(Xem: 1754)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2221)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Pháp hạnh Tâm từ Ba La Mật - Bậc thượng

14 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9609)

 

Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển VI (Pháp Hạnh Ba La Mật_Tập 3)

Soạn giả:Tỳ khưu Hộ Pháp

 

  

Pháp hạnh Tâm từ Ba La Mật - Bậc thượng (Mettāparamatthapāramī)

 9.3- Tích Ekarājajātaka (Ê-ká-rà-chá-chà-tá-ká)

Trong tích Ekarājajātaka [1] này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Vua Ekarāja thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng (Mettā- paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, một vị quan là cận sự nam có giới hạnh trong sạch, đang phục vụ đắc lực trong triều đình của Đức Vua Kosala. Đức Vua Kosala nghĩ: “Vị quan này có công lớn trong triều đình của ta, vậy ta nên tấn phong y lên địa vị xứng đáng và ban thưởng của cải cho y”.

Khi vị quan ấy được chức lớn và lợi lộc nhiều, nên có số vị quan khác phát sinh tâm ganh tỵ, tìm cách làm hại vị quan ấy. Họ vu khống tâu lên Đức Vua Kosala rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ! Chúng thần thấy vị quan ấy có chức trọng quyền cao nên có mưu đồ làm phản Bệ hạ.

Ban đầu Đức Vua không tin, nhưng các vị quan ấy cứ tâu đi tâu lại nhiều lần như vậy, làm cho Đức Vua Kosala phát sinh tâm nghi ngờ vị quan đó, nên Đức Vua Kosala truyền lệnh bắt, xiềng đôi chân vị quan ấy, rồi đem giam riêng một mình trong nhà tù. Vị quan ấy vốn là cận sự nam có giới hạnh trong sạch, nên khi ở trong nhà lao một mình, người cận sự nam ấy thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc

Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Về sau, Đức Vua Kosala biết rõ vị quan ấy là người thanh liêm, đáng tin cậy, nên Đức Vua truyền lệnh thả liền ngay vị quan ấy ra và phong lại chức tước lớn.

Vị quan ấy đến hầu đảnh lễ, cúng dường đến Đức Thế Tôn rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn truyền hỏi rằng:

- Này cận sự nam con! Như Lai nghe tin, vừa qua con đã bị ở tù có đúng vậy không?

Vị quan bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy, con vừa mới ra khỏi tù và được phong lại chức lớn. Bạch Ngài.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, khi con đang ở trong tù, trong hoàn cảnh bất lợi, nhưng con đã tạo được sự lợi ích trong hoàn cảnh bất lợi ấy. Con đã thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết bàn, con đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn truyền bảo rằng:

- Này cận sự nam con! Không chỉ có mình con đã tạo được sự lợi ích trong hoàn cảnh bất lợi, mà tiền kiếp của Như Lai cũng đã từng tạo được sự lợi ích trong hoàn cảnh khổ ngặt nghèo.

Tích Ekarājajātaka

Nghe Đức Thế Tôn truyền bảo như vậy, vị quan ấy kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết tích Ekarājajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước rộng lớn Kāsiraṭṭha. Khi ấy, trong triều đình của Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, có một vị quan đã có những hành vi xấu xa, ông đã làm loạn trong cung điện của Ngài, nên các quan tâu trình chuyện vị quan ấy lên Ngài.

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja truyền gọi vị quan ấy đến để tra hỏi, ông ta đã nhận tội của mình, nhưng cứ vẫn bị tái phạm mãi, không chịu sửa chữa, nên Đức Vua Bồ Tát ban cho ông nhiều của cải rồi trục xuất ra khỏi nước Kāsiraṭṭha.

 Vị quan ấy đến đất nước Kosala, vào chầu Đức Vua Dubbhisena ngự tại kinh thành Sāvatthi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, đất nước Kāsiraṭṭha phồn thịnh, kinh thành Bārāṇasī to lớn, ngai vàng điện ngọc của Đức Vua thật nguy nga tráng lệ… Nhưng Đức Vua Ekarāja ngự tại kinh thành Bārāṇasī ấy, là Đức Vua bất tài, các đội quân bất lực, không được tập luyện kỹ. Cho nên, Bệ hạ chỉ cần một đoàn quân nhỏ cũng có thể đánh chiếm kinh thành Bārāṇasī một cách dễ dàng.

Ban đầu, Đức Vua Dubbhisena Kosala không tin lời tấu trình của vị quan ác này, nhưng do tâu đi tâu lại nhiều lần, khiến cho Đức Vua mới thử cho một nhóm người sang vùng biên giới của đất nước Kāsiraṭṭha của Đức Vua Ekarāja, cướp giật của cải dân chúng vùng biên giới giữa ban ngày. Họ bị quân đội giữ gìn vùng biên giới bắt đem về kinh thành Bārāṇasī, trình lên Đức Vua Bồ Tát Ekarāja xét xử. Ngài truyền hỏi rằng:

- Này các ngươi! Vì sao các ngươi sang vùng biên giới cướp giật của cải của dân chúng trong đất nước của Trẫm như vậy?

Nhóm người ấy tâu dối rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, chúng tiện dân đói khổ, nên đánh liều sang vùng biên giới của Đại Vương cướp giật của cải của dân chúng như vậy.

Nghe nhóm người ấy tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có tâm từ thương yêu mọi người, mọi chúng sinh nên truyền bảo rằng:

- Này các ngươi! Nếu như vậy, Trẫm ban cho các ngươi phần của cải riêng của Trẫm, các ngươi hãy đem về làm ăn chân chánh lương thiện, chớ nên đi cướp giật của cải của người khác.

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja thả số người ấy trở về nước. Sau khi trở về nước, họ đến chầu Đức Vua Dubbhisena Kosala, tâu trình lên để Đức Vua biết rõ về Đức Vua Ekarāja nước Kāsiraṭṭha đã đối xử tốt với tội nhân cướp giật của cải của người khác như vậy.

Tuy nghe như vậy, nhưng Đức Vua Dubbhisena Kosala chưa dám kéo quân sang đánh chiếm. Đức Vua muốn thử một lần nữa, nên truyền lệnh cho một nhóm người đi sâu vào trong tỉnh thành, đón đường cướp giật của cải của dân chúng đi lại. Họ đều bị quân đội bảo vệ tỉnh thành ấy bắt đem về kinh thành Bārāṇasī, trình lên Đức Vua Bồ Tát Ekarāja xét xử. Ngài truyền hỏi, nhóm người ấy tâu dối rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, chúng tiện dân đói khổ, nên đi cướp giật của cải của người khác.

Nghe lời tâu của nhóm người ấy, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có tâm từ thương yêu mọi người, mọi chúng sinh vô lượng, nên Đức Vua Bồ Tát ban cho nhóm người ấy phần của cải riêng của Đức vua, không phải tài sản của nhà nước. Đức vua truyền bảo họ trở về làm ăn lương thiện, chớ nên đi cướp giật của người khác, tạo nên ác nghiệp, rồi thả nhóm người ấy trở về nước.

Sau khi trở về nước, nhóm người ấy vào chầu Đức Vua Dubbhisena Kosala tâu trình lên Đức Vua biết rõ về Đức Vua Ekarāja nước Kāsiraṭṭha đối xử tốt với tội nhân cướp giật của người khác như vậy.

Nghe nhóm người ấy tâu như vậy, Đức Vua Dubbhisena Kosala nhận xét biết rõ: Đức Vua Ekarāja nước Kāsiraṭṭha là Đức Vua có tâm từ thương yêu mọi người, không phân biệt dân chúng trong nước và dân chúng ngoài nước, có tâm bi thương xót hoàn cảnh khổ của mọi người, không giết hại ai cả”.

Vì vậy, Đức Vua Dubbhisena Kosala thân chinh dẫn đầu một đoàn quân tiến sang vùng biên giới của đất nước Kāsiraṭṭha, với ý định đánh chiếm ngai vàng điện ngọc của Đức Vua Ekarāja tại kinh thành Bārāṇasī.

Trong thời kỳ ấy, triều đình của Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có 1.000 tướng sĩ anh dũng, tài ba lỗi lạc, sức mạnh vô địch, có các đoàn binh tinh nhuệ, thiện chiến. Những tướng sĩ anh dũng ấy có khả năng cầm quân đánh chiếm các nước trong toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu này, để dâng lên Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, nhưng Đức Vua Bồ Tát Ekarāja vốn là Đức Pháp Vương thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng, niệm rải tâm bi đến tất cả chúng sinh vô lượng muôn loài, chỉ cầu mong tất cả chúng sinh đều được an lạc hạnh phúc mà thôi, chỉ cầu mong tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi cảnh khổ mà thôi.

Khi ấy, nghe tin báo có Đức Vua Dubbhisena Kosala cầm đầu kéo quân sang đến vùng biên giới, những chiến sĩ anh dũng vào chầu Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, xin Đức vua truyền lệnh cho họ đem quân đến vùng biên giới bắt sống Đức Vua xâm lăng Dubbhisena Kosala, đem về trình lên Đức vua trị tội. Đức vua truyền bảo rằng:

- Này các khanh tướng! Trẫm không muốn các khanh tướng phải vất vả. Nếu Đức Vua Dubbhisena Kosala muốn chiếm đoạt ngai vàng điện ngọc của Trẫm thì cứ đến chiếm đoạt.

Đức Vua Dubbhisena Kosala dẫn đầu đoàn quân qua vùng biên giới không gặp sự chống cự nào cả, nên dẫn đoàn quân đi sâu vào kinh thành. Các tướng sĩ anh dũng ấy lại vào chầu Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, xin Đức Vua truyền lệnh cho họ đem quân đánh bắt sống Đức Vua xâm lăng, nhưng Đức Vua Bồ Tát không chấp thuận. 

Đức Vua Dubbhisena Kosala dẫn đầu kéo quân đến sát cửa thành, cho vị quan đem tối hậu thư đến trình Đức Vua Bồ Tát Ekarāja với nội dung: “Đức Vua Ekarāja nước Kāsiraṭṭha có chịu trao ngai vàng điện ngọc cho bổn vương hoặc chấp nhận chiến tranh”.

Một lần nữa, các tướng sĩ anh dũng ấy vào chầu Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, xin Đức Vua truyền lệnh cho họ đem quân ra cửa thành đánh, bắt sống Đức Vua xâm lăng đem trị tội xâm lăng. Cũng như những lần trước, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja không cho phép họ đem quân ra cửa thành đánh bắt sống Đức Vua xâm lăng, mà truyền lệnh các quan mở rộng bốn cửa thành. 


 [1] Bộ Chú Giải Jātakaṭṭhakathā, phần Catukkanipāta.Tích Ekarājajātaka

 

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja trả lời tối hậu thư cho Đức Vua xâm lăng Dubbhisena Kosala với nội dung: “Bổn vương không muốn chiến tranh, nếu Đại Vương muốn chiếm đoạt ngai vàng điện ngọc của bổn vương thì hãy vào chiếm đoạt”.

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja truyền lệnh một vị quan đem thư phúc đáp trình lên Đức Vua Dubbhisena Kosala xong, truyền lệnh tất cả các quan văn võ hội triều.

Khi Đức Vua Bồ Tát Ekarāja đang ngự trên ngai vàng, phía dưới các quan, các tướng sĩ đều hội triều tại cung điện. Khi ấy, Đức Vua xâm lăng Dubbhisena Kosala dẫn đầu đoàn quân kéo qua cửa thành đi thẳng đến cung điện nơi Đức Vua Bồ Tát Ekarāja đang ngự cùng với các quan, các tướng sĩ trong triều. Đức Vua xâm lăng truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy bắt Đức Vua Ekarāja, trói 2 tay 2 chân bằng xích sắt, rồi đem ra cửa thành, treo 2 chân của Đức Vua Ekarāja đưa lên cao, lộn đầu xuống dưới đất, lủng lẳng trên hư không trước cửa thành.

Trong tư thế bị treo 2 chân lên cao, lộn đầu xuống đất, lủng lẳng trên hư không, trước cửa thành như thế, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja thực hành pháp hạnh thiền định với đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc giới, rồi tiếp tục thực hành niệm rải tâm xả đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, dẫn đến chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới và chứng đắc các phép thần thông.

Do oai lực phép thần thông ấy làm cho các xích sắt trói 2 tay, 2 chân bị đứt rời ra từng đoạn. Đức Vua Bồ Tát Ekarāja ngồi tư thế kiết già trên hư không, hưởng mọi sự an lạc trong thiền.

Trong khi ấy, Đức Vua xâm lăng Dubbhisena Kosala phát sinh nóng nảy thân tâm, khổ đau quằn quại, nằm la hét trên long sàng tại cung điện. Đức Vua xâm lăng la hét rằng:

- Tại sao ta nóng nảy khổ đau như thế này?

Các quan tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, bởi vì Bệ hạ bắt Đức Vua Ekarāja là Đức Vua vô tội, là Đức Pháp Vương có giới đức trong sạch, thực hành thiện pháp cao thượng. Bệ hạ đã truyền lệnh treo 2 chân Đức Vua Ekarāja đưa lên cao, lộn đầu xuống dưới đất, treo lủng lẳng trên hư không trước cửa thành. Đó là nguyên nhân làm cho Bệ hạ nóng nảy, khổ đau quằn quại như vậy.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua xâm lăng Dubbhisena Kosala liền truyền lệnh các quan thả Đức Vua Bồ Tát Ekarāja ngay lập tức.

Tuân lệnh Đức Vua xâm lăng, các quan đến chỗ cửa thành, nhìn thấy Đức Vua Bồ Tát Ekarāja ngồi kiết già trên hư không với vẻ an lạc tự tại. Họ trở về tâu trình lên Đức Vua Dubbhisena Kosala sự thật như vậy. Đức Vua Dubbhisena Kosala vội vàng ngự đến nơi đảnh lễ Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, cầu xin Ngài tha tội chết.

Nhìn thấy Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có màu da vàng sáng ngời, có sức khoẻ dồi dào như ngày trước, Đức Vua xâm lăng tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Ekarāja, ngày trước Đại Vương an hưởng mọi sự an lạc trong cung điện. Nay, Đại Vương bị treo 2 chân lên trên cao, lộn đầu xuống đất, lủng lẳng trên hư không trước cửa thành.

Vậy, do nguyên nhân nào mà Đại Vương vẫn không mất đi màu da vàng sáng ngời, không mất sức lực, mà vẫn dồi dào sức khoẻ như ngày trước vậy? Tâu Đại Vương.

Nghe Đức Vua Dubbhisena Kosala tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dubbhisena Kosala, ngày trước bổn vương đã thực hành pháp hạnh nhẫn nại và có đức hạnh tri túc đã được tích luỹ từ lâu, trở thành thói quen như ý. Thông thường, nếu người nào có khổ tâm, khổ thân thì người ấy có nước da bị tái, sức lực bị giảm, còn bổn vương từ lâu đã thực hành pháp hạnh nhẫn nại và có đức hạnh tri túc. Cho nên, bổn vương không có khổ tâm, thì không có nguyên nhân nào làm cho bổn vương mất màu da vàng sáng ngời và tiêu hao sức lực được.

Do đó, bổn vương vẫn có màu da vàng sáng ngời, có sức lực dồi dào như ngày trước.

- Tâu Đại Vương Dubbhisena Kosala, bổn vương vốn là người tạo mọi thiện pháp như bố thí, giữ gìn ngũ giới, thọ trì bát giới Uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thực hành pháp hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ  đến tất cả chúng sinh vô lượng, đã tích luỹ từ lâu trở thành thói quen như ý.

Nay, dù Đại Vương bắt bổn Vương trói 2 tay, 2 chân, rồi treo 2 chân lên trên cao, lộn đầu xuống đất, treo lủng lẳng trên hư không trước cửa thành, thì bổn vương vẫn đè nén, chế ngự được phiền não trong tâm, đã thực hành pháp hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, dẫn đến chứng đắc 4 bậc thiền sắc giới, rồi tiếp tục thực hành thiền định đề mục niệm rải tâm xả đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, định tâm trung dung, đè nén thọ lạc, tâm thanh tịnh vắng lặng chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới và chứng đắc các phép thần thông.

 Đại Vương bắt bổn Vương cột 2 tay, 2 chân, treo 2 chân lên trên cao, lộn đầu xuống đất, treo lủng lẳng trên hư không trước cửa thành. Tuy bổn vương mất sự an lạc trên ngai vàng, nhưng nay, bổn Vương hưởng sự an lạc vi tế và cao thượng trong thiền định.

Đó là nguyên nhân làm cho bổn Vương vẫn có màu da vàng sáng ngời, có sức lực dồi dào như trước.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Ekarāja thuyết giảng giải thích như vậy, Đức Vua Dubbhisena Kosala phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ theo lời dạy của Ngài. Đức Vua Dubbhisena Kosala tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Ekarāja, bổn Vương kính dâng ngai vàng điện ngọc lại cho Đại Vương, ngự tại kinh thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsiraṭṭha rộng lớn này. Còn phần bổn vương có bổn phận bảo vệ Đại Vương và ngăn chặn mọi kẻ thù xâm lăng vào trong lãnh thổ của Đại Vương.

Sau đó, Đức Vua Dubbhisena Kosala trị tội vị quan xúi giục đem quân sang xâm chiếm ngai vàng điện ngọc của Đức Vua Bồ Tát Ekarāja.

Đức Vua Dubbhisena Kosala đảnh lễ Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, rồi xin phép cáo biệt, kéo quân ngự trở về nước Kosala. Đức Vua Bồ Tát Ekarāja lên ngôi vua trở lại.

Một hôm, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja truyền lệnh gọi các quan văn võ, các tướng sĩ đầy đủ hội triều, truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Bắt đầu từ hôm nay, Trẫm xin trao ngôi vua lại cho các khanh. Các khanh hãy chọn người lên ngôi làm vua trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này. Trẫm sẽ đi vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo sĩ.

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja từ bỏ ngôi báu đi vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo sĩ, sống trong rừng núi ấy, giữ gìn các bậc thiền sắc giới và phép thần thông.

Sau khi Đức Bồ Tát Đạo sĩ viên tịch, sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới Phạm thiên.

Sau khi thuyết về tích Ekarājajātaka xong, Đức Phật thuyết bài kệ rằng:

 “Na maṃ koci uttasati, nāpi’haṃ bhāyāmi kassaci.

Mettābalenupatthaddho, ramāmi pavane tadā” [1]

Ý nghĩa:

Dù Đức Vua Dubbhisena Kosala truyền lệnh treo hai chân của tiền kiếp Như Lai, lộn đầu xuống đất, treo lủng lẳng trên hư không trước cửa thành, cũng không làm cho tiền kiếp Như Lai run sợ. Tiền kiếp Như Lai không hề biết sợ bất luận là ai.

Dù trong hoàn cảnh bất lợi, ngặt nghèo ấy, tiền kiếp Như Lai vẫn cảm thấy an lạc do nhờ năng lực tâm từ hỗ trợ thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng,

Đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng của Như Lai.

Tích Ekarājajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

Tích Ekarājajātaka này, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Ekarājajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

- Đức Vua Dubbhisena Kosala, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại đức Ānanda.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja trao lại ngôi báu cho các quan, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja giữ gìn giới, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja từ bỏ ngai vàng đi vào rừng Himavanta xuất gia trở thành đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có trí tuệ sáng suốt, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có sự tinh tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có đức tính nhẫn nại, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja phát nguyện vững chắc, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có tâm định trung dung không thiên vị, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng của Đức Vua Bồ Tát Ekarāja trong tích Ekarājajātaka này.

Nhận Xét Về Tích Đức Vua Bồ Tát Ekarāja

Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng (Mettāparamatthapāramī).

Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ, để hỗ trợ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Tâm từ Ba-la-mật đó là tâm sở vô sân đồng sinh với thiện tâm, có đối tượng là chúng sinh đáng yêu đáng kính (piyamanāpasattapaññatti).

Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật không nóng giận, mát mẻ, an lạc, luôn luôn cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh muôn loài, mà không phân biệt người thân hay kẻ thù.

Người không có tâm từ, dễ phát sinh tâm sân là người có trạng thái hay nóng giận, không hài lòng trong đối tượng, bất bình, bực tức, khóc than, sợ sệt, kinh hãi,… muốn phá hoại đối tượng ấy.

 Đức Vua Bồ Tát Ekarāja là Đức Vua vốn có tâm từ  đối với tất cả chúng sinh vô lượng muôn loài, luôn luôn cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh muôn loài, mà không phân biệt người thân hay kẻ thù.

Sở dĩ Đức Vua Bồ Tát Ekarāja có tâm từ là vì Đức Vua Bồ Tát thường thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng. Hơn nữa, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja còn có pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mậtđức hạnh tri túc hài lòng hoan hỷ với những gì đang có. Cho nên, Đức Vua Bồ Tát Ekarāja đè nén, chế ngự được tâm tham, tâm sân, tâm si v.v… Đó là phiền não làm cho tâm ô nhiễm.

Khi Đức Vua Dubbhisena Kosala truyền lệnh bắt Đức Vua Bồ Tát Ekarāja cột 2 tay, 2 chân, treo 2 chân lên cao, lộn đầu xuống đất, lủng lẳng trên hư không trước cửa thành. Trong hoàn cảnh bất lợi, ngặt nghèo như vậy, do nhờ Đức Vua Bồ Tát Ekarāja đã thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật thành thói quen, nên đè nén, chế ngự được tâm sân không phát sinh, chỉ có đại thiện tâm phát sinh mà thôi. Đức Vua Bồ Tát Ekarāja thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng muôn loài, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới và các phép thần thông.

Đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng của Đức Vua Bồ Tát Ekarāja, tiền kiếp của Đức Phật Gotama.

(Xong pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật bậc thượng)



[3][1] Khu. Bộ Jātakaṭṭhakathā phần Nidāna, Khu. Cariyāpiṭaka.

 




 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn