(Xem: 1492)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

02-Do Hành Làm Điều Kiện, Thức Sanh Khởi

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 14573)

 

 

Tương Quan Thứ Hai

Do Hành Làm Điều Kiện, Thức Sanh Khởi

(Sankhāra-paccayā viññānam = Hành Duyên Thức)

 

Tương quan giữa Hành và Thức là “Do Hành làm điều kiện, Thức Sanh khởi”. Đây là tương quan trong đó điều kiện làm sanh khởi chính là nguyên nhân. Tương quan này có tính cách nhân quả có nghĩa do cái này là nhân mà sanh ra cái kia là quả. Ở đây Hành là nhân và Thức là quả. Tương quan này quan trọng và hứng thú nên có lẽ chúng ta sẽ có rất nhiều câu hỏi.

Trong thực chất, Hành là ý muốn làm (cetanā), một trạng thái của tâm hay tâm sở có mặt với những thiện tâm hay bất thiện tâm. Tâm sở này chính là nghiệp nên còn gọi là Hành Nghiệp. Hành Nghiệp gồm hành nghiệp thiện, hành nghiệp bất thiện và hành nghiệp không lay chuyển.

Thức (viññāna) đồng nghĩa với tâm vương (citta) là sự nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng. Như vậy, theo định nghĩa, tâm vương chỉ có một; tuy nhiên, có những trạng thái của tâm khác nhau sanh khởi đồng thời với tâm vương làm cho có nhiều loại tâm vương khác nhau. Có tất cả 89 tâm vương hay nói gọn là 89 tâm. Không phải tất cả 89 tâm này đều là Thức trong tương quan này. Để dễ hiểu, chúng ta nên biết qua là 89 tâm được chia ra làm bốn loại: Thiện Tâm, Bất Thiện Tâm, Dị Thục Tâm (Tâm Kết Quả), và Duy Tác Tâm. Duy Tác Tâm thật sự giống như thiện tâm nhưng lại không có khả năng gây ra quả cho nên gọi là duy tác có nghĩa chỉ tác động mà không đem lại kết quả. Trong bốn loại tâm này, Dị Thục Tâm mới chính là Thức nơi tương quan này vì đây là tâm kết quả của Hành Nghiệp.

Nhưng có phải tất cả hay chỉ một số Tâm Kết Quả nào đó được bao gồm trong Thức nơi tương quan này?

Theo một số sách do các tác giả hiện đại biên soạn, chỉ có Thức Tái Sanh (paṭisandhi) được xem là Thức ở đây. Tuy nhiên, theo luận thư Thanh Tịnh Đạo thì Thức trong tương quan này bao gồm tất cả 32 Tâm Kết Quả, chứ không phải chỉ có Thức Tái Sanh không mà thôi.

Tâm Kết Quả gồm tâm kết quả thụ động và tâm kết quả năng động. Để cho dễ hiểu về tâm kết quả của nghiệp, chúng ta chia đời sống ra làm hai phần: phần thứ nhất là khoảnh khắc đầu tiên tức là lúc thụ thai và phần thứ hai là thời gian còn lại của kiếp sống. Tâm kết quả thụ động sanh khởi ngay khoảnh khắc thụ thai được gọi là Thức Tái Sanh và tâm kết quả thụ động sanh khởi liên tiếp trong phần còn lại của kiếp sống để duy trì đời sống được gọi là luồng hộ kiếp hay Hữu Phần (bhavanga). Các tâm kết quả năng động chỉ sanh khởi trong thời gian còn lại của kiếp sống. Chẳng hạn như nhãn thức trong đời sống hiện tại là một tâm kết quả năng động, kết quả của hành nghiệp trong quá khứ. Khi ta thấy một vật gì đẹp, vừa ý, đó là kết quả của những thiện nghiệp trong quá khứ. Tương tự, khi ta thấy một cái gì không vừa ý, đó cũng là kết quả của những bất thiện nghiệp trong quá khứ. Nhãn thức chỉ sanh khởi trong phần còn lại của kiếp sống. Tương tự như vậy, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức là những tâm kết quả năng động có mặt trong thời gian còn lại kiếp sống.

Vì là kết quả của Hành Nghiệp trong quá khứ nên Thức trong tương quan thứ hai này bao gồm cả Thức Tái Sanh và các tâm kết quả khác sanh khởi trong phần còn lại của kiếp sống. Vì thế cả 32 loại tâm kết quả thế tục phải được bao gồm vào Thức chứ không phải chỉ có Thức Tái Sanh không mà thôi. Có một số chi tiết trong Chú Giải giải thích loại Hành nào làm sanh khởi loại Thức nào nhưng chúng ta sẽ không đề cập ở đây.

Mười Hai Nhân Duyên là một giáo lý khó hiểu ngay cả ngài Phật Minh (Buddhaghosa) cũng hơi ngần ngại khi bắt đầu viết Chú Giải về đề tài này. Ngài nói: “Khi cố viết Chú Giải về Pháp Duyên Sinh, tôi chưa chắc lắm cho nên có cảm tưởng như hụt hẫng trong đại dương.” Lòng đại dương quá sâu đến nỗi chúng ta không chạm được đáy. Đề tài thâm sâu và quá khó khăn đến độ ngay cả bậc luận sư nổi tiếng như ngài Phật Minh cũng còn do dự khi sắp viết luận thư về Mười Hai Nhân Duyên. Vậy đối với chúng ta thì sao? Chúng ta thật nhỏ nhoi so với bậc luận sư lỗi lạc này. Đây là một đề tài thật phức tạp và khó giải thích. Sư cố gắng hết sức mình để giải thích càng nhiều càng tốt theo sự hiểu biết của Sư và nếu quý vị không hiểu được thì là do lỗi của Sư chứ không phải tại vì kinh điển.

Trong tương quan thứ hai giữa Hành Nghiệp và Thức, hành nghiệp thuộc về một kiếp và thức hay tâm kết quả thuộc về kiếp kế tiếp. Nếu hành nghiệp thuộc về kiếp đã qua thì tâm kết quả thuộc về kiếp này; nếu hành nghiệp thuộc về kiếp này, thì tâm kết quả thuộc về kiếp tới. Tương quan giữa hành nghiệp và tâm kết quả thuộc về hai kiếp khác nhau này thật là khó hiểu. Cho nên, rất quan trọng để hiểu cách thức hai yếu tố này liên hệ với nhau và như thế nào hành nghiệp làm sanh khởi thức trong kiếp kế tiếp. Vì vậy, điều cần thiết là tìm hiểu như thế nào sự chết xảy ra trong một kiếp và tái sinh xảy ra trong kiếp kế tiếp.

Chúng ta lấy ví dụ về hai kiếp sống: kiếp vừa qua và kiếp hiện tại. Trong kiếp vừa qua chính Tử Thức (cuticitta) hay chập tâm sau cùng trong kiếp sống của một người được gọi là sự chết. Do đó, khi sự chết xảy ra, Tử Thức này sanh lên. Trước chập tâm này, có năm chập tâm rất là quan trọng. Giữa tử thức và năm chập tâm này, có thể có hoặc không có những chập tâm khác. Khi một người hấp hối, cơ thể và tâm rất yếu nên có thể không còn thấy rõ sự việc tuy vẫn còn tâm. Khi sự chết gần kề, một trong ba hiện tượng sau đây xảy diễn nơi người sắp chết: Thứ nhất là Nghiệp (kamma), thứ nhì là dấu hiệu của nghiệp hay Nghiệp Tướng (kammanimitta), và thứ ba là Nghiệp Cảnh (gatinimitta). Nghiệp là những việc làm thiện ác đã tạo ra trong quá khứ. Nghiệp Tướng là những phương tiện sử dụng khi tạo nghiệp. Chẳng hạn nếu nghiệp là cúng dường thì người nhận sự cúng dường và đồ cúng dường là nghiệp tướng. Đây là những điều kiện hỗ trợ trong hành động tạo nghiệp. Nghiệp Cảnh là cảnh giới của kiếp tới. Ví dụ, nếu tái sanh làm người sẽ thấy bụng người mẹ; tái sanh vào địa ngục sẽ thấy lửa, thấy sự tra tấn; tái sanh lên cõi trời sẽ thấy các chư thiên và cung điện cõi trời...

Khi một người hấp hối, một trong ba điều trên tức nghiệp, nghiệp tướng hoặc nghiệp cảnh hiện đến tâm của người đó. Hãy lấy trường hợp nghiệp hiện đến. Trong trường hợp này nghiệp sẽ là đối tượng của tâm ngay lúc ấy. Nghiệp mà người đó thấy lại trong lúc hấp hối cũng giống y như nghiệp khi vừa mới tạo ra. Hay có thể nói nghiệp được tái tạo. Khi nghiệp hiện ra rõ ràng trong tâm người hấp hối, sẽ có năm chập tâm sanh khởi trước tử thức lấy nghiệp làm đối tượng. Thật ra những chập tâm khác cũng lấy Nghiệp làm đối tượng nhưng vì năm chập tâm này thật quan trọng nên chúng ta chỉ đề cập năm chập tâm lấy nghiệp làm đối tượng này mà thôi.

Sau năm chập tâm này sẽ sanh khởi tâm cuối cùng của kiếp đó gọi là Tử Thức. Ngay sau tử thức hay sự chết có một thức khác sanh khởi vào kiếp kế tiếp. Trong ví dụ trên của chúng ta, kiếp tới này là kiếp hiện tại. Do đó, ngay trong kiếp hiện tại, có tâm hay thức đầu tiên sanh khởi. Thức này kế tiếp Tử Thức của kiếp đã qua mà không có một khoảng hở nào cả. Nó được gọi là Kiết Sanh Thức hay Thức Tái Sanh. Được gọi là Kiết Sanh Thức vì nối kết hai kiếp sống với nhau. Nếu nó không sanh khởi thì sẽ không có kiếp hiện tại. Thức này cũng còn có tên khác là Thức Tái Sanh vì là thức đầu tiên của một kiếp mới. Kiết Sanh Thức hay Thức Tái Sanh là một trong 32 tâm kết quả (dị thục tâm). Thức Tái Sanh là kết quả của nghiệp trong quá khứ. Nói cách khác Hành Nghiệp tạo ra Thức Tái Sanh hay Thức Tái Sanh là sản phẩm của Hành Nghiệp.

Khi Thức Tái Sanh sanh khởi trong kiếp mới, nó cũng lấy nghiệp làm đối tượng cho nên có cùng đối tượng với Tử Thức và năm chập tâm trước Tử Thức trong kiếp vừa qua. Nghiệp rất mạnh đến nỗi không những làm sanh khởi Thức Tái Sanh mà còn tạo ra các tâm kết quả thụ động hay năng động khác. Tâm kết quả thụ động được gọi là Hữu Phần hay Luồng Hộ Kiếp (bhavanga) sanh khởi liên tục trong suốt thời gian còn lại của kiếp sống để duy trì đời sống khi không có những tâm năng động sanh khởi. Như vậy, trong suốt kiếp sống, Hữu Phần sanh khởi rất nhiều lần và bị ngắt quảng bởi những tâm năng động khác như nhãn thức, nhĩ thức... Như vậy, trong kiếp sống những chập tâm kết quả thụ động và năng động sanh khởi chen lẫn nhau cho đến khi sự chết chấm dứt kiếp sống.

Vì thế từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc của một kiếp sống, một loạt các tâm kết quả thụ động sanh khởi trở đi trở lại nhiều lần và có nhiều tên gọi khác nhau. Tâm kết quả thụ động đầu tiên khởi nguyên của kiếp sống là Kiết Sanh Thức hay Thức Tái Sanh. Các tâm kết quả thụ động khác không làm công năng của Thức Tái Sanh nhưng nhằm duy trì kiếp sống được gọi là luồng hộ kiếp hay Hữu Phần. Nếu hữu phần không có mặt khi những tâm năng động không sanh khởi thì đời sống sẽ chấm dứt ngay. Điều này có nghĩa là nhờ có hữu phần mà kiếp sống được liên tục. Và vào cuối kiếp sống, tâm kết quả thụ động cuối cùng có tên là Tử Thức là tâm sau chót của kiếp sống. Như vậy trong một kiếp sống, thức tái sanh, hữu phần và tử thức giống nhau. Chúng là những tâm kết quả thụ động của hành nghiệp và lấy nghiệp làm đối tượng.

Câu hỏi là Nghiệp nào làm đối tượng cho Thức Tái Sanh? Những hành động thiện và bất thiện tạo tác trong suốt kiếp sống vừa qua tức là Thường Nghiệp (ācinakamma) hay chính ý muốn làm (cetanā) có mặt đồng thời với năm tâm sau cùng ngay trước Tử Thức tức Cận Tử Nghiệp (āsannakamma)?

Nếu nói Nghiệp là tâm sở ý muốn (cetanā) có mặt với năm tâm sau cùng ngay trước Tử Thức là nhân của Thức Tái Sanh thì chúng ta chỉ cần Cận Tử Nghiệp đâu cần gì phải để ý đến Thường Nghiệp hay là nghiệp tạo tác trong suốt kiếp sống vừa qua. Nếu Thường Nghiệp là nhân của Thức Tái Sanh thì chúng ta chẳng cần đến Cận Tử Nghiệp.

Theo Chú Giải thì thường nghiệp hay hành nghiệp trong quá khứ là nhân đưa đến tái sanh còn cận tử nghiệp hay ý muốn (cetanā) chỉ làm điều kiện hỗ trợ cho Thức Tái Sanh bắt đối tượng là hành nghiệp của kiếp trước mà thôi. Ví dụ như một người trói một người, bịt mắt đem đến miệng hố sâu và một người khác xô xuống hố. Người xô ấy cũng giống như cận tử nghiệp.

Người hấp hối thấy lại thường nghiệp. Tâm lúc hấp hối mê mờ vì vô minh và bị ái dục hướng đến thường nghiệp. Lúc đó cận tử nghiệp hay trạng thái tâm hay tâm sở Ý Muốn (cetanā) có mặt với năm chập tâm cuối cùng trước tử thức khiến tâm bắt đối tượng là Thường Nghiệp. Chính cận tử nghiệp làm điều kiện hỗ trợ cho thức tái sanh bắt đối tượng là thường nghiệp. Chính vì vậy mà Chú Giải đã nói là cận tử nghiệp đẩy thức tái sanh đến đối tượng tương tự như xô một người xuống hố. Như vậy, thường nghiệp dầu thiện hay bất thiện là nhân của thức tái sanh và cận tử nghiệp là điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho thức tái sanh sanh khởi.

Hành nghiệp quá khứ cũng là đối tượng của năm tâm ngay trước tử thức của kiếp vừa qua. Vì vậy, năm tâm trước tử thức của kiếp quá khứ và thức tái Sanh có cùng một đối tượng. Thức tái sanh là một tâm kết quả của hành nghiệp trong quá khứ. Như vậy thức do hành nghiệp mà sanh khởi.

Có mặt đồng thời với thức tái sanh là những tâm sở hay trạng thái của tâm này và phần vật chất hay sắc pháp. Đối với con người, súc vật hay một số chúng sanh khác, cái mà chúng ta gọi là tái sanh chỉ là sự kết hợp của tâm kết quả, tâm sở sanh khởi cùng với tâm kết quả và một ít sắc pháp. Do đó, có thể nói sự tái sanh chỉ là sự kết hợp của Danh và Sắc.

Theo quy uớc thông thường khi các danh sắc này sanh khởi, chúng ta nói là một người tái sanh vào kiếp tới. Vì sống trong một thế giới quy ước chúng ta không thể tránh cách nói như vậy được. Nhưng thật sự không có tâm hay sắc từ kiếp này chuyển đến kiếp sau. Là kết quả của nghiệp, danh sắc sanh khởi ở đây chứ không phải là một cái gì tiếp tục từ kiếp trước. Chúng sanh khởi mới mẻ trong kiếp này nhưng không phải là không có liên hệ với nghiệp quá khứ. Điều này quả thật khó hiểu. Tuy nhiên, đây là cách giải thích theo Phật Giáo về tái sanh mà không dựa vào linh hồn vĩnh cửu, một thực thể miên viễn hay một chúng sanh đi từ kiếp này đến kiếp khác. Do đó, những gì sanh khởi trong kiếp này là danh và sắc mới mẻ nhưng là kết quả của nghiệp trong quá khứ.

Vì thế không thể nói một chúng sanh tái sanh là hoàn toàn mới không có liên hệ với kiếp trước hay là giống y hệt như chúng sanh ở kiếp đã qua. Hai điều này hoàn toàn không đúng và nên được nhớ rõ như vậy. Chúng ta chỉ có thể nói sự tái sanh trong kiếp này là kết quả của nghiệp trong quá khứ.

Có phải chết là nhân sinh ra tái sanh hay không? Bây giờ sau khi biết được điều giải thích ở trên, có thể nào quý vị nói tái sanh là do sự chết gây ra không? Không thể nào như vậy được vì tái sanh là hậu quả của nghiệp quá khứ. Điều này rất quan trọng vì rất nhiều người hiểu lầm là chết gây ra tái sanh hay chết trở thành tái sanh. Thật vậy, những gì quyết định cho tái sanh không phải là cái chết ngay trước đó nhưng là nghiệp đã tạo ra. Chết chỉ là một điều kiện để thức tái sanh sanh khởi mà thôi. Điều kiện nhường chỗ này cũng giống như muốn cho quý vị có thể ngồi vào ghế Sư đang ngồi, Sư phải đứng dậy nhường ghế lại cho quý vị. Do đó, trong trường hợp này, việc Sư đứng dậy là điều kiện cho quý vị ngồi ở đây. Tương tự như vậy, tử thức là điều kiện cho thức tái sanh bởi vì nếu tử thức không mất đi thì thức tái sanh không thể sanh khởi. Chết và thức tái sanh tương quan với nhau theo tính cách của các điều kiện không có kẽ hở có nghĩa là cái này phải mất đi thì cái kia mới sanh khởi được. Chỉ có trong cách này mà tử thức và thức tái sanh liên hệ với nhau như là cái làm điều kiện và cái chịu điều kiện. Như vậy chết không phải là nhân của thức tái sanh. Chính hành nghiệp quá khứ mới là nhân của thức tái sanh.

Nguyên nhân thật sự của tái sanh là nghiệp chứ không phải tử thức. Thật là khó hiểu khi chúng ta nói rằng “chúng sanh mới tái sanh không y hệt nhưng cũng không hoàn toàn khác với chúng sanh đã chết”. Có nhiều ví dụ được đưa ra trong Chú Giải về điểm này.

Ví dụ đầu tiên là tiếng vang. Chúng ta hét lên trong hang đá và có tiếng vang lại. Tiếng vang không phải là tiếng hét nhưng chỉ là tiếng dội lại mà thôi. Không có tiếng hét sẽ không có tiếng vang. Do đó, tiếng vang không hoàn toàn giống hệt tiếng hét nhưng cũng không khác hẳn hay không liên hệ gì đến tiếng hét. Ví dụ thứ hai về cây đèn. Quý vị có cây đèn đang cháy và một người đến mồi ngọn lửa từ cây đèn của quý vị sang cây đèn của người đó. Câu hỏi đặt ra là ngọn lửa đèn của người đó có phải là ngọn lửa đèn của quý vị không? Câu trả lời là không nhưng ngọn lửa đèn của người đó không phải là không liên hệ đến ngọn lửa đèn của quý vị. Tương tự như vậy, một người được tái sanh không phải cùng một người vừa mới mất nhưng cũng không phải là một người hoàn toàn mới mẻ không liên hệ gì đến người đã qua trong trường hợp tái sanh làm người.

Có thêm những ví dụ khác nữa. Chẳng hạn tấm hình chụp một người khi còn trẻ. Người trong tấm hình và người bây giờ không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng không hẳn khác biệt nhau. Một ví dụ nữa là hình soi trong gương. Quý vị soi gương và thấy hình của mình. Hình này không phải là quý vị nhưng hình này và quý vị không phải không có liên hệ với nhau vì nếu không có quý vị sẽ không có hình trong gương. Một ví dụ nữa là khuôn dấu và dấu in. Dấu in từ khuôn dấu không phải là khuôn dấu nhưng sở dĩ có dấu in vì có khuôn dấu. Như vậy tuy dấu in không phải là khuôn dấu nhưng liên hệ với khuôn dấu.

Do đó, theo giáo lý nguyên thủy, mỗi một lúc đều có danh và sắc mới sanh khởi rồi hoại diệt, đặc biệt giữa hai kiếp kế nhau. Không có cái gì chuyển sinh từ kiếp này sang kiếp khác nhưng những gì sanh khởi ngay trong kiếp kế tiếp là kết quả của những gì chúng ta đã làm trong các kiếp đã qua. Cho nên chúng sanh trong hai kiếp có sự liên hệ mặc dù không có sự đồng nhất hay giống y hệt nhau.

Chú Giải giải thích một cách khác. Bởi vì có một chuỗi liên tục sanh khởi của danh và sắc, cái này kế tiếp cái kia, cho nên không có giống hệt hay khác biệt tuyệt đối. Do đó, chúng ta phải có thái độ trung dung là cái này không giống nhưng cũng không khác cái kia. Ở đây Chú Giải cũng đưa ra một ví dụ. Nếu chúng ta nói có giống hệt tuyệt đối, thì sữa chua ya ua sẽ không làm được từ sữa. Và nếu quý vị nói có khác biệt tuyệt đối thì ya ua sẽ không có liên hệ gì tới sữa cả. Vì thế, nếu quý vị nói có giống hệt tuyệt đối thì sẽ không có tái sanh và nếu nói có khác biệt tuyệt đối thì hai đời sống sẽ không liên hệ gì nhau.

Tại đây Chú Giải đặt ra các câu hỏi thật khó nhưng cũng kèm những câu trả lời cho chúng ta. Các câu hỏi liên quan với nhau như sau:

• Nếu không có hay không chấp nhận chuyển sinh linh hồn tức là linh hồn đi từ kiếp này sang kiếp khác thì sau khi các điều kiện làm nên một con người trong một kiếp hay uẩn chấm dứt thì kết quả trong kiếp tới sẽ là kết quả đối với một người khác? Điều này có nghĩa là ngũ uẩn ngừng ở đây cho nên kết quả có thể đối với một người khác biệt? Hay nếu người tái sanh là một người khác thì trong trường hợp đó kết quả có thể là cho người khác đó?

• Nghiệp ngừng ở đây không chuyển sang kiếp tới nghĩa là không còn hiện hữu?

• Và nghiệp là điều kiện cho quả sanh khởi không chuyển từ kiếp này sang kiếp tới thì kết quả trong kiếp tới có thể gây ra bởi một nguyên nhân khác? Hay kết quả trong kiếp tới có thể gây ra không phải do nghiệp này nhưng là do nghiệp khác?

Ở đây sự giống hay khác nhau tuyệt đối không được chấp nhận. Cho nên trong trường hợp này không có vấn đề kết quả của nghiệp xảy đến cho một người khác hay gây ra bởi một người khác hay một diễn trình khác. Và Chú Giải cho một ví dụ về trồng cây.

Khi trồng cây, trước hết cấy hột giống và tiếp theo là cả một diễn trình về đâm chồi và tăng trưởng. Chẳng hạn quý vị phải bón phân, tưới nước... Khi hột mọc thành cây và cây có trái thì trái thật sự là kết quả của hạt mầm mặc dầu hạt không còn hiện diện vào lúc trái được hình thành. Và như vậy hạt mầm và trái nằm ngay trong cùng một diễn trình chứ không thuộc về hai diễn trình khác nhau vì sự liên tục hay tuần tự diễn ra của các biến cố trong diễn trình trồng cây. Tương tự như vậy, ở đây có sự liên tục và chúng ta không thể nói rằng kết quả là kết quả của một người khác hay kết quả gây ra bởi một nguyên nhân khác.

Câu hỏi kế tiếp liên hệ đến các câu hỏi ở trên. Nếu không có người kinh nghiệm kết quả thì kết quả là của ai? Hãy lấy ví dụ cây và trái. Khi trái cây được sanh ra thì chúng ta nói là cây sanh trái. Tương tự như vậy, khi có vui hay buồn sanh khởi như là kết quả của nghiệp quá khứ chúng ta nói người này hạnh phúc hay đau khổ. Thật ra thì chỉ có niềm vui hay nỗi buồn hiện hữu nhưng chúng ta lại nói người này hạnh phúc hay đau khổ. Đây là cách nói theo quy ước bởi vì thật sự thì chỉ có kinh nghiệm niềm vui hay nỗi buồn xảy ra mà thôi chứ không có người kinh nghiệm những cảm xúc này. Người chỉ là ý niệm theo quy ước mà thôi. Quý vị sẽ thấy điều này một cách rõ ràng khi thiền tập.

Câu hỏi kế tiếp là Hành là nguyên nhân của Thức khi đang hiện hữu hay khi không hiện hữu? Hay nói một cách tổng quát câu hỏi sẽ là nguyên nhân cho ra kết quả khi đang hiện hữu hay không đang hiện hữu? Nếu nói là nguyên nhân cho ra kết quả khi đang hiện hữu thì chúng phải cho ra kết quả ngay lúc chúng vừa sanh khởi chứ không vào lúc nào khác. Và nếu nói là nguyên nhân cho ra kết quả khi chúng không đang hiện hữu thì kết quả có thể được sanh ra bất cứ lúc nào ngay cả trước khi nguyên nhân sanh khởi. Đây là câu hỏi thật khó và câu trả lời như thế nào?

Thức sanh khởi vì hành nghiệp đã được thực hiện chứ không phải đang hiện hữu hay không đang hiện hữu. Có một ví dụ làm sáng tỏ câu trả lời này. Chẳng hạn quý vị cam kết trả tiền cho một người. Chỉ vì quý vị cam kết trả tiền mà có sự trả tiền chứ không phải vì cam kết lúc đó đang hiện hữu hay không đang hiện hữu. Và sau khi trả xong sẽ hết nợ nên quý vị không còn phải trả thêm gì cả. Tương tự như vậy, một khi quả sanh khởi, nghiệp hết tiềm năng nên không thể trổ quả nữa.

Chúng ta sống trong một thế giới quy ước cho nên dùng những danh từ như tái sanh, chuyển sinh linh hồn từ kiếp này sang kiếp kia cho tiện lợi chứ thật ra không có một cái gì chuyển từ kiếp quá khứ sang kiếp vị lai hết. Thức tái sanh là một tâm mới và phần sắc là sắc mới. Đó là những yếu tố mới, chẳng phải từ quá khứ chuyển sang. Điều này cho thấy không có linh hồn hay không có ngã vì không có gì chuyển từ kiếp cũ sang kiếp mới. Tuy nhiên, về một phương diện khác thì thức tái sanh không hoàn toàn mới bởi vì nó là những kết quả của những hành nghiệp thuộc về quá khứ. Chẳng hạn như tiếng hét và tiếng vang ra từ vách núi, ngọn đèn sáng và ngọn đèn được mồi không phải là một nhưng có liên hệ với nhau như đã được nói đến ở trên.

Hành nghiệp quá khứ không chỉ làm sanh khởi thức tái sanh mà còn tạo nên nhiều tâm kết quả khác như là nhãn thức, nhĩ thức...Những tâm kết quả này sẽ liên tiếp xảy ra trong suốt cuộc đời. Sau thức tái sanh là luồng hộ kiếp hay hữu phần gồm những tâm thụ động có mục đích duy trì sự hiện hữu của chúng sanh. Những tâm thụ động này liên tục sanh khởi trong đời sống cho đến khi có những tâm năng động tới thì ngừng nghỉ. Khi tâm năng động qua rồi thì những tâm thụ động sanh khởi trở lại. Và cứ tiếp tục như vậy từ thụ động tới năng động rồi thụ động rồi năng động…cho đến cuối cuộc đời với tâm sau cùng là tử thức. Trong cùng một kiếp sống, thức tái sanh, luồng hộ kiếp hay hữu phần và tử thức là những tâm giống hệt nhau vì đều là kết quả của nghiệp quá khứ có đối tượng là nghiệp quá khứ.

Đó là ý nghĩa của tương quan thứ hai tức là hành nghiệp là nhân của các tâm kết quả kể cả thức tái sanh.

Tương quan thứ hai này rất quan trọng cần được hiểu trọn vẹn. Do đó, Sư sẽ nhắc lại và nói thêm về tương quan này. Sư sẽ đề cập đến Hành và Thức trong đời sống thực tế cũng như như thế nào chúng ta chấp nhận định luật nghiệp báo và diễn trình chết và tái sinh. Ngoài ra, Sư sẽ vạch ra những ngộ nhận cần phải tránh khi đề cập đến diễn trình này.

Một cách vắn tắt Hành là gì? Quí vị đã biết Hành ở đây chính là Nghiệp nên gọi là Hành Nghiệp. Và Thức ở đây là Dị Thục Tâm hay tâm kết quả. Chúng ta đã gặp hai nhân duyên này trong kinh điển hay trong công thức của Pháp Duyên Sinh ở trên. Bây giờ, chúng ta sẽ xét hai yếu tố này ngay trong đời sống thực tế.

Bất cứ khi nào làm những hành động thiện hay bất thiện thì chúng ta đã tạo hành nghiệp. Khi lễ Phật, giữ giới, hay hành thiền…là chúng ta tạo thiện nghiệp. Trái lại, nếu giết người, cướp của… thì chúng ta tạo bất thiện nghiệp. Như vậy, trừ khi ngủ, trong suốt cuộc đời hầu như lúc nào chúng ta cũng tạo một trong hai loại nghiệp này. Nói một cách chính xác và rốt ráo, hành nghiệp là ý muốn làm (cetana) những nghiệp thiện hay bất thiện.

Câu hỏi đặt ra là những hành nghiệp này sẽ mang lại những kết quả như thế nào? Chúng ta biết rằng hành nghiệp là nhân đưa đến thức tái sanh và do thức tái sanh làm điều kiện danh sắc sanh khởi. Nghĩa là, do hành nghiệp làm điều kiện nguyên nhân mà có thức tái sanh và danh sắc. Đây là tái sanh hay một đời sống mới. Và ở đâu có tái sanh, ở đó có già, bệnh và chết và rồi tái sanh trở lại. Cho nên, bao lâu còn hành nghiệp là bấy lâu còn danh và sắc tiếp tục sanh khởi từ kiếp này sang kiếp khác. Đây chính là vòng luân hồi.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên làm thiện hành nghiệp không?

Có một số người không muốn bố thí hay thiền tập thường lý luận rằng nếu chúng ta bố thí, trì giới, và hành thiền thì cũng chỉ kéo dài vòng luân hồi mà thôi. Do đó, chúng ta không cần làm điều thiện. Lập luận như vậy là sai lầm bởi vì chỉ trừ những vị đã chứng đắc đạo quả A La Hán, còn chúng ta ngoài lúc ngủ thì lúc nào cũng tạo hành nghiệp, không thiện thì ác. Cho nên, nếu chúng ta không nỗ lực tạo phước thì chúng ta sẽ dễ làm những việc bất thiện.

Đối với thiện nghiệp thì có hai loại. Một loại thiện nghiệp kéo dài sự trôi lăn trong vòng luân hồi và một loại thiện nghiệp giúp chấm dứt luân hồi. Nếu chúng ta bố thí, trì giới, hành thiền hầu chỉ mong tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp, sung sướng hơn, thì đúng là những thiện nghiệp ấy chỉ kéo dài vòng luân hồi mà thôi. Ngược lại, khi làm những thiện nghiệp đó, chúng ta hướng đến sự tìm cầu giải thoát, chấm dứt khổ đau, thì hành nghiệp thiện ấy sẽ đưa tới chứng đắc đạo quả, chấm dứt vòng luân hồi. Do đó, mỗi lần làm việc phước thiện, chúng ta nên hướng tâm mong được diệt trừ ô nhiễm, thành đạt chánh trí và chứng ngộ Niết Bàn để những thiện hành nghiệp giúp chúng ta tái sanh về cảnh giới có nhiều thuận duyên thành đạt điều mình ước nguyện. Vì vậy, những thiện hành nghiệp trong trường hợp này sẽ không kéo dài mãi sự trôi lăn của chúng sanh trong vòng luân hồi.

Quí vị còn nhớ sau mỗi lần thọ giới, quí vị ước nguyện điều gì không? Đó là “Mong cho việc thọ giới này sẽ là duyên lành giúp tôi kinh nghiệm Đạo Quả” (Idam me silam magga phala ñānassa paccayo hotu). Mỗi lần ước nguyện như vậy là quí vị hướng tâm đến sự thành đạt Đạo và Quả, thoát khỏi vòng luân hồi. Còn nếu không hồi hướng như vậy nhưng lai mong muốn tuổi thọ hay bất cứ điều gì đó nơi cõi người hay trời thì kết quả có thể là kéo dài sự trôi lăn mãi của quí vị trong vòng luân hồi. Tương tự như vậy, mỗi lần cúng dường, đảnh lễ Phật hay hành thiền, cũng nên hướng tâm đến chấm dứt khổ đau và chứng ngộ Niết Bàn. Trong cách này, thiện hành nghiệp sẽ giúp quí vị chấm dứt vòng sanh tử.

Bây giờ nói đến Thức trong tương quan thứ hai thuộc đời sống hiện tại. Thức ở đây là gì? Đó là 32 Dị Thục Tâm hay là tâm kết quả. Trong số này có những tâm thật là khó hiểu nên Sư không giải thích. Sư chỉ bàn tới những tâm kết quả dễ hiểu mà thôi.

Khi thấy một đối tượng, quí vị có tâm thấy hay Nhãn Thức. Nhãn thức này được bao gồm trong Thức ở tương quan thứ hai này. Đó là tâm kết quả của Hành Nghiệp trong quá khứ. Cho dù quí vị thấy một đối tượng đẹp hay xấu, nhãn thức đều sanh khởi vì đó là kết quả của nghiệp thiện hay bất thiện đã qua. Tương tự như vậy, khi nghe, ngửi, nếm, đụng đối tượng chúng ta đều có tâm kết quả tương ưng như nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức.

Như vậy khi hành động thiện hay bất thiện, quí vị phải hiểu là mình đang tạo hành nghiệp thiện hoặc bất thiện. Và khi thấy, nghe, ngửi, nếm hay đụng quí vị nhớ là mình đang kinh nghiệm kết quả của hành nghiệp trong quá khứ của mình. Do đó, quí vị hiểu được Pháp Duyên Sinh đang hoạt động ngay nơi quí vị.

Tương quan này rất quan trọng và thật khó hiểu bởi vì liên hệ đến định luật nghiệp báo cũng như diễn trình chết và tái sanh. Là phật tử, chúng ta hiểu phần nào về hai điều này và nói rằng chúng ta tin vào định luật nghiệp báo. Nhưng như thế nào chúng ta chấp nhận định luật nghiệp báo? Chỉ dựa trên đức tin hay căn bản nào khác?

Trước hết, chúng ta tin nghiệp sẽ gây ra quả vì Đức Phật đã dạy như vậy. Chúng ta tin Đức Phật vì biết Ngài giảng dạy sau khi đã tự mình khám phá ra định luật Nghiệp Báo này. Đức Phật chỉ dạy những gì chính mình kinh nghiệm như Ngài đã từng minh nhiên nói như vậy với các đệ tử, “Vì đã tự mình chứng nghiệm nên Như Lai dạy lại các thầy.” Với sự tin tưởng vào lời nói này của Đức Phật nên chúng ta chấp nhận định luật Nghiệp Báo. Sư nghĩ đây mới chỉ là bước đầu mà thôi.

Thử hỏi là sự tin tưởng vào định luật Nghiệp Báo như vậy có phải là niềm tin mù quáng hay không? Rất nhiều quý vị đã học các môn về khoa học ở trường chẳng hạn như hóa học với khoảng 100 nguyên tố cơ bản. Quý vị học tên, số, trọng lượng nguyên tử và một số dữ kiện khác về các nguyên tố này, có đúng vậy không? Sư không nghĩ tất cả quý vị đều đã vào phòng thí nghiệm để chính mình đo đạc trọng lượng nguyên tử của mỗi nguyên tố nhưng quý vị đã chấp nhận những gì đã được dạy. Nếu cho sự tin tưởng vào những điều đã được khám phá và dạy lại này là niềm tin mù quáng thì quý vị cũng có thể trả lời là sự chấp nhận định luật nghiệp báo dựa vào lời Phật dạy cũng là niềm tin mù quáng. Sư để cho quý vị tự quyết định.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thỏa mãn với sự chấp nhận suông định luật Nghiệp Báo chỉ vì định luật này do chính Đức Phật giảng. Chúng ta muốn tự mình suy tư thêm căn cứ vào những gì Ngài đã dạy.

Trên thế gian này mọi người đều khác nhau. Người sống lâu, người chết yểu; người giàu sang, người nghèo khó; người mạnh khỏe, người bệnh tật; người đẹp đẽ, người xấu xí; người thông minh, người đần độn...Chúng ta thắc mắc tại sao có sự khác biệt như vậy? Đôi khi sự khác biệt xảy ra ngay với những đứa con cùng cha mẹ trong một gia đình. Tại sao như thế?

Sự khác biệt này không thể do di truyền hay môi sinh vì những đứa con có cùng cha mẹ và được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường sinh sống hay hoàn cảnh giống nhau. Hình như sự khác biệt như thế có nguyên nhân vượt ra ngoài kiếp hiện tại bởi vì chúng ta đã không tìm được nguyên nhân ngay trong kiếp này. Ở đây lời dạy của Đức Phật đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta nghĩ là có lẽ sự khác biệt do nghiệp gây ra theo như lời Phật dạy. Trong cách này chúng ta chấp nhận định luật nghiệp báo ở mức độ cao hơn trước đây sau khi phân tích lý luận chứ không phải chỉ dựa trên lòng tin tưởng thuần túy vào Đức Phật.

Tiếp theo, khi hành Thiền Minh Sát tiến bộ đến một mức độ nào đó, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự sanh diệt của đối tượng và thấy các hiện tượng tương quan với nhau như cái này sanh khởi là do có cái kia. Chẳng hạn chúng ta nhận ra khi có vật thấy mới có sự thấy, khi có tiếng để nghe mới có sự nghe...Do đó, mà mọi điều kiện đều tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác mới sanh khởi được. Lúc đó chúng ta kinh nghiệm tương quan nhân quả. Như vậy, chúng ta thấy trực tiếp định luật nhân quả qua thực hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Từ kinh nghiệm này chúng ta suy diễn sự hiện hữu của chúng ta là kết quả của hành nghiệp trong quá khứ. Trên căn bản này, chúng ta chấp nhận định luật nghiệp báo.

Còn nếu quý vị không hài lòng với đức tin nơi Đức Phật hay suy diễn nói trên của mình thì cách duy nhất là chúng ta phải kinh nghiệm trực tiếp định luật nghiệp báo bằng thiên nhãn thông thấy chúng sanh chết đi từ một kiếp và tái sanh vào kiếp khác. Đức Phật thấy chúng sanh làm thiện nghiệp tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp và chúng sanh tạo bất thiện nghiệp tái sanh vào khổ cảnh như địa ngục... Và như vậy Đức Phật thân chứng rõ ràng định luật nghiệp báo trong đêm trước khi thành đạo. Ngài cũng đã dùng thần thông nhìn lại định luật này nhiều lần sau khi thành Phật. Ngài dạy là không phải chỉ các vị Phật mà còn nhiều người khác nữa cũng đạt được thần thông này. Cho nên, ngay những lúc không có Phật, định luật này cũng có thể biết được. Đây là cách chắc chắn nhất để thấy rõ định luật nghiệp báo.

Về Tái Sanh thì làm thế nào để chấp nhận được? Tương tự như trên, trước hết, là lòng tin vào lời dạy của Đức Phật. Chúng ta có cha mẹ là phật tử và cùng những phật tử khác tin vào tái sanh nên chúng ta cũng tin theo. Hơn nữa, về sau chúng ta nghe, gặp những trường hợp có người nhớ được tiền kiếp, kể lại từng chi tiết về nơi sinh sống và đích thân tìm ra nơi đó. Những câu chuyện rất sống thực đến nỗi không thể nào bác bỏ với lý do là do ảo tưởng hay ngẫu nhiên được. Từ những trường hợp này, niềm tin hay sự chấp nhận có đời sống sau khi chết trở nên mạnh mẽ hơn. Bên Đông Phương có rất nhiều các câu chuyện về tái sanh như vậy. Bên Tây Phương dù cũng có nhiều người nhớ đến kiếp trước nhưng vì sợ nên không đề cập đến. Lý do là họ theo truyền thống Thiên Chúa Giáo cấm không được đề cập đến những trường hợp tái sanh. Tuy nhiên, ngày nay với không khí cởi mở nên càng ngày càng có những chuyện như vậy được nói đến và người Tây Phương có thể chấp nhận tái sanh dễ dàng hơn trước đây.

Bây giờ là sự hiểu biết hơi sâu xa hơn về tái sanh dựa trên diễn biến các hoạt động của tâm. Trong cuộc đời, chúng ta trải nghiệm các trạng thái tâm buồn, vui hay không buồn không vui. Các tâm xảy ra kế tiếp nhau một cách liên tục nên mới có kiếp sống. Sự diễn biến của tâm do nghiệp lực thúc đẩy. Bao lâu nghiệp lực còn vận hành, bấy lâu hoạt động của tâm còn tiếp tục diễn biến không ngừng. Và dòng nghiệp lực sẽ còn tiếp tục cho đến khi nguyên nhân của nó là ái dục và vô minh được đọan tận.

Có nghiệp lực thì có hoạt động của tâm tức là kết quả của nghiệp lực. Vì thế hoạt động của tâm sẽ còn xảy ra ngay sau khi chết có nghĩa là nó sẽ không chấm dứt vào lúc cuối cùng của một kiếp khi dòng nghiệp lực vẫn còn đó. Và đó chính là tái sanh. Do đó, suy nghĩ trong cách này chúng ta chấp nhận lời Phật dạy về tái sanh.

Có một cách khác để chúng ta có thể hiểu và chấp nhận tái sanh mạnh mẽ hơn. Đó là dựa vào sự thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Khi hành thiền, chúng ta cố gắng chú niệm về những gì hiện đang xảy ra kể cả diễn biến trong tâm của chúng ta. Theo dõi tâm, chúng ta sẽ thấy một chập tâm (tâm vương) sanh khởi rồi hoại diệt ngay và kế tiếp đó là một chập tâm khác sanh khởi rồi cũng hoại diệt. Chập tâm sau kế tiếp chập tâm trước một cách liên tục không có kẽ hở. Nhờ kinh nghiệm sự sanh diệt này mà chúng ta suy nghĩ rằng cái gọi là chết chẳng qua cũng giống như một chập tâm kèm với những trạng thái của nó (trạng thái tâm hay tâm sở) cùng với phần vật chất biến mất mà thôi. Vì thế, tái sanh cũng giống như sự sanh khởi của một chập tâm mới khi chúng ta đang còn sống. Do đó, chết và tái sanh được hiểu dựa trên hai chập tâm kế tiếp nhau, một cái vừa hoại diệt là cái kia sanh khởi ngay.

Khi chúng ta còn sống, sự sanh diệt của các chập tâm liên tục xảy ra thì tại sao nó không thể tiếp tục sau cái được gọi là sự chết? Như Sư đã giảng, các chập tâm liên tục xảy ra sau khi chết là vì nghiệp lực. Nó sẽ tiếp tục như vậy. Khi một người sắp chết, các sắc căn trở nên yếu dần và khi chúng không còn làm phần căn bản cho tâm nữa thì tâm sẽ cần phần sắc căn khác để sanh khởi tiếp theo. Chẳng hạn tâm thấy hay nhãn thức cần phần nhạy cảm của mắt (nhãn căn), tâm nghe hay nhĩ thức cần phần nhạy cảm của tai (nhĩ căn)…và tâm nghĩ hay ý thức cần lượng máu trong tim hay tim căn. Đây là sắc căn của kiếp kế đến. Và như vậy đời sống lại tiếp tục trong kiếp tới. Kết hợp kinh nghiệm thiền tập như vậy với sự hiểu biết về Phật Pháp, chúng ta suy diễn là có tái sanh.

Nghiệp lực cũng có thể hiểu được qua ví dụ về đồng hồ. Trước khi đồng hồ điện tử được phát minh, chúng ta có đồng hồ dây thiều. Để đồng hồ chạy, chúng ta vặn nút lên dây, có phải vậy không? Mỗi lần lên dây là mỗi lần quý vị tạo ra sức mạnh hay thêm năng lực cho dây thiều trước khi dây thiều ngừng hẳn. Quý vị vặn nút lên dây như vậy cho đến khi nút cứng để năng lực được tối đa. Bao lâu có năng lực thì bánh xe trong bộ máy của đồng hồ chuyển động khiến cho kim đồng hồ chạy gây ra những tiếng tích tích nhỏ. Lực của dây càng nhiều thì thời gian đồng hồ chạy càng lâu. Tương tự như vậy, khi làm những hành nghiệp thiện hay bất thiện chúng ta tạo ra nghiệp lực. Nghiệp lực này tạo nên chuỗi dài những chập tâm sanh khởi rồi hoại diệt. Nghiệp lực càng mạnh thì thời gian xảy diễn càng dài. Trong vòng luân hồi, chúng ta tạo nhiều nghiệp và những nghiệp này làm cho danh và sắc sanh khởi rồi hoại diệt liên tiếp nhau. Do đó, tâm sẽ không chấm dứt sau cái được gọi là sự kết thúc của một kiếp sống mà còn tiếp tục lâu dài sau đó nữa.

Đến đây chúng ta có thể chấp nhận được diễn trình chết và tái sanh. Tuy nhiên, khi chấp nhận như vậy chúng ta phải rất cẩn thận để tránh rơi vào những tà kiến sau đây:

• Tà kiến thứ nhất là Thuyết Chuyển Sinh Linh Hồn hay Thường Kiến (sassata ditthi). Theo thuyết này, khi một người qua đời, chỉ có thân xác chết mà thôi còn linh hồn (jivā-atta) vẫn sống. Linh hồn sẽ từ giả thân xác cũ để tới một thân xác mới như là thay áo quần hay đổi nhà vậy. Linh hồn như vậy là một bản thể trường cửu chuyển sinh từ kiếp này sang kiếp khác qua nhiều thân xác khác nhau. Niềm tin như vậy là một tà kiến và tà kiến này sanh khởi vì chúng ta không hiểu biết đúng đắn về diễn trình chết và tái sanh như đã nói ở trên.

• Tà kiến thứ hai là Đoạn Kiến (uccheda ditthi). Theo thuyết này, chết là sự hoại diệt của tâm cùng những trạng thái của nó và thân xác. Do đó, những gì thuộc kiếp hiện tại sẽ chấm dứt ở kiếp hiện tại. Một người chết rồi sẽ vĩnh viễn mất đi không còn gì nữa. Kiếp tương lai gồm danh sắc mới mẻ không có sự liên hệ nào với kiếp đã qua. Đây là quan kiến hư vô cho rằng không có sự tái sanh hay trôi lăn trong vòng luân hồi.

• Tà kiến thứ ba là Thuyết Vô Nhân (ahetuka ditthi). Theo thuyết này, kiếp sống được thành hình do sự kết hợp ngẫu nhiên của danh sắc một cách liên tục mà không do một nguyên nhân nào gây ra cả. Sự tái sanh tiếp tục sanh khởi mà không có nguyên nhân.

• Thuyết thứ tư là Thuyết Sáng Tạo hay Thuyết Tà Nhân (issarahimmaha hetuka ditthi) cho rằng nguyên nhân tạo ra kiếp sống mới chính là Thượng Đế hay Đại Ngã (parama atta).

Chúng ta sẽ rơi vào một trong bốn tà kiến nói trên nếu không có sự hiểu biết đúng đắn về diễn trình chết và tái sanh.

Chúng ta phải cẩn thận hơn với tà kiến thứ nhất là Thuyết Chuyển Sinh Linh Hồn bởi vì phật tử chúng ta thường không mắc phải tà kiến thứ hai cho rằng chết là hết mà tin sau kiếp này còn có kiếp tới. Đối với Thuyết Vô Nhân và Thuyết Tà Nhân cũng vậy, do tin vào định luật Nghiệp Báo nên phật tử không chấp nhận sự sanh khởi ngẫu nhiên hay nguyên nhân đầu tiên.

Chúng ta có thể dễ bị rơi vào tà kiến về Chuyển Sinh Linh Hồn, vì tương tự như tái sanh, thuyết này tin có kiếp này và kiếp tới. Mặc dầu có nghe giảng về vô ngã tức không có cá nhân đích thực hiện hữu nhưng chúng ta vẫn nghĩ phải có một cái gì đi từ kiếp này sang kiếp khác, có phải vậy không? Chúng ta nghe kể trong Túc Sanh Truyện là Đức Bồ Tát trong một kiếp làm một chúng sanh như thế này và sang kiếp tới sanh làm một chúng sanh như thế kia...cho nên nghĩ phải có một thực thể đi từ kiếp này sang kiếp khác. Do đó, chúng ta dễ bị rơi vào tà kiến thứ nhất là Thuyết Chuyển Sinh Linh Hồn nếu chúng ta không nắm vững được diễn trình tái sanh đã được đề cập ở trên. Thuyết này tin có một linh hồn bất biến đi từ kiếp sống này qua kiếp sống khác trong khi Tái Sanh không chấp nhận một linh hồn bất biến như vậy.

Để hiểu đúng đắn diễn trình tái sanh mà không rơi vào các tà kiến kể trên, chúng ta áp dụng công thức người tái sanh không phải là người đã mất trong kiếp vừa qua mà cũng không phải là một người hoàn toàn khác hẳn ở trong kiếp này. Phần đầu của công thức nói lên phương pháp về sự khác biệt hay đa dạng và phần hai đưa ra sai lầm về sự bất đồng của lý lịch. Chúng ta phải áp dụng cả hai phần của công thức cùng một lúc bởi vì nếu chỉ lấy một trong hai mà thôi thì chúng ta sẽ rơi vào một trong hai tà kiến là Thường Kiến hay Đoạn Kiến.

Khi hiểu như vậy, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về tái sanh. Công thức này nói lên được tương quan nhân quả giữa kiếp này và kiếp tới mà không rơi vào thuyết Chuyển Sinh Linh Hồn quan niệm rằng người mới tái sanh và người đã mất có cùng một linh hồn. Chúng ta cũng không rơi vào thuyết Đoạn Kiến tin rằng người mới sanh và người vừa quá cố là hai chúng sanh khác biệt.

Đó là tương quan thứ hai, một tương quan quan trọng nhưng khó hiểu, nói về điều kiện liên hệ giữa Hành và Thức. Tuy nhiên, tương quan này rất hứng thú bởi vì giải thích định luật nghiệp báo và diễn trình tái sanh.

Có một vài chi tiết mà Sư không định giải thích. Đó là Hành nào làm điều kiện cho Thức sanh khởi. Để hiểu những chi tiết này, quý vị cần có kiến thức về Vi Diệu Pháp hay ít nhất kiến thức về 89 hay 121 loại Tâm hay Thức. Nếu quý vị không quen thuộc với các loại tâm này, quý vị nghe sẽ chán. Do đó, Sư sẽ không giảng ở đây. Riêng những ai muốn tìm hiểu Sư sẽ giảng trong một lớp đặc biệt khác. Nếu quý vị cảm thấy thích tham dự những lớp này thì ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị cho các lớp đó bằng cách làm quen với các loại tâm và 24 điều kiện sanh khởi tùy thuộc hay Duyên Hệ Duyên mà Sư đã giảng trước đây và đã được ghi âm. Quý vị cần có nhiều thì giờ để chuẩn bị trước khi các lớp như vậy bắt đầu.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn