(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

07-Adhiṭṭhāna (Quyết tâm)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 11395)

 


07-Adhiṭṭhāna (Quyết tâm)

Tôi đã nhất quyết. 

 Khi tâm trong sạch, mọi việc đều có thể làm được.

- MUNINDRA -

 Vào cuối thập niên 1940, sau khi người Anh trao trả quyền độc lập cho Ấn Độ, xá lợi của hai vị trưởng đệ tử Đức Phật (Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên) được đưa trở về vùng Nam Á. Khai quật từ một bảo tháp ở Sanchi năm 1851, các xá lợi này đã được giữ tại bảo tàng viện Victoria & Albert ở Luân đôn.

 Hội Mahabodhi triển lãm xá lợi tại Calcutta và các địa điểm Phật giáo trên toàn quốc trước khi thành lập một phái đoàn đại biểu phụ trách việc cung thỉnh xá lợi đi trưng bày ở các nước ngoài Ấn độ. Do quá trình phục vụ tích cực của Ngài Munindra tại chi nhánh Hội ở Sarnath, Hội mời Ngài tham dự phái đoàn với tư cách phụ tá. Sau các cuộc triển lãm ở các nước Miến điện, Assam và Nepal năm 1950, các xá lợi thiêng liêng này được cung thỉnh đến Sikkim và Tây tạng.

 Ngay từ lúc còn trẻ, Ngài Munindra đã đọc các sách về Tây tạng và ước ao được viếng dãy Hy Mã Lạp Sơn để tận mắt thấy xứ sở mang danh “một quốc độ huyền bí”. Các vị Lạt Ma thuần thành mà Ngài từng quan sát ở Ấn độ cũng đã gây cho Ngài nhiều ấn tượng tốt đẹp. Luôn thiết tha mong mỏi gặp các vị thầy mới và nghe pháp mới, Ngài Munindra hoan hỷ mong đợi chuyến du hành và quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm phụ tá.

 Phái đoàn khởi hành từ Calcutta, lúc đầu bằng phi cơ, rồi bằng xe hơi đến Sikkim – nơi họ được vị lãnh đạo tinh thần xứ này cùng chánh quyền tiếp đón trọng thể trong hai tuần. Họ nhận lãnh tặng vật của rất nhiều người, kể cả các đại biểu của Đức Dalai Lama. Sau này Ngài Munindra có chụp ảnh mặc các quà tặng này như quần, mũ lông và ủng Tây tạng.

 Ở Sikkim, phái đoàn, lúc đầu chỉ gồm vài đại diện của Hội Mahabodhi, đã tăng lên thành một nhóm gần cả trăm người. Toán quân bảo vệ hướng dẫn phái đoàn từ Sikkim lên đến biên giới vùng núi Tây tạng. Bốn người mặc đồng phục đặc biệt khiêng xá lợi đặt trong một chiếc kiệu trang trí rất công phu. Nhiều người khác đi trước để khai quang một con đường xuyên qua nền tuyết. Đi bộ đến chỗ nào quá cheo leo, phái đoàn cưỡi ngựa núi; nếu không, họ cứ tiếp tục dẫn bộ với tốc độ mười dặm một ngày.

 Chuyến di hành diễn ra bình thường cho đến khi vị tổng thư ký Hội Mahabodhi ngã bệnh vì độ cao vào đêm đầu tiên ở một trạm nghỉ Karponang, cách mặt biển chín ngàn bộ. Sri Devapriya Valisinha muốn Ngài Munindra cùng trở về lại Calcutta, nhưng không gì và không ai lay chuyển được chí nguyện đi đến Tây tạng của Ngài.

 “Không, tôi đã nhất quyết đi đến nơi,” Ngài Munindra nói.

 “Nhưng ông sẽ gặp nhiều khó khăn, khổ sở.” “Không sao, tôi muốn đi. Tôi muốn kinh nghiệm chuyến đi này,” Ngài một mực khăng khăng. Vị tổng thư ký quay về, và Ngài Munindra ở lại với phái đoàn.

 Khi đến Nathu La, ở độ cao mười bốn ngàn bộ, đoàn may mắn được một ngày quang đãng nên có thể ngắm nhìn cảnh tượng hùng vĩ của dãy Hy Mã Lạp Sơn trải dài hàng trăm dặm trước mặt. Nơi đây, vị tướng Tây tạng chỉ huy cùng quân đội của ông lãnh trách nhiệm cung nghinh xá lợi. Phái đoàn xuống núi và nghỉ đêm ở trạm xá Chumbithan. Thêm vài đoàn viên có dấu hiệu ngã bệnh nặng vì độ cao nhưng sau đó cũng qua khỏi.

 Hai ngày sau, một đám rước trọng thể, dẫn đầu bởi vị bộ trưởng ngoại giao Tây tạng, vị quan thị thần của Đức Dalai Lama, vị tướng lãnh quân đội, các viên chức, các vị Lạt ma đến nghênh đón phái đoàn đại biểu. Chư tăng Tây tạng thổi các loại kèn sừng dài truyền thống và ôm chào các vị khách từ Ấn đến, quàng cho mỗi vị một chiếc khăn quàng trắng, một biểu tượng của điềm tốt lành để đón chào.

 Sau cùng họ đến Dungkar Gompa, một tu viện gần Yatung, nơi Đức Dalai Lama tạm trú từ khi thủ đô Lhasa bị Trung quốc đe dọa xâm chiếm và các cuộc giao tranh diễn ra ở phía đông Tây tạng. Phải mất hết bốn ngày bộ hành phái đoàn mới đến gặp được Đức Dalai Lama, vào ngày 8 tháng 3 năm 1951.

 Đức Dalai Lama, cùng với các giáo thọ của Người, các bộ trưởng và các viên chức cao cấp đều ra đứng đợi ở phía ngoài tu viện. Người tận tay tiếp nhận các xá lợi, mang vào chánh điện, và chúc phúc mọi người bằng cách chạm chiếc lọ đựng xá lợi vào đầu họ.

 Người Tây tạng tiếp đón khách thập phương thật nồng hậu. Ngài Munindra nhớ được Đức Dalai Lama mời uống trà bơ hết sức niềm nở chân tình. Ngài không nhớ rõ được câu chuyện trao đổi giữa hai người, ngoài một điều là lúc đó Đức Dalai Lama còn rất trẻ, khoảng mười lăm tuổi và “thật nhân hậu, vô cùng nhân hậu”.

 Sinh trưởng ở làng Dhemsha, trong vùng Chittagong, đông Bengal (bây giờ là Bangladesh), cùng độ cao với mặt biển, nóng và ẩm, Ngài Munindra nhận ra rằng rất khó giữ được vệ sinh cá nhân và cách ăn mặc theo tập quán quê nhà với khí hậu Tây tạng. Thông thường, ở Ấn, người ta dùng nước để rửa sau khi đại tiện. Thế nhưng, ở Tây tạng, nước nhanh chóng đông thành đá nên không thể rửa bằng nước mà phải dùng một cái que để làm sạch. Cũng không thể tắm hằng ngày như ở Ấn, trừ khi nào sắp xếp được với ai đem nước nóng vào phòng cho mình. Ngài chỉ tắm một hay hai lần trong hơn hai tháng đi với phái đoàn đến Kalimpong và Darjeeling, sau Tây tạng. Không nao núng trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt và lòng rộn ràng vì thực hiện được ước mơ, Ngài nói: “Lạnh lắm, nhưng cũng thật là thú vị.”

 Mặc dù trong đời đã du hành rất nhiều nơi khắp Á, Âu và Mỹ, nhưng chuyến du hành Tây tạng vẫn mãi mãi là một dấu ấn tuyệt đẹp đối với Ngài. Denise Till kể: “Thầy vô cùng yêu mến và tuyệt đối tôn kính Đức Dalai Lama.” Mỗi khi gặp lại nhau – thường là những chuyến hành hương đến Bodh Gaya của Đức Dalai Lama – họ thường mừng đón và ôm nhau như những người bạn cố tri.

Tất cả con đường đều dẫn đến Giáo Pháp.
 

 Lòng nhiệt tình và quyết tâm phục vụ Đạo pháp của Ngài Munindra bắt đầu từ thuở ấu thơ do lòng yêu thích sách vở. Khi mới lên chín, mười tuổi, cậu bé Munindra đọc sách lịch sử cho thiếu nhi trong đó có chuyện Cuộc Đời Đức Phật. Cậu cảm kích và hứng khởi đến nỗi, tuy tuổi hãy còn rất nhỏ, cậu đã phát tâm phấn đấu mạnh mẽ để đạt được những kinh nghiệm như vậy: “Tôi phải biết Đức Phật đã khám phá những gì, trở thành bậc Chánh Giác ra sao, giải quyết vấn đề già, bệnh, chết như thế nào.”

 Sự quyết chí này luôn nằm sâu trong tâm khảm Ngài. Biết bao nhiêu cơ hội từng đến với Ngài cho một cuộc sống theo khuôn mẫu đời thường – những cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn, đất đai, cơ sở – nhưng Ngài Munindra từ chối tất cả. Ngài nói: “Nơi nào tôi có thể học hỏi và hiểu biết Giáo pháp, tôi sẽ đi đến nơi ấy. Vì vậy tôi không thọ nhận một thứ nào cả.”

 Govinda Barua, em Ngài, nhớ rằng Ngài thật nhất tâm trong cuộc tìm cầu Đạo pháp đến nỗi Ngài cố tình làm bài thật tệ trong kỳ thi tuyển vào đại học. Vì Ngài vốn có tiếng là một học sinh xuất sắc – luôn đứng nhất trong lớp – nên các thầy dạy Ngài rất kinh ngạc và hoang mang.

 Ngài bảo Govinda: “Anh biết rằng nếu trúng tuyển, anh sẽ thành công trên đường học vấn. Nhưng rồi sẽ ra sao? Hết bằng nọ dẫn đến bằng kia, sẽ bị vướng mắc trong bằng cấp, học vị và sẽ không khi nào hoàn mãn được cuộc đời hằng mong ước. Anh muốn đi tìm câu trả lời cho một số vấn đề của cuộc đời, cũng giống như Đức Phật. Anh không muốn bị cám dỗ bởi một nếp sống hoàn toàn khác biệt, xa rời con đường mà anh đã chọn.”

 Việc này tái diễn nhiều lần trong những năm kế tiếp. Ngài Munindra bị bắt buộc tham dự các kỳ thi và luôn kiên quyết chối từ. Ngài khẳng định rằng chỉ muốn biết, muốn hiểu những gì Đức Thế Tôn đã trải nghiệm thay vì tích lũy bằng cấp.

 Ngài Munindra không cho phép bất cứ điều gì ngăn chận con đường tu học của mình, ngay cả khi làm việc toàn thời gian ở Hội Mahabodhi. Tại Sarnath (1938-48), Ngài phải đảm nhiệm nhiều công việc chùa chiền, thư viện, phát hành kinh sách, kiêm luôn phần hướng dẫn du khách khi có các chức sắc lớn như Jawaharlal Nehru hay Mahatma Gandhi đến tham quan đền thờ. Nhưng khi có người nói Ngài nên tập đi xe đạp để có thể tới Varanasi, cách đó sáu cây số, thì Ngài nói không. Ngài cương quyết dành hết thì giờ còn lại cho việc tu học chứ không cho việc chạy vặt.

 Ngài cũng từ chối không chịu học đánh máy, vì e nếu biết đánh máy thì mọi người tới tấp nhờ đánh máy thư từ của họ, và như vậy sẽ làm lỡ nhiều dịp học hỏi của mình. Là vị tổng quản trị Phật tử đầu tiên của Bồ đề Đạo tràng (1953-1957), đáng lẽ chỗ Ngài ở phải thiết bị một máy điện thoại, nhưng Ngài cũng từ chối nốt vì nghĩ nó có thể cản trở mục đích tu học và làm phí phạm thì giờ quí báu.

Tâm Vô Ngại Cho Ngôi Đền Thiêng Liêng.

 Vì mang ý nghĩa thiêng liêng là nơi Đức Phật giác ngộ, Bodh Gaya cũng giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim Ngài Munindra và thúc đẩy Ngài tận tâm cống hiến cho ngôi đền Đại Bồ đề. Qua nhiều thế kỷ, tu viện Ấn giáo tại địa phương đã quản lý chùa Đại Bồ đề ở Bodh Gaya. Từ cuối thế kỷ thứ mười chín, mahānt, vị trụ trì tu viện Ấn giáo là là người đầy uy quyền và thế lực – dân địa phương đến nay vẫn còn tôn xưng ông là vua của Bodh Gaya – đã cực lực phản đối việc trao lại Chùa Mahabodhi cho Phật tử quản lý.

 Mãi đến năm 1949, do yêu cầu của Thủ tướng Nehru, cuối cùng việc điều hành chùa được chuyển giao cho một hội đồng quản trị do chánh quyền chỉ định. Bốn năm sau, khi phản kháng luật pháp cuối cùng của vị mahānt đã được giải quyết xong, hội đồng quản trị bổ nhiệm Ngài Munindra vào vị trí đầy trách nhiệm và thử thách nặng nề: Ngài là người Phật tử đầu tiên nhậm chức tổng quản trị Chùa Mahabodhi kể từ cuối thế kỷ thứ mười hai.

 Danh thơm về đức tính chân thật, liêm khiết và công lao cải tiến tốt đẹp cho ngôi đền Mahabodhi tại Sarnath khiến Ngài đủ tiêu chuẩn nhận lãnh thêm nhiều trọng trách ở Bồ đề Đạo tràng. Ngoài việc xử lý mọi việc điều hành hằng ngày cho một địa điểm thiêng liêng nhất của lịch sử Phật giáo – nơi Thái tử Tất Đạt Đa thành đạo – Ngài Munindra còn phải gánh vác một nhiệm vụ vô cùng tế nhị khác nữa. Đó là phải từng bước cải đổi những nghi thức cổ xưa ở đó từ truyền thống Ấn giáo sang Phật giáo để Phật tử đến từ khắp Á châu cảm thấy được ân cần tiếp đón.

 Thêm vào đó, Ngài cũng tham gia các dự án của chính quyền nhằm phát triển Bodh Gaya thành một thánh địa hành hương của Phật giáo. Trong thời gian này, Ngài lại chịu thêm nhiều sức ép vì Chùa Mahabodhi phải chuẩn bị sẵn sàng cho một sự kiện rất trọng đại trong năm 1956: Đại lễ Buddha Jayanti (Lễ Tam Hợp – Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn) sẽ được cử hành nhân dịp kỷ niệm 2500 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập đại niết bàn.

 Tình trạng Chùa Mahabodhi lúc bấy giờ thật thê thảm: tranh ảnh bể nát nằm ngổn ngang khắp mặt đất, nhiều bức tượng đặt trong các ô tường bị đánh cắp do thiếu người canh gác. Chùa hoàn toàn không đủ tài chính và nhân lực để cải tiến mọi mặt. Con đường thô sơ từ bến xe lửa ở Gaya đến Bodh Gaya cũng quá tồi tệ đến nỗi có đi bằng xe ngựa cũng cực kỳ nhọc nhằn cho khách hành hương.

 Ngài Munindra nói: “Tôi thật buồn khi thấy mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây chứng kiến cảnh tượng hoang phế, đổ nát, bẩn thỉu của nơi chốn thiêng liêng danh tiếng này. Tôi cảm thấy rất xấu hổ cho đất nước, cho dân tộc mình.” Ngài cho dân địa phương làm sạch hồ nước ở đó, thiết lập một hệ thống dẫn nước, và canh cải vùng đất bị chiếm đoạt chung quanh thành một khu công viên chùa.

 Ngài Munindra cũng lập các sổ tay ghi nhận những cảm tưởng, ý kiến đề nghị của du khách để cải thiện Bodh Gaya. Kiên quyết thay đổi các tệ trạng, Ngài gửi tất cả ý kiến đóng góp, kể cả của riêng mình, lên chánh quyền bang Bihar. Một trong các đề nghị là di chuyển làng làm đồ gốm nghèo khổ mọc cạnh chùa cùng các gian hàng ở khu vực này ra ngoài đường lộ. Vì chùa không có tường thành bao quanh nên dân làng, do thiếu tiện nghi, đã quen dùng khu đất quanh chùa làm bãi phóng uế.

 Mặc dù vị mahānt đã miễn cưỡng thỏa thuận các thay đổi, nhưng Ngài Munindra cũng phải thận trọng và can đảm khi sử dụng quyền hành. Vị mahānt, cùng các hầu cận hay thành phần liên kết trong cộng đồng, có thể gây nhiều phiền phức cho Ngài. Tuy thân thiện với mọi người, nhưng Ngài cũng biết là có vài người dân địa phương căm giận sôi sục và xem Ngài như kẻ thù. Ngài thì không có một cận vệ nào, mà rõ ràng là những tay chân thân tín của vị mahānt rất oán ghét Ngài. Người cảnh sát trưởng, một đồng hương Bengali với Ngài, khuyên nhủ: “Là bạn với nhau, tôi cảnh báo là họ có thể hãm hại bạn. Bạn phải vô cùng thận trọng vì mahānt là người rất giàu có và đầy thế lực. Bạn đừng đi đâu một mình ban đêm trong thành phố Gaya.”

 Dù thế nào chăng nữa, Ngài Munindra vẫn kiên tâm giữ vững lời nguyện chăm sóc và cải thiện cho đền chùa thiêng liêng này. Ngài hồi tưởng:

 Đã biết bao nhiêu lần tôi ngồi dưới Cội Bồ Đề. Toàn thể cảnh vật nơi đây là một nguồn cảm hứng vô biên, và tôi được thọ hưởng phước báu to lớn này. Đây chính là một nhân duyên hiếm quý cho tôi được phục vụ và đền ơn Đức Bổn Sư. Tôi nguyện cống hiến trọn đời cho Đạo pháp. Nếu tôi có bị mất mạng vì quyết tâm này đi nữa, tôi cũng không hề oán giận bất cứ ai. Tôi sẽ tiến hành việc canh cải tình trạng nơi đây ngày càng tốt đẹp hơn.

Họ đều là những người tử tế, lương thiện, nhưng không hiểu biết. Cho nên tôi thân thiện, hoà hoãn với họ. Vì tôi đi ngược lại với nguyện vọng của họ, và đôi khi tất cả những việc tôi đang làm khiến họ không hài lòng, nên bên ngoài họ tỏ vẻ đe dọa, nhưng thực sự họ cũng không muốn gây tổn hại. Thỉnh thoảng, tôi vẫn từ Bodh Gaya trở về một mình rất khuya, nhưng trong lòng không hề sợ hãi vì nguy cơ từ họ.

 

 Vào năm 1957, Ngài Munindra rời nhiệm sở Hội Mahabodhi để sang Miến điện tu học và không khi nào nhận lại chức vụ cũ. Tuy nhiên, Ngài vẫn thường đến viếng thăm các vị đang tại chức và tiếp tục đóng góp các đề nghị hữu ích cho việc bảo quản đền chùa. Trong gần năm thập niên sau khi không còn chịu trách nhiệm về tình trạng của đền Đại Bồ đề, Ngài vẫn kiên quyết trong việc giữ cho nơi thiêng liêng này được bảo trì đúng mức.

 Năm 2001, Kamala Masters đến Ấn thăm Thầy. Hai thầy trò thực hiện một chuyến hành hương đến các Phật tích quan trọng. Điểm dừng chân nơi thánh địa Bodh Gaya thật đặc biệt đáng nhớ bởi những ấn tượng khi đến thăm chùa và bởi nơi họ đến hành thiền lúc sáng sớm: “Thầy và tôi ngồi dưới Cội Bồ Đề trước rạng đông. Mấy con chó hoang sủa dữ dội và hung hãn cắn nhau để tranh dành khu vực riêng. Chúng chạy đến gần sát chúng tôi. Có một lần, Thầy nói sẽ phải tìm cách giải quyết chuyện này: ‘Đây là một thánh địa thiêng liêng. Ai có nhiệm vụ chăm sóc nơi này phải bảo đảm là loài chó không được vào đây.’”

 Thế rồi Ngài Munindra và Kamala đến văn phòng của Hội đồng Quản trị Chùa Mahabodhi. Kamala kể: “Ngài cung kính chào hỏi vị tăng đương nhiệm, trải khăn trên sàn nhà, đảnh lễ Sư ba lạy, rồi ngồi xuống và hết sức dịu dàng thưa chuyện cùng Sư: ‘Thưa Đại đức, con xin phép được thưa với Đại đức một chuyện rất quan yếu, rất nghiêm trọng.’ (Thầy khéo léo mở đầu câu chuyện để không ai cho đó là một lời than phiền). Tại sao nơi này lại có nhiều chó như vậy? Đây là thánh địa nơi Đức Phật thành đạo, cũng là nơi tất cả chư Phật thành đạo. Thật chẳng hợp lẽ chút nào khi cho loài chó vào khuôn viên này. Khách hành hương từ xa đến đây đáng lẽ phải được ngồi thanh tịnh dưới Cội Bồ Đề. Nhưng giống chó thì rất ồn ào, náo động, luôn cắn lộn nhau mà có khi còn cắn cả người nữa.’”

 Kamala kể tiếp: “Thầy đề quyết phải đuổi hết chó ra khỏi khuôn viên chùa. Vị tăng nói: ‘Vâng, vâng.’ Thầy hỏi: ‘Khi nào, khi nào Đại đức có thể thực hiện việc đó? Ngay bây giờ được không? Hay là vào tuần tới?’ Thầy khăng khăng ghìm chặt vấn đề. Chưa bao giờ tôi thấy Thầy cương quyết đến thế. Rồi sau đó Thầy cũng tỏ ra rất quan tâm đến việc cho bầy chó được ăn uống đầy đủ, và hai vị thảo luận với nhau về vấn đề ấy.”

Đến Lúc Không Thể quay trở lại.

 Chính lòng tận tụy với Bodh Gaya đã giúp Ngài Munindra dần dần thành đạt được mục tiêu cao cả của đời Ngài. Trong nhiệm kỳ tổng quản trị, Ngài kết thân với U Nu, Thủ tướng Miến điện, qua nhiều lần Thủ tướng viếng thăm Ấn độ. Năm 1956, Thủ tướng mời Ngài sang Miến điện. Mãi đến năm kế đó, Ngài mới xin được ba tháng nghỉ phép.

 Vào thời đó, không có thầy dạy thiền vipassanā ở Ấn (đạo Phật chính thức bị thất truyền trên vùng đồng bằng Bắc Ấn từ thế kỷ thứ muời ba) nên đây là cơ duyên đầu tiên Ngài Munindra được học hỏi trực tiếp từ một vị thiền sư danh tiếng, Hòa thượng Mahāsi, ở ngay trung tâm Sasana Yeiktha của Hòa thượng tại Rangoon.

 Sau sáu tuần ở Miến điện, hai người đi theo Ngài Munindra quyết định trở lại Ấn và muốn Ngài cùng về, nhưng Ngài lưỡng lự: “Tôi có một ước nguyện nung nấu từ thời thơ ấu là được hiểu Phật, hiểu Pháp. Đến nay tôi vẫn chưa hiểu gì cả. Tôi đã sinh ra đơn độc trong thân này; giờ đây tôi phải đi đơn độc trong chuyến lữ hành này. Nên thôi, hai bạn hãy về. Còn tôi, nếu chưa kinh nghiệm được Giáo pháp, tôi sẽ không về. Nếu phải chết, tôi sẽ chết ở đây.”

 Thật ra, đôi khi có bạn đồng hành, chuyện trò với nhau cũng cản trở việc tu học. Khi họ đã đi rồi, Ngài không còn bị ngăn ngại gì nữa.

 Khi mọi người hành thiền ban ngày ở thiền đường, Ngài ngồi ở trong phòng, không xuất hiện. Để tránh gặp gỡ, tương tác với người khác, Ngài dùng một bình nhỏ để tiểu tiện, và tắm rửa trước khi thiền sinh khác thức dậy. Ban đêm, Ngài đi lại trong bóng tối – không có đèn cầy hay đèn điện nào hết – nhưng Ngài cảm thấy mọi thứ đều được thắp sáng.

 Lúc đầu, khi Ngài Munindra hầu như không ngồi thiền được và đau đớn vì chứng thấp khớp, Hòa thượng Mahāsi kể cho Ngài nghe về một thiền sinh người Nhật đã ngồi liên tục trong nhiều tiếng.

 Bực tức với chính mình, Ngài Munindra ngẫm nghĩ: “Người này từ Nhật đến, có thể ngồi liên tục chín tiếng, còn mình từ Bodh Gaya, nơi Đức Thế Tôn thành đạo, lại là khách của Thủ tướng mời, vậy mà mình ngồi không nổi đến nửa tiếng dù đã cố gắng nhiều ngày rồi. Thật là khó khăn quá, đau nhức biết bao nhiêu. Ôi! Mình thật là đồ vô dụng!”

 Rồi Ngài Munindra bỗng nhớ lại một nhà sư Tây tạng đã phát nguyện hy sinh một phần thân thể dưới Cội Bồ Đề, nơi Đức Phật giác ngộ. Khi các chư tăng đồng tu thắp đèn để hành thiền ban đêm ở đó, vị lạt ma nhúng một miếng vải trong dầu bơ quấn quanh một ngón tay, rồi đốt lửa để nó cháy. Vị ấy đọc và tụng kinh dưới ánh sáng của ngón tay đang cháy. Sau này Ngài Munindra hỏi:

“Thưa Lạt ma, sao Sư lại đốt ngón tay như vậy? Trong kinh điển Đức Phật không hề khuyên nên làm việc này.”

“Tôi làm vậy vì lợi ích của nhiều người trên thế giới. Tôi không thể cúng dường trọn thân thể, nhưng tôi đã dâng một phần nhỏ của thân này cho hòa bình thế giới.”

“Sư có cần thuốc không?”

“Không, tôi không muốn dùng thuốc.” “Sư không đau sao?”

“Đau chút thôi, không sao!”

 Ngài Munindra mời Lạt ma ấy đến cư trú và độ thực với mình trong thời gian vị ấy ở Bodh Gaya. Bảy ngày sau, phần ngón tay còn lại rụng đi.

 Nhớ lại chuyện này, Ngài Munindra hạ quyết tâm ngồi thiền lâu hơn, “Ta ngồi đây, thấy đau đớn, thấy nóng bỏng. Nhà sư đó tự đốt ngón tay mình không một lời than van. Sao ta lại không chịu nổi ngọn lửa bên trong này?” Ngài thức dậy lúc hai giờ sáng, đi rửa mặt rồi ngồi thiền, và phát nguyện rằng, “Ta quyết ngồi yên không cử động.”

 Hai giờ đầu đau nhức thật khủng khiếp; rồi cơn đau từ từ dịu xuống và dần dần biến mất, không khi nào trở lại. Tọa thiền trở nên thoải mái, tâm yên tĩnh, thân như nổi nhẹ nhàng trong không trung, và một luồng ánh sáng mát dịu hiện đến, ban đầu nhỏ, sau lớn dần. Ngài không đứng dậy để ra dùng bữa, cũng không uống nước. Vì cả ngày không thấy Ngài nên có người đến gõ cửa. Khó cử động được ngay, phải từ từ Ngài mới mở cửa. Hôm sau, khi nghe Ngài trình pháp, Hòa thượng Mahāsi nói: “Cứ tiếp tục hành thiền.”

 Câu chuyện này không phải là một màn biểu diễn khả năng chịu đựng của Ngài. Jack Engler ghi nhận, “Đây không phải để tranh đua, nhưng là thích sự thử thách và tự đặt ra thử thách để trắc nghiệm lại giới hạn khả năng của chính mình.” Ngài Munindra thường nói, “Nếu người ta làm được, tại sao mình lại không làm được?”

 Dù thiền tập có tiến bộ, Ngài vẫn chưa đạt được ước nguyện đời mình. Chỉ mười lăm ngày nữa còn là khách của chính quyền, Ngài như sắp bỏ cuộc. Một chiều nọ, khi mặt trời lặn, Ngài đang nằm, thư giãn và suy gẫm: “Làm tổng quản trị không có gì quan trọng. Chăm lo cho ngôi đền Đại Bồ đề chỉ là việc phụ; ai cũng đảm nhiệm được. Nhưng cái ta đang tìm cầu mới là thiết yếu nhất của cả đời ta. Ta sẽ không về lại khi chưa hiểu được Đạo, dù ta cũng không có hy vọng gì.”

 Bất thình lình, tâm Ngài bỗng tràn đầy hứng khởi, “Ta có thể! Hãy cố gắng thực tập!” Khi vừa ghi nhận được ý muốn ngồi dậy khỏi chiếc giường nhỏ của mình để tọa thiền, Ngài có cảm giác một ngọn lửa lớn bật nổ nơi hai chân, bùng cháy trong vài giây rồi hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là ánh sáng và nguồn hỷ lạc kéo dài suốt ba ngày không ngủ nhưng tràn ngập an vui.

Thông Suốt toàn bộ Phật Pháp.

  Ngài Munindra đã trải nghiệm và thông hiểu được Tứ Diệu Đế và sự chấm dứt khổ đau – một ước mơ nung nấu từ thuở ấu thơ. Hiểu biết này không những đưa dẫn Ngài đến một đức tin bất thối trên đường đạo, mà còn củng cố được quyết tâm làm được những gì không thể thực hiện ở Ấn độ – học trọn bộ Tam Tạng Kinh Pāli – Tipiṭaka. Đây là một kết tập vĩ đại các bài kinh tiếng Pāli hình thành nền tảng giáo lý Phật giáo Theravāda, đầu tiên được viết trên lá buông, nay in lại thành hàng mươi tập bao gồm ba tạng chính: Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka). Ngài viết thư gởi Hội đồng Quản trị Chùa Mahabodhi và đồng thời yêu cầu người bạn đang tạm thay Ngài, Brahmacharya Jivānanda, tiếp tục chức vụ đó. Ngài đã nhất quyết ở lại Miến điện.

 Lúc đầu, Thủ tướng U Nu ngỏ ý muốn Ngài xuất gia tỳ kheo, nhưng Ngài từ chối vì muốn được học hỏi thông suốt và đầy đủ Giáo pháp. Ngài giải thích: “Chư tăng thường không có nhiều thời giờ rảnh rang, nên ngay cả được học trong suốt năm mươi năm, chưa chắc hoàn tất được trọn bộ Tam Tạng Kinh. Xin cho tôi được học theo phương cách riêng của tôi, sống đời cư sĩ, thọ tám giới từ sáng đến tối.” Ngoài ra, Hòa thượng Mahāsi còn cho Ngài Munindra biết rằng trong trường thiền không có ai dạy Ngài được cả. Nhưng Ngài gặp một duyên lành là U Maung Sein, một người địa phương giàu có, nghe được câu chuyện này nên phát tâm hỗ trợ Ngài. Ông tìm được vị thầy thích hợp nhất cho yêu cầu của Ngài Munindra, đó là U Maung Maung. Ông cũng xin đài thọ hết các nhu cầu vật chất – chỗ ở nơi tầng thượng của tư gia ông, thực phẩm, sách vở và các thứ phụ thuộc khác.

 Quả là một kết hợp thật ngẫu nhiên. Cả hai, Ngài Munindra và U Maung Maung, một vị học giả khả kính, đều là gương sáng của phẩm hạnh kiên quyết cần thiết cho một nỗ lực phi thường như thế. U Maung Maung sẵn sàng nhận công việc dạy kinh tạng Pāli miễn phí, nhưng với một yêu cầu: người học phải chấp thuận theo suốt chương trình học từng ngày, từng tháng, từng năm, không gián đoạn cho đến khi hoàn tất. “Vậy là cả hai chúng tôi cùng hợp nhất một chí nguyện.”

 Được nhận lãnh những cung ứng và hiến tặng quá rộng lượng, mỗi ngày Ngài Munindra học miệt mài từ sáu giờ sáng đến chín, mười giờ tối, chỉ dừng một thời gian ngắn để dùng điểm tâm, một bữa ăn chính và nghỉ ngơi đôi chút. Chỉ trong vòng năm năm, Ngài hoàn tất được chương trình học mà thường người khác phải mất từ mười đến mười hai năm.

 Trong những thập niên sau khi đã dồn trọn nỗ lực mạnh mẽ vào pháp học và pháp hành, Ngài luôn xác định với các học trò là họ cũng vậy, cũng có thể hoàn mãn bất cứ điều gì họ mong ước, nhưng phải trả một giá nào đó. Đó không là vấn đề tiền bạc vật chất, nhưng là một “nỗ lực chân thành và toàn tâm, toàn ý.” Ngài nói: “Các bạn phải thật nghiêm túc và tâm phải thật dũng mãnh cho mục đích ấy.”

Là Tăng sĩ hay không là Tăng sĩ.

 Chỉ sau khi viên mãn được chí nguyện thấu hiểu được giáo huấn của Đức Bổn Sư, pháp học lẫn pháp hành, Ngài Munindra mới xuất gia thành tỳ kheo.

 Nhưng năm sau đó, 1966, Ngài quyết định rời Miến điện và không ai ngăn cản được, kể cả vị thiền sư dạy Ngài. Dù được đề nghị vào quốc tịch Miến, Munindra cảm nhận đây là lúc mang Giáo pháp trở về nơi mà Giáo pháp đã khởi sinh. Như Ngài nói với Jack Engler, “Đó là thói quen của tôi: nhìn mọi việc theo cách riêng của mình. Tôi như luôn luôn đi ngược dòng. Những gì khoa tử vi tiên đoán cho tôi, tôi đã cố ý làm ngược lại.”

 Chín năm sau khi đến Miến điện học thiền, Ngài Munindra xin phép Hòa thượng Mahāsi cho xả y, bởi vì Ngài muốn giảng dạy cho tất cả mọi người, mà đời sống trong tu viện thì không cho phép Ngài thực hiện trọn vẹn được hạnh nguyện này. Hòa thượng thiền sư hiểu được ý nguyện đó và chấp thuận.

 Ngài Munindra quyết tâm sống viên mãn đời mình và muốn truyền bá Phật pháp càng xa rộng càng tốt. Ngài đã thấy trước điều đó qua việc được kết bạn với nhiều người, nam cũng như nữ, trên khắp thế giới, tự do du hành và giảng dạy ở bất cứ nơi nào thỉnh mời. Những điều này, nếu là một vị sư Nguyên thủy, Ngài sẽ không thể thực hiện được.

Muốn là được.

 Để chuẩn bị cho ngày rời Miến điện, Ngài Munindra thu thập tất cả kinh sách Phật pháp của mình đem về Ấn độ. Thời ấy, việc xuất và nhập hàng hết sức chặt chẽ khó khăn và do chính quyền quân đội xử lý. Một trong các thiện tín địa phương đã bỏ ra cả sáu tháng trời để xin cho Ngài giấy phép chuyên chở số sách này ra khỏi nước. Khi mọi cố gắng đều vô hiệu, vị Phật tử này khuyên Ngài Munindra không nên mang sách về Ấn, và người ấy sẽ tìm cách khác gửi qua cho Ngài sau. Ngài vô cùng thất vọng và nhất định sẽ tự mình giải quyết chuyện này.

 Ngài nói: “Tôi đã quyết tâm rồi. Tôi đến đây, học hỏi thông suốt tất cả kinh tạng này. Số sách này thật lợi ích cho tôi. Ở Ấn độ không có được kinh sách nào như vậy, nên tôi nhất định phải mang theo. Nếu không thể mang theo, tôi sẽ không về.”

 Vị thiện tín khẩn khoản can ngăn Ngài đừng đến gặp các viên chức quân đội. Họ rất hung bạo và thô lỗ, không những không giúp gì mà còn có thể làm hại Ngài nữa. Lo sợ chuyện không lành xảy ra cho Ngài, một số người khác cũng cảnh giác Ngài đừng đến đó. Nhưng Ngài Munindra để các mối quan ngại này sang một bên, suy nghĩ rằng, “Không phải tất cả các viên chức quân đội đều xấu. Quân phục chỉ là bề ngoài. Còn bên trong họ cũng là con người, cũng có cha, mẹ, vợ, con, anh em, bạn bè. Ở mỗi người đều có tính tốt và tính xấu. Tôi sẽ tìm phương cách đem kinh sách về Ấn.”

 Không hề nao núng, Ngài Munindra quyết định đi nói chuyện với các sĩ quan điều hành. Sáng sớm, Ngài ăn mặc như một ẩn sĩ, đến cổng đầu tiên của cơ quan với một danh sách thật dài các cuốn sách được tặng, kèm theo cả giá tiền.

“Ông đi đâu đây?” viên bảo vệ hỏi.

“Tôi đến xin đem về Ấn số kinh sách này, vì tôi được học Phật pháp ở đây,” Ngài Munindra trả lời.

 “Ồ! Không! Không được phép như vậy. Xin đừng mất công vô ích. Không một ai, kể cả chư tăng Miến hay người dân Miến đang sống ở nước ngoài, được quyền mang sách ra khỏi nước. Ông sẽ chẳng bao giờ được phép đâu. Xin hãy đi khỏi đây.”

 “Tôi muốn gặp và nói chuyện với các vị thượng cấp. Không được mang theo sách thì về lại Ấn độ chẳng có ích lợi gì cả. Phật pháp ở Ấn độ đã bị quên lãng rồi. Các ông đã gìn giữ được Giáo pháp; các ông đã gìn giữ được trọn vẹn kinh sách. Có sách, việc trở về của tôi sẽ rất ích lợi, sẽ mang mối liên hệ tốt, danh tiếng tốt cho nước Miến điện. Gửi số sách này qua Ấn độ chính là bổn phận của quý vị.”

 Lời lẽ thiết tha chân thành của Ngài đã gây cảm tình và thuyết phục được người lính bảo vệ, nên người này giúp Ngài sang cổng thứ nhì để thỉnh cầu. Nơi đây, Ngài cũng lập lại lời lẽ đó và qua được đến cổng thứ ba, rồi cổng cuối cùng. Viên sĩ quan phụ trách duyệt tất cả tường trình và nguyện vọng của Ngài, rồi cũng từ chối như các người trước.

 Tuy nhiên, Ngài Munindra vẫn bền gan thỉnh nguyện, nhấn mạnh rằng, “Tôi đã học thông suốt tất cả các sách này. Bất cứ bậc thầy Miến điện nào cũng khảo sát tôi được. Nhưng nếu không có sách thì trở về Ấn độ chẳng lợi ích gì cả – nơi ấy không có những kinh sách này.”

 Cuối cùng, họ không đuổi Ngài Munindra, mà trái lại, lắng nghe Ngài thuyết giảng vắn tắt về những gì đã học được. Rồi Ngài nói, “Miến điện là quê hương thứ hai của tôi. Tuy tôi sinh ra ở Ấn, nhưng tôi được kinh nghiệm Giáo pháp ở Miến điện. Tôi rất mang ơn dân tộc Miến điện và yêu thương đất nước này. Tôi đã làm tròn bổn phận tôi trên xứ sở này là học Đạo. Nhưng Ấn độ đang thiếu Pháp bảo nên nếu được đem về, số kinh sách này sẽ vô cùng ích lợi cho rất nhiều người.”

 Các viên chức họp lại thảo luận trường hợp này và sau cùng chấp thuận: “Được rồi, chúng tôi chưa bao giờ làm việc này, nhưng chúng tôi sẽ giúp ông.” Họ còn sắp xếp chuyến tàu và phụ giúp trong việc đóng gói số sách cẩn thận để không ai có thể bỏ thứ gì khác vào các kiện sách. Họ cho phép Ngài rời Miến điện với chỉ năm mươi ru-pi và mười bộ y mà Ngài sẽ dâng tặng chư tăng bên Ấn.

 Giới thân hữu vô cùng kinh ngạc khi Ngài được giấy phép chấp thuận và tự hỏi Ngài đã can đảm đương đầu với giới hữu trách quân đội như thế nào. Ngài thuật lại, “Tôi tin tưởng ở con người vì ai cũng có những hạt giống thiện lành trong tâm. Khi bạn chạm được vào trái tim họ, họ sẽ đáp trả tấm lòng bạn. Tôi thành thực tin cậy vào lòng nhân hậu của họ, và họ quay lại hỗ trợ tôi”.

 Một đoàn người đông đảo tập hợp ở bến tàu trong một buổi tiễn biệt trọng thể để đưa Ngài trở lại cố hương sau hơn chín năm tu học ở Miến điện. Lòng kiên quyết không hề mệt mỏi đã mang Ngài đến nơi đó ba mươi năm sau khi cậu bé Munindra lần đầu tiên đọc cuốn sách về Cuộc Đời Đức Phật. Sau cùng, vừa ngoài bốn mươi tuổi, Ngài trực tiếp thực chứng và hiểu được lời dạy của Đức Bổn Sư.

 Giờ đây, năm mươi hai tuổi, Ngài nhất quyết mang Giáo pháp trở lại quê hương Nguyên thủy để chia sẻ những gì đã học được. Mặc dù có một giai đoạn Ngài trở thành một vị thiền sư quốc tế, nhưng trong thâm tâm, Ngài luôn cảm thấy nhu cầu phục vụ cho đất nước Ấn độ, như Gregg Galbraith ghi nhận, “Nhiệm vụ gần gũi nhất trong tim Ngài vẫn là phục vụ cho quê hương và cho dân tộc.”

 Và cuối cúng, hai mươi bảy kiện sách đã về đến Ấn độ.

Bạn phải, bạn phải.

 Đức tánh kiên quyết của Ngài Munindra không chỉ dành cho những tâm nguyện riêng tư mà còn giúp người khác hoàn thành mong ước của họ.

 Khi Jack Engler đến Ấn năm 1975, ông tìm về Bodh Gaya. Việc đầu tiên của Ngài Munindra là sắp đặt nơi cư trú cho Jack. Trạm xá của du khách không đáp ứng được, vì đó chỉ là chỗ nghỉ ngắn hạn với chiếc giường nhỏ trong một phòng lớn, đông đúc người và điều kiện vệ sinh thật tồi tệ.

 Ngài hứa tìm giùm một chỗ ở thích hợp: “Mình sẽ hỏi tu viện Nhật Bản.” Nơi ấy có phòng mới và tiện nghi nhất Bodh Gaya, nhưng cũng khó xin vào nhất.” Tuy vậy, Ngài quả quyết, “Bạn đến đây để học Phật pháp, họ không thể chối từ!”

 Jack nhớ lại, “Chứng kiến buổi gặp gỡ giữa Ngài Munindra và vị Sư trưởng Zen thật cũng giống như mục kích cảnh một công lực dũng mãnh đương đầu một đối tượng kiên cường không thể lay chuyển.

‘Không,’ vị sư bảo.

‘Nhưng phải được,’ Ngài Munindra nói.

‘Không thể được,’ vị sư trả lời.

‘Ông ta từ Tây phương đến đây để học Phật pháp. Sư phải mở rộng lòng đón nhận ông ta,” Ngài Munindra nói thật từ tốn, dịu dàng và mền mỏng nhưng bên dưới những lời lẽ ấy là sắt thép.

 Sau cùng vị Sư trưởng bảo chúng tôi đợi. Sư gọi vị Sư phó vào, đàm luận với nhau bằng tiếng Nhật. Và rồi, vị Sư trưởng nói, ‘Được!’

 Trong cuộc đối thoại này, Ngài Munindra không hề lớn tiếng, không hề gây hấn, luôn luôn cung kính, nhưng không ngừng thuyết phục cho đến khi đối thủ đành chịu thua. Suy nghĩ của Ngài chỉ đơn thuần rằng bổn phận của chư tăng là phải ủng hộ và hỗ trợ thiện tín khác tu học.”

 Grahame White ghi nhận, “Không gì ngăn cản được Ngài trong mục đích chăm lo cho Hội Mahabodhi và chăm lo cho môn sinh Ngài. Ngài luôn luôn có mặt vì bạn.”

 Jack Engler nhớ lại: “Ngài ở nhà mỗi ngày, suốt ngày, cho bất cứ ai muốn đến đàm luận đạo pháp hay hành thiền, hay chỉ thăm hỏi. Ngài mở cửa buổi rạng đông sáng sớm và đóng cửa lúc hoàng hôn. Bất cứ ai và tất cả mọi người đều được Ngài tiếp đón.”

Ngài Munindra cho người cháu Tapas Kumar Barua lời khuyên:

Nếu con khát khao mong ước và quyết tâm với một chí nguyện, sẽ không chướng ngại nào có thể cản trở con trên đường thành đạt. Ngay cả khi có chướng ngại, nó chỉ gây một trở lực tạm thời, và cuối cùng sẽ tan rã và biến mất theo dòng thời gian.

Sợ hãi và bướng bỉnh.

 Dù luôn dũng cảm và cương quyết trước bất cứ vấn đề gì liên quan đến Phật, Pháp, Tăng, đôi khi Ngài Munindra vẫn có thể sợ hãi và bướng bỉnh trong vài việc khác. Hiểu đạo không nhất thiết có thể xóa bỏ được hết những sở thích cá nhân hoặc các tập khí, tật chứng.

 Steven J. Schwartz nhận ra được điều đó khi đưa Ngài đi Washington DC, vào cuối thập niên bảy mươi, nhân chuyến viếng thăm Bắc Mỹ do môn sinh Ngài bảo trợ. Với bản tính thích tìm hiểu, học hỏi mạnh mẽ của Ngài Munindra, Steven nghĩ rằng Ngài sẽ rất thích thú khi đi xem hệ thống xe điện ngầm ở Washington DC, nổi tiếng về mặt thiết kế hiện đại.

 Steven nói, “Thầy không những can đảm lạ thường mà còn là người yêu thích phiêu lưu mạo hiểm. Thầy thường hỏi các môn sinh về đời sống bên Âu Mỹ. Thầy lại có óc khoa học nên tôi nghĩ Thầy sẽ thích hệ thống xe điện ngầm ở DC.”

 Đường xe điện được xây theo từng lớp một, với nhiều tuyến xe chạy xen nhau, chuyến này dưới chuyến kia, vì vậy có những trạm thấp sâu trong lòng đất và nối nhau bằng các cầu thang cuốn dài và dốc. Ngài Munindra và Steven đang ở một trạm như vậy.

 Steven kể, “Thầy đã quen đi thang cuốn nên tôi chỉ xuống thẳng một mình. Nhưng Thầy khựng lại ở đầu trên cầu thang và không chịu bước chân vào.

 Trên đường đi xuống, tôi cứ kêu lên, ‘Thầy xuống thang đi,’ nhưng Thầy nhất định không. Tôi đã đi xuống rồi phải đi ngược lên lại.

‘Chuyện gì thế?’ tôi hỏi Thầy.

‘Chiếc thang này chạy xuống một chỗ tối thui!’

‘Đúng rồi, nhưng đường xe điện ngầm là thế, nó ở trong lòng đất mà!’

 Tôi thấy được trên nét mặt Thầy một vẻ sợ hãi không kềm chế được, và thật là một khoảnh khắc hiếm hoi. Tôi chưa hề thấy Thầy sợ bao giờ, nhất là do một kinh nghiệm mới như thế này. Thầy thường là người tiến bước đầu tiên, đi nhanh nhất để dẫn đầu đoàn, thúc đẩy tinh thần và tình cảm của cả đoàn, không bao giờ nao núng. Nhưng giờ đây Thầy đang đứng sững trên đầu cầu thang, bảo rằng nó quá tối, quá nhanh và có thể bị gãy sập.

‘Thế con đứng sau lưng Thầy nhé?’

‘Thôi, đừng làm thế.’

Bất thình lình, tôi quyết định phải ra tay. Tôi nhẹ nhàng nhấc bổng Thầy lên rồi đặt xuống thang cuốn. Mắt Thầy lạc đi, và Thầy kêu lên, ‘Arrey baba! Arrey baba!’ (Ối chu choa ơi!). Thầy thất kinh hồn vía cho đến lúc xuống chân thang. Tới đây Thầy tuyên bố,

‘Sẽ không bao giờ đi như vầy nữa,’ nhưng lại tỏ ra rất thích thú. Thầy chỉ sợ thang cuốn thôi.”

 Suốt hành trình còn lại, Thầy không muốn dùng taxi và chỉ muốn đi xe điện ngầm. Nhưng Steven kể tiếp, “Thầy vẫn chưa bỏ được cái sợ đó. Mỗi lần đi Xe điện, thầy đều xuống bằng cầu thang thường. Đến nơi, tôi nói, 

‘Mình lên bằng thang cuốn đi!’

‘Ồ không, không đi đâu.’

‘Lên thì dễ hơn xuống mà.’

‘Ồ không, không. Giống như đi vào vùng sáng chói. Tôi không đi được đâu.’

 Khi tôi dùng thang cuốn thì Thầy chạy lên bằng thang thường, vô cùng vui thích khi vượt nhanh được hơn tôi ở đầu cầu thang cuốn. Thật cũng lạ lùng mục kích Thầy ở cả hai mặt – vừa thật kinh hãi mà cũng vừa thật kiên cường, quyết không cho tâm lo sợ ấy gây chướng ngại, vì Thầy rất thích đi xe điện ngầm và biết sự tiện lợi của nó.”

Bướng bỉnh hay cương quyết.

 Ram Dass, một môn sinh đã mô tả Ngài Munindra là một trong những “vị Thầy nồng hậu nhất” nói: “Một khi Thầy đã quyết định điều gì, thì phải như thế – có nghĩa là, Thầy rất bướng bỉnh.”

 Bướng bỉnh hay kiên quyết? Có thể là cả hai, bởi vì người ngoài không phải lúc nào cũng thấy rõ được động cơ trong tâm người khác – vì tâm phục vụ hay để bảo vệ cho bản ngã? hoặc do ham muốn nâng cao địa vị hay tích lũy lợi lộc thế gian? hay với tác ý đạt được một điều gì đằng sau công việc đó? Hơn nữa, người ấy nắm giữ nhiều hay ít và có biết lúc nào nên buông bỏ?

 Robert Pryor nói rằng Ngài Munindra có cái khả năng buông bỏ được những gì Ngài đã tạo dựng nên và biết ngừng nỗ lực đúng lúc, đúng hoàn cảnh. Trong nhiều năm phục vụ cho chương trình Antioch Buddhist Studies ở Bodh Gaya, Ngài nổi tiếng là đã đưa ra rất nhiều yêu cầu cải tiến trường, vì tánh Ngài ưa chuộng sự ngăn nắp và sạch sẽ. Nhưng bất cứ lúc nào Robert hay một ai trong ban điều hành giải thích vì sao không thể thực hiện được lúc ấy, Ngài lập tức bỏ yêu cầu đó qua.

 Vấn đề đôi khi đơn giản như một vé xe lửa hay một cái xô tắm, nhưng cũng có lúc khá phức tạp như giám sát việc thành lập một trung tâm thiền. Christopher Titmuss kể lại lập trường kiên quyết của Thầy – mà người khác có thể cho là bướng bỉnh – về vấn đề trường thiền: “Giữa thập niên bảy mươi, Thầy được mời đi dạy ở nhiều nơi, khắp Âu Mỹ và Ấn độ, kể cả Calcutta, nơi Bà Dipa Ma ở. Nhưng Thầy từ chối tất cả thỉnh cầu vì ý nguyện luôn luôn có mặt tại Bodh Gaya cho đến khi nào Thầy được giới thẩm quyền ở Patna hay Delhi cho phép khởi công xây cất trường thiền.”

 Christopher thuật tiếp: “Nguy khó thế mấy cũng không lung lạc được Thầy, và thật là dũng cảm vô cùng vì phải đương đầu với luật lệ bất định, tệ trạng tham nhũng, lề thói lem nhem và quan liêu ở Bihar. Tôi nhớ rất rõ rằng Thầy nhất định không rời Bodh Gaya cho đến khi nào công việc được giải quyết rõ ràng. Sau vài năm bền gan trông chờ, cuối cùng. Thầy nhận ra được rằng điều Thầy mong mỏi – khởi công xây dựng một trường thiền tầm vóc – không thể xảy ra.”

 Ngài Munindra buông bỏ dự án, buông bỏ ước vọng của mình – một điều đi ngược lại với đức tánh cương quyết cố hữu. Thay vào đó, Ngài hết lòng hỗ trợ cho người bạn cũ S.N. Goenka, nguời gầy dựng trường thiền vipassanā Dhamma Giri ở Igatpuri, gần Bombay. Ngài đã khuyến khích hàng trăm, hàng ngàn người đến hành thiền ở đó. Ngài biết khi nào cần phải giữ vững tâm quyết định đến mức tối đa, nhưng cũng nhận thức được lúc nào phải để nó qua một bên.

 

Giống như hòn núi cao, như tảng đá lớn,

vững vàng và bền chắc,

không bị rung chuyển trước những cơn gió lớn, luôn đứng kiên định một chỗ,

hành giả cũng phải có

quyết tâm kiên trì vững chắc.

Bằng vun bồi ba-la-mật phẩm hạnh quyết định,

hành giả sẽ chứng đắc giác ngộ.

Sumedha

Phật Sử 154 -155

 


 

adhiṭṭhāna: từ tiếp đầu ngữ adhi (chỉ phương hướng và nơi chốn, như trong động tác hướng về một mục tiêu xác định)+ ṭhāna (nguyên nghĩa là một nơi, vùng hay địa phương, nhưng qua phép ẩn dụ, dùng để chỉ một điều kiện, trạng thái, thuộc tính hay phẩm chất). Adhiṭṭhāna được dịch là  “quyết tâm”, “chí nguyện”, “kiên quyết”, “thề nguyện” và “ý chí”. Adhiṭṭhāna thể hiện sức mạnh vững chãi của tâm trong ý nguyện thực hiện một cứu cánh đặc biệt và không từ nan trước bất cứ chướng ngại nào. Một người có quyết tâm dũng mãnh đó sẽ dần dần đạt được các mục tiêu tục thế hay siêu thế, như trong công phu thiền định, hoặc vun bồi hạnh bố thí và lòng bi mẫn, phát triển tuệ giác thấy được thực tính của các pháp, hay chứng đạt cứu cánh rốt ráo giác ngộ giải thoát.

 Đức Phật dạy về bốn thắng xứ (bốn adhiṭṭhāna): tuệ thắng xứ – không buông lung trí tuệ, đế thắng xứ – hộ trì chân đế, huệ thí thắng xứ – vun bồi tâm rộng lượng, tịch tịnh thắng xứ – rèn luyện tâm định tĩnh (Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikāya 140.12). Là phẩm hạnh thứ tám trong mười ba la mật (pāramī), adhiṭṭhāna làm cơ bản để thành đạt chín phẩm hạnh kia, vì nếu thiếu quyết tâm sẽ không thể hoàn chỉnh chúng. Quyết tâm này liên hệ trực tiếp đến ước nguyện được hoàn toàn giải thoát, vì đó là ý chí kiên trì quyết viên mãn ba mươi bảy yếu tố của sự giác ngộ và vượt thoát các trở lực đối nghịch.

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn