(Xem: 1755)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2221)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Nghiệp và quả của Nghiệp

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 11438)


Nền Tảng Phật Giáo

Quyển 4 (Nghiệp và quả của nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

PHẦN II

Nghiệp và quả của Nghiệp

(KAMMA - KAMMAPHALA)


Chương V Hành Giới đã được trình bày xong trong Nền Tảng Phật Giáo quyển III Hành Giới, chương VI sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp.

Nghiệp và quả của nghiệp có 2 phần

Nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kamma”.

Quả của nghiệp dịch từ chữ Pāḷi “Kammaphala”.

Nghiệp là gì?

Đức Phật dạy trong bài kinh Nibbedhikasutta:

Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā”.

(Này chư Tỳ khưu, sau khi đã có tác ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy “Tác ý gọi là nghiệp).

Muốn tạo nghiệp nào, người ta có tác ý phát sinh trước, rồi mới tạo nghiệp ấy sau.

Như vậy tác ýnghiệp không đồng sinh với nhau, mà có liên quan trực tiếp với nhau:

- Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng thân gọi là thân nghiệp (kāyakamma).

- Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng khẩu gọi là khẩu nghiệp (vacīkamma).

-Tác ý phát sinh rồi tạo nghiệp bằng ý gọi là ý nghiệp (manokamma).

Do đó nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn.

Tác ý (cetanā) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

Tác ý gọi là nghiệp là mỗi khi tác ý tâm sở này đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện tâm, thì tác ý tâm sở ấy mới gọi là nghiệp.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tạo nên 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm tạo nên 8 dục giới đại thiện nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm tạo nên 5 sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm tạo nên 4 vô sắc giới thiện nghiệp bằng ý.

- Tác ý tâm sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm tạo nên 4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp bằng ý.

Còn tác ý tâm sở đồng sinh với 36 hoặc 52 quả tâm, và 20 duy tác tâm, thì tác ý tâm sở ấy không gọi là nghiệp.

Quả của nghiệp như thế nào?

Đức Phật dạy:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi”

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả trong 2 thời kỳ:

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới.

8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ:

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 11 cõi dục giới, 15 cõi sắc giới (trừ cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên) tùy theo đối tượng và chúng sinh.

5 sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm.

4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong 2 thời kỳ đối với hành giả.

- Cho quả trong thời kỳ tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

- Cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tùy theo quả của mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà cho quả trong kiếp hiện tại, ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo Tâm nào liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy, không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền cho quả là Thánh Quả Tâm tương ứng ấy sinh sau 1 sát-na tâm trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm không cho quả tái sinh kiếp sau, mà có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh của mỗi bậc Thánh Nhân như sau:

- Nhập Lưu Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhập Lưu chắc chắn vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, mà chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; trong kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Nhất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp trong cõi thiện dục giới mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Bất Lai Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Bất Lai chắc chắn vĩnh viễn không còn trở lại tái sinh trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi trời sắc giới phạm thiên; tại cõi trời sắc giới bậc Thánh Bất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Arahán Thánh Đạo thiện nghiệp của bậc Thánh Arahán chắc chắn ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Như vậy, nghiệp có 2 loại: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) và thiện nghiệp.

- Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại trong 12 bất thiện tâm:

8 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 8 tâm tham.

2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm sân.

2 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trong 2 tâm si.

- Thiện nghiệp có 4 loại:

8 dục giới đại thiện nghiệp.

5 sắc giới thiện nghiệp.

4 vô sắc giới thiện nghiệp.

4 hoặc 20 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 hoặc 20 Thánh Đạo Tâm.

Tóm lại, nghiệp (kamma)quả của nghiệp (kamma-phala) là 2 vấn đề riêng biệt mà có liên quan theo định luật nhân và quả tương ứng.

- Nghiệp (kamma): Có 2 loại

Thiện nghiệp.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là hoàn toàn do con người chủ động, con người có quyền lựa chọn theo ý riêng của mình, có thể tự hỏi rằng:

Thiện nghiệp này nên tạo hay không nên tạo?

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) này nên tạo hay không nên tạo?

Việc nên hoặc không nên tạo là hoàn toàn do chính ta có quyền lựa chọn.

Một khi ta đã có tác ý tạo nên thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào rồi thì nghiệp ấy là của riêng ta, không liên quan đến những người khác; nếu người khác có liên quan, thì chỉ có thể liên quan với quả của nghiệp mà thôi.

Như Đức Phật dạy:

- Này chư Tỳ khưu, bậc xuất gia hoặc người tại gia, người đàn ông hoặc người đàn bà nên thường suy xét rằng:

Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammapaṭisarano, yaṃ kammaṃ karissāmi kabyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào: ‘Thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

- Quả của nghiệp (kammaphala): Có 2 loại

Quả của thiện nghiệp là quả an lạc, quả tốt,…

Quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) là quả khổ, quả xấu,…

An lạc hoặc khổquả của nghiệp, cho nên, con người hoàn toàn bị động phải chấp nhận quả của nghiệp, mà không có quyền phủ nhận, cũng không có quyền lựa chọn. Bởi vì, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp mà chính ta đã tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại.

Tất cả chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới:

Dục giới có 11 cõi

Sắc giới có 16 cõi

Vô sắc giới có 4 cõi

Tất cả chúng sinh có 4 loài:

- Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

- Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng, rồi từ trứng nở ra con như: Con gà, con vịt, con chim,…

- Loài thấp sinh là chúng sinh tái sinh nơi ẩm thấp như dưới đất, trong vũng nước: Con giun, con sán, con dòi,…

Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

- Loài hóa sinh là chúng sinh hóa sinh ra có thân hình đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ ngay tức khắc, mà không cần chờ đợi thời gian tăng trưởng. Đó là những hạng chúng sinh như sau:

Con người đầu tiên hóa sinh hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới.

Chư Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới (Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới không có thân, chỉ có tâm mà thôi).

Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

Chúng sinh là các hạng atula.

Chúng sinh là các hạng ngạ quỷ.

Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc về loài hóa sinh.

Trong tất cả 4 loài chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới, thì con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này mà chúng ta đang sống có nhiều điểm đặc biệt mà các chúng sinh trong cõi khác không có như cõi người chúng ta.

Những điểm đặc biệt ấy là những điểm nào?

Tạo ác nghiệp cực ác

Nếu con người tạo ác nghiệp, thì có thể tạo ác nghiệp cực ác như:

Tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi-kamma) là tà kiến hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp cực ác không có ác nghiệp nào ác hơn.

Tạo ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) là trọng tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, đó là ác nghiệp vô gián cực ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội này cho quả tái sinh trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Đó là 2 loại ác nghiệp cực ác mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo ác nghiệp cực ác này được. Ngoài ra, các chúng sinh trong các cõi khác không thể tạo ác nghiệp cực ác này được.

Tạo thiện nghiệp cực thiện

Nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị trong 10 (mười) ngàn thế giới chúng sinh.

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Độc Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Độc Giác (Đức Phật Độc Giác có nhiều Vị ).

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Thanh Văn thì có khả năng tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật (chỉ có 2 vị bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn).

Hoặc ...Bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử v.v...

Đó là những thiện nghiệp cực thiện mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo được, những pháp hạnh ba-la-mật này là thiện nghiệp cực thiện.

Như vậy, con người có thể tạo ác nghiệp cực ác, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp cực ác cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Và con người là chư Bồ Tát có thể tạo thiện nghiệp cực thiện đó là những pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác... Khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, chắc chắn đã từng tạo và tích lũy các ác nghiệp lẫn các thiện nghiệp. Đối với những hạng chúng sinh trong các cõi địa ngục chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn những thiện nghiệp không có cơ hội cho quả an lạc v.v... Đối với những hàng chư thiên, Phạm thiên trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp cho quả an lạc mà thôi, còn những ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

Riêng loài người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ. Quả an lạc hoặc quả khổ ấy là quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ta mà chính ta là người đã tạo, đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ từ vô thủy, hoặc đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này, chứ không phải của ai khác; chắc chắn các thiện nghiệp và các ác nghiệp ấy là của chính ta, thì chính ta là người thừa hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp ấy và phải chịu quả khổ của các ác nghiệp ấy.

Người Phật tử phải nên có chánh kiến về nghiệp của mình (kamassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ thấy đúng, hiểu đúng rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của ta và phải chịu quả khổ của ác nghiệp của ta. Cho nên nếu khi ta hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp thì ta hoan hỷ chấp nhận. Và nếu khi ta phải chịu mọi quả khổ của ác nghiệp thì ta cũng phải nên nhẫn nại chấp nhận. Bởi vì thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ là của riêng ta mà thôi”.

Như vậy, người Phật tử có chánh kiến về nghiệp, là người biết sống công bình với chính mình; đồng thời biết sống, biết cư xử công bình với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

Một số người nếu khi hưởng mọi quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ chấp nhận, nhưng nếu khi chịu mọi quả khổ của các ác nghiệp, thì không chịu chấp nhận, trách người khác, mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy. Số người ấy sống như vậy không công bình với chính họ, thì họ sống và cư xử cũng không công bình đối với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác. Số người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

Phân Loại Về Nghiệp

Trong chương VI này sẽ trình bày về nghiệp và quả của nghiệp. Trong bộ Abhidhammasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa), Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha trình bày trong phần Kammacatukka, nghiệp được phân loại có 4 phần chính là:

I. Kiccacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo phận sự có 4 loại nghiệp.

II. Pākadānapariyāyacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

III. Pākakālacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

IV. Pākaṭṭhānacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp có 4 loại nghiệp.

Như vậy, 4 phần nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:

I. Phần nghiệp được phân loại theo phận sự (kiccacatukka): Có 4 loại nghiệp

Janakakamma: Nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ cho nghiệp khác sinh quả.

Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại nghiệp đối nghịch.

Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại cắt đứt nghiệp khác.

II. Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp (pākadānapariyāyacatukka): Có 4 loại nghiệp

Garukakamma: Nghiệp trọng yếu, ưu tiên cho quả tái sinh kiếp sau trước tiên.

Āsannakamma: Nghiệp cận tử, phát sinh lúc lâm chung.

Nếu không có nghiệp trọng yếu, thì nghiệp cận tử này cho quả tái sinh kiếp sau.

Āciṇṇakamma: Nghiệp thường hành hằng ngày đêm.

Nếu không có nghiệp trọng yếu và nghiệp cận tử, thì nghiệp thường hành này cho quả tái sinh kiếp sau.

Kaṭattakamma: Nghiệp loại thường, yếu hơn 3 loại nghiệp trên.

Nếu không có 3 loại nghiệp trên, thì nghiệp loại thường này cho quả tái sinh kiếp sau.

III. Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp (pākakālacatukka): Có 4 loại nghiệp

Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất)

Upapajjavedanīyakamma: Nghiệp cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ nhì)

Aparāpariyavedanīyakamma: Nghiệp cho quả trong những kiếp tiếp theo (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trước khi tịch diệt Niết Bàn).

Ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả (nghiệp không còn có hiệu lực cho quả của nghiệp ấy được nữa).

IV. Phần nghiệp được phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp (pākaṭṭhānacatukka): Có 4 loại nghiệp

Akusalakamma: 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Kāmāvacarakusalakamma: 8 dục giới đại thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

Rūpāvacarakusalakamma: 5 sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

Arūpavacarakusalakamma: 4 vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn