(Xem: 1761)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2227)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Sắc giới thiện nghiệp

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 10753)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển IV (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

Sắc giới thiện nghiệp

(Rupāvacarakusalakamm)

 

Phần 10 dục giới đại thiện nghiệpquả của 10 dục giới đại thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích sắc giới thiện nghiệpquả của sắc giới thiện nghiệp.

Trong quyển sách này chỉ trình bày, giải thích nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, phần sắc giới thiện nghiệp này không trình bày phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc, mà chỉ trình bày, giải thích về sắc giới thiện nghiệp và quả của sắc giới thiện nghiệp mà thôi.

Phương pháp thực hành pháp hành thiền định để phát sinh các bậc thiền hữu sắc sẽ trình bày, giải thích trong chương 9 Nền Tảng Phật Giáo quyển 7 “Pháp Hành”.

Pháp hành có 2 loại: Pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ.

Sắc giới thiện nghiệp

Sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanācetasika) đồng sinh với 5 sắc giới thiện tâm, cho nên sắc giới thiện nghiệp có 5 loại.

5 sắc giới thiện nghiệp không phát sinh nơi thân mônkhẩu môn, mà chỉ phát sinh nơi ý môn thuộc về ý thiện nghiệp mà thôi.

5 sắc giới thiện tâm đó là 5 bậc thiền hữu sắc phát sinh do nương nhờ nơi đề mục thiền định.

Pháp hành thiền định có 40 đề mục:

- 10 đề mục hình vòng tròn kasiṇa.

- 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha).

-10 đề mục tùy niệm (anussati).

- 4 đề mục tứ vô lượng tâm (appamaññā).

- 1 đề mục quán tưởng vật thực đáng nhờm (āhāre paṭikkūlasaññā).

- 1 đề mục tứ đại (catudhātuvavatthāna).

- 4 đề mục vô sắc (āruppa).

Trong 40 đề mục thiền định này, mỗi đề mục có tính chất thô hoặc vi tế khác nhau, dẫn đến sự chứng đắc bậc thiền hữu sắc khác nhau, được phân loại các đề mục thiền định như sau:

* 10 đề mục dẫn đến cận định (upacārasamādhi):

1. Đề mục niệm Ân đức Phật.

2. Đề mục niệm Ân đức Pháp.

3. Đề mục niệm Ân đức Tăng.

4. Đề mục niệm về giới trong sạch của mình.

5. Đề mục niệm về sự bố thí của mình.

6. Đề mục niệm 5 pháp của chư thiên ở trong mình.

7. Đề mục niệm về sự chết.

8. Đề mục trạng thái an lạc tịch tịnh của Niết Bàn.

9. Đề mục suy xét vật thực đáng nhờm.

10. Đề mục phân tích tứ đại: Đất, nước, lửa, gió.

10 đề mục thiền định này thuộc Chân nghĩa pháp (Para-matthadhamma) vô cùng vi tế, sâu sắc, ý nghĩa rộng lớn mênh mông bao la, vì vậy, định tâm không thể an trú vững chắc một nơi nhất định nào được. Do đó, 10 đề mục thiền định này chỉ có khả năng dẫn đến cận định mà thôi, không thể dẫn đến an định. Cho nên, vẫn còn là đại thiện tâm thuộc về dục giới thiện tâm.

* 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc:

10 đề mục tử thi bất tịnh.

1 đề mục niệm 32 thể trược trong thân.

11 đề mục thiền định này có tính chất thô nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc mà thôi, không thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc bậc cao.

* 3 đề mục vô lượng dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc:

Đề mục niệm rải tâm từ đến chúng sinh đáng yêu, đáng mến.

Đề mục niệm rải tâm bi đến chúng sinh đang khổ, mong được cứu khổ.

Đề mục niệm rải tâm hỷ đến chúng sinh đang hưởng sự hạnh phúc, an lạc.

3 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ tứ thiền hữu sắc nhưng không có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, bởi vì 3 đề mục này còn có thọ lạc là 1 trong các chi thiền.

* Đề mục niệm rải tâm xả dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc:

Hành giả đã thực hành đề mục niệm rải tâm từ, hoặc đề mục niệm rải tâm bi, hoặc đề mục niệm rải tâm hỷ đã chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ tứ thiền hữu sắc xong, rồi muốn chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc, hành giả cần phải thay đổi sang thực hành đề mục niệm rải tâm xả để chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

Đặc biệt đề mục niệm rải tâm xả chỉ có khả năng dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc mà thôi, cho nên, ngay khi bắt đầu hành giả không thể thực hành đề mục niệm rải tâm xả này.

* 11 đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc:

- 10 đề mục hình tròn kasiṇa.

- 1 đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra.

11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc. Cho nên, hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc, mà không cần thay đổi sang đề mục thiền định khác. Đặc biệt 10 đề mục hình tròn kasiṇa, khi hành giả thực hành thiền định sử dụng 1 trong 10 đề mục hình tròn kasiṇa dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc xong rồi; hành giả muốn thay đổi sang đề mục hình tròn kasiṇa khác, cũng dẫn đến chứng đắc từ đệ nhất thiền hữu sắc cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc một cách dễ dàng, trong trường hợp hành giả muốn luyện phép thần thông: Iddhividha abhiññā (thần túc thông).

Tính chất của 5 sắc giới thiện nghiệp

- 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh đối với hạng người có tam nhân: Vô tham, vô sân, vô si (tihetukapuggala) mà thôi; không thể phát sinh đối với hạng người có nhị nhân: Vô thamvô sân không có vô si (dvihetukapuggala).

- 5 bậc thiền hữu sắc này chỉ có thể phát sinh trong 22 cõi là cõi người, 6 cõi trời dục giới, và 15 cõi trời sắc giới phạm thiên, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì cõi này không có tâm, chỉ có thân mà thôi.

- 5 sắc giới thiện nghiệp này cho quả tái sinh (hóa sinh) trong 15 cõi trời sắc giới, không có cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, bởi vì tái sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này bằng nhóm sắc pháp gọi là jīvitanavakakalāpa làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca), làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca), và làm phận sự chuyển kiếp (chết) (cutikicca).

5 bậc thiền hữu sắc

Hành giả thực hành thiền định sử dụng đề mục thiền định có khả năng dẫn đến chứng đắc theo tuần tự từ đệ nhất thiền hữu sắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc như sau:

Ban đầu, hành giả thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có 5 chi thiền (jhānaṅga) có khả năng diệt bằng cách đè nén chế ngự (vikkhambhanapāhāna) được 5 pháp chướng ngại (nivaraṇa) ví như lấy đá đè cỏ, làm cho cỏ không thể vươn lên được.

5 chi thiền (jhānaṅga)

1. Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định duy nhất làm đối tượng.

2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định ấy.

3. Pīti: Hỷ được phát sinh do trú tâm quan sát nơi đề mục thiền định ấy.

4. Sukha: An lạc được phát sinh do tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định ấy.

5. Ekaggatā: Nhất tâm, định tâm vững chắc được phát sinh do an lạc trong đề mục thiền định ấy.

5 pháp chướng ngại (nivaraṇa)

1. Kāmacchanda nivaraṇa: Tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị xúc là pháp chướng ngại của thiền định.

2.Byāpāda nivaraṇa: Sân hận là pháp chướng ngại của thiền định.

3.Thīnamiddha nivaraṇa: Buồn chán - buồn ngủ là pháp chướng ngại của thiền định.

4. Uddhaccakukkucca nivaraṇa: Phóng tâm - hối hận là pháp chướng ngại của thiền định.

5. Viccikicchā nivaraṇa: Hoài nghi là pháp chướng ngại của thiền định.

5 chi thiền đè nén, chế ngự 5 pháp chướng ngại như thế nào?

Mỗi chi thiền có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt; và mỗi pháp chướng ngại cũng có mỗi trạng thái, mỗi tính chất riêng biệt. Cho nên, mỗi chi thiền có khả năng đặc biệt đè nén, chế ngự được mỗi pháp chướng ngại của thiền định như sau:

1.Vitakka: Hướng tâm đến một đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại buồn chán - buồn ngủ. (thīna-middha nivaraṇa)

2. Vicāra: Quan sát trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại hoài nghi. (viccikicchā nivaraṇa)

3. Pīti: Tâm hoan hỷ trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại sân hận. (byāpāda nivaraṇa)

4. Sukha: An lạc trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại phóng tâm - hối hận. (uddhacca-kukkucca nivaraṇa)

5. Ekaggatā: Nhất tâm trong đề mục thiền định nên diệt được 1 pháp chướng ngại tham dục. (kāmacchanda nivaraṇa)

Thiền hữu sắc có 5 bậc thiền

Hành giả thực hành thiền định thuộc hạng hành giả manda-puggala có trí tuệ bậc trung, có khả năng diệt được một chi thiền để chứng đắc mỗi bậc thiền. Do đó, thiền hữu sắc có 5 bậc thiền như sau:

1- Hành giả thực hành thiền định với một đề mục duy nhất ấy, định tâm phát sinh có đầy đủ 5 chi thiền đồng thời diệt bằng cách đè nén, chế ngự được 5 pháp chướng ngại, hành giả chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc.

* Đệ nhất thiền hữu sắc5 chi thiềnhướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

2- Sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hướng tâm (vitakka) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hướng tâm đồng thời chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc.

* Đệ nhị thiền hữu sắc còn 4 chi thiềnquan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

3- Sau khi đã chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền quan sát (vicāra) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền quan sát đồng thời chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc.

* Đệ tam thiền hữu sắc còn 3 chi thiềnhỷ, an lạc nhất tâm.

4- Sau khi đã chứng đắc đệ tam thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền hỷ (pīti) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền hỷ đồng thời chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc.

* Đệ tứ thiền hữu sắc còn 2 chi thiền an lạc nhất tâm.

1. Sau khi đã chứng đắc đệ tứ thiền hữu sắc, hành giả tiếp tục thực hành thiền định, xem xét thấy rõ chi thiền an lạc (sukha) còn thô, nên cần phải diệt, rồi tiếp tục thực hành thiền định với đề mục thiền định ấy, định tâm phát sinh có khả năng diệt bằng cách đè nén, chế ngự chi thiền an lạc thay bằng chi thiền xả đồng thời chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc.

* Đệ ngũ thiền hữu sắc còn 2 chi thiềnxả nhất tâm.

Thiền hữu sắc có 4 bậc thiền

Đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén có khả năng đặc biệt diệt bằng cách đè nén, chế ngự cả 2 chi thiền hướng tâm quan sát cùng một lúc, để chứng đắc đệ nhị thiền hữu sắc. Do đó, đối với hành giả là tikkhapuggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén, các bậc thiền hữu sắc có 4 bậc thiền như sau:

1. Đệ nhất thiền hữu sắc có 5 chi thiền là hướng tâm, quan sát, hỷ, an lạc nhất tâm.

2. Đệ nhị thiền hữu sắc có 3 chi thiền là hỷ, an lạc nhất tâm.

3. Đệ tam thiền hữu sắc có 2 chi thiền là an lạc nhất tâm.

4. Đệ tứ thiền hữu sắc có 2 chi thiền là xả nhất tâm.

Đó là 4 bậc thiền hữu sắc, đối với hành giả là tikkha-puggala có trí tuệ bậc thượng, sắc bén.

Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

5 bậc thiền hữu sắc5 sắc giới thiện tâm. 5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 sắc giới thiện tâm, mà 5 sắc giới thiện tâm cho quả là 5 sắc giới quả tâm.

5 sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh (hóa sinh) (paṭisandhikicca) trong 15 cõi sắc giới (không có cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên), rồi làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅga-kicca) và cuối cùng làm phận sự đổi kiếp (cutikicca) (chết) chấm dứt kiếp sắc giới phạm thiên.

15 cõi trời sắc giới chia thành 4 tầng trời sắc giới

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc, mà mỗi bậc thiền hữu sắc cho quả tâm tái sinh (hóa sinh) trong 1 tầng trời sắc giới tương ứng như sau:

* Quả của đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ nhất thiền sắc giới quả tâm ấy như sau:

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Chúng Thiên, có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ trụ(1).

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Phạm Phụ Thiên, có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ trụ.

- Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Đại Phạm Thiên, có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ trụ.

* Quả của đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm và đệ tam thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâmđệ tam thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm này tuy cho quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâmđệ tam thiền sắc giới quả tâm, nhưng 2 bậc thiền sắc giới quả tâm này làm phận sự cùng hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

- 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Quang Thiên, có tuổi thọ 2 đại kiếp trái đất.

- 2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Quang Thiên, có tuổi thọ 4 đại kiếp trái đất.

2 bậc thiền sắc giới thiện tâm bậc thượng cho quả là 2 bậc thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quang Âm Thiên, có tuổi thọ 8 đại kiếp trái đất.

* Quả của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền có 3 cõi tùy theo năng lực của đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm ấy như sau:

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc hạ cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc hạ làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Thiểu Tịnh Thiên, có tuổi thọ 16 đại kiếp trái đất.

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm bậc trung cho quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm bậc trung làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên, có tuổi thọ 32 đại kiếp trái đất.

Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm bậc cao cho quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Biến Tịnh Thiên, có tuổi thọ 64 đại kiếp trái đất.

* Quả của đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm:

Hành giả thực hành thiền định có khả năng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm ấy cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi tùy theo các hạng người như sau:

Hành giả là hạng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự chỉ hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi là Quảng Quả Thiên mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Quảng Quả Thiên này là tầng trời tột đỉnh của cõi trời sắc giới đối với hạng phàm nhân.

Đặc biệt hành giả là hạng phàm nhân, khi đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cùng với tâm nhàm chán 4 danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) phát nguyện rằng: “Khi tái sinh kiếp sau kế tiếp không có 4 danh uẩn, mà chỉ có 1 sắc uẩn mà thôi”. Do nguyện lực của hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, cho nên sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau bằng pháp gọi là jīvitanavakakapāla: Nhóm 9 sắc pháp có sắc mạng chủ là chính làm phận sự tái sinh (paṭisandhikicca) trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, rồi tiếp tục làm phận sự hộ kiếp (bhavaṅgakicca) và cuối cùng của kiếp phạm thiên làm phận sự đổi kiếp (chết) (cutikicca).

Trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên này chỉ có 1 uẩn là sắc uẩn mà thôi, nghĩa là vị Phạm thiên này không có tâm. Trước khi chết, nếu vị hành giả này đang ở trong tư thế nào trong 3 tư thế: Tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm (không có tư thế đi), thì sau khi chết, hóa sinh lên cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên, vị Phạm thiên ấy ở trong tư thế ấy là tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm. Cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất.

Vị Phạm thiên trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này không có tâm chỉ có thân mà thôi, có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên này, sau khi vị Phạm thiên ấy chết, thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

* Tại sao phải là thiện nghiệp kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ?

Bởi vì kiếp thứ nhất hiện tại, vị Phạm thiên tại cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên ấy là hạng chúng sinh không có tâm, chỉ có thân mà thôi, cho nên, trong kiếp thứ nhất hiện tại hoàn toàn không có tạo nghiệp nào cả. Kiếp thứ nhì, kiếp trước của vị Phạm thiên là hành giả đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện nghiệp đã cho quả tái sinh trong cõi trời sắc giới Vô Tưởng Thiên rồi.

Do đó, kể từ kiếp thứ 3 trở về trước trong quá khứ, những thiện nghiệp nào mà tiền kiếp của vị Phạm thiên ấy đã tạo sẽ có khả năng, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Hành giả là bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm. Sau khi chết, đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm này cho quả là đề ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên tùy theo năng lực của 5 pháp chủ:

Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tín pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Phiền Thiên, có tuổi thọ 1.000 (một ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tấn pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Vô Nhiệt Thiên, có tuổi thọ 2.000 (hai ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt niệm pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Hiện Thiên, có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt định pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Thiện Kiên Thiên, có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) đại kiếp trái đất.

- Nếu bậc Thánh Bất Lai đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm và đặc biệt tuệ pháp chủ có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác, thì đệ ngũ thiền này cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) đại kiếp trái đất.

Bậc Thánh Bất Lai chắc chắn chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại 1 trong 5 cõi trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Nếu bậc Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 cõi trời sắc giới: Cõi Vô Nhiệt Phiền, cõi Vô Nhiệt Thiên, cõi Thiện Hiện Thiên, cõi Thiện Kiên Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Do năng lực của pháp nào mà phân loại mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm làm 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng?

Trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền ấy được phân loại làm 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng là do năng lực của 2 pháp:

1. Năng lực của 5 pháp thuần thục, khi hành giả nhập bậc thiền (jhānasamāpatti).

2. Năng lực của 4 pháp thống chủ (adhipati).

* 5 pháp thuần thục (vasī)

1. Āvajjanavasī: Thuần thục trong sự suy xét chi thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền nào, rồi suy xét chi thiền của bậc thiền ấy liên tục với nhau.

2. Samāpajjanavasī: Thuần thục trong sự nhập thiền. Hành giả có khả năng nhập bậc thiền một cách rất mau lẹ.

3. Adhiṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự phát nguyện. Hành giả có khả năng phát nguyện muốn bậc thiền nào phát sinh liên tục suốt thời gian hạn định 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ... rồi nhập bậc thiền ấy.

4. Vuṭṭhānavasī: Thuần thục trong sự xả thiền. Hành giả có khả năng xả thiền đúng theo thời gian đã phát nguyện.

5.Paccavekkhaṇavasī: Thuần thục trong sự suy xét tính chất của mỗi chi thiền theo mỗi lộ trình tâm một cách mau lẹ.

Đó là 5 pháp thuần thục (vasī) mà hành giả thực hành thiền định cần phải hành mỗi khi chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy. Bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc bậc thiền hạ, hoặc bậc thiền trung, hoặc bậc thiền thượng là do năng lực của 5 pháp thuần thục.

Ví dụ: Hành giả sau khi đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

- Nếu hành giả không thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, thì 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy không có năng lực, cho nên đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc hạ, không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, nhưng 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy chưa đủ năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc trung, cũng không thể làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

- Nếu hành giả thường xuyên nhập đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm, khi 5 pháp thuần thục (vasī) của bậc thiền ấy có nhiều năng lực, thì đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm ấy trở thành đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm thuộc thiền bậc thượng, rồi hành giả có khả năng sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm.

Tương tự cách hành như vậy, 4 bậc thiền sắc giới thiện tâm còn lại là đệ nhị thiền sắc giới thiện tâm, đệ tam thiền sắc giới thiện tâm, đệ tứ thiền sắc giới thiện tâmđệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng như đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm.

* 4 pháp thống chủ (adhipati)

1. Chandādhipati: Tâm hài lòng làm thống chủ. Hành giả có tâm hài lòng mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

2. Vīriyādhipati: Tâm tinh tấn làm thống chủ. Hành giả có tâm tinh tấn mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

3. Cittādhipati: Tâm quyết tâm làm thống chủ. Hành giả có quyết tâm mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

4. Vīmaṃsādhipati: Trí tuệ làm thống chủ. Hành giả có trí tuệ mạnh nhất trong khi thực hành thiền định.

4 pháp thống chủ này là 4 tâm sở đồng sinh trong một đại thiện tâm.

Nếu pháp nào có năng lực mạnh nhất, thì pháp ấy trở thành pháp thống chủ, 3 pháp còn lại trở thành pháp hỗ trợ cho pháp thống chủ ấy.

Năng lực của 4 pháp thống chủ này có 3 bậc: Bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

Nếu pháp thống chủ có năng lực bậc nào đồng sinh với bậc thiền sắc giới thiện tâm, thì bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy thuộc năng lực bậc ấy.

Như vậy, trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mỗi bậc thiền sắc giới thiện tâm được phân loại làm 3 bậc thiền: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng do hai năng lực của 5 pháp thuần thục 4 pháp thống chủ.

Đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhất thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhất quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

Đệ nhị thiền sắc giới thiện tâmđệ tam thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ nhị thiền sắc giới quả tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ nhị quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên theo tuần tự 3 bậc quả thiền.

Đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tam thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tam quả thiền, có 3 cõi Phạm thiên: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên theo tuần tự 3 bậc thiền quả.

Đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng sinh quả là đệ tứ thiền sắc giới quả tâm, có 3 bậc: Thiền bậc hạ, thiền bậc trung, thiền bậc thượng làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới đệ tứ quả thiền có 7 cõi phạm thiên tùy theo hành giả phàm nhân và bậc Thánh Bất Lai.

* Về các hạng phạm thiên trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên

Đối với hạng phạm thiên còn là phàm nhân (puthujjana) chưa phải bậc Thánh Nhân, đã chứng đắc đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất. Trong khoảng thời gian tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu vị Phạm thiên này thực hành thiền định có khả năng chứng đắc lại đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm thì đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm cho quả là đệ ngũ thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới gọi Quảng Quả Thiên ấy.

Nếu vị Phạm thiên không chứng đắc đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, thì đến khi hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy, thiện nghiệp mà tiền kiếp của vị phạm thiên ấy đã tạo sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Đối với hạng Phạm thiên là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai ở tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên, nếu các bậc Thánh phạm thiên đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Arahán phạm thiên ấy tich diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

Nếu các bậc Thánh phạm thiên này chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, thì đến lúc hết tuổi thọ 500 đại kiếp trái đất tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên này, bậc Thánh Nhân ấy sau khi chết, chắc chắn đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm phát sinh rồi cho quả là đệ ngũ thiền hữu sắc quả tâm làm phận sự hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy và cứ như thế cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy.

Bậc Thánh phạm thiên tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, không tái sinh trở xuống tầng trời thấp hơn, chỉ hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên ấy cho đến khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi.

Tính Chất Của 4 Bậc Thánh Nhân

Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh từ thấp đến cao theo tuần tự:

1. Bậc Thánh Nhập Lưu.

2. Bậc Thánh Nhất Lai.

3. Bậc Thánh Bất Lai.

4. Bậc Thánh Arahán.

1. Bậc Thánh Nhập Lưu có 3 hạng

a) Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh 1 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

b) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh từ 2 kiếp đến 5 kiếp trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

c) Bậc Thánh Nhập Lưu còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp thứ 7 ấy, vị Thánh Nhập Lưu ấy sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

2. Bậc Thánh Nhất Lai là bậc Thánh chỉ còn tái sinh 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới). Trong kiếp ấy, vị Thánh Nhất Lai sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

3. Bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh không còn tái sinh trở lại cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới) mà chỉ còn tái sinh (hóa sinh) trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

Tính chất đặc biệt của bậc Thánh Bất Lai

Như vậy, trong cõi người và 6 cõi trời dục giới, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai sau chết, chắc chắn chỉ có sắc giới thiện nghiệp cho quả hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

Trường hợp, trong cõi người nếu bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh “Sukkhavipassaka” nghĩa là bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp nào trước, thì Bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết được hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm thiên bằng cách nào?

Thật ra, bậc Thánh Bất Lai là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được “kamāchanda nivaraṇatâm tham dục trong ngũ trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc là pháp chướng ngại của thiền định”. Bậc Thánh Bất Lai không còn kāmarāga (dục ái): Tham ái trong cõi dục giới nữa. Như vậy, tuy bậc Thánh Bất Lai không chứng đắc bậc thiền nào, nhưng tâm định lúc nào cũng không lay chuyền bởi những đối tượng ngũ trần. Do đó, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ đối với bậc Thánh Bất Lai.

Cho nên, trước lúc lâm chung, đối với bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh lên trước, sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Bậc Thánh Bất Lai không có sắc giới thiện nghiệp đang nằm ngũ say. Thậm chí, nếu có người đến giết bậc Thánh Bất Lai ấy, vừa tỉnh giác, bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh một cách dễ dàng và mau lẹ trước, sau đó chết, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm ấy cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới phạm thiên tương ứng theo bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Trong cõi trời dục giới, nếu vị chư thiên nào có đủ duyên lành lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, rồi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai. Khi trở lại cõi trời dục giới, vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy suy xét thấy cõi trời dục giới đầy đủ ngũ trần không còn thích hợp với bậc Thánh Bất Lai nữa. Cho nên vị chư thiên Thánh Bất Lai ấy phát nguyện từ bỏ cõi trời dục giới, thì bậc thiền hữu sắc thiện tâm được phát sinh trước, rồi mới chết. Sau khi chết, chính bậc thiền hữu sắc thiện tâm cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền hữu sắc quả tâm ấy.

Như vậy, trong cõi người, cõi trời dục giới tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai dù đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện tâm, hoặc dù chưa chứng đắc được bậc thiền sắc giới thiện tâm nào; trước lúc lâm chung, tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai chắc chắn đều có bậc thiền sắc giới thiện tâm. Cho nên, sau khi chết, bậc thiền sắc giới thiện tâm ấy phát sinh hoặc sắc giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh (hóa sinh) trong tầng trời sắc giới phạm thiên, tương ứng với bậc thiền sắc giới quả tâm ấy.

Trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, có 5 tầng trời sắc giới gọi là Phước Sinh Thiên: Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên. 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này chỉ dành riêng cho những bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm mà thôi. Ngoài ra, các hàng phàm nhân, bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai dù có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, cũng không thể tái sinh (hóa sinh) trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên này.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi bậc Thánh Bất Lai có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm đều được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Nếu bậc Thánh Bất Lai nào tuy có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, nhưng 5 pháp chủ: Tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ thuộc về loại thường hoặc loại trung bình, thì bậc Thánh Bất Lai ấy sau khi chết, đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm chỉ cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Quảng Quả Thiên mà thôi, không thể cho quả hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên.

Bởi vì, được hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên, bậc Thánh Bất Lai không chỉ có đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm, mà còn có 4 điều kiện như:

1. Vị Phạm thiên Thánh Bất Lai đã hóa sinh trong 5 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên rồi, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới khác hoặc trong tầng trời vô sắc.

2. Không hóa sinh trở lại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên cũ.

3. Sau khi chết tại tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên nào, sẽ không hóa sinh trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp, mà chỉ hóa sinh tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao mà thôi.

4. Phạm thiên Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới phạm thiên ấy.

Thực ra, trong mỗi tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên vị phạm thiên Thánh Bất Lai đều có thể chứng đắc thành bậc Thánh Arahán tại mỗi tầng trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Nếu vị Phạm thiên Thánh Bất Lai chưa chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong 4 tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc thấp là Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên Thiện Kiến Thiên, thì chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán trong tầng trời sắc giới Phước Sinh Thiên bậc cao gọi Sắc Cứu Cánh Thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết Bàn tại tầng trời sắc giới Sắc Cứu Cánh Thiên ấy.

4. Bậc Thánh Arahán là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái (taṇhā) mọi phiền não (kilesa) không còn dư sót nữa.

Do đó, bậc Thánh Arahán không còn tạo nghiệp mới nào. Tất cả mọi nghiệp cũ dù là thiện nghiệp, dù là bất thiện nghiệp (ác nghiệp), mà Ngài đã từng tạo và đã tích lũy từ vô thủy, vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, những nghiệp cũ ấy vẫn có thể cho quả của chúng trong kiếp hiện tại của Ngài, cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn. Sau khi Ngài đã tịch diệt Niết Bàn rồi đồng thời cũng chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Tất cả mọi nghiệp cũ gồm cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi kamma) không còn hiệu lực, không còn có cơ hội nào cho quả được nữa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn