(Xem: 1488)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- 4 Loại Nghiệp Theo Cảnh Giới Cho Quả

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 8492)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển IV (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

4 Loại Nghiệp Theo Cảnh Giới Cho Quả

(Pākaṭṭhānacatukka)

 

Phần 4 loại nghiệp theo thời gian cho quả kiếp hiện tại, kiếp sau v.v... xong, tiếp theo phần 4 loại nghiệp theo cảnh giới cho quả trong tam giới:

1. Akusalakamma: Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm).

2. Kāmāvacarakusalakamma: Dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm.

3. Rupāvacarakusalakamma: Sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm.

4. Arūpāvacarakusalakamma: Vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm.

Giải thích 4 loại nghiệp theo cảnh giới cho quả

1. Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) Akusalakamma:

* Pháp nào gọi là bất thiện nghiệp (ác nghiệp)?

Tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm) tính theo bất thiện tâm có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp).

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh do nhờ nơi thân môn, khẩu môn, ý môn. Do đó, bất thiện nghiệp (ác nghiệp) có 3 loại.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi thân môn gọi là thân bất thiện nghiệp hoặc thân ác nghiệp.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi khẩu môn gọi là khẩu bất thiện nghiệp hoặc khẩu ác nghiệp.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được phát sinh nơi ý môn gọi là ý bất thiện nghiệp hoặc ý ác nghiệp.

10 loại ác nghiệp tính theo 3 môn

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) phát sinh nơi 3 môn gồm có 10 bất thiện nghiệp hoặc 10 ác nghiệp như sau:

1. Thân ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân môn tạo 3 ác nghiệp bằng thân:

Ác nghiệp sát sinh.

Ác nghiệp trộm cắp.

Ác nghiệp tà dâm.

3 thân ác nghiệp này còn gọi là 3 thân hành ác (kāya-duccarita).

2. Khẩu ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi khẩu môn tạo 4 ác nghiệp bằng khẩu:

Ác nghiệp nói dối.

Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Ác nghiệp nói lời vô ích.

4 khẩu ác nghiệp này còn gọi là 4 khẩu hành ác (vacī-duccarita).

3. Ý ác nghiệp là ác nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi ý môn tạo 3 ác nghiệp bằng ý

Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

Ác nghiệp thù hận người khác.

Ác nghiệp tà kiến thấy sai chấp lầm.

3 ý ác nghiệp này còn gọi là 3 ý hành ác (manoduccarita).

Trong 3 loại ác nghiệp này, Đức Phật dạy: “Ý ác nghiệp có năng lực mạnh hơn thân ác nghiệp khẩu ác nghiệp”.

Chi pháp của 10 ác nghiệp

Trong 10 ác nghiệp, mỗi ác nghiệp đều có những chi pháp riêng của ác nghiệp ấy. Nếu ác nghiệp nào hội đủ các chi pháp của ác nghiệp ấy, thì ác nghiệp ấy có nhiều năng lực, có khả năng, có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy, trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), và có khả năng cho quả khổ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla), nếu có cơ hội cho quả của nó.

Nếu ác nghiệp nào không hội đầy đủ các chi pháp của ác nghiệp ấy, thì ác nghiệp ấy không có nhiều năng lực, không có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla); mà có khả năng cho quả khổ trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla), nếu có cơ hội cho quả của nó.

Giải thích 10 ác nghiệp theo 3 môn

1. Thân ác nghiệp:

Thân nghiệp áctác ý ác được biểu hiện ra ở thân hành ác có 3 loại ác nghiệp:

1.1 Ác nghiệp sát sinh.

1.2 Ác nghiệp trộm cắp.

1.3 Ác nghiệp tà dâm.

1.1. Ác nghiệp sát sinh

Sự sát sinh là một ác nghiệp giết hại chúng sinh, cắt đứt sinh mạng của chúng sinh ấy chết trước khi chúng sinh ấy hết tuổi thọ, hoặc khi hết quả của nghiệp hỗ trợ. Chúng sinh ấy còn có tuổi thọ, còn có nghiệp hỗ trợ, chưa đến thời kỳ chết, mà người nào giết hại chúng sinh ấy, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh.

Giết hại chúng sinh như thế nào?

Danh từ gọi chúng sinh là danh từ chế định, do căn cứ vào “ngũ uẩn”. Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Sắc uẩn đó là sắc thân, thân thể thuộc về sắc pháp.

Sắc pháp gồm có 28 sắc pháp. Sắc uẩn riêng của mỗi chúng sinh đầy đủ nhất chỉ có 27 sắc pháp mà thôi. Nếu chúng sinh có khuyết tật như mắt mù, tai điếc... thì số sắc pháp bị giảm theo khuyết tật ấy.

Ví dụ: Chúng sinh là loài người.

Nếu là người đàn ông, thì sắc uẩn có 27 sắc pháp, trừ sắc nữ tính.

Nếu là người đàn bà, thì sắc uẩn có 27 sắc pháp, trừ sắc nam tính.

Sắc uẩn này có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, luôn luôn biến chuyển từ nhỏ đến lớn, từ trẻ sang già cho đến chết.

Sắc uẩn này có sắc mạng chủ (jīvitindriyarūpa) giữ gìn, duy trì mỗi kiếp chúng sinh cho đến khi hết tuổi thọ, hoặc hết nghiệp hỗ trợ mới chết, chấm dứt kiếp chúng sinh ấy một cách bình thường, gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa).

- Thọ uẩn, tưởng uẩn hành uẩn đó là các tâm sở thuộc về danh pháp.

- Thức uẩn đó là các loại tâm thuộc về danh pháp.

4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn) này luôn luôn đồng sinh cùng trong một tâm.

Tâm có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, nghĩa là 4 danh uẩn có trạng thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, được thay đổi mỗi kiếp do năng lực nghiệp và quả của nghiệp, từ vô thủy cho đến kiếp hiện tại này. Nếu chúng sinh nào chưa phải là bậc Thánh Nhân, vẫn còn tham ái, phiền não, chúng sinh ấy vẫn còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, thì 4 danh uẩn vẫn còn sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, không có giới hạn số kiếp của chúng sinh ấy.

4 danh uẩn này có danh mạng chủ tâm sở (jīvitindriya-cetasika) giữ gìn, duy trì kiếp này sang kiếp khác, được thay đổi mỗi kiếp do năng lực nghiệp và quả của nghiệp.

Như vậy, mỗi chúng sinh được sống do nhờ sắc mạng chủ danh mạng chủ. Người nào tạo ác nghiệp giết hại chúng sinh, cắt đứt sinh mạng của chúng sinh ấy chết trước khi hết tuổi thọ, hoặc chết trước khi hết quả của nghiệp hỗ trợ, thì người ấy chỉ có thể cắt đứt dòng sinh mạng của sắc mạng chủ, nghĩa là phá hoại sắc uẩn không còn duy trì sự sống được nữa mà thôi, nhưng không thể cắt đứt dòng sinh mạng của danh mạng chủ, bởi vì danh mạng chủ thuộc về tâm sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm. Tâm sở nàytâm không bao giờ tách rời nhau được, hễ có tâm sinh thì ắt có tâm sở này đồng sinh; tâm và tâm sở sinh rồi diệt liên tục không ngừng, hay nói cách khác 4 danh uẩn sinh rồi diệt liên tục không ngừng.

* Người đã tạo ác nghiệp sát sinh ấy là làm hại, phá hoại sắc uẩn, mà không thể hại, không thể phá hoại được 4 danh uẩn có phải không?

Thực ra, người đã tạo ác nghiệp sát sinh ấy trực tiếp làm hại, phá hoại sắc uẩn kiếp hiện tại, đồng thời gián tiếp làm hại, phá hoại 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy, bởi vì ngũ uẩn luôn luôn nương nhờ lẫn nhau. Sắc uẩn kiếp hiện tại nương nhờ nơi 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy để có sự sống còn, và 4 danh uẩn kiếp hiện tại ấy cũng nương nhờ nơi sắc uẩn kiếp hiện tại để biết các đối tượng. Cho nên, khi sắc uẩn kiếp hiện tại bị giết hại, thì đồng thời 4 danh uẩn kiếp hiện tại cũng bị chấm dứt kiếp hiện tại, bởi vì, không còn sắc uẩn để nương nhờ nữa.

Ví dụ: Con người bị giết trong kiếp hiện tại.

Người ấy đã từng tạo và tích lũy những thiện nghiệp và những bất thiện nghiệp (ác nghiệp); khi người ấy bị giết chết, sau khi chết:

- Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì suy xét tâm hợp với thọ xả (upekkhāsantīraṇa-citta) thuộc bất thiện quả vô nhân tâm (đó là tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), đồng thời nương nhờ nơi sắc uẩn mới để có đầy đủ ngũ uẩn mới kiếp hiện tại ấy.

- Nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người, thì dục giới đại quả tâm (mahāvipākacitta) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau thuộc loài thai sinh làm người trong lòng mẹ đầu tiên, đồng thời nương nhờ nơi 3 sắc pháp đầu tiên: Sắc thân (kāyarūpa), sắc nam tính hoặc sắc nữ tính (bhavarūpa) và sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi tâm nương nhờ. 3 sắc pháp này thuộc về sắc uẩn mới, để có đầy đủ ngũ uẩn mới kiếp hiện tại ấy.

- Nếu dục giới đại thiện nghiệp có cơ hội cho quả thời kỳ tái sinh kiếp sau làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thì dục giới đại quả tâm (mahāvipākacitta) có 4 danh uẩn làm phận sự tái sinh kiếp sau thuộc loài hóa sinh làm chư thiên, ngay tức thì trở thành vị thiên nam khoảng 20 tuổi hoặc thiên nữ khoảng 18 tuổi duy trì cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

- Nếu sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp thì bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời sắc giới trong tầng trời nào, tùy thuộc vào bậc thiền sắc giới quả tâm ấy. Vị Phạm thiên hưởng sự an lạc trong tầng trời sắc giới phạm thiên ấy cho đến hết tuổi thọ.

- Nếu vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp thì bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh làm Phạm thiên trong cõi trời vô sắc giới tầng trời nào, tùy thuộc vào bậc thiền vô sắc giới quả tâm ấy. Vị Phạm thiên hưởng sự an lạc trong tầng trời vô sắc giới phạm thiên ấy cho đến hết tuổi thọ.

- Nếu người bị chết ấy là bậc Thánh Arahán, thì sau khi chết, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy, ngũ uẩn kiếp hiện tại hoàn toàn khác với ngũ uẩn kiếp quá khứ. Ngũ uẩn kiếp hiện tại là quả của những nghiệp trong những kiếp quá khứ. Cho nên, trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, mỗi chúng sinh chỉ có nghiệp liên quan với nhau trong mỗi kiếp mà thôi.

Chi pháp của ác nghiệp sát sinh

Để biết ác nghiệp sát sinh có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh như sau:

1. Pāṇo: Chúng sinh còn sinh mạng.

2. Pāṇasaññitā: Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng.

3. Vadhakacittaṃ: Ác tâm nghĩ sẽ giết hại chúng sinh.

4. Payogo: Cố gắng giết hại chúng sinh.

5. Tena maraṇaṃ: Chúng sinh ấy bị chết do sự cố gắng ấy.

Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp sát sinh hội đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp sát sinh không hội đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp sát sinh này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp sát sinh không hội đầy đủ các chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh

Người cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh bằng 6 cách:

1. Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh, nghĩa là tự mình sử dụng khí giới, dùng sức mạnh cố gắng giết hại chúng sinh ấy, chúng sinh ấy bị giết do chính mình. Gọi là tự mình cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh.

2. Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác nghiệp sát sinh bằng lời nói, hoặc bằng chữ viết gởi đến nhờ họ, sai khiến họ tạo ác nghiệp giết hại chúng sinh ấy.

3. Nissaggiyapayoga: Cố gắng dùng khí giới như phóng lao, ném đá, bắn cung tên, bắn súng, ném chất nổ... để giết hại chúng sinh ấy.

4. Thāvarapayoga: Cố gắng làm ra những thứ vũ khí để giết hại chúng sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, làm bom, chất nổ, thuốc độc... Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy để giết hại chúng sinh, thì người làm ra những thứ vũ khí ấy cũng gọi là tạo ác nghiệp sát sinh, bởi vì người ấy có tác ý ác giết hại chúng sinh có tính cách lâu dài.

5. Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép trù ếm... làm cho chúng sinh ấy chết.

6. Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép mầu của mình để giết hại chúng sinh ấy.

Đó là 6 cách cố gắng tạo ác nghiệp sát sinh.

Ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ - tội nặng

Người đã tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ hoặc tội nặng căn cứ vào tác ý ác (akusalacetanā) trong đối tượng chúng sinh:

* Chúng sinh là loài súc sinh:

Giết hại súc sinh có thân hình nhỏ bé như con muỗi, con kiến... thì có tội nhẹ, vì cố gắng ít.

Giết hại súc sinh có thân hình to lớn như con bò, con trâu, con voi... thì có tội nặng, vì cố gắng nhiều.

* Chúng sinh là loài người:

Giết hại người không có giới, người ác thì tội nhẹ.

Giết hại người có giới đức, bậc thiện trí thì có tội nặng.

Giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán thì có tội cực kỳ nặng thuộc về ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariya-kamma) chắc chắn sẽ cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài hằng đại kiếp trái đất.

Người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh rồi, về sau, người ấy biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn hối lỗi, từ bỏ việc sát sinh, rồi cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp; như vậy, người ấy dù có tội nặng cũng được giảm bớt trở thành tội nhẹ; còn tội nhẹ thì làm cho không có cơ hội cho quả của ác nghiệp ấy (nhưng không phải tạo thiện nghiệp, rồi sẽ xóa được ác nghiệp).

Người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh rồi mà không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, không biết ăn năn hối lỗi, không từ bỏ sự sát sinh, vẫn cứ tiếp tục tạo ác nghiệp sát sinh hằng ngày như người đồ tể giết bò, giết heo, giết gà, giết vịt... để bán thịt; như vậy, người ấy đã có tội nặng lại càng nặng thêm; có tội nhẹ thì trở thành tội nặng, bởi vì ác nghiệp thường hành hằng ngày, ác nghiệp được tích lũy lâu ngày.

Quả xấu của ác nghiệp sát sinh

Người nào phạm giới sát sinh, giết hại sinh mạng của chúng sinh, dù lớn dù nhỏ cũng tạo nên ác nghiệp sát sinh. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát được khỏi cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người nào phạm giới sát sinh, tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ; sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ như sau:

1. Có thân hình tật nguyền.

2. Có thân hình không cân đối, xấu xí.

3. Là người chậm chạp.

4. Có lòng bàn tay, và dưới lòng bàn chân lõm sâu (không đều đặn).

5. Có thân hình xấu xí, đầy sẹo.

6. Có sắc diện tối tăm.

7. Có da thịt sần sùi.

8. Có tính hay sợ hãi.

9. Có sức khỏe yếu đuối.

10. Có tật cà lăm, lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ.

11. Bị mọi người ghét bỏ.

12. Có những bộ hạ tùy tùng bị chia rẽ.

13. Có tính hay giật mình, hoảng sợ.

14. Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…

15. Là người si mê, ngu dốt.

16. Có rất ít bạn bè.

17. Có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ.

18. Có thân hình kỳ dị.

19. Hay bệnh hoạn ốm đau.

20. Thường sầu não, lo sợ.

21. Con cháu thường xa lánh.

22. Mỗi kiếp thường bị chết yểu.

23. Bị chết do người khác giết.

Đó là 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ trong kiếp quá khứ.

Tự sát có phải tạo ác nghiệp sát sinh hay không?

Tự sát là tác ý tự giết mình, bởi do nguyên nhân nào đó, còn tạo ác nghiệp sát sinh cần phải căn cứ vào 5 chi pháp:

1. Chúng sinh còn có sinh mạng, đó là chính mình.

2. Biết rõ chúng sinh còn sinh mạng (paṇasaññitā), chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình.

3. Tâm nghĩ sẽ tự giết hại mình.

4. Cố gắng tự giết hại mình bằng cách nào đó.

Mình chết do sự cố gắng của chính mình.

Xét theo 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh, thì tự sát thiếu chi pháp thứ 2 là biết rõ chúng sinh còn sinh mạng, bởi vì chi pháp này ám chỉ đến chúng sinh khác, không phải chính mình. Cho nên, tự sát không đủ 5 chi pháp của ác nghiệp sát sinh, vậy tự sát không phải tạo ác nghiệp sát sinh.

Thật vậy, để trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật (10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng):

- 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ: Khi tạo pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh những của cải, tài sản, ngôi báu, vợ con v.v.. những gì thuộc về bên ngoài thân thể của mình, để tạo pháp hạnh ba-la-mật ấy.

- 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc trung: Khi bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh những bộ phận trong thân thể như đôi mắt v.v.. để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật ấy.

- 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng: Khi bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức Bồ Tát cần phải hy sinh sinh mạng của mình, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật ấy cho được thành tựu.

Đối với Chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đại thiện tâm hợp với trí tuệ dám hy sinh sinh mạng của mình, vì mục đích cứu cánh cao cả nhất, để mong trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Như vậy, ba-la-mật thiện nghiệp bậc thượng, chắc chắn không phải là ác nghiệp sát sinh được.

Tuy nhiên, trong đời đối với số người tuyệt vọng cùng cực, không muốn sống trên đời này nữa, nên họ tự sát do tâm sân chán ngán cuộc đời. Xét theo nhân quả thì tâm sân tuyệt vọng cùng cực là nhân đã phát sinh trước, rồi dẫn đến quả là tự sát. Tuy hành động tự sát này không phải là ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp, nhưng người ấy chết do tâm sân chán ngán cuộc đời, do ác nghiệp ấy, nên khó tránh khỏi tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới.

Nếu bị tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới, thì ác nghiệp tâm sân phát sinh trước khi tự sát là nguyên nhân dẫn đến trước lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm; chính ác nghiệp phát sinh trước lúc lâm chung ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chứ không phải do ác nghiệp tự sát.

1.2. Ác nghiệp trộm cắp

Sự trộm cắp là một ác nghiệp chiếm đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa… mà người chủ không sẳn lòng cho.

Người tạo ác nghiệp trộm cắp bằng nhiều cách:

Lén vào nhà trộm cắp của cải, tài sản của chủ nhà.

Dùng sức mạnh cướp đoạt của cải, tài sản, đất đai, nhà cửa… của người khác.

Dùng quyền lực hăm dọa, bắt buộc người khác trao của cải, tài sản… cho mình.

Lừa gạt, dối trá để chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác.

Dùng phù phép, bùa mê làm mê hoặc người khác để chiếm đoạt của cải, tài sản v.v…

Dùng phép thuật thôi miên khiến cho người khác làm theo ý đồ xấu xa của mình; làm cho người khác không còn biết tự chủ mà trao của cải, tài sản… của họ đến cho mình.

Hành vi tham nhũng, tham ô chiếm đoạt của cải, tài sản tư nhân; của cải, tài sản của tập thể; của cải, tài sản của nhà nước v.v…

Bằng mọi cách mà chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác một cách bất hợp pháp đều tạo ác nghiệp trộm cắp.

Chi pháp của ác nghiệp trộm cắp

Để biết ác nghiệp trộm cắp có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp trộm cắp như sau:

1. Parapariggahitaṃ: Của cải có chủ nhân giữ gìn.

2. Parapariggahitasaññitā: Biết rõ của cải, tài sản có chủ nhân giữ gìn.

3. Theyyacittaṃ: Tâm nghĩ trộm cắp.

4. Payogo: Cố gắng để trộm cắp.

5. Avahāro: Chiếm được của cải, tài sản ấy bằng sự cố gắng ấy.

Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp trộm cắp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp trộm cắp hội đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp trộm cắp không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp trộm cắp này có sự khác biệt nhau:

- Nếu ác nghiệp trộm cắp hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

- Nếu ác nghiệp trộm cắp không hội đầy đủ các chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp

Người cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp bằng 6 cách:

1. Sāhatthikapayoga: Tự mình cố gắng tạo ác nghiệp trộm cắp, nghĩa là tự mình cố gắng bằng nhiều cách để chiếm đoạt của cải, tài sản… của người khác một cách bất hợp pháp.

2. Āṇattikapayoga: Cố gắng sai khiến người khác tạo ác nghiệp trộm cắp bằng lời nói; hoặc bằng chữ viết gửi cho họ, sai khiến họ tạo ác nghiệp trộm cắp của cải, tài sản của người khác.

3. Nissaggiyapayoga: Cố gắng ném hàng hóa qua cửa khẩu, hoặc cất giấu hàng hóa qua cửa khẩu để trốn thuế.

4. Thāvarapayoga: Cố gắng sai khiến bộ hạ rằng: “Nếu có cơ hội lúc nào, chúng mày hãy cố gắng trộm cắp, chiếm đoạt của cải, tài sản người khác cho bằng được” thời gian mau hoặc lâu không hạn định.

5. Vijjāmayapayoga: Cố gắng sử dụng bùa chú, phù phép làm cho chủ nhân mê, rồi chiếm đoạt của cải, tài sản của họ; hoặc dùng phép thuật thôi miên điều khiển chủ nhân theo ý đồ xấu của mình, bằng cách sai khiến, bắt buộc chủ nhân trao của cải, tài sản cho mình một cách bất hợp pháp.

6. Iddhimayapayoga: Cố gắng sử dụng phép thần thông của mình để lấy một thứ nào đó mà không gây ra sự thiệt hại cho chủ nhân.

Ác nghiệp trộm cắp có tội nặng - tội nhẹ

Người đã tạo ác nghiệp trộm cắp có tội nhẹ hoặc tội nặng, cần phải căn cứ vào tác ý ác (akusalacetanā) chiếm đoạt của cải, tài sản… và chủ nhân.

* Căn cứ vào giá trị của cải, tài sản:

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị ít, thì người ấy có tội nhẹ.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị nhiều, thì người ấy có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người không có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nhẹ.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của riêng cá nhân, thì người ấy có tội nhẹ.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của chung trong tập thể, của nhà nước... thì người ấy có tội nặng.

* Chủ nhân có 4 hạng:

1. Của cải, tài sản… của người tại gia, của nhà nước.

2. Của cải vật dụng của bậc xuất gia là Sadi, Tỳ khưu.

3. Của cải vật dụng của nhóm là Tỳ khưu, Sadi từ 2 - 3 vị.

4. Của cải vật dụng của chư Tỳ khưu Tăng.

Trong 4 hạng chủ nhân này:

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người tại gia, của cải, tài sản của nhà nước thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của bậc xuất gia là Sadi, Tỳ khưu, thì có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải vật dụng của cá nhân vị Sadi, Tỳ khưu, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của nhóm Tỳ khưu 2 - 3 vị, thì có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải vật dụng của chư Tỳ khưu Tăng, thì người ấy có tội nặng nhất.

Chủ nhân còn có 5 hạng:

Chủ nhân là hạng phàm nhân và bậc Thánh Nhân nên phân loại có 5 hạng:

1. Của cải, tài sản… của các hạng phàm nhân.

2. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu.

3. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai.

4. Của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai.

5. Của cải vật dụng của bậc Thánh Arahán.

Trong 5 hạng chủ nhân này:

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của hạng phàm nhân, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu, thì có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhập Lưu, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai, thì có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Nhất Lai, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai, thì có tội nặng.

Nếu người nào trộm cắp của cải, tài sản… của bậc Thánh Bất Lai, thì người ấy có tội nhẹ; trộm cắp của cải vật dụng của bậc Thánh Arahán, có tội nặng nhất.

Tóm lại, người nào trộm cắp của cải, tài sản… có giá trị càng nhiều, thì người ấy có tội càng nặng. Người nào trộm cắp của cải, tài sản… của người có giới đức trong sạch hoàn toàn, thì người ấy càng có tội nặng hơn.

Quả xấu của ác nghiệp trộm cắp

Người nào phạm giới trộm cắp của cải, tài sản của người khác dù ít, dù nhiều cũng tạo nên ác nghiệp trộm cắp. Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát được khỏi cõi ác giới,

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người nào phạm giới trộm cắp, tạo nên ác nghiệp trộm cắp có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người, thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ kiếp quá khứ như sau:

1. Không thể có những thứ của cải quý giá.

2. Thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…

3. Là người nghèo khổ túng thiếu của cải.

4. Không phát triển được những thứ của cải mới.

5. Khi làm ra được của cải quý giá, thì không giữ gìn được lâu dài.

6. Không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.

7. Khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, do nhà Vua tịch thu...

8. Của cải được phát triển, thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.

9. Là người không thể nào chứng đắc được pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả và Niết Bàn).

10. Là người thường nghe đến danh từ ‘không có’.

11. Là người sống không được an lạc.

Đó là 11 quả xấu của ác nghiệp trộm cắp từ trong kiếp quá khứ.

Trường hợp tạo ác nghiệp trộm cắp, không tạo ác nghiệp trộm cắp (tạo thiện nghiệp)

* Căn cứ vào đâu để xác định ác nghiệp, thiện nghiệp? 

Ác nghiệp hay thiện nghiệp được căn cứ vào tác ý tâm sở (cetanācetasika) là chính.

Nếu có tác ý ác (akusalacetanā) đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm), thì tạo bất thiện nghiệp (ác nghiệp).

Nếu có tác ý thiện (kusalacetanā) đồng sinh với thiện tâm, thì tạo thiện nghiệp.

Ví dụ 1: Tạo ác nghiệp

Trường hợp một người nhìn thấy con mèo cắn cổ con gà đã chết mang đi ăn thịt; người ấy có tác ý ác muốn giành lại con gà để ăn thịt, chạy đuổi theo, thì con mèo hoảng sợ chạy bỏ lại con gà; Người ấy đem con gà về nhà làm thịt ăn.

Như vậy, người ấy đã tạo ác nghiệp trộm cắp con gà của con mèo.

Ví dụ 2: Tạo thiện nghiệp

Trường hợp một người nhìn thấy con mèo cắn con gà còn sống, con gà vẫy cánh cầu cứu; người ấy có tác ý thiện muốn cứu mạng con gà, chạy đuổi theo, thì con mèo hoảng sợ chạy bỏ lại con gà. Người ấy đến ẵm con gà đem về nhà, chữa trị cho lành vết thương của con gà, cứu sống con gà.

Như vậy, người ấy không tạo ác nghiệp trộm cắp con gà, mà đã tạo thiện nghiệp cứu sống con gà.

Cho nên, muốn biết người ấy đã tạo ác nghiệp hoặc thiện nghiệp, thì căn cứ vào tác ý ác hoặc tác ý thiện.

Nếu có tác ý ác đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm), thì tạo nên ác nghiệp. Nếu có tác ý thiện đồng sinh với đại thiện tâm, thì tạo nên thiện nghiệp; mà bất thiện tâm (ác tâm) hoặc thiện tâm phát sinh thì chính người ấy biết rõ, hoặc những bậc có tha tâm thông mới có khả năng biết rõ, và chư thiên cũng có khả năng biết rõ được ngay khi ấy. Còn những người bình thường khác, muốn biết thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của người ấy, thì phải có thời gian sớm hoặc muộn mới có thể biết được.

Đối với người làm ác nghiệp, Đức Phật dạy rằng:

Natthi loke raho nāma,

 Pāpakammaṃ pakubbakā…”.

(Trong đời này, không có nơi kín đáo,

 Đối với người đã tạo ác nghiệp…).

Thông thường người nào làm ác nghiệp nào cũng có tâm si mê, người ấy tự suy nghĩ rằng: “Ác nghiệp này không một ai có thể biết được đâu!”.

Nhưng thực ra, chính họ là người biết rõ ác nghiệp ấy, những bậc có tha tâm thông cũng biết rõ ác nghiệp ấy, và chư thiên có thiên nhãn cũng biết rõ ác nghiệp ấy. Về sau, trải qua thời gian sớm hay muộn nhiều người cũng biết được ác nghiệp ấy. Bởi vì, ác nghiệp đã được tạo rồi, đã gây thiệt hại cho người khác, chúng sinh khác rồi, thì chắc chắn không thể nào giấu kín được, không sớm thì muộn mọi người cũng đều biết ác nghiệp của người ấy. Vì vậy, Đức Phật dạy:

Natthi loke raho nāma,

 Pāpakammaṃ pakubbakā…”

(Trong đời này, không có nơi kín đáo,

 Đối với người đã tạo ác nghiệp…).

* Trường hợp vị Sadi đến gặp vị Long vương trông coi hồ nước, để xin nước uống. Vị Long vương không chịu cho nước, nên vị Sadi sử dụng thần thông bay lên hư không, rồi đáp xuống giữa hồ lấy bát múc nước uống. Việc làm của Sadi không gọi là ác nghiệp trộm cắp, bởi vì số lượng nước uống quá ít so với số lượng nước trong hồ.

* Trường hợp Đức vua Sakka trị vì trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên là bậc Thánh Nhập Lưu, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch. Đức vua trời Sakka, bằng thiên nhãn tự nhiên nhìn thấy Bàlamôn Doṇa đứng ra phân chia Xá lợi của Đức Phật Gotama cho 8 Đức vua của 8 nước. Ông Bàlamôn thỉnh Xá lợi Răng Nhọn giấu trong túi tóc trên đầu của ông. Đức vua trời Sakka suy xét rằng: “Bàlamôn Doṇa không có khả năng xây Bảo tháp xứng đáng để tôn thờ Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn, ta nên thỉnh Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn đem về tôn thờ trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên ”.

Sau khi suy xét đúng đắn xong, Đức vua trời Sakka hiện xuống thỉnh Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn, tôn kính đặt vào trong một cái hộp bằng vàng, rồi thỉnh đem về đặt tôn thờ trong ngôi Bảo tháp Cūḷamanī tại cung trời Tam Thập Tam Thiên.

Hành vi của Đức vua trời Sakka không tạo ác nghiệp trộm cắp, bởi vì Đức vua có tác ý thiện tôn kính Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn. Đức vua muốn Xá lợi Răng Nhọn của Đức Thế Tôn phải được tôn thờ tại ngôi Bảo Tháp xứng đáng.

v.v...

1.3 Ác nghiệp tà dâm

Sự tà dâm là sự hành dâm, sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Sự tà dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện trí chê trách; tà dâm là ác nghiệp, do đó gọi là ác nghiệp tà dâm.

Nếu người đàn ông và người đàn bà là vợ chồng của nhau, đúng theo phong tục tập quán, được hai bên cha mẹ, bà con dòng họ công nhận, được chính quyền chấp thuận đúng theo luật, được mọi người đều công nhận… thì sự hành dâm, sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng của nhau không gọi là tà dâm, bởi vì đó là việc bình thường của những người tại gia, cũng không bị mọi người chê trách.

Chi pháp của ác nghiệp tà dâm

Để biết được ác nghiệp tà dâm có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 4 chi pháp của ác nghiệp tà dâm như sau:

1. Agamaniyavatthu: Đối tượng là người nữ không được quan hệ tình dục.

2. Tasmiṃ sevanacittaṃ: Tâm tham muốn quan hệ tình dục.

3. Payogo: Cố gắng hành dâm.

4. Maggenamaggapaṭipatti addhivāsaṃ: Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục nam và nữ.

Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp của ác nghiệp tà dâm này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà dâm không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tà dâm này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp tà dâm không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Giảng giải về chi pháp của ác nghiệp tà dâm

Đối tượng 20 người nữ mà người nam không được phép quan hệ tình dục là:

1. Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).

2. Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).

3. Con gái có mẹ cha trông nom.

4. Con gái có chị hoặc em gái trông nom.

5. Con gái có anh hoặc em trai trông nom.

6. Con gái có bà con trông nom.

7. Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom).

8. Con gái hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.

9. Con gái đã được Đức vua hoặc người có quyền thế đến mai mối rồi.

10. Con gái đã nhận lễ hứa hôn (lễ ăn hỏi) của đằng trai.

11. Con gái đã được một người đàn ông chuộc về làm vợ.

12. Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu, để làm vợ.

13. Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải.

14. Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức.

15. Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng theo phong tục tập quán.

16. Con gái nghèo buôn bán, đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ (con gái không còn buôn bán nữa).

17. Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.

18. Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ.

19. Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ.

20. Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ nữ).

Trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người hành phạm hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ.

Do đó, nếu những người con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc thân, và hai người này đã có quan hệ tình dục với nhau, nếu xét về nghiệp, thì người con gái ấy không tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp, chỉ có người con trai phạm giới tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến hạng người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép.

Tuy người con gái không tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp, nhưng đó là một hành vi xấu xa không đúng theo phong tục tập quán, đáng cho mọi người chê trách, cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu. Cho nên, người con gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận, làm cho tâm bị ô nhiễm, có thể cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

12 hạng con gái còn lại, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20, là người đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng).

Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái ấy đã phạm giới tà dâm tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp. Và người đàn ông có quan hệ tình dục với 12 hạng người con gái này cũng phạm giới tà dâm tạo ác nghiệp tà dâm hội đầy đủ 4 chi pháp.

Như vậy, người con trai không được phép quan hệ tình dục với 20 hạng con gái này. Nếu người con trai nào có quan hệ tình dục với 1 trong 20 hạng người con gái này, thì người con trai ấy tạo ác nghiệp tà dâm. Và người đàn ông nào đã có vợ (dù là vợ chưa cưới), người vợ ấy đã là chủ cuộc đời của ông, nếu người đàn ông ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn bà nào khác (không phải là vợ của mình), thì người đàn ông ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

Sự cố gắng hành dâm

Sự cố gắng hành dâm là hành vi của thân môn, không phải lời nói từ khẩu môn. Do đó, người tạo ác nghiệp tà dâm chính tự thân mình, không phải sai khiến người khác. Cho nên ác nghiệp tà dâm chỉ được tạo do chính tự mình mà thôi, không do người khác, còn ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp... được tạo do chính mình và do sai khiến người khác.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tà dâm

Người tạo ác nghiệp tà dâm với người có giới đức, thì phạm tội nặng.

Người tạo ác nghiệp tà dâm với người không có giới đức, thì phạm tội nhẹ.

Người tạo ác nghiệp tà dâm bằng cách hiếp dâm, dù với người không có giới, thì vẫn phạm tội nặng.

Người tạo ác nghiệp tà dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thích với nhau, thì phạm tội nhẹ.

Người tạo ác nghiệp tà dâm với bậc Thánh Nhân, thì phạm tội nặng hơn tạo ác nghiệp tà dâm với hạng phàm nhân.

Người tạo ác nghiệp tà dâm với bậc Thánh Nhân càng cao, thì phạm tội càng nặng.

Người hiếp dâm bậc Thánh nữ Arahán, thì phạm tội nặng nhất.

Như trường hợp tên Nanda hiếp dâm Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh Arahán. Tên Nanda đã phạm tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra, hút gã vào sâu trong lòng đất. Sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài.

Vấn đề liên quan đến tà dâm

Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp nhận làm vợ của người đàn ông ấy rồi; như vậy, phần thể xác của cô đã có chủ, cô có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người chồng của cô mà thôi.

Nếu cô ấy ngoại tình, yêu một người đàn ông khác, và có quan hệ tình dục với người đàn ông ấy, thì cô đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp nhận làm chồng của cô ấy rồi; như vậy, phần thể xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi.

Nếu ông ấy ngoại tình, yêu một người đàn bà nào khác, và có quan hệ tình dục với người đàn bà ấy, thì ông đã tự trộm cắp thể xác đã có chủ đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy tạo ác nghiệp tà dâm.

Quả xấu của ác nghiệp tà dâm

Người nào tạo ác nghiệp tà dâm với vợ, chồng, con người khác; nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; và trường hợp, nếu người nào tạo ác nghiệp tà dâm có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ như sau:

1. Là người có nhiều người oan trái.

2. Là người có nhiều người thù ghét.

3. Là người nghèo khổ, thiếu thốn.

4. Là người ngủ không được an lạc.

5. Là người thức không được an lạc.

6. Là người không tránh khỏi 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

7. Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).

8. Là người có tính hay nóng giận.

9. Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.

10. Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.

11. Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.

12. Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.

13. Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không tin tưởng.

14. Là người khuyết tật: Đui mù, câm điếc,...

15. Sinh làm người đàn bà (tiền kiếp là người đàn ông).

16. Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.

17. Là người không biết đủ, sống khổ cực.

18. Là người sống nơi nào cũng không được an lạc.

19. Là người gặp nhiều tai hại, oan trái với mọi người.

20. Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.

Đó là 20 quả xấu của ác nghiệp tà dâm từ kiếp quá khứ.

Tóm lại, thân ác nghiệp là ác nghiệp phần nhiều được tạo bằng thân môn hành động, còn gọi là thân hành ác, có 3 loại ác nghiệp:

Ác nghiệp sát sinh.

Ác nghiệp trộm cắp.

Ác nghiệp tà dâm.

Ác nghiệp sát sinhác nghiệp trộm cắp không những được tạo phần nhiều bằng thân môn hành động, mà còn có thể được tạo bởi khẩu môn sai khiến, ra kệnh, truyền lệnh người khác sát sinh, trộm cắp theo lời nói của người ấy.

Như vậy, tuy ác nghiệp sát sinhác nghiệp trộm cắp cũng được tạo bằng khẩu, nhưng không thuộc về khẩu ác nghiệp mà thuộc về thân ác nghiệp là vì 2 ác nghiệp này phần nhiều được tạo bằng thân môn hơn là bằng khẩu môn.

Ác nghiệp tà dâm chỉ được tạo bằng thân môn do mình hành động mà thôi; ác nghiệp tà dâm này không phải tạo bằng khẩu môn sai khiến người khác.

Trong 10 ác nghiệp theo 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn thì ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp ác nghiệp tà dâm đều thuộc về thân hành ác.

2. Khẩu ác nghiệp:

Khẩu ác nghiệptác ý ác được biểu hiện ra ở khẩu môn nói ác còn gọi là khẩu hành ác có 4 loại ác nghiệp:

Ác nghiệp nói dối.

Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Ác nghiệp nói lời vô ích.

2.1. Ác nghiệp nói dối

Sự nói dối là lời nói không thật, với tác ý ác để lừa dối người nghe làm cho họ tin là thật.

* Nói dối như thế nào?

Vật nào mình có, nói dối rằng: “Tôi không có vật ấy”.

Vật nào mình không có, nói dối rằng: “Tôi có vật ấy”.

Điều nào mình biết rõ, nói dối rằng: “Tôi không biết rõ điều ấy”.

Điều nào mình không biết rõ, nói dối rằng: “Tôi biết rõ điều ấy”.

Điều mình thấy, nói dối rằng: “Tôi không thấy”.

Điều mình không thấy, nói dối rằng: “Tôi có thấy”.

Điều mình nghe, nói dối rằng: “Tôi không nghe”.

Điều mình không nghe, nói dối rằng: “Tôi có nghe”.

Điều mình biết, nói dối rằng: “Tôi không biết”.

Điều mình không biết, nói dối rằng: “Tôi có biết”.

V.v… người nói trái với sự thật có tác ý ác để lừa dối người nghe làm cho họ tin là sự thật, đó là ác nghiệp nói dối.

Chi pháp của ác nghiệp nói dối

Đế biết ác nghiệp nói dối có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 4 chi pháp của ác nghiệp nói dối như sau:

1. Atthavatthu: Điều không thật, vật không có.

2. Visaṃvādacittatā: Tâm nghĩ lừa dối.

Payoga: Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình.

3. Tadattha vijānanaṃ: Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

Nếu hội đầy đủ 4 chi pháp của ác nghiệp nói dối, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói dối hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói dối không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói dối này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp nói dối hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp nói dối không hội đầy đủ 4 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Cố gắng tạo ác nghiệp nói dối

Người tạo ác nghiệp nói dối bằng lời nói hoặc bằng thân hành động có 4 cách:

1. Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói, bằng thân cử động lắc đầu phủ nhận điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.

2. Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu hoặc bằng thân.

3. Viết chuyện không có thật trong thư, trên báo, nói trong đài phát thanh… lan truyền cho độc giả, thính giả… tin theo.

4. Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh vào băng, đĩa, phim, hình… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả, khán giả… tin theo.

Người nào có tác ý lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối hợp đầy đủ 4 chi pháp. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối của mình, thì người ấy tạo ác nghiệp nói dối không hợp đầy đủ chi pháp.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói dối

Người tạo ác nghiệp nói dối có tội nặng hoặc tội nhẹ được căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói dối ấy.

Nếu người tạo ác nghiệp nói dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo lời nói dối, thì người nói dối ấy có tội nặng, có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Nếu người tạo ác nghiệp nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói dối ấy, thì người nói dối ấy có tội nhẹ, không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Quả xấu của ác nghiệp nói dối

Người nào tạo ác nghiệp nói dối, nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; và trường hợp, nếu người nào tạo nên ác nghiệp nói dối có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ kiếp quá khứ như sau:

1. Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.

2. Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.

3. Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.

4. Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.

5. Là người có thân hình quá ốm, tong teo.

6. Là người có thân hình quá thấp, lùn tịt.

7. Là người có thân hình quá cao, lêu nghêu.

8. Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.

9. Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.

10. Là người nói không ai tin theo.

11. Là người nói không ai muốn nghe.

12. Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.

13. Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.

14. Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.

Đó là 14 quả xấu của ác nghiệp nói dối từ trong kiếp quá khứ.

Nếu người nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo lời nói dối ấy; thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho người tin theo lời nói dối ấy, thì lời nói dối ấy không có tội, mà còn có phước nữa.

2.2. Ác nghiệp nói lời chia rẽ

Sự nói lời chia rẽ là lời nói làm cho người này và người kia hiểu lầm nhau, rồi ghét bỏ lẫn nhau, để mong được hai người ấy cùng thương yêu và tin tưởng nơi người nói lời chia rẽ ấy.

Ví dụ: Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, cô C phát sinh tâm ganh tỵ đặt điều nói xấu để cho cậu A và cô B hiểu lầm nhau, rồi ghét bỏ lẫn nhau, bằng cách như sau:

Lén tìm đến cậu A, cô C đặt điều nói xấu rằng:

- Này anh A, em báo cho anh biết, cô B không thật tâm với anh đâu! Em thấy cô ấy lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn!

Ban đầu cậu A không tin, nhưng cô C nói nhiều lần, khiến cho cậu A sinh tâm nghi ngờ cô B. Từ nghi ngờ, nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt.

Lúc khác, cô C lén đến gặp cô B khuyên rằng:

- Này em B, chị báo cho em biết, anh A không thật tâm với em đâu! Chị thấy anh ấy lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy nên thận trọng, để tránh sự hối hận về sau.

Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần, khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ cậu A. Từ nghi ngờ, nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ thờ ơ đối với cô. Cho nên, cô B tin lời cô C nói là thật và nghĩ rằng: “Chị C thật tâm thương mình, nên mới nhắc nhở mình như vậy!”.

Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét, để ý thấy cô B gần đây có thái độ rất đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng: “Điều mà cô C nói có lẽ là sự thật!”.

Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi nào đó, cậu A bèn lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng: “Cô C thật tốt với mình, cô ấy không muốn mình thất vọng”.

* Chuyện gì sẽ xảy ra?

Cậu A đến tìm gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng:

- Cô là người lừa dối, không thật tâm với tôi!

Khi nghe vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:

- Anh cũng không tốt gì đâu!

Vì nghe theo lời chia rẽ của cô C, nên làm cho cậu A và cô B đã gây ra sự hiểu lầm lẫn nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.

Như vậy, gọi là tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ.

Chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ

Để biết được ác nghiệp nói lời chia rẽ có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 5 chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ như sau:

1. Bhinditabbo: Những người bị chia rẽ.

2. Bhedapurakkhāro: Tác ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.

3. Payogo: Cố gắng bằng khẩu và bằng thân để hai người ấy chia rẽ.

4. Tadatthajānanaṃ: Những người nghe hiểu rõ ý nghĩa lời nói chia rẽ ấy.

5. Hai người ghét bỏ lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh nhau.

Nếu hội đầy đủ 5 chi pháp của ác nghiệp nói lời chia rẽ, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời chia rẽ này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ không hội đầy đủ 5 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời chia rẽ

Tội nặng hoặc tội nhẹ của ác nghiệp nói lời chia rẽ tùy thuộc vào đối tượng người có giới đức hoặc không có giới đức.

Nếu người có tác ý ác nói lời chia rẽ giữa hai người có giới đức, thì có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Nếu người có tác ý ác nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới đức, thì có tội nhẹ.

Quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ

Người tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ có tội nặng, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp, nếu người đã phạm điều giới nói lời chia rẽ, tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy vẫn còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ từ kiếp quá khứ như sau:

1. Tâm thường bất hòa với bạn bè, vợ chồng, anh em, bà con...

2. Thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật.

3. Không có bạn bè thân thiết.

4. Bạn bè không bền vững, không lâu sẽ bỏ nhau.

5. Có nhiều người không ưa thích, không thân thiết.

6. Tâm thường bị ô nhiễm bởi phiền não, sống đau khổ.

Đó là 6 quả xấu của ác nghiệp nói lời chia rẽ từ trong kiếp quá khứ.

2.3. Ác nghiệp nói lời thô tục

Sự nói lời thô tục là nói lời chửi rủa, mắng nhiếc với tác ý ác đồng sinh với tâm sân để làm khổ người mà mình không ưa thích, oán ghét.

Trường hợp tác ý ác đồng sinh với tâm sân dù nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) chua chát, hoặc dù nói lời ngọt ngào, nghe êm tai với mục đích muốn tiêu diệt đối tượng vẫn là ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Ví dụ: Một người có tâm sân muốn giết người khác, nhưng nói bằng lời lẽ ngọt ngào rằng:

- “Tôi sẽ giúp anh được yên giấc nghìn thu, hoặc tôi sẽ đưa anh về nơi chín suối, hoặc tôi sẽ gửi anh lên chầu trời…”.

Như vậy, cũng gọi là ác nghiệp nói lời thô tục, bởi vì tác ý ác muốn làm khổ người, muốn hại người.

Chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục

Để biết được ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 3 chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) như sau:

1. Kopo: Tâm sân tức giận.

2. Upakuṭṭho: Có người bị chửi rủa, mắng nhiếc.

3. Akkosanā: Nói lời chửi rủa, mắng nhiếc.

Nếu hội đầy đủ 3 chi pháp của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ 3 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Thực ra ác nghiệp hoặc thiện nghiệp căn cứ vào tác ý tâm sở là chính.

* Trong Chú giải Aṭṭhasālinī giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

Cha mẹ rầy la, chửi mắng con; hoặc thầy rầy la, chửi mắng học trò… là cốt để dạy dỗ, khuyên răn, hăm dọa… muốn cho con cái, học trò… trở nên người tốt, người thiện. Những lời rầy la, chửi mắng ấy hoàn toàn không có tác ý ác làm hại con cái, làm hại học trò…”.

Như vậy, khi cha mẹ, thầy rầy la, chửi mắng đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) không hội đầy đủ các chi pháp. Cho nên ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) này không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh mà thôi, nếu khi có cơ hội.

* Trong Phụ chú giải (Ṭikā) của Trường Bộ Kinh và Chi Bộ Kinh giảng giải về lời nói thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) rằng:

Người nào nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) với tâm sân, tác ý ác dù không có người oán thù nghe, hoặc người thù ghét đã chết, người ấy vẫn tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) hợp đủ 3 chi pháp”.

Ác nghiệp nói lời thô tục bằng 2 môn

Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bằng khẩu môn.

Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bằng thân môn.

Nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) phần nhiều bằng khẩu môn, nhưng cũng có thể bằng thân như hành vi cử chỉ thô tục; hoặc viết thư, viết sách đồi trụy… bằng những lời lẽ thô tục.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời thô tục

Người nào tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến cha mẹ, thầy tổ, những bậc Trưởng Lão, chư Đại đức, chư Tỳ khưu, Sadi có giới đức trong sạch; chửi rủa mắng nhiếc xúc phạm đến Đức Phật Độc Giác, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì người ấy có tội nặng. Sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục.

Người nào tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến người không có giới đức trong sạch, thì người ấy có tội nhẹ.

Quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục

Người tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) có tội nặng, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi địa ngục, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp nếu người nào đã phạm điều giới nói lời thô tục, ác nghiệp nói lời thô tục có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) từ kiếp quá khứ như sau:

Thường nghe những lời không hài lòng như lời chửi rủa, mắng nhiếc, v.v...

1. Có nhiều người ghét.

2. Thường bị chê trách, bị vu oan giá họa.

3. Ít được nghe những lời ngon ngọt mật thiết.

4. Đời sống nghèo nàn khổ cực.

5. Bị tàn tật câm điếc, đui mù.

Đó là 6 quả xấu của ác nghiệp nói lời thô tục từ trong kiếp quá khứ.

Tích Ngài Đại đức Jambuka

* Người tạo ác nghiệp nói lời thô tục

Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài đề cập đến tiền kiếp của Ngài Đại đức Jambuka đã nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) bậc Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa được tóm lược như sau:

Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, một người thí chủ giàu, có đức tin nơi Tam Bảo, tạo dựng một ngôi chùa xong, rồi thỉnh vị Đại đức làm trụ trì tại ngôi chùa ấy và xin hộ độ 4 thứ vật dụng: Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh,...

Hằng ngày, vị Đại đức trụ trì đến độ ngọ tại nhà thí chủ. Một hôm, một vị Đại đức Tăng khách là bậc Thánh Arahán du hành khất thực đến đứng trước cổng nhà người thí chủ ấy, Ngài biết thu thúc lục căn thanh tịnh thật đáng tôn kính. Nhìn thấy Ngài Đại đức Tăng khách, người thí chủ liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài; người thí chủ ra tận cổng, kính thỉnh Ngài vào trong nhà, thỉnh Ngài ngồi chỗ cao quý, rồi kính dâng vật thực đến Ngài Đại đức Tăng khách một cách cung kính; thấy tấm y của Ngài đã cũ, người thí chủ xin phép dâng đến Ngài tấm y mới; thấy tóc Ngài hơi dài, người thí chủ xin phép gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; người thí chủ kính thỉnh Ngài đến nghỉ tại chùa, và xin phép mang một chiếc giường đến dâng Ngài,…

Vị Đại đức trụ trì đang ngồi trong nhà thí chủ, theo dõi nhìn thấy người thí chủ hết lòng thành kính đối với vị Đại đức Tăng khách như vậy, nên phát sinh tâm ganh tỵ, rồi nghĩ rằng: “Mới gặp vị Đại đức Tăng khách này, mà người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc đến như thế; còn ta đến đây độ ngọ mỗi ngày, mà ta đâu có được người thí chủ này đối xử như vậy”.

Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách đến nghỉ tại ngôi chùa, cung kính tiễn đưa Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì trở về chùa, người thí chủ kính dâng một tấm y mới đến Ngài Đại đức Tăng khách; gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho Ngài; kính dâng đến Ngài một chiếc giường, kính thỉnh Ngài sử dụng chiếc giường ấy để cho thí chủ có được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Người thí chủ kính thỉnh Ngài Đại đức Tăng khách và Ngài Đại đức trụ trì sáng ngày hôm sau đến nhà ông độ ngọ. Người thí chủ cung kính đảnh lễ hai vị Đại đức, rồi xin phép trở về nhà.

Theo dõi thấy người thí chủ hết lòng tôn kính và ân cần săn sóc chu đáo vị Đại đức Tăng khách, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ không sao chịu nổi được, nên vội vàng đến chỗ ở của Ngài, buông lời chửi mắng Ngài Đại đức Tăng khách, bậc Thánh Arahán 4 điều là:

- Này ông Tăng khách!

Ông nên ăn phẩn hơn là độ vật thực của nhà thí chủ.

Ông nên ở truồng hơn là mặc tấm y của nhà thí chủ.

Ông nên nằm trên mặt đất hơn là nằm trên giường của nhà thí chủ.

Ông nên tự nhổ tóc hơn là để cho người thí chủ gọi người thợ hớt tóc đến cạo tóc cho ông.

Nghe lời chửi mắng như vậy, Ngài Đại đức Tăng khách nghĩ rằng: “Xin cho vị Đại đức trụ trì này đừng có bị tai hại vì ta”.

Ngài Đại đức Tăng khách nghỉ lại một đêm tại ngôi chùa ấy, khi thức dậy, không quan tâm đến lời thỉnh mời hôm trước của người thí chủ, từ sáng sớm Ngài đã lặng lẽ đi ra khỏi chùa du hành đến nơi khác.

Sáng hôm ấy, sau khi làm mọi công việc trong chùa xong, đến giờ đi khất thực, vị Đại đức trụ trì dùng ngón tay búng nhẹ vào cái chuông báo hiệu giờ đi khất thực, rồi một mình đi đến nhà người thí chủ.

Người thí chủ đảnh lễ Ngài Đại đức trụ trì xong, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, Ngài đến đây một mình, còn Ngài Đại đức Tăng khách sao chưa thấy đến. Bạch Ngài.

Vị Đại đức trụ trì bảo rằng:

- Này ông thí chủ, xin ông đừng nhắc đến vị ấy nữa. Hôm qua, sau khi ông trở về, vị Tăng khách ấy vào phòng ngủ. Sáng nay bần sư thức dậy sớm làm mọi công việc quét dọn sạch sẽ bên trong, bên ngoài chùa, lấy nước uống, nước dùng… xong, đến giờ đi khất thực bần sư đã đánh chuông báo hiệu, mà vẫn chưa thấy vị ấy thức dậy, nên chỉ một mình bần sư đến đây.

Người thí chủ nghĩ rằng: “Ngài Đại đức Tăng khách là bậc biết thu thúc lục căn thanh tịnh, đáng tôn kính như vậy, thì chắc chắn không phải là bậc ham mê ngủ như vị Đại đức trụ trì đã nói. Có lẽ vị Đại đức trụ trì thấy ta hết lòng tôn kính, ân cần chăm sóc chu đáo đặc bịêt vị Đại đức Tăng khách, cho nên vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm ganh tỵ mà bịa chuyện nói xấu vị Đại đức Tăng khách ấy”.

Người thí chủ kính dâng vật thực đến vị Đại đức trụ trì độ xong, đem bát rửa sạch sẽ, rồi để vật thực ngon lành vào đầy bát, mang đến kính dâng vị Đại đức trụ trì và bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, kính xin Ngài hoan hỷ mang bát vật thực này về chùa dâng lại cho vị Đại đức Tăng khách. Bạch Ngài.

Vị Đại đức trụ trì nhận lấy bát đầy vật thực, trên đường về chùa Ngài nghĩ rằng: “Nếu vị ấy có được vật thực ngon như thế này, thì sẽ ở mãi ngôi chùa của ta, không dễ gì chịu đi nơi khác đâu!”. Nghĩ xong, vị Đại đức trụ trì đem cái bát đầy vật thực ấy đổ bỏ, rồi mang cái bát không trở về chùa.

Khi đến chùa, vị Đại đức trụ trì đi vào chỗ ở của Ngài Đại đức Tăng khách, nhưng không còn thấy Ngài nữa.

Từ đó về sau, vị Đại đức trụ trì phát sinh tâm hối hận, nóng nảy khổ tâm, cho nên thực hành pháp hành thiền định hoặc thực hành pháp hành thiền tuệ không thể phát triển được; bởi vì vị Đại đức trụ trì phạm điều giới nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đến Ngài Đại đức Tăng khách là một vị Thánh Arahán. Vị Đại đức trụ trì đã tạo khẩu ác nghiệp, lương tâm bị dày vò, duy trì sinh mạng đến 20.000 năm hết tuổi thọ. Sau khi chết, do khẩu ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu biết bao nhiêu nỗi khổ do quả của ác nghiệp mà mình đã tạo, suốt thời gian lâu dài, từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Quả của khẩu ác nghiệp chửi rủa mắng nhiếc bậc Thánh Arahán còn dư sót

Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Đại đức trụ trì ấy, do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai vào một gia đình khá giả ở trong kinh thành Rājagaha. Đứa trẻ sinh ra đời được đặt tên là Jambuka, khi bé Jambuka lớn lên biết đi, nó có những tính cá biệt như:

- Nó chỉ thích ăn phân của nó mà thôi, không chịu ăn món vật thực nào khác. Cha mẹ nó tưởng rằng: “Trẻ con còn nhỏ dại không biết nên ăn bậy”.

- Nó chỉ thích nằm dưới đất mà thôi, không chịu nằm trên giường.

- Nó chỉ thích ở truồng mà thôi, không chịu mặc quần áo gì cả (mặc dù trời lạnh hay trời nóng).

Tuy đã lớn, nhưng cậu Jambuka vẫn thích ăn phân, không chịu ăn các món ăn khác; vẫn thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; vẫn thích nằm trên mặt đất, không chịu nằm trên giường.

Cha mẹ của cậu bàn tính với nhau rằng:

- Tuy Jambuka đã lớn rồi, nhưng không biết hổ thẹn, không biết mắc cở; nó thích ở truồng, không chịu mặc quần áo; chúng ta nên cho Jambuka xuất gia theo phái ngoại đạo lõa thể, thì sẽ thích hợp với nó hơn là sống tại gia với chúng ta.

Cha mẹ dẫn Jambuka đến nhóm ngoại đạo tu sĩ lõa thể, xin cho Jambuka được xuất gia theo nhóm tu sĩ này. Nhóm tu sĩ lõa thể chấp thuận cho Jambuka xuất gia theo họ, nhưng bắt buộc Jambuka phải nhổ tóc cho sạch, không được cạo tóc.

- Jambuka tự nhổ sạch tóc mới được xuất gia trở thành tu sĩ lõa thể. Cha mẹ của tu sĩ Jambuka mời tất cả tu sĩ lõa thể đến nhà ông để dùng cơm vào ngày hôm sau.

Sáng hôm ấy, tất cả nhóm tu sĩ đều đến nhà cha mẹ của Jambuka, nhưng tu sĩ Jambuka xin phép ở lại tu viện một mình. Thấy tất cả nhóm tu sĩ vừa đi ra khỏi chùa, tu sĩ Jambuka đến hầm cầu dùng 2 bàn tay hốt phân ăn no đủ. Khi nhóm tu sĩ trở về, có mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng Jambuka không thọ nhận, bèn thưa rằng:

- Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

Và những ngày kế tiếp… Jambuka vẫn xin phép ở lại tu viện một mình ăn phân no đủ. Nhóm tu sĩ mang một phần ăn về cho Jambuka, nhưng lần nào Jambuka cũng không nhận phần ăn ấy, mà thưa rằng:

- Con đã dùng vật thực no đủ rồi.

Nhóm tu sĩ sinh tâm hoài nghi rằng: “Tại sao Jambuka không dùng vật thực mà mình đem về? Vật thực mà Jambuka dùng mấy hôm vừa qua có từ đâu? Chúng ta nên cho người dò xét xem để biết sự thật”.

Cũng như mọi ngày, tất cả nhóm tu sĩ lõa thể ra khỏi tu viện đi khất thực, nhưng đặc biệt hôm ấy còn hai vị tu sĩ lõa thể ở lại ẩn vào một chỗ kín đáo làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka có được vật thực từ đâu?

Thấy tất cả tu sĩ đã ra khỏi tu viện, tu sĩ Jambuka đi đến hầm cầu dùng 2 tay hốt phân ăn no đủ rồi đi ra, không hề hay biết có người đang theo dõi mình.

Khi nhóm tu sĩ đi khất thực trở về, hai vị tu sĩ làm phận sự theo dõi tu sĩ Jambuka trình bày sự thật, mà họ đã tận mắt thấy cho mọi người cùng nghe.

Nghe xong, nhóm tu sĩ lõa thể bàn tính với nhau rằng:

- “Nếu chúng ta để Jambuka ở lại nơi đây, không sớm thì muộn đệ tử của Samôn Gotama hay biết, chắc chắn chúng ta sẽ mất uy tín, tiếng xấu sẽ lan tỏa đi khắp mọi nơi. Vậy chúng ta nên đuổi Jambuka ra khỏi tu viện”.

Tu sĩ Jambuka bị đuổi ra khỏi tu viện, đi đến trú ở một nơi gần tảng đá, chỗ để cho mọi người đi đại tiện. Buổi tối, tu sĩ lõa thể Jambuka lén đến nơi đó lấy phân ăn, còn ban ngày y đứng một chân, một chân kia chống vào đầu gối; và một tay vịn vào tảng đá há miệng ngửa mặt nhìn trời.

Một số đông người qua lại gặp tu sĩ lõa thể Jambuka hành hạnh lạ thường, đảnh lễ xong, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng há miệng như vậy?

Tu sĩ Jambuka đáp rằng:

- Này quý vị, ta là người dùng vật thực bằng gió, chỉ có gió là vật thực của ta mà thôi, ngoài vật thực gió ra ta không dùng một thứ vật thực nào khác.

Kính bạch Ngài, tại sao Ngài đứng một chân, còn một chân kia chống vào đầu gối như vậy?

- Thưa quý vị, ta là người hành hạnh cao thượng, hạnh này có nhiều thần lực. Nếu ta đứng cả 2 chân trên mặt đất, thì sẽ làm cho mặt đất này rung chuyển. Vì vậy, ta chỉ đứng một chân mà thôi, còn chân kia chống vào đầu gối, suốt ngày đêm không ngồi, không nằm.

Một số đông người kém trí tuệ, mê tín tin theo lời của tu sĩ Jambuka, họ tán dương ca tụng, cho đó là hạnh phi thường chưa từng thấy bao giờ!

Một số đông dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem nhiều phẩm vật đến cúng dường, nhưng tu sĩ Jambuka không nhận một thứ nào cả.

Tu sĩ Jambuka ở truồng, ăn phân, nằm trên mặt đất, nhổ tóc trải qua suốt 55 năm ròng rã.

Đức Phật ngự đến tế độ tu sĩ Jambuka

Vào canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn quán xét với tâm đại bi xem chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ. Ngài thấy tu sĩ Jambuka hiện rõ trong màng lưới trí tuệ của Ngài. Đức Phật quán xét thấy tu sĩ Jambuka có duyên lành chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, và đồng thời có 84.000 chúng sinh cũng được chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn cùng với tu sĩ lõa thể Jambuka.

Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng ngự vào kinh thành Rājagaha để khất thực, khi trở về Đức Phật gọi Ngài Đại đức Ānanda dạy rằng:

- Này Ānanda, Như Lai sẽ ngự đi một mình đến tế độ tu sĩ Jambuka.

Chư thiên biết Đức Phật sẽ ngự đến chỗ ở dơ bẩn của tu sĩ Jambuka, cho nên, chư thiên làm một trận mưa lớn để rửa sạch nơi ấy, làm cho các loại cây đều trổ hoa tạo nên một phong cảnh sạch mát, xinh đẹp.

Buổi chiều hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự đến gặp tu sĩ Jambuka xin nghỉ trọ một đêm. Tu sĩ Jambuka một mực khước từ, y nói rằng:

- Thưa Samôn, nơi đây không có chỗ cho Samôn nghỉ trọ một đêm đâu, xin Samôn hãy đi đến nơi khác.

Đức Thế Tôn bèn hỏi Jambuka rằng:

- Này Jambuka, ngươi có phải là tu sĩ lõa thể không?

Tu sĩ Jambuka khẳng định trả lời rằng:

- Này Samôn, ta là tu sĩ đạo lõa thể.

Này Jambuka, những đồ vật dụng của tu sĩ đạo lõa thể của ngươi để đâu mà ta không thấy?

Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, tu sĩ Jambuka nổi giận, nói như xua đuổi rằng:

- Này Samôn, nơi đây không có chỗ để Samôn nghỉ trọ đâu.

- Này Jambuka, xin đừng nổi giận, xin ngươi chỉ cho Như Lai một chỗ ở.

- Này Samôn, tùy Samôn tự tìm lấy chỗ ở.

Đức Thế Tôn ngự đến một nơi không xa chỗ ở của tu sĩ Jambuka, Ngài trải tọa cụ ngồi nhập thiền.

Canh đầu đêm, Đức Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang của các Ngài hiện rõ tỏa ra khắp một vùng trời. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh sáng hào quang gì vậy, 4 vị ấy là ai mà đến hầu đảnh lễ Samôn ấy? Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

Canh giữa đêm, Đức vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh hào quang hiện rõ tỏa ra khắp vùng rộng lớn hơn canh đầu đêm.Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang này lớn hơn lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có oai lực hơn 4 vị trước. Vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

Vào canh chót đêm, một vị Đại Phạm Thiên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ánh sáng hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước làm sáng tỏa cả khu rừng rộng lớn. Tu sĩ Jambuka nhìn thấy cảnh lạ thường chưa từng thấy, nên nghĩ rằng: “Ánh hào quang lần này gấp bội hơn hai lần trước, vị đến hầu đảnh lễ Samôn cũng có nhiều oai lực hơn các vị trước. Chắc chắn vị Samôn ấy phải là Bậc cao thượng”.

Sáng hôm sau, tu sĩ Jambuka đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng:

- Kính thưa Đại Samôn, canh đầu đêm hôm qua, 4 vị nào từ 4 hướng đến hầu đảnh lễ Ngài, 4 vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng như vậy? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Jambuka, 4 vị ấy là Tứ Đại Thiên Vương từ 4 hướng của cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

- Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Tứ Đại Thiên Vương.

- Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Tứ Đại Thiên Vương, cho nên, Tứ Đại Thiên Vương đến hầu hạ Như Lai.

- Kính thưa Đại Samôn, canh giữa đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa ra một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

- Này Jambuka, vị ấy là Đức vua Sakka trị vì cõi trời Tam Thập Tam Thiên.

- Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn Đức vua trời Sakka.

- Này Jambuka, Như Lai là Bậc cao thượng hơn Đức vua trời Sakka, cho nên, Đức vua trời Sakka như người nuôi bệnh của Như Lai, hay như một Sadi nhỏ hầu hạ Như Lai.

- Kính thưa Đại Samôn, canh chót đêm hôm qua, vị nào đến hầu đảnh lễ Ngài, vị ấy có ánh hào quang hiện rõ tỏa khắp một vùng rộng lớn như vậy? Bạch Ngài.

- Này Jambuka, vị ấy là vị Đại Phạm Thiên.

- Kính thưa Đại Samôn, như vậy Ngài cao thượng hơn cả Đại Phạm Thiên.

- Này Jambuka, Như Lai là bậc cao thượng hơn cả vị Đại Phạm Thiên.

- Kính thưa Đại Samôn, Ngài là Bậc cao thượng nhất, tôi hành hạnh cao thượng, chỉ đứng một chân, còn chân bên kia chống vào đầu gối; không ngồi, không nằm, ngửa mặt lên trời dùng gió làm vật thực trải qua 55 năm rồi, mà không có một chư thiên nào đến hầu hạ tôi cả.

Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy tu sĩ Jambuka rằng:

- “Này Jambuka, ngươi lừa dối được những người mê tín; ngươi không thể lừa dối được Như Lai đâu!

- Có phải trải qua suốt 55 năm, hằng ngày ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc. Thế mà ngươi đã lừa dối những người mê tín rằng: “Ngươi ăn vật thực bằng gió, đứng một chân, không ngồi, không nằm”.

- Như vậy, ngươi còn muốn lừa dối cả Như Lai nữa hay sao!

- Trong tiền kiếp, ngươi đã tạo khẩu ác nghiệp, kiếp hiện tại này ngươi phải chịu quả khổ của khẩu ác nghiệp còn dư sót, cho nên, ngươi phải ăn phân, nằm trên mặt đất, ở trần truồng, tự nhổ sạch tóc.

- Bây giờ ngươi còn chấp thủ do tà kiến thấp hèn như vậy nữa hay sao?”

Tu sĩ Jambuka kính thỉnh Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đại Samôn, khẩu ác nghiệp nào mà con đã tạo trong tiền kiếp quá khứ? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn thuyết giảng cho biết về tiền kiếp của tu sĩ Jambuka. Tu sĩ đã từng là vị Tỳ khưu trụ trì đã tạo nghiệp khẩu nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) đối với một vị Thánh Arahán trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Lắng nghe về khẩu ác nghiệp của mình như vậy, tu sĩ Jambuka phát sinh động tâm và vô cùng hổ thẹn với tội lỗi của mình, liền ngồi chồm hổm xuống. Đức Thế Tôn trao cho một tấm vải choàng tắm đến tu sĩ Jambuka, tu sĩ cung kính nhận tấm vải rồi mặc vào, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Jambuka. Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp xong, tu sĩ Jambuka liền chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích. Đặc biệt đồng thời ngay khi ấy, khẩu ác nghiệp đã tạo đối với vị Thánh Arahán từ thời kỳ Đức Phật Kassapa cũng đã mãn quả ác nghiệp ấy, hết hiệu lực cho quả xấu. Tu sĩ Jambuka kính xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia Sadi, Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài.

Đức Thế Tôn quán xét thấy tu sĩ Jambuka có đủ phước thiện đã tạo trong những tiền kiếp, nhất là kiếp Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật Kassapa suốt 20.000 năm, quả báu của thiện nghiệp được tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Do đó, 8 thứ vật dụng của Samôn có thể phát sinh như thần thông nhờ phước thiện ấy cho quả, nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Ehi bhikkhu, cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”.

(Này Jambuka, hãy đến đây, con được trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện!

Con nên thực hành phạm hạnh cao thượng dẫn đến tận cùng của khổ sinh).

Khi Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy vừa dứt, tướng mạo của tu sĩ Jambuka liền biến mất. Và ngay khi ấy, Jambuka trở thành Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, và có tăng tướng như một vị Đại đức có 60 hạ.

Như mọi hôm, dân chúng xứ Aṅga và xứ Magadha đem những lễ vật đến cúng dường tu sĩ Jambuka. Hôm ấy họ gặp Đức Phật tại nơi ấy, cho nên họ suy nghĩ rằng: “Không biết Samôn Gotama cao thượng hơn tu sĩ Jambuka vị thầy của họ, hay vị thầy của họ cao thượng hơn Samôn Gotama?”.

Để phá tan sự hoài nghi của dân xứ Aṅga và xứ Magadha tại nơi ấy, Ngài Đại đức Jambuka xin Đức Thế Tôn cho phép Ngài nhập đệ tứ thiền, biến hóa thần thông bay lên hư không cao khoảng một cây thốt nốt, rồi bạch rằng:

- Satthā me Bhante Bhagavā. Sāvako’ hamasmi”.

(Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài là vị Tôn sư của con, và con là Thanh Văn đệ tử của Ngài).

Khi bạch xong, Đại đức Jambuka đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn.

Một lần nữa, Đại đức Jambuka bay lên cao khoảng 2 cây thốt nốt, 3 cây thốt nốt,…, 7 cây thốt nốt,… rồi bạch như lần trước xong đáp xuống đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức Thế Tôn.

Tại nơi ấy, mọi người đã thấy và nghe rõ lời của Đại đức Jambuka, cho nên không còn hoài nghi nữa, họ đồng tán dương ca tụng Ân đức Phật thật phi thường!

Khi ấy, Đức Phật thuyết một bài kệ, vừa chấm dứt bài kệ, có 84.000 chúng sinh đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo ba-la-mật của mỗi vị.

2.4 Ác nghiệp nói lời vô ích

Sự nói lời vô ích là nói lời không đem lại sự lợi ích với tác ý ác làm cho người nghe, người đọc say mê theo lời nói của mình, rồi họ phát sinh tâm tà kiến thấy sai chấp lầm, làm mất sự lợi ích, sự an lạc đến với họ. Như vậy, gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích (samphappalāpa).

Trường hợp người nói, người viết những chuyện không có thật, để làm ví dụ trong việc giảng dạy, giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

Trường hợp người nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc, thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.

Trường hợp người nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thời gian mà không đem lại sự lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa) không gọi là lời nói dối (musāvāda), bởi vì người nói hoặc người viết không có tác ý ác nói dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại).

Nếu người nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật để làm cho người nghe, người đọc say mê tin theo, làm mất sự lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ, thì người nói hoặc người viết tạo ác nghiệp nói lời vô íchác nghiệp nói dối nữa.

Chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích

Để biết được ác nghiệp nói lời vô ích có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích như sau:

1. Niratthakathāpurakkhāro: Tác ý nói lời vô ích.

2. Kathanaṃ: Nói lời vô ích.

Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp nói lời vô ích, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp nói lời vô ích này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp nói lời vô ích hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp nói lời vô ích không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp nói lời vô ích

Nếu người nào hằng ngày nói lời vô ích trở thành thói quen như các diễn viên hài; người viết chuyện vui cười, nhảm nhí, hoang đường, không có thật làm cho người nghe, người đọc say mê, làm mất lợi ích…, thì người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh).

Nếu người nào thỉnh thoảng, hoặc đôi khi vui đùa nói lời vô ích, thì người ấy tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời vô ích ấy không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà nếu có cơ hội ác nghiệp này sẽ cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích

Đối với người tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nặng, sau khi chết, do ác nghiệp nói lời vô ích cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, nếu trường hợp thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh làm người; và trường hợp nếu người nào đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì cả 2 trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả của ác nghiệp nói lời vô ích (chửi rủa, mắng nhiếc) từ kiếp quá khứ như sau:

1. Có nhiều người không tin theo lời nói của mình.

2. Có nhiều người không ưa thích.

3. Không được nhiều người kính trọng.

4. Không thể nói cho người khác tin theo.

5. Là người nghèo khổ.

6. Là người không có quyền lực.

7. Là người thiểu trí (ngu dốt).

Đó là 7 quả xấu của ác nghiệp nói lời vô ích từ trong kiếp quá khứ.

Tóm lại, khẩu ác nghiệp ác nghiệp phần nhiều được tạo bằng khẩu môn nói ác còn gọi là khẩu hành ác, có 4 loại ác nghiệp:

Ác nghiệp nói dối.

Ác nghiệp nói lời chia rẽ.

Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

Ác nghiệp nói lời vô ích.

4 ác nghiệp này không những được tạo bằng khẩu môn nói ác, mà còn có thể tạo bằng thân môn với hành vi cử chỉ ác. Nhưng 4 ác nghiệp này không thuộc về thân ác nghiệp, mà thuộc về khẩu ác nghiệp, là vì 4 ác nghiệp này phần nhiều được tạo bằng khẩu môn hơn là thân môn.

Trong 10 ác nghiệp theo 3 môn: Thân môn, khẩu môn, ý môn, thì ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ác nghiệp nói lời vô ích, cả 4 loại ác nghiệp này thuộc về khẩu ác nghiệp.

3. Ý ác nghiệp:

Ý ác nghiệptác ý ác phát sinh bên trong tâm chưa biểu hiện ra bên ngoài thân môn hoặc khẩu môn còn gọi là ý hành ác, có 3 loại ác nghiệp:

3.1 Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

3.2 Ác nghiệp thù hận người khác.

3.3 Ác nghiệp tà kiến, thấy sai chấp lầm.

3.1 Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác

Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như thế nào?

Phàm phần đông hạng phàm nhân, khi tiếp xúc với những đối tượng tốt đáng vừa lòng như sắc đẹp, âm thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm, pháp vừa lòng, thì thường phát sinh tâm tham muốn các đối tượng ấy thuộc về của mình.

Tâm tham muốn phát sinh đối với 2 hạng người:

Hạng người có tâm tham muốn một cách hợp pháp, thì không gọi là ý ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

Hạng người có tâm tham muốn một cách bất hợp pháp, thì mới gọi là ý ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác.

* Hạng người có tâm tham muốn một cách hợp pháp như thế nào?

Người nào phát sinh tâm tham muốn món đồ quý giá nào của người khác, người ấy muốn được món đồ quý giá ấy thuộc về của mình bằng cách mua lại, hoặc trao đổi, hoặc xin người chủ nhường lại… bằng mọi cách làm cho người chủ của món đồ quý giá ấy ưng thuận trao món đồ quý giá ấy cho mình.

Như vậy, người ấy có tâm tham muốn món đồ quý giá của người khác một cách hợp pháp, thì không gọi là ý ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

* Hạng người có tâm tham muốn một cách bất hợp pháp như thế nào?

Người nào phát sinh tâm tham muốn món đồ quý giá nào của người khác, người ấy nghĩ tìm cách chiếm đoạt món đồ quý giá ấy đem về làm của riêng mình bằng cách trộm cắp, hoặc lừa đảo, hoặc dùng thế lực bắt buộc người chủ trao món đồ quý giá ấy cho mình.

Như vậy, người ấy có tâm tham muốn món đồ quý giá của người khác một cách bất hợp pháp, người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác.

Chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác

Để biết được ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác như sau:

1. Parabhaṇḍaṃ: Của cải, tài sản của người khác.

2. Attanopariṇāmanaṃ: Tâm nghĩ tham lam muốn của cải, tài sản ấy thuộc về của riêng mình một cách bất hợp pháp.

Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Chi pháp parabhaṇḍaṃ: Của cải, tài sản của người khác, có nghĩa rộng gồm có những thứ của cải, tài sản là những thứ vật dụng, thuộc về vật chất và tinh thần; các loài gia súc, gia cầm, con người v.v… thuộc về của cải, tài sản có chủ. Ngoài ra, nếu những thứ của cải, tài sản không thuộc về người chủ, chưa có chủ, thì không phải là chi pháp này.

Ví dụ: Trong 20 hạng con gái, có 8 hạng con gáicon gái có mẹ trông nom, con gái có cha trông nom, con gái có cha mẹ trông nom, con gái có chị hoặc em gái trông nom, con gái có anh hoặc em trai trông nom, con gái có bà con trông nom, con gái có dòng họ trông nom, con gái hành phạm hạnh có thầy bạn trông nom. 8 hạng con gái này, tuy có người thân trông nom, bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ. Cho nên, nếu người con trai nào phát sinh tâm tham muốn lấy một trong những cô gái ấy làm vợ của mình, thì người con trai ấy không tạo ác nghiệp tham lam người con gái của người khác.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tham lam của cải của người khác

Nếu người nào phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm loài ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực...

Nếu người nào phát sinh tâm tham muốn chiếm đoạt của cải, tài sản của người không có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp nào khác cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau làm người; thì người ấy sẽ là người nghèo khổ, thiếu thốn...

3.2 Ác nghiệp thù hận người khác

* Ác nghiệp thù hận người khác như thế nào?

Giận dỗi, ghét bỏ người nào, không tiếp xúc thân mật, không gần gũi giúp đỡ… đó là tâm sân bình thường, không phải là ác nghiệp thù hận người khác.

Người nào phát sinh tâm sân nghĩ tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của người khác đó là tâm sân tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác.

Chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác

Để biết được ác nghiệp thù hận người khác có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác như sau:

1. Parasatto: Người khác.

2. Vināsacintā: Tâm sân nghĩ tìm cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của người khác.

Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp thù hận người khác, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp thù hận người khác hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp thù hận người khác không hội đầy đủ các chi pháp. Nếu nghĩ cách phá hoại sự lợi ích, sự an lạc, sự tiến hóa của mình, thì không tạo ác nghiệp thù hận này. Quả của 2 loại ác nghiệp thù hận người khác này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp thù hận người khác hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu.

Nếu ác nghiệp thù hận người khác không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp thù hận người khác

Nếu người nào phát sinh tâm sân thù hận người có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp thù hận có tội nặng. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp thù hận ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ.

Nếu người nào phát sinh tâm sân thù hận người không có giới đức, thì người ấy đã tạo ác nghiệp thù hận có tội nhẹ. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp thù hận ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, thì người ấy sẽ là người có thân hình xấu xí, kỳ dị, đáng ghê tởm...

3.3. Ác nghiệp tà kiến

Ác nghiệp tà kiếntác ý ác đồng sinh trong 4 tâm tham hợp với tà kiến. Tà kiến đó là tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika) thấy sai chấp lầm cho là đúng, là thật.

Người có tà kiến là người thấy sai, chấp lầm từ chủ thể bên trong mình đến các đối tượng bên ngoài mình cho là đúng, là thật.

Tà kiến có nhiều loại như:

- Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp ngã trong ngũ uẩn.

- Niyatamicchādiṭṭhi: Tà kiến cố định v.v…

* Tà kiến chấp ngã nương nhờ trong ngũ uẩn như thế nào?

Đối với những hạng phàm nhân, chưa phải bậc Thánh Nhân đều có tà kiến chấp ngã, thấy sai chấp lầm do nương nhờ trong ngũ uẩn cho là ngã, là ta.

20 loại tà kiến như sau:

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong sắc uẩn, có 4 loại:

Sắc uẩn là ta.

Ta là sắc uẩn.

Sắc uẩn trong ta.

Ta trong sắc uẩn.

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong thọ uẩn, có 4 loại:

Thọ uẩn là ta.

Ta là thọ uẩn.

Thọ uẩn trong ta.

Ta trong thọ uẩn.

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong tưởng uẩn, có 4 loại:

Tưởng uẩn là ta.

Ta là tưởng uẩn.

Tưởng uẩn trong ta.

Ta trong tưởng uẩn.

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong hành uẩn, có 4 loại:

Hành uẩn là ta.

Ta là hành uẩn.

Hành uẩn trong ta.

Ta trong hành uẩn.

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong thức uẩn, có 4 loại:

Thức uẩn là ta.

Ta là thức uẩn.

Thức uẩn trong ta.

Ta trong thức uẩn.

* Tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn gồm có 20 loại tà kiến như vậy.

Thật ra, trong ngũ uẩn này, phần sắc uẩn thuộc về sắc pháp pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta. Và phần thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩnthức uẩn thuộc về danh pháppháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta. Nhưng tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn, thấy sai chấp lầm cho là ngã, là ta.

Đối với những hạng phàm nhân, chưa phải là bậc Thánh Nhân thì tà kiến chấp ngã do nương nhờ trong ngũ uẩn, chỉ là tà kiến thông thường mà thôi. Tà kiến này chỉ làm trở ngại cho việc thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn mà thôi. Tà kiến này không làm trở ngại cho việc tạo mọi dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp vô sắc giới thiện nghiệp. Cho nên, tà kiến này không ngăn cản dục giới đại thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người và 6 cõi trời dục giới; tà kiến này cũng chắc chắn không ngăn cản sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.

Tà kiến cố định như thế nào?

Người có tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp

Tà kiến cố định có 3 loại:

- Natthikadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Không có quả của nghiệp.

- Ahetukadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Chúng sinh hiện hữu không phải do nhân, do nghiệp.

- Akiriyadiṭṭhi: Tà kiến thấy sai rằng: “Hành động ác không có ác nghiệp, hành động thiện, không có thiện nghiệp.

3 loại tà kiến cố định này gọi là ác nghiệp tà kiến.

Chi pháp của ác nghiệp tà kiến

Để biết được ác nghiệp tà kiến có hội đầy đủ các chi pháp hay không hội đầy đủ các chi pháp, thì căn cứ vào 2 chi pháp của ác nghiệp tà kiến như sau:

1. Atthaviparītatā: Ý nghĩa trái ngược với sự thật chân lý.

2. Tathābhāvupaṭṭhānaṃ: Thấy sai chấp lầm cho là sự thật.

Nếu hội đầy đủ 2 chi pháp của ác nghiệp tà kiến, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà kiến hội đầy đủ các chi pháp; nhưng nếu không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì gọi là người ấy tạo ác nghiệp tà kiến không hội đầy đủ các chi pháp. Quả của 2 loại ác nghiệp tà kiến này có sự khác biệt nhau:

Nếu ác nghiệp tà kiến hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp tà kiến cố định thì chắc chắn có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có thể ngăn cản được, chịu quả khổ trong cõi đại địa ngục này suốt thời gian lâu dài hằng nhiều đại kiếp trái đất.

Nếu ác nghiệp tà kiến không hội đầy đủ 2 chi pháp này, thì ác nghiệp tà kiến ấy không có khả năng, không có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà chỉ có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu mà thôi, nếu khi có cơ hội cho quả.

Tội nặng - tội nhẹ của ác nghiệp tà kiến

Người nào tuy có tà kiến, loại tà kiến chấp ngã, nhưng lại có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tin chắc rằng:

Ác nghiệp sẽ cho quả khổ cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Thiện nghiệp sẽ cho quả an lạc cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Cho nên, người ấy cố gắng tinh tấn tránh xa mọi ác nghiệp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp như dục giới đại thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp.

Khi người ấy hưởng quả an lạc của nghiệp thiện, thì người ấy có tà kiến chấp ngã trong sự an lạc là thọ lạc rằng:

Ta hưởng sự an lạc,

Sự an lạc trong ta,

Ta đang sống trong sự an lạc...

Tà kiến này là tà kiến tâm sở đồng sinh với 4 tâm tham hợp với tà kiến thuộc bất thiện tâm (ác tâm) do đó ác nghiệp tà kiến này có tội nhẹ, bởi vì chỉ là tà kiến chấp ngã bình thường đối với tất cả mọi chúng sinh còn là phàm nhân, chưa phải Thánh Nhân.

Chúng sinh nào là phàm nhân còn có tà kiến, thì chúng sinh ấy trong vòng tử sinh luân hồi chưa chắc chắn tránh khỏi 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Chỉ có từ chư bậc Thánh Nhập Lưu trở lên đã diệt đoạn tuyệt được mọi loại tà kiến không còn dư sót, chư bậc Thánh ấy mới chắc chắn tránh khỏi 4 cõi ác giới mà thôi.

Người nào có tà kiến cố định, người ấy không tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên tà kiến cố định này thuộc ác nghiệp tà kiến có tội nặng nhất. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà kiến cố định chắc chắn cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ lâu hằng đại kiếp trái đất.

Giải thích 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhikamma)

1. Natthikadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định này thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả khổ của ác nghiệp, cũng không có quả an lạc của thiện nghiệp. Người đã tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp rồi, đều không có quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp. Tất cả mọi chúng sinh chết rồi đều là hết, trở thành số không”, không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau. Người có tà kiến cố định này còn gọi là người có Ucchedadiṭṭhi: Đoạn kiến, thấy sai chấp lầm rằng:Chết rồi là hết’, không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau nữa”.

Ác nghiệp tà kiến cố định này hoàn toàn thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Ajitakesakambala ngoại đạo, có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp” như sau:

Thấy sai lầm rằng:

Làm phước thiện bố thí không có quả của phước thiện bố thí.

Lễ bái cúng dường cũng không có quả của lễ bái cúng dường.

Sự đón rước, sự thỉnh mời… cũng không có quả của sự đón rước, sự thỉnh mời…

Làm thiện nghiệp không có quả an lạc của thiện nghiệp ấy; làm ác nghiệp không có quả khổ của ác nghiệp ấy.

Không có kiếp hiện tại này, nghĩa là chúng sinh ở các cõi khác, sau khi chết, rồi không tái sinh đến cõi này.

Không có kiếp sau, nghĩa là chúng sinh sau khi kiếp hiện tại này chết, rồi không có tái sinh kiếp sau nữa.

Hai trường hợp này, đối với người có đoạn kiến thấy sai chấp lầm rằng: “Sau khi tất cả mọi chúng sinh chết rồi là hết không có nghiệp nào dẫn dắt cho quả tái sinh kiếp sau nữa”.

Làm phước, làm tội đối với mẹ, không có quả của phước, không có quả của tội nào đối với con.

Làm phước, làm tội đối với cha, không có quả của phước, không có quả của tội nào đối với con.

Không có chúng sinh loài hóa sinh, nghĩa là không có chúng sinh địa ngục, không có chúng sinh loài atula, không có chúng sinh loài ngạ quỷ; không có chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, không có chư Phạm thiên trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới.

Không có Samôn, Bàlamôn, chính tự mình thực hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới; chứng đắc thần thông thấy rõ cõi này, cõi khác. Không có Samôn, Bàlamôn, chính mình thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn v.v…

Theo quan niệm của phái ngoại đạo này, con người gồm có tứ đại và hơi thở… Cho nên sau khi con người chết, chất đất tan rã theo đất, chất nước tan rã theo nước, chất lửa tan rã theo lửa, chất gió tan rã theo gió, hơi thở tan rã theo hư không…

Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Ajitakesakambalaác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp; cũng đồng thời phủ nhận thiện nghiệp, ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp thuộc loại vô quả tà kiến (natthikadiṭṭhi).

2. Ahetukadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có nhân”.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm cho rằng: “Không có nhân sinh quả (janakahetu), cũng không có nhân hỗ trợ cho quả. Cũng có nghĩa là không có thiện nghiệp sinh quả an lạc, không có ác nghiệp sinh quả khổ. Và cũng không có thiện nghiệp hỗ trợ, ác nghiệp hỗ trợ cho quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp”.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm không có nhân này cho rằng: “Tất cả mọi chúng sinh hiện hữu trong đời này có tự nhiên, không phải là quả của thiện nghiệp, ác nghiệp nào cả. Tất cả mọi chúng sinh tự nhiên ô nhiễm, tự nhiên đến thời kỳ trong sạch thanh tịnh. Cho nên tất cả mọi người ác và bậc thiện, người ngu, bậc trí trải qua vòng tử sinh luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp đến thời kỳ nào đó, rồi cũng sẽ giải thoát khổ cả thảy”.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Makkhaligosāla ngoại đạo, có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân” như sau:

Thấy sai lầm rằng:

Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh bị ô nhiễm; tất cả chúng sinh bị ô nhiễm tự nhiên, không do nhân nào, duyên nào cả.

Không có nhân nào, không có duyên nào làm cho tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh; tất cả chúng sinh được trong sạch thanh tịnh, không do nhân nào, duyên nào cả.

Không có nghiệp riêng của mình, không có nghiệp của người khác… Tất cả chúng sinh sống hằng ngày tùy thuộc vào sự may, sự rủi, sự ngẫu nhiên, tự nhiên rồi thọ khổ, thọ lạc….

Tất cả chúng sinh là người ác, người thiện, người ngu, người trí trải qua vòng tử sinh luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp đến thời gian nào đó, rồi cũng sẽ giải thoát khổ cả thảy...

Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Makkhaligosāla ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân”.

Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp; cũng đồng thời phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp tà kiến thuộc loại vô nhân tà kiến (ahetukadiṭṭhi).

3. Akiriyadiṭṭhi: Ác nghiệp tà kiến cố định thấy sai lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định này thấy sai chấp lầm rằng: “Người tạo ác nghiệp không gọi là ác, và người tạo thiện nghiệp không gọi là thiện. Hành chỉ là hành mà thôi, không có hành ác, không có hành thiện”.

Như trong bài kinh Sāmaññaphalasutta, vị Đạo sư Pūraṇakassapa ngoại đạo có tà thuyết cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện” như sau:

Thấy sai chấp lầm rằng:

Tự mình hành ác, sai khiến người khác hành ác đều không có hành ác, như:

Tự mình sát sinh, sai khiến người khác sát sinh đều không có hành ác sát sinh.

Tự mình trộm cắp, sai khiến người khác trộm cắp đều không có hành ác trộm cắp.

Tự mình tà dâm, sai khiến người khác tà dâm đều không có hành ác tà dâm.

Tự mình nói dối, sai khiến người khác nói dối đều không có hành ác nói dối v.v…

Tự mình bố thí, khuyên người khác bố thí đều không có hành phước thiện bố thí.

Tự mình giữ giới, khuyên người khác giữ giới đều không có hành phước thiện giữ giới.

Tự mình lễ bái cúng dường, khuyên người khác lễ bái cúng dường đều không có hành phước thiện lễ bái cúng dường v.v…

Tà thuyết cố định của vị Đạo sư Pūraṇakassapaác nghiệp tà kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

Người nào có ác nghiệp tà kiến cố định phủ nhận nhân đó là thiện nghiệp, ác nghiệp; và phủ nhận quả của thiện nghiệp, quả của ác nghiệp, người ấy tạo ác nghiệp tà kiến thuộc loại vô hành tà kiến (akiriyadiṭṭhi).

Nhận xét về 3 loại ác nghiệp tà kiến

Trước thời kỳ Đức Phật chưa xuất hiện trên thế gian, đã có 6 nhóm ngoại đạo lớn, đứng đầu là 6 vị Đạo sư: Đạo sư Pūraṇakassapa, Đạo sư Makkhaligosāla, Đạo sư Ajitakesakambala, Đạo sư Pakudhakaccāyana, Đạo sư Nigaṇṭhanāṭaputta và Đạo sư Sañjayabelaṭṭhaputta. Mỗi vị Đạo sư có tà thuyết riêng biệt của bình, rồi chấp thủ vững chắc trong tà thuyết ấy.

3 loại ác nghiệp tà kiến cố định liên quan đến 3 tà thuyết của 3 vị Đạo sư như sau:.

- Vị Đạo sư Ajitakesakambala có tà thuyết “Natthikadiṭṭhità kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có quả của nghiệp”.

- Vị Đạo sư Makkhaligosāla có tà thuyết “Ahetukadiṭṭhità kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có nhân (nghiệp)”.

- Vị Đạo sư Pūraṇakassapa có tà thuyết “Akiriyadiṭṭhità kiến cố định thấy sai chấp lầm rằng: “Không có hành ác, không có hành thiện”.

Tuy 3 tà thuyết của 3 vị Đạo sư có khác về quan điểm, nhưng chung quy đều giống nhau là phủ nhận quả của nghiệp, phủ nhận nghiệp, phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp. Người có tà kiến cố định này là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Song thật ra, có thiện nghiệp. có ác nghiệp; có quả của thiện nghiệp, có quả của ác nghiệp.

Chư bậc thiện trí có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp:

Mỗi chúng sinh khi đã tạo thiện nghiệp, ác nghiệp nào, thì chắc chắn thiện nghiệp, ác nghiệp ấy là của riêng chúng sinh ấy, hoàn toàn không liên quan đến chúng sinh khác.

Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả của thiện nghiệp, thì chúng sinh ấy hưởng được sự an lạc, đáng hài lòng.

Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả của ác nghiệp, thì chúng sinh ấy phải chịu sự khổ não, không đáng hài lòng”.

Bởi vậy cho nên, mỗi chúng sinh nào được hưởng sự an lạc, đó là quả của thiện nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc trong kiếp hiện tại. Và chúng sinh nào chịu mọi cảnh khổ, đó là quả của ác nghiệp mà chúng sinh ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc kiếp hiện tại.

Đức Phật dạy về nghiệp và quả của nghiệp rằng:

Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.

(Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy).

Tính chất của 3 ác nghiệp tà kiến cố định

Trong tất cả các loại ác nghiệp, chỉ có 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này là trọng tội, cực kỳ nặng nhất mà thôi, không có ác nghiệp nào tội nặng hơn 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này. Dù 5 ác nghiệp vô gián trọng tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, cũng không sánh bằng 3 loại ác nghiệp tà kiến cố định này. Bởi vì, người có ác nghiệp tà kiến cố định này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, hoàn toàn phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp. Cho nên, họ không chịu lắng nghe lời giáo huấn của chư bậc thiện trí, không thực hành theo lời giáo huấn của chư bậc thiện trí. Họ thường hành ác nghiệp, nhưng họ không tin ác nghiệp sẽ cho quả khổ trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, nên họ không có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, không có tâm biết ghê sợ tội lỗi. Chính do tâm si mê này, nên họ càng ngày càng lún sâu vào tội lỗi.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định này, tuy họ không tin có kiếp sau, nhưng sau khi họ chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng ngăn cản được, phải chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại kiếp trái đất, khó thoát ra khỏi cõi đại địa ngục này.

Người có ác nghiệp tà kiến cố định sống trong kiếp hiện tại như thế nào?

Người có ác nghiệp tà kiến cố định là người hoàn toàn không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nghĩa là không tin rằng: “Ác nghiệp cho quả khổ, thiện nghiệp cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai”. Hay nói cách khác: “Sự khổ không phải là quả của ác nghiệp, sự an lạc không phải là quả của thiện nghiệp”. Sự khổ hoặc sự an lạc trong cuộc sống ở đời chỉ là điều rủi, điều may ngẫu nhiên xảy ra mà thôi. Cho nên, trong kiếp sống hiện tại, người có ác nghiệp tà kiến cố định này có thể tạo mọi ác nghiệp, nếu khi có cơ hội; bởi họ hoàn toàn không tin rằng: “Làm ác là có tội, làm thiện là có phước, không tin: Nghiệp là của riêng ta”.

Đôi khi người ấy không dám làm ác, không phải là họ sợ tội, mà họ sợ vi phạm pháp luật của nhà nước, rồi sẽ bị bắt ở tù, hoặc e ngại người khác chê trách mà lánh xa họ… Nhưng nếu ác nghiệp nào hợp pháp, được nhà nước cho phép ví như làm lò sát sinh giết mổ gia súc, gia cầm để bán thịt, thì họ hăng say giết mổ các loài gia súc, các loài gia cầm bán thịt, miễn sao để được thu thật nhiều lợi nhuận v.v…

Đó là người tạo tà nghiệp, sống tà mạng trong kiếp hiện tại. Nếu những người này thuộc về hạng khá giả, giàu có thì họ cũng tham gia vào những việc từ thiện, đem của cải, tài sản của mình giúp đỡ cứu trợ những người gặp cảnh thiên tai bão lụt... hoạn nạn, những người tàn tật, nghèo khổ… không phải tác ý thiện làm phước (vì họ không tin phước), mà có lòng thương người, muốn giúp đỡ cứu trợ người trong cảnh khổ, cũng có thể muốn có danh thơm tiếng tốt được lan truyền, để cho mọi người biết đến mình trong kiếp hiện tại này. Đó cũng là việc làm phước thiện, nhưng phước thiện ấy không hoàn toàn trong sạch, không có nhiều năng lực, bởi vì họ không có chánh kiến thấy đúng về nghiệp là của riêng mình (kammassakatā sammādiṭṭhi).

3 ý ác nghiệp là nhân sinh các loại ác nghiệp

3 ý ác nghiệp là ác nghiệp tham lam của cải, tài sản của người khác; ác nghiệp thù hận người khác và ác nghiệp tà kiến là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp; khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như sau:

1. Ý ác nghiệp tham lam của cải, tài sản người khác:

Là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp như: Ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp tà dâm.

Là nhân khiến cho khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời vô ích.

Là nhân khiến cho ý hành ác tạo nên ác nghiệp tà kiến.

2. Ý ác nghiệp thù hận người khác:

Là nhân khiến cho thân hành ác, tạo thân ác nghiệp như: Ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp trộm cắp.

Là nhân khiến cho khẩu hành ác, tạo khẩu ác nghiệp như: Ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp nói lời vô ích.

3. Ý ác nghiệp tà kiến: Thấy sai chấp lầm là nhân khiến cho thân hành ác tạo 3 loại thân ác nghiệp, khiến cho khẩu hành ác tạo 4 loại khẩu ác nghiệp và khiến cho ý hành ác tạo 3 loại ý ác nghiệp.

Giải thích nguồn gốc phát sinh mỗi ác nghiệp

- 3 ác nghiệp là ác nghiệp sát sinh, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), ác nghiệp thù hận, cả 3 loại ác nghiệp này được phát sinh do từ gốc tâm sân (dosa-mūlacitta).

- 3 ác nghiệp là ác nghiệp tà dâm, ác nghiệp tham lam, ác nghiệp tà kiến, cả 3 loại ác nghiệp này được phát sinh do từ gốc tâm tham (lobhamūlacitta).

- 4 ác nghiệp là ác nghiệp trộm cắp, ác nghiệp nói dối, ác nghiệp nói lời chia rẽ, ác nghiệp nói lời vô ích, cả 4 loại ác nghiệp này được phát sinh khi thì do từ gốc tâm tham, khi thì do từ gốc tâm sân như sau:

Ác nghiệp trộm cắp được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là trộm cắp của cải, tài sản của người khác đem về làm của riêng mình, hoặc đem về cho vợ con, cha mẹ, bà con, dòng họ của mình.

Ác nghiệp trộm cắp được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là trộm cắp của cải, tài sản của người khác, không phải muốn lấy làm của riêng mình, mà chỉ để phá hoại của cải, tài sản của người ấy, bởi vì, người ấy là kẻ thù của mình.

Ác nghiệp nói dối được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói dối, lừa gạt người khác để có lợi cho mình.

Ác nghiệp nói dối được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói dối vu oan, giá họa người ấy để làm khổ người ấy, bởi vì, thù ghét người ấy.

Ác nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói lời chia rẽ giữa người này với người khác, để muốn cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi ghét bỏ xa lánh nhau, đồng thời để cho hai người ấy tin cậy nơi mình, mà thương yêu mình.

Ác nghiệp nói lời chia rẽ được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói lời chia rẽ hai người thân nhau, để cho hai người ấy nghi kỵ lẫn nhau, rồi xa lánh nhau, bởi vì không muốn hai người ấy thân với nhau, cốt để trả thù.

Ác nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc tâm tham, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hài hước… để vui cười, để đem lại sự lợi ích cho mình.

Ác nghiệp nói lời vô ích được phát sinh do từ gốc tâm sân, nghĩa là nói lời vô ích, hoặc viết những câu chuyện hoang đường không có thật, có tác ý làm cho người nghe, người đọc mất lợi ích, gây ra sự tai hại đến với họ.

Đó là ác nghiệp riêng biệt được phát sinh trực tiếp từ gốc tâm tham hoặc gốc tâm sân. Còn 10 ác nghiệp nói chung được phát sinh đều có gốc tâm si trong mỗi ác nghiệp ấy.

* Tại sao trong 10 ác nghiệp không đề cập đến ác nghiệp uống rượu và các chất say? Vậy ác nghiệp uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào trong 10 loại ác nghiệp ấy?

Sự uống rượu và các chất saymột điều giới trong ngũ giới, trong bát giới uposathasīla, trong cửu giới uposathasīla, trong thập giới của người tại gia và trong thập giới của bậc Sadi, trong giới của bậc Tỳ khưu; nhưng trong 10 loại ác nghiệp, sự uống rượu và các chất say không quy định rõ một ác nghiệp riêng rẽ, bởi vì uống rượu và các chất say là ác nghiệp có tính chất nghiệp bất định. Cho nên, sự uống rượu và các chất say không quy định rõ một ác nghiệp riêng biệt như các ác nghiệp khác.

Sự uống rượu và các chất say dĩ nhiên là ác nghiệp, mà ác nghiệp này có tính chất nghiệp bất định, để xác định uống rượu và các chất say thuộc về ác nghiệp nào trong 10 loại ác nghiệp, cần phải xét theo từng trường hợp đối với người uống rượu và các chất say như sau:

- Trường hợp một người uống rượu và các chất say, cốt chỉ để thưởng thức vị trần của rượu hoặc các chất say, rồi say lúy túy, hoàn toàn không còn biết mình, nằm ngủ cho đến khi tỉnh say rượu. Như vậy, người ấy đã tạo ác nghiệp thưởng thức vị trần, hương trần của chất rượu hoặc các chất say, giống như người tạo ác nghiệp tà dâm cốt chỉ để thưởng thức xúc trần, hương trần của người khác phái.

Trong trường hợp này, người uống rượu và các chất say đã tạo ác nghiệp như là ác nghiệp tà dâm.

- Trường hợp một người vốn có tính nhút nhát, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, không dám làm mọi ác nghiệp. Nhưng khi người ấy uống rượu hoặc các chất say vào, chất rượu hoặc các chất say kích thích tâm tham, tâm sân, tâm si; người ấy trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo 10 loại ác nghiệp.

Trong trường hợp này, người nào uống rượu và các chất say, rồi say sưa, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám tạo ác nghiệp nào, thì người uống rượu và các chất say ấy đã tạo ác nghiệp ấy, ví như:

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp sát sinh, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp trộm cắp, thì người ấy đã tạo ác nghiệp trộm cắp do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp tà dâm, thì người ấy đã tạo ác nghiệp tà dâm do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói dối, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói dối do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nói lời vô ích, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ tham lam của cải, tài sản của người khác do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ thù hận người khác do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Nếu như người uống rượu và các chất say, rồi tạo ác nghiệp nghĩ tà kiến, thì người ấy đã tạo ác nghiệp nghĩ tà kiến do nguyên nhân uống rượu và các chất say.

Do đó, uống rượu và các chất say nhân tạo 10 loại ác nghiệp. Cho nên, uống rượu và các chất say không được chế định ra ác nghiệp riêng biệt, chỉ có tùy thuộc vào ác nghiệp mà nó liên quan trực tiếp mà thôi.

Thật vậy, Ngài Đại đức Ānanda (lớp người hậu sinh) biên soạn bộ Mūlaṭīkā giải thích rằng:

Tassa sabhāgattena micchācāre, upakārakattena dasasu pi kammapathesu anuppaveso hoti”.

(Sự uống rượu và các chất say này cũng như ác nghiệp tà dâm, bởi vì tính chất của đối tượng tương tự như ác nghiệp tà dâm. Và sự uống rượu và các chất say cũng được ghép chung trong 10 loại nghiệp, bởi vì uống rượu và các chất say là nhân tạo 10 loại ác nghiệp).

Tính chất nghiêm trọng của sự uống rượu và các chất say

Người đã tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say, có thể dám làm mọi tội ác nghiêm trọng:

Khi nào đã uống rượu, lên cơn say, thì người ấy không còn tự chủ, trở nên người hung hản, tàn bạo, không còn biết hổ thẹn tội lỗi, không còn biết ghê sợ tội lỗi, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm.

Khi người nào thường dùng các chất say như thuốc phiện, ma túy,... trở thành bệnh nghiện nặng, đến khi người ấy lên cơn thèm khát các chất say ấy mà không có sẵn, khiến cho người ấy lên cơn điên loạn, dám làm mọi tội ác nghiêm trọng mà lúc tỉnh không dám làm.

Như vậy, tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác nghiệp nghiêm trọng, có nguy hại trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Trong Chú giải Suttanipāta, giải về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say như sau:

Yasmā pana majjapāyī atthaṃ na jānāti, dhammaṃ na jānāti, mātupi antarāyaṃ karoti, pitupi Buddhapacceka-buddhatathāgatasāvakānampi antarayaṃ karoti, diṭṭhadhamme ca garahaṃ samparāye ca duggatiṃ aparāpariyāye ummādaṃ pāpuṇāti”.

(Người thường uống rượu và các chất say, không biết quả, không biết nhân, gây ra sự tai hại đến với sinh mạng của cha mẹ, Đức Phật, Đức Phật Độc Giác, các hàng đệ tử của Như Lai. Trong kiếp hiện tại, người uống rượu và các chất say thường bị chư thiện trí chê trách. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), khi mãn quả của ác nghiệp trong cõi ác giới, do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, người ấy sẽ là người mất trí, người điên cuồng).

Và Ngài Đại đức Mahābuddhaghosa dạy về tội lỗi của sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, dám tạo mọi ác pháp, có tội lỗi nghiêm trọng như sau:

“Apicettha surāmerayamajjappamādaṭṭhānameva mahā-sāvajjaṃ na tathā pāṇātipātādayo, kasmā manussabhūtassapi ummattakabhavasaṃvattanena ariya dhammantarāya kara-ṇato”.

(Thật sự, trong ngũ giới ấy, phạm điều giới uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, có tội lỗi nghiêm trọng hơn 4 điều giới còn lại là phạm điều giới sát sinh, phạm điều giới trộm cắp, phạm điều giới tà dâm, phạm điều giới nói dối; 4 điều giới này gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn phạm điều giới uống rượu và các chất say. Bởi vì, phạm điều giới uống rượu và các chất say này còn là nhân làm cho người ấy mang bệnh điên, mất trí, làm nguy hại cho sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả).

10 loại ác nghiệp ở trong tâm nào? Nương nhờ nơi môn nào?

10 loại ác nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 ác tâm đó là: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si.

10 loại ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi 3 môn như sau:

1. Thân môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi thân môn, có 3 loại ác nghiệp.

Ác nghiệp sát sinh

Ác nghiệp trộm cắp

Ác nghiệp tà dâm

3 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi thân môn, do đó gọi là thân ác nghiệp hoặc thân hành ác.

2. Khẩu môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi khẩu môn, có 4 loại ác nghiệp.

-Ác nghiệp nói dối

-Ác nghiệp nói lời chia rẽ

-Ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc)

-Ác nghiệp nói lời vô ích

4 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi khẩu môn, do đó gọi là khẩu ác nghiệp hoặc khẩu hành ác.

3. Ý môn: Những ác nghiệp được tạo do nương nhờ nơi ý môn, có 3 loại ác nghiệp.

-Ác nghiệp tham lam của cải, tài sản người khác

-Ác nghiệp thù hận người khác

-Ác nghiệp tà kiến thấy sai chấp lầm

3 loại ác nghiệp này được tạo phần nhiều do nương nhờ nơi ý môn, do đó gọi là ý ác nghiệp hoặc ý hành ác.

30 loại ác nghiệp tính theo 3 thời kỳ tác ý ác

10 loại ác nghiệp này nếu tính theo 3 thời kỳ tác ý ác, thì có 30 loại ác nghiệp như sau:

- Pubbacetanā: Tác ý ác phát sinh trước khi tạo 10 ác nghiệp.

- Muñcacetanā: Tác ý ác phát sinh trong khi đang tạo 10 ác nghiệp.

- Aparacetanā: Tác ý ác phát sinh sau khi đã tạo 10 ác nghiệp.

Như vậy, 10 loại ác nghiệp nhân với 3 thời kỳ tác ý ác thành 30 loại ác nghiệp.

40 loại ác nghiệp tính theo 4 hạng người

10 loại ác nghiệp này tính theo 4 hạng người, thì có 40 loại ác nghiệp như sau:

- Sāhatthikaduccarita: Tự mình tạo 10 ác nghiệp.

- Āṇattikaduccarita: Sai khiến người khác tạo 10 ác nghiệp.

- Vaṇṇabhāsanaduccarita: Tán dương, ca tụng, khuyến khích tạo 10 ác nghiệp.

- Samanuññāduccarita: Tâm hài lòng, hoan hỷ trong 10 ác nghiệp.

Ví dụ: Tạo ác nghiệp sát sinh

1. Một hạng người tự mình sát hại chúng sinh.

2. Một hạng người tự mình không sát hại chúng sinh, mà sai khiến, ra lệnh cho người khác sát hại chúng sinh.

3. Một hạng người tán dương, ca tụng, khuyến khích sát hại chúng sinh.

4. Một hạng người tự mình không sát hại chúng sinh, không sai khiến người khác sát hại chúng sinh, cũng không nói lời tán dương ca tụng, khuyến khích người khác sát hại chúng sinh, nhưng lại phát sinh ác tâm hoan hỷ khi thấy người khác sát hại chúng sinh.

Nếu chúng sinh ấy bị sát hại chết, thì người tự mình sát hại chúng sinh ấy; hoặc người sai khiến, ra lệnh người khác sát hại, giết chết chúng sinh ấy; hoặc người tán dương, ca tụng người giết hại chúng sinh ấy, cả 3 hạng người này đã tạo ác nghiệp sát sinh hội đầy đủ 5 chi pháp. Còn hạng người phát sinh ác tâm hoan hỷ khi thấy người khác sát hại chúng sinh ấy, thì người ấy đã tạo ác nghiệp sát sinh không hội đầy đủ 5 chi pháp.

Cũng tương tự như ác nghiệp sát sinh, các ác nghiệp khác còn lại cũng nên hiểu như vậy.

Như vậy, 10 loại ác nghiệp nhân với 4 hạng người thành 40 loại ác nghiệp.

Quả của thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu hành ác (vacīduccarita)

Trong kinh Duccaritavipākasutta Đức Phật thuyết dạy về quả của thân hành ác và quả của khẩu hành ác như sau:

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp sát sinh, thường sát sinh, sát sinh nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp sát sinh nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có tuổi thọ rất ngắn (chết yểu).

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp trộm cắp, thường trộm cắp, trộm cắp nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp trộm cắp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp trộm cắp nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có của cải, tải sản bị khánh kiệt, nghèo khổ thiếu thốn.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp tà dâm, thường hành tà dâm, hành tà dâm nhiều. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp tà dâm nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có nhiều người thù, có nhiều người oan trái.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói dối, thường hay nói dối, nói dối nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói dối ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói dối nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường bị vu oan giá họa với những điều không có thật.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời chia rẽ, thường hay nói lời chia rẽ, nói lời chia rẽ nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường bị bạn bè xa lánh.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thường hay nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời thô tục nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người thường nghe những lời nói cay độc, không đáng hài lòng.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp nói lời vô ích, thường hay nói lời vô ích, nói lời vô ích nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp nói lời vô ích ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp nói lời vô ích nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người nói điều gì cũng không được ai tin tưởng, thường bị chống đối.

- Này chư Tỳ khưu, người nào đã tạo ác nghiệp uống rượu và các chất say, thường hay uống rượu và các chất say, uống rượu và các chất say nhiều lần. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp uống rượu và các chất say ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, trong loài súc sinh, trong loài ngạ quỷ. Nếu ác nghiệp uống rượu và các chất say nhẹ nhất không có khả năng cho quả tái sinh kiếp sau (trong cõi ác giới), mà do thiện nghiệp khác cho quả tái sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người điên cuồng loạn trí.

(Xong bài kinh Duccaritavipākasutta)


Trong 3 loại nghiệp: Thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp ý ác nghiệp này, thì ý ác nghiệp có nhiều năng lực hơn thân ác nghiệpkhẩu ác nghiệp.

Thật vậy, tìm hiểu bài kinh Upālisutta, được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng xoài của phú hộ Pāvārika gần thành Nālandā. Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta cùng nhóm đệ tử cùng trú tại xứ Nālandā. Một hôm, người đệ tử của vị Đạo sư Nigaṇṭha tên là Dīghata-passī đi vào thành Nālandā khất thực, sau khi thọ thực xong, tu sĩ Dīghatapassī đến hầu viếng Đức Thế Tôn tại khu vườn xoài của phú hộ Pāvārika, sau khi thăm hỏi xong ngồi một nơi hợp lẽ, Đức Thế Tôn truyền hỏi tu sĩ Dīghatapassī rằng:

- Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định nghiệp trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?”.

Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp, mà chế định “Daṇḍa (hành hạ)” là thường xuyên.

ĐP: Này Tapassi, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại?

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự hành hạ trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

- Kāyadaṇḍa: Sự hành hạ bằng thân.

- Vacīdaṇḍa: Sự hành hạ bằng khẩu.

- Manodaṇḍa: Sự hành hạ bằng ý.

ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại hành hạ là loại hành hạ bằng thân, loại hành hạ bằng khẩu và loại hành hạ bằng ý, vị Nigaṇṭha nāṭaputta đã chế định loại hành hạ nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp?

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại hành hạ khác nhau ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha nāṭaputta đã chế định “Sự hành hạ bằng thân (kāyadaṇḍa)” có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Và chế định sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp như sự hành hạ bằng thân, thưa Ngài.

Đức Phật đã hỏi lại 3 lần, vị tu sĩ Dīghatapassī cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi Đức Phật rằng:

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, Như Lai không chế định “sự hành hạ (daṇḍa)” mà thường chế định “Nghiệp (kamma)”.

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, Ngài chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có bao nhiêu loại? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, Như Lai chế định “nghiệp (kamma)” trong việc tạo ác nghiệp trở thành ác nghiệp có 3 loại là:

- Thân ác nghiệp.

- Khẩu ác nghiệp.

- Ý ác nghiệp.

Dī: Kính thưa Ngài Samôn Gotama, trong 3 loại ác nghiệp là thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp, Ngài đã chế định loại ác nghiệp nào có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp? Thưa Ngài.

ĐP: Này Tapassi, trong 3 loại ác nghiệp khác nhau ấy, Như Lai đã chế định loại ý ác nghiệp có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, và chế định loại thân ác nghiệpkhẩu ác nghiệp không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng ý ác nghiệp.

Tu sĩ Dīghatapassī bạch hỏi lại Đức Thế Tôn 3 lần, Đức Thế Tôn cũng khẳng định lại 3 lần như trước, rồi tu sĩ Dīghatapassī xin phép từ giã Đức Thế Tôn trở về gặp vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta.

Khi ấy, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta đang ngồi tại hội trường giữa các nhóm đệ tử tu sĩ và cư sĩ có ông phú hộ Upāli, người trưởng nhóm, nhìn thấy Dīghatapassī từ xa trở về, nên vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta hỏi rằng:

Ni: Này Tapassi, con từ đâu trở về lúc xế trưa như vậy?

Tu sĩ Dīghatapassī thưa rằng:

Dī: Kính thưa Ngài, con từ nơi tu viện của Samôn Gotama trở về. Thưa Ngài.

Ni: Này Tapassi, con có đàm luận với vị Samôn Gotama về vấn đề gì hay không?

Dī: Kính thưa Ngài, con có đàm luận với vị Samôn Gotama.

Vị tu sĩ Dīghatapassī liền tường thuật đầy đủ cuộc đàm luận giữa y với Đức Phật cho vị Đạo sư Nigaṇṭha nāṭaputta nghe. Sau khi nghe xong, vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tán dương ca tụng rằng:

- Này Tapassi, những điều mà con đã trình bày cho Samôn Gotama là đúng, con thật xứng đáng là một người đệ tử hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của thầy:

- Thật ra, sự hành hạ bằng ý có đáng gì so với sự hành hạ bằng thân. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp hơn sự hành hạ bằng thân đâu!

Phú hộ Upāli xin phép đi đấu trí với Đức Phật

Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta nói như vậy, phú hộ Upāli liền thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

- Kính thưa Ngài, vị Dīghatapassī đã trình bày đúng thật! Hay thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Samôn Gotama đúng theo điều con đã nghe Ngài dạy. Vị Dīghatapassī đúng là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của Ngài. Thật ra, sự hành hạ bằng ý quá ít ỏi không đáng gì so với sự hành hạ bằng thân quá lớn lao. Sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

- Kính thưa Ngài, như vậy, con sẽ đi đến đấu trí về vấn đề này với Samôn Gotama. Nếu Samôn Gotama vẫn khẳng định với con như đã khẳng định với vị Dīghatapassī như vậy, thì con sẽ hỏi vặn, hỏi vẹo, hỏi xuôi, hỏi ngược, hỏi qua, hỏi lại, bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ nắm bộ long dài của con cừu non kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ bắt bẻ, hỏi vặn vẹo bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như một người đàn ông mạnh mẽ làm việc trong xưởng nấu rượu ném đồ vớt rác xuống nồi rượu kéo qua kéo lại như vậy. Con sẽ vặn, chà xát, bóp nát bằng lời lẽ của con đối đáp lại lời lẽ của Samôn Gotama, ví như người đàn ông mạnh mẽ là người nghiền rượu cầm chén rượu nghiêng qua ngửa lại như vậy, v.v…

Kính thưa Ngài, con sẽ đến gặp Samôn Gotama đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của con đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích rằng:

- Này ông phú hộ, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Khi nghe vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta động viên khuyến khích như vậy, vị Dīghatapassī thưa với vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rằng:

- Kính thưa Ngài, điều mà Ngài động viên khuyến khích ông phú hộ Upāli đến gặp Samôn Gotama để đấu trí bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama ấy, con không hài lòng chút nào, con không yên tâm chút nào, bởi vì Samôn Gotama là Bậc có nhiều xảo thuật kỳ diệu, cho nên đã có nhiều người đệ tử ngoại đạo chịu thuần phục, xin làm đệ tử của Samôn Gotama.

Vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta tin tưởng chắc chắn rằng điều đó không thể xảy ra đối với phú hộ Upāli, cho nên ông quả quyết bảo rằng:

- Này Tapassi, điều mà phú hộ Upāli sẽ trở thành đệ tử của Samôn Gotama là điều không phải nhân, không phải duyên có thể xảy ra được, nhưng ngược lại, điều mà Samôn Gotama sẽ trở thành đệ tử của phú hộ Upāli là điều có thể xảy ra được.

 - Này phú hộ Upāli, ngươi nên đi, ngươi là người nên đi đấu trí về vấn đề này bằng lời lẽ của ngươi đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Tuy tu sĩ Dīghatapassī khuyên can vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không nên cho phú hộ Upāli đi đầu trí với Samôn Gotama đến 3 lần, nhưng vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta không quan tâm đến lời khuyên của vị Dīghatapassī, mà vẫn động viên khuyến khích phú hộ Upāli đi đấu trí về vấn đề ấy bằng lời lẽ của mình đối đáp lại với lời lẽ của Samôn Gotama.

Phú hộ Upāli đến gặp Đức Phật

Được sự động viên khuyến khích của vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta, ông phú hộ Upāli lễ bái vị Đạo sư Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi xin phép đi đến khu rừng xoài của ông phú hộ Pāvārika gặp Đức Phật. ông phú hộ Upāli cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức Phật rằng:

- Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị tu sĩ Dīghatapassī có đến nơi đây hay không? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này phú hộ Upāli, vị Dīghatapassī có đến tại nơi đây.

- Kính bạch Ngài, Ngài có đàm luận với vị Dīghatapassī về vấn đề gì hay không? Bạch Ngài.

- Này phú hộ Upāli, Như Lai có đàm luận với vị Dīghatapassī. 

Đức Thế Tôn truyền dạy lại cho phú hộ Upāli cuộc đàm luận giữa Ngài với vị tu sĩ Dīghatapassī.

Khi nghe Đức Thế Tôn truyền dạy xong, ông phú hộ Upāli bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Dīghatapassī giỏi thật! Những điều mà vị Dīghatapassī đã trình bày cho Đức Thế Tôn là đúng theo những điều mà tôi đã nghe, đã học hỏi từ vị Đạo sư. Vị Dīghatapassī là một người đệ tử đã hiểu rõ, biết rõ đúng theo lời dạy của vị Đạo sư.

Thật ra, sự hành hạ bằng thân mới có nhiều năng lực nặng nề nhất, còn sự hành hạ bằng ý thì có ít năng lực, không đáng kể.

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, sự thật, chỉ có sự hành hạ bằng thân mới có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp mà thôi. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nếu nhà ngươi quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng, thì Như Lai và nhà ngươi sẽ đàm luận về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng. Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Đức Phật hỏi những câu hỏi

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha bị lâm bệnh nặng, đau khổ, bệnh trầm trọng, mà bệnh nhân ấy bị cấm không được uống nước lạnh, chỉ được phép uống nước nóng mà thôi. Bệnh nhân ấy đã bị chết vì không được uống nước lạnh”.

Này ông phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định sự tái sinh kiếp sau của người đệ tử Nigaṇṭha ấy nơi cõi giới nào?

Upā: Kính bạch Ngài Samôn Gotama, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định cõi chư thiên có tên là cõiManosatta (chư thiên có tâm dính mắc)”. Trong lúc lâm chung, người đệ tử Nigaṇṭha có tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta, cho nên, sau khi bệnh nhân chết, sẽ tái sinh kiếp sau trong nhóm chư thiên manosatta ấy. Tại sao?

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, bởi vì người đệ tử Nigaṇṭha ấy, trong lúc lâm chung, tâm dính mắc trong cõi chư thiên manosatta ấy.

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

Kính bạch Ngài Samôn, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩusự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này ông phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Trong đời này, người đệ tử Nigaṇṭha là người phải nên thu thúc thận trọng 4 điều cấm:

- Hoàn toàn không được phép uống nước lạnh (trong nước lạnh có sinh vật, còn có nghĩa là tránh xa mọi tội ác).

- Hoàn toàn không được làm các điều ác

- Phải diệt mọi tội ác bằng cách tránh xa hoàn toàn hành ác.

- Khi tiếp xúc, hoàn toàn không làm mọi tội ác.

Vậy, khi bước tới trước, khi bước lui lại sau, đạp nhằm những chúng sinh (sinh vật) nhỏ bé bị chết”.

Này ông phú hộ Upāli, như vậy, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định quả của nghiệp ấy như thế nào đối với người đệ tử Nigaṇṭha ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta không chế định nghiệp trong hành động không có tác ý. Hành động không có tác ý thì không có tội ác nặng nào cả.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nếu có tác ý thì sao?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu có tác ý thì có tội ác nặng.

ĐP: Này phú hộ Upāli, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về loại daṇḍa (sự hành hạ) nào trong 3 loại hành hạ?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta chế định khi hành động có tác ý thì thuộc về sự hành hạ bằng ý (manodaṇḍa).

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “Chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩusự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc, có phải không?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Thành phố Nālandā là thành phố rất trù phú, rất phát triển, có nhiều loài chúng sinh, có nhiều người đông đúc. Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Trong thành phố Nālandā này, có một người đàn ông cầm dao rồi tuyên bố rằng: Tôi sẽ làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng mà thôi”.

Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Người đàn ông ấy có thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng được hay không?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 người đàn ông, 20 người đàn ông, 30 người đàn ông, 40 người đàn ông, 50 người đàn ông hay nhiều người đàn ông hơn nữa cũng không thể làm thịt tất cả mọi loài chúng sinh, mọi người và chúng sinh hết thảy trong thành phố Nālandā này, rồi bằm nát gom lại thành một đống thịt to lớn chỉ trong một khoảnh khắc (sát-na), một chớp nhoáng, huống hồ chỉ có một người đàn ông thì làm sao mà làm nổi được! (chắc chắn là không làm được).

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Một vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông. Đến thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy tuyên bố rằng:

Ta sẽ làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt mà thôi”.

Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào? Vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, có thể làm cho thành phố Nālandā này trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt được hay không?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, dù có 10 thành phố, 20 thành phố, 30 thành phố, 40 thành phố, 50 thành phố như thành phố Nālandā này, vị Samôn hoặc một vị Bàlamôn ấy có năng lực thần thông phi thường, là bậc thuần thục trong thần thông, cũng có thể làm cho những thành phố ấy trở thành tro bụi với chỉ một tâm sân phát sinh nghĩ tiêu diệt, huống hồ chỉ có một thành phố Nālandā này thôi, sao mà không trở thành tro bụi được! (chắc chắn trở thành tro bụi mà thôi). Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thuyết dạy lời lẽ đúng sự thật. Mặc dù vậy, đối với con sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu và sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào về điều này:

Khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã có nghe câu chuyện xảy ra hay không?”.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, con đã từng nghe câu chuyện xảy ra. Bạch Ngài.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nhận thức thế nào, khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga, những khu rừng ấy trước khi trở thành khu rừng, nhà ngươi đã từng nghe thế nào? Do nguyên nhân nào trở thành những khu rừng ấy?

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe kể rằng:

Sở dĩ khu rừng Daṇḍakī, khu rừng Kāliṅga, khu rừng Mejjha, khu rừng Mātaṅga trở thành khu rừng, là vì chư thiên phát sinh tâm sân nghĩ tiêu diệt bởi do ác nghiệp của con người làm khổ vị Đạo sĩ, làm hại vị Đạo sĩ”.

ĐP: Này phú hộ Upāli, nhà ngươi nên suy xét kỹ, nên thận trọng trả lời, đừng để cho lời nói sau trái với lời nói trước, hoặc đừng để lời nói trước nghịch với lời nói sau.

Này phú hộ Upāli, chính nhà ngươi đã từng nói với Như Lai rằng:

Kính bạch Ngài Samôn Gotama, con xin quả quyết, khẳng định những điều đó là đúng (điều đó là “chỉ có sự hành hạ bằng thân này có tội ác nghiêm trọng nhất trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp. Còn sự hành hạ bằng khẩu sự hành hạ bằng ý không thể có tội ác nghiêm trọng trong việc tạo ác nghiệp, trở thành ác nghiệp, bằng sự hành hạ bằng thân đâu!”). Vậy con xin tranh luận với Ngài về vấn đề ấy.

Phú hộ Upāli kính xin thọ phép quy y

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, ngay điều ví dụ đầu tiên, nhưng con rất tha thiết muốn nghe tài ứng đáp lưu loát bằng nhiều cách, những ví dụ khác nhau vô cùng sâu sắc của Đức Thế Tôn. Do đó con đã làm ra vẻ như cứng đầu, khó dạy, đối lập với Ngài, thực ra trong tâm của con hết lòng tôn kính Ngài.

Kính bạch Đức Thế Tôn, lời giáo huấn của Ngài thật rõ ràng quá! Ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu như thế nào, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng giáo pháp bằng nhiều cách cũng như thế ấy.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi chư Tỳ khưu Tăng.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay!

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng:

Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước rồi mới nói lên bằng lời; người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.

Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

Kính bạch Đức Thế Tôn, nhóm ngoại đạo được con là đệ tử của họ, họ sẽ cầm cờ reo hò đi khắp thành phố Nālandā này thông báo cho mọi người biết rằng: “Từ nay, phú hộ Upāli là đệ tử của chúng tôi

Nhưng còn Đức Thế Tôn lại khuyên dạy con rằng: “Này phú hộ Upāli, con nên suy xét kỹ lưỡng chu đáo trước, rồi mới nói lên bằng lời, người có tiếng tăm như con càng phải nên đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng, rồi mới nói nên bằng lời. Đó là điều hay”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ nhì.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

ĐP: Này phú hộ Upāli, đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con.

Upā: Kính bạch Đức Thế Tôn, một lần nữa, con vô cùng ngạc nhiên nghe Ngài khuyên dạy con rằng:

Đã từ lâu, gia đình của con đã thường hộ độ, phụng dưỡng các thứ vật dụng cho nhóm Nigaṇṭha, gia đình con như là một giếng nước đối với họ. Từ nay về sau, gia đình con cũng nên tiếp tục hộ độ, cấp dưỡng họ, mỗi khi họ đến gia đình con”.

Với lời khuyên dạy của Ngài làm cho con càng thêm vô cùng hoan hỷ, vô cùng tôn kính Ngài hơn nữa.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe rằng: “Samôn Gotama khuyên dạy như vầy: Chỉ nên làm phước thiện bố thí đến Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến người khác; chỉ nên làm phước thiện bố thí đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mà thôi, không nên làm phước thiện bố thí đến các hàng đệ tử của các phái khác; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ dâng cúng đến Như Lai là chắc chắn có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến vị khác sẽ không có quả báu nhiều; chỉ có phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai mới có quả báu nhiều mà thôi, còn phước thiện bố thí mà thí chủ đã dâng cúng đến các hàng đệ tử của các phái khác không có quả báu nhiều”.

Nhưng sự thật, Đức Thế Tôn khuyên dạy con nên tiếp tục làm phước thiện bố thí hộ độ, cấp dưỡng cho nhóm Nigaṇṭha.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con sẽ biết tùy thời nên làm phước thiện bố thí.

Và một lần nữa, con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Thế Tôn.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp.

Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Chư Tỳ khưu Tăng, lần thứ ba.

Kính xin Đức Thế Tôn chấp thuận con là người cận sự nam đã thọ phép quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời.

Phú hộ Upāli chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu

Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuyết pháp Anupubbikathā để tế độ phú hộ Upāli, thuyết pháp theo tuần tự đó là: Pháp thiện bố thí, pháp hành giữ giới, các cõi giới của chư thiên, tội lội của ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) làm cho tâm ô nhiễm, quả báu trong sự xa lánh ngũ trần (xuất gia).

Đức Thế Tôn biết rõ tâm của phú hộ Upāli trong sáng dễ dạy, khi ấy, Đức Thế Tôn nâng đỡ tâm của phú hộ Upāli bằng pháp Tứ Đế: Khổ đế, Nhân sinh khổ đế, Diệt khổ đế, Pháp hành diệt khổ đế (Đạo đế) ví như tấm vải trắng sạch sẽ không còn chất dơ bẩn, nên nhuộm dễ thấm màu tốt đẹp như thế nào, thì thiện tâm trong sạch của phú hộ Upāli làm nền tảng phát sinh pháp nhãn (dhammacakkhu) trong sáng thanh tịnh cũng như thế ấy, thấy rõ rằng:

Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng thái diệt”.

Khi ấy, phú hộ Upāli đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ, thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng… không còn hoài nghi nào nữa, với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nên không còn tin nơi người nào khác nữa.

Phú hộ Upāli đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật tại nơi ấy.

Phú hộ Upāli thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi xin phép trở về nhà.

Quả của 10 ác nghiệp

* Quả của 10 ác nghiệp trong kiếp hiện tại

10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), mà 12 ác tâm này có khả năng sinh quả trong kiếp hiện tại đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm (đó là 7 tâm không có nhân thuộc quả bất thiện) tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng ngay trong kiếp hiện tại như sau:

-Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình ảnh xấu, không đáng hài lòng.

-Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh dở, không đáng hài lòng.

-Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần, các mùi hôi, không đáng hài lòng.

-Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần, các loại vị dở, không đáng hài lòng.

-Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần, tiếp xúc những hiện tượng cứng mềm, nóng, lạnh, xấu, không đáng hài lòng.

-Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

-Suy xét tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

* Quả của 10 ác nghiệp trong kiếp sau

10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm), mà 12 ác tâm này có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla) như sau:

- Thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla)

 Thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 12 ác tâm này, chỉ có 11 ác tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm, bởi vì tâm si này có năng lực yếu không có khả năng cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, nhưng có khả năng cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu) có khả năng sinh quả là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh tùy theo quả của ác tâm.

Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm tham có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài ngạ quỷ hoặc loài atula, bởi vì 2 loài chúng sinh này thường có tâm tham thèm khát...

Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm sân, có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài chúng sinh trong cõi địa ngục, bởi vì loài chúng sinh cõi địa ngục chịu nóng nảy khổ cực.

Nếu suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm là quả của tâm si, có nhiều năng lực, thì suy xét tâm hợp với thọ xả này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong loài súc sinh, bởi vì loài súc sinh có tính hay si mê.

- Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla)

Thời kỳ sau khi đã tái sinh kiếp sau, kiếp hiện hữu, tất cả 12 ác tâm này có khả năng sinh quả là 7 bất thiện quả vô nhân tâm. Trong 7 bất thiện quả vô nhân tâm ấy, suy xét tâm hợp với thọ xả nào thuộc về bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác giới xong, rồi suy xét tâm hợp với thọ xả ấy lại làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn kiếp cho đến mãn kiếp; rồi cuối cùng, chính suy xét tâm hợp với thọ xả ấy làm phận sự tử (chết) (cutikicca) chấm dứt kiếp hiện tại.

-Nhãn thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nhìn thấy sắc trần, những hình ảnh xấu, không đáng hài lòng.

-Nhĩ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nghe thanh trần, các âm thanh dở, không đáng hài lòng.

-Tỷ thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm ngửi hương trần, các mùi hôi, không đáng hài lòng.

-Thiệt thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm nếm vị trần, các loại vị dở, không đáng hài lòng.

-Thân thức tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm xúc giác xúc trần, tiếp xúc những hiện tượng cứng mềm, nóng, lạnh xấu, không đáng hài lòng.

-Tiếp nhận tâm thuộc bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

-Suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm suy xét những đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

Đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm có khả năng phát sinh trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp sau trong 11 cõi dục giới và một số cõi sắc giới, tùy theo mỗi hạng chúng sinh, và tùy theo mỗi cõi, nếu ác nghiệp cho quả của nó.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn