Giới thiệu sách ấn-tống
VÔ MÔN THIỀN TỰ
11412 DALLAS Dr.
Garden Grove, Ca 92840
Phone: 714-206-1024
Email : sutinhcan@yahoo.com
VÔ MÔN QUAN
Tác-giả : Vô Môn Huệ Khai
Dịch-giả và chú thích: Trần Tuấn Mẫn
Vô-môn thiền-tự ấn-tống năm 2012 .
Sách dày 186 trang
Đây là một quyển sách ghi lại 48 Công Án nổi tiếng nhất trong Thiền Tông Trung Hoa. Gồm 3 phần :
(1) Chữ Hán
(2) Phiên âm chữ Hán
(3) Việt Dịch.
Ngài Vô Môn, pháp danh Huệ Khai, sinh năm 1183. vào khoảng cuối đời Tống. Ngài đến tham học Thiền sư Nguyệt Lâm tại chùa Vạn Thọ. Nguyệt Lâm là môn sinh đời thứ 8 của Dương Kỳ, thuộc dòng Lâm Tế. Ngài được Nguyệt Lâm cho tham chữ Vô. Qua sáu năm công phu vẫn chưa khai thông được, ngài phẫn chí, thề quyết không ngủ cho đến khi nào vỡ lẽ mới thôi. Sau vì quá buồn ngủ, ngài đi lững thững ngoài hành lang, mệt mỏi tựa đầu vào một cây cột, bỗng nghe tiếng trống ngọ đánh, bất giác lĩnh ngộ.
Ngài mừng quá, chạy đến tìm gặp Nguyệt Lâm, toan trình điều sở ngộ. Nguyệt Lâm vừa trông thấy vụt hỏi: “Chạy đi đâu mà như ma đuổi vậy ?” Ngài liền quát một tiếng. Nguyệt Lâm cũng quát một tiếng. Hai bên cùng ứng đáp như thế. Sau đó ngài ứng khẩu đọc bài kệ rằng:
Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô.
Cuốn Vô Môn Quan được ngài Vô Môn Huệ Khai soạn vào năm 46 tuổi, khi ngài làm thủ toạ chùa Long Tường. Trước Vô Môn Quan chừng 100 năm trong Thiền tịch cũng xuất hiện một bộ sách lớn là Bích Nham Lục do Viên Ngộ, dòng Lâm Tế, bình xướng 100 bài tụng của Tuyết Đậu (thầy của Thảo Đường, Tổ dòng Thảo Đường Việt Nam) về 100 công án mà thành. Sau này, khi nhắc đến Thiền tịch thì không ai có thể bỏ qua hai bộ sách được truyền bá rộng rãi nhất là Bích Nham Lục và Vô Môn Quan. Sở dĩ như thế là vì ngoài giá trị tu chứng của tác giả, thể cách hình thành của hai bộ sách cũng bao hàm đầy đủ những yếu tố dẫn dắt cần thiết cho người hành giả trong hoàn cảnh tự học.
Người ta thường bảo Bích Nham Lục thiên về văn, Vô Môn Quan thiên về lý. Quả vậy, lời lẽ Vô Môn Quan sắc bén, hàm súc vô cùng, tuy nhiên cũng không vì thế mà văn chương khô khan nhàm chán.
BÀI THỨ NHẤT
CON CHÓ CỦA TRIỆU CHÂU
Công án:
Một ông Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu (8)
Con chó có Phật tính không ?
Sư đáp:
Không.
Lời bàn:
Tham thiền phải lọt qua cửa Tổ, diệu ngộ phải dứt tuyệt đường tâm. Cửa Tổ không lọt, đường tâm không dứt thì cũng như bóng ma nương nhờ cây cỏ.
Thử hỏi cửa Tổ là gì ? Chỉ một chữ Không (9) chính là cửa ấy, bèn gọi là Vô Môn Quan của Thiền tông vậy. Qua được cửa ấy, chẳng những thấy được Triệu Châu mà còn cùng các Tổ xưa, nắm tay chung bước, thâm sâu giao kết, cùng một mắt mà thấy, một tai mà nghe. Há chẳng thú sao ? Há chẳng ai muốn qua cửa ấy sao ?
Hãy tận dụng ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông (10), vận dụng cả thân tâm khởi thành một mối nghi, tham thẳng chữ Không, ngày đêm nghiền ngẫm. Chớ nên cho Không là Không theo nghĩa trống rỗng, chớ nên cho Không là Không theo nghĩa có, không. Như nuốt phải hòn sắt nóng, muốn nhả mà nhả không ra. Bỏ hết cái biết tệ hại trước kia lâu ngày thành thuần thục, tự nhiên trong ngoài thành một khối. Như kẻ câm nằm mộng chỉ mình mình hay.
Bỗng nhiên bộc phát, trời kinh đất chuyển, như đoạt được vào tay thanh đại đao của Quan Vũ (11), gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sinh tử, rong chơi chốn lục đạo (12), tứ sinh (13).
Vậy thử hỏi làm sao nghiền ngẫm ? Hãy dùng hết sức lực mà nêu chữ Không ấy. Nếu chẳng gián đoạn, khác nào ngọn đuốc Pháp, mới châm nhẹ đã cháy bừng.
Kệ tụng:
Chó cùng Phật tính,
Nêu toàn chỉ thẳng.
Vừa nói có, không,
Bỏ thân mất mạng.