(Xem: 1754)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2221)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Lời tựa -Tiểu sử.

01 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 10610)


Sống Viên mãn kiếp này

Living This Life Fully


Stories and Teachings of Munindra

Shambhala Publications, Inc.

By Mirka Knaster

In collaboration with Robert Pryor

© 2010

All proceeds from the ori inal English version are donated to the Anāgārika Munindra Scholarship Fund, established by the author at the

Barre Center for Buddhist Studies in Barre, Massachussetts.

This Vietnamese translation was made with permission donated by the author on 17 June 2012. 

Sống Viên Mãn Kiếp Này

Những Mẩu Chuyện và Lời Dạy của Ngài Munindra

Việt dịch và ấn tống do

Thích Ca Thiền Viện và Kỳ Viên Tự

© 2012

 

Tất cả lợi nhuận từ sách ng yên bản Anh ngữ Living This Life Fully

đều được cúng dường vào ngân quỹ học bổng Anāgārika Munindra Scholarship Fund

do tác giả Mirka Knaster thành lập tại Barre Center for Buddhist Studies ở Barre, Massachussetts.

 

Chương trình ấn tống bản Việt dịch “Sống Viên Mãn Kiếp Này” được thực hiện với sự cho phép
của tác giả Mirka Knaster và nhà xuất bản Shambhala, vào ngày 17 tháng 6 năm 2012.


 Hướng dẫn và hiệu đính: Hòa Thượng Kim Triệu Khippapañño 

Cố vấn: Tỳ Kheo Minh Huệ

Dịch thuật: Nguyên Khiêm * Thùy Khanh Liên Nguyễn

* Liên Phan * Diệp Tạ * Nguyên Hạnh

Đánh máy-Liên lạc-Thông tin-Tài chánh: Sư Huệ Bảo

* Bảo Châu * Chơn Đạt * Dương Trang Lưu Bình * Nguyễn Hóa

* Phạm Hạnh * Phạm Kevin *Thanh Hồng * Tố Anh * Tuyết VU 

Trình bày: Thitasīla Thùy Khanh



Namo Tassa

Bhagavato Arahato

Sammāsambuddhassa

 

Con đem hết lòng thành kính

đảnh lễ Đức Thế Tôn

Bậc A La Hán cao thượng Đấng Chánh Biến Tri

 


 

 

Mục Lục

  

-Lời tựa – Tỳ Kheo Kim Triệu 

-Lời nói đầu – Joseph Goldstein 

-Tiểu sử ngài Munintra – Robert Pryor 

-Lời giới thiệu - Mirka Knaster 

Chương 01. Sati (Chánh Niệm)

Chương 02. Samādhi (Định)

Chuong 03. Saddhā (Tín)

Chương 04. Dāna (Bố thí)

Chương 05. Sīla (Giới) 

Chương 06. Sacca (Chân thật)

Chương 07. Adhiṭṭhāna (Quyết tâm)

Chương 08. Viriya (Nỗ lực – Tinh tấn)

Chương 09. Khanti (Kiên nhẫn)

Chương 10. Mettā (Tâm từ)

Chương 11. Karunā (Tâm bi)

Chương 12. Nekkhamma (Xuất ly)

Chương 13. Pīti (Tâm hỷ)

Chương 14. Dhamma-Vicaya (Trạch pháp)

Chương 15. Paññā (Trí tuệ)

Chương 16. Upekkhā (Tâm xả)

Trang phụ lục.

-Lời cảm tạ

-Bảng chú thich các thuật ngữ

-Tác giả và cộng tác viên

-Thay lời kết.

 


 

 Lời tựa

Tỳ Kheo Kim Triệu - Khippapañño

 

 Tưởng niệm Anāgārika Munindra là ôn lại tấm gương cao đẹp của một bậc thầy tràn đầy trí tuệ và từ bi.

 Ngài Munindra là một trong những thiền sư Á châu ưu tú nhất trong kỷ nguyên truyền bá Phật pháp sang Âu Mỹ đồng thời cũng là một du sĩ Ấn độ đầu tiên đem Giáo pháp Nguyên thủy trở về hoằng dương ngay tại đất nước mà đạo Phật đã khởi sanh và hầu như đã bị mai một trong gần mười thế kỷ nay.

 Riêng đối với Sư, Ngài không những là vị ân sư dạy thiền Tứ Niệm Xứ đầu tiên mà còn là hiện thân của một người mẹ hiền đã hết lòng bảo bọc và dạy dỗ Sư hơn chín năm trời ở Bồ đề Đạo tràng.

 Năm 1967, lúc đang học tại Nalanda, được nghe một cao tăng khả kính, Ngài Ghosananda, nói rằng có vị thánh nhân vừa từ Miến điện về lại Ấn độ dạy thiền, Sưphát tâm trong sạch đến viếng ngay.Anāgārika Munindra bấy giờ ngụ tại Gandhi Ashram của phong trào đấu tranh bất bạo động (Ahimsa) do Đại Thánh Gandhi lãnh đạo.


blank

Ngài Kim Triệu và ngài Muninda; Bồ đề Đạo tràng -Ấn Độ, 1973


 Sư đến nơi sau bữa trưa, lúc Ngài Munindra đang thời lễ lạy Phật ở Tháp Đại Bồ đề. Ngài trở về dướ trời nóng gắt, nắng chang chang, nhưng khi thấy Sư, Ngài vẫn hết sức tươi cười, chuyện trò niềm nỡ. Trong danh sách Ngài ghi tên các môn  sinh ngoại quốc từ năm về Ấn 1966, Sư là người đứng thứ bảy.

 Những năm đầu tiên Ngài  trở về cố hương dạy đạo cũng là những năm du học đầu tiên đầy bỡ ngỡ của Sư trên đất nước xa lạ này.Bản tính giản dị, bình dân, Ngài gần gũi với tất cả học trò của Ngài. Mỗi khi đi đâu, Ngài đều bảo Sư cùng theo để học hỏi đủ điều, kể cả khi ra chợ mua rau quả, thực phẩm. Ngài chỉ bảo Sư rất nhiều về phong tục và văn hóa Ấn độ. Mỗi buổi chiều, Sư đều theo Ngài đến lễ lạy Phật ở Tháp Đại Bồ đề nên thường xuyên được nghe Ngài giảng giải Giáo pháp.

 Từ thuở nhỏ đến năm ba mươi bảy tuổi, Sư chưa từng gặp vị thánh nhân nào. Khi được ở gần Ngài mới thấy quả là một con người khác thường từ nói năng, đi đứng đến việc làm hằng ngày. Lúc nào Ngài cũng vui tươi, dịu dàng, không khi nào tỏ vẻ khó chịu hay giận ghét ai. Người nào đến với Ngài cũng đều được hưởng một bầu không khí mát mẻ, thân thiện, đầy đạo vị.

 Sau khi Sư hết học bổng của đại học Nalanda, Ngài cùng vài vị khác khuyến khích Sư nên ở lại Ấn tiếp tục học thêm. Thế là từ đó hàng bữa Ngài phải chia phần cơm và thức ăn đạm bạc của Ngài cho Sư dùng. Những khi biết Sư buồn phiền, mặc cảm về thân phận hay về đường tu hành, Ngài đều ân cần an ủi, khích lệ.

 Được thân cận với người thầy đầy ân phước như vậy, ít nhiều Sư cũng chịu ảnh hưởng về con người, về cách sống, nhất là về hạnh kham nhẫn và tâm luôn chấp nhận những gì xảy đến cho mình.

 Cứ như vậy mà Ngài đã chăm sóc Sư như một người mẹ thứ hai suốt chín năm. Đến năm 1977, Ngài được mời sang Hoa kỳ dạy thiền khắp nơi, sau đó về lại Ấn. Từ ấy, Ngài qua lại giữa trung tâm Dhamma Giri và Calcutta cho đến khi hết tuổi thọ. Sau khi qua Hoa kỳ, Sư còn được gặp lại Ngài tại IMS (1981) và tại San Diego (1994).

Ngài thích viết thư cho học trò nên hiện nay Sư còn giữ nhiều thư từ của Ngài viết tay cho Sư. Mỗi khi nghe Ngài đau yếu, Sư đều gửi tịnh tài qua để Ngài chữa bệnh. Mỗi lần Ngài định in kinh, Sư đều rút hết tiền tứ sự gửi hùn phước ấn tống vì biết Ngài rất yêu thích sách vở, kinh điển.

 Ngài ban cho Sư lớp vỡ lòng về chánh niệm và đặc biệt là pháp hành Tứ Niệm Xứ. Ngài luôn nhấn mạnh rằng phải có nhân duyên lớn mới gặp Phật pháp và phải thực tập chánh niệm thật sâu sắc, trọn vẹn mới gọi là hành đúng Giáo pháp của Đức Phật. Nhờ được thường xuyên nhắc nhở như vậy nên Sư mới có niềm tin tuyệt đối vào Tam Bảo, mới vượt được bao thử thách từ bản thân đến ngoại cảnh trong quãng đời xuất gia tu học trên đất Ấn.

 Ngài Munindra là một vị thiền sư đã hoàn mãn xuất sắc về pháp học cũng như pháp hành. Ngài thông suốt Tam Tạng Pāli (Tipiṭaka) sau năm năm liên tục dồi mài kinh điển Nguyên thủy (Theravāda) với sự chỉ dạy tích cực không ngừng nghỉ của bậc học giả lỗi lạc U Muang Muang tại Yangon.

 Về pháp hành, Sư học được từ Ngài cách hướng dẫn thiền sinh giữ tâm không hời hợt, ghi nhận chính xác các cảm thọ, các điểm đụng. Ngài xác nhận rằng sau khi đã thuần thục hành trì pháp Tứ Niệm Xứ ở trung tâm Mahāsi rồi, hành giả có thể học thêm bất cứ pháp vipassanā nào khác và đều được lợi lạc.

 Ngài nói rằng thường các thiền sư chỉ muốn môn sinh hành theo cách thức của mình thôi. Nhưng Hòa thượng Mahāsi thì khác. Hòa thượng cho phép học trò sau khi hoàn tất giáo trình ở trung tâm Yangon có thể bổ túc thêm với các pháp thiền khác.

 Bản thân Ngài Munindra đã thọ giáo đủ tất cả pháp hành vipassanā, nhưng khi dạy thiền sinh, Ngài chủ yếu hướng dẫn họ theo truyền thống của Hòa thượng Mahāsi. Hồi trước, chính Hòa thượng cũng đã thử nhiều pháp môn; cuối cùng qua kinh nghiệm đặc biệt của một bạn đạo cư sĩ chia sẻ, Hòa thượng đã chọn đề mục phồng xẹp để dạy cho thiền sinh của Ngài vì phồng xẹp là điểm xúc rất chính xác và vi diệu.

 Tuy nhiên, Anāgārika Munindra công nhận rằng pháp Tứ Niệm Xứ nào nếu hành đúng cũng đều đưa đến giác ngộ và giải thoát. Ngài thường nói Giáo pháp cũng như thuốc, chỉ cốt chữa khỏi bệnh. Còn việc theo thầy nào, pháp môn nào là tùy căn duyên của mỗi người. Ngài chỉ muốn mọi người có niềm tin và hưởng lợi lạc từ Giáo pháp chứ không cần ai phải theo mình cả.

 Các thiền sư thường dạy theo kinh nghiệm chứng đắc riêng nên dần dần phương pháp của họ có vẻ đi vào chuyên biệt. Thật ra, khi đã đạt sơ quả rồi thì hành giả sẽ không còn hoài nghi nào về Pháp bảo nữa cả. Tuy nhiên, do đã thuần thục theo một kỹ thuật rồi thì cứ con đường đó mà tiếp tục đi nhưng không còn tranh cãi nhiều về pháp môn nữa.

 Ngài Munindra hay nói với Sư là Ngài mong muốn hướng dẫn mọi thiền sinh đạt đến tuệ thứ mười một – tuệ xả hành. Tuệ thứ mười một vẫn còn là phàm tuệ, và cũng có nhiều người đã đạt được. Ai hành thiền thường xuyên và tích cực có thể kinh nghiệm được tuệ an lạc này không mấy khó. Nhưng đối với ai lâu lâu mới hành thiền tích cực thì tâm khó an định, lên xuống bất thường. Vì thế hành giả phải ráng thân chứng được tuệ xả hành này thì tâm sẽ không còn bị lui sụt.

 Thí dụ như ở các quốc gia phát triển, nhà nước cố gắng lo cho mọi thiếu niên đều học xong lớp mười hai trung học, có trường, có lớp, có thầy, có chương trình thống nhất cả nước. Sau đó, muốn lên đại học hoặc chọn phân khoa nào là tùy ở mỗi học sinh.

 Vậy cũng giống như lớp mười hai trung học, theo Ngài Munindra, tuệ thứ mười một là mức tối thiểu mà hành giả cần hoàn tất. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, một trường thiền chỉ hướng dẫn thiền sinh đạt đến tuệ sinh diệt, sau đó họ có thể tự học lên. Đúng ra họ cũng còn cần thầy hướng dẫn, nhưng từ tuệ sinh diệt trở đi, các thiền sư không chỉ rõ các tuệ cao hơn. Tóm lại, Ngài Munindra bao giờ cũng thành khẩn khích lệ mọi người, như chính Ngài, đặt sự tu tập là mục tiêu hàng đầu của kiếp sống này.

 Công trình Việt dịch cuốn “Living This Life Fully” được sự cộng tác nhiệt tình của nhiều Phật tử khắp nơi, đối với Sư, là cả một phước duyên lớn. Quyển “Sống Viên Mãn Kiếp Này” là một duyên lành quý báu để giới thiệu cho Phật tử Việt nam biết đến Ngài Munindra, một trong những vị thiền sư Á châu lỗi lạc nhất, qua những mẩu chuyện và lời dạy của Ngài.

 Chân thành cám ơn tác giả, Dr. Mirka Knaster, và nhà xuất bản Shambhala đã hoan hỷ cho phép chúng tôi dịch sang tiếng Việt quyển sách quý giá này để phổ biến rộng rãi đến cộng đồng Việt nam khắp nơi trên thế giới.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 


 

Lời nói đầu

Joseph Goldstein

 Tôi gặp Ngài Munindra lần đầu tiên vào năm 1967. Trước đó hai năm, tôi có cơ hội đến với đạo Phật khi đang là một thiện nguyện viên của Hội Đoàn Hòa Bình (Peace corps) ở Thái Lan. Thế nhưng khi trở về nhà và cố gắng hành thiền một mình, không bao lâu sau tôi đã thấy rõ rằng tôi cần một vị thầy hướng dẫn để xuyên qua được lớp màn che mịt mờ, rối rắm trong tâm. Vào những năm đó, Giáo pháp của Đức Phật hầu như không được biết đến ở phương Tây. Vì thế tôi quyết định về lại Á châu để tìm một người có thể hướng dẫn tôi trên đường đạo.

 Do một sự ngẫu nhiên mà Ngài Thiền sư Tây tạng Trungpa Rinpoche thường gọi là “dun rủi của duyên nghiệp”, tôi dừng bước ở Bồ đề Đạo tràng, thánh địa thiêng liêng xứ Ấn, nơi Đức Phật thành đạo. Khi đang ngồi trong một tiệm trà đối diện Đền Đại Bồ đề (Mahabodhi Temple), tôi được nghe kể về m ở Miến điện và đang bắt đầu dạy thiền vipassanā (thiền minh sát). Tôi liền đến gặp Ngài, mở đầu cho một mối liên hệ bền chặt trọn đời với Anāgārika Sri Munindra, một vị thiền sư, một học giả cổ điển, và một bậc thiện hữu tri thức (kalyāṇamitta) hy hữu đã tiên phuông bài bỏ các hủ tục tín ngưỡng.

 Một trong những điều đầu tiên Ngài Munindra nói với tôi khi vừa gặp gỡ là nếu muốn hiểu được tâm mình, hãy ngồi xuống và quan sát nó. Lời khuyên vô cùng đơn giản và thực tiễn này đã mạnh mẽ đánh động tâm tôi. Không có giáo điều để tín ngưỡng, không có nghi lễ để hành trì; chỉ có một hiểu biết rằng trí tuệ giải thoát cần được trưởng dưỡng từ phương cách tự quán chiếu bền bĩ và có hệ thống.

 Đây là đức tính xuất chúng của cuộc đời Ngài Munindra. Ngài luôn luôn muốn tự kiểm nghiệm và trực diện thực tính của các pháp chứ không chỉ giản dị tin theo lời nói của người khác. Và chính bằng đức tính này, Ngài đã cổ võ, khích lệ tất cả môn sinh của Ngài. Được hấp thụ nhiều truyền thống, hệ phái, pháp môn và kỹ thuật đa dạng của Phật giáo, tâm rộng mở của Ngài ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các cuộc hành trình đạo pháp hiển lộ trong mỗi chúng ta.

 Sng Viên Mãn Kiếp Này - Những Mẩu Chuyện và Lời Dạy của Ngài Munindra vừa là một giới thiệu sâu sắc vừa là một tưởng niệm và tri ân tuyệt diệu dành cho vị thầy hiếm có này. Mirka Knaster đã đan kết nhiều ký ức từ các học trò Ngài, tô đậm lòng nhiệt tâm và tính thích tìm tòi học hỏi lạ thường, cùng với trí tuệ sâu sắc và lòng từ bi vô lượng của ngài. Những mẩu chuyện này tự chúng cũng là những bài pháp minh họa phương cách một vị thầy cao cả đã xử dụng mọi hoàn cảnh, sự việc trong dời sống ra sao để biến chúng thành phương pháp đào sậu sự hiểu biết. Quyển sách này là chúc thư của một kiếp sống đã được sống viên mãn, trọn vẹn.

 


 

 Tiểu sử Ngài Munindra

 Robert Pryor

 Anāgārika Munindra là một vị đạo sư và học giả Phật giáo người Bengali, về sau trở thành một trong những Thiền sư Vipassana được kính ngưỡng và ảnh hưởng nhất của thế kỷ hai mươi.

 Với những ai từng được gặp Ngài thì thời gian  tiếp xúc dù ngắn ngủi đến đâu cũng âm vang hằng nhiều năm, có khi qua bao thập niên dài, như một điểm mấu chốt trong đời sống tâm linh của họ. Năng lực từ sự hiện diện của Ngài tiềm tàng trong sự nhất tâm chuyên chú vào Giáo pháp như một con đường dẫn đến tỉnh thức và giác ngộ.

 Ngài là hiện thân toàn vẹn của những nguyên lý đạo pháp, và – đối với các môn sinh – là tấm gương sáng ngời của sự “sống viên mãn kiếp này” như chính Ngài hằng khuyến khích. Ngài kêu gọi nhắc nhở học trò Ngài hãy để việc tu tập và cuộc sống phơi trải tự nhiên. Những lời khuyên nhủ này luôn được truyền đạt một cách thành khẩn, bình dị, và thật thân thiết – đây chính là ấn chứng đảm bảo trong lối giảng dạy của Ngài.

 Ngài Anāgārika Munindra là một năng lực chủ yếu trong công cuộc truyền bá Phật giáo sang các nước Tây phương. Trong thế kỷ thứ hai mươi, cũng như Thomas Merton hay Alan Watts, Ngài là một vị thầy vô cùng năng nỗ trong việc nối kết các đạo học truyền thống giữa Đông và Tây, bắc cầu liên lạc cho hai nền văn hóa phức tạp này. Trong khi Thomas Merton và Alan Watts là những nhà nghiên cứu Tây phương đi tìm tòi học hỏi các truyền thống tín ngưỡng của Phật giáo, thì Anāgārika Munindra sinh trưởng là một Phật tử Ấn độ, sau trở thành một thiền sư có khả năng truyền đạt Giáo pháp đặc biệt đã chuyển hóa sâu sắc bao môn sinh từ Á sang Âu, Đông sang Tây.

 Nói được Anh ngữ, Ngài Munindra có khả năng gầy dựng nên một gạch nối giữa truyền thống thiền quán vipassanā từ Miến điện - nơi Ngài được Thiền Sư Mahāsi Sayādaw đào tạo, và các thiền sinh hiếu học Âu châu, Úc châu, Bắc Mỹ cũng như các nước Tây phương khác mà Ngài gieo sự kính ngưỡng, khích lệ và hướng dẫn thiền tập. Trong khi hai nhà học giả Tây phương Merton và Watts viết rất nhiều về những thực nghiệm tâm linh của chính mình, thì sự tác động khắp toàn thế giới của vị thầy Đông phương Munindra được thể hiện phần lớn qua các công trình của nhiều môn sinh xuất sắc của Ngài.

 Vì Ngài Munindra giảng dạy theo lối cổ truyền, trực tiếp giữa thầy và trò, hơn là qua sách vở nên chúng ta không biết hết được tầm hiệu quả sâu rộng mà Ngài đã tạo dựng được và cho đến nay vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng trong quá trình truyền bá Giáo pháp vào phương Tây. Quyển sách này chuyển đưa thông điệp và phong cách giảng dạy tế nhị, theo trực giác của Ngài đến một số đông người hơn không được cơ duyên trực tiếp thiền tập với Ngài trong những năm Ngài dạy ở Ấn độ và Tây phương.

 Phần tóm lược tiểu sử sau đây sẽ trình bày mạch lạc những nhân duyên nào trong cuộc đời đã tạo điều kiện cho Ngài Munindra trở thành một bậc đạo sư lỗi lạc trong trào lưu Phật giáo tại các nước Tây phương vào thế kỷ thứ hai mươi. Có ba nguồn ảnh hưởng chính góp phần vào sự thành công của Ngài trong chức năng một thiền sư vipassanā: nền tảng gia đình Phật giáo, quá trình làm việc tại Tổng Hội Mahabodhi, và thời gian tu tập và đào luyện ở Miến điện. Những kinh nghiệm này khi được tổng hợp với tư chất thông minh, bản tính hiếu học, lòng nhiệt thành và đầy thiện chí đã chuẩn bị cho Ngài thành một trong những vị thiền sư vipassanā nhiều hiệu năng nhất của thế kỷ hai mươi, và một gạch nối quan trọng giữa truyền thống thiền vipassanā giảng dạy tại Miến điện và nền tảng Phật giáo đang phổ biến và bám rễ ở Tây phương hiện nay.

Những năm tuổi trẻ 1915-1936

 Ngài Munindra sinh tại một làng nhỏ gần Chittagong, ở Bengal (hiện nay là vùng Bangladesh) trong một ngày trăng tròn nhiều điềm lành vào tháng 6 năm 1915. Ngài được trưởng dưỡng trong một gia đình đạo Phật thuần thành dòng dõi Barua, một cộng đồng Phật giáo Bengali có nguồn gốc từ đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Shākyamuni. Gia đình Ngài sớm nhận biết được rằng từ lúc mới chào đời Ngài đã là một cậu bé đặc biệt mà các nhà chiêm tinh tiên đoán sẽ là một đạo sư tài đức chứ không là một cư sĩ bình thường.

 Thân phụ Ngài là người có học thức và đã trao truyền cho Ngài tính hiếu học và lòng yêu thích sách vở, cũng như thái độ bao dung đối với các người Hồi giáo và Ấn giáo ở làng xóm lân cận. Khi Ngài còn ở với gia đình, cha Ngài trở thành một tu sĩ, và việc này đã mang lại cho Ngài một kiểu mẫu sống thân quen của cuộc đời tận tụy cống hiến cho đạo pháp nhưng vẫn tiếp cận với thế gian thường nhật. Môi trường thương yêu và hỗ trợ của gia đình, cũng như việc được cha mẹ sẵn sàng cho theo đuổi việc học cả đời, đã ảnh hưởng Ngài thật sâu đậm. Ngài theo học tiếng Anh và tiếng Bengali tại các trường địa phương. Nơi đây Ngài còn tìm tòi nghiên cứu các truyền thống tôn giáo khác nhau qua sách vở.

 Ngay từ lúc ấu thơ Ngài đã đặc biệt say mê đọc sách và đã biểu lộ khả năng tập trung cao độ cùng bản tính hiếu học mạnh mẽ. Dù là học sinh xuất sắc nhất trong các lớp trung học, Ngài quyết định không tranh đua kỳ thi mãn khóa lấy chứng chỉ tốt nghiệp vì thấy rằng việc theo đuổi học vấn và văn bằng sẽ cản trở nỗ lực học hỏi thâm sâu về Giáo pháp. Tuy vậy, Ngài vẫn được mời dạy học ở trường địa phương vì mọi người đều biết tài trí của Ngài.

 Từ cội nguồn Bengali và nền học vấn thời tuổi trẻ của Ngài Munindra, ta có thể thấy được nổi trội nơi Ngài những cá tính khiêm cung, thông thái, hiếu học và cởi mở của một vị thầy được cộng đồng tôn kính và hỗ trợ. 

Những năm phục vụ hội Mahabodhi Society : 1936-1957

 Năm 1936, Ngài Munindra rời quê nhà lên Calcutta, thủ đô văn hóa của Ấn độ thời bấy giờ. Ngài được mời lưu ngụ lại Hội Phật Giáo Bengal và dạy Anh văn cho chư tăng nơi đây. Thời gian này Ngài cũng theo học tiếng Pāli (ngôn ngữ dùng trong các kinh điển thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Theravāda) và môn Vi Diệu Pháp Abhidhamma – một kết tập ban đầu trong hệ thống triết học và tâm lý học Phật giáo.

 Tính thích tìm tòi học hỏi cố hữu đã lôi cuốn Ngài đến nghe các bài diễn thuyết ở Hội Mahabodhi Society, một tổ chức được thành lập năm 1891 nhằm chấn hưng Phật giáo ở Ấn độ và trùng tu các thánh tích hành hương theo dấu chân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Càng ngày Ngài Munindra càng tích cực dấn thân vào tổ chức này, hội nhập cách sống trung dung giữa đời cư sĩ và tu sĩ của một anāgārika (nguyên nghĩa: người không nhà, từ bỏ đời sống gia đình) đã được Ngài Anāgārika Dhammapala – người khai sáng Mahabodhi Society – phổ biến rộng rãi. Mặc dù đã được thỉnh mời xuất gia vào tăng đoàn trong những năm trẻ tuổi này, Ngài vẫn chọn sống đời của một anāgārika ít ràng buộc và nhiều thì giờ hơn để theo đuổi việc học tập và nghiên cứu.

 Năm 1938, Ngài được thỉnh mời phục vụ cho Hội Mahabodhi Society ở Sarnath, nơi Ngài lưu trú trong mười năm kế đó. Lúc bấy giờ, Sarnath và vùng Varanasi lân cận đều là những trung tâm sinh hoạt của các đạo sư Phật giáo, Thần giáo, Ấn giáo, gồm cả Krishnamurti, Lama Govinda, và Ānandamayee Ma. Bản tính cởi mở phóng khoáng cho phép Ngài Munindra học hỏi tất cả truyền thống đa dạng này cũng như kề cận quan sát nhiều bậc đạo sư khác nhau.

 Mặt khác, Ngài vẫn giữ vẹn phong cách khiêm cung cố hữu của mình, không hề thâm nhập những nghi thức trang trọng thường thấy ở một số vị đạo sư Ngài đã gặp. Qua sự kiện này, ngay từ chặng đầu sự nghiệp giáo huấn của Ngài, ta có thể thấy được nơi Ngài hình ảnh một người bạn đạo kalyāṇamitta dung dị.

 Trong thời gian ở Sarnath, Ngài Munindra giữ trách nhiệm quản lý hiệu sách ở ngôi chùa mới của Mahabodhi Society và giải đáp thắc mắc của khách thập phương đến viếng chùa. Một lần nọ, Ngài Mahatma Gandhi viếng thăm chùa. Ngài Munindra ngồi cạnh Ngài Gandhi trên sàn chùa lát đá mát rượi, giải thích ý nghĩa những bức bích họa thanh nhã trên tường vẽ lại cuộc đời Đức Phật.

 Từ năm 1948 đến 1951, Ngài Munindra có nhiều dịp tháp tùng phái đoàn của Mahabodhi Society đến triển lãm xá lợi Phật ở các nước Miến điện, Nepal, Sikkim, và Tây tạng. Các xá lợi được cung thỉnh từ nơi này đến nơi khác với nghi thức lễ hội trang trọng và đông đảo dân chúng cung kính đảnh lễ suốt hành trình. Những chuyến du hành này đã mở rộng cảm quan về thế giới Phật giáo và giới thiệu Ngài đến nhiều vị chức sắc quan trọng.

 Vào đầu năm 1951, sau một lễ rước bộ hành gian nan từ Gangtok ở Sikkim, phái đoàn đến Chumbi ở miền nam Tây tạng, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cư trú. Trong thời gian phái đoàn dừng chân nơi đây, Ngài Munindra được nhiều dịp hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ những cuộc gặp gỡ này, và bao lần nữa về sau ở Bồ đề Đạo tràng, đã nảy nở một tình bằng hữu bền chặt hàng mấy mươi năm giữa hai Ngài.

 Trên chuyến hải hành đến Miến điện, các xá lợi được vận chuyển bằng tàu hải quân Ấn độ, và phái đoàn được đón tiếp trọng thể ở bến cảng. Trong thời gian dài lưu lại Miến điện, Ngài Munindra có cơ hội gặp gỡ Thủ tướng Miến U Nu cùng nhiều vị đạo sư và học giả Phật giáo nổi danh nơi đây.

 Từ năm 1953 đến 1957, Ngài Munindra là Hội trưởng Đền Đại Bồ đề (Mahabodhi Temple) ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), nơi Đức Phật thành đạo dưới Cội Bồ đề. Là vị Hội trưởng theo đạo Phật đầu tiên từ thế kỷ thứ mười hai, Ngài nhận lãnh một trách nhiệm quan trọng và tế nhị là phải cải đổi các hình thức lễ nghi từ Ấn giáo sang Phật giáo mà vẫn giữ được mối thiện cảm của dân chúng địa phương. Vào những năm này, Ngài thường đón tiếp các vị khách quan trọng đến viếng thăm Đền Đại Bồ đề như Thủ tướng Nehru và nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo danh tiếng.

 Năm 1956, Ngài tham gia tổ chức đại lễ Tam Hợp (Buddha Jayanti), kỷ niệm 2500 năm ngày Đức Phật nhập đại niết bàn parinibbāna. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị đến viếng Bodh Gaya nhân dịp này, trong đó có Thủ tướng Miến U Nu, và Ngài Munindra được Thủ tướng mời sang Miến điện để tu học pháp hành thiền vipassanā.

 Pháp hành thiền vipassanā đã biến mất ở Ấn độ nhiều thế kỷ trước khi đạo Phật bị mai một trên hầu hết xứ Ấn. Tuy nhiên, pháp hành này vẫn được gìn giữ và lưu truyền tại Miến điện. Ngài Munindra hiểu rằng nếu hành thiền vipassanā viên mãn thì sẽ kinh nghiệm thực chứng được Giáo pháp. Do đó Ngài hân hoan đón nhận lời mời này.

 Những năm từ 1936 đến 1957, Hội Mahabodhi đã trở thành ảnh hưởng chính yếu thứ nhì đến tư tưởng và phong cách của Ngài Munindra. Quá trình phục vụ Hội đã giúp Ngài theo đuổi sở nguyện nghiên cứu tiếng Pāli, các môn Vi Diệu Pháp, Thần Học, và Yoga, cùng lúc với việc học Ấn ngữ và trau giồi Anh ngữ. Trong các sinh hoạt và hoàn cảnh mới lạ này, Ngài tiếp tục thể hiện các cá tính từ thuở trẻ của mình – khiêm cung, thông minh, hiếu học và cởi mở.

 Xuyên suốt giai đoạn này, Ngài Munindra tiếp tục đặt việc học hành và kinh sách lên trên hết mọi thế sự mặc dù vẫn luôn năng nỗ tham gia các hoạt động giúp Hội Mahabodhi. Sau cùng, khi cơ hội sang Miến điện học pháp thiền vipassanā đến với Ngài, không chút do dự Ngài chấp nhận thiện duyên này để được đào sâu nguồn hiểu biết Phật pháp.

Nghiên cứu và thực tập Giáo Pháp tại Miến Điện : 1957-1966.

 Trong những năm ở Miến điện, việc thực tập thiền quán vipassanā đã trở thành nguồn ảnh hưởng chính yếu thứ ba và cũng là trọng tâm của đời Ngài Munindra từ đó về sau. Vừa đến Miến điện, Ngài hành thiền suốt nhiều tháng đầu tiên tại thiền viện Sasana Yeiktha ở Rangoon dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng thiền sư Mahāsi, một trong những vị thiền sư lỗi lạc nhất thời bấy giờ. Ngài Munindra đạt được các thành tựu tâm linh cao quý nhờ vào sự chuẩn bị nền tảng từ trước và vào nhất tâm kiên quyết cho việc thiền tập. Bất chấp những cơn đau khắc nghiệt trong thân, Ngài Munindra vẫn tiếp tục tọa thiền hằng giờ và nhanh chóng đạt được tiến bộ khả quan.

 Chính nơi đây Ngài đã trưởng dưỡng tâm tín thành sâu sắc vào trường phái của vị thầy mình, người đã đích thân chỉ dạy Ngài qua những lần trình pháp cá nhân trong suốt thời gian thực tập. Những năm sau đó, Ngài luôn mang theo một mảnh vải vuông nhỏ, đơn sơ mà thiền sư Mahāsi tặng Ngài để phủ lên gối thiền. Với tất cả lòng kính trọng, Ngài Munindra trải mảnh vải này lên tọa cụ mỗi khi ngồi xuống hành thiền hay ban pháp để tưởng nhớ và tôn vinh vị thầy của mình.

 Sau giai đoạn thực tập sơ khởi này, Ngài Munindra dành suốt năm năm tích cực học hỏi, nghiên cứu sâu rộng kinh điển Pāli dưới sự chỉ dạy của U Maung Maung, một vị học giả Theravāda được mọi người kính ngưỡng, và dần dần về sau trở thành một bậc đạo sư về tri thức cũng như về thực nghiệm thiền vipassanā. Trong những năm này, ngày nào Ngài cũng miệt mài với công trình học hỏi và nghiên cứu từ buổi rạng đông đến lúc hoàng hôn. Về sau, Ngài nhận định rằng việc thông hiểu kinh điển Pāli sẽ trở nên dễ dàng khi người học đã thực chứng được Giáo pháp qua thiền tập.

 Hoàn mãn pháp học xong, Ngài trở về trường thiền của Ngài Mahāsi Sayādaw. Nơi đây, Ngài được đào luyện thành một thiền sư và được cộng đồng Phật Giáo Bengali ở Rangoon kính trọng như một vị hướng dẫn tinh thần cao quý.

 Ngài còn rèn luyện cho vài môn sinh của Ngài thực tập thiền định, jhāna, và phát triển năng lực thần thông để chứng tỏ rằng các công năng này vẫn còn chứng đắc được nếu thực tập đúng theo chỉ dẫn trong kinh sách cổ điển. Ngài đã xác minh rằng vài môn sinh của Ngài có khả năng thấy được tương lai, viếng các cảnh giới khác, hoặc bất thần xuất hiện ở một nơi chốn xa xôi. Vị hành giả tài năng nhất với pháp môn này là bà Dipa Ma (Nani Bala Barua), sau này trở thành vị nữ thiền sư lỗi lạc với ảnh hưởng rộng lớn khi về lại Calcutta cũng như rất được kính ngưỡng tại Hoa kỳ.

 Sau khi đã quán triệt cả pháp học lẫn pháp hành ở trung tâm thiền Sasana Yeiktha, Ngài Munindra thỉnh cầu Ngài Mahāsi cho phép thụ huấn thêm một số phương pháp thiền vipassanā khác để có thể thấu hiểu trọn vẹn được tất cả các kỹ thuật đang được hành trì ở Miến điện lúc bấy giờ. Và như vậy, trong hàng tháng trời, Ngài Munindra đã đến viếng thăm nhiều trung tâm thiền khác và làm quen với các kỹ thuật thiền vipassanā ở những nơi này. Nhờ vậy Ngài Munindra tiếp nhận và hấp thụ được nhiều phương pháp đa dạng có thể ứng dụng để trực tiếp kinh nghiệm Giáo pháp.

 Vào năm cuối cùng ở Miến điện, Ngài Munindra thọ giới xuất gia tỳ kheo Phật giáo. Tuy nhiên, khi quyết định trở về Ấn độ, Ngài nhận thấy rằng việc hoằng pháp có lẽ sẽ hữu hiệu hơn qua hình tướng của một đạo sĩ không nhà anāgārika. Do đó Ngài đã xả y tỳ kheo, chọn khoác màu áo trắng đơn sơ mà về sau trở thành thân thuộc với các môn sinh của Ngài.

 Trào lưu thiền tập vipassanā ở Miến điện, với mục tiêu chính yếu là sự giải thoát giác ngộ chứ không chỉ giản dị làm giảm thiểu khổ đau hay căng thẳng tinh thần, đã hun đúc nền nếp tâm linh trong Ngài Munindra. Phong trào này phát triển vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, góp phần vào việc khôi phục Phật giáo trước các thử thách của chủ nghĩa thực dân Âu châu và sự truyền bá Thiên chúa giáo.

 Các vị thầy tổ ở Miến điện như Ngài Ledi Sayādaw và Ngài Mahāsi Sayādaw đều hiểu rõ được nhu cầu của việc cổ võ mỗi cá nhân phải tự kinh nghiệm Giáo pháp ngay trong kiếp sống này, và thiền vipassanā chính là chìa khóa cho công trình chuyển hóa này. Con đường này có khuynh hướng loại bỏ những áp lực nặng nề của các nghi thức, truyền thống cổ hủ. Do đó, pháp thiền vipassanā mà Ngài Munindra hành trì không bị lệ thuộc vào các tín ngưỡng cổ truyền của Phật giáo vốn không khế hợp với mục tiêu tìm cầu giác ngộ qua công năng thiền tập.

 Phương pháp thực tập thiền quán mà Ngài Munindra tu học ở Miến điện về sau đã lôi cuốn các học trò Tây phương của Ngài tại Bồ đề Đạo tràng. Ở trung tâm Mahāsi tại Rangoon, thiền sinh được hướng dẫn cách hành thiền vipassanā qua các buổi trình pháp cá nhân hơn là những bài pháp thoại cho đại chúng. Mỗi thiền sinh thực tập theo chỉ dẫn và quan sát của vị thiền sư và theo tiến triển nhanh chậm của chính mình.

 Mặc dù thiền sinh có sự tuân thủ và kính trọng đường lối, pháp môn của thầy mình nhưng không mang vọng tưởng nào nơi sự toàn bích của một bậc trí giả, vì nơi đây vị thiền sư là người bạn đạo của thiền sinh. Đó chính là khuôn mẫu giảng dạy mà sau này Ngài Munindra đã áp dụng và thấy thích hợp nhất.

 Giác ngộ hay chứng đạo thường tuần tự diễn ra theo bốn tầng bậc kế tục nhau được các vị thầy nhận biết. Đó là bốn tầng thánh sotāpanna Tu đà hoàn, sakadāgāmī Tư đà hàm, anāgāmī A na hàm, và arahant A la hán. Ở mỗi tầng thánh, một số ô nhiễm trong tâm hành giả sẽ bị diệt trừ, nhưng tâm chỉ hoàn toàn trong sạch và mọi gốc rễ ô nhiễm đều được nhổ bỏ khi đạt đến tầng thánh cuối cùng, A la hán. Tuy nhiên, vị thiền sư vipassanā không nhất thiết phải đạt được tầng thánh cuối cùng này để có thể là một vị thầy giỏi. Ai cũng ngầm hiểu rằng quý thiền sư dù sao vẫn là con người và có thể sai lầm, và rằng ngay cả vị thánh A la hán vẫn có thể còn lưu sót các tập khí cũ (tiền khiên tật).

 Ngài Munindra đã trở thành một tấm gương sinh động về sự thể nghiệm giác ngộ qua các cá tính thật đặc biệt. Nhiều năm sau đó, môn sinh của Ngài từng bàn luận về sự hiện thân của Giáo pháp qua phong cách và quan điểm độc đáo vô song của Ngài.

 Năm 1966, khi hồi hương về Ấn độ sau gần chín năm ở Rangoon, Ngài Munindra đem về hai mươi bảy kiện sách Phật pháp cũng như bao lời chúc phúc của toàn thể bằng hữu vipassanā. Ngài quả đã thực hiện được lời tiên tri của Phật giáo Miến điện về sự phục hưng của đạo Phật và thiền môn vipassanā, đúng hai ngàn năm trăm năm sau khi Đức Bổn Sư nhập diệt.

 Điều này không chỉ giải thích được vì sao Ngài Munindra cảm nhận được một thôi thúc trở về dạy thiền ở Ấn, nơi vipassanā không còn hiện hữu từ nhiều thế kỷ qua, mà còn vì sao hàng trăm người Miến cùng ra bến tàu tiễn đưa và chúc phúc Ngài. Đối với họ, những việc Ngài đã thực hiện được xem như sự hoàn tất một lời tiên tri lịch sử, khởi đầu cho trào lưu hành trì Phật giáo trở lại trên mảnh đất nguyên thủy và rồi sẽ lưu hành khắp nơi chốn khác trên toàn thế giới. Ngài Munindra được chuẩn bị thật đặc biệt để chuyên chở những hy vọng này, bởi Ngài là một vị thiền sư vipassanā tài đức, tinh thông Tam Tạng Kinh Pāli, lại lưu loát tiếng Bengali, Ấn và Anh ngữ.

 Những năm về lại Bồ Đề đạo tràng : 1966-1985

 Trở về Ấn, Ngài Munindra đã thuận duyên chọn Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật thành tựu giác ngộ dưới Cội Bồ đề, để an trú. Ngài không về đây để nhận lại chức vụ Hội trưởng Đền Đại Bồ đề mà chỉ đơn giản để được sống trong khuôn viên Bồ đề Đạo tràng và sẵn sàng giảng dạy.

 Khi Ngài bắt đầu khởi công hướng dẫn thiền vipasssanā thì tất cả các mối nhân duyên từ cội nguồn tâm linh trong Ngài cuối cùng đã chín muồi, hội tụ, và liền lạc lại. Kiến thức, kinh nghiệm, khả năng sinh ngữ, và phong thái khiêm cung của Ngài thu hút môn đồ ngày thêm đông. Ngài nêu cao gương kết hợp thiền tập với đời sống hàng ngày, và sự cởi mở của Ngài đặc biệt lôi cuốn giới trẻ Âu Mỹ. Ngài không ngần ngại giới thiệu học trò mình đến thụ huấn với những thiền sư khác, và các đạo sư Ấn giáo, như Neem Karoli Baba, cũng gởi học trò họ đến học với Ngài.

 Ngài Munindra trở thành nguồn tư liệu và vị thầy chính yếu cho nhiều người Tây phương mà ngày nay là các đạo sư và văn sĩ có tầm vóc trong phong trào hoằng pháp Phật giáo sang phương Tây. Sự say mê kinh sách, kiến thức về triết lý và tâm lý Phật giáo, am hiểu phong phú các truyền thống, và thành thạo Anh ngữ đã khiến Ngài trở thành nguồn khích lệ cho cả một thế hệ phương Tây có niềm hứng thú và tinh thần hiếu học mãnh liệt về thiền tập.

 Thiền sinh cảm thấy thoải mái khi học với Ngài vì Ngài thường giảng dạy bằng lối vấn đáp bình dị, không nghi thức gò bó, và cũng cho phép thiền sinh hỏi nhiều câu hỏi tùy theo nhu cầu của họ. Nhiều môn sinh kể lại rằng Ngài giảng dạy bằng cả thân giáo lẫn lời khuyên giải, dù là khi đi qua nơi phố thị hay trong thiền đường nghiêm trang. Lối sống đơn giản và thành tín của Ngài được môn sinh ngưỡng mộ, tôn kính Ngài như một hiện thân của Giáo pháp.

 Từ năm 1966 đến 1977, Ngài Munindra ngụ tại Bồ đề Đạo tràng, nhưng đến năm 1977, Ngài bắt đầu được các môn sinh mời du giảng ở Bắc Mỹ, Âu châu, và Úc châu. Khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1980, Miến điện đóng cửa không cho du khách ngoại quốc nhập cảnh để hành thiền. Vì thế, Ngài Munindra trở thành một trong rất ít thiền sư có khả năng giảng dạy thiền vipassanā bằng Anh ngữ lúc bấy giờ mà thiền sinh có thể tìm đến.

 Trong những năm này, Ngài sống hết sức đơn giản ở Samanvaya, thuộc Gandhi Ashram, hay Tu Viện Miến. Bất cứ ai có ý muốn học thiền đều có thể đến xin Ngài hướng dẫn, và Ngài sẽ chỉ dạy riêng từng người tùy theo căn cơ trình độ của họ. Ngài luôn luôn dành thời gian rộng rãi và có thể để hàng giờ mỗi ngày cho bất cứ ai muốn gặp.

 Từ năm 1977 đến 1985, Ngài Munindra đặc biệt bận rộn với các chuyến du giảng ở các nước Âu Mỹ cũng như công việc giảng dạy tại Bồ đề Đạo tràng và Calcutta. Đây là giai đoạn bành trướng và thực nghiệm của phong trào vipassanā lúc bấy giờ hãy còn mới mẻ ở phương Tây.

 Năm 1976, vài môn sinh của Ngài, trong đó có Joseph Goldstein và Sharon Salzberg, thành lập Hội Thiền Quán Insight Meditation Society, tại Barre, Massachusetts, mà từ đó trở thành một trong các trung tâm thiền vipassanā chính ở Bắc Mỹ. Ngài Munindra thường được mời đến giảng ở IMS cũng như các trung tâm khác do môn sinh của Ngài thành lập. Mặc dù Ngài rất thích những chuyến du hành sang phương Tây, lòng Ngài lúc nào cũng vẫn ở nơi xứ Ấn.

 Các môn sinh Tây phương của Ngài rất cảm phục trước sức lực cao cường của thầy mình khi đi du giảng cũng như trước lòng ưa thích học hỏi vô tận về tất cả những gì mới lạ đối với Ngài. Giữa các khóa thiền, Ngài luôn hoan hỷ khi cùng học trò viếng thăm thắng cảnh địa phương và thường tỏ ra có sức bền bĩ hơn họ dù Ngài cao tuổi hơn nhiều. Dù vậy, sau năm 1984, Ngài Munindra phần lớn ở tại Ấn vì không đủ sức khỏe để đi xa, và Ngài thích sống ở Ấn hơn.

Những năm cuối cùng : 1985-2003.

Năm 1985, sau một cuộc giải phẫu không thành công ở Calcutta, sức khỏe của Ngài Munindra yếu kém nhiều trong những năm kế tiếp. Sau lần giải phẫu thứ nhì năm 1988, Ngài lưu trú vài tháng ở Hawaii để tịnh dưỡng tại nhà một học trò của Ngài là Kamala Masters, sau này cũng trở thành một thiền sư.

 Khi hoàn toàn bình phục, Ngài trở về Ấn độ và được Ngài S.N. Goenka, một thiền sư cư sĩ uy tín thỉnh mời về ngụ tại trung tâm thiền Goenka ở Igatpuri, gần Bombay, nơi có khí hậu thích hợp cho sức khỏe của Ngài. Ngài Goenka và Ngài Munindra từng là bạn đạo khi Ngài Munindra còn ở Miến điện. Khi Ngài Goenka bắt đầu dạy thiền vipassanā ở Ấn độ, Ngài Munindra hết lòng khuyến khích và gởi nhiều học trò của mình đến tu tập với Ngài Goenka.

 Từ năm 1991 đến khi qua đời, hầu hết thời gian Ngài đều ở tại Igatpuri. Ngài nghỉ làm việc nhưng vẫn được tham vấn về các vấn đề có liên quan đến kinh tạng Pāli. Ngài sống trong một thiền cốc đạm bạc mà khách thường đến viếng thăm những khi Ngài không nhập cốc. Từ năm 1979, Ngài Munindra khởi sự dạy thiền vipassanā hằng năm cho một nhóm sinh viên Hoa kỳ trong chương trình nghiên cứu Phật giáo hải ngoại, Antioch Education Abroad Buddhist Studies Program. Trong suốt thời gian nghỉ hưu, Ngài vẫn giữ lời cam kết tiếp tục dạy chương trình này ở Bodh Gaya, mỗi năm ba tuần vào tháng chín. Ngoài ra, hằng năm vào mùa thu, Ngài sang Calcutta viếng thăm gia đình, bạn hữu, và học trò trước khi trở về Igatpuri cho đến hết năm.

 Những năm cuối đời, với tấm lòng nhiệt thành và thân giáo trọn vẹn cho Giáo pháp trước sau như một, Ngài Munindra vẫn tiếp tục đem lại sự ngưỡng mộ và khích lệ đến các thiền sinh theo học Ngài. Theo năm tháng, răng Ngài bắt đầu rụng dần, nhưng Ngài nhất quyết từ chối không làm răng giả vì muốn kinh nghiệm được các biến đổi tự nhiên của tuổi già. Ngài thường lưu ý và nghiệm thấy rằng thân Ngài tuy có hư hoại, nhưng tâm Ngài vẫn minh mẫn.

 Lòng hiếu học và yêu thích kinh sách của Ngài vẫn đầy ắp như bao giờ, và tâm rộng mở tiếp nhận Giáo pháp của Ngài cũng như vậy, không hề đổi thay. Mặc dù là một tấm gương sinh động về công năng của thiền tập trong việc giảm thiểu các căng thẳng nội tâm, Ngài luôn luôn khẳng định rằng mục tiêu chính của thiền vipassanā chính là giải thoát, và rằng điều này có thể thực hiện được ngay trong kiếp sống này. Với một niềm tin vững chắc và thành khẩn, Ngài truyền đạt ý chí nhất tâm cho mục tiêu giải thoát này và con đường đưa đến giác ngộ cho những ai Ngài từng gặp qua. Ngay cả khi lâm trọng bệnh và sắp lìa trần trong ngôi nhà của gia đình ở Calcutta, Ngài Munindra vẫn tiếp tục khích lệ khách viếng thăm qua hình ảnh đạo vị sáng trong và năng lực từ bi của Ngài.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn