(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Pháp hạnh Trí tuệ ba-la-mật bậc hạ (2)

12 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9194)

 

Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển VI (Pháp Hạnh trí tuệ Ba La Mật_Tập 2)

Soạn giả:Tỳ khưu Hộ Pháp

 Pháp hạnh Trí tuệ ba-la-mật bậc hạ (2)

Câu Hỏi Về Con Rắn

Một hôm, Đức Vua Vedeha truyền các quan đem 1 con rắn đực và 1 con rắn cái đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông kinh thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

- Hãy phân biệt cho biết trong 2 con rắn này, con nào là rắn đực, con nào là rắn cái. Nếu không có người nào biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông không một ai biết rõ cả, nên họ đem 2 con rắn đến hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Nhìn thấy 2 con rắn, Ngài biết rõ ngay con rắn đực và con rắn cái, do phân biệt rằng:

- Cái đầu con rắn đực to, cái đầu con rắn cái nhỏ thon.

- Cái đuôi con rắn đực to, cái đuôi con rắn cái nhỏ thon.

- Con mắt con rắn đực lớn, con mắt con rắn cái nhỏ.

Đức Bồ Tát bảo dân chúng rằng:

- Con rắn có đầu to, đuôi to, đôi mắt lớn là con rắn đực.

- Con rắn có đầu nhỏ thon, đuôi nhỏ thon, đôi mắt nhỏ là con rắn cái.

Dân chúng đem 2 con rắn đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, con rắn này là con rắn đực và con rắn kia là con rắn cái.

Đức Vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy? biết bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người biết đúng như vậy, bằng cách phân biệt như sau:

- Con rắn có đầu to, đuôi to, đôi mắt lớn là con rắn đực.

- Con rắn có đầu nhỏ thon, đuôi nhỏ thon, đôi mắt nhỏ là con rắn cái.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

Câu Hỏi Về Con Gà Trống

Một hôm, Đức Vua Vedeha truyền lệnh cho dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông rằng:

- Hãy đem nạp cho Trẫm con vật quý toàn màu trắng, có 2 sừng ở dưới 2 chân, có miếng thịt dư trên đầu, kêu đúng 3 thời. Nếu không nạp đúng con vật ấy thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng trong vùng không một ai biết phải nạp con gì lên Đức Vua Vedeha, nên họ đến hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, Đức Vua truyền lệnh dân chúng trong vùng đem nạp lên Đức Vua một con vật quý toàn màu trắng, có 2 sừng ở dưới 2 chân, có miếng thịt dư trên đầu, kêu đúng 3 thời.

- Kính thưa Ngài, đó là con vật gì vậy? Thưa Ngài.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Này quý vị, Đức Vua Vedeha truyền đem nạp con gà trống toàn màu trắng, 2 sừng ở dưới 2 chân nghĩa là 2 cái cựa gà ở 2 chân; miếng thịt dư trên đầu nghĩa là cái mào của con gà, kêu đúng 3 thời nghĩa là gà gáy đúng 3 thời.

Dân chúng đem con gà trống toàn màu trắng đến chầu Đức Vua Vedeha, rồi kính dâng con gà trống ấy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

- Này chư khanh! Đúng sự thật là con vật mà Trẫm cần. Vậy, ai là người biết đúng ý của Trẫm?

Dân chúng tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka là người biết đúng ý của Đại Vương.

Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

Chuyện Về Viên Ngọc Maṇi

Viên ngọc maṇi mà Đức Vua trời Sakka ban cho Đức Vua Bồ Tát Kusa trong thời quá khứ có 8 khúc cong trong lỗ xâu chỉ, sợi chỉ cũ đã bị đứt bên trong.

Từ lâu, đã không có một ai có khả năng lấy sợi chỉ cũ ra, xâu sợi chỉ mới xuyên viên ngọc maṇi này được.

Một hôm, Đức Vua Vedeha truyền lệnh cho dân chúng vùng lúa mạch phía đông rằng:

- Hãy lấy sợi chỉ cũ dính trong viên ngọc maṇi này ra, và xâu sợi chỉ mới vào, rồi đem dâng trở lại cho Trẫm. Nếu không ai làm được thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng không một ai có khả năng lấy sợi chỉ cũ trong viên ngọc maṇi ra và xâu sợi chỉ mới vào, nên đến cầu cứu xin Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giúp đỡ cho. Ngài truyền bảo rằng:

- Này quý vị, chớ nên lo sợ, hãy an tâm, quý vị hãy đem nước ngọt đến đây.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nhỏ nước ngọt vào lỗ viên ngọc maṇi cho thấm ướt sợi chỉ cũ, lấy một sợi chỉ rất nhỏ bỏ một đầu vào lỗ viên ngọc, rồi nhỏ nước ngọt thấm vào đầu của sợi chỉ mới, đặt viên ngọc maṇi ấy ở chỗ ổ kiến lửa. Đàn kiến lửa đánh mùi nước ngọt kéo đến chui vào lỗ bên này của viên ngọc maṇi ăn lần vào sợi chỉ cũ, đồng thời kéo sợi chỉ mới theo sau đi ra cửa lỗ bên kia.

Khi đã biết sợi chỉ cũ trong viên ngọc maṇi bị kiến ăn tiêu mất, và sợi chỉ mới đã xâu vào bên trong từ đầu lỗ bên này qua đầu lỗ bên kia, Đức Bồ Tát đem trao viên ngọc maṇi mà sợi chỉ cũ không còn nữa, sợi chỉ mới đã được xâu xong cho dân chúng rồi bảo rằng:

- Quý vị hãy đem viên ngọc maṇi này đến chầu Đức Vua rồi tâu rằng: Tâu Đại Vương, chúng tiện dân vùng lúa mạch phía đông kính dâng trở lại Đại Vương viên ngọc maṇi đã được lấy sợi chỉ cũ ra và được xâu lại sợi chỉ mới vào.

Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

- Người nào có khả năng làm được công việc này? bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đã làm được việc ấy, bằng cách nhỏ nước ngọt vào lỗ viên ngọc maṇi cho thấm ướt sợi chỉ cũ, lấy một sợi chỉ rất nhỏ bỏ một đầu vào lỗ viên ngọc, rồi nhỏ nước ngọt thấm vào đầu của sợi chỉ mới, rồi đặt viên ngọc maṇi ấy ở chỗ ổ kiến lửa. Đàn kiến lửa đánh mùi nước ngọt kéo đến chui vào lỗ bên này của viên ngọc maṇi ăn lần vào sợi chỉ cũ, đồng thời kéo sợi chỉ mới theo sau đi ra cửa lỗ bên kia.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

Chuyện Con Bò Đực Sinh Con

Một hôm, Đức Vua Vedeha truyền quân lính cho con bò đực báu ăn bánh thật nhiều làm cho bụng con bò đực to lên. Sau đó, Đức Vua truyền cho lính thoa dầu, lấy nước nghệ tắm con bò đực rồi dắt đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông kinh thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

- Dân chúng các ngươi là người có tài trí, con bò đực của Trẫm đã có thai, Trẫm nhờ các ngươi giúp cho con bò đực này sinh con được an toàn rồi dắt trả lại cho Trẫm cả con bò đực lẫn con của nó. Nếu các ngươi không dắt đủ 2 con về lại cho Trẫm thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng hội họp lại bàn bạc, họ không thể nào làm theo lệnh của Đức Vua được, nên họ dẫn nhau đến nhờ Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Ngài nghĩ: “Vấn đề này cần phải đặt ngược lại”. Nghĩ xong Ngài truyền bảo rằng:

- Này quý vị! Quý vị có thể tìm 1 người đàn ông dũng cảm, có khả năng tâu với Đức Vua được không?

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, chúng tôi có thể tìm người đàn ông như vậy được.

- Quý vị hãy dẫn người ấy lại gặp tôi.

Người đàn ông ấy được dẫn đến gặp Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, Ngài dạy người ấy rằng:

- Nhà ngươi hãy xả tóc của mình ra sau, rồi khóc lóc, than vãn đi đến cửa cung điện của Đức Vua Vedeha, ai hỏi gì cũng không trả lời, cứ khóc lóc, than vãn xin gặp Đức Vua.

Khi Đức Vua truyền hỏi rằng: “Do nguyên nhân nào mà ngươi khóc than như vậy?” Nhà ngươi hãy tâu: “Tâu Đại Vương, cha của tiện dân không thể sinh con được, đến hôm nay là ngày thứ 7, Đại Vương là nơi nương nhờ của tiện dân, cầu xin Đại Vương chỉ dạy cách sinh con cho cha của tiện dân”.

 Đức Vua sẽ truyền rằng: “Ngươi cầu xin điều mà không thể thực hiện được. Từ xưa đến nay, người đàn ông có bao giờ sinh con được đâu!”

Khi ấy, ngươi hãy tâu: “Muôn tâu Đại Vương, nếu điều đó không thể có được thì dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông làm sao giúp cho con bò đực báu của Đại Vương sinh con được!”

Người đàn ông ấy nhận lời, làm đúng theo lời dạy của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy. Mọi sự việc xảy ra đúng như Ngài dự đoán.

Khi nghe lời tâu của người đàn ông vùng lúa mạch phía đông ấy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

- Người nào nghĩ ra, đặt vấn đề ngược lại như thế này?

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người nghĩ ra, rồi dạy cho kẻ tiện dân này đến chầu Đại Vương, tâu đúng theo lời dạy của công tử như vậy.

Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

Chuyện Nấu Cơm

Một hôm, Đức Vua nghĩ cách thử tài trí của Mahosadha paṇḍita nên truyền lệnh rằng:

 - Trẫm nghe nói dân chúng vùng lúa mạch phía đông là người có tài trí thông minh, hãy nấu cơm chua (Ambilodana) hợp đủ 8 điều, rồi đem đến dâng lên Trẫm. Tám điều đó là:

1- Không được nấu bằng gạo.

2- Không được nấu bằng nước.

3- Không được nấu trong nồi.

4- Không được nấu trên lò.

5- Không được nấu bằng lửa thường.

6- Không được nấu bằng củi.

7- Không cho phép đàn ông hay đàn bà đến dâng.

8- Không được đem đi theo đường lớn.

Nếu dân chúng không đem dâng món cơm chua ấy thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng hội họp lại bàn bạc nhưng không người nào biết nấu món cơm đầy đủ 8 điều như vậy, họ dẫn nhau đến gặp Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita để Ngài chỉ dạy. Ngài dạy rằng:

- Xin quý vị chớ nên lo sợ, hãy an tâm, quý vị hãy nghe tôi chỉ dẫn như sau:

1- Lấy tấm nấu cơm chua, nghĩa là không nấu bằng gạo.

2- Nấu bằng hạt sương, nghĩa là không nấu bằng nước.

3- Nấu trong đồ vật bằng đất mới, nghĩa là không nấu trong nồi.

4- Lấy 3 gốc cây chụm lại, đặt đồ bằng đất mới lên nấu, nghĩa là không nấu trên lò.

5- Lấy 2 cây khô cọ vào nhau, phát ra lửa nấu cơm, nghĩa là không nấu bằng lửa thường.

6- Nấu cơm bằng lá cây khô, nghĩa là không nấu bằng củi.

7- Chọn người ái nam ái nữ đem cơm chua đến dâng Đức Vua, nghĩa là không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà.

8- Đem cơm chua đi theo đường nhỏ mới tự tạo, nghĩa là không đi theo đường lớn cũ.

Dân chúng nấu cơm chua đúng theo lời dạy của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Sau đó Người ái nam ái nữ đem món cơm chua đến chầu, dâng lên Đức Vua Vedeha, tâu cách nấu hợp đủ 8 điều mà Đức Vua truyền lệnh.

Nghe người ái nam ái nữ tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

- Này ngươi! Người nào chỉ dạy cách nấu món cơm chua này?

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, chỉ dạy cách nấu món cơm chua đúng theo lệnh của Đại Vương.

Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

Chuyện Về Sợi Dây Bằng Cát

Muốn thử tài trí thông minh của Đức Bồ Tát Maho-sadha paṇḍita, Đức Vua Vedeha truyền lệnh dân chúng vùng lúa mạch phía đông rằng:

- Trẫm muốn chơi đánh đu mà sợi dây cũ trong cung điện đã bị đứt. Vậy, dân chúng vùng lúa mạch phía đông hãy làm 2 sợi dây mới bằng cát đem dâng đến Trẫm. Nếu không ai làm được 2 sợi dây mới bằng cát, rồi đem dâng đến Trẫm thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng hội họp lại bàn bạc, nhưng không có ai biết làm cách nào được, họ dẫn nhau đến thưa với Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita về lệnh của Đức Vua như vậy. Ngài nghĩ: Sự việc này cần phải đặt ngược lại vấn đề”. Nghĩ xong Ngài an ủi dân chúng rằng:

- Này quý vị! Xin quý vị hãy an tâm, quý vị hãy tìm 2-3 người đàn ông dũng cảm, thông minh, tâu với Đức Vua được, dẫn đến đây gặp tôi.

Hai người đàn ông dũng cảm, thông minh được dẫn đến, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita truyền dạy họ rằng:

- Hai người hãy đến chầu Đức Vua Vedeha và tâu rằng: “Muôn tâu Đại Vương! Dân chúng vùng lúa mạch phía đông không biết Đại Vương cần 2 sợi dây bằng cát cỡ lớn hoặc nhỏ chừng nào. Kính xin Đại Vương ban cho sợi dây bằng cát cũ khoảng 1 gang tay hay 4 lóng tay làm mẫu, để dân chúng làm giống theo mẫu của Đại Vương.

Đức Vua Vedeha sẽ truyền bảo với quý vị rằng: “Sợi dây làm bằng cát trong cung điện chưa từng có bao giờ”, thì quý vị nên tâu:

“Muôn tâu Đại Vương! Nếu không có sợi dây bằng cát cũ làm mẫu thì dân chúng vùng lúa mạch phía đông làm sao có thể làm dây cát mới được?”

Hai người đàn ông dũng cảm, thông minh ghi nhớ lời dạy của Đức Bồ Tát Mahosadha đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu đúng như lời truyền dạy của Ngài. Mọi sự việc xảy ra đúng như Ngài dự đoán. Nghe 2 người dân tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:

 - Người nào nghĩ ra cách đặt sự việc ngược lại vấn đề như thế này?

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka là người nghĩ ra cách đặt sự việc ngược lại vấn đề như vậy, rồi truyền dạy cho kẻ tiện dân này đến chầu Đại Vương, tâu đúng theo lời dạy của công tử như vậy.

Đức Vua vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của phú hộ Sirivaḍḍhaka có trí tuệ thật siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua nên chờ đợi để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.

4.1 Pháp Hạnh Trí tuệ Ba La Mật bậc Hạ Thử tài trí của Đức Bồ tát Mahosadha paṇḍita

Đức Vua Ngự Đi Mời Công tử Mahosadha Paṇḍita

Đức Vua Vedeha suy xét: Ta đã thử tài trí thông minh của công tử Mahosadha paṇḍita bằng nhiều cách khác nhau, có những cách thuận, có những cách nghịch, cách nào cũng khó khăn, sâu sắc mà công tử đã giải đáp một cách rất phi thường, khiến cho ta vô cùng cảm phục trí tuệ siêu việt của công tử. Ta muốn mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung điện, để giúp ta, nhưng vị quân sư Senaka khuyên can ta, nên chờ đợi và tiếp tục thử tài trí thông minh của công tử nữa.

Bây giờ, ta không muốn chờ đợi nữa mà chính ta thân hành ngự đi mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung điện giúp ta.”

Sau khi suy xét xong, Đức Vua Vedeha thân hành ngự đi cùng với đoàn hộ giá đông đảo, Đức Vua cỡi con ngựa báu ngự đi được một quãng đường xấu, vó của con ngựa bị hư, nên đành phải hồi cung, trở về kinh thành Mithilā, chờ cơ hội khác.

Khi ấy, vị quân sư Senaka vào chầu Đức Vua, tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ thân hành ngự đi đến xóm nhà lúa mạch phía đông phải không?

Đức Vua Vedeha thuật lại là ngự đi một quãng đường

xấu, vó của con ngựa bị hư nên chưa đến nơi, đành phải hồi cung. Vị quân Sư tâu:

- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần đã khuyên can Bệ hạ nên chờ đợi để thử tài trí của Mahosadha paṇḍita bằng cách khác nữa.

Nghe lời khuyên can của vị quân sư Senaka như vậy, nhưng Đức Vua Vedeha không muốn chờ đợi lâu nữa, chỉ muốn truyền mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung điện sớm mà thôi, nên Đức Vua thưa với vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm muốn truyền mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung điện. Vậy, quân sư có cách nào giúp Trẫm.

Vị quân sư Senaka biết không thể nào khuyên can được nữa nên tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ không nên thân hành ngự đến mời công tử Mahosadha paṇḍita mà chỉ cần truyền gửi vị quan đến gặp công tử với lời truyền lệnh rằng:

“Hôm trước, Trẫm thân hành ngự đi đến gặp công tử, nhưng giữa đường vó ngựa báu của Trẫm bị hư, nên Trẫm phải hồi cung.

Nay, Trẫm muốn chính công tử và phụ thân của công tử, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, đem một con ngựa báu (assatara) hoặc con tuấn mã cao quý hơn ngựa thường dâng lên Trẫm”.

- Tâu Bệ hạ, như vậy, nguyện vọng mời công tử Mahosadha paṇḍita của Bệ hạ sẽ được thành tựu như ý.

Nghe vị quân sư Senaka tâu như vậy, Đức Vua Vedeha chuẩn tấu ngay, truyền lệnh các quan thi hành.

Vị quan đến gặp công tử Mahosadha paṇḍita, trao tận tay lệnh truyền của Đức Vua Vedeha. Đọc xong lệnh của Đức Vua Vedeha, Ngài nghĩ: Đức Vua Vedeha muốn gặp ta và phụ thân ta”.

Chuyện Con Lừa Đực Với Con Ngựa Báu

Ngay khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến hầu phụ thân, thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, Đức Vua Vedeha muốn gặp phụ thân và con. Con xin phụ thân cùng đi với đoàn tuỳ tùng 1.000 phú hộ lớn nhỏ thuộc hạ, và phụ thân nhớ mang theo hộp trầm và bơ lỏng dâng lên Đức Vua Vedeha.

Khi chầu Đức Vua, phụ thân nói lời chúc tụng Đức Vua xong, Đức Vua sẽ truyền bảo phụ thân ngồi nơi hợp lẽ. Khi con đến, Đức Vua truyền hỏi con xong sẽ truyền bảo con ngồi nơi hợp lẽ.

Khi ấy, con sẽ đưa mắt nhìn phụ thân thì phụ thân hãy đứng dậy, rồi bảo con rằng:

“-Này Mahosadha paṇḍita con yêu quý! Con hãy đến ngồi chỗ của phụ thân, phụ thân sẽ ngồi chỗ khác.”

 Như vậy, mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ ngay hôm ấy”.

Ông Phú hộ Sirivaḍḍhaka hứa sẽ làm theo sự yêu cầu của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, con của ông.

Ông phú hộ đi cùng với phái đoàn tuỳ tùng gồm 1.000 phú hộ lớn nhỏ đến chầu Đức Vua Vedeha.

Khi Đức Vua cho phép, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka cùng với 1.000 phú hộ lớn nhỏ đến bệ kiến Đức Vua, tán dương, ca tụng Đức Vua, dâng phẩm vật lên Đức Vua xong, đứng một nơi hợp lẽ. Đức Vua truyền hỏi:

- Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Mahosadha paṇḍita con của ngươi đâu?

- Muôn tâu Đại Vương, Mahosadha paṇḍita, con của

tiện dân đến sau. Tâu Đại Vương.

Nghe phú hộ tâu như vậy, Đức Vua vô cùng hoan hỷ, truyền bảo rằng:

- Này phú hộ Sirivaḍḍhaka, ngươi nên ngồi nơi hợp lẽ.

Nghe Đức Vua truyền bảo, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka ngồi một nơi hợp lẽ.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita (mới lên 7 tuổi) mặc trang phục sang trọng, trang sức những viên ngọc quý giá, ngồi trên chiếc xe lộng lẫy cùng với đoàn hộ tống 1.000 bạn trẻ cỡi ngựa và xe đi theo sau. Đức Bồ Tát có đem theo một con lừa đực (Gadrabha), được bịt miệng và bỏ trong bao đặt trên xe.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cùng đoàn hộ tống đông đảo đi vào kinh thành Mithilā, dân chúng trong kinh thành ra đứng đón rước Ngài.

Nhìn thấy Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có những tướng tốt của bậc đại nhân, họ đều tán dương ca tụng Ngài một cách tôn kính. Ngài đến trước cung điện, lính vào tâu trình Đức Vua.

Nghe lính tâu trình công tử Mahosadha paṇḍita đến, Đức Vua Vedeha truyền lệnh mời công tử Mahosadha paṇḍita vào chầu. Ngài cùng 1.000 bạn trẻ vào cung điện, bước lên lâu đài, đảnh lễ Đức Vua Vedeha, tán dương ca tụng Đức Vua xong, đứng một nơi hợp lẽ. Nhìn thấy Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, Đức Vua vô cùng hoan hỷ truyền bảo với lời thương yêu rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita, con yêu quý! Con nên ngồi chỗ ngồi hợp lẽ của con.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đưa mắt nhìn phụ thân, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, phụ thân của Ngài đứng dậy, nhường chỗ ngồi với lời lẽ thương yêu rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita, con yêu quý của cha! Con hãy nên ngồi chỗ của cha đây!

Nói xong, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka nhường chỗ, sang ngồi chỗ khác. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bước đến ngồi chỗ của cha.

Khi ấy, 4 vị quân sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda cùng nhau vỗ tay cười khinh mạn, có số quan trong triều a dua cười theo. Các vị quân sư nói lời chế nhạo rằng:

- Đứa con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka vô lễ như thế mà người ta cũng gọi là Bậc thiện trí (Paṇḍita) được!

Con mà leo lên ngồi chỗ của cha mình, còn người cha nhường chỗ sang ngồi chỗ khác. Thế mà gọi là “Paṇḍita: Bậc đại thiện trí” được hay sao? Thật là mỉa mai cho cái gọi là “Bậc đại thiện trí”.

Nghe 4 vị quân sư và các quan chê trách, khi nhìn thấy hành vi cử chỉ của công tử Mahosadha paṇḍita, Đức Vua Vedeha có vẻ thất vọng, thấy vậy Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu hỏi rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương có vẻ thất vọng về thảo dân phải không?

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua truyền bảo rằng:

- Phải, Trẫm thất vọng về ngươi, từ trước nghe nói ngươi là Bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt, đã từng giải đáp những sự việc xảy ra khó khăn một cách rất phi thường, nên Trẫm đã đặt ra vấn đề khó giải, để thử tài trí thông minh của ngươi, mà ngươi đã giải đáp thông suốt, khiến cho Trẫm vô cùng cảm phục. Cho nên, Trẫm rất kỳ vọng nhiều nơi ngươi, nhưng nay, nhìn thấy hành vi cử chỉ của ngươi đối với cha, ngươi leo lên ngồi chỗ của cha, còn cha nhường chỗ, ngồi nơi khác.

Đó là điều làm cho Trẫm thất vọng về ngươi.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương nghĩ: “Cha lúc nào cũng cao quý hơn con, phải vậy không?”

Đức Vua truyền bảo rằng:

- Phải, cha lúc nào cũng cao quý hơn con.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương đã truyền lệnh rằng: “Nay, Trẫm muốn chính công tử và phụ thân của công tử, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đem một con ngựa báu (assatara) hoặc con tuấn mã cao quý hơn ngựa thường đến dâng lên Trẫm”. 

Sau khi nhắc lại lệnh truyền của Đức Vua, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, bảo nhóm tuỳ tùng, thuộc hạ, đem con lừa đực đến đặt nằm dưới đôi bàn chân của Đức Vua Vedeha rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, con lừa đực này đáng giá bao nhiêu?

Đức Vua truyền bảo rằng:

- Nếu con lừa đực này còn làm việc được thì nó đáng giá 8 đồng Kahāpana.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, nếu con ngựa báu (assatara) nương nhờ con lừa đực này là cha, sinh ra từ bụng con ngựa cái thường hoặc con lừa cái, trở thành con ngựa báu thì đáng giá bao nhiêu?

Đức Vua truyền bảo rằng:

- Nếu con ngựa báu thì trở thành vô giá.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, sao Đại Vương truyền bảo như vậy. Vừa rồi Đại Vương truyền bảo rằng: “Cha lúc nào cũng cao quý hơn con”.

Nếu Đại Vương truyền bảo sự thật như vậy thì con lừa đực này cao quý hơn con ngựa báu. Vậy, kính xin Đại Vương nhận con lừa đực này.

Nếu con ngựa báu cao quý hơn con lừa đực này thì con cao quý hơn cha không phải là vấn đề khó hiểu.

- Muôn tâu Đại Vương, vấn đề đơn giản, tầm thường đến như vậy, thế mà 4 vị quân sư có trí tuệ của Đại Vương cũng không hiểu nổi được, mà lại a dua theo với nhau vỗ tay, cười khinh mạn, chế nhạo kẻ thảo dân này. Các vị quân sư của Đại Vương là hạng người như vậy hay sao?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita coi thường 4 vị quân sư của Đức Vua Vedeha rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương nghĩ rằng: Nếu cha lúc nào cũng cao quý hơn con thì con lừa đực (cha) này cao quý hơn con ngựa báu (assatara), bởi vì con lừa đực là cha của con ngựa báu ấy.

- Muôn tâu Đại Vương, nếu sự thật cha lúc nào cũng cao quý hơn con, thì Đại Vương nhận cha của kẻ thảo dân ở lại trong cung điện.

Nếu con cao quý hơn cha thì xin Đại Vương nhận kẻ thảo dân này ở lại trong cung điện, để phụng sự Đại Vương đem lại sự lợi ích, sự phát triển cho đất nước của Đại Vương.

Nghe lời giảng giải của Đức Bồ Tát Mahosadha, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt đã giảng giải chuyện con lừa đực với con ngựa báu (assatara) đầy đủ ý nghĩa đúng theo sự thật, sâu sắc tuyệt vời quá!

Và các quan trong triều đình cũng đều tán dương, ca tụng trí tuệ sâu sắc siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, đều vỗ tay, vẫy khăn vui mừng.

Bốn vị quân sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda là những người lớn tuổi cảm thấy xấu hổ, cúi gầm mặt, không dám nhìn ai.

Vấn: Trong đời này, Đức Bồ Tát là người con có lòng tôn kính và biết ơn cha mẹ không có người con nào sánh được. Vậy, tại sao Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có hành vi cử chỉ đối với phụ thân của Ngài như vậy?

Đáp: Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có hành vi cử chỉ đối với phú hộ Sirivaḍḍhaka, phụ thân của Ngài như vậy, không phải không tôn kính phụ thân của Ngài, nhưng đó chỉ là cách dụng kế để giảng giải chuyện con lừa đực với con ngựa báu assatara mà thôi.

 Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đem con lừa đực, cha của con ngựa báu assatara dâng lên Đức Vua Vedeha, để giảng giải cho Đức Vua Vedeha và các quan trong triều biết rằng: “Con lừa đực là cha của con ngựa báu assatara, và con ngựa báu assatara là con của con lừa đực. Con ngựa báu assatara là cao quý hơn con lừa đực”.

Nhân chuyện ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chứng tỏ cho Đức Vua Vedeha và mọi người biết đến Ngài là người có trí tuệ siêu việt, đồng thời cũng làm cho 4 vị quân sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda không dám coi thường Ngài.

Công Tử Mahosadha Paṇḍita Trở Thành Hoàng Tử

Nghe công tử Mahosadha paṇḍita giảng giải về chuyện con lừa đực là cha của con ngựa báu assatara, và con ngựa báu assatara là con của con lừa đực với đầy ý nghĩa sâu sắc, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng trí tuệ sâu sắc siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền gọi ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đến, rồi lấy bình vàng đựng đầy nước thơm rót lên trên đôi bàn tay của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, ban thưởng ân huệ và ban cho ông chức quyền lớn trong xóm nhà vùng lúa mạch phía đông (Pācīnayava-majjhaka), kinh thành Mithilā và gửi những đồ trang sức quý giá ban cho bà phu nhân Sumanādevī, mẫu thân của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Đức Vua Vedeha truyền bảo ông phú hộ Sirivaḍḍhaka rằng:

- Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Nhà ngươi hãy cho công tử Mahosadha paṇḍita trở thành Hoàng tử của Trẫm.

Nghe Đức Vua truyền bảo như vậy, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita còn thơ ấu, miệng còn hôi sữa, chờ công tử trưởng thành mới nên vào phụng sự Đại Vương.

- Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Kể từ ngay bây giờ, nhà ngươi chớ nên bận tâm, lo cho công tử Mahosadha paṇḍita nữa. Trẫm sẽ nuôi dưỡng công tử của nhà ngươi như là Hoàng tử của Trẫm.

Khi nghe Đức Vua Vedeha truyền bảo như vậy, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka không dám tâu gì nữa, ôm công tử Mahosadha paṇḍita vào lòng, hôn trên đầu và khuyên rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita yêu quý của cha! Con là trái tim, là đôi mắt của cha, là nơi nương nhờ của cha mẹ. Con ở lại cung điện phụng sự Đức Vua của chúng ta, con chớ nên dể duôi nghe con!

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đảnh lễ dưới đôi bàn chân của phụ thân rồi thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, kính xin phụ thân chớ nên bận tâm về con, xin phụ thân giữ gìn thân tâm được an lạc, cho con kính lời đảnh lễ mẫu thân Sumanā của con, cầu mong mẫu thân của con luôn luôn thân tâm an lạc.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tiễn đưa phụ thân của Ngài trở về xóm nhà vùng lúa mạch phía đông.

Đức Vua Vedeha truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Này hoàng nhi! Con muốn ở trong nội cung hay ngoại cung?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Ta có đám bạn trẻ đông đảo, nên ở ngoại cung là thuận lợi hơn”, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, con có nhóm bạn trẻ đông. Vậy, kính xin Đức Phụ Vương cho chúng con ở ngoại cung thuận lợi hơn.

Đức Vua Vedeha truyền ban cho các chỗ ở sang trọng, có đầy đủ tiện nghi cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cùng với 1.000 bạn trẻ, thuộc hạ của Ngài.

Từ đó, Ngài cùng đám bạn trẻ hết lòng lo phụng sự Đức Vua Vedeha.

Đức Vua Vedeha thử tài trí thông minh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita:

Chuyện Viên Ngọc Maṇi

Một viên ngọc maṇi được đặt trong tổ con quạ trên một cây thốt nốt bên bờ hồ gần cửa hướng nam kinh thành Mithilā, bóng của viên ngọc maṇi hiện xuống hồ nước. dân chúng tâu lên Đức Vua rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, một viên ngọc maṇi hiện rõ trong hồ nước.

Đức Vua mời vị quân sư Senaka đến truyền bảo rằng:

- Thưa quân sư, nghe dân chúng nói rằng: Viên ngọc maṇi hiện rõ trong hồ nước. Vậy, làm thế nào lấy viên ngọc ấy cho Trẫm?

Vị quân sư Senaka tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, múc hết nước trong hồ ra, rồi lấy viên ngọc ấy.

 - Thưa quân sư, Trẫm giao phận sự ấy cho khanh đảm trách.

Vị quân sư Senaka huy động số đông người múc nước hồ ra, làm cho khô cạn, rồi đào xuống sâu cũng không gặp viên ngọc maṇi. Đến khi nước hồ đầy, bóng viên ngọc maṇi lại hiện ra như trước.

Ông lại huy động số đông người múc nước hồ như lần trước, cũng không tìm thấy viên ngọc maṇi. Đến khi nước hồ đầy, bóng viên ngọc maṇi lại hiện ra như trước.

Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita, hoàng nhi yêu quý! Con có khả năng lấy viên ngọc maṇi ấy được không?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, điều ấy không khó đối với con. Kính thỉnh Đức Phụ Vương ngự đến nơi ấy, con sẽ lấy viên ngọc maṇi ấy, rồi kính dâng lên Đức Phụ Vương.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua vô cùng hoan hỷ nghĩ: Hôm nay, ta sẽ thấy rõ trí tuệ siêu việt của Hoàng tử Mahosadha paṇḍita”.

Đức Vua ngự cùng với 4 vị quân sư, các quan trong triều đến hồ nước gần cửa hướng nam kinh thành Mithilā. Dân chúng tụ hội đông đảo xem tài trí Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Đức Bồ Tát đứng trên bờ hồ, nhìn thấy bóng viên ngọc maṇi, nên biết rõ viên ngọc maṇi này không ở dưới hồ nước mà nó ở trên cây thốt nốt.

Vì vậy, Ngài tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, viên ngọc không ở dưới hồ nước này.

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Vậy, viên ngọc maṇi mà nhìn thấy trong hồ nước này là thế nào?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cho người lấy một cái thau lớn đầy nước đem đến, rồi thỉnh Đức Vua nhìn vào thau nước ấy rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, viên ngọc maṇi ấy bây giờ không ở dưới hồ nước mà nó hiện ở trong thau nước này.

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Vậy, sự thật, viên ngọc maṇi ấy ở đâu?

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, bóng viên ngọc maṇi hiện ra dưới hồ nước cũng có, hiện ra trong thau nước cũng có. Vậy, viên ngọc maṇi ấy không có ở dưới nước mà sự thật viên ngọc maṇi ấy ở trên cây thốt nốt kia.

Kính xin Đức Phụ Vương truyền cho lính leo lên cây thốt nốt kia đem viên ngọc maṇi xuống.

Đức Vua Vedeha truyền lệnh cho lính leo lên cây thốt nốt kia đem viên ngọc maṇi xuống trao cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Nhận viên ngọc maṇi xong, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đem đến kính dâng trên tay Đức Vua Vedeha.

Khi ấy, các quan, dân chúng cùng tán dương, ca tụng Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita và chê trách vị quân sư Senaka là người ngu si rằng: “Viên ngọc maṇi ở trên cây thốt nốt. Vậy mà vị quân sư Senaka si mê huy động số đông người múc khô nước hồ, đào sâu trong hồ để tìm viên ngọc maṇi.”

Đức Vua Vedeha ban thưởng cho Hoàng tử Bồ Tát Mahosadha vòng ngọc quý và ban 1.000 vòng ngọc khác cho 1.000 bạn trẻ của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Đức Vua Vedeha truyền lệnh hoàng tử Mahosadha cùng 1.000 bạn trẻ của Ngài nhận chức vụ trong triều đình của Đức Vua Vedeha.

Chuyện Về Con Cắc Kè

Một hôm, Đức Vua Vedeha ngự đi du lãm trong vườn thượng uyển cùng với Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Khi ấy, một con cắc kè ở trên cây, nhìn thấy Đức Vua ngự đến, nó bò xuống đất, cúi đầu tôn kính Đức Vua. Nhìn thấy con cắc kè có cử chỉ tôn kính lạ thường, Đức Vua bèn hỏi Ngài rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Con cắc kè này làm gì vậy?

- Tâu Đức Phụ Vương, con cắc kè cúi đầu, tỏ vẻ tôn kính Đức Phụ Vương.

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Trẫm nên ban thưởng gì cho nó?

- Tâu Đức Phụ Vương, kính xin Đức Phụ Vương chỉ cần ban vật thực cho nó hằng ngày.

Đức Vua truyền lệnh gọi người chăm sóc vườn thượng uyển đến, truyền bảo rằng:

- Này ngươi! Mỗi ngày, ngươi chi số tiền nửa māsaka (tiền), mua thịt ban cho con cắc kè này.

Tuân lệnh của Đức Vua, mỗi ngày người chăm sóc vườn thượng uyển đem nửa māsaka mua thịt đem về cho con cắc kè ăn.

Một hôm, nhằm vào ngày bát giới uposathasīla, người ta không sát sinh, người chăm sóc vườn thượng uyển không mua thịt được, nên đem nửa māsaka ấy xỏ dây đeo vào cổ nó như đeo đồ trang sức.

Từ đó, do nương nhờ nửa māsaka ấy, con cắc kè phát sinh tâm ngã mạn rằng: Ta đây cũng có của cải như ai vậy!”

Một hôm, Đức Vua Vedeha ngự đi du lãm trong vườn thượng uyển cùng với Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Nhìn thầy Đức Vua Vedeha ngự đến, có đeo các đồ trang sức bằng những viên ngọc quý, con cắc kè tự thấy mình cũng có đeo đồ trang sức bằng nửa māsaka, nó phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình cũng có đồ trang sức như Đức Vua Vedeha vậy. Do đó, nó nằm trên cây nhìn xuống, không chịu bò xuống đất cúi đầu tỏ vẻ tôn kính Đức Vua như lần trước.

Nhìn thấy cử chỉ con cắc kè như vậy, Đức Vua bèn truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Hôm nay con cắc kè không bò xuống đất cúi đầu tôn kính Trẫm như các lần trước. Vậy do nguyên nhân nào mà con cắc kè có cử chỉ như vậy?

Nhìn thấy con cắc kè có đeo trên cổ nửa māsaka, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita biết chắc rằng: Trong ngày bát giới uposathasīla, người ta không sát sinh, nên người chăm sóc vườn thượng uyển không mua thịt được, nên đem nửa māsaka đeo trên cổ con cắc kè ấy”.

Biết chắc như vậy, nên Ngài tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, con cắc kè có đeo trên cổ đồ trang sức bằng nửa māsaka mà nó chưa từng có được, nên nó phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình cũng có đồ trang sức bằng nửa māsaka như Đức Vua Vedeha đeo các đồ trang sức bằng những viên ngọc quý, nên nó nằm trên cây, không chịu bò xuống đất cúi đầu tôn kính Đức Phụ Vương.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Vedeha cho gọi người chăm sóc vườn thượng uyển rồi truyền hỏi.

Người chăm sóc vườn thượng uyển tâu trình lên Đức Vua đúng sự thật như Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đã tâu với Đức Vua.

Đức Vua vô cùng hoan hỷ, tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, không cần hỏi ai mà biết được tính khí của con cắc kè như vậy. Đức Vua Vedeha ban cho Ngài phần thưởng giá trị lớn. Đức Vua Vedeha muốn truyền phạt con cắc kè, nhưng Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita khuyên can, bởi vì thông thường các loài súc sinh không có trí tuệ, nên Ngài xin Đức Phụ Vương tha tội cho con cắc kè ấy.

Người Thiểu Phước Với Người Đại Phước

Cậu Piṅguttara là người dân kinh thành Mithilā, cậu đi học nghề tại kinh thànhTakkasilā, là người học trò lớn của thầy. Sau khi tốt nghiệp xong, cậu Piṅguttara được thầy gả đứa con gái xinh đẹp như thiên nữ cho cậu.

 Cậu Piṅguttara vốn là người thiểu phước vô duyên, còn người con gái của thầy là người đại phước. Tuy cậu Piṅguttara không hợp với con gái xinh đẹp của thầy, nhưng cậu không dám cãi lời dạy của thầy, nên đành phải chấp thuận lấy cô làm vợ.

Khi còn ở tại trong nhà thầy, cậu Piṅguttara và vợ ở chung trong một phòng, nhưng không ai nói chuyện với ai lời nào, mỗi người nằm mỗi nơi, cô gái nằm ngủ trên giường, còn cậu Piṅguttara nằm ngủ dưới nền nhà.

Một tuần sau, cậu Piṅguttara đảnh lễ thầy xin phép rời khỏi kinh thành Takkasilā, dẫn theo vợ trở về kinh thành Mithilā. Trên đường đi, cậu Piṅguttara đi trước, còn vợ đi theo sau, 2 người không nói chuyện với nhau.

Đến gần kinh thành Mithilā, cậu Piṅguttara nhìn thấy cây sung đầy quả chín, đang đói bụng, cậu leo lên cây hái quả sung chín ăn, còn vợ ở dưới gốc cây sung cũng đang đói bụng, bèn nói rằng:

- Này anh! Anh hái quả sung bỏ xuống cho em ăn với!

Cậu Piṅguttara trả lời rằng:

- Cô cũng có tay chân, hãy leo lên tự hái quả sung mà ăn!

Cô gái đành phải leo lên cây sung. Thấy cô leo lên cây, cậu Piṅguttara vội leo xuống gốc, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn, miệng nói lẩm bẩm rằng:

- Ta đã thoát ra khỏi tay người đàn bà xui xẻo (kālakaṇṇī) rồi!

Không thể leo xuống được, nên cô gái đành phải ngồi trên cây như vậy. Hôm ấy, Đức Vua Vedeha ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Vào buổi chiều, Đức Vua ngự trên cổ voi báu trên đường ngự hồi cung, nhìn thấy cô gái xinh đẹp như thiên nữ đang ngồi trên cây sung, Đức Vua đem lòng thương yêu cô gái ấy.

Đức Vua truyền bảo vị quan cận thần đến hỏi thăm cô gái ấy đã có ai là chủ của cô chưa?

Tuân lệnh Đức Vua, vị quan đến hỏi thăm cô gái xong rồi đến tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, cô gái cho biết rằng cô đã có chồng, nhưng người chồng bảo cô leo lên cây hái quả sung để ăn. Khi cô leo lên cây sung, thì y vội leo xuống cây, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn đi. Cô leo xuống không được, nên phải ngồi lại trên cây vậy.

Nghe vị quan cận thần tâu như vậy, Đức Vua Vedeha nghĩ: Cô gái này không có chủ, ta nên rước về cung”.

Đức Vua truyền lệnh các quan dọn dẹp cây gai ở gốc cây sung, để cô gái leo xuống cây. Đức Vua đón rước cô gái, đặt ngồi trên cổ voi báu, ngự về cung điện và làm lễ tấn phong cô gái lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu, đặt tên Udumbaradevī (Cô gái từ cây sung, udumbara: cây sung).

Một hôm, dân chúng gần cửa thành đang sửa sang con đường để Đức Vua ngự ra khỏi kinh thành. Cậu Piṅguttara là một trong số dân chúng được thuê làm công, cậu đang cặm cụi, vất vả làm việc sửa sang con đường ấy chưa xong thì Đức Vua Vedeha cùng Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī ngồi trên cổ long xa, ngự ra khỏi kinh thành.

Khi ấy, nhìn thấy cậu Piṅguttara mặc tấm choàng, tay cầm cuốc ban đất cho bằng mặt đường, Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī mỉm cười.

Đức Vua nổi cơn thịnh nộ bèn truyền hỏi rằng:

- Tại sao ái khanh mỉm cười?

Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, người đang làm đường kia là người chồng cũ của thần thiếp. Khi ấy, thần thiếp leo lên cây sung, thì y vội leo xuống cây, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn đi. Bây giờ nhìn thấy y, thần thiếp nghĩ: “Người thiểu phước, vô duyên không thể kết duyên với người đại phước”. Vì vậy, thần thiếp mỉm cười.

Đức Vua Vedeha truyền rằng:

- Ái khanh nói dối! Ái khanh thấy ai khác, rồi mỉm cười, Trẫm sẽ giết ái khanh.

Truyền xong, Đức Vua rút thanh bảo kiếm ra, Chánh cung Hoàng hậu hoảng sợ nên tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, xin Hoàng Thượng hỏi những bậc thiện trí trước.

Đức Vua Vedeha bèn truyền hỏi vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, quân sư có tin lời Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī tâu như vậy không?

- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần không tin. Chẳng có người đàn ông nào có thể bỏ một người vợ xinh đẹp như thiên nữ như vậy được.

Nghe vị quân sư Senaka tâu như vậy, Chánh cung Hoàng hậu càng hoảng sợ hơn nữa.

Đức Vua Vedeha nghĩ: Ta nên hỏi hoàng nhi Mahosadha paṇḍita nghĩ thế nào đã”, nên truyền hỏi Đức Bồ Tát rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Trong đời này có người đàn ông bỏ người vợ xinh đẹp như thiên nữ. Con có tin đó là sự thật hay không?

- Tâu Đức Phụ Vương, con tin đó cũng là sự thật có thể xảy ra trong đời này. Bởi vì, đối với người đàn ông là người thiểu phước, vô duyên thì không bao giờ kết duyên với người đàn bà đại phước được. Cũng như bờ đại dương bên này không bao giờ dính liền với bờ đại dương bên kia được.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita giải thích như vậy, Đức Vua Vedeha bớt cơn thịnh nộ, phát sinh tâm hoan hỷ, truyền bảo rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita! Nếu không có con hôm nay thì Phụ Vương đã giết Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī quý báu của Phụ Vương rồi. Lời lẽ của vị quân sư Senaka là lời lẽ của người si mê, ngu muội, nếu Phụ Vương tin theo lời của vị quân sư thì Phụ Vương đã giết chết Chánh cung Hoàng hậu rồi. Nay, Phụ Vương còn Chánh cung Hoàng hậu là do nhờ trí tuệ siêu việt của con. Vậy, Phụ Vương ban thưởng cho con 1.000 đồng Kahāpana.

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī đảnh lễ Đức Vua Vedeha rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, thần thiếp còn sống đây là nhờ Hoàng tử Mahosadha paṇḍita. Vậy, kính xin Hoàng Thượng ban cho thần thiếp một ân huệ: Hoàng Thượng cho phép thần thiếp nhận Hoàng tử làm đứa em trai của thần thiếp.

Đức Vua Vedeha ban ân huệ cho Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī rằng:

- Này ái khanh Udumbaradevī! Lành thay! Trẫm ban ân huệ ấy cho ái khanh.

Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī tâu tiếp rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, kể từ nay về sau, thần thiếp dùng món vật thực nào ngon, kính xin Hoàng Thượng cho phép thần thiếp gửi đến cho Hoàng tử Mahosadha paṇḍita, em trai của thần thiếp món vật thực ấy. Do đó, thần thiếp được lệnh mở cửa cả trong lúc hợp thời và trong lúc phi thời, để gửi món đồ ăn ngon ấy đến cho Hoàng tử, người em trai của thần thiếp.

Kính xin Hoàng Thượng ban cho thần thiếp ân huệ này nữa.

Đức Vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Này ái khanh Udumbaradevī! Trẫm ban ân huệ ấy cho ái khanh, ái khanh hãy nhận ân huệ ấy.

Con Dê Và Con Chó Làm Bạn Với Nhau

Một hôm, Đức Vua Vedeha dùng điểm tâm xong, ngự đi lại trên hành lang trong lâu đài. Khi Đức Vua đứng tại cửa sổ nhìn xuống dưới thấy một con dê với một con chó làm bạn thân thiết với nhau. Chuyện xảy ra rằng:

Một hôm, có con dê đến ăn cỏ tại chuồng voi, người nài voi cầm gậy đuổi theo con dê, đánh nhằm trên lưng con dê, làm cho nó đau lưng, chạy đến nằm bên vách nhà lớn.

Một con chó thường đến ăn xương tại nhà bếp của người đầu bếp của Đức Vua. Một ngày nọ, người đầu bếp làm đồ ăn xong, đi ra ngoài nhà bếp mà quên đóng cửa, con chó đánh mùi thịt, lén vào nhà bếp làm đổ món đồ ăn rơi ra ngoài, rồi con chó ăn món thịt ấy.

Nghe tiếng đồ rơi, người đầu bếp đi vào nhà bếp, nhìn thấy con chó đang ăn thịt, người đầu bếp tức giận đánh con chó, nó chạy ra ngoài được, người đầu bếp ném cây gậy trúng lưng con chó, nó đau đớn chạy trốn nơi vách nhà lớn, nó gặp con dê đang nằm tại nơi ấy, con dê hỏi nó rằng:

- Này bạn! Tại sao bạn bị đau lưng như vậy?

- Thưa bạn! Tôi bị đánh làm đau lưng, còn bạn tại sao lại nằm ở đây?

Con dê kể lại chuyện đã xảy ra đối với mình cho con chó nghe, và con chó cũng kể lại chuyện đã xảy ra đối với mình cho con dê nghe.

Con dê hỏi con chó rằng:

- Này bạn! Bạn còn dám vào nhà bếp nữa không?

- Này bạn ơi! Tôi không dám vào nhà bếp nữa đâu!

Nếu tôi còn vào nơi đó thì chắc chắn người đầu bếp sẽ đánh tôi chết mất. Còn bạn có dám đến chuồng voi nữa không?

- Này bạn ơi! Tôi không dám đến chuồng voi nữa đâu! Nếu tôi còn đến nơi đó thì chắc chắn người nài voi sẽ đánh tôi chết thôi!

Hai con vật bàn tính với nhau rằng:

- Bây giờ 2 chúng ta sống bằng cách nào đây?

Con dê đề nghị với con chó rằng:

- Bây giờ 2 chúng ta phải nương nhờ lẫn nhau thì có thể sống được, bằng cách này: “Này bạn! Từ nay, bạn vào chuồng voi, người nài voi sẽ không nghi ngờ bạn, vì bạn là loài chó không ăn cỏ được, bạn lén gặm cỏ đem về đây cho tôi. Còn tôi sẽ đến nhà bếp, người đầu bếp sẽ không nghi ngờ tôi, vì tôi là loài dê không ăn thịt được, tôi sẽ lén gặm xương, thịt đem về đây cho bạn”.

Hai con vật dê và chó đồng tâm nhất trí theo phương cách ấy. Từ đó về sau, con chó đến chuồng voi gặm cỏ đem về để bên vách nhà lớn cho con dê, và con dê đến nhà bếp gặm xương, thịt đem về để bên vách nhà lớn cho con chó. Con dê ăn cỏ, còn con chó ăn xương, thịt. Hai con vật trở thành đôi bạn thân thiết, nương nhờ lẫn nhau, thương yêu nhau, sống với nhau bên vách nhà lớn.

Nhìn thấy con dê và con chó, đôi bạn thân thiết sống chung với nhau ở vách nhà lớn như vậy, Đức Vua Vedeha nghĩ: “Sự việc này ta chưa từng thấy, hôm nay ta đã nhìn thấy”.

Trước kia, 2 con vật này là kẻ thù của nhau, nay chúng nó là đôi bạn thân thiết, sống chung với nhau.

Ta sẽ đem sự việc này đặt thành câu hỏi để hỏi các bậc thiện trí. Nếu bậc thiện trí nào giải đáp đúng câu hỏi này thì ta sẽ ban thưởng bậc thiện trí ấy. Nhưng bậc thiện trí nào không giải đáp đúng câu hỏi này thì ta sẽ mời ra khỏi đất nước của ta.

Sáng ngày hôm ấy, 4 vị quân sư thiện trí và Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến chầu Đức Vua theo lệ thường. Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi rằng:

- Thưa các vị quân sư! Trong đời này, có hai loại chúng sinh chưa bao giờ là bạn của nhau, không đi chung đường với nhau được 7 bước.

Trước kia, hai loại chúng sinh ấy vốn không thân với nhau, nay hai loại chúng sinh ấy trở thành đôi bạn thân thiết với nhau, nương nhờ lẫn nhau, giúp đỡ nuôi dưỡng lẫn nhau.

- Thưa các bậc thiện trí, quý vị có biết 2 loại chúng sinh ấy là loại chúng sinh nào? Tại sao vậy?

Sáng hôm nay, nếu bậc thiện trí nào giải đáp đúng câu hỏi này thì Trẫm sẽ ban thưởng bậc thiện trí ấy, nhưng nếu bậc thiện trí nào không giải đáp đúng thì Trẫm sẽ mời ra khỏi đất nước Videha của Trẫm, bởi vì Trẫm không cần dùng người si mê, người ngu dốt.

Trong buổi hội triều này, vị quân sư Senaka ngồi đầu kế đến vị quân sư Pukkusa, vị quân sư Kāminda, vị quân sư Devinda, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ngồi vị trí cuối cùng, nghe Đức Vua Vedeha truyền hỏi câu hỏi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Chắc chắn Đức Vua đã nhìn thấy một sự việc gì xảy ra, ta nên tìm hiểu mới giải đáp được”.

Vị quân sư Senaka hoàn toàn không hiểu biết gì cả, tối tăm, mù mịt, và 3 vị quân sư kia thì như người ở trong hang tối. Vị quân sư Senaka tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, câu hỏi này hơi khó, rất sâu sắc, chúng thần mỗi người phải ở nơi thanh vắng để suy xét kỹ mới có thể giải đáp được.

Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ ban cho chúng thần cơ hội suy xét về câu hỏi này, sáng ngày mai, chúng thần sẽ tâu giải đáp câu hỏi lên Bệ hạ.

Nghe vị quân sư Senaka tâu như vậy, Đức Vua Vedeha hài lòng truyền bảo rằng:

- Thưa các quân sư! Quý vị nên suy xét kỹ, ngày mai các khanh hãy tâu cho Trẫm rõ. Nếu vị nào không giải đáp đúng thì Trẫm sẽ mời ra khỏi đất nước Videha này.

Các vị quân sư đảnh lễ Đức Vua Vedeha xin phép ra về. Vị quân sư Senaka bảo với 3 vị quân sư khác rằng:

- Này quý vị! Đức Vua đặt câu hỏi rất khó và sâu sắc, nếu chúng ta không giải đáp được câu hỏi, thì tai hoạ sẽ xảy đến với chúng ta. Vậy, quý vị hãy cố gắng suy xét, tìm câu giải đáp cho câu hỏi của Đức Vua vào sáng ngày mai.

Sau đó, các vị quân sư trở về tư dinh của mình. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đi đến gặp Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī, tâu rằng:

- Tâu Chánh cung Hoàng hậu, hôm qua Đức Vua ngự nơi nào với thời gian lâu?

Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī truyền bảo rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita em yêu quý! Hôm qua, Đức Vua ngự đi lại trên hành lang cung điện, rồi đứng chỗ cửa sổ nhìn xuống phía dưới thời gian khá lâu.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Chắc Đức Vua đã nhìn thấy sự việc gì xảy ra phía dưới ấy?”. Nghĩ xong Ngài đi đến nơi đó nhìn thấy con dê và con chó là đôi bạn thân thiết với nhau. Ngài nghĩ tiếp: Đức Vua Vedeha đã nhìn thấy 2 con vật này mới đặt ra câu hỏi”.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tìm hiểu về hành vi cử chỉ của 2 con vật ấy: “Con chó đem cỏ về cho con dê ăn, còn con dê đem xương, thịt về cho con chó ăn. Hai con vật nương nhờ lẫn nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau”. Biết như vậy, Ngài trở về dinh thự của mình.

Ba vị quân sư: Pukkusa, Kāminda và Devinha suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu biết được gì, 3 vị quân sư dẫn nhau đến gặp vị quân sư Senaka. Nhìn thấy 3 vị quân sư đến, vị quân sư Senaka hỏi rằng:

- Này quý vị! Quý vị đã tìm ra được câu giải đáp cho câu hỏi của Đức Vua chưa?

Ba vị quân sư đều trả lời không hiểu rõ câu hỏi ấy. Vị quân sư Senaka bảo rằng:

- Nếu quý vị không giải đáp được câu hỏi ấy thì Đức Vua sẽ mời quý vị ra khỏi đất nước Videha này.

Ba vị quân sư hỏi vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Ngài đã tìm được câu giải đáp của câu hỏi rồi phải không?

- Này quý vị! Tôi cũng chưa hiểu rõ câu hỏi thì làm sao ta tìm câu giải đáp được.

- Thưa quân sư, không phải sáng hôm nay, Ngài đã tâu với Đức Vua rằng “Sáng ngày mai chúng thần sẽ tâu giải đáp câu hỏi ấy lên Bệ hạ rõ” sao?

Vị quân sư Senaka nói với 3 vị quân sư rằng:

- Chúng ta không hiểu rõ câu hỏi này nhưng chắc chắn Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt có khả năng giải đáp câu hỏi ấy được. Vậy, chúng ta nên tìm đến Mahosadha paṇḍita để biết.

Bốn vị quân sư đến tư dinh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, chào xã giao, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn hỏi rằng:

- Thưa Mahosadha paṇḍita, Ngài đã nghĩ ra câu giải đáp cho câu hỏi của Đức Vua được rồi phải không?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita trả lời rằng:

- Thưa 4 vị quân sư, câu hỏi ấy tôi đã biết rồi.

 Bốn vị quân sư thưa rằng:

- Thưa Mahosadha paṇḍita, xin Ngài nói cho chúng tôi biết với có được không?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: Nếu ta không chịu chỉ dạy cho 4 vị quân sư này thì 4 vị quân sư không tâu giải đáp câu hỏi ấy được, Đức Vua sẽ nổi cơn thịnh nộ mời 4 vị quân sư này ra khỏi đất nước Videha này. Ta không thể để cho 4 vị quân sư này bị thiệt hại”.

Nghĩ vậy, nên thưa rằng:

- Thưa 4 vị quân sư, Tôi sẽ chỉ dạy cho 4 vị, mỗi vị bằng một bài kệ. Vậy, xin mời 4 vị quân sư xuống ngồi chỗ thấp.

Khi 4 vị quân sư ngồi chỗ thấp nơi hợp lẽ xong, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita ngồi chỗ cao truyền dạy mỗi vị quân sư học thuộc lòng một bài kệ mà hoàn toàn không ai hiểu ý nghĩa câu chuyện trong bài kệ ấy. Ngài thưa rằng:

- Thưa 4 vị quân sư, khi Đức Vua truyền hỏi, xin mỗi vị quân sư tâu đúng theo bài kệ mà tôi đã dạy mỗi vị.

Bốn vị quân sư vô cùng hoan hỷ cám ơn Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, rồi xin từ giã ra về tư dinh của mình.

Sáng ngày hôm sau, các quân sư đến chầu Đức Vua tại cung điện, ngồi chỗ ngồi của mình. Khi ấy, Đức Vua Vedeha truyền bảo vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, quân sư có khả năng giải đáp câu hỏi của Trẫm rồi phải không?

Vị quân sư Senaka tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, nếu hạ thần không có khả năng thì còn có người nào nữa.

Vị quân sư Senaka tâu bằng bài kệ đã học thuộc rằng:

“Uggaputtarājaputtiyānaṃ, …”

Nghĩa là:

Thịt dê là thứ thịt mà các hoàng tử, công tử của các quan ưa thích nhất, những vị ấy không dùng thịt chó. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân sư Senaka đọc được bài kệ, nhưng hoàn toàn không hiểu biết rõ tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó với nhau như thế nào.

Nghe vị quân sư Senaka đọc bài kệ ấy, trong đó có con dê con chó, Đức Vua Vedeha tưởng rằng “Quân sư Senaka cũng biết được chuyện ấy”.

Tiếp đến, Đức Vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân sư Pukkusa. Ông tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, hạ thần cũng là bậc thiện trí giải đáp được câu hỏi của Bệ hạ.

Vị quân sư Pukkusa tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

“Cammaṃ vihananti eḷakassa, …”

Nghĩa là:

Mọi người sử dụng da dê lót trên lưng ngựa cho êm, không dùng da chó lót trên lưng ngựa. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân sư Pukkusa đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn toàn không biết rõ tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó với nhau như thế nào.

Nghe vị quân sư Pukkusa đọc bài kệ ấy trong đó có con dê con chó, Đức Vua Vedeha tưởng rằng “Quân sư Pukkusa cũng biết được chuyện ấy”.

Tiếp đến, Đức Vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân sư Kāminda. Ông tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

 “Āvellitasiṅgiko hi meṇḍo, …”

Nghĩa là:

Con dê có sừng cong, con chó không có sừng. Con dê ăn cỏ, con chó ăn thịt. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân sư Kāminda đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn toàn không biết rõ câu chuyện trong bài kệ ấy.

Nghe vị quân sư Kāminda đọc bài kệ ấy trong đó có con dê con chó, Đức Vua Vedeha tưởng rằng “Quân sư Pukkusa cũng biết được chuyện ấy”.

Tiếp đến, Đức Vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân sư Devinda. Ông tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

“Tiṇamāsi palāsamāsi meṇḍo, …”

Nghĩa là:

Con dê ăn cỏ, lá cây, con chó không ăn cỏ, không ăn lá cây. Con chó bắt con thỏ ăn thịt. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân sư Devinda đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn toàn không biết rõ câu chuyện trong bài kệ ấy.

Nghe vị quân sư Devinda đọc bài kệ ấy trong đó có con dê con chó, Đức Vua Vedeha tưởng rằng “Quân sư Devinda cũng biết được chuyện giữa dê và chó”.

 Tiếp đến, Đức Vua Vedeha truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Ngài dõng dạc tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, từ cõi địa ngục Avīci cho đến cõi trời Phạm thiên tột đỉnh, chuyện gì xảy ra, hạ thần đều biết cả. Kính xin Đại Vương nghe hạ thần tâu:

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đọc 2 bài kệ rằng:

“Aṭṭhaḍḍhapado catuppadassa, …”

Nghĩa là:

Con dê có 4 chân, con chó đem cỏ về cho con dê ấy, con dê đem xương, thịt về cho con chó ấy. Đức Vua Vedeha đất nước Videha nhìn thấy 2 con vật đem vật thực về trao đổi nhau ăn, và thấy tình bạn thân thiết giữa con dê và con chó gắn bó với nhau.

 

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu 2 bài kệ giải đáp rõ ràng như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ, tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài.

Đức Vua không biết 4 vị quân sư kia đọc mỗi người một bài kệ do Đức Bồ Tát Mahosadha chỉ dạy, nên, Đức Vua nghĩ: “Ta thật diễm phúc, có được 5 bậc thiện trí đều có trí tuệ hiểu biết sâu sắc, hiểu rõ được câu hỏi khó và vi tế của ta”. Đức Vua Vedeha ban thưởng mỗi bậc thiện trí 1 chiếc xe với con ngựa báu Assatara, và được phép thâu thuế một xóm nhà dân cư phồn thịnh.

Sau khi nghe tin Đức Vua Vedeha ban thưởng 4 vị quân sư và Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phần thưởng bằng nhau, Chánh cung Hoàng hậu ngự đến chầu Đức Vua bèn tâu rằng:

- Tâu Hoàng Thượng, bậc thiện trí nào tâu giải đáp đúng câu hỏi của Hoàng Thượng?

- Này ái khanh Udumbaradevī! Bốn vị quân sư và hoàng tử Mahosadha paṇḍita đều giải đáp đúng câu hỏi của Trẫm.

- Tâu Hoàng Thượng, Bốn vị quân sư được gọi là bậc thiện trí ấy hoàn toàn không hiểu biết gì về câu hỏi của Hoàng Thượng cả, nên họ đã đến cầu cứu Hoàng tử Mahosadha paṇḍita giúp đỡ để họ khỏi bị mời ra khỏi đất nước Videharaṭṭha này.

Hoàng tử Mahosadha paṇḍita có tâm đại bi cứu giúp 4 vị quân sư si mê này được thoát khỏi tai hoạ, nên Hoàng tử chỉ dạy mỗi vị quân sư một bài kệ rồi học thuộc lòng mà hoàn toàn không hiểu rõ ý nghĩa câu chuyện trong bài kệ, chỉ cốt để đọc tâu lên Hoàng Thượng mà thôi. Thế mà Hoàng Thượng lại ban thưởng cho họ và Hoàng tử mỗi vị một phần thưởng bằng nhau.

Như vậy, Hoàng Thượng ban thưởng không công bằng theo trí tuệ của mỗi vị.

Nghe Chánh cung Hoàng hậu Udumbaradevī tâu như vậy, Đức Vua Vedeha mới biết rằng mỗi bài kệ của mỗi vị quân sư tâu đều được học từ Hoàng tử Mahosadha paṇḍita. Nay sự việc đã qua rồi, ta sẽ đặt ra một câu hỏi có 2 phương pháp giải đáp, để so tài trí giữa 4 vị quân sư với Hoàng tử.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn