(Xem: 1506)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

11-Karunā (Tâm Bi)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 13543)

 

11-Karunā (Tâm Bi) 

Tôi có giúp bạn được gì không

Khi tâm được thanh lọc nhiều và nhiều hơn,

lòng bi mẫn sẽ tự động đến.

MUNINDRA


 Ngài Munindra luôn nghiêm túc hành trì theo lời Đức Phật đã dạy Đức Phật đã dạy các đệ tử – hãy lên đường, dấn thân truyền bá Giáo pháp cho sự thiện lành, lợi lạc và hạnh phúc của bao người, do lòng bi mẫn đối với thế gian và sự khổ đau mà mọi người phải chịu đựng.

 Ngài không bao giờ do dự khi hỗ trợ những ai đang cần sự giúp đỡ, tinh thần cũng như vật chất.  Ngài quan tâm lo cho họ được đầy đủ thực phẩm, áo quần, chỗ ngủ, thuốc men và chăm sóc họ khi đau ốm. Nhưng trên tất cả, Ngài dạy họ Phật pháp để giúp họ vượt qua sông mê bể khổ. 

Giảm bớt đau đớn thể chất. 

 Nếu có thể giúp ai bớt đau đớn thể xác, Ngài Munindra sẽ bước tới tiếp tay ngay. Vừa thấy ai xuất hiện trước ngưỡng cửa, Ngài liền hỏi họ, “Có đói không? Đã ăn gì chưa?” và, trước tiên, luôn hỏi thăm đến sức khỏe mọi người.

 Jack Engler đến Bodh Gaya vào một sớm mùa đông năm 1975, sau mấy ngày ngồi suốt trên phi cơ, xe lửa, xe buýt và sau cùng là xe kéo. Mặc dù lạnh, mệt, đói và bị loạn phương hướng, nhưng vì đây là chuyến viếng thăm đầu tiên nên Jack nôn nóng được bắt đầu tu học với Ngài Munindra. Jack lên tiếng, “Tôi đến rồi và sẵn sàng thực tập.” Nhưng Ngài hỏi ngay, “Việc đại tiện của bạn có vấn đề gì không?”

 Jack kể, “Câu hỏi này làm tôi thật bối rối. Quả thật vấn đề bài tiết của tôi không được tốt gì mấy. Ai đã từng đến Ấn độ đều biết chuyện đường ruột là mối quan tâm hàng đầu. Và thứ tự ưu tiên của Thầy rất chính xác: việc đại tiện trước hết, kế mới đến mọi thứ khác. Chúng tôi để ra hai tuần lễ đầu tiên chăm sóc vấn đề bài tiết của tôi. Giáo lý bao gồm các chỉ dẫn về cách dùng vỏ hột lanh (flaxseed) và thuốc tỏi… thân phụ Thầy vốn là một y sĩ dược thảo.”

 Nếu có ai khẩn trương cần Ngài cứu giúp, Ngài đáp ứng ngay không một chút chần chờ. Năm 1980, tại Bodh Gaya, một sáng nọ khi thức dậy, Derek Ridler biết mình lâm trọng bệnh, “Tôi vừa bị chứng Cúm Á châu vừa bị kiết lỵ, lãnh một lần hai cú đánh ngã nhào! Thầy lập tức bỏ tất cả các công việc đa đoan đang làm, đưa tôi lên xe vào thành phố, và đến gặp nhiều thầy thuốc khác nhau. Lúc ấy tôi gần như mê man, không biết rõ chuyện gì xảy ra. Với tôi, hành động đó của Thầy chính là hiện thân sinh động của Pháp bảo, không phải là một triết lý Phật giáo trừu tượng nào cả mà là một phẩm hạnh đầy tình người, khiến tôi vô cùng cảm động và kính mến Thầy.”

 Barry Lapping cũng nhớ mãi lòng bi mẫn của Thầy khi Thầy lập tức chăm sóc anh lúc ngã bệnh: “Tôi mới đi xe lửa từ Hyderabad đến Calcutta và sắp sửa lên máy bay đi Miến điện. Thình lình tôi mệt ngất và cảm thấy khó chịu vô cùng vì cơ thể bị mất nước. Có người nói tôi bị dịch tả, nhưng tôi không rõ. Thầy cũng có mặt lúc đó, liền bắt tay vào việc săn sóc tôi, và tôi đỡ dần. Cuối cùng tôi vẫn đi Miến điện được. Thầy là như thế, sẵn sàng đích thân chăm sóc. Trong ý nghĩa đó, Thầy như một người mẹ, và vẫn tiếp tục như vậy mãi ngay cả về sau này, khi tôi đã trở thành môn sinh của Ngài Goenka.”

 Ở Sarnath, Ngài Munindra làm bạn với Harilal, một học giả Thần học người Punjabi. Những gì xảy ra giữa hai người gợi nhắc lại câu chuyện Đức Phật tự tay săn sóc cho một vị tăng bệnh nặng bị các bạn đồng tu bỏ mặc, nằm liệt trên chiếc chõng đầy phân của mình. Ngài kể:

sơ đồ đủ loại. Huynh thật là dịu dàng, dễ mến. Ít lâu sau, huynh bị bệnh rất nặng, mình mẩy đầy mụt nhọt. Vì Harilal thường hay chỉ trích chư tăng bởi không nể phục tư cách của họ, nên khi đau yếu như vậy mà chẳng ai đến giúp đỡ cả. Các sư giận Harilal nên cũng không đem thức ăn cho huynh. Vì thế tôi phục vụ, chăm sóc, chia phần thức ăn của tôi với huynh.

Thế rồi có một sư tìm đến vị tổng thư ký của Hội Mahabodhi – ông Devapriya Valisinha – để than phiền về tôi. Ông Valisinha chất vấn tôi: “Ông làm gì ở đây? Tại sao?” Tôi giải thích: “Harilal là khách đang lưu ngụ trong Hội Mahabodhi. Ông đang bệnh nặng mà không ai giúp đỡ, vì thế tôi săn sóc ông ta. Nếu lỡ ông ấy đau rồi chết ở đây, thì Hội Mahabodhi sẽ bị chê trách. Thưa Ngài, tôi chỉ đang lo chu toàn bổn phận của tôi đối với Hội bởi vì tôi hết sức mang ơn Hội đã cho tôi sống ở đây.” Vị tổng thư ký trân trọng và tán thành ý kiến của tôi.

  Ngay cả khi Ngài Munindra không thể xoa dịu nỗi đau thể chất, Ngài cũng tìm nhiều phương cách phục vụ khác. Saibal Talukbar đang bị đau mắt khi đến thăm Ngài ở Calcutta năm 1991. Bệnh khá trầm trọng đến nỗi ông không nhìn thấy rõ được. Khi nghe kể tự sự, Ngài hỏi ông, “Nỗi sợ hãi của bạn như thiền đầu tiên, nỗi sợ tan biến và niềm tin phát khởi. Saibal hết khổ sở vì thị giác yếu kém, và háo hức tham dự các khóa thiền sau đó. Dần dần, thị giác của ông khá hơn.

Lúc nào cũng còn chỗ cho một người nữa. 

 Kamala Masters đến trễ trong khóa thiền đầu tiên ở San Jose năm 1977. Cô mệt lả người vì phải sắp xếp mọi việc để nghỉ phép và tìm người coi sóc ba đứa con nhỏ. Khi đến nơi, các giường ngủ cho thiền sinh đều đã có người nhận cả rồi. Cô chỉ còn được một chỗ nằm trên sàn nhà, nơi hành lang trên lầu, cạnh một phòng tắm lớn dành cho các vị thầy.

 Cô thấy Ngài Munindra bước về phía cô: “Tôi nhớ mãi cảm giác vô cùng thanh thản của tôi trước sự có mặt vừa khiêm tốn vừa nhẹ nhàng của Thầy. Phong cách điềm đạm ấy khiến tôi được thư thái. Không hiểu sao tôi nghĩ chắc Thầy sẽ nói lên một điều gì đó thâm sâu huyền bí, nhưng Thầy chỉ đứng đó một lát, chăm chú nhìn vào chiếc chiếu nhỏ tôi vừa trải xuống sàn, rồi lại nhìn vẻ mặt phờ phạc của tôi, rồi lại nhìn cái chiếu lần nữa. Tôi thật ngạc nhiên khi nghe Thầy hỏi một câu thực tế: ‘Cô ngủ chỗ này sao?’ Sau vài câu trao đổi ngắn, Thầy biết ra tôi quá mệt vì tôi là một bà mẹ có ba đứa con nhỏ. Thầy im lặng, nghĩ cách phải làm gì. Điều tôi nhớ nhất lần gặp đầu tiên ấy là ánh mắt quan tâm và đầy lòng từ mẫn khi Thầy nói: ‘Cô không thể nằm đây. Cô phải được nghỉ ngơi đầy đủ mới có sức hành thiền. Tôi sẽ ngủ trên chiếc chiếu, còn cô dùng giường của tôi.’”

 Kamala không phải là người đầu tiên Ngài chia sẻ chỗ nghỉ ngơi. Khi đang ở Hội Mahabodhi tại Calcutta, Ngài thường giữ sẵn đủ thứ đồ dùng cá nhân lặt vặt để ngủ và chia sẻ căn phòng nhỏ bé của mình với bất cứ người khách nào cần ở lại qua đêm. Ngài mời Jack Engler ở lại với Ngài tại chùa Trung quốc trong Bồ đề Đạo tràng vào những ngày cuối tuần, khi Jack đang học ở Viện Cao học Nalanda cách đó ba mươi dặm.

 Đại đức Bodhipāla kể lại lần thứ hai gặp lại Ngài Munindra, trong một khóa thiền vipassanā tại trung tâm của Ngài Goenka ở Igatpuri. Vì không đăng ký trước nên đến nơi Đại đức được cho hay là không còn chỗ, phải trở về và quay lại lần khác. Trong lúc bất bình, Đại đức sực nhớ là Ngài Munindra đang ở đó, bèn đi thẳng đến Ngài.

 Đại đức nói: “Việc đầu tiên Ngài làm là mời tôi dùng cơm trưa vì sắp qua giờ ngọ (chư tăng phải dùng cơm xong trước giữa trưa). Việc thứ hai, Ngài nói: ‘Đại đức hãy thọ thực, tôi sẽ trở lại ngay.’ Mười phút sau, Ngài đã sắp xếp được mọi việc để tôi được ở lại Igatpuri dự trọn khóa thiền.” 

Xoa dịu nỗi khổ tinh thần. 

 Lòng từ mẫn của Ngài Munindra quả vô bờ bến. Có lần Ngài dạy người cháu Tapas Kumar Barua:

 Con người phải chịu quá nhiều khổ đau nên ta nguyện cố gắng chia sẻ với họ những gì ta đã học hỏi được ở Miến điện và các nơi khác, để họ cũng thấy hiểu được đau khổ mà thoát ra khỏi. Phần lớn những bất hạnh của người đời đều do vô minh và thiếu nhận thức. Giáo pháp có nghĩa là biết nhận thức.

  Uno Svedin còn giữ mãi một ký ức sinh động và sâu sắc về tâm bi không ngăn ngại của Thầy trong lần thiền tập đầu tiên với Thầy ở Bodh Gaya vào cuối năm 1966, ngay sau khi Thầy mới từ Miến điện về.

 Một đêm nọ, Uno chợt rơi vào một nỗi tuyệt vọng và sợ hãi khủng khiếp. “Thường thì Thầy vào phòng khoảng mười giờ đêm, sau khi dùng trà hoặc chuyện trò với tôi, và lần gặp mặt kế đó sẽ là vào lúc sáu giờ sáng, khi Thầy mở cánh cửa lưới được đóng suốt đêm. Nhưng lúc ấy mới bốn giờ sáng, tôi đứng đó, thân tâm như vỡ tan ra từng mảnh. Cuối cùng, sau nhiều đắn đo, tôi gõ nhẹ cửa, biết rõ rằng mình đang làm một việc rất trái nội quy và trái truyền thống.”

 Uno kể tiếp, “Lúc đầu, không có tiếng trả lời. Rồi tôi nghe tiếng Thầy, ‘Ai đó ?’ ‘Thưa Thầy, là Uno. Con đang bị một chuyện kinh khủng lắm!’ Một giọng nói ấm áp vọng ra, ‘Tôi đến ngay, tôi đến ngay.’ Thầy mở cửa trong bộ quần áo ngủ. Tôi bật khóc nức nở, run lẩy bẩy, thân hình xiêu vẹo trong cơn kinh sợ hãi hùng. Thầy choàng tay qua vai tôi và dắt tôi vào phòng. ‘Việc gì thế ? Để tôi pha trà uống rồi mình nói chuyện.’ Thật là một chiếc cầu nối kỳ diệu dẫn tôi đến chốn bình yên và ổn định. Nghe được giọng nói của Thầy như nhận được một liều thuốc hoàn sinh. Sáng hôm đó, khi nước mắt tôi đã khô, Thầy dịu dàng khuyến khích tôi trở lại hành thiền.”

 Gần bốn mươi năm sau, Uno kể lại kỷ niệm ấy với nước mắt dâng tràn và nghẹn lời bởi sự ấm áp của lòng biết ơn. Anh nói đó là một trong những giây phút ấn tượng mãnh liệt nhất trong đời, “đang rơi xuống vực mà được kịp thời cứu vớt bởi sự hiện diện trọn vẹn, đầy tình thương của Thầy.”

 Lòng bi mẫn của Ngài Munindra được thể hiện hết sức nhẹ nhàng. Năm 1989, khi người anh cả Sasanka Mohan Barua của Ngài qua đời, con gái ông, Subhra, chìm ngập trong nỗi sầu não, tiếc thương. Mấy tháng sau, cô đến dự khóa thiền của Ngài nhưng vẫn còn bị nhiều giao động. “Đang hành thiền, tôi thấy cơn bi lụy càng dâng cao từ một vùng sâu kín trong tâm. Một hôm, nỗi u sầu của tôi gia tăng đến độ không kềm chế được, tôi đã bật khóc giữa thiền đường. Thầy bảo tôi tạm ngưng hành thiền, ‘Hãy nghỉ trong phòng và quán sát nỗi buồn của con. Đừng ôm giữ nó. Hãy buông thả nó ra tự nhiên. Chỉ cần giữ chánh niệm thôi.’”

 Câu chuyện Bà Dipa Ma vượt thoát được mọi đau khổ cùng cực như thế nào, có lẽ là trường hợp mà lòng trắc ẩn của Ngài thể hiện mạnh mẽ nhất. Theo lời người con gái của Bà, Dipa, một loạt thảm kịch đã dồn dập xảy ra khiến mẹ cô phải ngã quỵ vì đau khổ, “Mẹ tôi lấy chồng hồi mới lên mười hai, nhưng mãi đến năm ba mươi ba tuổi mới sanh đứa con đầu lòng, một bé gái. Được bốn tháng thì đứa bé chết. Tôi ra đời hơn hai năm sau đó. Khi tôi hai tuổi, mẹ tôi sanh một bé trai, nhưng em chỉ sống vài ngày rồi chết. Mẹ tôi như điên dại vì sầu khổ, khóc than vật vã. Từ cơn chấn động đó, mẹ tôi bị cao huyết áp và bệnh tim. Khoảng năm, sáu năm sau, năm 1956, cha tôi qua đời. Lại một lần chấn động kinh khủng khiến bà càng thêm điên dại. Mẹ tôi nói năng không được bình thường, đi đứng không vững, không làm được việc gì cả, và hàng xóm phải trông nuôi tôi giùm. Họ không ngớt an ủi mẹ tôi, ‘Đừng khổ sở như thế, ai rồi cũng phải chết. Hãy lắng nghe Giáo pháp của Đức Phật. Hãy làm việc thiện, bố thí cúng dường…’ Nhưng lúc bấy giờ, mọi lời lẽ đều vô hiệu.”

 Dipa kể tiếp: “Khoảng một vài năm sau khi cha tôi mất, Ngài Munindra nghe vài người ở trung tâm Mahāsi kể chuyện mẹ tôi, bèn đến viếng thăm. Vì mẹ tôi vẫn còn bị bấn loạn nặng nề, không thể nói năng chuẩn mực bình thường, nên Ngài liên tục nói và giảng Phật pháp cho bà: ‘Tất cả các pháp đều vô thường. Tất cả các pháp đều là khổ ưu, sầu não và uất ức than khóc. Ta phải dứt bỏ mọi thứ ấy. Chừng nào còn sống trên thế gian này, ta phải cố gắng tạo nghiệp lành, làm việc thiện.’”

 “Mẹ tôi lắng nghe, bình tĩnh và yên lặng đôi chút. Sau khi Ngài giảng giải khoảng một tiếng đồng hồ, mẹ tôi nói, ‘Đời con thật vô dụng. Con không muốn sống trên thế gian này nữa. Con thật không biết phải làm gì.’ Ngài lại tiếp tục trấn an mẹ tôi. Hôm đó, Ngài dành ra ít nhất hai tiếng đồng hồ khuyên giải, và rồi mỗi ngày sau đó, Ngài đều đặn đến thăm bà, mỗi ngày, trong hai tuần lễ liền. Dần dần mẹ khá hơn lên được đến hai, ba mươi phần trăm.’”

 Từ ấy, Dipa nói Ngài đến thăm mẹ cô mỗi tuần một lần. “Hai, ba tháng sau, mẹ tôi trở nên trầm tỉnh và yên lặng hơn. Ngài khuyến khích mẹ tôi đến trung tâm Mahāsi hành thiền. Mẹ tôi nói: ‘Bé Dipa còn đang đi học, ai sẽ trông bé cho con đây?’ Ngài bèn nhờ một nguời hàng xóm đang có vài đứa con nhỏ của riêng cô trông chừng thêm tôi, ‘Xin hãy xem Dipa như con của cô vậy.’ Cô ấy nhận lời, và mẹ tôi đi học thiền được hai tháng. Ngài dẫn dắt mẹ tôi về kỹ thuật, tiến trình hành thiền cùng các bài pháp thoại của Hòa thượng Mahāsi. Nhưng mẹ tôi không biết tiếng Miến. Khi Ngài trình lên Hòa thượng về hoàn cảnh của mẹ tôi và vài thiền sinh Bengali khác, Hòa thượng dạy rằng những lúc Hòa thượng hướng dẫn hay ban pháp trong thiền đường thì họ có thể đến thiền tập; còn khi họ cần trình pháp hay vấn đạo thì Ngài Munindra sẽ nói chuyện với họ.”

 “Sau khóa thiền, mẹ tôi hoàn toàn bình phục từ tinh thần đến thể chất, tâm tư trở nên định tĩnh và trong sáng nhờ thực hành thiền quán. Với những hướng dẫn, khuyên nhủ, sách tấn của Ngài, bà tiến bộ thật nhiều và thật nhanh trong pháp hành. Mọi điều thiện lành đã xảy ra qua sự dìu dắt của Ngài. Ngài là một vị cứu tinh phi thường của gia đình tôi, thật phi thường!”

Khi Bà Dipa Ma đã trút bỏ được mọi bi thương thống khổ tột cùng, thân và tâm mạnh mẽ an lành trở lại, Ngài Munindra khuyến khích Bà dạy thiền cho những người khác vì Bà đã chứng đắc được những kinh nghiệm sâu sắc. Từ đó Bà trở thành một vị thiền sư ưu tú và toàn hảo, tự thân tiến tu, tự ngộ, tự thành đạt. 

Tên trộm từ chối ngài giúp đỡ. 

 Không phải ai cũng sẵn lòng đón nhận sự giúp đỡ của Ngài Munindra. Một câu chuyện ngộ nghĩnh đã xảy ra khi Ngài đang ngụ tại nhà của Kamala Masters ở Maui. Hằng ngày Kamala đi làm nên Ngài ở nhà một mình, rồi đến trưa, cô về nhà thăm hỏi và đem cơm cho Thầy.

 Một trưa nọ, Ngài nghe tiếng chân người đi vào nhà. Trong bộ y trắng toát và đầu trọc bóng loáng, Ngài từ phòng trong bước ra hành lang để xem là ai. Sự xuất hiện bất ngờ cùng cái bề ngoài lạ thường của Ngài khiến kẻ đột nhập – mà Ngài mô tả là có vẻ bồn chồn, lo lắng – hết sức kinh hoảng. Hắn kêu thét lên và bỏ chạy từ nhà ra sân sau, nơi hắn ta để chiếc xe đạp.

 Ngài đuổi theo và kêu lên, “Khoan, khoan, tôi có thể giúp anh được gì không?” Ngài quả không hề để ý đến manh mối nào khiến kẻ ấy xâm nhập nhà phi pháp như vậy, mà thiện ý đầu tiên chỉ là giúp đỡ một người hiển nhiên đang trong lúc rối rắm, bất an.

 Đến khi cảnh sát đến nhà điều tra thì Ngài mới rõ tự sự. Kẻ lạ mặt rõ ràng đã vào nhà định ăn trộm. Dân cư trong vùng đều biết anh ta từng tìm cách lẻn vào nhiều nhà lấy trộm thuốc men để trong buồng tắm. Hàng xóm cũng tin rằng nhà Kamala bị ma ám, vì nhà cô từng bị để trống một thời gian trước khi vợ chồng cô mua và sửa chữa lại. Vì thế kẻ đột nhập khi vừa thấy Ngài Munindra xuất hiện bèn cho đó là một con ma! Nhưng lúc ấy Ngài chỉ đang cố gắng trải lòng từ bi đến một người có vẻ đang bấn loạn. 

Hãy làm những gì có thể làm. 

 Mặc dù không được huấn luyện về khoa tâm lý, xã hội hay cố vấn tinh thần, nhưng Ngài Munindra vẫn Luôn cố gắng phục vụ mỗi khi có gia dình nào gặp rối rắm khó khăn. Trong một chuyến du giảng ở IMS vào đầu thập niên tám mươi, Ngài biết được rằng Buzz Bussewitz đang đối đầu với một mâu thuẫn gay go giữa mẹ và chị mình.

 Buzz kể lại, “Cuối cùng, Thầy đến nhà tôi, không chỉ đơn thuần là một người hòa giải mà còn như một sứ giả nhà Phật đến hộ độ cho gia đình. Tôi nghĩ rằng, là người từ nền văn hóa khác, Thầy sẽ có quan điểm khách quan và, ít nhất, góp lời khuyên trong vai trò người ngoại cuộc. Thế nên, tuy cuộc đàm luận giữa Thầy và gia đình tôi không rôm rả, thân mật như khi bạn bè thân quen đến nhà, nhưng đã giúp dẫn đến một số thay đổi về vấn đề của chị tôi.”

 Buzz thuật tiếp, “Kể ra cũng phải vài năm sau, với sự cố gắng của tất cả, tình trạng gay cấn này mới được ổn thỏa. Dù sao, Thầy phải dũng cảm lắm mới dám bước vào một tổ ong vò vẽ! Hầu như không ai dám làm việc này, nên tôi hết sức cảm kích Thầy đã làm một việc thật nhiều ý nghĩa cho tôi, hơn tất cả những gì Thầy đã làm.”

 Ngay cả những khi không thể trực tiếp giúp đỡ, đức từ bi của Ngài vẫn sáng tỏa xuyên thấu. Jeffrey Tipp kể lại, trong một khóa thiền ở Cultus Lake, Oregon, vào cuối thập niên bảy mươi, có một thiền sinh bị rối loạn tâm thần, “Thầy rất quan tâm và dặn chúng tôi luôn ở cạnh bên, đừng để anh ấy một mình. Cho nên, suốt khóa thiền, lúc nào chúng tôi cũng quanh quẩn bên anh ấy để trông nom. Thầy có nói chuyện với anh đôi chút, nhưng những lời khuyên nhủ không giúp gì được vì, thật sự là anh cần uống thuốc. Sau khi mãn khóa, về lại nhà, chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc với anh.”

 Ngài Munindra biết rằng, đôi khi hành động từ mẫn nhất dành cho một người chỉ là ở bên cạnh người ấy, không cần làm gì đặc biệt cả. Oren Sofer tả lại lần gặp Ngài lần cuối ở Dhamma Giri, “Lòng tôi thật đau buồn khi giã từ Thầy vì nghĩ rằng chắc sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Chúng tôi đứng dưới mái tu cốc bé nhỏ của Thầy, và tôi chỉ khóc và khóc. Rồi Thầy bước theo tôi vì thấy tôi vẫn còn khóc. Hình như cánh tay Thầy đặt trên cánh tay tôi. Tôi có cảm tưởng Thầy không biết phải làm gì khi thấy tôi đau khổ đến vậy, nhưng Thầy vẫn đi bên tôi. Đi một khúc đường, tôi dừng bước, quay lại Thầy, cầm tay Thầy và nói, ‘Không sao đâu . Con không sao đâu Thầy.’ Thầy gật nhẹ đầu và nói: ‘Thế thì tốt’, rồi quay lưng, bước về tu cốc.” 

Lòng trắc ẩn không cạn kiệt. 

 Lòng trắc ẩn bao la của Ngài Munindra không bao giờ bị cạn kiệt như rất thường thấy trong các ngành nghề phục vụ, vì Ngài luôn biết quân bình giữa tâm bi với trí tuệ và tâm xả. Ngài hiểu rằng mỗi người phải nhận lãnh nghiệp quả do họ tạo ra, một điều mà Ngài không thể thay đổi gì được. Ngài tự nguyện cứu giúp mà không quá đặt mình vào địa vị người đó hoặc gánh vác luôn những vấn đề của cá nhân nào.

 Gregg Galbraith thuật lại, “Tuy vậy, sự cảm thông của Thầy quả thật phi thường. Khi nghe một thiền sinh trình pháp với vẻ lúng túng và hết sức chật vật để hiểu được các lời giảng dạy, Thầy biết ngay rằng họ đang gặp khó khăn do một xúc cảm hoặc chấn động riêng tư nào đó. Khi ấy, thay vì cứ nhồi nhét Giáo pháp vào đầu họ hay dẫn giải cao siêu khi họ chưa sẵn sàng, Thầy thăm hỏi vấn đề của họ và nói chuyện với họ tùy thuận theo căn cơ của mỗi người. Thầy có biệt tài này, và ai cũng biết Thầy thực sự lắng nghe và cảm thông với họ.”

 Gregg nói tiếp: “Thầy nhìn mỗi người một cách toàn diện và chia sẻ mọi quan tâm của họ. Đôi khi người ta đến để xin lời giảng dạy, và câu chuyện giữa Thầy và họ có vẻ rất đời thường, chỉ liên quan đến gia đình hay cảnh ngộ mà thôi. Nhưng đằng sau đó, Thầy thực sự đang hộ độ cho họ, đáp ứng vấn đề trong nội tâm của họ, giúp họ tiếp xúc và nối kết với Giáo pháp để đi vào cốt lõi của vấn đề. Bạn có thể giảng pháp cho một người, nhưng chưa chắc có thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần của họ. Thầy là một người anh cả cho bất cứ ai trên đường đạo. Thầy không áp đặt ai theo mình; Thầy chỉ cho con đường để bạn tự đi. Thầy thực sự là một người bạn lành trên đường đạo, một thiện tri thức, kalyāṇamitta.

Lòng trắc ẩn đối với người quá vãng. 

 Ngài Munindra quan tâm luôn cả đến những người đã quá vãng, đặc biệt là cho nỗi thống khổ của một hồn ma phụ nữ ở Bồ đề Đạo tràng. Brahmacharya Jīvānanda, vị tổng quản trị Chùa Đại Bồ đề thay thế Ngài Munindra khi Ngài qua Miến điện, thường nói với Ngài rằng có một hồn ma đang trú trên một cây cổ thụ xum xuê trước mặt phòng họp của Chùa. Ông đã nhiều lần chính mắt thấy hồn ma đó vì ông hay đi nhiễu quanh chùa và tụng kinh Phật vào lúc bốn giờ sáng. Tiếng than khóc, hòa lẫn với tiếng vỗ cánh của một bầy chim lớn, phát ra từ một cây me trong nghĩa địa Hồi giáo rồi di chuyển đến cây cổ thụ này. Ông ta thấy một bóng trắng từ trên cây xuống, tiến đến một góc đường bên cạnh chùa và hướng về khu làng.

 Ngài Munindra bàn chuyện này với vài vị tăng. Một trong các sư là nhà ngoại cảm, biết rằng hồn ma đang khốn khổ, và nếu có ai làm việc thiện rồi hồi hướng cho hồn ma này, hồn ma sẽ thoát khỏi nghiệp cảnh oan khiên thống khổ của mình. Ngài Munindra bèn đi dọ hỏi bên làng Hồi giáo kế cận. Một giáo sĩ ở đó cho biết rằng, đã lâu rồi, có nghe chuyện một thiếu phụ Hồi giáo đang mang thai bị giết chết rồi đem chôn cạnh gốc me. Ngài hỏi có ai trong làng muốn làm phước cho hồn ma này, nhưng không ai ưng thuận.

 Ngài bèn nhân dịp này đích thân cử hành nghi lễ Phật giáo sanghadāna – dâng y và cúng dường thực phẩm cho chư tăng – với tác ý hồi hướng tất cả phước báu đến người phụ nữ quá vãng đầy đau khổ này để bà được siêu thoát khỏi mọi oan trái hận thù. Ngài thỉnh mười vị tăng đến phòng họp để cúng dường thực phẩm và dâng y. Sau buổi lễ này, không ai còn nghe tiếng khóc than hay thấy bóng trắng lai vãng nơi đây nữa.

Khích lệ người khác làm việc từ thiện.

 Phẩm hạnh từ bi và vị tha của Ngài Munindra là nguồn hứng khởi cho bao người khác noi theo. Một số môn sinh xuất sắc của Ngài trở thành thiền sư dạy đạo; một số khác dấn thân vào các lãnh vực mang lại phúc lợi lớn lao khác nhau.

 Gregory Pai hồi tưởng lại ảnh hưởng sâu sắc của Ngài đối với ông, nhất là từ khi Greg thôi làm việc cho chính phủ vào đầu năm 2002. “Tôi chủ yếu bắt đầu làm những việc tôi muốn làm khi Thầy còn sinh tiền: dành thêm thời gian tham dự các khóa thiền dài cho sự tu tập được thâm sâu, tham gia thêm vào việc giảng dạy – không phải bằng việc giảng pháp truyền thống, nhưng qua môi trường phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện, các tù nhân và cựu chiến binh. Tôi hiện đang điều hành vài chương trình mang Giáo pháp đến cho những ai, mà thông thường, hiếm có nhân duyên tiếp xúc với đạo Phật. Đây không phải việc dễ dàng; đôi khi thành công, và đôi khi kết quả không mấy khả quan.”

 Ông nói, “Tôi không biết động lực nào đã thúc đẩy tôi làm những công việc này, nhưng đằng sau đó, tôi nhìn thấy hình ảnh của Thầy. Rất nhiều người nghèo khó, thất học và thiệt thòi trong xã hội không hề biết rằng trên thế gian này có pháp hành thiền, và họ chính là những người cần biết pháp hành này nhất. Tôi đi theo và tiến mãi trên hướng nguyện này nhờ ảnh hưởng lớn lao của Thầy.”

Thấu hiểu bản chất của tâm bi. 

 Pat Masters nhớ lại cách Thầy đã giúp cô hiểu thấu đáo hơn về karunā – tâm bi. “Thầy giảng giải rằng thuật ngữ karunā biểu thị một yếu tố chủ động, nó gần như là một động từ. Muốn có tâm bi thật sự, cần phải có tác ý và hành động. Dĩ nhiên, không có sự phân biệt ta và người, cũng không thể chỉ có cảm xúc với tâm bi mà còn cần có hành động với tâm bi nữa.”

 Ngài Munindra giải thích cách huân tập, phát triển tâm bi khi có người hỏi tâm bi từ đâu đến: 

Tâm bi tự động đến với hành giả bởi vì hành thiền thực sự vun bồi và phát triển tâm vô tham, vô sân và vô si. Tham, sân, si là yếu tố của sự tối tăm; chúng làm tâm ta mờ mịt. Chỗ nào có sân hận thì không có tâm bi; chỗ nào có tình thương thì tâm bi tự động theo sau. Khi ta tu tập thiền quán, tâm được thanh lọc và trong sạch, tâm bi sẽ sanh khởi. Các ô nhiễm, phiền não càng được tiêu trừ, tâm càng trong sáng thanh khiết hơn, và như thế tâm bi vốn có sẵn trong ta được phát triển. Ngoài ra cũng có một phương cách đặc biệt để trau giồi tâm từ mẫn, đó là pháp hành thiền từ quán. 

 Ngài Munindra muốn nhắc nhở lại những lời hướng dẫn mà Đức Thế Tôn đã nhiều lần giảng dạy về cách ban rải lòng từ bi ra khắp bốn phương, các hướng trên, dưới, chung quanh và khắp nơi, cho chính mình và cho tất cả chúng sinh, một tình thương “cao thượng, bao la, không ngăn ngại, không hận thù và không ác ý.”

 Không được như loài người, loài vật không biết hành thiền, nhưng chúng cũng biết bày tỏ lòng từ bi, biết tạo thiện nghiệp. Barry Lapping nhớ có một dịp khi Ngài Munindra cùng Ngài Goenka đang đi bộ dọc theo con đường chính trong Bodh Gaya và thấy một con chó đực đang chăm sóc một bày chó con bị bỏ rơi. Barry nghe Ngài Munindra nói: “Đây là thiện nghiệp giúp đưa con vật này ra khỏi các cảnh giới thấp kém.”

 Ngài Munindra xác quyết rằng tâm bi mẫn là hạnh chủ yếu để có được bình an và hạnh phúc, không những ở kiếp hiện tiền mà còn ở các kiếp vị lai. Đức hạnh của chính Ngài phản ảnh một tâm hồn không chút dấu vết oán thù đối với bất cứ ai. Vì hiểu rõ luật nghiệp báo và vô minh, ngay cả lúc người khác chỉ trích hay cắt đứt tình bằng hữu với Ngài, Ngài vẫn ban trải lòng từ bi đến họ, thay vì tức giận hay kết oan trái với họ. Ngài cũng không oán hận bất cứ cảnh ngộ trớ trêu hay nghịch duyên nào.

 Cả đến lúc nằm chờ cái chết dần tới, Ngài cũng vẫn lo lắng, quan tâm cho các vị khách đến đảnh lễ , Ngài lần cuối, hơn cho chính thân Ngài. Chừng nào còn nói được, Ngài còn chia sẻ Giáo pháp với họ, lòng luôn mong muốn rằng ánh Đạo sẽ dẫn dắt họ trên con đường thoát khổ.

Hãy phát triển thiền tập trên đề mục lòng bi mẫn; Do thiền tập về lòng bi mẫn,

Những gì thuộc ác tâm sẽ được trừ diệt.

Phật Ngôn

Trung Bộ Kinh 62.19



 

karunā: từ gốc kar (thực hiện, làm). Karunā được dịch nhiều cách như “tâm bi”, “lòng trắc ẩn”, “hành động bi mẫn”, “lòng lân mẫn cứu độ”. Karunā mong muốn mình và người khác chấm dứt khổ đau, oan trái, hiểm nạn.

 Là phẩm chất thứ hai trong tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra), tâm bi chính là tâm từ (mettā) có đối tượng là những ai đang đau khổ. Tâm bi không chỉ là lòng thương cảm, muốn chúng sinh thoát khỏi khổ nạn (dukkha), mà  còn cố gắng làm một hành động cụ thể gì cho đối tượng ấy. Tâm bi là thuốc giải độc cho kẻ thù trực tiếp của nó là sự lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm, hay nhẫn tâm, bởi vì tâm bi có công năng thanh lọc tâm bằng cách diệt trừ các gốc rễ bất thiện của sân hận, ác ý.

 Tâm bi không phải là hối hả làm một việc gì – bất cứ việc gì – cho người khác nhưng hữu hiệu nhất khi được thuần thục bởi trí tuệ (paññā). Lúc ấy sẽ có tỉnh giác và hiểu biết rằng tất cả chúng sinh và mọi pháp đều có liên hệ  nhân duyên với nhau.

 Tâm bi không phải là bi lụy hay thương hại – tức kẻ thù gián tiếp của nó – vì tâm bi không bị khắc phục bởi sầu khổ. Cũng giống như ba phẩm hạnh từ, hỷ và xả trong tứ vô lượng tâm, karunā không giới hạn, không ngăn ngại và không phân biệt người được thọ hưởng. Do đó, karunā còn được gọi là “vô ngại đại bi” (appamaññā). Đức Phật  khuyên dạy phải ban thấm nhuần tất cả bốn trải khắp phương hướng một tâm hẩm hạnh trên. Karunā vì vậy bao  gồm ba phương diện: là động cơ thiện lành cho các nỗ lực chấm dứt khổ đau, có hành vi thực hiện mục đích đó, và là đối tượng hành thiền để dẫn đến các tầng thiền định.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn