(Xem: 1755)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2222)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

16-Upekkhā (Tâm xả)

20 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 13612)

 

16-Upekkhā (Tâm xả) 

Chỉ là một màn sân khấu đang diễn qua thôi

Mục tiêu của thiền quán

không phải là hạnh phúc mà là tâm xả.

 MUNINDRA


 Nữ thi sĩ Mỹ Ella Wheeler Wilcox (1850-1919) đã khéo tóm tắt phẩm tính của tâm xả bằng những dòng thơ bình dị sau đây:

Dễ dàng thôi thấy sướng vui thanh thản

Khi dòng đời nhẹ trôi như bài ca

Nhưng đáng khen là nở được nụ cười

Khi mọi sự rối bời trong trắc trở 

 Đối với các môn đệ, Ngài Munindra nêu một tấm gương sáng của tâm xả (upekkhā) qua cách hành xử khi phải đối diện với những hoàn cảnh bất ngờ và phiền não trong đời. 

Nó là như thế đó. 

 Ngài Munindra chăm sóc thân thể rất chu đáo và giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tỉ mỉ. Ngay cả khi đã già yếu, Ngài vẫn còn hăm hở tập yoga. Nếu có thể, Ngài chọn dùng các thực phẩm tươi lành có nhiều sinh chất.

 Là người luôn giữ tâm lạc quan và nụ cười trên môi, thế nhưng Ngài cũng đã phải nhận lãnh tất cả những khổ đau mà kiếp người phải chịu đựng. Đau đớn và bệnh tật thường tác hại cả thân và tâm, chưa kể đến những dằn vặt thường nhật khi thể xác và tinh thần suy kiệt như đói khát, nóng lạnh, mệt nhọc, buồn phiền và lo âu. Sức lực và khả năng dần sút kém theo với tuổi già, cuối cùng dẫn đến cái chết. Và rồi ta mất đi những người ta thương mến.

 Tuy nhiên, sự khác biệt giữa cách thức Ngài hành xử trước vạn pháp tất nhiên này và cách thức phần lớn chúng ta phản ứng trước nghịch cảnh chính là quả báu của sự hành đạo của Ngài – thực hành tâm xả.

 Trong một chuyến hành hương viếng các Phật tích ở Ấn độ năm 2001 với Ngài Munindra, Kamala Masters đã thấy Thầy cư xử như thế nào khi biết mình sẽ không bao giờ còn được gặp lại người bạn cố tri, vị Hòa thượng trụ trì tu viện ở Sarnath. “Cả hai vui mừng hội ngộ, cùng nắm tay nhau… Sau khi dùng trà, họ ra ngoài, sóng bước đến cuối đường. Thầy Munindra mắt ngấn lệ nhưng vẫn giữ được vẻ an nhiên. Hai vị trưởng lão chào từ biệt nhau. Thầy giải bày, ‘Khi chia tay với người thân yêu, sẽ buồn. Nó là như thế đó.’ Thầy luôn giữ được sự thăng bằng trong nội tâm lẫn bên ngoài.”

 Kamala đã kinh nghiệm được tâm quân bình này trong một chuyến đi đến Varanasi. Kamala, Norliah Ariyaratne và Maile Kjargaard (nay là Sư Cô Vīrañānī) thuê một chiếc thuyền, cùng Ngài đi trên sông Hằng trước lúc rạng đông.

 Cô kể, “Khi thuyền xuôi xuống dòng sông, phía bên mặt có những bãi hỏa thiêu. Thuyền đi gần bờ đủ để thấy rõ một thi hài đang bốc cháy và thân nhân than khóc. Tôi ngồi cạnh, nắm lấy tay Thầy, cảm nhận một niềm an vui thầm lặng được cùng Thầy mình đi thuyền trên sông Hằng, đúng theo mong muốn của Thầy. Nhìn xác chết bốc cháy, tôi vẫn ghi nhận được trong tâm nét cao đẹp của tình thầy trò và vẻ thô thiển bất toàn của kiếp người đang phơi bày bên bờ sông ấy. Tôi bình thản nhìn, thấy nó là như thế đó – không có gì đặc biệt. Rồi mặt trời ló dạng, soi sáng những đổ nát của Varanasi, một trong các thành phố cổ nhất thế giới nay vẫn còn sinh hoạt tấp nập…”

 Cô thuật tiếp, “Mỗi lần nhớ lại, tôi suy niệm được rằng tâm phải thật quân bình mới có thể an nhiên tiếp cận cái đẹp và sự đau khổ. Khi giảng về tâm buông xả, hình ảnh ấy lại hiện rõ trong tôi. Như vậy đó, tôi nhớ đến Thầy tôi. Thầy chỉ quán sát vạn pháp, tâm quân bình cùng tất cả.”

 Ngài Munindra thường nói, “Việc gì đến, thì đến; tôi chấp nhận nó.” Đối với người Tây phương, câu đó dễ đồng nghĩa với sự cam chịu, đầu hàng. Nhưng thái độ linh hoạt và tươi vui của Ngài chứng tỏ không phải như vậy. Chấp nhận bất cứ việc gì xảy đến cho mình không khiến Ngài trở thành một người luôn răm rắp phục tùng. Không tin vào thuyết định mệnh, Ngài đón nhận mọi việc xảy đến với tâm an nhiên tự tại. 

Hãy để nó đến rồi đi. 

 Mùa đông năm 1969, Khanti Moraitis trở lại tu học lần thứ hai với Ngài Munindra ở Bồ đề Đạo tràng. Lúc đến Tu viện Miến điện, cô thấy bàn tay mặt Ngài bị phỏng nước sôi và một vị sư già trong tu viện bị gãy chân. Khi Khanti hỏi họ có đau đớn không, cô nhớ rằng, “Cả hai đều rộng nở nụ cười an lành và trả lời gần như đồng lượt, ‘Dukkha – Khổ ,’ như nhắc tôi Giáo Pháp.”

 Shivaya Cain kể thêm, “Thầy hầu như không phản ứng với gần hết những gì xảy đến. Một trong những điều Thầy hay nhắc bảo mà tôi luôn mang trong lòng mỗi khi xa Thầy là, ‘Tất cả chỉ là một màn sân khấu đang diễn qua thôi. Hãy quan sát nó được rồi.’ Lời nói này như đã trở thành một phần đời của tôi. Nhiều lần tôi bắt gặp mình tự thốt lên lời ấy khi có chuyện xảy đến, và mỗi lần như vậy lại thấy thật gần gũi với Thầy.”

 Năm 1992, Eric Kupers cũng được Ngài khuyên dạy một câu tương tự khi phải ở lại Bồ đề Đạo tràng trong lúc các sinh viên trường Antioch Education Abroad khác đi Varanasi chơi vào cuối tuần. “Lúc ấy tôi đang bệnh và xuống tinh thần trầm trọng. Tôi bèn đi gặp và kể cho Thầy Munindra nghe tất cả bi kịch của đời tôi với xiết bao đau khổ tình cảm và tâm linh mà tôi đang phải chịu đựng. Thầy dạy, ‘Tất cả thứ ấy đều là những bong bóng, sinh khởi rồi tan vỡ. Hãy để nó đến và đi.’”

 Ông nói tiếp, “Lời khuyên bảo ấy đã thật sự giúp tôi lúc ấy, và cho đến nay vẫn còn là điều tôi hằng quay về chiêm nghiệm. Thầy đã nhiều lần nói với chúng tôi những lời tương tự như vậy trong thời gian giảng dạy chúng tôi. Cái buổi trưa ngồi bên Thầy nơi cổng Tu viện Miến điện để trút hết bao lo sợ, hoang mang, và rồi được nghe Thầy dạy, ‘Đó chỉ là những bong bóng của năng lực tiềm tàng bên trong. Hãy cứ để nó đến. Nó chỉ cần được giải tỏa.’ Quả thật là hiệu nghiệm.” 

Chấp nhận đau đớn và tuổi già. 

 Có khi sự việc xảy ra thật ngắn ngủi rồi tàn diệt nhanh chóng. Lúc khác, chúng lại kéo dài như vô tận. Giữ được tâm xả trong trường hợp sau là thử thách lớn lao hơn. Ngài Munindra phải đương đầu trở đi trở lại với thử thách này khi thân thể phải chống chọi để kéo lại và giữ được sức khỏe lúc tuổi về già.

 Khoảng bảy mươi tuổi, Ngài phải sống với những đau đớn dữ dội của chứng thoát vị (bệnh sa ruột) cho đến khi được giải phẫu ở Calcutta. Mặc dù vị bác sĩ phẫu thuật hứa rằng sẽ đích thân đứng ca mổ cho Munindra, thế nhưng rốt cuộc ông lại giao cho các bác sĩ thực tập nội trú, và sự cẩu thả của họ đã khiến Ngài trả một giá rất đắt. Suốt hai năm trường, Ngài phải chịu đựng chứng nhiễm trùng. Dù bác sĩ đã tái khám nhiều lần, vết mổ vẫn tiếp tục nung mủ.

 Khi học trò ở Mỹ biết được sự việc, vài người chung sức đóng góp để đem Ngài qua Hawaii chữa trị. Tại Maui, Kamala sắp xếp để một bác sĩ giải phẫu cho Ngài lần thứ nhì. Vị bác sĩ này tìm ra hàng tá sợi chỉ mổ bị sót lại trong lần giải phẫu trước, và tẩy rửa sạch sẽ vùng bị nhiễm trùng… Kamala chăm sóc Ngài hơn một tháng trời mới bình phục. Chịu đựng đau đớn như vậy mà Ngài chỉ nói, “Phải chấp nhận thôi. Tôi sống đời mình như vậy.”

 Vài năm sau Ngài lại trải qua một thời kỳ đau nhức khủng khiếp vì bệnh dời bò (bệnh zona hay shingles). Những cơn đau khốc liệt đến nỗi tưởng mình chết được. Ngài thuật lại, “Đau thật là kinh khủng, kinh khủng. Người ta nói rằng không có thuốc nào trị được loại đau này. Nó tự đến, rồi khi đúng thời, nó sẽ tự đi. Nhưng tôi phải chịu đựng nó suốt sáu tháng trời. Tâm vẫn an lành nhưng thân thì đau.”

 Lần nữa, Ngài lập lại, “Tôi chấp nhận nó, sống với nó. Tâm quán sát cũng là một liều thuốc thần diệu. Do đó, đau không còn là vấn đề, và khổ là vị thầy giỏi mà ta học hỏi được thật nhiều.”

 Trong các bài pháp, Ngài Munindra thường giảng, “Có hai loại khổ: khổ thân và khổ tâm.” Một pháp là sự kiện đương nhiên của đời sống, pháp kia tùy thuộc vào sự lựa chọn. Do những điều kiện khác nhau về khí hậu, thức ăn, môi trường, tuổi tác và nghiệp quá khứ mà thân này phải chịu đựng đủ mọi phiền não.

 Tuy nhiên, ở bất cứ trường hợp nào, nếu ta hiểu được thực tướng của các pháp và những quy luật thiên nhiên chi phối chúng thì tâm ta sẽ không bị khuấy động hay bị ảnh hưởng, sẽ buông xả và an nhiên tự tại. Khi kinh nghiệm được rằng tất cả các pháp chịu điều kiện đều vô thường, rằng mọi hiện tượng tâm vật lý đều liên tục biến đổi, rằng không có ai tạo ra chúng ngoài những luồng động lực chung của thiên nhiên, lúc đó ta có thể sống hạnh phúc, hoan hỷ chấp nhận đau khổ, và chết an bình. Ngài nhấn mạnh, “Hiểu được những quy luật thiên nhiên này là một trợ lực lớn vì thân này chính là một phần của thiên nhiên.”

 Môn sinh rất thán phục thái độ điềm tĩnh của Ngài trước những suy hoại thân thể mà đa số thường cảm thấy phiền bực khi đối mặt. James và Jane Baraz còn nhớ một sự kiện xảy ra ở Vancouver Island, British Columbia, khoảng năm 1995. Lúc ấy,

 Thầy Munindra chỉ còn hai chiếc răng trong miệng: một cái trên và một cái dưới. Khi chúng tôi đang dùng bữa, thình lình một chiếc răng bị gãy và dĩ nhiên Thầy không còn nhai được nữa. Lạ lùng thay, không chút bối rối, Thầy bật cười, ‘Ha ha ha, vô thường, anicca.’ Giống như bài hát Moonshadow của Cat Stevens: ‘Nếu có khi nào tôi mất miệng, mất hết răng, cái phương bắc cái phương nam…’ Cũng vậy đó: ‘Thôi, chúng đi hết cả rồi.’ Và chẳng có gì là đau khổ cả.”

 Với Sara Schedler, những gì Ngài dạy đều tương phản hẳn với những gì cô đã học khi lớn lên. “Lúc đó Thầy đã mất hết cả răng rồi. Khi có ai hỏi về điều này, Thầy trả lời với vẻ mặt rạng ngời và một nụ cười thật dễ thương, ‘Ồ, tôi chỉ đang quán sát thân thể tôi hoại diệt.’ Thầy thoải mái và an nhiên về chuyện đó và còn thấy nó thật buồn cười.”

 Cô nói tiếp, “Tôi chưa hề thấy ai đối diện với cái già như vậy. Quanh tôi có quá nhiều căng thẳng và bạo lực đối với tiến trình lão hóa – nhất là ở cộng đồng ngoại ô bảo thủ mà tôi lớn lên, nơi có Botox và thuốc kia, thuốc nọ nhằm chống lại tiến trình này. Trong xã hội văn minh vật chất của chúng tôi, lão hóa không phải là một tiến trình thanh nhã mỹ miều; phái nữ đặc biệt đau khổ phiền não vì nó rất nhiều. Nên quả thật là kinh ngạc khi thấy Thầy lại trân quý nó!”

 An nhiên vượt qua chướng ngại. 

 Vào một dịp khác, Sara Schedler thấy Ngài Munindra không tỏ ra bị phiền nhiễu chút nào khi bị đám sâu bọ bu kín cả người. Lần ấy, trong một buổi lễ từ biệt vào cuối khóa chương trình Antioch, tất cả sinh viên cùng ngồi thiền ở đền Đại Bồ đề.

 Sara kể, “Không biết lý do gì, cả đàn châu chấu mới nở bay đến và hình như bị hấp dẫn bởi màu y trắng của Thầy nên bu lại. Thầy vẫn điềm nhiên ngồi thiền với nguyên cả bày châu chấu đậu trên thân mình, an nhiên vượt qua chướng ngại. ‘Được thôi, bây giờ việc đang tới.’ Chỉ cần giữ tâm thanh thản. Thầy là một trong những tấm gương của tâm buông xả cao quý nhất của tôi – không phải là lòng lãnh đạm dửng dưng mà thực sự là tâm buông xả.”

 Năm 1993, Stephen và Hazel Strange mời Ngài Munindra du hành viếng thăm Sanchi, Ấn độ, một ngôi làng nhỏ ở trung tâm Madhya Pradesh. Đây là một thắng cảnh thuộc các kỳ quan thế giới UNESCO, gồm vài đền tháp và di tích chùa chiền Phật giáo có từ thế kỷ III trước Công Nguyên. Stephen nhớ lại, “Thầy hết sức phấn khởi, kể cho mọi người nghe về chuyến du hành sắp thực hiện. Mặc dù đã cố gắng đăng ký vé xe lửa, tôi vẫn không đặt được chỗ ngồi bảo đảm. Mọi người cam đoan với tôi, ‘Sẽ được thôi.’”

 Stephen kể tiếp, “Vào ngày đã định, chúng tôi khăn gói cùng xuống ga xe, nhưng nhân viên soát vé nhìn vé chúng tôi và bảo, ‘Rất tiếc, quý vị không có chỗ trên tàu.’ Tôi vô cùng bực tức vì đã nói với Thầy là sẽ lên đường hôm nay. Chúng tôi cùng có mặt, hành lý đầy đủ, sẵn sàng khởi hành. Vậy mà ngay vào giây phút chót mới biết rằng chuyến đi không thực hiện được. Nhưng Thầy rất mực bình thản, nói rằng, ‘Không sao, chuyện như vậy xảy ra luôn.’”

 Hôm sau, Stephen phải ra tận Bombay đặt vé để có thể thực hiện chuyến đi vào vài tuần sau. Lần này, mọi việc diễn ra suông sẻ và hóa ra lại tốt đẹp nhất. Đó là vì trong khoảng thời gian họ định đi lần đầu, thời tiết vô cùng buốt giá, nhưng tháng kế tiếp lại ấm áp dễ chịu. Cả đoàn được hưởng một chuyến đi kỳ thú. Stephen rút được bài học: Chuyện gì cũng có thể xảy ra; chẳng có lý do gì phải phiền não lo âu vì nó cả. 

Đừng quan trọng hóa vấn đề. 

 Như tất cả mọi người, Ngài Munindra cũng có những ý thích riêng. Có thể Ngài cũng thích đi Sanchi vào lần đầu hơn, nhưng Ngài không quá dính mắc vào việc khi nào thì đoàn sẽ đi được.

 Denise Till kể lại, “Thầy không khi nào tỏ ra quá vướng mắc vào bất cứ chuyện gì. Tôi không hề thấy Thầy tức giận bao giờ. Thầy thường dạy rằng, ‘Cả khi ta đã đạt đến một tầng mức giác ngộ nào rồi, ta vẫn còn phải sống với các hành nghiệp cũ (sankharas) và với thân xác suy hoại già nua của mình nữa, chứ không phải thế là thoát được hết cả các nghiệp cũ hay mọi chướng ngại. Không phải như thế đâu. Ta vẫn còn phải hóa giải bất cứ việc gì xảy tới.’” Và Ngài đã làm như thế.

 Đại đức Vimalaraṃsi nhớ rằng, “Ngài luôn luôn điềm tĩnh. Ngay cả ở những tình huống gay go, Ngài vẫn tìm ra được tính cách hài hước trong sự việc đó. Đi giữa đám đông chen lấn xô đẩy không làm cản trở hay quấy rầy Ngài chút nào. Ngài là gương mẫu hàng đầu về cách ứng xử nhẹ nhàng, thay vì để sự tức giận hay bất mãn lôi kéo, với một quan kiến khác thường: ghi nhận mọi sự kiện lúc chúng bắt đầu khởi sinh, nhưng không quan trọng hóa chúng.”

 Khi Ngài Munindra cảm thấy ai quan trọng hóa vấn đề gì, Ngài nhắc họ bình tâm lại. Itamar Sofer suy niệm một lời khuyên của Ngài: “Lần nọ, tôi thấy một con nhện giăng lưới ở góc phòng, rồi một con ruồi bị mắc vào mạng nhện, và con nhện bắt đầu xây lưới quanh con ruồi. Tâm tôi lúc đó cũng bắt đầu dựng lên toàn bộ một tấn kịch: ‘Ồ, nhìn kìa, con nhện đang tạo ác nghiệp. Cõi luân hồi (saṁsāra) này thật là đau khổ biết bao!’ Rồi chúng tôi ra ngoài thiền hành. Tôi kể với Thầy, ‘Con thấy tội nghiệp cho con ruồi mà cũng tội nghiệp cho con nhện quá!’ Thầy bảo, ‘Hãy để mặc chúng. Hãy bình tâm trước trọn cả tình cảnh. Đó không phải là nghiệp của bạn; bạn không thể làm gì được với những chuyện đó cả. Bạn cứu con ruồi thì bạn lại quấy phá buổi ăn tối của con nhện. Bất cứ sự can dự nào của bạn cũng sẽ đi ngược lại với quy luật thiên nhiên. Chỉ nên quan sát nó với tâm quân bình, buông xả.’ Thật là một bài học quý giá, đơn giản, thật rõ ràng, thật sâu sắc. Bất cứ hoàn cảnh nào ta thấy không thể thay đổi được, ta hãy giữ tâm quân bình, buông xả; nếu không, sẽ dễ bị xúc động, phiền não.”  

Biết hàng thuận Trước quy luật thiên nhiên. 

 Kamala Masters rút được bài học này ngay trong gia đình khi Ngài Munindra viếng Maui. Hôm ấy, khi một cuộc tranh cãi giữa người chồng cũ của cô và đứa con gái của họ xảy ra, cô tỏ vẻ thật ngượng ngùng vì tiếng la hét và tiếng cửa đóng sầm sập. Ngài tiến đến, điềm tĩnh đặt một bàn tay lên cánh tay cô, nhìn cô với lòng bi mẫn và nói, “Hãy biết hàng thuận trước quy luật thiên nhiên.” Từ đó, cô rất trân trọng lời dạy này vì khi biết chấp nhận vấn đề ngay thời điểm xảy ra, thay vì chống trả lại, là một phương cách để vun bồi trí tuệ. Cô nói, “Từ hiểu biết này, ta có thể buông bỏ tâm cố chấp vào cái mà ta nghĩ nên như vậy hoặc vào cái mà ta muốn nó như vậy. Buông bỏ giúp tâm không dính mắc để có thể sáng suốt hành động với lòng bi mẫn.”

 Một khi Kamala đã hàng thuận trước quy luật nhân quả, trước những gì đang xảy ra trong hiện tại, cô quán sát thấy tâm phản ứng và chao đảo của mình lắng đọng lại, và cô có thể bình tĩnh để nhìn trọn vẹn được vấn đề và giúp chồng con hòa giải. “Nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rõ ra là cả hai cũng phải tự giải quyết những vấn đề riêng của họ mà tôi không thể xen vào hay làm gì được. Sự ưa thích việc tốt hay ghét bỏ việc xấu của tôi chắc chắn chỉ mang đến thêm đau khổ và rối rắm cho người trong cuộc. Sau đó Thầy không nhắc gì nhiều về việc xảy ra hôm ấy. Tôi tưởng rằng Thầy sẽ phê phán hoặc chỉ trích chúng tôi, nhưng không. Thái độ đó chứng tỏ Thầy không mong nghĩ nhà chúng tôi là thiên đường hay một tu viện.”

 Ngài Munindra cũng giúp Kamala nhận thức được rằng sự hỗ trợ giữa chánh niệm và tâm buông xả có thể thay đổi đời cô. Có lần cô hỏi Thầy vì sao đời cô đầy đau khổ gian truân. Thầy đáp, 

 “Đó là định luật nhân quả thiên nhiên. Những gì đang xảy ra bây giờ là kết quả của nghiệp trong quá khứ. Nhưng trong giây phút hiện tại này, tùy vào cách ứng xử trước những nghiệp quả này mà cô có thể gieo duyên lành để tạo được một tương lai tốt đẹp khác. Tương lai ấy rồi sẽ trở thành hiện tại, như giây phút bây giờ đây. Còn giây phút hiện tại này rồi sẽ trở thành quá khứ.

 Như thế, cuộc đời cô có thể được bao phủ bởi nhiều hạnh phúc an lành hơn trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu có chánh niệm, cô có thể lựa chọn cách ứng xử với hiểu biết chân chánh. Nếu không có chánh niệm, tâm phản ứng sẽ điều khiển cả cuộc đời cô. Tất cả đều tùy thuộc nơi cô.”

Thăng trầm cuộc đời 

 Mặc dù trưởng dưỡng tâm buông xả qua thực tập Giáo pháp, nhưng Ngài Munindra cũng đã sớm có kinh nghiệm đương đầu với những lằn roi và tên nhọn của đời thường.

 Thời thơ ấu, anh em Ngài được hưởng nhiều đặc ân của cộng đồng làng xã và nhất là được đặc biệt tán dương vì học vấn xuất sắc trong trường. Rồi thân phụ họ thọ giới sa di (sāmaṇera). Tuy nhiên, do tinh thần trách nhiệm, ông tiếp tục sống với gia đình thay vì xuất gia vào ở trong chùa. Vì vậy, cả gia đình bị dân làng tẩy chay, và trong một sớm một chiều, các cậu bé mất hết địa vị đặc biệt.

 Govinda Barua, người em út, vẫn còn nhớ tình cảnh bị cô lập lúc đó: “Chúng tôi không được phép tham gia bất cứ sinh hoạt nào trong làng. Ngay cả các vị tỳ kheo thường đến trước kia cũng không còn bước vào nhà chúng tôi nữa. Người thợ cắt tóc trong làng từ chối không hớt tóc. Các người thợ giặt không đến lấy áo quần đi giặt vì dân làng cấm họ giúp đỡ. Không ai được phép thân cận chúng tôi.” Tuy vậy, gia đình không hổ thẹn lẫn trốn vì tự biết mình không hề làm điều gì sai trái. Họ nhận chịu sự tẩy chay, và rồi cuối cùng dân làng đã hủy bỏ lệnh cấm ấy.

 Dhammaruwan Chandrasiri kể lại khả năng đối đầu của Ngài Munindra trước mọi thăng trầm trong đời sống mà Đức Phật gọi là loka-dhamma – ‘tám pháp thế gian’ hay ‘tám ngọn gió đời’ không ai tránh khỏi: khen và chê, được và mất, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và khổ đau. “Ngài Munindra không bị giao động bởi tám ngọn gió này (bát phong bất động). Khi nhận lời khen ngợi hay chê trách, Ngài cũng nói năng cùng một cách điềm đạm. Qua thành công hay thất bại, bị tai tiếng thị phi, Ngài đều bình thản. Đôi khi người ta nói những lời không tốt về Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn luôn là người bạn đạo trung kiên của bao người. Ở Bồ đề Đạo tràng, Ngài được rất nhiều người đến viếng, vấn đạo hay trở thành môn đệ. Rồi bất thình lình, Ngài Goenka thay thế cương vị này, nhưng việc đó cũng chẳng quan trọng gì đối với Ngài Munindra.”

 Nhiều vị khác cũng ghi nhận đức tính tùy duyên, nhu thuận của Ngài Munindra – biết phải giữ lấy hay nên buông bỏ bất cứ tình huống nào xảy đến cho mình, thí dụ như hoan hỷ giao tiếp bằng hữu hay an vui nơi tĩnh mịch.

 Gregg Galbraith nhớ rằng Ngài thường không tỉ mỉ sắp xếp gì trước cả mà tùy cơ ứng xử khi việc đến. 

“Dường như ai cũng có rất nhiều hoạch định và tham vọng. Với Thầy, nếu có người muốn đến viếng thì Thầy sẽ dành thời gian tiếp. Còn nếu không có ai đến viếng thì Thầy có việc khác để làm, cũng tốt thôi. Không có thành công hay thất bại trong chuyện của Thầy. Ở bên Thầy như ở bên một người không có tâm phê bình chỉ trích, không phán đoán: ‘Tôi phải làm việc này hay việc kia’ hoặc ‘Cái này hay cái nọ không tốt.’”

 Gregg ghi nhận, “Thầy có nhiều tâm xả, và được gần Thầy giúp ta thể hiện được tâm xả bên trong chúng ta. Ta không cần phải phản ứng với tất cả mọi việc. Thầy nói, có khi chúng ta cũng phải quan tâm và phản ứng trước một cảnh ngộ nào đó, nhưng những lúc khác ta chỉ cần thầm lặng tỉnh giác, ghi nhận, và không phản ứng. Thầy sống trong cuộc đời nhưng không để sự đời chi phối mà chỉ ghi nhận và quán chiếu thực tướng của chúng.”

 Erik Knud-Hansen ngưỡng phục thái độ quân bình của Ngài Munindra khi đối diện với mọi thăng trầm của cuộc đời. Qua dòng thời gian, Erik thấy mình “tôn kính nhất là những vị thầy giữ được vẻ tự tại trước tình thế rối ren, trắc trở. Thầy có khả năng kỳ diệu luôn giữ được tâm quân bình và không để thế giới bên ngoài toàn quyền khuynh loát mình. Ngay cả khi có người không hiểu được khía cạnh nhân bản của Thầy, Thầy cũng nhẹ nhàng đón nhận. Tôi nhớ mãi trong tâm một lời rốt ráo của Thầy: ‘Đừng đánh giá Giáo pháp qua tôi. Giáo pháp là Giáo pháp. Tôi chỉ là tôi.’”

 Cũng cùng cách thế đón nhận những công kích của thân bệnh mà không tạo thêm đau khổ trong tâm, Ngài Munindra chịu đựng công kích của miệng tiếng thế gian mà không tiêu cực trả đũa. Gregg Galbraith hay nhắc lại, “Thầy chấp nhận mọi thứ là như vậy.”

 Không những thế, Thầy có khả năng truyền dẫn cho môn đệ thấm nhuần được tâm tùy thuận này, trong đó có Naima Shea. Ngay từ khóa tu học đầu với Thầy, cô đã được tập cách sống tùy thuận với tất cả. “Ở Ấn độ đầy dẫy âm thanh radio ồn náo, và người qua lại với tiếng nhạc inh tai (ít thứ gì om sòm như nhạc phổ thông của Ấn!) Nhiều sinh viên hỏi Thầy cách đối trị, Thầy chỉ cười nụ cười hiền lành và nói chúng tôi hãy niệm ‘nghe, nghe, nghe.’ Có vẻ như chẳng tới đâu cả, nhưng đó chính là một lời khuyên dạy thâm sâu rằng hãy chỉ tùy thuận sống với nó, không phản ứng hay phê phán, và lúc ấy, lời khuyên dạy này đã làm tỏ rạng vấn đề cho chúng tôi.”

 Naima nói thêm, “Thầy dạy tiếp rằng khi tâm đang ở tiếng nhạc ầm ĩ, chỉ cần đưa sự chú ý trở lại hơi thở hoặc trở lại thân, dịu dàng như bà mẹ với đứa con thơ duy nhất. Đây là điều chủ yếu: phải dịu dàng, đừng la rầy, phê bình hoặc tự trách, vì đó chỉ làm thiền tập thêm căng thẳng, tâm thêm bồn chồn. Lời hướng dẫn ngắn gọn súc tích ấy đã ảnh hưởng cả cuộc đời tôi không biết bao nhiêu lần, qua bao nhiêu cách thế.”  

Ngay cả khi đang ngã mình trên mây. 

 Ngài Munindra đã nhấn mạnh lại lời dạy trên cho Naima vài tuần kế đó, sau khi cô tham dự khóa mười ngày với một thiền sư khác và háo hức muốn ngồi thiền một mình.

 Cô nói, “Thân tôi luôn luôn đau đớn, càng ngày càng tệ, nên tôi quyết định đến trình bày với Thầy. Tôi tả với Thầy là toàn thân trên tôi như bị bọc cứng trong khối bê tông và đứt ra làm đôi, đau đớn tột cùng từ giờ này sang đến giờ kia. Thầy cười, vẫn nụ cười hiền lành, nói rằng đó là cơ hội rất tốt để phát triển tâm định. Lời Thầy đánh động tâm tôi, nhắc tôi đừng phản ứng hay lo sợ, nếu không sẽ bị vướng vào khái niệm nào đó về cái đau, mà hãy dùng cảm giác như một đồng minh để hỗ trợ trong công phu thiền tập. Đây quả là một bài học quý giá mà tôi luôn luôn ấp ủ trong tâm.”

 Dạy người khác biết cách đối trị với đau đớn là một món quà hữu ích giúp đỡ họ khi già yếu. Zara Novikoff vẫn còn nhớ lời Thầy dạy vào lần đầu tiên tình cờ gặp Thầy ở Ấn năm 1998: “Thầy hướng dẫn tôi cách quán sát cảm thọ lúc đau cũng như lúc cười. Bất cứ gì đang sanh khởi trong tâm, tôi phải ghi nhận nó với tâm bình thản, không phê bình, không tức giận với chính mình khi không thể tập trung vào đề mục hay khi tâm bất an, trạo cử.”

 Zara thuật tiếp, “Một hôm tôi kêu ca về các cơn đau thân khiến tôi không thể ngồi nhiều giờ trên sàn xi măng. Thầy nói, ‘Ngay cả khi đang ngã mình trên một đám mây êm, cơn đau vẫn cứ tới.’ Thật là một điều quan trọng tôi cần biết. Ta phải tập chấp nhận bất cứ gì đến với ta. Ai ai cũng nhận chịu đau đớn; không ai tránh được điều đó. Thầy giảng giải với một nụ cười rộng mở, giống như đang nói đùa. Dù là việc gì, Thầy luôn giữ vẻ an nhiên, tươi cười, trong sáng và tinh tường.”

Hoàn thiện tâm xả cho đến đoạn cuối. 

 Khi dạy người khác vun bồi tâm xả, Ngài Munindra không bao giờ ngừng hoàn thiện tâm xả trong chính mình. Ngài tìm được lợi lạc khi phải đương đầu với những cơn bệnh trầm kha. Lần giải phẫu tệ hại và lần mắc bệnh zona kể trên không là lần duy nhất trong đời Ngài.

 Vào cuối năm 1996, Ngài Munindra viết thư cho Vivian Darst kể rằng thình lình Ngài trở trọng bệnh với chứng viêm cuống phổi, sốt và ho ở Calcutta. Ngài nhập viện và được chẩn đoán bệnh lao ở phổi trái và, đồng thời, bệnh viêm màng phổi. Ngài phải nghỉ ngơi hoàn toàn và phải bớt đàm thoại ít nhất trong sáu tháng khi đang điều trị thuốc men . Ngài viết cho cô:

  Thầy không biết đến bao lâu mới hoàn toàn bình phục. Năm nay Thầy đã tám mươi hai tuổi, cái tuổi thọ trung bình của con người hiện nay. Sớm muộn gì ai ai cũng phải xa rời những người thân yêu nên chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng. Đó là quy luật của thiên nhiên.

  Đau khổ là vị Thầy lớn của chúng ta. Thầy chấp nhận nó là như vậy, với tâm bình thản, không phản ứng. Nếu Thầy vẫn còn sống thêm vài ngày nữa và mọi việc đều tốt đẹp, Thầy có thể gặp con lần nữa ở Mỹ. Nếu không, Thầy gửi con lời chúc phúc và tâm từ cho sức khỏe và an vui của con.

 Năm 2002, Ngài Muninda yếu hẳn, phải cần trợ cụ mới đi đứng được. Robert Pryor nhớ Thầy có một cách diễn tả rất hay về tình trạng của mình: “Bạn hỏi, ‘Thầy khỏe không?’ và Thầy sẽ trả lời, ‘Thân thì già yếu lắm, nhưng tâm vẫn an lành.’ Thầy thật phân minh. Tâm Thầy ở ngay đó cùng bạn dù thân Thầy yếu đuối mong manh. Thầy không hề than vản, cáu kỉnh, cộc cằn như ta thường lộ ra khi đau bệnh. Tôi rất cảm kích bởi đức tính ấy và bởi cảm giác gần gũi bên Thầy.”

 Năm sau đó, Ngài Munindra về Calcutta sống dưới mái gia đình. Dù đau bệnh và yếu ớt vô cùng, Ngài vẫn tiếp đón mọi người. Biết rằng đây có lẽ là lần cuối cùng được gặp mặt vị Thầy yêu kính, nhiều học trò cũ từ rất xa đã đến viếng Ngài.

 Kamala Masters đến vào đầu năm 2003. Cô nhớ lúc ngồi cạnh giường, cố gắng đỡ Thầy ngồi dậy. Cử động thật khó khăn, nhưng Thầy nhẹ nhàng chấp nhận điều đó, vừa tươi cười vừa nói, “Tâm thì sáng suốt lắm, nhưng thân lại không chịu hợp tác!” Kamala tâm sự: “Thật là lời dạy sâu sắc cho tôi, là một trong những lời dạy thâm thúy nhất ta không bao giờ có thể nhận lãnh trọn vẹn được qua một pháp thoại trong thiền đường.”

 Khi đến thăm Ngài từ Đan mạch, Uno Svedin nhận xét rằng “dù thể xác Thầy rất suy nhược nhưng Thầy vẫn rạng rỡ khi nói Pháp – vẻ uy nghi từ ái và thâm trầm vẫn tuôn trào từ Thầy như bao giờ. Tuy nhiên Thầy rất mệt và cần nghỉ ngơi một khoảng thời gian dài sau đó để bù lại. Bằng tất cả tâm lực, Thầy trao truyền cho chúng tôi một bài học thân giáo về phương cách chết trong an nhiên và phẩm hạnh, về sự thực hành tâm buông xả ngay trong giây phút hiện tại ở cuối đời. Tôi trân trọng để dành lời dạy này cho đoạn đường sau cùng của kiếp sống, khi tôi có thể cần những tấm gương sáng từ các vị trưởng lão như Thầy làm ngọn hải đăng.”

 Vào tuần đầu tháng 10 năm 2003, Robert Pryor đến thăm Ngài, đi theo có U Hla Myint, vị thầy Miến điện thay Ngài dạy chương trình Phật học Antioch tại Bodh Gaya khi Ngài đã quá già yếu, và Phelps Feeley, phụ tá giảng sư.

 Robert mô tả lần viếng thăm cuối cùng đầy xúc động: “Như mọi khi, gia đình Thầy ân cần niềm nỡ tiếp đón chúng tôi. Em út Govinda của Ngài bảo: ‘Ngài không còn nói được nhưng quý vị cứ vào thăm nếu muốn.’ Chúng tôi bước vào góc phòng xinh xắn, yên tĩnh và mát mẻ nơi đặt chiếc giường bệnh, có Thầy với thân ốm gầy, nhỏ nhắn đang nằm nghiêng một bên. Thầy rất yếu, không ngồi dậy được nhưng người nhà nâng đầu Thầy lên, và Thầy mở mắt nhìn chúng tôi. Dần dần, Thầy nhận dạng chúng tôi. Thầy nói chuyện với chúng tôi, hoàn toàn minh mẫn. Khi nghe chúng tôi báo cáo là chương trình giảng dạy vẫn tiến hành tốt đẹp, Thầy nở một nụ cười rất tươi.”

 Robert thuật tiếp, “Chúng tôi mang tặng Thầy một túi khoác vai có thêu hình Đền Đại Bồ đề. Chúng tôi nâng ngang túi một bên cho Thầy nhìn rõ. Thầy mỉm cười nói, ‘Cảm ơn nhiều lắm.’ Chúng tôi hầu chuyện Thầy chỉ chừng năm, mười phút. Trước khi chúng tôi ra về, Thầy chúc phúc cho chúng tôi như thường lệ, ‘Cầu mong các bạn hạnh phúc, cầu mong các bạn bình an…’ bằng tất cả sự ấm áp, sinh lực và sáng suốt của mình. Thật là xúc động vô vàn vì rõ ràng là tôi sẽ không còn được gặp Thầy lần nữa.”

 Robert nói thêm, “Đó thật là một giáo huấn kỳ diệu bởi Thầy đã ban rải tâm từ ngay ở trên giường bệnh lúc sắp lâm chung. Và Thầy không như một vị thánh bất diệt đang nằm đó, an trú trong phúc lạc, mà chỉ là một người thường đang nhận chịu đau khổ thân xác, ốm yếu gầy mòn nhưng không một tiếng than van. Thật bàng hoàng khi thấy Thầy thu hết tàn lực để vẫn có thể ban lời chúc phúc.”

 Ngài Munindra yếu đi từng ngày. Một hôm Ngài nói với Dhriti, vợ của người cháu Tridib, “Ta sắp đi rồi, không còn bao nhiêu ngày nữa. Sao các cháu lại mua cho ta nhiều thuốc vậy? Ta không sao đâu. Đừng làm gì cho ta cả. Đừng tốn kém nhiều cho ta.” Rồi Ngài từ chối, không nhận thực phẩm, thuốc men vào người nữa.

 Dhriti kể lại những giờ cuối cùng của Ngài: “Chúng tôi – Subhra, Tridib, mẹ chồng của tôi – cùng đứng quanh Ngài và cố nài nỉ Ngài dùng chút ít cho buổi cơm chiều. Ngài chỉ cười bảo, ‘Thôi, ta không muốn dùng gì. Đừng ép hôm nay. Ngày mai, ta sẽ dùng bất cứ món gì cả nhà muốn.’

 Thấy chúng tôi cứ năn nỉ mãi, Ngài nói, ‘Thôi được, cho xin chút nước thôi’ và uống được hai muỗng nước. Ngài nói, ‘Đủ rồi. Cả nhà muốn ta làm gì, ngày mai ta sẽ làm hết.’”

 Dhriti tiếp, “Khoảng ba hay ba giờ rưỡi khuya, tôi thức dậy đi vào nhà tắm và ghé mắt nhìn vào phòng. Tôi nghe Ngài nói muốn uống nước. Người giúp việc cho Ngài uống nước. Chặp sau Ngài hỏi, ‘Cả nhà đã vào ngồi thiền chưa? Đã bắt đầu tụng kinh chưa?’ Đó là lời cuối cùng của ngài. Lúc ấy vào khoảng năm giờ sáng.” Chờ qua đêm cho đến giờ biết được gia đình bắt đầu hành thiền và tụng kinh, Ngài Munindra lặng lẽ qua đời rạng sáng ngày 13 tháng 10 năm 2003.

 

Hãy rèn luyện tâm như đất.

Vì trên mặt đất con người vứt bỏ đủ thứ sạch, dơ, phân uế, nước tiểu, đờm dãi, máu mủ…

nhưng đất vẫn không dao động,

khước từ hay ghê tởm.

Cũng như vậy, do tu tập như đất,

các xúc khả ái hay bất khả ái khi được khởi lên

sẽ không thể nắm giữ hay bám chặt vào tâm ta nữa.

 

 Phật Ngôn

Trung Bộ Kinh 62.13




 

upekkhā: từ upa (trên, ở trên) + ikkhati (thấy), thường được hiểu là nhìn mọi việc từ một vị trí trung dung hay không thiên vị. “Quân bình nội tâm” (tatra-majjhattatā) là một khía cạnh của upekkhā. Upekkhā thường được dịch là “tâm xả”, “trạng thái tâm thăng bằng”, “quân bình”, “tâm không phản ứng”, “trung tính”, và “không thiên vị”.

 Là một cảm thọ trung tính (vedāna), upekkhā có nghĩa không khổ cũng không lạc nhưng ở khoảng cách bằng nhau giữa tâm hoan hỷ và sầu não. Có bản chất quân bình, tâm xả trở nên lắng dịu trước sự ưa thích hoặc không ưa thích tất cả các pháp chịu điều kiện. Tuệ giác về vô ngã (anattā) và vô thường (anicca) dẫn tâm đến trạng thái quân bình không lay chuyển. Giống như sự tĩnh lặng ở đáy đại dương sâu thẳm, tâm xả là sự vắng mặt các xao động từ những thăng trầm của đời thường. Khi nhận thức được rằng tất cả chúng sanh đều là kẻ thừa kế nghiệp quả (kamma) của chính họ, ta sẽ dứt bỏ được cái nhìn đầy quan kiến với họ. Như vậy, tâm xả không có nghĩa là lãnh đạm, thờ ơ hay vô cảm – kẻ thù gần của nó – mà là tâm vô tư, thoát ra được thành kiến ích kỷ, cực đoan.

Upekkhā là yếu tố cuối cùng của bảy yếu tố giác ngộ (bojjhaṇga), của mười ba la mật (pāramī), và của tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra). Tâm xả hướng dẫn, ổn định, và giới hạn ba tâm kia (từ, bi, và hỷ), không cho chúng tự do đi theo những mưu cầu vô ích hay những xúc cảm buông lung, không kiềm chế được.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn