(Xem: 1506)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

6.44- Lại Lên Đường, Lại Ra Đi!

16 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 9379)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 6


6.44- Lại Lên Đường, Lại Ra Đi!

Ở tại Trúc Lâm, thấy trời quang, mây tạnh, đức Phật lại ôm bát lên đường, với đại chúng chừng năm trăm vị trong đó chỉ có chư tôn giả Ānanda, Upāli, Anuruddha... là đi theo, còn tất cả ở lại tịnh xá.

Lúc này đức Phật đã tám mươi tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhưng ngài muốn đi, đi khá chậm rãi, lộ trình lên phía bắc. Dường như ngài muốn thăm nơi này nơi kia một ít ngày. Đầu tiên, đức Phật ghé thăm ngôi vườn Ambalatthikā, vốn là nơi nghỉ mát của đức vua Bimbisāra trước đây đã dâng cúng cho giáo hội. Tại đây, đức Phật nhắc nhở chư tỳ-khưu về giới, về định, về tuệ; định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn; tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Nhưng tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, phiền não.

Rời Ambalatthikā, đức Phật ghé Nalandā rồi đi thẳng lên Pāṭaligāma, là một thị trấn bên bờ sông Gaṇgā. Tại đây, đức Phật giảng dạy cho một nhóm cư sĩ về “năm sự nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái giới luật”. Thứ nhất là bị tiêu hao tiền của khi sống phóng dật. Thứ hai là tiếng dữ bị đồn xa. Thứ ba là sống với sự sợ hãi thường xuyên. Thứ tư là tâm trí bị rối loạn, bất an. Thứ năm, mệnh chung rơi vào tứ ác đạo.

Ngược lại, những ai có giới, sống đúng với giới luật mà mình đã thọ trì thì tiền của không bị tiêu pha vô ích, tiếng lành được đồn xa, đi đâu cũng không bối rối, sợ hãi, tâm luôn ổn định, bình tĩnh, và cuối cùng, khi chết đi vào con đường người, trời.

Rời nhóm hội chúng cư sĩ, đức Phật về chỗ nghỉ ngơi lúc trời đã khuya. Hướng tâm, ngài biết một việc: Số là sau khi viên đại thần Vassakāra về nói lại bảy pháp bất thối mà đức Phật đã giảng, đức vua Ajātasattu biết là ngài đã tinh tế khuyên vua không nên gây can qua với Vajjī vì họ rất hùng mạnh. Bây giờ chỉ có một cách là phòng thủ, nên đức vua cử viên đại thần Vassakāra và Sunidha đến tại thị trấn Pāṭaligāma nghiên cứu công trình phòng thủ.

Đức Phật còn biết, trong nay mai, thị trấn Pāṭaligāma này sẽ trở thành một thành phố lớn quan trọng, là nơi phát triển kinh tế, thương mãi phồn thịnh nhất trong khu vực – vì ngài thấy rất nhiều thiên thần có oai lực đang trấn ngự ở đây.

Hôm sau, đức Phật nhận lời mời buổi đặt bát cúng dường của hai viên đại thần. Tại trú xứ của hai vị, đức Phật nói một thời pháp rồi kết luận bằng một bài kệ với ý nghĩa như sau:

“- Chỗ nào mà người sáng suốt, có trí tuệ chọn làm trú xứ của mình – thì chỗ ấy phải biết nuôi dưỡng, chăm sóc người có giới và bậc phạm hạnh. Ngoài ra, khi làm được công đức, phước báu gì thì phải biết hồi hướng, chia sẻ với chư thiên, thọ thần. Nếu được tôn kính đúng mức thì họ sẽ tôn kính lại. Nếu được trọng vọng, họ sẽ trọng vọng lại. Nếu được mến thương, họ sẽ mến thương lại. Ai được thọ thần, chư thiên tôn kính, trọng vọng, mến thương thì kẻ ấy luôn được mọi sự hanh thông, an vui và nhiều may mắn!”

Lúc đức Phật và đại chúng từ giã, hai vị đại thần đi sau cùng, nói với nhau rằng: “Hôm nay sa-môn Gotama đi ra cửa nào cửa ấy sẽ được đặt tên là cửa Gotama; sa-môn Gotama lội qua sông từ bến nào, bến ấy sẽ được đặt tên là bến Gotama”.

Cũng ngay chiều hôm ấy, đức Phật và đại chúng đi đến bến sông. Lúc bấy giờ, sông Gaṇgā tràn ngập nước đến bờ đến nỗi con quạ có thể uống được. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để qua bờ bên kia. Đức Phật mau lẹ như viên lực sĩ co hay duỗi cánh tay, biến mất từ bờ bên này và hiện ra bờ bên kia với chúng tỳ-khưu. Nhìn lại cái cảnh người thì tìm thuyền, kẻ tìm phao, người cột bè, cảm khái, đức Phật thốt lên: “Ai dễ dàng vượt qua biển ngàn trùng dương, bỏ lại đất sũng đầm ao, trong khi chúng phàm phu đang loay hoay tìm thuyền, cột bè... Người ấy là bậc trí tuệ, giải thoát”.

Đức Phật lại bộ hành, lại đi. Đến Kotigāma lại giảng Tứ Thánh Đế cho chúng tỳ-khưu. Đến Nādika, nhân nghe có nhiều tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sư nữ ở đây, tử thần vừa mới gõ cửa – nên tôn giả Ānanda bạch hỏi sanh thú của họ. Đức Phật sau khi nói rõ cảnh giới thai sanh, hóa sanh của từng người, ngài có ý la rầy tôn giả Ānanda, là nếu ai chết cũng hỏi thì làm phiền nhiễu ngài quá đấy! Quan trọng là tu tập làm sao để biết chắc mình không con bị đọa vào bốn con đường khổ là được rồi. Muốn khỏi bị đọa vào tứ ác đạo, một tỳ-khưu hay cư sĩ phải chứng quả Dự Lưu, có chánh tín với đức Phật, đức Pháp, đức Tăng. Đơn giản vậy thôi.

Rời Nādikā, đức Phật đến Vesāli. Chư tăng bổn xứ tề tựu đón tiếp ngài rất đông. Tại đây, đức Phật dạy đại chúng tỳ-khưu thế nào chánh niệm, tỉnh giác đối với thân, thọ, tâm, pháp rồi ngài lên đường, ghé làng Baḷuvā và trú trong một ngôi nhà bằng gạch được gọi là Giñjakāvasatha.

Thấy thời tiết xấu đi, mưa tầm tã, đức Phật khuyên chư tăng nên tìm chỗ trú cư, riêng ngài thì ở tạm Baḷuvā này. Chỉ hôm sau là một cơn bệnh trầm trọng phát sanh, đau đớn vô cùng; đức Phật xua tay cho mọi người đi hết rồi nằm yên, không hề rên xiết, không hề tỏ một dấu hiệu nào là cơn bệnh như đang đục khoét xương tủy, chẳng có ai đủ sức chịu đựng. Tuy nhiên, nghĩ là phải vượt qua nó, đức Phật đã sử dụng thiền định để làm lắng dịu cơn đau. Do ngài nghĩ: “Cái cỗ máy thân xác này đã đến hồi rã mục rồi. Nhưng thật là không phải lẽ khi ta nhập diệt ở đây mà chưa có những giáo giới cuối cùng đến đệ tử các hàng. Vậy ta phải duy trì thọ hành, duy trì mạng căn đến lúc đúng thời, phải lẽ nhất!”

Thấy đức Phật khỏe mạnh trở lại, tôn giả Ānanda rất vui mừng, nói rằng:

- Khi thấy Thế Tôn cơn bệnh phát sanh, phải chịu đựng nó, kham nhẫn nó, đệ tử cảm thấy yếu mềm như lau cói, vật vờ như người mất phương hướng, nhưng cũng tự an ủi rằng: Chắc chắn Thế Tôn chưa diệt độ vì Thế Tôn chưa có lời “di giáo” đến chư tỳ-khưu tăng.

Đức Phật trả lời:

- Này Ānanda! Chư tăng còn mong mỏi gì ở Như Lai nữa? Chánh pháp, Như Lai đã cặn kẽ giảng nói hết rồi không phân biệt trong ngoài, mật hay hiển. Trong bàn tay của Như Lai không còn nắm giữ hay giấu giếm bất kỳ một pháp nào. Chẳng còn gì mà Như Lai chưa hề giảng dạy.

Này Ānanda! Nay Như Lai đã tám mươi tuổi, đã già, đúng lúc phải ra đi rồi. Như cái cỗ xe đã cỗi mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ vào những đai, trục, vành, thắng kết cấu lại, cũng vậy, cái thân Như Lai còn duy trì được chút ít sự sống là nhờ vào sự chống đỡ của xương gân, dây chằng đan kết lại.

Này Ānanda! Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, chớ nương tựa bất kỳ một nơi nào khác.

Này Ānanda! Những ai sau khi Như Lai diệt độ, biết tự mình là hòn đảo của chính mình, biết tự mình nương nhờ chính mình; nói cách khác, biết dùng chánh pháp làm ngọn đèn, biết lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa – thì họ là những bậc tối thượng trong hàng tỳ-khưu!

 

6.45- Phật Hứa Với Ma Vương

Hôm ấy, sau khi đi khất thực quanh thành Vesāli, độ ngọ xong, trên đường trở về, đức Phật nói với tôn giả Ānanda là đến điện thờ Cāpāla để nghỉ trưa.

Đến đây, tôn giả Ānanda lựa tìm một chỗ sạch sẽ, mát mẻ trải tấm tọa cụ cho đức Phật an ngự, còn mình thì ngồi xuống một nơi phải lẽ.

Chợt đức Phật đưa mắt nhìn quanh, cảm hứng ngữ thốt lên:

- Khả ái thay Vesāli! Khả ái thay điện thờ Udena! Khả ái thay điện thờ Gotamaka! Khả ái thay điện thờ Sattambaka! Khả ái thay điện thờ Bahuputta! Khả ái thay điện thờ Sārandada! Khả ái thay điện thờ Cāpāla!

Vào đề thế xong, đức Phật nói tiếp:

- Này Ānanda! Những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo - thì nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Nay Như Lai đã tu bốn thần túc đã đến độ toàn diện, viên mãn, nếu muốn Như Lai có thể duy trì mạng căn, thọ hành sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

Mặc dầu đức Phật đã nói ba lần về khả năng tứ thần túc của ngài nhưng tôn giả Ānanda không hề hiểu sự gợi ý ấy. Nếu hiểu thì chắc tôn giả phải quỳ bạch rồi thỉnh cầu rằng: “Xin đức Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Xin đức Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên vì loài người!”

Thật ra, lúc ấy tôn giả Ānanda đang mơ mơ màng màng, nửa như cái tâm đang ngủ, nửa như bị ma ám – nên không nghe không biết lời gợi ý của đức Thế Tôn.

Khi đức Phật bảo ngài Ānanda tìm chỗ nghỉ ngơi, tôn giả đi chưa được bao lâu thì Ma vương tìm đến, nó nói:

- Trước đây, tại Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới gốc cây Ajapālanigrodha, khi sa-môn Gotama vừa thành đạo, tôi mời thỉnh sa-môn Gotama hãy diệt độ thì ông đã có nói với tôi rằng: “Như Lai sẽ không diệt độ khi nào chúng đệ tử chưa trở thành những con người chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, nghe nhiều học rộng, biết duy trì chánh pháp, thành tựu pháp học, pháp hành, sống theo chánh pháp, có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, truyền bá chánh pháp một cách mỹ toàn và thần diệu”. Thì nay đệ tử của sa-môn Gotama thành tựu đã còn hơn thế nhiều. Cả hai giáo hội tăng ni cả hàng ngàn tỳ-khưu bác học, đa văn, thành tựu trí tuệ, thiền định, giới luật, thuyết pháp, cụ túc pháp học, pháp hành và đang thiện xảo xiển dương giáo pháp khắp cả châu Diêm-phù-đề rồi! Vậy nay tôi yêu cầu sa-môn Gotama thực hiện lời hứa thuở trước!

Yên lặng một lát, sau khi xác nhận điều mà Ma vương nói là hoàn toàn đúng với sự thực, đức Phật nói:

- Thôi được rồi, này Ma vương! Ngươi yên tâm, Như Lai sẽ thực hiện lời hứa. Đúng ba tháng kể từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ!(1b)

Rồi ngay tại thời khắc ấy, đức Phật chánh niệm, tỉnh giác, nguyện từ bỏ thọ hành (āyusaṇkhāra), chỉ duy trì mạng căn trong ba tháng nữa thôi, thì cũng chính ngay lúc đó, địa đại chấn động kinh hoàng, sấm trời vang dậy, những âm thanh ghê rợn nổi lên, ai lông tóc cũng dựng ngược, sợ hãi... không hiểu là chuyện gì!

Tôn giả Ānanda nghe thấy trời đất như vậy cũng rất kinh sợ, đến bên Phật muốn hiểu căn do thì ngài đáp:

- Này Ānanda! Có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Ông biết không? Đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động.

Đó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Có vị sa-môn hay bà-la-môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh.

Đó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát ở cõi Tusita từ bỏ thân, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Đó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Đó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Đó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chuyển bánh xe pháp, lúc lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Đó là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu, khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Đó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai nhập vô dư y Niết-bàn, lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Đó là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động.

Này Ānanda! Do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động, không có một nhân, một duyên nào khác nữa.

Khi đức Phật tuyên bố là đã từ bỏ thọ hành, đã hứa với Ma vương là chỉ duy trì mạng căn ba tháng nữa thôi - tôn giả Ānanda vô cùng sầu não.

Thế Tôn lại phải ân cần nhắc nhở:

- Phải chăng ngay từ ban đầu, Như Lai đã từng tuyên bố rằng: Mọi vật mình ưu ái, luyến thương, thân sắc và hình dong này đều phải bị thay đổi, biến dịch, đều phải trả về cho hư không, cho cát bụi?

Này Ānanda! Làm sao những cấu tạo hữu vi, những gì sanh khởi, tồn tại, chịu sự vô thường, thay đổi mà không đưa đến biến diệt cho được?

Này Ānanda! Những gì Như Lai đã từ bỏ, xả ly, khước từ, chính là thọ hành. Như Lai đã tuyên bố và đã tuyên bố một cách dứt khoát như vậy. Vậy cầu mong Như Lai muốn sống, duy trì thọ hành - thì chẳng khác gì phản lại lời tuyên bố của Như Lai?

Đừng khóc thương, sầu muộn một cách vô ích nữa. Hãy chuẩn bị để cùng Như Lai ghé Kūṭagāra, rừng Mahāvana.

Hôm sau, muốn đưa Ānanda vào công việc, đức Phật bảo tôn giả tìm cách thông báo, mời thỉnh tất cả chư tăng ni tại Vesāli và vùng phụ cận đến tại giảng đường Đại Lâm để Thế Tôn giáo giới.

Và rồi tại đây, trước vài ngàn thính chúng tăng ni, đức Phật giảng tới giảng lui cặn kẽ, chi li về ba mươi bảy trợ đạo phẩm, như là tóm gọn toàn bộ giáo pháp mà đức Phật chứng ngộ và giảng nói suốt bốn mươi lăm năm qua. Đó là là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát chánh đạo phần.

Đưa mắt nhìn khắp hội chúng tăng ni, đức Phật khởi tâm đại bi tạo một năng lượng đổ tràn ra không gian rồi lớn giọng, chẳng khác gì là lời di giáo:

“- Này đại chúng tăng ni! Đây là lời nhắn nhủ quan trọng nhất của Như Lai để các vị làm kim chỉ nam tu tập: Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát”.

Hôm sau, đức Thế Tôn lại ôm y bát vào thành để khất thực, trên đường trở về, ngài đưa mắt nhìn bao quát Vesāli bằng cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ānanda:

- Đây là cái nhìn Vesāli lần cuối cùng của Như Lai, không còn một lần nào khác nữa.

Và rồi, ngài tiếp:

- Chúng ta hãy cùng đi đến ngôi làng Bhandagāma. Sau Bhandagāma là Hatthigam, rồi Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara...

Và cứ thế, từng bước đi, đức Phật với từng bước đi như đi chỉ để mà đi, trọn vẹn trong mỗi bước đi, chứ không phải đi là để tìm kiếm cái gì phía trước, nhân và quả đủ đầy trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở! Không biết tôn giả Ānanda và chư tỳ-khưu đi theo đức Phât, họ có học được bài học đó không? Hay chỉ có chư trưởng lão như Upāli, Anuruddha, Mahā Cunda, Upavāna... là họ cũng đang thực hiện điều ấy trong mỗi bước đi của mình? Gần suốt ba tháng như vậy, mỗi địa danh đức Phật dừng lại năm bảy hôm, mỗi nơi, đức Phật giảng một bài pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất là nói về thánh giới, thánh định, thánh tuệ và thánh giải thoát.

Đức Phật cũng ân cần nhắc nhở chư tăng ni phải nên kiểm chứng thế nào là pháp và luật. Khi nghe một vị niên cao, lạp lớn hoặc vị có nhiều uy tín trong hàng tăng lữ - nói thế này là pháp, thế kia là luật – chư vị chớ vội tin tưởng mà cũng đừng nên bài bác. Hãy suy tư, chiêm nghiệm. Hãy so sánh với cái thực trong nội tâm và trong đời sống. Giáo pháp không ở khô chết nơi lý thuyết, nơi bài giảng – mà chính là ở nơi hơi thở, nơi bước chân tu tập; ở nơi tĩnh lặng và sáng suốt của tâm và tuệ. Nói tóm lại là ở nơi thực hành và thân chứng. Vậy muốn so sánh để tin tưởng, y chỉ, thực hành theo thì nó là ở đấy. Pháp và luật chân chính là ở đấy. Và nó sẽ tương hợp với giáo pháp chân chính của Như Lai.

Rời Bhoganagara, đức Phật đến Pāvā.

Tại đây, đức Phật ngự tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda. Nghe đức Thế Tôn đang ngự tại vườn xoài của mình, người thợ rèn rất hạnh phúc, tìm đến để nghe pháp. Ông hoan hỷ quá. Hôm sau, ông xin thỉnh đức Phật và tăng chúng đến cúng dường đặt bát tại tư gia. Ông đã công phu chuẩn bị những món ăn thượng vị cứng mềm rất chu đáo, đặc biệt là có món được gọi là Sūkara-maddava(2b)là chỉ để dâng riêng cho đức Phật.

Độ xong, đức Phật nói với Cunda:

- Món ăn Sūkara-maddava còn lại, ngươi hãy đem chôn vào một hố nào đấy. Này Cunda! Như Lai không thấy một ai ở cõi trời, cõi người, ma giới; không một ai trong chúng sa-môn, bà-la-môn hoặc bất kỳ một ai khác, ăn món ăn này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

Người thợ rèn Cunda vâng theo Thế Tôn.

Chừng nửa canh giờ sau khi độ thực món ăn ấy, đức Phật bị bệnh nặng, có triệu chứng lỵ huyết, đau đớn khốc liệt. Tuy nhiên, lát sau, trấn tĩnh cơn đau, đức Phật nói:

- Này Ānanda! Chúng ta hãy đi đến Kusinārā.

Tuy vâng lời nhưng tôn giả áy náy không yên. Và người áy náy không yên, đau khổ, dằn vặt nhất lại chính là Cunda! Người thợ rèn này cảm thấy mình có tội, mình là thủ phạm dâng cúng món ăn Sūkara-maddava nên đức Phật bị đau tả lỵ, có lẽ là có máu bị rỉ ra từ dạ dày, từ đường ruột! Ông gục đầu xuống, khóc nức nở:

- Con chỉ có thành ý, tâm niệm trong sáng và tốt lành khi dâng cúng món ăn ấy, nó non mềm, thơm ngon... con cũng không ngờ...

Đức Phật mỉm cười:

- Không phải tội là do ông đâu. Trong quá khứ, thuở còn là bồ-tát, trong các kiếp sống sinh tử, Như Lai có gây một ác nghiệp nên quả báo dư sót hôm nay nó đến đúng thời, đúng lúc, mà món ăn chỉ là duyên cuối cùng cho giọt nước tràn ly vậy thôi. 

Người thợ rèn lắng nghe. Đức Phật tiếp:

- Đây là bữa ăn cuối cùng của Như Lai, và sẽ không còn một bữa ăn nào khác nữa. Ông phải phát tâm hoan hỷ khi biết rằng: Hiện thân của một đức Phật trên đời này, có hai bữa ăn phước báu nhiều nhất, thù thắng nhất là bữa ăn trước khi đắc quả vị Chánh Đẳng Giác và bữa ăn trước khi Niết-bàn. Bữa ăn trước, phước báu tối thượng để dành nữ thí chủ Sujātā ở rừng khổ hạnh, bữa ăn cuối là phần của thí chủ Cunda tại thị trấn Pāvā, vườn xoài này. Cả hai bữa ăn ấy, phước giống nhau, quả báo thù thắng giống hệt nhau, bằng nhau.

Cunda cúi đầu lắng nghe.

Đức Phật tiếp:

- Như Lai lặp lại, là cả hai bữa ăn ấy đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, phước báu lớn hơn, lợi ích lớn hơn những sự cúng dường ăn uống khác. Và này Cunda! Tuổi thọ, sắc đẹp, sống lâu, an lạc, danh tiếng, quyền uy, ngũ dục công đức cõi trời đang chờ đợi ông trong mai hậu đó!

Rồi đức Phật quay sang vị thị giả:

- Nay Ānanda! Sau này, có ai thắc mắc về bữa ăn “có vấn đề” này của Cunda, ông phải cặn kẽ giải thích giống như Như Lai vừa nói ở trên để giải tỏa “mối oan” cho Cunda và mối nghi cho tứ chúng!

Khi thấy người thợ rèn an tâm rồi, đức Phật mới từ giã.

Cơn đau lại tái hiện, âm ỉ, thốn nhức, Thế Tôn lại điều hòa hơi thở, bước đi trong chánh niệm, tỉnh giác. Được mấy đỗi đường, cơn đau đã giảm nhưng đức Phật thấy khát và mệt. Đến một gốc cây, ngài ngồi nghỉ rồi bảo tôn giả Ānanda đi kiếm nước uống.

Lát sau, tôn giả về thưa:

- Người ta nói là vừa có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua, con suối đã bị bánh xe khuấy đục ngầu, nước không thể uống được. Cách đây không bao xa, một người kiếm củi nói, là có con sông Kakutthā nước trong xanh, mát mẻ. Chúng ta có thể đến đấy uống để dịu cơn khát, đồng thời, rửa mặt, rửa tay chân cho dễ chịu - bạch Thế Tôn!

Tuy nhiên, lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật vẫn bảo tôn giả Ānanda đi kiếm nước.

Thế rồi, lần thứ ba, tôn giả Ānanda mang bát trở lại con suối cũ ấy - thì thấy nước lại trong trẻo, không vẩn đục nữa.

Mang nước về, tôn giả reo lên với đức Phật:

- Thật là kỳ diệu quá sức! Thật là lạ lùng quá sức! Nước suối bị bánh xe khuấy động, đục ngầu, thế nhưng Thế Tôn lại cứ bảo lấy nước, lấy nước! Quả nhiên, lần thứ ba, nước đục ngầu ấy đã thay tên đổi họ, đã biến thành khuôn mặt trắng trẻo, trong xanh, mát lịm - bạch Thế Tôn!

Đức Phật không nói gì, im lặng uống nước.

Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Mallā, đệ tử của ngài Alāra Kālāma mang hàng trên những cỗ xe, cùng với tùy tùng, đang trên con đường từ Kusināra đến Pāvā, thấy đức Phật đang ngồi tĩnh tại, trầm lặng dưới gốc cây, ông cảm nhận được cái gì đó nên đã đến gần bên, tán thán:

- Ôi! Thật kỳ diệu xiết bao là trạng thái trầm tĩnh, ổn định của bậc xuất gia! Nó định tĩnh như ngọn núi.

Đức Phật chỉ lắng nghe, và ông ta nói tiếp:

- Thuở xưa, ngài Alāra Kālāma, đạo sư của con, đang đi trên đường, ngồi xuống một gốc cây để nghỉ trưa. Đạo sư của con cũng ngồi với trạng thái trầm tĩnh, ổn định như ngọn núi vậy đó. Lát sau, có khách lữ hành đi ngang qua, cất tiếng hỏi đạo sư Alāra Kālāma rằng:

“ - Tôn giả có thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua đây không?”

Đạo sư đáp:

“- Ta không thấy!”

Ngạc nhiên, người kia hỏi tiếp:

“- Tôn giả có nghe tiếng đàn ngựa chuyển động, bánh xe sắt trì nghiến trên đất không?”

“- Ta cũng không nghe!”

“- Thế tôn giả có phải đang ngủ không?”

“- Không, ta không ngủ!”

“ - Thế tôn giả có thức không?”

“- Có, ta đang thức, ta luôn luôn tỉnh thức!”

“- Tôn giả đang tỉnh thức nhưng không thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy một tiếng động nào. Nhưng bạch tôn giả! Cái áo của tôn giả rõ ràng là đang lấm bụi!”

“- Phải! Cái áo, trên đầu, trên cổ gì cũng lấm bụi cả”

Người khách lữ hành tự nghĩ:

“- Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh như đỉnh núi của một bậc xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe một tiếng động nào”.

Do cảm phục đức trầm tĩnh ấy, khách lữ hành tỏ lòng thâm tín đối với đạo sư Alāra Kālāma rồi chào từ giã.

Pukkusa, dòng họ Mallā, đệ tử của ngài Alāra Kālāma nói với đức Thế Tôn như vậy, cũng chỉ để tỏ lòng tôn kính và cảm phục đức trầm tĩnh của bậc xuât gia.

Đức Phật chợt hỏi:

- Này Pukkusa! Nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe một tiếng động nào. Và một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng?

- Bạch Thế Tôn! Nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến sáu trăm, bảy trăm, tám trăm, chín trăm hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn – trong trường hợp một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động mà không thấy cũng không nghe tiếng.

Đức Phật lại tiếp tục:

- Này Pukkusa! Một thời, Như Lai ở Atumā, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết.

Tình cờ, Như Lai từ nhà đập lúa đi ra, vừa bước qua sân thì thấy một đám đông bèn cất tiếng hỏi:

“- Có việc gì ở đây mà quý vị tụ họp đông vậy?

Một người đáp:

“- Có hai nông dân và bốn con bò đực bị sét đánh chết, mọi người tụ hội để xem.

“- Thế à!

“- Vậy thì lúc ấy sa-môn ở đâu mà không thấy, không biết?

“- Ta đang ở đây, trong nhà đập lúa này.

“- Ngài không nghe thấy gì cả sao?

“- Vâng, không nghe thấy gì cả.

“- Vậy thì ngài đang ngủ?

“- Không, ta không ngủ.

“- Vậy ngài đang thức.

“- Vâng, ta đang thức.

Người kia ngạc nhiên, la lên:

“ - Sa-môn không ngủ, đang thức - vậy thì ngài đang làm cái gì mà cho chí mưa tầm tã ào ào như thác đổ, sét đánh rầm rầm tung trời dậy đất, đến nỗi hai nông dân tiêu mạng, bốn con bò đực nằm chết chỏng cọng – mà ngài lại không thấy, không nghe, không biết gì hết. Có lạ lùng không chứ!”

Nghe xong, Pukkusa tự nghĩ:

“- Đạo sư Alāra Kālāma của ta, đạo hạnh và trí tuệ nổi tiếng một thời, nhưng mà ngài tạ thế rồi. Sa-môn Gotama này, ta nghe tên từ hồi ở tu viện của thầy ta. Hôm nay, nghe câu chuyện này, ta biết ‘nội lực tịnh tu’của ông ta còn là bậc thầy đạo sư của ta nữa!”

Nghĩ thế xong, ông quỳ sụp người xuống, trổ miệng văn chương:

- Ôi! Trước đây, đạo sư của con, Alāra Kālāma, là bậc thầy mà con tin tưởng, giao phó sinh mạng. Thì nay, bạch Thế Tôn! Con đem “sự tin tưởng và việc giao phó sinh mạng ấy” về đạo sư của con đem rải rắc trước luồng gió mạnh, đem thả trôi vào dòng nước cuồn cuộn ngàn trùng! Xin cho con được quy y Thế Tôn, quy y pháp và quy y tỳ-khưu tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng.

Nói thế xong, Pukkusa quát bảo viên quản lý thuộc hạ:

- Hãy tức khắc vào thùng xe của ta, lấy ngay một cặp áo màu kim sắc, vàng chói để ta dâng cúng đến đức đại Đạo sư của ta!

Sau đó, nâng cặp y quý giá lên ngang đầu, Pukkusa tác bạch:

- Mong đức Thế Tôn bi mẫn thọ dụng cặp áo này, là vật quý trọng nhất hiện thời của con. Vật quý trọng được dâng cho người quý trọng là hạnh phúc nhất đời của con vậy.

Đức Phật im lặng nhận lời, rồi bảo:

- Này Pukkusa! Hãy đắp cho Như Lai một tấm và đắp cho vị thị giả đặc biệt này một tấm.

Pukkusa làm theo lời của Thế Tôn. Sau đó, Pukkusa được đức Phật giáo giới ít lời làm cho tăng trưởng đức tin, ông hoan hỷ, và thấy cũng đã phải thời nên xin từ giã.

Sau khi Pukkusa đi rồi, tôn giả Ānanda ngắm nhìn đức Phật mãi, lát sau ông thốt lên:

- Thật là lạ lùng quá sức. Chiếc y kim sắc, vàng chói như mặt trời hừng đông của Pukkusa lại chợt như lu mờ trước nước da của Thế Tôn, có hy hữu không chứ!

Đức Phật gật đầu:

- Thật vậy, này Ānanda! Có hai trường hợp màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và hết sức sáng chói. Ấy là trong lần Như Lai chứng vô thượng Chánh Đẳng Giác và trong lần Như Lai sắp diệt độ Niết-bàn... Và khắc ấy cũng cận kề, nội trong đêm nay đó thôi!

Nghe vậy, tôn giả Ānanda rơm rớm nước mắt.

Đức Phật lại bảo:

- Thôi, hãy đi! Hãy lên đường! Trời đã chiều rồi, chúng ta còn lội qua vài con sông nhỏ nữa.

Lúc dừng chân nơi con sông Kakutthā nước trong vắt, đức Phật xuống tắm, xong, ngài từ từ, chậm rãi lội bộ sang bờ bên kia. Đại chúng có người tắm rửa, uống nước, có người không.

Đức Phật trao lại y tắm cho tôn giả Ānanda giặt phơi, mặc lại tấm y khô ráo, khoác thêm tấm kim sắc, ngài đi vào một khu rừng xoài. Tại đây, đức Phật bảo tôn giả Mahā Cunda trải tấm y tăng-già-lê làm bốn rồi ngài ngồi nghỉ.(3b)

Lúc tôn giả Ānanda làm công việc xong, vừa đến nơi, đức Phật ngồi dậy rồi bảo:

- Hãy đi, chúng ta còn đi qua con sông Hiraññavatī nữa mới tới Upavattana, thành phố Kusinnārā, rừng sālā của dòng họ Mallā.



(1b)Hôm ấy đúng ngày rằm tháng giêng ta.

(2b)Tên Pāḷi này, hòa thượng Minh Châu dịch là “một loại mộc nhĩ”. Thiền sư Nhất Hạnh dịch là “nấm chiên đàn”. Người biên soạn tra trong Pāḷi-English Dictionary, thì ghi là “Soft (tender) boar’s flesh” – nghĩa là “thịt heo rừng non mềm”. Tôi ghi ra đây tất cả để độc giả cùng tham khảo.

(3b)Chỗ này, kinh Đại bát-niết-bàn ghi kệ như sau: “Đức Phật tự đi đến.Con sông Kakutthā. Con sông chảy trong sáng. Mát lạnh và thanh tịnh. Vị Đạo Sư mỏi mệt. Đi dần xuống mé sông. Như Lai đấng Vô Thượng. Ngự trị ở trên đời. Tắm xong, uống nước xong. Lội qua bên kia sông. Bậc Đạo Sư đi trước. Giữa Tăng chúng Tỳ-khưu. Vừa đi vừa diễn giảng. Chánh pháp thật vi diệu. Rồi bậc Đại Sĩ đến. Tại khu vực rừng xoài. Cho gọi vị Tỳ-khưu. Tên họ Cundaka: “Hãy gấp tư áo lại. Trải áo cho ta nằm. Nghe dạy, Cundaka. Lập tức vâng lời dạy. Gấp tư và trải áo. Một cách thật mau lẹ. Bậc Đạo Sư nằm xuống. Thân mình thật mệt mỏi. Tại đây Cundaka. Ngồi ngay phía trước mặt.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn