(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

03-Do Thức Làm Điều Kiện,Danh Sắc Sanh Khởi

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 14960)

 

 

Tương Quan Thứ Ba

Do Thức Làm Điều Kiện,Danh Sắc Sanh Khởi

(Viññāna-paccayā nāma-rūpam = Thức Duyên Danh Sắc)

 

Theo tương quan này, “Thức làm điều kiện cho Danh Sắc sanh khởi” (viññna paccayā nāma-rūpam) có nghĩa là Thức là yếu tố điều kiện và Danh Sắc là yếu tố chịu điều kiện.

Câu hỏi đặt ra là Thức trong tương quan này và Thức trong tương quan thứ hai (Hành duyên Thức) có giống nhau không?

Có thể chúng ta nghĩ hai Thức là một nhưng thật sự không phải như vậy. Thức trong tương quan thứ hai là tâm kết quả bao gồm Thức Tái Sanh và những tâm kết quả khác. Thức trong tương quan thứ ba rộng hơn thức trong tương quan thứ hai bao gồm các nhóm tâm như sau:

• Dị Thục Tâm tức tâm kết quả.

• Tâm tạo nghiệp hay Tâm Hành.

• Những tâm khác.

Do đó, quý vị nên hiểu Thức trong tương quan này theo ba nhóm kể trên.

Về Danh Sắc, Danh tổng quát gồm Thức (viññana) hay Tâm Vương (citta), các trạng thái của tâm hay Tâm Sở (cetasika), và Niết Bàn (nibbāna). Nhưng Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh giới hạn trong vòng luân hồi nên không kể đến Niết Bàn. Do đó, Danh chỉ còn bao gồm tâm vương và tâm sở mà thôi. Tuy nhiên, tâm vương không thể làm điều kiện cho chính tâm vương sanh khởi. Do đó, trong tương quan này Danh chỉ còn là tâm sở gồm Thọ, Tưởng, và 50 tâm sở thuộc Hành Uẩn. Sắc là tập hợp 28 tính chất vật chất gồm có bốn tính chất cơ bản là Tứ Đại và 24 tính chất vật chất phụ thuộc vào tứ đại.

Có sự khác biệt về liên hệ giữa các nhân duyên trong tương quan thứ hai và tương quan thứ ba. Trong tương quan thứ hai về tái sanh, liên hệ giữa Hành và Thức là liên hệ nhân quả. Hành hay Hành nghiệp là nhân và Thức gồm Thức Tái Sanh (Kiết Sanh Thức) và các tâm kết quả khác là quả. Vì Hành làm cho Thức sanh khởi nên Thức là kết quả của Hành. Nhưng trong tương quan thứ ba này, liên hệ không phải nhân quả nhưng là đồng thời vì các yếu tố cùng sanh khởi với nhau. Thức và Danh Sắc trong tương quan này sanh khởi đồng thời nhưng ở đây Thức làm điều kiện hỗ trợ cho Danh Sắc sanh khởi. Và Thức ở tương quan này có thể là tâm kết quả hay tâm không phải là tâm kết quả nên chúng ta phải hiểu tương quan này ngay vào lúc thọ thai cũng như trong suốt thời gian còn lại của kiếp sống.

Sanh có bốn loại: thai sanh hay sanh từ thai bào như con người; hóa sanh là sanh ra một cách đột nhiên mà không cần kinh qua thời gian phát triển thai bào trong bụng mẹ như tái sanh vào cảnh trời; thấp sanh là sự phát sanh do các điều kiện ẩm ướt như loài muỗi; và noãn sanh là sanh ra từ trứng. Chúng ta học về con người nên giới hạn vào thai sanh để khỏi bị lẫn lộn. Nhưng thai sanh ở đây là ngay lúc thọ thai chứ không phải lúc lọt lòng từ bụng mẹ.

Ngay lúc thọ thai của con người cái gì sanh khởi? Ngay lúc thọ thai có ba thành tố: thứ nhất là Thức Tái Sanh là tâm kết quả của Hành Nghiệp trong quá khứ đã được giải thích trong tương quan thứ hai ở trên; thứ hai là Danh hay những tâm sở hiện diện đồng thời với Thức Tái Sanh; và thứ ba là Sắc với 30 loại khác nhau chia thành ba nhóm, mỗi nhóm gồm 10 loại sắc. Thức, Danh (tâm sở) và Sắc trong tương quan thứ ba này sanh khởi đồng thời.

Nhưng như thế nào Thức và Danh Sắc tương quan với nhau? Chúng ta phải có kiến thức về các điều kiện tương quan hay Duyên Hệ Duyên trong Vi Diệu Pháp mới hiểu được. Sư sẽ không giảng ở đây vì phức tạp và dài dòng. Chỉ cần biết là Thức và Danh Sắc hiện diện đồng thời theo tương quan Thức làm điều kiện cho Danh Sắc sanh khởi hay Thức là yếu tố điều kiện và Sanh Sắc là yếu tố chịu điều kiện.

Tại sao sanh khởi đồng thời nhưng Thức lại làm điều kiện cho Danh Sắc sanh khởi? Lý do là vì Thức dẫn đầu. Điều này có nghĩa là chỉ khi nào có Thức thời Danh Sắc mới sanh khởi được. Nếu không có Thức, Danh (tâm sở) không thể nào sanh khởi. Đó là lý do tại sao Thức là điều kiện cho Danh (tâm sở) sanh khởi. Sắc có 30 loại sanh khởi đồng thời với Thức và liên hệ với Thức. Trong 30 loại sắc này, có một loại là Tim Căn khác với 29 loại sắc còn lại. Sự liên hệ giữa Thức và Tim Căn khác với sự liên hệ giữa Thức và 29 loại sắc kia. Tim Căn có sự liên hệ hỗ tương với Thức. Thức là điều kiện cho tim căn và tim căn là điều kiện cho thức. Nhưng những loại sắc kia không có được tương quan hỗ tương như vậy đối với thức vì chỉ có thức làm điều kiện cho các loại sắc này mà thôi.

Có một trường hợp có thể coi là có tương quan nhân quả dù không hẳn như vậy. Đó là trường hợp tái sanh thành chúng sanh chỉ có tâm hoặc thân. Đây là hai loại chúng sanh đặc biệt:

• Chúng sanh có sắc nhưng không có tâm nên giống như pho tượng.

• Chúng sanh có danh gồm tâm và tâm sở nhưng không có sắc.

Làm thế nào để được tái sanh thành chúng sanh chỉ có tâm mà không có sắc hay chỉ có sắc mà không có tâm? Chúng ta phải tập thiền chỉ và đắc các tầng thiền sắc giới hay vô sắc giới. Do kết quả của sự đắc thiền, sau khi mất đi được tái sanh thành chúng sanh các cõi trời hoặc chỉ có sắc mà không có tâm hoặc chỉ có tâm nhưng không có sắc theo như ước nguyện.

Đối với trường hợp chúng sanh chỉ có tâm (gồm tâm vương và tâm sở) nhưng không có sắc, tương quan thứ ba là: Do Thức làm điều kiện, Danh phát sanh. Còn đối với trường hợp chúng sanh chỉ có sắc nhưng không có tâm, tương quan thứ ba là: Do Thức làm điều kiện, Sắc phát sanh. Nhưng Thức trong các trường hợp này không giống như Thức trong các trường hợp khác. Đó là Tâm Thiền với ý muốn tái sanh thành chúng sanh chỉ có Sắc mà không có Danh hay chỉ có Danh mà không có Sắc. Tâm thiền này là điều kiện cho tái sanh như vậy. Thức ở đây tạo nghiệp nên là Tâm Hành.

Như vậy Thức hay tâm vương trong trường hợp này không thuần là dị thục tâm kết quả của Hành Nghiệp như trong tương quan thứ hai. Đúng ra nó là loại tâm tạo nghiệp vì được đi theo bởi ý muốn tái sanh.

Như vậy tương quan thứ ba này phải được hiểu như sau:

1. Do Thức (tâm kết quả hay tâm hành) làm điều kiện, Sắc sanh khởi.

2. Do Thức (tâm kết quả hay tâm hành) làm điều kiện, Danh sanh khởi.

3. Do Thức (tâm kết quả hay tâm hành) làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi.

Tuy nhiên, một cách ngắn gọn tương quan này là “Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi”.

Bây giờ hãy xem xét khoảnh khắc ngay sau khi Thức Tái Sanh của con người sanh khởi. Điều này rất phức tạp nhưng Sư sẽ cố gắng giải thích. Vào khoảnh khắc kế tiếp Thức Tái Sanh có một chập tâm khác. Thật ra thì Thức Tái Sanh lập lại ở đây nhưng được gọi là Hữu Phần (Bhavanga). Ở giai đoạn này có thêm các tâm sở và ba nhóm sắc pháp nữa tạo ra bởi tâm Hữu Phần. Cho nên tổng cộng là có 60 sắc pháp. Do đó, mà ngay khoảnh khắc thứ hai này tương quan sẽ là “Do Thức làm điều kiện mà Danh (tâm sở), Sắc (do tâm Hữu Phần tạo ra) sanh khởi”.

Tương quan thứ ba sẽ như thế nào trong trường hợp có tâm thiện hay tâm bất thiện sanh khởi? Tâm thiện hay bất thiện không phải là tâm kết quả nhưng là tâm hành hay tâm tạo nghiệp. Khi các loại tâm này sanh khởi, tâm sở và sắc tạo ra bởi chính tâm đó cùng sanh khởi với chúng. Do đó, chúng ta cũng vẫn có tương quan thứ ba là “Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi”.

Như vậy, tương quan thứ ba này có thể áp dụng vào ngay lúc tái sanh hay sau đó nghĩa là áp dụng cho cả thức tái sanh và các loại thức khác. Chính vì vậy mà chúng ta phải hiểu Thức trong tương quan này không chỉ là thức tái sanh mà còn là những tâm hành và các loại tâm khác nữa.

Cho đến bây giờ chúng ta gặp hai loại sắc pháp: Sắc do nghiệp tạo ra và sắc do tâm tạo ra. Ngoài ra, còn có loại sắc khác do nhiệt độ tạo ra. Mỗi chập tâm kinh qua ba giai đoạn: sanh khởi, kéo dài và hoại diệt hay sanh, trụ, diệt. Vào giai đoạn trụ của Thức Tái Sanh, ba nhóm sắc pháp sanh khởi vào giai đoạn sanh của Thức Tái Sanh trở nên mạnh hơn và có khả năng tạo ra sắc pháp. Loại sắc mới sanh khởi vào giai đoạn trụ của Thức Tái Sanh này được gọi là sắc do nhiệt độ (utuja) tạo ra.

Sư đã giảng là vào lúc thức tái sanh sanh khởi, sắc do nghiệp sanh khởi cùng với thức tái sanh gồm ba nhóm với mỗi nhóm gồm có 10 loại sắc pháp. Chúng rất vi tế đến nỗi không thể thấy được bằng mắt trần. Tuy nhiên, Đức Phật dạy 30 loại sắc này không ngừng kinh qua ba giai đoạn sanh, trụ, diệt và tăng trưởng từ lúc đó cho đến cuối đời. Do đó, ngay từ chập tâm thứ hai chúng bắt đầu sanh sản loại sắc khác và tiếp tục như vậy qua thời gian. Nhóm sắc này hình thành từ từ. Như vậy từ đầu loại sắc này vi tế không thấy được nhưng tăng trưởng rồi lớn dần, rắn chắc lại và hình thành thai bào. Sau khi thành thai bào, chúng ta không biết từ lúc nào thai bào nhận chất dinh dưỡng từ người mẹ. Khi thai bào nhận chất dinh dưỡng từ người mẹ, một loại sắc khác được tạo ra. Đó là sắc do chất dinh dưỡng hay thức ăn tạo nên.

Như vậy có tất cả bốn loại sắc pháp:

• Sắc do nghiệp tạo nên.

• Sắc do tâm tạo nên.

• Sắc do nhiệt độ tạo nên.

• Sắc do thực phẩm tạo nên.

Như vậy, chỉ có một loại sắc do tâm tạo nên còn ba loại kia thì không. Tuy nhiên, trong một cách thế nào đó, chúng chịu điều kiện bởi tâm.

Những loại sắc chỉ hiện hữu khi cơ thể còn sống. Khi cơ thể chết đi, sắc do nhiệt độ có thể còn tiếp tục được tạo ra một thời gian ngắn nữa nhưng sắc do thực phẩm, tâm, nghiệp tạo ra thì không. Khi nào một người được xem là còn sống? Khi người đó còn tâm. Vào lúc không còn tâm nữa, người đó được xem là chết. Do đó, Thức được xem là làm điều kiện cho bốn loại sắc pháp sanh khởi và hiện hữu. Vì thế mà tương quan thứ ba là “Do Thức làm điều kiên, Danh Sắc sanh khởi”.

Chú giải có đặt ra câu hỏi là làm thế nào biết được Thức làm điều kiện cho Danh Sắc sanh khởi? Đức Phật dạy trong Vi Diệu Pháp rằng “có những pháp hay hiện tượng đi theo Thức.” Điều này có nghĩa là những tâm sở và một vài loại sắc pháp đi cùng với thức. Căn cứ theo lời dạy đó chúng ta biết được rằng thức làm điều kiện cho danh sắc sanh khởi.

Làm sao biết được thức tái sanh liên hệ với danh và sắc? Không có ai có thể thấy được chính xác giây phút tái sanh đầu tiên ngoại trừ Đức Phật. Dù có thiên nhãn thông thấy được chúng sanh tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác cũng không thể thấy được chính xác giây phút đầu tiên của một kiếp sống. Những gì có thể thấy được là những khoảnh khắc trước và ngay sau giây phút tái sanh đầu tiên. Do đó, chúng ta không thể biết sự liên hệ giữa thức tái sanh và danh sắc ngay giây phút đầu tiên ấy. Tuy nhiên, Chú Giải có nói là dù chúng ta không có kiến thức trực tiếp nhưng có thể suy diễn. Nhưng suy diễn như thế nào?

Bây giờ chúng ta đã biết là tâm hay thức có thể làm điều kiện cho sắc sanh khởi. Khi mình sung sướng sắc diện khác với khi đau khổ. Khi bị trầm cảm một thời gian lâu, chúng ta trông già đi và tóc bạc ra. Điều này cho chúng ta biết rằng tâm đã ảnh hưởng đến sắc. Do đó, thức làm điều kiện cho sắc sanh khởi. Từ những điều trông thấy này chúng ta có thể suy diễn cho những gì không trông thấy đối với trường hợp của thức tái sanh là thức này làm điều kiện cho danh và sắc sanh khởi. Đó là cách suy diễn về liên hệ giữa thức tái sanh và danh sắc. Và đây cũng là câu trả lời của Chú Giải.

Thiền sinh thực hành Thiền Minh Sát có thấy được giây phút tái sanh không? Câu trả lời là không dù thiền sinh có thần thông đi nữa. Ngoài Phật ra không ai có thể thấy rõ ràng từng tâm một. Những gì họ có thể thấy là một nhóm tâm hay là cả lộ trình tâm hay tương tự như vậy. Do đó, thiền sinh không thể thấy riêng thức tái sanh và từng loại tâm khác. Ngoài ra, thức tái sanh và một số tâm đã thuộc về quá khứ và hành Thiền Minh Sát không thể chọn và kinh nghiệm đề mục đã qua rồi.

Những gì thiền sinh Minh Sát có thể kinh nghiệm là hiện tượng đang sanh khởi ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Chính vì vậy mà thiền sinh được chỉ dạy phải chánh niệm ghi nhận và theo dõi đề mục nổi bật ngay lúc sanh khởi. Nếu chú niệm và thấy rõ tâm hiện tại thì việc kinh nghiệm liên hệ giữa thức với tâm sở và sắc coi như đã thành đạt. Lý do là khi thật sự theo dõi tâm, quý vị sẽ thấy luôn tâm sở và sắc. Chẳng hạn như khi ghi nhận tâm tiếp xúc với đối tượng quý vị sẽ kinh nghiệm luôn các trạng thái tâm như xúc, cảm thọ, tưởng và có thể cả những trạng thái tâm khác như tham, sân… khi chúng sanh khởi. Như vậy, khi thật sự thấy được tâm, quý vị sẽ thấy luôn các tâm sở. Ngoài ra, khi thấy tâm sẽ thấy luôn rằng tâm cần phải có căn mới sanh khởi được. Ở đây là sắc căn. Vì thế, khi thấy tâm sẽ thấy sắc. Do đó, thấy được liên hệ này trong khi hành thiền, quý vị có thể suy diễn đối với tương quan thứ ba trong Mười Hai Nhân Duyên là “Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi”.

Tương quan thứ ba này một chiều hay hỗ tương? Quí vị nhớ trong một bài Pháp trước đây về Đức Bồ Tát quán Mười Hai Nhân Duyên, Sư nói có lần Ngài quán ngược quá tương quan thứ ba này để xem cái gì gây nên thức. Ngài thấy chính danh sắc làm điều kiện cho thức và nghĩ thức không qua khỏi danh sắc hay thức đi ngược trở lại. Ngài thấy thức tùy thuộc vào căn mới sanh khởi được. Chẳng hạn nhãn thức tùy thuộc vào nhãn căn để sanh khởi. Do đó, sắc làm điều kiện cho thức sanh khởi. Và khi thức sanh khởi, có một số tâm sở sanh khởi đồng thời với nó. Thức và các tâm sở hỗ trợ lẫn nhau. Đó là cách Đức Bồ Tát quán Mười Hai Nhân Duyên trước đêm thành đạo.

Như vậy, có sự liên hệ hỗ tương giữa thức và danh sắc: Thức làm điều kiện cho danh sắc và danh sắc làm điều kiện cho thức. Tương quan này hai chiều nên không giống như tương quan kế tiếp chỉ có một chiều là “Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”.

Mười Hai Nhân Duyên rất phức tạp trong đó các tương quan không rõ ràng dứt khoát mà liên hệ chằng chịt với nhau.

Bây giờ chúng ta hãy tóm tắt tương quan: “Do Thức làm điều kiên, Danh Sắc sanh khởi”.

Thức nào ở đây? Đó là tâm kết quả và các thức khác không phải tâm kết quả như là tâm hành hay các tâm khác. Danh ở đây là gì? Đó là các tâm sở. Sắc là gì? Sắc là tập hợp 28 tính chất vật chất gồm ba nhóm với mỗi nhóm có mười loại sắc khác nhau. Đối với con người, khi thọ thai thì thức làm điều kiện cho danh hay sắc sanh khởi? Câu trả lời là cả hai: Thức làm điều kiện cho danh sắc sanh khởi. Còn đối với chúng sanh chỉ có tâm không mà thôi thì “ Thức làm điều kiện cho Danh sanh khởi”. Đối với chúng sanh chỉ có sắc thì “ Thức làm điều kiện cho Sắc sanh khởi”. Thức trong hai trường hợp này giống như Tâm Hành khác với những thức thường.

Có một sự khác biệt về liên hệ trong tương quan thứ ba tùy theo thức là tâm kết quả hay tâm hành. Khi Thức là tâm hành thì liên hệ giữa thức và danh sắc là tương quan nghiệp hay nhân quả. Nhưng khi thức là tâm kết quả thì tương quan sẽ không là nhân quả nhưng là hỗ trợ mạnh mẽ. Đó là sự khác biệt duy nhất. Nếu các bạn không hiểu về tương quan nhân quả hay hỗ trợ mạnh mẽ đừng quá quan tâm.

Tóm lại, thức làm điều kiện cho danh sắc sanh khởi phải được hiểu tùy theo trường hợp. Đôi khi làm điều kiện cho danh sanh khởi, đôi khi làm điều kiện cho sắc sanh khởi, và đôi khi làm điều kiện cho cả danh và sắc sanh khởi.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn