(Xem: 1807)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2265)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Nguyên nhân Đức Phật giảng Pháp hạnh phúc.

29 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 10674)

Tác giả: Mahā Thông Kham Medhivongs

Hiệu đính: Minh đức Triều Tâm Ảnh

 

NGUYÊN NHÂN ĐỨC PHẬT GIẢNG PHÁP HẠNH PHÚC

Hai mươi sáu thế kỷ trước đây, nghĩa là khi đức Phật chưa thành đạo, đất nước cổ xưa Ấn Độ đã phát triển cực thịnh về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh. Các trường phái triết học nườm nượp ra đời để giải đáp những câu hỏi liên quan đến con người, số phận con người và kiếp sống hữu hạn của con người. Đại lược như:

- Người ta từ đâu sanh đến?

- Tại sao lại chết?

- Chết rồi sanh đi đâu?

- Tại sao người giàu sang, kẻ nghèo hèn khác nhau?

- Làm sao tìm được hạnh phúc?

Do giải đáp những câu hỏi đó mà sinh ra nhiều tôn giáo, tùy theo kiến thức và quan niệm của các vị giáo chủ - tìm cách giảng giải sao cho thuyết phục tín đồ.

Phong trào ấy phổ biến rất mau và rất sâu rộng trong miền Trung và Tây Bắc Ấn. Người ta thường tụ tập dưới cội cây to nơi ngã ba đường, ngã tư đường để bàn cãi và giảng giải những vấn đề nêu trên.

Trong tất cả các câu hỏi ấy, câu hỏi cuối cùng là quan trọng nhất. Người ta thắc mắc, ưu tư, trăn trở rằng là: “Cái gì thật sự đem đến hạnh phúc cho nhân loại?”

Có vị giáo chủ đáp: “Phàm trong thân thể con người, mắt là quan trọng nhất - vì mắt đem lại ánh sáng, là nguồn ánh sáng cho con người. Không có mắt, con người sẽ không nhìn thấy vạn vật xung quanh, sẽ sống trong tối tăm vĩnh viễn. Vậy theo chủ kiến của tôi: Mắt đem lại hạnh phúc cho con người. Mắt là nguồn hạnh phúc!”

Khi ấy có người hỏi gặng: “Vậy là ngài xác định, khẳng định rằng, mắt đem đến hạnh phúc thật sự cho con người có phải chăng?”

Vị giáo chủ tự tin đáp: “Đúng vậy! Mắt được xem như là chủ nhân của cái thân nầy và cả đời sống của con người nữa. Tôi còn xác tín rằng, mọi vật mà mắt trông thấy đều đem đến hạnh phúc cho con người!”

Người kia bèn phản bác lại: “Lập luận của ngài không đứng vững được rồi. Đâu phải cái gì, sự vật gì, hiện tượng gì mắt nhìn thấy hẳn là hoàn toàn tốt đẹp? Này nhé, những người phong hủi, ghẻ lở, khuyết tật ngũ quan; phân, xác thối, vật dơ uế, bất tịnh; rồi còn những chuyện trái ý nghịch lòng, những cảnh chướng tai gai mắt... đôi khi chúng mang đến khó chịu, bực bội hoặc mủi lòng thì có - chớ làm gì có chuyện - cái gì mắt nhìn thấy đều đem đến hạnh phúc?”

Ông giáo chủ cụt hứng, im re. Tuy nhiên, thật lạ lùng làm sao, ông vẫn truyền bá được chủ thuyết ngây ngô và ấu trĩ ấy đến quần chúng và cũng được rất đông mọi người tín mộ, nghe theo. Nó vẫn tồn tại giữa cuộc đời. Chủ thuyết ấy được gọi là Diṭṭhamaṅgala - có nghĩa thấy là hạnh phúc!

Lại có vị giáo chủ khác chủ trương “Nghe là hạnh phúc”- phạn ngữ là Sutamaṅgala. Ông ta nói: “Nếu nói thấy là hạnh phúc thì thật là lầm, vì mắt không quan trọng như người ta nói, chính tai mới là quan trọng. Mắt là một giác quan lười biếng nhứt trong thân nầy; vật gì nằm ở phía trước và có ánh sáng nó mới trông thấy được, nếu thiếu ánh sáng hoặc vật ấy ở sau lưng, nó không trông thấy được! Thế là mắt không quan trọng bằng tai, vì tai nghe không cần ánh sáng, không cần trước mặt, sau lưng, phương hướng nào nó cũng nghe được; vì vậy nên tôi quan niệm rằng tai mới là vật đem lại hạnh phúc cho con người”.

Có người hỏi : “Thưa ngài, vậy những tiếng gì đã nghe do nơi tai đều là hạnh phúc và an lành hết chăng?

Vị giáo chủ ấy đáp: “Chắc chắn vậy"

Người nọ hỏi: “Nếu vậy khi nghe tiếng chửi bới nguyền rủa có phải là hạnh phúc chăng?”

Vị giáo chủ với chủ trương “Nghe là hạnh phúc”không giải thích cho thông sự thật ấy được!

Lại có vị giáo chủ khác nữa, chủ trương rằng “Sự suy nghĩ là hạnh phúc”, phạn ngữ là Cintāmaṅgala. Vị ấy nói rằng: “Sự thật trong thân người, bộ phận quan trọng nhất là tâm. Nhờ có tâm, con người mới biết được mọi việc; có tâm mới hành động và phân biệt được mọi lẽ. Người biết suy nghĩ cũng do nơi tâm, bởi tâm mới là nhân đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Vạn vật trên vũ trụ nầy đều do tâm tạo, nên tâm mới thật sự đem lại hạnh phúc cho ta”.

Có người đứng lên hỏi: “Lời ngài dạy dường như chỉ đúng một nửa! Vừa rồi, có một bọn cướp vừa bị xử trảm tại pháp trường! Có phải là do sự suy nghĩ của họ đem sự tai hại cho họ hay không? Vậy ở đây phải cần thêm các yếu tố lành tốt hay xấu ác nữa chứ?!”

Thế là thêm một vị giáo chủ bị loại trừ. Nhưng thiên hạ bấy giờ vẫn còn cố gắng tranh luận, đi tìm biết nguyên nhân của hạnh phúc, nói chung là cứ loanh quanh, luẩn quẩn nơi lục căn và lục trần!

Người ta thường đem những lý thuyết trên kia ra tranh luận với nhau, sự tranh biện như thế kéo dài đến 12 năm cũng chẳng ngã ngũ vào đâu. Đến sau, đức Thế Tôn đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, ngài truyền bá chân lý sâu rộng trong cõi Diêm-phù-đề. Nhiều người bạch hỏi đức Thế Tôn về Hạnh phúc, lúc ấy đức Thế Tôn mới dạy 38 pháp hạnh phúc.

+ Ba mươi tám pháp Hạnh phúc ấy, có thể chia ra làm hai loại là:

1. Hạnh phúc theo quan điểm của các giáo chủ, đạo sĩ, triết gia:  Là tự mình tìm thấy một nguyên nhân nào đó đem lại hạnh phúc cho mình, rồi tưởng rằng, nguyên nhân ấy cũng có thể đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Trường hợp ba vị giáo chủ ở trên, với quan niệm hạnh phúc ấy của họ - thì thật là hời hợt, nông cạn, phiến diện, một chiều, rất giới hạn và rất cục bộ vậy!

2. Hạnh phúc do sự thấy biết của đức Phật: Đây là những hạnh phúc do ngài thấy biết bằng sự chứng ngộ, giác ngộ! Những hạnh phúc này không phải là quan niệm, quan điểm của cá nhân ngài - mà nó là sự thực được ngài thấy biết bằng tuệ giác sau khi đắc đạo dưới cội cây bồ-đề - nhờ công đức ba-la-mật huân tu trong vô lượng kiếp.

+ Phàm người muốn được hạnh phúc thì phải thực hành 38 pháp, phân 3 cấp độ là:

1. Từ hạnh phúc thứ nhất tới thứ pháp thứ 18, để tạo nên một đời sống hạnh phúc giữa nhân quần, xã hội...

2. Từ pháp thứ 19 tới pháp thứ 30 là để dạy tâm cho được vững chắc, trong sạch - không để cho tâm bị tiền tài, danh vọng làm cho lung lay, hoen bẩn.

3. Từ pháp 31 tới pháp 38 là để dứt phiền não, nhập Niết-bàn, là nơi an vui, hạnh phúc tuyệt đối.

Các bực tại gia cư sĩ và các hàng xuất gia hành trì các pháp hạnh phúc ấy tùy theo trình độ tinh tấn của mỗi hạng, từ các bực căn cơ thấp kém cho tới bực phước duyên tròn đầy. Nói một thể khác thì, 38 hạnh phúc này dạy cho người Phật tử chơn chính - phương pháp tìm kiếm và an lập được hạnh phúc tương đối ở trên đời; sau đó có thể hành trì, tu tập thêm cho đến nơi giải thoát hoàn toàn, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế!

38 hạnh phúc được thuyết giảng trong mười câu kệ ngôn trình bày theo thứ tự sau đây.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn