(Xem: 1753)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2220)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

04-Do Danh Sắc Làm Điều Kiện, Lục Nhập Sanh Khởi

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 17231)

 

Tương Quan Thứ Tư


Do Danh Sắc Làm Điều Kiện, Lục Nhập Sanh Khởi

(Nāma-rūpa-paccayā salāyatanam = Danh Sắc Duyên Lục Nhập

)

Đây là tương quan thứ tư trong Mười Hai Nhân Duyên. Sư nghĩ sau khi giảng xong tương quan thứ ba, tương quan thứ tư sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị cho bài giảng về tương quan này, Sư thấy không dễ như đã nghĩ. Đề tài Mười Hai Nhân Duyên thật sự rất khó; do đó, Sư muốn quí vị ráng chú tâm khi học hỏi. Ngay cả Ngài Anan khi nói Mười Hai Nhân Duyên dễ hiểu cũng bị Đức Phật la: “Đừng nói như vậy này Anan! Đừng nói như vậy! Mười Hai Nhân Duyên trông thâm sâu và thật sự thâm sâu; cho nên, Mười Hai Nhân Duyên không phải dễ hiểu vì có rất nhiều vấn đề liên hệ với nhau.” Để có thể hiểu được Mười Hai Nhân Duyên, quí vị phải cần có một số kiến thức căn bản. Nếu không, sẽ gặp khó khăn. Sư sẽ cố gắng hết sức đơn giản hóa vấn đề để quí vị có thể hiểu được.

Trong các buổi giảng Sư hay dùng thêm từ Pali với mục đích là tránh hiểu sai lầm bởi vì không có cách dịch nào hoàn toàn chính xác. Bản dịch mà Sư dùng chỉ gần nhất với nguyên bản Pali trong các bản dịch mà thôi. Do đó, quí vị cũng nên làm quen và cố hiểu ý nghĩa các thuật ngữ Pali để tránh sai lầm về sau. Sư mong quí vị kiên nhẫn và đừng e ngại các từ Pali vì chúng ta sẽ không thể nào tránh khỏi việc sử dụng các thuật ngữ này.

Bây giờ Sư giảng về tương quan giữa Danh Sắc và Lục Nhập. Công thức của tương quan này là “Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”. Có ba thuật ngữ mà quí vị nên hiểu: Danh (Nāma), Sắc (Rūpa) và Lục Nhập (Āyatana hay là Salāyatana). Danh tổng quát có nghĩa là Tâm và quí vị biết Tâm là gì rồi. Tâm là yếu tố tùy thuộc vào thân thể và nhờ Tâm chúng ta kinh nghiệm đối tượng. Với Tâm, chúng ta suy nghĩ, dự phóng, phán xét, dính mắc, giận dữ... Những trạng thái này của Tâm được gọi là Tâm Sở. Do đó, danh từ Danh (nāma) là một danh từ tổng hợp và ít nhất có hai ý nghĩa hay hai thành tố: Tâm Vương (citta) và Tâm Sở (cetasika). Sự phối hợp cả hai thứ này gọi là Tâm hay Danh.

Tâm Vương (citta) cũng còn gọi là Thức (viññana) là nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng. Nhận biết đơn thuần có nghĩa là chỉ nhận biết sự có mặt của đối tượng mà thôi chứ chưa thấu rõ hay bị dính mắc vào đối tượng. Tâm Vương luôn luôn câu hữu hay được đi kèm bởi một số trạng thái của tâm như là Xúc (phassa), Thọ (vedanā), Tưởng (sañña), Tư hay Ý Muốn (cetanā), Nhất Tâm (ekaggata), Danh Mạng Căn (jivita) và Tác Ý hay Chú Ý (manasikara). Những trạng thái tâm này được gọi là Tâm Sở. Các tâm sở sanh khởi và hoại diệt đồng thời với tâm vương. Tâm vương được xem là dẫn đầu hay lãnh đạo các tâm sở trong ý nghĩa là chỉ khi nào có sự nhận biết đơn thuần đối tượng hay là có tâm tương thì mới có các trạng thái của tâm hay tâm sở. Chẳng hạn chỉ khi có nhận biết đối tượng mới có ý muốn, dính mắc hoặc hiểu biết về đối tượng. Đó là lý do tại sao tâm vương được xem là dẫn đầu hay là lãnh đạo các tâm sở. Trong Kinh Lời Vàng (Dhammapada) câu “Tâm dẫn đầu các Pháp” có nghĩa là “Tâm Vương dẫn đầu các Tâm Sở” như ở đây.

Căn cứ vào định nghĩa ở trên thì tâm vương chỉ có một loại mà thôi. Tuy nhiên, khi tương ưng hay câu hữu với nhiều nhóm tâm sở khác nhau, tâm vương trở thành tâm thiện hay tâm bất thiện. Tâm vương không màu sắc tựa như nước trong và tâm sở được xem như các màu. Bỏ màu xanh vào nước sẽ có nước xanh, bỏ màu đỏ sẽ có nước đỏ. Do đó, tâm sở tạo nên màu sắc cho tâm vương. Tâm vương và tâm sở luôn luôn sanh khởi và hoại diệt đồng thời với nhau. Và tương ưng với nhiều loại tâm sở như vậy nên có nhiều tâm vương khác nhau.

Có 89 hay 121 loại tâm vương tùy theo tâm sở đi kèm. Có tất cả 52 tâm sở. Tuy nhiên, không phải tất cả 52 tâm sở đều cùng sanh khởi với bất cứ tâm vương nào. Một số nhóm các tâm sở chỉ sanh khởi cùng với một vài loại tâm tương nào đó mà thôi. Vì vậy, sẽ không bao giờ có tất cả 52 tâm sở sanh khởi cùng một lúc với tâm vương. Riêng trong tương quan này, Danh chỉ gồm có các tâm sở mà thôi chứ không bao gồm tâm vương.

Bây giờ đến Sắc. Sắc là Sắc Pháp hay vật chất. Sắc có trong các chúng sanh hữu tình như chúng ta và thế giới chúng sanh vô tình như cây cối, nhà cửa, núi đồi... Có 28 tính chất vật chất: 18 cụ thể gồm Tứ Đại (4), năm giác quan hay Ngũ Căn còn được gọi là nội căn (5), năm sắc trần hay Ngũ Trần còn được gọi là ngoại căn (5), Giống Phái (1), Tim Căn (1), Sắc Mạng Căn hay mầm sống (1), Chất Dinh Dưỡng (1); và 10 trừu tượng: Không Gian (1), hai biểu hiện (qua thân, khẩu) (2), ba sắc thái (nhẹ nhàng, nhu nhuyến, thích ứng) (3), và bốn dấu hiệu (sanh, trụ, diệt, vô thường) (4). Sư sẽ giảng những tính chất vật chất nào có liên hệ đến tương quan này mà thôi. Đó là Tứ Đại, Ngũ Căn (nội căn), Tim Căn, Sắc Mạng Căn, và Chất Dinh Dưỡng.

Nhóm đầu tiên là Tứ Đại (cattaro mahābhuta). Tứ Đại gồm địa đại (pathavi-dhātū), thủy đại (āpo-dhātū), hỏa đại (tejo-dhātū), và phong đại (vāyo-dhātū). Địa đại không nhất thiết là đất nhưng là đặc tính của đất. Đó là tính chất cứng hay mềm. Thủy đại là đặc tính dính lại hay gò bó của nước. Hỏa đại là tính chất nóng, lạnh hay nhiệt độ. Phong đại là đặc tính bành trướng, nâng đỡ, gắn chặt hay lỏng lẽo. Tứ Đại là những yếu tố căn bản mà các tính chất vật chất còn lại tùy thuộc vào để sanh khởi hay hiện hữu.

Nhóm thứ hai là Ngũ Căn hay năm giác quan. Đó là các nội căn gồm phần nhạy cảm ở mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Phần nhạy cảm của mắt (cakkhu-pasāda) hay Nhãn Căn (cakkhāyatana) là các hạt tử trong mắt mà khi các hình ảnh bên ngoài chạm vào tạo ra các dữ kiện giúp chúng ta thấy đối tượng. Phần nhạy cảm của tai (sota-pasāda) hay Nhĩ Căn (sotāyatana) là các hạt tử trong tai nơi mà âm thanh đụng đến giúp chúng ta nghe được tiếng. Phần nhạy cảm của mũi (ghāna-pasāda) hay Tỉ Căn (ghanāyatana) là các hạt tử trong mũi nơi mà mùi chạm đến giúp chúng ta ngửi được mùi. Phần nhạy cảm của lưỡi (jivhā-pasāda) hay Thiệt Căn (jivhāyatana) là các hạt tử trong lưỡi nơi mà thức ăn đụng đến giúp chúng ta biết vị. Phần nhạy cảm của thân (kāya-pasāda) hay Thân Căn (kāyāyatana) là các hạt tử trong thân nơi mà đối tượng đụng đến giúp chúng ta cảm nhận được đối tượng.

Tim căn không phải là cả trái tim nhưng là một phần lượng máu trong tim. Đó cũng là căn của một số Thức hay Tâm Vương.

Kế đến là Sắc Mạng Căn (rūpa jīvitindriya). Đó là tính chất vật chất trong cơ thể nhằm duy trì sự sống. Nếu Sắc Mạng Căn chết đi, cơ thể sẽ hư hoại. Sắc Mạng Căn giúp các tính chất vật chất hay sắc pháp khác tồn tại nên còn được gọi là mầm sống.

Tương tự, để có thể tồn tại, các tính chất vật chất khác cần chất dinh dưỡng. Không có chất dinh dưỡng, các tính chất vật chất sẽ bị chết. Do đó, dinh dưỡng là một tính chất vật chất. Tất cả những tính chất vật chất này tạo thành Sắc Uẩn (rūpa). Khi nào Sắc Uẩn được đề cập đến trong Vi Diệu Pháp hay Mười Hai Nhân Duyên, nó có nghĩa là tập hợp các tính chất vật chất kể trên.

Bây giờ đến Lục Nhập (Salāyatana). Đây có nghĩa là sáu căn làm điều kiện cho Thức sanh khởi gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Chúng ta có tâm thấy hay nhãn thức nhờ có phần nhạy cảm của mắt hay nhãn căn. Nếu không có nhãn căn sẽ không có nhãn thức hay sự thấy sẽ không xảy ra. Một cách tương tự, chúng ta có phần nhạy cảm của tai là căn cho tâm nghe hay nhĩ thức được gọi là nhĩ căn, phần nhạy cảm của mũi là căn cho tâm ngửi hay tỉ thức được gọi là tỉ căn, phần nhạy cảm của lưỡi là căn cho tâm nếm hay thiệt thức được gọi là thiệt căn, và phần nhạy cảm của thân là căn cho tâm đụng hay thân thức được gọi là thân căn. Đây cũng là Ngũ Căn thuộc Sắc Uẩn (Rūpa-khanda) gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn. Ngũ Căn là căn bản cho năm thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức sanh khởi. Căn thứ sáu thuộc Lục Nhập là tâm căn thường được gọi là Ý Căn (manāyatana). Ý căn là căn bản cho các tâm vương khác ngoài nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt tức, thân thức sanh khởi. Thật ra ý căn cũng là tâm vương nên giống những tâm vương khác. Do đó, Lục Nhập chỉ gồm ngũ căn và tâm vương chứ không có tâm sở. Đến đây quí vị chắc đã hiểu Danh, Sắc và Lục Nhập một cách tổng quát là gì rồi.

Như vậy, tóm lại trong tương quan “Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi” này, Danh không bao gồm tâm vương nhưng chỉ có tâm sở mà thôi. Tâm vương chính là Thức trong tương quan trước hay là Ý Căn thuộc Lục Nhập trong tương quan này. Sắc gồm Tứ Đại, Ngũ Căn, Tim Căn, Sắc Mạng Căn và Chất Dinh Dưỡng. Lục Nhập gồm Ngũ Căn thuộc Sắc và thêm Ý Căn như vừa mới đề cập đến. Trong tương quan thứ tư này, Danh Sắc làm điều kiện cho Lục Nhập sanh khởi. Do đó, Danh Sắc là yếu tố điều kiện và Lục Nhập là yếu tố chịu điều kiện.

Bây giờ chúng ta xét đến tương quan giữa Danh Sắc và Lục Nhập. “Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục nhập sanh khởi” chỉ là phát biểu tổng quát. Công thức này không thể áp dụng trong tất cả mọi hoàn cảnh. Tùy theo từng trường hợp mà công thức này thay đổi.

Trước hết, chúng ta xét tương quan giữa Danh và Lục Nhập. Danh (tâm sở) có thể có nơi các chúng sanh có cả ngũ uẩn hay nơi chúng sanh chỉ có tâm không mà thôi.

Đối với chúng sanh chỉ có tâm (gồm tâm vương và tâm sở) mà không có Sắc, tương quan này phải được hiểu là “Do Danh làm điều kiện, tâm căn hay ý căn sanh khởi”. Lục Nhập trong trường hợp này chỉ gồm có Ý Căn cho nên Danh (tâm sở) do đó chỉ làm điều kiện hỗ trợ cho Ý Căn của Lục Nhập sanh khởi mà thôi.

Đối với chúng sanh đầy đủ ngũ uẩn, tức là cả tâm và thân, tương quan sẽ khác. Ở đây câu hỏi đặt ra là Danh (tâm sở) trong tương quan này liên hệ đến bao nhiêu căn thuộc Lục Nhập? Tất cả sáu căn bởi vì chúng sanh có ngũ uẩn có nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Trong trường hợp này Danh (tâm sở) làm điều kiện cho tất cả sáu căn sanh khởi hay “Do Danh làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”.

Sư đã từng giảng là Tâm Vương (citta) dẫn đầu các Tâm Sở (cetasika) bởi vì nếu không có tâm vương sẽ không có tâm sở, có đúng vậy không? Ở đây thì ngược trở lại. Mặc dầu tâm vương và tâm sở sanh khởi đồng thời nhưng chúng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu tâm sở không sanh khởi, tâm vương sẽ không thể nào sanh khởi được. Nếu không có chú ý vào đối tượng, không có xúc, không tập trung, không tác ý, tâm vương hay thức sẽ không sanh khởi. Do đó, các tâm sở làm điều kiện cho tâm vương hay thức sanh khởi.

Ví dụ một nhóm người kể cả trưởng nhóm đang cố gắng nhấc một vật thật nặng lên. Người trưởng nhóm không thể nào một mình nhất vật nặng lên được mà phải cần sự trợ lực của những người trong nhóm. Chỉ khi được trợ lực bởi những người trong nhóm, trưởng nhóm mới có thể nâng vật nặng lên được. Do đó, mặc dầu là trưởng nhóm nhưng ông ta vẫn phải cần sự hỗ trợ. Cũng như vậy, thức hay tâm vương được xem là lãnh đạo nhưng cần sự cộng tác của các tâm sở. Đó là lý do tại sao ở đây các tâm sở được xem là yếu tố điều kiện và thức hay tâm vương là yếu tố chịu điều kiện.

Nếu thức không còn, như trường hợp chết thì chuyện gì xảy ra? Khi chết, thân thể trở nên vô dụng, trông giống như khúc gỗ hay tảng đá và sẽ hư hoại. Nhãn căn và các căn khác không thể tiếp tục hiện hữu nếu không có thức tức tâm vương và tâm sở hỗ trợ. Do đó, các tính chất vật chất chịu điều kiện bởi tâm vương và tâm Sở.

Chúng ta đã xong tương quan giữa Danh và Lục Nhập. Bây giờ đến liên hệ giữa Sắc và Lục Nhập. Tương quan tổng quát sẽ là “Do Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”. Sắc ở đây gồm có Tứ Đại, Ngũ Căn, Tim Căn, Mạng Căn, Chất Dinh Dưỡng và chúng ta sẽ tuần tự xét tương quan giữa mỗi thành tố của Sắc đối với Lục Nhập: Tứ Đại và Lục Nhập, Ngũ Căn và Lục Nhập, Tim Căn và Lục Nhập, Mạng Căn và Lục Nhập, Chất Dinh Dưỡng và Lục Nhập.

a. Tứ Đại và Lục Nhập: Bắt đầu với liên hệ giữa Tứ Đại thuộc Sắc với Lục Nhập trong tương quan “Do Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”. Tứ Đại là Đất, Nước, Gió, Lửa một cách vắn tắt. Đại nào của Sắc có vai trò trong tương quan này và liên hệ đến bao nhiêu yếu tố trong Lục Nhập? Cả Tứ Đại đều liên hệ đến năm sắc căn của Lục Nhập theo tương quan hỗ trợ vì nếu không có Tứ Đại, các sắc căn như nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn và thân căn thuộc Lục Nhập không thể sanh khởi được. Do đó, Tứ Đại là yếu tố điều kiện và năm sắc căn trong Lục Nhập là yếu tố chịu điều kiện. Và tương quan trong trường hợp này sẽ là: “Do Tứ Đại (thuộc Sắc) làm điều kiện, Ngũ Căn (năm sắc căn của Lục Nhập) sanh khởi”.

Ví dụ trong tròng con mắt, có hàng triệu hạt tử vật chất làm điều kiện cho phần nhạy cảm của mắt sanh khởi. Các hạt tử là Địa Đại thuộc Sắc và phần nhạy cảm của mắt là nhãn căn thuộc Lục Nhập trong tương quan vừa nêu trên. Do đó, Địa Đại trong tròng con mắt (thuộc Sắc) là yếu tố điều kiện và phần nhạy cảm của mắt (nhãn căn thuộc Lục Nhập) là yếu tố chịu điều kiện. Tương tự như vậy đối với tương quan giữa địa đại thuộc Sắc và các căn liên hệ với tai, mũi, lưỡi, và thân của Lục Nhập cũng như tương quan của các đại khác như thủy đại, hỏa đại và phong đại đối với ngũ căn thuộc Lục Nhập.

b. Ngũ Căn và Lục Nhập: Bây giờ đến phần liên hệ giữa Ngũ Căn (thuộc Sắc) và Lục Nhập trong tương quan “Do Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”. Câu hỏi đặt ra là yếu tố nào của Lục Nhập tương quan với Ngũ Căn thuộc Sắc? Ngũ căn (thuộc Sắc) không thể làm điều kiện cho năm sắc căn trong Lục Nhập nên chỉ còn làm điều kiện cho ý căn trong Lục Nhập mà thôi. Chẳng hạn như nhãn căn (Sắc) làm điều kiện cho Thức (thuộc Lục Nhập) sanh khởi trong tương quan “Sắc làm điều kiện cho Lục Nhập sanh khởi”. Tương tự như vậy đối với các căn còn lại như nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn và thân căn (thuộc Sắc) làm điều kiện cho Thức hay ý căn thuộc Lục Nhập sanh khởi.

Nhưng tương quan giữa Ngũ Căn thuộc Sắc đối với Thức hay ý căn trong Lục Nhập như thế nào? Để thấy một đối tượng, quí vị cần gì cho nhãn thức (thuộc Lục Nhập) sanh khởi? Đó là mắt hay nhãn căn, đối tượng có thể thấy được, và sự chú ý có phải vậy không? Khi quí vị thấy một cái gì thì có nhãn thức. Do đó, Thức tùy thuộc vào căn và đối tượng. Nhưng ở đây chúng ta không xét đến căn bên ngoài nhưng là ở trong chúng ta. Do đó, khi chúng ta thấy cái gì, nhãn thức tùy thuộc vào nhãn căn là một trong ngũ căn để sanh khởi. Nhãn căn (thuộc Sắc) hỗ trợ nhãn thức (thuộc Lục Nhập). Đó là liên hệ trong tương quan “Do Ngũ Căn (thuộc Sắc) làm điều kiện, Ý Căn hay Thức (thuộc Lục Nhập) sanh khởi.

c. Tim Căn và Lục Nhập: Bây giờ sang đến Tim Căn thuộc Sắc trong tương quan “Do Sắc làm điều kiện, Lục Nhập Sanh khởi”. Quí vị đã biết căn này rồi. Đó là quả tim hay đúng hơn là các hạt tử trong lượng máu ở tim. Ý căn và Tim Căn khác nhau. Ý Căn hay Tâm Căn là Thức thuộc Danh trong khi Tim Căn là tim thuộc Sắc. Như thế nào Tim Căn của Sắc liên hệ đến Lục Nhập? Tim Căn chỉ liên hệ đến Ý Căn chứ không phải ngũ căn tức là năm phần nhạy cảm của các giác quan như nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn trong Lục Nhập. Có những Thức hay Tâm Vương tùy thuộc vào Tim Căn khác với nhãn thức tùy thuộc vào nhãn căn, nhĩ thức tùy thuộc vào nhĩ căn, tỉ thức tùy thuộc vào tỉ căn, thiệt thức tùy thuộc vào thiệt căn, thân thức tùy thuộc vào thân căn . Chẳng hạn như khi chúng ta suy nghĩ, nhớ, dự phóng về việc gì hoặc khi chúng ta giận...thì Thức trong các trường hợp này tùy thuộc vào Tim Căn. Tim Căn như vậy chỉ liên hệ với Ý Căn hay Thức trong Lục Nhập mà thôi. Do đó mà tương quan sẽ là “Do Tim Căn ( thuộc Sắc) làm điều kiện, Ý Căn (thuộc Lục Nhập) sanh khởi”.

d. Mạng Căn và Lục Nhập: Kế đến là Mạng Căn. Mạng Căn thuộc Sắc chính là tính chất vật chất có công năng duy trì sự sống cho các tính chất vật chất hay sắc pháp khác. Mạng căn liên hệ với Lục Nhập như thế nào? Khi còn Mạng Căn, các tính chất vật chất khác còn sống; khi không còn Mạng Căn, các tính chất vật chất khác chết. Do đó, Mạng Căn chỉ liên hệ đến ngũ căn trong Lục Nhập mà thôi. Vì thế tương quan sẽ là “Do Mạng Căn (thuộc Sắc) làm điều kiện, ngũ căn hay năm phần nhạy cảm (thuộc Lục Nhập) sanh khởi”.

e. Chất Dinh Dưỡng và Lục Nhập: Tương tự như trường hợp của Mạng Căn, khi không có chất dinh dưỡng ngũ căn của Lục Nhập không thể tồn tại. Do đó, chất Dinh Dưỡng chỉ liên hệ đến năm sắc căn trong Lục Nhập. Như vậy tương quan sẽ là “Do Chất Dinh Dưỡng (thuộc Sắc) làm điều kiện, năm sắc căn (thuộc Lục Nhập) sanh khởi”.

Tóm lại, một cách tổng quát, công thức của tương quan này là “Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi”. Thoạt trông qua, công thức này rất rõ ràng nhưng sau khi xem xét, chúng ta thấy công thức này gồm nhiều chi tiết và biến đổi tùy theo từng trường hợp một.

Các trường hợp được giải thích ở trên được tóm tắt lại như sau:

1. Danh duyên Ý Căn: Trong trường hợp chúng sanh chỉ có Tâm mà thôi thì công thức sẽ là “Do Danh (tâm sở) làm điều kiện, Ý Căn sanh khởi”. Muốn biết được điều này chúng ta phải là loại chúng sanh này hay tin tưởng vào những gì Đức Phật dạy. Tuy nhiên, khi hành thiền, chúng ta ghi nhận và theo dõi các trạng thái tâm (tâm sở) giận, vui, đau khổ, dính mắc… khi chúng sanh khởi và thấy có những tâm vương hay thức liên hệ với những trạng thái này. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu những trạng thái tâm hay tâm sở làm điều kiện cho thức (hay ý căn) và chúng ta hiểu được tương quan “Do Danh làm điều kiện, Ý Căn (Thức) sanh khởi”.

2. Sắc duyên Ý Căn: Khi nhìn và thấy đối tượng, chúng ta có nhãn Thức và nhận ra Nhãn Thức sanh khởi nhờ vào nhãn căn và đối tượng. Do đó, chúng ta hiểu được sắc gồm ngũ căn và tim căn làm điều kiện cho thức hay ý căn sanh khởi.

3. Sắc duyên Ngũ Căn: Mạng Căn và Chất Dinh Dưỡng của Sắc làm điều kiện cho ngũ căn của Lục Nhập sanh khởi.

Tương quan ở đây này là loại tương quan gì? Nhân quả hay hỗ trợ? Nhiều người nghĩ tương quan này là nhân quả. Thật ra không hẳn đúng như vậy. Ngoại trừ các trường hợp giữa hành nghiệp và thức hay giữa hữu và sinh trong Mười Hai Nhân Duyên là tương quan nhân quả, các trường hợp khác chỉ là hỗ trợ mà thôi. Chẳng hạn Danh (tâm sở) là điều kiện hỗ trợ và Ý Căn hay Thức được hỗ trợ hay chịu điều kiện. Cả hai loại yếu tố này sanh khởi đồng thời với nhau. Như vậy trong tương quan này, các yếu tố đồng xảy ra và hỗ trợ lẫn nhau.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn