(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

03_04-Tứ đế_Lão-Tử

08 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9580)

 3- Trí hiểu rõ Tứ đế.

(Xin xem phần giải về Vô minh trong tập sách này, đồng thời xin tham khảo “Con đường cổ xưa” (Pūrāṇa maggaṃ), do Đại trưởng lão Piyadassī biên soạn, việt dịch Đại Đức Pháp Thông).

-ooOoo-

 4- Trí hiểu rõ về Già - Chết.

Chánh kinh.

“Chư Hiền, thế nào là già chết, thế nào là tập khởi của già chết, thế nào là đoạn diệt của già chết, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết?.

Chư Hiền, khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết (jarā maraṇañca pajānāti), biết căn nguyên già chết (jarāmaraṇa samudayañca pajānāti). Biết sự đoạn diệt của già chết, biết con đường đưa đến đoạn diệt của già chết... và thành tựu diệu pháp này.

Thế nào là già? Sự già cả (jarā), suy lão (jīraṇatā), rụng răng (khaṇdhicaṃ), tóc bạc (paliccaṃ), da nhăn (valittacatā), tuổi thọ ngày một hao mòn, sự lão hóa các căn (indriyānaṃ paripāko). Chư Hiền, như vậy gọi là già.

Thế nào là chết? Chết (cuti), chuyển đổi (cavanatā), hư hoại (bhedo), biến mất (antaradhānaṃ), chết rồi chết (maccumaranaṃ), thời các uẩn hư hoại (kālakiriyā khandhaṃbhedo), tử biệt (kaḷebarassa nikkhepo). Chư Hiền, như vậy gọi là chết.

Từ sự tập khởi (samudaya) của sinh (jāti), là sự tập khởi của già chết. Từ sự đoạn diệt của sinh (jātinirodhā) là sự đoạn diệt của già chết (jarāmaraṇanirodho). Thánh đạo tám ngành (ariyo aṭṭhanigiko maggo) là con đường đưa đến đoạn diệt già chết, tức là: Chánh kiến (sammādiṭṭhi), chánh tư duy (sammāsaṅkappo), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanto), chánh mạng (sammā-ājīvo), chánh tinh tấn (sammāvāyāmo), chánhniệm (sammāsati), chánh định (sammāsamādhi)”.

Giải:

Già và chết là hai trong những đặc điểm của khổ, chúng là nơi trú của khổ. Nơi nào có già, chết, nơi ấy có khổ.

Đức Sāriputta hướng tâm chư Tỳkhưu quán xét cái khổ của năm uẩn, khởi đầu là già - chết.

A-Về sự già (jarā)

1- Ý nghĩa các từ.

- Già (jarā).

Già được định nghĩa là “sự cằn cỗi”, “sự suy thoái của các pháp hữu vi”.

Chữ jarā trong kinh văn ám chỉ thực tính pháp của già, tức là sự biến đổi của các pháp hữu vi, để dẫn đến cằn cỗi rồi hư hoại (bhaṅga).

- Suy lão (jīraṇatā).

Chữ jīraṇatā xuất phát từ ngữ căn jīr là “lớn lên, già lên” [41].

Jīraṇatā là nói đến hiện tượng già cỗi, như mắt mờ, tai điếc, lưng còng... Tức là nói đến già theo phương diện chế định. Jīraṇatā có thể dịch là “già tăng trưởng”.

Bất cứ danh sắc hữu vi nào, khi sinh lên sẽ có một giai đoạn tồn tại, cho dù thời gian ấy cực ngắn chỉ một sátna tiểu, sátna ấy được gọi là sátna trụ (khaṇaṭṭhiti). Chính sátna trụ gọi là già.

- Răng lung lay (khaṇḍicaṃ.

Từ trạng thái vững chắc đã trở thành suy nhược, không thể nghiền nát những vật thực cứng như thuở xưa.

- Tóc bạc (paliccaṃ).

Là sự biến dạng màu sắc, từ trạng thái đen nhánh của tuổi trẻ hiền thiện đầy sức sống, chuyển sang lốm đốm bạc (muối tiêu) rồi bạc trắng, báo hiệu “tuổi trẻ buổi thanh xuân, tiếp tục bỏ chúng ta” (vayoguṇā anupubbaṃ jahanti)  [42].

- Da nhăn (valittacatā).

Là sự biến đổi từ làn da mịn màng trơn láng chuyển sang nhăn nheo.

- Sự lão hóa các căn (indriyānaṃ paripāko).

Paripāka nghĩa là “chín trọn vẹn”, tức là các căn quyền như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đã không còn “sức sống”, nó như trái cây chín muồi chỉ chờ giờ rơi rụng.

Đoạn kinh văn trên, Đức Xálợiphất nêu lên sự già, tiếp theo Ngài đề cập đến trạng thái già (jīraṇatā), rồi Ngài trình bày già theo chế định (răng lung lay, tóc bạc, da nhăn), sau cùng Ngài nói đến “già theo chân đế (sự lão hóa các căn)”.

2- Phân tích.

Có hai loại già: Già hiện bày (jākaṭajarā) và già bị che khuất (paṭicchanejarā).

a- Già hiện bày là “già của sắc pháp” hiển lộ sự biến dạng, sự thay đổi của thân như tóc bạc, da nhăn, các căn (indriya) bị hư hoại...

b- Già bị che khuất là sự già của pháp vô sắc (thọ, tưởng, hành, thức).

Sự già của pháp vô sắc bị che lấp là do pháp vô sắc sinh diệt quá nhanh, ví như một đóm lửa di động rất nhanh sẽ tạo thành một vệt lửa, khoảng trống giữa hai ngọn lửa đã bị che lấp.

“Evañhetaṃ Ānanda, hoti – jarādhammo yobbaññe, byādhidhammo ārogye, maraṇadhammo jīvite.

“Sự thể là vậy, này Ānanda, tánh già nắm trong tuổi trẻ, tánh bịnh ở trong sức khỏe, tánh chết ở trong sự sống [43].

Phật ngôn trên nói lên ý nghĩa “già bị che khuất”.

Lại nữa, “già của sắc pháp”  cũng có 2 loại: Già không thấy (avīcijarā) và già nhận thấy (savīcijarā).

a- Già không thấy (avīcijarā).

Chữ avīci nghĩa là “không khoảng cách, không gián đoạn”.

Na (không có) + vīci (khoảng cách) = avīci.

Đây là sự già của vàng, ngọc, đất, đá, mặt trời, mặt trăng ... tuy chúng vẫn có thay đổi nhưng rất khó nhận biết sự biến đổi của chúng trong khoảng thời gian ngắn, nhận thức được sự biến đổi của chúng phải có thời gian dài

Một đứa trẻ sơ sinh thay đổi hình hài từng giờ, từng ngày, nhưng bà mẹ không thể thấy sự thay đổi của hài tử, một tuần sau, một tháng sau mới nhận thấy.

Hoặc cây, lá, hoa, quả... đều biến đổi theo từng thời điểm, nhưng khó nhận thấy.

Hoặc như cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa), các thiên nhân không có hiện bày sự già, tóc bạc răng long, mắt mờ, tai lãng, da nhăn, bịnh hoạn, nam chư thiên có sắc thân như thanh niên 20 tuổi cho đến trọn kiếp, nữ chư thiên thì có thân sắc như cô gái 16 tuổi cho đến trọn kiếp [44], tuy nhiên  sự già của sắc pháp vẫn có, vì sắc pháp của thiên nhân vẫn sinh diệt.

Trong Tương Ưng kinh, phẩm Tương Ưng chư thiên có ghi nhận: “Một vị chư thiên đi đến yết kiến Đức Thế Tôn bạch kệ rằng:

“Upanīyati jīvitamappamāyu.

Jarūpanītassa na sati tāṇa…

“Mạng sống bị dẫn dắt, tuổi thọ chẳng là bao.

Bị dẫn đến già nua, không có nơi dừng bước …”[45].

Bài kinh trên, chứng tỏ chư thiên vẫn có sự già, nhưng là “già không thấy”.

Có câu hỏi rằng: vị Chư thiên hay phạm thiên già như thế nào?.

Đáp rằng: Chư thiên và Phạm thiên chỉ có già theo chân đế, họ không có hiện tượng già như răng long, tóc bạc ...

Vì sao thân những vị ấy không có hiện tượng già?

Vì rằng: Thân Phạm thiên và Chư thiên lấy sắc nghiệp làm cơ bản, trong khi thân nhân loại, súc sanh ... có cả sắc thời tiết (utujarūpa), sắc vật thực thô, hai loại sắc này choán chỗ nhiều so với sắc nghiệp, do đó chúng hiện bày rõ hiện tướng già.

Tuy Chư thiên cũng dùng vật thực nhưng là loại tịnh thực, tan biến hòa lẫn khắp cơ thể không để lại chất cặn bã như nhân loại, mặt khác loại lửa trong thân Chư thiên rất cao nên tịnh thực đi vào cơ thể của các thiên nhân ví như giọt bơ rơi vào chảo nóng, tan biến không còn dấu vết.[46]

 b- Già nhận thấy (savīcijarā).

Savīci = sa (có) + vīci (khoảng cách).

Là do có thời gian vừa đủ để chúng hiển lộ ra dấu hiệu cũ kỷ, già lão, thay đổi. Như hoa lá có sự thay đổi màu sắc rõ rệt, cây non tăng trưởng thành già cỗi, núi đá hao mòn, vàng ngọc biến đổi …

Già có hai loại khác nữa:

a- Già theo phương diện thế tục (paññatti), như người già, đồ vật cũ kỹ …

Bộ phân tích (vibhaṅga) của Tạng Thắng Pháp (abhidhamma piṭaka) có định nghĩa như sau:

“Tattha katamā jarā?

Yā tesaṃ tesaṃ sattānaṃ tamhi tamhi sattanikāye jarā jīraṇatā khaṇḍiccaṃ pāliccaṃ valittacatā āyuno saṃhāni indriyānaṃ paripāko ayaṃ vuccati “jarā”.

Ở đây, già là thế nào?

Đối với mỗi chúng sinh, có sự kiện cũ kỹ, già nua, răng long, tóc bạc, da nhăn, giảm tuổi thọ, chín mùi các căn trong thân hữu tình ấy. Đây gọi là già.[47]

b- Già theo thực tính pháp (sabhāvadhamma).

Là già theo từng sátna, là sátna trụ của pháp hữu vi.

Đại Trưởng lão Luận sư Saddhamma Jotika có trình bày trong Giáo lý duyên khởi (bằng Thái ngữ, Đại Đức Giác Nguyên Việt dịch), có nêu ra chín trường hợp già, bao gồm cả chân đế lẫn chế định, như sau:[48]

1’- Già theo chế định, có sáu loại:

a’. Già do tuổi đời chồng chất (vayovuddhijarā, chữ vuddhi nghĩa là “phát triển”).

Thông thường đời người có ba giai đoạn: giai đoạn thanh xuân (pathamavayā) là thời kỳ trẻ tuổi, giai đoạn trung niên là khoảng giữa cuộc đời và giai đoạn lão niên, là thời kỳ suy thoái của tuổi thọ và trạng thái già (jīraṇatā) đã hiển lộ rõ.

Theo Chánh giác tông (Buddhavaṃsa) “vào thời Đức Phật, tuổi thọ bình quân của nhân loại là 100 tuổi, cứ 100 năm giảm đi một tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân của nhân loại là 75”. Sở dĩ tuổi thọ ngày càng giảm, là do nhân loại suy giảm thiện pháp, sống theo ác pháp nhiều, ác pháp tăng thì tuổi thọ giảm.

Nếu tính đời người là 75 tuổi thì giai đoạn thanh xuân từ 1 – 25 tuổi, giai đoạn trung niên từ 25 – 5o tuổi (đây là thời rực rỡ nhất của tuổi thọ), giai đoạn lão niên, từ 50 – 75 tuổi.

Nếu tính tuổi thọ đời người là 100 tuổi thì:

*- Giai đoạn thanh xuân: Từ 1 – 30 tuổi, chia ra ba chặng:

Giai đoạn tuổi dại khờ (mandasakavaya) từ 1 – 10 tuổi, đây là giai đoạn non trẻ nhất của đời người.

Giai đoạn vui chơi (khiddādasakavaya), từ 10 – 20 tuổi.

Giai đoạn dung sắc (vaṇṇadasakavaya), từ 20 – 30 tuổi, đây là giai đoạn hoàn chỉnh nhất của ngoại hình.

*- Giai đoạn trung niên: Từ 30 – 60 tuổi, giai đoạn này cũng có ba chặng:

Chặng bản lãnh (baladasakavaya) từ 30 – 40 tuổi, giai đoạn này khẳng định thể lực, đồng thời có nhiều năng lực hoạt động về thân.

Chặng mẫn tiệp (paññadasakavaya) từ 40 – 50 tuổi, đây là giai đoạn phát triển trí sung mãn nhất.

Chặng thối thất (hanidasakavaya) từ 50 – 60 tuổi, đây là chặng có dấu hiệu xuống dốc về mọi mặt (đối với thân và tâm).

*- Giai đoạn lão niên: Từ 60 – 100 tuổi, giai đoạn này có bốn chặng:

Chặng suy yếu (pabbharadasakavaya) từ 60 – 70, đây là chặng cơ thể trở nên suy yếu dần.

Chặng hư hoại dung sắc (vankadasakavaya) từ 70 – 80, đây là chặng lưng còng, tai lãng, mắt kém...

Chặng lú lẫn (momūhadasakavaya) từ 80 – 90, đây là chặng lãng trí của người già, khi nhớ khi quên...

Chặng thường nằm (sayanadasakavaya): từ 90 – 100, đây là chặng người già nằm một chỗ nhiều hơn là hoạt động qua các oai nghi đi, đứng, ngồi.

Trong “già do tuổi thọ chồng chất”, các Giáo thọ sư bảo rằng:

- Từ bé đến 40 tuổi (baladasakavaya) là già làm cho tăng trưởng (abhikkamajarā), gọi là “giai đoạn phát triển”.

- Còn từ 40 tuổi trở về sau là già làm cho thoái hóa (patikkamajarā), ở giai đoạn này hiện bày cơ thể suy thoái, gọi là “giai đoạn suy thoái”.

Như vậy, cả hai giai đoạn (phát triển hay suy thoái) đều là già.

b’. Già kéo dài (santatijarā).

Là sự già liên tiếp nhau, sự già này diệt đi sự già khác sinh lên, ví như trên sông, từng lượn sóng đuổi nhau nối tiếp. Cái già này liên tục theo đuổi chúng sinh cho đến tận cùng tuổi thọ, như Phật ngôn:

Yathā daṇḍena gopāta, gāvo pāceti gocaraṃ

Evaṃ jarā ca maccū ca, āyaṃ pācenti pāninaṃ

Với gậy, người lùa bò, lùa bò ra bãi cỏ

Cũng vậy, già và chết, lùa người đến mạng chung [49].

c’. Già tự nhiên (pakaṭajarā).

 Là già do có biến tướng của da, tóc, răng … Loại già này tương tự già do tuổi thọ chồng chất.

d’. Già bị che lấp (avīcijarā).

e’. Già hiển lộ (savīcijarā).

f’. Già theo chế định (pannattijarā).

Là bao gồm 5 loại già trên, ngoài ra còn có những cách nói như “trí già dặn, kinh nghiệm già dặn …”.

2’- Già theo chân đế (paramatthajarā), có ba loại:

a’- Già theo từng sát na (khaṇikajarā).

Ám chỉ sátna Trụ của danh sắc hữu vi.

Tức là giai đoạn tồn tại của danh sắc, danh pháp hữu vi chỉ tồn tại sát na tiểu, còn sắc pháp tồn tại 49 sát na tiểu (kānadha).

b’-Sự già cỗi của danh pháp (paṭicchannajarā).

Tương tự như già do tuổi thọ chồng chất, chỉ khác về phương diện danh pháp.

Sự già cỗi của danh pháp có hai phương diện:

*- Khi bất thiện được sung mãn thì pháp thiện đi đến già cỗi rồi hoại tiêu.

Bậc trí không khinh thường ác nhỏ, một khi ác nhỏ được “chồng chất” sẽ làm hư hoại thiện pháp. Nghĩa là thiện pháp trở nên cằn cỗi.

“Māvamaññetha pāpassa, na maṃ taṃ āgamissati.

Udabindunipātena, udakumbho’ pi pūrāti

Pūrati bālo pāpassa, thokathokam’ pi ācinaṃ.[50]

Không nên khinh thường điều ác, nói rằng “Nó không đến gần ta”. Từng giọt nhỏ rơi xuống, lâu ngày cũng làm đầy bình.

Dường thế ấy, người cuồng dạy góp nhặt mỗi lần chút ít điều ác, (ngày kia) sẽ bị cái ác thấm nhuần trọn vẹn.”

- Khi thiện pháp được tu tập (pháp thiện càng sung mãn) thì bất thiện pháp dần dần bị hao mòn (già).

Nghĩa là ác pháp già lão không còn sức mạnh, trái lại thiện pháp không già, nên bậc trí không khinh thường thiện nhỏ, khi thiện nhỏ được “chồng chất” sẽ làm hư hoại ác, bất thiện pháp.[51]

Seyyathāpi, bhikkhave, sāmuddhikāya nāvāya vettabandhanabandhāya cha māsāni udake pariyādāya hemantikena thalaṃ ukkhittāya vātātapaparetāni bandhanāni tāni pāvussakena meghena abhippavuṭṭhāni appakasireneva paṭippassambhanti, pūtikāni bhavanti.

“Này các Tỳkhưu, ví như chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn (pariyāyena), trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hoại, rồi trong mùa mưa lại thấm ướt (abhippavutthāni) bởi cơn giông rất dễ bị yếu hư và mục nát.

Evameva kho, bhikkhave, bhikkhuno ariyaṃ aṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bhāvayato ariyaṃ aṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bahulīkaroto appakasireneva saṃyojanāni paṭippassambhanti pūtikāni bhavanti.

 Cũng vậy, này các Tỳkhưu, một Tỳkhưu tu tập Thánh đạo tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử (saṃyojana – dây trói buộc) yếu mòn và mục nát [52].

Và:

Jīrantive rājarathā sucitta. Atho sarīraṃ pi jaraṃ upeti

Sataṃ ca dhammo na jaraṃ upeti. Santo have sabbhi pavedayanti.

Xe vua đẹp cũng già. Thân này rồi sẽ già

Pháp bậc thiện không già. Như vậy bậc chí thiện

Nói lên cho bậc thiện[53].

Một thiên nhân có bạch hỏi Đức Thế Tôn:

“Kiṃsu ajarasā sādhu. Kiṃsu sādhu adhiṭṭhitaṃ…

“Vật gì tốt không già?” Vật gì tốt trường tồn?...

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Sīlaṃ ajarasā sādhu. Saddhā sādhu adhiṭṭhitaṃ…

“Giới tốt không già. Tín tốt trường tồn….[54]..

c’-Già chân đế (paramatthajarā).

Tương tự như già theo từng sátna, chỉ khác chút ít về phần sắc pháp.

Tức là sátna trụ của sắc pháp bao gồm 49 sátna tiểu[55], từ sátna thứ 2 đến sátna thứ 25 gọi là tiến triển, sátna thứ 26 là sátna quyền (indriya), từ sátna thứ 27 đến sátna thứ 50 gọi là già lão.

3- Bốn khía cạnh thực tính của già.

- Trạng thái: Là sự cằn cỗi của năm uẩn trong hiện tại (khandhaparipāka lakkhaṇa).

- Phận sự: Đưa đến gần với tử vong (maraṇāpanāyama rasā).

- Thành tựu: Phá hoại giai đoạn tươi tốt (yobbanavināsapaccupaṭṭānā).

- Nhân cần thiết: Có sắc pháp đang cằn cỗi (paripāccamanurūpapadaṭṭhānā).

Trạng thái của già ám chỉ cả 5 uẩn, phận sự, thành tựu và nhân gần của già là nói về sắc pháp, vì chúng hiển lộ rõ sự già hơn danh pháp.

Trong bản kinh, chữ suy lão trạng thái của già, răng lung lay (khaṇḍicaṃ), tóc bạc (paliccaṃ), da nhăn (valittacatā) là phận sự của già, vì liên quan đến sắc pháp nơi nhân loại hoặc súc sinh, là sự già hiển lộ khi năm tháng đi qua.

Nói cách khác, năm tháng là con đường giúp sự già vững mạnh, nhận thức được sự già qua năm tháng, chỉ là nhận thức “vết tích của chúng”, còn sự diễn tiến của chúng khó thấy được.

Ví như nước lũ đi qua, cây cỏ đổ rạp xuống, nhìn thấy cây cỏ rạp xuống, người ta hiểu rằng: “nước lũ đã đi qua”. Hay “lửa đi qua, cây cỏ cháy rụi”, nhìn vết tích người ta hiểu rằng “lửa đã đi qua”.

Riêng sự già theo chân đế, sự già từng sátna, sự già cỗi của danh pháp phải nhận thức bằng trí.

Ngài Buddhaghosa trong sách Thanh Tịnh Đạo có dạy:

“Già là căn bản của khổ về thể xác lẫn tinh thần”.

Về thể xác thì tứ chi nặng nề, các căn quyền suy yếu hay hư hoại.

Về tinh thần thì tuổi trẻ biến mất, sức lực hoại tiêu, trí nhớ không trọn vẹn, trí tuệ không minh mẫn.” [56]

B - Chết.

1- Ý nghĩa từ ngữ.

- Chết (cuti).

Bộ Phân tích (Vibhaṅga) trong tạng Thắng pháp có định nghĩa về “chết (cuti)” như sau:

Tattha katamaṃ maranaṃ?

Yā tesaṃ tesaṃ sattānaṃ tamhā tamhā sattanikāyā cuti cavanatā bhedo antaradhānaṃ maccu maranaṃ kālakiriyā khandhānaṃ bhedo kaḷevarassa nikkhepo jīvitindriyassupacchedo. Idaṃ vuccati “maranaṃ”.

Ở đây, chết là thế nào?

“Đối với mỗi mỗi chúng sinh, từ thân hữu tình ấy có sự chuyển biến, đổi dời hư hoại, tiêu mất, chết, tán vong, quá vãng, tan rã ngũ uẩn, bỏ xác, dứt mạng quyền. Đây gọi là chết” [57].

- Chuyển đổi (cavanatā).

Một chúng sinh thay đổi từ thể trạng này sang thể trạng khác, xem như chúng sinh ấy đã chết, một chúng sinh khác sinh lên.

Thật ra, hai chúng sinh ấy không phải một cũng không phải hai, nương sự chết của chúng sinh trước, chúng sinh sau hình thành.

Đức Nāgasena (Na tiên) có giải đáp cho vua Milinda như sau:

Ví như sữa tươi biến thành sữa chua, sữa chua biến thành sữa đặc. Tất cả gọi là sữa, nhưng sữa tươi không phải là sữa chua, sữa chua không phải là sữa đặc ([58].

Chính ý nghĩa này được Đức Thế Tôn nói đến, khi Ngài dạy Trưởng lão Aṅgulimāla kệ ngôn như sau:

“Yatohaṃ bhagini ariyāya jātiyā jāto nābhijānāmi sañcicca pānaṃ jīnitā vosopetā. Tena saccana sotthite hotu sotthi gabbhassa”.

“Hỡi này hiền tỷ, từ khi ta sinh vào dòng thánh rồi, ta không hề cố ý sát hại sinh mạng ai nữa. Do nhờ chân ngôn này, mong hiền tỷ được an lành và thai nhi cũng được an lành”.[59]

Rõ ràng tướng cướp Aṅgulimāla đã chết, vị Thánh Aṅgulimāla sinh ra.

Mọi chúng sinh đều có sự chuyển đổi từ thể trạng này sang thể trạng khác, cho dù đó là sắc vi tế của những vị chư thiên hay Phạm thiên, sắc vi tế cũng sinh diệt, diệt sinh diễn ra liên tục.

Công tử Soreyya từ thân nam tử chuyển thảnh nữ giới. Sau khi sám hối Ngài Mahā Kaccāyana, thì từ thân nữ giới chuyển thành nam [60].

Đây cũng là hình thức sự chết theo ý nghĩa “chuyển đổi”.

Sự chuyển đổi xảy ra rõ ràng nhất sau khi chết, người có thể chuyển thành thú, ngạ quỷ, chư thiên hay Phạm thiên hoặc thành người khác... Phạm thiên có thể chuyển thành người, chư thiên hay vị Phạm thiên Sắc giới khác.

Chư Phạm thiên không hề rơi trực tiếp xuống 4 khổ cảnh, trái lại chư thiên Dục giới có thể rơi thẳng xuống địa ngục, như ác ma Dūsī, trong kinh Hàng ma ở Trung bộ Kinh I, bài kinh số 50.

- Biến mất (antaradhānaṃ).

Ám chỉ các uẩn biến mất ở cảnh giới hiện hữu, để rồi tái hiện khởi ở cảnh giới (bhava) mới.

- Chết rồi chết (maccumaraṇa).

Cả hai từ maccu và maraṇa đều có ý nghĩa là “chết”, nên maccumaraṇa có thể hiểu “chết dẫn theo chết”, nghĩa là: “chết, sinh lên rồi lại chết”.

Bản Sớ giải có giải thích: “Đức Xálợiphất dùng từ maccumaraṇa, là ám chỉ chết còn tái sinh”, tức là Ngài không đề cập đến “cái chết dứt tuyệt (samucchedamaraṇa)” của bậc Alahán.

- Thời các uẫn hoại diệt (kālakiriyā khandhānaṃ bhedo).

Kālakiriyā là thời thực hiện, Ngài Xálợiphất dùng từ này ám chỉ cái chết nhân loại và súc sanh, vì còn để lại thi hài (sắc uẩn).

Còn khandhānaṃ bhedo (các uẩn hoại diệt) ám chỉ cái chết của chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ (peta), Atula (asurā), Chư thiên, Phạm thiên hữu sắc, Phạm thiên Vô tưởng và Phạm thiên Vô sắc, vì không lưu lại sắc uẩn.

Lại nữa, kālakiriyā ám chỉ cái chết theo nghĩa chế định, vì còn nhận ra sự chết đã hiện bày, còn khandhānaṃ bhedo là nói đến cái chết theo ý nghĩa chân đế.

Theo chân đế, khi các uẩn đang diệt xem như đang chết, nhưng các uẩn đang diệt khó nhận biết, chỉ nhận biết khi các uẩn đã diệt, nên không thể định được thời tử.

Có câu hỏi rằng: Vì sao người và súc sanh khi chết còn lưu lại sắc uẩn, các chúng sinh khác thì không?

Đáp rằng: Vì rằng cõi nhân loại hay súc sinh có thân là sắc thô, những chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, Atula (asura), Chư thiên, Phạm thiên hữu sắc có thân là sắc tế (sukhumarūpa), nên khi mệnh chung thì sắc uẩn không còn.

Sắc thô là loại sắc có sức nóng của lửa kém hơn lửa sắc tế, nên không thể hủy sắc pháp nhanh chóng như lửa sắc tế.

Trong Sớ giải Trường bộ, bài kinh Phạm võng có ghi: “Thiên nhân bỏ ăn một bữa sẽ chết, vì sức lửa đốt cháy thân xác”.

Đoạn kinh văn trên, Đức XálợiPhất nêu lên tuần tự như sau: Chết (cuti), diễn tiến của chết (chuyển đổi, biến mất), chết còn tục sinh (maccumaraṇa), rồi Ngài nêu lên “chết theo chế định (kālakiriyā)”, chết theo thực tính pháp (khandhānaṃ bhedo).

2- Phân tích.

Sự chết có hai loại:

a- Chết theo chế định (sammuttimaraṇā).

Là chết theo thông thường như tắt thở, lìa trần, hay sự tiêu hoại vật chất thế gian.

b- Chết theo chân đế (khaṇikamaraṇā – sátna tử).

Là sự diệt của danh sắc trong từng sátna, ám chỉ sátna diệt của danh sắc.

3- Bốn khía cạnh của chết là:

- Trạng thái: Chuyển đổi (cutilakkhaṇa).

- Phận sự: Ngăn cách, chia lìa những gì trong hiện tại (viyogarasa).

- Thành tựu: Vắng mặt ở cảnh giới cũ (gativippavāsapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cần thiết: Danh sắc đang biến hoại (paribhijjamānanānarūpa padaṭṭhānaṃ).

Trong kinh văn, Đức XálợiPhất chỉ trạng thái chết, Ngài dùng từ “sự chuyển đổi” (cavanatā).

Chỉ cho thành tựu của chết, Ngài dùng các từ: Rời ra (bhedo, xuất phát từ ngữ căn bhid là phá hủy)[61], hư hoại (antaradhānaṃ), “chết rồi chết” (maccumaraṇa).

4- Thời tử.

Về thời tử theo chế định có hai loại là: Chết phi thời (akāla maraṇa) và chết hợp thời (kālamaraṇa).

a- Chết không hợp thời.

Là chưa hết tuổi thọ, nhưng do một nguyên nhân phát sinh, khiến người này mệnh chung.

Đức Nāgasena (Na Tiên) có nêu ra 7 nguyên nhân chết không hợp thời như sau:

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị đói mà chết.

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị khát mà chết.

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị rắn độc cắn mà chết.

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị thuốc độc mà chết (tự sát hay bị bức bách).

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị lửa đốt mà chết.

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị rớt xuống nước mà chết.

- Người chưa hết tuổi thọ, nhưng bị khí giới đâm (chém) mà chết.[62]

- Chết hợp thời.

Là chết do bịnh, bịnh phát sinh do 8 nguyên nhân:

- Do mật, do đàm, do gió, do thời tiết, do hoạt động không thích ứng (hành động không thích ứng là chướng ngại của những bịnh)[63], do vật thực, do nghiệp, do phi nhân nhập.

Lại nữa, chết xuất hiện do một trong bốn nguyên nhân (hetu maraṇa).

1. Chết do hết tuổi thọ (āyukkhayamaraṇa).

Như những vị thiên nhân có tuổi thọ nhất định, khi hết tuổi thọ dù còn phước cũng phải mệnh chung.

2. Chết do hết nghiệp (kammakkhayamaraṇa).

Nghiệp ở đây chỉ cho nghiệp tục sinh, là loại nghiệp tạo ra tâm quả làm phận sự tục sinh khởi đầu kiếp sống mới, khi nghiệp này chấm dứt thì chúng sinh ấy mệnh chung.

3. Chết do hết tuổi thọ đồng thời cũng hết nghiệp  (ubhayamaraṇa).

4- Chết do nguyên nhân bất kỳ khác. (upakkamaraṇa).

Bốn nguyên nhân phát sinh sự chết được ví như sự tắt của cây đèn dầu, cây đèn dầu tắt là do:

- Hết tim đèn (ví như hết tuổi thọ).

- Hết dầu (ví như hết nghiệp).

- Hết cả tim lẫn dầu.

- Tắt do gió mạnh, do mưa hay do một nguyên nhân nào khác.

Chết do hết tuổi thọ, do hết nghiệp được gọi là chết hợp thời, ngoài ra là chết không hợp thời.

Chết không hợp thời là do nghiệp đoạn tận sinh khởi (upaghātakakamma), cắt đứt mạng sống.

Ví như mũi tên được bắn ra, thông thường phải đi đến tận cùng của lực bắn, tuy nhiên có một lực mạnh hơn chận đứng sự lao vút của mũi tên và làm cho mũi tên rớt xuống.

Lực bắn mũi tên ví như sức mạnh của nghiệp tái sinh, thời gian mũi tên lao đi ví như tuổi thọ chúng sinh, sức mạnh chận đứng mũi tên ví như lực của nghiệp đoạn tận, mũi tên rớt xuống ví như tuổi thọ chấm dứt (không hợp thời).

Cái chết bất ngờ, là cái chết do bị bức bách, ví như trái cây chưa đến thời chín, nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến trái cây lìa cành. Cũng vậy, do bị bức bách nên “cái chết” phải hiện bày sớm hơn, các Ngài gọi là upakkamamaraṇa (chữ upakkama nghĩa là “tấn công, bức bách”).

Chết do bức bách xuất hiện do nhiều nguyên nhân như:

- Tự tử vì chán nãn cuộc sống, như các Tỳkhưu tự sát vì hiểu lầm lời dạy của Đức Thế Tôn[64] hay như Ngài Godhika không chịu đựng nỗi cơn bịnh.

- Do kẻ khác gây ra.

- Do tạo oan trái trong quá khứ, như trường hợp nữ Dạ xoa hóa thành con bò húc chết Ngài Bāhiya, Ngài Pukkusati…

- Do một ác nghiệp trổ quả đoạn tuyệt mạng sống như trường hợp cận sự nam Mahā Kāla, trong quá khứ vu oan cho người khác trộm ngọc để chiếm đoạt vợ người ấy, kiếp này tuy sống đạo đức nhưng bị dân chúng ngờ oan là kẻ trộm và đánh chết.

- Do tai nạn bất ngờ…

Có hai loại chết nữa là:

a- Chết không còn tái sinh (samucchedamaraṇa).

Đây là sự viên tịch (parinibbāna) của vị Thánh Alahán.

b- Chết còn tái sinh (jātikkhayamaraṇa).

Là cái chết từ bậc Anahàm trở xuống.

Ngoài ra, theo cái nhìn thực tính về sự chết, thì danh sắc sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục, các Ngài gọi là “chết không gián đoạn (santatimaraṇa)”.

Trưởng lão Ghosaka.

Trưởng lão Ghosaka là một danh tướng của vua Pasenadi, Ngài xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Khi trú ngụ ở Hắc Thạch trên đỉnh núi Isigili, Ngài tinh tấn hành thiền, chứng Sơ thiền. Chứng nội thương trong thời trẻ chinh chiến của Ngài khởi lên, khi Ngài ngừng tinh tấn thì chứng bịnh dứt, cả sáu lần Ngài chứng thiền rồi hoại thiền cũng vì chứng nội thương ấy.

Ngài suy nghĩ “nếu sống mà rỗng không, thà chết mà có được pháp thượng nhân”, lần thứ bảy Ngài chứng thiền và chứng nội thương lại khởi lên. Ngài quyết định tự tử, quyết không cho mất pháp thiền định mà Ngài đã chứng đắc, Ngài dùng dao cạo cắt cổ mình, trong giây phút cận kề sự chết, Ngài đưa tâm quán xét và chứng đắc quả Alahán, sau đó Ngài viên tịch.

Nhân câu truyện này, Đức thế Tôn dạy kệ ngôn:

“Tesaṃ sampanna sīlānaṃ. Appamādavihārinaṃ

Sammadaññāvimuttānaṃ. Māro maggaṃ na vindati.

“Giữa ai có giới hạnh. An trú không phóng dật.

Chánh trí, chân giải thoát. Ác ma không thấy đường.[65]

Cận sự nam Mahākāla [66].

 Tương truyền, trong thành Sāvatthī (Xávệ), có cận sự nam Mahākāla (Đại Thời), nhiệt tâm tín thành Tam bảo, mỗi tháng đều thọ trì giới bát quan trai giới vào những ngày Uposattha (Bốtát) và vào chùa nghe pháp trọn đêm

Vào một ngày Bốtát, cận sự nam Mahākāla sau khi thọ giới Bát quan xong, vào chùa nghe pháp.

Trong đêm ấy, có bọn trộm đánh cắp tài sản của một gia tộc ở gần Tinh xá Kỳviên, chúng bị gia chủ phát hiện và rượt đuổi, chúng chạy tán loạn khắp nơi, một tên chạy vào khuôn viên chùa Kỳviên

Khi đêm gần mãn, cận sự nam Mahākāla (Đại thời) ra bờ hồ súc miệng rửa mặt, tên trộm chạy đến, quăng bỏ túi đồ trộm được của gia chủ trước mặt cận sự nam rồi bỏ chạy mất.

Gia nhân của gia tộc bị trộm đuổi theo, thấy cận sự nam có túi đồ trước mặt, ngỡ là tên trộm, họ túm lấy ông và đánh đến chết.

Sáng ra, chư Tỳkhưu phát giác xác cận sự nam Mahākāla, bảo nhau:

- Cận sự nam này chết thật oan uổng.

Vào buổi chiều, tại Giảng đường các Ngài lại bàn luận về cái chết oan uổng của cận sự nam Mahākāla, Đức Phật ngự đến Giảng đường, ngồi vào chỗ ngồi được soạn sẵn, tiếp theo chư Tỳkhưu trình lên Đức thế Tôn về vấn đề đang bàn luận. Đức Thế Tôn dạy:

- Này chư Tỳkhưu, cận sự nam Mahākāla chết bất xứng trong hiện tại, nhưng tương xứng với nghiệp đã tậo trong quá khứ.

Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳkhưu, Đức Thế Tôn giải tiền nghiệp của cận sự nam Mahākāla.

Tiền nghiệp của cận sự nam Mahākāla.

Thời quá khứ, vùng biên địa của vương quốc Bāraṇasī, có một bọn cướp trú trong khu rừng thường chận cướp khách bộ hành băng qua rừng. Đức vua xứ Bāraṇasī đặt một vị quan canh giữ khu rừng, có nhiệm vụ đưa người từ bìa rừng này sang bìa rừng kia, tiền thân cận sự nam Mahākāla là vị quan giữ khu rừng ấy.

Một hôm có chàng thanh niên cùng cô vợ xinh đẹp đi đến khu rừng vào buối chiều, chàng ngỏ ý vượt rừng, nhìn thấy cô vợ của khách, quan giữ rừng khởi lên tà tâm, nên bảo.

- Bây giờ sắp tối, để sáng mai tôi sẽ đưa ông bà sang rừng.

Tuy không muốn nhưng không biết phải làm sao, chàng thanh niên đành chịu. Đêm hôm ấy, quan giữ rừng cho người lén bỏ vào trong xe chàng thanh niên viên ngọc quí, rạng đông ông tri hô “mất ngọc”, cho khám xét và tìm được viên ngọc trong xe.

Quan giữ rừng vu oan cho chàng thanh niên trộm ngọc, sai người đánh chết chàng thanh niên và ông đã chiếm vợ chàng trai ấy.

Mệnh chung, quan giữ rừng rơi vào địa ngục Atỳ (avīciniraya) với thời gian không thể đếm năm, nay tái sinh làm người, tuy thực hành pháp tốt đẹp nhưng nghiệp còn dư sót đến hồi trả quả, nên bị ngờ oan là kẻ trộm và bị đánh chết như thế. 

Ngài Saddhamma Jotika [67] nêu ra chín trường hợp của sự chết là:

1- Chết theo nghĩa thông thường (sammuttimaraṇa)

2- Chết trong từng giai đoạn kiếp sống (santatimaraṇa), đó là sự thay đổi tâm lý hoặc cơ thể trong thân.

3- Chết theo sátna diệt của danh sắc (khaṇikamaraṇa).

4- Chết không còn tái sinh (samucchedamaraṇa).

5- Chết còn tái sinh (jātikkhayamaraṇa).

6- Chết do sự bức bách (upakkamamaraṇa).

7- Chết do hết nghiệp lẫn thọ mạng (sarasamaraṇa).

8- Chết do hết tuổi thọ (āyukkhayamaraṇa), cho dù không có nghiệp đoạn tận khởi lên.

9- Chết do hết phước (puññakkhayamaraṇa), dù chưa hết tuổi thọ.

Như một số thiên nhân chết do tham dục quá độ hay do sân hận.

Trí hiểu rõ sự chết giúp hành giả nhận thức được rằng: “Sự chết không có gì đáng sợ hãi, trong từng giây phút sự chết đều diễn ra, đó là định luật tự nhiên (pakatiniyāma)”.

Tưởng niện “sự chết” là một pháp hành tốt đẹp, giúp hành giả có thể chứng đạt Nípbàn.

“Navayimā, bhikkhave, saññā bhāvitā bahulīkatā mahapphalā hoti mahānisaṃsā amatogadhā amatapariyo sanā. Katamā nava?

Này các Tỳkhưu, có chín tưởng này, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, đạt được bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là chín?

Asubhasaññā, maraṇasaññā, āhāre paṭikūlasaññā, sabbaloke anabhiratasaññā, aniccasaññā, aniccedukkhasaññā, dukkhe anattasaññā, pahānasaññā, virāgasaññā…

 Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng ghê tỡm trong vật thực, tưởng không ưa thích tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.[68]

Đoạn kinh văn trên cho thấy: “Tưởng chết, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, đạt được bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh” .

Tôn giả Nārada có dạy vua Muṇḍa rằng:

“Jarādhammaṃ mā jiri’ti alabbhaniyaṃ ṭhānaṃ samaṇena vā brāhmaṇena vā devena vā mārena vā brahmunā vā kenaci vā lokasmiṃ.

“Bị già và muốn không già, là một sự kiện không thể có được bởi một Samôn hay Bàlamôn, bởi Ma vương hay Phạm thiên, hay một ai ở đời.

Byādhidhammaṃ mā byādhiyi’ti .…. maraṇadhammaṃ mā miyi’ti.…. khayadhammaṃ mā khiyi’ti.…

Bị bịnh và muốn không bịnh … Bị chết và muốn không chết … Bị hoại diệt và muốn không hoại diệt …

Nassanadhammaṃ mā nassi’ti alabbhaniyaṃ ṭhānaṃ samaṇena vā brāhmaṇena vā devena vā mārena vā brahmunā vā kenaci vā lokasmiṃ.

Bị tiêu diệt và muốn không bị tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Samôn hay Bàlamôn, bởi Ma vương hay Phạm thiên, hay một ai ở đời.” [69].

Như vậy, dù có sợ chết cũng không tránh khỏi cái chết, sợ chết chỉ làm tăng trưởng bấn loạn trong tâm khi lâm chung mà thôi.

Một bài kinh khác có ghi nhận các vị Tỳkhưu niệm sự chết như sau:

- Mong rằng, ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

- Mong rằng, ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

- Mong rằng, ta sống nửa ngày tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

- Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn một phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

-Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn miếng đồ ăn, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

- Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn.

- Cho đến khi nào, sau khi thở và0, ta thở ra, hay sau khi thở ra, cho đến khi ấy ta tác ý đến lời dạy của Đức Thế Tôn .

Và Đức Thế Tôn đã khen ngợi các vị ấy khéo tu tập về “niệm sự chết”.[70]

Cô thợ dệt thành Aḷāvī.

Một cô thợ dệt người thành Āḷavī, nhân nghe Đức Phật dạy: “Hãy quán niệm sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: Đời sống của ta mong manh, cái chết của ta hẳn phải có. Chắc chắn ta phải chết”. Nàng thợ dệt tu tập “niệm sự chết” liên tục 3 năm.

Vào một buổi sáng, Đức Thế Tôn thấy được duyên lành đạo quả của nàng thợ dệt và thấy nàng sẽ mệnh chung trong ngày hôm ấy.

Ngài ngự đến thành Āḷavī, dân chúng cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn, rồi ngồi lại nghe pháp. Đức Thế Tôn im lặng chờ nàng thợ dệt đến, khi nàng đến, Đức Thế Tôn hỏi:

- Con từ đâu đến đây?

- Bạch Thế Tôn, con không biết.

- Con sẽ đi về đâu?

- Bạch Thế Tôn, con không biết?

- Con biết hay không biết?

- Bạch Thế Tôn, con biết?

- Con thật biết ư?

-Bạch Thế Tôn, con không biết.

Sau bốn câu trả lời của nàng thợ dệt, đại chúng cho rằng nàng nói như cợt đùa với Đức Thế Tôn, nên rầy mắng cô. Đức Thế Tôn bảo đại chúng im lặng, Ngài hỏi nàng thợ dệt:

- Vì sao, Như Lai hỏi “con từ đâu đến”, con đáp “con không biết”?

- Bạch Thế Tôn, Ngài biết con từ nhà đến đây, nhưng ý Đức Thế Tôn hỏi: Con từ cảnh giới nào sinh lại cảnh giới này, nhưng con không biết mình từ đâu sinh lại cõi này, nên con đáp là “con không biết”.

- Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa của Như Lai hỏi. Này con, khi Như Lai hỏi “con đi về đâu”, vì sao con đáp là “con không biết”?

-Bạch Thế Tôn, Ngài biết là: Sau khi nghe pháp con trở về nhà, nhưng ý Đức Thế Tôn muốn hỏi “sau khi chết, con tái sinh vào cảnh giới nào?”, con không biết mình sẽ tái sinh về đâu, nên con đáp “con không biết”.

- Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa Như Lai hỏi. Này con, khi Như Lai hỏi “con biết hay không biết?”, vì sao con trả lời “con biết”?.

- Bạch Thế Tôn, vì con biết chắc chắn “mình sẽ chết” nên con đáp là “con biết”.

- Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng ý nghĩa câu hỏi của Như Lai. Này con, vì sao Như Lai hỏi “con thật biết ư?”, con trả lời là không biết?

- Bạch Thế Tôn, con biết chắc chắn con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào: ban ngày hay ban đêm, chết ở trên rừng, dưới sông hay ở đồng ruộng ... chết cách nào? Chết vì bịnh, chết do rắc độc cắn, chết do tai nạn, chết do bị thuốc chết ... con không biết được, nên con đáp là “con không biết”.

Đức Thế Tôn khen ngợi nàng lần thứ tư, rồi Ngài dạy kệ ngôn:

“Andhabhūto ayaṃ loko. Tanuk’ettha vipassati.

Sakunto jālamutto’va. Appo saggāya gacchati.

“Thế gian này mù quáng. Người thấy rõ thật hiếm hoi như số chim thoát khỏi lưới, ít người đi đến nhàn cảnh”.

Cuối thời pháp thoại, nàng thợ dệt chứng quả Dự Lưu. [71]

Già, chết là hai pháp đáng kinh sợ cho kiếp nhân sinh, phần lớn không ai thích thú già, chết nhưng không một ai tránh khỏi, chí đến Đức Phật cũng phải viên tịch.

Quán niệm về sự chết của: phàm phu, Thánh Hữu học, Thánh Alahán và Đức Phật, hành giả sẽ nhận ra bản chất mong manh của danh sắc, để rồi có tâm nhàm chán danh sắc và cố gắng tìm cách thoát ra danh sắc.

Chính già, bịnh, chết là nỗi ám ảnh lớn nhất của Bồtát Siddhattha (Sĩđạtta), trong 6 năm xuất gia tìm đạo, Ngài không từ chối một phương thức nào, thậm chí khổ hạnh không ai bằng, mục đích duy nhất là thoát ra già chết.

Chính tại trong khu rừng Uruvela, Ngài khổ hạnh đến mức kiệt sức phải ngã quỵ, một thiên tử Ác ma đã hiện xuống nói với Ngài rằng:

- Ngài sẽ chết mất thôi, hãy trở về hưởng lạc thú, hãy làm các công đức để hưởng chơn an lạc.

Bồ tát đã trả lời:

“Anumatto pi puññena. Attho mayhaṃ na vijjati

Yesañca attho puññena. Te māro vattumarahati.

“Hân hoan với công đức. Điều này không làm ta thích thú.

 Ai mong điều công đức, Hỡi Ác ma, ngươi hãy mang đến cho họ”.

Bồtát xuất gia chỉ mong cầu giải thoát khỏi già chết, không phải mong cầu công đức, nên Ngài trả lời Ác ma như thế.

Và căn nguyên (samudaya) của già chết là do có sanh (jāti).

 Dứt giải về già chết.

-ooOoo-


[41]- Đại Đức Giác Giới (soạn) (kn)- Tầm nguyên ngữ căn.

[42]- HT. TMC (d)- S.i, 3.

[43]- HT. TMC (d)- S.v, 216.

[44]- Đại Đức Thiện Phúc (d) (kn),  Chú giải Người và cõi,- nói về cõi Đao lợi.

[45]- HT TMC (d), S.i, 2.

[46]- Đại Đức Giác Nguyên (d), (kn), Giáo lý duyên khởi.

[47]- Đại Trưởng lão Tịnh Sự (d), Vibh, q.1 (267)- Duyên khởi phân tích (236).

[48]- Sđd, tr. 142.

[49]- HT.TMC (d), Dhp, câu 135.

[50]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 121.

[51]- Dhp, câu 122.

[52]- HT. TMC (d), S.v, 51.

[53]- HT. TMH (d), Dhp, câu 151.

[54]- HT. TMC (d),  S.i, 36.

[55]- Đời sống 1 sắc pháp có tuổi thọ là 51 sátna tiếu, sátna tiểu thứ 1 là sátna sinh, sátna tiểu thứ 51 là sátna diệt, 49 sátna còn lại là sátnatrụ- Ns.

[56]- Sư cô Thích nũ Trí Hải (d), Thanh tịnh đạo (Vsm, chương XVI, mô tả về Đế, số 45.

[57]- Đại Trưởng lão Tịnh Sự (d), Bộ phân tích q.1 (267), Duyển khởi phân tích (236).

[58]- Đại Trưởng lão Giói Nghiêm (d), (1962), Mi Tiên vấn đáp, q1- phẩm thứ hai, câu thứ nhất.

[59]- HT. TMC (d), M.ii, Aṅgulimālasuttaṃ (kinh Aṅgulimāla).

[60]- DhpA, câu kệ số 43.

[61]- Đại Đức Giác Giới (bd), (kn), Tầm Nguyên Ngữ căn.

[62]- Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d), Mi tiên vấn đáp, q.3, phẩm 9, (câu hỏi số 1). 

[63]- HT. TMC (d), A.v, 135.

[64]- Đại Đức Giác Giới (d), Luật phân tích Tỳkhưu, điều triệt khai thứ tư.

[65]- HT. TMC (d),  Dhp, kệ ngôn số 57.

[66]- DhpA, kệ ngôn số 161.

[67]- Tác giả bộ Giáo lý duyên khởi bằng Thái ngữ- Đại Đức Giác Nguyên, Việt dịch.

[68]- HT. TMC (d), A. iv, 387.

[69]- HT. TMC (d), A.iii, 57. Pháp năm chi , Nāradasuttaṃ (Kinh Nārada).

[70]- HT. TMC (d),  A.iv, 320.

[71]- DhpA, câu số 174. Ông Phạm Kinh Khánh dịch kệ ngôn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn