(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Nghiệp Hãm Hại

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 10496)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển IV (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

Nghiệp Hãm Hại


Thế nào gọi là nghiệp hãm hại?

Nghiệp nào hãm hại nghiệp đối nghịch và hãm hại ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch, nghiệp ấy gọi là nghiệp hãm hại, đó là 12 bất thiện nghiệp8 dục giới đại thiện nghiệp.

* Nghiệp hãm hại có 3 phận sự:

3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó.

3.2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả.

3.3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, quả của nghiệp đối nghịch ấy.

Mỗi phận sự như thế nào?

3.1 Nghiệp hãm hại có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả của nó, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hảm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản bất thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Khi chưa gặp được bậc thiện trí, ông A thường thân cận, gần gũi với các người ác, bắt chước theo các người ác, nên ông đã tạo mọi ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say…

Về sau, ông A gặp được bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, đã phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Ông A xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, ông biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên ông A có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, thực hành thiền định nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào; thực hành thiền tuệ mà chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào, vẫn còn là hạng phàm nhân. Đến lúc lâm chung ông A nằm bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, hoan hỷ với những thiện nghiệp của mình đã tạo.

Sau khi ông A chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong thời gian trước, không có cơ hội sinh quả của nó.

b) Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp không cho có cơ hội sinh quả của nó như thế nào?

Ví dụ: Cậu B là người được sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật giáo. Khi còn nhỏ ở nhà, cậu được cha mẹ dạy dỗ biết tụng kinh lễ bái Tam Bảo; lúc đến chùa, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Phật, biết đảnh lễ chư Tỳ khưu Tăng, biết dâng những thứ vật dụng... đến chư Tỳ khưu, Sadi.

Khi lớn lên được 10 tuổi, cha mẹ chấp thuận cho phép cậu xuất gia trở thành Sadi, ở trong chùa theo học pháp học. Đến khi vị Sadi B tròn 20 tuổi, chư Tỳ khưu Tăng cho phép làm lễ nâng vị Sadi B trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu B cố gắng tinh tấn ham học pháp học, ham hành pháp hành: Giới-định-tuệ, nên mọi thiện pháp được phát triển.

Về sau, Tỳ khưu B có đức tin càng ngày càng giảm dần, nên không còn muốn ham học pháp học và không còn muốn ham hành pháp hành như trước nữa. Do đó, Tỳ khưu B xin xả giới Tỳ khưu hoàn tục, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trở về nhà, trở thành người cận sự nam sống tại gia.

Cận sự nam B có vợ và có nhiều con, khi cha mẹ đã qua đời, gia đình cận sự nam B không còn nhờ cậy cha mẹ được nữa. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, túng thiếu, cận sự nam B phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, để nuôi vợ và các con. Do làm nghề giết hại gia súc, gia cầm bán thịt… cho nên, cận sự nam B giữ gìn giới của mình không còn trong sạch như trước. Tuy làm bằng tà nghiệp, sống bằng tà mạng, nhưng gia đình cận sự nam B vẫn nghèo khổ, thiếu thốn. Đến lúc sắp lâm chung, cận sự nam B cảm thấy khổ thân, khổ tâm vô cùng, tâm bị ô nhiễm.

Sau khi cận sự nam B chết, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới.

Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện tại, trong thời gian sau, hãm hại, ngăn cản thiện nghiệp đã được tạo kiếp hiện tại trong thời gian trước không cho có cơ hội cho quả của nó.

3. 2 Nghiệp hãm hại có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

b- Bất thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Đức vua Ajātasattu vốn là một người có đầy đủ thiện nghiệp ba-la-mật có thể trở thành bậc Thánh ngay trong kiếp hiện tại. Nhưng Đức vua gần gũi thân cận với Tỳ khưu Devadatta, nghe lời khuyến dụ của Tỳ khưu Devadatta, giết cha là Đức thái thượng hoàng Bimbisāra, Đức vua Ajātasattu phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián, chắc chắn sẽ sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài nhiều kiếp trái đất. Nhưng Đức vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi về trọng tội giết Phụ vương của mình, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối tội lỗi của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua, rồi thuyết pháp tế độ Đức vua. Khi ấy, nếu Đức vua không phạm trọng tội giết cha, thì ngay sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, Đức vua sẽ trở thành bậc Thánh Nhập Lưu tại nơi ấy. Nhưng vì phạm trọng tội giết cha, nên Đức vua không thể trở thành bậc Thánh Nhân, Đức vua chỉ có đức tin nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, hết lòng tận tâm lo phục vụ Tam Bảo.

Đức vua là người hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, do Ngài Đại trưởng lão Mahākassapa chủ trì, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, thời gian suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng Pāḷi và Chú giải.

Như vậy, trong kiếp hiện tại Đức vua Ajātasattu đã tạo thiện nghiệp lớn lao trong thời kỳ sau khi đã phạm trọng tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián. Cho nên, đáng lẽ sau khi Đức vua Ajātasattu chết, ác nghiệp vô gián ấy chắc chắn sinh quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ bị thiêu đốt suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất. Nhưng nhờ thiện nghiệp lớn lao mà Đức vua Ajātasattu đã tạo suốt thời gian sau cho đến trọn đời, kìm hãm bất thiện nghiệp giết cha, thay vì sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu dài hằng nhiều kiếp trái đất; thì tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục nhỏ Lohakumbhī (nồi đồng sôi) suốt thời gian 60.000 năm mới mãn quả ác nghiệp ấy.

Hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu sau khi thoát ra khỏi địa ngục Lohakumbhī, rồi nhờ thiện nghiệp làm phận sự sinh quả tái sinh trở lại làm người trong thời kỳ không có Phật giáo trên thế gian, hậu thân của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu “Đức Phật Độc Giác Vijitāvī” rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đó là thiện nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện tại có phận sự kìm hãm bất thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của bất thiện nghiệp ấy.

b) Bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Một thí chủ là người cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp đứng ra tổ chức buổi lễ làm phước cúng dường đến chư Đại đức Tăng rất đông. Thật ra, thí chủ này đã có tác ý thiện tâm hoan hỷ từ trước, nên đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ vật dụng. Đến ngày lễ chính thức tại ngôi chùa mọi người tụ hội đông đủ, chư Đại đức Tăng khách cũng được thỉnh mời đến. Toàn thể chư Đại đức Tăng và khách đều tập trung tại chánh điện. Buổi lễ làm phước bố thí cúng dường được cử hành rất long trọng. Riêng người thí chủ chính có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy; tuy vậy, người thí chủ chính vẫn tự tay dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng một cách cung kính bình thường, nhưng tâm không được hoan hỷ bởi do có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy. Còn phần đông mọi người đều phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ trong buổi lễ làm phước thiện cúng dường lớn lao ấy.

Như vậy, khi thí chủ tạo thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, và bất thiện nghiệp phát sinh vì không hài lòng trong buổi lễ lẫn lộn. Do đó, làm cho thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng không hoàn toàn trong sạch. Cho nên, bất thiện nghiệp ấy kìm hãm thiện nghiệp bố thí cúng dường đến chư Đại đức Tăng, làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp bố thí ấy.

Thật vậy, sau khi người thí chủ ấy chết, nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội sinh quả tái sinh làm người đáng lẽ có tam nhân (vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ)), thì chỉ có nhị nhân (vô tham và vô sân) mà thôi. Bởi vì, bất thiện nghiệp được phát sinh kìm hãm thiện nghiệp, làm suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Đó là bất thiện nghiệp phát sinh trong kiếp hiện tại, có phận sự kìm hãm thiện nghiệp đã có cơ hội sinh quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

3. 3 Nghiệp hãm hại có phận sự làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:

a- Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b- Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

Giải thích 2 trường hợp:

a) Thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp ấy như thế nào?

Ví dụ: Một người nghèo khổ, thường hay bệnh hoạn ốm đau, chịu bao nhiêu nỗi khổ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống... đó là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ, hoặc trong kiếp hiện tại này. Hằng ngày, người ấy sống bằng nghề lượm đồ phế thải, không có nơi nương tựa.

Một hôm, một người thiện trí có tâm bi cứu khổ, gặp người ấy đang lâm bệnh, nằm một nơi không có người săn sóc. Người thiện trí gọi xe đưa bệnh nhân ấy đi bệnh xá để chữa trị, ít hôm sau người ấy được khỏi bệnh. Người thiện trí nghĩ rằng: “Nếu ta đem người ấy về ở trong nhà, thì người ấy chỉ giảm bớt được phần khổ thân mà thôi; nếu ta gửi người ấy vào ở trong chùa, thì người ấy không những chỉ giảm được phần khổ thân, mà còn giảm được phần khổ tâm nữa”.

Nghĩ xong, người thiện trí dẫn người ấy đem gửi vị Đại đức trụ trì một ngôi chùa, nhờ Ngài tế độ người nghèo khổ ấy. Từ đó, người ấy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong Phật giáo, thọ trì bát giới uposathasīla để thích ứng với đời sống ở trong chùa.

Hằng ngày, người cận sự nam ấy biết lo công việc lau chùi, quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chánh điện, nơi cội Đại Bồ Đề, chăm sóc cây cảnh trong chùa... tạo cho cảnh quang ngôi chùa sạch đẹp.

Người cận sự nam ấy là người dễ dạy, hằng ngày, biết tụng kinh, thực hành thiền định niệm Ân đức Phật...; biết cung kính hộ độ từ Ngài Đại Trưởng Lão cho đến vị Tỳ khưu, Sadi nhỏ, cho nên, người cận sự nam được quý Ngài thương yêu quý mến. Người ấy còn tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, tiện nghi, phụ giúp những người cận sự nam, cận sự nữ đến chùa dâng hoa lễ Phật, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cho nên, người cận sự nam ấy cũng được những người cận sự nam, cận sự nữ khác thương yêu quý mến.

Từ khi người ấy ở trong chùa đời sống vật chất và tinh thần được thoải mái, cho nên người ấy không còn bệnh hoạn ốm đau như trước nữa. Bây giờ, người ấy là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới hạnh, có sức khỏe tốt, mỗi ngày, mọi thiện pháp tăng trưởng; nhất là người cận sự nam ấy được phần đông chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, và cận sự nam, cận sự nữ thương yêu quý mến giúp đỡ.

Đó là thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b) Bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

Ví dụ: Trong đời này, một người có thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, có một cuộc sống giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có đầy đủ về mọi phương diện, cuộc sống được an lành hạnh phúc..., đó là quả của thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong những kiếp hiện tại. Nhưng về sau, người ấy bị lâm bệnh nan y (bệnh ung thư, hoặc bị bệnh bại liệt toàn thân, hoặc bị tai biến mạch máu não, hoặc bị tai nạn gây thương tật suốt đời...), hoặc gặp cơn tai biến tan gia bại sản, mất chức mất quyền v.v.. Những điều bất hạnh xảy ra trong đời sống của người ấy đều là quả của bất thiện nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại này.

Hoặc một đứa trẻ được tái sinh làm người đó là quả của thiện nghiệp. Nhưng khi sinh ra đời, đứa trẻ bị mù, bị câm điếc... đó là quả của bất thiện nghiệp kìm hãm tiềm năng sinh quả của thiện nghiệp ấy.

Đó là bất thiện nghiệp hãm hại làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

4. Upaghātakakamma: Nghiệp Sát Hại

Thế nào gọi là nghiệp sát hại?

Nghiệp nào có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác, và sát hại cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, nghiệp ấy gọi là nghiệp sát hại, đó là 12 bất thiện nghiệp (ác nghiệp - là tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 tâm tham, trong 2 tâm sân và trong 2 tâm si), 21 thiện nghiệp (tâm sở tác ý đồng sinh trong 8 dục giới đại thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm và 4 Siêu tam giới thiện tâm (4 Thánh Đạo Tâm).

*Sự khác biệt giữa nghiệp hãm hại và nghiệp sát hại

Nghiệp hãm hại là nghiệp có phận sự hãm hại, ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả, hoặc khi đã có cơ hội sinh quả rồi thì làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy.

Nghiệp sát hại là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp nào rồi, thì nghiệp ấy vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, hoặc cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

* Nghiệp sát hại có 2 phận sự:

4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy.

4. 1 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa, có 3 trường hợp:

a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác.

b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác.

Giải thích 3 trường hợp:

a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Ngài Đại đức Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân đã từng giết chết hơn 1.000 người. Như vậy, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát sinh của Ngài khó tránh khỏi sinh quả tái sinh trong cõi địa ngục. Khi Đức Thế Tôn ngự đến tế độ và cho phép Ngài xuất gia trở thành Tỳ khưu. Tỳ khưu Aṅgulimāla thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Đến khi hết tuổi thọ, Ngài đã tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, tất cả mọi bất thiện nghiệpthiện nghiệp mà Ngài đã tạo trong vô số kiếp quá khứ từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Đó là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt bất thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc tột đỉnh của sắc giới. Nếu hành giả có khả năng giữ gìn 5 bậc thiền hữu sắc ấy cho đến chết, thì sau khi hành giả chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc đó là đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm sinh quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh lên tầng trời sắc giới tột đỉnh.

– Nếu hành giả là hạng phàm nhân, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên cõi Quảng Quả Thiên (hoặc Vô Tưởng Thiên), có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

– Nếu hành giả là bậc Thánh Bất Lai, thì đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh 1 trong 5 cõi Tịnh Cư Thiên có tuổi thọ từ 1000 đại kiếp trái đất đến 16.000 đại kiếp trái đất, tùy theo mỗi tầng trời thấp cao.

Còn 4 bậc thiền hữu sắc bậc thấp đó là 4 sắc giới thiện nghiệp từ đệ nhất thiền sắc giới thiện nghiệp cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện nghiệp bị cắt đứt bởi đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp.

Cho nên, đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt 4 bậc thiền sắc giới thiện nghiệp bậc thấp vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Hoặc hành giả thực hành thiền định sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, rồi tiếp tục thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc.

Sau khi hành giả chết, chỉ có bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời vô sắc giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên mà thôi, còn lại 5 bậc thiền hữu sắc 3 bậc thiền vô sắc bậc thấp đều bị cắt đứt vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa như thế nào?

Người nào đã tạo dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp (5 bậc thiền hữu sắc) vô sắc giới thiện nghiệp (4 bậc thiền vô sắc). Về sau, người ấy bị phạm trọng tội thuộc vào 1 trong 5 ác nghiệp vô gián (pañcānantariya-kamma)giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác nghiệp vô gián này có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci mà thôi, chịu khổ do bị thiêu đốt trong cõi đại địa ngục suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều kiếp trái đất. Còn các thiện nghiệp khác đều bị cắt đứt không có cơ hội sinh quả.

Đó là bất thiện nghiệp (ác nghiệp) sát hại có phận sự cắt đứt mọi thiện nghiệp khác không còn có cơ hội sinh quả được nữa.

4. 2 Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh mạng của chúng sinh ấy, có 4 trường hợp:

a- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

b- Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác.

c- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

d- Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

Giải thích 4 trường hợp:

a) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp như thế nào?

Ví dụ: Trường hợp nhóm ngạ quỷ đã từng là thân quyến của Đức vua Bimbisāra từ thời Đức Phật Phussa, thời gian cách Đức Phật Gotama 92 đại kiếp trái đất, trải qua 6 Đức Phật.

Tiền kiếp của chúng trong thời kỳ Đức Phật Phussa, đã tạo ác nghiệp trộm cắp vật thực của chư Đại đức Tăng, tự mình ăn và cho con cái ăn. Sau khi họ chết, ác nghiệp trộm cắp ấy có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, từ cõi địa ngục lớn đến cõi địa ngục nhỏ, chịu quả khổ trải qua thời gian lâu dài nhiều đại kiếp trái đất. Đến lúc mãn quả của ác nghiệp trong cõi địa ngục nhỏ, song ác nghiệp ấy vẫn còn năng lực sinh quả tái sinh làm kiếp ngạ quỷ chịu cảnh đói khát khổ cực.

Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, nhóm ngạ quỷ đến hầu đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, đến khi nào mới có thân quyến làm phước bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho loài ngạ quỷ chúng con, để cho chúng con được thoát khỏi cảnh khổ đói khát, được an lạc? Bạch Ngài.

Đức Phật Kassapa dạy rằng:

Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa có được gì đâu! Các con ráng chờ đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy sẽ có Đức vua Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con cách đây 92 đại kiếp trái đất. Đức vua Bimbisāra sẽ làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư Đại đức Tăng, rồi sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy cho các con.

Nghe lời thọ ký của Đức Phật Kassapa, nhóm ngạ quỷ vô cùng hoan hỷ chờ đợi, mong ngóng, từ thời Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua một thời kỳ lâu dài chờ đợi.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Đức vua Bimbisāra ngự tại kinh thành Rājagaha trị vì xứ Magadha. Đức Phật Gotama cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự đến kinh thành Rājagaha, thuyết pháp tế độ Đức vua cùng các quan trong triều và dân chúng trong kinh thành. Sau khi lắng nghe chánh pháp, Đức vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, phần đông các quan và dân chúng cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Đức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana xong, làm lễ dâng cúng dường đến chư Đại đức Tăng có Đức Phật chủ trì. Khi ấy, Đức vua quên hồi hướng phần phước thiện đến cho nhóm ngạ quỷ.

Nhóm ngạ quỷ vô cùng thất vọng, đêm đến chúng hiện đến cung điện của Đức vua kêu la, khóc than thảm thiết phát ra những âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày hôm sau, Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch hỏi do nhân nào có âm thanh đáng kinh sợ như vậy.

Đức Thế Tôn dạy:

- “Này Đại vương, Đại vương không nên kinh sợ! Đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ. Nhóm ngạ quỷ này đã từng là thân quyến của Đại vương trong kiếp quá khứ, chúng trông ngóng từ lâu, với hy vọng Đại vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ quỷ. Nhưng Đại vương làm phước thiện bố thí xong, không hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho chúng. Do đó, chúng thất vọng hiện đến kêu la than khóc như vậy”.

Lắng nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, Đức vua Bimbisāra bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai, con xin kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện cúng dường một lần nữa. Lần này, con sẽ hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho nhóm ngạ quỷ thân quyến của con.

Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.

Đức vua Bimbisāra đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép trở về cung điện.

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng ngự đến cung điện của Đức vua Bimbisāra. Chính Đức vua tự tay dâng cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn cùng chư Đại đức Tăng.

Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Tirokuḍḍapetavatthu tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời Đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến. Nhóm ngạ quỷ phát sinh thiện tâm hoan hỷ thọ hưởng phần phước thiện ấy. Ngay khi ấy, tất cả nhóm ngạ quỷ đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, nhờ thiện nghiệp ấy sinh quả tái sinh làm chư thiên trên cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp.

Chúng ta được sinh làm người mới có được cơ hội tốt làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội làm phước thiện bố thí như chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta gặp được dịp may, có cơ hội tốt làm phước bố thí những nhu cầu gì đến cho người khác, thì chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt ấy. Chúng ta nên nghĩ rằng: “Những vật nào mà ta đem ra làm phước thiện bố thí, những vật ấy mới thật sự trở thành phước thiện của ta. Những vật khác còn lại thuộc về của chung, thì không chắc là của riêng ta”.

Khi ta đã làm phước thiện bố thí, không những ta được phước thiện mà ta còn có thể hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sinh khác đã quá vãng, họ cũng có thể thọ nhận được phần phước thiện ấy, rồi thoát khỏi cảnh khổ, đồng thời được hưởng sự an lạc lâu dài, như tái sinh làm người hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới. Thật là hạnh phúc biết dường nào!

Vì vậy, sau khi đã làm phước thiện nào rồi, chúng ta nên hồi hướng đến thân quyến của chúng ta bằng câu Pāḷi và tiếng Việt như sau:

Idaṃ no ñātinaṃ hotu,

Sukhitā hontu ñātayo”.

Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

Trọn phần phước thiện thanh cao này,

Đến các thân quyến của chúng con,

Kể từ vô lượng kiếp quá khứ,

Mãi cho đến kiếp hiện tại này.

Cầu xin tất cả mọi thân quyến,

Hoan hỷ thọ nhận phước thiện này,

Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

Hưởng được sự an lạc lâu dài.

Hoặc hồi hướng đến tất cả chúng sinh như sau:

“Imaṃ puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ dema,

sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu”.

Chúng con xin thành tâm hồi hướng,

Trọn phần phước thiện thanh cao này,

Đến tất cả chúng sinh muôn loài,

Trong ba giới bốn loài cả thảy.

Cầu xin quý vị đều hoan hỷ,

Thọ nhận phước thiện thanh cao này,

Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ,

Hưởng được sự an lạc lâu dài.

Chúng sinh nào phát sinh thiện tâm hoan hỷ phần phước thiện thanh cao ấy, nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi khổ, thì sẽ được giải thoát khỏi cõi khổ ngay tức thì; nếu chúng sinh ấy đang ở trong cõi an lạc, thì sự an lạc càng được tăng trưởng. Đó là điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào!

b) Thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác như thế nào?

Ví dụ: Người tại gia là cận sự nam hoặc cận sự nữ thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng. Sau đó, nếu bậc Thánh Arahán vẫn sống tại gia, thì bậc Thánh Arahán ấy chắc chắn sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau được. Bởi vì, Ân đức cao thượng của bậc Thánh Arahán, phạm hạnh cao thượng của bậc Thánh Arahán không thích hợp với đời sống của người tại gia. Cho nên, bậc Thánh Arahán ấy phải tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

* Trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp Đức vua Suddhodana (Phụ hoàng của Đức Phật) sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

* Trường hợp vị quan đại cận thần Santati trong triều đình của Đức vua Pasenadi Kosala, sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi đảnh lễ xin phép Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

Đối với người tại gia, Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp khác, gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau.

Như vậy, người tại gia sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, nếu bậc Thánh Arahán ấy cần duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ, thì bậc Thánh Arahán ấy phải xuất gia trở thành Tỳ khưu.

* Nhưng trường hợp đặc biệt trong thời kỳ Đức Phật còn trên thế gian, trường hợp bà Khemā - chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Bimbisāra, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, Đức vua Bimbisāra chấp thuận để cho bà được xuất gia. Bà Khemā được xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, về sau Đức Phật tuyên dương Đại đức Tỳ khưu ni Khemā là bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn xuất sắc nhất về trí tuệ trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

c) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp như thế nào?

Con người sinh ra đời, có ngũ uẩn tốt đẹp, thân thể khoẻ mạnh, có đầy đủ ngũ quan tốt (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân)… Đó là quả của thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Người ấy tòng quân đi chiến đấu, giữa trận địa, hai bên giao chiến với nhau, người ấy chẳng may bị thương nặng gẫy chân, và các vết thương khác quá nặng nên bị tử trận (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

Hoặc trường hợp người bị tai nạn làm cho gẫy chân hoặc gẫy tay, hoặc bị mù mắt, bị điếc gây thương tích trọn đời hoặc bị thương nặng rồi tử vong, hoặc bị lâm bệnh nặng gây ra bệnh mất trí cuồng điên cho đến chết (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp.

d) Bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác như thế nào?

e) Tất cả mọi loài súc sinh sinh ra trên trái đất này đều là quả của bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ. Nhưng có một số loài súc sinh gặp nhau cắn xé lẫn nhau, gây thương tích cho nhau, thậm chí còn cắn chết rồi ăn thịt nữa. (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp hiện tại).

Hoặc trường hợp, một số loài súc sinh bị tai nạn gây ra thương tích trọn đời, hoặc bị thương nặng rồi tử vong (chết do bất thiện nghiệp trong kiếp quá khứ).

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác.

Nghiệp Sát Hại Cắt Đứt Ngũ Uẩn

Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác có 3 trường hợp đặc biệt:

a- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

b- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

c- Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Giải thích 3 trường hợp:

a) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

– Trường hợp hành giả thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán xong, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Arahán Thánh Đạo là Siêu tam giới thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn gọi là Jīvitasanrasīsi: Chứng đắc Arahán Thánh Quả xong, đồng thời Ngũ uẩn Niết Bàn ngay khi ấy.

– Hoặc trường hợp Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, Ngài bị bọn cướp đánh đập tan xương nát thịt đến gần chết. Chúng tưởng Ngài đã chết rồi, nên đem thi thể của Ngài bỏ vào bụi cây, rồi bỏ đi khỏi nơi ấy.

Ngài Đại đức Mahāmoggallāna dùng thần thông kết nối xương thịt lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmogallāna đã từng tạo bất thiện nghiệp đánh đập cha mẹ Ngài đến chết trong kiếp quá khứ. Nay bất thiện nghiệp ấy trở thành bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời ngũ uẩn Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không sinh quả tái sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau. (trường hợp bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn gọi là Ngũ uẩn Niết Bàn).

b) Nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

– Trường hợp chúng sinh trong cõi địa ngục, bất thiện nghiệp sát hại nào có phận sự cắt đứt ngũ uẩn của chúng sinh trong cõi địa ngục xong, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau cũng trong cõi địa ngục ấy. Bởi vì, chúng sinh trong cõi địa ngục thuộc về loài hóa sinh, cho nên khi chúng sinh ấy bị hành hạ đến chết, rồi lại hóa sinh trở lại, cứ tiếp tục tử rồi sinh, sinh rồi tử trong cõi địa ngục cho đến khi mãn quả của bất thiện nghiệp ấy mới thoát ra khỏi địa ngục, rồi được tái sinh trong cõi khác tùy theo nghiệp của chúng sinh ấy.

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của bất thiện nghiệp khác, rồi chính bất thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

– Trường hợp chư thiên trong cõi trời dục giới cũng thuộc về loài hóa sinh, đến khi hết tuổi thọ của cõi trời dục giới ấy, nếu thiện nghiệp ấy còn có nhiều năng lực, thì thiện nghiệp ấy lại có cơ hội sinh quả tái sinh trở lại cõi trời cũ, hoặc cõi trời thấp hơn, hoặc cõi trời cao hơn cõi trời cũ, tùy theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

– Hoặc trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇdika là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi ông chết, thiện nghiệp có cơ hội sinh quả tái sinh lên cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) năm trời (bằng 576 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Tusita, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Nimmānaratī có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) năm trời (bằng 2.304 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Nimmānaratī, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, chính thiện nghiệp ấy giành cơ hội sinh tái sinh kiếp sau lên cõi trời cao Paranimmitavasavatti có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) năm trời (bằng 9.216 triệu năm cõi người).

Khi hết tuổi thọ ở cõi trời Paranimmitavasavatti, sau khi vị thiên nam Anāthapiṇdika chết, sắc giới thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên cõi trời sắc giới phạm thiên. Và cứ như vậy, từ cõi trời sắc giới tầng thấp cho đến tầng cao tột đỉnh của cõi trời sắc giới là cõi Akaniṭṭhā có tuổi thọ 16.000 đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên Anāthapiṇdika sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

– Tương tự như ông phú hộ Anāthapiṇdika, có bà đại thí chủ Visākhā Mahā upāsikā là bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi bà chết tại cõi trời thấp, thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau lên các cõi trời dục giới và các cõi trời sắc giới tột đỉnh, sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời ấy, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là trường hợp đặc biệt của ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại thí chủ Visākhā Mahā upasikā đã từng phát nguyện.

Đó là thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác, rồi chính thiện nghiệp ấy lại giành cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

c) Nghiệp sát hại có phận sự cắt dứt ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của thiện nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau như thế nào?

Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Đức vua Bimbisāra đã từng mang dép đi vào trong khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp hoặc khuôn viên xung quanh cội Đại Bồ Đề. Nay kiếp hiện tại được sinh làm Đức vua Bimbisāra là quả của thiện nghiệp. Nhưng do năng lực của bất thiện nghiệp mang dép đi vào khuôn viên xung quanh ngôi Bảo Tháp, cội Đại Bồ Đề sinh quả, khiến cho Đức vua Ajātasattu truyền lệnh cho người thợ cạo lấy dao rạch hai bàn chân, thoa dầu, hơ lửa hai bàn chân làm cho Đức vua Bimbisāra băng hà. Nhưng sau khi Đức vua băng hà, do thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

Đó là bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn là quả của thiện nghiệp xong, rồi cho thiện nghiệp khác có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau.

Tóm lược 4 loại nghiệp phân loại theo phận sự

1- Nghiệp sinh quả (janakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến cuối cùng của kiếp ấy. Như vậy, nghiệp sinh quả là nghiệp cho quả từ đầu đến cuối cùng của một kiếp chúng sinh.

2- Nghiệp hỗ trợ (upathambhakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội sinh quả, giúp cho nghiệp ấy có cơ hội sinh quả; nếu nghiệp nào đã có cơ hội sinh quả rồi, thì nghiệp hỗ trợ này hỗ trợ cho nghiệp ấy được phát triển đầy đủ. Nghiệp hỗ trợ giúp cho ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp được phát triển và duy trì để tồn tại theo tuổi thọ của kiếp chúng sinh ấy.

3- Nghiệp hãm hại (upapīḷakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội sinh quả; hoặc làm cho suy yếu tiềm năng sinh quả của nghiệp đối nghịch khác; hoặc làm biến đổi ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp đối nghịch khác.

4- Nghiệp sát hại (upaghāṭakakamma) gồm có thiện nghiệp, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có phận sự sát hại nghiệp khác vĩnh viễn không có cơ hội sinh quả; hoặc sát hại một phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp; hoặc sát hại toàn phần ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp là quả của nghiệp khác (sát hại sinh mạng).

Tất cả mọi chúng sinh nói chung, con người nói riêng đều phải chịu sự chi phối của nghiệp sinh quả trong thời kỳ tái sinh, bắt đầu một kiếp hiện tại, rồi còn phải chịu ảnh hưởng quả của nghiệp trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) cho đến lúc chết. Do đó, kiếp hiện tại là một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong những kiếp quá khứ, và cũng có một phần quả của các thiện nghiệp và ác nghiệp trong kiếp hiện tại.


(1) Pavattikāla:Thời kỳ sau khi đã tái sinh cho đến trước lúc chết, đó là kiếp sống hiện tại.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn