ, không nói phù phiếm, trống không, vô ích - đấy là khẩu lành, tốt. Khi ý không tham lam, không sân hận, không tà kiến, si mê - đấy là ý lành, tốt. Ngược lại như thế là xấu ác, này tướng quân Sīha!

Cái được gọi là đoạn diệt phải được hiểu là nên đoạn diệt tham lam, đoạn diệt sân hận và đoạn diệt tà kiến, si mê; tức là làm cho ngưng tắt những việc xấu, ác được khởi sanh từ tâm niệm, ý nghĩ.

Cái được gọi là ghê tởm phải được hiểu là ghê tởm việc làm ác của thân, ghê tởm lời nói ác, ghê tởm suy nghĩ ác - tức là ghê tởm tất cả những cái gì được gọi là xấu ác ở thân, ở lời và ở ý.

Cái được gọi là thiêu đốt có nghĩa là các ác, bất thiện pháp như trên cần phải được thiêu đốt, thiêu cho cháy đi; và ngay cả tro than âm ỉ cũng phải được dụi tắt, nếu không nó sẽ bốc cháy trở lại.

Cái được gọi là thoát khỏi thai bào chính là hạt giống, hạt mầm, những điều kiện luyến ái, đeo dính từ sinh bào này sang sinh bào khác không còn nữa - như cắt lìa các rễ chính, rễ phụ của một thân cây hoặc như cây thốt nốt đã bị đoạn lìa, bứng gốc không còn dư tàn! 

Cái được gọi là tự tin – nghĩa là tin vào chính mình, vào bàn tay nắm của mình; địa ngục, khổ xứ, đọa xứ, hạnh phúc người trời, phạm thiên, niết-bàn đều do ta tạo ra cả. Tin vào mình cũng có nghĩa là tin vào nhân quả, nghiệp báo, tin vào con đường thắng phúc, an vui, giải thóat mà mình đã chọn lựa - chứ không tin vào thượng đế, một đấng thần linh siêu nhiên nào...

- Chỗ này tôi chưa được hiểu. Vậy thì đấng Phạm Thể (Brāhman), Đại Ngã (Mahātman), các thượng đẳng thần Sáng Tạo (Brāhmā), Bảo Tồn (Vishnū) Hủy Diệt (Shīva) cùng hằng trăm ngàn vị thần khác trong truyền thống bà-la-môn - phải được hiểu như thế nào, bạch đức Thế Tôn?

- Hãy để phạm trù tôn giáo, tín ngưỡng ấy qua một bên, này tướng quân Sīha! Sẽ còn nhiều cơ hội để Như Lai sẽ giải thích về điều ấy. Vì sao vậy? Vì Như Lai đang nói về căn nguyên của khổ và lạc; và mọi chuyện lành, tốt hoặc xấu, ác ở trên là do thân ta tự làm, do khẩu ta tự làm, do ý ta tự làm – có phải vậy không, tướng quân Sīha?

- Thưa, đúng thế!

- Nhân của xấu, ác thì có quả là khổ; nhân của lành tốt thì có quả là lạc - đấy là vận hành nhân quả nghiệp báo tự nhiên hay do bàn tay thượng đế, thần linh xen dự vào, hở tướng quân Sīha?

- Thưa, tự nhiên!

- Nghĩa là khổ lạc đều do ta tự tạo?

- Đúng vậy!

Đức Phật mỉm cười:

- Vậy là tiếng rống của tướng quân Sư Tử (Sīha là sư tử) đã xác nhận sự thật, và cũng chính tướng quân đã bác bỏ quyền năng ban phúc, giáng họa của thượng đế và thần linh rồi đấy!

Tướng quân Sīha chợt lặng người. Cả hội chúng đi theo ông ta cũng lặng người. Hóa ra quyền uy của thượng đế, thần linh đã hằng ngàn năm nay – mà chỉ qua vài câu đối thoại của đức Phật chúng đã bị rã tan tức khắc.

- Tuyệt vời thay là đức Thế Tôn! Cao minh thay là nghị luận sắc bén của đức Tôn Sư!

Tướng quân Sīha và quân lính đồng thốt lên ca ngợi, hoan hỷ, mừng vui.

Đức Phật điềm đạm tiếp: 

- Bây giờ thì những câu đi sau cũng đều phải được hiểu như vậy. Cái được gọi là từ bỏ - nghĩa là từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, từ bỏ tà kiến, mê đắm, dính mắc, chấp thủ vào các ác, bất thiện pháp ấy. Cái được gọi lửa cháy phải được hiểu là mắt tai mũi lưỡi thân ý luôn luôn bị bốc cháy bởi sắc thanh hương vị xúc pháp; chúng mà bốc cháy thì thế gian này sẽ bị bốc cháy! Vậy hãy dè chừng khi chúng gặp nhau, tương quan phát sanh lửa! Cái được gọi là giết cha, giết mẹ, giết cả quân binh tùy tùng - phải được hiểu vô minh là cha, ái dục là mẹ; còn quân binh tùy tùng chính là những tùy miên, những kiết sử: Những tham, sân, si mạn, nghi, tà kiến, tật đố, phản trắc, bạc ác, phản phúc, xan lận, quỷ quyệt, vô ơn, bỏn xẻn, keo kiệt... phải giết chúng đi, chôn chúng đi. Cái được gọi là vô lượng chính là từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng... Vô lượng giải thoát, nghĩa là khi có được tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì bốn vô lượng kia mới được gọi là vô lượng giải thoát; bằng không, chúng còn bị giới hạn trong cõi sắc giới của phạm thiên!

Đức Phật vừa nghỉ hơi thì tướng quân Sīha đã quỳ mọp bên chân:

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, bạch đức Tôn Sư! Chỉ chừng ấy thôi, là đã quá tuyệt diệu, đã quá choáng ngợp đối với đệ tử rồi! Từ lâu, đệ tử đã sống trong bóng tối, nay đã được đức Tôn Sư dìu ra ánh sáng để thấy được mặt trời. Từ lâu, đệ tử đã bị lạc lối trong mọi ngõ ngách hoang vu của ngu si và tà kiến, nay đã được đức Tôn Sư bi mẫn trao cho ngọn đèn sáng để thắp tâm, thắp trí. Rất tri ân Tôn Sư, tri ân giáo pháp và tri ân hội chúng tỳ-khưu Tăng. Xin đức Tôn Sư chấp nhận cho đệ tử là Nam cư sĩ, quy y Tam Bảo từ nay cho đến trọn đời.

Đức Phật mỉm cười:

- Giải thích cho tướng quân hiểu là bổn phận của Như Lai; còn việc ông muốn quy y làm môn hạ đệ tử lại là chuyện khác. Ông là người nổi tiếng, phải suy xét cẩn thận, chu đáo trước lúc muốn quy y sẽ tốt đẹp hơn cho ông đấy - nhất là cho bản thân ông, cho giáo phái của ông và trước dư luận xã hội nữa!

Thấy nụ cười thanh thoát của đức Phật và ý nghĩa câu nói hiển lộ phong thái cao cả của bậc đại tuệ - đức tin của tướng quân Sīha giống như từng đợt sóng đang dào dạt ở trong lòng:

- Thế thì đệ tử lại càng muốn nương bên chiếc bóng của đức Tôn Sư. Bởi vì lúc đệ tử quy giáo với giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta thì đồ chúng của họ đã vác cờ, đánh trống, thổi kèn đi khắp kinh thành Vesāli rêu rao rằng: “Bậc thủ lãnh đại tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi rồi! Bậc thủ lãnh đại tướng quân Sīha đã quy giáo giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta vô song của chúng tôi rồi!” Vậy mà ở đây, khi đệ tử xin quy y thì đức Tôn Sư bảo: “Hãy suy xét chu đáo và cẩn thận - điều ấy sẽ có lợi, sẽ tốt đẹp cho bản thân ông, giáo phái của ông và trước dư luận xã hội”. Ôi! Thật cao cả thay là tâm địa và ngôn hành của bậc Đại Minh Triết. Khấu đầu đảnh lễ lần thứ hai, xin đức Tôn Sư cho đệ tử được nương tựa cho đến trọn đời!

Đức Phật vẫn chưa thừa nhận, ngài nói tiếp:

- Tướng quân Sīha! Ông hãy suy nghĩ lại đi, đấy là tình thật Như Lai muốn khuyên ông. Tại sao lại cần phải suy nghĩ thấu đáo? Ông không biết sao, từ lâu, ông và gia đình ông là căn nhà mẹ ở ngã tư đường cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta; là nguồn nước ngọt tuôn tràn không bao giờ khô cạn cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta. Hiện tại, người ta đang cần ông và gia đình ông biết bao nhiêu về vật thực, y bát, sàng tọa, thuốc men... Hãy suy nghĩ lại đi!

Tướng quân Sīha lại khấu đầu đảnh lễ nữa:

- Thế thì đệ tử lại càng có thêm đức tin để xin quy y, làm người thiện Nam hầu cận đức Tôn Sư nhiều hơn nữa. Tại sao vậy? Vì ở đâu, đi bất cứ đâu, gặp bất kỳ giáo phái chủ, giáo phái sư nào - họ cũng nói rằng:“Này thí chủ! Hãy nên bố thí, cúng dường đến ta và đồ chúng của ta. Tại sao vậy? Vì bố thí, cúng dường đến ta và đồ chúng của ta thì sẽ được lợi ích lớn, phước báu lớn – còn bố thí, cúng dường đến tôn giáo khác, hệ phái khác sẽ không có lợi ích, sẽ không có phước báu!” Còn ở đây, tại đây, ở trong giáo pháp thiêng liêng, trong sạch này - đức Tôn Sư lại dạy: “ Hãy suy nghĩ cẩn thận! Hãy suy nghĩ lại đi! Vì ông và gia đình ông là căn nhà mẹ ở ngã tư đường, là nguồn nước ngọt không bao giờ khô cạn cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭtha Nāṭaputta!” Ôi! Cao thượng thay là lời nói này! Đây là lần thứ ba, đệ tử xin được quy y với đức Tôn Sư cao thượng, giáo pháp cao thượng và hội chúng tỳ-khưu Tăng cao thượng!

Biết được đức tin vững chắc ở nơi ông tướng quân, đức Phật thuyết một thời pháp, nói cho rõ ràng, cụ thể hơn về bố thí, trì giới; sự hạ liệt, nhiễm ô của các dục; tâm và cảnh các cõi trời; sự lợi ích cao thượng từng bước một của sự từ bỏ, xuất ly... Theo dõi tâm và trí của vị tướng quân - đức Phật biết ông ta đã sẵn sàng; nghĩa là nhu nhuyến, mềm mỏng dễ uốn nắn; có sự tĩnh lặng, hướng thượng; các chướng ngại còn rất nhẹ - nên ngài đã giảng pháp cao hơn, thù thắng hơn. Đức Phật tuần tự phơi bày về những sự thật về khổ, nguyên nhân sanh khởi các khổ, sự diệt khổ và con đường, đạo lộ đến nơi giải thoát, chân phúc và bất tử.

Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu dễ dàng – tương tợ vậy, ngay giây khắc ấy, tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn thanh tịnh không nhiễm trần cấu đã sanh khởi đến tướng quân Sīha. Mọi hoài nghi tiêu tan, ông đã thấy hiểu pháp, thấy pháp, thấm nhuần bởi pháp – đã đi vào dòng, đã đắc quả Tu-đà-hoàn!

Tướng quân Sīha chảy nước mắt, ông hoan hỷ quá, quỳ mọp ôm chân bụi của đức Đạo Sư không nói nên lời. Đức Phật, sau đó, cho ông thọ trì quy giới và im lặng nhận lời buổi thọ trai tại nhà ông vào ngày mai. Ngài cũng không quên dặn bảo tướng quân Sīha điều quan trọng:

- Bây giờ ông đã là đệ tử của Như Lai, sống trong giáo pháp thanh tịnh và cao thượng – thì ông phải biểu lộ cho kỳ được đức hạnh thanh tịnh và cao thượng ấy: Vẫn cứ làm căn nhà mẹ và nguồn nước ngọt cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta đấy nhé!

 

Trở về nhà rồi mà lòng còn bổi hổi, bồi hồi – vì suốt cuộc đời, chưa có khi nào mà ông tướng quân có được niềm vui nhẹ nhàng, siêu thoát như hôm nay! Cái hỷ lạc thanh tịnh này nó cứ bập bùng, cứ âm ỉ, cứ reo ca mãi... như chim vui đầu cành, như giọt nắng trong lành buổi tinh sương, như đám mây trắng nhẹ nhàng lướt qua, lướt qua...

Nghĩ đến buổi cúng dường ngày mai, ông cho gọi người quản gia đến để chỉ việc. Ông nói đại lược rằng, ta sẽ có cuộc cúng dường lớn đến đức Tôn Sư của ta cùng hội chúng tỳ-khưu năm trăm vị. Hãy triệu tập gia nhân và người làm công để làm các căn lều vải, bàn ghế cao thấp, các chỗ ngồi có tọa cụ, có lót thảm để tới lui và thảm chùi chân. Đây đó phải có những ghè nước, những khăn chùi chân, khăn rửa tay có tẩm hương. Điểm xuyết chỗ này chỗ kia là tất thảy mọi loại hoa nhiều hương sắc kiếm tìm được. Nấu ăn trai soạn phải đầy đủ thượng vị loại cứng, loại mềm, bánh trái gì đó ngon thơm, bổ béo và ngọt ngào nhất. Phải nhớ, ngày mai chính là ngày kỷ niệm mà ta được sinh ra trong giáo pháp của đức Tôn Sư đấy! Vậy phải làm sao cho trọng thể, tốn kém tiền bạc đừng có để mắt tới! Ông còn nhớ bữa cúng dường thọ trai của kỹ nữ Ambapālī không, hở? Cứ nhớ chuyện ấy mà làm!

Người quản gia tài giỏi và mau mắn nhận lãnh trách nhiệm; nhưng lại hỏi:

- Chúng ta có sẵn hằng trăm chú gà vịt đang tơ, cũng có mấy chú nai, dê, cừu đang tơ – nhưng có cần mua thêm những con thú đặc biệt như bê sữa, như gà rừng, như bồ câu non... để giết thịt cho cao sang, cho tăng thêm chất, tăng thêm hương vị không, hở chủ?

Tướng quân Sīha chợt mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ vai vị quản gia trung tín:

- Này, ông bạn già! Bây giờ ta không còn là con người cũ nữa. Rồi tất cả vật nuôi kia ta sẽ thả hết, ta sẽ cho đi hết... Ông nên nhớ rằng, từ rày về sau, thức ăn trong nhà, trong trang trại phải là những con vật đã chết rồi. Ngày mai là thế mà sau này cũng thế! Tấm lòng của ta, ngôi nhà của ta phải biết che chở, biết bao dung và biết quý trọng sự sống của muôn loài!

Người quản gia trố mắt. Đúng là phép lạ! Cái ông Thế Tôn kia quả là trổ tài ảo thuật thật rồi, trong thời gian ngắn ngủi - chỉ chừng bóng mấy con ngựa chạy - mà có thể biến chuyển tâm tánh của một ông thủ lãnh tướng quân như thế, không là kỳ diệu sao?

Cuộc bố thí, cúng dường lớn mới qua đi nửa buổi mà dư luận kinh thành Vesāli đã bàn tán sôi nổi. Người quản gia về kể cho tướng quân nghe rằng:“ Rất nhiều đồ chúng của Nigaṇṭha Nāṭaputta đi từ đường phố này sang đường phố khác, từ ngõ lớn này sang ngõ nhỏ khác; chúng quơ tay kêu réo, la hét đến khản giọng như sau: Hôm qua, tướng quân Sīha đã giết những con thú lớn, thú nhỏ - làm bữa trai phạn để đãi đằng cho sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ta. Sa-môn Gotama tuy biết được điều ấy nhưng vẫn thọ dụng như thường. Thế rõ, giáo pháp ấy là tà mạng, bất chánh. Người cố ý giết thịt và kẻ cố ý ăn thịt đều chịu chung một sát nghiệp như nhau!”

Tướng quân Sīha nghe xong, im lặng một lát rồi trầm tĩnh hỏi người quản gia:

- Ví như ta trả lời thì phải trả lời làm sao với sự đặt điều rỗng không ấy?

- Thưa chủ! Con đã được ngắm nhìn đức Thế Tôn và hội chúng tỳ-khưu. Con đã thấy phong thái, cử chỉ và tư cách của họ lúc đi đứng, lúc nhận vật thực cũng như khi thọ dụng, vo tròn từng vắt cơm nhỏ, rất cẩn trọng và rất tri túc. Thật khác xa một trời một vực với giáo chủ và giáo chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta trước đây. Con lại được nghe pháp nữa. Thật là mát mẻ và hoan hỷ cái lỗ tai. Bữa trai phạn lại tự tay con làm theo lệnh của chủ. Vậy thì những lời mà giáo chúng kia cố ý vu cáo, phỉ báng đức Phật, cố ý vu cáo, phỉ báng đức Pháp, cố ý vu cáo, phỉ báng đức Tăng – thì rõ là chúng không tự lượng sức mình, đã phí công, đã láo khoét một cách vô ích... chẳng thể nào làm tổn hại uy tín của giáo hội chơn chánh được.

- Đúng lắm, này ông quản gia! Từ rày cho đến trọn đời, một con sâu, một cái kiến – ta cũng không giết hại. Mà cho dù có bị uy hiếp đến tính mạng, ta cũng không tước đoạt sự sống của loài hữu tình đâu, ngươi nên nhớ như vậy!

Đấy đúng là sự thật trong tâm của vị thánh đệ tử.

 

2.31- Bát Gỗ Đàn Hương

Tại kinh thành Rājagaha (Vương Xá) có người triệu phú đi tắm sông, nhặt được một khúc gỗ đàn hương chỉ còn lõi, rất quý. Ông thuê thợ khắc tiện đẽo thành một chiếc bình bát. Sau khi chuốc mài, đánh bóng, vân gỗ hiện ra màu hồng đào rất đẹp. Ông thích thú ngắm nhìn mãi.

Bạn ông lấy làm lạ, hỏi:

- Ngài triệu phú có ý định làm vị sa-môn khất sĩ chăng?

- Không phải!

- Hay muốn làm một tác phẩm nghệ thuật, chưng cho đẹp mắt, ngắm cho vui mắt?

- Cũng không phải!

Trầm ngâm một chút, ông triệu phú giải thích:

- Theo truyền thống gia tộc, khi làm xong mọi bổn phận ở đời rồi, tôi phải xuất gia, theo gót một đoàn sa-môn, bà-la-môn nào đó. Nay tôi cũng đã trọng tuổi, chưa nói chuyện xuất gia, nhưng tôi cũng muốn tìm một giáo phái nào đó để nương tựa. Nhưng hiện nay, từ các nước liên bang cộng hòa bên bờ bắc sông Gaṅgā, sang bờ Nam, tại kinh thành này – ông giáo chủ nào cũng tự xưng là Phật, là đại thánh, là đại A-la-hán cả. Vậy mình biết tin ai bây giờ?

Người bạn gật đầu:

- Quả vậy! Nhưng tôi nghe nói, sa-môn Gotama là Phật thiệt đấy! Ông coi, đức vua Bimbisāra (Bình-sa) đâu phải là con người cả tin, không có trí - thế mà đã quy y làm môn hạ sa-môn Gotama? Rồi cả triều đình, cả Veḷuvana (Trúc Lâm) và cả quy mô đại tính xá nữa?

Vị triệu phú mỉm cười:

- Cả các lão thần, các danh gia vọng tộc, cả chàng thánh y Jīvaka và cả vườn xoài của hắn ta nữa?

- Đúng thế!

- Nhưng tôi chưa tin – Ông triệu phú lắc đầu - Vậy nên, tôi cho đẽo chiếc bát quý trọng này rồi móc trên đầu chót những cây tre dựng cao mười tầm cây thốt nốt; rồi cho gia nhân đánh trống, bố cao khắp mọi nơi rằng: “Vị nào có thể bay lên để lấy chiếc bát trầm đỏ thì chúng tôi mới tin vị ấy là bậc A-la-hán. Tất cả gia đình, quyến thuộc, bạn hữu chúng tôi sẽ làm môn hạ vị ấy, giáo phái ấy!”

Chuyện không mấy chốc lan xa khắp nơi. Mọi người tò mò tìm đến xem chuyện hư thực. Quả là chiếc bát đỏ rực treo cao tít trên mây xanh. Người kéo đến ngày càng đông. Và du sĩ, đạo sĩ, sa-môn, bà-la-môn cũng kéo đến rất đông. Người ta bàn tán về chiếc bát quý. Người ta bàn tán không biết ai là người có thần thông trên đời này? Rồi chiếc bát kia sẽ lọt vào tay giáo phái nào?

Giáo chủ của sáu giáo phái hữu danh được kể tên là Makkhali Gosāla, Pakudha Kaccāyana, Nigaṇṭha Nāṭaputta, Ajita Kesambala, Sañjaya Velaṭṭhaputta hiện rải rác đầy khắp các quốc độ Bắc Nam sông Gaṅgā. Họ có đồ chúng rất đông. Chuyện bát trầm đã đến tai họ. Gia đình triệu phú đã rất khó chịu khi phải tiếp đoàn này rồi đoàn khác. Ai đến cũng chỉ để thuyết phục ông, rằng là nên dâng cúng bình bát ấy cho giáo chủ chúng tôi. Giáo chủ chúng tôi là bậc A-la-hán, xứng đáng thọ nhận bình bát quý giá ấy. Rằng là, chẳng lẽ nào một vị A-la-hán lại đến đây trổ thần thông vì một vật ngoại thân? Rằng là, A-la-hán là bậc thượng nhân, hành động bay lên lấy bát xem ra chẳng đẹp mắt chút nào!

Nói gì thì nói, ông triệu phú không dễ gì bị thuyết phục.

- Lời nói của tôi là một chiếc đinh to, đóng trên đầu ngọn tre rồi, quý ngài cứ bay lên đấy mà nhổ!

Đã năm sáu ngày qua đi, thế là không có một vị A-la-hán nào trên đời này sao? Nghe nói có một giáo chủ tìm đến, sau khi thuyết phục không được, ngài định sử dụng thần thông, vừa nhớm bay lên thì người đệ tử bên cạnh đã nhanh tay kéo y lại, nói rằng:“Cái bát này thật không xứng để thầy làm như vậy. Thôi, ông triệu phú đã không chịu dâng – còn có vẻ cảnh cáo – thì sau này đừng có hối tiếc đấy!”

Đến ngày thứ bảy, trưởng lão Mahā Moggallāna (Đại Mục-kiền-liên) và đại đức Piṇḍolabhāradvāja vân du hành hóa ở xa về. Sau khi đi khất thực vừa đủ dùng, hai vị ven theo một sườn núi vào thành. Trên đường, nghe người ta bàn tán bên tai về chuyện cái bát đàn hương trên đầu mười ngọn tre của ông triệu phú; lại có vẻ chê cười một số sa-môn, bà-la-môn không có tài, lại đến thuyết phục dâng bát. Họ cũng hoài nghi như ông triệu phú là trên thế gian này không có vị A-la-hán nào đâu...

Bước lên một mỏm núi cao để nhìn bao quát thành phố, trưởng lão Mahā Moggallāna nói với vị tỳ-khưu trẻ đang đứng ở bên cạnh:

- Ông nghe đấy! Người ta đã hoài nghi như thế, đâu có sai, phải không?

Đại đức Piṇḍolabhāradvāja đưa tay chỉ trang viện ông triệu phú ở tít dưới xa; và cái bát - chỉ là một cái chấm nhỏ như đầu mũi kim - treo cao trên đầu ngọn tre cùng với một đám đông người đang ngồi, đứng lố nhố trông như đàn kiến, rồi nói:

- Họ đấy! Đối với họ, với chúng sanh ngu muội – Ai sử dụng thần thông lấy được cái bát treo cao ấy thì mới là bậc A-la-hán thứ thiệt! Tội nghiệp không!

Trưởng lão Mahā Moggallāna mỉm cười:

- Dường như ông muốn cho họ một bài học phải không?

- Trước mặt trưởng lão, đệ tử... Nét mặt vị đại đức trẻ đỏ lựng lên - đệ tử đâu dám thế!

- Ông còn nghĩ rằng, hãy hiển lộng thần oai cho dân chúng Vương Xá thành, cả ngoại đạo, cả ông triệu phú kia biết khả năng đệ tử của đức Tôn Sư. Vả chăng, nó còn lợi lạc, tạo duyên lành cho cả hằng trăm người quy y theo Phật đạo nữa, có phải thế không?

Thấy vẻ lúng túng của vị tỳ-khưu trẻ, trưởng lão Mahā Moggallāna nói:

- Thôi được rồi! Ta cho phép ông đấy. Giả dụ như đức Tôn Sư có la rầy thì để ta gánh chịu cho!

Đại đức Piṇḍolabhāradvāja tuy đắc ngũ thông nhưng chưa có thánh quả, tâm vẫn còn lăng xăng, ham vui; được lời của vị Đệ nhị đại đệ tử như mở tấm lòng. Ông cúi đầu xá chào trưởng lão rồi nhanh như cánh chim én, nhảy lên một tảng đá cao, nhiếp tâm vào định tứ thiền, xuống cận hành, khởi tưởng, trú tưởng, làm kiên cố tưởng. Lát sau, như cánh chim đại bàng, ông bay lên, tảng đá to cao hơn cả cái nhà bị hút dính dưới chân - rồi cứ thế, cánh đại bàng bay ba vòng quanh thành Vương Xá. Bên dưới thành phố, dân chúng xôn xao, ngước lên trời chỉ trỏ. Lát sau, một số nơi đã tỏ ra hoảng loạn, họ sợ tảng đá rớt xuống, sập nhà cửa và chết người nên chạy tới chạy lui có vẻ bất an. Biết vậy, khi đến gần nhà ông triệu phú, đại đức Piṇḍolabhāradvāja khẽ nghiêng người, lắc chân một cái là tảng đá lớn kia được trả về vị trí cũ trên núi. Thuận tay, rướn người, đại đức lấy chiếc bát trên đọt tre cao mười tầm thốt nốt, rồi như cánh chim ưng vàng bay đến cửa nhà ông triệu phú. Ở đây, mọi người đang trố mắt, sững sờ. Thoáng sau, cả gia đình ông triệu phú mừng vui, hớn hở ra đón chào vị A-la-hán trẻ tuổi!

- Tôi là đệ tử đức Thế Tôn! Tôi không phải là bậc A-la-hán cao quý, xin ông triệu phú, cả nhà và mọi người hiểu cho như vậy!

Đại đức Piṇḍolabhāradvāja hai ba lần phân bua, thanh minh. Nhưng ông triệu phú không cần biết điều đó, thỉnh mời vào nhà, xếp đặt chỗ ngồi cao quý nhất. Cả nhà quỳ xuống đảnh lễ. Gia nhân, kẻ làm công và mọi người tìm đến, xúm quanh, vòng trong, vòng ngoài bàn tán ồn ào như buổi chợ đông.

- Có vị A-la-hán thật sự trên thế gian này rồi! Xin ngài cho chúng đệ tử được cúng dường!

Ông triệu phú xin thỉnh lại cái bát đàn hương, đặt vào đấy vật thực thượng vị loại cứng, loại mềm. Thọ nhận xong, vị tỳ-khưu trẻ tuổi nghiêm trang nói:

- Hãy đến Trúc Lâm tịnh xá, quỳ bên chân đức Đạo Sư – ngài dạy như thế nào thì cứ y như vậy mà thọ trì – tôi chỉ là người mới tu học sơ cơ, xin quý vị biết cho như vậy!

Nói thế xong, sợ mọi người phiền nhiễu, đại đức Piṇḍolabhāradvāja chợt biến mất tại chỗ và có mặt ngay tại khu rừng trúc với thời gian như viên lực sĩ co duỗi cánh tay.

Biến cố vừa rồi làm xáo động cả thành phố. Một đồn mười, mười đồn trăm. Không mấy chốc, cả gốc cây, cục đá, bụi cỏ trên mọi hang cùng ngõ hẻm đều đã biết chuyện ấy. Thế rồi, từng đoàn người, từng đoàn người kéo về Veḷuvana như trẩy hội.

 

Đức Thế Tôn, lúc ấy đang tiếp chuyện với thần y Jīvaka Komārabhacca.

Chuyện là sắp đến mùa mưa, ngài và một hội chúng chừng năm trăm vị, gồm chư vị trưởng lão, tỳ-khưu tăng, ni trưởng Gotamī, Yasodharā, một số tỳ-khưu-ni... từ Vesāli về lại Veḷuvana. Đây là năm an cư thứ sáu của ngài. Sau một thời gian khá dài vắng mặt, đức Phật thấy có một vài sự đổi khác trong sinh hoạt ở đây, chuyện tốt có, chuyện xấu có.

Việc đầu tiên là tôn giả Uruvelā Kassapa và đồ chúng tìm đến đảnh lễ, nói là đức vua Seniya Bimbisāra đã hứa khả dâng cúng một khu rừng cách đây không bao xa để thành lập ni viện. Tôn giả Mahā Kassapa cũng hoan hỷ cho biết là một số Nam nữ đạo sĩ khổ hạnh cực đoan của Nigaṇṭha Nāṭaputta đã được tôn giả cảm hóa – trong đó có Bhaddākapilāni, người vợ cũ – hiện đang đợi chờ sự giáo giới của đức Tôn Sư.

Gần một tuần lễ, đức Phật và các vị trưởng lão thay nhau đến khu rừng mới, nơi ni viện vừa mới thành lập. Đức Phật đã làm lễ xuất gia cho ni giới sau đó bàn giao công việc cho ni trưởng Gotamī và một số giáo thọ, tỳ-khưu-ni học thức, biết việc, quen việc từ Vesāli sang. Cơ sở lều xá đã được tôn giả Uruvelā Kassapa, tôn giả Mahā Kassapa và chúng đệ tử chuẩn bị từ trước nên số lượng công việc kể ra cũng không nhiều lắm. Tôn giả Sāriputta dường như phải thường trực để giáo giới ni chúng tập sự. Tôn giả Mahā Moggallāna thì được đức Phật giao phó những công việc riêng, lúc ở gần, lúc ở xa; nhưng đa phần là cho phép ngài sử dụng thần thông để cảm hóa hoặc hàng phục những người hữu duyên nhưng rắn mắt, cứng cỏi. Có một chuyện tình cảm tế nhị mà đức Phật cũng không quên dặn tôn giả Ānanda - là tạo sự gặp mặt giữa ni trưởng Gotamī, tỳ-khưu-ni Yasodharā, sa-di Rāhula, đại đức Nanda, các tôn giả ông hoàng quý tộc và một số gia đình Sākya thân thiết. Gặp nhau, họ mừng vui lắm, nhưng xem ra cũng thanh thản, nhẹ nhàng.

Tại giảng đường Trúc Lâm, vài ba lần giáo giới thường lệ đến hội chúng tỳ-khưu, sau đó là buổi gặp mặt tất cả chư vị trưởng lão - Đức Phật nói:

- Trong số tỳ-khưu mới nhập chúng, Như Lai nhận thấy có một số vị ngũ quan khuyết tật, trông không có tăng tướng, có thể làm mất đức tin cho các hàng cư sĩ tại gia – là tại làm sao?

Tôn giả Koṇḍañña niên trưởng, đại diện cho các trưởng lão thưa trình:

- Trong hội chúng của các ngài Kassapa, thường đi hành hóa ở xa, lâu lâu hóa độ đâu đó một vài người, nghe nói trước đây họ là đạo sĩ tóc búi, có ở tại Uruvelā. Do nể tình đồng đạo cũ, các ngài đã thu nhận. Chính đệ tử thấy cũng khó chịu, nhưng xét ra, đức Tôn Sư chưa có quy định gì về điều ấy!

Đức Phật gật đầu:

- Phải rồi! Như Lai không thể trách các vị được! Đấy là việc thứ nhất cần nên chấn chỉnh - Đức Phật nhìn quanh một lát – Còn việc thứ hai nữa. Trước đây, lúc Như Lai giảng pháp, dẫu cả ngàn người nhưng cũng im lặng như tờ. Nhưng mấy hôm vừa rồi, Như Lai nhận thấy trong hội chúng, nhiều kẻ đứng lên, ngồi xuống, đi ra, đi vào, nhúc nhích, nhấp nhổm khá tùy tiện; lại có rất nhiều cử động thô tháo ở nơi tay chân, thân mình; đây đó lại có tiếng ho, tiếng khạc nhổ, tiếng hắt xì hơi, tiếng gãi ngứa, tiếng cào tay rột rạt... là tại làm sao vậy nhỉ?

Tôn giả Vappa thay huynh trưởng, trình thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Những điều đức Tôn Sư thấy hoàn toàn đúng. Tất cả số tỳ-khưu ấy đều đa phần là bệnh nhân. Họ mắc đủ thứ bệnh. Kể từ khi thánh y Jīvaka Komārabhacca nổi danh thơm về tài chữa bệnh đã lan xa nhiều quốc độ. Người ta lũ lượt tìm đến trang viện của thánh y xin chữa hằng chục thứ bệnh khác nhau. Họ ngồi, nằm la liệt đầy sân, đầy vườn. Thánh y Jīvaka Komārabhacca từ chối, nói rằng, ông ta đã đầu tắt, mặt tối lo cho hoàng gia, đức Phật và tăng chúng - đã không có được chút ít nghỉ ngơi, lấy đâu ra thì giờ để chữa bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, họ không chịu đi. Sau phải nhờ một số quân đội hoàng gia mới giải tán được.

Đức Phật yên lặng lắng nghe. Ngài tuy biết mọi chuyện nhưng muốn để chư trưởng lão trình bày, sau đó, chính họ phải có biện pháp giải quyết.

Tôn giả Assaji thưa tiếp:

- Số Nam bệnh nhân ở đấy, họ khôn ngoan tìm đến các trưởng lão xin xuất gia, cốt ý để được Jīvaka chữa bệnh. Một số sau khi lành bệnh liền hoàn tục. Số chưa lành bệnh hiện còn ở đây. Đa phần không có tâm tu, tục khí còn quá nặng nề. Chư trưởng lão và các vị giáo thọ hiện đang rất khổ tâm về điều ấy!

Đức Phật lại gật đầu:

- Phải rồi! Nhưng các vị cứ nói tiếp đi!

Tôn giả Kimbila thưa tiếp:

- Mới đây, Jīvaka Komārabhacca phát hiện có nhiều chứng bệnh rất nguy hiểm, muốn gặp đức Thế Tôn để trình bày cho cặn kẽ để sớm có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa...

Đức Phật nói:

- Cả việc ấy Như Lai cũng chưa chế định. Ừ, rồi Như Lai sẽ nói chuyện với Jīvaka. Nhưng hiện tại, trước mắt, một vị tỳ-khưu trong giáo hội thanh tịnh – mà lé mắt, chột mắt, đi khập khiễng, cụt một tay, cụt một chân, cổ ngoẹo một bên, người lùn tịt, sứt tai, sứt mũi, bướu cổ, câm điếc... nghĩa là ngũ quan bất toàn, kỳ hình dị dạng – thì chư vị trưởng lão trông có được không?

- Thưa, không được!

- Còn nữa! Rồi cái tịnh xá Trúc Lâm này, đến một lúc nào đó sẽ biến thành bệnh viện với các vị tỳ-khưu mang bệnh cùi, bệnh lao, bệnh động kinh... thì trông có được chăng?

- Thưa, không được!

Đức Phật nhìn các vị trưởng lão rồi tiếp:

- Giáo pháp Như Lai được xây dựng trên nhân quả, có nhân, có duyên mới có quả. Khi nào có một việc phát sanh mà ai cũng thấy đó là xấu – thì ngăn chặn điều xấu ấy, dập tắt nhân ấy, đã trở thành giới điều, trở thành luật tắc. Việc vị tỳ-khưu toàn hảo ngũ quan, tăng tướng – là điều kiện để cho thọ đại giới, vậy là đã trở thành luật xuất gia tỳ-khưu. Việc vị tỳ-khưu phải hoàn toàn khỏe mạnh, vô bệnh – là điều kiện cho thọ đại giới, vậy là đã trở thành luật xuất gia tỳ khưu! Các vị thấy có đúng không?

- Thưa, phải vậy!

- Thế thì bây giờ, chư vị trưỏng lão sẽ họp bàn với nhau, soạn thảo với nhau về tất thảy mọi điều kiện toàn hảo, viên mãn về luật xuất gia tỳ-khưu. Hai nội dung lược dẫn mới chỉ là gợi ý sơ khởi, Như Lai biết, các vị sẽ đưa ra được một liệt kê toàn bích hơn nhiều!

Tôn giả Sāriputta tán thán:

- Đúng là sự thấy biết của bậc Toàn Tri Diệu Giác! Chúng đệ tử nắm bắt rất rõ. Các điều kiện xuất gia còn có khả năng ngăn chặn kẻ mang công mắc nợ, kẻ trốn lính, bọn trộm cướp trốn luật pháp, bọn á Nam á nữ, bọn bị hình phạt đóng dấu lên trán, bọn bị cáo thị tầm nã...; nghĩa là còn nhiều lắm, bạch đức Tôn Sư!

- Ừ, đúng vậy! Như Lai biết! Bây giờ các vị hãy làm việc đi, có Sāriputta và Koṇḍañña chủ trì. Như Lai sẽ làm việc với Jīvaka Komārabhacca, ông ta đã đến rồi đấy!

Và quả đúng như thế, lúc ấy, Jīvaka với cỗ xe hai ngựa đang đi vào Trúc Lâm tịnh xá.

 

Đức Phật chăm chú lắng nghe thánh y Jīvaka Komārabhacca trình bày tình trạng nguy hiểm do một số bệnh nhân lợi dụng tìm cách giả mạo, trộm tướng xuất gia. Trong số ấy, có một số bệnh được coi là nan y, bất trị; có một số bệnh lại lây lan truyền nhiễm rất nhanh, nếu chư tỳ-khưu không có kiến thức vệ sinh phổ thông thì nguy hại cho cả giáo hội. Xin đức Thế Tôn cho mở lớp học này. Đáng lưu ý nhất là có một số bệnh - phải gọi là bệnh nghiệp mà ông ta đang nghiên cứu - liên hệ đến việc bệnh nhân cần phải thay tâm đổi tánh; phải biết tu tập, phải biết bố thí, trì giới... mới có công năng giải tan ác nghiệp trước đây!

Jīvaka Komārabhacca nói rằng, bọn chúng đa phần do trọng nghiệp thuở trước còn dư sót, tự bản thân lại đang sống trong các ác, bất thiện pháp thì thượng đế cũng không cứu chúng được. Đệ tử lại càng không thể. Muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải trả họ trở về nhà...

Chính lúc đang nói chuyện ngang đây – thì dân chúng hiếu kỳ đã kéo đến làm huyên náo cả Trúc Lâm. Vị tỳ-khưu thị giả trình bày lại câu chuyện chiếc bát gỗ đàn hương và đại đức Piṇḍolabhāradvāja đã sử dụng thần thông ra sao. Ngay lúc ấy, tôn giả Mahā Moggallāna cũng vừa dẫn vị đại đức ấy đến đảnh lễ đức Phật và trình diện ngài.

Buổi chiều, sau thời pháp lệ thường, đức Phật giáo giới rộng rãi đến hội chúng, có cả chư vị trưởng lão và đầy đủ cả tăng ni hai viện:

- Chuyện sử dụng thần thông để lấy chiếc bát gỗ quả thật là không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn hạnh. Trước đây, Như Lai thường để cho các vị thượng thủ A-la-hán đã chấm dứt lậu hoặc, đã rỗng không mọi trần cấu – tùy nghi sử dụng các khả năng thắng trí để giáo hóa một số căn cơ nào đó. Nhưng nay thì chuyện gì xảy ra? Tỳ-khưu Piṇḍolabhāradvāja dầu có pháp thượng nhân nhưng chưa bước được vào dòng thánh đạo, nội tâm còn nhiều cấu uế - lại muốn chứng tỏ oai lực của mình trước muôn dân thành Vương Xá? Hành động ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ tâm trí còn dục tham, khoa trương, muốn thể hiện bản ngã – là những kiết sử, cấu uế không có trong tâm bậc thánh. Vì chưa cấm đoán, chưa chế định nên tỳ-khưu Piṇḍolabhāradvāja chưa phạm lỗi. Nhưng nay thì khác. Từ rày về sau, ngoại trừ một vài vị do Như Lai chỉ định, Tăng Ni hai viện, ai để lộ pháp thượng nhân trước hai hàng cư sĩ tại gia, trước mọi người thì phạm tội dukkaṭa[i]- tức là xấu ác, sái quấy - phải sám hối trước Tăng.

Nhìn chiếc bát gỗ trầm láng lẩy, óng chuốt nổi vân đỏ và tỏa mùi thơm - đức Phật tiếp lời:

- Chẳng lẽ nào một sa-môn khất sĩ, xin ăn trước cửa mọi nhà, sống đời tri túc, tri chỉ, bần hàn, vô sản... lại sử dụng chiếc bát trân quý thế kia? Có xứng với phẩm hạnh xuất trần, ly cấu chăng? Có nghe dễ chịu trước tiếng lời của dư luận xã hội chăng?

Tôn giả Mahā Kassapa bạch:

- Thưa đức Tôn Sư! Chính người sử dụng nó đã cảm thấy khó chịu; còn dư luận xã hội thì khỏi nói, họ cười chê, biếm nhẽ, coi khinh không ra gì đâu! Nhân tiện đây, xin đức Thế Tôn cấm chỉ luôn các loại bát vàng, bát bạc, bát các loại ngọc, bát pha lê, bát đồng đỏ, bát thủy tinh, bát thiếc, bát chì, bát đồng thau...[ii] mà lác đác đâu đó, ở nơi này và nơi kia, có một số vị tỳ-khưu đã sử dụng.

Đức Phật gật đầu:

- Phải rồi! Những loại bát mà vị Đệ nhất đầu-đà đã liệt kê cũng được phải cấm chỉ như thế. Các hàng trưởng lão phải thông báo rộng rãi điều ấy đi các nơi! Ngưng một lát, nhìn chiếc bát trầm, nhìn qua hướng Jīvaka Komārabhacca - đức Phật tiếp – Còn cái bát trầm đỏ, này ông thần y, nó có phải là thuốc không?

- Đúng vậy, bạch đức Tôn sư! Nó là dược liệu, ví như ta có thể tinh chế để làm thuốc rỏ mắt cho sáng; nhưng đồng thời cũng là một loại hương liệu quý hiếm nhằm để pha trộn vào các loại thuốc cao, như: cao chữa bỏng, cao đắp đau lưng, cao làm tươi mịn da, cao hút độc, mụt nhọt, cao đắp chỗ xương gãy, cao nhuận tràng, cao ấm phổi... nhiều lắm!

- Ừ! Vậy thì Như Lai trao cái bát quý ấy cho ông để sử dụng vào việc lợi ích.

- Đệ tử sẽ nghiền thành bột để tinh chế thuốc rỏ mắt và các loại cao cần thiết nhất để phục vụ đức Thế Tôn và Tăng Ni hai viện.

Sau đó đức Phật chế định rằng, chư tỳ khưu, tỳ-khưu-ni chỉ nên sử dụng bát sắt, bát gỗ mít và bát đất mà thôi; ai sử dụng loại bát khác, ngoài chế định, như đã nêu ở trên, là phạm tội dukkaṭa! 

 

2.32- Tiếp Chuyện Đức Vua Seniya Bimbisāra

Hôm kia, vào buổi chiều, tiết xuân, đức vua Seniya Bimbisāra, hoàng hậu Videhi, hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) cùng quan binh tùy tùng hộ giá đến thăm đức Thế Tôn. Đức vua ra lệnh cho dừng xe ở bên ngoài rồi cùng hoàng hậu nắm tay hoàng tử đi lần vào, chậm rãi từng bước một theo lối sỏi. Đức vua đưa mắt nhìn nơi này, nơi khác. Mỗi khi công việc triều chính mệt mỏi, đức vua lại tìm đến đây để hưởng được giây phút an bình. Dẫu không có đức Phật thì có các vị trưởng lão, đức vua có thể tiếp kiến để học hỏi nhiều điều. Hóa ra, các vị này kiến thức cũng thâm uyên, lại có thể rành rẽ, khúc chiết giảng giải giáo pháp, liên hệ việc đời, việc đạo một cách rất thông bác...

Trúc Lâm đại tịnh xá càng ngày càng phát triển. Chính đức vua cho viên quan đặc trách kiến trúc của hoàng gia thường lui tới đây, công trình nào xuống cấp, phải tu bổ ngay. Trong thời gian sử dụng, nếu thấy thiếu những công trình phụ cần thiết nào phải trình báo, rồi thưa xin các vị trưởng lão cho thực hiện để phục vụ tăng chúng kịp thời!

Tin đức Phật và đại chúng Tăng Ni về an cư mùa mưa đã lâu, đức vua chỉ mới đến thăm viếng một lần, nhưng sau đó thì quá nhiều bận rộn. Từ khi sống theo giáo pháp, nội tâm đức vua được yên ổn, nội cung và triều đình cũng yên ổn; nhưng đức vua và một số các quan đại thần trẻ lại có những quan điểm bất đồng về chính sách. Họ bảo rằng, luật pháp mà quá khoan thứ thì nhân dân sẽ sinh loạn. Họ nói rằng, giới thanh niên xuất gia quá nhiều thì gánh nặng gia đình lại đẩy qua cho giới phụ nữ. Họ nói rằng, bây giờ phụ nữ cũng được tự do xuất gia nữa thì miếng cơm, manh áo của xã hội lại phải san sớt quá nhiều cho du sĩ, đạo sĩ, sa-môn, bà-la-môn trì bình khất thực - đến lúc nào đó sẽ không còn chịu đựng nổi. Họ nói rằng, của tiền của hoàng gia đổ vào để xây dựng tịnh xá cho Tăng Ni, trong lúc các công trình cung điện hoàng gia xuống cấp lại chưa được trùng tu. Bức tường bao bọc thành ngoài là công trình an ninh quốc phòng đôi nơi cũng đã hư sập, cũng đang đòi hỏi ngân sách và sức dân. Nếu viện cớ là thời bình, muôn dân phú túc, thịnh cường mà không có chính sách nhìn xa trông rộng ... thì cũng là nguy cơ của triều đại. Cần phải khai thác thêm các mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ vàng.. để một phần dự trữ cho ngân khố, một phần bán ra các nước láng giềng, một phần rèn đúc khí giới, áo giáp... dùng lúc hữu sự! Họ nói có lý quá. Và đức vua cũng đã mệt mỏi quá. Việc này chưa yên đã sinh việc khác. Mấy năm nay, miền Bắc sông Gaṅgā liên tiếp được mùa thì phía Nam mất mùa; mặc dầu Māgadha (Ma-kiệt-đà) chưa ảnh hưởng gì nhiều lắm nhưng cũng phải kiếm cách thay đổi cây trồng nông nghiệp. Đức vua lại nghĩ khác, năm nay đức Thế Tôn và đại chúng về an cư ở đây thì Tứ đại thiên vương phải lo điều ấy. Họ, một số quan đại thần ấy chưa đầy đủ đức tin. Năm nọ, đức Thế Tôn và Tăng chúng vừa bước chân đến cửa Đông kinh thành Vesāli thì trời liền đổ mưa, hết khô hạn, hết dịch bệnh. Họ duy vật chất quá. Họ lại bảo ta duy tâm linh quá. Họ đâu biết rằng chỉ cần một trận mưa đúng tiết, đúng thời thì mang lại cơm áo cho cả hằng trăm ngàn người. Một hiện thân của đấng Siêu Việt ở đây là đã hộ trì cho quốc độ, đem đến an bình như thế nào cho bá tánh – chúng có hiểu đâu...

Đức Phật tiếp chuyện đức vua dưới bóng cây ngoài hiên. Trời im mát. Hoàng tử Ajātasattu đã mười tuổi, trông đã chững chạc, tự động đến đảnh lễ đức Phật.

Đức vua tâm sự về công việc bộn bàng ở triều đình, chuyện thời tiết nắng mưa năm qua khá phức tạp, nhưng từ khi đức Thế Tôn về an cư thì bắt đầu dễ chịu, mùa màng chưa đến nỗi nào. Một lát, lại hỏi qua chuyện ni viện đã ổn định chưa? Còn chuyện bệnh nhân trộm mạo tăng tướng xuất gia do Jīvaka kể lại thì giờ như thế nào rồi? Đức vua gợi ý, nếu có chuyện gì giải quyết không được, cần đến hoàng gia thì xin đức Tôn Sư cứ sai bảo.

- Không có gì, tâu đại vương! Số bệnh nhân do Jīvaka phát hiện, các vị trưởng lão ân cần nói chuyện phải trái, họ đã tự động trả lại y bát, hoàn tục, chưa có việc gì đáng tiếc xảy ra.

Đức vua hỏi sang chuyện khác:

- Mới đây dư luận bàn tán khắp nơi về việc một vị tỳ-khưu trẻ đã sử dụng thần thông để lấy chiếc bát trầm đỏ trên đầu đọt tre cao mười tầm thốt nốt; điều ấy là đúng với sự thực hay không đúng với sự thực?

- Quả có vậy!

- Dư luận cũng bảo rằng, đức Thế Tôn đã rầy la việc ấy; và sau đó đã công bố rộng rãi, là cấm chỉ chư tăng để lộ pháp thượng nhân, biểu diễn thần thông trước mắt mọi người?

- Quả có vậy!

- Nghe được điều ấy, mấy hôm nay, trên khắp mọi ngã đường, chúng ngoại đạo[i] gióng trống mở cờ tuyên bố là thách đấu thần thông với đức Tôn Sư đấy!

- Ừ, Như Lai cũng có nghe.

- Chúng nói rằng, các bậc giáo chủ cao quý của họ, không thể vì chiếc bát tầm thường mà để lộ pháp thượng nhân, lại càng không muốn sinh ra tranh chấp với đệ tử của sa-môn Gotama. Nay tình thế khác rồi. Các giáo chủ của họ muốn đấu pháp lực với chính sa-môn Gotama mà thôi!

- Ừ, Như Lai cũng có nghe như thế!

Thấy sự bình tĩnh, an nhiên của đức Phật, đức vua Seniya Bimbisāra lại cảm thấy lo lắng:

- Đức Tôn Sư đã cấm chỉ rồi! Vậy, chuyến này chúng ta sẽ bị lép vế rồi!

- Không đâu! Đức Phật mỉm cười - Chính Như Lai sẽ sử dụng thần thông để cho họ thấy oai lực bất khả tư nghị của một vị Chánh Đẳng Giác - ngài giải thích thêm – chư Phật quá khứ cũng thường làm như thế, một lần, nhiều loại thần thông khác nhau để nhiếp phục chúng ngoại đạo!

- Thế chuyện cấm chỉ...?

- Này đại vương - đức Phật nói tiếp – nghe nói đại vương có một vườn xoài đặc chủng, quý hiếm nên đã ra bảng yết thị cấm chỉ không cho phép ai được đến vườn xoài, hái xoài – có phải vậy chăng?

- Thưa, đúng vậy!

- Vậy cái bảng cấm chỉ ấy có cấm chỉ đại vương đến vườn xoài, hái xoài; hay đại vương là ngoại lệ, ở ngoài sự cấm chỉ ấy?

- Dĩ nhiên, ông vua thì cứ tha hồ!

- Cũng vậy, tâu đại vương! Như Lai cấm chỉ chư đệ tử, nhưng Như Lai thì ngoại lệ, Như Lai sẽ tùy nghi sử dụng thần thông để giáo hóa sanh chúng!

Đức vua bất giác cười xòa. Một lát, ngài hỏi tiếp:

- Vậy thì lúc nào đức Tôn Sư sử dụng thần thông?

- Đúng duyên, đúng thời thì phải vào đúng ngày rằm tháng sáu, đầu an cư mùa mưa. Nghĩa là bắt đầu từ hôm nay, đến tháng Asāḷaha, còn gần năm tháng nữa!

- Tại chỗ nào, thưa đức Tôn Sư?

- Tại nước Kosala, kinh thành Sāvatthī, trên một cái cây lớn, có tên là Kaṇḍamba!

Đức vua rất hoan hỷ về buổi tiếp chuyện với đức Phật, nhưng chỉ tiếc là không được xem cuộc biểu diễn thần thông ấy. Lúc từ giã, đức vua hứa sẽ giúp một tay để kiến thiết, sửa sang ni viện cho chắc bền hơn, khang trang hơn. Ra về rồi mà đức vua còn một nỗi niềm canh cánh bên lòng là chưa khuyên nhủ được bà quý phi của mình đến Trúc Lâm để được nghe pháp.

 

2.33- Bà Quý Phi Xinh Đẹp

Đức vua Sineya Bimbisāra và hoàng hậu Videhi – sau khi nghe pháp, đắc quả Nhập Lưu – thì họ có được đức tin vững chắc, có được đời sống thanh bình và an lạc. Mọi câu hỏi, mọi tư duy về đời người đã lần lượt được gỡ rối; mọi khổ ưu, mọi phiền não trong tâm hồn càng ngày càng nhẹ nhàng, yên lặng bớt. Đức vua có một bà quý phi xinh đẹp; tên là Khemā, luôn luôn hãnh diện và tự hào về sắc đẹp của mình - được ông vô cùng yêu mến. Nhưng sau khi học hiểu được giáo pháp, đức vua biết rằng, sắc đẹp của mỹ nhân giống như đóa hoa, một lúc nào đó sẽ nhạt phai, sẽ ố sắc và rữa hương. Chính vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tinh thần đươc thấm nhuần hương vị của chánh pháp mới không bị hư mục theo thời gian, mà ngược lại, ngày càng được khởi sắc và thăng hoa. Hoàng hậu Videhi bản chất thuần hậu, đoan trang, có vẻ đẹp nội tâm thầm lặng – như một mảnh vải trắng tinh rất dễ nhuộm màu – nên sau khi nghe pháp, bà nhẹ nhàng xuôi chảy vào dòng. Chỉ riêng bà quý phi Khemā là không chịu đi nghe pháp. Đức vua đã ân cần dỗ ngon, dỗ ngọt nhiều lần nhưng bà vẫn lắc đầu từ chối. Khi được gặng hỏi lý do thì bà đáp:

- Đức Thế tôn ấy có ba hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp, thiếp biết. Đức Thế Tôn ấy toàn hảo mọi đức hạnh, quyền năng, trí tuệ - thiếp cũng biết. Thế gian xưng tán ngài là bậc thầy của chư thiên và loài người - thì không ai còn dám hồ nghi. Tuy nhiên, thiếp sẽ không đi!

Khi được hỏi lý do, bà đáp:

- Nghe nói rằng, đức Thế Tôn thường có lời khiếm nhã đối với nữ giới. Ngài coi thường, đôi khi cười chê sắc đẹp của phụ nữ; ngài nói rằng, đẹp gì, quý gì, mỹ miều gì cái bao da đựng thịt, đựng xương mà trang điểm, mà xông hương, ướp phấn, thoa son... Quả là ngài chẳng lịch sự chút nào!

Đức vua Thánh đệ tử cười thầm trong lòng, nhưng ngoài mặt lại nói:

- Ừ, ngài nói vậy dù đúng với sự thực, nhưng mà cũng hơi quá đáng. Có được sắc đẹp như ái phi trên thế gian này phỏng có mấy người? Phải tu tập, phải tích lũy vô lượng phước báu mới có được như thế chứ đâu có dễ gì!

Bà Khemā thấy vua đồng quan điểm với mình, cảm thấy rất vừa lòng nên nhướng mày, đắc ý:

- Chứ sao? Vậy sao đại vương cứ nhắc ngày, nhắc đêm bảo thiếp phải đi hầu thăm đức Thế Tôn ấy?

- Có hai lý do - đức vua Bimbisāra chậm rãi, dịu dàng nói - Nàng biết không, Veḷuvanārāma đẹp lắm! Trúc Lâm đại tịnh xá là một nơi khả ái, khả hỷ, khả lạc, phong cảnh nên thơ, hữu tình làm sao! Nó nên thơ, hữu tình nhưng mà lại làm cho tâm hồn ta mát mẻ, trong lành, vô cùng dễ chịu. Người nào đến Trúc Lâm, thấy được Trúc Lâm rồi thì xem như người ấy đã thấy được Hỷ Lâm (Nandavana), thắng cảnh đệ nhất tại cung trời Đao Lợi - là nơi mà Đế Thích thiên chủ thường hay đến ngoạn du, vui chơi với cả hằng ngàn tiên nữ. Đấy là lý do thứ nhất.

- Gì mà đẹp ghê gớm vậy - bà Khemā cau đôi mày lá liễu - Thôi được rồi, vậy còn lý do thứ hai?

- Là vì đức Phật cũng thường hay khen ngợi phụ nữ - nhưng nàng không biết đấy thôi!

- Quả có thế sao?

- Đúng vậy! Ngài từng nói rằng: Bản chất người nữ tuy hơi mềm yếu, nhưng họ cũng có khả năng thành tựu tri kiến cao thượng, có nền tảng khá vững chắc để phát triển tứ vô lượng tâm. Ngoài ra, giác ngộ, giải thoát, tứ quả, thắng trí, biện tài, phân tích, giới hạnh, thiền định, tuệ giác... họ hoàn toàn không hề thua Nam giới. Đấy cũng là lý do mà đức Tôn Sư cho thành lập giáo hội tỳ-khưu-ni - vừa nói lên tiếng nói của một tập thể bình đẳng, dân chủ mà còn là cơ hội tuyên dương nữ giới, xem trọng nữ giới - trong lúc luật Manu trong truyền thống bà-la-môn tự ngàn xưa đã không coi nữ giới ra gì, suốt đời phải lệ thuộc Nam giới, lại còn xem rẻ, coi khinh nữa!

- Thế là khách quan, là đúng đắn! Hóa ra từ lâu thiếp chỉ nghe một bên, một chiều... đấy là lỗi lầm, là thiếu sót đáng chê trách của thiếp vậy.

Được đức vua Bimbisāra khôn ngoan thuyết phục nhiều lần như thế, chiều hôm ấy, bà quý phi xinh đẹp của chúng ta không cần quân lính hộ giá, chỉ với mấy cung nga lên một cỗ xe 4 ngựa trắng đến viếng thăm Trúc Lâm. Đến cổng tịnh xá, bà cho dừng ngựa, chậm rãi đi bộ vào. Quả là một khung cảnh tươi xanh, trong lành, mát mẻ. Đây đó thấp thoáng hình bóng các sa-môn áo vàng đang kinh hành hoặc tĩnh tọa dưới các gốc cây, bờ suối. Đâu cũng vắng lặng, yên ả, thanh bình. Tâm hồn bà dường như lặng dịu xuống. Đến một ngã rẽ, bà chợt dừng chân lại. Dưới bụi trúc có hai vị tỳ-khưu còn rất trẻ, tuổi vừa chừng đôi mươi đang an nhiên tọa thiền. Bà lặng lẽ quan sát “hai pho tượng tuyệt tác của hóa công”. Họ đẹp quá! Năng lượng của tuổi thanh xuân như phát sáng nơi vừng trán, khuôn mặt và dường như trôi chảy cuồn cuộn nơi từng cơ bắp, trong từng thớ thịt trắng hồng! Một ý nghĩ chợt thoáng hiện trong đầu bà: “ Ôi! Tại sao? Tại sao? Cái giáo pháp này như thế nào mà có thể lôi cuốn cả những chàng thanh niên trẻ đẹp, phải hy sinh cả sự sống cuồn cuộn của tuổi thanh xuân đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng bên vợ đẹp, con xinh - để đến đây sống đời viễn ly thế tục? Thật đáng khâm phục thay! Nhìn sự sáng rỡ của sắc mặt, nhìn sự an nhiên tĩnh tại này - thì rõ họ đâu có bi quan yếm thế, mà ngược lại, họ đang an trú một phúc lạc nội tâm nào đó?”. Bà quý phi xinh đẹp chợt thở dài, một hơi thở dài rất nhẹ - chỉ như là sự lay động của một cánh hoa trong làn sương sớm. Một tí hổ thẹn thoáng gợn trong tâm tư bà: “ Còn mình thì cứ cố mà hưởng thụ, mà thỏa mãn cái tuổi thanh xuân!”

Bà Khemā lần bước theo âm thanh với tám tuyệt hảo của đức Phật từ nhà giảng rộng lớn vọng ra. Xung quanh lặng ngắt như tờ. Bà cảm thấy ở đây rõ ràng là có một thế giới khác - mà dường như không hề lây nhiễm một hạt bụi tục lụy nào. Nội tâm bà chợt như bắt gặp được một cái gì từ một không gian tâm linh xưa cũ? Một không khí linh thiêng dập dờn trong ký ức mù sương?

Trong nhà giảng, chư tăng đang nghe pháp. Đức Phật với dung nghi sáng rỡ; với ngôn ngữ trầm, ấm, vang, ngân, sắc, gọn, mạch lạc, sáng sủa... cứ như từng đợt hải triều âm dịu dàng vọng giữa không gian. Người, vật, cỏ cây, mây nước... dường như bị chìm ngập, bị thu nhiếp, bị tan hòa trong biển âm thanh vi diệu ấy. Bà cũng bị cuốn hút bởi một năng lực siêu nhiên nào đó. Bà lặng lẽ quỳ xuống trước ngưỡng cửa nhà giảng. Phía hai bên đức Phật chợt ửng sáng, rồi từ trong đám mây ngũ sắc, hai cô tiên nữ bước ra, dung sắc mỹ lệ, phi phàm. Bà Khemā mở lớn đôi mắt bồ câu, sửng sốt. Đẹp quá. Cả hai vừa tuổi độ trăng tròn, trang sức xiêm y quá sức lộng lẫy, quá sức quý phái, quá sức kiêu xa, quá sức gợi cảm, quá sức mỹ miều... không thể có được trên thế gian này! Bà thật tủi hổ khi từ lâu đã tự hào, kiêu hãnh bởi sắc đẹp của mình. Ôi! Năm vẻ đẹp của giai nhân trần thế - có nghĩa gì với hai cô tiên nữ này. Đây phải là sự kết tụ tinh anh của ngàn hoa! Đây phải là linh hồn của nữ vương sắc đẹp đang hiện thân trong vóc dáng ngọc ngà kia - ở ngoài cả mọi ý tưởng, mọi ngôn ngữ diễn đạt! Bà Khemā lặng lẽ chiêm ngưỡng không chán mắt. Chợt, một làn gió nhẹ lay động, một màn sương mờ thoáng qua, có sự thay đổi nào đó trên sắc diện cùng vóc ngọc, dáng ngà của hai cô tiên nữ. Ồ! Nó thay đổi rất nhanh! Mới đó mà đã trở thành thanh nữ rồi. Đôi mắt hoa sen ẩn trong màu nước trong xanh vời vợi kia đã có gì đổi khác! Hai bờ môi chín mọng đỏ hồng như quả chà là đã có pha ở đấy một chút gió, chút sương! Làn da trắng mịn như chồi măng non đã mơ hồ có một làn mây nhạt phớt qua. Cặp nhũ đầy đặn, căng tròn như búp sen đã bắt đầu tiêu hao nhựa sống! Cái eo thon thả rồi nở ra cái lưng ong, cái mông ong đã có dấu hiệu chững lại! Và rồi, kìa, có sự thay đổi rất nhanh nữa - đã trở thành thiếu phụ, lão phụ trong một thoáng mắt! Bà Khemā bàng hoàng! Ôi! Còn đâu sắc đẹp thanh tân, trinh bạch, diễm kiều? Còn đâu vóc dáng tơ nõn căng tròn nhựa sống? Hai cô tiên nữ kia, bây giờ chỉ còn là hai cái xác nhăn nheo, nước da sạm đen mốc thếch và sần sùi như làn da cóc. Răng rụng, móm mém, phều phào nước nhớt, nước dải rỉ ra từ hai bên mép; tóc bạc lốm đốm bụi bẩn, tay chân run rẩy, cái lưng cong gập xuống như cái giàn xay... Còn nữa, cả hai chợt ôm bụng, nhăn nhó, đau khổ, quằn quại - khuôn mặt méo mó, mắt như lồi ra, rên rỉ thảm não... Rồi cả hai bỗng co quắp, đổ ụp xuống, trợn mắt, ngoẹo đầu, tắt thở trong cảnh kinh hoàng, kinh khiếp... Nhìn cảnh tượng ấy, bà Khemā tràn đầy kinh cảm, rởn cả tóc gáy, tự nói với chính mình:“Ôi! Có gì nữa mà tự hào, hãnh diện? Ngươi đã thấy chưa, đã sáng mắt ra chưa hỡi con Khemā si mê, ngu ngốc! Tuổi trẻ, sắc đẹp, vóc dáng thanh xuân rồi sẽ một thoáng qua mau! Bệnh hoạn, già yếu, thống khổ, tử vong... một lúc nào đó như cơn lũ lớn, nó sẽ cuốn trôi tất cả, phá sản tất cả, diệt mất tất cả. Hãy thức tỉnh đi thôi!”

Đức Phật đã biến hóa ra hai cô tiên nữ, chỉ có ngài, các bậc có thắng trí và bà Khemā thấy - để giáo hóa người đàn bà quý phái. Đúng lúc, bà như vừa tỉnh lại sau cơn mộng dài, đức Phật rót vào tai bà một bài kệ ngôn:

“- Này con! Này Khemā!

Hãy thấy thực cái thân

Cái thân là như vậy đấy!

Rồi nó sẽ già yếu

Rồi nó sẽ nhăn nheo

Rồi nó sẽ xấu xí

Nhớm gớm bởi tạp uế

Dầu có nâng niu, tô vẻ

Dầu có ướp hoa, xông hương

Nó cũng sẽ tàn úa và tử vong

Chỉ có kẻ thiểu trí, mê si

Mới đam luyến, ấp iu cái thân

Hãy tỉnh lại, này con!

Hãy bước vào giáo pháp

Hãy bắt đầu tu tập

Hãy nhàm chán các sắc

Hãy trú thân hành niệm

Hãy quán thân bất tịnh

Từ bỏ mọi say đắm

Cả bên trong, bên ngoài

Hãy thấy dòng bộc ái

Cuốn trôi bao chúng sanh

Con nhện tự dệt lưới

Tự mình sa vào tròng

Hãy cắt đứt buộc ràng

Hãy thoát ly ái niệm

Với đời sống xuất gia

Tầm cầu chân hạnh phúc!”

Bài kệ vừa kết thúc, bà Khemā đi vào giảng đường bằng đầu gối rồi quỳ sụp xuống, gục khóc lặng lẽ, không thốt nên lời. Do căn cơ sâu dày, bà đã chứng quả Nhập Lưu. Sau đó, để cho cảm xúc lắng xuống, bà Khemā tri ân thời pháp bất tử, tri ân phương tiện thiện xảo; với tâm đại bi, đức Phật đã cho bà uống một liều thần dược để tỉnh giấc mộng đam mê, luyến ái cái thân bất tịnh... Cuối cùng, bà xin được sám hối với đức Phật, với giáo pháp, với chư tăng thánh hạnh...

- Thôi được rồi, đủ rồi, Khemā! Như Lai xác chứng cho bà, từ nay đã rửa sạch cát bụi trong mắt.

Trở về hoàng cung với một con người hoàn toàn tươi mới, bà quý phi xinh đẹp tìm gặp đức vua Bimbisāra, hoan hỷ thốt lên:

- Thật là tuyệt vời, hiền huynh ơi!

Nhìn vào đôi mắt rạng rỡ như có hào quang của người thiếp yêu, đức vua nói:

- Quả là kỳ lạ quá sức! Hôm nay nàng lại gọi ta là hiền huynh?

- Đúng vậy!

- Thế là đã có một cuộc chuyển hóa vĩ đại sau khi hiền muội ghé thăm Trúc Lâm đại tịnh xá - đẹp như công viên Hỷ Lâm của cõi trời Đao Lợi chăng?

- Hơn cả thế nữa, này hiền huynh yêu quý!

Thế rồi, huynh muội họ tâm sự với nhau. Bà xin phép được xuất gia. Đức vua hiền thiện chấp tay lên đỉnh đầu, tán thán:

- Hiền muội ngỡ là đi sau ta - mà hóa ra đã đi trước một bước trong giáo pháp thanh tịnh rồi! Ôi! Quý hóa thay! Lành thay!

 


[i]“Na bhikkhave iddhipāṭihāriyam dessetabbam. Yo dasseyya āpatti dukkaṭassa”- Này chư tỳ-khưu! Như Lai chế định không được biểu diễn thần thông; ai sử dụng pháp thượng nhân sẽ phạm tội tác ác!

[ii] Lấy ý từ Tạng Luật, tiểu phẩm (Cūlavagga)II, Sđd.


[i] Không có nghĩa xấu - chỉ để gọi các tôn giáo, các giáo phái không phải Phật giáo

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn