(Xem: 1805)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2264)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Nghiệp vô hiệu quả

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 11353)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển IV (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

Nghiệp vô hiệu quả (Ahosikamma):

 

Thế nào gọi là nghiệp vô hiệu quả?

“Ahosi ca taṃ kammañcāti: Ahosi kammaṃ”.

(Nghiệp nào đã tạo xong mà không có quả của nghiệp, nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả).

Ahosi kammaṃ nāhosi kammavipāko.

Ahosi kammaṃ natthi kammavipāko.

Ahosi kammaṃ na bhavissati kammavipāko”.

Nghĩa:

Nghiệp đã tạo, nhưng đã không có quả của nghiệp (quá khứ)

Nghiệp đã tạo, nhưng đang không có quả của nghiệp (hiện tại)

Nghiệp đã tạo, nhưng sẽ không có quả của nghiệp (tương lai)

Trong lộ trình tâm phát sinh đầy đủ trải qua 7 sát-na dục giới tác hành tâm (kāmajavanacitta) tạo nghiệp, nếu nghiệp nào không có cơ hội sinh quả thì nghiệp ấy gọi là nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Nghiệp vô hiệu quả có trong những trường hợp như sau:

- Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

- Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Và nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

- Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến sát-na dục giới tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn v.v…; nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, kể từ kiếp thứ 3 v.v… trở về sau, thì nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Và nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, thì nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

* Vậy tác ý tâm sở nào gọi là nghiệp ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả?

Khi nào tác ý tâm sở trong 7 tác hành tâm đã thành nghiệp nào rồi, mà không có cơ hội cho quả của nghiệp ấy. Khi ấy, tác ý tâm sở trong 7 tác hành tâm ấy trở thành nghiệp ahosikamma: Nghiệp vô hiệu quả.

Thật vậy, trong Chú giải Sammohavinodānī aṭṭhakathā, phần Ñāṇavibhaṅga giải thích rằng:

Diṭṭhidhammavedanīyādīsu pana bahūsu pi āyūhitesu ekaṃ diṭṭhadhamma vedanīyaṃ vipākaṃ deti, sesāni avipākāni..., ... Idaṃ sandhāya nāhosi kamma vipāko’ti vuttaṃ”.

Ý nghĩa:

Trong nhiều loại nghiệp đã tạo, đã tích lũy như nghiệp diṭṭhadhamma vedanīyakamma v.v...

* Trong tất cả mọi nghiệp diṭṭhadhamma vedanīyakamma, một nghiệp diṭṭhadhamma vedanīya kamma nào có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); các nghiệp diṭṭha-dhammavedanīya kamma còn lại không có cơ hội cho quả của chúng, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

* Trong tất cả mọi nghiệp upapajjavedanīya kamma, một nghiệp upapajjavedanīyakamma nào có cơ hội cho quả ngay trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); các nghiệp upapajjavedanīyakamma còn lại không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, và đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Nhưng các nghiệp upapajja-vedanīyakamma còn lại có thể có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy (kiếp thứ 2). Nếu các nghiệp upapajjavedanīyakamma này không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy, thì các nghiệp upapajjavedanīya kamma này mới trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

- Nếu người nào đã tạo tất cả 5 ác nghiệp vô gián trọng tội, sau khi người ấy chết, thì chỉ có ác nghiệp vô gián trọng tội chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng ác nghiệp nặng nhất có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi đại địa ngục Avīci. 4 ác nghiệp vô gián trọng tội còn lại không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, nên 4 ác nghiệp vô gián trọng tội còn lại trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi-kamma). Nhưng 4 ác nghiệp vô gián này lại trở thành ác nghiệp hỗ trợ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu ấy, cho nên, chúng sinh trong cõi đại địa ngục Avīci phải chịu quả khổ càng nặng thêm, khổ càng tăng thêm.

- Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc và 4 bậc thiền vô sắc. Sau khi chết, chắc chắn chỉ có bậc thiền vô sắc tột đỉnh đó là bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, thiện nghiệp vô sắc tột đỉnh có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ lâu nhất là 84.000 đại kiếp trái đất. 3 bậc thiền vô sắc5 bậc thiền hữu sắc còn lại không còn có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và cũng không còn có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu. Cho nên, các bậc thiền còn lại đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Thật ra, tác ý tâm sở đồng sinh trong 7 tác hành tâm trải qua vô số lộ trình tâm, đã tạo vô số thiện nghiệp hoặc đã tạo vô số bất thiện nghiệp (ác nghiệp). Trong vô số nghiệp ấy, rất nhiều nghiệp không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và không có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Tác ý tâm sở bình thường đồng sinh trong 7 tác hành tâm không đủ chi pháp để tạo thành nghiệp, hoặc trường hợp một người làm ác, hoặc một người làm thiện một cách hời hợt, phóng tâm, chỉ làm cho có lệ mà thôi v.v... Những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) hoặc thiện nghiệp ấy sẽ không có năng lực, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thường trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma). Tuy các nghiệp ấy cũng có thể có cơ hội cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nhưng quả của nghiệp ấy cũng không có năng lực nhiều, phần nhiều không có cơ hội cho quả, thì các nghiệp ấy cũng trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

* Tạo thiện nghiệp như thế nào mà trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)? Và làm cách nào để không trở thành nghiệp vô hiệu quả?

a) Thiện nghiệp trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)

Trong đời, có số người là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp; là những người giàu có, có địa vị trong xã hội. Một hôm, có hội từ thiện đến nhà của những người ấy, xin họ cứu giúp những đồng bào bị nạn bão lụt. Thật ra, số người ấy vốn không tin nghiệp và quả của nghiệp, nhưng với tâm tham ái muốn cho nhiều người biết đến mình, với tâm ngã mạn muốn mình hơn người, với tâm tà kiến chấp ngã, nên số người ấy mới dám bỏ ra một số tiền lớn để ủng hộ cứu giúp đồng bào bị nạn bão lụt.

Khi làm được việc ấy, số người này được báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình... hết lời tán dương ca tụng, đưa tin họ là những người hảo tâm đã làm việc từ thiện cứu trợ giúp những đồng bào bị gặp nạn bão lụt. Số người ấy nhìn thấy tên của mình được đăng trên báo, nghe tên của mình được phát trên đài, v.v... họ cảm thấy vô cùng hoan hỷ, vì đã đạt được mục đích mong muốn của mình.

Xét về hình thức, đó là việc làm từ thiện, một nghĩa cử cao đẹp, đúng lúc, hợp thời đáng được mọi người tán dương ca tụng.

Xét về nghiệp, đó là thiện nghiệp không trong sạch, không thanh tịnh, do bởi tâm tham ái, tâm ngã mạn, tâm tà kiến làm ô nhiễm. Cho nên, thiện nghiệp này không có đủ năng lực, để có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh những kiếp sau, thì thiện nghiệp này trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), thật đáng tiếc.

b) Thiện nghiệp không trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma)

Trong đời, có số người là người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; là những người giàu có, có địa vị trong xã hội. Khi nghe tin những đồng bào bị nạn bão lụt tàn phá, lâm vào cảnh khổ. Số người ấy phát sinh tâm bi, muốn cứu giúp đồng bào giảm bớt cảnh khổ, họ tự xuất ra một số tiền, để mua các thứ nhu cầu cần thiết của cuộc sống; rồi tự mình đem đến phân phát cho những đồng bào bị nạn, cứu giúp họ giảm bớt cảnh khổ trong hoàn cảnh ấy.

Số người này, trước khi tạo thiện nghiệp bố thí, họ phát sinh thiện tâm hoan hỷ; đang khi tạo thiện nghiệp bố thí phân phát đến những đồng bào bị nạn bão lụt, họ cũng có thiện tâm hoan hỷ; sau khi đã tạo thiện nghiệp bố thí xong rồi, họ cũng phát sinh thiện tâm hoan hỷ.

Đó là thiện nghiệp rất trong sạch, thanh tịnh, bởi vì không bị ô nhiễm do phiền não tham ái, ngã mạn, tà kiến... cho nên, thiện nghiệp này có nhiều năng lực, có khả năng cho quả trong kiếp hiện tại; có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau và cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp vị lai không giới hạn.

Thiện nghiệp này chỉ trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) khi quá hạn thời gian cho quả của mỗi thiện nghiệp mà thôi.

* Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma) bằng cách nào?

Trong mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) thì ác nghiệp tà kiến cố địnhác nghiệp vô gián là cực kỳ trọng tội, vô phương cứu chữa.

* Ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi kamma) là ác nghiệp hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên khi người ấy tạo ác nghiệp xong rồi, hoàn toàn không có tâm hổ thẹn tội lỗi, không có tâm ghê sợ tội lỗi của mình đã tạo, không biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ tội ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ thiêu đốt trong cõi đại địa ngục này, khó có thời hạn thoát ra khỏi địa ngục.

Đó là ác nghiệp tà kiến cố định vô phương cứu chữa.

* 5 ác nghiệp vô gián trọng tội (pañcānantariya kamma)giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật chia rẽ Tỳ khưu Tăng. Người nào phạm phải 1 trong 5 tội này gọi là tạo ác nghiệp vô gián trọng tội. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, có thời hạn. Đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa ngục ấy.

Trường hợp người nào đã phạm lỗi lầm tạo ác nghiệp vô gián trọng tội, sau đó người ấy biết ăn năn hối lỗi, thành tâm sám hối tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, rồi giữ gìn giới trong sạch, cố gắng tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp, nhưng chắc chắn không thể tạo được sắc giới thiện nghiệp, hoặc vô sắc giới thiện nghiệp, hoặc Siêu tam giới thiện nghiệp, bởi vì, do ác nghiệp vô gián trọng tội ngăn cản. Đến khi người ấy chết, ác nghiệp vô gián trọng tội có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, đáng lẽ trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ lâu dài trải qua nhiều đại kiếp trái đất, nhưng nhờ thiện nghiệp quy y Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới các dục giới đại thiện nghiệp khác làm suy giảm tiềm năng cho quả của ác nghiệp vô gián trọng tội, chỉ cho quả tái sinh trong cõi địa ngục nhỏ phụ thuộc cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian ngắn hơn cõi đại địa ngục Avīci.

Ví dụ:

Trường hợp Đức vua Ajātasattu nghe lời khuyên bảo của Tỳ khưu Devadatta, giết Phụ vương là Thái thượng hoàng Bimbisāra. Về sau, biết ăn năn hối lỗi, Đức vua Ajātasattu ngự đến hầu đảnh lễ và thành tâm sám hối với Đức Phật. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Đức vua Ajātasattu, sau khi lắng nghe pháp, Đức vua phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận Đức vua là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo kể từ đó cho đến trọn đời, trọn kiếp. Từ đó, Đức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thường ngự đến cúng dường những thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì.

Sau khi, Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, Đức vua Ajātasattu là người thí chủ hộ độ 500 vị Thánh Arahán đứng đầu là Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, thời gian sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, tại động Sattapaṇṇi gần kinh thành Rājagaha xứ Magadha, suốt thời gian 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải.

Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, ác nghiệp vô gián trọng tội giết Phụ vương đáng lẽ có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt lâu dài hằng nhiều đại kiếp trái đất. Nhưng nhờ thiện nghiệp quy y Tam Bảo, thiện nghiệp hộ độ 500 vị Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất suốt 7 tháng... chính nhờ thiện nghiệp ấy làm giảm tiềm năng của ác nghiệp vô gián trọng tội giết Phụ vương, chỉ cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi địa ngục tên “Lohakumbī: Địa ngục nước đồng sôi”, chịu quả khổ suốt thời gian 60.000 (sáu mươi ngàn) năm mà thôi.

Như vậy, thiện nghiệp có khả năng làm giảm tiềm năng cho quả của bất thiện nghiệpc nghiệp) được (không phải xóa bỏ được bất thiện nghiệp (ác nghiệp)).

Sự khác biệt giữa ác nghiệp tà kiến với ác nghiệp vô gián như thế nào?

Xét về tính chất của 2 loại ác nghiệp này, dĩ nhiên ác nghiệp tà kiến cố định là nặng hơn ác nghiệp vô gián trọng tội.

Xét về tính chất ưu tiên cho quả của 2 loại nghiệp này, nếu người nào có ác nghiệp tà kiến cố định vẫn chấp thủ tà thuyết của mình cho đến lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn chỉ có ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chắc chắn không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, bởi vì ác nghiệp tà kiến cố định này nặng nhất.

Nhưng nếu người nào có ác nghiệp tà kiến chưa đến mức độ cố định, khi người ấy có duyên lành gặp được chư bậc thiện trí, chịu lắng nghe lời giáo huấn của bậc thiện trí, rồi thực hành theo lời dạy của bậc thiện trí, chịu từ bỏ tà kiến thấy sai chấp lầm đã có từ trước; người ấy có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, có tâm biết ghê sợ tội lỗi, trở thành người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, biết thực hành pháp hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc…, biết thực hành pháp hành thiền tuệ có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhân, thì ác nghiệp tà kiến ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma), không còn có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau nữa. Do đó sau khi chết, người ấy chắc chắn tránh khỏi tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci.

Như vậy, nếu ác nghiệp tà kiến chưa đến mức cố định, thì nhờ đến sự giúp đỡ của bậc thiện trí cũng có thể hóa giải được, cứu chữa được.

Như trường hợp vị tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabyā, ông tỉnh trưởng ấy có tà kiến thấy sai chấp lầm rằng:

Itipi natthi paro loko, natthi sattā opapātikā, natthi sukatadukkaṭānaṃ kammaṃ vipāko”.

(Đúng như vậy, không có cõi thế giới khác, không có chúng sinh hóa sinh ‘như chư thiên, Phạm thiên, chúng sinh cõi địa ngục, chúng sinh loài atula, chúng sinh loài ngạ quỷ’; không có quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp).

Một thuở nọ, Ngài Đại đức Kumārakassapa cùng với 500 chư Tỳ khưu đến trú tại rừng Siṃsapā, tỉnh Setabyā xứ Kosala. Danh tiếng của Ngài lan truyền khắp mọi nơi, cho nên dân chúng trong thành Setabyā từng đoàn lũ lượt kéo nhau đến khu rừng Siṃsapā để nghe Ngài thuyết pháp. Ông tỉnh trưởng Pāyāsi cũng đến khu rừng Siṃsapā gặp Ngài Đại đức Kumārakassapa, ông tỉnh trưởng ngồi một nơi hợp lẽ xong, rồi bạch với Ngài Đại đức Kumārakassapa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại đức Kumārakassapa, tôi có quan niệm rằng: “Đúng như vậy, không có cõi thế giới khác, không có chúng sinh hóa sinh ‘như chư thiên, Phạm thiên, chúng sinh cõi địa ngục, chúng sinh loài atula, chúng sinh loài ngạ quỷ’, không có quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp”.

Ngài Đại đức Kumārakassapa là bậc Thánh Arahán có tài thuyết pháp rất hay, bằng nhiều cách đã làm cho vị tỉnh trưởng Pāyāsi chịu thuần phục, mà từ bỏ tà kiến, trở thành vị tỉnh trưởng có chánh kiến, có đức tin nơi Tam Bảo, rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Sau khi vị tỉnh trưởng Pāyāsi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm thiên nam có tên là Pāyāsidevaputta: Thiện nam Pāyāsi trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương có tuổi thọ 500 tuổi trời ấy, so sánh với thời gian ở cõi người bằng 9.000.000 năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người.

Như vậy, ác nghiệp tà kiến chưa đến mức cố định, thì nhờ đến bậc thiện trí giúp đỡ có thể hóa giải được, cứu chữa được.

Ác nghiệp vô gián trọng tội tuy là ác nghiệp không nặng hơn ác nghiệp tà kiến cố định, nhưng vô phương cứu chữa, bời vì ác nghiệp này là ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) chắc chắn cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (sau khi chết) trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản ác nghiệp này cho quả tái sinh được. Do đó, ác nghiệp này gọi là ác nghiệp vô gián trọng tội.

Đó là sự khác biệt giữa ác nghiệp tà kiến cố định với ác nghiệp vô gián trọng tội.

* Siêu tam giới thiện nghiệp có khả năng làm cho ác nghiệp upapajjavedanīyakamma trở thành nghiệp vô hiệu quả như thế nào?

Người nào đã tạo những bất thiện nghiệp (ác nghiệp) bình thường, ngoại trừ ác nghiệp tà kiến cố địnhác nghiệp vô gián trọng tội ra; sau đó, người ấy biết ăn năn hối lỗi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi nên đã tránh xa mọi tội lỗi, trở thành người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo, giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện nghiệp, nhất là thiện nghiệp thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong Phật giáo. Tuy bậc Thánh Nhập Lưu vẫn còn tử sinh luân hồi trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa, nhưng chắc chắn bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới.

Như vậy, tất cả mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) nào mà bậc Thánh Nhập Lưu đã từng tạo trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, tất cả mọi bất thiện nghiệp (ác nghiệp) ấy chắc chắn vĩnh viễn không còn có cơ hội sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) được nữa, bởi vì Nhập Lưu Thánh Đạo chỉ có thiện nghiệp sinh quả tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Do đó, mọi ác nghiệp upapajjavedanīya-kamma đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Ví dụ:

* Trường hợp ông đao phủ tên Tambadāṭhika ở trong kinh thành Rājagaha, suốt 55 năm ông làm nghề giết kẻ phạm tội trộm cướp theo lệnh của Đức vua.

Khi ông tuổi đã cao, không còn đủ sức để chặt đầu bọn trộm cướp, Đức vua cho ông về nghỉ hưu, dưỡng già.

Một hôm Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta vừa mới xả thiền rồi mang bát đi vào trong kinh thành để khất thực, Ngài đứng trước cổng nhà ông Tambadāṭhika. Ông nhìn thấy Ngài liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, ông nghĩ rằng: “Suốt 55 năm ta đã giết nhiều kẻ trộm cắp theo lệnh của Đức vua. Hôm nay có Ngài Đại Trưởng Lão đến đứng trước cổng nhà, ta nên kính thỉnh Ngài vào nhà để làm phước thiện bố thí đến cho Ngài”.

Kính thỉnh Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta vào nhà, ông Tambadāṭhika đảnh lễ Ngài rồi cúng dường vật thực đến Ngài. Khi ấy, Ngài Đại Trưởng Lão thuyết pháp tế độ ông Tambadāṭhika. Sau khi lắng nghe Ngài thuyết pháp xong, ông liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay tại nơi ấy.

Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta từ giã trở về chùa, ông Tambadāṭhika theo tiễn đưa Ngài. Khi trở về nhà, trên đường đi, một nữ dạ xoa đã hóa thành con bò húc vào ngực ông, làm ông chết ngay tại chỗ. Sau khi ông chết, thiện nghiệp có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi trời Tusita (Đấu Xuất Đà Thiên) có tuổi thọ trời 4.000 (bốn ngàn) năm (bằng 576 triệu năm cõi người, bởi vì 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người) an hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Ác nghiệp sát sinh mà ông đã tạo suốt 55 năm không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp, cho nên tất cả mọi ác nghiệp upapajjavedanīyakamma ấy trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

* Trường hợp Ngài Đại đức Aṅgulimāla, trước khi Ngài chưa xuất gia trở thành Tỳ khưu, Ngài là một tên cướp sát nhân ẩn trú trong khu rừng, đã từng giết chết hơn 1.000 người, rồi cắt lấy đầu ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ. Do đó, Ngài có biệt danh là Aṅgulimāla.

Khi Đức Thế Tôn ngự đến khu rừng để tế độ Ngài. Ngài tỉnh ngộ, rồi ném gươm giáo, từ bỏ sự sát hại chúng sinh. Ngài đã xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Đức Thế Tôn cho phép Ngài xuất gia theo cách “Ehi Bhikkhu!”. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Ngài thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng trong Phật giáo.

Những ác nghiệp sát sinh mà Ngài đã tạo chỉ có khả năng cho quả trong kiếp hiện tại mà thôi. Đến lúc Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, thì tất cả bất thiện nghiệp (ác nghiệp), thiện nghiệp đã tích lũy từ vô thủy trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi thành bậc Thánh Arahán đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Tóm lại: 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả, trong mỗi lộ trình tâm phát sinh đầy đủ trải qua 7 sát-na tác hành tâm (javanacitta) tạo nghiệp:

Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp diṭṭhadhammavedanīya kamma chỉ có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất) mà thôi.

1. Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp upapajjavedanīyakamma chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) mà thôi; và có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, nếu có cơ hội cho quả.

2. Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp aparā-pariyavedanīyakamma có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh những kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn; và có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, không giới hạn, nếu có cơ hội cho quả.

3. Nghiệp ahosikamma có trong những trường hợp sau:

Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ nhất gọi là nghiệp diṭṭhadhammavedanīya-kamma nếu không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosi-kamma (nghiệp vô hiệu quả).

Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 7 gọi là nghiệp upapajjavedanīyakamma nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosi-kamma (nghiệp vô hiệu quả).

Tác ý tâm sở đồng sinh trong sát-na dục giới tác hành tâm thứ 2 cho đến dục giới tác hành tâm thứ 6 gọi là nghiệp aparāpariyavedanīyakamma nếu không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả).

Như vậy tác ý tâm sở đồng sinh trong 7 sát-na dục giới tác hành tâm đã tạo nghiệp rồi mà không có cơ hội cho quả của chúng thì đều trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả), không còn có hiệu lực cho quả của chúng được nữa.

* Sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, Siêu tam giới thiện nghiệp được ghép vào loại nghiệp nào trong 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả?

Hành giả là hạng phàm nhân thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc là 5 sắc giới thiện nghiệp. Và tiếp tục có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô sắc là 4 vô sắc giới thiện nghiệp. Hành giả có khả năng giữ gìn duy trì 9 bậc thiền thiện nghiệp bậc cao (mahaggata-kusalakamma) (sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp) này cho đến lúc chết. Sau khi hành giả chết, chắc chắn thiện nghiệp vô sắc tột đỉnhphi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện nghiệp có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) trong cõi trời vô sắc tột đỉnh, cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xư Thiên có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất lâu nhất; còn lại 5 sắc giới thiện nghiệp và 3 vô sắc giới thiện nghiệp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosikamma).

Như vậy, sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp tương đương với thiện nghiệp upapajjavedanīya-kamma (thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp) (kiếp thứ 2).

Hành giả thực hành thiền tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm, mà 4 Thánh Đạo Tâm liền cho quả 4 Thánh Quả Tâm tương ứng với nhau cùng trong lộ trình Thánh Đạo Tâm (Magga-vīthicitta). Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt tiếp theo Thánh Quả Tâm ấy tương ứng sinh rồi diệt liên tục 2 sát-na hoặc 3 sát-na Thánh Quả Tâm ấy, rồi diệt chấm dứt lộ trình Thánh Đạo Tâm.

4 Thánh Đạo Tâm cho quả tương ứng 4 Thánh Quả Tâm không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát-na tâm sinh rồi diệt.

Như vậy, 4 Siêu tam giới thiện nghiệp cho quả tương ứng 4 Thánh Quả ngay kiếp hiện tại không có thời gian ngăn cách, tương đương với thiện nghiệp diṭṭhadhamma-vedanīyakamma (thiện nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện tại) (kiếp thứ nhất).

* Tại sao nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) ở trong phần nghiệp theo thời gian cho quả?

Bởi vì tất cả mọi nghiệp không phải lúc nào cũng có cơ hội cho quả của chúng cả thảy. Cho nên, nghiệp nào theo thời gian cho quả mà không có cơ hội cho quả của nó, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) như sau:

1. Nghiệp diṭṭhadhammavedanīyakamma chỉ có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất) mà thôi. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

2. Nghiệp upapajjavedanīyakamma chỉ có cơ hội cho quả trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2) mà thôi. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2), thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

3. Nghiệp aparāpariyavedanīyakamma có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp của thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn. Nếu nghiệp này không có cơ hội cho quả trong khoảng thời gian lâu dài ấy, thì nghiệp ấy trở thành nghiệp ahosikamma.

Vì vậy, cho nên nghiệp ahosikamma (nghiệp vô hiệu quả) ở trong phần nghiệp theo thời gian cho quả.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn