(Xem: 1488)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

02-Đời Sống Tu Hành Lệ Thuộc Vào Thí Chủ.

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 10279)

Chương 2


Đời Sống Tu Hành Lệ Thuộc Vào Thí Chủ

Đức Phật dạy “Đời sống của ta lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ”, vì vậy, Tỷ-kheo phải thường xuyên quán tưởng điều này.

Vì thế, điều thứ hai là quán tưởng về sự nuôi mạng lệ thuộc vào thí chủ. Tại sao phải quán tưởng như vậy?

Quán tưởng như vậy, sẽ giữ cho sự nuôi mạng của vị Tỷ-kheo được trong sạch và sẽ tăng trưởng ý thức trân trọng việc cúng dường vật thực hàng ngày của thí chủ”. Chú giải, q3, tr 313.

Điều quan trọng đối với vị Tỷ-kheo là giữ được Giới hạnh liên quan đến sự nuôi mạng chân chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch và thanh tịnh. Nếu không, đời sống của vị Tỷ-kheo trở thành vô nghĩa và thậm chí nó sẽ trở ngại cho quá trình tu tập tâm linh của vị ấy.

Vị Tỳ-kheo phải biết quán tưởng thường xuyên “Tôi đang mặc y cúng dường, tôi đang dùng vật thực cúng dường, chỗ tôi đang ở là do thí chủ cúng dường, tôi đang dùng thuốc men cúng dường”. Nhờ sự quán tưởng này, sẽ dần dần giúp cho vị ấy tăng trưởng Giới hạnh Nuôi Mạng Thanh Tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla), giới hạnh của Tỳ-kheo liên hệ đến sự nuôi mạng hàng ngày. Tại sao vậy? Bởi nhờ thường xuyên quán tưởng điều này, vị Tỷ-kheo đó được nhắc nhở luôn giữ gìn đúng giới luật trong Tạng Luật theo lời dạy của Đức Phật. Nó sẽ giúp cho vị ấy tránh được sự tà mạng (micchājīva), là cái mà Đức Phật không cho phép. Với những vị mà ngay cả những ý nghĩ nhỏ nhất của sự quán tưởng cũng không có thì luôn có chiều hướng làm ngược lại với giới luật của đời sống xuất gia. Như một kết quả, họ không giữ được Giới nuôi mạng chân chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch. Với người biết thường xuyên quán tưởng điều này, thì Giới nuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) của vị ấy sẽ dần trở nên trong sạch. Nếu vị ấy có thể giữ giới này trong sạch, thì Giới (Sīla) của vị ấy sẽ trọn vẹn.

Sáu điều trong Giới Luật Vinaya

Có sáu điều trong Giới Luật (Vinaya) liên quan đến chánh mạng. Ở đây, chúng tôi phải giải thích rằng xuất gia không phải là một nghề liên quan đến việc kiếm sống dựa vào đồng lương hay thu nhập định kỳ. Bằng ý nghĩa của sự nuôi mạng nó ám chỉ rằng một vị tỳ-kheo không tránh khỏi phải nỗ lực để có được các vật dụng hằng ngày. Những điều ghi trong Giới Luật đã được ghi chép trong Kinh điển Pāli bộ Parivāra, bộ Thứ năm của Tạng Luật như sau:

Tội thứ nhất là một trong sáu trọng tội được gọi là Bất cộng trụ (Pārājika). Nó cấm các vị Tỷ-kheo không được nói dối liên quan đến việc chứng đắc tầng thiền (Jhāna), Đạo (Magga) và Quả (Phala), thần thông mà một người có thể đạt được qua tu tập. Một vị Tăng không được phép nói sai sự thật với tác ý không chân thật nhằm gây ấn tượng cho người khác để ông ta nhận được sự kính trọng, sự cúng dường, và sự tận tụy phục vụ của mọi người. Sau khi nói dối như thế, nếu vị Tăng nhận cúng dường theo cách này, thì Giới nuôi mạng Chân Chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) sẽ không trong sạch.

Tội Thứ hai gọi là Tăng tàn (Saṅghādisesa). Giới Luật cấm các Tỷ-kheo không được làm mai mối cho người nam hay người nữ cho việc đi đến hôn nhân của họ hoặc bất kỳ sự liên hệ thân mật.

Tội thứ ba là được gọi là Trọng Tội (Thullaccaya). Nó cấm vị Tỷ-kheo nói lời không chân thật về sự chứng đắc của vị Tăng khác đặc biệt là một người bạn để người bạn này nhận được sự kính trọng và cúng dường từ người khác.

Tội thứ tư được gọi là ưng đối trị (Pācittiya). Nó cấm vị Tăng, trừ trường hợp khẩn cấp, để hỏi thức ăn ngon như bơ, bơ lỏng, mật ong, kẹo đường, hoặc thứ gì từ người không phải là ruột thịt mà không được họ thỉnh cầu.

Tội thứ năm gọi là Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya). Đây là Giới Luật dành cho Tỷ-kheo-ni. Nó cấm Tỷ-kheo-ni không được hỏi vật thực như trên từ người không phải là ruột thịt mà không được họ thỉnh cầu.

Tội thứ sáu gọi là Tác Ác (Dukkaṭa). Nó cấm Tăng, không bệnh thì không được đòi hỏi vật thực bình thường như canh đậu, gạo và các vật dụng cần thiết từ người không phải là ruột thịt mà họ chưa thỉnh cầu.

Nếu một vị Tăng tìm vật thực hay các vật tương tự bằng cách phạm một hay tất cả các tội trên, thì sự nuôi mạng của vị ấy sẽ bị gọi là Tà mạng (Micchājīva), đã nuôi mạng bằng cách làm sai trái và không đúng đắn. Giới hạnh liên quan đến sự nuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) của vị ấy không còn trong sạch nữa.

Sẽ không có tà mạng sai trái nếu vị Tỳ-kheo thường quán tưởng rằng sự sống của ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ. Vị Tỳ-kheo như thế sẽ luôn tránh khỏi việc tìm kiếm vật thực sai trái.

Trong Bộ Phân tích, bộ thứ hai của tạng Vi Diệu Pháp, kinh điển Pāli, một vài cách sống tà mạng đã bị khiển trách bởi Đức Thế Tôn được mô tả chi tiết như sau. Bất cứ điều gì đòi hỏi theo cách nuôi mạng sai trái đều bị cấm. Một vị Tăng thường xuyên quán tưởng về sự nuôi sống thân mạng lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ thì sẽ tránh được cách sống tà mạng và các đòi hỏi khác.

Thêm vào đó, Đức Phật đã nói tiếp như sau:

Piṇḍapāto sa apacito hoti” nghĩa là hành động biết tôn trọng và tri ân đối với việc đặt bát bởi tâm rộng lượng cúng dường của thí chủ. Vị Tỷ-kheo sẽ dần có hành động trân trọng và tri ân đối với sự đặt bát cũng như đối với thí chủ cúng dường.

Câu Chuyện về Đại Đức Ayyamitta

Ở điểm này, tôi sẽ kể về vị Tỷ-kheo nổi tiếng tên là Ayyamitta. Câu chuyện xảy ra ở một đảo thời cận đại của nước Sri Lanka. Vị đại đức Tỷ-kheo sống trong hang núi gọi là Kassaka đang miệt mài chuyên tâm hành thiền tại một khu rừng để đi đến Đạo và Quả. Hành động mẫu mực về sự trân trọng và tri ân của ngài đối với việc cúng dường thường được nhắc đến trong các Chú giải Kinh điển Pāli.

Chú giải mô tả ngắn gọn một vị Tỳ-kheo nên quán tưởng theo cách sau:

Các thí chủ cúng dường vật thực và tứ vật dụng này không phải là thân quyến của ta, cũng không phải là đày tớ cho ta, họ cúng dường vật thực ngon và tứ vật dụng cho ta không phải để mong cầu được sống dựa vào ta”

Đức Phật không cho phép nhận tứ vật dụng cho mục đích lợi dưỡng thân xác này, ngoại trừ mục đích duy trì thân mạng”

Thực ra, Đức Phật chỉ cho phép nhận tứ vật dụng và hy vọng rằng nhờ sự thọ dụng này, ta sẽ có thể tiến hành thiền Định và thiền Quán để có thể giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra).

Vì dễ duôi, ta sẽ có những hành động như thiếu trân trọng việc đặt bát cúng dường của thí chủ.

Suy tư về những thí chủ mang vật thực và tứ vật dụng đến cúng dường chư tăng, phục vụ nhu cầu cần thiết hằng ngày. Các thí chủ rộng lượng này chẳng phải là quyến thuộc hay đày tớ, mà cũng chẳng phải sinh kế của họ lệ thuộc vào chư tăng.

Đôi khi có cả những người bố thí cúng dường với tâm hào phóng thật đặc biệt từ sự nhịn ăn, nhịn mặc của mình. Nhờ vào tâm đại lượng, họ mang món ngon nhất, mang cái mặc tốt nhất, đem cái để ở và thuốc men tốt nhất, tất cả để mà cúng dường. Những thí chủ này chỉ có một mong muốn duy nhất trong tâm là: ước nguyện chân thành là tích lũy thật nhiều phước báu từ việc hành thiện này! Đây chính là mục đích duy nhất của thí chủ và không có gì khác ngoài điều này.

Đức Phật cho phép các vị Tỷ-kheo nhận các tứ vật dụng không phải để bồi dưỡng cho mập mạnh, không phải để các Tỷ-kheo sống trên sự xa hoa. Ngài cho phép nhận tứ vật dụng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản hằng ngày của một vị Tỷ-kheo để họ có thể chuyên tâm thực hành thiền Định hoặc thiền Tuệ để giải thoát khỏi vòng khổ đau bất tận của luân hồi (saṃsāra).

Người dễ duôi, lười biếng không nỗ lực thực hành tâm linh là vô tình đối với việc làm phước thiện của thí chủ. Chỉ có sự thực hành chuyên tâm mới là sự tôn trọng thí chủ và thể hiện lòng trân trọng việc đặt bát của thí chủ.

Thái độ tôn trọng và lòng biết ơn chỉ có thể có được nơi tâm của hành giả biết dốc sức thực hành ngày đêm. Đức Phật dạy cho chúng ta cách quán tưởng này để thái độ tôn trọng và lòng biết ơn phát triển và theo cách đó sẽ cho sức đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển tâm linh.

Tỷ-kheo Ayyamitta và Gia Đình Tâm Đại Lượng Bố Thí

Có một gia đình gồm người mẹ và cô con gái sống trong một làng gần nơi Đại đức Ayyamitta thường hay đi bát. Mặc dù rất nghèo, nhưng họ luôn cố gắng bằng mọi cách cúng dường những vật dụng cần thiết mỗi ngày cho vị Tỷ-kheo đáng kính như thể ngài là một thành viên trong gia đình, như một người con trai. Một ngày nọ, trước khi ra đồng, người mẹ bảo cô con gái: “Này con, trong nhà còn một ít gạo từ mùa gặt trước, một ít sữa trong bếp, và một ít đường thô và bơ. Con hãy lấy mấy thức đó nấu thành món ăn để cúng dường cho người anh Tỳ-kheo của con. Phần còn lại thì con ăn sau nhé.

Cô con gái hỏi: “Thưa mẹ, còn mẹ sẽ ăn gì? Con sẽ chuẩn bị gì cho mẹ?”. Người mẹ đáp: “Mẹ vừa ăn xong miếng cơm nguội với nước tương”. Cô con gái hỏi tiếp: “Còn buổi trưa mẹ sẽ ăn gì?”. Người mẹ đáp lại: “Buổi trưa, con lấy ít gạo nát và rau nấu món cháo chua cho mẹ nhé.

Đại đức Ayyamitta, khi ấy đang chuẩn bị vào làng đi bát như thường lệ, nghe được cuộc nói chuyện của hai mẹ con bằng thiên nhĩ thông (dibba – sota). Đây là thần thông có năng lực nghe được tiếng nói từ khoảng cách xa.

Khi nghe câu chuyện trên, suy tư chân chánh của Đại đức khởi lên: “Người mẹ rộng lượng này vừa dùng bữa sáng đạm bạc của mình bằng cơm thừa với nước tương. Bây giờ, bà nói rằng bà sẽ dùng cháo chua trộn rau cho bữa trưa của mình. Còn ta, thì bà lại bảo cô con gái cúng dường món ngon nhất được nấu bằng đường, sữa và bơ. Thực ra, bà ấy không hề mong đợi một sự đền đáp nào từ nơi ta như là mảnh đất trồng trọt, vật thực hay y phục. Bà chỉ mong ước từ phước thiện này sẽ có được ba quả là tái sanh làm người, trời hoặc chứng đắc Niết-bàn. Ta có thể cho bà ấy ba thứ này để đền đáp lại được không? Vì ta vẫn chưa hoàn toàn tận diệt tham (rāga), sân (dosa), si (moha), thật chưa chưa xứng đáng cho ta nhận phần để bát của gia đình đại lượng này”.

Nghĩ vậy, Đại đức liền đặt bát của mình trở vào bao và quay về hang. Sau khi cất bát dưới gầm giường và máng y lên, Đại đức ngồi xuống quyết tâm sắt đá hành thiền tinh tấn nỗ lực và quyết sẽ không rời khỏi hang nếu chưa đắc quả A-la-hán, giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ giải thoát.

Quyết định của vị ấy thật tốt đẹp biết bao nhiêu. Với một người như Đại đức Ayyamitta người đã từng hành trì miên mật nhiều năm, nên việc đắc quả A-la-hán là điều tất yếu. Ngay trước giờ ăn trưa, ngay trong thời ngồi đó ngài đã đắc quả vị A-la-hán. Với ánh hào quang của sự an tịnh và trong sạch, vị ấy ngồi trong hang tinh khiết như một đóa hoa sen mới nở.

Nhìn thấy sự kỳ diệu này, một vị thiên ở gần đó đã thốt lời khen ngợi và chúc tụng đến Đại đức: “Hỡi người anh hùng, tôi xin đảnh lễ ngài! Hỡi vị thánh, tôi xin đảnh lễ ngài! Vị Đại đức đã giải thoát khỏi mọi khổ đau! Tất cả lậu hoặc bị cạn khô, Ngài đã trở thành một bậc thánh đáng cung kính và đáng cúng dường”. Sau những lời tán thán này, vị thiên thúc giục:

Do phước báu đặt bát với thiện tâm rộng lượng cúng dường cho một bậc đã giác ngộ như ngài, người phụ nữ lớn tuổi kia sẽ sớm thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). Xin ngài hãy tiếp tục vào làng đi bát.

Rồi, Đại đức Ayyamitta mang bát vào làng.

Câu chuyện này cho ta thấy rằng nhờ việc quán tưởng đời sống của vị tăng lệ thuộc vào thí chủ sẽ có sự khởi sinh ý thức trách nhiệm trân trọng và đền ơn thí chủ bằng cách nỗ lực tinh tấn hành trì. Hơn nữa, như là kết quả của việc tuân thủ sự quán tưởng này, sẽ không có việc sử dụng tứ vật dụng hời hợt và thiếu quán xét như lời Đức Phật đã dạy.

Bằng cách tuân thủ sự quán tưởng này, nó chẳng những giúp cho vị Tỷ-kheo giữ Giới nuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch mà còn giúp giữ Giới quán tưởng tứ vật dụng (Paccayasannissita Sīla) trong sạch. Giới quán tưởng tứ vật dụng (Paccayasannissita Sīla) là giới liên quan đến việc thọ dụng tứ vật dụng. Kính trọng việc đặt bát bằng sự cam kết hành trì sẽ dẫn dắt vị ấy chứng quả A-la-hán. Thực vậy, sự quán tưởng thứ hai cần được tuân thủ bởi người xuất gia.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn