(Xem: 1764)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2231)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Pháp Hạnh giữ giới Ba La Mật (bậc hạ)

11 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9579)

 

Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển VI (Pháp Hạnh Ba La Mật_Tập 1)

Soạn giả:Tỳ khưu Hộ Pháp

 

Pháp Hạnh Giữ Giới Ba-La-Mật Bậc Hạ (Sīla pāramī)

Pháp Hạnh Giữ Giới Ba-La-Mật Có 3 Bậc

 

Tích Bhūridattajātaka (Bhu-ri-dat-tá-cha-tá-ká)

Trong tích Bhūridattajātaka,[1] Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm kiếp Đức Long Vương Bhūridatta thực hành pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật bậc hạ (Sīla pāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy nhằm vào ngày bát giới uposatthasīla hằng tháng, dân chúng trong thành dậy từ sáng sớm, nguyện thọ trì bát giới uposathasīla, dùng bữa ăn sáng xong đem vật thực hoa quả v.v… đi vào ngôi chùa Jetavana để cúng dường Đức Thế Tôn và chư tỳ khưu Tăng.

Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, họ ngồi một nơi hợp lẽ, lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Hôm ấy là ngày bát giới uposathasīla, Đức Thế Tôn truyền dạy các cận sự nam, cận sự nữ rằng:

- Này các con! Bây giờ các con nương nhờ nơi Như Lai chỉ dạy, rồi các con nguyện thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng như thế này không phải là điều phi thường.

Trong thời quá khứ, Đức Long Vương tự mình đã rời

khỏi cõi long cung, đi tìm nơi yên tĩnh để thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng. Đó mới là điều phi thường.

Truyền dạy như vậy xong, Đức Thế Tôn làm thinh.

Khi ấy, chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tích Đức Long Vương tiền bối thiện trí ấy.

Tích Bhūridattajātaka

Đức Thế Tôn thuyết về tích Bhūridattajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, tấn phong Thái tử làm Đức Phó vương giúp việc triều chính. Nhưng về sau Đức Vua phát sinh ngờ vực sợ rằng, Thái tử sẽ dùng quyền lực chiếm lấy ngôi vua, cho nên Đức Vua truyền gọi Thái tử đến mà dạy rằng:

- Này hoàng nhi! Con nên rời khỏi kinh thành Bārāṇasī, đi đến nơi nào mà con ưa thích, con ở tại nơi ấy cho đến khi nào Phụ vương băng hà. Khi ấy, con sẽ trở về lên ngôi làm vua nối dõi vua cha.

Vâng lệnh của Đức Phụ Vương, Thái tử đảnh lễ Đức Phụ Vương, rồi xin phép rời khỏi kinh thành Bārāṇasī, ngự đến bên bờ sông Yamunā, làm một cốc lá ở khoảng giữa con sông Yamunā và biển Samudda, rồi Thái tử xuất gia trở thành đạo sĩ, hằng ngày sống bằng các trái cây rừng và rễ cây.

Khi ấy, một long nữ goá chồng (chồng chết) nhìn thấy các long nữ khác chung sống với chồng được hạnh phúc an lạc. Cảm thấy cô đơn, nên cô rời khỏi cõi long cung đi dạo đến bờ biển Samudda, nhìn thấy dấu chân của Thái tử đạo sĩ ngự vào trong rừng tìm các thứ trái cây. Cô đi ngược theo dấu chân đến cốc lá nơi chỗ ở của Thái tử đạo sĩ.

Muốn biết vị đạo sĩ này xuất gia với đức tin hay không có đức tin, cô thử để biết.

Nếu vị đạo sĩ này xuất gia với đức tin thì sẽ không còn ham muốn trong năm đối tượng tốt đẹp như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, xúc êm ái … chỉ hướng thiện tâm xa lánh năm đối tượng ấy. Nhưng nếu vị đạo sĩ này xuất gia không có đức tin thì vẫn còn ham muốn năm đối tượng tốt đẹp ấy, sẽ nằm chỗ nằm mà ta trang hoàng đẹp đẽ thơm tho.

Nếu như vậy thì ta sẽ lấy vị đạo sĩ này làm chồng. 

Nghĩ xong, cô long nữ liền trở về cõi long cung, đem những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm v.v... từ cõi long cung đến trang hoàng chỗ nằm của vị đạo sĩ, sau khi trang hoàng xong cô long nữ trở về cõi long cung chờ đợi.

Buổi chiều, vị Thái tử đạo sĩ tìm các thứ trái cây ở rừng núi trở về cốc, nhìn thấy chỗ nằm được trang hoàng những đoá hoa xinh đẹp chưa từng thấy, những vật thơm tho chưa từng ngửi … thật đáng hài lòng, vị Thái tử đạo sĩ phát sinh tâm hoan hỷ chưa từng có nghĩ rằng:

Trong rừng núi vắng vẻ này, ai mà đến trang hoàng chỗ nằm của ta bằng những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm tho như thế này, thật là điều lạ thường quá!

Sở dĩ vị Thái tử đạo sĩ phát sinh tâm hoan hỷ trong đối tượng tốt đẹp như thế này, là vì đạo sĩ không phải xuất gia với đức tin, xa lánh cõi trần tục, mà chỉ vâng theo lệnh của Đức Phụ Vương mà thôi.

Đêm hôm ấy, Thái tử đạo sĩ nằm ngủ trên chỗ nằm được trang hoàng êm ấm, thơm tho ấy, ngủ say cho đến lúc mặt trời mọc.

Khi thức dậy trễ, vị Thái tử đạo sĩ không quét dọn xung quanh cốc lá, mà vội vã đi vào rừng tìm các thứ trái cây để dùng.

Theo dõi biết vị đạo sĩ đã đi vào rừng, cô long nữ đến cốc lá xem xét thấy những đoá hoa bị vị đạo sĩ nằm đè lên làm nhàu nát cả, nên cô biết rằng: “Vị đạo sĩ này vẫn còn ham muốn trần tục, nên không phải xuất gia với đức tin. Như vậy, ta có thể lấy vị đạo sĩ này làm chồng của ta.

Cô long nữ đem những đoá hoa cũ ra thay bằng những đoá hoa mới rất xinh đẹp và những vật thơm từ cõi long cung trang hoàng chỗ nằm trong cốc và xung quanh bên ngoài cốc rất xinh đẹp hơn hôm qua, rồi cô trở về cõi long cung chờ đợi.

Buổi chiều, vị Thái tử đạo sĩ từ rừng núi trở về, nhìn thấy cốc lá bên ngoài bên trong trang hoàng đẹp đẽ, phát sinh tâm hài lòng vô cùng hoan hỷ.

Đêm hôm ấy, vị Thái tử đạo sĩ cũng nằm ngủ say trên chỗ nằm sang trọng ấy cho đến sáng ngày hôm sau, vị Thái tử đạo sĩ nghĩ rằng: “Hôm nay, ta muốn biết ai đã đến đây trang hoàng như vậy.”

Vị Thái tử đạo sĩ giả đi vào rừng như mọi ngày, nhưng đi được một quản đường, rồi liền quay trở lại ẩn núp một nơi kín đáo không xa cốc lá, có thể nhìn thấy cốc lá được.

Cũng như ngày trước, theo dõi biết vị đạo sĩ đã đi vào rừng, cô long nữ đem nhiều đoá hoa xinh đẹp và các thứ vật thơm đi vào trong cốc lá.

Khi ấy, theo dõi nhìn thấy cô gái xinh đẹp mang hoa vào trong cốc, vị Thái tử đạo sĩ phát sinh tâm hài lòng hoan hỷ nghĩ rằng: “Trong rừng sâu vắng vẻ này có cô gái xinh đẹp như thế này.”

Vị Thái tử đạo sĩ trở về bước vào cốc, trong khi cô long nữ đang trang hoàng sửa soạn chỗ nằm. Vị Thái tử đạo sĩ lên tiếng hỏi rằng:

- Thưa tiểu thư, tiểu thư là ai? từ đâu đến đây?

Cô long nữ cung kính trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài đạo sĩ, tiện nữ là long nữ nāga-manavikā) từ cõi long cung đến đây.

- Này long nữ! Cô đã có chồng hay chưa?

- Kính thưa Ngài đạo sĩ, trước đây tiện nữ đã có chồng, nhưng chồng tiện nữ đã chết, hiện nay tiện nữ là người goá bụa.

- Kính thưa Ngài đạo sĩ, Ngài từ đâu đến mà ở một mình nơi khu rừng vắng vẻ này?

- Này long nữ! Ta vốn là Thái tử Brahmadatta của Đức Vua Bārāṇasī, ta vâng lệnh Đức Phụ Vương của ta đến ở nơi này. Thật ra, ta xuất gia trở thành đạo sĩ không phải với đức tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi đến khi nào Đức Phụ Vương của ta băng hà. Khi ấy, ta sẽ trở về nối ngôi vua cha mà thôi. Còn long nữ sao một mình đến nơi này?

- Kính thưa Thái tử đạo sĩ, tiện nữ goá bụa nhìn thấy các long nữ khác có chồng được hạnh phúc an lạc, nên tiện nữ rời khỏi long cung, đi tìm một người chồng.

Nghe cô long nữ thưa như vậy, Thái tử đạo sĩ truyền bảo rằng:

- Này long nữ! Ta vốn không phải xuất gia đạo sĩ với đức tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi mà thôi. Vậy, long nữ có muốn lấy ta làm chồng hay không?

Nghe Thái tử đạo sĩ truyền bảo như vậy, cô long nữ vô cùng sung sướng thưa rằng: 

- Kính thưa Thái tử đạo sĩ, nếu được Thái tử đoái thương cuộc đời của tiện nữ thì vinh hạnh cho tiện nữ biết dường nào!

Thái Tử Thành Hôn Với Long Nữ

Thái tử Brahmadatta với cô long nữ ăn ở sống chung với nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Cô long nữ đã hoá ra một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng oai lực của mình, đầy đủ tiện nghi có ngai vàng để cho Thái tử.

Từ đó về sau, Thái tử không phải đi vào rừng tìm kiếm các loại trái cây để nuôi sống nữa, mà mỗi ngày Thái tử dùng những vật thực ngon lành từ cõi long cung.

Về sau, cô long nữ có thai sinh ra một đứa con trai tại bờ biển Sāgara, nên đặt tên là công tử Sāgara-brahmadatta, qua một thời gian sau nữa cô long nữ lại sinh ra một đứa con gái bên bờ biển Samudda, nên đặt tên là tiểu thư Samuddajā.

Một hôm, một người lính kiểm lâm từ kinh thành Bārāṇasī đi vào rừng làm công tác, gặp Thái tử Brahmadatta trong khu rừng ấy, rồi nhận biết ra được Thái tử Brahmadatta và Thái tử biết người lính kiểm lâm từ kinh thành Bārāṇasī đến, hai bên chủ và khách gặp nhau vô cùng hoan hỷ.

Thái tử Brahmadatta hỏi thăm về Đức Phụ Vương Brahmadatta của mình, hoàng tộc, triều đình các quan và toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasī.

Người lính kiểm lâm tâu cho Thái tử biết rõ mọi điều. Thái tử truyền bảo người lính kiểm lâm ở lại một thời gian ngắn.

Vâng theo lời của Thái tử người lính kiểm lâm ở lại với Thái tử 2-3 hôm, rồi xin phép trở về kinh thành Bārāṇasī. Trước khi từ giã người lính kiểm lâm tâu rằng:

- Tâu Thái tử, khi trở về đến kinh thành Bārāṇasī, kẻ tiện dân sẽ trình lên các quan biết Thái Tử đang ngự tại nơi này.

Người lính kiểm lâm bái biệt, xin phép trở về kinh thành Bārāṇasī.

Khi ấy, Đức Vua Brahmadatta băng hà, các quan dòng họ hoàng tộc cùng dân chúng làm lễ hoả táng thi thể Đức Vua xong. Đến ngày thứ 7 các quan hội họp lại bàn bạc với nhau rằng: “Triều đình không thể không có Đức Vua. Nay, không biết Thái tử Brahmadatta hiện đang ngự tại nơi nào?

Vậy, chúng ta nên ra lệnh thông báo cho toàn thể dân chúng trong nước đều hay biết, nếu có ai biết chỗ ở của Thái tử Brahmadatta nơi nào, thì báo cho triều đình biết. Khi ấy, chúng ta đưa cỗ long xa Phussa đi đến nơi ấy, làm lễ đăng quang suy tôn tấn phong Thái tử Brahmadatta lên ngôi vua, rồi thỉnh Đức Vua hồi cung ngự trở về kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi này

Tin tức này được thông báo lan truyền khắp mọi nơi từ kinh thành đến dân các vùng biên giới trong toàn cõi đất nước Kāsi.

Khi ấy, về đến kinh thành Bārāṇasī nghe tin tức như vậy, người lính kiểm lâm đến gặp các quan lớn trong triều đình, rồi trình cho các vị quan lớn ấy rằng:

- Kính thưa quan lớn, kẻ hạ quan này biết chỗ ở của Thái tử Brahmadatta trong rừng.

Nghe lời trình của người lính kiểm lâm, các quan lớn trọng thưởng cho người lính kiểm lâm, rồi nhờ người lính ấy dẫn đường đi đến chỗ ở của Thái tử Brahmadatta. 

Các quan trang hoàng cỗ long xa Phussa, bên trên đặt năm vật báu làm lễ phong vương cho Thái tử Brahmadatta. Các quan cùng các đội quân chỉnh tề, người lính kiểm lâm dẫn đường khởi hành từ kinh thành Bārāṇasī đi đến chỗ ở của Thái tử Brahmadatta trong rừng. Đến tận chỗ ở của Thái tử Brahmadatta các quân tâu rằng:

- Muôn tâu Thái tử Brahmadatta, Đức Phụ Vương của Thái tử đã băng hà. Nay, chúng thần xin kính thỉnh Thái tử lên ngôi vua, rồi thỉnh hồi cung trở về kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsī này.

Nghe các quan tâu như vậy, Thái tử Brahmadatta bàn tính với phu nhân rằng:

- Này phu nhân yêu quý! Đức Phụ Vương của anh đã băng hà. Nay, các quan đã đem cỗ long xa Phussa đến đây, sẽ làm lễ đăng quang tấn phong anh lên ngôi vua, rồi sẽ thỉnh anh hồi cung trở về kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsī.

Vậy, xin phu nhân hãy đi với anh và 2 con cùng nhau hồi cung, lên ngôi báu tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsī rộng lớn, rồi phu nhân sẽ trở thành Chánh cung Hoàng hậu đứng đầu 16000 cung phi mỹ nữ.

Nghe phu quân nói như vậy, bà long nữ thưa rằng:

- Kính thưa Thái tử phu quân kính yêu, tiện thiếp không thể nào đi theo với phu quân được.

- Này phu nhân yêu quý! Tại sao phu nhân không đi cùng với anh được?

- Kính thưa Thái tử phu quân yêu quý, tiện thiếp là loài long nữ có nhiều chất độc nguy hiểm, dễ phát sinh tâm sân không vừa lòng dù chỉ là việc nhỏ. Nếu mà tiện thiếp phát sinh tâm sân thì sẽ gây ra sự tai hại, thiêu đốt biến thành tro bụi. Vì vậy, tiện thiếp không thể đi theo Thái tử phu quân được.

Ngày hôm sau, vị Thái tử tha thiết khẩn khoản long nữ phu nhân cùng nhau trở về kinh thành Bārāṇasī, nhưng long nữ phu nhân một mực khước từ thưa rằng:

- Kính thưa Thái tử phu quân kính yêu, hai đứa con của chúng ta: công tử Sāgarabrahmadatta và tiểu thư Samuddajā tuy các con là loài người, nhưng Thái tử phu quân phải nên chăm sóc rất cẩn thận, bởi vì cơ thể của các con rất vi tế, chỉ thích nghi trong môi trường dưới nước mà thôi. Nếu các con đi đường tiếp xúc với nắng và gió thì các con dễ bị chết.

Vậy, Thái tử phu quân cho người đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước đặt trên chiếc xe, để các con bơi trong nước trên đường đi trở về kinh thành Bārāṇasī.

Khi đến kinh thành Bārāṇasī, Thái tử phu quân truyền cho người đào một cái hồ nước lớn, trồng các loài hoa sen, hoa súng, để cho các con bơi lội chơi trong hồ nước ấy.

Sau khi kính thưa với Thái tử phu quân như vậy, bà long nữ phu nhân tỏ lòng tôn kính vị Thái tử phu quân và ôm hai đứa con vào lòng hôn trên đầu chúng, rồi trao hai đứa con lại cho vị Thái tử phu quân. Bà long nữ phu nhân khóc than thảm thiết, bởi vì phải từ biệt vị Thái tử phu quân kính yêu và hai đứa con yêu quý nhất của bà. Bà long nữ biến trở về cõi long cung.

Vị Thái tử Brahmadatta cảm thấy vô cùng khổ tâm vì từ biệt long nữ phu nhân yêu quý của mình.

Khi ấy, vị Thái tử gặp lại các quan, để các quan làm lễ đăng quang tấn phong Thái tử lên ngôi vua, rồi kính thỉnh Đức Vua hồi cung ngự trở về kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.

Đức Vua Brahmadatta truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước, rồi đặt trên chiếc xe, để cho Hoàng tử Sāgarabrahmadatta và Công chúa Samuddajā bơi lội trong chiếc thuyền ấy, trên đường ngự trở về kinh thành Bārāṇasī.

Tuân theo lệnh của Đức Vua, sau khi đóng chiếc thuyền xong, các quan thỉnh Đức Vua hồi cung, Hoàng tử Sāgarabrahmadatta và Công chúa Samuddajā bơi lội trên chiếc thuyền trên đường ngự trở về kinh thành Bārāṇasī.

Kinh thành Bārāṇasī được trang hoàng đẹp đẽ rực rỡ, dân chúng trong kinh thành cho đến ngoài kinh thành vô cùng hoan hỷ làm lễ ăn mừng đón rước Đức Vua Brahmadatta cùng Hoàng tử Sāgarabrahmadatta và Công chúa Samuddajā hồi cung ngự trở về kinh thành Bārāṇasī.

Đến kinh thành Bārāṇasī, Đức Vua truyền lệnh đào một hồ nước lớn trồng đủ các loại hoa sen hoa súng, để cho Hoàng tử Sāgarabrahmadatta và Công chúa Samud-dajā bơi lội vui chơi thích nghi với cơ thể của chúng.

Khi Hoàng tử Sāgarabrahmdatta và Công chúa Samud-

dajā trưởng thành, Công chúa Samuddajā rất xinh đẹp lộng lẫy nổi danh khắp nơi, Đức Long Vương Dhataraṭṭha nghe đến danh tiếng của Công chúa Samuddajā đem lòng mến mộ, muốn Công chúa Samuddajā trở thành Chánh cung Hoàng hậu của mình. Cho nên, Đức Long Vương Dhataraṭṭha gửi 4 sứ thần đến yết kiến Đức Vua Brahmadatta, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, nghe Công chúa Samuddajā xinh đẹp lộng lẫy, nên Đức Long Vương Dhataraṭṭha gửi 4 chúng thần đến yết kiến Đại Vương, kính xin Đại Vương ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long VươngDhataraṭṭha, rước về làm Chánh cung Hoàng hậu. 

Nghe các xứ thần của Đức Long Vương Đức Dhata-raṭṭha tâu như vậy, Đức Vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này các sứ thần! Triều đình của chúng tôi từ trước cho đến nay chưa từng có phong tục ban Công chúa cho Đức Long Vương bao giờ. Nay, Trẫm ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha sao được.

Nghe Đức Vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận, các sứ thần tỏ vẻ không hài lòng bèn tâu lời hăm doạ rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương là loài người không có phép thuật, không có hơi độc làm thiêu huỷ, còn Đức Long Vương, các đoàn long binh có nhiều phép thuật, có chất độc làm thiêu huỷ được. Vậy, xin Đại Vương chớ nên xem thường.

Nghe các sứ thần của Đức Long Vương Dhataraṭṭha tâu lời hăm doạ như vậy, Đức Vua Brahmadatta truyền bảo rằng:

- Này các sứ thần! Trẫm không có ý xem thường Đức Long Vương Dhataraṭṭha trị vì cõi long cung có nhiều oai lực, nhưng Đức Long Vương Dhataraṭṭha là loài long (rồng), còn Công chúa Samuddajā của Trẫm là loài người. Vì vậy, hai loài chúng sinh khác nhau làm sao sống hoà hợp với nhau được.

Nghe Đức Vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, các sứ thần của Đức Long Vương Dhataraṭṭha nổi cơn giận dữ muốn thiêu huỷ Đức Vua Brahmadatta bằng chất độc trong lỗ mũi của họ, nhưng không dám, bởi vì họ là sứ thần của Đức Long Vương Dhataraṭṭha gửi đến, họ phải trở về tâu trình lên Đức Long Vương Dhataraṭṭha biết rõ.

Các sứ thần xin từ giã Đức Vua Brahmadatta, liền hiện trở về cõi long cung đến chầu Đức Long Vương Dhataraṭṭha.

Nhìn thấy 4 sứ thần trở về, Đức Long Vương Dhata-raṭṭha liền truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Các khanh tâu với Đức Vua Brahmadatta đồng ý ban Công chúa Samuddajā cho Trẫm rồi phải không?

- Muôn tâu Đức Long Vương, Bệ hạ truyền gởi chúng thần đến một nơi không đáng đến, bởi vì Đức Vua Brahmadatta đề cao Công chúa Samuddajā là loài người, còn Bệ hạ tuy là Đức Long Vương, nhưng thuộc về loài long (rồng). Vì vậy, Công chúa Samuddajā với Bệ hạ không thể sống hoà hợp với nhau được.

Nghe các sứ thần tâu như vậy, Đức Long Vương nổi cơn thịnh nộ truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh hãy huy động các đoàn long binh khắp mọi nơi, bốn phương tám hướng hãy mau tụ họp tại trước cung điện của Trẫm.

Sau khi Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh không lâu, các đoàn long binh tề tựu đông đủ trước cung điện của Đức Long Vương Dhataraṭṭha.

Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh hãy dẫn các đoàn long binh đến vây quanh kinh thành Bārāṇasī.

- Tâu Bệ hạ, chúng thần có cần phải phun lửa thiêu huỷ kinh thành Bārāṇasī ấy không?

Đức Long Vương Dhataraṭṭha yêu say đắm Công chúa Samuddajā, nên không muốn gây tai hại nào cả, Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

- Này các khanh tướng! Các khanh chỉ phô trương uy thế để gây áp lực đến Đức Vua Brahmadatta phải chấp thuận ban Công chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi.

Vì vậy, các khanh tuyệt đối không được gây tai hại đến một ai cả. Các khanh chỉ biến hoá ra mọi hình dạng, để làm cho dân chúng nhìn thấy sợ hãi, rồi họ dẫn nhau đến cung điện, khẩn cầu Đức Vua Brahmadatta ban Công chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi. Còn chính Trẫm hoá ra thân hình màu trắng to lớn và dài bao bọc quanh kinh thành Bārāṇasī. 

Tuân theo lệnh của Đức Long Vương Dhataraṭṭha, đêm hôm ấy, các đoàn long binh hiện đến vây quanh kinh thành Bārāṇasī, nhưng tuyệt đối không gây hại ai cả, chỉ biến hoá ra nhiều hình dạng như phùng mang, thở ra kêu vù vù, treo lủng lẳng trên cây, nằm các ngõ đường, nằm dưới đất v.v…

Dân chúng trong kinh thành khi thức dậy nhìn thấy những cảnh tượng rừng rợn, đáng kinh sợ như vậy. Dân chúng hỏi các vị long tướng rằng:

- Này các long tướng! Tại sao các đoàn long binh đến đây làm cho chúng tôi kinh sợ như vậy?

Các long tướng trả lời rằng:

- Này dân chúng kinh thành! Bởi vì Đức Vua Brahmadatta không chấp thuận ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha của chúng tôi. 

 Khi Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền gửi 4 sứ thần đến yết kiến Đức Vua Brahmadatta, kính xin Đức Vua Brahmadatta ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha rước về làm Chánh cung Hoàng hậu, nhưng Đức Vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha.

Do đó, Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các đoàn long binh đến vây quanh kinh thành Bārāṇasī này.

Nếu Đức Vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha của chúng tôi thì toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasī kể cả Đức Vua Brahmadatta sẽ bị thiêu rụi trở thành tro bụi.

Nghe lời hăm doạ của các long tướng, dân chúng trong kinh thành sợ hãi kéo nhau đến cung điện Đức Vua Brahmadatta khẩn khoản van xin Đức Vua Brahmadatta ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha, để cứu nguy Đức Vua, triều đình và sinh mạng của dân chúng trong kinh thành Bārāṇasī, để tránh khỏi cảnh diệt vong.

Ngay khi ấy, bà Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Brahmadatta và những người trong hoàng tộc cũng khẩn khoản van xin Đức Vua ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha, để cứu nguy sinh mạng của Đức Vua, hoàng tộc và toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasī.

Nghe tiếng khẩn khoản van xin của Chánh cung Hoàng hậu, tiếng cầu xin thống thiết của dân chúng xin Đức Vua ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha, và chính Đức Vua Brahmadatta đang nằm trên long sàng, nhìn thấy bốn long nam đứng nơi bốn chân long sàng phùng mang nghiến răng chờ hại Đức Vua. Khi ấy, Đức Vua Brahmadatta vô cùng hoảng sợ mới truyền bảo ba lần rằng:

“Trẫm chấp thuận ban Công chúa Samuddajā cho Đức Long Vương Dhataraṭṭha.”

Nghe Đức Vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các long tướng rút lui các đoàn long binh cách xa kinh thành Bārāṇasī, rồi hoá ra một kinh thành có cung điện của Đức Vua nguy nga tráng lệ như trên cõi trời.

Lễ Thành Hôn Công Chúa Với Đức Long Vương

Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các quan đem các lễ vật quý giá từ cõi long cung kính dâng lên Đức Vua Brahmadatta. Nhận lễ vật xong, Đức Vua Brahmadatta truyền lệnh bảo rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy trở về tâu với Đức Long Vương Dhataraṭṭha biết rõ rằng:

Trẫm sẽ cho đoàn hộ giá tiễn đưa Công chúa Samuddajā đến chầu Đức Long Vương Dhataraṭṭha của các khanh.

Khi ấy, Đức Vua Brahmadatta gọi Công chúa Samuddajā lên trên lâu đài tầng cao mở của sổ nhìn về phía kinh thành có cung điện của Đức Long Vương Dhataraṭṭha như cõi trời mà truyền dạy rằng:

- Này Samuddajā con yêu quý! Con hãy nhìn kinh thành có cung điện nguy nga tráng lệ kia, con sẽ là Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua tại cung điện ấy.

Khi nào con muốn về thăm Phụ vương thì con cho người đánh xe đưa về. Bây giờ con nên trang điểm những đồ trang sức quý giá.

Vâng lời Đức Phụ Vương, trang điểm xong, Công chúa Samuddajā ngự lên chiếc xe sang trọng được che kín có đoàn các quan theo hộ giá tiễn đưa đến chầu Đức Long Vương Dhataraṭṭha.

Đức Long Vương Dhataraṭṭha cùng các long tướng ngự ra đón rước Công chúa Samuddajā rất trọng thể, rồi thỉnh mời phái đoàn các quan của Đức Vua Brahmadatta vào cung vàng điện ngọc làm đại lễ thành hôn, rồi tấn phong Công chúa Samuddajā lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu của Đức Long Vương.

Đức Long Vương kính gửi những phẩm vật quý giá từ cõi long cung dâng lên Đức Vua Brahmadatta và các quan. Các quan nhận những lễ vật ấy, rồi xin từ giã trở về kinh thành Bārāṇasī. 

Đức Long Vương Dhataraṭṭha đưa Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā lên trên lâu đài nguy nga tráng lệ, mời nằm trên long sàng được trang hoàng như chỗ nằm của Chánh cung Hoàng hậu Đức Vua trời, khi thân hình của Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā tiếp xúc với long sàng không lâu đã ngủ say.

Khi ấy, Đức Long Vương Dhataraṭṭha đưa Chánh cung Hoàng hậu hồi cung ngự trở về cõi long cung cùng các long tướng và các đoàn long binh.

Đến cõi long cung, Đức Long Vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:

- Này các quan cùng các long nam long nữ! Trong toàn cõi long cung xung quanh phạm vi 500 do tuần, các long nam long nữ không một ai được biểu lộ kiếp long (rồng) để cho Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā nhìn thấy cả.

Nếu ai không tuân lệnh thì phải bị phạt tội nặng.

Khi Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā tỉnh giấc biết mình đang nằm trên long sàng trong một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng vàng, bằng các thứ ngọc như ngọc manī v.v… ngồi dậy ngự đi du ngoạn, xem xung quanh có hồ nước lớn, thấy có nhiều loại hoa sen đủ màu rất xinh đẹp, đi xem vườn thượng uyển có nhiều loại hoa như trên cõi trời chưa từng thấy bao giờ.

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā truyền hỏi các nàng hầu rằng:

- Này quý cô! Kinh thành, cung điện, các lâu đài nguy nga tráng lệ xinh đẹp lộng lẫy như thế này, kinh thành Bārāṇasī không sao sánh được. Kinh thành cung điện các lâu đài này thuộc về của Đức Vua nào vậy?

Nghe Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā truyền hỏi như vậy, các cô nàng hầu tâu rằng:

- Muôn tâu Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā, kinh thành, các cung điện, các lâu đài này thuộc về Đức Vua Dhataraṭṭha, vị phu quân của lệnh bà. Lệnh bà là người có phước lớn mới hưởng được quả báu tốt như thế này.

Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā sống tại cõi long cung với Đức Long Vương Dhataraṭṭha. Hằng ngày đêm bà tiếp xúc với các hàng long nữ long nam, nhưng bà không hề biết bà đang ở cõi long cung, Đức Long Vương Dhataraṭṭha và những người khác vốn dòng dõi long, không phải là loài người thật. Cho nên, Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā sống hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung mà tưởng rằng đang sống trong cõi người.

Chánh Cung Hoàng Hậu Samuddajā Có Bốn Hoàng Tử

Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā sống chung với Đức Long Vương Dhataraṭṭha sinh hạ bốn hoàng tử.

* Hoàng tử thứ nhất có tên là Sudassana

* Hoàng tử thứ hai có tên là Datta là Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama.

* Hoàng tử thứ ba có tên là Subhoga

* Hoàng tử thứ tư có tên là Ariṭṭha

Dù Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā đã sinh hạ được bốn hoàng tử mà vẫn chưa biết mình đang sống trong cõi long cung. 

Một hôm hoàng tử Ariṭṭha cùng chơi với bọn trẻ loài long, bọn chúng tâu với hoàng tử Ariṭṭha rằng:

- Tâu hoàng tử Ariṭṭha, Mẫu hậu của hoàng tử là loài người chứ không phải là long nữ như mẹ của chúng tôi.

Nghe bọn trẻ nói như vậy, hoàng tử Ariṭṭha muốn biết rõ Mẫu hậu là loài người đúng thật như vậy hay không. 

Một hôm, Chánh cung Hoàng hậu đang ẵm hoàng tử Ariṭṭha, hoàng tử Ariṭṭha biến hoá trở lại loài long con.

Khi ấy, nhìn thấy hoàng tử Ariṭṭha trong thân thể long con, bà Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā hoảng sợ, hét lớn lên, rồi buông bỏ hoàng tử Ariṭṭha rơi xuống nền làm cho một con mắt của hoàng tử bị thương chảy máu.

Nghe tiếng hét lớn của Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā, Đức Long Vương truyền hỏi rằng:

- Này ái khanh Samuddajā! Có chuyện gì xảy ra, làm cho ái khanh hoảng hốt, hét lớn như vậy?

Nghe bà Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā tâu chuyện xảy ra như vậy, Đức Long Vương Dhataraṭṭha

nổi cơn thịnh nộ bắt tội hoàng tử Ariṭṭha.

Với tình thương yêu của người mẹ, bà Chánh cung Hoàng hậu lạy xin Đức Long Vương Dhataraṭṭha tha tội cho hoàng tử Ariṭṭha. 

Khi ấy, một con mắt của hoàng tử bị thương làm mù con mắt ấy. Dó đó gọi là hoàng tử Kāṇāriṭṭha: Hoàng tử Ariṭṭha mù một mắt.

Từ đó về sau, bà Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā mới biết mình đang sống trong cõi long cung.

Khi 4 vị hoàng tử đã trưởng thành, Đức Long Vương Dhataraṭṭha phân chia cõi long cung cho 4 vị hoàng tử, mỗi vị hoàng tử 100 do tuần, rồi tấn phong lên ngôi Long Vương có 16.000 long nữ hầu hạ, trị vì phần giang sơn của mình. Riêng Đức Long Vương Dhataraṭṭha còn 101 do tuần.

Ba vị hoàng tử Sudassana, subhoga, và Kāṇāriṭṭha ngự đến chầu thăm viếng Đức Long Vương Dhataraṭṭha và Mẫu hậu Samuddajā mỗi tháng một lần.

Riêng Đức Bồ Tát Datta đến chầu thăm viếng Đức Phụ Vương Dhataraṭṭha và Mẫu hậu Samuddajā nửa tháng một lần.

Một thuở nọ, Đức Bồ Tát Datta ngự theo Đức Phụ Vương Dhataraṭṭha, Đức Long Vương Virūpakkha ngự lên chầu Đức Vua trời Sakka ở cõi Tam thập tam thiên, cùng với số đông các long nam. Trong đại chúng chư thiên, long chúng có Đức Long Vương Dhataraṭṭha, Đức

Vua trờì Sakka chủ trì.

Khi ấy, Đức Long Vương Virūpakkha nêu những câu hỏi mà không có một vị nào có khả năng giải đáp cho được rõ ràng.

Đức Bồ Tát Datta được thỉnh ngồi trên pháp toà giải đáp mọi câu hỏi được rõ ràng sáng tỏ, đại chúng vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Datta. Đức Vua trời Sakka tán dương ca tụng Đức Bồ Tát Datta rằng:

- Này hoàng tử Datta! Nhà ngươi có trí tuệ siêu việt, trí tuệ rộng lớn mênh mông bao la tựa như mặt đất. Từ nay, ngươi được xúng đáng với danh hiệu Bhūridatta (Hoàng tử Datta có trí tuệ siêu việt rộng lớn).

Từ đó về sau, Đức Bồ Tát Bhūridatta thường lên chầu Đức Vua trời Sakka, nhìn thấy lâu đài Vejayanta rất nguy nga tráng lệ, ngai vàng điện ngọc của Đức Vua trời Sakka thật lộng lẫy. Đức Bồ Tát Bhūridatta rất hài lòng vô cùng hoan hỷ có ý nguyện kiếp sau muốn trở thành Đức Vua trời Sakka trong cõi Tam thập tam thiên này, không hài lòng sống trong cõi long cung. 

Sau khi về cõi long cung, Đức Bồ Tát Bhūridatta ngự đến chầu Đức Phụ Vương Dhataraṭṭha và Mẫu hậu Samuddajā, bèn tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, con kính xin Đức Phụ Vương và Mẫu hậu cho phép con thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Nghe Đức Bồ Tát Bhūridatta tâu như vậy, Đức Phụ Vương và Mẫu hậu truyền dạy rằng:

- Này hoàng nhi Bhūridatta yêu quý! Lành thay! Phụ Vương và Mẫu hậu rất hài lòng hoan hỷ chấp thuận cho con thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Vậy, con nên tìm một nơi yên tĩnh trong cõi long cung này mà thọ trì bát giới uposathasīla, con chớ nên đi nơi nào khác sẽ có tai hại đến với con.

Vâng lời truyền dạy của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, Đức Bồ Tát Bhūridatta thọ trì bát giới uposathasīla trong vườn thượng uyển, trong ngày giới hằng tháng.

Biết như vậy, các long nữ dẫn nhau đến vườn thượng uyển đờn ca múa hát để làm cho Đức Long Vương Bhūridatta xem nghe cho vui.

Một hôm nhằm vào ngày giới, Đức Bồ Tát Bhūridatta nghĩ rằng:

Ta thọ trì bát giới uposathasīla tại vườn thượng uyển này, các long nữ đến đàn ca múa hát quấy rầy ta, làm cho giới của ta không được hoàn toàn trong sạch. Vậy, tốt nhất ta nên xuất hiện lên cõi người tìm đến khu rừng thanh vắng để thọ trì bát giới uposathasīla, thì tám điều giới của ta được hoàn toàn trong sạch.

Đức Bồ Tát Bhūridatta không dám đến xin phép Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, mà chỉ truyền bảo cho các hoàng hậu của mình biết rằng:

- Này các ái khanh! Trẫm sẽ xuất hiện lên cõi người, nơi gò mối gần cây da bên bờ sông Yamunā, Trẫm sẽ thọ trì bát giới uposathasīla tại nơi ấy.

Sau khi truyền bảo các hoàng hậu cho biết chỗ ở xong, Đức Bồ Tát Bhūridatta xuất hiện lên cõi người đến tại nơi ấy.

Đức Bồ Tát Bhūridatta phát nguyện bốn điều rằng:

* Người nào cần đến da của ta thì hãy lột da,

* Người nào cần đến gân của ta thì hãy rút gân,

* Người nào cần xương của ta thì hãy lấy xương,

* Người nào cần máu của ta thì hãy lấy máu.

Sau khi phát nguyện bốn điều ấy xong, Đức Bồ Tát Bhūridatta có thân hình dài nằm khoanh tròn quanh gò mối, nguyện thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới ấy cho đến sáng ngày hôm sau mới trở lại cõi long cung, Đức Bồ Tát Bhūridatta đã thọ trì bát giới uposathasīla như vậy được thuận lợi trải qua một thời gian khá lâu.

 Người Thợ Săn Và Con Trai.

Trong thời ấy, một gia đình người thợ săn Nesāda nhà ở gần kinh thành Bārāṇasī, hằng ngày người thợ săn Nesāda và người con trai tên Somadatta đi vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi sống gia đình.

Một hôm, hai cha con người thợ săn đi vào rừng săn bắn không được con thú nào, người cha nói với người con rằng:

- Này Somadatta! Hôm nay, cha con chúng ta săn bắn không được con thú nào đem về nhà, chắc chắn cha con cha con ta sẽ bị mẹ của con nổi giận rầy la. Bây giờ trời tối rồi, cha con ta leo lên cây ngủ tạm qua đêm nay, ngày mai chúng ta sẽ đi săn bắn cho được những con thú đem về nhà.

Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới Đức Bồ Tát Bhūridatta xuất hiện lên cõi người, nằm khoanh tròn quanh gò mối gần gốc cây đa, nguyện thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn đầy đủ tám điều giới cho được hoàn toàn trong sạch.

Khi ấy, biết có người thợ săn Nesāda tìm đến, nên Đức Bồ Tát Bhūridatta liền biến hoá thành Đức Vua trời có nhiều oai lực. Người thợ săn Nesāda hỏi rằng:

- Thưa Ngài, Ngài là ai mà ngồi một mình ở nơi khu rừng vắng vẻ này?

Nghe người thợ săn Nesāda hỏi như vậy, Đức Bồ Tát Bhūridatta trả lời rằng:

- Này Bà-la-môn! Ta là Long Vương ở cõi long cung có nhiều oai lực, nếu ta nổi giận thì có thể thiêu huỷ những vật xung quanh biến thành tro bụi, Đức Phụ Vương của ta là Đức Long Vương Dhataraṭṭha và Mẫu hậu là Chánh cung Hoàng hậu Samuddajā, ta là Hoàng tử Bhūridatta.

Nhìn người thợ săn Nesāda này, Đức Bồ Tát Bhūridatta biết rằng: “Người thợ săn Nesāda này là con người ác, phản bạn. nếu người thợ săn này đi báo cho vị thầy rắn đến đây, thì vị thầy rắn sẽ gây ra tai hoạ cho việc thọ trì bát giới uposathasīla của ta.

Vậy, ta nên mời người thợ săn Nesāda này đến cõi long cung, rồi ta sẽ ban cho y địa vị, nhiều của cải, để y an hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung.

 Như vậy, ta sẽ được thuận lợi trong việc thọ trì bát giới uposathasīla lâu dài.

Nghĩ xong Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền hỏi người thợ săn Nesāda rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngươi ở cõi người này, phải vất vả đi săn bắn thú rừng bán thịt nuôi mạng khổ cực lắm, ta mời ngươi đến cõi long cung, ta sẽ ban cho ngươi chức vị, nhiều của cải, để cho ngươi an hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung, không phải vất vả khổ cực gì cả. Vậy, ngươi có muốn đi với ta hay không?

Người thợ săn tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Long Vương Bhūridatta! Tôi có đứa con trai ở đằng kia, tôi sẽ báo cho con trai tôi biết, rồi tôi sẽ đi theo Đức Long Vương.

- Này Bà-la-môn! Vậy, ngươi hãy dẫn người con trai của ngươi cùng đi đến cõi long cung với ta, để hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy.

Hai cha con người thợ săn đến gặp Đức Bồ Tát Bhūridatta, Đức Bồ Tát dẫn hai cha con đến con sông Yamunā, Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Ta dẫn hai cha con ngươi đến cõi long cung do oai lực của ta.

Khi hai cha con người thợ săn đến cõi long cung thì thân hình hai cha con trở thành như người hoá sinh, Đức Bồ Tát Bhūridatta ban cho hai cha con mỗi người mỗi lâu đài và 400 long nữ theo hầu hạ, hai cha con hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung.

Đức Bồ Tát Bhūridatta không dễ duôi, cứ nửa tháng đến chầu Đức Phụ Vương Dhataraṭṭha và Mẫu hậu Samuddajā, thuyết pháp tế độ hai Người.

Thỉnh thoảng Đức Bồ Tát Bhūridatta cũng đến thăm hai cha con người thợ săn và khuyên hai cha con ở đây hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung này.

Hai cha con hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung được một năm. Riêng người cha cảm thấy buồn chán muốn trở lại cõi người, bởi vì phước ít nhìn thấy cõi long cung giống như trong cõi địa ngục nóng nảy, ngôi lâu đài bằng vàng nguy nga đẹp đẽ giống như nhà tù khó chịu, các cô long nữ xinh đẹp kia giống như các nữ Dạ xoa hung ác. Vì vậy, người cha cảm thấy nóng nảy khổ tâm nghĩ rằng:

Cõi long cung đối với ta như thế này, còn Somadatta con của ta thì sao?

Người thợ săn Nesāda tìm đến gặp người con hỏi rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Sống ở cõi long cung này, con cảm thấy buồn chán hay không? 

- Kính thưa cha, con hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung như thế này, làm sao con có thể cảm thấy buồn chán được. Còn cha cảm thấy như thế nào?

- Này somadatta yêu quý! Cha cảm thấy buồn chán quá, bởi vì cha nhớ mẹ con và các em của con.

- Này Somadatta yêu quý! Cha con ta xin trở về cõi người để thăm viếng mẹ con và các em của con.

Nghe người cha nói như vậy, nhớ lại trước đây trên cõi người hằng ngày phải vật vả cực khổ đi vào rừng săn bắn thú rừng đem thịt đi bán để nuôi sống gia đình; còn ở cõi long cung này, đời sống sung sướng được hưởng mọi sự an lạc, cho nên Somadatta không muốn trở về cõi người, nhưng người cha khẩn khoản năn nỉ, nên cuối cùng Somadatta phải chịu đồng ý với người cha trở về cõi người.

Biết người con trai chịu theo mình trở về, người cha cảm thấy nhẹ được nỗi lo, nhưng ông không biết phải nói như thế nào để Đức Bồ Tát Bhūridatta cho phép hai cha con ông trở về cõi người, ông bèn nghĩ rằng:

Nếu tâu sự thật, ta cảm thấy buồn chán ở cõi long cung này, thì Đức Bồ Tát Bhūridatta sẽ ban cho ta nhiều ân huệ nữa, sẽ truyền các long nữ xinh đẹp đến đàn ca múa hát cho ta xem cho vui, để ta ở lại hưởng mọi sự an lạc trong cõi long cung này.

Như vậy, ta không có lý do xin phép trở về cõi người được. Vậy, ta phải tìm cách tâu dối với Đức Long Vương Bhūridatta.”

Người thợ săn Nesāda có mưu kế, và chờ đợi cơ hội Đức Long Vương Bhūridatta đến thăm.

Một hôm, đến thăm hai cha con người thợ săn, Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền hỏi rằng:

- Này Bà-la-môn, hai cha con nhà ngươi sống nơi này có thiếu thốn gì không? Thân tâm thường được an lạc hay không?

- Tâu Đức Long Vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi sống tại cõi long cung này đầy đủ mọi tiện nghi như thế này, hưởng được mọi sự an lạc, cho nên thân tâm chúng tôi thường được an lạc.

- Tâu Đức Long Vương Bhūridatta, cõi long cung của Đức Long Vương rộng lớn, cung điện của Đức Long Vương bằng ngọc, bằng vàng châu báu, được trang hoàng bằng thất báu, các thứ ngọc quý, v.v… các lâu đài nguy nga tráng lệ, hồ lớn có nhiều loài hoa sen xinh đẹp, hương thơm ngào ngạt, có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ màu sắc rực rỡ, có các đàn long nữ xinh đẹp, đàn giỏi, ca hay, nhảy múa tuyệt vời .v.v…như thế này, tôi không biết có còn cõi nào sánh bằng cõi long cung này hay không? Tâu Đức Long Vương.

Nghe người thợ tán dương ca tụng cõi long cung như vậy, Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Nhà ngươi chớ nên nói như vậy, giang sơn cõi long cung nhỏ bé này làm sao sánh được với cõi Tam Thập Tam Thiên của Đức Vua trời Sakka.

- Này Bà-la-môn! Cung điện của Đức Vua trời Sakka thật vĩ đại, rất nguy nga tráng lệ gấp bội lần so với cung điện cõi long cung này. Kiếp Long Vương của ta vốn thuộc loài súc sinh tuy có nhiều oai lực biến hoá, nhưng kiếp sau ta muốn trở thành Đức Vua trời Sakka cõi Tam Thập Tam Thiên. Vì vậy, ta thường xuất hiện lên cõi người trong những ngày giới hằng tháng, để thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn đầy đủ tám điều giới ấy cho được trong sạch hoàn toàn. 

Nghe Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền dạy như vậy, người thợ săn rất hoan hỷ có được cơ hội, để xin phép Đức Long Vương trở về cõi người, bèn tâu dối rằng:

- Tâu Đức Long Vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi đi vào rừng săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi mạng, duyên may gặp được Đức Long Vương dẫn cha con chúng tôi xuống cõi long cung này được hưỏng mọi sự an lạc, mà vợ con thân quyến của tôi không hề hay biết hai cha con chúng tôi sống hay chết như thế nào.

Nay, muốn xin Đức Long Vương cho phép chúng tôi trở về cõi người, để thăm viếng vợ con, thân quyến.

Nghe người thợ săn Nesāda tâu như vậy, Đức Long Vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Hai cha con của nhà ngươi đến ở trong cõi long cung này được hưởng mọi sự an lạc như thế này, trong cõi người không dễ gì có được, nhưng nếu hai cha con nhà ngươi muốn trở về cõi người để thăm viếng thân quyến thì ta cũng chiều theo ý của ngươi.

- Này Bà-la-môn! Ta muốn giúp đỡ ngươi, sau khi ngươi trở về cõi người để có cuộc sống đầy đủ sung sướng an lạc, không chịu cảnh khổ thiếu thốn, nên ta sẽ ban tặng cho ngươi một viên ngọc maṇi như ý. Nếu khi nhà người muốn được vật gì, thì viên ngọc maṇi như ý

này sẽ giúp cho nhà ngươi được thành tựu như ý.

Sở dĩ Đức Bồ Tát Bhūridatta ban cho người thợ săn Nesāda viên ngọc maṇi như ý, để cho người thợ săn muốn bất cứ vật gì trong đời cũng sẽ được thành tựu như ý. Như vậy, đời sống của người thợ săn và toàn gia đình được đầy đủ sung túc, được hạnh phúc an lạc, nhờ nơi ân đức của Đức Bồ Tát Bhūridatta mà không nghĩ đến chuyện phản bội, làm hại Đức Bồ Tát Bhūridatta.

Nghe Đức Bồ Tát Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý, thì người thợ săn tâu rằng:

- Tâu Đức Long Vương Bhūridatta, tôi vô cùng cảm kích trước tình thương yêu cao cả của Đức Long Vương đối với chúng tôi. Nay, tôi đã già rồi, sau khi trở về cõi người, tôi muốn xuất gia trở thành đạo sĩ. Vì vậy, viên ngọc maṇi như ý ấy đối với tôi không trọng dụng được thì uổng lắm, tôi chân thành đội ơn Đức Long Vương, tôi không dám nhận, kính xin Đức Long Vương giữ lại.

Sự thật, viên ngọc maṇi như ý ấy chỉ dành cho những vị có nhiều phước lớn mà thôi, còn người thợ săn Nesāda này là người có ít phước, nên không có khả năng nhận viên ngọc maṇi như ý ấy được.

Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Nhà ngươi xuất gia hành phạm hạnh, đó là điều tốt, nhưng không phải là việc dễ làm. Nếu khi nào ngươi chán nản thực hành phạm hạnh hoàn tục trở lại cuộc sống của người tại gia. Khi ấy, nhà ngươi lại sẽ cần đến của cải cần thiết trong cuộc sống, nhà ngươi hãy đến tìm ta tại nơi gò mối ấy, ta sẽ giúp đỡ cho ngươi nhiều của cải.

Nghe Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền bảo chí tình như vậy, người thợ săn Nesāda tâu rằng:

- Tâu Đức Long Vương Bhūridatta, lời truyền dạy của Đức Long Vương thật chí tình quá, tôi vô cùng cảm kích trước tâm từ bi cao thượng của Đức Long Vương đối với cha con chúng tôi.

Tôi chân thành đội ân đức của Đức Long Vương.

 Biết người thợ săn Nesāda không muốn tiếp tục lại cõi long cung này, nên Đức Bồ Tát Bhūridatta truyền bảo bốn vị long nam tiễn đưa hai cha con người thợ săn trở lại cõi người, dẫn đến con đường đi về kinh thành Bārāṇasī, rồi bốn vị long nam trở về cõi long cung.

Người thợ săn bảo với người con rằng:

- Này Somadatta! Đây là con đường cũ đi đến nhà chúng ta. Trên đường đi nhìn thấy hồ nước trong, người cha bảo con rằng:

- Này Somadatta yêu quý! Nước hồ trong trẻo, cha con ta xuống hồ tắm cho mát, rồi trở về thăm mẹ con và các em con.

Nghe người cha nói như vậy, Somadatta đồng ý ngay. Hai cha con cởi y phục và những đồ trang sức của hàng long nam ra, gói lại để trên bờ, rồi hai cha con đi xuống hồ nước tắm.

Khi ấy, tất cả y phục và những đồ trang sức cõi long cung đều biến khỏi nơi ấy, hiện về lại cõi long cung, thay bằng bồ đồ cũ đã mặc trước kia và những dụng cụ cung tên, bẫy đặt bắt thú rừng hiện ra trở lại như xưa.

Sau khi hai cha con tắm xong, bước lên bờ, không nhìn thấy những bộ y phục và những đồ trang sức trong cõi long cung nữa, chỉ thấy những bộ y phục cũ và những dụng cụ săn bắn trước kia mà thôi, Somadatta than rằng:

- Này cha ơi! Cha đã làm hại con rồi! Bây giờ con mất hết tất cả chẳng còn gì nữa!

Nghe con than vãn như vậy, người cha an ủi rằng:

- Này Somadatta con yêu quý! Con chớ nên tiếc của nữa, trong rừng này còn thú rừng thì cha con mình đi săn bắn thú rừng, bán thịt nuôi sống gia đình chúng ta như trước.

Sau đó, hai cha con dẫn nhau trở về nhà, mọi người trong gia đình vui mừng đoàn tụ vợ chồng và các con.

Buổi đoàn tụ gia đình vui mừng, bà vợ người thợ săn làm đồ ăn ngon đãi chồng và các con, người chồng ăn xong ngủ say. Bà hỏi người con trai rằng:

- Này Somadatta con yêu quý! Hai cha con đi đâu mà mất tích một năm qua, đã ở nơi nào mà đến nay mới trở về nhà, vậy con?

Somadatta thưa với mẹ rằng:

- Thưa mẹ, hai cha con được Đức Long Vương Bhūridatta dẫn xuống cõi long cung sống hưởng mọi sự an lạc suốt một năm qua, cha con nhớ mẹ và các em nên xin Đức Long Vương Bhūridatta cho phép trở về thăm mẹ và các em.

- Này Somadatta con yêu quý! Đức Long Vương Bhūridatta có ban cho viên ngọc quý nào không con?

- Thưa mẹ, Đức Long Vương Bhūridatta có ban cho cha một viên ngọc maṇi như ý, mà cha không chịu nhận đem về. Mẹ ạ.

- Này Somadatta! Tại sao cha con không chịu nhận vậy con?

- Thưa mẹ, cha con tâu với Đức Long Vương Bhūri-datta rằng: “Sau khi trở về cõi người, tôi sẽ xuất gia trở thành đạo sĩ, nên không nhận viên ngọc maṇi như ý ấy”

Nghe Somadatta thưa như vậy, bà vợ người thợ săn nổi giận, đi vào phòng gặp người chồng la rầy rằng:

- Này ông chồng bất nghĩa! Ông bỏ mẹ con tôi, đi hưởng sự an lạc cõi long cung một năm qua. Khi trở về Đức Long Vương Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý ông không chịu nhận, ông còn có ý định xuất gia trở thành đạo sĩ, bỏ lại mẹ con tôi. Sao không đi luôn, còn trở lại nhà làm gì nữa!

Bà đánh sau lưng chồng bằng cái chày đâm tiêu. Bị người vợ la rầy, đánh đập, người chồng xin lỗi năn nỉ rằng:

- Này em yêu quý! Nhớ em và các con, nên anh trở về nhà thăm em và các con. Vậy, xin em bớt giận anh.

Khi trong rừng còn các loài thú, thì anh còn đi vào rừng bẫy thú, săn bắn thú, bán thịt nuôi nấng em và các con như trước.

 



[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Phần Mahānipāta, Tich Bhūridattajātaka

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn