(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Lời giới thiệu.

15 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 11780)

 

Lời giới thiệu

Mirka Knaster

 Dáng nhỏ nhắn nhưng nổi bật trong bộ y và mũ màu trắng đặc biệt, Ngái Munindra là một vị thiền sư Bengali nhiệt thành, năng nổ và yêu thích tra cứu, tạo ấn tượng sâu sắc cho mọi người bất cứ nơi nào Ngài đi qua, ngay cả cho những người chưa từng được gặp Ngài.

 Những ai trong đời đã có lần tiếp xúc với Ngài sẽ luôn nhớ đến Ngài không chỉ vì học thức uyên bác hay cách hướng dẫn tài ba mà, quan trọng hơn cả, vì Ngài là hiện thân của Đạo pháp – Ngài sống theo đúng như những gì Ngài giảng dạy. Qua chính mình, Ngài đã biến những hiện thực sống động. lý tưởng trừu tượng trở thành Cũng như người bạn đồng hương Mahatma Gandhi, Ngài Munindra là một trong những cá nhân hiếm hoi đã thể hiện một kết hợp toàn hảo, thay vì phân cách chống trái, giữa đường đời và đường đạo. Qua nhân cách và đạo hạnh, Ngài nêu cao tiềm năng của những gì có thể thành đạt được: tự tại ngay trong thân này, nơi chốn này, thời khắc này, nhân duyên này; an lạc với chính mình và hòa hợp với người chung quanh.

 Ngài Munindra cũng là một minh họa thực tiễn cho những gì mà các nhà thần kinh học hiện nay xác nhận được qua bao nhiêu kỹ thuật tinh vi: bằng cách luyện tâm, con người có thể chuyển hóa trí óc khiến các cảm xúc tích cực trở thành cá tính bền lâu thay vì chỉ là những trạng thái tâm bất chợt.

 Căn cứ trên hiểu biết chính mình thực chứng được, Ngài Munindra tin chắc rằng ngay cả con người đời nay cũng có thể nếm được những hương vị mà Đức Phật và các đệ tử của Người đã chứng nghiệm hơn 2500 năm về trước.

 Điều tưởng chừng phi thường hay thậm chí không thể đạt được thật ra nằm trong tầm tay của những ai nỗ lực. Thế nhưng Ngài Munindra không khi nào tỏ ra phi thường, xuất chúng hay toàn hảo. Ngài chỉ đơn thuần là một con người được thăng hoa, không là một vị thánh. Với phong cách riêng và có khi còn khiếm khuyết, Ngài vững bước trên đường đạo và giúp người khác cùng tiến bước như mình.

 Với Ngài Munindra, cuộc sống tâm linh không chỉ giới hạn nơi công phu hành thiền trong thinh lặng, ẩn cư trong tu viện, hay tham dự các khóa thiền tích cực, cũng không phải chỉ sống cả một đời tinh thông Giáo pháp với những giáo lý huyền bí cao siêu hay những nghi thức hành trì xưa cổ, mật truyền.

 Ngài mở rộng cánh cửa Giáo Pháp và cống hiến tự thân để đón tiếp bất cứ ai muốn đến với Giáo pháp. Phong cách dung dị, phóng khoáng, không gò bó trong hệ phái, cũng không kiểu cách màu mè, không tự phụ phô trương của Ngài có một hấp lực mạnh mẽ. Theo Ngài Munindra, Giáo pháp là tất cả những gì để “sống viên mãn kiếp này”.

Một khởi đầu bất ngờ.

 Ý định thực hiện cuốn sách này đến thật bất chợt và khó mà giải thích được. Vào tháng 5 năm 2004, khi tôi đang ngồi theo dõi hơi thở trong thiền đường Lâm Xá (Forest Refuge) ở Barre, Massachusetts, bỗng một ý nghĩ chợt khởi lên không rõ từ đâu đến, như là có ai đó thình lình lớn tiếng hỏi: “Ai là người tôn vinh cuộc đời và di sản Giáo pháp của Trưởng lão Munindra?” Nhưng dĩ nhiên là trong thiền đường chỉ có một sự thinh lặng tuyệt đối.

Sau đó, khi về phòng, tôi vội ghi xuống câu hỏi này, rồi để nó qua một bên. Vẫn hoang mang mãi vì sao câu hỏi ấy khởi lên trong tâm, khi khóa thiền một tháng vừa xong, tôi quyết định đi dò hỏi một số người từng thân cận với Ngài Munindra (vừa viên tịch tháng mười năm ngoái.)

 Kamala Masters đề nghị tôi liên lạc với Robert Pryor, người đã từng biết Ngài Munindra từ năm 1972. Khi gặp Robert, tôi được biết rằng vào năm 2000, Robert đã sắp đặt các cuộc phỏng vấn với Ngài Munindra, tổng cộng hai mươi mốt tiếng đồng hồ, và cũng được Ngài cho phép sử dụng những hình chụp trong một bộ sưu tập hình ảnh của Ngài cho bất cứ cuốn tiểu sử nào của Ngài trong tương lai.

 Sau khi thảo luận và thấy được cả hai đều có ý định giống nhau là muốn tưởng niệm một vị thiền sư lỗi lạc và lưu truyền lại trí tuệ của Ngài, chúng tôi quyết định hợp tác với nhau thực hiện công trình này. Và, theo tinh thần dāna, bất cứ lợi nhuận nào thu thập được sẽ đem cúng dường cho quỹ học bỗng của Barre Center dùng vào chương trình nghiên cứu Phật giáo để tưởng niệm Ngài Munindra.

 Do đó tôi để hai dự án viết sách khác sang một bên và khởi công tìm kiếm khắp thế giới những người đã từng quen biết Ngài Munindra. Người này dẫn đến người khác, và rồi như thế, một người khác nữa.

 Sau khi được nghe hàng trăm câu chuyện mộc mạc có, sâu sắc có, hài hước có, giáo dục có, tôi bắt đầu quyết tâm tìm một phương cách để chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân này cũng như những lời giảng dạy trực tiếp từ Ngài Munindra. Tôi cảm nhận rằng, nếu được đan kết lại với nhau, chúng sẽ trình bày toàn cảnh cuộc đời và sự nghiệp cống hiến cho Đạo pháp của Ngài, đồng thời sẽ là nguồn cảm hứng và khích lệ người đọc trên cuộc hành trình chuyển hóa của chính họ.

Lại một bất ngờ khác nữa.

 Câu hỏi khởi lên trong tâm tôi trong khóa thiền không phải là bí ẩn duy nhất. Còn có một sự kiện ly kỳ khác xảy ra bên Á châu.

 Ngoài các cuộc phỏng vấn đa số qua điện thoại và một ít qua điện thư, tôi còn đến Ấn độ gặp gia đình Ngài Munindra ở Calcutta, thăm viếng vài nơi mà Ngài thường lui tới nơi đây cũng như ở Bodh Gaya, và phỏng vấn những người địa phương từng quen biết Ngài. Tôi cũng làm như thế ở Miến điện, nơi được xem như ngôi nhà tâm linh của Ngài.

 Tại Rangoon đã xảy ra một việc hoàn toàn ngoài dự tính. Khi tôi được giới thiệu với bà Than Myint, bà trao cho tôi một cuốn vở học trò đơn sơ mà Ngài Munindra đã gởi gắm cho bà vài ngày trước khi trở về Ấn độ năm 1966. Trong đó, Ngài đã ghi lại một bản tự truyện ngắn.

 Không ai hay biết, bản tài liệu về cuộc đời của Ngài Munindra này đã nằm yên trong tủ sách gia đình bà Than Myint bốn thập niên qua. Kỳ diệu thay, cuốn vở đã tránh thoát được mọi tàn phá của hơi ẩm, sức nóng, và các loài côn trùng thông thường miền nhiệt đới. Những cuốn sách khác trong tủ đã bị mọt sách hủy hoại, và hàng trăm cuốn cất trong rương cũng bị mối ăn. Vậy mà, không hiểu vì sao, cuốn vở rẻ tiền này vẫn còn nguyên vẹn và không tì vết.

 Bà Than Myint nói với tôi: “Tôi đã chờ đợi bốn mươi năm một người nào đến đây sử dụng cuốn vở này.” Tôi nghe mà cảm thấy lông trên cánh tay tôi dựng đứng.

 Vài lời về quyển sách này.

Living This Life Fully chia làm mười sáu chương. Mỗi chương dành trọn cho một phẩm tính khác nhau của tâm tỉnh thức và cho phương cách mà Ngài Munindra đã thể nhập và giảng dạy phẩm tính đặc thù này. Có rất nhiều đức tính cần được vun bồi trên bước đường tâm linh, nhưng tôi đặc biệt tập trung vào mười sáu phẩm hạnh tiêu biểu cho các lược đồ Giáo pháp này, phân phối như sau.

Bodhipakkhiyā-dhammā là ba mươi bảy phẩm trợ đạo (ba mươi bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ), được chia làm bảy nhóm:

o tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna)

o tứ chánh cần (padhāna)

o tứ pháp như ý túc (iddhi-pāda)

o thất giác chi (bojjhaga)

o ngũ căn (indriya)

o ngũ lực (bala)

o bát chánh đạo (aṭṭhangika-magga)

 Tôi lập một sơ đồ cho ba mươi bảy phẩm trợ đạo này, rồi thêm vào mười ba la mật (pāramī) và tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra), thì nhận thấy có một số trùng lặp. Từ bảng liệt kê, tôi bèn chiết ra mười bảy phẩm tính riêng biệt. Tuy nhiên, trong tiến trình biên soạn, tôi bỏ bớt một chương về sự an tĩnh (passaddhi) vì phẩm tính này xuất hiện bàng bạc trong nhiều câu chuyện khắp quyển sách.

 Mỗi chương tập trung vào một đức tính đặc trưng, nhưng khi phải quyết định đặt một câu chuyện vào chương nào thì cuộc tranh luận nội tâm thường dấy lên vì tôi tự hỏi câu chuyện ấy tiêu biểu cho đức tính nào nhất. Thí dụ, một giai thoại được kể lại không chỉ minh họa riêng tâm từ (mettā) mà rõ ràng còn điển hình cho chánh niệm (sati) và tinh tấn (viriya). Như vậy, xếp nó vào chương ‘Tâm Từ’ âu cũng có phần độc đoán.

 Thật ra, không một phẩm tính nào lại hoạt động riêng rẽ, độc lập. Đạo, con đường của Đức Phật, không phải là một tiến trình tuần tự theo hàng dọc từ A đến Z. Để hoàn thiện bất cứ phẩm hạnh nào, cần phải viên mãn mọi phẩm hạnh, bởi vì tất cả các pháp trên đường đạo đều hỗ trợ nhau, tương quan nhau, và phụ thuộc lẫn nhau.

 Living This Life Fully khởi đầu với chánh niệm (sati) và kết thúc với tâm xả (upekkhā). Cũng có thể dễ dàng bắt đầu bằng bố thí (dānā) và chấm dứt bằng trí tuệ (paññā)Bạn có thể đi từ chương 1 đến chương 16, hay đọc bất cứ chương nào ngẫu nhiên lôi cuốn bạn. Cũng như khi chọn trau giồi một đức tính nào, bạn sẽ chóng nhận ra rằng các đức tính khác rồi sẽ tất nhiên hiển hiện hoạt động để bổ túc và tăng cường cho đức tính ấy.

 Nếu bạn muốn chuyên chú vào các giải thích rộng rãi hơn về đức tính nào đó, ở mỗi cuối chương, tôi có trình bày một định nghĩa chi tiết chiết ra từ toàn chương. Đầu mỗi chương, bạn cũng sẽ tìm thấy một định nghĩa ngắn đôi ba chữ về đức tính ấy. Tuy nhiên, chuyển dịch một thuật ngữ Pāli sang chỉ một từ Anh ngữ là cả một thử thách vì có những nghĩa bóng của nó có thể sẽ bị mất đi. Thí dụ như saddhā, thường được dịch là “đức tin”, một từ mang ý nghĩa hầu như khác biệt giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo, và vì vậy có thể bị diễn giải sai. Phần định nghĩa mỗi cuối chương cung cấp một số hiểu biết về nguồn gốc và các sắc thái khác nhau của thuật ngữ Pāli. Định nghĩa này không từ Ngài Munindra mà dựa vào nghiên cứu của tôi và đã được quý thiền sư và học giả kiểm xét lại. Khi phối hợp những mẩu chuyện cá nhân với các tài liệu và kiến thức này, mục đích của tôi là được tôn vinh sự hiện hữu và cách giáo huấn riêng biệt của Ngài – kinh nghiệm thực tiễn của pháp hành đi đôi với pháp học.

 Lời trích dẫn trực tiếp.

 Mỗi chương bắt đầu với một trong những lời súc tích, hùng lực của Ngài Munindra, và kết thúc bằng một kệ ngôn chiết từ kinh điển Pāli, thường là lời Phật dạy. Trong chương, có các đoạn văn in thụt dòng là những lời nói trực tiếp từ Ngài Munindra, trích đoạn từ những pháp thoại được David Johnson thu thanh vào cuối thập niên 1970 và từ loạt phỏng vấn Ngài Munindra bởi Robert Pryor năm 2000.

 Các lời dẫn khác được cho là từ Ngài (thay vì từ các trích đoạn trên) có giọng văn và cách diễn đạt khác biệt hơn vì được chú giải hoặc dựa theo những gì người ta nhớ là Ngài đã nói như vậy. Những khác biệt này cũng có thể do Anh văn không phải là ngôn ngữ chính của những vị tôi đã phỏng vấn.

Thuật ngữ và quy ước của ngoại ngữ.

 Tôi có kèm theo thuật ngữ Pāli trong khắp quyển sách để phản ánh cách Ngài Munindra truyền đạt tư tưởng: Ngài phối hợp ngôn ngữ trong kinh sách cổ điển vào các bài pháp thoại và các mẩu đối thoại. Tôi hy vọng chúng sẽ gieo niềm hứng khởi, khơi dậy tâm quán sát và đẩy mạnh việc hành trì Giáo pháp của bạn.

 Ngài Munindra đa phần sử dụng từ vựng Pāli nhiều hơn Sanskrit cho các tên hoặc thuật ngữ. Thí dụ: Gotama hơn là Gautama Buddha, Dhamma hơn là Dharma, Abhidhamma hơn là Abhidharma, kamma hơn là karma, nibbāna hơn là nirvāna. Tôi đã không thay đổi các trích dẫn để chúng có vẻ nhất trí mà giữ nguyên như tôi đã nghe, để phản ánh trung thực cách Ngài Munindra hay người khác đã nói như thế nào. Khi các thuật ngữ Pāli và ngoại ngữ khác (Ấn, Sanskrit hay Miến) xuất hiện lần đầu tiên trong sách, chúng sẽ đi kèm với một định nghĩa ngắn. Định nghĩa này thường không được lập lại sau đó, nhưng có thể tìm thấy trong bảng chú thích ở cuối sách.

 Các từ Sanskrit thông dụng và có trong các tự điển Anh sẽ không in nghiêng, chẳng hạn như karma, nirvāna, sūtra, và Dharma. Tất cả từ Pāli đều in nghiêng, trừ chữ Dhamma và vipassanā. Vì những chữ này được dùng rất thường xuyên, chúng chỉ in nghiêng khi xuất hiện lần đầu tiên. Tôi cũng kèm theo các dấu phụ vì, nếu không, một số tên và từ không những có cách phát âm khác mà ý nghĩa cũng khác. Tuy nhiên, với các địa danh và cơ sở, tôi lại không dùng dấu phụ vì dù không có dấu phụ vẫn dễ nhận ra các từ này. Ngoài ra, có vài địa danh ở Á châu đã thay đổi, nhưng tôi vẫn giữ nguyên những địa danh nào Ngài Munindra thường dùng như Calcutta thay vì Kolkata, Rangoon và Burma thay vì Yangon và Myanmar, Varanasi thay vì Benares.

Đóng Góp.

 Living This Life Fully là một công trình hoàn toàn dựa trên tinh thần cúng dường (dāna). Hơn hai trăm người đã tham gia giúp tác phẩm này hình thành bằng cách đóng góp các mối liên lạc, phỏng vấn, thu âm, khả năng chuyên môn uyên thâm, hình ảnh, thư từ, văn kiện, chiêu đãi, và rất nhiều việc khác nữa.

 Tất cả những ai đã góp phần đều được ghi nhận trong phần cảm tạ, riêng vị nào có trích dẫn trực tiếp trong sách sẽ có một đoạn giới thiệu ngắn gọn trong danh sách của các cộng tác viên ở cuối sách. Cách này chỉ cốt để tránh phải lập đi lập lại danh tánh một ai đó. Phần miêu tả ngắn gọn về từng người này dựa trên các tài liệu do chính người ấy cung cấp.

Kinh điển và chữ viết tắt.

Trích dẫn từ các Kinh trong Kinh Tạng Pāli dưới đây được chiết ra từ nhiều bản dịch đã được xuất bản cũng như từ trang mạng accesstoinsight.org. Có vài trường hợp Ngài Munindra trực tiếp phiên dịch các đoạn kinh Pāli trong lúc nói chuyện, ban pháp thoại hay vấn pháp thiền sinh.

Các Kinh trong Kinh Tạng Pāli:

Aguttara Nikāya – Tăng Chi BKinh

Buddhavasa – Pht S

Dīgha Nikāya – Trường BKinh

Dhammapada – Pháp Cú Kinh

Itivuttaka – Kinh Pht Thuyết Như Vy

Khuddakapāha – Tiu Tng Kinh

Majjihima Nikāya – Trung BKinh

Sayutta Nikāya – Tương Ưng BKinh

Sutta Nipāta – Kinh Tp

Udāna – Kinh Pht TThuyết


Các chữ viết tắt:

 

BCBS: Barre Center for Buddhist Trung tâm Phật học tại Barre, Massachusetts

IMS: Insight Meditation Society Hội Thiền Minh Sát ở Barre, Massachusetts

SRMC: Spirit Rock Meditation Center Thiền Viện Spirit Rock tại Woodacre, California

 

Lời kết.


 Công trình sưu tập và viết soạn quyển Living This Life Fully đã cho tôi một thể nghiệm sáng ngời của tâm hoan hỷ vô biên mà tôi không thể nào ngờ được vào cái ngày kỳ diệu tháng Năm ở Lâm Xá ấy.

 Thật là một đặc ân và niềm vinh dự mỗi khi xúc động đến rơi lệ hay vui đến bật cười bởi những ai đã nhiệt tình ghi nhớ lại công đức vô lượng của Ngài Munindra. Tôi thật vô cùng mãn nguyện với bao nhiêu điều đã học hỏi và với tác động của những điều này vào sự tu tập của chính mình. Cầu mong cuộc đời và những mẩu chuyện của những người từng biết Ngài cũng sẽ cống hiến bạn một nguồn cảm hứng bình an, hạnh phúc và tự tại.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn