(Xem: 1759)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2224)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

15-Paññā (Trí tuệ)

20 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 13193)

 


15-Paññā (Trí tuệ)

Không tôi, không ta, không của ta

Chỉ Đừng Tự Đồng Hóa.

MUNINDRA

 Có nhiều điểm đáng quý và đáng kính nơi Ngài Munindra, nhưng điề mang lại niềm cảm kích sâu xa nhất là tri thức bao la về Giáo Pháp của ngài. Gregg Galbraith nói, “Thầy thật sự hiểu biết những gì Thầy đang thuyết giảng. Vì vậy tôi gọi Thầy là bậc thầy của các vị thầy.”

 Joseph Goldstein nhận xét, “Tôi vô cùng trân trọng và tri ân sự hiểu biết thâm sâu của Thầy. Mặc dù tôi không được kinh qua một quá trình nghiên cứu giáo lý có hệ thống như Thầy, nhưng qua giảng dạy của Thầy, tôi đã học hỏi rất nhiều về kinh tạng Pāli và một số kiến thức về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Tôi có được hiểu biết sâu rộng và căn bản vững chắc ấy vì nhờ Thầy là một vị đạo sư tinh thông mọi khía cạnh của pháp học cũng như pháp hành. Cả hai pháp này đã hợp nhất lại nơi Thầy thật toàn hảo khiến tôi biết trân quý cả hai, và thật sự thấy được hai pháp đã hỗ trợ nhau mật thiết như thế nào.”

Phương cách trưởng dưỡng trí tuệ.

Trong Giáo Pháp, có ba loại trí tuệ.

o Văn tuệ (Suta-maya-paññā) hình thành nhờ được nghe giáo lý từ một vị thầy giảng dạy và đọc các kinh sách ghi chép những lời dạy của Đức Phật.

o Tư tuệ (Cintā-maya-paññā) phát triển tuần tự qua tư duy, suy niệm và quán chiếu về những gì đã nghe hay đọc.

o Tu tuệ (Bhāvanā-maya-paññā) sanh khởi tự phát từ công phu hành thiền.

 Quyết tâm học hỏi những gì Đức Phật đã kinh nghiệm và hạnh truy tầm, thẩm xét các pháp của Ngài Munindra đã dẫn dắt Ngài phát triển toàn diện cả ba loại trí tuệ trên.

 Ngài đã viên mãn đủ tám nguyên nhân và điều kiện để thành đạt trí tuệ thiết yếu cho một đời sống thánh thiện:

1. Ngài có một vị đạo sư mà Ngài đã lắng nghe với lòng quý mến và tôn kính.

2. Ngài yêu cầu vị thầy của mình giải đáp và làm sáng tỏ mọi nghi ngờ, thắc mắc.

3. Ngài hành thiền.

4. Ngài giữ giới trong sạch theo lời chỉ dạy của Đức Bổn Sư, “Giới hạnh làm trong sạch trí tuệ, và trí tuệ làm trong sạch giới hạnh: Có cái này ắt có cái kia. Bậc đức hạnh ắt có trí tuệ, và bậc trí tuệ ắt có đức hạnh, và sự kết hợp của giới đức và trí tuệ được gọi là điều cao quý nhất trong thế gian.” (Trường Bộ Kinh 4.22)

5. Ngài học thuộc và tụng đọc kinh điển, suy xét và đàm luận về Giáo pháp.

6. Ngài kiên trì và nhiệt tâm thực hành Tứ Chánh Cần (padhāna), tránh xa và rời bỏ bất thiện nghiệp, phát triển và duy trì các thiện nghiệp.

7. Ngài không tham gia hý luận mà thích Pháp

đàm hơn cả, hay chỉ giữ im lặng cao quý.

8. Ngài luôn tập trung quán sát sự sinh diệt của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Nhà học giả Pāli.

 Là một học giả, Ngài Munindra cống hiến một chức năng phục vụ quan trọng cho các môn sinh cũng như cho các vị thầy khác.

 Gita Kedia nhớ rằng lần nào đến nơi cư ngụ của Ngài Goenka ở Dhamma Giri, nếu cô có câu hỏi hoặc nghi vấn gì, Ngài Goenka đều bảo người thư ký, “Hãy đi tìm Ngài Munindra.” Cô và nhiều người khác thường thấy hai vị đàm luận Phật pháp khi cùng bách bộ hoặc ngồi bên nhau. Gita ghi nhận, “Thầy chỉ bàn về Giáo pháp, không gì khác. Thầy ở đâu là giải tỏa hoài nghi cho mọi người ở đó. Thầy thu hút được tất cả vì ai cũng biết Thầy quả thật là một vị thầy học cao hiểu rộng.”

 Shyam Sunder Khaddaria, một trong những người đó, kể lại, “Tôi đang dịch và thu âm vài bài pháp tiếng Bengali. Rồi Ngài Goenka bảo tôi nên đi tường trình với Ngài Munindra những gì tôi đang thực hiện để Ngài nghe và góp ý phê bình.”

 Sau lần gặp đầu tiên ấy, Shyam thường đến viếng thăm Ngài Munindra để học hỏi và đàm luận về Tam Tạng Kinh. “Mỗi khi tôi gặp khó khăn về pháp học, Ngài tận tình hướng dẫn, giải thích tỉ mỉ và bảo tôi phải đọc thêm sách gì. Bất cứ câu hỏi nào vừa đưa ra, tức thì Ngài có ngay cho tôi tài liệu tham khảo: ‘Điều này có trong bộ kinh (piṭaka) nào, trong bài kệ (thā) nào, hay bài kinh nào (sutta).’”

 Shyam ghi nhận, “Thật đáng khâm phục Ngài đã thuộc nằm lòng tất cả tạng kinh, kệ và các bài kinh. Ngài giảng giải bằng cách minh chứng qua giáo lý, uyên bác và thâm sâu, còn có thêm kinh nghiệm thực chứng của riêng Ngài. Cả hai phần được phối hợp rất nhịp nhàng, chính thống và thật đáng tin cậy.”

 Peter Martin cũng được Ngài Munindra giúp đỡ giống như vậy, “Thỉnh thoảng có những câu hỏi không phải về thiền tập mà về kinh điển Pāli. Lúc ấy tôi đang sắp soạn các bài kinh mà Ngài Goenka tụng đọc nên phải cố gắng học hỏi thêm về các đoạn kinh PāliCó nhiều đoạn tôi không nắm vững phần tra cứu và được Ngài Munindra giúp đỡ, ‘À, có một câu chuyện về đoạn kinh ấy.’ Đôi khi tôi hỏi về một dòng đặc biệt nào đó, ‘Chỗ này phải dịch như thế nào và nguyên nghĩa là gì?’ vì Ngài thông hiểu Pāli rất thâm sâu, không chỉ đơn thuần dịch từ ngữ mà thôi. Ngài quả thật là một vị thầy tôi có thể hoàn toàn nương nhờ và tin cậy mặc dù tôi chưa được biết Ngài nhiều mấy.”

Trí tuệ xác thực Khuyến khích niềm tin cậy.

 Trí tuệ xác thực của Ngài Munindra khuyến khích nhiều người đặt lòng tin cậy vào Ngài. Gregory Pai nói, “Thầy quả đúng là một vị hướng dẫn tinh thần trong ý nghĩa về học tập và hiểu biết. Chẳng hạn, tôi đã đọc qua Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), nhưng Thầy cứ nhắc mãi, ‘Hãy đọc lại đi! Đọc chương này đây, bạn sẽ thích lắm! Đọc chương kia nữa, rất hữu ích cho bạn!’ Giống như ta tìm được một nguồn tư liệu cuối cùng và dứt khoát; đó là một người thật sự hiểu biết rõ ràng mọi việc đang xảy ra. Vì vậy, tôi đặt nơi Thầy một niềm tin cậy hoàn toàn tuyệt đối. Tôi xem Thầy như một vị cố vấn dày kinh nghiệm và một người hiện thân mọi ý nghĩa của Đạo pháp, chứ không chỉ là một vị thầy dạy giáo lý theo ý nghĩa suông kiến thức, nhưng hơn nữa, còn như một gương sáng cho tôi về cách sống trong thế gian này.”

 Wes Nisker thêm, “Bạn tin tưởng Thầy vì Thầy sở hữu nhiều khả năng về trí tuệ, lịch sử, truyền thống và nắm vững chúng thật tinh tường. Bạn cũng tin tưởng Thầy vì Thầy luôn nói từ kinh nghiệm thực chứng của mình. Đó mới thật là người có văn hóa, có chiều sâu tâm linh, có phẩm cách trầm lặng và hòa nhã.”

 Steven V. Smith cũng đồng ý, “Niềm tín phục được nung nấu khi ta cảm nhận được lòng kính mến Giáo pháp và nhiệt tâm của người nào đó. Ở đây khác hơn nữa vì nó còn được hỗ trợ bởi một kho tri thức toàn diện của lý thuyết, thực hành, hướng dẫn và thông hiểu kinh điển Pāli.”

 Uno Svedin ghi nhận, “Với tri thức thâm sâu đó, Thầy đã kết hợp thật lạ thường vai trò của một học giả và vai trò của một thiền giả đầy kinh nghiệm. Điều này thật trọng yếu cho hành giả Tây phương vìchúng ta có thể chấp nhận được chính chúng ta, qua cách Thầy nối kết trí tuệ trực giác và kiến thức uyên bác không như hai lãnh vực đối lập mà là một tổng thể hòa hợp.”

Chia sẻ trí tuệ.

 Như nhiều môn sinh bình luận, Ngài Munindra có khả năng thuyết pháp trong một thời gian rất lâu, có lẽ quá lâu cho một vài người. Shaun Hogan kể về các học trò Tây phương đầu tiên của Ngài, “Lúc đó chúng tôi không có sở thích đặc biệt về học thuật, vì điều ấy chẳng hấp dẫn được chúng tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ Thầy đã khơi dậy được năng khiếu ấy ở vài người. Cách Thầy giảng dạy làm chúng tôi thích thú hơn, làm tâm ý dễ trụ vào bài pháp hơn. Với tôi, quả là tuyệt vời khi lắng nghe Thầy. Rõ ràng, Thầy không chỉ giảng dạy giáo lý vì mình đã từng học hỏi được, mà Thầy đang chia sẻ điều Thầy lưu tâm đến nhất và đang sống với.”

 Shaun nói thêm, “Món quà Pháp bảo của Thầy tặng cho môn đệ gồm có ba phần: sự tập trung hành thiền, niềm vui khi hành thiền, và căn bản pháp học để nâng đỡ pháp hành.” Thí dụ, sau khi nghe Ngài giảng toàn bộ về giáo lý Mười Hai Nhân Duyên (Paṭiccasamuppāda), Shaun thọ hưởng một ý niệm tâm linh để thấu hiểu được những gì ông kinh nghiệmqua sự thiền tập và các từ ngữ để ghi nhận các hiện tượng thân tâm.

 Pat Masters nhận thấy Ngài Munindra “cực kỳ thông minh và tinh tường.” Cô khâm phục Ngài qua “sự hiểu biết, trí nhớ phi thường, và biệt tài trích dẫn các nguồn tham khảo về kinh sách. Ngài là một học giả hoàn hảo. Trong các pháp thoại, Thầy luôn luôn trích dẫn các lời dạy của Đức Phật. Thật là một nhân duyên đặc biệt cho tôi được đào sâu hiểu biết và thấm nhuần Giáo pháp khi xem xét lại các tham khảo kinh điển.”

 Trong khi Ngài là vị thiền sư chính của một số người, Pat thấy cách tiếp cận sống động về triết học của Ngài với họ cũng thật đáng lưu ý; “Thật quan trọng đối với Thầy khi có người hiểu được Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), khi họ suy niệm vài bài kinh, khi họ nhận ra được rằng không chỉ ngồi trên gối thiền hoặc chỉ làm việc phước thiện là đủ, mà còn phải thật sự có được một tầm hiểu biết giáo lý sâu rộng. Đó là một phần trong quà tặng của Thầy – sự chú tâm trọn vẹn của Thầy khi chia sẻ hiểu biết tâm linh.”

Trí tuệ vô ngã.

 Mặc dù kinh nghiệm thâm sâu và học thức uyên bác, Ngài Munindra không hề tỏ ra kiêu mạn và không bao giờ tìm cầu địa vị thành tích. David Johnson nóiNgài là một gương sáng của một bậc tài cao học rộng mà lại vô cùng khiêm hạ. “Cũng lạ, Thầy thật hòa nhã, dễ mến, đến nỗi chúng ta không cảnh giác được Thầy là bậc trí tuệ và hiểu biết của Thầy thâm hậu đến đâu. Tôi nghĩ Thầy không khiến ai phải tỏ sự kính trọng mà Thầy thật sự đáng được nhận hưởng.” Michael Stein nhận định, “Thầy thật khiêm cung.

 Bạn đã biết là Thầy hiểu cao học rộng, nhưng Thầy không muốn gieo vào đầu ai những ưu điểm ấy. Thầy chỉ ngồi đấy và lắng nghe. Nếu tôi gặp khó khăn chướng ngại, Thầy sẽ dạy tôi cách hành thiền nhẹ nhàng và thư giãn. Thầy sẽ xem đi, xét lại và giảng giải kỹ lưỡng tất cả những phức tạp tâm linh này bằng môn Vi Diệu Pháp. Nếu bạn có câu hỏi gì, Thầy sẽ giải đáp thật cặn kẽ từng chi tiết nhỏ.”

 Fred von Allmen cũng mô tả Ngài Munindra là một người có rất nhiều điều để trao truyền nhưng không hề khoa trương ầm ĩ. “Bạn hỏi một điều gì đó và Thầy sẽ bắt đầu giảng giải. Câu hỏi của bạn được giải đáp và bạn còn nhận được nhiều điều khác nữa.” Joseph Goldstein gọi đó là ‘mưa Pháp.’ Nói cách khác, câu hỏi của học trò khơi động nơi Thầy nguồn Pháp Bảo mà Thầy sẽ không ngừng ban phát. Thầy có thể giảng đến ba ngày về các tầng tuệ minh sát theo truyền thống Ngài Mahāsi, từ lúc thiền sinh bắt đầu thực tập cho đến tầng giác ngộ đầu tiên và tiến thêm chút nữa.”

 Fred nói tiếp: “Tuy nhiên, tôi đã mất một khoảng thời gian mới nhận biết và trân trọng tài năng và trítuệ xuất chúng của Thầy. Lần đầu tiên tôi gặp Thầy đang ngồi trong căn phòng nhỏ, trông Thầy ngộ nghĩnh trong bộ áo dài và mũ trắng, chẳng gây ấn tượng sâu sắc nào, cũng chẳng làm ra vẻ trịnh trọng về con người hay bản ngã của Thầy. Bạn có thể cảm nhận được sự thư thái và hầu như không tự ngã nơi Thầy, thật là nhẹ nhàng, thanh thoát.”

 David Wong nói, “Thầy Munindra truyền trao trí tuệ mà không gây chướng ngại nào cho ai. Điều tôi được học nơi Thầy là Giáo Pháp, chứ không là một bài học về cái ngã của Thầy. Thầy làm cho con người và vai trò mình trở nên trong suốt, vô hình. Thầy chỉ tay lên mặt trăng và tôi thấy mặt trăng, chứ không thấy ngón tay Thầy.”

 Dhammaruwan Chandrasiri giải thích một cách để hiểu thêm về trí tuệ, “Tôi gặp một vị trưởng lão tăng, trên tám mươi tuổi. Ngài bảo tôi: ‘Mô Phật, này con, con phải luôn khiêm hạ và nhún nhường. Sẽ chỉ có một số rất ít người nhận ra và hiểu được những phẩm chất tốt đẹp nơi con. Nếu con phô trương ưu điểm của mình, con sẽ nổi tiếng và thiên hạ có thể ngưỡng mộ con. Còn nếu con ẩn giấu cái tốt của mình, đôi khi con có thể bị hiểu lầm, nhưng chính đó mới là phẩm hạnh giá trị và cao thượng cuối cùng về sau.’”

 Dhammaruwan tiếp: “Những bậc hiền triết ở phương Đông thường không phô bày đạo đức tốt đẹp của họ nên ta phải biết nắm bắt và thấy được những đức hạnh ấy. Thầy Munindra là một người như vậy.Thầy không có tên tuổi lớn, không chuỗi tràng hay y áo sắc màu rực rỡ, không bề ngoài. Thầy không bao giờ tìm cầu danh vọng. Tất cả những gì Thầy thành đạt đều do quá trình tu tập và vun bồi tâm linh. Ngay cả khi người khác trở nên danh tiếng lừng lẫy, Thầy cũng không phê bình; Thầy chỉ tiếp tục duy trì tình thân hữu và hòa hợp.”

 Steven V. Smith cũng đồng ý, “Các bậc đạo sư cao thượng thường như vô hình. Tôi không ngụ ý rằng Thầy đã giác ngộ hoàn toàn – chính Thầy đã xác nhận Thầy còn đang trên con đường nỗ lực thành đạt cứu cánh tối cao ấy – nhưng Thầy cũng sống như thế, không kiểu cách tỏ ra là một ai cả.”

Đừng vướng mắc vào sự tự đông hóa.

 Ngài Munindra biểu lộ tánh hạnh vô ngã (anattā) qua sự không quá dính mắc vào các đặc điểm cá nhân hay về những thành đạt của mình. Ngài cũng hay khuyến khích môn sinh buông bỏ bớt mọi dính mắc.

 James Chadderdon nhớ lại một lời khuyên như vậy, “Tôi không nhớ đã nói chuyện gì đang xảy ra cho tôi lúc đó. Thầy chỉ nói, ‘Chỉ cần nhớ là đừng đồng hóa với nó.’ Lời dạy quả thật là trung tâm của mọi điều giáo huấn và của phương cách chế ngự tâm ý. Từ đó, tôi ghi lòng tạc dạ lời nhắc nhở này: đừng đồng hóa mà phải nhận biết được sự đồng hóa là một tiến trình tâm thường diễn ra. Lời dạy này thật thâm sâu khôn cùng. Nếu bạn không tự đồng hóa với những gì đang luôn diễn ra chung quanh bạn, đời sống của bạn sẽ an nhiên tự tại, tốt đẹp hơn nhiều.”

 Hễ đầy đủ nhân duyên là Ngài Munindra trở lại đề tài vô ngã này. Jacqueline Schwartz kể lại, trong những giờ vấn pháp, “khi có ai tỏ ra quá ràng buộc tâm tư vào một rối rắm xúc cảm hay khó khăn đời sống nào đó, Thầy sẽ khai mở các gút mắc bằng cách trích dẫn một truyện kể về nghiệp trong kinh điển, rồi giảng giải vì sao gieo trồng hạt thiện lành sẽ gặt hái quả thiện lành. Vì Thầy luôn tập trung vào mục tiêu giải thoát, tâm Thầy tự nhiên hướng về cách đàm luận với người này để giúp họ tự tháo gỡ khỏi những rối rắm khó khăn của họ, giải tỏa mọi ràng buộc bám víu, và vạch ra cho họ một tầm nhìn khách quan rộng rãi hơn là chỉ giới hạn trong cái thấy chủ quan.”

Phải có chân chứ.

 Chỉ cần kề cận với Ngài Munindra cũng mang ta trở về với giáo lý vô ngã, lần nữa và lần nữa, đôi khi có phần hóm hỉnh. Kamala Masters kể lại bài học này trên bãi biển Maui, “Thầy cởi áo choàng ngoài, chỉ còn một mảnh y trong, để bước xuống nước. Chiếc nội y này để lộ đôi chân rõ hơn vì áo choàng ngoài phủ kín tất cả, chỉ chừa hai bàn chân. Đứa con gái đầu của tôi thốt lên, ‘Ồ, Ngài có chân!’ Thầy nói, ‘Phải rồi, có chân chứ!’ Với con gái tôi, câu trả lời có vẻ hóm hỉnh, nhưng thật ra đó là một lời diễn đạt về vô ngã (anattā).

 Vài năm sau đó, ở một trạm xe hỏa tại Ấn, Kamala nhận ra thông điệp đó một lần nữa: “Trời nóng như đổ lửa. Chuyến tàu hỏa bị trễ năm tiếng đồng hồ. Không có phòng vệ sinh. Không có thức ăn. Nhân viên hỏa xa cứ thay đổi đường rầy tàu liên tục khiến chúng tôi cứ phải đứng lên và di dịch mãi. Tôi lo lắng không biết Thầy chịu nỗi không vì trông Thầy thật yếu đuối.” 

 Cô kể: “Khi tôi hỏi Thầy có sao không thì Thầy đáp, ‘Ở đây có sự nóng, nhưng Thầy thì không nóng. Ở đây có sự đói nhưng Thầy không đói. Ở đây có sự khó chịu nhưng Thầy không khó chịu.’ Thầy luôn dùng cách nói khách quan, không chủ thể, vô ngã. Giận, đói, đau, lo âu, mệt mỏi có đến nhưng đừng đồng hóa mình với chúng. Lo âu không phải là ‘tôi’. Nhưng nếu không cẩn trọng, nếu không chánh niệm, lo âu ấy có thể sẽ xúi biểu ta làm một hành động tạo nghiệp bất thiện.”

 Sharon Salzberg suy nghĩ đến cách Thầy dạy cô về vô ngã khi cô mới thực tập thiền quán, “Tôi hết sức khốn khổ vì có một ý tưởng quái đản cứ nổi lên trong tâm. Thầy bảo, ‘Tại sao lại bất bình chỉ vì một ý nghĩ đến trong tâm? Cô có mời nó đến không? Cô có nói: giờ thiền này đây, tôi muốn tâm đầy ắp tham lam, ganh tỵ hay gì gì đó không?’ Thầy đang chỉ về vô ngã (anattā) – ta không thể kiềm chế được những hiện tượng tâm này xảy đến với ta.”

Ý niệm Tôi, Ta.

  Sau khi hành thiền tích cực, Ngài Munindra hiểu biết tường tận về đặc tánh vô ngã và có thể giải thích thỏa đáng về sáu căn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) ra sao, và chúng ta nhận lầm chúng với ý niệm về “tôi, ta” như thế nào:

Bất cứ cái gì ta thấy đều không phải là tôi, là ta, là đàn ông, là đàn bà. Nơi mắt chỉ có cảnh sắc, sanh khởi rồi hoại diệt.

 Vậy thì ai đang thấy đối tượng (vật thấy)? Không có “người thấy” đối tượng.

 Vậy đối tượng được thấy như thế nào? Là do sự đồng có mặt của một số yếu tố.

 Yếu tố nào? Giác quan mắt là một yếu tố; con ngươi phải nguyên vẹn, lành lặn. Thứ hai, đối tượng hoặc cảnh sắc phải ở ngay trước mắt hay trong tầm thấy của mắt, phải được phản chiếu trên con ngươi của mắt – nghĩa là phải có sự xúc chạm của vật thấy trên giác quan thấy. Thứ ba, phải có ánh sáng. Thứ tư, phải có sự chú ý (là một tâm sở). Nếu cả bốn yếu tố này có đủ mặt, sẽ sanh khởi một khả năng thấy biết gọi là nhãn thức (tâm thấy từ giác quan mắt). Và khi tất cả các yếu tố trên – đối tượng, giác quan, tâm thấy từ giác quan – đồng hiện diện thì một sự xúc chạm trong tâm sanh khởi cùng một lần với chúng. Đó là tâm sở xúc.

 Nếu thiếu đi một yếu tố, sẽ không có sự thấy. Nếu mắt bị mù, không có sự thấy. Nếu không có ánh sáng, không có sự thấy. Nếu không chú ý, cũng không thấy được. Nhưng không một trong các yếu tố kể trên có thể bảo, “Tôi là người thấy.” Tất cả đều liên tục sanh khởi rồi diệt đi. Ngay khi nó vừa diệt đi, ta nói, “Tôi đang thấy.” Thật sự ta không đang thấy mà chỉ đang nghĩ: “Tôi đang thấy.” Đây gọi là điều kiện hóa. Vì tâm ta bị điều kiện hóa nên khi nghe âm thanh, ta nói, “Tôi đang nghe.”

 Nhưng không có người nghe nào đang đợi sẵn ở bên trong tai để nghe âm thanh. Âm thanh tạo ra làn sóng, và khi nó di chuyển chạm vào màng nhĩ, nhĩ thức (tâm nghe từ giác quan tai) là kết quả. Âm thanh không phải là đàn ông, đàn bà mà chỉ là một tiếng động sanh lên rồi diệt đi. Nhưng vì quen chịu điều kiện, ta nói, “Cô này đang hát, và tôi đang nghe.” Nhưng thật ra ta không đang nghe mà chỉ đang nghĩ rằng “Tôi đang nghe.” Âm thanh đã được nghe và tan biến đi rồi. Không có “tôi” nghe âm thanh đó, “tôi” là thế giới của ý niệm.

 Đức Phật đã khám phá ra điều này trên bình diện tâm lý và vật lý: như thế nào tất cả các pháp diễn ra mà không có “người làm ra” – chỉ là chuỗi hiện tượng trống vắng thực thể liên tục sanh diệt.

 Ngài Munindra phân tích rõ như thế nào sự tự đồng hóa với một “người làm” sẽ dẫn đến đau khổ (dukkha):

 Cái “tôi” này là một chướng ngại lớn nhất trên con đường giác ngộ. Mọi phiền não tham, sân, si đều sanh khởi do cái ý niệm về bản ngã này: “Toàn bộ thân tâm của tôi này là tôi” hay “Có một ai đó ở bên trong thân” hay “Trong tâm có một tự ngã (ātman), một linh hồn hiện hữu, một ai đó đang thấy hoặc đang điều khiển mọi thứ.” Hoặc có sự đồng hóa những ý nghĩ và cảm xúc là “tôi.”

 Vì để bảo tồn cho “cái tôi” mà mọi hình thức căng thẳng, sân hận, lo âu đã nảy sinh: “Này là tôi.” “Này là tâm tôi.” “Này là thân tôi.” “Này là nhà tôi.” “Này là gia đình tôi.” “Này là tổ quốc tôi.”Ảo tưởng về tự ngã đã có từ vô thỉ. Đây là tà ki kiến (micchā). Nó sẽ bị loại trừ khi kinh nghiệm niết bàn lần thứ nhất; tất cả tà kiến đều bị tẩy sạch. Khi chánh kiến đến xóa tan đi cái ngã ảo tưởng này, thì lập tức một cảm quan thân thiện, đầy tình bằng hữu sẽ xuất hiện, mang tới hòa hợp và đoàn kết giữa người và người, giữa quốc gia và quốc gia.

 Khi một người đã hiểu rõ tiến trình hoạt động của thân tâm mình thì cũng sẽ hiểu được tiến trình này của người khác, bởi vì vấn đề cơ bản giống nhau, bản chất cơ bản cũng giống nhau.

 Ngài Munindra cũng giải thích rằng vì lý do tiện lợi khi nói chuyện mà ta hay dùng “tôi,” “ta,” hay “của ta”:

 Các nhà khoa học nói mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây; nhưng thật sự mặt trời không hề mọc, cũng chẳng hề lặn. Họ hiểu điều này, song họ vẫn cứ dùng các từ ngữ đó cho dễ hiểu, tiện lợi. Mọc, lặn, đông, tây đều là ý niệm. Trong thực tế, không có đông cũng chẳng có tây, nhưng cần phải nói cách đó vì tiện dụng cho sự truyền thông liên lạc.

 Để nhấn mạnh vào sự trống vắng một thực thể hay tánh vô ngã của các hiện tượng tâm vật lý, Ngài Munindra hay trích dẫn lời của Đức Thế Tôn giảng rằng: trong khi thấy chỉ có sự thấy; trong khi nghe chỉ có sự nghe; trong khi ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ, chỉ có sự hay biết về mùi, vị, xúc chạm và suy nghĩ.” (Cảm Hứng Ngữ, Kinh Phật Tự Thuyết 1.10)

Thấy sự vật y là như vậy.

 Có lần Larry Rosenberg đưa Ngài Munindra đến một rạp chiếu bóng ở Boston để xem phim Hollywood. Larry không nhớ phim như thế nào, nhưng sau đó trên gương mặt Ngài thoáng vẻ thất vọng. Ngài bảo, “Tôi thật không hiểu được vì sao mọi người lại có vẻ bị kích động trước những cảnh nhặng xị đến như thế?” Larry hỏi, “Nghĩa là sao, thưa Thầy?”

 Thầy giải thích, “À, tất cả những gì tôi thấy chỉ là ánh sáng chiếu xuống rồi đụng màn hình, còn khán giả thì ngồi trong bóng tối nhìn lên một số hình ảnh cứ liên tiếp di động, hết cái này đến cái khác.” Larry hiểu ra rằng Thầy vừa mô tả các sự việc theo cái nhìn vipassanā mà chẳng theo dõi chuyện phim gì cả: “Thật đúng là những lời tả chân tự nhiên, trần trụi, không vẽ vời về những gì đang diễn ra.”

 Vài tháng sau, họ lại đi xem một phim khác về Đệ nhị Thế chiến. Mặc dù Quân đội Đồng minh đã cố gắng vượt qua được một chiếc cầu chiến lược, nhưng cái giá phải trả là con số tử vong rất lớn cho cả hai phe. Lần này khi bước ra khỏi rạp, trên mặt Thầy vẫn còn vương nét buồn. Larry hỏi han và Thầy trả lời, “Những người ấy, tất cả những người tử trận ấy.” Larry bật cười, thông báo với Thầy, “Thưa Thầy, vậy là Thầy đã đắc được ‘tâm điện ảnh’ rồi! Không có ai chết cả. Những gì Thầy tả trong lần xem phim trước đều đúng hoàn toàn, nhưng lần này thì Thầy đã hiểu được một cuốn phim Hollywood là như thế nào.” Và cả hai đều cười.

Răng vô thường.

 Trí tuệ bao gồm sự hiểu biết sáng suốt – tỉnh giác – và chấp nhận không những chỉ về đặc tánh vô ngã (anattā) mà còn về vô thường (anicca) và khổ (dukkha), hai đặc tánh chung khác của các pháp chịu điều kiện.

 Một lần khi đi bộ ở Igatpuri, David Brody nghe Ngài Munindra cười vui khi nói về tánh phù du của đời người, “Mọi thứ đều vô thường, kể cả răng của tôi.” Rồi Ngài cười với David, để lộ nguyên hàm một thời đã có nhiều răng.

 Năm tháng qua, răng Ngài dần dần bị hư hoại. Ngài không chịu khoan trám hay nhổ răng vì như Ngài đã nói với Joe DiNardo, “Tôi muốn thấy những gì xảy ra cho chúng theo lẽ tự nhiên.” Joe chống đối, “Nhưng Thầy sẽ bị đau.” Ngài bảo, “Được, không sao.” Joe nói, “Thầy có vẻ cương quyết về chuyện đó lắm. Thầy cảm thấy thân thể suy hoại là một kinh nghiệm về vô thường khác cho Thầy, và Thầy thích thú quán sát chiêm nghiệm. Kết quả là nếu có gặp Thầy trong những năm cuối cùng, bạn sẽ thấy răng Ngài bị mục nát kinh khủng.”

 Có lần Ngài nhận xét, “Cũng vậy thôi, khi mới sinh ra, không có cái răng nào. Đến cuối cuộc đời, sẽ cũng như vậy.” Vào lúc gần kề cái chết, Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp nó, bởi vì Ngài đã tập quen với những gì giúp Ngài hiểu được điều chắc chắn không thể tránh này.

Chết là lẽ tự nhiên.

 Năm 2000, Robert Pryor và David Gelles đến thăm Thầy tại nhà của gia đình Thầy ở Calcutta. Khi lật xem tập ảnh gia đình Thầy, họ bắt gặp nhiều hình chụp các xác chết và thi thể đang hư hoại. David há hốc kinh ngạc, rồi chợt hiểu ra họ đang hành thiền về đề mục vô thường. “Đây là một dụng cụ cho sự thực tập của Thầy. Thầy không giảng vào một bài pháp thâm sâu mà chỉ qua một nhắc nhở bằng hình ảnh của tử thi, và đó là cái ta cần nhìn thấy.”

 Sau khi Karen Sirker tìm thấy một sọ người khi đi dọc theo bờ sông ở Bồ đề Đạo tràng, Thầy bảo, “Cô nên hành thiền về cái sọ này để hiểu được vô thường.” Mặc dù cái xương sọ là một nhắc nhở hữu ích, nhưng thật ra đâu đâu cũng có những thí dụ về bản chất không ngừng thay đổi của các pháp chịu điều kiện.

 Uno Svedin vẫn thường nghe Thầy lập đi, lập lại “vô thường, vô thường…” khi họ đứng trên những đụn cát quanh bờ biển, đối diện với biển Bắc Hải ở Hòa Lan. Uno kể: “Chúng tôi nhìn thẳng ra khơi, ngắm những đợt sóng lạnh lẽo đang tắp vào bờ ngay dưới chân mình. Chúng tôi đang đứng trên đỉnh một hệ thống hào lũy của quân Đức Quốc Xã, xây dựng trước Đệ nhị Thế chiến, nay đã bị phá hủy. Những cơ sở phòng thủ này đã từng một thời có sức mạnh vô địch. Vậy mà không đầy một phần ba thế kỷ sau, Thầy và tôi đang đứng trên những mảnh vụn của pháo đài này, giờ đây hoàn toàn vô dụng. Tôi nghe Thầy đang lẩm bẩm với chính Thầy, với biển cả, với đồi cát, và có lẽ với cả vũ trụ này, “Anicca, anicca. Tất cả, sinh rồi diệt, đến rồi đi...”

 Vài năm trước khi qua đời, Ngài diễn giải giáo lý về vô thường như sau:

 Tôi không quan ngại gì về cái chết. Chúng ta đang chết trong từng giây phút. Các pháp đều vô thường. Ai đang chết đây? Không có ai chết cả. Chết chỉ là một tiến trình, chỉ là một quy luật của thiên nhiên. Mọi vật trong thiên nhiên sanh khởi rồi biến diệt. Chẳng có gì phải sợ cả. Với cái chết cũng vậy, bạn có thể mỉm cười ra đi. Chúng ta đang chết dần trongtừng khoảnh khắc. Khi đã quen thuộc được với điều này, ta sẽ thấy nó thật là đơn giản.

 Maggie Ward McGervey đạt được sự hiểu biết này khi thân phụ cô bất thần bị chết đuối, “Chỉ không đầy một phút, tôi thấy rõ được sự thật về vô thường. Tôi như được tiếp sức bằng năng lực chữa trị do thấm nhuần được giáo lý vô thường mà Thầy hằng giảng dạy. Trước thời gian đến Ấn độ tu tập Giáo pháp, tôi đã chịu nhiều mất mát, tang tóc trong gia đình, tưởng chừng như phải ngã quỵ. Dĩ nhiên, thật là đau khổ khi mất đi người cha thân yêu, nhưng khi thấu hiểu được sự thật của vô thường thì điều ấy cũng tự nhiên như hơi thở.”

Cô nói tiếp, “Sự thật này đã giúp tôi vượt qua nỗi đau buồn sâu sắc, mãnh liệt và biến nó thành một kinh nghiệm tích cực cho tôi. Tôi không nghĩ rằng : ‘Ồ, Thầy đang dạy mình về tánh vô thường của thân xác hay bản ngã,’ nhưng giáo huấn của Thầy thâm nhập vào cuộc sống của tôi, thấm nhuần trong tâm khảm. Bằng chứng là trong thời điểm thử thách khó khăn nhất của cuộc đời, Giáo pháp lập tức vận hành và góp phần soi sáng tâm linh.”

Truyền đạt trí tuệ.

 Ngài Munindra dùng nhiều phương cách khác nhau để truyền đạt Giáo pháp. Đôi khi nó chỉ giản dị gói ghém trong một dòng chữ viết. Khi Ted Slovin xin Ngài ký tên và viết vài hàng vào một quyển sách Phật pháp, Ngài hạ bút, “Đức Phật chỉ dạy có hai điều: khổ và chấm dứt khổ.” Và rồi Ngài ký tên.

 Những khi khác, Ngài thường theo lời hướng dẫn của Đức Phật chỉ giữ im lặng cao quý và nói rất ít. Đại đức Bodhipāla nhớ lại một dịp đến Hội Mahabodhi ở Calcutta dự khóa tu học thiền một ngày.

 Đại đức kể, “Khi Ngài đang giảng, có người hỏi Ngài điều gì đó về thiền tập, và Ngài không trả lời. Ngài chỉ mỉm cười, nói với người ấy hãy hành thiền, rồi đứng dậy ra về. Tôi hỏi sao Ngài lại làm vậy? Ngài bảo, ‘Có những điều nên để im lặng. Không trả lời là cách trả lời tốt hơn cả cho câu hỏi ấy, cho điều ấy.’ Đây là một giải pháp rất thực tế cho tôi. Có nhiều lúc nên im lặng thay vì trả lời, bởi một khi trả lời, bạn sẽ tiếp tục khơi lên nhiều câu hỏi khác nữa.”

 Marcia Rose cũng có kinh nghiệm tương tự khi cô một mình đến Varanasi lần thứ nhì trong vài ngày, nhằm quan sát các đám hỏa táng để hiểu tiến trình này tường tận hơn. Sau đó, cô đến Ngài Munindra để bàn luận về trải nghiệm của cô. “Tôi thưa với Thầy rằng tôi rất ngạc nhiên vì những điều trông thấy không làm tôi khó chịu chút nào. Tôi ngỡ ngàng khi thấy mình không có phản ứng gì trước cảnh tượng đó nhưng chỉ cùng có mặt với nó mà thôi, và tôi muốn biết tại sao tôi lại như thế? Câu trả lời của Thầy là, ‘Hãy tiếp tục hành thiền rồi cô sẽ hiểu.’ Thầy chỉ nói thế thôi. Có rất nhiều thông cảm và trí tuệ đằng sau câu trả lời ngắn gọn và thân ái đó.”

Diệu đế thứ nhất.

 Phẩm tính trong sáng và vững vàng về Giáo pháp của Ngài Munindra rạng ngời qua sự hiện diện, hành động, và lời nói của Ngài. Ngài không chút ngại ngùng khi diễn đạt sự hiểu biết của Ngài về thực tánh của các pháp:

 Khi hành giả đạt đến mức cao diệu và thâm sâu hơn, tâm sẽ càng lúc càng thấy rõ hơn rằng mọi vật đều là khổ (dukkha). Đức Phật dạy “Sự thật cao thượng về Khổ (Khổ đế)”. Thế nào là Khổ đế? Toàn bộ các pháp tâm vật lý hiện hữu là khổ: thấy là khổ, nghe là khổ, ăn là khổ… Khi chú tâm quan sát nó, kinh nghiệm được nó và thấy nó đúng như thực tánh của nó, ta sẽ thấy tất cả đều là vô dụng.

 Tất cả mọi người đều đau khổ, cả những ai có đầy đủ tiền bạc, thực phẩm, quyền lực, địa vị… Họ có tất cả nhưng vẫn khổ đau. Họ khổ đau như thế nào? Họ phải chịu biệt ly với người thân yêu. Họ phải gần kề với những kẻ họ không ưa thích. Họ khổ vì mong cầu mà không toại nguyện.

 Từ lòng mẹ, ta sinh ra đời với tiếng khóc. Không ai muốn già, nhưng hễ đã sinh ra thì sẽ phải chịu đựng tuổi già, bệnh tật, đau khổ. Không ai muốn chết nhưng cái chết đã dành sẵn. Mạng sống thì bấp bênh, nhưng mạng chung thì chắc chắn.

 Khi các môn sinh tường trình về khổ (dukkha) trong giờ trình pháp, đôi lúc đáp ứng của Ngài thật đáng ngạc nhiên. Denise Till kể, “Nhiều người bị cuốn hút vào dòng suy tư và cảm xúc cuồng nhiệt, điên đảo. Cảm xúc chỉ là một trạng thái tâm bị khuấy động.”

 Cô thuật tiếp, “Thầy bèn cắt ngang dòng tâm đó và bảo rằng nó hoàn toàn là ảo tưởng, rằng ta tự tạo khổ đau bằng chính sự vô minh của mình. Ngài dạy họ đừng để tâm du hành và bay đâu xa như thế, hãy chỉ đi từng bước một. Ngài nhấn mạnh lợi ích của thiền hành, dạy rằng đó là một pháp hành rất rộng thoáng và có công năng trị liệu. Với những ai không thể ngồi thiền mà cứ bị mê đắm vào những mẩu chuyện của chính mình như thế, Ngài bảo họ ra ngoài và tiếp tục thiền hành.”

Ảnh hưởng của cách dậy có trí tuệ.

 Cách dạy của Ngài Munindra về trí tuệ trong Giáo pháp đã tạo nhiều ảnh hưởng lan rộng đến cả các môn sinh của những trường phái và kỷ luật khác. Derek Ridler nói: “Một trong những điều lôi cuốn tôi mãnh liệt là cách giảng giải trong sáng, rõ ràng của Thầy. Tôi hay đến với các nhóm trình pháp nhỏ, và tôi thật cảm kích bởi phong thái khiêm nhu của Thầy. Những giáo lý về khổ và vô thường này xuất phát từ một nền văn hóa khác, một thời đại khác, vậy mà Thầy có khả năng diễn đạt trí tuệ vi diệu này theo một phương cách mà tôi có thể vận dụng vào kinh nghiệm của riêng tôi. Tôi nghĩ điều này thật hợp lý với trình độ cá nhân của mình. Cách giảng dạy của Thầy cũng thật hoàn hảo. Giờ đây tôi thật quý trọng căn bản học thuật của Thầy. Nhưng đó không phải là hấp lực lớn nhất đối với tôi mà chính là những lời dạy trực tiếp, đúng lúc đúng thời tôi đã nhận được từ Thầy. Cho đến nay nó vẫn còn lưu mãi trong dòng tâm thức.”

 Dù là một hành giả theo Phật giáo Tây tạng thuần thành, Derek cũng công nhận tầm quan trọng của các giáo lý Nguyên thủy: “Trong tôi phát khởi một niềm trân quý sâu xa đã có nhân duyên được thực tập thiền vipassanā. Pháp hành này thật sự giúp tôi học cách ngồi thiền không dựa trên ý niệm.”

 Mặc dù theo học phái Thiền tông từ lúc ngoài hai mươi tuổi, Wendy Nakao Rōchi cũng học hỏi được nhiều từ Ngài Munindra. “Thầy bắt đầu giảng giải về nāma-rupā (tâm-vật chất) và tiếp tục đào sâu vào những chi tiết vi diệu. Thầy quả thật là một người cực kỳ thông minh. Lúc đầu tôi nghĩ mình chỉ là một học sinh mới, tìm đến học Phật pháp, nhưng bất thình Lình toàn bộ một truyền thống khác bỗng phơi bày trước mắt mà tôi chưa bao giờ được tiếp xúc một cách say mê thích thú như vậy.”

 Kho báu trí tuệ của Ngài Munindra mở nhiều cánh cửa cho người khác thu nhận kiến thức. Daniel Goleman, một nhà tâm lý học, hồi tưởng lại công trình đóng góp bất ngờ và bền bĩ của Ngài cho đời mình: “Ngài tặng tôi một quyển sách thật hiếm quý của thiền sư Mahāsi viết về các tầng tuệ minh sát. Đó là một trong số rất ít sách viết về vipassanā bằng Anh ngữ vào thời ấy. Tôi đọc say mê vì đây là một luận cứu về những trạng thái tỉnh thức của tâm linh được trình bày thật rõ ràng, khúc chiết mà tôi chưa hề thấy ở Âu Mỹ.”

 Daniel trình bày thêm, “Ngài Munindra còn giúp tôi tìm được nhiều nguồn gốc xác thực của tâm lý học. Ngài nói về bộ sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Trong một chuyến đi viếng Delhi, tôi may mắn tìm được một cuốn và bắt đầu nghiên cứu tác phẩm này. Tôi hay đến hỏi Ngài, và Ngài luôn làm sáng tỏ những vấn đề tôi chưa hiểu rõ. Ngài biết thật rõ phần nào tôi không nắm vững, và cách suy nghĩ cũng như cách giảng giải của Ngài thật vô cùng chính xác, tinh tế. Ngài là người đầu tiên trình bày cho tôi thấy trong Phật giáo có một hệ thống tâm lý học hoàn toàn vững chắc với sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ.”

 Ông nói tiếp, “Điều này quả là một chấn động lớn đối với tôi, vốn là một sinh viên Harvard tốt nghiệp khoa tâm lý học, vì tôi chưa hề được nghe ai nói rằng ngoài Âu Mỹ lại có một hệ thống tâm lý học nào khác. Đó là một khám phá lớn về tinh thần cho tôi và là một trong những điều tôi hằng theo đuổi và vẫn tiếp tục theo đuổi. Hiện nay tôi đang tham gia Viện Nghiên cứu Tâm linh và Đời sống nhằm có cái nhìn của một khoa học gia thần kinh vào những kết quả của phương pháp luận trong môn Vi Diệu Pháp ( Abhidhamma).”

Trí tuệ không giáo điều.

 Học thuật uyên bác của Ngài Munindra không bao giờ cứng ngắc. Peter Skilling nhận xét, “Chắc chắn là Ngài không võ đoán, vì thế tôi đã trở lại và tham vấn Ngài về rất nhiều đề tài.”

Christina Feldman cũng công nhận ở Ngài Munindra không có tinh thần giáo điều. “Thầy là một vị thầy hoàn toàn độc lập, không đặt nặng sự thuần túy của pháp môn lên trên sự thông hiểu của thiền sinh. Thái độ này đã tác động rất mạnh mẽ đối với tôi, vì điểm thiết yếu không chỉ là thực tập đúng phương pháp mà là mình phát triển được loại trí tuệ nào khi thực hành phương pháp đó.”

 Christina nói thêm: “Bởi được tiếp cận với nhiều pháp môn thiền khác nhau nên Thầy không phải là người chỉ biết trình bày mỗi một bài ca. Trong cách hành thiền và giảng dạy của riêng Thầy, Thầy có khả năng sử dụng được nhiều phương cách và kỹ thuật khác nhau mà không hề đặt chúng ở tầm cao hơn trí tuệ. Quả là một lối truyền bá thật quan trọng vì ở Á đông, lúc bấy giờ và ngay mãi đến hôm nay, các tự viện thường chỉ duy trì một phương pháp mà họ được truyền thừa qua nhiều thế hệ thiền sư, không hề mở mang học hỏi thêm về các pháp môn khác đang được hành trì khắp nơi. Là thiền sư, Thầy luôn đặt trong tầm nhìn mục tiêu chính yếu là tuệ giác và giải thoát, còn pháp môn và kỹ thuật chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh rốt ráo đó.”

 Đặc điểm này khiến Ngài hướng dẫn môn sinh thật tốt đẹp trên hành trình tu học đạo pháp. Stephen V. Smith phát biểu, “Thầy nhận biết tất cả chi tiết nhỏ nhặt của một vấn đề và dễ dàng lôi chúng ra khỏi cái mũ của Thầy giống như một nhà ảo thuật vậy. Tôi chưa từng gặp người nào như Thầy, có thể thu thập trong cùng một lúc từ nhiều hướng khác nhau, và thuận lý kết hợp ngay tất cả để thấu hiểu được vì sao một phương pháp đặc biệt nào có thể thích hợp cho một hành giả nào, tùy theo căn cơ của họ trong thời điểm đó.”

Trí tuệ hiển bày.

Vào một đêm ở Bồ đề Đạo tràng, Ngài Munindra giảng dạy môn Vi Diệu Pháp cho sinh viên trong chương trình Antioch. John Dunne, giáo sư triết học của chương trình vào năm 1994, nhớ lại lần thuyết trình ấy từ mái chùa Burmese Vihar. “Thầy đã giảng giải thật tỉ mỉ một số công năng của tâm ý trong môn Vi Diệu Pháp và sự liên hệ của chúng với pháp hành thiền. Tôi thật hoàn toàn kinh ngạc và khâm phục. Có một bộ sách tạm gần như vậy là Thanh Tịnh Đạo, nhưng tôi chưa hề nghe một vị học giả còn tại tiền nào có thể đi xuyên suốt trình độ ấy một cách chi tiết, chính xác, và nêu bật các mối liên hệ một cách tinh tế như vậy. Và tôi cũng chưa hề nghe một thiền sư nào sử dụng các hệ thống phân loại một cách khoa học như thế.”

 John tiếp, “ Dĩ nhiên, ta đã có thể biết rằng Thầy là một vị hành giả nghiêm túc qua phong thái điềm tĩnh của Thầy – với kinh nghiệm của tôi, Thầy không hề tỏ ra bị xáo động, bối rối bởi điều gì – nhưng mãi đến đêm đó tôi mới nhận thức được mức độ hiểu biết thâm sâu, uyên bác của Thầy. Thầy không chỉ nghiên cứu và tư duy về kinh điển, nhưng Thầy còn thực sự nối kết, hòa nhập chúng vào công phu hành thiền của chính mình. Điều Thầy đã ban tặng cho tôi là bắc một nhịp cầu giữa kiến thức học tập kinh sách với quá trình thiền tập của tôi.”

 Trong bài Kinh Tướng (Lakkhana Sutta) Đức Thế Tôn dạy rằng xuyên qua mọi sinh hoạt trong cuộc sống của một người mà trí tuệ của người ấy tỏa sáng (Tăng Chi Bộ Kinh 3.2). Trí tuệ sáng suốt của Ngài Munindra luôn luôn hiển lộ, qua các hành động thân và khẩu, và cống hiến cho những ai quanh Ngài, như Ray Lipovsky đã từng ghi nhận, “Các vị đạo sư chân chính, ở bất cứ nơi đâu vào bất cứ điểm nào ta chia sẻ cùng họ, tất cả đều là những bài học tuyệt vời bởi vì họ  chỉ sống một đời sống sáng ngời trí tuệ.  Cho nên ta sẽ thọ nhận được nó, nếu đầy đủ nhân duyên được có mặt ở đó.”


Này thiện hữu, mục tiêu của trí tuệ

là sự hiểu biết trực tiếp, là sự hiểu biết viên mãn,

là sự buông bỏ hoàn toàn.

 Xá Lợi Phất

Trung Bộ Kinh 43.12




 

paññā: từ pa (phải, đúng) + ñā (biết); nguyên nghĩa là “hiểu biết đúng đắn”. Paññā được dịch là “trí tuệ”, “phân biện”, “kiến thức”, “hiểu biết”, hay “tuệ giác”. Trong Vi diệu pháp (Abhidhamma), paññā đồng nghĩa với ñāṇa (hiểu biết) và amoha (không mê mờ, vô si). Trí tuệ biện biệt giữa thiện và bất thiện, thiện xảo và không thiện xảo. Nguyên nhân gần nhất của paññā là sự chú tâm trọn vẹn; biểu hiện là sự không mê mờ, lẫn lộn.

 Có ba nguồn trí tuệ: Văn tuệ (Hình thành nhờ nghe hay  đọc giáo lý), tư tuệ (suy niệm và tư duy những gì đã học hỏi), tu tuệ (phát triển tâm linh qua pháp hành thiền). Tu tuệ không đem lại hiểu biết trí thức mà dẫn đến tuệ giác sanh khởi tự phát từ sự quán sát trực tiếp các tiến trình thân tâm, hiểu rõ được những phẩm tính tốt đẹp phát triển từ công phu thiền tập. Những phẩm tính này bao gồm sự không bám níu vào ý niệm tục đế nhưng thấy xuyên suốt thực tánh của các hiện tượng thân tâm là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anattā), cũng như nhận thức được rằng các pháp đều sanh khởi theo điều kiện và nhân duyên (paṭiccasamuppāda). Trí tuệ còn có nghĩa là hiểu biết thấu đáo Tứ Diệu Đế (ariyasacca) - khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, và con đường dẫn đến sự diệt khổ.

 Paññā có mặt năm lần trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bodhipakkhiyā-dhammā): là sự suy xét hay tuệ như ý túc (vimaṁsa), một trong bốn pháp Như ý túc (iddhi-pāda); trạch pháp (dhamma-vicaya), một trong thất giác chi (bojjhaṅga); là chánh kiến (sammā-diṭṭhi) và chánh tư duy (sammā-sankappa), trong nhóm huệ của Bát Chánh Đạo; và là chi cuối cùng của ngũ căn (indriya) và ngũ lực (bala). Đứng thứ tư trong mười ba la mật (pāramī), trí tuệ thanh lọc và hỗ trợ chín phẩm hạnh kia hoàn thành các công năng riêng của chúng. Paññā trở thành thần thông (abhiññā) qua các tầng thiền định thâm sâu (samādhi). mãn dẫn đến niết bàn (nibbāna). Trí tuệ viên thanh lọc và hỗ trợ chín phẩm hạnh kia hoàn thành các công năng riêng của chúng. Paññā trở thành thần thông (abhiññā)
qua các tầng thiền định thâm sâu (samādhi). mãn dẫn đến niết bàn (nibbāna).
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn