(Xem: 1764)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2231)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

12-Nekkhamma (Xuất ly)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 11343)

 

12-Nekkhamma (Xuất ly)

Niết bàn không có Pizza

Vậy bạn còn thích Niết bàn nữa không?


Vì tham ái mà đau khổ dày sâu.

 MUNINDRA

 Người ta thường hay định nghĩa tự do là tha hồ chọn lựa người ta thường hay định nghĩa tự do là quyền tha hồ chọn lựa được làm, được nhận và được nói bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng sẽ ra sao nếu định nghĩa này thực sự đang gây ngộ nhận? Sẽ ra sao nếu thay vì vun bồi hạnh phúc thì nó lại đem đến hoang mang, căng thẳng, bối rối và bất toại?

 Có lẽ ít lựa chọn lại mang tới nhiều phúc lợi hơn. Qua lối sống bình dị, Ngài Munindra đã chứng minh rằng hạnh xuất ly ở một mức độ nào đó – không bị mê đắm bởi nhiều điều lắm việc – cuối cùng sẽ đưa đến sự tự do cao quý hơn, giải thoát khỏi những khổ đau bắt nguồn từ tham ái.

 Ý niệm về hạnh xuất ly (nekkhamma) không được phổ biến ở một xã hội chỉ muốn hưởng thụ những thỏa mãn tức thời. Nó gợi lên hình ảnh của sự thiếu thốn, nghèo khổ và khước từ của lối tu khổ hạnh và ép xác. Ngài Munindra không ghép mình vào những khắc khổ đó – Ngài không phải là một nhà tu khổ hạnh. Mặc dù không có nhà riêng, không địa vị vững chắc, không được các cơ sở tự viện bảo trợ, không một lợi tức cố định, nhưng lúc nào Ngài cũng rạng ngời hạnh phúc. Ngài biết những gì Ngài thích nhưng không bị dính mắc vào chúng, trừ phi là Giáo pháp.

 Đối với Ngài, hạnh xuất ly trở thành điều xác quyết tích cực, giúp xả bỏ những chướng ngại cho tâm nguyện sâu xa nhất của Ngài. Không có gì – thức ăn, chỗ ở, tiện nghi tân kỳ, bằng cấp, địa vị, danh hiệu, bổng lộc – đáng được mong cầu cho bằng sự tự do của niết bàn mà Đức Phật đã nói rõ là có thể đạt được. Vì thế Ngài Munindra hay hỏi các môn sinh rằng, “Niết bàn không có pizza, vậy bạn có còn thích niết bàn nữa không?”

 Ngài Munindra còn chỉ bày một cách khác để biết tri túc, biết tự bằng lòng: Vấn đề không phải là mình thu đạt được bao nhiêu mà là mình buông bỏ được bao nhiêu. Biết được điều gì là trọng yếu nhất đã cho Ngài một hướng đi rõ rệt và, từ đó, dễ dàng đi đến những quyết định vững chãi. Ngài thuộc nằm lòng lời Đức Phật dạy:

Nhờ từ bỏ lạc nhỏ Thấy được lạc lớn hơn,

Bậc trí bỏ lạc nhỏ Đạt được lạc lớn hơn.

Kinh Pháp Cú – Kệ 290

 Ngài Munindra đơn giản hóa cuộc sống bằng cách tránh xa bất cứ điều gì cảm thấy có thể cản trở con đường mưu cầu Giáo pháp – từ một cái máy điện thoại, chiếc xe đạp, máy đánh chữ, cho đến hôn nhân và tài sản.

Vị ngọt rỗng không

 Ngài Munindra luôn nhấn mạnh trong các pháp thoại rằng “mục tiêu cao thượng nhất là giải thoát khỏi tham, sân, si.” Từ cách Ngài nêu bật lên những gì hành giả sẽ đoạn diệt được qua từng tầng giác ngộ, Kamala Masters suy ngẫm rằng mục đích của thiền tập không phải là đạt đến hoặc có được một điều gì. Hơn thế nữa, “khi nào cũng có một liên quan mật thiết giữa những gì được từ bỏ và quá trình thanh lọc tâm ý.”

 Câu chuyện Ngài Munindra ghiền những món ăn ngọt của Ấn độ chứng minh rằng đoạn trừ được tham luyến của các giác quan có thể giảm bớt đau khổ do lòng ham muốn tận hưởng lạc thú mang lại:

Hồi ở Sarnath, tôi rất mê ăn ngọt. Tôi thường phải đi bộ ra tận Varanasi, cách đến sáu dặm, để mua ít thứ bánh kẹo. Cũng khá phiền phức nhưng lúc ấy tôi quá thèm ăn. Đến một ngày nọ, tôi tự nhủ, “Mình phải chấm dứt chuyện này thôi.” Thế là tôi vào một tiệm bánh kẹo Bengali lớn và ngon nhất mua vài kí lô bánh kẹo đủ loại. Tôi muốn ăn thật nhiều đến hết mức của tôi. Đến ngồi dưới một gốc cây ở ngoại thành, tôi nghĩ, “Mình sẽ không cho ai chút nào cả. Mình sẽ cố ăn cho hết.” Nhưng khi tôi mở bao ra, mùi bánh kẹo đủ loại trộn lẫn nhau bốc lên làm tôi phát buồn nôn. Tôi cố gắng tự ép mình ăn. Tôi nói với tâm tôi, “Này tâm, mi luôn luôn quấy rầy bắt ta phải ăn ngọt. Bây giờ sao không ăn đi?” Tôi có cảm giác nôn mửa vì kinh tởm và rồi không thể ăn được gì cả. Tôi nói, “Từ nay mình từ bỏ thói tật này.”

Một cuốn sách dạy yoga viết rằng khi ta thèm khát bất cứ một thứ gì, hãy thỏa mãn nó đến tận cùng, rồi ta sẽ thấy chán chê nó. Cách này đúng với trường hợp của tôi.

 Không có nghĩa là từ đó Ngài Munindra không hề ăn ngọt nữa. Khi Ngài sang Mỹ, nhiều người mời Ngài ăn thử các thức ngọt mà họ thích. Vì lịch sự, Ngài nếm qua, nhưng nhận biết là mình không còn quen ăn đồ ngọt và thật sự cũng không còn thèm muốn chúng nữa.

 Ngài giải thích rằng những lạc thú giác quan mà con người tham đắm – sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon hay xúc chạm êm ái – thảy đều như ảo ảnh:

Vào giữa trưa một ngày nắng chói, nếu nhìn ở đằng xa, ta thấy như có nước trên mặt đất. Nhưng nếu tiến đến gần, gần hơn nữa, ta thấy chẳng có gì cả – trống rỗng. Vạn pháp đều như thế. Từ thuở bé, chúng ta đã chạy theo màu sắc này, âm thanh nọ – ồ, trông thật đẹp! Bao nhiêu năm qua, ta chỉ biết nhìn ra bên ngoài, theo đuổi những lạc thú giác quan. Chúng ta hiểu lầm, tưởng là có cái gì tốt đẹp hơn nơi đó. Nhưng nếu hàng ngày ta luôn chánh niệm, biết trọn vẹn nghe âm thanh, trọn vẹn nếm vị ngọt, ta sẽ thấy rằng thanh này, vị ấy rỗng không như bong bóng nước, nổi lên rồi tan vỡ. (Tương Ưng Bộ Kinh, Tương Ưng Uẩn 3.1)

Khi đã hiểu rồi, ta sẽ chán rượt đuổi những thứ phù du ấy. Tham ái làm tâm ta mất quân bình; vì tham ái mà đau khổ dày sâu. Và khi có điều gì trái ý, sân hận liền nổi lên. Hiểu được điều này thì khổ đau cũng chấm dứt. Trừ phi ta thấy chán chê ghê sợ, tâm sẽ không buông xả được. Buông xả mang đến tự do, buông xả mang đến giải thoát.

  Ngài Munindra giảng giải tận tường rằng “tâm nhàm chán” đưa tới sự chấm dứt thèm khát không giống như tâm ghét bỏ hay sân hận. Đúng hơn, tâm nhàm chán là kết quả từ nhận thức được bản chất hão huyền của các đối tượng giác quan.

Không Khi Nào Là Gia Trưởng

 Ngay từ thuở còn trẻ, Ngài Munindra đã bày tỏ ý định không muốn lập gia đình. Ngài nói với người em Govinda: “Anh không muốn kết hôn và lập gia đình. Anh không thích bị ràng buộc. Đời sống gia đình thật là phức tạp phiền toái. Nếu Đức Phật đã từ bỏ tất cả và nhiều năm sau tìm được câu trả lời cho bao nhiêu vấn đề, tại sao anh không thể đi theo con đường ấy để tìm câu trả lời cho những vấn đề anh muốn biết?”

 Ngài kể lại, lúc còn nhỏ, cậu bé Munindra được mọi người khen là khôi ngô tuấn tú: “Phụ nữ thường hôn hít, vuốt ve tôi, và nói với tôi về chuyện hôn nhân. Mỗi lần như vậy, tôi thường hay khóc.” Tuy nhiên, theo phong tục, cha mẹ Ngài vẫn sắp đặt việc đôi lứa cho Ngài. Nhưng Ngài không muốn chỉ vì tập quán mà phải kết hôn. Ngài khẳng định: “Ngay từ đầu, tôi đã muốn đi ngược giòng.”

 Thân phụ của Ngài lo việc cầu hôn cho Ngài lần đầu tiên rất sớm, nghĩ rằng đôi trẻ sẽ thành hôn khi khôn lớn. Ngài “gặp và thích người con gái ấy”. Chuyện kể tiếp rằng, một ngày nọ, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị ma ám trên đường từ trường về nhà, cô gái thoáng thấy một hình ảnh ghê rợn. Bất thình lình cô bị sốt mê man, ói mửa, rồi chết trong vòng không đến hai ngày.

 Ngài Munindra kể: “Khuôn mặt cô trở nên vô cùng xấu xí và kinh sợ.” Lúc ấy Ngài không buồn, cũng không thấy nhẹ lòng vì thôi còn ràng buộc, mà cảm thấy nhàm chán và muốn tách bỏ đời sống. Ngài nói: “Một cô gái xinh đẹp vô cùng mà có thể chết như vậy. Tôi thấy cuộc đời này cũng thế thôi.” Gia đình thêm hai lần đính ước cho Ngài. Và vì các cô gái này lại chết đi nên lễ cưới không bao giờ có. Cuối cùng, Ngài xin phép cha mẹ rời khỏi mái gia đình và được họ đồng ý.

 Ngài Munindra khước từ việc hôn nhân không phải vì xem thường hay chê bai phụ nữ. Trái lại, thái độ kính trọng thân mẫu của Ngài cũng là thái độ chung đối với hàng phụ nữ trong suốt cuộc đời Ngài.

 Vivian Darst nhớ rằng “nhiều lần, Thầy đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ – với công ơn sanh thành dưỡng dục bao la.” Thầy nói: “Người cha cho đứa con chỉ một giọt huyết thống, còn người mẹ cho con tất cả da thịt và máu huyết. Thân thể này là từ một người phụ nữ. Ai ai cũng mang ơn mẹ. Do đó chúng ta phải luôn luôn kính trọng hàng phụ nữ.”

 Về sau, khi cuối cùng đã sắp xếp được, Ngài đến Bangladesh, tìm về vùng thôn dã quê hương nơi mẹ Ngài đang sinh sống để dạy Giáo pháp cho mẹ.

 Sự khước từ hôn nhân của Ngài Munindra dễ khiến ta nghĩ rằng Ngài cũng sẽ khuyên can người khác không kết hôn. Người em trai Govinda và người cháu gái Subhra đã chịu ảnh hưởng Ngài mà không lập gia đình, nhưng Ngài không tự động khuyên nhủ ai chống đối đời sống gia đình. Ngài giải thích rõ ràng rằng “một người cư sĩ tại gia cũng có thể đạt giác ngộ hoàn toàn. Rất nhiều vị cư sĩ đã thành tựu giác ngộ trong thời Đức Phật và bây giờ cũng có những vị thành tựu đạo quả ấy.”

Từ y Tỳ kheo đến y Du sĩ.

 Ngài Munindra không cho rằng đời sống ở tu viện là lựa chọn duy nhất cho những ai muốn tìm cầu Giáo pháp. Khi cần phải lựa chọn, Ngài cũng đã xa rời tu viện sau khi được Hòa thượng Mahāsi, thầy của Ngài, cho phép. Ngài xả y tỳ kheo, dứt bỏ các mối quan hệ với thiền viện và trở lại mặc y trắng, sống cuộc đời không nhà của một du tăng anāgārika, nhưng bây giờ thì với đầu tóc luôn cạo nhẵn.

 Ngài rời bỏ đời sống ở tu viện ít nhất vì hai lý do thiết thực. Lý do thứ nhất là để hóa giải thử thách sinh tồn. Đã từng có kinh nghiệm trực tiếp về những thử thách của đời sống tu sĩ, Andrew Getz chứng nhận rằng: “Ấn độ không phải là một xứ sở Phật giáo, không phải là nơi có nhiều người hiểu biết và tôn trọng giới luật của Đạo Phật. Bạn chạm trán với đủ mọi vấn đề khó khăn trong thực tế. Tôi nghĩ Ngài rất trí tuệ đã nhận ra điều đó và không muốn tự đặt mình vào tình huống ấy.”

 Lý do thứ hai là để hóa giải vấn đề thứ bậc tôn ti, vì giữa một tu sĩ và người thường luôn luôn có một khoảng cách nào đó. Ngài Munindra giải thích: “Nếu là tỳ kheo, tôi khó có thể chia sẻ tất cả những gì tôi đã học hỏi với người thế tục. Có rất nhiều cư sĩ muốn hiểu biết Giáo pháp, vì thế tôi muốn tìm đến với họ để chia sẻ kinh nghiệm tu tập của mình.”

 Quyết định này thật lợi ích cho các nữ môn sinh. Tara Doyle nói rằng, “Đối với Thầy, cái hàng rào vô hình mà người phụ nữ thường cảm nhận giữa họ và chư tăng Nguyên thủy – chẳng hạn không được đứng quá gần nhau, không được đi chung xe hay ngồi chung phòng chỉ có hai người – hoàn toàn không hiện hữu. Thầy giống như chú hay cậu của mình. Tôi hoàn toàn không thấy một tính chất giới tính nào toát ra từ Thầy.”

 Tara tiếp, “Điều này dĩ nhiên thật quan trọng, khiến mối liên hệ với tôi và các học trò thật trong sáng. Thầy gần như trung tính, có phần nào nam, có phần nào nữ, cũng có phần nào không cả hai – một sắc thái mà tôi nghĩ các tăng và ni nên được như vậy, nhưng trong thực tế lại có quá nhiều giới hạn giữa chư tăng ni và người phụ nữ. Với Ngài Munindra chỉ có sự tử tế, hiền hòa và dễ thân cận.”

 Bill “Chaitanya” Samways nhận xét: “Thầy không hẳn là tăng, nhưng Thầy thật sự là một vị tăng. Thầy không hẳn là một giảng sư, nhưng Thầy sẵn sàng giảng dạy.” Vị trí nửa chừng đó đã khích lệ nhiều môn sinh.

 Christina Feldman nói Ngài thật là độc đáo vì “Thầy không là người xuất gia nên biểu hiện được vai trò bắc cầu quan trọng với đời sống thế gian; thế nhưng, trong vòng giao tiếp ấy, Thầy vẫn rất kiên cường bất khuất trên đường Đạo – ‘tùy duyên mà bất biến’.”

 Shaun Hogan nói rằng sự lưỡng phân giả tạo mà ta tạo dựng lên giữa một vị tu sĩ và một “người thường” gợi cho anh cảm nghĩ: “Ồ, nếu tôi nghiêm túc tu tập, tôi phải đang thực tập thiền ở nơi nào đó như là một vị sư.”

 Với Ed Hauben, “Thầy là một ảnh hưởng mạnh mẽ giúp ta hiểu được rằng sự phát triển tâm linh không chỉ tùy thuộc vào việc tĩnh tọa trên gối thiền nơi tu viện, mà trong từng giây phút hiện tại của cuộc sống đời thường.”

 Theo Jack Kornfield, tấm gương của Ngài Munindra quả thật quan trọng cho hàng tăng chúng Tây phương vì “Ngài hỗ trợ cho nhiều phẩm tính tốt đẹp nhất trong công trình xây dựng một cộng đồng đạo pháp của chúng tôi – cởi mở, học hỏi tra cứu, từ bi độ lượng, thuần thành với Chánh Pháp – những tâm hạnh mà không cần phải là một tăng sĩ mới vun bồi. Bằng sự hiện diện, bằng lời giáo huấn, bằng đức hạnh và công năng tu tập của chính mình, Ngài hỗ trợ cho tất cả chúng ta xây dựng cộng đồng ấy.”

 Tưởng niệm về hạnh xuất ly của Ngài Munindra, Lama Surya Das nhận xét: “Các sở hữu vật chất của Ngài rất ít ỏi, nhưng tầm vóc sâu rộng của trái tim và tâm thức Ngài thật là vĩ đại. Không khoa trương, không trình diễn, Ngài quả là một khuôn mẫu cho hạnh tùy duyên mà bất biến, nhập thế nhưng vẫn giữ tâm xuất thế. Ngài không có tu viện riêng. Ngài chỉ mang theo với mình Sila, Samādhi, Paññā – Giới, Định, Huệ – mảnh đất Phật tùy duyên trôi nổi của riêng mình mà nương tựa, vun bồi.”

Những thử thách của Hạnh Xuất ly.

 Nếp sống của một du sĩ anāgārika thích hợp với lý tưởng của Ngài Munindra là muốn chia sẻ Giáo pháp càng rộng càng xa càng tốt – từ những người nội trợ Bengali đến những thanh niên Âu Mỹ. Tuy nhiên, sống theo hạnh xuất ly cũng luôn thử thách nhuệ khí của Ngài.

 Luke Matthews ghi nhận, “Thầy đã chọn một con đường khá cam go: thân không nhà và làm mồi cho những ngọn gió rủi may không phải là một cuộc sống dễ dàng. Thầy rõ ràng có một niềm tin kiên quyết vào nghiệp quả của mình và vào sự bảo vệ, gia hộ của Giáo pháp.”


 Không có một mái nhà thường trú có nghĩa là phải năng di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Ở Calcutta, Ngài ở trọ trong một căn phòng của Hội Mahabodhi hay ở nhà của gia đình. Ở Bồ đề Đạo tràng, Ngài ngụ trong khuôn viên Gandhi, chùa Trung quốc hay chùa Miến điện. Ở Igatpuri, Ngài sống trong một tu cốc khu Dhamma Giri. Khi du hành, Ngài là trú khách của bất cứ tư gia hay trung tâm nào đó. Ann Shawhan gọi nếp sống anāgārika của Ngài là “một cách sống đời thánh thiện lưu động.”

 Gregg Galbraith giải thích rằng khi tu học ở Miến điện, Ngài Munindra được cung cấp đầy đủ các nhu cầu mà không cần phải yêu cầu. Nhưng khi trở về Ấn, tình cảnh thật khó khăn. “Thầy sống cực kỳ đơn giản và có rất ít vật tư dụng, giống như một nhà sư. Thầy không có công việc làm, không có phương tiện sinh sống. Thầy chỉ là một người thầy. Thông thường, nếu là một tu sĩ Phật giáo ở Á châu, bạn sẽ được chăm sóc vì có liên hệ với một ngôi chùa. Thầy Munindra thì không. Thầy từ bỏ hết tất cả mọi hình thức giúp đỡ của tự viện. Phương tiện duy nhất để sang Hoa kỳ hay đi các nơi trong nước – ngay cả từ Calcutta đến Bodh Gaya – là các cúng dường của thí chủ hay môn sinh. Thầy sống nhờ vào bảo trợ của thân quyến, của Hội Mahabodhi, chùa Miến điện hay các món quà nhỏ người ta tặng Thầy.”

Gregg nói thêm, phần lớn các tăng sĩ mà Thầy biết đến ở Ấn đều không học và hành thiền Vipassanā.(Phật giáo ở Ấn Độ đã bị mai một đến mức chỉ còn lại một số nghi lễ và kinh sách.) Do đó, nếu sống đời tu sĩ, Thầy có thể sẽ không được kính trọng vì Thầy ở ngoài khuôn mẫu thông thường.

 Gregg nhận định, “Đa số những người Thầy dạy thiền là thường dân thích học hỏi Giáo pháp và đạo Phật nhưng không rập khuôn theo các tập tục truyền thống. Thầy khuyên dạy họ vượt khỏi nền nếp xưa, lễ nghi cũ, và nhất là phải thật sự nghiêm chỉnh tu tập. Nhiều người ở Calcutta được Thầy dạy thiền, và dĩ nhiên các tăng sĩ nơi đó không ưa việc này. Họ chấp nhận và ưa mến Thầy, nhưng việc một người thường dạy thiền đối với họ gần như là một sự kiện hạ thấp quyền lực của giới tăng sĩ. Ở nhiều địa phương Á châu, người ta thường nghĩ rằng thiền là việc của chư tăng và chỉ chư tăng mới có thể thành đạt các đạo quả. Tôi nghĩ, đi giữa các giao tiếp này, Thầy biết mình đang bước trên một lớp băng giá mỏng manh.”

 Tuy nhiên cũng có vài vị tăng cảm kích vị thế bấp bênh, khó khăn của Ngài. Đại đức Nyaneinda, vị trụ trì chùa Miến điện ở Bồ đề Đạo tràng, biết Ngài từ năm 1976. Trong buổi lễ tưởng niệm Ngài Munindra qua đời năm 2003, Robert Pryor đã nghe được lời Đại đức bày tỏ cái nhìn thấu suốt của mình về hạnh xuất ly của Ngài Munindra: “Là tu sĩ, chúng tôi thường nói về sự xuất ly, không dính mắc vào vòng thế tục. Nhưng đa số chúng tôi đều có đền chùa phải chăm nom và cần gánh vác nhiều trách nhiệm khác không nhà. Dù Ngài không là một tỳ kheo, nhưng Ngài sống như một tỳ kheo, một vị tăng – và là một vị tăng giới đức hơn nhiều vị tăng khác.”

Đừng để tiện nghi chế ngự mình.

 Mặc dù sống giản dị nhưng Ngài Munindra cũng lưu ý đến chất lượng. Govinda Barua nói, “Nếu ai chở Ngài đi bằng một xe kéo hay taxi tồi tàn, dơ dáy, Ngài có thể hỏi rằng: ‘Sao không chọn xe nào sạch sẽ hơn?’ Ngài luôn nghĩ rằng tiện nghi và thoải mái là điều nên có, nếu được, cho mình cũng như cho người khác.”

 Ngài công nhận mình có thích thú khi hưởng các tiện nghi tốt đẹp mà những người mời thỉnh Ngài trên khắp thế giới dành cho Ngài. Nhưng khi ở Ấn độ, Ngài chẳng bao giờ buồn phiền khi không có những tiện nghi sang trọng ấy. Đặc điểm này nêu gương cho Dhammaruwan Chandrasiri biết “cách sống giản dị, nhẹ nhàng, thảnh thơi, không dính mắc vào sự vật chung quanh.”

 Dhammaruwan ghi nhận, “Khi bạn gọi một người là anāgārika ở phương Đông, người ấy không bao giờ đi du lịch bằng phi cơ phản lực hoặc đi qua nước nọ, xứ kia. Ngài Munindra thì du hành khắp nơi bằng những phương tiện hiện đại, nhưng Ngài không để chúng chế ngự, cám dỗ mình.”

 Cách Ngài Munindra quyết định giữ lấy hay từ bỏ một vật gì cũng rất rõ ràng trong chuyến thăm Hoa kỳ lần đầu khi Steven J. Schwartz dẫn Ngài đến Washington DC. “Tôi bỏ khá nhiều thì giờ chuẩn bị chuyến đi này và cố gắng tìm cho ra một chỗ ở tiện nghi, trang nghiêm, và kín đáo, lo cho tất cả những gì mình muốn dành cho một vị thầy khả kính mà không phải tiêu một số tiền quá lớn. Tôi sắp xếp với một người bạn để có một căn hộ hai phòng ngủ cho hai người, với dự định mời Thầy ở phòng ngủ chính và tôi thì dùng phòng ngủ nhỏ dành cho khách.”

 Ông kể tiếp, “Khi chúng tôi bước vào căn hộ, Thầy nhìn quanh khắp nơi. Thầy lộ vẻ hoan hỷ rồi bước ngay vào gian phòng nhỏ, đặt đồ dùng của Thầy xuống, trải tấm nệm giường ra, và ở lại nơi ấy. Thật là một giây phút xúc động được thấy một người, dù thích tiện nghi, bao giờ cũng nghiêng về nếp sống đơn giản, bình dị.” Và khi Ngài Goenka dành riêng cho Ngài Munindra một tu cốc cất liền với tư thất của Ngài Goenka trong khu Dhamma Giri, Ngài Munindra đã từ chối. Ngài chọn một tu cốc nhỏ, xa trung tâm sinh hoạt của khách thập phương.

Không vướng mắc vào địa vị.

 Như đã không để cho thức ăn ngon hay phẩm vật xa hoa chế ngự, Ngài Munindra cũng không cho những cám dỗ của địa vị quyền thế chen vào tâm tư. Ngài đã tự ý từ chức hội trưởng (vị hội trưởng theo đạo Phật đầu tiên) của đền Đại Bồ đề ở Bodh Gaya, cơ sở trung tâm của thế giới Phật giáo, và bỏ lại những gì thân thiết ở Ấn độ.

 Derek Ridler nói, “Điều cảm kích và mang nhiều khích lệ cho tôi là Thầy như xem nhẹ thân mạng của mình trước gian nguy thử thách. Thầy rời bỏ quê hương đến Miến điện để tích cực hành thiền, lao vào nơi chốn xa lạ và một đời sống bấp bênh chưa hề biết đến.”

 Cũng vậy, Ngài không tỏ tác phong và quyền uy của một vị đạo sư lỗi lạc. Robin Sunbeam liên hệ một câu chuyện về cách Ngài minh định vai trò của mình. Một ngày nọ, Ngài báo với cô rằng Ngài Goenka sắp cho một khóa thiền ở tu viện Miến điện và đề nghị cô nên tham dự.

 Cô nói, “Thoạt tiên tôi bối rối, vì tôi luôn nghĩ rằng Thầy là đạo sư của tôi. Thầy bảo tôi rằng Thầy không là đạo sư của ai cả, rằng Thầy không có đệ tử, và giải thích là Thầy cũng giống như một tấm bảng chỉ đường ở dọc đường. Nếu tôi đi quá xa qua hướng bên trái, thì Thầy chỉ tôi sang hướng bên phải. Nếu tôi đi quá xa qua hướng bên phải, thì Thầy chỉ tôi sang hướng bên trái. Thầy không muốn vai trò đạo sư vì không muốn bị dính mắc. Thầy chỉ muốn được tùy nghi ban tặng, chia sẻ, và sống an nhiên, không vướng bận.” Fred von Allmen ghi nhận, “Thầy không muốn bị vướng bận vào quyền sở hữu, vào những lớp học hay khóa thiền long trọng, vào một ai hay một điều gì bao giờ. Lúc nào Thầy cũng như tự thả nổi – không dính mắc nơi bờ bến nào, an nhiên tự tại.” Mỗi lần có ai dâng cúng nhà cửa, tiền bạc, hay bảo đảm nơi ăn chốn ở cố định, hoặc đề nghị việc điều hành một tu viện ở Ấn, Thầy thảy đều từ khước. Thầy bảo, “Tôi tránh tất cả những cám dỗ này.”

Buông xả và khiêm nhường.

 Ngài không để vướng bận vào việc thâu nhận môn đồ, một phần cũng là để không bị dính mắc vào sự ngưỡng mộ, ca tụng hoặc tuân phục của họ. Christina Feldman nói trong tiếng cười, “Chắc chắn là Thầy không muốn giành cho mình một chiếc ngai vàng. Thầy thật khiêm tốn trong vai trò một người thầy, không phô trương, không tự phụ. Điều đó thật vô cùng hữu ích và khích lệ cho tôi.”

 Cũng thế, khi từ Brazil đến trung tâm Mahabodhi tại Calcutta lần đầu vào năm 1987, Ricardo Sasaki được vị tăng điều hành cho biết là phòng ông ở kế phòng Ngài Munindra. Không để phí chút thời gian nào, Ricardo liền qua gõ cửa phòng Ngài.

 Ông kể, “Ấn tượng đầu tiên và lâu dài về Thầy là một người vô cùng đơn giản, một người không bị ảnh hưởng bởi danh tiếng và thành tựu. Sau lần nói chuyện thứ nhất, lập tức Thầy mời tôi qua dùng điểm tâm với Thầy những ngày sau đó, trong căn phòng nhỏ hầu như trống lốc của Thầy. Tôi đoán đó là dấu hiệu cao quý của những bậc trí nhân sáng ngời hạnh cách ly (viveka) và hạnh tri túc – mà những năm sau đó, tôi đã thấy được trên hành trình tâm linh qua nhiều địa điểm Phật giáo khác. Thầy thường tự nấu ăn lấy. Tôi thật nhớ mãi món bánh Ấn chapatis của Thầy.”

 Maggie Ward McGervey suy gẫm về đức tính xả bỏ và giản dị của Ngài: “Có quá nhiều vật chất, cám dỗ, danh thơm tiếng tốt, và những tìm cầu thể chất trên cõi đời này. Một người ở mức khiêm cung, đôn hậu, tử tế và xả bỏ như vậy dường như thật hiếm hoi. Thật ra ở vài mặt, Thầy cũng là người hơi chú ý tiểu tiết, chẳng hạn như độ nóng của trà Thầy uống. Nhưng điều thực sự quan trọng cho tôi là kinh nghiệm được tiếp cận với một vị thầy vô cùng thanh sạch trong hạnh xả ly, thật an lạc và khiêm tốn.”

Buông bỏ tùy duyên.

 Những buông bỏ và không dính mắc của Ngài Munindra cũng có sự chọn lọc. Ở Rangoon, Daw Than Myint để ý thấy Ngài cũng khá tỉ mỉ trong nhiều việc, cả đến việc giữ một mớ khăn lau nhỏ. “Ngài có một khăn để lau đầu, một khăn để lau mặt, một cái cho việc này, một cái cho việc kia… Ngài thích mọi thứ đều ngăn nắp, tươm tất và sạch sẽ.”

 Daw Than Myint nhớ rằng bà hay làm nước chanh đường cho Ngài, nhưng bà không nếm thử trước khi dâng Ngài. Ngài nhắm mắt và uống, dù nó chua đến đâu, và cũng không khi nào bảo bà cho thêm đường. Ngài có thể hơi kén chọn, nhưng không bao giờ than phiền.

 Vài bạn hữu và học trò cũ vẫn còn đùa về phong cách đôi khi như trái ngược nhau giữa hành động từ bỏ mà lại còn vài sở thích của Ngài. Tara Doyle nhận xét, “Trên bình diện lớn, Thầy dễ dãi, uyển chuyển; nhưng trong vài việc nhỏ, Thầy lại có vẻ tỉ mỉ, chọn lọc.”

 Tuy nhiên, theo Robert Pryor, “Thầy có thể chú ý nhưng không hề khó chịu, phiền bực về những tiểu tiết nhỏ nhặt. Chẳng hạn, Thầy bảo Denise Till, ‘Thầy cần loại ớt đó.’ Denise có thể trả lời, ‘Thưa Thầy, hôm nay không mua được.’ Và Thầy sẽ trả lời, ‘Ồ, không sao.’”

Dính mắc vào kinh sách.

 Trong khi sẵn sàng xả bỏ những gì người khác không muốn xả bỏ, thì Ngài Munindra lại không thể buông rời kinh sách của mình cho đến cuối cuộc đời.

 Ngài yêu thích sách vở từ thơ ấu. Là một học sinh giỏi, cậu bé Munindra được thầy giáo trường làng cho phép được lấy bất cứ sách nào cậu muốn từ thư viện trường. Ngoài ra cậu còn được tự chọn phần thưởng cho người đứng đầu lớp – bất cứ loại sách nào trong thư mục của Calcutta. Ngoài sách vở từ trường học, của thân phụ cậu và của người khác cho – tất cả đều được dịch ra tiếng Bengali – cậu còn đọc vô số các loại sách khác, gồm cả những cổ thư Hindu như là Ramayana, Mahabharata, Bhagavad Gita, Upanishads Puranas.

 Lòng yêu sách chuyển sang thú sưu tập kinh sách, đặc biệt vì Ngài đón nhận tất cả tác phẩm văn học từ bất cứ truyền thống nào. Kết quả là Ngài đã tiếp nhận được hàng ngàn sách báo xuất bản từ mọi người ở bất cứ nơi nào Ngài từng cư ngụ hay du hành.

 Do công sức sưu tập của chính mình, sau chín năm ở Miến điện, khi trở về Ấn, Ngài mang về hai mươi bảy rương sách Phật pháp tiếng Pāli, Sanskrit, Miến điện và Anh ngữ. Do không được bảo quản đúng cách, phần lớn khối sách đồ sộ này không may đã bị chuột hủy hoại.

 Ngài Munindra tạo lập thư viện ở bất cứ nơi đâu Ngài sinh sống. Thư viện đầu tiên ở nhà cha mẹ Ngài, do tự Ngài đóng lấy tủ sách. Sau này, Ngài lãnh trách nhiệm quản thủ thư viện Chùa Mahabodhi ở cả hai nơi Sarnath và Bodh Gaya. Ngài giữ một thư viện cá nhân trong phòng mình. Ngài cũng cúng dường nhiều kinh sách cho các thư viện hiện hành. Khi lìa đời, Ngài nằm trong phòng ngủ đối diện với một thư viện mà Ngài thiết lập trong phòng thiền của gia đình.

 Lama Surya Das nhớ lại thư viện của Ngài Munindra ở Bodh Gaya. “Tuy Ngài ngụ trong khuôn viên Gandhi Ashram, nhưng phần lớn sách của Ngài được cất giữ trong một tủ sách có khóa trên lầu thiền đường tu viện Miến điện. Nhiều người đã tìm cách cạy cửa tủ sách này (ống khóa vẫn còn khóa, nhưng hai cánh cửa bị cong đôi chút) và Ngài không thích thế. Đây là những kinh sách hiếm có. Ngài không muốn các kinh sách ấy biến mất hết, và kết cuộc ở trong tay chỉ một người thay vì cho mọi người được đọc chung. Do đó, có thể nói, một cách yêu mến mà hóm hỉnh, là Ngài hết sức dính mắc vào những kinh sách của Ngài. Đó có lẽ là điều duy nhất mà tôi nhớ được về tâm dính mắc của Ngài.”

Hạnh phúc ở nơi nơi.

 Hành trì hạnh xả ly nhưng không phải là Ngài Munindra từ khước tất cả. Ngài chỉ buông bỏ những gì dư thừa, vô ích hoặc không tốt lành cho cuộc đời hành đạo của mình. Hạnh xuất ly không phải là quay lưng lại với sự phong phú mà thế gian hay thiên nhiên cung hiến, nhưng đó là một phương cách để huân tập hạnh tri túc.

 Thay vì tâm luôn bất an do tham muốn cái này, cái nọ, hoặc tâm luôn lo âu do phải cất giữ hay bảo vệ chúng, Ngài cảm thấy thư thái, tự tại vì không cần nắm giữ. Ngài rộng rãi và tùy nghi ban tặng những gì mình có, do đó tâm Ngài được an lạc. Không có nhà cửa, tiền bạc hay vật dụng tư hữu không bao hàm một thái độ tiêu cực; trái lại, Ngài thọ hưởng lợi lạc dồi dào từ sự xả ly.

 Thời gian ở nhà của gia đình Barua tại Calcutta, có lần Oren Sofer hỏi Ngài, “Thưa Thầy, Thầy có cảm thấy hạnh phúc khi ở nhà mình không?” Ngài trả lời với một nụ cười, “Nơi nào tôi ở, nơi ấy là nhà, nên tôi luôn luôn hạnh phúc.”

 

Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các dục, ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy.

Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, ta thưởng thức lợi ích ấy,

thời sự kiện này xảy ra:

Tâm của ta có thể hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, Vì ta có thấy:

“Đây là an tịnh."

 Phật Ngôn

Tăng Chi Bộ Kinh 9.4




 

nekkhamma: từ naiṣkramya (xuất ly, xuất gia, sống đời không nhà của một tu sĩ) hay từ naiṣkāmya (xuất ra khỏi hay từ bỏ, đặc biệt là khỏi các dục lạc giác quan hay tham ái thế gian kāma). Nekkhamma thường được hiểu là sự vắng bóng các ham muốn, sự có mặt của tâm vô tham, sự thoát ly ái dục, hay sự từ bỏ đời thế tục. Nekkhamma cũng có nghĩa là từ bỏ hay thu thúc đối với các trạng thái tâm bất thiện, như khẩu. ân hận, hay các hành vi bất thiện của thân và khẩu.

 Khác hơn là sự mất mát, nekkhamma chỉ rõ sự chọn lựa để buông bỏ những gì đưa đến thêm đau khổ (dukkha), cũng như vun bồi những gì mang lại hạnh phúc và bình an dài lâu, thay vì các lạc thú tạm bợ.

 Đứng thứ ba trong mười ba la mật (pāramī), hạnh xuất ly giúp củng cố giới đức (sīla). Là sự tư duy không vướng dục lạc (nekkhamma-sankappa), tức một trong ba loại chánh tư duy (sammā-sankappa), nekkhamma là yếu tố thứ hai và thuộc nhóm Huệ trong Bát Chánh Đạo.

 Nguyên nhân gần của nekkhamma là một cảm quan khẩn trương muốn tu tập (saṁvega).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn