(Xem: 1664)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2169)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

07-Niết bàn.

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 16398)

Chương 7


NIẾT BÀN

Niết Bàn là cứu cánh tối thượng của công phu hành thiền. Nó là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ và không dính mắc. Là những chúng sanh chưa giác ngộ, bị vô minh chi phối và không hiểu biết đúng đắn các pháp thế gian, chúng ta luôn bị dính mắc vào các pháp. Chúng ta luôn bám víu và chấp chặt vào mọi việc; tuy nhiên, khi đạt được trạng thái buông bỏ, chúng ta sẽ chứng ngộ Niết Bàn. Từ Niết Bàn đôi khi còn được dịch là "sự dập tắc," và vì thế, nó có vẻ như là cái gì cấm kỵ, như là biến tất cả thành hư vô chẳng hạn. Nhưng thật ra Niết Bàn không đòi hỏi chúng ta phải tiêu diệt hay biến tất cả thành hư vô, nó chỉ đòi hỏi chúng ta buông bỏ tất cả.

Khi không bám víu hay dính mắc vào bất cứ điều gì, con người sẽ chứng ngộ Niết Bàn. Trong trạng thái không dính mắc ấy, con người đi vào một cảnh giới mới. Đó là một cảnh giới thiêng liêng và thánh thiện, không còn dấu vết của tham ái và chấp thủ mà chỉ có lòng bi mẫn thật sự tràn ngập và trào dâng. Con người sẽ cảm thấy bi mẫn với nỗi đau của chúng sanh, hoan hỷ với niềm vui của chúng sanh, hạnh phúc, và bình an. Con người ở trong trạng thái khinh an nầy không phải là vì họ đã đạt được một thành tựu cá nhân nào đó mà vì ở đó không còn ai cả. Không còn chấp vào thân nầy như là của ta; không còn chấp vào những quan điểm, ý kiến, tình cảm hay bất cứ cái gì khác nữa như là của ta; Ở đó chỉ có sự buông bỏ hoàn toàn. Khi buông bỏ hoàn toàn, bạn sẽ cảm thấy thư thái và bình an. Nhưng đây không phải là sự bình an và hạnh phúc bình thường mà người đời thường có. Chúng ta phải tu tập mới có được sự an lạc và hạnh phúc nầy.

SỰ THẤY BIẾT CỦA TÂM TỈNH GIÁC

Khi tâm vào định, bạn sẽ bắt đầu tỉnh giác liên tục, vững vàng, ổn định, và không thay đổi. Sự tỉnh giác nầy đơn thuần là sự thấy biết và tỉnh táo. Nó không dựa trên những khái niệm, ý kiến, quan điểm, và tình cảm thường đến rồi đi trong tâm. Bạn bắt đầu biết rằng đây là Pháp, là Đạo, là con đường phát triển tự nhiên của mọi vật trên thế gian. Cái thấy biết nầy còn được gọi là "chân như," "như thật," "như như." Nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Hãy quan sát tâm bạn khi tôi nói,"Thực tại là như thế đó." Lúc ấy, tôi không mô tả tâm bạn, tôi cũng không khuyên bạn nên xem xét tâm bạn như thế nào. Tôi cũng không khuyên bạn nên thể nghiệm cái gì. Tôi cũng không chỉ cho bạn thấy cái gì, hay mô tả một kinh nghiệm nào đó. Tôi chỉ nói, "Sự thật là như thế đó ngay trong giây phút hiện tại, cái chân như đang có mặt ngay trong hiện tại." Khi nói lên tư tưởng này, tôi đã mở rộng tâm thức của mình; tôi cảm nhận được phút giây hiện tại, tiếp thu được những gì đang xảy ra, thay vì tập trung trên một đối tượng nào đó. Tôi không cố gắng mô tả thực tại mà chỉ mở rộng tâm để tiếp nhận. Do đó, đầu óc tôi có thể trống rổng; tiến trình tư duy của tôi ngừng lại, và tâm tôi bắt đầu mở rộng. Thực tại là thế đó. Với nhận thức đó, chúng ta có thể quán sát được thực tại như nó đang xảy diễn: đang có hơi thở ra vào, đang có thân thể nầy với những cảm thọ bên trong nó. Đang có sự yên lặng, ngay bây giờ và tại đây -- Thực tại là như thế đó.

Khi xem xét thực tại đang xảy diễn, thay vì dùng những khái niệm và lý thuyết trừu tượng để hiểu nó, chúng ta tập nhận thức để rồi tiến đến một cái gì vượt lên trên sự nhận thức đó -- đó là tâm tỉnh giác hay tâm tỉnh thức. Phần lớn chúng ta không quen làm công việc nầy. Thông thường chúng ta quen suy nghĩ và lập luận dựa trên những tư tưởng có sẵn, những lý thuyết trừu tượng, hoặc trên những lập trường xã hội và chính trị nào đó. Chúng ta có thể tin ở Thượng Đế rồi đưa ra tiền đề là có một Đấng toàn năng sáng tạo ra chúng ta, và dựa trên tiền đề cơ bản nầy, chúng ta triển khai thêm không biết bao nhiêu là tư tưởng khác. Tôi không nói niềm tin ở một Thượng Đế toàn năng là sai lầm, tôi chỉ muốn nói là nếu chỉ suy nghĩ và lập luận dựa trên một tư tưởng có sẵn nào đó, chúng ta sẽ không bao giờ thấy và biết được sự thật. Chúng ta sẽ chỉ biết tin và chấp nhận những gì người khác chỉ bảo cho chúng ta mà thôi.

Khi giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Phật dạy cho chúng sinh tập mở rộng tâm thức. Ngài giúp cho chúng ta thấy và biết được sự vận hành của các pháp, không phải bằng những lý thuyết khoa học, tâm lý, hay triết học, mà bằng sự tỉnh giác và chính niệm về thực tại như nó đang xảy ra. Trong khi làm việc này, chúng ta chỉ cần sử dụng những phương tiện sẵn có. Chúng ta sẽ không tìm cách đặt ra những ý kiến hay những lý thuyết hay ho và lý thú về thực tại, mà chỉ thuần quan sát thực tại, dựa trên những điều kiện thực tế hết sức rõ ràng mà thường ngày chúng ta không để ý đến.

Trí óc con người thường nghĩ ra nhiều lý thuyết hay ho và thú vị. Thí dụ như khi nói về những khác biệt giới tính: chúng ta nói đàn ông thì như thế này, đàn bà thì như thế kia. Chúng ta thường dùng những khái niệm trừu tượng để diễn tả tư tưởng của mình, nhưng thật ra, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà là được dựa trên những tính chất và những tính chất nầy luôn luôn thay đổi và không bao giờ đứng yên một chỗ. Mặc dù thân thể của chúng ta mang tính chất đàn ông và đàn bà, nhưng tính đàn ông và đàn bà nầy lại tùy thuộc vào vô số những điều kiện khác. Nếu chúng ta không thấy và quan sát những điều kiện tùy thuộc lẫn nhau nầy, chúng ta sẽ có cái nhìn cố định và cứng nhắc về đàn ông, đàn bà, về người Anh, người Mỹ như thể đây là những sự thật tuyệt đối. Nhưng những gì mà chúng ta thấy được chỉ là những thực tế mà con người lựa chọn và đặt tên cho nó. Đây là những sự thật tương đối được con người chế đặt ra mà trong đạo Phật, chúng tôi gọi là Tục đế. Nhưng con người vẫn có thể sống suốt đời và tin rằng những sự thật tương đối nầy là những gì có thật và trường tồn. Người ta nói về "cái thế gian có thật", nhưng "cái thế gian có thật" mà họ nói đó không phải là thật; nó chỉ là giả danh, là bề ngoài của cái thế gian được con người chọn lựa và đặt cho một tên gọi. Đó là bề ngoài của cái thế gian hay cái hình như là thế gian mà chúng ta thường quen nhận thức như thế.

THẤY ĐƯỢC BẢN CHẤT THẬT SỰ CỦA CÁC PHÁP HỮU VI

Đức Phật dạy cho chúng ta thấy là tất cả điều kiện hay các pháp hữu vi là vô thường (tiếng Pali là sabbe sankhara anicca). Khi nói đến từ "điều kiện", "duyên", hay "hành" (tiếng Pali là sankhara), chúng tôi muốn nói đến một cái gì đó được thiết lập trong tâm hay sự thành hình của một trạng thái tâm, chẵng hạn như sự thành hình của một tư tưởng hay ý kiến trong tâm thức chúng ta.

Đàn ông và đàn bà là những điều kiện hay duyên. Người Do Thái và người Gentiles, tín đồ Phật giáo và tín đồ Thiên chúa giáo, người Á châu và người Âu châu, người Phi Châu, giai cấp công nhân, giai cấp trung lưu, giai cấp thượng lưu -- tất cả những cái nầy chỉ là những điều kiện hay những duyên đi qua tâm chúng ta. Chúng không phải là những sự thật tuyệt đối. Chúng chỉ là những phương tiện mà con người dùng để truyền thông với nhau. Trong cuộc sống, chúng ta phải sử dụng những phương tiện truyền thông nầy, nhưng chúng ta cũng phải biết rằng chúng chỉ là những cái được con người chế đặt chứ không phải là những sự thật tuyệt đối. Biết được điều nầy, tâm của chúng ta sẽ không bị kẹt hay dính mắc vào những quan điểm hay ý kiến. Quan điểm hay ý kiến sẽ chỉ được nhìn như là những điều kiện hay duyên được sinh khởi rồi diệt đi trong tâm chúng ta, vì bản chất thật sự của chúng là sinh và diệt. Tất cả duyên hay điều kiện là vô thường, đều sinh rồi diệt.

Đức Phật cũng dạy rằng tất cả các pháp là vô ngã (tiếng Pali là sabbe dhamma anatta). Điều này có thể hơi khó hiểu cho người bình thường, nhưng khi hành thiền nhiều hơn và khi thấy được bản chất của các pháp, chúng ta sẽ thấy rõ rằng tất cả các pháp là vô ngã. Chúng ta sẽ thấy không cần phải đồng hóa và tùy thuộc vào một điều kiện hay một địa vị nào đó. Chúng ta sẽ thấy không cần phải tìm hiểu xem chúng ta là ai, phải đặt cho chúng ta một tên gọi, hay phải đồng hóa với bất cứ cái gì ở trên đời nầy. Đây chính là sự tự do, sự giải thoát khỏi những dính mắc và luyến ái và sự tự do nầy sẽ đưa chúng ta đến Niết Bàn.

Càng tiếp tục hành thiền, chúng ta sẽ ngày càng ý thức nhiều hơn về sự thật đang hiển lộ và phơi bày trong hiện tại. Trong đạo Phật, chúng tôi gọi sự thật này là Pháp và Pháp sẽ ngày càng có nhiều ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Quán tưởng Pháp là rất hữu ích vì Pháp là bao gồm tất cả, cả pháp hữu vi lẫn pháp vô vi, cả pháp hữu hạn lẫn pháp vô hạn hay pháp bất tử. Khi hiểu được Pháp, chúng ta sẽ không đứng về phía bên nầy hoặc bên kia: Chúng ta không chối bỏ Pháp hữu vi để bám vào Pháp vô vi. Tuy nhiên, khi không còn chấp vào Pháp hữu vi, thì cái còn lại với chúng ta sẽ là Pháp vô vi hay Pháp bất tử. Do đó, người có trí tuệ sẽ nhận chân được rằng bản chất của Tục đế hay cái thực tế mà con người chế đặt ra là vô thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã (đây là ba tính chất của tất cả những hiện tượng do duyên sinh hay các pháp hữu vi) và vị đó sẽ đủ tỉnh giác để buông bỏ các pháp hữu vi nầy.

Samsara hay Luân hồi là tình trạng trong đó con người bị dính mắc, chấp trước, và đau khổ. Khi còn kẹt trong luân hồi, chúng ta sẽ thường thốt lên những câu như, "Ước gì tôi đã không nghĩ như thế. Ước gì tôi không gặp những khó khăn nầy. Tôi ghét điều nầy. Tôi lo sợ điều nọ. Tôi không thích cái nầy. Tôi không nên như thế nầy. Anh không nên như thế đó." Những tiếng nói nho nhỏ nhưng đầy rên xiết, đầy khát vọng chiếm đoạt và kiểm soát, đầy lo âu và sợ hãi, và tham đắm nầy chính là Luân hồi. Khi bị dính mắc với tất cả những thứ ấy, bạn đang ở trong Luân hồi. Luân hồi là cảnh giới của khổ đau. Niết Bàn là cảnh giới của tự do và giải thoát xuất phát từ trạng thái không dính mắc và buông bỏ. Khi chúng ta quán sát và nhận ra được những gì đang xảy ra trong tâm, cho dù đó là tiêu cực hay tích cực, phê phán hay tán dương, như chỉ là những điều kiện sinh rồi diệt, thì đó chính là Tâm Phật, Phật tính, hay Tánh giác; đó cũng chính là Niết Bàn.

HƯỚNG VỀ CẢNH GIỚI BẤT TỬ

Chúng ta thường nói đến việc Thực hành giáo Pháp, nhưng ý nghĩa thật sự của việc nầy là như thế nào? Thực hành giáo Pháp là quá trình quán tưởng liên tục và quá trình nhắc nhở chúng ta liên tục tỉnh giác và chánh niệm về sự thật như nó đang diễn biến và hiển lộ trong giây phút hiện tại. Thực hành giáo Pháp là mở rộng tâm thức để hướng đến và nhận chân được thực tại như nó đang phơi bày trong giây phút hiện tại. Thí dụ như bây giờ, nếu tôi bước vào phòng nầy với một thành kiến nào đó, thành kiến nầy có thể xuất phát từ sự sân hận nào đó, tôi sẽ không còn khả năng hiểu được thực tại. Tâm tôi sẽ mờ mịt và bị ám ảnh bởi sự giận dữ. Nhưng nếu tôi ý thức là tôi đang giận dữ, là tôi đang bị một tình cảm mãnh liệt chế ngự, thậm chí chỉ biết đến mức đó thôi, thì ngay lúc ấy, tôi đã nhận ra được là tâm giận dữ này chỉ là một điều kiện, một duyên, đang được thiết lập trong tâm tôi. Từ đó, sức mạnh của sự chấp trước và dính mắc trong tôi yếu đi; trong tôi đã có một chút ít buông bỏ. Và ngay cả nếu tôi lại tiếp tục giận dữ, ngay giây phút mà tôi biết rằng tôi bị cơn giận chi phối trở lại, cơn giận lại một lần nữa bị chọc thủng. Nói khác đi, khi tình cảm giận dữ không được tiếp sức và hỗ trợ, nó sẽ yếu đi. Do đó, khi tôi càng quán tưởng về cơn giận, xung lực giận dữ của tôi sẽ giảm và yếu dần.

Nếu chúng ta thành tâm cố gắng buông bỏ, ngay cả chỉ buông bỏ một phần rất nhỏ nhiệm, chúng ta sẽ ngày càng tự chủ hơn, không bị lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, vào sức mạnh của thói quen, vào chu kỳ sinh tử, vào vòng luân hồi. Rồi chúng ta sẽ hướng về sự bất tử, về sự chứng ngộ Niết Bàn. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục chìm đắm trong phiền não và để cho phiền não làm chủ và sai khiến, chúng ta sẽ càng mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Khi trở thành nô lệ của phiền não, chúng ta sẽ bị trôi dạt và xô đẩy không ngừng, mãi cho đến khi chúng ta chợt nhận ra rằng chúng ta đang bị giam cầm trong nhà tù sinh tử. Giây phút nhận chân được thân phận trôi giạt trong luân hồi sinh tử cũng là giây phút mà tâm chúng ta hướng về cõi bất tử. Tâm chánh niệm và sự chứng ngộ sẽ bắt đầu xuất hiện. Và cho dù sự xuất hiện đó chỉ là một tia chớp lóe lên rồi tắt lịm, đó cũng là sự chứng ngộ Niết Bàn. Dĩ nhiên, tham ái dục lạc ngũ trần trong chúng ta vẫn còn rất mạnh và sẽ tiếp tục chế ngự chúng ta và chúng ta sẽ lại cảm thấy tội lỗi, bực bội, chán nản, phiền muộn. Tình trạng phiền não nầy sẽ tiếp tục và tiếp tục cho đến một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra là mình vẫn còn trôi lăn trong luân hồi sinh tử, và lúc đó, chúng ta lại một lần nữa chứng ngộ được giây phút tự do và giải thoát. Sở dĩ chúng ta bị phiền não chế ngự là vì chúng ta cho rằng phiền não, cùng với những hệ quả của nó, là có thật và thường hằng. Và khi chúng ta càng muốn chống lại và xóa bỏ những phiền não cùng với những mặc cảm tội lỗi, thì những phiền não của chúng ta lại càng trở nên trầm trọng và nhân lên gắp bội. Thế là một chu kỳ sinh tử trầm luân mới lại bắt đầu.

Sau khi đã trải qua bao năm tháng sống trong cuộc đời nầy, đôi khi chúng ta có cảm tưởng là chúng ta đã không thành đạt được gì cả hay thậm chí chẳng thay đổi chút nào. Nhưng rồi, chúng ta chợt nhận ra rằng, ngay cả những lúc bị chìm đắm trong đau khổ, bằng cách nào đó, chúng ta cũng đã vượt qua khổ đau và ngày càng vượt qua khổ đau một cách hữu hiệu hơn. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã không bị giam hãm, tối mắt, và hoàn toàn bất lực trước sự công phá của tham ái và sợ hãi. Dần dần, chúng ta thấy rằng, Samsara, hay luân hồi sinh tử, hay ý thức của giác quan (sensory consciousness), chỉ là một sự chuyển động, sự vận hành, sự rung động, là một cái gì đó luôn thay đổi không có thực chất và bản chất của nó là vô thường. Chúng ta không thể nắm bắt nó và nói, "Nó đây rồi," nhưng chúng ta có thể quán sát nó.

Chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi vật đều diễn biến theo cách của nó. Nó không có tên gọi ngoại trừ cái tên mà chúng ta đặt cho nó. Chúng ta chính là người đặt tên cho nó; chúng ta cho nó một giá trị. Chúng ta cho cái nầy là tốt, cái kia là xấu, nhưng tự nó, sự vật chỉ là sự vật như chính nó. Nó không phải là cái gì tuyệt đối; nó chỉ là nó. Con người chỉ là con người, thế thôi. Chúng ta có thể đặt tên và mô tả con người. Chúng ta có thể lấy quyết định là thích hay không thích, chạy theo hay chống lại con người. Đó là những gì mà chúng ta thêm vào hay dự phóng dựa trên những thói quen, lo âu sợ hãi, và khát vọng của chúng ta. Chính vì thế mà việc quan sát mọi vật như chính nó ngay trong giây phút hiện tại là cực kỳ quan trọng. Chính nhờ kinh nghiệm quán sát nầy mà chúng ta có thể thấy và biết được những gì mà chúng ta đặt tên hay áp đặt cái nhìn của chúng ta trên đó.

Thân thể vật chất nầy của tôi là như thế đó. Sau khi được sinh ra và qua một thời gian sống mấy chục năm, nó trở thành già nua như thế đó. Nhưng tôi lại bắt đầu suy ngẫm về nó và nảy ra những tư tưởng như tôi không thích nó, tôi thích nó, tôi mong nó khác đi, tôi mong nó trẻ hơn một chút… Tôi có thể tạo đủ loại quan điểm và ý kiến về thân thể vật chất của tôi, nhưng thân thể nầy vẫn cứ là nó. Nó có những cảm giác như vậy. Nó có dáng dấp như vậy. Đó chính là thực tại, là chân như. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không ý thức về cái đẹp và cái xấu của cơ thể; nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ không tác động trên cơ thể của chúng ta hay tạo tác một cái gì đó về nó. Chúng ta có thể ý thức, thấy và biết cơ thể nầy là không hoàn hảo nhưng chúng ta không biến sự không hoàn hảo nầy thành một vấn đề. Tóm lại, tâm chúng ta sẵn sàng mở rộng, từ ái đón chào, tiếp thu và chấp nhận nó như chính nó mà thôi.

CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ

Chúng ta có thể tìm thấy con đường thoát khổ bằng cách sống hòa nhập với cuộc đời như nó đang diễn biến và sẵn sàng từ ái tiếp nhận cuộc đời như chính nó. Chúng ta sẽ không tìm được con đường thoát khổ bằng cách trốn đời và tránh né những hiểm nguy và bất an của cuộc sống. Người đời thường cho là các tu sĩ như chúng tôi đang trốn chạy cuộc đời vì chúng tôi không thể trực diện với cuộc đời. Nhưng thật ra, chúng tôi đang sống thật với thế gian nầy bằng cách mở rộng tâm thức của mình để từ ái đón nhận và tiếp thu toàn bộ cuộc đời. Qua việc thực hành giáo pháp, chúng tôi cảm thấy thoải mái khi được sống với mọi vật như nó đang diễn biến, thay vì luôn phải bám víu, chấp thủ, chống lại, hay bát bỏ nó. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu và an lạc bằng cách hòa nhập với cuộc đời như nó đang hiện hữu, thay vì tìm cách toan tính và dàn xếp mọi việc theo những quan điểm và ý kiến đặc thù có sẵn nào đó.

Thí dụ như tôi đặt câu hỏi, "Bạn sẽ làm gì nếu bạn bị nhốt trong một căn phòng nhỏ chung với một con rắn độc và con rắn nầy đang giận dữ?" Bạn có thể tìm cách giết con rắn độc để cứu mình. Nếu là một Phật tử và đã thọ giới không sát sanh, bạn có thể cảm thấy là mình không nên giết con rắn. Trước một vấn đề có tính cách giả thiết nầy, bạn có thể bị giao động và chao đảo, khi thì nghiêng về quyết định nầy khi thì nghiêng về quyết định kia. Nhưng trong hoàn cảnh khẩn trương như trên, dĩ nhiên bạn sẽ không có thì giờ để suy tính cặn kẽ là mình phải làm gì: lúc đó bạn phải dựa vào bản năng của mình. Bạn không thể tính toán trước được.

Có người đã hỏi tôi, nếu có một người điên đang tìm cách tấn công và hãm hại mẹ tôi, tôi có giết ông ta không? Nếu là người có lập trường bất bạo động (conscientious objector), tôi sẽ trả lời, "Tôi chỉ biết cầu nguyện thôi." Và người đó sẽ nói, "Ông muốn nói là ông sẽ để cho người điên đó cầm dao đâm vào người mẹ già, ốm yếu và đáng thương của ông?" Nhưng nếu người điên đó tấn công mẹ tôi, và lúc đó tôi đang có mặt ở đó, tôi tin là cái trí tuệ ngay chính giây phút đó sẽ hướng dẫn tôi ứng xử một cách đúng đắn. Tôi không thể nói là tôi sẽ làm gì vì tôi không biết được tất cả những yếu tố có thể tác động đến hoàn cảnh đó. Có thể lúc đó mẹ tôi sẽ bị nhồi máu cơ tim mà chết ngay, hay cũng có thể người điên đó bị mắc chứng động kinh và không thể tấn công mẹ tôi. Hay cũng có thể, người điên đó bất kỳ xuất ý nghĩ rằng, "Ta không thể hãm hại cụ già ốm yếu đáng thương nầy được. Con trai của bà đang đứng bên kia là một người bất bạo động, và vì thế, anh ta không thể đứng ra bảo vệ cho bà được." Hay cũng có thể, mẹ tôi đã từng là một võ công karate chuyên nghiệp, bà sẽ dùng võ công để chặt tên điên nầy thành hai mảnh. Hay cũng có thể nhân viên an ninh sẽ đến để cứu bà. Ai biết có thể được những gì có thể xảy ra -- điện thoại có thể reo hay cái chụp đèn trên trần nhà có thể rớt trúng đầu tên điên đó. Nếu chúng ta cứ suy đoán mãi thì đây là những gì có thể xảy ra phải không các bạn? Chúng ta có thể tiếp tục tưởng tượng tất cả những gì có thể xảy ra trong lúc đó, nhưng điều mà chúng ta có thể nói được là chúng ta không biết chắc những gì sẽ xảy ra. Hiện tại, chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì vì tất cả những điều kiện trên đều không có mặt. Nhưng chúng ta có thể biết những gì đang diễn tiến trong giây phút hiện tại, phải không các bạn? Chúng ta có thể mở rộng tâm thức để tiếp nhận thực tại ngay trong giây phút nầy mà không cần dựa vào một lập trường hay quan điểm nào hết.

CHỨNG NGỘ NIẾT BÀN

Trong nhiều giới nghiên cứu, Nibbana hay Niết Bàn (tiếng Phạn là Nirvana) thường được dùng để mô tả trạng thái xuất thần, nhập định, nhẹ nhàng và ngây ngất giống như trên thiên đường. Nhưng thật ra, từ Niết Bàn có nghĩa là "cái không bị giới hạn bởi những điều kiện của sự sanh và sự chết." Niết Bàn là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ. Khi thật sự tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ không còn nhu cầu, không còn khuynh hướng đồng hóa hay bám víu vào thân thể hay tâm thức -- thân và tâm chỉ tồn tại như vậy, thế thôi. Đây không phải là sự chối bỏ hay triệt tiêu thân và tâm, nhưng đó là cái thấy và biết thân và tâm chỉ như là thân và tâm mà thôi. Thân và tâm sinh rồi diệt; thân và tâm bắt đầu rồi chấm dứt, thế thôi.

Cái quán sát thanh tịnh đó, cái tỉnh giác của tâm thức đó -- hay nói khác đi, sự chứng ngộ Niết Bàn -- không phải là cái gì xa xôi cả. Nó không phải là cái gì nằm ngoài khả năng của bất cứ ai trong chúng ta. Nếu bạn cho là bạn không làm được việc nầy, dĩ nhiên bạn sẽ hành động và xử lý theo tư tưởng đó, và vì thế bạn sẽ không bao giờ chứng ngộ được. Nhưng Đức Phật đã khẳng định rằng giáo pháp của Ngài dành cho con người, cho những người có trách nhiệm đạo đức; cho những người có trí thông minh. Như thế thì bạn có phải là một trong những người nầy không? Nếu không thì có lẽ bạn nên cố gắng tu tập để trở thành tốt hơn -- không lẽ bạn cứ sống mãi như một người dễ duôi và buông lung trong cuộc đời nầy.

Do đó, Biết bàn không phải là một cảnh giới siêu nhiên và xuất trần ở trên trời cao, hay ở trong một không gian xa xôi nào đó, hay ở trong kiếp sau. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy thực tại như nó đang xảy ra ngay bây giờ, thấy những gì mà mỗi người chúng ta đều có thể biết và nhận thức trong khả năng giới hạn của mình, ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn nên phát huy khả năng quán tưởng và nhìn thẳng vào thực chất của các pháp ngay tại đây và ngay bây giờ, để bạn có thể thật sự hiểu được chân lý, thay vì cứ suy đoán về chân lý -- hoặc đoán mò, hoặc tin, hoặc không tin. Bạn có thể bắt đầu quán tưởng và nhìn xuyên qua các pháp với đôi mắt trí tuệ, thể nghiệm được sự giải thoát và tự do bằng cách buông bỏ tất cả.

*

* Câu hỏi: Xin Sư giải thích ý nghĩa của sự giác ngộ.

Trả lời: Giác ngộ không là gì khác hơn là sự lớn lên và trở thành một con người thuần thục và trưởng thành. Công phu hoàn thiện cái nghiệp làm người sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ. Giác ngộ là trở thành một người thuần thục, có trách nhiệm và quân bình, một người có đạo đức và trí tuệ, không còn chạy đi tìm "một chỗ dựa tình thương nào khác bên ngoài mình."

Nhiều người trong chúng ta không có tình yêu, nên chúng ta muốn thay thế bằng tình yêu của Chúa. Họ nói, "Tôi tin Chúa vì Chúa thương tôi. Không ai thương tôi hết, chỉ có Chúa mới thương tôi." Nhưng điều nầy thể hiện sự thiếu trưởng thành -- họ vẫn khát vọng một tình yêu từ bên ngoài -- từ một người nào đó ngoài mình. Một người giác ngộ không cần tình yêu của Chúa hay của một người khác. Được người khác yêu thương là một điều tốt nhưng không phải là điều cần thiết.

Giác ngộ là cái gì rất thực tế; đó là cái mà ai cũng có thể thực hiện được. Tất cả chúng ta đều có thể tiến đến trạng thái tỉnh giác. Và khi có tâm tỉnh giác, quân bình, và trí tuệ, chúng ta đều có thể thương yêu. Đó là quá trình trưởng thành của con người. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ thương yêu người khác một cách tự nhiên. Tình thương chính là ánh sáng tự nhiên của trí tuệ.

-ooOoo-

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn