(Xem: 1665)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2170)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- 16 loại Nghiệp

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 14539)


Nền Tảng Phật Giáo  

Quyển 4 (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

Phần giải thích 16 loại Nghiệp

I. Kiccacatukka: 4 Nghiệp Phân Loại Theo Phận Sự

Nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp:

1. Janakakamma: Nghiệp sinh quả là nghiệp có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu cho đến lúc chết.

2. Upathambhakakamma: Nghiệp hỗ trợ là nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp khác tái sinh, và hỗ trợ cho nghiệp khác hiện hữu.

3. Upapīḷakakamma: Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho sinh quả; khi nghiệp đối nghịch khác đã sinh quả rồi thì hãm hại tiềm năng cho quả.

4. Upaghātakakamma: Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp khác không cho có cơ hội cho quả, hoặc cắt đứt một phần hoặc toàn phần quả của nghiệp khác.

Giải thích 4 nghiệp phân loại theo phận sự

1. Janakakamma: Nghiệp Sinh Quả

Thế nào gọi là nghiệp sinh quả?

Nghiệp nào có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến trước khi chết, nghiệp ấy gọi là nghiệp sinh quả, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp, tác ý tâm sở đồng sinh với 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si), 17 thiện nghiệp (tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm + 5 sắc giới thiện tâm + 4 vô sắc giới thiện tâm) trong tam giới.

* Nghiệp sinh quả ấy gồm có 4 loại nghiệp:

1. 1 12 bất thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ.

Giải thích 4 trường hợp:

1. 1 12 bất thiện nghiệp sinhquả trong 2 thời kỳ:

a) Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (ác tâm). Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, chỉ có bất thiện nghiệp trong 11 bất thiện tâm (ác tâm) (không có tâm si hợp với phóng tâm - Tác ý tâm sở đồng sinh với tâm si hợp với phóng tâm là bất thiện nghiệp không có năng lực cho quả trong thời kỳ tái sinh, nhưng bất thiện nghiệp này có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu nó có cơ hội cho quả.) có khả năng sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm (Vô nhân tâm là tâm không có nhân nào trong 6 nhân: Tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Bất thiện quả vô nhân tâm là tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sau làm chúng sinh trong cõi địa ngục, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng atula, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm sân tâm si.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm chúng sinh trong hàng ngạ quỷ, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm tham.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau làm chúng sinh trong hạng súc sinh, phần nhiều do năng lực của ác nghiệp trong tâm si.

Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm, sau khi quả tâm ấy đã làm phận sự tái sinh (paṭisan-dhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

12 bất thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, bất thiện nghiệp trong 12 bất thiện tâm có khả năng sinh quả là 7 bất thiện quả vô nhân tâm đó là 7 tâm không có nhân thuộc quả bất thiện.

7 bất thiện quả vô nhân tâm:

7 bất thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy như sau:

- Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, hình dáng xấu, không đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, âm thanh dở, không đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần hôi, không đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần dở, không đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần thô, cứng, không đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

- Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu, không đáng hài lòng.

7 bất thiện quả vô nhân tâm này là quả của 12 bất thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 1 số cõi sắc giới.

Mỗi bất thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy theo mỗi hạng chúng sinh trong mỗi cõi giới ấy.

Quả của 12 bất thiện nghiệp này là quả khổ được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp.

Tất cả mọi cảnh khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loài súc sinh đều do quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chính chúng đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

1.2 8 dục giới đại thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm sinh quả là 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm. 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới như sau:

8 dục giới đại quả tâm có 2 loại tâm:

- 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ.

- 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ.

− Nếu 4 dục giới đại quả tâm hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có tam nhân (tihetukapuggala) vô tham, vô sânvô si (trí tuệ); hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có tam nhân: Vô tham, vô sân và vô si, có nhiều oai lực, có hào quang sáng tỏa, có nhiều sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

− Nếu 4 dục giới đại quả tâm không hợp với trí tuệ làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người có nhị nhân (dvihetukapuggala) chỉ có vô thamvô sân, không có vô si; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy là hạng chư thiên có nhị nhân: Vô tham và vô sân, không có vô si, có ít oai lực, có ít hào quang sáng tỏa, có ít sự an lạc trong cõi trời dục giới ấy.

Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh làm người thì người ấy là hạng người vô nhân (ahetukapuggala, là hạng người không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si từ khi tái sinh đầu thai.), đó là hạng người đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi đầu thai trong bụng mẹ; hoặc hóa sinh làm chư thiên thì vị chư thiên ấy thuộc hạng chư thiên vô nhân, không có nhân nào trong 3 nhân: Vô tham, vô sân và vô si, là hạng chư thiên đui mù, câm điếc, tật nguyền... từ khi hóa sinh đầu tiên.

Sau khi 1 trong 9 quả tâm (8 dục giới đại quả tâm + suy xét tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm) đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính 1 quả tâm ấy liền tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến tận kiếp, hết tuổi thọ, rồi cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp chúng sinh ấy.

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm này có khả năng sinh quả là 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm8 thiện quả vô nhân tâm.

8 thiện quả vô nhân tâm:

8 thiện quả vô nhân tâm phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu của chúng sinh ấy:

- Nhãn thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần tốt, đẹp, đáng hài lòng.

- Nhĩ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần hay, đáng hài lòng.

- Tỷ thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần thơm, đáng hài lòng.

- Thiệt thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần ngon, đáng hài lòng.

- Thân thức tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần mềm mại, đáng hài lòng.

- Tiếp nhận tâm thuộc thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

- Suy xét tâm hợp với thọ hỷ thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

- Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.

8 thiện quả vô nhân tâm này là quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp có thể phát sinh trong 11 cõi dục giới và 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên). Mỗi thiện quả vô nhân tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên, điều kiện của mỗi quả tâm này, còn tùy thuộc vào hạng chúng sinh trong cõi giới ấy.

Quả của 8 dục giới đại thiện nghiệp này là an lạc được phát sinh đối với mỗi chúng sinh tùy theo thiện nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong kiếp quá khứ từ nhiều đời, nhiều kiếp.

Tất cả mọi sự an lạc của chúng sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới đều do quả của thiện nghiệp mà chính họ đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ.

1. 3 5 sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này sinh quả là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên.

Thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 5 bậc thiền sắc giới quả tâm. Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên cõi trời sắc giới của đệ tứ thiền.

(sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

Trong 5 bậc thiền sắc giới quả tâm, bậc thiền sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi bậc thiền sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời sắc giới ấy.

1. 4 4 vô sắc giới thiện nghiệp sinh quả trong 2 thời kỳ:

a) Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla):

4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này sinh quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên.

Thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả tương ứng với 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm. Trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm này, hành giả chứng đắc được bậc thiền vô sắc giới thiện tâm nào cao, thì bậc thiền cao ấy có quyền ưu tiên sinh quả là bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) lên tầng trời vô sắc giới tương ứng với quả của bậc thiền ấy.

Ví dụ: Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đến đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm. Sau khi hành giả chết, thì chỉ có đệ tam thiền vô sắc giới, vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền vô sắc giới vô sở hữu xứ thiền quả tâm mà thôi, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) lên tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

(sẽ trình bày rõ trong phần “Nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả”)

b) Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla):

Trong 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm, bậc thiền vô sắc giới quả tâm nào sau khi đã làm phận sự tái sinh (paṭisandhi-kicca) xong, rồi bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn duy trì kiếp Phạm thiên ấy cho đến lúc hết tuổi thọ tại tầng trời vô sắc giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy lại làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp Phạm thiên tại tầng trời vô sắc giới ấy.

Thời Kỳ Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

Mỗi kiếp của chúng sinh bắt đầu từ tái sinh tâm (paṭi-sandhicitta) đó là quả tâm của thiện tâm nào hoặc bất thiện tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ 1 sát-na tâm xong rồi diệt, rồi chính quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn kiếp sống của chúng sinh ấy đến hết tuổi thọ hoặc hết nghiệp hỗ trợ, rồi cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

Ví dụ: Chúng sinh ấy là loài người, người ấy trong lúc lâm chung (maraṇāsannakāla) có 1 trong 3 hiện tượng hiện ra: Nghiệp (kamma), hoặc hiện tượng của nghiệp (kamma-nimitta), hoặc cảnh tượng nơi sắp tái sinh (gatinimitta). Hiện tượng này là đối tượng của lộ trình tâm lúc lâm chung (maraṇāsannavīthicitta).

Đồ Biểu Ngũ Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm

(Lộ trình tâm lúc lâm chung theo 5 giác quan:

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)


blank

Ngũ môn cận tử lộ trình tâm khi chết và tái sinh kiếp sau:

1. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp viết tắt (bha)

2. Atītabhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp quá khứ vt (ati)

3. Bhavaṅgacalana: Tâm hộ kiếp rung động vt (na)

4. Bhavaṅgupaccheda: Tâm hộ kiếp bị cắt vt (da)

5. Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ môn hướng tâm vt (pañ)

6. Pañcaviññāṇacitta: Ngũ thức tâm:

(nhãn thức tâm, nhĩ thức

tâm, tỷ thức tâm, thiệt thức

tâm, thân thức tâm) vt (viñ)

7. Sampaticchanacitta: Tâm tiếp nhận vt (sam)

8. Santīraṇacitta: Suy xét tâm vt (san)

9. Voṭṭhabbanacitta: Tâm quyết định vt (vot)

10. Javanacitta: Tâm tác hành vt (ja)

11. Tadārammaṇacitta: Tâm tiếp đối tượng vt (ta)

12. Cuticitta: Tâm tử (kiếp hiện tại) vt (cu)

13. Paṭisandhicitta: Tâm tái sinh (kiếp sau) vt (paṭi)

14. Bhavaṅgacitta: Tâm hộ kiếp vt (bha)

Đồ Biểu Ý Môn Cận Tử Lộ Trình Tâm

blank

(Những chữ viết tắt giống đồ biểu ngũ môn cận tử lộ trình tâm, chỉ còn Manodvārāvajjanacitta: Ý môn hướng tâm, viết tắt (ma)).

Kiếp hiện tại tử - kiếp sau sinh không có khoảng cách thời gian chờ đợi

Qua cận tử lộ trình tâm (maraṇāsannavīthicitta) đối với tất cả chúng sinh, đến khi cuticitta: Tâm tử diệt (chết), liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: Tâm tái sinh sinh, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Cuticitta: Tâm tử (chết) là quả tâm cuối cùng của mỗi kiếp chúng sinh diệt, ở đây có nghĩa là tử (chết), chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh nói chung.

Paṭisandhicitta: Tâm tái sinhquả tâm đầu tiên của mỗi kiếp chúng sinh sinh, ở đây có nghĩa là sự bắt đầu một kiếp hiện tại của mỗi chúng sinh nói chung.

Tâm tái sinh là quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau của tất cả chúng sinh, gồm có 19 quả tâm:

* 19 quả tâm làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca)

- 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 11 bất thiện tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm), làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

- 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm ít năng lực làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người một số cõi trời dục giới thuộc hạng chúng sinh vô nhân như đui mù, câm điếc, tật nguyền từ khi tái sinh.

- 8 dục giới đại quả tâm là quả tâm của 8 dục giới đại thiện tâm nhiều năng lực, làm phận sự tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người 6 cõi trời dục giới, thuộc hạng chúng sinh tam nhân nhị nhân.

- 5 sắc giới quả tâm là quả tâm của 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 15 cõi trời sắc giới.

- 4 vô sắc giới quả tâm là quả tâm của 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, làm phận sự tái sinh (hóa sinh) làm Phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới.

* 19 quả tâm làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca)

Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) hộ trì, giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh ấy tại nơi cõi giới ấy.

* 19 quả tâm làm phận sự tử (cutikicca) (chết)

Trong 19 quả tâm này, sau khi quả tâm nào đã làm xong phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) xong, rồi chính quả tâm ấy lại tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy, và cuối cùng cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp của chúng sinh tại nơi cõi giới ấy.

Như vậy, mỗi chúng sinh bắt đầu với một quả tâm nào làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) chỉ có 1 sát-na tâm sinh bắt đầu kiếp hiện tại rồi diệt, tiếp theo cũng quả tâm ấy làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn, duy trì kiếp hiện tại theo tuổi thọ hoặc theo nghiệp hỗ trợ của chúng sinh ấy cho đến hết tuổi thọ, rồi cuối cùng của kiếp hiện tại cũng chính quả tâm ấy làm phận sự tử (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp hiện tại của một chúng sinh.

Mỗi kiếp chúng sinh chỉ có 1 quả tâm làm phận sự tái sinh, rồi làm phận sự hộ kiếp và cuối cùng phận sự tử cùng trong một kiếp mà thôi.

Nếu mỗi chúng sinh đã trải qua vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, từ kiếp này đến kiếp khác, thì chắc chắn tâm tử của kiếp này khác với tâm tái sinh của kiếp khác. Bởi vì do thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) khác nhau, nên cho quả tâm khác nhau.

blank


Theo cận tử lộ trình tâm của mỗi kiếp chúng sinh, thì thấy rõ rằng: “Kiếp này chết rồi liền tái sinh kiếp khác không có khoảng cách thời gian chờ đợi ”.

Ví dụ 1: Ông A là người phạm giới, không có giới, thường tạo ác nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của ác nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông A bị ô nhiễm. Sau khi ông A chết, nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả thì liền tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới như sinh làm loài ngạ quỷ, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Như vậy, sau khi ông A chết, chính ác nghiệp của ông A cho quả tái sinh kiếp sau làm loài ngạ quỷ; không phải ông A chết, rồi đi tái sinh làm loài ngạ quỷ.

Ví dụ 2: Ông B là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới… có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, giữ gìn giới của mình trong sạch và trọn vẹn, tin nghiệp và quả của nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của thiện nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông hoan hỷ trong thiện nghiệp ấy. Cho nên, sau khi ông B chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Hoá sinh làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, có lâu đài nguy nga, có hào quang sáng ngời v.v…, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.

Như vậy, sau khi ông B chết, chính thiện nghiệp của ông B cho quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam; không phải ông B chết, rồi đi tái sinh làm vị thiên nam.

Thực ra, trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh trong ba giới bốn loài, từ kiếp này sang kiếp khác có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh ấy; tất cả mọi thiện nghiệp, ác nghiệp dù nhẹ dù nặng cũng được tích lũy đầy đủ ở trong tâm, mà tâm thì luôn luôn sinh rồi diệt liên tục không ngừng, từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Thật vậy, Chư Đức Bồ Tát có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác hạng thường, hoặc trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; tất cả Chư Đức Bồ Tát ấy đều cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo các pháp hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, thì mới mong thành tựu được như ý nguyện của mình.

Ví như:

* Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác hạng thường cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Thanh Văn sinh ra gặp thời kỳ Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, hoặc được nghe giáo pháp của Đức Phật, Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác ấy có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán được thành tựu đúng theo nguyện vọng của Ngài.

Cũng tương tự như vậy:

* Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian tròn đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác ấy trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Đại Thanh Văn đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

* Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 10 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 10 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ và trọn vẹn, Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác ấy chắc chắn trực tiếp đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, lắng nghe chánh pháp liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán và được Đức Phật tuyên dương là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

Mỗi Đức Phật chỉ có 2 Vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử.

* Đức Bồ Tát Độc Giác cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 20 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung suốt khoảng thời gian 2 a-tăng-kỳ và đủ 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tích lũy 20 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 20 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, Đức Bồ Tát Độc Giác sinh ra trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian. Đức Bồ Tát Độc Giác đi xuất gia, không có thầy chỉ giáo, tự mình có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đồng thời là Đức Phật Độc Giác, đúng theo nguyện vọng của Ngài từ trước.

Đức Phật Độc Giác có thể có nhiều Vị cùng xuất hiện trên thế gian.

* Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ ưu việt (hơn đức tin và tinh tấn) như Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama của chúng ta, cần phải cố gắng tinh tấn không ngừng tạo 30 pháp hạnh ba-la-mật: 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng trải qua 3 thời kỳ.

- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác suốt 7 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ra bằng lời nói để cho chúng sinh nghe hiểu rõ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài suốt 9 a-tăng-kỳ tạo các pháp hạnh ba-la-mật.

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác được Đức Phật Chánh Đẳng Giác thọ ký xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Trong suốt khoảng thời gian này, Đức Bồ Tát đã trải qua vô số kiếp tích lũy 30 pháp hạnh ba-la-mật suốt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đến khi 30 pháp hạnh ba-la-mật được tích lũy đầy đủ trọn vẹn, vào thời kỳ tuổi thọ của con người ở khoảng 100 năm, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác sinh ra tại cõi người, Ngài đi xuất gia không có thầy chỉ giáo, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên độc nhất vô nhị trên toàn cõi thế giới chúng sinh. Ngài là Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán y theo Ngài.

Chư Đức Bồ Tát (Bodhisatta) là những chúng sinh có trí tuệ, có mục đích cứu cánh cuối cùng. Khi Đức Bồ Tát chưa đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng, thì quý Ngài vẫn còn phải tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Mỗi kiếp của quý Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp được tích lũy từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến khi được đầy đủ trọn vẹn các pháp hạnh ba-la-mật, để đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mỗi chúng sinh khác không phải là Đức Bồ Tát, cũng không có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn, thì sự tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy cho đến vô chung. Trong mỗi kiếp đã tạo các thiện nghiệp, các ác nghiệp rồi lại tích lũy các thiện nghiệp, các ác nghiệp ấy, và quả của các thiện nghiệp, quả của các ác nghiệp, kéo dài tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài đến vô chung.

Trong vô số kiếp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác chỉ có quan hệ liên đới với nhau bằng thiện nghiệp, ác nghiệp mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến thân xác.

* Tử sinh luân hồi

Tử là chết, kiếp hiện tại diệt, sinh tái sinh, kiếp sau sinh; hay kiếp trước diệt, kiếp sau sinh liền với nhau không có khoảng cách thời gian chờ đợi và cứ tiếp tục như vậy gọi là tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Ba Giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

– Dục giới có 11 cõi

– Sắc giới có 16 cõi

– Vô sắc giới có 4 cõi

Tam giới gồm có 31 cõi là nơi tạm trú của chúng sinh.

11 Cõi Dục Giới

* 4 cõi ác giới:

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 12 loại, chỉ có 11 bất thiện nghiệp (ác nghiệp) (không có ác nghiệp trong tâm si hợp với phóng tâm) có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới mà thôi. Đó là:

- Cõi địa ngục có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi atula có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi ngạ quỷ có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi súc sinh có tuổi thọ không nhất định.

* 7 cõi thiện dục giới:

Dục giới đại thiện nghiệp có 8 loại có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy, 7 cõi thiện dục giới đó là:

- Cõi người có tuổi thọ không nhất định.

- Cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).

- Cõi trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).

- Cõi trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).

- Cõi trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).

- Cõi trời Hóa Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).

- Cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người)

16 Cõi Sắc Giới Phạm thiên

Sắc giới thiện nghiệp có 5 loại trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. Trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là 4 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 15 cõi sắc giới phạm thiên như sau:

* 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi đệ nhất thiền sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Phạm Chúng Thiên có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

- Cõi Phạm Phụ Thiên có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

- Cõi Đại Phạm thiên có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ.

* 3 cõi đệ nhị thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên đó là:

- Cõi Thiểu Quang Thiên có tuổi thọ 2 đại kiếp.

- Cõi Vô Lượng Quang Thiên có tuổi thọ 4 đại kiếp.

- Cõi Quang Âm Thiên có tuổi thọ 8 đại kiếp.

* 3 cõi đệ tam thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 3 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền. 3 cõi sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Thiểu Tịnh Thiên có tuổi thọ 16 đại kiếp.

- Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên có tuổi thọ 32 đại kiếp.

- Cõi Biến Tịnh Thiên có tuổi thọ 64 đại kiếp.

* 7 cõi đệ tứ thiền sắc giới:

Thiện nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau vào 1 trong 6 cõi, tùy theo năng lực của bậc thiền và hành giả. 7 cõi sắc giới phạm thiên là:

- Cõi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

- Riêng cõi Vô Tưởng Thiên có tuổi thọ cũng 500 đại kiếp, mà được tái sinh lên cõi trời sắc giới này không phải do đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, mà tái sinh bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa.

- Cõi Phước Sinh Thiên có 5 cõi dành riêng cho bậc Thánh Bất Lai chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, làm phận sự tái sinh trong 5 cõi Phước Sinh Thiên:

+ Cõi Vô Phiền Thiên có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

+ Cõi Vô Nhiệt Thiên có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

+ Cõi Thiện Hiện Thiên có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

+ Cõi Thiện Kiến Thiên có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

+ Cõi Sắc Cứu Cánh Thiên có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

4 Cõi Vô Sắc Giới Phạm Thiên

Vô sắc giới thiện nghiệp có 4 loại trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. Thiện nghiệp trong mỗi bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả là mỗi bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong mỗi cõi vô sắc giới riêng biệt. 4 cõi vô sắc giới phạm thiên là:

- Thiện nghiệp trong đệ nhất thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là không vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Không Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ nhị thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là thức vô biên xứ thiền thiện tâm sinh quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ tam thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là vô sở hữu xứ thiền thiện tâm sinh quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.

- Thiện nghiệp trong đệ tứ thiền vô sắc giới thiện tâm gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm sinh quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp lâu dài nhất trong tam giới.

Tam giới gồm có 31 cõi.

1 tiểu thế giới gồm có 31.000 cõi.

1 trung thế giới gồm có 31 triệu cõi.

1 đại thế giới có 31.000 tỷ cõi.

* Bốn Loài: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.

Loài thai sinh là chúng sinh tái sinh trong thai của mẹ như loài người, loài gia súc: Trâu, bò, chó, mèo,…

Loài noãn thai là chúng sinh trong trứng rồi từ trứng nở ra con như: Gà, vịt, chim,…

Loài thấp sinh là chúng sinh sinh nơi ẩm thấp, dưới đất, vũng nước như: Giun, sán, dòi,…

Ba loài chúng sinh này sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu rồi theo thời gian dần dần tăng trưởng lớn lên.

Loài hóa sinh là chúng sinh hóa ra thân hình có đầy đủ các bộ phận ngay tức khắc, mà không chờ đợi thời gian tăng trưởng như:

+ Con người đầu tiên hiện ra trên trái đất (không có cha mẹ).

+ Chư thiên trong 6 cõi trời dục giới.

+ Chư Phạm thiên trong 16 cõi trời sắc giới và 4 cõi trời vô sắc giới.

+ Chúng sinh trong các cõi địa ngục.

+ Chúng sinh là loài atula.

+ Chúng sinh là loài ngạ quỷ.

Tất cả các loài chúng sinh này đều thuộc loài hóa sinh.

Chúng sinh hễ còn có vô minh như người mù, có tham ái như những sợi dây cột siết vào cổ, thì nghiệp như người dẫn dắt mới có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong ba giới bốn loài.

Chúng sinh sinh làm loài nào, trong cõi nào, hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng sinh ấy mà thôi.

* Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội sinh quả thì liền tái sinh trong cõi ác giới như địa ngục, hoặc atula, hoặc ngạ quỷ, hoặc súc sinh, tùy theo năng lực của ác nghiệp và quả của ác nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

* Chúng sinh ngay sau khi chết, nếu thiện nghiệp có cơ hội sinh quả, thì liền tái sinh trong cõi thiện dục giới như cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới, hoặc 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo năng lực của thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.

Đối với những chúng sinh là những hạng phàm nhân trong ba giới bốn loài, vẫn còn nguyên tham ái chưa diệt đoạn tuyệt được, thì tử sinh luân hồi vô số kiếp từ vô thủy không sao kể được và còn tiếp tục tử sinh luân hồi đến vô chung, tùy theo nghiệp của mình đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc trong những kiếp quá khứ, sinh quả tái sinh kiếp sau.

Đối với ba bậc Thánh hữu học là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai, quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được một phần tham ái, còn lại một phần, nên vẫn còn tử sinh luân hồi, nhưng số kiếp tái sinh được hạn chế còn lại như sau:

− Chư bậc Thánh Nhập Lưu còn phải tử sinh luân hồi trong cõi thiện dục giới từ 1 kiếp cho đến nhiều nhất là 7 kiếp, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp nữa, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại cõi dục giới mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

− Chư bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, ngay trong kiếp hiện tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời quý Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp sau nữa là do không còn tham ái, chứ không phải do không còn nghiệp.

Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, đồng thời tất cả thiện nghiệp và bất thiện nghiệp (ác nghiệp), đã từng được tích lũy trong vô số kiếp từ vô thủy cho đến trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, tất cả mọi nghiệp ấy đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

Những Trường Hợp Tử (Cuti) và Tái Sinh (Paṭisandhi)

Vấn: Một chúng sinh đầu thai trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm), nếu chúng sinh ấy bị chết trong bụng mẹ do bởi một nguyên nhân nào đó, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

Đáp: Chúng sinh bị chết trong tử cung của mẹ (là người hoặc loài gia súc, gia cầm) nghĩa là trong kiếp hiện tại, chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp. Như vậy, sau khi chúng sinh ấy chết, thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sinh quả là quả tâm làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau.

- Nếu dục giới thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người, hoặc sinh làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

- Nếu bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, tùy theo năng lực quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

Vấn: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, thì nghiệp nào sinh quả tái sinh kiếp sau?

Đáp: Chúng sinh vừa mới sinh ra đời trong thời gian ngắn ngủi rồi chết, trong kiếp hiện tại chúng sinh ấy chưa tạo nghiệp, sau khi chúng sinh ấy chết, bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Nếu thiện nghiệp nào trong dục giới đại thiện tâm làm phận sự sinh quả là dục giới đại quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm người trong cõi người hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

- Nếu bất thiện nghiệp nào trong bất thiện tâm làm phận sự sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh làm loài chúng sinh trong cõi địa ngục, hoặc làm loài atula, hoặc loài ngạ quỷ, hoặc loài súc sinh, thuộc loài chúng sinh nào hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của bất thiện nghiệp ấy, mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ.

Vấn: Chư thiên trong cõi trời dục giới, sau khi chết từ cõi trời ấy rồi sẽ tái sinh kiếp sau như thế nào?

Đáp: Chư thiên tái sinh trong 6 cõi trời dục giới do quả của dục giới đại thiện nghiệp. Chư thiên trong mỗi tầng trời có tuổi thọ khác nhau như sau:

- Chư thiên trong tầng trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Dạ Ma Thiên có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Đấu Xuất Đà Thiên có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Hoá Lạc Thiên có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người.

- Chư thiên trong tầng trời Tha Hoá Tự Tại Thiên có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người.

Đến khi hết tuổi thọ, chư thiên trong mỗi tầng trời đều phải chết từ bỏ cõi trời ấy. Sau khi chết chư thiên ấy:

- Nếu thiện nghiệp đã từng được tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại còn có nhiều năng lực có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trở lại tầng trời cũ, hoặc tầng trời cao hơn tầng trời cũ, hoặc tầng trời thấp hơn tầng trời cũ, hoặc tái sinh xuống cõi người, tùy theo năng lực quả của thiện nghiệp của vị chư thiên ấy.

- Nếu thiện nghiệp không có cơ hội sinh quả, mà ác nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau, thì sẽ sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Vấn: Chư Phạm thiên trong các tầng trời sắc giới, hoặc tầng trời vô sắc giới, khi hết tuổi thọ tại cõi trời sắc giới, vô sắc giới rồi thì tái sinh kiếp sau như thế nào?

Đáp: Chư Phạm thiên sinh trong 16 cõi trời sắc giới, hoặc 4 cõi trời vô sắc giới do quả của sắc giới thiện nghiệp, quả của vô sắc giới thiện nghiệp, tùy theo bậc thiền sở đắc của mỗi vị Phạm thiên.

Trong 15 tầng trời cõi sắc giới (trừ tầng Vô Tưởng Thiên) từ thấp đến cao tột đỉnh, chư Phạm thiên ở trong mỗi tầng trời sắc giới có tuổi thọ mà thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau theo mỗi tầng trời sắc giới ấy. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời sắc giới ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

- Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi trời sắc giới ấy hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước), đồng thời thực hành thiền định chứng đắc được bậc thiền mới (trong kiếp hiện tại) ngang bằng, hoặc thấp, hoặc cao hơn bậc thiền cũ, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết tại cõi trời sắc giới ấy, bậc thiền mới là thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời sắc giới cũ, hoặc cõi trời sắc giới thấp hơn, hoặc cõi trời sắc giới cao hơn (cõi trời cũ) tùy theo quả của bậc thiền sở đắc của vị Phạm thiên ấy.

- Nếu vị Phạm thiên nào trong cõi sắc giới ấy chỉ hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào, thì sau khi vị Phạm thiên ấy chết, dục giới đại thiện nghiệp nào trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới : Cõi người hoặc cõi trời dục giới.

* Trong cõi trời Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên tái sinh lên cõi trời sắc giới này do năng lực của đệ tứ thiền thiện nghiệp cho quả là nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính (jīvitanavakakalāpa) làm phận sự tái sinh trong cõi Vô Tưởng Thiên này. Do đó, chư Phạm thiên trong cõi trời vô tưởng này không có tâm mà chỉ có thânsắc pháp (sắc uẩn) mà thôi. Chư Phạm thiên cõi vô tưởng này có 3 oai nghi: Một số trong oai nghi ngồi, một số trong oai nghi nằm, một số trong oai nghi đứng, có tuổi thọ suốt 500 đại kiếp trái đất. Nhưng đến khi vị Phạm thiên cõi vô tưởng (không tâm) này hết tuổi thọ (chết), sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp đã từng tạo trong kiếp quá khứ kể từ kiếp thứ 3 trở về trước làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới (cõi người và 6 cõi trời dục giới).

* Trong 4 cõi trời vô sắc, chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc giới này, chỉ có 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) mà thôi, không có sắc uẩn (không có thân). Đó là quả của 4 bậc thiền vô sắc là vô sắc giới thiện nghiệp.

Chư Phạm thiên ở trong 4 cõi trời vô sắc từ thấp cho đến cao tột đỉnh có tuổi thọ, thời gian kể bằng đại kiếp trái đất (không thể đếm bằng số) lâu dài khác nhau tùy theo mỗi tầng trời. Nhưng đến khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ (chết) trong cõi trời ấy, phải tái sinh kiếp sau như sau:

Vị Phạm thiên ở cõi Không Vô Biên Xứ Thiên, cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên và cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên hưởng quả của bậc thiền cũ (kiếp trước) đồng thời thực hành thiền định có khả năng chứng đắc bậc thiền mới (kiếp hiện tại) ngang bằng với bậc thiền cũ hoặc cao hơn bậc thiền cũ, mà không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn bậc thiền cũ (vì không có đối tượng thiền định). Sau khi vị Phạm thiên ấy chết, bậc thiền vô sắc ấy là vô sắc giới thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc cũ hoặc tầng trời vô sắc cao hơn (không thể trong tầng trời thấp hơn tầng trời cũ).

Vị Phạm thiên ở trong cõi trời vô sắc cao tột đỉnh là tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, lâu dài nhất. Nhưng đến khi hết tuổi thọ (chết) cũng phải tái sinh kiếp sau.

Nếu vị Phạm thiên đang hưởng quả trong cõi trời này, có khả năng thực hành thiền định, thì chỉ có thể chứng đắc bậc thiền ngang bằng với bậc thiền cũ (bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) mà thôi, không thể chứng đắc bậc thiền thấp hơn, còn bậc thiền cao hơn bậc thiền cũ thì không có, bởi vì, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền là bậc thiền tột đỉnh trong tam giới. Khi vị Phạm thiên ấy hết tuổi thọ, sau khi chết, thì chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại tầng trời vô sắc cũ tột đỉnh ấy mà thôi.

Nếu vị Phạm thiên trong cõi vô sắc giới này chỉ hưởng quả của bậc thiền vô sắc cũ (kiếp trước) mà không thực hành thiền định, không chứng đắc bậc thiền nào; sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ làm phận sự sinh quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Tóm lại, tất cả mọi chúng sinh nói chung (chỉ trừ bậc Thánh Arahán) và mỗi cá nhân chúng sinh nói riêng, trong vòng tử sinh luân hồi (vòng luẩn quẩn) sinh rồi tử, tử rồi lại tái sinh do bởi nghiệp và quả của nghiệp chi phối trong ba giới bốn loài. Điều đáng kinh sợ nhất là trong vòng tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh còn có vô minh như người mù và tham ái như sợi dây cột siết cổ, nghiệp như người dẫn dắt luẩn quẩn trong ba giới bốn loài, chắc chắn khó tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Mỗi khi ác nghiệp sinh quả tái sinh vào cõi ác giới nào rồi, thì cũng khó thoát ra khỏi. Nếu có chúng sinh thoát ra khỏi cõi ác giới, thì cũng chỉ có một số ít không đáng kể mà thôi.

Đức Phật lấy ví dụ:

“Ngài lấy một ít hạt cát đặt trên đầu móng tay mà dạy với đại ý rằng: Chúng sinh từ cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh được thoát ra khỏi cõi ấy, nhờ thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trở lại làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời chỉ có số ít như số hạt cát mà Đức Phật đặt trên đầu móng tay mà thôi. Còn các chúng sinh tử sinh luân hồi luẩn quẩn trong 4 cõi ác giới như số hạt cát trên mặt đất này”.

Điều này đối với mỗi người phàm nhân chúng ta là điều thật đáng kinh sợ!

Thật vậy, nếu kiếp nào chúng ta cũng được sinh làm người, là người xinh đẹp, giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng… thì có gì phải đáng sợ! Nhưng tất cả những điều tốt lành ấy đâu có phải do ta muốn là được. Sự thật hoàn toàn đều do thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp là chính, còn năng lực của con người chỉ là phụ mà thôi.

Trong vòng tử sinh luân hồi từ kiếp vô thủy cho đến nay, mỗi chúng sinh đều đã từng tạo vô số thiện nghiệp và vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Khi thì thiện nghiệp có cơ hội sinh quả của nó, cũng có khi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sinh quả của nó, mà mỗi chúng sinh không có quyền lựa chọn được quả tốt của thiện nghiệp; cũng không có quyền phủ nhận quả xấu của bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Thực ra, mỗi người trong chúng ta chỉ có quyền chọn lựa tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) mà thôi. Nhưng một khi đã tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp) rồi, thì chỉ còn phải chấp nhận quả của thiện nghiệp hoặc quả của bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy mà thôi.

Mỗi thiện nghiệp nào, mỗi bất thiện nghiệp nào nếu có cơ hội thì nó có khả năng sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Bởi vì, nghiệp ấy là của ta và quả của nghiệp ấy cũng là của ta.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn