(Xem: 1821)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2279)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

14-Dhammā-Vicaya (Trạch Pháp)

20 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 11986)


14-Dhammā-Vicaya (Trạch Pháp)

Hãy đến để tự thấy

Tự khám phá mình là con đường thám hiểm kỳ diệu nhất.

MUNINDRA

 Tính hiếu học của ngài Munindra thật là phi thường. Cũng giống như vị pháp hữu của ngài là Đức Đạt lai Lạt ma, Ngài luôn có lòng say mê học hỏi, truy tầm để am hiểu tường tận cách vận hành của vạn pháp – từ những điểm tinh tế trong môn học Vi Diệu Pháp cho đến những chi tiết tỉ mỉ về một lâu đài Đan mạch, một cái máy cắt cỏ, hay các loại rau quả bày bán ngoài chợ.

 Ngài có thể đặt “hàng vạn” câu hỏi cho một điều đơn giản, và không ai thoát khỏi được quỹ đạo ham  hiểu biết và hiếu học của Ngài. Những câu hỏi bắt đầu có từ thời ấu thơ khao khát muốn biết Đức Phật đã khám phá những gì dưới Cội Bồ Đề: “Tại sao Đức Bồ Tát lại quyết định rời bỏ cả một thế giới đầy dẫy vinh hoa phú quý? Ngài đã đạt được những gì? Bằng cách nào Ngài đã vượt thoát được già, bệnh, chết? Giác ngộ là gì? Phật tánh là gì?”.

 Ngài Munindra nói: “Đức Thế Tôn đã giải quyết các vấn đề của vòng sanh tử luân hồi. Nhưng những gì Ngài khám phá lại không được ghi rõ trong sử sách. Những thắc mắc này cứ ở mãi trong tâm, thúc đẩy tôi phải truy tầm và khảo cứu kinh điển cùng nhiều hệ thống triết học từ nhiều vị đạo sư ở Ấn độ, nhưng rốt cuộc họ vẫn không cho tôi được lời giải thích thỏa đáng.”

Người học trọn một đời.

 Ngài Munindra thấy mình có thể học hỏi từ tất cả mọi người, kể cả đứa cháu gái nhỏ Pallavi “Piyu” Barua :

Tôi luôn luôn học hỏi, ở bất cứ nơi nào tôi đến, từ bất cứ người nào tôi gặp. Tôi ham thích khám phá những điều mới lạ, những ý tưởng mới lạ, những hành trình mới lạ. Tầm hiểu biết về vũ trụ này thật là vô hạn, không bao giờ chấm dứt. Do đó, trong mỗi khía cạnh cuộc đời – của từng loài cây cỏ, côn trùng, muông thú, nhân loại – đều có điều cho tôi tìm hiểu.

 Ngay cả tuổi già và thân thể suy nhược cũng không dập tắt được lòng hiếu học, yêu thích suy xét, phân tích để am hiểu Phật pháp, dù ở nước nhà hay ở hải ngoại. Như Matthias Barth ghi nhận, “Thầy muốn thấy và hiểu mọi thứ. Vừa mới đặt chân đến Thụy sĩ, trên chuyến xe lửa từ phi trường đến thành phố, Thầy đứng cạnh cửa sổ nhìn ra và nêu rất nhiều câu hỏi cụ thể về ngành canh nông địa phương cũng như cách điều hành các tuyến xe buýt thành phố.”

 Nhưng vượt trên tất cả là lòng yêu thích tìm tòi, thẩm định và phân tích Giáo pháp của Đức Phật qua bất cứ gặp gỡ, tiếp cận nào. Ron Browning nói, “Điều làm tôi thán phục nơi Thầy là tâm kiên định, không ngừng nghỉ truy tầm và khảo sát đạo giáo, và tinh thần ham hiểu biết mạnh mẽ, không chỉ nhìn bề ngoài của sự kiện hay tướng trạng của pháp, nhưng còn tư duy để thật sự chiêm nghiệm xuyên suốt thực tánh của nó: ‘Ta học được Giáo pháp nào qua việc này?’”

 Trong tinh thần thẩm sát rất khoa học, Ngài Munindra có thể biến bất cứ sự kiện nào, ngay cả việc xem truyền hình hay phim ảnh – trở thành một bài giáo lý. Bryan Tucker nhớ lại, vào đầu thập niên tám mươi, Ngài yêu cầu một thành viên ở IMS đem cho Ngài một cuốn phim kinh dị nhất. Thế là Ngài phải xem phim The Texas Chain Saw Massacre (Cuộc Thảm Sát Bằng Cưa Máy Tại Texas). Ngài nói với Bryan:

Tôi muốn xem để kiểm nghiệm tâm xả và tự tại của mình trước sự sợ hãi. Tôi quán sát và ghi nhận cảm xúc của mình liên tục sanh rồi diệt khi nhìn màn ảnh. Lạ lùng thay, biết rằng Những hình ảnh ấy là không phải là cảnh sắc thật, nhưng tâm lại nghĩ tưởng đó là thật. Thế nên tôi muốn hiểu rõ vận hành này.

 Một lần ở Ấn, Ngài theo người cháu trai Tridib Barua và các bạn đi xem một cuốn phim Ấn độ điển hình, Rājā Rani. Người cháu rất ngạc nhiên về những lời Ngài bình luận sau đó. Tridib nói, “Chúng tôi thường cho loại phim này chẳng có gì đặc biệt – bình dân, kém nghệ thuật, thiếu sâu sắc. Nhưng ngay trong cuốn phim thật bình thường này, Bác tôi cũng nêu lên được nhiều phẩm tính đặc biệt của con người khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Bác là một thiền sư, Bác không xem nhiều phim ảnh, nhưng Bác lại tìm thấy được điểm đặc sắc trong loại phim này. Do đó, Bác cho chúng tôi thấy được rằng, nếu có tâm hay biết, nhận thức, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học đáng quý từ bất cứ sự kiện nào trên thế gian này.”

 Cả khi không trực tiếp xem một cuốn phim nào đó, Ngài cũng muốn nghe kể về nó. Michael Zucker liên tưởng đến một sự việc xảy ra trong thời gian Hòa thượng Mahāsi đến viếng Hoa kỳ năm 1979, khi ông phụ trách việc tổ chức và điều hành. “Ngài Munindra cũng có mặt trong chuyến hành trình này. Khi đến Washington DC, một tối nọ tôi ra ngoài để xem phim. Khi tôi trở lại thiền viện Zen, nơi đoàn lưu ngụ, cửa nẻo đều khóa cả rồi. Tôi đi quanh ngôi nhà, thấy có ánh đèn nơi phòng Ngài Munindra , tôi bèn đến gõ cửa. Ngài bảo tôi cứ trèo qua cửa sổ, coi như Là một việc rất bình thường, rồi yêu cầu tôi kể lại trọn câu chuyện phim tôi vừa xem (Panic at Hanging Rock), nhẹ nhàng tán thưởng theo và đặt nhiều câu hỏi.”

 Xuân Huỳnh kể rằng Ngài Munindra xem đi xem lại cuốn phim The Princess Bride (Cô Dâu Công Chúa): “Thầy tỏ vẻ thích thú một đoạn về anh chàng thông minh đưa ra hàng loạt câu hỏi.” Có lẽ nó phản ảnh được cái bản tính thích thẩm vấn của Ngài, như Robert Pryor đã nêu lên qua câu chuyện về một chuyến đi Sri Lanka của Ngài, năm 1980, để giảng dạy ba tháng ở đó. Bất ngờ, Robert có được cơ duyên đi cùng Ngài đến viếng thăm một trưởng lão tăng rất nổi tiếng, Đại đức Balangoda Ānanda Maitreya, năm ấy đã tám mươi tuổi.

 Robert kể lại, “Chúng tôi đến tu cốc ẩn dật của Đại đức ở miền ngoại ô thành phố Colombo, một vùng quê hẻo lánh và thanh tú. Hai Ngài đàm đạo với nhau bằng tiếng Anh vì không cùng chung ngôn ngữ mẹ đẻ. Thật là kỳ thú được quan sát cử chỉ, hành động của Thầy Munindra và được thọ hưởng lợi lạc từ tính hiếu học của Thầy. Đại đức Ānanda Maitreya là một học giả lỗi lạc – phòng của Đại đức chứa đầy kinh sách. Thầy Munindra thì rất yêu kinh sách và đọc sách là một đam mê mãnh liệt của Thầy. Vì vậy, Thầy hỏi, ‘Bạch Đại đức, Ngài có nhiều bộ sách thật tuyệt vời. Đây là các loại sách nào vậy?’ Và họ trò chuyện về sách. Rồi Thầy bắt đầu một loạt câu hỏi về sinh hoạt hàng ngày của Đại đức: ‘Mấy giờ Ngài Thức giấc? Thức dậy thì làm gì? Ngài dùng gì buổisáng? Ồ, Ngài khảo cứu kinh sách vào buổi sáng à? Ngài học những kinh gì và học trong bao lâu?’ Thầy hết sức tỉ mỉ trong cuộc vấn đáp. Vào nửa chừng cuộc đối thoại, một con chim bay đến, đậu trước cửa. Đại đức Ānanda Maitreya xin phép đi ra cho chim ăn.”

 Ông nói tiếp, “Khi Thầy chấm dứt các câu hỏi thì tôi có được một hiểu biết thật quý giá về đời sống của một vị ẩn sĩ qua sinh hoạt của bậc trưởng lão tăng/học giả/thiền sư này. Thật là một phước báu được có một thoáng nhìn vào đời sống của bậc cao quý như vậy. Cách thức hỏi han của Thầy đã gây niềm hứng khởi cho tôi: Từ đây mình sẽ thỉnh thoảng hỏi người chung quanh những câu hỏi tương tự bởi vì nó làm sáng tỏ được nhiều vấn đề.”

 Ngài Munindra hỏi han chi tiết ngay cả khi không là một đề tài cao cả như đời sống của các bậc chân tu. Lúc ngụ ở nhà Kamala Masters, có khi Ngài mặc y trắng đứng xem David, chồng của Kamala, bấy giờ đang nằm dưới sàn sửa xe, mình mẩy lem luốc dầu nhớt. Kamala kể, “Thầy hỏi, ‘Bạn đang làm gì đó?’ David giải thích, ‘Thầy biết không, xe hơi cũng giống như con người vì các bộ phận xe tương tự bộ phận của thân thể con người. Nó cũng có trái tim và lá gan, đó là bộ phận bơm và bộ phận lọc của xe. Còn bánh xe thì như chân người.’ Thầy hết sức hiếu kỳ và thích thú khi nghe cách giải thích đó.”

 Mỗi khi có dịp được học hỏi thêm về một loại máy móc, động cơ nào là Ngài như sẵn sàng dấn đến. Kamala và Gregg Galbaith đang cùng Ngài đi bộ ở nội địa Maui khi một chiếc xe kéo khổng lồ, cũ kỹ đến đổ củi xuống đường từ một kho chứa lớn. Kamala nhớ lại: “Chúng tôi đang ngồi nghỉ mệt thì Thầy đi đến hỏi người tài xế, ‘Đây là xe gì?’ Người tài xế hỏi Thầy có muốn lên xe ngồi thử không? Thầy nói, ‘Ồ, muốn chứ, sao lại không?’ Chúng tôi cùng phụ nhấc Thầy lên xe, và Thầy cặn kẽ quan sát mọi thứ.”

 Steven J. Schwartz ghi nhận: “Lòng yêu thích kinh nghiệm mới, thông tin mới của Thầy thật đáng kinh ngạc. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kinh nghiệm một môi trường mới cũng như trong tiến trình hiểu biết sự thật về pháp hành.”

Hãy đến để tự thấy (Ehipassiko)

 Ngài Munindra khuyến khích người khác nên biết truy tầm, khảo sát và thẩm định. Khi người Tây phương biểu lộ lòng mong muốn tự tìm hiểu, Ngài mở rộng ý hướng ấy bằng lời mời gọi của Đức Phật ehipassiko – hãy đến để tự thấy. Ngài dạy rằng, “Nếu muốn biết tâm mình, hãy ngồi xuống và quán sát nó”. Sự tìm hiểu sẽ dẫn đến tuệ giác về thực tánh của vạn pháp.

 Trong một khóa thiền ba tháng ở IMS, Ngài thúc đẩy James Baraz dấn thân vào tiến trình thẩm sát này: “Khi tôi đang tường trình một kinh nghiệm, Thầy hỏi sâu thêm vài khía cạnh vi tế về kinh nghiệm ấy. Tôi cố gắng diễn tả chúng. Thế rồi Thầy cất tiếng tụng kinh, và khi tụng đến Phật ngôn ‘ehipassiko, ehipassiko, ehipassiko,’ gương mặt Thầy rạng nét hân hoan. Thầy chạm ngón tay trỏ của bàn tay này vào lòng bàn tay kia, và nói, ‘Nhìn, hãy nhìn kỹ vào đây! Thật kỳ diệu thay – sự sống, kinh nghiệm trong giây phút hiện tại này và bản chất của thực tại hiện tiền! Thật là thú vị và hấp dẫn, nếu bạn để tự nó hiển bày như vậy. Hãy nhìn cho chính mình. Ehipassiko!’”

 James kết luận, “Đó là một lời hướng dẫn, nhưng là một lời hướng dẫn nhẹ nhàng, nhu nhuyễn nhất. Nó không như, “Anh phải nhìn kỹ hơn nữa,” mà là, “Hãy để nó mời gọi, lôi cuốn anh.”

 Oren Sofer kể, “Đôi khi Thầy đặt tay lên vai hay lên ngực tôi và nói, ‘Cả thế giới ở ngay đây này. Khi bạn hiểu được thân và tâm này, bạn sẽ hiểu được vạn pháp.’ Đó là điều làm tôi yêu mến Thầy – khi Thầy xác quyết rằng ta chắc chắn có khả năng trực tiếp hiểu biết được thực tánh của thân tâm và của thế giới này.”

 Vào dịp khác, sau khi Oren nêu lên một lô câu hỏi, Thầy Munindra nói, “Còn câu hỏi nào nữa không?” Oren đáp, “Thực ra con còn nhiều điều thắc mắc lắm, nhưng con cảm thấy dù con có thể ngồi đây suốt ngày cùng Thầy hỏi đáp thì con vẫn chưa hẳn nắm vững được mục tiêu chính của mình.” Thầy đồng ý, “Đúng thế, vậy là bạn đã hiểu ra rồi đó. Nhiều điều bạn có thể hỏi tôi, nhưng rất nhiều điều khác nữa bạn sẽ phải tự tìm lời giải đáp bằng việc hành thiền của chính bạn.”

Thấu suốt tiến trình Thân Tâm.

 Điều mà Ngài Munindra muốn các môn sinh của Ngài phải tự mình thấy được là Tứ Diệu Đế, ba đặc tánh chung của các pháp chịu điều kiện (vô thường, khổ, vô ngã), thực tánh cơ bản của các kinh nghiệm, và vài điểm cốt lõi khác trong Giáo pháp của Đức Phật. Ngài dạy:

 Dukkha – là sự thật về khổ, Khổ Đế. Khổ cần thông qua phân tích và thẩm định. Khổ phải được truy tầm, quán sát và khám phá. Từ đó sẽ thấy được nguyên nhân của khổ (Tập Đế). Tập Đế là gì? Ta lại cần phải tìm hiểu, thẩm sát và tư duy.

 Ngài Munindra thường hỏi, “Tâm là gì? Chánh niệm là gì?” và giải thích:


Muốn hiểu điều này, ta phải khảo sát toàn bộ hiện tượng của thân và tâm, các tiến trình tâm vật lý: Tôi là gì? Tôi là ai? Muốn biết được câu giải đáp, ta phải hiểu được thế nào là tổng thể của một chúng sinh. Theo môn tâm lý học Phật giáo, một chúng sinh thường gọi là “ta” hay “tôi” được phối hợp bởi hai phần: tâm và vật chất, hay danh và sắc (nāmā-rupā). Ở đây vật chất là gì? Đó là thân. Tấm thân vật chất này được cấu tạo bởi bốn yếu tố chính (tứ đại): đất, nước, lửa, gió. Bốn yếu tố này riêng biệt nhau, có đặc tính khác nhau.

Khi ta nói “yếu tố đất” thì yếu tố đất là gì? Gồm nhiều lớp khác nhau, nó còn gọi là yếu tố của sự căng cứng, của sự choán chỗ trong không gian. Ở bình diện thô, nó là tóc, lông, móng, răng, da, xương, thịt… bao gồm hai mươi thể loại đặc của thân thể. Tuy nhiên, khi tâm thinh lặng, ta sẽ thấy gì nếu quán sát sâu hơn nữa? Lúc ấy, thực tánh của chúng sẽ hiển lộ.

Khi ngồi thiền, có lúc ta cảm thấy nặng hay cứng. Cái nặng hay cứng này cũng là đặc tính của yếu tố đất. Đôi khi ta cảm thấy rắn chắc. Sự rắn chắc này cũng là bản chất của yếu tố đất. Và nếu những cảm giác cứng, rắn, nặng này làm ta thấy khó chịu, không thoải mái, đó gọi là cái đau về thân. Vậy đây là yếu tố đất mà chúng ta kinh nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại ấy.

 Tâm biết được đặc tính đang biểu lộ đó; tâm là khả năng nhận thức. Tâm và vật chất lúc ấy đang làm việc nhịp nhàng, hòa hợp với nhau. Còn yếu tố đất là vật chất. Nó không biết gì; nó không có khả năng nhận thức.

Khi ta nói “Tôi thấy nặng,” “Tôi thấy cứng,” “Tôi thấy rắn,” thì cảm giác cứng, nặng, rắn ấy không phải là “tôi”, là “ta.” Đó chỉ là đặc tính của yếu tố đất. Khi ta nói, “tôi nặng,” thì sự đồng hóa ấy được gọi là “tự ngã” hay “ảo tưởng về ngã,” và đó là tà kiến, là cái nhìn sai lầm về sự thật đang diễn ra. Cái tự ngã này trở thành một chướng ngại. Khi vừa đồng hóa yếu tố đất là “tôi” là “ta”, là ta bắt đầu dính mắc: “Ồ, tôi không thích nó.”

Nếu không đồng hóa, ta sẽ không bị vướng mắc vào những ý nghĩ như thế. Lúc đó việc hành thiền trở nên dễ dàng hơn, ta kinh nghiệm được từng giây phút những gì đang diễn ra trong hiện tại. Chỉ khi tâm được tập trung và định tĩnh thì thực tướng của các pháp mới tỏ lộ. Sẽ có rất nhiều thứ được khảo sát, biện biệt và hiểu biết. Đó là tiến trình tự khám phá chính mình.

 Ngài Munindra đã tiếp tục hành trì tiến trình này cho đến cuối kiếp sống mình. Khi tới viếng Ngài ở Calcutta chỉ vài ngày trước khi ngài mất, Robert

 Pryor nhận thấy Ngài rất yếu ớt, không thể rời khỏi giường bệnh. Ông nói với Ngài, “Chắc là khó khăn cho Thầy lắm!” Ngài điềm đạm nói, “Tôi không hề nghĩ là nó lại lâu đến như thế.”

 Robert suy niệm, “Đó là một nhận định uyên thâm vì nó đến từ Thầy Munindra, một người quan sát đầy hiếu kỳ, ham hiểu biết. Thầy không đang than van. Tôi nghĩ, ‘Chao ôi, đây chính là tâm quán sát và ghi nhận. Phải trải qua một năm chờ cái chết, Thầy đã có dịp khảo sát, suy nghiệm toàn bộ tiến trình.’ Thân xác Ngài cứ hao mòn dần. Người khác có thể rất đau đớn, khốn khổ và chỉ hời hợt hay biết tiến trình tàn hoại này. Nhưng Thầy thì vẫn tiếp tục quán sát tất cả, từng giây phút.”

Cảm khích người khác Với nhiệt tình khám phá

 Nhiệt tình tìm hiểu, khám phá của Ngài Munindra dễ dàng lây lan đến nhiều người khác. Như Kamala đã nêu rõ, “Với Thầy, không chỉ là tính hiếu kỳ suông mà là một cuộc truy tầm đầy thú vị.”

 Steven V. Smith nói, nhờ hưởng được hạnh truy tầm để am hiểu và tâm hoan hỷ của Ngài Munindra mà anh không cảm thấy bị áp lực khi làm việc hay như khi phải cố gắng đậu một cuộc thi. “Chuyện gì xảy ra không thành vấn đề vì câu hỏi thiết yếu lúc nào cũng là: Mình chánh niệm thế nào? Điều gì đang đến? Mọi việc đều lý thú, kể cả ô nhiễm và phiền não. Mọi việc đều có một vai trò trong tiến trình tư duy và hiểu biết những gì đang xảy ra. Tôi nghĩ Thầy là người trước tiên vượt qua dễ dàng thử thách đó, không cần phải chối bỏ một loại ý nghĩ hay cảm giác nào, chỉ cần hiểu biết chúng.”

 Lòng yêu thích khảo sát của Ngài Munindra đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Jack Engler: “Thầy khuyến khích hạnh tìm tòi, suy xét thật mãnh liệt. Mọi vật, mọi người đều gây được niềm hứng thú tìm hiểu cho Ngài, dù chỉ là một món đồ chơi, một loại máy đánh chữ nào đó; hoặc tại sao có người lại có thể xa rời gia đình hơn nửa vòng trái đất để đến cái làng nhỏ bé, dơ dáy, đầy bụi bặm này; hoặc làm thế nào để đặt một hỏa tiễn hay vệ tinh vào quỹ đạo?”

 Với Jack, “Tinh thần hiếu học và ham hiểu biết của Ngài không hề có giới hạn, luôn nối kết tất cả mọi thứ lại với nhau, và tất cả – qua cách này hay cách khác – đều liên hệ đến Giáo pháp, đến cách sống trọn vẹn cuộc đời. Vào thời điểm ấy, tôi đang sống một cuộc đời tương đối hạn hẹp và lắm đam mê. Ngài đã khai mở đời cho tôi. Năng lực và nhiệt tình của Ngài đã cho phép và khuyến khích tôi sống một cuộc sống mới, rộng mở và sáng tỏ.”

 Uffe Damborg ghi nhận, “Thầy tích cực cống hiến cho Đạo pháp nhưng không hề có tinh thần giáo điều. Thầy luôn luôn khuyên nhủ mọi người phải biết tìm hiểu, phân tích, đến tu học với các vị đạo sư khác, đọc điều này, và tư duy điều kia. Thái độ của Thầy về các vấn đề giáo lý cũng rất phóng khoáng. Mặc dù Thầy là một học giả lỗi lạc, làu thông Tam Tạng kinh điển, cũng là một giảng sư xuất chúng về môn Vi Diệu Pháp, nhưng Thầy vẫn thường nói,

 ‘Đừng quá để tâm vào những gì được ghi lại trong kinh điển hay sách vở mà phải cố gắng tự thấy biết, tự thẩm định cho chính mình.’ Giáo pháp của Thầy thật sinh động, không phải từ một truyền thống mà từ một cuộc đời sống thực.”

 Andrew Getz nhận định, “Thầy ham thích hiểu biết lạ thường, có tinh thần học hỏi và phân tích đời sống vô cùng rộng mở mà, ở vài khía cạnh nào đó, chính là cốt tủy của việc thực hành Giáo pháp.”

 Ông giải thích, “Ai trong chúng ta cũng đều khao khát hiểu biết được tâm ý mình và biện biệt giữa điều thiện và bất thiện. Nhưng việc ấy không nhất thiết lúc nào cũng đơn giản và minh bạch. Không thể khăng khăng đây là phạm giới và, vì vậy, đó là hậu quả. Cần có một tiến trình nào đó để học hỏi và thẩm định đâu là thiện, đâu là bất thiện, và nếu phạm sai lầm, phải biết suy tư, khảo sát nó. Một trong những yếu tố dẫn đến giác ngộ là Trạch Pháp (Dhamma vicaya) – sự truy tầm để nhận biết và biện biệt các pháp bằng trí tuệ.”

 Jacqueline Schwartz Mandell nói cô bị thu hút bởi thái độ sẵn sàng tiếp thu của Ngài khi bàn luận về bất cứ đề tài gì, quan điểm gì về Đạo pháp. “Thầy chỉ muốn tiến thẳng vào một cuộc pháp đàm lý thú và cô đọng với động cơ duy nhất là khám phá được sự thật. Tính năng nỗ trong cách truyền thông của Thầy – thẩm vấn cởi mở để tìm hiểu, truy xét – là một nguồn cảm hứng vô biên cho tôi.”

 Patti Dye Fuller cũng có được kinh nghiệm mới mẻ này. “Khi giảng về thương yêu, thầy hỏi, ‘Thương yêu là gì? Nếu bạn thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm hay suy nghĩ về nó, thì nó là gì?’ Tôi quả không biết loại thương yêu mà thầy đang nói đến, một tình yêu lãng mạn hay tình cảm gia đình, nhưng thật là độc đáo với tôi khi khảo sát một ý niệm như vậy bằng cách chia chẻ nó ra thành từng phần nhỏ riêng biệt.”

 Với Howard Cohn, câu hỏi không phải về thương yêu mà về hạnh phúc. Câu hỏi ấy được nêu lên vào cuối một ngày thật vui, đầy tiếng nói cười, với Ngài Munindra. Howard thuật lại, “Lời từ biệt của Thầy dành cho tôi là một khởi điểm thúc đẩy tôi vào một cuộc tìm kiếm nội tâm. Thầy chúc tôi, ‘Mong bạn thật sự được hạnh phúc.’ Câu chúc phúc nghe có vẻ bình thường, nhưng tôi cảm nhận được ý Thầy: ‘Bạn đang vui vẻ đó, nhưng cầu mong bạn thật sự được hạnh phúc. Có một loại hạnh phúc khác mà bạn chưa hề biết đến.’”

 Ông nói, “Giây phút ấy thật ý nghĩa. Nó để lại trong tôi ý nghĩ: ‘Này, bạn đang hạnh phúc chung chung đấy. Có thể bạn hơi bận rộn với cái hạnh phúc này. Mong bạn thật sự được hạnh phúc.’ Có một điều gì khiến tôi thấy khiêm tốn trong hiểu biết hơn qua câu chúc ấy, và cùng lúc khích lệ tôi tìm hiểu tâm mình sâu sắc, thấu đáo hơn. Năm tháng dần qua, tôi đã hiểu rõ hơn những gì Thầy muốn nhắn nhủ.”

Kiểm nghiệm và chứng minh.

 Di huấn lâu bền của Ngài Munindra để lại cho Akasa Levi là “hỏi, hỏi, hỏi.” Theo Akasa, điểm cốt tủy của di huấn đó, như trong Kālāma Sutta (Tăng Chi Bộ Kinh 3.65), chính là: “Đừng vội tin một điều gì chỉ vì điều đó được nói từ kinh điển, từ truyền thống, từ gia đình, hay từ đạo sư của bạn. Hãy đốt nó, thử nghiệm nó, cào xé nó, đổ cường toan lên nó, cân lượng nó, làm mọi thứ có thể làm, giống như cách thử vàng để biết thật hay giả.”

 Gregg Galbraith nói, “Thầy giống như một nhà khoa học. Thầy muốn hiểu biết thật trọn vẹn giáo lý, kỹ thuật tinh luyện giáo lý, và phương cách vận dụng các lời dạy này vào việc hướng dẫn học sinh của mình.” Vì vậy Ngài không bao giờ thỏa mãn với những gì nghe lại từ người khác và đã bỏ ra bao nhiêu năm trời tự học hỏi, tu tập, tư duy giáo huấn của Đức Phật. Joseph Goldstein thêm, “Lòng ham thích truy tầm, biện biệt các pháp là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất của Thầy.”

 Ngài Munindra muốn chính mình kinh nghiệm trực tiếp và chính xác về đời sống xuất gia thường nhật, chẳng hạn như việc đi khất thực trong thủ đô Rangoon. Ngay cả trước khi thực thụ trở thành tỳ kheo, Ngài đã từng đi khất thực như một sa di theo gần hai trăm vị tăng. Vào buổi sáng, đoàn chư tăng đi thành hàng dài, đến từ nhà này sang nhà khác. Ngài kể, “Ồ, thật là thích thú được chứng kiến đoàn chư tăng cùng đi từng bước, mắt nhìn xuống đất, tay ôm bình bát.” David Wong nói rằng, “Thầy tràn ngập hân hoan, trái tim như oà vỡ với sự tìm tòi, quán sát và niềm thú vị trước vạn pháp.”

Vắt nước chanh.

 Ngài Munindra nhận thấy những người Tây phương du hành đến tận Ấn độ để tu học Phật Pháp “rất thành tâm và trung thực.” Ngài khuyến khích họ cùng Ngài tìm hiểu Giáo pháp và vui mừng khi họ nêu lên thật nhiều câu hỏi. Nếu thấy ai tỏ ra kín đáo, dè dặt, Ngài khuyên, “Nếu bạn không chịu vắt trái chanh thì sẽ không có nước chanh.” Ngài luôn thúc giục nhóm sinh viên ngoại quốc trường Antioch, “Hãy hỏi tôi những câu khó nhất.”

 Chính Ngài đã nêu gương đó. Ann Shawhan bật cười khi nhớ lại thời gian cô học cùng nhóm môn sinh đầu tiên ở California của Ngài: “Thầy luôn luôn tra hỏi chúng tôi y như một người từ hành tinh khác muốn tìm hiểu xem chúng tôi thực sự đang làm gì và tại sao làm thế.”

 Christine Yedica nói thêm, “Thầy hết sức thích thú muốn biết tất cả khía cạnh đời sống bên Âu Mỹ, hoàn cảnh ra sao và chúng tôi sinh hoạt như thế nào. Thật là một tiến trình khảo sát nhẹ nhàng và thú vị. Thầy hay hỏi, ‘Bạn nghĩ gì? Còn việc này thì sao?’ bởi vì Thầy tha thiết muốn nghe những gì ta muốn nói, suy nghĩ, và cảm nhận.”

 Steven J. Schwartz quý trọng Ngài nhất, như một vị thầy, ở điểm luôn muốn tìm hiểu về pháp hành của học trò mình. “Thầy hết sức quan tâm về cách bạn hành thiền, những gì bạn kinh nghiệm, những gì diễn ra trong giây phút ấy, và làm thế nào Thầy có thể hỗ trợ cho bạn. Giống như cách Thầy đã tra hỏi dồn dập một anh chàng trong thư viện Library of Congress về từng cuốn sách họ có, Thầy cũng thẩm vấn hàng giờ về việc hành thiền của bạn. Và thật đáng quý thay khi Thầy vừa khuyến khích công phu hành thiền vừa cung cấp những hướng dẫn hữu ích, bởi vì qua những câu hỏi, Thầy có thể xác định khá chính xác trình độ tu tập của bạn và, do đó, biết được cách hướng dẫn và điều chỉnh cho thích hợp và lợi lạc.”

 Jack Engler nói, “Ngoài pháp hành của môn sinh, Thầy còn quan tâm đến con người và đời sống của họ. Điều đó thật là hy hữu trong thế giới Phật giáo Nguyên thủy. Phần đông các vị thầy Nguyên thủy thường không chú ý nhiều đến cá tính hay đời tư của Phật tử, hoặc đến những vấn đề rối rắm hay cảnh ngộ khó khăn đang xảy ra cho họ, đặc biệt là với các thiền sinh Âu Mỹ. Các thiền sư chỉ hướng dẫn phương pháp hành thiền và mong thiền sinh thực hành theo.”

 Jack tiếp, “Nhưng riêng Thầy Munindra đặc biệt chú tâm đến từng cá nhân thiền sinh. Thầy muốn biết về gia đình họ, họ từ đâu đến, học ở đâu, có sở thích gì. Thầy còn tìm hiểu về các mối quan hệ của họ, nhân duyên nào họ gặp Giáo pháp, và vì sao họ lại đến Ấn độ. Thầy có thể để ra hàng giờ trò chuyện với một người về cá nhân người ấy. Và rồi, dần dần, Thầy bắt đầu chuyển sang đàm luận nhiều, rồi nhiều hơn, về Đạo pháp với họ.”

 Cách hỏi han của Ngài Munindra không chút gì tọc mạch hay soi mói mà thành thật và ân cần, vì Ngài thực sự quan tâm đến họ và những gì họ từng trải nghiệm trong đời. Trong thời gian đầu tiên khi các thanh niên Tây phương mới đến Bồ đề Đạo tràng, có một thiền sinh, đã hành thiền nhiều năm, quyết định sử dụng ma túy và ngồi suốt đêm dưới Cội Bồ đề. Sáng hôm sau, khi chuyến phiêu lưu gay go thử thách ấy vừa chấm dứt, anh gặp Ngài trên đường trở về phòng nghỉ. Ngài hỏi anh chuyện gì xảy ra. Anh nói, “Tôi phải kể lại tự sự với Thầy. Thầy ân cần hỏi tôi hết câu này đến câu khác và tỏ ra rất lưu tâm về chuyện đó.”

Những câu hỏi không bao giờ dứt.

Đôi khi, những câu hỏi bất tận của Ngài Munindra còn dường như để thử thách lòng kiên nhẫn của người khác. Steven J. Schwartz có mô tả một sự kiện xảy ra cuối chuyến đi Washington DC, vào thập niên bảy mươi. Ngài hỏi Steven họ sẽ về lại Barre, Massachusetts bằng cách nào.

“Sẽ bằng xe lửa.”

“Khi nào thì về?”

“Sáng thứ năm.”

“Đi lúc mấy giờ?”

“Chín giờ sáng.”

 Những câu hỏi không bao giờ dứt, nhất là vì Thầy Munindra vốn đã quen với hệ thống hỏa xa thường xuyên chở quá tải ở Ấn độ nên còn hoài nghi, hỏi đi hỏi lại mãi.

“Cuối cùng tôi nói, ‘Thưa Thầy, Thầy hỏi câu này chín lần rồi và đã biết câu trả lời rồi mà. Vì sao vậy?’”

“Tôi muốn biết chắc chắn rằng mình có thể lên xe được.”

“Chắc chắn là được. Thầy đừng lo.” “Vậy mình có vé chưa?”

“Chưa, nhưng mình sẽ lấy vé ở trạm xe lửa.” “Không được đâu. Lỡ hết vé rồi thì sao?”

“Không hết vé đâu, vì đó là chuyến để ngỏ, còn trống chỗ.”

“Chuyện đó không thể xảy ra được. Vé chắc gì còn. Có bao nhiêu chỗ ngồi?”

“Con không biết có bao nhiêu chỗ ngồi.”

“Có khi nào số người đi nhiều hơn số chỗ ngồi không?”

“Cũng có khi.”

“Vậy họ sẽ làm sao?” “Họ đứng.”

“Có khi nào có nhiều người đứng hơn chỗ đứng không?”

“Cũng có khi.”

“Vậy thì tại sao lại liều như vậy? Tại sao không đặt vé trước?”

 Do đó Steven phải gọi hãng Amtrak để đặt vé. Anh chờ điện thoại cả hai tiếng mới đăng ký vé xe được.

“Thưa Thầy, đã đặt chỗ xong rồi. Thầy vui lòng rồi nhé?”

“Vé đâu?”

“Không có vé ở đây.”

“Sao đã đặt chỗ rồi mà không có vé?” “Bởi vì mình đặt qua điện thoại.”

“Làm sao lại đặt chỗ bằng điện thoại được?” “Đó là cách làm việc ở Hoa kỳ.”

 Steven nói rằng Thầy Munindra có vẻ không tin lời anh nên nói, “Chắc bạn không đặt vé rồi. Bạn không muốn nên nói là đã đặt qua điện thoại chứ gì?” “Thưa Thầy, con không làm thế đâu. Vé đã đặt rồi. Đây là số đặt vé.”

“Tôi nghĩ cách này không được đâu.”

“Thầy tin con đi. Sẽ được mà. Bây giờ mình đã đặt chỗ trên một chuyến xe mà thực ra mình chẳng cần phải đặt trước như vậy.”

 Mặt sau của tính thích truy tầm của thầy Munindra là sự nghi ngờ, không phải là tâm hoài nghi về sự thật, mà là ngờ vực không biết sự việc có thật sự diễn ra theo một chiều hướng nào đó không. Chính lòng hoài nghi này làm nảy sinh ra tính ưa tìm tòi cặn kẽ để am hiểu tường tận.

 Steven kể tiếp rằng khi hai thầy trò đến trạm xe Amtrak, anh tới một máy bán vé, đặt thẻ tín dụng vào, và máy in ra hai vé. Thầy Munindra nhìn máy, nhìn anh rồi hỏi.

“Người đó ở đâu?” “Người nào?”

“Người đưa hai vé này đó!”

“Đâu có người nào đưa. Vé nằm trong máy.” “Vậy còn người nhận tiền vé?”

“Cũng không có người nhận tiền. Nó vô hình.” “Tiền vô hình à?”

Thầy bảo Steve ngồi xuống và nói, “Bạn phải cắt nghĩa cho tôi rõ việc này vì quả thật tôi không hiểu nó vận hành ra sao.”

 Do đó Steve giải thích rằng khi anh đặt tấm thẻ nhựa vào cái máy này thì một tin nhắn sẽ được gửi đi từ máy, ở Washington DC, đến Tulsa, Oklahoma – trung tâm của hệ thống thẻ tín dụng American Express. Tin nhắn ấy ghi rằng “Thẻ tín dụng của Bill Schwartz, chín mươi lăm dollars, cho hai vé xe lửa.” Khi tin nhắn này được gửi đi, thì sẽ có một tin nhắn khác gửi tới Newark, New Jersey, tức cơ sở trung tâm của hệ thống hỏa xa Amtrak để nơi này đồng ý Cung cấp hai vé. Và khi tin nhắn này được gửi lại máy bán vé ở Washington DC này thì hai vé xe được đưa ra.

 Thầy vô cùng ngạc nhiên và hỏi mãi, “Tại sao người ở Tulsa tức thì biết được người ở Washington và Newark đang làm gì?”

 Rồi thình lình Thầy nối kết được mối liên hệ, “ Thật giống như cách vận hành của tâm thức. Tất cả những hoạt động tâm ý diễn ra ngay tức khắc, vô cùng nhanh chóng, nên ta không thấy được – ký ức, nhân duyên, điều kiện, nghiệp quả, và hằng hà sa số sự kiện nữa xảy ra qua bao nhiêu thời gian, không gian. Tất cả đều vô hình, nhưng Pháp nhãn sẽ cho ta thấy được chúng, rõ ràng và sáng tỏ.”

 Steven giải thích, Thầy có trực giác về sự hoạt động của các pháp, và những gì Thầy không trực cảm được, Thầy tha thiết muốn hiểu biết. Thầy hỏi rất nhiều và rồi thư thái, tự tại hợp nhất các câu trả lời. Rõ ràng, xuất thân từ Calcutta, Thầy không quen với kỹ thuật hiện đại ở Hoa kỳ. Nhưng khi Steven mua vé ở máy, có một vấn đề khác đã lôi cuốn Thầy chứ không phải chỉ là sự khác biệt văn hóa. Thầy biết rằng có một loạt hoạt động vận hành bên trong cái máy, và Thầy hết sức hiếu kỳ, muốn am hiểu tận tường. Khi nhận ra được khả năng truyền thông nhanh chóng, xa, rộng, nối liền được nhiều vùng địa dư khắp nơi như vậy, Thầy vô cùng thú vị trước bài học đó, và vận dụng ngay vào Giáo pháp.

Vẫn còn bí ẩn.

 Dù Ngài Munindra rất say mê khảo sát, thẩm định,  suy tư và, từ đó, tiến đến sự phát triển trí tuệ, nhưng cũng còn nhiều phương diện trong vũ trụ mà tuệ giác Ngài chưa thể thăm dò. Kiến thức Ngài vô cùng bao la, nhưng Ngài vẫn cảm thấy nó còn quá khiêm tốn trước bao nhiêu điều chưa hiểu, hoặc không bao giờ có thể hiểu. Có nhiều việc Ngài không thể thấu suốt  bằng khả năng suy xét của mình, và do đó càng làm  tăng thêm sự ngạc nhiên và thích thú nơi Ngài.

 Một đêm nọ, Ngài đang nhìn ngắm sao trời, rồi bảo với Oren Sofer, “Thế giới này đầy dẫy điều bí ẩn, quá nhiều bí ẩn. Có bao nhiêu điều chúng ta không biết đến hay chưa am hiểu được, thế giới của thiên nhiên, và thế giới của tâm linh"

Mỗi khi an trú trong chánh niệm,

vị nào truy tầm, thẩm sát, biện biệt và suy tư về pháp với trí tuệ…

lúc đó vị ấy đã khởi sinh và đang phát triển Trạch Pháp giác chi

(Dhamma-vicaya),

một yếu tố của sự giác ngộ.

Phật Ngôn

Trung Bộ Kinh 118




 

dhamma-vicaya: từ tiếp đầu ngữ vi (phân ra, biện biệt) + ci (gom lại, vui bồi). Dhamma-vicaya thường dịch là “trạch pháp”, “truy tầm các pháp (hiện tượng tâm và vật lý)” hay “biện biệt giáo pháp”, “phân tích các phẩm tính”, “thẩm tra” và “nghiên cứu”. Thuật ngữ này còn có nghĩa là sự tra xét, phân biệt giữa những gì thiện xảo và không thiện xảo.

 Đứng thứ nhì trong bảy phẩm trợ bồ đề (bojjhaṅga), dhamma-vicaya là trạch pháp sanh khởi tự nhiên khi chánh niệm (sati) kiên định hiện diện lúc hành thiền. Trong Bát Chánh Đạo, dhamma-vicaya liên quan đến chánh kiến (sammā-diṭṭhi), do đó liên hợp với kiến thức, sự hiểu biết, hay trí tuệ. Qua sự thẩm tra và xem xét năng động hơn là đức tin mù quáng, hành giả sẽ xuyên thấu được thực tướng của thân và tâm (biện biệt danh sắc).

 Dhamma-vicaya công năng thắp sáng lãnh vực quán sát đối tượng. Thí dụ, do trực nghiệm được sự phân loại và biện biệt, hành giả thân chứng được sự sanh diệt của các đối tượng, các thành tố của chúng, ba đặc tánh chung – vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anattā)  cũng như tính chất thiện hay bất thiện của chúng. Nhận thức này khiến hành giả nỗ lực tinh tấn (viriya) để chọn lựa các pháp dẫn đến tự do và thoát khổ. Với đặc tính là thẩm tra và mục đích là quán sát, trạch pháp biểu hiện qua tính hiếu kỳ mạnh mẽ. Đó không là sự trầm tư hay suy nghĩ lan man, cũng không chỉ giới hạn trong thiền tập. Trạch pháp bao gồm nhiều phương cách – học hỏi, nghe pháp, tu tập bên vị thầy, trắc nghiệm, ước lượng – trong pháp hành và trong đời sống hằng ngày, thách đố các tín ngưỡng, quan kiến, phê phán và giả định để xác quyết cái gì là đúng, là thật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn