- -Mục lục-Lời nói đầu.
- 01-Xuất xứ của lễ dâng y Kathina.
- 02-Y Kathina Không Thành Tựu và Thành Tựu.
- 03-Lễ Dâng Y Kathina Thời Xưa và Thời Nay.
- 04-Tấm Y Thường Dùng Với Tấm Y Kathina.
- 05-Quả Báu Của Paṭipuggalikadāna.
- 06-Phần nghi lễ dâng y Kathina của Thí chủ.
- 07-Phần nghi thức lễ thọ y Kathina của chư Tăng.
- 08-Biết rõ 5 quả báu của kathina.
- 09-Nghi lễ trao y Kathina của chư Tăng.
- 10-Nhận xét về lễ dâng y Kathina.
- 11-Vấn - Đáp Về Lễ Dâng Y Kathina.
04-Tấm Y Thường Dùng Với Tấm Y Kathina
* Tấm y thường dùng
Gồm các tấm y như tấm y saṃghāti, tấm y uttarasaṅga, tấm y antaravāsaka, các tấm y cìvaraparikkhàracola, v.v… mà vị Tỳ khưu có thể xin từ mẫu thân, phụ thân, bà con thân quyến đã từng thỉnh mời, thậm chí có thể xin từ thí chủ đã từng thỉnh mời rằng:
“Kính bạch Ngài Đại đức, khi Ngài cần tấm y nào, kính xin Ngài nói cho con biết, con sẽ dâng tấm y ấy đến cho Ngài”.
Như vậy, khi nào vị Tỳ khưu cần đến y, có thể đến xin y từ người thí chủ ấy, mà không có lỗi.
* Tấm y kathina
Chỉ là 1 trong 3 tấm y: Tấm y saṃghāti, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka mà Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, được phép làm lễ thọ y kathina.
Tấm y kathina này được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch do thiện tâm trong sạch của thí chủ; tấm y kathina có được không phải do vị Tỳ khưu biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc xin trực tiếp hoặc gián tiếp từ thí chủ.
Trong chú giải Tạng Luật, bộ Mahāvagga atthakathā dạy rằng:
“Animittakatena atthataṃ hoti kathinaṃ, aparikathākatena atthataṃ hoti kathinaṃ”[1]
“Vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không phải biểu lộ bằng lời nói để cho thí chủ biết, hoặc vị Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina với tấm y không trực tiếp hoặc gián tiếp nói xin thí chủ”.
Bởi vì tấm y kathina phải được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý, không do Tỳ khưu động viên khuyến khích thí chủ làm lễ dâng y kathina.
Thật vậy, trong Chú giải Tạng Luật dạy rằng:
“Kathinaṃ nāma ati ukkaṭṭhaṃ vaṭṭati, màtaraṃpi vinnàpetum na vaṭṭati, ākāsato otinnasadisameva vaṭṭati”.(2)
“Gọi tấm y kathina là tấm y được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch và cao quý tuyệt vời, cho nên, Tỳ khưu làm lễ thọ y kathina không được phép xin tấm y, dù người thí chủ ấy là mẫu thân của mình. Tấm y kathina nên được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, ví như từ trên hư không rơi xuống”.
Thời Gian Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina
* Thời gian dâng y thường dùng
Trong một năm có 12 tháng, thí chủ có thể làm lễ dâng y thường dùng bất cứ tháng nào, ngày nào, giờ nào, không hạn định, không bắt buộc, hoàn toàn tuỳ ý của thí chủ. Còn chư Tỳ khưu có thể thọ nhận y mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y thường dùng bất cứ thời gian nào, cũng không hạn định.
* Thời gian dâng y kathina
Trong một năm có 12 tháng, Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa xong rồi, chư Tỳ khưu Tăng ấy được phép thọ y kathina, bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, đối với chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ tại một ngôi chùa, hoặc tại một nơi chốn nào đó, chư Tỳ khưu ấy chỉ được phép một lần thọ nhận y kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư Tỳ khưu ấy không được phép thọ nhận y kathina nữa.
Còn thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày hay 1 tháng ấy, thí chủ có thể làm lễ dâng y kathina, còn 11 tháng còn lại, thí chủ không thể làm lễ dâng y kathina được.
Chỗ Ở Được Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina
Chỗ ở được dâng y thường dùng
Là chỗ ở của chư Tỳ khưu, như một ngôi chùa, hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, hoặc tại nhà thí chủ, v.v… Thí chủ có đức tin trong sạch đem các tấm y đến làm lễ dâng y thường dùng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) hoặc cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) tại nơi ấy, bao nhiêu lần trong một năm, trong một tháng, trong một ngày cũng được, không hạn chế.
Chỗ ở được dâng y kathina
Là chỗ ở mà chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng trong mùa mưa tại một ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi, hang động, v.v… Thí chủ có đức tin trong sạch đem một tấm y đến làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna), không phải đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna). Tại nơi ấy, chư Tỳ khưu Tăng được phép thọ nhận y kathina của thí chủ chỉ có một lần trong một ngày nào trong khoảng thời gian kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10 là hết hạn dâng y kathina.
Cách Dâng Y Thường Dùng Với Dâng Y Kathina
Bố thí (dâng) có 2 cách:
1- Paṭipuggalikadāna: Dâng đến cá nhân.
2- Saṃghikadāna: Dâng đến chư Tỳ khưu Tăng.
Dâng (bố thí) đến cá nhân có 14 trường hợp:
Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy làm phước dâng đến cá nhân có 14 trường hợp như sau:
1- Dâng cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
2- Dâng cúng dường đến Đức Phật Độc Giác.
3- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Arahán.
4- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Arahán.
5- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai.
6- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.
7- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai.
8- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.
9- Dâng cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu.
10- Dâng cúng dường đến hành giả đang thực hành thiền tuệ để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.
11- Làm phước cúng dường đến hành giả ngoài Phật giáo, vị ấy đã chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, thiền vô sắc, có ngũ thông.
12- Làm phước cúng dường đến hạng phàm nhân có giới trong sạch như Tỳ khưu, Sadi, cận sự nam, cận sự nữ, ...
13- Làm phước bố thí đến hạng người không có giới.
14- Làm phước bố thí đến các loài súc sinh.
Dâng cúng dường đến chư Tăng có 7 trường hợp:
Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có 7 trường hợp như sau:
1- Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng có Đức Phật chủ trì.
2- Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn rồi.
3- Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng (Bhikkhusaṃgha).
4- Dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu ni Tăng (Bhikkhunisaṃgha).
5- Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng và một số Tỳ khưu ni Tăng.
6- Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng.
7- Dâng cúng dường đến một số Tỳ khưu ni Tăng.
Cách Dâng Y Thường Dùng
Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Taṃ Bảo, đem các y thường dùng dâng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna) hoặc dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) cũng được, tuỳ theo tác ý thiện tâm của thí chủ.
Cách Dâng Y Kathina
Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Taṃ Bảo có trí tuệ hiểu biết rõ rằng: Tấm y kathina chỉ dâng đến chư Tỳ khưu Tăng (saṃghikadāna) mà thôi, không phải dâng đến cá nhân Tỳ khưu (paṭipuggalikadāna).
Người Thí Chủ - Người Thọ Thí
Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta, Đức Phật dạy Ngài Ānanda rằng:
Này Ānanda, thiện tâm trong sạch của người bố thí và người thọ thí có 4 trường hợp:
1- Người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.
2- Người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.
3- Người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.
4- Người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.
Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch?
Trường hợp này, người bố thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp; còn người thọ thí là người phạm giới, hành ác pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.
Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch?
Trường hợp này, người bố thí là người phạm giới, hành ác pháp; còn người thọ thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.
Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch?
Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người phạm giới, hành ác pháp
Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có tâm không trong sạch.
Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch?
Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạc[2]
[1]- Chú giải Tạng Luật, bộ Mahàvagga, Kathinakkhandhaka.
[2] M.Uparipannasa, kinh Dakkhinàvibhangasutta.