(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

6.21- Giết Phật bằng voi dữ Nālāgiri

05 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 9648)


Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 6

 

6.21-  Giết Phật bằng voi dữ Nālāgiri

Đã hai lần hại Phật không được, Devadatta tìm cách nghĩ ra mưu kế khác, ông không hề biết rằng, muôn dân đang căm hận ông, nguyền rủa ông.

Hôm kia ông vào gặp đức vua Ajātasattu, nói rằng:

- Nay thái tử đã lên ngôi vua chí tôn, vậy là an ổn do vua cha đã “lên trời” rồi, còn bần đạo thì chưa tìm ra cách nào để giết ông sa-môn Gotama cả. Như vậy thì kế hoạch của chúng ta chỉ thành công được một nửa. Vì khi mà bần đạo chưa chưởng quản được giáo hội Tăng-già thì bần đạo chưa thể cung hiến thần kế giúp tân vương tranh đoạt thiên hạ được.

Đức vua Ajātasattu trầm ngâm giây lâu:

- Trẫm sẵn sàng giúp ngài cả nhân lực và tài lực, mong rằng đại sự của chúng ta chóng thành. Vậy thì có mưu kế gì hay hơn, ngài cứ bày ra, chẳng có gì phải e ngại cả.

Devadatta ưu tư nói:

- Với con người, sức của con người thì chẳng làm gì được ông sa-môn Gotama đâu!

- Tại sao? Tân vương ngạc nhiên hỏi.

- Thưa! Oai lực, thần lực cùng từ bi tâm của ông sa-môn kia làm cho ai nấy đều không dám đến gần. Nếu có ai đến gần thì cũng không dám ra tay. Và cuối cùng, bọn chúng đều bị cảm hóa cả.

- Vậy thì phải làm sao?

- Nghe nói rằng, đại vương có một con voi báu, rất hung dữ, có sức mạnh khủng khiếp. Nếu dùng voi ấy để giết ông sa-môn Gotama quả là thượng sách. Con người thì sợ năng lực của ông ta, còn loài súc sanh thì chúng đâu có biết gì!

- Đúng lắm! Tân vương ca ngợi – Ngài nghĩ vậy thì thật là chu đáo!

Nói xong, vua bèn cho gọi người quản tượng, dặn là phải tuyệt đối nghe theo lệnh của Devadatta.

Khi người quản tượng dẫn Devadatta đến chuồng nuôi voi, thấy một con voi rất to lớn, đen đúa, tướng mạo rất dữ dằn, đang bị khóa bằng mấy vòng xích sắt kiên cố; bèn hỏi:

- Con voi này có phải tên là Nālāgiri nổi danh đây chăng?

- Thưa phải!

- Tại sao khóa xích sắt kiên cố như thế?

- Thưa, chỉ để dự phòng thôi ạ!

Devadatta nhăn mày:

- Ngươi hãy nói rõ lý do tại sao?

- Thưa, cứ cách ba ngày là phải cho nó ăn một thúng cơm và uống một hũ rượu, bằng không nó sẽ phá chuồng mà đi! Được cơm và rượu xong, nó sẽ dễ bảo. Còn đúng kỳ hạn mà không bày cơm rượu, nó sẽ nổi tính điên cuồng chẳng có ai kềm giữ được!

Devadatta cười nói:

- Thế ra, xích sắt này chỉ để phòng hờ những khi quên cung cấp khẩu phần cơm rượu cho nó đây!

- Thưa vâng!

- Nuôi dưỡng tốn kém như thế thì đức vua sẽ dùng nó vào việc gì?

Người quản tượng rành rẽ đáp:

- Thưa, nuôi quân ngàn ngày đôi khi chỉ dùng có một lần. Cũng vậy, con voi này chỉ để dành những khi xung trận. Chỉ cần trước khi giáp lá cà, cho nó ăn vài thúng cơm, cho nó uống tám hũ rượu gạo là nó hung mãnh lao đi giết giặc còn lợi hại hơn cả một ngàn quân, lợi hại hơn sức của một trăm con voi khác cộng lại.

Nghe vậy, Devadatta hớn hở nói:

- Vậy thì ngươi cứ chuẩn bị cho ta ba thúng cơm và mười sáu hũ rượu gạo thật ngon, khi có lệnh là sử dụng ngay, không được chậm trễ!

Người quản tượng thất kinh, chăm chăm nhìn vị sa-môn, y trố mắt ngạc nhiên nhưng không dám hỏi, trong bụng nghĩ thầm rằng: Bậc tu hành sao lại có tâm địa ác độc, coi rẻ mạng sống của người khác đến thế? Mười sáu hũ rượu gạo mà voi uống vào thì cả hàng chục ngôi làng cũng bị nó san thành bình địa! Hay là đức vua sắp có một cuộc chiến tranh lớn? Cũng không đúng! Vì kẻ tu hành sao lại kích động chuyện giết nhau?

Riêng Devadatta thì khoan khoái trong lòng, tự nghĩ rằng, hại ông sa-môn Gotama bằng con voi Nālāgiri này, hẳn là thân xác ông ta bị dập nát như quả cà chua đỏ! Và ngôi vị bá chủ tăng chúng còn ai dám tranh đoạt với ta? Hắn hỉ hửng rồi lắp bắp thành tiếng:

- Sau khi ta làm giáo chủ giáo hội rồi, ta sẽ mở một chiến dịch, có ông vua trẻ ngu si hỗ trợ, lần lượt thanh toán hoặc ức chế sự hoạt động của tôn giáo khác. Một tương lai rất gần thôi, thiên hạ “không tín ngưỡng” là thuộc ông vua con nhưng ở dưới quyền điều khiển của ta, còn thiên hạ “có tín ngưỡng” là hoàn toàn do ta lãnh đạo. Khi ấy thì nói gì danh vọng, lợi dưỡng và quyền lực! Ta sẽ tạo ra một vương quốc không có ngai vàng, mà uy lực của ta sẽ thống trị từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn, rộng cho đến hải biên hoang đảo. Lúc ấy thì tha hồ mà hưởng thụ ngũ dục tối thượng. Còn ai dám nhắc nhở ta điều này đáng làm và điều kia không nên làm như ông sa-môn Gotama đạo đức giả kia chứ!

Như thỏa chí bình sinh quá, Devadatta cất tiếng cười hô hố rất ngạo mạn và lố bịch. Một chân trời khoái lạc rộng mở trước mắt hắn!

Mờ sương hôm ấy, ở Trúc Lâm, tại hương phòng, theo lệ thường, đức Phật nhập đại bi định, xuống cận hành định, dùng Phật nhãn quán xét thế gian, xem thử ai có hữu duyên nên tế độ. Sau khi thấy rõ, biết rõ chuyện gì xảy ra, đức Thế Tôn chợt mỉm cười, xả định, đi kinh hành lui tới với tâm thái hoàn toàn an nhiên, buông xả.

Trong không khí mát mẻ và vắng lặng của khu rừng tre, bỗng nhiên, rất nhiều bước chân và tiếng người xôn xao trước cổng của tịnh xá. Lát sau, tôn giả Ānanda vào quỳ bạch Phật:

- Không biết có chuyện gì mà cận sự nam nữ hai hàng thành Rājagaha, lũ lượt từng đoàn, từng đoàn muốn vào gặp mặt đức Thế Tôn?

Đức Phật dịu dàng nói:

- Này Ānanda, có chuyện đấy! Hãy cho họ tự nhiên vào gặp Như Lai!

Đoàn người được đức Thế Tôn tiếp kiến. Họ đồng quỳ đảnh lễ cả khoảng sân lớn rồi vị bô lão đại diện tâu:

- Chúng con thỉnh nguyện đức Thế Tôn sáng nay không nên đi vào thành để khất thực. Tất cả chúng con đồng đến đây để đặt bát cúng dường đức Thế Tôn và toàn thể Tăng chúng Trúc Lâm. Vì lòng bi mẫn xin đức Thế Tôn hoan hỷ nhận lời.

Đức Phật đưa mắt hiền hòa nhìn khắp hai hàng cư sĩ áo trắng rồi hỏi:

- Có chuyện gì chư vị cứ nói, Như Lai đang nghe đây!

Một tín nữ thưa:

- Sáng nay, từ rất sớm, bạch đức Thế Tôn! Vị tân quốc vương ác đức vừa mới giết cha hiền để chiếm ngôi, có ra thông báo khắp các hang cùng ngõ hẻm, rằng là toàn thể dân chúng trong thành không ai được đi ra đường, vì quản tượng sẽ cho thả voi dữ Nālāgiri uống rượu say!

Đức Phật gật đầu:

- Ừ! Thì chuyện đó Như Lai có biết!

Lời vị khác chen vào:

- Bạch! Thiên hạ đồn ầm lên rằng, Devadatta âm mưu với vua Ajātasattu thả voi say là muốn giết hại đức Thế Tôn đấy!

Đức Phật gật đầu một lần nữa:

- Ừ! Thì chuyện âm mưu giữa họ với nhau như thế, Như Lai cũng biết mà!

- Nhưng mà con voi hung dữ ấy sẽ giết ngài cùng với Tăng chúng đi theo. Voi Nālāgiri nổi tiếng vô địch vang danh khắp các tiểu quốc, khi say rượu rồi thì chẳng kể trời đất gì nữa!

Đức Phật hỏi:

- Vì chuyện ấy mà chư vị thỉnh Như Lai cùng với chư tăng thọ thực tại tịnh xá?

- Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật yên lặng một lát rồi nói:

- Chư vị nghĩ như thế nào thì cứ như vậy mà làm. Còn sáng nay, Như Lai và Tăng chúng sẽ vào thành khất thực là chuyện của Như Lai. Tại sao lại như thế? Vì Như Lai thấy rõ, biết chắc rằng trên đời nay, không một sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, ma vương, phạm thiên nào lại có khả năng làm hại Như Lai cả. Ngoài ra, chư vị biết sao không? Con voi hung dữ Nālāgiri ấy, sẽ được Như Lai cảm hóa. Và do duyên ấy, một ngóm ngoại đạo được cải tà quy chánh và vô lượng chúng sanh người, trời, phạm thiên chứng đắc thánh đạo và thánh quả. Vì lợi ích cho phần đông như thế, chư vị nghĩ là Như Lai nên đi khất thực bình thường hay ở lại chùa vì sợ hãi voi dữ?

Toàn thể cận sự nam, cận sự nữ vốn có đức tin vững chắc nơi đức Phật nên khi nghe ngài trình bày nguyên nhân và kết quả của sự việc, họ hoan hỷ vô cùng, đồng thanh đáp:

- Nên đi! Đức Thế Tôn và chư tăng nên vào thành khất thực như lệ thường. Và chúng con cũng sẽ đặt bát cho đức Thế Tôn và chư tăng vào trưa nay, ở Trúc Lâm này!

Với niềm tin tưởng mãnh liệt là voi dữ sẽ được đức Thế Tôn cảm hóa, họ không lo sợ nữa, đảnh lễ ngài rồi ra về.

Khi họ vừa mới đi khuất, đức Phật dặn bảo tôn giả Ānanda:

- Ông hãy thông báo gấp, là sáng nay, toàn thể Tăng chúng ở khắp mười tám đại tự viện hãy cùng vào thành Rājagaha khất thực với Như Lai.

Chỉ một lát sau là tin truyền đã rì rào như gió lan đi khắp thành Rājagaha. Cận sự nam và nữ bảo nhau rằng:

- Hôm nay chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy đức Phật cảm hóa voi dữ Nālāgiri, và như vậy thì mưu kế ác độc của tên ác tăng Devadatta và thằng vua con bất hiếu Ajātasattu sẽ thất bại một cách thảm hại.

Thế rồi, họ ùa nhau leo lên đọt cây cao, trên mái nhà hoặc sườn núi kế cận để quán sát cho rõ.

Dân chúng thuộc nhiều giáo phái ngoại đạo, thì được giáo chủ của họ truyền miệng với nhau rằng:

- Voi Nālāgiri có sức mạnh phi thường, lại uống rượu say nữa thì phải biết! Chúng ta sẽ được mãn nhãn nhìn ngắm hung tượng chà đạp, dẫm nát sa-môn Gotama!

Họ cùng nhau leo lên lầu cao hoặc mái nhà cao để chứng kiến chuyện hy hữu.

Không bao lâu sau, trên đường chính dẫn vào kinh thành, đức Thế Tôn mặc y màu mặt trời dẫn đầu đoàn sa-môn dài dằng dặc như con rồng vàng uốn lượn, thanh thản, uy nghiêm từng bước một. Đường xá vắng tanh, nhà nhà đóng cửa im ỉm như một thành phố chết. Tuy nhiên, nếu để mắt một chút, rất nhiều dân chúng tụ tập lố nhố trên những điểm cao, mà ở đó có thể quan sát trọn con đường sắp xẩy ra một trận kinh hoàng.

Lúc ấy, ở cuối đường ngược chiều, người quản tượng theo lệnh của Devadatta, đã cho voi Nālāgiri ăn ba thúng cơm và uống hết mười sáu hũ rượu gạo ngon nhất. Voi gầm một tiếng, người quản tượng chưa kịp xua đi thì nó đã giở vòi, quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng về phía trước. Bóng voi sắc lông màu hung xám, cao to lừng lững như quả núi càng lúc càng nghiêng đổ về phía đức Phật.

Chư tỳ-khưu thấy vậy, e ngại nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Con voi hung ác kia say như điên đang chạy đến đây. Xin ngài hãy quay trở lại!

Đức Phật phủ dụ:

- Các thầy đừng lo ngại. Không có một ai trên đời này có thể làm hại Như Lai. Con voi điên kia, Như Lai cảm hóa nó được mà!

Tôn giả Sāriputta, đại đệ tử của đức Phật bước ra tâu:

- Bạch đức Thế Tôn! Trên đời này có thông lệ, hễ có việc gì xẩy đến cho phụ thân, trách nhiệm ấy thuộc về người con trưởng. Vậy xin đức Từ Phụ cho phép đệ tử cảm hóa con voi hung dữ ấy!

Đức Phật mỉm cười:

- Với oai lực của bậc thánh Thinh Văn đệ nhất, tuy không bằng chư Chánh Đẳng Giác, ông có khả năng cảm thắng con voi kia một cách dễ dàng. Như Lai biết rõ như thế. Nhưng vì lợi ích cho phần đông, việc ấy cứ để cho Như Lai.

Lần lượt một số chư vị trưởng lão đều xin phép được gánh phần trách nhiệm, nhưng đức Phật thảy đều từ chối.

Tôn giả Ānanda biết mình chẳng có khả năng, uy lực gì, nhưng vì quá kính yêu đức Phật, không thể đứng yên nhìn sự nguy hiểm đang xảy ra uy hiếp tính mạng của ngài; với ý nghĩ: “Này voi Nālāgiri! Hãy giết chết ta trước, ta quyết hy sinh mạng sống để bảo vệ cho đức Thế Tôn!”; rồi vội vàng bước ra đứng chắn trước mặt đức Phật.

Đức Phật bảo:

- Này Ānanda! Hãy tránh sang nơi khác, không được đứng trước Như Lai!

Tôn giả Ānanda không chịu tránh, thưa:

- Voi Nālāgiri hung hiểm và bạo tợn kia, trước khi đụng đến đức Thế Tôn, nó phải bước qua xác đệ tử!

Thế rồi, đã ba lần bảo tránh, tôn giả Ānanda cũng cương quyết chỉ muốn chết thay; bất đắc dĩ đức Phật phải sử dụng thần thông, Ānanda mới chịu lùi bước.

Lúc ấy, voi Nālāgiri đang lao tới với một tốc độ khủng khiếp. Đột ngột, từ sau ngõ hẻm, một người đàn bà bồng con xuất hiện giữa đường. Chợt thấy voi điên, bà sợ hãi quá, bỏ con dưới đất rồi bỏ chạy. Voi Nālāgiri lùi lũi xông tới, thoáng thấy bóng người, nó quặt vòi, lao theo, nhưng người đàn bà đã lẩn khuất sau bức tường. Voi quay lại đến bên đứa trẻ. Thấy voi dữ, nó khóc thét lên.

Sự việc trên xảy ra trước tầm mắt của đức Thế Tôn. Khi thấy Nālāgiri với đôi mắt đỏ ngầu như sắp chà nát một hài nhi vô tội, đức Phật liền rải tâm từ. Một luồng khí mát mẻ, an lành tuôn chảy ra không gian, bao bọc thân thể của voi Nālāgiri rồi thâm nhập vào tận tim gan, máu huyết và cả tâm trí nó. Rồi đức Thế Tôn cất giọng phạm âm dịu dàng, ngọt ngào, trìu mến như lời ru của mẹ rót vào tai của voi Nālāgiri:

- Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Người ta đã cho con uống mười sáu hũ rượu làm cho con điên đảo, đã biến thành thú tính hung dữ. Người ta đã cố ý lợi dụng con để giết Như Lai, chớ không phải giết hại ai khác. Vậy hãy tha cho đứa trẻ kia mà đến đây với Như Lai! Hãy đến với Như Lai, này Nālāgiri yêu quý!

Như được uống một liều thuốc an thần, như vừa được tắm trong dòng suối trời, voi Nālāgiri chợt tỉnh lại. Ngẩng đầu lên, voi cảm nhận một sự mát mẻ và bình an lạ thường toát ra từ vùng ánh sáng phía trước. Một tiếng gọi sâu thẳm từ vô thức mơ hồ đánh thức nó, voi như tìm lại được hình bóng và âm điệu ru êm của đấng mẹ hiền; và nó chỉ là đứa con nhỏ cần được vuốt ve, che chở. Cơn say điên đảo tan biến, voi Nālāgiri hạ vòi xuống, hai tai buông rủ, ngoan ngoãn quỳ mọp cả bốn chân rồi lết tới, nằm phủ phục dưới chân đức Phật ra chiều quy thuận.

Giọng đức Thế Tôn cứ tiếp tục dịu dàng, ngọt ngào tuôn chảy vào tai nó:

- Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Thân phận con là loài voi, thuộc hàng súc sanh vô phước và tội nghiệp. Như Lai là đức Phật cao thượng giữa muôn loài. Từ nay, con phải thay tâm đổi tánh, đừng nên giết hại bất kỳ một ai khác nữa. Điều ấy con phải làm vì lợi ích và an vui cho chính con!

Đức Thế Tôn vừa nói vừa tiếp tục rải tâm từ, làm cho làn khí tâm từ càng lúc càng đầy ắp, sung mãn; rồi ngài đưa bàn tay búp sen dịu dàng như tơ trời “đâu-la-miên”(1)vuốt trên đầu voi, rồi khuyên dạy:

- Này Nālāgiri! Nầy con yêu quý! Con là một con voi có vòi, con voi con bé bỏng và yếu đuối. Như Lai cũng là con voi, nhưng lại là voi chúa kiêu hùng và cao thượng. Làm thế nào con voi con lại có thể đương đầu hoặc sát hại con voi chúa là Như Lai? Con biết sao không? Chuyện không thể ấy, nếu con làm được, nếu con làm hại voi chúa cao thượng là nhân đem lại sự đau khổ cho con. Ai làm hại voi chúa cao thượng, người ấy không được tái sanh vào cảnh giới an vui. Con chớ nên si mê! Không nên dể duôi nữa! Vì sự giải đãi quên mình sẽ tạo nên ác nghiệp tội lỗi, phải sa đọa vào những cảnh giới tối tăm, thống khổ. Hãy nên làm việc lành, này Nālāgiri yêu quý. Ai tạo thiện nghiệp, người ấy sẽ tái sanh vào những cảnh giới hạnh phúc, huy hoàng và xán lạn!

Thế là đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho voi Nālāgiri. Nghe xong, toàn thân tâm của voi phát sanh hỷ lạc chưa từng có. Nếu không phải là loài súc sanh, sau thời pháp ấy, chắc chắn nó đã chứng đắc thánh đạo quả.

Dân chúng từ các điểm cao trong thành Rājagahatận mắt nhìn thấy từ đầu chí cuối đức Phật cảm thắng hung tượng Nālāgiri một cách phi thường, kỳ diệu; họ hoan hỷ vỗ tay reo mừng vang dội. Rồi họ lũ lượt leo xuống, chạy đến tận nơi, ném tất cả những đồ trang sức, vòng vàng, châu báu xuống thân mình voi, phủ cao thành đống. Voi bây giờ nằm yên, ngoan ngoãn hiền lành.

Từ thời khắc này, voi dữ Nālāgiri được dân chúng gọi tên là voi Dhānapālaka (voi giữ gìn của cải).

Trước tất cả tăng chúng và mọi người, đức Phật đặt tay lên đỉnh đầu hiền tượng Dhānapālaka cho nó thọ quy giới. Hiền tượng nằm mọp xuống, lấy vòi hút bụi ở hai bàn chân đức Phật rồi phun lên đầu mình để tỏ lòng tôn kính. Xong, nó lùi xa một khoảng, rung mình, rũ ngọc ngà, châu báu lả tả rơi xuống đất, quỳ xuống, cúc cung đảnh lễ đức Phật ba lần rồi quay đầu, chậm rãi, bỏ thành phố đi thẳng vào non sâu.

Đức Phật nhiếp tâm phát sanh năng lực thù thắng rồi chú nguyện:

- Vàng ngọc, của cải nằm rơi đầy trên đất kia, vốn là của ai, hãy hoàn về chủ cũ!

Lạ lùng làm sao, lời nguyện vừa dứt, ngọc ngà châu báu đang nằm vô tri, bất động trên đất; chợt như có chân, có mắt, đồng loạt vọt lên, bay về nơi tay, nơi cổ, trong túi, trong xách của những người chủ cũ, không hề sai trật!

Vừa chứng kiến chuyện cảm hóa voi dữ của ngài, bây giờ lại thấy năng lực phi thường này nữa của đức Thế Tôn, toàn thể dân chúng thành Rājagaha xiết bao kỉnh mộ. Cận sự nam nữ hai hàng lại được cũng cố thêm đức tin và dào dạt niềm tự hào. Ngay chính nhóm ngoại đạo thù ghét đức Phật luôn manh tâm phá hoại, khuấy rối ngài, cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn, chuyển tâm hóa tánh. Có một số trong họ, chẳng ngại ngùng gì, đến khấu đầu đảnh lễ đức Phật rồi xin cải giáo.

Dịp này, vô số người, chư thiên, phạm thiên chứng đắc Nhập lưu thánh đạo quả.

Công việc đã xong, nhân duyên sáng nay thế là đã thành tựu, đức Phật ra dấu hiệu bảo đức Ānanda cùng với tăng chúng quay trở về Trúc Lâm. Thế là cận sự nam nữ cùng với dân chúng thành Rājagaha lũ lượt đi theo, mang rất nhiều vật thực để cúng dường đến chư tăng, có đức Phật là chủ trì.

Ai ai sắc mặt cũng hân hoan, vui sướng; tán dương năng lực thuần hóa voi dữ của đức Phật, rồi thốt lên bằng bài kệ:

“- Người ta dạy ngựa hay voi

Sử dụng móc sắt, mây roi bện thừng

Thế Tôn – khéo, lạ quá chừng

Chẳng roi, chẳng móc, chẳng trừng phạt ai

Từ bi, năng lượng thiện tài

Nhiếp hóa voi dữ, Như Lai phép mầu!”


 

6.22- Chiêu Bài Cuối Cùng Của Devadatta

Ngày hoàng cung làm lễ hỏa táng nhục thân đức vua Bimbisāra, không ai mời mà đức Phật vẫn tìm đến quảng trường hoàng cung để chú nguyện cùng cả một lực lượng tăng đoàn hùng hậu ba bốn nghìn vị tỳ-khưu, vô cùng trang nghiêm và thanh tịnh. Và dân chúng cũng vòng trong, vòng ngoài nhiều lớp, ken chân không lọt; họ quý kính, tiếc thương và ngưỡng mộ vị vua hiền đức, nhân ái bị kẻ gian ác hãm hại. Vị vua trẻ Ajātasattu vừa thấy cái bóng của đức Phật liền cảm thấy bất an, sợ hãi nên ông trốn trong cung. Devadatta cũng cùng tâm trạng như đức vua nên ông và chúng đệ tử tìm cách tránh né khi thấy uy lực của đức Phật như phủ trùm thiên hạ, che mờ luôn cái “uy tín hư giả và ti tiểu” của ông.

Trước khi trở lại tu viện Trúc Lâm, đức Phật nói với đại chúng rằng:

- Ai ánh sáng thì sẽ đi theo với ánh sáng, hòa với ánh sáng; ai là bóng tối thì sẽ đi theo với bóng tối, chìm trong bóng tối. Đức vua Bimbisāra của chúng ta, suốt một đời anh minh và hiền đức nên đã hóa sanh làm một vị thiên, kề cận Tỳ-sa-môn thiên vương để hộ trì giáo pháp. Đức vua của chúng ta đã có một đời sống mới, hạnh phúc, an vui và có nhiều oai lực hơn kiếp sống cũ. Đấy là điều mà chúng ta nên mừng vui mới phải! Chư vị hãy về đi! Chẳng có gì phải bận bịu và tiếc thương nữa!

Riêng về Devadattta. Sự việc mấy lần hãm hại đức Phật của ông đã được lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm dường như không còn ai là không biết. Những hành động tệ hại ấy làm cho Devadatta biến thành cái bóng của quỷ dữ; và dư luận quần chúng cũng như hai hàng cận sự đều lên án ông một cách nghiêm khắc và xa lánh ông như xa lánh cùi hủi. Chính vua Ajātasattu cũng chán nản ông, bỏ rơi ông, không nâng đỡ ông nữa. Mọi ân huệ của vua thế là mất hết. Khi lòng sân độc muốn hại Phật và lòng tham vọng đẩy ông đến chỗ xấu xa như thế thì mọi khả năng thần thông phép lạ của ông cũng tiêu tan luôn!

Thế nhưng ông chưa chịu ngừng lại. Với trí thông minh sẵn có, ông quay qua chiêu bài khác. Ông giả vờ đến sám hối đức Phật và xin đức Phật ban hành thêm năm điều vào trong quy chế cho hàng xuất gia:

- Thầy tỳ-khưu phải sống trọn đời trong rừng, vườn hoang, động vắng, núi sâu; không được ở trong thành phố, làng mạc, tu viện hay tịnh xá...

- Thầy tỳ-khưu phải trọn đời ôm bát xin ăn, không được dự lễ trai Tăng hay nhận lời mời đến tư gia đặt bát hay thọ thực của hai hàng cận sự.

- Thầy tỳ-khưu phải lượm vải rách, vải người ta quăng bỏ bên đường, vải bó xác tử thi để cắt may làm y mặc; không được phép thọ nhận vải đẹp, vải tốt, vải lành nguyên của thí chủ dâng cúng.

- Thầy tỳ-khưu trọn đời phải ngủ nghỉ chỗ không có mái che, nơi khoảng trống, dưới cội cây, giữa nghĩa địa, không được ngủ nghỉ trong phòng ốc, liêu cốc.

- Thầy tỳ-khưu trọn đời phải ăn ngũ cốc, rau trái, không được dùng các loại thịt, dù là thịt động vật đã chết!

Đức Phật thấy rõ dã tâm của ông, nhưng ngài chỉ nói lên điều đáng nói:

- Hôm nay mà ông còn đến đây để giả vờ xin những điều có vẻ rất đúng đắn như vậy nữa hay sao? Ông biết Như Lai sẽ từ chối, và rồi ông sẽ đi rêu rao đây đó rằng, những điều ông đệ đạt, yêu cầu là chân chính hơn cho giáo pháp, là tốt đẹp hơn cho hàng xuất gia. Thế là một số tỳ-khưu nông nổi và quần chúng nhẹ dạ lại bị ông mê hoặc bởi chiêu bài cao thượng ấy!

Còn đệ tử của Như Lai thì năm điều kia có người thực hành là tốt hay chỉ thực hành trung đạo năm điều ấy cũng tốt không khác gì; cứ để họ tùy nghi lựa chọn theo sở thích, khả năng sức khoẻ và sở hành của mình. Ông nên nhớ rằng với ăn, mặc, ngủ... bao giờ Như Lai cũng hằng khuyên là nên thiểu dục và tri túc! Ăn, mặc, ngủ... chừng mực, vừa đủ, dị giản là điều cần yếu; và quan trọng nhất là phải có một tri kiến chơn chánh như thế nào, phải tu tập một giáo pháp như thế nào con người mới trở nên hiền thiện được!

Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp của tự do và tự nguyện, không bắt buộc, cưỡng ép ai, bao giờ cũng tùy thuộc căn cơ và tâm tánh của mỗi người. Ví như vị này chỉ muốn sống trong rừng, trong nghĩa địa, chỗ xa nơi huyên náo để hành thiền; nhưng vị khác lại muốn ở trong tu viện hay tịnh xá để theo học pháp nơi các vị trưởng lão – thì tại sao lại không được nào? Vị này thì đi trì bình khất thực chỉ dùng trong bát, chỉ thọ trong bát, chỉ đứng một nhà hoặc hai nhà theo với pháp hạnh của họ; nhưng có vị khác thì duyên với thí chủ này, thí chủ kia, cần phải thuyết pháp, nói đạo cho nhà này, nhà nọ - thì ai có thể cấm họ không thọ bát hoặc thọ thực tại tư gia? Chuyện y áo cũng tương tự vậy, có vị thọ đầu-đà, nguyện chỉ lượm vải rách, vải người ta quăng bỏ để may y mặc; nhưng có vị khác không theo pháp hạnh ấy, nhưng họ nhận vải lành nguyên do thí chủ dâng cúng thì vẫn đúng pháp và luật như thường. Việc ngủ nghỉ dưới cội cây, chỗ không có mái che hay ngủ nghỉ trong cốc liêu, tịnh xá cũng tùy thuộc hạnh, nguyện, tùy thuộc nhân duyên và hoàn cảnh nữa, bao giờ cũng theo lý trung đạo, không rơi vào cực này, không rơi vào cực kia! Cuối cùng là việc ăn mà ông muốn đề xuất là chỉ nên ăn ngũ cốc, hoa quả, rau củ chứ không nên dùng tam tịnh nhục(1a), nghe ra thì có vẻ hay, có vẻ cao thượng nhưng sẽ không áp dụng được. Tại sao? Một vị tỳ-khưu ôm bát đi khất thực không được lựa chọn nhà sang nhà hèn, người giàu, người nghèo mà tâm vị ấy phải bình đẳng. Một người bà-la-môn hay gia chủ bà-la-môn chính thống, họ thường ăn ngũ cốc, rau quả nên họ sẽ đặt bát ngũ cốc và rau quả. Một gia đình sát-đế-lỵ, một hoàng gia, một quý tộc, một tướng quân, một chiến sĩ sát-đế lỵ, họ thường dùng các loại thịt nên họ sẽ đặt bát cúng dường các loại thịt khác nhau. Một gia đình thương gia thì thịt thà hay rau quả cũng tùy thuộc ngày hôm ấy họ dùng gì. Một gia đình thủ-đà-la với nghề nghiệp tay chân nặng nhọc thì vật thực của họ chỉ nhằm để no bụng, không biết rõ đấy là vật thực dở hay ngon. Một người chiên-đà-la đặt bát thì vật thực của họ, may ra chỉ để mà tồn tại. Như vậy đó, cái bát của vị tỳ-khưu đầy đủ bên trong vật thực của bốn giai cấp và cả nô lệ. Chẳng lẽ nào một vị tỳ-khưu ôm bát xin ăn mà bảo là tôi chỉ dùng món này mà không dùng món kia? Có quá đáng lắm không? Có kỳ thị không? Có bình đẳng không?

Này Devadatta! Chiêu bài của ông chỉ có thể lừa dối được kẻ ngu, cả tin, nhẹ dạ; không bao giờ qua mặt được người có trí, mắt sáng, có đức tin vững chắc đâu!

Thôi, ông hãy đi đi, đừng bao giờ trở lại nơi này, trở lại tăng đoàn của Như Lai nữa. Hôm nay Như Lai đã nói quá nhiều. Quả địa ngục đang chờ đón ông đấy. Hãy ghi nhớ lời ấy, và chỉ cần ghi nhớ một lời ấy mà thôi!

Đức Phật đã ân cần giải thích, đã tận tình nhắc nhở, đã từ bi cảnh tỉnh Devadatta và hội chúng như vậy rồi, nhưng cũng có chừng năm trăm tỳ-khưu bị Devadatta dụ dỗ bởi chiêu bài cao thượng đã theo chân ông ta đến tu viện ở dãy núi Gayāsīsa, chính thức hình thành một giáo đoàn riêng. Sự chia rẽ tăng-già (Saṅgha) đã đến hồi trầm trọng.

Tuy nhiên, đức Thế Tôn lại bảo hai vị đại đệ tử:

- Bây giờ, Như Lai lại làm phiền đến Sāriputta và Mahā Moggallāna một lần nữa. Cả hai ông hãy đi mau, theo chân Devadatta đến Gayāsīsa, thuyết pháp cho năm trăm tỳ-khưu nhẹ dạ. Như Lai biết rằng, khi trở về, năm trăm tỳ-khưu kia sẽ tháp tùng theo hai ông. Và từ đây cho đến cuối đời, Devadatta sẽ không còn làm gì được nữa đâu.

Và đúng như vậy thật, tôn giả Sāriputta và Mahā Moggallāna đến tu viện trên dãy núi Gayāsīsa khi Devadatta đang nghỉ ngơi, hai vị đã thuyết pháp đến cho năm trăm thầy tỳ-khưu. Sau thời pháp, cả năm trăm thầy tỳ-khưu đều đắc quả Tu-đà-hoàn! Và họ đồng theo chân hai vị trưởng lão về Trúc Lâm yết kiến đức Thế Tôn và xin sám hối cái tội dại khờ và nông nổi của mình.

Devadatta biết ra thì đã muộn, nhìn khung cảnh quạnh quẽ xung quanh, ông ta gục xuống, thổ ra một bụm máu tươi! Không ai làm hại ông cả mà bởi chính tâm cuồng vọng của ông đã đẩy ông đến tuyệt lộ!



(1a)Là loại thịt không thấy, không nghe, không nghi - tức là thịt từ vật đã chết rồi, không có sự sống, không còn thức tánh. Khi vị tỳ-khưu thọ dụng thịt ấy, không thấy trước mắt con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật đang bị giết, không nghi ngờ là con vật ấy chết là do người ta giết để dâng cúng cho mình. Ngoài ra, trong tạng Luật, đức Phật còn chế định thêm 10 loại thịt không được dùng: Người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu, linh cẩu.

 

6.23- Trưởng Giả Cấp Cô Độc Ra Đi

Đức Phật cùng với chư đại trưởng lão trở lại Sāvatthi cho kịp trước mùa mưa. Năm nay tại đây thời tiết có vẻ bất thường, nhưng chư tăng các nơi cũng không quản ngại lộ trình vất vả về an cư tại Kỳ Viên nhiều hơn mấy năm trước. Ai cũng muốn nghe những biến cố động trời về thái tử Ajātasattu và Devadatta.

Như vậy là việc thái tử Ajātasattu định giết cha cướp ngôi, tình cảnh đức vua Bimbisāra bị chết đói trong ngục, chuyện ba lần Devadatta âm mưu giết Phật là những đề tài nóng hổi được chư tăng và hai hàng cư sĩ vây quanh chư đại trưởng lão để thăm hỏi tin tức. Sau khi biết rõ, ai cũng ngao ngán, ai cũng thở dài cho tâm địa của con người. Bi cảm, thương xót thay cho đức vua Bimbisāra hiền thiện! Khốn nạn, đáng nguyền rủa thay là thằng con Ajātasattu bất hiếu! Gian độc và điên cuồng thay là tên Devadatta ác tăng!

Đức vua Pāsenadi cũng là người tìm đến đảnh lễ đức Phật sớm nhất. Khi tôn giả Mahā Moggallāna vận thần thông lực đến gặp vua trước vị quan sứ giả mười mấy hôm, kể lại việc làm bất hiếu của thái tử Ajātasattu khi cấm cố vua cha của mình, đức vua đã cố kềm chế cơn giận dữ theo lời dặn bảo của đức Phật, nếu không ông đã xua quân trừng trị đứa cháu vô đạo.

Sau khi nghe đức Phật kể lại tự sự, bây giờ đức vua mới biết thêm là đức vua Bimbisāra bị bỏ chết đói trong ngục tối và một số các vị lão thần bị thủ tiêu, ông lặng người đi.

Đức Phật cũng kể lại những vắt thức ăn giấu trong mái tóc, thức ăn quết nhuyễn phết lên người của hoàng hậu Videhi (Kosaladevī) cũng chỉ cứu đức vua sống được mấy hôm. Tuy nhiên, đức Phật khen ngợi tinh thần vững mạnh, xem nhẹ cái đói, cái chết và cái tâm từ bi của đức vua đối với kẻ đã hãm hại mình. Việc tẩy chay lễ đăng quang của Ajātasattu đức Phật cũng kể lại. Hôm dự lễ trà-tỳ đức Phật tự đến với hơn bốn ngàn tăng ni đã tạo vinh quang cho hương linh quá cố, ngài cũng kể lại chi tiết.

Rồi đức Phật trấn an:

- Thôi được rồi, bệ hạ! Sự việc xảy ra thường đúng với nhân, duyên, quả của nó. Đức vua hiện đã hóa sanh lên cõi trời của Tỳ-sa-môn thiên vương, không còn chịu cảnh nhiều gian truân như thế gian này nữa.

Lâu lắm, đức vua Pāsenadi mới nói:

- Đời người quả thật là bi khổ! Đến lúc này thì đệ tử mới thật sự hiểu thấm thía lời dạy của đức Tôn Sư về “ khổ đế” trần gian! Quả thật, không ai có thể thoát khỏi định luật của nhân, duyên, quả, báo và nghiệp! Đức vua Bimbisāra một đời hiền đức cũng không tránh khỏi! Hoàng muội của đệ tử, Kosaladevī (tức là hoàng hậu Videhi) một đời mẫu mực, đức hạnh cũng không tránh khỏi! Không biết sau biến cố thảm nạn vừa rồi, tinh thần hiền muội của đệ tử có sa sút lắm không, bạch đức Tôn Sư?

- Bà vẫn còn khá lắm đấy, tâu bệ hạ!

- Không gục ngã, không đột quỵ mà còn đứng vững được như vậy, quả thật là nhờ thần dược của giáo pháp, phải vậy không, bạch đức Tôn Sư?

- Ừ, có lẽ vậy! Và còn nữa - đức Phật nói tiếp - Hoàng hậu Videhi ở bên cạnh đức vua Bimbisāra như thế nào thì hoàng hậu Mallikā ở bên bệ hạ như thế đó. Họ đều là những nữ nhân cao quý, nhân ái; là chiếc bóng an vui cho chư đại vương, đồng thời là người hộ trì cho tăng ni và giáo pháp nữa đó, tâu bệ hạ!

Đức vua Pāsenadi cảm thấy nhẹ lòng.

Đức Phật vừa tiễn đức vua ra về được một lúc thì tôn giả Ānanda vào thưa trình:

- Bạch đức Thế Tôn! Người quản gia của trưởng giả Cấp Cô Độc vừa đến báo tin là ông ấy bệnh rất nặng, sợ rằng không qua khỏi...

- Ừ, người quản gia có nói gì nữa không?

- Bạch, có ạ! Người quản gia nói là trưởng giả khẩn cầu tôn giả Sāriputta đến thăm ông ta lần cuối cùng.

Đức Phật hướng tâm một lát rồi nói:

- Vậy thì cả ông và Sāriputta hãy đến thăm trưởng giả ấy. Cả hai vị đều có duyên với ông ta.

Tôn giả Sāriputta và Ānanda vâng mệnh đi ngay. Đến nơi, bên giường bệnh, tôn giả Sāriputta ân cần nắm tay Cấp Cô Độc rồi cất tiếng hỏi:

- Ông có kham nhẫn cơn đau được không, Sudatta?

Trưởng giả mở mắt ra, định gượng ngồi dậy. Tôn giả Ānanda mỉm cười, ngăn lại:

- Ông cứ nằm yên vậy! Có chịu đựng nổi cơn đau không kìa, tôn giả Sāriputta hỏi đó!

- Dạ thưa! Ông thều thào! Nó đau đớn lắm! Đôi khi như lửa đốt từ trong xương. Đôi khi nó xoay, nó vặn, nó đâm, nó chích khắp lục phủ ngũ tạng. Có lẽ đệ tử không chịu đựng được nữa rồi.

- Nó cứ đau mãi thế, không có chút nào thuyên giảm à?

- Thưa, nó cứ tăng chứ không giảm, càng lúc càng thêm khốc liệt.

Nói xong, trán ông trưởng giả lấm tấm mồ hôi, như cố chịu đựng cơn đau.

Tôn giả Sāriputta kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh, dịu dàng đặt tay lên trán ông rồi nói:

- Già, rồi bệnh, rồi chết là định luật tất yếu, không ai thoát khỏi được, này Sudatta! Bây giờ ông đau đớn khốc liệt là do đất đang tan rã dần, do lửa đang nguội lạnh dần, do nước đang cạn khô dần; rồi đến khi gió ngưng hoạt động nữa, tức là hơi thở chấm dứt chính là lúc thần chết đang đứng một bên rồi đó! Ông có sợ không?

- Không, không có sợ thần chết, tôn giả! Bây giờ đệ tử đang sợ cái đau đây!

- Vậy thì cái đau ấy cũng không đáng sợ!

- Đau kinh khủng thế này làm sao mà không đáng sợ được, thưa tôn giả?

- Có chứ! Có một bài kinh của đức Tôn Sư. Nghe bài kinh này, nhập tâm vào kinh này, theo dõi từng lời, từng câu, từng đoạn bài kinh này, rồi an trú vào đó thì cái gọi là đau đớn kia tiêu tan tức thì!

- Kỳ lạ vậy kia à? Vậy thì xin cho đệ tử được thọ trì.

- Vậy thì ông hãy nhiếp tâm lắng nghe!

Sau đó, tôn giả Sāriputta liền thuyết cho ông nghe một bài pháp cao siêu, nói về lục căn, lục trần; và những cảm thọ vô thường, trống không của nó như thế nào; rồi kết luận:

- Này trưởng giả kính mến! Hãy ghi nhận theo lời ta mà niệm như thế này:

“Này hỡi người thợ sinh diệt! Ta không còn dính mắc với đôi mắt, với lỗ tai, với cái lưỡi, với lỗ mũi và cả với làn da xúc cảm nữa! Ngươi cứ không ngưng nghỉ tạo ra những cảm thọ trống không vô vị, vô tích sự vậy hay sao? Ngươi không làm gì được ta đâu!

Này hỡi người thợ sinh diệt! Những ảo ảnh, mộng mị do ngươi tạo ra, ta đã nhìn thấy rõ rồi, đừng có mất công mê hoặc, ta không thấy lầm, trông lầm nữa đâu! Những cái gọi là vừa lòng, êm ái, khoái lạc, ngon ngọt, thỏa thích, khả hỷ, khả ý từ lâu đã quyến dụ ta, thật nguy hiểm; bây giờ ta không còn dính mồi câu của ngươi nữa đâu! Tất cả, đến một lúc nào đó, chúng đều phân ly, tan rã dẫu thân này hay thân khác, dẫu thế giới này hay thế giới khác, không bao giờ có việc thường còn và bất hoại đâu. Tất cả đều là đau khổ và phiền não.

Này hỡi người thợ sinh diệt! Ta đã tu tập như vậy, ta đang tu tập như vậy, ta đã an trú như vậy thì ngươi làm gì nổi ta?”

Nghe xong thời pháp, trưởng giả Cấp Cô Độc ràn rụa nước mắt. Tôn giả Ānanda thấy vậy bèn hỏi:

- Có phải trưởng giả lo sợ tử thần nên tinh thần trở nên suy nhược không?

- Thật không phải vậy, tôn giả kính mến! Nghe xong bài kinh ấy, đệ tử không còn sợ đau, không còn sợ chết nữa. Nói rõ là, khi an trú tâm vào kinh ấy thì tinh thần đệ tử không chút giảm suy, mà ngược lại, đang phấn chấn, đang hoan hỷ là khác. Ấy chỉ vì mặc dầu đã nghe rất nhiều bài pháp do đức Tôn Sư giảng dạy, đệ tử chưa hề được nghe một thời pháp nào cao siêu như thế này!

Tôn giả Sāriputta giải thích:

- Trưởng giả quả thật là đặc biệt, ta mới thuyết cho nghe bài pháp cao siêu ấy. Ngay chính trong Tăng chúng, đức Thế Tôn cũng chỉ thuyết đến cho những tỳ-khưu tiến bộ mà thôi. Thuyết cho hàng cư sĩ, họ sẽ không thấu hiểu.

Trưởng giả Cấp Cô Độc cảm xúc rơi nước mắt, tri ân xiết bao về sự đối xử đặc biệt đó. Nhưng nhân cơ hội ấy, ông cũng thỉnh cầu tôn giả Sāriputta cứ truyền bá giáo pháp cao siêu kia cho hàng tại gia. Vì cũng có những cư sĩ có ít bụi cát trong mắt, có tư duy chơn chánh, có căn trí sâu dày sẽ lãnh hội được.

Tôn giả Sāriputta gật đầu hứa khả thỉnh nguyện ấy. Tôn giả Ānanda kéo lại tấm chăn đắp cho ông, nói nhỏ bên tai ông như cơn gió thoảng:

“- Không còn gì hết, không còn Sudatta, không còn cơn đau mà chỉ còn là hơi thở thôi, này ông bạn già! Nhớ nhé”

Khi hai vị đệ tử của đức Phật ra về chừng nửa khắc, ông Cấp Cô Độc nghe lời tôn giả Ānanda, trú tâm miên mật vào hơi thở, chỉ còn là hơi thở thôi, rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Và tức khắc, tái sanh vào cung trời Tusita.

Đêm ấy, vị trời Cấp Cô Độctừ cung trời Tusita trở về tịnh xá Kỳ Viên, hào quang của ông chiếu ngời, sáng cả khu vườn. Vị trời ấy đảnh lễ đức Phật, tán dương phẩm hạnh và tuệ đức của tôn giả Sāriputta, tấm lòng nhân ái dịu dàng của tôn giả Ānanda. Sau đó, vị trời Cấp Cô Độc bày tỏ niềm hân hoan được gặp lại đức Phật và chư tăng trong tịnh xá do ông ta kiến tạo.

Cũng trong dịp này, vị trời Cấp Cô Độc xác nhận sự thực chứng của mình:

“- Thiện ý và trí tuệ, cùng với tâm được rèn luyện đúng đắn, có phương pháp làm ta trở nên cao thượng, trong sạch chớ không phải do giai cấp hay tài sản”.

Hôm sau, thông tin trưởng giả Cấp Cô Độc ra đi đã được mọi người loan báo khắp các tu viện, tịnh xá trong và ngoài kinh thành. Cả chư tăng và hai hàng cận sự ai cũng quý kính và tiếc thương một nhân cách lớn, một nhà đại thí vĩ đại. Là một mất mát lớn lao, một thiếu hụt trống vắng trong hàng cư sĩ, không ai có thể thay thế được.

Ông tiểu Cấp Cô Độc và toàn thể đại gia cung thỉnh đức Phật và chư tăng hai ngàn vị đặt bát cúng dường bảy ngày vô cùng trọng thể, trang trọng và thiêng liêng không thua gì sự ra đi của hoàng hậu Mallikā tại kinh đô này.

Sau lễ hỏa táng, chư tăng và nam nữ cận sự tụ hội đầy đặc đại giảng đường Kỳ Viên, ai cũng tò mò muốn biết sanh thú của bậc vĩ nhân hiền thiện ấy, giờ đã lạc cư phương nào?

Nhân dịp này, đức Phật cũng muốn tuyên dương công đức của vị đại thí chủ ấy, nên ngài cho biết sanh thú của ông là cảnh trời Tusita. Và vị trời Cấp Cô Độc kia với hào quang sáng rực cả Kỳ Viên xuống đảnh lễ thăm ngài và câu chuyện hôm đó ra sao! Đức Phật cũng kể lại cho đại chúng nghe một số hành trạng của vị ấy trong khoảng thời gian gần bốn mươi năm phục vụ Tam Bảo không mệt mỏi, không thối thất, với đức tin kiên cố bất động tâm như thế nào.

“- Tại tịnh xá do trưởng giả Cấp Cô Độc lập nên này! Đức Phật kể - Ông hết lòng hộ trì Như Lai và tăng chúng. Sự bố thí, cúng dường của ông là vô giới hạn vậy. Cấp Cô Độc nếu không có gì bận việc thì mỗi ngày ông đến Kỳ Viênvới ba lần cúng dường lớn: Một vào buổi sáng, một sau buổi sáng và một vào buổi chiều. Còn những lần bố thí và cúng dường vào các cuộc hội lớn hoặc những trường hợp bất thường thì không kể. Chưa bao giờ trưởng giả đến Kỳ Viên bằng tay không. Buổi sáng đem theo cháo; sau buổi ăn sáng đem theo thục tô, sanh tô, mật, đường mật; buổi chiều mang theo hương, vòng hoa, vải vóc các loại... Còn ở nhà, bao giờ cũng có phần vật thực sẵn cho năm trăm vị tỳ-khưu để đặt bát cúng dường. Quả thật, tất cả gia tài, ông đều muốn chi dùng cho giáo pháp. Cái ngôi nhà hữu phước đó, chư tăng thường gọi là “giống như cái hồ đào lên ở ngã tư đường cho chúng tỳ-khưu, giống như là nhà cha mẹ của tất cả tỳ-khưu”. Ngoài Như Lai và hằng chục vị đại trưởng lão đều đi đến ngôi nhà ấy; còn chư tăng thập phương thì đông không kể xiết.

Do bố thí không dừng nghỉ, do nguội lạnh việc kinh doanh làm ăn, cả gia tài năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng của ông đều đã chi dùng cho việc mua đất, chi phí kiến tạo tịnh xá và hộ trì, hộ độ tứ sự cho Tăng chúng. Dần dần ông rơi vào khánh tận và nghèo thiếu. Mặc dầu vậy, ông vẫn không ngừng bố thí, cúng dường. Và đức tin đối với Tam Bảo vẫn không hề suy giảm, mà trái lại, càng được cũng cố vững bền thêm.

Chuyện kể này sẽ xác minh điều đó.

Một hôm, Cấp Cô Độc đến hầu thăm Như Lai, và vì Như Lai đã biết rõ ông đã khánh kiệt, bèn hỏi:

- Này gia chủ! Hôm nay, tại nhà ông, ông còn có vật gì để cúng dường nữa không?

- Con còn có vật để bố thí, cúng dường, bạch Thế Tôn!

- Ông còn, này gia chủ, vậy là những vật gì?

- Bạch Thế Tôn! Ở nhà, con còn “cháo tấm với bột chua để lại từ ngày hôm trước”.

Nghe vậy, Như Lai dạy như sau:

- Này gia chủ! Đừng bao giờ nghĩ rằng, cháo tấm và bột chua kia là ít công đức, ít phước báu. Vật bố thí, cúng dường dẫu tầm thường, thô xấu thế nào, nhưng trạng thái tâm tốt đẹp thì quả sẽ tốt đẹp. Ai có thể giữ cho trạng thái tâm tốt đẹp thì bố thí, cúng dường bất kỳ vật tầm thường, thô xấu thế nào cũng được kết quả tốt đẹp, được quả dị thục to lớn!

Nghe lời Như Lai, khuôn mặt trưởng giả Cấp Cô Độc rạng rỡ hẳn lên, ông thốt to lên rằng:

- Tâm đệ tử không bao giờ là thô xấu cả, bạch Thế Tôn!

Đại chúng biết không? Nhà đại triệu phú có bảy tầng lầu, bảy cửa gác. Tại cửa gác thứ tư có vị thiên nữ ngụ ở đấy. Từ trước đến nay vị thiên nữ ấy không được an lạc. Vì khi Như Lai vào nhà thì vị thiên nữ kia phải di chuyển chỗ ở xuống tầng trệt cuối cùng. Không những chỉ có mình Như Lai mà chư vị đại trưởng lão, chư tỳ-khưu có uy đức, khi các ngài đến, nếu thiên nữ vẫn ngự yên ở trên cửa tầng lầu thứ tư, sẽ bị lửa nung đốt.

Hôm kia, thấy tình cảnh gia đình ông Cấp Cô Độc đã sa sút, nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để làm cho Như Lai và tăng chúng không còn đến ngôi nhà này nữa; vị thiên nữ chói sáng hào quang đến gặp viên quản lý, đứng giữa hư không.

Viên quản lý ngạc nhiên hỏi:

- Ai đó? Ngươi là ai?

- Ta là thiên nữ ở nơi cửa gác căn lầu thứ tư. Ta đến đây vì lợi ích của ngươi, của gia chủ ngươi.

- Vậy thì cứ nói đi, tôi nghe! Viên quản lý nói.

Thiên nữ tiếp:

- Ngươi làm quản lý mà ngươi không biết quản lý tài sản. Ngươi không biết việc nào lợi ích và việc nào không lợi ích. Ngươi lại càng không thấy được mối nguy cơ phát xuất từ việc làm của ông triệu phú. Ông quản lý có rõ không? Năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng đã được chi dùng vào việc vô ích. Các kho đụn tài sản, châu báu và lương thực, thực phẩm của ngôi nhà này, bây giờ chỉ còn là cháo tấm và bột chua. Vậy thì ngươi hãy khuyên gia chủ của ngươi lo làm ăn, kinh doanh buôn bán để gia tài được phát sanh, tăng bội, chứ đừng để sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ấy đến ăn hại tại ngôi nhà này nữa. Hãy đuổi cổ chúng đi!

Viên quản lý nghe những lời phỉ báng kia, đùng đùng nổi giận, hét toáng lên:

- Này, này! Bà thiên nữ ngu si kia! Ông triệu phú, chủ của ta, là người hiền thiện, là bậc có lòng từ quảng đại, vô song. Trọn vẹn cả gia tài này ông ta đã chi dùng đầy công đức và trí tuệ cho giáo pháp của đức Thế Tôn. Một sự chi dùng đúng đắn đem đến lợi lạc tối thượng cho nhân, thiên ba cõi. Đừng nói đến chuyện khánh tận gia sản, chỉ còn cháo tấm và bột chua; nếu ông triệu phú, chủ của ta, nắm búi tóc của ta lôi đi, đem ra giữa chợ bán như một tên nô lệ, để lấy tiền bố thí cúng dường, thì ta cũng sẵn lòng hoan hỷ! Đã nghe rõ chưa, vị thiên nữ đầy tà kiến, tối tăm và ngu ngốc! Hãy bước đi!

Thấy không lay động được viên quản lý, thiên nữ hiện thân gặp người con trai cả, cũng nói như trên, nhưng cũng bị người con trưởng nam mắng cho xối xả. Tuy thế, vẫn không thối chí, vì thiên nữ nửa đêm hiện ra trong phòng ông Cấp Cô Độc với hào quang chiếu sáng.

- Này, đại triệu phú! Ta là thiên nữ ở cửa tầng lầu thứ tư, ta đến đây vì lợi ích của ông và gia đình ông.

- Hãy nói đi, ta nghe đây.

- Từ lâu, thiên nữ nói - ngươi đã không nghĩ đến tương lai, không nghĩ đến con cái, bỏ bê công nghiệp, phung phí tài sản cho sa-môn Gotama và tăng chúng của ông ta. Cho đến hôm nay, gia sản ngươi đã khánh tận mà các sa-môn ấy vẫn đi vào nhà. Những gì chúng lấy đi từ ngươi thì không bao giờ có thể đem về lại được. Hãy nắm chắc, biết chắc là như vậy. Bắt đầu từ nay trở đi, ngươi chớ tự mình đi đến sa-môn Gotama! Chớ cho phép những đệ tử của ông ta đi vào ngôi nhà này nữa. Hãy xoay lưng, không có nhìn sa-môn Gotama. Hãy lo kinh doanh buôn bán và xây dựng lại sản nghiệp.

Triệu phú Cấp Cô Độc nghe những lời không hợp với lỗ tai chánh giáo của mình, nhưng vẫn trầm tĩnh, hỏi:

- Vậy ra đấy là những lời khuyến giáo thiện ý của ngươi đối với ta?

- Phải như vậy!

Ông đại triệu phú cất giọng cứng rắn, đanh thép:

- Bậc Mười Lực đã làm cho ta không bị dao động bởi trăm, bởi ngàn, bởi trăm ngàn lời nói của thiên nữ ngươi. Lòng tin của ta đối với đức Phật và tăng chúng như núi Tu Di vững chắc, kiên định. Đức tin ấy ta đã khéo an trú lâu rồi. Thật uổng thay cho công sức và miệng lưỡi của ngươi. Tài sản được ta tiêu dùng cho chánh pháp, đem đến lợi lạc cho nhân thiên và đưa đến giác ngộ, giải thoát cho người hữu trí. Như vậy, những lời ngươi nói thật là không thích hợp, phi pháp, phản động, là đòn đánh mạnh vào giáo pháp của đức Tôn Sư.

Nói đến đây, ông triệu phú chợt xúc động chánh pháp, nói như lưỡi búa phủ xuống đầu thiên nữ:

- Hãy bước đi, này con quỷ đen (kāla-kaṇṇī), kẻ thiếu lễ độ và đầy ác giới kia! Không có vấn đề ngươi sống chung ở đây nữa. Hãy ra khỏi ngôi nhà này mau. Hãy cút đi! Hãy xéo đi!

Lời nói của vị thánh đệ tử đã chứng quả Dự Lưu, không phải là không có oai lực nên thiên nữ không thể ở chỗ cũ được nữa, phải ra đi. Nhưng thiên nữ nghĩ rằng: ‘Nếu không tìm được chỗ ở khác, ta trở về xin lỗi ông là xong. Có lẽ nào một kẻ tu hành lại thiếu lòng từ, để tâm hờn giận dài lâu!’

Trước tiên, thiên nữ đến vị thiên tử hộ trì thành phố, đảnh lễ vị này, đứng một bên rồi trình bày tự sự trước sau. Lại còn nói rằng đấy chỉ là lời vô ý (anupadhāretvā), không có chủ tâm, xin ngài, với oai đức của mình, dẫn tôi về nhà đại triệu phú, xin lỗi ông ta cho tôi được ở lại.

Vị thiên tử hộ trì thành phố phất tay đứng dậy, quát như sấm nổ:

- Ngươi cũng bước đi khỏi đây, bước ra khỏi đây cùng với những lời nói dơ uế lỗ tai và ngu si ấy! Những lời ấy là gì? Là lời không thích đáng, phi pháp, phản động; là đòn đánh mạnh vào giáo pháp của đức Tôn Sư. Ở đây không có chỗ cho ngươi!

Không nản chí, thiên nữ tìm đến các vị thiên có oai lực lớn hơn, tức là bốn vị Đại thiên vương. Các vị này sau khi nghe xong, không quát mắng, không xua đuổi, chỉ nói về lý, tình cho vị thiên nữ tội nghiệp kia hiểu.

- Ta cũng thương ngươi ngược xuôi vất vả mà không có chỗ an cư. Nhưng biết làm thế nào được. Khi mà oai lực của ta không bằng oai lực của ông đại triệu phú. Bằng sao được khi đấy là lời nói của một thánh thiện nam, kẻ thành tựu khá hoàn hảo về tín, giới, văn, thí, tuệ? Vậy ta khuyên ngươi lên tìm gặp đức Đế Thích thiên chủ, may ra ngài ấy có biện pháp giúp đỡ ngươi.

Chẳng biết sao hơn, vì thiên nữ thất tha thất thểu đến cõi trời Đao Lợi, quỳ lạy Đế Thích và khẩn thiết yêu cầu sự giúp đỡ.

Sau khi nghe xong, ái ngại và xót thương nhìn người thiên nữ dại dột, thiên chủ nói:

- Đáng lý ra ta cũng phất tay mà đuổi ngươi đi như các vị thiên kia. Và nếu vậy, ngươi sẽ lang thang suốt đời mà không có chỗ an cư. Ta do nhờ nghe pháp của đức Đạo Sư mà thấy rõ đâu tội, đâu phước, đâu nhân, đâu quả. Ta tri ân ngài quá lớn. Thế mà ngươi, một hạt bụi, một mảy lông mà dám đánh đổ núi Tu Di? Ân đức của bậc Tôn Sư, của giáo pháp, của chư tăng thật vô lượng cho chúng sanh ba cõi vậy. Ngươi vì vô minh, vì si mê nên không thấy, không biết ân đức ấy, mới dại dột đụng chạm đến giáo pháp của bậc đại chiến thắng. Tội của ngươi quá lớn. Nhưng cũng vì sự hỷ xả, vì lòng từ mẫn, ta sẽ chỉ cho ngươi một phương pháp, trước là để chuộc tội với ông đại triệu phú, sau nữa là sám hối với đức Phật.

- Lành thay, thưa thiên chủ! Thiên nữ mừng rỡ nói - xin người từ bi chỉ dạy cho con. Ôi! Con mong được tha thứ xiết bao!

Rồi thiên chủ Đế Thích chậm rãi trình bày như sau:

- Ông đại triệu phú có một gia sản kim ngân lớn bị thất thoát. Thất thoát do người ta vay nợ, do nước trôi và do chôn của để dành bị mất dấu. Hiện giờ, ở khắp nơi trong thành Sāvatthi, các gia chủ lớn, các thương gia, do nhờ vay tiền của ông đại triệu phú mà trở thành giàu có cả. Những giấy nợ, những biên nhận kia hiện nằm trong tủ phía đầu giường của ông. Từ khi gặp Phật và thấy được giáo pháp, con đường đi của giáo pháp, ông không hề để tâm đến những món nợ ấy nữa. Bây giờ ông đại triệu phú đang lúc nghèo túng. Ngươi hãy lấy tất cả giấy nợ và biên nhận kia, với oai lực của ngươi cùng với oai lực của một số Dạ Xoa trẻ ta cho đi theo để tháp tùng; đến các con nợ mà hăm doạ, nạt nộ thế nào đó để người ta phải trả lại. Số tiền này có thể lên đến một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng; ngươi đem đến đổ vào kho bạc trống không của ông ta. Đấy là món kim ngân thứ nhất. Ngươi có nghe rõ không?

- Dạ, con nghe rõ!

- Còn món kim ngân thứ hai, trị giá cũng chừng khoảng một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng, bỏ trong những cái ghè bằng đất nung, chôn giấu ở bờ sông Aciravatī. Khi lũ lụt đến, đất lở, nước đã cuốn trôi tất thảy về đại dương. Với oai lực của ngươi, và của một số Dạ Xoa tháp tùng, ngươi có thể tìm thấy tài sản ấy và mang về một cách dễ dàng. Ngươi có làm được thế không?

- Dạ, con làm được!

- Còn tài sản khác, chính ông đại triệu phú cũng không nhớ là đã chôn giấu ở đâu. Ngươi có thể nhờ bằng hữu, các vị thiên quản nhiệm các ngôi rừng, làng mạc, nghĩa địa, vườn tược, thung lũng, khe suối, gò đống, ao hồ... quanh kinh thành Sāvatthi tìm hộ giúp. Số kim ngân này cũng không ít hơn hai loại tài sản kia đâu.

Và như vậy, với chừng năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng, ngươi làm đầy lại kho gia sản của ông triệu phú để đền tội, để chuộc tội, để sám hối. Ông triệu phú thấy ngươi có lòng thành, biết ăn năn hối lỗi, sẽ tha thứ cho ngươi. Và ngươi lại có chỗ tịnh cư an lạc, khỏi phải lang thang nữa!

Với phương pháp chỉ bày của thiên chủ Đế Thích, trong thời gian ngắn, thiên nữ đã tìm ra đủ ba loại tài sản. Nửa đêm, rực rỡ với hào quang, đứng giữa hư không, thiên nữ nói:

- Thưa ông trưởng giả! Tôi vì ngu si, lầm lạc, mù quáng, không biết đến công đức của Phật, của giáo pháp, của tăng chúng đã có những lời nói lỗi lầm ngày trước. Ông hãy vì lòng từ ái mà tha thứ cho tôi. Theo lời chỉ giáo của thiên chủ Đế Thích, tôi đã đòi lại số nợ một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng ở rải rác trong thành phố cho ngài; đã lấy lại số tài sản một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng bị nước trôi ra biển; và tôi cũng đã tìm ra tài sản một trăm tám mươi triệu đồng tiền vàng chôn giấu giữa những bãi đất vô chủ. Với năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng, tôi đã đổ đầy kho kim ngân trống không của trưởng giả để chuộc tội. Như vậy, số kim ngân ngài tiêu dùng cho việc kiến tạo tịnh xá cùng hộ trì đức Phật và tăng chúng trong gần bốn mươi năm qua, tất cả đã thâu lại đủ. Từ khi mất chỗ trú xứ, tôi phải lang thang, buồn phiền và mệt mỏi. Tôi rất hối hận. Xin ngài miễn chấp cho việc làm vô trí của tôi. Hãy tha thứ cho tôi vì lòng bi mẫn, thưa trưởng giả!

Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe vậy, suy nghĩ như sau:

“- Thiên nữ này bảo là đã lấy công chuộc tội, nghĩa là đã thấy tội của mình. Muốn cho nó thấy rõ công đức của ta cùng việc làm trước sau của nó, ta nên dẫn nó đến gặp bậc Đạo Sư. Chỉ có ngài mới biết rõ là nên giáo giới vì thiên nữ này như thế nào”.

Rồi nói:

- Này thiên nữ! Sự hối lỗi của ngươi là rất tốt. Nếu muốn xin lỗi ta thì hãy xin lỗi trước mặt bậc Đạo Sư!

Sáng ngày, khi đêm đã tàn, trưởng giả Cấp Cô Độc không cần phải xem lại số tài sản đem về hư thực thế nào, dẫn thiên nữ đến hầu đức Thế Tôn.

Và đoạn cuối đã được đây đó kể lại.

Đức Phật sau khi nghe xong câu chuyện, nói cho thiên nữ nghe với ý rằng: Một người làm việc xấu ác, khi việc xấu ác ấy chưa trả quả thì nghĩ rằng, việc xấu ác ấy là lành tốt. Nhưng đến khi quả báo xảy ra, người ấy mới thật sự biết đấy là xấu ác. Ngược lại, một người làm việc lành tốt, khi việc lành tốt ấy chưa trả quả thì nghĩ rằng, việc lành tốt ấy là xấu ác. Đến khi quả báo xảy ra, người ấy mới thật sự biết đấy là lành tốt.

Rồi đức Phật cô đọng ý ấy trong mấy bài kệ sau đây: 

“- Ác hạnh như mật, như đường!

Người ngu nghĩ vậy, quả thường chưa sanh

Đến khi ác báo rành rành

Than trời, trách Phật, khổ thành khổ hơn!”(1c)

“- Ác nghiệp là nghiệp chẳng lành

Ăn năn, hối quá phát sanh lòng người

Đến khi quả dữ chín muồi

Lệ tuôn đầy mặt, lạy trời khóc mưa!”(2c)

“- Thiện nghiệp là nghiệp tốt lành

Thỏa thích, mát mẻ phát sanh lòng người

Đến khi lạc báo chín muồi

Thọ hưởng phước quả, nói cười hân hoan!”(3c)

Sau mấy bài kệ, thiên nữ chứng Dự-lưu quả. Nàng sung sướng đảnh lễ đôi bàn chân có tô điểm bánh xe ngàn căm của đức Chánh Đẳng Giác rồi nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Vì bị tham ái nhiễm, bị sân kích động, bị si mờ ám, bị vô minh che phủ, con không biết những công đức của Thế Tôn, đã nói những lới ác ngữ, hãy tha thứ cho con.

Vì thiên nữ lại quay sang xin hối lỗi với trưởng giả Cấp Cô Độc. Trước mặt đức Phật, ông trưởng giả hoan hỷ công đức của mình:

- Mặc dầu bị thiên nữ này ngăn chặn, bạch Thế Tôn! Ngăn chặn chớ có phục vụ đức Phật, ngăn chặn chớ có bố thí, cúng dường. Nhưng giống như những ngọn gió đông gió tây không lay chuyển đỉnh núi Sineru như thế nào, tâm của đệ tử vẫn kiên trì, vững chắc vào đức Thế Tôn, giáo pháp cùng tăng chúng cũng y như thế đó! Đệ tử đã an trú ở đấy với đức tin bất thối chuyển.

Mỉm nụ cười hoa sen tựa vàng ròng và hào quang sáu vòng từng đôi một, đức Phật tán thán công đức của trưởng giả và nói rằng, đấy là do nhờ sự thấy biết thanh tịnh của một thánh đệ tử, trạng thái tâm đã ổn định, đã xuôi vào dòng đưa đến cõi bất tử.

Sau đó, đức Phật kể cho trưởng giả Cấp Cô Độc và thiên nữ nghe một tiền thân của ngài trong quá khứ, vào cái thời chưa có vị Phật Chánh Đẳng. Vì muốn ngăn chặn sự bố thí của ngài đến một vị Độc Giác Phật, nên Ác Ma vương đã hóa hiện một hố sâu than hồng hừng hực lửa; tuy nhiên, ngài vẫn bước qua và chiến thắng. Rồi đức Phật tóm tắt như sau:

“- Ta bước vào địa ngục an toàn như bước vào ngôi nhà của chư thiên. Ta bước trên hố than hừng, đóa hoa sen bừng nở, nhuỵ vàng và phấn hương trải gót chân ta... Ôi! Hy hữu thay là sự bố thí bất động tâm! Ôi bất diệt thay là đức tin bất động tâm với thiện pháp”.

Quả thật, trưởng giả Cấp Cô Độc cũng xứng đáng được tán thán như vậy trong suốt cuộc đời làm công đức không mệt mỏi của ông. Như ngôi sao Bắc Đẩu rỡ rỡ chiếu sáng hằng đêm với một phương hướng nhất định, cũng vậy, ông nêu gương cho hàng cư sĩ tại gia trên con đường phước sự lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người vậy.

Cả gia đình của ông: Bà vợ, người em út, con trai, ba con gái và con dâu đều thâm tín Tam Bảo. Chuyện kể về lời nói của vị thiên nữ không lay động được tâm của người con trai và viên quản lý chứng tỏ điều đó. Có rất nhiều bài pháp đã được đức Phật đặc biệt thuyết riêng cho từng người một trong gia đình hiền thiện này.

Ngoài ra, ông còn có công dẫn rất nhiều bà con quyến thuộc, kẻ quen biết thân, sơ đến quy y với đức Phật rồi sống an lạc trong giáo pháp này. Một lần, ông đã dẫn đến năm trăm người bạn, đặt họ trên tam quy và hướng dẫn họ sống đúng với chánh pháp. Khi đức Phật rời Sāvatthi, năm trăm người này lại phá vỡ tam quy, quy y theo ngoại đạo. Lâu sau, đức Phật trở lại Kỳ Viên, ông mời năm trăm người bạn trở lại nghe pháp. Cuối bài giảng, cả năm trăm nam cư sĩ đều chứng quả Dự Lưu.

Cây Bồ Đề được tôn giả Mahā Moggallāna lấy hạt từ cây mẹ bên sông Nerañjarā, được ươm trồng giữa lối vào tịnh xá, mười mấy năm về trước, bây giờ đã cao lớn, xanh um chính là do công đức của ông bạch với tôn giả Ānanda xin đức Phật cho phép - để cho hai hàng cận sự nam nữ có nơi để đảnh lễ, cúng dường những khi ngài đi hoằng hóa phương xa.

Trưởng giả Cấp Cô Độc thường được đức Phật, tăng chúng và hàng cư sĩ tin cậy nên ông thường tỏ ra làm đại diện cư sĩ một cách xứng đáng, góp ý xây dựng giáo hội và giải quyết những vẫn đề thuộc lãnh vực cư sĩ. Ông và đại nữ thí chủ Visākhā là hai cánh tay đắc lực, trọng yếu trong việc làm cho toàn hảo căn nhà giáo pháp của đức Phật vậy.



(1c)Pháp cú 69: “Madhu’vā maññati bālo, yāva pāpaṃ na paccati, yadā ca paccati pāpaṃ, bālo dukkhaṃ Nigacchati”.

(2c) Pháp cú 67: Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu, yaṃ katvā anutappati, yassa assumukho rodaṃ, vipākaṃ paṭisevati.

(3c) Tañca kammaṃ kataṃ sādhu, yaṃ katvā nānutappati, yassa patīto sumano, vipākaṃ paṭisevati.


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn