(Xem: 1764)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2231)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Phước Thiện Nghe Pháp.

10 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 11206)


Nền Tảng Phật Giáo

Quyển V (Phước thiện)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

Phước Thiện Nghe Pháp (Dhammassavana)

 

Định nghĩa Dhammassavana

 

“Dhammaṃ suṇanti etenā’ti dhammassavanaṃ”

Những người nghe chánh pháp do đó gọi là dham-massavana, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm có yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm đúng theo thực tánh pháp.

Nghe Chánh Pháp

Có 2 hạng người nghe chánh pháp:

1- Hạng người nào nghe chánh pháp với ý nghĩ rằng: “Nếu ta thường nghe pháp, hiểu được pháp, nói pháp thì mọi người đều tán dương ca tụng ta là người có đức tin trong sạch trong chánh pháp. Như vậy, hạng người nghe pháp ấy được phước thiện nghe pháp không nhiều, có quả báu không nhiều.”

2- Hạng người nào nghe chánh pháp với ý nghĩ rằng: “ Ta thường nghe pháp, để học hỏi hiểu biết rõ chánh pháp, biết phân biệt phước thiện với tội lỗi, thiện pháp với ác pháp, thiện nghiệp với ác nghiệp, tà kiến với chánh kiến, pháp nên thực hành với pháp không nên thực hành, v.v… nên từ bỏ tà pháp, rồi thực hành theo chánh pháp, để được sự tiến hóa trong mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp, để đem lại sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai.

Như vậy, hạng người nghe pháp ấy được nhiều phước thiện nghe pháp (dhammassavanakusala) thật sự, có nhiều quả báu của phước thiện nghe chánh pháp vô cùng phong phú như vậy.”

Nghe chánh pháp là 1 trong 5 điều khó mà Đức Phật hằng ngày thường nhắc nhở các hàng Thanh Văn đệ tử rằng: “Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ.”

“Được nghe chánh pháp là điều khó.”

Thật vậy, khi nào Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Phật thuyết dạy chánh pháp, khi ấy, chúng sinh mới có cơ hội được nghe chánh pháp.

Chánh pháp đó là Bodhipakkhiyadhamma gồm có 37 Pháp chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, Đức Phật thuyết trong bài kinh Mahāparinibbāna-sutta [1] (kinh Đại Niết Bàn) có một đoạn rằng:

- Này chư tỳ khưu! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn đó là:

 *4 Pháp niệm xứ (Satipaṭṭhāna): 1) Niệm thân, 2) Niệm thọ, 3) Niệm tâm, 4) Niệm pháp.

* 4 Pháp tinh tấn (Samappadhāna): 1)Tinh tấn ngăn các ác pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh, 2) Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh, 3) Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh, 4) Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

* 4 Pháp thành tựu (Idhipāda):1)Thành tựu do hài lòng, 2) Thành tựu do tinh tấn, 3) Thành tựu do quyết tâm, 4) Thành tựu do trí tuệ.

* 5 Pháp chủ (Indriya): 1) Tín pháp chủ, 2) Tấn pháp chủ, 3) Niệm pháp chủ, 4) Định pháp chủ, 5) Tuệ pháp chủ.

* 5 Pháp lực (Bala):1) Tín pháp lực, 2) Tấn pháp lực, 3) Niệm pháp lực, 4) Định pháp lực, 5) Tuệ pháp lực.

* 7 Pháp giác chi (Bojjhaṅga): 1) Niệm giác chi, 

2) Phân tích giác chi, 3) Tinh tấn giác chi, 4) Hỷ giác chi, 5) Tịnh giác chi, 6) Định giác chi, 7) Xả giác chi.

* 8 Pháp chánh đạo (Magga): 1) Chánh kiến, 2) Chánh tư duy, 3) Chánh ngữ, 4) Chánh nghiệp, 5) Chánh mạng,

6) Chánh tinh tấn, 7) Chánh niệm, 8) Chánh định.

- Này chư tỳ khưu! Các chánh pháp ấy Như Lai đã thuyết giảng đến các con, để chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

- Này chư tỳ khưu! Bây giờ Như Lai nhắc nhở các con rằng:

Tất cả các pháp hữu vi (danh pháp - sắc pháp) có sự hoại là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh Đế bằng pháp không dể duôi, thực hành pháp hành Tứ niệm xứ.”

Thời gian còn không lâu, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn. Kể từ hôm nay chỉ còn lại 3 tháng nữa mà thôi, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.

Nếu chúng sinh không có cơ hội nghe chánh pháp thì chắc chắn không thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn được.

Thật vậy, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Sāriputta đã từng phát nguyện muốn trở thành Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất, và đã được Đức Phật Anomadassī [2] thọ ký Ngài sẽ trở thành vị Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Tiền kiếp của Ngài Đại Đức Sāriputta đã tạo 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama trải qua 19 Đức Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian, đó là Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma, Đức Phật Nārada, Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, có khoảng thời gian suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã được trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, để trở thành Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, khi ấy, kiếp chót của Ngài Đại Đức Sāriputta là vị Bồ Tát Đệ Nhất Tối Thượng Thanh Văn bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất sinh làm con của bà Sārī (con gái của ông trưởng giả) trong xóm nhà Upatissa gần kinh thành Rājagaha. Bà Sārī đặt tên con là Upatissa,

Công tử Upatissa có người bạn hữu là công tử Kolita cùng nhau đi chơi hội mà không cảm thấy vui, phát sinh động tâm về cuộc đời là khổ, nên hai người bạn bàn bạc với nhau cùng nhau xuất gia tìm con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi.

Thời ấy, trong kinh thành Rājagaha, vị đạo sư nổi tiếng Sañcaya là đạo trưởng phái ngoại đạo lớn có nhiều đệ tử, công tử Upatissa và công tử Kolita cùng nhóm thuộc hạ đến xin xuất gia trở thành đệ tử của vị đạo sư Sañcaya.

Sau khi xuất gia được 2 - 3 ngày, hai vị tu sĩ Upatissa và Kolita đã học thông hiểu phần lý thuyết của vị đạo sư Sañcaya, không còn gì để học nữa.

Hai vị tu sĩ Upatissa và Kolita bàn luận với nhau về phần lý thuyết của vị đạo sư Sañcaya chỉ là rỗng tuếch mà thôi, chắc chắn không phải là con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi.

Hai vị tu sĩ nhận thức đúng đắn rằng: “Lời dạy của vị đạo sư Sañcaya không phải là pháp dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi.” Còn pháp thực hành dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi thì 2 vị tu sĩ hoàn toàn không biết, nên 2 vị tu sĩ giao ước với nhau rằng: “Hai chúng ta nếu người nào tìm được vị thầy chỉ dạy Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trước tiên, thì người ấy cho người kia biết”. Sau khi giao ước xong, mỗi người chọn một con đường đi tìm Thầy.

Khi ấy, Đức Phật ngự đến kinh thành Rājagaha cùng nhóm chư Thánh Thanh Văn đệ tử vào ngày mồng một tháng giêng. Tu sĩ Upatissa đi vào kinh thành Rājagaha, nhìn thấy Ngài Đại đức Assaji là bậc Thánh A-ra-hán còn trẻ đang đi khất thực với cử chỉ thu thúc lục căn thanh tịnh, tu sĩ Upatissa phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài Đại đức Assaji, nên đi theo hộ độ Ngài.

Sau khi Ngài độ vật thực xong, tu sĩ Upatissa cung kính đảnh lễ, chắp tay bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, lục căn của Ngài thanh tịnh, gương mặt của Ngài trong sáng thật đáng tôn kính.

- Kính bạch Ngài, Ngài xuất gia với Đức Tôn Sư nào?

 Đức Tôn Sư của Ngài là Bậc nào?

Ngài hài lòng hoan hỷ chánh pháp Đức Tôn Sư nào?

Ngài Đại đức Assaji đáp rằng:

- Này hiền giả, tôi xuất gia với Đức Phật Gotama, xuất thân từ dòng dõi Sakya. Vị Tôn Sư của tôi là Đức Phật Gotma. Tôi hài lòng hoan hỷ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Tu sĩ Upatissa bạch hỏi tiếp rằng:

- Kính bạch Ngài, giáo pháp của Đức Phật Gotama, Đức Tôn Sư của Ngài thuyết dạy như thế nào? Kính xin Ngài thuyết dạy cho con nghe chánh pháp ấy.

Ngài Đại Đức Assaji thuyết dạy rằng:

- Này hiền giả! Giáo pháp của Đức Phật Gotama rộng lớn mênh mông, vô cùng sâu sắc và tế nhị, tôi là vị tỳ khưu trẻ mới xuất gia chưa hiểu biết nhiều, tôi chỉ có thể chỉ dạy tóm tắt ngắn gọn mà thôi.

- Kính bạch Ngài, con là tu sĩ Upatissa, kính xin Ngài thuyết pháp chỉ dạy dù nhiều dù ít cũng tốt đối với con.

Ngài Đại đức Assaji thuyết bài kệ rằng:

 “Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha.

 Tesañca yo nirodho, evaṃ vādī mahāsamaṇo” [3]

Ý nghĩa:

- Này hiền giả! Những pháp ngũ uẩn nào là pháp khổ đế đều sinh từ tham ái, nhân sinh khổ đế ấy.

Đức Phật thuyết dạy tham ái, nhân sinh khổ đế ấy và thuyết dạy Niết Bàn diệt tham ái.

Đức Phật Gotama bậc Đại Sa-môn thường thuyết dạy chân lý tứ Thánh đế như vậy.

Trong khi lắng nghe Ngài Đại đức Assaji thuyết bài kệ tóm tắt về chân lý tứ Thánh Đế gồm có 4 câu. Vốn là vị Bồ Tát Đệ Nhất Tối Thượng Thanh Văn bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất, nên vừa nghe hai câu đầu của bài kệ, tu sĩ Upatissa đã chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama ngay tại nơi ấy.

Sau khi trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, tu sĩ Upatissa cung kính đảnh lễ Ngài Đại Đức Assaji, rồi xin phép trở về tìm bạn hữu là tu sĩ Kolita.

Tu sĩ Upatissa thuyết lại bài kệ này cho tu sĩ Kolita nghe, sau khi nghe xong, tu sĩ Kolita cũng liền chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Sau đó, tu sĩ Upatissa và tu sĩ Kolita dẫn nhóm học trò 250 vị tu sĩ của vị đạo sư Sañcaya đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Đức Phật cho phép xuất gia bằng cách gọi “Etha bhikkhavo!”

Tu sĩ Upatissa tu sĩ Kolita cùng nhóm học trò đều trở thành tỳ khưu. Từ đó, tỳ khưu Upatissa được gọi là vị Trưởng Lão Sāriputta và tỳ khưu Kolita được gọi là vị Trưởng Lão Mahāmoggallāna.

Đức Phật thuyết pháp tế độ nhóm tỳ khưu ấy, tất cả 250 vị tỳ khưu đều chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, chỉ trừ 2 vị Trưởng Lão Sāriputta và Trưởng Lão Mahāmoggallāna chưa chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.

Sau khi trở thành tỳ khưu được 7 ngày, vị Trưởng Lão Mahāmoggallāna chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cùng các phép thần thông xuất sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Và sau khi trở thành tỳ khưu được 15 ngày, vị Trưởng Lão Sāriputta chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán có trí tuệ sâu sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Tuyên Dương Ngôi Vị Tối Thượng Thanh Văn

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy, ngự giữa chư tỳ khưu Tăng, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

“Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhik-khūnaṃ mahāpaññānaṃ yadidaṃ Sāriputto.”

- Này chư tỳ khưu! Sāriputta là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử bên phải có đại trí tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Như Lai.

“Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhik-khūnaṃ iddhimantānaṃ yadidaṃ Mahāmoggallāno.”

- Này chư tỳ khưu! Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử bên trái có các phép thần thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Như Lai.

Hai Ngài Trưởng Lão đã thành tựu được ý nguyện của mình, đúng như Đức Phật Anomadassī quá khứ đã thọ ký.

Đối với các hàng Thanh Văn Bồ Tát, dù là bậc nào cũng cần phải lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác mới có khả năng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Thanh Văn  được.

Như tu sĩ Upatissa vốn là vị Bồ Tát Đệ Nhất Tối Thượng Thanh Văn bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất, đã tạo 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất đã được đầy đủ trọn vẹn, nhưng Ngài tự mình không thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán được.

Đến khi lắng nghe Ngài Đại Đức Assaji thuyết bài kệ tóm tắt về chân lý tứ Thánh đế gồm có 4 câu, Tu sĩ Upatissa chỉ nghe 2 câu đầu, liền chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay tức thì, do nhờ vốn trí tuệ siêu việt của Ngài.

Nghe chánh pháp là điều tối ư quan trọng đối với tất cả chư Đức Bồ Tát: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Độc Giác, chư vị Bồ Tát Thanh Văn Giác đều tôn trọng cung kính nghe chánh pháp.

Riêng kiếp chót của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thì chắc chắn không có thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị trên toàn cõi thế giới chúng sinh.

chư Đức Bồ Tát Độc Giác kiếp chót, cũng không có thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Độc Giác có nhiều Vị trong cùng một thời kỳ.

Tất cả các vị Bồ Tát Thanh Văn Giác: Vị Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác, vị Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác, vị Bồ Tát Thanh Văn Giác hạng thường đều phải nghe chánh pháp từ Đức Phật Chánh Đẳng Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; hoặc chứng đắc đến Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai; hoặc chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai; hoặc chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tùy theo năng lực pháp hạnh Ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi bậc Thánh. Và Đức Phật hằng ngày cũng thường nhắc nhở các hàng Thanh Văn đệ tử rằng: 

 Appamādena bhikkhave sampādetha,

Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ….”

“- Này chư tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ!

Các con chớ nên dể duôi, hãy nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, thực hành pháp hành tứ niệm xứ. Bởi vì Đức Phật xuất hiện trên thế gian là điều khó.”

Theo lịch sử Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã tạo 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, trải qua 3 thời kỳ:

 

*Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác nghĩ trong tâm phát nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai, rồi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ.[4] 

*Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác phát nguyện ra bằng lời nói để cho chúng sinh biết rõ ý nguyện của mình muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, rồi tiếp tục thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ.

Dù Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt đã thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trải qua 2 thời kỳ suốt 16 a-tăng-kỳ, vẫn còn là Aniyatabodhisatta: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác bất định, nghĩa là Đức Bồ Tát ấy có thể từ bỏ ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mà chỉ muốn trở thành Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác .

Nếu Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt vẫn giữ duy trì ý nguyện xưa thì tiếp tục thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật đến thời kỳ chót.

*Thời kỳ chót: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama của chúng ta là đạo sĩ Sumedha chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc và 4 bậc thiền vô sắc, chứng đắc 5 phép thần thông tam giới, đến hầu đảnh lễ Đức Phật Dīpaṅkara.


[1] Dī. Mahāvaggapāḷi, Kinh Mahāparinibbānasuttapāḷi

 [2] Từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, có khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

[3] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga phần Sāriputtamoggallāna pabhajjākathā.

[4] A-tăng-kỳ (Asaṅkheyya) là khoảng thời gian trải qua vô số kiếp trái đất qua 4 a-tăng-kỳ thành-trụ-hoại-không, mà không thể tính bằng số được.

 


Thấy rõ, biết rõ Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha hội được đủ 8 pháp để thọ ký, với nhãn thông thấy rõ thời vị lai của Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha, nên Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:

“Trong thời vị lai còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đạo sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức PhậtGotama,

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký đầu tiên xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama. Bắt đầu từ kiếp Đạo sĩ Sumedha, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama trở thành Niyatabodhisatta: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định.

Từ đó, suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, mỗi khi có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đều đến hầu đảnh lễ Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy, và được Ngài thọ ký xác định thời gian còn lại theo tuần tự:

Đức Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, tiếp theo Đức Phật Koṇḍañña, Đức Phật Maṅgala, Đức Phật Sumana, Đức Phật Revata, Đức Phật Sobhita, Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma, Đức Phật Nārada, Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian.

Khi ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Bà-la-môn Jotipāla đến hầu đảnh lễ Đức Phật Kassapa, nghe Ngài thuyết pháp, rồi phát sinh đức tin trong sạch xin xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài.

Về sau, Đức Phật Kassapa cuối cùng thọ ký rằng:

Trong thời vị lai, ngay cùng trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, vị tỳ khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama,…” 

Như vậy, khoảng thời gian suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, có 24 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự xuất hiện trên thế gian.

Theo lịch sử thời gian, sau khi Đức Phật Dīpaṅkara tịch diệt Niết Bàn, rồi chánh pháp của Ngài bị tiêu hoại dần dần cho đến khi chánh pháp bị tiêu hoại hoàn toàn, rồi sau đó thời gian suốt 1 a-tăng-kỳ kiếp trái đất trải qua 4 a-tăng-kỳ thành-trụ-hoại-không, vô số kiếp trái đất không thể tính bằng số mà không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thời gian, gọi là Suñña-kappa: Kiếp trái đất không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện, mãi cho đến kiếp trái đất gọi là Sārakappa mới có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Koṇḍañña xuất hiện trên thế gian.

Do đó, Đức Phật dạy rằng: 

“Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ…..”

(Đức Phật xuất hiện trên thế gian là điều khó.”)

“Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ.”

(Được nghe chánh pháp là điều khó.)

Cho nên, sự nghe chánh pháp của các hàng thanh văn đệ tử của Đức Phât không những đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai, mà còn loài súc sinh cũng có thể đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai. Ví dụ:

Như tích Maṇḍūkadevaputta (1) (Chư thiên ếch), được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự đến bờ hồ Gaggarā thuyết pháp tế độ dân chúng Campā. Một con ếch nhảy lên bờ hồ, nằm nghe giọng phạm âm của Đức Thế Tôn, với đức tin trong sạch nơi Ngài. Khi ấy, một người chăn bò đứng đằng sau, lắng nghe pháp, tay cầm cây nhọn, vô ý cắm xuống đất đụng phải đầu con ếch đang nằm lắng nghe giọng phạm âm của Đức Thế Tôn, với đức tin trong sạch, con ếch chết ngay khi ấy.

Sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả liền hóa sinh làm thiên nam ở cõi Tam Thập Tam Thiên trong một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có chư thiên nữ hầu hạ. Vị thiên nam suy xét: “Ta từ đâu đến hóa sinh làm thiên nam ở cõi Tam Thập Tam Thiên này?”

Vị thiên nam nhớ lại tiền kiếp mình là loài ếch, sống dưới hồ Gaggarā, lên bờ nằm lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, với đức tin trong sạch, kiếp ếch ấy chết rồi, nhờ thiện nghiệp ấy cho quả được hóa sinh làm thiên nam ở cõi trời này.

Thấy rõ Đức Thế Tôn đang còn thuyết pháp tại gần bờ hồ Gaggarā, vị thiên nam ếch quyết định hiện xuống hầu Đức Phật, còn đem theo lâu đài bằng vàng cùng các thiên nữ, có hào quang sáng ngời, đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết rõ, nhưng muốn cho các hàng Thanh Văn đệ tử thấy rõ quả báu nghe pháp, nên Ngài hỏi:

 “Ko me vandāti padāni, iddhiyā yasasā jalaṃ.

 Abhikkantena vaṇṇena, sabbā obhāsayaṃ disā.”

 

“Này thiên nam! Ngươi là ai đến đây?

 Có thân hình đẹp hào quang sáng ngời,

 Tỏa ra mọi hướng, có nhiều oai lực,

 Các thiên nữ xinh đẹp theo hầu hạ,

 Đảnh lễ dưới bàn chân của Như Lai”

Chư thiên ếch bạch rằng:

Maṇḍūko’ haṃ pure asiṃ, udake vārigocaro Tava dhammaṃ suṇantassa, avadhi vacchapālako…”

“Kính bạch Đức Thế Tôn cao thượng nhất,

Con tên là thiên nam Măn-đu-ká,

 Mới kiếp trước đây là con ếch nhỏ,

 Sinh ra và sống ở tại hồ này,

 Con nhảy lên đang nghe pháp của Ngài,

 Người chăn bò đứng nghe pháp vô ý,

 Cắm cây gậy đụng đầu, làm con chết.

Kính bạch Đức Thế Tôn cao thượng nhất,

Trong khoảnh khắc nghe pháp với đức tin,

Nơi giọng phạm âm của Đức Thế Tôn.

Sau khi con chết, nhờ thiện nghiệp ấy,

Cho quả hóa sinh được làm thiên nam.

Như Ngài nhìn thấy thân hình con đẹp,

Có hào quang sáng ngời tỏa muôn phương,

Có nhiều oai lực, hưởng mọi an lạc,

Các thiên nữ ngày đêm hầu hạ con.

Kính bạch Đức Thế Tôn cao thượng nhất,

Chúng sinh nào có duyên lành nghe pháp,

Chúng sinh ấy được chứng ngộ chân lý,

Chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, Niết Bàn,

Được giải thoát khổ tử sinh luân hồi.”

Sau đó, Đức Thế Tôn xem xét thấy các hàng Thanh Văn đệ tử có đức tin trong sạch, nên Ngài thuyết pháp tế độ vị thiên nam Maṇḍūka cùng với 84.000 chúng sinh gồm có nhân loại và chư thiên đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu….Vị thiên nam Maṇḍūka cùng chư thiên nữ cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn và chư Đại Đức Tăng xin phép trở về cõi trời Tam thập Tam thiên.

Tích 500 Con Dơi Lắng Nghe Âm Thanh Pāḷi 

Theo Nidānakathā của bộ Dhammasaṅganī aṭṭhakathā pāḷi gọi Aṭṭhasālinī aṭṭhakathāpāḷi đề cập đến Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) hiện hữu trong cõi người được bắt nguồn như sau:

Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian. 500 con dơi ở trong một động lớn, khi ấy, một nhóm chư Đại Đức tụng đọc ôn Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ là Dhammasaṅganī-pāḷi, Vibhaṅgapāḷi, Dhātukathāpāḷi, Puggalapaññatti-pāḷi, Kathāvatthupāḷi, Yamakapāḷi, Paṭṭhānapāḷi, tại động đá ấy. Hằng ngày, 500 con dơi ấy có đức tin trong sạch vô cùng hoan hỷ lắng nghe âm thanh Pāḷi của chư Đại Đức tụng đọc ôn Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma-piṭaka) ấy.

Sau khi 500 con dơi ấy chết, thiện nghiệp lắng nghe âm thanh Pāḷi cho quả tái sinh lên cõi trời, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp 500 con dơi ấy cùng nhau sinh làm dân chúng trong kinh thành Sāvatthi, cùng nhau xuất gia trở thành 500 đệ tử của Ngài Đại Đức Sāriputta.

Hạ thứ 7, Đức Phật ngự lên cõi trời Tam thập tam thiên an cư nhập hạ suốt 3 tháng [1] trong mùa mưa, để thuyết giảng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ là Dhammasaṅganīpāḷi, Vibhaṅgapāḷi, Dhātukathāpāḷi, Puggalapaññattipāḷi, Kathāvatthupāḷi, Yamakapāḷi, Paṭṭhānapāḷi, suốt 3 tháng, để tế độ Phật mẫu (kiếp hiện tại là vị thiên nam tên Santussita từ cõi trời Đâu-suất-đà-thiên hiện xuống).

Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức Phật hóa ra một Đức Phật (hóa thân) ngồi tiếp tục thuyết giảng tự nhiên,   còn Đức Phật thật ngự đi đến Uttarakurudīpa (Bắc- câu- lưu-châu) để đi khất thực.

Sau khi khất thực xong, Đức Phật ngự đến khu rừng trầm gần hồ Anotatta tại bìa rừng Himavanta để độ vật thực. Khi ấy, Ngài Đại Đức Sāriputta đến hầu phục vụ Đức Thế Tôn. Sau khi độ vật thực xong, Đức Thế Tôn thuyết giảng tóm tắt đầu đề phần Vi Diệu Pháp mà Ngài đã thuyết giảng tại cõi trời cho Ngài Đại Đức Sāriputta nghe, sau đó Đức Thế Tôn ngự trở lại lên cõi trời thay thế Đức Phật (hóa thân) tiếp tục thuyết giảng tự nhiên. (chỉ có phạm thiên bậc cao mới có khả năng biết được mà thôi).

Sau khi Đức Phật ngự lên cõi trời Tam thập Tam thiên, Ngài Đại Đức Sāriputta trở về dạy nhóm 500 đệ tử phần Vi Diệu Pháp mà Ngài đã học từ nơi Đức Phật, theo cách không tóm tắt quá cũng không khai triển quá (nātisaṅkhepa nātivitthāranaya). Nhóm 500 đệ tử này vốn tiền kiếp là 500 con dơi ở trong động nghe chư Đại Đức tụng đọc ôn tạng Vi Diệu Pháp trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. 

Mỗi ngày đến giờ, Ngài Đại Đức Sāriputta đều đến hầu phục vụ Đức Thế Tôn tại khu rừng trầm gần hồ Anotatta tại bìa rừng Himavanta xong, rồi Ngài nghe Đức Phật dạy phần Vi Diệu Pháp ngày hôm ấy.

Sau khi dạy xong, Đức Phật ngự lên cõi trời, còn Ngài Đại Đức Sāriputta trở về tiếp tục dạy nhóm 500 đệ tử phần Vi Diệu Pháp mà Ngài đã học từ nơi Đức Phật theo cách như ngày trước.

Như vậy, Đức Phật thuyết giảng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ là Dhammasaṅganī-pāḷi, Vibhaṅgapāḷi, Dhātukathāpāḷi, Puggalapaññatti-pāḷi, Kathāvatthupāḷi, Yamakapāḷi, Paṭṭhānapāḷi, suốt 3 tháng tại cõi trời Tam thập Tam thiên, để tế độ Phật mẫu (kiếp hiện tại là vị thiên nam tên Santussita từ cõi trời Đẩu suất đà thiên hiện xuống). Vị thiên nam Santussita chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo- Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu cùng với vô số chư thiên và phạm thiên cũng trở thành bậc Thánh cao hoặc thấp tùy theo Ba-la-mật của mỗi vị.

Tại cõi người suốt 3 tháng hạ, Ngài Đại Đức Sāriputta cũng dạy nhóm 500 đệ tử về tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ là Dhammasaṅganī-pāḷi, Vibhaṅgapāḷi, Dhātukathāpāḷi, Puggalapaññatti-pāḷi, Kathāvatthupāḷi, Yamakapāḷi, Paṭṭhānapāḷi, mà Ngài đã học mỗi ngày từ nơi Đức Phật tại khu rừng trầm gần hồ Anotatta tại bìa rừng Himavanta.

Sở dĩ nhóm 500 đệ tử của Ngài Đại Đức Sāriputta là những vị Đại Đức đầu tiên học tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ, tại cõi người, là vì tiền kiếp của 500 vị Đại Đức này là 500 con dơi có đức tin trong sạch lắng nghe âm thanh Pāḷi của chư Đại Đức tụng đọc ôn tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm 7 bộ là Dhammasaṅganīpāḷi, Vibhaṅgapāḷi, Dhātukathā- pāḷi, Puggalapaññattipāḷi, Kathāvatthupāḷi, Yamakapāḷi, Paṭṭhānapāḷi trong thời kỳ Đức Phật Kassapa.

Qua tích Maṇḍūkadevaputta tích 500 con dơi lắng nghe âm thanh Pāḷi, con ếch và 500 con dơi thuộc về loài súc sinh, con ếch nghe âm thanh Pāḷi của Đức Phật thuyết pháp, và 500 con dơi lắng nghe âm thanh Pāḷi của chư Đại Đức tụng đọc ôn tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka) nên phát sinh thiện tâm có đức tin trong sạch nơi âm thanh Pāḷi, mà có quả báu lớn lao vô lượng như vậy.

Pháp Trở Thành Bậc Thánh Nhập Lưu

Hạng phàm nhân có đủ tam nhân [2] đã tích lũy các pháp hạnh Ba-la-mật đầy đủ, để trở thành bậc Thánh Nhập Lưu cần phải hội đủ 4 nhân duyên thiết yếu, như trong bài kinh Sotāpattiphalasutta [3]: Kinh Nhập Lưu Thánh Quả như sau:

- Này chư tỳ khưu! Có 4 pháp này được thực hành nhiều để chứng đắc Nhập Lưu Thánh Quả. 4 pháp này là:

1- Sappurisasaṃseva: Gần gũi thân cận với bậc thiện trí.

2- Saddhammassavana: Nghe chánh pháp của bậc thiện trí.

3- Yonisomanasikāra: Hiểu biết rõ trong tâm đúng theo thực tánh của các pháp.

4- Dhammānudhammappaṭipatti:Thực hành theo pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, và Niết Bàn.

 - Này chư Tỳ khưu! Đó là 4 pháp mà được thực hành nhiều để chứng đắc Nhập Lưu Thánh Quả.

Đối với chư vị Thanh văn Bồ Tát mong trở thành bậc Thánh Thanh Văn đều cần phải lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Môn Học Trong Đời

Nếu trường hợp những người nghe, học hỏi những môn học trong đời không làm khổ mình, cũng không làm khổ người khác hoặc chúng sinh khác trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc trong kiếp hiện tại cho mình và cho những người khác, các chúng sinh khác, thì cũng được xem như phước thiện nghe pháp.

Quả Báu Của Sự Nghe Pháp

Người nghe chánh pháp có được 5 quả báu, như trong kinh Dhammassavanasutta ([8][4]) Kinh nghe chánh pháp như sau:

- Này chư Tỳ khưu! Người nghe chánh pháp có được 5 quả báu là:

* Nghe chánh pháp mà chưa từng nghe,

* Làm cho hiểu biết rõ chánh pháp đã từng nghe,

* Thoát ra khỏi sự hoài nghi trong chánh pháp,

* Làm cho hiểu biết đúng đắn trong chánh pháp,

* Tâm của người nghe có đức tin trong sạch trong chánh pháp.

- Này chư tỳ khưu! Đó là 5 quả báu của sự nghe chánh pháp.

Nghe Chánh Pháp (Saddhammassana)

Nghe chánh pháp là điều cần thiết đối với các hàng chúng sinh còn là phàm nhân chưa phải bậc Thánh nhân, như nhân loại, chư thiên các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong 15 cõi trời sắc giới (trừ cõi trời vô tưởng thiên, bởi vì chư phạm thiên này không có tâm để nghe chánh pháp và chư phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới, bởi vì chư phạm thiên này không có thân, không có lỗ tai để nghe chánh pháp).

Và cũng cần thiết đối với các bậc Thánh Hữu họcbậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai, bởi vì 3 bậc Thánh Hữu học này còn phải nghe chánh pháp, để thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Chư Thánh A-ra-hán Nghe Chánh Pháp

Chư Thánh A-ra-hán nghe chánh pháp không phải để thực hành, mà quý Ngài nghe để ghi nhớ chánh pháp, duy trì, bảo tồn chánh pháp, nên quý Ngài thường nghe Đức Phật thuyết pháp, và đôi khi cũng nghe chánh pháp từ vị Thánh A-ra-hán khác thuyết pháp: Như Ngài Đại Đức Sāriputta, bậc Thống Pháp (Dhammasenāpati), bậc Thánh Tối Thượng Thanh văn bên phải có đại trí tuệ siêu việt cũng đến nghe chánh pháp do Ngài Đại Đức Puṇṇamantāṇiputta thuyết bài kinh Rathavinītasutta. [5]

Sau khi nghe và đàm đạo với Ngài Đại Đức Puṇṇa về 7 pháp thanh tịnh (visuddhi), Ngài Đại Đức Sāriputta vô cùng hoan hỷ nói lời Sādhu! Lành thay! Tán dương ca tụng Ngài Đại Đức Puṇṇa có tài thuyết giảng chánh pháp rõ ràng, và Ngài Đại Đức Puṇṇa cũng tán dương ca tụng Ngài Đại Đức Sāriputta có trí tuệ siêu việt.


[1] Khuddkanikāya, Vimānavatthu, tích Maṇḍūkadevaputtavimānavatthu

 [1] 3 tháng ở cõi người, thời gian trên cõi trời Tam thập tam thiên khoảng 3 phút 36 giây, bởi vì 1 ngày 1 đêm cõi trời này, bằng 100 năm ở cõi người. 

 [2] Hạng phàm nhân có tam nhân là vô tham, vô sân, vô si từ khi tái sinh.

 [3] Saṃ. Mahāvaggasaṃyuttapāḷi, Kinh Sotāpattiphalasutta

 [4] Bộ Aṅg. Phần Pañcakanipāta, Kinh Dhammassavanasutta

 [5] M. Mūlapaṇṇāsapāḷi, Rathavinītasutta

 

Đức Phật Cung Kính Pháp

Một đêm nọ, Ngài Đại Đức Nanda ngồi thuyết pháp tại giảng đường từ đầu hôm cho đến sáng trọn đêm suốt 3 canh, Đức Thế Tôn ngự đến đứng một nơi nghe chánh pháp trọn đêm suốt 3 canh. Đến khi mãn thời pháp, Đức Thế Tôn thốt lên lời hoan hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu!” “Lành thay! Lành thay!”

Khi ấy, Ngài Đại Đức Nanda đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

- Kāya velāya Bhante, āgatattha?

- Tayā suttante āraddhamatte.

- Dukkaraṃ karittha Bhante, Buddhasukhumālā tumhe.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài ngự đến đây từ khi nào? Bạch Ngài.

- Này Nanda! Như Lai ngự đến đứng nơi đây từ khi con bắt đầu thuyết pháp.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đức Phật tối thượng đã làm điều thật khó làm.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Sace tvaṃ Nanda, kappaṃ desetuṃ sakkuṇeyyāsi, kappamattampā’haṃ ṭhitakova suṇeyyaṃ [1]

- Này Nanda! Nếu con có thể thuyết pháp suốt kiếp thì Như Lai cũng đứng nghe chánh pháp suốt kiếp được.

Chư Đức Thế Tôn đều cung kính chánh pháp như vậy. 

 (Evaṃ dhammagaruno Tathāgatā).

Tích Ngài Đại Đức Soṇakuṭikaṇṇa

Tích Ngài Đại Đức Soṇakuṭikaṇṇa[2] được tóm lược một phần như sau:

Trong quá khứ, thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Soṇakuṭikaṇṇa đến hầu đảnh lễ Đức Phật, nghe chánh pháp. Khi ấy, thấy Đức Phật Padumuttara tuyên dương vị tỳ khưu có đức hạnh thuyết pháp với giọng hay nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ngài, nên tiền kiếp của Ngài Đại Đức nghĩ rằng: “Ta cũng nên trở thành vị tỳ khưu có đức hạnh thuyết pháp với giọng hay nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong thời vị lai.”

Cho nên, tiền kiếp Ngài Đại Đức kính thỉnh Đức Phật Padumuttara ngự đến tư thất cùng chư Đại Đức Tỳ khưu Tăng, để làm phước thiện bố thí cúng dường suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, tiền kiếp Ngài Đại Đức kính bạch với Đức Phật Padumuttara rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã tuyên dương vị tỳ khưu có đức hạnh thuyết pháp với giọng hay nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ngài. Nay con cũng có ý nguyện muốn trở thành ngôi vị như vị tỳ khưu ấy, trong giáo pháp của Đức Phật trong thời vị lai.

Nghe tiền kiếp của Ngài Đại Đức bạch như vậy, Đức Phật Padumuttara  xem xét thấy không gì trở ngại, nên thọ ký xác định thời gian rằng:

- Này thí chủ! Trong thời vị lai, còn 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, con sẽ là vị tỳ khưu có đức hạnh thuyết pháp với giọng hay nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.

Sau khi nghe Đức Phật Padumuttara ([3]thọ ký như vậy, tiền kiếp Ngài vô cùng hoan hỷ biết ý nguyện của mình sẽ được thành tựu. Tiền kiếp Ngài tiếp tục tử sinh luân hồi trong các cõi trời và cõi người, để tạo 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ suốt thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất.

Trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp của Ngài Đại Đức sau khi chết từ cõi trời, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp chót của Ngài Đại Đức đầu thai vào lòng cận sự nữ Kāḷī tại tỉnh Kuraraghara. Mang thai đủ tháng, cận sự nữ Kāḷī trở về nhà cha mẹ tại kinh thành Rājagaha để sinh con.

Khi ấy, nghe 2 Dạ-xoa đàm thoại với nhau, cận sự nữ Kāḷī ngồi dậy lắng nghe rõ Dạ-xoa Sātāgira và Dạ-xoa Hemavata tán dương ca tụng chánh pháp của Đức Phật Gotama. Cận sự nữ Kāḷī chưa từng thấy Đức Phật, chỉ nghe chánh pháp, rồi phát sinh đức tin trong sạch thực hành theo chánh pháp dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo-Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh nữ Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Trong đêm ấy, cận sự nữ Kāḷī sinh hạ đứa con trai, đặt tên là Soṇa. Cận sự nữ Kāḷī ở nhà cha mẹ một thời gian, rồi trở lại nhà của mình.

Khi ấy, Ngài Đại Đức Mahākaccayana trú tại núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Hằng ngày, Ngài Đại Đức đến khất thực tại nhà cận sự nữ Kāḷī, công tử Soṇa kính yêu Ngài Đại Đức.

Về sau, công tử Soṇa được Ngài Đại Đức Mahā-kaccayana cho phép xuất gia trở thành Sa-di, chờ đợi suốt 3 năm mới có đủ chư tỳ khưu Tăng, để làm lễ thọ tỳ khưu cho Sa-di Soṇa trở thành tỳ khưu Soṇa.

Ngài Đại Đức Mahākaccayana thuyết dạy pháp hành thiền tuệ cho tỳ khưu Soṇa. Sau khi học xong, tỳ khưu Soṇa thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Ngài Đại Đức Soṇa theo học Suttanipātapāli với Ngài Đại Đức Mahākaccayana, v.v…

Sau khi ra hạ, hành tăng sự Pavāraṇā xong, Ngài Đại Đức Soṇa có ý nguyện muốn đến hầu Đức Thế Tôn, nên Ngài đến đảnh lễ Ngài Đại Đức Mahākaccayana, thầy tế độ xin phép đến hầu Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức cho phép, rồi dạy rằng:

- Này Soṇa! Khi con đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, con sẽ được phép ở chung trong gandhakuṭi cùng với Đức Phật, rồi Đức Phật sẽ truyền dạy con tụng đọc bài pháp. Sau khi nghe con tụng đọc bài pháp xong, Đức Thế Tôn sẽ phát sinh tâm hoan hỷ bài pháp của con, rồi Đức Phật sẽ ban cho con ân huệ, con nên nhận ân huệ ấy. Con đảnh lễ dưới đôi chân của Đức Thế Tôn, rồi con hãy bạch với Đức Thế Tôn theo lời dạy của thầy.

Sau khi nhận lời dạy bảo của vị thầy tế độ xong, Ngài Đại Đức Soṇa đảnh lễ thầy, xin phép từ giã thầy. Ngài đi đến thăm thân mẫu báo cho bà biết, Ngài được phép đi đến hầu Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi. Thân mẫu của Ngài vô cùng hoan hỷ bạch với Ngài rằng:

- Kính bạch Đại Đức, Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Con xin kính dâng Ngài tấm vải len lớn (kambala) này, để Ngài đem cúng dường đến Đức Thế Tôn làm tấm lót nền trong cốc gandhakuṭi của Đức Thế Tôn.

Sau khi nhận tấm vải len ấy, Ngài Đại Đức Soṇa xin từ giã thân mẫu, trở về chỗ ở dọn dẹp các thứ thứ vật dụng gọn gàng, rồi mới lên đường đi tuần tự đến kinh thành Sāvatthi, vào ngôi chùa Jetavana, đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ.

Đức Thế Tôn hỏi theo lệ thường của chư Phật xong, Đức Thế Tôn truyền bảo Ngài Đại Đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda! Con nên sắp đặt chỗ nghỉ cho vị tỳ khưu này.

Ngài Đại Đức Ānanda hiểu biết ý của Đức Thế Tôn, nên trải chỗ nằm nghỉ cho Ngài Đại Đức Soṇa trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn thực hành phận sự của Ngài như mỗi ngày, Ngài vào nằm nghiêng bên phải có chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác vào thời gian giữa của canh chót đêm, định giờ tỉnh dậy vào cuối canh chót. Đức Thế Tôn thức dậy biết Ngài Đại Đức Soṇa nghỉ ngơi lại sức rồi, nên Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Paṭibhātu taṃ bhikku, dhammo bhāsituṃ.

- Này tỳ khưu! Con hãy nên tụng đọc chánh pháp.

Vâng lời Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Soṇa tụng tạng Kinh phần aṭṭhakavagga từng chữ từng câu đúng đắn rõ ràng với giọng rất hay. Khi Ngài Đại Đức Soṇa tụng xong, Đức Thế Tôn hoan hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Suggahito te bhikkhu, dhammo, mayā desitakāle ca ajja ca ekasadisāva desanā, kiñci ūnaṃ vā adhikaṃ vā natthi.[4]

(- Này tỳ khưu! Chánh pháp mà con đã học, ghi nhớ đúng đắn, Như Lai đã thuyết dạy trong thời gian trước đây và ngày nay giống như một, không thiếu không dư.)

Khi ấy, ngài Đại Đức Soṇa nghĩ rằng: “Đây là cơ hội tốt,” nên Ngài đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Thế Tôn, rồi bạch rằng:

 - Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Mahā-kaccayana, vị thầy tế độ của con kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Thế Tôn, Ngài dạy con bạch với Đức Thế Tôn rằng:

1- Kính bạch Đức Thế Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha có tỳ khưu ít, con cố gắng tìm đủ (10) vị tỳ khưu để hành tăng sự suốt 3 năm mới được làm lễ thọ tỳ khưu (upasampada). Nếu được thì kính xin Đức Thế Tôn cho phép làm lễ thọ tỳ khưu (upasampadā) tại vùng Avanti-dakkhiṇāpatha với nhóm tỳ khưu Tăng hội ít hơn.

2- Kính bạch Đức Thế Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha đường sá xấu gồ ghề khó đi lại. Nếu được thì kính xin Đức Thế Tôn cho phép tỳ khưu trong vùng Avanti-

dakkhiṇāpatha được phép mang dép.

3- Kính bạch Đức Thế Tôn, dân chúng trong vùng Avantidakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng: “Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch.” Nếu được thì kính xin Đức Thế Tôn cho phép tỳ khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép tắm hằng ngày.

4- Kính bạch Đức Thế Tôn, trong vùng Avanti-dakkhiṇāpatha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majhimajanapada có cỏ lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác,.. Nếu được thì kính xin Đức Thế Tôn cho phép tỳ khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Kính bạch Đức Thế Tôn, các cận sự nam, cận sự nữ gửi y dâng cúng dường đến vị tỳ khưu với lời bạch rằng: “ Kính bạch Ngài, con xin gửi bộ y này, nhờ Ngài dâng hộ đến vị tỳ khưu có pháp danh ấy ở nơi ấy.” Vị tỳ khưu không dám nhận bộ y của thí chủ, bởi vì cất giữ bộ y ấy quá ngày sẽ phạm giới “nissaggiya pācittiya.”Nếu được thì kính xin Đức Thế Tôn giảng giải, truyền dạy, cho phép về vấn đề y này.

Đức Thế Tôn Cho Phép Đặc Biệt

Do nguyên nhân đầu tiên phát sinh, nên Đức Thế Tôn truyền dạy chư tỳ khưu Tăng rằng:

1- Này chư tỳ khưu! Vùng Avantidakkhiṇāpatha có tỳ khưu ít, nên Như Lai cho phép làm lễ thọ tỳ khưu (upasampadā) với nhóm tỳ khưu Tăng hội tối thiểu 5 vị tỳ khưu thông luật (vinayadhara) tại tất cả mọi vùng paccantajanapada.

(Trung xứ majjhimajanapada làm lễ thọ tỳ khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ khưu Tăng hội tối thiểu 10 vị tỳ khưu thông luật (vinayadhara). Ngoài majjhima-janapada ra, còn tất cả các nơi khác làm lễ thọ tỳ khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ khưu Tăng hội tối thiểu 5 vị tỳ khưu thông luật (vinayadhara.)

 2- Này chư tỳ khưu! vùng Avantidakkhiṇāpatha đường sá xấu gồ ghề khó đi lại, nên Như Lai cho phép tỳ khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép mang dép.

3- Này chư tỳ khưu! Dân chúng trong vùng Avanti-dakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng: “Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch.” Vì vậy, Như Lai cho phép tỳ khưu trong tất cả mọi vùng paccanta-janapada được phép tắm hằng ngày.

4- Này chư tỳ khưu! Trong vùng Avantidakkhiṇā-patha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majhimajanapada có cỏ lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác, nên Như Lai cho phép tỳ khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Này chư tỳ khưu! Tất cả thí chủ gửi tấm y để dâng cúng dường đến các vị tỳ khưu ở nơi khác, với lời bạch rằng: “Các con gửi tấm y này, xin kính dâng cúng dường đến vị tỳ khưu có pháp danh ấy.”

- Này chư tỳ khưu! Như Lai cho phép các con nhận tấm y ấy không quá 10 đêm.

Sau khi Đức Thế Tôn cho phép 5 điều của Ngài Đại Đức Mahākaccayana, vị thầy tế độ xong, Ngài Đại Đức Soṇa đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch lời của thân mẫu rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, cận sự nữ Kāḷī thân mẫu của con gửi tấm vải len lớn này kính dâng lên Đức Thế Tôn, để lót nền cốc gandhakuṭi của Đức Thế Tôn.

Sau khi bạch xong, Ngài Đại Đức Soṇa kính dâng tấm vải len lớn (kambala) lên Đức Thế Tôn, rồi đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép trở về chùa.

Ngài Đại Đức Soṇa đã đến hầu Đức Thế Tôn như ý nguyện và đã hoàn thành xong phận sự mà Ngài Đại Đức Mahākaccayana, vị thầy tế độ đã giao, Ngài Đại Đức trên đường trở về núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Về đến nơi, Ngài Đại Đức Soṇa vào đảnh lễ Ngài Đại Đức Mahākaccayana, vị thầy tế độ, rồi xin thuật lại mọi sự việc của mình cho vị thầy tế độ nghe.

Nghe Ngài Đại Đức Soṇa thuật lại như vậy, biết 5 điều thỉnh cầu của mình đã được Đức Phật cho phép, nên Ngài Đại Đức Mahākaccayana vô cùng hoan hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Ngày hôm sau, Ngài Đại Đức Soṇa đi khất thực đến đứng trước cổng nhà thân mẫu. Nhìn thấy Ngài, thân mẫu của Ngài ra tận cổng đón rước Ngài vào nhà, tự tay bà dâng vật thực để bát cúng dường đến Ngài.

Sau khi Ngài độ vật thực xong, thân mẫu của Ngài bạch rằng:

- Kính bạch Ngài, Ngài đã đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, mọi việc đều tốt lành phải không?

- Thưa thân mẫu, mọi việc đều tốt lành.

- Kính bạch Ngài, Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch lời của thân mẫu hay không?

- Thưa thân mẫu, sư đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi bạch lời của thân mẫu và kính dâng cúng dường tấm vải len lớn, lót nền cốc gandhakuṭi của Đức Thế Tôn.

- Kính bạch Ngài, nghe rằng: “Ngài đã nghỉ trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức Thế Tôn, rồi Đức Thế Tôn truyền bảo Ngài tụng đọc chánh pháp xong, Đức Thế Tôn hoan hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Đúng vậy phải không?

- Thưa thân mẫu, thân mẫu biết bằng cách nào vậy?

- Kính bạch Ngài, chư thiên trú trong nhà báo cho thân mẫu biết rằng: “Khi nghe Đức Thế Tôn hoan hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Thì toàn thể chư thiên mười ngàn thế giới đồng nói lời hoan hỷ Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

 - Kính bạch Ngài, thân mẫu kính thỉnh Ngài tụng chánh pháp giống như Ngài đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức Thế Tôn.

Nghe thân mẫu kính thỉnh như vậy, Ngài Đại Đức Soṇa nhận lời. Biết Ngài Đại Đức Soṇa đã chấp thuận, nên thân mẫu của Ngài cho người trang hoàng một hội trường trước cổng nhà, có pháp tòa trang nghiêm, dân chúng tụ hội đông đủ, rồi kính thỉnh Ngài Đại Đức Soṇa lên ngồi trên pháp tòa tụng chánh pháp mà Ngài đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức Thế Tôn.

Về sau, Đức Thế Tôn chủ trì giữa chư Đại Đức Thánh Tăng, tuyên dương Ngài Đại Đức Soṇa là vị Thánh Thanh Văn đệ tử tụng chánh pháp với giọng hay đặc biệt nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Ngài.  

Nghe 7 Pháp Giác Chi

Bảy pháp giác chi (Bojjhaṅga) là một trong 5 đối tượng trong phần pháp niệm xứ, hành giả thực hành pháp hành tứ niệm xứ trong phần pháp niệm xứ, có đối tượng 7 pháp giác chi dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế.

Bảy pháp giác chi còn là một linh dược mầu nhiệm (osadhañca imaṃ mantaṃ) chữa trị khỏi được căn bệnh nặng của bệnh nhân một cách huyền diệu ngay tức thì, như 3 trường hợp như sau:  

* Trường hợp Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa lâm bệnh nặng trầm trọng tại động Pippaliguhā. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến thăm viếng, thuyết giảng bài kinh Paṭhamagilānasutta có 7 pháp giác chi như sau:

Kinh Paṭhamagilānasutta [5]

Ekaṃ samayaṃ Bhagavā Rājagahe viharati Veḷuvane kalandakanivāpe. Tena kho pana samayena āyasmā Mahākassapo Pippaliguhāyaṃ viharati ābādhiko dukkhito bāḷhagilāno. Atha kho Bhagavā sāyanhasamayaṃ paṭisallānā vuṭṭhito yenāyasmā Mahākassapo tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā paññatte āsane nisīdi, nisajja kho Bhagavā āyasmantaṃ Mahākassapaṃ etadavoca.

- Kacci te Kassapa, khamanīyaṃ? Kacci yāpanīyaṃ? Kacci dukkhā vedanā paṭikkamanti, no abhikkamanti, paṭikkamosānaṃ paññāyati, no abhikkamo’ti?

- Na me Bhante, khamanīyaṃ, na yāpanīyaṃ, bāḷhā me dukkhā vedanā abhikkamanti, no paṭikkamanti, abhik-kamosānaṃ paññāyati, no paṭikkamo’ti

Sattime Kassapa, bojjhaṅgā mayā sammadakkhātā bhāvitā bahulīkatā abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattanti. Katame satta?

*Satisambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā sammadakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

*Dhammavicayasambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā sammadakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

*Vīriyasambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā samma-dakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

*Pītisambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā samma-dakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

*Passaddhisambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā samma-dakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvatta ti.

*Samādhisambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā samma-dakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

*Upekkhāsambojjhaṅgo kho Kassapa, mayā samma-dakkhāto bhāvito bahulīkato abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati.

Ime kho Kassapa, satta bojjhaṅgā mayā samma-dakkhātā bhāvitā bahulīkatā abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattantī’ti

Taggha Bhagavā bojjhaṅgā.

Taggha Sugata bojjhaṅgā’ti.

Idamavoca Bhagavā. Attamano āyasmā Mahākassapo Bhagavato bhāsitaṃ abhinandi. Vuṭṭhahi cāyasmā Mahā-kassapo tamhā ābādhā, tathāpahīno cāyasmato Mahā-kassapassa so ābādho ahosī’ti.

Ý Nghĩa Bài Kinh Bệnh Thứ Nhất

Một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc, gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài Đại Trưởng Lão Kassapa lâm bệnh nặng khổ thân hành hạ, bệnh tình trầm trọng tại động Pippali.

Vào buổi chiều, sau khi rời khỏi nơi thanh vắng, Đức Thế Tôn ngự đến thăm viếng vị Đại Trưởng Lão Kassapa, ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, Đức Thế Tôn hỏi thăm vị Đại Trưởng Lão Kassapa rằng:

- Này Kassapa! Con có kham nhẫn nổi thọ khổ không?

 Tứ đại của con có được điều hòa không?

 Thọ khổ của con thuyên giảm, chứ không tăng thêm phải không?

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con không thể kham nhẫn nổi thọ khổ.

Con không thể điều hòa tứ đại này được.

Thọ khổ của con không thuyên giảm mà lại tăng thêm.

Bệnh tình tăng thêm rõ ràng, chứ không thuyên giảm chút nào. Bạch Ngài.


 [1] M. Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, Kinh Rathavinītasuttavaṇṇanā

 [2] Aṅguttaranikāya, Ekakanipātaṭṭhakathā, Soṇakuṭikaṇṇatthera

 [3] Từ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, đến Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian có khoảng cách thời gian 100 ngàn đại kiếp trái đất

 [4] Aṅguttaranikāya Ekakanipātaṭṭhakathā, Soṇakuṭikaṇṇattheravatthu

 [5] Saṃyuttanikāya, Phần Mahāvaggapāḷi, Kinh Paṭhamagilānasutta

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn