(Xem: 1506)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1861)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

09-Do Thủ Làm Điều Kiện, Hữu Sanh Khởi.

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 16117)

 

Tương Quan Thứ Chín

 

Do Thủ Làm Điều Kiện, Hữu Sanh Khởi

(Upādāna-pacayā bhavo: Thủ Duyên Hữu)

 

Tương quan thứ chín trong Mười Hai Nhân Duyên có công thức là “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi.” Một khi có chấp thủ thì sẽ có những hành động tương ưng với chấp thủ. Và khi có hành động thì sẽ có hậu quả của hành động có nghĩa là nghiệp (nhân) và kết quả của nghiệp (quả) sẽ xảy ra.

Tương quan thứ chín này nói về liên hệ giữa Thủ (upādāna) và Hữu (bhava). Khi chúng ta học Phật Pháp đặc biệt là Pháp Duyên Sinh, hiểu chính xác ý nghĩa những thuật ngữ trong Kinh thật là quan trọng. Nếu không, sự hiểu biết của chúng ta về kinh điển sẽ thiếu sót hay sai lạc với lời dạy của Đức Phật. Đôi khi những thuật ngữ có ý nghĩa khác hơn hiểu biết thông thường của chúng ta. Hữu (bhava) là một trong những thuật ngữ như vậy.

Hữu là gì? Ý nghĩa thông thường là hiện hữu, đời sống, hay tái sanh. Tuy nhiên, trong tương quan này, Hữu có thêm một ý nghĩa khác nữa. Chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa này hơn nếu tìm hiểu sơ khởi tương quan thứ 10 kế tiếp là “Do Hữu làm điều kiện, Sinh (jāti) sanh khởi”. Sinh ở đây là gì? Đó là tái sanh. Như vậy nếu hiểu Hữu là tái sanh theo ý nghĩa thông thường nói trên thì Hữu sẽ đồng nghĩa với Sinh trong tương quan thứ 10 này. Do đó, nếu chúng ta hiểu Hữu trong tương quan thứ chín “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi” là tái sanh, thì tương quan thứ mười sẽ là “Do tái sanh làm điều kiện, tái sanh sanh khởi”. Như vậy chẳng có nghĩa gì cả vì tái sanh không thể làm điều kiện cho chính nó. Do đó, chỉ hiểu Hữu là tái sanh thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Vì thế, chúng ta phải hiểu Hữu trong tương quan thứ chín này theo một ý nghĩa nữa chứ không chỉ là tái sanh không mà thôi. Ở đây Chú Giải Vi Diệu Pháp (Atthasālini) đóng góp một sự giải thích rất là hữu ích mà nếu không có giải thích này thì chúng ta sẽ không thể nào hiểu chính xác lời dạy của Đức Phật về tương quan thứ chín. Do đó, chúng ta nên biết ơn Chú Giải. Hữu ở tương quan thứ 10 là nguyên nhân của tái sanh chứ không phải tái sanh. Như vậy, Hữu ở tương quan thứ chín “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi” ngoài ý nghĩa thông thường là tái sanh còn là nguyên nhân của tái sanh nữa.

Tại sao Hữu ở tương quan thứ 10 được xem là nguyên nhân của tái sanh? Đôi khi chúng ta dùng danh từ của kết quả để chỉ nguyên nhân. Trong ngôn ngữ thường nhật, chúng ta thường gặp điều này. Ví dụ, vì sợ bệnh tiểu đường nên khi trông thấy đường quý vị có thể nói đó là “tiểu đường”. Hoặc thấy muối trên bàn, bạn nói đó là “áp huyết cao”. Do đó, nói đường là “tiểu đường” có nghĩa đường là nguyên nhân của bịnh tiểu đường và khi nói muối là áp huyết cao có nghĩa là nguyên nhân của áp huyết cao. Tương tự như vậy, ở đây đối với Hữu chúng ta không ám chỉ Hữu trong ý nghĩa tái sanh thông thường quen thuộc nhưng là nguyên nhân của Hữu. Đó là yếu tố làm điều kiện hay nguyên nhân gây ra tái sanh về sau. Đến đây chắc quý vị biết Hữu là gì rồi phải không? Đó chính là Nghiệp. Vì thế, trong tương quan thứ chín “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi” Hữu có hai ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên là Nghiệp Hữu (kamma bhava) và ý nghĩa thứ hai là Hiện Hữu (upapatti bhava) hay tái sanh.

Nghiệp Hữu là nghiệp. Ở đây, nghiệp không chỉ là ý muốn (cetanā) mà còn là một vài trạng thái tâm hay tâm sở hiện diện đồng thời với ý muốn như tham, sân…Và Hiện Hữu ở đây có nghĩa là tái sanh và có chín hình thức tái sanh được phân thành ba loại theo Chú Giải. Mỗi loại gồm ba hình thức tái sanh và chúng có thể bao gồm lẫn nhau. Quý vị không cần biết hết ở đây. Quý vị chỉ cần nhớ hiện hữu là tái sanh, kiếp sống hay đời sống. Tái sanh vào cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới hay bốn nơi thấp kém.

Quý vị nhớ trong tương quan đầu tiên “Do vô minh làm điều kiện, Hành sanh khởi”, Hành là nghiệp nên còn gọi là Hành Nghiệp. Trong tương quan thứ 10 này, Hữu cũng là nghiệp nên gọi là Hữu Nghiệp. Cả hai đều là nghiệp nên có sự lặp lại nghiệp trong Mười Hai Nhân Duyên. Tại sao có sự lặp lại về Nghiệp như vậy? Chú Giải giải thích là Hành Nghiệp thuộc về kiếp trước làm điều kiện cho Thức sanh khởi trong kiếp hiện tại. Và Hữu Nghiệp là nghiệp trong kiếp hiện tại làm điều kiện cho tái sanh trong kiếp kế đến. Vì thuộc vào các thời điểm khác nhau nên Nghiệp được lặp lại, đầu tiên là Hành Nghiệp và sau đó là Hữu Nghiệp.

Có sự khác biệt nào không giữa Hành Nghiệp và Hữu Nghiệp? Trong tương quan thứ hai “Do Hành làm điều kiện, Thức sanh khởi”, Thức chịu điều kiện bởi Hành. Có một cõi chỉ có sắc không mà thôi nên những chúng sanh ở cõi này không có Thức. Do đó, tương quan thứ hai này không thể bao gồm liên hệ giữa Hành Nghiệp của các chúng sanh ở cõi không có tâm này được. Tuy nhiên, trong tương quan thứ 10 “Do Hữu làm điều kiện, Sinh sanh khởi”, Sinh ở đây là tái sanh bao gồm luôn các cảnh giới nơi đó chúng sanh chỉ có thân mà không có tâm. Thêm vào đó, không phải chỉ có ý muốn (cetanā) mới là Nghiệp như trong tương quan thứ hai mà ý muốn cùng với các trạng thái tâm sanh khởi đồng thời với ý muốn như tham… đều là Nghiệp và được gọi là Hữu hay Hữu Nghiệp. Đó là khác biệt nhỏ giữa Hành Nghiệp và Hữu Nghiệp.

Có thể quý vị đã để ý thấy sự bất nhất về nguyên nhân của nghiệp. Một đằng là Nghiệp (Hành Nghiệp) chịu điều kiện bởi Vô Minh theo tương quan thứ nhất (Do Vô Minh làm điều kiện, Hành sanh khởi), đằng khác là Nghiệp (Hữu Nghiệp) chịu điều kiện bởi Thủ theo tương quan thứ chín (Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi). Như vậy cả Vô Minh và Thủ đều là nguyên nhân gây ra Nghiệp hay sao?

Nếu các quý vị hiểu Vi Diệu Pháp thì sẽ thấy không có vấn đề gì cả vì Vô Minh luôn luôn có mặt cùng với các tâm sở bất thiện khác kể cả Thủ. Do đó, bất cứ lúc nào các tâm sở bất thiện có mặt là có Vô Minh. Cho nên, mặc dầu chỉ có Thủ được đề cập như là nguyên nhân của Hữu Nghiệp trong tương quan thứ chín nhưng Vô Minh cũng là nguyên nhân gây ra Hữu Nghiệp. Hai tâm sở bất thiện này cùng chung một nhóm vì liên hệ với nhau. Quí vị còn nhớ đến ba vòng là Vòng Ô Nhiễm, Vòng Nghiệp và Vòng Quả không? Vô Minh, Ái và Thủ thuộc Vòng Ô Nhiễm, cho nên khi một tâm sở thuộc vòng ô nhiễm này được đề cập, hai tâm sở còn lại được bao gồm luôn. Như vậy, trong cốt tủy, cả hai tương quan thứ nhất và thứ chín đều giống nhau. Do đó, khi nói “Do Vô Minh làm điều kiện, Hành sanh khởi” không chỉ có Vô Minh nhưng còn có các tâm sở Ái và Thủ nữa. Tương tự như vậy, khi nói “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi”, không chỉ có Thủ mà còn có Vô Minh và Ái nữa. Tóm lại, ý nghĩa của tương quan thứ chín là tùy thuộc vào bốn loại Thủ (dục thủ, kiến thủ, tập hành thủ và ngã chấp thủ), Nghiệp Hữu (kamma bhava) và Sinh Hữu (upapatti bhava) sanh khởi.

Bây giờ chúng ta hãy xem như thế nào Nghiệp Hữu (nghiệp) và Sinh Hữu (tái sanh) sanh khởi tùy thuộc vào bốn loại Thủ. Loại thủ thứ nhất là dục thủ. Đây là sự mong ước hay khao khát vật hay người nào đó trong cuộc đời. Do ham muốn mạnh mẽ như vậy mà con người có thể tìm mọi cách như lường gạt, cướp giựt hay giết hại để đạt cho được đối tượng. Đó là hữu nghiệp. Kết quả của hữu nghiệp dù thiện hay bất thiện sẽ là tái sanh vào một kiếp sống mới với sắc uẩn và danh uẩn mới mẻ nhưng chịu điều kiện của hữu nghiệp. Do đó, tùy thuộc vào dục thủ mà nghiệp hữu và sinh hữu (tái sanh) sanh khởi.

Ví dụ quý vị được nghe hay đọc sách biết cõi trời là nơi sung sướng đầy lạc thú có các chư thiên sống lâu, không bị đau khổ như ở cõi người. Do đó, quý vị muốn được tái sanh làm các vị trời trong cảnh giới ấy. Nếu ước muốn mạnh mẽ, có thể quý vị sẽ hành động với hy vọng được sanh về nơi đó. Nhờ đọc được sách tốt hay gặp thầy giỏi khuyên bố thí, giữ giới nên quý vị làm theo. Như vậy, bố thí và trì giới là thiện hữu nghiệp chịu điều kiện của dục thủ hay ước muốn mạnh mẽ được sanh lên cõi trời. Và kết quả của thiện hữu nghiệp này là sau khi chết quý vị được sanh lên đó. Vì thế tái sanh hay sinh hữu là kết quả của nghiệp hữu chịu điều kiện bởi dục thủ.

Xưa kia vì hiểu biết sai như để được sanh lên cõi trời phải giết sinh vật như gà, cừu, bò hay người để tế lễ. Và vì tin như vậy cũng như rất muốn được sanh lên cõi trời nên con người đã làm điều này. Sát sanh là một hành động bất thiện nên là bất thiện hữu nghiệp. Và nghiệp này chịu điều kiện bởi ước muốn mạnh mẽ được sanh vào cõi trời hay là dục thủ. Kết quả của bất thiện hữu nghiệp là không những không được tái sanh vào cảnh trời nhưng ngược lại bị sanh vào một trong bốn cõi thấp kém. Sự tái sanh vào các nơi này là sinh hữu. Như vậy, cả nghiệp hữu và sinh hữu đều chịu điều kiện của dục thủ.

Giả sử qua Ấn độ Giáo, có vị được biết ở cõi Phạm Thiên các Phạm Thiên vẫn có vợ và hưởng nhiều lạc thú giác quan nên muốn được tái sinh lên đó. Họ nỗ lực hành Thiền Vắng Lặng hay Thiền Chỉ để đắc các tầng thiền hầu thành đạt ước muốn của mình. Thực tập thiền chỉ như vậy là hữu nghiệp, chịu điều kiện của dục thủ là ước muốn được sanh làm phạm thiên. Do kết quả đắc thiền, họ sanh lên cõi đó. Như vậy tái sanh hay sinh hữu là kết quả trực tiếp của hữu nghiệp và gián tiếp của dục thủ. Tưởng cũng nên đề cập ở đây là sự tin tưởng các cõi phạm thiên có nhiều lạc thú giác quan không phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Theo kinh điển Phật Giáo, cõi phạm thiên không có lạc thú giác quan vì ở đó các phạm thiên chỉ có mắt, tai và tâm chứ không có khứu giác, vị giác và xúc giác. Các giác quan thị giác và thính giác không phải để hưởng dục lạc nhưng chỉ để thấy và nghe giáo pháp của Đức Phật mà thôi.

Bây giờ đến sự liên hệ giữa Kiến Thủ (ditthupādāna) và Hữu. Kiến thủ là tà kiến không tin vào định luật nghiệp báo. Vì không tin nên quý vị có thể không muốn làm điều thiện hoặc làm điều bất thiện vì không sợ quả báo. Quý vị làm chỉ để được hưởng hạnh phúc riêng tư bất chấp là đúng hay sai, công bình hay không công bình. Hành động như vậy là hữu nghiệp chịu điều kiện bởi kiến thủ. Nếu là bất thiện hữu nghiệp, quý vị sẽ bị tái sanh vào bốn đường ác đạo. Sự tái sanh này là sinh hữu, kết quả của hữu nghiệp và cũng chịu điều kiện bởi kiến thủ.

Có những người không tin vào định luật nghiệp báo nhưng lại làm điều lành như bố thí cho các hội từ thiện, xây cất bệnh viện hay tặng dữ nhiều món tiền khổng lồ cho các cơ quan nhân đạo… Các hành động này là thiện hữu nghiệp. Tuy không tin vào định luật nghiệp báo nhưng vẫn có kết quả tốt lành theo định luật nghiệp báo. Sự tái sanh vào cảnh tốt của người đó là sinh hữu và đây là kết quả của hữu nghiệp chịu điều kiện của kiến thủ tức tà kiến không tin vào định luật nghiệp báo.

Kế tới là Tập Hành Thủ (silabbatupādāna) và Hữu. Nếu có tà kiến tin rằng ứng xử như chó, bò hay súc vật sẽ đưa đến giải thoát và làm theo như vậy là tập hành thủ và tập hành thủ này tạo ra hữu nghiệp. Như đã được đề cập trước đây, theo Đức Phật, hữu nghiệp này sẽ đưa đến tái sanh vào cõi súc sanh hay địa ngục; do đó, tái sanh hay sinh hữu này là kết quả của hữu nghiệp. Như vậy tập hành thủ làm điều kiện cho hữu nghiệp và sinh hữu sanh khởi.

Sư muốn giải thích thêm về tập hành thủ không chỉ bao gồm sự ứng xử như súc vật mà thôi. Nếu chỉ có vậy thì không đủ sức thuyết phục. Tập hành thủ còn bao gồm cả bố thí và giữ giới nữa. Nếu tin rằng ở cảnh trời có thể bố thí và giữ giới tốt hơn và do đó ngay trong kiếp hiện tại đã cố gắng làm những điều này để được tái sanh vào cảnh trời thì đó là tập hành thủ. Hành động bố thí và giữ giới là nghiệp hữu và tái sanh là sinh hữu. Cả hai chịu điều kiện bởi tà kiến về tập hành thủ.

Thứ tư là tương quan giữa Ngã Chấp Thủ và Hữu. Ngã chấp thủ là sự tin tưởng vào linh hồn hay bản ngã. Một người tin như vậy sẽ nghĩ rằng mình có một linh hồn hay bản ngã cần phải được cải thiện để được giải thoát. Người đó có thể làm những điều phước thiện và do kết quả của thiện nghiệp, được tái sanh tốt lành. Cũng có thể bị hướng dẫn sai lạc làm những điều bất thiện và kết quả của bất thiện nghiệp này khiến người đó sẽ tái sanh vào bốn đường ác đạo. Do đó, nghiệp hữu và sinh hữu cũng khác nhau tùy thuộc vào hành động xảy ra chịu điều kiện của tà kiến về linh hồn hay bản ngã.

Như vậy, tùy thuộc vào thủ mà hữu gồm nghiệp hữu (nghiệp) và sinh hữu (tái sanh) sanh khởi. Nghiệp hữu là kết quả trực tiếp của thủ nên rất quan trọng và sinh hữu là kết quả gián tiếp của Thủ. Bởi vì sinh hữu và sinh giống nhau cho nên trong tương quan thứ chín hữu chỉ nên được hiểu là nghiệp hữu mà thôi. Theo cách này sẽ dễ dàng hiểu tương quan “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi” hơn mặc dầu Chú Giải đã giải thích hữu bao gồm nghiệp hữu và sinh hữu như Sư vừa đề cập. Thêm vào đó, chúng ta sẽ không bị khó khăn khi sang tương quan thứ mười kế tiếp “Do Hữu làm điều kiện, Sinh sanh khởi” mà ở đó hữu chỉ có ý nghĩa là nghiệp hữu (nghiệp) chứ không phải cả hai ý nghĩa như ở trên. Tóm lại, theo tương quan này, bất cứ những gì chúng ta làm dù tốt hay xấu đều chịu điều kiện của một trong bốn loại thủ.

Thực tập Thiền Minh Sát có chịu điều kiện của thủ hay không? Theo tương quan này, chúng ta không tránh khỏi câu trả lời là thực tập Thiền Minh sát cũng bị điều kiện bởi thủ và đây là dục thủ. Thủ là phiền não của tâm cần đoạn trừ cho nên thực tập Thiền Minh Sát để loại bỏ Thủ. Như vậy, phiền não trong một ý nghĩa nào đó làm điều kiện cho sự thực tập Thiền Minh Sát. Nói một cách khác chúng ta thực tập Thiền Minh Sát vì muốn hết phiền não để được giải thoát. Do đó, mong muốn chân hạnh phúc dù đó là Niết Bàn hay thánh quả A La Hán thì vẫn là ước muốn, vẫn là dục thủ. Như vậy, vì dục thủ này chúng ta thực tập Thiền Minh Sát.

Có một cách giải thích nữa của một nhà luận giải dựa theo tương quan giữa thiện nghiệp và vô minh. Vô minh là một trạng thái tâm hay tâm sở bất thiện; tuy nhiên, nếu quý vị hành động nhằm vượt qua hay đoạn trừ vô minh thì vô minh được xem là điều kiện cho thiện nghiệp. Tương tự như vậy, có thể nói rằng để loại bỏ chấp thủ cùng với những tâm sở bất thiện khác nên chúng ta thiền tập. Cho nên thiền tập của chúng ta chịu điều kiện của chấp thủ và những tâm sở bất thiện này. Do đó, thực tập Thiền Minh Sát chịu điều kiện của dục thủ là ước muốn hành thiền để đoạn trừ ô nhiễm nơi tâm.

Thực tập Thiền Minh Sát có đưa đến tái sanh hay không? Khi thực tập Thiền Minh Sát quí vị muốn chấm dứt tái sanh hay muốn được tái sanh tốt hơn? Sư không nghĩ quí vị muốn được tái sanh tốt hơn nhưng chúng ta hãy trả lời câu hỏi. Trong một Chú Giải có nói là Thiền Minh Sát không đưa đến tái sanh. Tuy nhiên, Chú Giải cũng ghi lại ý kiến của một luận sư nổi tiếng là cho đến khi đạt thánh quả A La Hán, thực tập Thiền Minh Sát vẫn còn dẫn đến tái sanh hoặc là tái sanh đến ít nhất bảy lần. Cố hòa thượng thiền sư Mahāsi Sayadaw cho biết Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna), phẩm cao tột của Vi Diệu Pháp, dạy rằng tâm minh sát cao có Niết Bàn làm đối tượng là điều kiện cho tái sanh. Nếu tâm minh sát cao là điều kiện của tái sanh thì đương nhiên các tâm minh sát thấp hơn cũng sẽ đưa đến tái sanh. Do đó, nói theo Duyên Hệ Duyên thì Thiền Minh Sát cũng đưa đến tái sanh. Nếu xét theo định luật nghiệp báo, bạn có thể dễ dàng chấp nhận như vậy.

Thực tập Thiền Minh Sát là loại thiện nghiệp gì? Thiền Minh sát là hành động thiện (kusala) thuộc cõi dục giới (kāmā vacāra) nên gọi là dục giới thiện nghiệp (kāmāvacāra kusala). Nếu là dục giới thiện nghiệp thì sẽ đưa đến kết quả hay quả báo. Tại sao như vậy? Định luật nghiệp báo là một định luật thiên nhiên cho nên không thể nào ngăn cản được việc thực tập Thiền Minh Sát đưa tới quả báo. Quả báo đó là tái sanh vào cõi người hay cõi trời dục giới. Tương tự như hột xoài bỏ xuống đất sẽ mọc thành cây không thể nào khác được. Vì thế, thực tập Thiền Minh Sát sẽ đưa tới tái sanh trong cõi dục giới.

Tại sao phải thực tập Thiền Minh Sát nếu kết quả vẫn còn phải tái sanh? Hay tại sao chúng ta thực tập Thiền Minh Sát? Chúng ta có thể tái sanh vào cảnh người, cảnh trời bằng bố thí, giữ giới và những điều này ít khó nhọc hơn là hành thiền, vậy thì tại sao chúng ta lại phải thực tập Thiền Minh Sát? Nếu lý luận như vậy thì thực tập Thiền Minh Sát thật ra không cần thiết và chẳng hấp dẫn chút nào cả. Mục đích của thực tập Thiền Minh Sát là để ra khỏi vòng luân hồi. Với thực tập, chúng ta sẽ loại bỏ lần hồi phiền não hay ô nhiễm trong tâm. Sự loại bỏ đầu tiên là loại bỏ trong khoảnh khắc. Điều này có nghĩa là khi tâm chánh niệm theo dõi đề mục, chúng ta tránh được những phiền não sanh khởi trong tâm liên hệ đến đề mục ngay trong khoảnh khắc đó. Khi sự thực hành Thiền Minh Sát được tốt đẹp hơn, quý vị sẽ thấy phiền não sẽ không sanh khởi ngay cả đối với những đối tượng không được theo dõi. Do sức mạnh loại trừ phiền não đối với những đối tượng được theo dõi, quý vị có thể tránh được phiền não đối với những đối tượng không được theo dõi. Do đó, phiền não sẽ yếu dần khi có tiến bộ trong sự thực tập. Và khi thời điểm đến, đạo tâm hay giác ngộ xảy ra sẽ loại trừ vĩnh viễn phiền não hay ô nhiễm trong tâm. Đây chính là giải thoát rốt ráo.

Bây giờ quý vị đã biết sự khác biệt giữa thiện nghiệp thông thường và thiện nghiệp do Thiền Minh Sát đem lại. Tuy cả hai đều là thiện nghiệp dục giới tức là hành động phước thiện thực hiện trong cõi dục giới nhưng lại khác nhau. Khác với hành động phước thiện thông thường không thể đưa chúng ta ra khỏi luân hồi, thực tập Thiền Minh Sát đưa đến loại trừ phiền não và chấm dứt tái sanh. Do đó, nếu muốn có hạnh phúc thật sự và thoát vòng sanh tử luân hồi, quí vị nên thực tập Thiền Minh Sát. Chúng ta không nên chỉ hài lòng với hành động bố thí và giữ giới hay hành thiền Vắng Lặng không mà thôi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn