(Xem: 1817)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

08-Viriya (Tinh Tấn)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 17699)

 

08-Viriya (Tinh Tấn)

Chậm bền sẽ thắng cuộc đua

Chặt chẽ và liên tục là bí quyết của thành công.

-MUNINDRA-

 

 Những câu chuyện về sức chịu đựng thể chất lẫn tinh thần đáng khâm phục của Ngài Munindra thật nhiều vô số, từ những nỗ lực phi thường trong pháp học và pháp hành cho đến công sức truyền bá Giáo pháp bền bỉ. Ngài có thể đi nhanh hơn các học trò trẻ hơn hàng chục tuổi của mình. Nếu có ai cần đến Ngài vào lúc nửa đêm, Ngài tức khắc thức dậy, nhanh nhẹn và sẵn sàng giúp đỡ. Còn đối với Đạo pháp, sức tinh tấn của Ngài không bao giờ cạn kiệt.

 Nhiều yếu tố kết hợp đã nuôi dưỡng nguồn năng lực nơi Ngài. Sở hữu một thân hình rắn chắc tự nhiên, có lẽ Ngài được mang các yếu tố di truyền khiến thành tựu năng suất cao trong mọi hoạt động. Với nhiệt tâm thích học hỏi và khảo nghiệm vô cùng tận, Ngài luôn luôn năng nỗ tìm hiểu, thăm dò. Có chánh niệm thuần thục và hướng tâm đến điều thiện coi trọng và không phí phạm nó vào những gì tầm thường, không đáng kể trên đường tìm cầu đạo pháp. Bằng khởi động của chính mình.

   Từ thuở còn bé, Ngài Munindra đã chú tâm đến câu chuyện cuộc đời Đức Phật – đức tính kiên trì, chịu đựng khổ hạnh dài lâu cho đến khi giác ngộ – và sẵn sàng cố gắng để tu học những gì Đức Bổn Sư đã chứng ngộ. Được thân chứng đạo quả do cố gắng của chính mình, Ngài tin rằng bất cứ ai cũng có thể làm được như vậy.

 Ngài khuyến khích mọi người phải toàn tâm toàn ý gắng sức tìm hiểu vì sao giải thoát là một vấn đề tự độ, tự hộ trì cho mình: “Đức Phật chỉ đường cho ta mà thôi. Ngài không thể đem niết bàn đến với ta. Không ai có thể làm việc ấy, trừ ta, với nỗ lực của chính mình.”

 Tapas Kumar Barua ghi nhận: “Trong mỗi bài giảng, chú tôi thường kể lại những gì Ngài đã kinh nghiệm và muốn chúng tôi cũng kinh nghiệm được như vậy. Nhưng Ngài còn dạy, ‘Chỉ đến khi nào bạn đi theo đúng con đường tôi đã từng đi, các bạn mới chứng đạt nó đặng. Chỉ khi nào bạn chuyển động đôi tay của chính mình, bạn mới có thể bơi lội. Vậy bạn phải tập bơi lội. Đó là cố gắng của chính bạn – làm sao để giữ thân mình nổi trên mặt

 Đối với những ai đến Á châu tìm câu giải đáp cho những vấn đề lớn của cuộc đời thì gặp gỡ được Ngài Munindra là cả một phước duyên để gầy dựng lòng tự tin trên bước hành trình tâm linh. Ngài hướng họ nhìn vào tâm thức và trái tim chính họ hơn là tìm kiếm ở bên ngoài. Cách giảng dạy của Ngài vừa thử thách, vừa khích lệ họ.

 Vào tuổi mười tám, bất hạnh và hoang mang đã đưa đẩy Sharon Salzberg đến Ấn độ, và Ngài Munindra là một trong những vị thầy đầu tiên của Sharon. Ngài dạy: “Sự giác ngộ của Đức Phật đã giải quyết những vấn đề của Đức Phật. Bây giờ cô sẽ tự giải quyết những vấn đề của chính cô”.

 Việc Sharon đã thực sự tự vượt thoát được khổ đau quả là một phát hiện kỳ diệu. Cô khám phá rằng “kỷ luật hay cơ cấu gì cũng phải đến từ nội tâm mình chứ không phải từ vị thầy. Ta phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, và điều đó thật là hay. Tôi thấy tôi tự khơi dậy được ít nhiều tiềm năng, nỗ lực và tinh tấn trong pháp hành để tiến đến kinh nghiệm thực chứng.”

 Vì Khanti Moraitis không cố tâm tìm kiếm một bậc trưởng giáo thông thái mà chỉ mong gặp một người thầy có thể làm sáng tỏ vài sự việc cho cô, lối giảng dạy luôn đề cao đức tính tinh tấn của Ngài Munindra thật thích hợp với cô. “Cốt tủy của Đạo pháp là thương yêu, hiểu biết và tri túc, trong ý nghĩa là bạn phải tự hộ trì, tự gặt hái cho mình. Theo truyền thống Nguyên thủy, bạn có Đức Bổn Sư, có chư Tăng, có thầy tổ, nhưng tất cả sự tu tập và thực hành đều tùy thuộc nơi bạn. Đó là trách nhiệm của chính bạn chứ không phải của một vị đạo sư tuyệt vời nào đó dẫn dắt bạn đi đến đích nếu bạn chẳng tự bước đi.”

 Cô nói tiếp: “Thầy Munindra là như thế đó – Thầy chỉ cho bạn vài lời hướng dẫn căn bản. Nhưng lối giảng dạy của Thầy thì hết sức rõ ràng, chính xác ngay từ lúc bắt đầu. Sau này, khi tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của kỷ luật – có nghĩa là phải thật sự tập trung vào một đối tượng và đặt tất cả năng lực tinh tấn vào đó, và vì thế cần cố gắng loại trừ tất cả các vướng bận, phiền nhiễu khác – tôi mới có thể thực tập đúng như lời Thầy dạy.”

 Joseph Goldstein cũng rất trân trọng phương pháp giảng dạy của Ngài Munindra: Môn sinh phải tự tinh tấn thực hành để đạt kết quả hơn là chỉ gắn bó vào một pháp môn khuôn mẫu máy móc.

 Joseph thuật lại: “Những năm đầu tiên, Thầy không hướng dẫn khóa thiền. Lúc bấy giờ Thầy đang cư ngụ trong khuôn viên Gandhi Ashram, còn tôi cùng một số bạn Âu Mỹ lưu trú ở Tu viện Miến điện. Chúng tôi đến gặp Thầy mỗi ngày chừng vài giờ vào buổi sáng. Thời gian còn lại, chúng tôi tự hành thiền. Mức độ tinh tấn hành trì của các thiền sinh không như nhau. Mỗi người một kỷ luật tự giác; có người rất tích cực năng nỗ, và cũng có người kém hơn. Không có bài bản, lớp lang, chỉ là được gặp Thầy thôi, và Thầy thì thật cởi mở, rộng rãi và dung dị.Thầy chẳng áp đặt một hình thức kỷ luật nào cả. Tất cả tùy thuộc vào chính chúng tôi.”

Nếu có ai hỏi về cách hướng dẫn này, Ngài Munindra giải thích:

Theo kinh điển, vị thầy hướng dẫn được gọi là người bạn đạo hay thiện tri thức (kalyāṇamitta). Không có cơ chế trưởng giáo. Người nào đi trước trên đường đạo và đã từng trải nghiệm, người đó có thể giảng giải pháp ấy xảy ra như thế nào. Họ chỉ có thể chỉ ta hướng đi và con đường. Còn mỗi cá nhân phải tự lực để thân chứng được sự thật. Không ai có thể giúp ta chứng ngộ được. 

Năng lực phi thường.

 Mặc dù hầu hết các môn sinh của Ngài Munindra thuộc thế hệ trẻ hơn, nhưng khí lực về thể chất lẫn tinh thần của Ngài bao giờ cũng làm họ kinh ngạc. Ngài thường thức dậy lúc hai hay ba giờ sáng và về phòng lúc chín giờ tối, ngủ độ bốn hay năm tiếng mỗi ngày. Khi mọi người thức dậy vào năm giờ sáng để chuẩn bị hành thiền thì Ngài đã tắm rửa, đọc sách và giải quyết việc thư từ.

 Patrick Ophuls nhận xét, “Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về Thầy là nguồn sinh lực thật phi thường của Thầy.”

 Lúc nào Thầy cũng có năng lượng dành cho môn sinh, ngay cả lúc giữa khuya. Steven V. Smith nhớ: “Thời gian ở IMS, những lúc hành thiền có nhiều điều thật phấn khởi, tuy đã vào nửa đêm nhưng thấy trong phòng Thầy còn ánh đèn, tôi gõ cửa. Thầy xuất hiện và mời tôi vào. Thầy chăm chú nghe tôi kể lại mọi chuyện, rồi khuyến khích tôi tiếp tục hay cho tôi vài lời khuyên thích hợp. Tôi không biết bây giờ có còn xảy ra cảnh như vậy nữa chăng, nhưng có vẻ như là cảnh ấy chỉ xảy ra ở thời Đức Phật xa xưa mà thôi.”

 Pat Masters kể lại, “Thầy có những nguồn sinh lực dồi dào lạ thường. Thầy thường dẫn các môn sinh đi bộ từ Bodh Gaya qua ngôi làng Sujata, băng sang sông, đến các địa điểm lịch sử và khảo cổ mà Thầy biết rành rõi. Họ thảy đều thở dốc mệt nhoài, còn Thầy thì cứ giục, ‘Đi thôi!’ Ngay cả đến cuối hành trình, Thầy vẫn còn khoẻ. Thầy cứ dọa sắp về hưu, nhưng rồi tiếp tục trở lại dạy ở trường Antioch, dù sức khoẻ đã suy yếu nhiều. Tuy nhiên trí nhớ Thầy luôn minh mẫn và khả năng truyền đạt Giáo pháp vẫn mạnh mẽ.”

 Khí lực dồi dào của Ngài đôi khi làm những người đón tiếp Ngài khá vất vả. Sharon Salzberg và Joseph Goldstein còn ghi nhớ chuyến viếng Bảo tàng viện Hàng không và Không gian ở Washington DC: “Thầy muốn viếng tất cả các mục triển lãm và hầu như không mệt mỏi. Tôi không hiểu đó là do thể lực tự nhiên hay do nhờ hành trì, nhưng Thầy có một sức lực bền bỉ để đi và quan sát khắp nơi.”

 Sharon nói thêm, “Chúng tôi ở đó khoảng sáu tiếng rưỡi. Cuối cùng, tôi ngủ thiếp trên một ghế dài. Khi tôi tỉnh dậy, Joseph cũng đang nghỉ ngơi trên một ghế dài đối diện, trong lúc Thầy vẫn còn đi lại không ngừng nghỉ.”

 Bob và Dixie Ray cũng nhận thấy Ngài “thật năng động và vô cùng hiếu kỳ.” Dixie thuật lại: “Thầy muốn thăm viếng mọi nơi và tham dự mọi sinh hoạt ở Chicago. Vì thế, chúng tôi đưa Thầy đi khắp nơi, và chỉ biết chạy theo sau vì Thầy khỏe hơn chúng tôi nhiều. Tuy nhiên, Thầy đến đâu, tâm ý Thầy hoàn toàn ở đó, rồi khi rời nơi ấy, Thầy không lưu luyến với nó và sẵn sàng chuyển qua chỗ kế tiếp.” 

Nguồn năng lực. 

 Dixie mô tả một phần vì sao Ngài Munindra có nhiều năng lực như vậy – chánh niệm: “Thầy luôn chú tâm, hay biết trọn vẹn những gì đang ở trước mặt – người, vật, triển lãm hay kịch diễn – thay vì cứ phóng tâm qua lại giữa quá khứ và tương lai.”

 Robert Pryor nói, “Cho mãi đến đôi ba năm cuối cuộc đời của Thầy, lúc nào cũng khó khăn lắm tôi mới theo kịp bước Thầy, và điều này thật đáng khâm phục. Theo hiểu biết của tôi, vì tâm Thầy tự tại, thảnh thơi, ít ràng buộc hơn tâm người khác, nên Thầy có nhiều năng lực hơn. Có lẽ Thầy không phí phạm khí lực vào lo âu, phiền não như chúng ta thường vướng bận vào.”

 Lo âu, phiền não không phải là nguyên nhân duy nhất làm cạn nguồn sinh lực, Ngài giải thích:

Khi tâm bị ảnh hưởng bởi sân hận, nếu ta không hay biết thì tâm sẽ được nuôi dưỡng bằng thức ăn độc hại ấy. Nếu không chánh niệm, sân hận sẽ làm ô nhiễm tâm ta. Khi không được quan sát, tâm sân sẽ tác động trên thân và tạo ra những thay đổi như: thân trở nên căng cứng và run rẩy, mắt đỏ, khí huyết lưu thông không điều hòa. Bất cứ lời nói, hành động nào trong tình trạng đó cũng trở nên sai trái, độc hại, gây thương tổn, bởi vì khi tâm bị ô nhiễm, tất cả phản ứng, hành động, lời nói cũng bị ô nhiễm. Do đó, chúng ta tiêu hao rất nhiều năng lượng, và vì vậy ta cần ngủ nghỉ nhiều hơn để lấy lại sức lực.

Nhưng nếu tâm ta không phản ứng, không phóng dật, không suy nghĩ, thay vào đó tâm luôn hay biết, kinh nghiệm từng giây phút một thì tâm sẽ yên tĩnh. Năng lực được bảo tồn, không phí phạm. Vì thế, khi chánh niệm được phát triển tốt đẹp, ta sẽ không cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hay kiệt sức.

 Vào một ngày không hề định trước, Thầy đã minh chứng sức mạnh của tinh tấn để hành chánh niệm và hướng tâm ý đến điều thiện lành thực sự hoạt động ra sao. Robin Sunbeam kể lại bài học sau đây: “Tôi đang tập hành thiền từ quán. Thầy giải thích cho tôi vì sao mặt trái của nóng giận và sân hận là tâm từ ái, và làm thế nào ta có thể chuyển hóa năng lượng của lửa sân hận thành một nguồn suối yêu thương. Sau đó tôi không nhớ chuyện gì xảy ra, tuy nhiên có một người đi vào nói với Thầy điều gì làm Thầy nổi giận. Tôi đứng cách Thầy chỉ nửa thước nên thấy rõ mặt Thầy cau lại, đôi mắt đỏ lên. Rồi tôi lại có thể thấy chánh niệm của Thầy ập vào, và chỉ một thoáng sau Thầy lại mỉm nụ cười thường lệ và biểu lộ vẻ từ ái cũng cùng với người ấy.”

 Kamala Masters nói thêm, “Là chúng sinh hữu tình, chúng ta có sự hiểu biết để hướng tâm về điều thiện lành. Nếu một nhân bất thiện từ nghiệp quá khứ trổ quả vào giây phút hiện tại thì, hành trì theo Giáo pháp, ta không làm gì với nó cả – bằng lời nói hay bằng hành động – và cứ để nó qua đi. Thầy đã diễn đạt điều đó qua nhiều cách khác nhau. Chúng ta không thể chế ngự được các điều kiện bên ngoài, nhưng một trạng thái tâm thiện lành – nếu được trưởng dưỡng, tiếp tế năng lực và sử dụng – có thể dẫn đến một trạng thái tâm thiện lành khác.”

 Gregg Galbraith xác nhận khuynh hướng này ở Ngài Munindra, “Thầy luôn luôn thành thật muốn tìm cái tốt lành trong mọi người. Thầy không cho phép tâm mình trú trong sự tiêu cực, đặc biệt là những bất thiện ý liên quan đến người khác. Thầy chỉ nói về mặt tốt của họ thôi.”  

Vào cuối cuộc đời. 

 Khoảng chín tháng trước khi Ngài Munindra qua đời, Uno Svedin từ Thụy điển đến thăm thầy cũ, mong giúp người được gì trong khả năng mình. Lúc ấy Ngài bệnh nhiều và rất yếu. Tuy nhiên, Uno ghi nhận, “Thầy cũng còn tiếp khách đến viếng vào buổi trưa. Thầy chào đón họ trong tư thế ngồi xếp bằng giữa giường với bộ y trắng và chiếc mũ nâu. Trong những lần gặp gỡ này, khách vẫn có đủ thời gian đàm luận với Thầy. Mỗi khi đề tài Đạo pháp được đề cập, Thầy chợt rạng rỡ lên: Cả một luồng nhiệt tâm giảng dạy như quyện quanh Thầy, và dòng Giáo pháp tuôn chảy không ngừng nghỉ theo bất cứ ngôn ngữ thích hợp lúc đó: Bengali, Ấn, Miến hay, thỉnh thoảng, Anh ngữ. Một bài pháp ngắn luôn được thốt ra từ miệng Ngài, như những ngày xưa.”

 Dù hoàn cảnh nào, dù sức khỏe suy yếu đến đâu, Ngài vẫn thu hết tâm lực dành cho Đạo pháp. Ngài còn hỏi cả Uno, “Còn điều gì không rõ trong các lời hướng dẫn không?”

 Vào cuối đời, rõ ràng là Ngài Munindra thấy được thời gian đã sắp hết cho việc truyền bá Giáo pháp và giúp người khác thấu hiểu được những gì mình thấu hiểu. Rất nhiều người cảm nhận được tâm khẩn trương vì đạo (saṁvega), thúc bách tu tập biểu lộ mạnh mẽ trong những lời giáo huấn của Ngài.

 Rebecca Kushins nhớ, “Thầy có đầy năng lực. Bây giờ nghe kể lại những mẩu chuyện về thời còn trẻ của Thầy, tôi biết được Thầy luôn luôn năng nỗ trong việc giảng dạy từ thuở ấy. Nhưng khi tôi gặp Thầy ở trường Antioch, Thầy đã rất già mà vẫn còn nguồn sinh lực đó. Chúng tôi thường được dặn dò là nếu có dịp hầu chuyện với Thầy, nên tìm cách để Thầy dừng lại từng đoạn để Thầy nghỉ mệt. Nếu không, Thầy thích giảng giải cho đến khi nào cảm thấy người nghe đã hiểu. Thầy hay nói với chúng tôi, ‘Tôi đang chỉ cho các bạn con đường tắt, con đường ngắn nhất để thực nghiệm Giáo pháp đây.’”

 Rebecca kể tiếp, “Thầy lập lại câu này trong một giờ tôi trình pháp cá nhân. Tôi thưa Thầy rằng tôi gặp khó khăn vì chỉ có thể hay biết những gì vừa mới xảy ra, không phải khi nó đang xảy ra. Tôi nhớ mãi nơi Thầy vẻ kiên quyết và khẩn nài muốn tôi phải hiểu cho được vấn đề đó. Thầy giảng đi giảng lại mãi đến khi có tiếng chuông báo hiệu giờ lên thiền đường: ‘Ngay giây phút đang xảy ra! Ngay giây phút đang xảy ra!’ Thầy vỗ hai tay vào nhau và nói, ‘Rõ nhé! Ngay giây phút đang xảy ra!’ Thầy có cái vẻ khẩn trương vì đạo (saṁvega) và khăng khăng nhấn mạnh, ‘Tôi chỉ cô con đường tắt đó! Nào! Không mất thì giờ nữa!’”

 Trong giai đoạn giảng dạy chót, hùng lực của những năm đầu tiên ở trường Antioch không còn như xưa nữa. Robert Pryor nói, “Nhưng một khi bắt đầu dạy, nguồn sinh khí lại tuôn tràn, Thầy giảng giải rõ ràng, lời lẽ chính xác. Dù thân thể đã thật yếu ớt, nhưng năng lực và ý chí nơi Thầy vẫn vô cùng mạnh mẽ. Tôi có thể thấy được Thầy quan tâm đến kết quả tu học của môn sinh đến dường nào. Đó là ân phước của Giáo pháp. Tôi cảm nhận được tâm khẩn trương của Thầy như thể đang nói với chúng tôi: ‘Xin hãy hiểu điều này! Hãy nắm vững điểm này!’ Mặc dù Thầy không dùng những từ ngữ ấy, nhưng ý Thầy là vậy. Thầy mang trong lòng một ước vọng thiết tha rằng chúng tôi sẽ thực sự hiểu biết được như Thầy đã hiểu biết. Sự khẩn trương thật mãnh liệt, thật rõ rệt. Tôi cảm nhận được, và xúc động vô cùng. Khi Thầy giảng dạy, hùng khí như thế đấy!”

 Quan sát Ngài Munindra lúc cuối đời, Oren Sofer nhận thấy Ngài không thể nói năng nhiều như trước, mặc dù Ngài vẫn muốn vậy. Có lần khi hai thầy trò đang đối thoại, Oren “đề nghị Thầy nên nghỉ một lát sau khi đã say mê trình bày Phật pháp và có vẻ mệt, ‘Thưa Thầy, xin Thầy nằm xuống nghỉ một chút trong lúc con ngồi thiền.’ Thầy mỉm cười và nói: ‘Được rồi, được rồi.’ Thầy ngã lưng và nghỉ ngơi trong lúc tôi ngồi thiền. Tôi ngồi được khoảng bốn mươi lăm phút hay một tiếng, cho đến khi chân bị một cơn đau không chịu nổi. Tôi thay đổi tư thế và ngưng hành thiền. Ngay lúc đó, thình lình Thầy thức dậy và hỏi tôi, ‘Đã xảy ra những gì? Bạn có ghi nhận không?’ Tôi thầm nghĩ, ‘Từng mỗi hơi thở của Thầy cũng cống hiến cho việc dạy, sống và hiểu Giáo pháp.’ Không hề thấy Thầy có ý kéo dài thêm vài phút để nghỉ ngơi hay dành ít thời gian cho chính mình. Vừa mở mắt ra là Thầy đã ở ngay đó với tôi, say mê tìm hiểu xem những gì đã xảy ra cho tôi trong lúc hành thiền.”

 Bryan Tucker cũng có một kinh nghiệm tương tự ở Dhamma Giri, năm 1994. Lúc ấy Bryan tưởng là Ngài Munindra “sắp ngã gục, nhưng không bao lâu đã vươn lên lại, tràn đầy sinh lực, liên tục giảng nói, say mê thích thú với mọi việc, mọi người chung quanh.”

 Ngài Munindra đi bộ cùng Bryan ra phố mỗi ngày, với Bryan đó là một ân phước. “Tôi vô cùng kính trọng Thầy, một trong những thiền sư lỗi lạc của truyền thống giao lưu Phật pháp sang Tây phương. Khi đi, Thầy không ngừng giảng giải Giáo pháp. Thầy lên xuống các bậc thang với đôi chút khó khăn vì tuổi đã già, nhưng tâm Thầy vẫn như một người trẻ tuổi, không ngừng tìm tòi học hỏi. Lúc tôi nói, Thầy chú tâm suy nghĩ về tất cả những gì tôi đang nói. Có khi Thầy suy nghĩ thật nhanh, ngắt lời tôi và chỉ vẽ: ‘Không, không. Không phải như vậy đâu. Như thế này đây.’”

 Bryan kể tiếp, “Thầy không bỏ lỡ cơ hội nào để giải thích Giáo pháp. Chẳng hạn như khi đi bộ, Thầy hay nhắc tôi giữ chánh niệm. Paramattha (chân đế) là một thuật ngữ có nghĩa là sự thật tuyệt đối, kinh nghiệm trực tiếp, nhận thức rõ ràng về thực tại, khác hơn là một ý niệm (tục đế). Rồi Thầy hỏi tôi, ‘Bạn có cảm nhận được paramattha không?’ Tôi thưa, ‘Thầy nói đến cái gì vậy?’ Thì ra Thầy đang nói đến những pháp diễn ra trong lúc đi. Thầy chỉ xuống mặt đất, ‘Bạn cảm nhận gì không? Có cảm giác trực tiếp nào không?’ Thầy dùng một cái gì rất đời thường như ‘đi’ để làm thí dụ cụ thể cho một thuật ngữ của Vi Diệu Pháp. Thầy mang mọi pháp trong Giáo pháp đến gần gũi với cuộc sống thực tế.”

 Ngài Munindra cũng hay dùng thí dụ về các xác hỏa thiêu trong nghĩa địa gần Igatpuri để dạy cho thiền sinh thấm nhuần được ý nghĩa của tâm khẩn trương trên đường đạo. Itamar Sofer kể lại, thỉnh thoảng trong khi tản bộ từ Dhamma Giri vào buổi chiều, họ đi ngang bãi đất thiêu xác. Thầy nói, “Đây cũng là lời Đức Thế Tôn dạy về sự chết. Chúng ta rồi lần lượt cũng sắp hàng vào đó thôi. Không nên sợ hãi khi nghĩ đến nó. Chết là một việc tự nhiên. Hãy luôn luôn nghĩ rằng mình sắp chết nên phải cố gắng làm gì cho đời mình có ý nghĩa. Đừng bỏ phí thời gian!”

Hết lòng.

 Ngài Munindra hay dùng từ “hết lòng”. Với Ngài, nó đồng nghĩa với nỗ lực, tinh tấn. Để đạt được ước vọng lớn nhất của mình, ta cần tích cực phấn đấu với tất cả năng lực và cố gắng. Ngài nói: “Tâm và thân phải phối hợp làm việc chung nhau. Bất cứ hạnh nguyện nào cũng có thể thành tựu được, nhưng ta cần toàn tâm toàn ý và biết phương cách thực hiện.”

 Ngài Munindra biết phương cách và đem hết nỗ lực chỉ rõ phương cách ấy cho người khác. Muốn thành công trên con đường ấy, Ngài khuyên (trích dẫn lời của Aesop): “Chậm và bền chắc chắn thắng cuộc đua.” Ngài cũng nhắc nhở rằng trí tuệ đi kèm với tinh tấn là điều thiết yếu. Roy Bonney nói, “Thầy hàm ý muốn dạy tôi rằng, đừng quá tinh tấn đến mức bồn chồn, bất an, mà hậu quả tất nhiên là vô hiệu quả.”

 Mặc dù Ngài Munindra có niềm say mê vô bờ với sách vở, và Ngài có thể đạt được một lượng độc giả rất rộng lớn nếu Ngài chịu viết sách, nhưng Ngài không sử dụng chút năng lực tinh tấn nào cho việc viết lách, dù chỉ một cuốn. Ngài thường nói, “Tôi đã chia sẻ tất cả những gì tôi biết cho mọi người rồi. Nếu thích thì bạn cứ viết.”

 Ngài đem hết năng lực để trực tiếp truyền dạy Giáo pháp, ngay cả với tàn lực cuối cùng của một người già yếu và đau bệnh. Nhưng, như Oren Sofer nói, “Chiều sâu của lòng tận tụy và của sự chứng ngộ nơi Thầy thực sự có một sức lan tỏa vô cùng rộng lớn.” Rất nhiều môn sinh của Ngài đã cống hiến mọi nỗ lực của họ cho Phật pháp, tiếp tục thành lập các trung tâm thiền tập, viết sách, giảng dạy nhiều thế hệ tiếp nối. Những nỗ lực kiên trì của Ngài Munindra vẫn còn sống mãi qua tất cả môn sinh của Ngài.


Khi cần, không nỗ lực

Tuy trẻ mạnh, nhưng lười Chí nhu nhược, biếng nhác.

Với trí tuệ thụ động,

Sao tìm được chánh đạo?

 

 Phật Ngôn

Pháp Cú Kinh

Kệ 280, 281, 282

 


 

viriya: từ vīrya (nguyên ngữ chỉ trạng thái của một người dũng mãnh, anh hùng); từ vīra (một người tiến hành không ngừng nghỉ trong việc làm của mình); đây chỉ dũng lực kiên cường không lay chuyển, năng lực, tinh tấn, nỗ lực.

 Nếu không có sức mạnh của viriya, ta không thể thực hiện quyết tâm viên mãn chí nguyện. Viriya vượt thắng được sự biếng nhác, thờ ơ, suy sụp. Tuy nhiên, viriya phải được trí tuệ (paññā) đi kèm vì nếu không, tinh tấn thái quá có thể dẫn đến kiệt quệ tinh thần và thể chất. Hơn nữa, công phu thực hành phải luôn kiên định và quân bình, giống như kỹ năng điều chỉnh nhạc cụ sao cho dây đàn không quá căng, cũng không quá chùng, mới có được âm thanh toàn hảo.

 Đức Phật dạy rằng tất cả những ai đang trên đường đạo phải cố gắng vận dụng sự tinh tấn cần thiết cho công trình tìm cầu giải thoát. Ngài luôn nêu gương kiên cường dũng cảm khi bị vây khổn bởi bao chướng ngại trên đường tìm cầu giác ngộ và cứu độ chúng sinh. Dù thể lực không phải lúc nào cũng cường tráng, nhưng Ngài không bao giờ lui sụt hùng lực và tinh nhuệ tâm linh. Viriya không chỉ thiên về năng lực thể chất mà còn về sức mạnh của chí khí, quyết tâm và kiên định; của nhiệt huyết và cố gắng không hề mệt mỏi để củng cố các phẩm tính khác.

 Nguyên nhân thúc đẩy năng lực tinh tấn này là một cảm quan khẩn cấp phải tu tập (saṁvega), do hành giả trực nhận được rằng thật là thiếu trí tuệ, an phận và dễ duôi biết bao khi chấp nhận một đời sống thế gian thường tình và vô nghĩa.

 Viriya là một trong ngũ căn (indriya) và ngũ lực (bala), một trong thất giác chi (bojjhaṅga), và một trong mười ba la mật (parami).Viriya tương đồng với chánh tinh tấn (sammā- vāyāma), chi thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Trong tứ chánh cần (sammāppadhāna), viriya là bốn phép tinh tấn hợp với chánh đạo để ngăn ngừa và vượt qua các pháp bất thiện, cũng như để phát triển và duy trì các thiện pháp.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn