(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

05-Nghiệp và tái sanh.

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 15829)

Chương 5


NGHIỆP VÀ TÁI SINH

Chúng ta có thể mất nhiều thì giờ để bàn cãi và suy đoán về vấn đề Nghiệp báo (tiếng Pali là Kamma, tiếng Phạn là Karma) và Tái sinh, nhưng trước mắt chúng ta chỉ biết là chúng ta tin hoặc không tin, hoặc hoàn toàn không biết gì hết về những vấn đề nầy. Vì thế, thay vì cứ tiếp tục suy đoán và bàn cãi, tôi đề nghị chúng ta xem xét vấn đề Nghiệp và Tái sinh một cách cụ thể và ngay trong giây phút hiện tại.

KẾT QUẢ CỦA SỰ SINH

Thỉnh thoảng có người yêu cầu tôi giải thích tại sao mọi việc xảy ra như nó đã xảy ra. Chẳng hạn họ nói, "Tôi biết người nầy suốt đời sống rất tốt. Bà ta không làm điều gì sai trái cả. Bà là người siêng năng và chỉ biết hy sinh cá nhân mình. Nhưng bà lại chết rất đau đớn vì bịnh ung thư. Bà đã làm gì mà phải chịu đau đớn khủng khiếp như thế?" Họ muốn tôi trả lời là, "Có lẽ trong kiếp trước, bà đã làm một điều gì đó tội lỗi lắm nên kiếp nầy bà phải trả giá như thế." Đó là cách giải thích bình dân và thông thường về nghiệp báo, nhưng đó chỉ là suy đoán. Chúng ta có thể nói về kinh nghiệm của người phụ nữ nầy như sau: "Bà phải chịu đựng những gì xảy ra vì bà đã sinh ra trong cõi đời nầy. Nếu bà không sinh ra trong cõi đời nầy, bà sẽ không bị bịnh, và bà sẽ không phải chết."

Tại sao chúng ta gặp những khó khăn mà chúng ta đang gặp? Tại sao chúng ta buồn rầu, đau đớn, tuyệt vọng, thương tiếc, và sầu não? Xin thưa, chúng ta gặp những vấn đề nầy vì chúng ta đã sinh ra trong cõi đời nầy. Sinh ra trong cõi đời nầy có nghĩa là chúng ta sẽ gặp tất cả những vấn đề nầy cho đến lúc chết, không ai có thể tránh được cả. Nếu không sinh ra trong cõi đời nầy, chúng ta sẽ không gặp những vấn đề nầy. Đây là ý nghĩa của vấn đề Nghiệp báo, và khi nhận ra được điều nầy, bạn sẽ không ngạc nhiên về bất cứ điều gì xảy đến cho bạn.

Dù sự thật là như thế, chúng ta vẫn cứ nghĩ là chúng ta không nhất thiết phải trải qua và chịu đựng những đau khổ nầy. Tôi còn nhớ những năm của thập kỷ 50 ở Mỹ, chúng ta thường nghĩ là khoa học có thể giải quyết tất cả vấn đề của cuộc sống: chỉ trong vài năm thôi, chúng ta sẽ chinh phục tất cả bịnh tật bằng những phát hiện của khoa học tâm thần và các loại thuốc men hiện đại. Con người sẽ thoát khỏi bịnh, già và chết. Khi lá gan bị hư, khoa học sẽ thay gan; khoa học sẽ có giải pháp nhanh chóng cho các bịnh tật, do đó bạn sẽ không bị bịnh, già và chết. Và rồi mọi người sẽ được phồn vinh về vật chất; ai cũng sẽ có tiền bạc, xe hơi, và nhà cửa đẹp đẽ. Khoa học kỹ thuật sẽ tạo một thiên đàng hạ giới tuyệt vời.

Nhưng bốn mươi năm sau, chúng ta được những gì? Bệnh tâm thần ngày càng tăng. Bệnh tật vẫn tiếp tục như trước. Con người vẫn bị già yếu. Và cái chết -- sự kết thúc không tránh được của sắc thân con người, vẫn tiếp tục xảy ra. Vì thế, mặc dù chúng ta đã bỏ ra biết bao công sức để chận đứng bệnh tật, kết quả của sự sinh ra vẫn là sự chết. Sự sinh ra -- thể hiện bằng một con người có tấm thân vật lý và tâm lý -- là điều kiện tất yếu dẫn đến già, bịnh, và chết. Đây là một cách để lý giải về ý nghĩa của Nghiệp báo: Những gì xảy đến cho chúng ta đều là kết quả của sự kiện chúng ta được sinh ra trong cõi đời nầy.

KẾT QUẢ CỦA HÀNH ĐỘNG

Có một cách khác để giải thích Nghiệp: "Nếu bạn làm điều thiện, bạn sẽ gặt quả tốt. Nếu bạn làm điều ác, bạn sẽ gặt quả xấu." Nhưng nhiều người vẫn không tin chắc cách giải thích này. Họ có thể nói, "Tôi biết một người rất xấu -- ông ta chuyên gạt gẫm, lừa dối, và ăn cắp -- nhưng ông ta vẫn rất giàu có. Ông sống trong một ngôi nhà rất đẹp và có tất cả tiện nghi vật chất mà ông muốn, nhưng ông ta quả thật là một tên lưu manh. Nếu luật nhân quả có thật, nghĩa là làm tốt sẽ gặp tốt và làm xấu sẽ gặp xấu, thì tại sao ông ta không bị đau khổ? Tại sao ông ta có tất cả những gì tốt đẹp trên đời mà vẫn không bị bắt bớ và tù tội?" À nếu như thế thì hình như anh chàng nầy đã gặt quả tốt từ những việc làm xấu xa tội lỗi của anh ta phải không các bạn? Bạn có thể cho là anh ta đang hạnh phúc vì anh ta có xe hơi to, nhà đẹp, và nhiều tiền bạc. Nhưng nếu đã từng là một tên cướp hoặc một kẻ giết người, bạn sẽ hiểu rằng cái nghiệp mà bạn phải gánh chịu là những hồi tưởng về những việc đã làm. Ngay cả nếu bạn có một ngôi nhà xinh đẹp và những đồ vật sang trọng tuyệt vời, bạn cũng sẽ hồi tưởng lại những việc bạn đã làm để có được những của cải nầy -- về bao nhiêu người mà bạn đã lợi dụng, lừa đảo, v.v.. Bạn có nghĩ là sẽ được hạnh phúc hay an toàn khi ngồi trong căn phòng xinh xắn không? Hãy nghĩ đến những gì mà những kẻ phạm tội thường làm: họ uống rượu và say sưa cả ngày, uống thuốc an thần, gắn máy báo động chống trộm, sống với bầy chó giữ nhà luôn sủa cắn, và những nhân viên bảo vệ. Bất cứ ở đâu, họ cũng không muốn ai biết đến và sống một cách lén lén lút lút.

Cứ suy ngẫm về kinh nghiệm của chính bạn. Nếu bạn nói dối hoặc nói xấu một người nào đó, hay ăn cắp một đồ vật nhỏ nhen nào đó -- khi ngồi thiền, bạn có thấy an vui không? Hay đó có phải là điều mà bạn không muốn biết đến hoặc muốn quên phứt đi. Xin hãy ghi nhớ một sự thật là chúng ta sẽ nhớ lại tất cả những gì chúng ta đã làm. Nếu làm việc xấu, chúng ta sẽ có những hồi tưởng xấu; nếu làm việc tốt, chúng ta sẽ có những hồi tưởng tốt. Sự thật chỉ đơn giản thế thôi.

Nếu bạn làm việc tốt, tử tế và rộng lượng bố thí, và khi hành thiền, hồi tưởng sẽ hiện đến với bạn, "Tôi vừa giúp người đó, tôi vừa làm một việc tốt." Cùng với hồi tưởng đó là cảm giác an vui và hạnh phúc. Cảm giác hạnh phúc đó sẽ giúp bạn hành thiền tốt hơn. Suy tưởng về những việc làm tốt đẹp sẽ dẫn đến trạng thái hỷ lạc và an vui; đây là một trong những yếu tố dẫn đến giác ngộ. Đây là Nghiệp mà bạn có thể tự mình chứng nghiệm, không cần phải tin vào những gì tôi thuyết giảng, bạn chỉ cần quan sát và suy tưởng về tác động của nó trên chính cuộc sống của bạn.

Do đó bất cứ cái gì mà bạn đang ý thức đều là Nghiệp. Bạn có thể chứng kiến kết quả của nghiệp trên cuộc sống của bạn ngay giây phút nầy: bạn đang hoang mang, hạnh phúc, nghi ngờ, lo âu, sợ hãi, và thèm khát. Tất cả những trạng thái tâm lý nầy là kết quả của sự kiện là bạn được sinh ra trong cõi đời nầy, là bạn đã có một số hành động cá biệt nào đó, và bạn đã được huân tập để tin tưởng, chấp nhận, hay sợ sệt tùy theo những giá trị của xã hội mà bạn đang sống.

Chủ nghĩa quốc gia, những mốt của thời đại, các định chế giáo dục, tất cả những điều nầy tác động vô cùng lớn trên tâm thức con người. Và những tư tưởng sai lầm của thời đại cũng có thể đè nặng trên tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể hy sinh và thỏa hiệp với tất cả để được chấp nhận và hòa nhập vào xã hội. Tâm của chúng ta bị điều kiện hóa bởi môi trường chung quanh và vì bị kẹt trong những điều kiện nầy, chúng ta không còn khả năng để hiểu tâm của mình nữa. Chúng ta đã quên đi sự thật tuyệt đối vượt lên trên cái thế giới hữu vi hay thế giới của những điều kiện không ngừng sinh khởi nầy; chúng ta đã mất liên lạc với cái gọi là thế giới vô vi hay thế giới không bị ràng buộc bởi những điều kiện không ngừng sinh diệt của thế gian nầy.

Nếu bạn sống thận trọng, trách nhiệm và từ ái hơn, bạn sẽ cảm thấy an vui và hạnh phúc -- đó là kết quả của Nghiệp. Có thể bạn sẽ vẫn gặp những điều không may như đau đớn và bịnh tật v.v.. Nhưng bạn không nhất thiết phải buồn rầu, tuyệt vọng và sầu não. Với trí tuệ, bạn sẽ không bị tác động bởi những điều kiện dẫn đến khổ đau vừa kể trên. Thân thể của bạn, trót đã sinh ra, chắc chắn sẽ chịu kết quả của nghiệp như già, bịnh và chết. Nhưng khi đã hiểu được nghiệp, bạn không cần khẳng định cái tự ngã trong thân nầy nữa, và bạn cũng không cần tìm cách thay đổi nó. Bạn bình thản trước sự vận hành của nghiệp và bản chất vô thường của thân thể. Bạn không đòi hỏi nó phải thế này thế khác. Bạn có thể trực diện và sống với những vấn đề của nó.

HÓA THÂN VÀ TÁI SINH

Về vấn đề hóa thân, người ta thường hỏi, "Nếu không có linh hồn thì làm sao có tái sinh? Nếu không có linh hồn thì cái gì đưa con người từ kiếp sống này sang kiếp sống khác?" Thật ra thuyết hóa thân hoàn toàn không phải của đạo Phật. Nó bắt nguồn từ đạo Bà La Môn hay Ấn giáo. Theo thuyết hóa thân của Ấn giáo, bạn chuyển từ thân thể nầy qua thân thể khác. Nếu đã trót sanh ra trong giai cấp cùng đinh, bạn phải chờ đến kiếp sau, nghĩa là sau khi xác thân nầy hoại rữa, mới có thể sinh vào giai cấp thượng lưu.

Theo đạo Phật, đây là một điều mê tín dị đoan vì không ai có thể chứng minh được thuyết tái sinh, và giáo thuyết nầy có khuynh hướng gieo rắc niềm tin là có một giai cấp hay đẳng cấp thuần túy trong sạch nào đó. Nhưng tất cả chúng ta đều thấy là người sanh ra trong đẳng cấp Bà là môn cũng có thể xấu xa, hư đốn, và dơ bẩn như người hạ tiện nhất trong đẳng cấp cùng đinh. Và chúng ta cũng biết là tâm của một người cùng đinh cũng có thể trong sạch, nếu họ biết giữ gìn đạo đức và trau dồi trí tuệ.

Thật ra, từ "Brahmin" hay Bà la môn có nghĩa là "thanh tịnh", hay "người đã được thanh tịnh." Đức Phật dạy rằng từ Bà la môn cũng có nghĩa là sự trong sạch của tâm. Đó là phẩm chất của tâm linh, chứ không của giai cấp hay đẳng cấp xã hội. Nó là phi vật chất. Những giai cấp và đẳng cấp tự nó không thể trong sạch. Giai cấp hay đẳng cấp chỉ là cách nhìn hay nhận định của chúng ta về xã hội cùng với những đặc tính mà chúng ta gán cho nó, và những nhận định nầy hoàn toàn tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta. Do đó, sự thanh tịnh là phẩm chất thuộc lãnh vực tâm linh. Người theo Đạo Phật không bao giờ dùng từ "hóa thân." Chúng tôi dùng từ "tái sinh" và tái sinh ở đây là tái sinh về tinh thần chứ không phải vật chất. Và lòng bi mẫn, từ ái, độ lượng, và đức hạnh là con đường đưa chúng ta đến sự tái sinh trong cảnh giới thanh tịnh và thuần khiết.

TÁI SINH NGAY TRONG HIỆN TẠI

Bạn có thể trực tiếp thấy tái sinh mà không cần phải tin vào thuyết tái sinh. Bất cứ việc gì bạn đang làm đều là tái sinh. Vì không có cái gọi là tự ngã, nên sẽ không cái gọi là bản chất của con người hay linh hồn vĩnh cửu được tái sinh, di chuyển từ đời nầy sang đời khác. Nhưng dục vọng hay tham ái sẽ dẫn đến tái sinh; dục vọng luôn thúc giục chúng ta đi tìm một cái gì để bị lôi cuốn và đắm chìm trong đó hay để trở thành một cái gì đó.

Khi buồn rầu hoặc tuyệt vọng, bạn đi tìm một cái gì hấp dẫn để bị mất hút vào trong đó và thọ hưởng một cảm giác sung sướng nào đó, hay ít nhất được thoát ra khỏi trạng thái bất toại nguyện trước mắt. Đó chính là tái sinh. Khi cảm thấy sợ hãi hay bất an, bạn phải làm một cái gì đó để cảm thấy vững chắc và an toàn. Khi nhàm chán với thực tại, bạn phải làm một cái gì đó để thoát khỏi tình trạng nầy.

Xin hãy quán sát và ghi nhận tác động của một số thói quen trên cuộc sống của bạn. Thí dụ, chiều đến khi đi làm về nhà, bạn đi ngay đến tủ lạnh để tìm một cái gì đó ăn. Tái sinh xảy ra ngay lúc mà bạn bị cuốn hút vào việc ăn uống. Và sau khi đã ăn uống đầy đủ -- thí dụ, bạn đã ăn ba ổ bánh mì thịt nguội, bốn miếng thị bò xay và chiên McDonald và hai cái bánh pizza Ý -- bạn không thể ăn thêm nữa để tiếp tục quá trình tái sinh trong ăn uống. Bạn bèn đi tìm sự tái sinh mới bằng cách bật nút đài ruyền hình, bởi vì khi nhàm chán với thực tại, con người luôn muốn được tái sinh trong cảnh giới khác. Từ đó, một tái sinh khác lại bắt đầu khi bạn bị cuốn hút vào những chương trình truyền hình. Khi phim tình cảm được chiếu trên đài, bạn bị lôi cuốn vào những tình tiết lãng mạn. Bạn thích thú với những cảnh hôn nhau trên màn ảnh. Khi phim diễn đến đoạn chàng trai bỏ rơi cô gái nầy để theo đuổi một cô gái khác, bạn đau đớn, buồn khổ, tức giận và bất mãn với những nhân vật trong phim. Sau khi đã xem đủ và bắt đầu chán truyền hình, bạn đi tìm một quyển sách để đọc. Nhưng bạn chỉ đọc trong một thời gian nào đó rồi lại nhàm chán. Bạn bèn mở hệ thống âm thanh thật to để chìm đắm trong tiếng nhạc. Rồi bạn sẽ rót cho mình một ly rượu, vừa nhắm nháp rượu vừa hút thuốc và nhắc máy điện thoại để tán gẫu với một người bạn. Bạn đến tấm gương để ngắm dung nhan của mình, nhưng không lâu, bạn lại chán ngán những việc này. Khi đã quá chán ngán với chuỗi dài của những tái sinh này, bạn nghĩ, "Tôi không muốn tiếp tục sống như thế này nữa." Thật ra đây không phải là suy nghĩ của bạn đâu -- nó chỉ là một thói quen thôi. Vì thế, bạn vào phòng, nằm lăn ra trên giường và chìm đắm trong giấc ngủ say mèm.

Xã hội ngày nay cho chúng ta rất nhiều trò chơi hiện đại. Chỉ cần bật nút lên, chúng ta có thể mua, sở hữu và bị cuốn hút vào các món trò chơi nầy. Khi nhàm chán với các đồ chơi nầy, chúng ta nhanh chóng chuyển sang các đồ chơi khác lý thú hơn. Càng nhanh chóng thỏa mãn với các trò chơi mới, chúng ta càng nhanh chóng nhàm chán chúng. Đời sống càng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của chúng ta bao nhiêu, chúng ta càng nhanh chóng nhàm chán bấy nhiêu. Chúng ta phải xem bao nhiêu chương trình truyền hình, ăn bao nhiêu thức ăn tuyệt ngon, hút bao nhiêu loại thuốc ma túy, và có bao nhiêu quan hệ tình dục để không phải nhàm chán và mệt mỏi với những dục lạc nầy? Bạn phải hưởng lạc đến mức nào để trở nên nhàm chán, không còn muốn sống nữa, chỉ muốn thoát ra khỏi thế giới nầy và trở thành hư vô? Và vì thế, bạn phải đi tìm quên trong giấc ngủ hoặc phải uống những liều thuốc an thần cực mạnh để không còn cảm giác gì nữa với cuộc sống hiện tại. Đây là những gì mà chúng ta có thể chứng kiến như là sự tái sinh. Tái sinh là muốn trở thành một cái gì đó ngay trong phút giây hiện tại. Bạn không hài lòng và bình an với những gì đang xảy ra trong cuộc sống. Bạn muốn mọi việc phải đổi khác; bạn muốn trở thành một cái gì đó khác hơn cái bạn đang là trong hiện tại.

Đối với phần lớn con người, giấc ngủ là cách quên đời và trốn tránh tái sinh. Trong giấc ngủ, bạn không là ai cả. Bạn không phải cố gắng gì cả. Cứ tái sinh mãi sẽ trở thành nhàm chán, vì thế bạn không muốn tồn tại nữa. Từ đó khởi sinh khát vọng không muốn hiện hữu, khát vọng muốn tự hủy diệt và trở thành hư vô. Bạn có thể uống đủ loại thuốc an thần để quên bẵng cuộc sống nầy. Nhưng bạn không thể ngủ mãi. Hệ quả của việc đi ngủ là phải thức dậy, điều nầy có nghĩa là bạn lại bắt đầu quá trình hiện hữu và trở thành một cái gì đó. Vì thế, bạn cứ theo lực đẩy của thói quen, luôn tìm một cái gì đó để làm.

TÁI SINH VÌ THAM ÁI

Như đã nói trong phần trước, chúng ta có ba loại tham ái: kama tanha, hay tham ái dục lạc ngũ trần (ái dục); bhava tanha, hay tham muốn trở thành một cái gì đó (ái hữu) và vibhava tanha, hay tham muốn tự hủy diệt, trở thành hư vô, thoát khỏi cuộc sống nầy (ái vô hữu hay ái diệt). Ba loại tham ái nầy chính là nguồn gốc của tái sinh. Thật ra, tham ái chính là tái sinh. Đối với những chúng sinh chưa giác ngộ -- nghĩa là những người không tỉnh thức, không hiểu sự thật và không chánh niệm -- tiến trình tái sinh sẽ liên tục tiếp diễn. Nó tiếp tục diễn ra trong thế giới của cảm giác, cảnh giới của những khoái lạc thuộc về giác quan hay trí thức của con người.

Chúng ta có thể quan sát tiến trình tái sinh này ngay trong tâm chúng ta. Cái gì khiến chúng ta từ tủ lạnh đi đến máy truyền hình? Có phải là một người nào đó không? Có phải là linh hồn bất tử luân chuyển trong chúng ta từ kiếp nầy sang kiếp khác không? hay đó chính là tham ái? Đó có phải là một cuộc hành trình lang thang không định hướng, một thói quen đi tìm một cái gì đó để làm, một cái gì đó để được chìm đắm và cuốn hút trong đó?

Bạn có thể quan sát sự sinh khởi và vận hành của tham ái trong tâm. Khi lo sợ, bạn có thể thấy chính bạn đang tìm cách bám vào một cái gì đó chắc chắn và ổn định. Khi không biết làm gì, bạn có thể thấy tham ái xuất hiện và thúc đẩy bạn tìm một cái gì lý thú mà bạn thường làm. Bạn sẽ mày mò lấy các đồ vật trong phòng, hay chỉ gõ nhẹ mấy ngón tay thôi -- để chỉ làm một cái gì đó. Hoạt động không ngừng nghỉ nầy chỉ là do thói quen thúc đẩy, phải không các bạn? Phần lớn, bạn không thật biết mình đang làm gì; bạn chỉ làm vì đó là thói quen thôi.

Chúng ta thích bị lôi cuốn vào những gì hào nhoáng, quyến rũ và sôi nổi đầy kích động. Vì thế, chúng ta xem phim chiến tranh để tìm sự hồi hộp và kích thích. Chúng ta tìm đọc những tin lớn trên báo về những cuộc thảm sát, hãm hiếp, hoặc giết người. Bạo động và tình dục là những đề tài rất sôi nổi và kích động. Kích động rất dễ lôi cuốn con người; nó tạo sự rung động mãnh liệt về tình cảm. Con người rất dễ bị lôi cuốn vào kích động vì kích động tự nó là một loại năng lượng. Bạn có thể dùng những kích động chung quanh để kích thích năng lượng bên trong bạn. Nhưng nếu nhìn kỷ kích động, bạn thấy là nó sẽ đưa bạn đến một trạng thái chuyển động không ngừng rồi kiềm giữ bạn trong đó. Những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, những mối tình lãng mạn, và những hoạt động đầy sôi nổi và kích thích chỉ làm cho bạn mòn mỏi và liệt lực vì bị kẹt và lún sâu trong đó. Bạn chạy theo và không có cách nào để chống lại hay buông bỏ nó. Nếu không có trí tuệ, bạn sẽ bị đưa không ngừng từ tái sinh nầy đến tái sinh khác. Đây là những tái sinh -- tái sinh xuất phát từ tham ái mà bạn có thể quán sát trong lúc hành thiền. Khi thấy được chúng, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của sự tái sinh.

Khi thấy được tái sinh diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ hiểu sự vận hành của nó vào lúc lâm chung. Nếu không được trí tuệ hướng dẫn và đầy tham ái, ước muốn sau cùng của con người vào lúc lâm chung sẽ dẫn đến tái sinh, tìm cách trở lại làm người, và đi vào một bào thai trong bụng mẹ. Đó chính là tham ái; nó vận hành như một nguồn năng lượng trong vũ trụ.

Lòng tham muốn được tái sinh lúc lâm chung là lòng tham muốn được trở lại làm người trong kiếp sau. Chúng ta chỉ có thể biết được điều nầy qua việc quán sát tâm thức của chúng ta. Khi bạn sắp chết mà vẫn không muốn chết thì điều gì chắc chắn sẽ khởi lên trong tâm bạn? Đó sẽ là khát vọng hay lòng tham muốn bám víu vào một đời sống nào nó. Lòng tham sống hay sự đam mê với cuộc sống trần gian sẽ sinh khởi ngay lúc lâm chung và nó sẽ tìm cách thể hiện dưới một dạng vật chất nào đó. Như chúng ta đã thấy, lực đẩy của thói quen luôn tìm cách biến thành một cái gì đó dưới dạng vật chất phải không các bạn? Bạn luôn đi tìm những gì bạn khao khát, cho dù đó là khao khát dục lạc, hao khát về trí thức và tinh thần, hay khao khát ức chế những gì bạn không ưa thích.

Nhưng nếu bạn biết chánh niệm ngay lúc lâm chung, lúc đó tâm bạn sẽ không còn khát vọng muốn được tái sinh hay khát vọng muốn làm một cái gì đó, thì còn có gì để dẫn đến tái sinh? Nếu tâm bạn được bình yên trong lúc thân thể đang trong tiến trình hoại diệt của nó thì cái gì sẽ được tái sinh? Vì không có tham ái và khát vọng mà chỉ có tâm chánh niệm và trí tuệ, nên sẽ chỉ có sự giải phóng, sự chấp nhận buông bỏ và giải thoát khỏi cái thân xác làm người nặng nề nầy.

KIẾP TRƯỚC VÀ KIẾP SAU

Tôi không nói về nghiệp báo và tái sinh như là những chủ đề tôn giáo xa lạ; tôi chỉ muốn đưa vấn đề nầy vào thực tế để chúng ta thấy được sự vận hành của nó. Là con người, ngay bây giờ, chúng ta phải học từ kinh nghiệm sống của chính mình.

Chúng ta không nên suy đoán chúng ta sẽ là ai và là cái gì trong kiếp sau. Tôi cho rằng làm như thế chỉ phí thì giờ. Đức Phật đã nói là việc suy đoán chúng ta là ai trong kiếp trước là một việc làm hết sức vô ích. Thỉnh thoảng có người hỏi nếu tôi đã thấy được kiếp trước của mình. Xin thưa, tôi chưa bao giờ thấy kiếp trước của tôi cả. Tôi không biết gì về kiếp trước của tôi, nhưng tôi có thể suy đoán về chúng. Ngay cả trong trường hợp tôi nhớ là trong một kiếp quá khứ nào đó, tôi đã từng là Hoàng đế Napoleon, nhưng rồi tôi sẽ nhớ được những gì? Tôi sẽ chỉ nhớ được những việc bình thường xảy ra lúc ấy, lúc tôi là một ông vua và đã gây đau khổ cho bao nhiêu người lúc bấy giờ.

Tôi đã trải qua cuộc sống nầy nhiều năm. Cách đây năm mươi năm, tôi là một cậu bé học ở một trường tiểu học tư thục tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, nước Mỹ. Tôi tên là Robert. Khi tám tuổi, tôi đi trường trung học phổ thông cấp I có tên là John Mill Grade School, và có một cô giáo tên là Depenbrock. Điều nầy có thể không gây ấn tượng cho người nghe bằng việc tôi nhớ lại cuộc chiến tranh của Napoleon ở Nga năm 1812. Nhưng đó là những gì tôi có thể nhớ được -- là cậu bé Robert Jackman ở một trường học tại thành phố Seattle.

Bạn có thể đặt vấn đề, "Cậu bé Robert tám tuổi nầy có liên hệ gì với Napoleon?" Cậu bé Robert và Napoleon có một điểm giống nhau, cả hai đều chỉ là những hồi tưởng hay những gì tôi có thể nhớ lại. Nếu tôi thật sự nhớ lại mình là Napoleon, và rồi nhớ thêm nữa là tôi là cậu bé Robert Jackman, cả hai cũng chỉ thuần là những hồi tưởng. Những hồi tưởng nầy sinh khởi trong tâm tôi ngay tại đây và ngay bây giờ. Và đó là tất cả những gì bạn cần biết. Cho dù tên của bạn là Napoleon hay Robert Jackman, Sidney hay Rachel, hay Hoàng hậu của nước Sheba. Thật ra, cái tên Napoleon dù sau cũng gây ấn tượng trên nhiều người hơn là tên Robert, trừ khi Robert là tên của một ngôi sau nhạc rock lừng danh gần đây nhất. Nhưng tất cả những gì bạn cần biết là hồi tưởng chỉ là hồi tưởng. Hồi tưởng có thể hiện lên từ quá khứ cách ba mươi năm, hai mươi năm, mười năm, hay chỉ ngày hôm qua thôi. Tất cả đều là hồi tưởng của những kiếp sống quá khứ hiện lên trong giây phút hiện tại. Hồi tưởng đến rồi đi và chúng là vô ngã.

Người ta cũng có thể đặt nghi vấn, "Điều gì sẽ xảy đến với tôi sau khi tôi chết?" Bạn có thể nói, "Trong kiếp nầy, tôi đã làm một điều hết sức xấu xa. Kiếp sau tôi sẽ như thế nào? Tôi có bị đọa trong địa ngục không? Hay tôi sẽ tái sanh thành con cóc? Bạn có thể suy đoán về vấn đề nầy, nhưng kết quả của một tội lỗi trong quá khứ là nỗi lo sợ khởi lên trong hiện tại -- bạn đang lo sợ ngay chính lúc này. Tương lai sẽ luôn là một cái gì không thể biết được, không chắc chắn và đầy bí ẩn. Bạn có thể suy đoán và dự phóng bất cứ điều gì thuộc về quá khứ vào tương lai; mà thật ra, chúng ta luôn luôn làm như thế. Chúng ta tìm cách lấp đầy khoảng trống của tương lai bằng đủ loại suy nghĩ, ý tưởng, lo sợ, và tưởng tượng -- nhưng chúng ta đều làm những việc nầy ngay trong phút giây hiện tại.

Trong khi hành thiền, chúng ta có thể thấy những hồi tưởng về quá khứ chỉ là những hồi tưởng, và chúng ta có thể thấy nỗi lo sợ của chúng ta về tương lai chỉ là những dự phóng và dự đoán. Chúng ta phải luôn quán sát mọi sự vật với chánh niệm và trí tuệ ngay trong hiện tại. Hành thiền giúp chúng ta thấy được sự thật, loại bỏ tất cả hoài nghi và sống với trách nhiệm -- làm như thế không phải vì chúng ta sợ là ai đó sẽ trừng phạt những hành vi không đạo đức của chúng ta, nhưng vì đó là điều đúng đắn phải làm. Nhờ hiểu được luật Nghiệp báo và Tái sinh, chúng ta biết sống tốt hơn, và biết khéo léo tu tập thân tâm. Đây là quá trình hoàn thiện cái nghiệp làm người. Hoàn thiện cái nghiệp làm người chính là con đường giác ngộ và con đường giác ngộ nầy không là gì khác hơn là quá trình lớn lên và trở thành một con người thuần thục, chín chắn, và trưởng thành.

*

* Câu hỏi: Dưới cái nhìn của Đạo Phật, nếu không có cái ngã hay một linh hồn bất tử, thì ai hay cái gì sẽ được tái sinh? Ai hay cái gì sẽ nhận hậu quả của những hành động tốt hay xấu?

Trả lời: Thật ra trong ý nghĩa tận cùng và sâu xa nhất của vấn đề, sẽ không có người nào được tái sinh hay thọ nhận kết quả của việc mình làm. Cái được tái sinh chính là tham ái được liên tục tái diễn. Vì vô minh, tham ái phát sinh, và tham ái cho chúng ta cảm tưởng là có một người nào đó đang gặp khó khăn, một người nào đó đang phiền não và khổ sở. Vì những tham ái nầy mà chúng ta nghĩ rằng đời sống phải là cái gì khác hơn cái hiện tại. Tiến trình tái sinh không thuộc về ai cả; nó chỉ là tiến trình của những điều kiện có liên hệ nhân quả với nhau.

Với chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng kết quả của sự sinh ra trong cõi đời nầy và những việc làm quá khứ là như thế đó. Và nếu bạn liên tục chính niệm về điều nầy, bạn sẽ không tạo ra điều kiện để cho một người nào đó được tái sinh. Bạn sẽ không còn ảo tưởng là có một người nào đó đang thọ nhận một cái gì đó, đang trở thành một cái gì đó, hay bị trừng phạt vì một lỗi lầm nào đó. Chỉ có giây phút hiện tại là kết quả của việc làm trong quá khứ. Khi không còn vô minh, chúng ta sẽ không còn khổ đau trong những điều kiện hiện tại. Đây là điều rất khó hiểu nếu chỉ nhìn nó từ quan điểm cá nhân. Vì thế, Đạo Phật bình dân dạy chúng ta rất đơn giản: nếu làm điều tốt, bạn sẽ nhận quả tốt; nếu làm điều xấu, bạn sẽ nhận quả xấu. Đây là cách nói quy ước của xã hội đời thường.

Nhưng khi bạn tiếp tục hành thiền và hiểu biết giáo pháp ngày càng sâu sắc hơn, bạn sẽ ý thức nhiều hơn về bản chất của vạn pháp. Và rồi, bạn sẽ thấy là việc nhận quả xấu hay tốt không còn ý nghĩa nữa. Ở giai đoạn nầy, sẽ không còn vấn đề tốt hay xấu. Khi có đủ duyên, bạn sẽ làm điều tốt, nhưng động cơ làm không còn xuất phát từ tư tưởng là bạn sẽ gặt một quả nào đó từ một việc làm nào đó. Và bạn sẽ không thích làm điều tội lỗi nữa, vì những gì xấu xa và tội lỗi chỉ hấp dẩn lôi cuốn khi con người vẫn còn ảo tưởng về cái ngã. Khi ảo tưởng về cái ngã không còn nữa thì vấn đề cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ làm những việc thiện và tốt đẹp, nhưng bạn làm vì đó là điều đúng đắn cần làm. Bạn không làm gì lợi lộc hay phần thưởng cá nhân nào hết.

* Câu hỏi: Nếu thế thì có phải Sư muốn nói là đối với người có trí tuệ, làm điều tốt là cái gì rất tự nhiên? Có phải sẽ không còn cảm giác là chúng ta phải làm điều tốt -- làm việc tốt là một phản ứng tự nhiên trong mọi hoàn cảnh không?

Trả lời: Vâng, đó là phản ứng tự nhiên trái ngược lại với phản ứng bốc đồng bị thôi thúc bởi vô minh. Không có trí tuệ, chúng ta sẽ chỉ có những thôi thúc tâm lý mà chúng ta chiều theo hoặc tìm cách ức chế. Có trí tuệ, chúng ta sẽ có thái độ hồn nhiên đối với cuộc sống xuất phát từ cái tâm thanh tịnh và phủ trùm vạn pháp, thay vì từ một ý tưởng cá nhân của một người cố gắng làm điều tốt chỉ vì lo sợ sẽ bị trừng phạt vì đã làm điều tội lỗi.

-ooOoo-

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn