(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

06-Sacca (Chân thật)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 11414)

 

06-Sacca (Chân thật)

Nói sao làm vậy và làm sao nói vậy.


Sự thật không bao giờ cũ.

Sự thật luôn luôn mới, trong từng phút giây.

-MUNINDRA-


 Trong khoảng thời gian phục vụ tại chùa Đại Bồ Đề ở Sarnath (1938-1948), Ngài Munindraquen biết với các học giả là thành viên rất tận tụy của học viện Ramakrishna ở thành phố Varanasi lân cận. Đặc biệt là ông Gupta, giáo sư ngành khoa học ở một trường đại học Bengal, thường hay mời Ngài Munindra đàm đạo về Phật pháp. Nhưng khi được yêu cầu thuyết giảng, Ngài liên tiếp từ chối: “Không, tôi không thể, vì mặc dù tôi có nghiên cứu Phật pháp đến một mức nào đó, nhưng còn có những điều tôi vẫn chưa hiểu rõ.” Ngài công nhận mình còn vài nghi vấn: “Tôi tin tưởng nơi Đức Phật và Giáo pháp, nhưng tôi chưa nắm vững thuyết vô ngã (anattā).”

 Giáo sư Gupta cũng muốn Ngài Munindra viết sách, và một lần nữa Ngài lại thoái thác vì cảm thấy Đức Phật đã giải bày tất cả rồi. Vài thập niên sau, Ngài nói, “Chỉ đến khi tôi đi Miến điện hành thiền và có kinh nghiệm thực chứng, tôi mới dám thuyết pháp.”

 Như Ngài Munindra bày tỏ, hạnh chân thật bao gồm rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ đơn giản là không nói dối. Ngài muốn học hỏi chân lý đạo Phật không chỉ thuần túy qua sách vở mà còn phải qua kinh nghiệm thực chứng của mình. Ngài trình bày trung thực những gì Ngài biết và không biết. Khi chưa đạt được trí tuệ thực chứng từ pháp hành thâm sâu, Ngài cảm thấy không thể và không muốn diễn tả chân tánh của thực tại.

 Đức tính chân thành trong sạch này đã thu hút được nhiều người đến tu học với Ngài, nhất là các hành giả Tây phương vốn không tin tưởng vào những giới “có thẩm quyền” thường hay rêu rao những lời dối trá mị dân. Nhưng đây là Ngài Munindra, một người thầy với cách giáo huấn không chỉ dựa trên kiến thức kinh điển, mà còn dựa trên trí tuệ thực chứng. Đối với một thế hệ đã đọc cuốn Khách Lạ Trên Đất Lạ của Robert Heinlein, xuất bản năm 1961, thì Ngài Munindra như là một người có khả năng “thể nhập” được miêu tả trong sách ấy – nghĩa là Ngài thông suốt Giáo pháp đến độ thể nhập Giáo pháp.

 Ram Das viết trong lời giới thiệu cuốn sách đầu tay của Joseph Goldstein, Kinh Nghiệm Thiền Quán, rằng: “Ngài Munindra thấm nhuần sâu sắc kinh điển Pāli của Phật giáo đến nỗi khó mà phân biệt được giữa Ngài và Pháp.” Nơi Ngài, những người cầu đạo tìm được một vị thầy có thể giảng dạy từ mọi trình độ của chính Ngài.

Từ trái tim.

 Joe DiNardo nhớ lại lần đầu tiên nói chuyện đạo với Ngài Munindra trong một khóa thiền của Ngài Mahāsi tại Yucca Valley, California, năm 1979: “Có lẽ cũng đã mười giờ đêm khi tôi đến gặp Thầy. Tới ba giờ sáng thì mắt tôi như muốn lòi ra và đầu thì không ngẩng thẳng lên được. Sau cùng tôi nói,  ‘Thưa Thầy, tôi phải đi đây.’ Không phải vì tôi mệt, mà vì nó quá mãnh liệt – cái nguồn cảm hứng mà thầy khơi dậy trong tôi, cái đẹp của cách Thầy nhìn đời và lòng chân thành của Thầy khi trình bày các lời dạy của Đức Phật. Những Pháp bảo ấy không phải Thầy đọc ở đâu rồi kể lại cho ta nghe, mà Thầy chính là chúng, là Pháp.”

 Joe công nhận mình có những hoài nghi về chiều sâu kinh nghiệm của các vị thầy tâm linh, bất luận từ truyền thống nào. Dù vậy, ông nói: “Tôi luôn luôn cảm nhận được rằng Thầy chỉ nói về những gì Thầy đã thực sự trải nghiệm.”

 Joe cũng rất cảm kích trước phong cách rất con người, rất bình thường của Ngài Munindra: “Bạn không mong gì mời được Hòa thượng Mahāsi đến thác Niagara, dự một buổi họp mặt gia đình, hoặc đàm luận bất cứ vấn đề gì. Nhưng với Thầy Munindra thì mình có thể làm được những việc ấy. Rất dễ đến gần Thầy. Nhưng rõ ràng những kinh nghiệm đạo và đời của Thầy đã đưa Thầy đến chỗ luôn luôn là một với những gì Thầy nói. Thầy không dạy từ những gì đã được dạy, mà dạy từ trái tim mình. Thật là một điều hiếm có, bạn không dễ gì gặp được người như vậy trong đời đâu.”

 Gregg Galbraith cũng quan sát thấy bản chất trung thực trước sau như một của Ngài Munindra: “Có nhiều bậc thầy lỗi lạc giảng dạy rất hay, nhưng đằng sau hậu trường, tư cách của họ lại không đi đôi với lời dạy. Họ thích khuynh loát, điều khiển, sở hữu người khác, nhiều dục vọng, và dễ nóng giận với người chung quanh. Ta có thể thấy điều đó ở nhiều vị thầy tài năng, danh tiếng. Họ có nhiều phẩm chất tốt đẹp, nhưng đồng thời trong họ còn lẫn lộn các cá tính tiêu cực, bất thiện. Ở Thầy Munindra, tôi có thể thành thực nói rằng tôi không bao giờ thấy những điều ấy.”

Tri hành hợp nhất.

 Sự hợp nhất giữa kiến thức và kinh nghiệm sống của Ngài Munindra, giữa công chúng cũng như riêng tư, đã tạo một ảnh hưởng sâu sắc đến môn đệ của Ngài. Jack Engler, chẳng hạn, cảm thấy rất hứng khởi khi quyết định được vài đề án chuyên môn sau một năm tu học với Ngài ở Bodh Gaya.

 Jack dự định chọn việc thiền tập vipassanā làm đề tài cho luận án tiến sĩ của ông và nhờ Thầy giúp tìm kiếm các đối tượng cho chương trình nghiên cứu này. (Jack quan tâm đến những chuyển hóa độc đáo qua tiến trình và kết quả của sự hành thiền minh sát.) Thoạt tiên, Ngài Munindra ngạc nhiên về lời đề nghị của Jack. Các nhà nghiên cứu ở Ấn độ cũng đã vài lần muốn hợp tác với Ngài, nhưng họ không có kinh nghiệm trực tiếp về pháp hành. Lúc đó, Ngài chỉ trả lời họ là “nếu muốn học thiền, hãy hành thiền.”

 Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận về giá trị của các phương pháp khoa học, nhất là vì Ngài Munindra hiểu được tâm nguyện thành tín của Jack đối với pháp hành, sau cùng Ngài đồng ý giúp đỡ công trình nghiên cứu này và thuyết phục Dipa Ma, lúc đầu cũng nghi ngờ không kém, cùng các học trò của Bà tham gia dự án này.

 Jack nói, “Là một học giả, tôi nhận thức được rằng sự quan trọng của một công trình học thuật khi nào cũng phải gắn chặt với kinh nghiệm sống hiện thực, chứ không thể chỉ qua lý thuyết suông thu góp từ hiểu biết của người khác hay từ tài liệu thư viện. Tôi đã dự định theo nghiệp giảng huấn, nhưng thời gian tu tập với Thầy Munindra giúp tôi thấy rõ rằng sau khi rời Ấn độ, tôi phải ra khỏi đời sống học viện và bắt đầu thực tập khoa tâm lý trị liệu. Gương hành đạo của Thầy mang đến cho tôi nhiều cảm hứng và một kiểu mẫu sống với nhiều dạng thức khác nhau.”

 Danny Taylor cũng thấy nơi Thầy Munindra một điển hình đáng khâm phục về sự hợp nhất trong lời nói và việc làm. Danny đến gặp Thầy vì băn khoăn muốn biết “Làm sao để Thầy thiết lập được một cuộc sống mà hiểu biết đi đôi với hành động (tri hành hợp nhất)?” Những câu chuyện về Thầy đã trở thành “tiêu biểu cho cuộc hành trình xây dựng một con người đã phá vỡ được nan đề ấy”.

 Danny nói thêm: “Thầy là mẫu người tôi vô cùng cảm phục, bởi vì hiện tượng ‘thể nhập’ rõ ràng đã xảy ra, nghĩa là câu trả lời được thể hiện qua con người của chính Thầy. Nhưng Thầy khác hẳn một số thiền sư khác mà tôi từng gặp ở bản tánh rất diễn cảm – Thầy hoan hỷ để thân chứng. Không cần phải diễn tả bằng lời nói mà tự con người của Thầy đã thể hiện rằng: Bạn là ai cũng được, nhưng mục tiêu của bạn phải là một với Giáo pháp, hợp nhất với Giáo pháp. Điều ấy gieo cho tôi niềm tự tin rằng tôi có thể vẫn là tôi mà vẫn tiến bước được trên đường đạo. Đây quả là một món quà thật quý báu.”

Một con người bình thường, Nhưng không bình thường.

 Những môn sinh mong đợi nơi Ngài Munindra một vị lãnh đạo tinh thần, theo óc tưởng tượng của họ, đã nhận ra Ngài không là người đáp ứng cho những suy tưởng của họ về một vị thầy tâm linh.

 Gregg Galbraith nói rằng những người đến gặp Thầy thường có đủ loại kỳ vọng nơi Thầy: “đứng cách mặt đất gần cả thước tây, thuyết pháp thật cao siêu, v.v.” Môn sinh cũng thường muốn Thầy nói cho họ biết cần phải làm gì. Gregg giải thích, “Nhưng Thầy Munindra không ở đó để ban truyền một thể chế đặc biệt nào đó. Nhiều người không thể buông được những ước vọng của mình. Phải từ bỏ hết những vọng tưởng ấy mới có thể thấy trọn vẹn được Thầy Munindra, với tất cả những gì Thầy thật sự là.”

 Joseph Goldstein nói thêm rằng mặc dù phải mất thời gian để nhận ra hết, nhưng một trong những điều ông rất cảm kích ở Thầy Munindra là “Thầy hoàn toàn là Thầy, không giả tạo, không phô trương, không kiểu cách tỏ ra là một bậc trí tuệ. Thầy trung thực hiển bày những gì là chính mình, thật phóng khoáng và tự tại. Mặc dù điều đó đôi khi mang lại lời phê phán hay chê trách, nhưng không khiến Thầy nao núng chút nào. Thầy không gắng gượng làm vừa lòng ai cả.”

 Ngài Munindra là một vị thầy tự xem mình cũng là người bạn đạo (kalyāṇamitta) chứ không là một trưởng giáo, và luôn sống thật như thế. James Baraz kể, “Joseph Goldstein nói nhiều về Thầy Munindra và mô tả nhiều về nhân cách của Thầy, tuy nhiên khi gặp được Thầy mới thật là thích thú. Trước đó, tôi thường mang niềm sợ sệt và tôn ngưỡng về vị sư phụ của thầy tôi, thế nhưng, gặp rồi thì thấy Thầy thật dễ mến và khả kính một cách tự nhiên, chân thật, làm tiêu tan mọi ngờ vực một cách diệu kỳ. Và tôi thấy an nhiên tự tại bên Thầy. Thầy có cái can đảm là không phô trương, không quan tâm đến phe phái, vây cánh hay hình thức bề ngoài.”

 Larry Rosenberg nhận xét, “Dù là một thánh nhân, Thầy không có vẻ sùng đạo hay cao ngạo thường hay thấy ở vài nhân vật tôn giáo hay tâm linh.”

 Grahame White nói thêm: “Thầy Munindra không bộc lộ cung cách ngồi trên trước như một pho tượng Phật. Thầy là một con người bình thường nhưng không bình thường.” Sự vắng bóng của mọi cách biệt tôn ti cấp bậc cho phép ai cũng được đến gần Thầy.

 Dhammaruwan Chandrasiri nhớ lúc nhỏ được chơi đùa bên Thầy Munindra, và việc đó đã là một bài học tốt đẹp hỗ trợ cho vai trò một đạo sư của chính ông ngày hôm nay: “Thầy có thời gian để chơi đùa cùng một đứa bé, đồng đều như thời gian dạy học. Thầy không để mình bị quá đam mê, lôi cuốn chỉ vào việc giảng dạy.”

 Jack Kornfield nói, “Ngay từ lúc đầu, tôi đã nghĩ Thầy là một thiền sư uyên bác, trí tuệ, lỗi lạc, là người dám đả phá các hình tướng tín ngưỡng và muốn sống như con người mình thực sự là. Thầy tự may y áo và đặt nội quy cho mình. Thầy giảng dạy theo cách của Thầy, bao gồm kiến thức học thuật uyên bác, kết hợp với pháp hành thiền thâm hậu theo truyền thống của Ngài Mahāsi, cộng thêm ảnh hưởng sâu sắc từ những pháp học mà Ngài đã thấm nhuần từ các nguồn cơ khác.”

 Jack nói tiếp: “Cũng cùng một Giáo pháp thâm sâu vi diệu, nhưng bằng phương cách riêng và sự chánh trực, giáo huấn của Thầy có một hương vị rất khác biệt – cởi mở, phóng khoáng và gắn bó với mọi người. Thầy có một số phẩm tính giống như Đức Dalai Lama. Khi bạn đến trước mặt Thầy, Thầy hết lòng quan tâm đến bạn, không một chút giả tạo hay hời hợt bao giờ.”

Thế nào là oai lực.

 Jack Engler nhớ thỉnh thoảng nghe người ta nói, “Ngài Munindra là người tốt lành nhưng chẳng có chút oai lực nào,” nghĩa là từ Ngài không toát lên được vẻ điển hình của một vị trưởng giáo hay một bậc thánh nhân.

 Jack ghi nhận thêm: “Thầy không có cái diện mạo hình tướng phù hợp với địa vị của mình. Thầy là một người Bengali nhỏ thó, sinh động, và thích tìm tòi học hỏi mọi thứ. Thầy không đóng vai một vị thầy mực thước, đạo mạo, trang nghiêm, có vẻ thần kỳ và biết được những điều bí ẩn, quyền phép.”

 Jack nói tiếp: “Thầy sống động, hồn nhiên, quan tâm đến những gì làm mình chú ý, nhìn toàn thể cuộc sống như là một phần của đường đạo. Thầy vui tươi, đôi lúc nghịch ngợm, với một chút hóm hỉnh và khôi hài. Thầy thích cười và diễn tả bằng cả điệu bộ cũng như lời nói. Thầy không giảng dạy theo cách thức của một chuyên gia hay người có thẩm quyền, mà như một huynh trưởng – một người anh trong đạo – do nhờ thuận duyên, nghiệp quả tốt lành, và nỗ lực tinh tấn đã bước vào đường đạo trước bạn một chút, và vì vậy có thể chỉ vẽ cho bạn phần nào đường đi nước bước. Nhưng như vậy không có nghĩa rằng Thầy không uyên thâm thông thạo, chỉ là Thầy không tương tác với bạn hay không giảng dạy bạn với tư cách ‘chuyên gia.’ Thầy không nói theo giáo điều. Cách thức của Thầy hầu như là mời gọi bạn vào cùng thực nghiệm và kinh nghiệm.”

 Ngài Munindra cũng không xác nhận là mình có những năng lực thần thông mà thời bấy giờ người Tây phương rất ngưỡng mộ. Theo Jack, “Thầy chỉ là Thầy, không phô trương, thủ đoạn hay ngụy biện. Thầy hiểu nhiều về đau khổ nhưng vẫn thương yêu cuộc sống. Thầy yêu thích giảng giải, đàm luận và thực hành Giáo pháp. Thầy yêu thích tìm hiểu về những ai đến với Thầy. Với những đặc điểm đó, Thầy làm việc với một đường lối cá nhân và tâm lý hơn hầu hết các vị đạo sư của bất kỳ truyền thống Phật giáo nào tôi được biết.”

 Mặc dù thầy Munindra nhỏ người, nhỏ tiếng nhưng Eric Kupers “tôn kính Thầy như một bậc thầy đầy oai lực, bởi con người Thầy hết sức chánh trực và cũng rất kiên định. Giảng dạy của Thầy tràn đầy sự thật sống động, ban trải một cách bình thường từng giây phút.”

 Maggie Ward McGervey thêm: “Ta cảm thấy được thu hút không chỉ vào sự hiện hữu vật chất hay tinh thần của Thầy. Không giống như các vị đạo sư Tây tạng mà ta cảm nhận sự hiện diện như một hồi trống vang rền. Thật là một nghịch lý, một mâu thuẫn kỳ lạ, vì cái vĩ đại của Thầy tiềm ẩn ở bên trong.”

 Cô nhận định: “Tôi không cảm nhận nơi Thầy có một cái ngã nào ở đó đang đi tìm kiếm quyền lực hay sự ngưỡng mộ. Đức tính khiêm hạ, hướng nội, nhu hòa của Thầy đúng là một thứ dầu chữa bệnh, làm dịu khổ đau thực sự, trong khi những vị thầy tâm linh khác thường quá rập khuôn vào vai trò cao trọng của họ. Thầy Munindra không hề như thế bao giờ.”

Không giả tạo hay lùa lọc.

 Tính cởi mở không ngại ngùng của Ngài Munindra khiến vài người hoang mang: “Làm sao để dung hòa được phong cách có vẻ dị biệt và mâu thuẫn với mức độ giác ngộ của Ngài?” Có người chỉ đưa ra những nét tiêu cực của Ngài. Denise Till nhẹ nhàng mỉa mai: “Thầy không có vấn đề với người khác, nhung người khác có vấn đề với Thầy.”

 Theo Robert Pryor, người ta dễ nghĩ không tốt cho Thầy vì Thầy không trưng bày một bề ngoài giả tạo. “Với vài thiền sư nào đó, bạn có được ba mươi giây; nhưng với Thầy, bạn có thể thường xuyên lui tới. Nếu chỉ chú tâm đến cá tính, Thầy thật có nhiều điểm khác thường khiến người ta dễ thắc mắc, vì họ nghĩ những vị đã giác ngộ thì không còn cá tính nữa. Có lẽ Thầy biểu lộ nhiều hơn những gì họ muốn thấy. Có lẽ họ muốn thấy Thầy ngồi trên một cái bệ thờ.” Có một câu tục ngữ bên Miến điện giúp làm sáng tỏ nỗi hoang mang, “Khi cái bình đã cạn, vẫn còn mùi.” Một người có thể đã trút cạn tham, sân, si, nhưng tập khí riêng vẫn còn tồn tại. Giác ngộ không có nghĩa là toàn hảo.

 Phần đông chúng ta cảm thấy được thoải mái tự nhiên khi tiếp xúc với một người thầy không phô trương hay tự phụ. Tara Doyle nói một trong những điều cô học ở Thầy là các bậc thầy thực chứng cao (và cô tin Thầy là một vị như vậy) “đến dưới mọi hình tướng và phong cách.” Cô nhớ Thầy dễ mến, vui tính, luôn luôn nhân hậu, ngay thẳng, còn có vẻ trong sáng hồn nhiên nữa. Nhưng đồng thời, sự hiểu biết bao la về giáo lý Nguyên thủy mà Thầy giảng giải một cách tinh vi đã làm cô kinh ngạc. Tuy vậy, đôi lúc Thầy cũng có vẻ chú ý tiểu tiết trong vài sinh hoạt đời thường, như chuyện thức ăn thức uống.

 rằng “những gì bạn thấy là những gì thực sự hiện hữu. Và đó là một điều đáng mừng – cái hay, cái dở và cái xấu, tất cả đều được phơi bày, nhưng tôi không hề thấy cái giả tạo, không chân thật nơi Thầy.”

Không đúng lời hứa.

 Một người không giả dối gây được niềm tin cậy. Danh tiếng của Ngài Munindra về lòng tận tụy chân thành trong mọi công việc được giao phó đã thúc đẩy mọi người tiến cử Ngài giữ chức Tổng Quản trị Phật giáo đầu tiên của Chùa Đại Bồ đề ở Bodh Gaya.

 Robert Pryor và Tara Doyle từng mắt thấy tai nghe rằng khi Ngài Munindra đã hứa thì bao giờ cũng giữ đúng lời, khi đã đồng ý làm điều gì thì hết lòng thực hiện. Sau khi họ đề nghị mở một chương trình giảng dạy Phật pháp cho sinh viên ngoại quốc ở trường Antioch, ban điều hành trường liền khuyến khích xúc tiến. Năm 1978, Robert trở lại Bodh Gaya và thỉnh mời Ngài Munindra làm giáo thọ Theravāda cho chương trình. Robert nhớ mãi lời chấp nhận của Thầy: “Tôi sẽ toàn tâm toàn ý hỗ trợ bạn. Tôi sẽ đến dạy.” Và Thầy giữ tròn lời hứa. Chỉ trừ khi bận việc ở nước ngoài hay lúc đau yếu, Thầy liên tục đóng góp công sức từ năm 1979 đến năm 2002, một năm trước khi qua đời, dù đôi khi Thầy cần có hai người hai bên dìu vào thiền đường.

 Ngài Munindra tôn trọng lời hứa dù gặp phải điều kiện không thuận lợi. Gita Kedia nhớ một lần sau khi hướng dẫn một khóa thiền dài, cô gặp Thầy ở Dhamma Giri và cho Thầy biết rằng ngày mai cô sẽ rời nơi đây. Thầy bảo sẽ ghé thăm cô trước khi cô về.

 Nhưng hôm sau trời lại mưa tầm tã đến nỗi Gita nghĩ rằng Thầy lẫn cô sẽ không thể viếng thăm nhau được. Gita đến ga xe lửa ở Igatpuri và ngồi chờ xe. Lát sau, một ông lão xuất hiện dưới cơn mưa như trút nước và đi về phía cô. Gita thật ngạc nhiên khi thấy đó là Thầy. Thầy cùng ngồi chờ với cô cho đến lúc xe lửa tới, giảng cho cô nghe nhiều câu chuyện về Phật pháp suốt thời gian đó, rồi chúc phúc và rải tâm từ cho cô.

 Ngài Munindra cũng mong muốn người khác giữ tròn lời hứa. Lần nọ, một môn sinh quên đem cho Ngài món gì đó đúng giờ như đã giao hẹn, Ngài khiển trách anh ta đã không nhớ, không chánh niệm và không khéo xử sự. Ngài cảm thấy mọi người cần phải đối xử với nhau với sự kính trọng và tinh thần trách nhiệm. Nhưng khi lời khuyên răn vừa dứt, Ngài không còn nghĩ đến nó nữa, mỉm cười và lại ân cần nồng hậu với người học trò trẻ.

 Luôn luôn chân thành và đáng tin cậy, Ngài Munindra nghĩ người khác cũng tốt đẹp như thế và tin tưởng vào những gì họ nói. Nhưng họ không phải lúc nào cũng xứng đáng với niềm tin ấy. Tuy nhiên, phải có chứng cớ thật vững vàng mới có thể khiến

 Thầy thay đổi ý kiến vì Thầy không muốn nghĩ xấu về ai hoặc kết tội ai.

 Một vài người đã phụ lòng tin của Thầy, chẳng hạn như có một thanh niên đã mập mờ nói cho mọi người tưởng anh là bạn đồng hành với Ngài Munindra trong chuyến du hành sang Hoa kỳ. Khi một số người từng tiếp đón họ nồng hậu kể cho Ngài biết hành vi bất hảo của anh ta – rằng anh ta đi theo không phải với thành ý giúp đỡ Ngài nay tuổi cao sức yếu, mà vì muốn lợi dụng sự quen biết của Ngài để hưởng lợi lộc vật chất – Ngài cuối cùng nhận ra mình đã lầm về con người anh ta và, sau đó, căn dặn người khác tuyệt đối không tiếp xúc giao du với anh ta.

 Một người khác cũng từng thất hứa với Ngài là vị bác sĩ ở Calcutta hẹn sẽ đứng thực hiện ca giải phẫu bệnh thoát vị cho Ngài nhưng rồi giao lại cho các sinh viên nội trú thay mình. Sự cẩu thả của họ khiến Ngài bị nhiễm trùng nặng cả hai năm trời cho đến khi được điều trị tại Maui. Khi trở về Calcutta, Ngài Munindra gặp lại vị bác sĩ và nói rằng một y sĩ Mỹ đã tìm thấy nhiều sợi dây giải phẫu trong bụng Ngài bởi vì “Bác sĩ đã không làm việc đã hứa, không giữ lời đã hứa.”

 Ngài Munindra dạy rằng “thân và tâm phải làm việc nhất như với nhau, một lòng một dạ. Khi ta chân thật và lương thiện, cuộc sống nội tâm và bên ngoài sẽ hài hòa. Được như vậy thật là tốt đẹp. Sở dĩ người ta hay thất hứa vì họ chỉ làm với một nửa tấm lòng, hay với một tâm giả tạo và hời hợt. Họ nói, ‘Tôi sẽ làm việc đó’, nhưng thâm tâm họ không thật sự chấp nhận nó. Ngài trích dẫn một phẩm tánh của Đức Phật: ‘Yathāvādī tathākāri, yathākāri tathāvādī

– Như Lai nói sao thì Như Lai làm vậy; Như Lai làm sao thì Như Lai nói vậy.’” (Kinh Phật Thuyết Như Vậy 112)

Thẳng thắn.

 Mặc dù Ngài Munindra được biết đến với tính tình ôn hòa và từ ái, nhưng Ngài không bọc đường lời nói hoặc để sự xúc cảm xen vào việc giảng dạy của mình.

 Oren Sofer nhớ lại: “Thầy khuyến khích tôi dậy thật sớm và tôi đã làm được vậy. Có vài lần tôi ngủ dậy trễ, Thầy rầy khi tôi đến gặp, nhưng lúc nào cũng bằng một giọng hiền lành, thương mến. Lần nọ, sau khi tôi nhịn đói một ngày (vào ngày Yom Kippur – ngày lễ sám hối thiêng liêng của người Do Thái), nhóm chúng tôi đi ra ngoài ăn chiều. Rốt cuộc tôi ăn quá nhiều, và ngày hôm sau ngã bệnh. Thầy bảo: ‘Đấy là vì bạn không biết tự chế.’ Bằng lối nói hóm hỉnh, Thầy thẳng thắn chỉ cho tôi lý do thực sự của việc xảy ra.”

 Một dịp khác, trong khóa thiền ở Dhamma Giri, Oren cảm thấy mình quá xúc cảm không chịu đựng nổi nữa và đã tự trách mình thậm tệ về việc này. Những câu trả lời của Thầy làm Oren ngạc nhiên: “Thầy nghiêng về phía trước nhìn tôi và nói, ‘Bạn biết không, khi tôi nghe bạn nói như thế, thấy bạn khóc như thế, tôi rất mừng cho bạn. Bạn hành thiền giỏi lắm đó!’ Tôi sửng sốt và không biết nói gì, rồi Thầy tiếp ‘Bạn phải biết cách thọ hưởng sự khổ.”’

 Oren nói tiếp: “Thầy hỏi tôi, ‘Tại sao bạn ở đây? Tại sao bạn đến đây?’ Tôi trả lời: ‘Con đến đây để gặp Thầy.’ Thầy nói: ‘Bạn gặp tôi đây rồi. Thì sao nữa? Bạn muốn gì ? Nguyện ước của bạn là gì?’ Tôi quá chìm đắm trong cảm xúc nên thật không biết mình đang suy nghĩ những gì để trả lời. Tôi thưa: ‘Con bối rối quá.’ Thế nhưng, vì tâm lúc đó mở ngõ và mềm yếu quá, những câu hỏi ấy đã đi sâu vào lòng, để lại những dấu ấn đậm nét, không quên được. Thầy đặt những câu hỏi đó là gieo duyên cho tôi để sau này trả lời cho chính tôi, một cách trung thực và chân thành.”

 Một trong những phước báu của tính trung thực là không phí phạm thì giờ và năng lực vào những cuộc chuyện trò vô ích, chẳng đơm hoa kết trái Chánh pháp. Ginny Morgan nhớ một chuyện xảy ra khi Ngài đến viếng IMS. Ginny và Joseph Goldstein ngồi nói chuyện phiếm với nhau trong buổi ăn tối. Cuối cùng, Munindra vỗ vào vai Joseph và nói: “Nghe những chuyện thế gian này làm tôi mệt quá!” Ginny và Joseph nhìn nhau cười bởi vì Thầy nói đúng. Không ai thật sự muốn nghe huyên thuyên tán gẫu, nhưng chỉ có Thầy mới dám nói ra như thế. Trong thời gian Thầy Munindra ngụ tại nhà Kamala Masters ở Maui, cô quan sát thấy Thầy cũng rất thẳng thắn, cương trực trong hành động. “Thầy rất thích xem chương trình truyền hình Thiên Nhiên (Nature) đến nỗi có khi phải đổi ngày ngồi thiền chung của nhóm. Một hôm, có người quen đến thăm tôi trong lúc Thầy đang chăm chú xem chương trình này. Tôi đoán cậu này chắc đã nghe về ‘vị thầy thần thánh’ đang ở nhà tôi, nên anh ta đến ngồi bên cạnh Thầy và hỏi những câu như ‘Ngài có bay bổng được không?’ Thầy chỉ trả lời bằng những câu ngắn gọn. Tôi đoán ngay là Thầy không muốn nói chuyện với anh ta chút nào. Rồi Thầy đứng dậy, nói, ‘Xin lỗi nhé’, và đi về phòng.”

Kamala nói tiếp: “Chương trình truyền hình ‘Nature’ vẫn đang tiếp tục. Tôi đi theo Thầy và hỏi, ‘Thầy có sao không?’ Thầy đáp, ‘Tôi không sao.’ Tôi hỏi, ‘Có chuyện gì vậy?’ Thầy nói, ‘Chim cùng loại, cùng nhau kết đàn’, ý muốn nói là nếu không, chúng sẽ xa rời nhau. Thầy cũng hay nói, ‘Những gì giống nhau thì đi theo nhau’ (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu).”

 Một lần khác, Thầy Munindra cũng nói thẳng, không quanh co úp mở với Kamala. Khi Thầy đang giải thích về cách thiền tập, Kamala cứ tò mò muốn biết tại sao thế này, tại sao thế kia, hoặc đi chệch ngoài vấn đề và thật sự chẳng thực hành gì. Thầy hỏi, “Cô muốn suy nghĩ hay muốn hành thiền đây?” Và nếu Kamala cứ tiếp tục kể lể về các khó khăn cô phải chịu đựng lúc còn trẻ, Thầy bảo, “Cô giữ những chuyện này trong lòng đến bao giờ?” Thầy là người rất chịu khó lắng nghe tâm sự của kẻ khác, nhưng vì lòng bi mẫn đối với nỗi đau khổ của cô, Thầy cũng biết khi nào phải ngưng hoang phí thời giờ và đi thẳng vào vấn đề thực tập.

 Ngài Munindra không để cho các môn sinh tự lừa dối. Chẳng hạn khi họ nghĩ mình đạt được một tầng mức nào đó trong thiền tập, mà thực ra là không, hoặc tin rằng mình đã đủ khả năng làm một đạo sư, mà đúng ra chưa đủ, Ngài thẳng thắn nói với họ những gì Ngài nghĩ.

 Một lần trình pháp đặc biệt đã lưu mãi trong tâm Joseph Goldstein từ những năm hành thiền đầu tiên ở Ấn. Khi Joseph trình là đã đạt đến một trạng thái tâm hoàn toàn tự do, thanh thản và rộng mở, Ngài Munindra chỉ nói, “Đừng sửa đổi trạng thái của tâm mình”, rồi hướng dẫn Joseph chánh niệm quán sát trạng thái của tâm, chỉ thấy nó như là vậy, để không bị dính mắc vào nó hoặc tạo dựng ý niệm về nó.

 Và khi Vivian Darst thích thú với ý nghĩ được thành một thiền sư, Thầy bảo, “Để được thành một thiền sư, phải có thật nhiều kiên nhẫn. Cô thì thiếu kiên nhẫn với tôi, làm sao cô thành thiền sư được?”

 Ngài Munindra cũng thành thật biểu lộ mối quan tâm hay ngạc nhiên về những sự việc lạ lùng ở Hoa kỳ mà Ngài không thể hiểu thấu đáo được. Ngài nói với Dale Brozosky rằng Ngài rất ngỡ ngàng trước cảnh con cháu bỏ rơi người già cả trong xã hội Âu Mỹ. Ở Á châu, con cái quý trọng và chăm sóc cha mẹ cho đến khi họ qua đời.

 Ngài còn để ý đến một sự kiện lạ lùng khác nữa: “Ở Ấn độ, nếu người nào không có dục vọng mạnh mẽ, họ rất cám ơn Thượng đế. Nhưng ở Mỹ, nếu ai không ham thích tình dục, họ lại nghĩ chắc mình bị vấn đề gì đây. Rồi họ đi trị liệu mong giải quyết trục trặc đó, tạo cường lực và ham muốn mà tận hưởng cuộc đời.”

 Dale ghi nhận, “Ở nơi Thầy thể hiện sự cởi mở và trong sáng vô ngần, khiến ta cảm thấy dịu lòng và an ổn. Tâm Thầy phơi bày trung thực, không có gì giấu diếm che đậy, không sợ phải nói hay bộc lộ bất cứ điều gì.”

Hãy cứ là chính mình.

 Bản chất trung thực và không phô trương của Ngài Munindra đã dạy cho các môn sinh hãy cứ là chính mình, không sao cả. Larry Rosenberg nói , “Trong những năm học thiền Zen, tôi đã lạy phủ phục hàng trăm ngàn lần. Tôi tụng kinh bằng tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật. Tôi mặc các loại y đặc biệt. Tôi ăn theo cách thức Nhật bản, Đại hàn. Cuối cùng, một vị thầy bảo tôi, ‘Thôi được rồi, bạn hãy cứ là một anh chàng Mỹ đi.’”

 Larry kể tiếp: “Đối với tôi câu nói ấy thật không tầm thường, nhỏ nhặt. Sau khi đã thử qua đủ mọi truyền thống, tôi đã đến cái mức là không muốn tiếp tục làm thế nữa. Tôi nhận ra rằng chỉ là một người Mỹ-Do Thái cũng đủ rồi. Tôi không cần phải giả bộ kiểu cách, không những không cần thiết mà còn là gánh nặng. Thật là một bước ngoặc lớn được ăn mặc bình thường, tôn kính Đạo pháp một cách bình thường và tự nhiên, theo con người thực của tôi. Thầy Munindra tán thành điều bình thường mà trung thực ấy.”

 Năm 1994, khi Bryan Tucker đến viếng thăm Ngài Munindra ở Dhamma Giri, anh thật kinh ngạc trước sự vắng bóng của một cái ngã tự tôn. “Căn phòng của Thầy nhỏ xíu và khiêm tốn, chứa đầy sách vở, tài liệu và vật dụng. Mọi thứ được Thầy sắp đặt ngăn nắp, và sạch sẽ. Thầy cất bộ y và mũ trắng lên, và mặc một chiếc củng dài (lungi, tấm vải may lại thành hình ống và mặc như cái váy). Thầy ngồi đó, dáng dấp nhỏ thó và già, yếu đuối và mỏng manh, như mọi con người, không có vẻ gì là một vị Thầy uy thế, hoặc là một ai đó thể hiện được tất cả oai lực mà các môn sinh thường phong tặng cho các bậc thầy.”

 Bryan nói tiếp: “Tôi cảm thấy chút đặc ân là Thầy không ngại tôi nhìn thấy Thầy như thế, nhưng có lẽ Thầy không bận tâm chuyện ai nhìn thấy mình như vậy. Thầy thản nhiên cho phép mọi người thấy được hình ảnh không chút gì trau chuốt của mình đằng sau hậu trường. Tôi tin mình có thể học được đức tính chân thật này của Thầy. Thầy thực sự làm tôi cảm thấy thoải mái và tự tin vào chính con người của tôi. Nhìn Thầy như thế không làm tôi bớt kính ngưỡng Thầy mà lại giúp tôi tôn trọng bản thân mình hơn.”

 Vào một ngày nóng bức ở Calcutta, một số người Âu Mỹ ngồi tụ họp trên sàn nhà trong phòng của Bà Dipa Ma. Ngài Munindra và Jack Engler là hai người đàn ông duy nhất trong nhóm. Trong khi Ngài đang giảng giải về Phật pháp và thiền tập, Bà Dipa Ma nhắm mắt ngồi nghỉ trên giường vì Bà không khỏe. Ngài nêu lên một điểm trong Chú Giải nói rằng chỉ có người đàn ông mới có thể thành Phật (Chánh Đẳng Chánh Giác) trong kiếp cuối cùng. Ngay lập tức, Bà Dipa Ma mở to mắt và khẳng định: “Tôi là đàn bà, nhưng tôi có thể làm được bất cứ điều gì đàn ông có thể làm.”

Mọi người đều cười, nhất là Ngài Munindra, Ngài tỏ vẻ rất vui khi nghe Dipa Ma phát biểu câu này. Ngài nói: “Cô là một đệ tử toàn hảo của tôi. Đúng vậy, chẳng có gì mà người phụ nữ không làm được.” Dipa Barua, con gái Bà, nói: “Ngài luôn muốn mọi người, khi đến với Ngài hay đến với khóa thiền, đều nói năng chân thật như thế.”

 Nhiều người đã làm như thế. Christine Yedica nhớ lại lần ngồi chung với nhóm thiền sinh ở Bodh Gaya khi Ngài Munindra đang hỏi han về đời sống và sự thiền tập của họ. Lúc đầu, vì còn ngượng ngùng không muốn nói những chuyện ấy trước đám đông, cô cảm thấy nhẹ lo khi Ngài hướng câu hỏi về người khác. Nhưng khi Ngài quay qua cô và yêu cầu cô phát biểu, cô cảm thấy như đó là “một mệnh lệnh phải trả lời trung thực.”

 Christine mô tả: “Nếu người khác hỏi những câu như vậy, ta có thể cảm thấy bị đụng chạm hoặc bị xâm phạm vào đời tư của mình. Nhưng với Thầy Munindra, chỉ sau vài lần đầu, ta cảm thấy như đó là một sự khai mở. Khai mở này, tự nó, là một lời dạy cho tôi, và cái cảm giác được phơi trải, bày tỏ chính là một món quà Thầy ban tặng cho tôi. Lần đầu tiên kinh nghiệm nó, tôi sợ hãi và muốn đóng kín lại. Nhưng một khi trải nghiệm qua rồi: ‘Ồ, quả là một ân phước được khai mở như vậy.’ Nói chung, các môn sinh đều trung thực, và chúng tôi khích lệ lẫn nhau phải bền bỉ, kiên trì để đương đầu với những khó khăn trong thiền tập.”

 Wanda Weinberger kể lại đức tính chân thành và xác thực của Thầy Munindra đã ảnh hưởng thế nào đến cách ứng xử của cô khi nghe tin Thầy mất: “Tôi thật bàng hoàng, cố gắng suy nghĩ sẽ làm gì trước tin buồn này – cảm xúc theo cảm xúc chân thành hay cảm xúc theo cảm xúc tôi nên có. Theo lẽ thường tình, khi ta thương tiếc người nằm xuống, ta khóc; điều đó bao hàm một ý nghĩa tiêu cực. Nhưng có một khía cạnh khác: cảm niệm một con người đẹp đẽ, thiện lành đã đi qua đời ta. Tôi đã khóc nhiều, nhưng đồng thời cảm niệm cũng dâng tràn. Thật là một tiến trình ý nghĩa và thú vị để quán sát. Lời dạy của Thầy vẫn tiếp tục.”

Luôn sống thật.

 Với Erik Knud-Hansen, Thầy Munindra biểu lộ niềm vui được sống chân thật: “Tâm Thầy luôn gắn bó với sự thật, và luôn tỏ niềm vui thích cố hữu khi được sống thật. Là môn sinh học Đạo, chúng ta hay có khuynh hướng thấy mình chưa phải là một người toàn thiện, vì vậy chúng ta tập hành thiền, học Phật pháp, và rồi cố gắng diễn đạt vào một đời sống tâm linh tương xứng. Tôi không thấy Thầy diễn xuất một vai trò nào, và tôi nghĩ đó chính là một tấm gương rất thiết thực cho môn sinh. Thầy không cố hành xử theo những gì người khác cần hay muốn thấy con người Thầy phải là như vậy.”

 Erik nói tiếp: “Khi niềm tin Giáo pháp được sâu sắc, sẽ dễ dàng hơn để ta nhận định được rằng hình ảnh thật mà mọi người thấy về ta mới là điều họ cần thấy, bởi vì ta không phải gắng gượng kiềm chế thái quá hành động của ta. Ta không phải gắng gượng đóng vai một người nào đó cho bất cứ ai. Ta chỉ cần cố gắng hành xử chân thật với tâm ta ngay trong giây phút ấy.”

 Erik bày tỏ thêm: “Tôi nghĩ, khi các môn sinh già dặn, chính chắn hơn và hiểu được sự khác biệt giữa thế giới đời thường – tạo ra bởi các bản ngã hữu hạn của mình – với Đạo pháp mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, họ sẽ hiểu được vì sao Thầy Munindra là một bậc thầy toàn hảo, quý giá vô biên. Đối với tôi, một trong những yếu tố giới hạn nhất của tâm chịu điều kiện là nhu cầu sống thích nghi và nỗi lo sợ sống không thích nghi. Giáo pháp chỉ được thấu triệt bởi những ai muốn thoát ra ngoài hình tướng, muốn phá bỏ khuôn mẫu. Thầy đã cố gắng sống thật và đã sống như vậy, gần như không gì khó khăn! Thầy không có gì khác để biểu lộ ngoài sự an nhiên tự tại. Thầy nỗ lực giúp người khác hiểu được điều đó và hiểu vì sao họ nên chính mình đạt được điều đó.”

 Ngài Munindra là một mẫu người hiếm có, hoặc theo Denise Till mô tả, “Thầy là người khá lập dị, không sống theo thói thường và không đi theo quy ước. Dù qua việc Thầy tự chế ra kiểu y phục riêng (y trắng, mũ trắng), hay việc ăn buổi chiều, du hành qua Âu Mỹ, cổ động việc khuyến học cho các phụ nữ thôn quê, đẩy mạnh việc thăng tiến phái nữ được là thiền sinh hay thiền sư, khuyến khích học trò mình tu tập hành thiền với các thầy khác, Thầy vẫn luôn giữ độc lập trong cách suy nghĩ và hành động của mình. Những lời chỉ trích không làm Thầy nao núng bởi Thầy biết lòng mình chân thật. Thầy luôn sống thật với sự thật mà Thầy hiểu.”


Như bông hoa tươi đẹp Có sắc nhưng không hương Cũng vậy lời khéo nói

Không làm, không kết quả.

Như bông hoa tươi đẹp Có sắc lại thêm hương Cũng vậy lời khéo nói

Có làm, có kết quả.

 Phật Ngôn Kinh Pháp Cú Kệ 51.52

 


 

sacca: từ gốc Sanskrit as- (là, sống, hiện hữu). Sacca nghĩa là những gì “thật có”, “chân chính” hay “chân lý”;

“tương ứng với thực tại”, “chính xác”. Là một phương diện của tính cách, sacca mang ý nghĩa của sự chân thật, lương thiện, thanh liêm, trong sạch, thẳng thắn; đối nghịch với đạo đức giả, lừa lọc, miệng lưỡi, và gian dối.

 Đức Phật tổng hợp tất cả giáo lý của Ngài trong Tứ Diệu Đế hay Bốn Sự Thật Cao Thượng (ariya-sacca): sự thật về khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.

 Là phẩm hạnh thứ bảy trong mười ba la mật (pāramī), sacca là nền tảng cho chín ba la mật kia, vì nếu thiếu chân thật thì chín phẩm hạnh đó trở thành hão huyền, không có thực chất. gian dối. Dấu ấn pháp hành của Đức Thế Tôn là không Trong muôn vạn kiếp luân hồi của một vị bồ tát (bodhisattva), Ngài dù có thiếu sót các ba la mật khác nhưng không bao giờ phạm phẩm hạnh chân thật bởi vì Ngài dạy: “Một người không biết hổ thẹn khi nói lời dối trá thì người ấy cũng sẽ không chừa một hành vi bất thiện nào.” (Kinh Phật Thuyết Như Vậy – Itivuttaka 25)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn