(Xem: 1506)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1861)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

Giác Ngộ là gì?

29 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 24674)


Giác Ngộ là gì? 


I.Giác ngộ của các tôn giáo Abrahamic

(Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo)

Không giống như các tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ, các các tôn giáo độc thần bắt nguồn từ tổ phụ Abraham (Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo) không có khái niệm về con đường tu tập để tự giác ngộ. Trong kinh Thánh không có chữ nào tương đương với từ “giác ngộ” (enlightenment) hay “giải thoát” (release, emancipation) [1]. Người trở thành bậc Thánh là người nhờ sự ban ơn (blessing) từ Chúa Trời, tiếng Anh gọi là the “Blessed One” . Nhờ sự ban phước này, các vị Thánh có thể tiếp xúc với Thiên Chúa thông qua sự “mặc khải” (revelation). Ví dụ: Đấng Christ mặc khải trong sa mạc. Đấng Mohamed mặc khải trên núi Sinai.

Đặt cơ sở trên niềm tin, các tôn giáo độc thần này không có khái niệm “tự giác ngộ” mà chỉ có khái niệm “được ban phước” từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có một vài trường hợp các tu sĩ Thiên Chúa giáo dòng Carmelites tự độc cư, hãm mình, như một phương cách tu tập, sau đó đã mô tả những trải nghiệm giống như thiền. Ví dụ thánh John of the Cross mô tả tải nghiệm của mình trong cuốn Ascent of Mount Carmel. Hoặc thánh Theresa of Aville mô tả sự xuất thần của mình giống như một trải nghiệm Kundalini.

giacngo

Theo thánh kinh Cơ Đôc giáo, sự khai sáng (gần nghĩa với giác ngộ) của Chúa Jesus bắt đầu xảy ra lúc ngài được rửa tội và ban phép bởi thánh Jean Baptiste trong dòng sông Jordan. Điều này nói lên rằng sự khai sáng tâm linh trong Thiên Chúa giáo cần có sự rửa tội và ban phúc trong một hệ truyền thừa. Các tôn giáo Abrahamic không chủ trương tu tập để đạt một cứu cánh có tính giải thoát, mà chỉ có chủ trương giữ vững đức tin để đạt đến thiên đàng. Niềm tin và mong ước của tín đồ của các tôn giáo này là được đến thiên đàng sau khi chết. Thiên đàng được hiểu như vùng đất của bất tử và hạnh phúc. Trong các thánh đường Hồi giáo (mosque), người ta thấy cảnh giới thiên đàng (janna), được vẽ trên các bức vách, mô tả cảnh hoan lạc vui sướng, tương tự như khái niệm về các cõi trời của dục giới theo thế giới quan của Đạo Phật. [2]

II.Giác ngộ của Ấn Giáo

(gồm nhiều tông phái phát triển từ triết học Vệ Đà)

Ấn Độ Giáo (gồm nhiều tôn giáo và giáo phái) tin rằng giác ngộ là sự hợp nhất với Brahman hoặc câu thông với các cõi trời. Sự câu thông này được thực hiện bằng các kĩ thuật thiền, yoga, hoặc thậm chí bằng sức mạnh của đức tin. Theo triết học Bà La Môn, khi giác ngộ, bản ngã cá nhân (Atman) không còn thu thúc trong cơ thể trần gian mà mở rộng đến những cõi to lớn hơn, cao siêu hơn, tùy theo mức độ tu chứng. Cuối cùng là sự “trở thành một” với Đại ngã (Bhraman). Các đạo sư Ấn Độ nổi tiếng đương thời như Vivekananda, Krishnamurti, Osho, Thakar Sing, v.v… thường nói về về sự trở thành một với thượng đế. Sự giác ngộ trong Ấn giáo thường được diển tả bởi cụm từ “Một là tất cả, tất cả là một” (One is all and all is one), hoặc “hợp nhất với thượng đế”. Theo các triết gia Ấn Độ đương đại, chưa có một tôn giáo nào của Ấn giáo đã thực sự thực hiện được sự trở thành một với Brahman (Đại Ngã tuyệt đối). Sự hợp nhất với Brahman vẫn là một lý tưởng nằm trong kinh điển. Trên thực tế, các giáo phái của Ấn Độ giáo thường thờ phụng một vị thần cụ thể chứ không phải thờ phụng Brahman. Ví dụ thờ Brahma (Đại Phạm Thiên), một vị thần trong sắc giới. Hoặc thờ phụng các vị thần khác trong huyền thoại của các hệ triết học Ấn Độ như Vishnu và Shiva, Sarasvati, Lakshmi v.v..

Truyền thống Vedanta [3] thường đề cập đến tha lực, lực gia trì trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Vedanta luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của minh sư còn sống (living teacher). Minh sư (hay Guru) của giáo phái San Mat (Sihkism) được tin là có thể truyền năng lực tâm để khai tâm (initiate) cho đệ tử [4].

- Một số rất đông người Việt đã chọn con đường tu tập của các giáo phái Bà La Môn vì nhầm rằng đó là truyền thống của Đạo Phật. Ví dụ, một guru San Mat (Ching Hai) tự nhận mình là một vị Phật (Buddha). Vị này dạy phương pháp tu tập theo truyền thống San Mat (thuộc Sikhism) bằng những khái niệm và ngôn ngữ quen thuộc của Đạo Phật để mọi người tin rằng đây là giáo pháp của Đức Phật đã từng giảng dạy. Vị minh sư San Mat này đã cố ý lập lờ đánh tráo khái niệm “khai ngộ” và “giác ngộ”. Khi ngài nói “tức khắc khai ngộ, hiện đời giải thoát” thì không có nghĩa rằng bạn sẽ giác ngộ ngay tức khắc trong lúc này. Phải cẩn thận, vì tiếp sau đó ngài sẽ lại nói: “Khai ngộ rồi sẽ phải… tu tiếp, tu tiếp đến khi giác ngộ”. Phải chăng đây là cái mẹo (trick) ngày xưa của Thiền Tông Trung Quốc khi nói “Đốn Ngộ” rồi sau đó sẽ “Tiệm tu”. Đối với giáo phái San Mat, khi trải nghiệm được ánh sáng thì coi như đã thành công trong thiền định vì họ tin rằng ánh sáng là bản thể của thế giới và ánh sáng chính là “Phật tánh”.

- Osho, guru nổi tiếng đương đại, từng tuyên bố không thuộc trường phái nào, cũng định nghĩa giác ngộ bằng ánh sáng “bên trong”. Đoạn dưới đây trích từ tác phẩm “Osho tự truyện”:

” Giác ngộ không gì ngoài bạn trở thành ánh sáng, bản thể của bạn trở thành ánh sáng.

Có lẽ bạn nhận thức qua là các nhà vật lý học thường cho rằng nếu bất cứ những gì vận chuyển với tốc độ ánh sáng, nó trở thành ánh sáng, bản thể nội tại của bạn trở thành ánh sáng… bởi vì tốc độ quá lớn đến mức sự ma sát đó tạo ra lửa. Vật đó bốc lửa, chỉ còn ánh sáng mà thôi. Vật thể biến mất, chỉ còn phần lại phần phi vật chất.

Giác ngộ là kinh nghiệm của sự bùng nổ ánh sáng trong bạn.

Có lẽ sở cầu được giác ngộ của bạn chuyển động với tốc độ ánh sáng như một mũi tên, nên chính sở cầu đó, chính sự khao khát đó trở thành ngọn lửa, sự bùng nổ của ánh sáng. Không ai trở nên giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ. Chỉ có mặt trời mãnh liệt ngời lên trong bạn. (Upan41)

Tôi đã gặp hàng trăm nhà thần bí giải thích giác ngộ như có hàng nghìn mặt trời bừng sáng trong bạn. Đó là sự diễn đạt qua ngôn từ của các nhà thần bí, trong mọi ngôn ngữ, tại nhiều quốc gia khác nhau, với nhiều chủng tộc khác nhau.(Transm22)

“Giác ngộ đơn thuần là kinh nghiệm tâm thức của bạn không bị nhiễm ô bởi vọng tưởng, cảm giác, tình cảm. Khi tâm thức hoàn toàn trống rỗng, nó là một kinh nghiệm bùng nổ, sự bùng nổ nguyên tử. Toàn bộ tuệ giác của bạn tràn trề ánh sáng không nguồn gốc, không nguyên nhân. Và một khi nó diễn tiến, nó tồn tại, không bao giờ rời bạn dù chỉ một sát na; ngay cả khi bạn say ngủ, ánh sáng đó vẫn chói lọi bên trong. Và sau khoảnh khắc đó, bạn có thể thấy biết vạn pháp một cách vô cùng khác lạ. Sau thể nghiệm đó, không còn câu hỏi gì nữa trong bạn (Last113)…” [5]

Osho cũng như các guru San Mat đều nhấn mạnh trải nghiệm ánh sáng và coi đây là dấu hiệu của giác ngộ, thậm chí ngài Thanh Hải (Ching Hai) còn gọi là “Phật tánh”. Thực đúng như vậy, đây là dấu hiệu giác ngộ đối với các pháp thiền thuộc truyền thống Ấn giáo.

- Đối với Đạo Phật, ánh sáng được nhận biết trong suốt qua trình tu tập Định và Tuệ nhưng đó không phải là dấu hiệu của giác ngộ. Phật giáo hiểu biết rất sâu sắc về bản chất của ánh sáng bên trong (inner light). Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật đã mô tả về hào quang và ánh sáng và chỉ liên hệ “ánh sáng” với “trí tuệ” (chưa phải sự hoàn toàn giác ngộ):

Này các Tỳ khưu, có bốn lại hào quang. Thế nào là bốn? Hào quang của mặt trăng, hào quang của mặt trời, hào quang của lửa và hào quang của trí tuệ (paññābhā).

- Này các Tỳ khưu, có bốn lại ánh sáng rực rỡ. Thế nào là bốn? Ánh sáng rực rỡ của mặt trăng, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, ánh sáng rực rỡ của lửa, ánh sáng rực rỡ của trí tuệ (paññā pabhā).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn? Ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của lửa, ánh sáng của trí tuệ (paññā-āloko).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại sáng chói. Thế nào là bốn? Sự sáng chói của mặt trời, sự sáng chói của mặt trăng, sự sáng chói của lửa, sự sáng chói của trí tuệ (paññā-obhāso).

- Này các Tỳ khưu, có bốn loại rực rỡ. Thế nào là bốn? Sự rực rỡ của mặt trăng, sự rực rỡ của mặt trời, sự rực rỡ của lửa, sự rực rỡ của trí tuệ (paññā-pajjoto) [6]

Ngay khi thuyết giảng bài kinh đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân) Đức Phật cũng đã nói tới ánh sáng trong trải nghiệm giác ngộ của mình:

“… Như vậy, này các Tỳ khưu, đối với các Pháp (dhamma) trước đây chưa từng nghe, nhãn (cakkhu) đã khởi lên nơi Ta, trí (ñāṇa) đã khởi lên nơi Ta, tuệ (paññā) đã khởi lên nơi ta, minh (vijjā) đã khởi lên nơi Ta và ánh sáng (āloke) đã khởi lên nơi Ta.”

Tâm thuộc minh sát trí hiệp thế tạo ra “ánh sáng giác ngộ” mạnh mẽ (vipassanobhāso), nhưng tâm thuộc minh sát trí siêu thế tạo ra ánh sáng được xem là cực kỳ mạnh mẽ, chẳng hạn Ánh Sáng Giác Ngộ của Bậc Giác Ngộ tỏa khắp mười ngàn thế giới.

Ánh sáng ấy phát sanh như thế nào? Tâm khi lắng sâu trong định được kết hợp với Tuệ (paññā), tâm ấy sẽ tạo ra nhiều thế hệ sắc cực sáng do tâm sanh (cittajarūpa). Dùng ánh sáng ấy, chúng ta có thể thâm nhập vào thực tại cùng tột hay chân đế (paramattha sacca) để thấy các pháp như chúng thực sự là (seeing as it is). Điều này cũng giống như khi đi vào một căn phòng tối, chúng ta cần phải có ánh sáng để thấy mọi vật ở đó vậy. [7]

Rõ ràng hai nhận thức rất khác biệt nhau. Nếu ánh sáng trong thiền là cứu cánh của San Mat thì ánh sáng trong thiền của Đạo Phật chỉ là phương tiện tu tập. Với một số người, khi ngồi thiền rồi thấy cái này, nghe cái nọ, thì rất vui mừng. Nếu đã gọi là thiền định thì đây phải là nổ lực dừng tâm vọng động lại, cho nên nghe và thấy các âm thanh lạ hay những hình tướng nào đó v.v…có khi đó lại là dấu hiệu của thất bại trong tu tập thiền định! Khi tọa thiền, hệ thống sinh lý thần kinh dễ bị xáo trộn, tâm rất dễ rơi vào các trạng thái “ảo giác”[8].

Các thiền định Bà La Môn chỉ có thể phát sinh ra các tuệ gọi là “tuệ của Định” (jhana nana). Tuệ phát sinh từ các loại Định “Bà La Môn” chỉ giúp đạt tới các cảnh giới thiên đàng trong tam giới, tức Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Các loại tuệ phát sinh từ thiền định không có khả năng giúp nhận biết Níp bàn, nghĩa là không có khả năng chấm dứt luân hồi sinh tử.

III. Giác ngộ của Đạo Phật phát triển

Chỉ hơn hai trăm năm, sau khi Đức Phật nhập diệt, đạo Phật phân hóa và thoái trào! Các triết gia Ấn Độ đã giải thích và thay đổi triết lý của Đạo Phật một cách khác đi với khuynh hướng hài hòa với các giá trị nền tảng thuộc hệ thống triết học Vệ Đà. Từ đó hình thành Đạo Phật Đại Thừa, mà về sau này, các học giả gọi là “Đạo Phật phát triển”.

Đạo Phật phát triển (Đại Thừa) nhấn mạnh về khía cạnh bản thể học (ontology), giải thích bản thể của Phật, của tâm giác ngộ chính là Tánh không (Sunyata), Chân Như, Như Lai Tạng (tathagatagarbha), hoặc Phật tánh v.v…. Một trong những kinh sớm nhất của Đạo Phật phát triển là Đại phương đẳng Như Lai Tạng kinh (Tathagatagarbha-sutra) xuất hiện vào khoảng năm 200 sau Tây Lịch. Ngoài ra triết lý Đại Thừa còn thêm vào Đạo Phật các bộ kinh mới với rất nhiều lý luận và khái niệm khác như Ba Thân Phật, Bồ Tát Đạo, Trung Quán Luận, Ngũ trí, Tám thức v.v…Một số tu sĩ thuộc Phật Giáo Đại Thừa hiện nay cho rằng, giáo pháp của Đức Phật không nhấn mạnh về “Khổ” mà chỉ nói về Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn (tức “tam pháp ấn” của Phật Giáo Đại Thừa). Khái niệm “Khổ” (dukkha) trong kinh điển Pāli chỉ là do Phật Giáo Nam Tông hiểu lầm, do thất truyền kinh điển [9]. Song song với những khái niệm mới, Đạo Phật phát triển vạch ra nhiều con đường tu tập khác biệt như trong trình bày ở những phần tiếp theo.

Ở Việt Nam hiện nay Đạo Phật Đại Thừa chỉ có ba tông phái chính:Tịnh Độ Tông, Thiền Tông và Mật Tông.

Giác ngộ của Tịnh Độ Tông

Trong khi “phát triển”, các tông phái của Đạo Phật phát triển đã thay đổi cứu cánh giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy thành một cứu cánh tạm thời, như khả năng tái sinh nơi cõi cực lạc của A Di Đà Phật. Lý do của sự thay đổi cứu cánh thì ai cũng hiểu. Đó là vì Tịnh Độ Tông muốn thích hợp với trình độ tâm thức của số đông. Để phổ biến rộng tông phái, một số các tu sĩ đã rao giảng cho các tín đồ rằng : Niệm Phật thành Phật! Hoặc truyền đi các câu chuyện về một số người chuyện người tu Niệm Phật chết để lại Xá Lợi v.v…

Thực sự không thể đặt câu hỏi “Giác Ngộ là gì?” đối với Tịnh Độ tông, tức pháp môn niệm Phật. Vì ngay từ kinh điển chính thức và nền tảng của mình, Tịnh Độ không có chủ trương thực hiện giác ngộ để giải thoát.

Giác ngộ theo quan điểm của Thiền Tông Trung Quốc

Khi Thiền tông Trung Quốc xuất hiện, người ta nói đến và tin rằng có một kỹ thuật hay nghệ thuật gì đó, có thể làm cho phàm phu tức khắc thành thánh nhân.

Từ quan điểm xem Tánh Không (Như Lai Tạng, Chân Như, Phật tính v.v…) là bản thể vốn có của con người. Một số các đạo sư tin rằng chỉ một lần trực nhận Tánh Không là con người có thể Đốn Ngộ thành Phật, tức chứng ngộ một cách đột ngột phi thường! Suzuki, một thiền sư học giả, đã viết trong cuốn sách Thiền Luận của ông như sau:

 “…vậy nội dung của Giác Ngộ là gì? Ta có thể mô tả nó bằng cách nào dễ hiểu để trí thức hiếu biện của ta có thể nắm lấy và đặt thành đề tài suy tư không? Bốn Diệu Đế không phải là nội dung của Giác Ngộ, cả đến Mười Hai Nhân Duyên, cả đến Tám Chánh Đạo. Chân lý nhoáng lên trong tâm Phật không phải như một tư tưởng có thể luận giải bằng lý trí.”

- “Thế nghĩa là gì? Chắc vậy, chứng La Hán không phải là vấn đề chuyên học, mà đó là một cái gì hốt nhiên xảy đến, trong chớp mắt, sau bao năm tinh chuyên tu tập. Thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm dài dẳng, nhưng đến một lúc nào đó thì chớp nhoáng cơn khủng hoảng vỡ bùng và người ta thành La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc thành Phật luôn nữa. Có thể lắm, nội dung của Giác Ngộ giản dị vô cùng ở bổn thể, nhưng sức chấn động thì thực là kinh khủng. Tôi muốn nói, về trí giải, nó phải vượt qua tất cả thế kẹt thuộc phạm vi nhận thức và ngôn ngữ văn tự; về tâm giải, nó phải là sự tái thiết toàn thể phẩm cách con người.”

- “…Rồi nay bỗng dưng cái Ngộ chụp lấy họ, một cách hoàn toàn bí mật, không ngờ trước, ấy thế là tất cả được giải quyết một lần; họ thành La Hán, hoặc Phật nữa.[10].

Quan niệm về giác ngộ cũng như con đường tu tập dẫn đến giác ngộ của thiền tông Trung Quốc là hoàn toàn khác với giáo pháp của Đức Phật. Khác cả về hình thức tu tập cũng như về nội dung giác ngộ. Sự thực là Thiền Tông Trung Quốc khi phát triển cũng không còn sự thống nhất, cũng bị phân phái thành các tông phái tu tập khác nhau. Sau đây là một trình bày vắn tắt về một quan điểm tu tập nổi bật của Thiền Tông Trung Quốc:

- Một số trường phái của Thiền Tông Trung quốc còn giữ sự tu tập về thiền định. Các trường phái này thực hành thiền bằng “Lục Diệu Pháp Môn” của đại sư Trí Khải hoặc tu tập dựa trên các “Bức Tranh Trâu” [11]. Phương pháp thực hành và tiêu chuẩn đắc thiền khi tu tập Lục Diệu Pháp Môn hay các Bức Tranh Trâu này hoàn toàn không có trong kinh điển nguyên thủy của Đạo Phật. Sự giác ngộ theo các pháp tu vừa đề cập, cũng không có đạo lộ hướng về bốn quả thánh như trong giáo pháp của Đức Phật.

- Có trường phái Thiền Tông Trung Quốc nhấn mạnh vào cái bất lực của ngôn ngữ nói và chữ viết vì nó chỉ là cái vỏ hình thức “chật chội” không chuyên chở được toàn vẹn cái nội dung thực mà con người muốn chuyển tải cho nhau. Nhất là trong sự chuyển tải, trao đổi các khái niệm triết học hay đạo học. Đây là lý do Thiền tông TQ đã đề xuất ra khẩu hiệu “bất lập văn tự”. Các trường phái này đả kích thiền định và sáng tạo một số phương pháp tu tập gọi là Công án (koan) và Thoại đầu. Với lý luận như sau:

Con người nhận biết thế giới bên ngoài bằng tư duy bên trong đầu óc. Đó là dòng chảy của những suy nghĩ miên man bất tận trong óc. Các suy nghĩ này cũng thể hiện bằng ngôn ngữ y hệt như bên ngoài. Nói cho dễ hiểu đó là những lời nói thầm (kiểu độc thoại) không dứt trong trí óc con người. (Inner speech or inner verbalization). Khi đối tượng xuất hiện ở ngoại cảnh, bên trong trí óc sẽ có liền một nhận thức, kèm theo các phán đoán vận hành bởi ngôn ngữ bên trong. Dù là lời nói bên ngoài hay suy nghĩ bên trong con người không thể nào không dùng đến các khái niệm của ngôn ngữ, cái vốn không thể chuyển tải chân lý trọn vẹn. Ngôn ngữ bên ngoài miệng hay lời nói thầm (dùng để suy nghĩ hay nhận thức) bên trong trí óc, đều là cái làm cản trở, làm sai lệch cái biết “như thực”. Thiền tông Trung Quốc gọi cái BIẾT qua tư duy ngôn ngữ này là cái Bị Sanh (be born). Khi tư duy ngôn ngữ bên trong trí óc bị chấm dứt thì cái BIẾT NHƯ THỰC xuất hiện. Cái biết “như thực” từ cõi “vô ngôn” này được tin là cái biết của Tánh giác. Thiền tông Trung quốc cũng tin rằng Tánh giác này chính là cái Vô Sanh trong kinh điển Đạo Phật!

Khi nhận ra cái chỗ Vô sanh tức Tánh Giác, Thiền Tông gọi đó là Kiến Tánh. Vào giai đoạn đầu của lịch sử Thiền Tông, với sự hưng phấn quá mức, thiền tông Trung Quốc chẳng ngần ngại tuyên bố rằng kiến tánh (nhìn thấy cái được cho là “vô sanh”) là đắc quả vô sanh, là thành Phật. Tuy nhiên, ngay trong thời đó một số tu sĩ đã thấy sự tin tưởng vào việc thành Phật ngay trong tích tắc là một niềm tin “không cơ sở” và “quá mức ngây thơ”. Rồi qua thời gian dài chịu đựng sự công kích vào hiện tượng thành Phật “tức khắc” này, thiền tông TQ buộc phải dịu giọng mà chấp nhận khẩu hiệu “Đốn Ngộ, Tiệm Tu”. Nghĩa là sau khi giác ngộ kiểu “ngay tức khắc”, các thiền sư phải tu tập lâu dài hơn nữa mới có thể thực sự “đại giác ngộ”, cái mà họ cho rằng tương đương với A La Hán hoặc là hơn cả mức độ A La Hán. Sau khi Đốn ngộ rồi sẽ Tiệm tu như thế nào, bằng phương pháp nào, để được giác ngộ hoàn toàn? vẫn còn là điều mà Thiền Tông Trung Quốc vẫn chưa trình bày rõ!

Các thiền sư Trung Quốc đã chế tác ra nhiều kĩ thuật thiền, trong đó có một số kĩ thuật rất ấn tượng như la, hét đấm, đá v.v..(Ví dụ: Thiền Sư Đức Sơn [12]). Có lẽ các thiền sư Trung Quốc nghĩ rằng khi la hét đánh đá thiền sinh có thể gây ức chế dòng ngôn ngữ bên trong của thiền sinh? Nhưng thực ra kinh điển nguyên thủy cho thấy trước đó hàng ngàn năm Đạo Phật nguyên thủy đã giải quyết vần đề này một cách đơn giản hơn. Đó là phương pháp Chánh Niệm trên thân, thọ, tâm, pháp (Tứ niệm xứ) . Chỉ vậy thôi.

Có một thời, người ta tin rằng chỉ với các thuật như Tham công Án, Khán thoại đầu, đấm, đá, đánh và hét v.v… thậm chí chỉ cần nhìn chiếc lá rơi, nghe âm thanh một mảnh sành vỡ v.v…các thiền sư Trung Quốc cũng đã thực hiện được giác ngộ ngay trong tức khắc! Nhiều người tin rằng đó là “một cú nhảy thẳng vào trong sự giác ngộ”! Nhưng ít người tìm hiểu sâu về nột dung cái gọi là “giác ngộ” đó!

Giác ngộ theo quan điểm của Mật tông Phật giáo

Mật tông Phật giáo (tức Kim cương thừa) tại Ấn Độ xuất hiện rất muộn, khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Không bị suy thoái như Thiền Tông, hiện nay Mật Tông phát triển rất mạnh với vô số các chi phái khác nhau. Đây là truyền thống tu tập bí mật có rất nhiều chi phái với các kĩ thuật khác nhau. Các kĩ thuật đó, được cho là cùng có khả năng dẫn tới trạng thái gọi là “giác ngộ” [13].

Phái thiền Dzogchen của Mật tông Tây Tạng có quan niệm về giác ngộ rất giống với Thiền tông Trung Quốc. Có phái Mật Tông Phật giáo sử dụng Yoga (một trường phái của Ấn giáo) với các kĩ thuật tu tập trên các luân xa, tu tập trên luồng hỏa hầu kundalini. Rõ ràng các trường phái này đã đi lại con đường tu tập và giác ngộ theo mô hình của Ấn Giáo. Nghĩa là, đồng hóa trạng thái gọi là “giác ngộ” với sự khám phá được bản thể năng lượng của bản thân và thế giới.

Khi Mật Tông Phật giáo sử dụng năng lực tính dục để thực hiện cái gọi là “giác ngộ” (cho đây là một phương tiện thiện xảo) thì nó hoàn toàn không còn mối liên hệ nào với Đạo Phật nữa. Đây không phải chỉ nói đến mối liên hệ về phương pháp tu tập mà nói đến mối liên hệ về bản chất của Giác ngộ. Tính Dục thì có thể giải thích là không tốt không xấu. Nhưng tu tập chỉ để nhận ra bản chất năng lựợng của Tính Dục mà không có con đường tiêu diệt tính dục thì rõ ràng không giống với triết lý của Đạo Phật. Vì đối với Đạo Phật, tính dục (ái dục) là một lậu hoặc (ô nhiễm) cần phải thanh tịnh.

Mật tôngPhật giáo còn có những kĩ thuật nhằm đồng hóa thân tâm của người đệ tử chưa giác ngộ với thân tâm một vị thày đã giác ngộ hoặc với biểu tượng của một vị hóa thần (yidam). Do vậy, có thể thấy sự “giác ngộ” của Mật tông cũng dựa trên sự tu tập bằng “tha lực”, tức những năng lực đến từ bên ngoài.

Con đường tu tập của Kim Cương Thừa chủ yếu dựa vào tha lực và các phương tiện được cho “thiện xảo”. Ấn, chú, linh phù, mandala, hóa thần (yidam), không hành nữ (dakini) v.v… được triết lý của Kim cương thừa gọi là các “phương tiện thiện xảo” (S. upāya kauśalya; P. upāya kosalla). Các phương tiện thiện xảo này rất khác biệt với phương tiện thiện xảo trong giáo pháp của Đạo Phật vốn chỉ là sự thay đổi cách thuyết giảng cho phù hợp với từng đối tượng! [13].

Kim Cương Thừa (tức mật tông phật giáo) luôn nhận mình là Đạo Phật, được truyền dạy từ giáo pháp bí mật của Đức Phật Gautama. Nhưng đối với kinh điển nguyên thủy thì ta không thể tìm thấy một dấu vết nào chứng minh cho điều này. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật còn nói rằng giáo pháp của ngài là bàn tay mở, không dấu diếm điều gì! [14] Không có gì gọi là bí truyền cho riêng một cá nhân nào!

Ba giải thoát mà Kim Cương Thừa chủ trương là:

- Không giải thoát môn (zh. 空解脫門)

- Kim cương giải thoát môn (zh. 金剛解脫門) và

- Huệ giải thoát môn (zh. 慧解脫門).

Khác với Tam giải thoát môn của Đạo Phật và cũng không nói đến Bất Động Tâm Giải thoát như một tâm giải thoát biểu lộ sự giải thoát hoàn toàn. Tất cả các phương thức tu tập của Kim Cương Thừa thì không đi qua đạo lộ của tâm giác ngộ (còn gọi là bốn quả Thánh hay bốn qua sa môn)! Trong kinh Sư Tử Hống, Đức Phật đã tự phân biệt giáo pháp của ngài với các pháp của Bà La Môn bằng phát biểu rằng, giáo pháp nào không đưa đến bốn quả sa môn, thì giáo pháp đó không phải là giáo pháp của ngài.

Mật Tông Phật giáo có rất đông người theo đuổi, vì thường được tin là con đường đi tắt có thể làm rút ngắn thời gian tu tập. Chỉ riêng cái yếu tố “mật” đầy huyền thoại đã kích thích tâm lý người tu rất nhiều, chứ chưa nói đến cái yếu tố “con đường đi tắt” để tránh thời gian tu tập kéo dài! Một điều phải nhắc lại ở đây rằng, mọi phương pháp tu tập đều có những giá trị riêng của nó. Mọi loại giác ngộ đều có nội dung và mục đích của riêng nó. Mọi người tu tập có quyền lựa chọn con đường riêng phù hợp với mình. Nếu con đường tu tập của Mật Tông Phật Giáo chứng minh được rằng nó dẫn đến Níp bàn tịch tĩnh, vô ngã và không có sự tái sanh, thì nó đúng là chủ trương của Đạo Phật.

IV. Giác ngộ theo quan điểm của một số các đạo sư đương thời

Rất nhiều những đạo sư thời nay đã đưa ra phương thức đạt giác ngộ bằng chủ trương “sống trong hiện tại”. Các vị này thuyết giảng “sống trong hiện tại” như một trải nghiệm giác ngộ rất đơn giản và rất dễ dàng. Chỉ cần quên quá khứ đi , đừng nghĩ gì về tương lai. Tập trung sự nhận biết và “sống” ngay trong hiện tại này (right here and now). Vậy là sẽ có ngay trải nghiệm về chân lý, tức trải nghiệm giác ngộ!

Câu hỏi đặt ra là liệu con người bình thường có thể dùng ý chí (will, volonte’) để quên đi quá khứ, quên đi tương lai mà sống trong hiện tại hay không? Có thể “duy ý chí” trong việc tu tập hay không? Hay phải nhất thiết phải cần có một phương pháp hiệu quả để thực hiện cái trạng thái gọi là “sống trong hiện tại”! Phải cần có phương pháp và phải thực hành thành công thì ta mới có thể “sống trong hiện tại” được. Krisnamurti , Eckhart Tolle, Osho v.v… và rất nhiều thiền sư ngày nay đã ca ngợi về trạng thái “sống trong hiện tại” nhưng dường như ít đưa ra những phương pháp thực hành cụ thể và hiệu quả nào!

Vấn đề thứ hai phải được đặt ra. Trạng thái “sống trong hiện tại” kéo dài được bao lâu? Chừng bao nhiêu phút? Những người tu tập có trải nghiệm “chánh niệm tĩnh giác” sẽ hiểu rất rõ điều này. Nếu trạng thái “sống trong hiện tại” quá ngắn ngủi, không kéo dài được (trong suốt cuộc đời), thì phải hiểu đó là một giải pháp vô ích và hoàn toàn không giúp cho con người mong muốn đạt được sự thanh thản trong kiếp này và không bị tái sanh trong những kiếp sau!

Có ai đã từng trải nghiệm trạng thái “sống trong hiện tại” sẽ thấy rằng trạng thái tâm như vậy không thể kéo dài. Tùy theo năng lực, “sống trong hiện tại” chỉ có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Sau đó, tâm sẽ trở lại trạng thái bình thường. Nghĩa là tâm vẫn trở về trạng thái cũ, chứa đầy ô nhiễm (lâu hoặc). Con người vẫn phải tiếp tục sống với những căng thẳng, những điều bất như ý hoặc khổ đau (dukkha) và buộc phải nhận ra là mình chưa giác ngộ và chưa hề giải thoát bao giờ cả! Ngay như Thiền Định cũng chỉ kéo dài thông thường là vài giờ. Sau khi xuất định, con người vẫn trở lại trạng thái phàm phu. Theo quan điểm của Đức Phật thì thiền định không đưa đến trạng thái giác ngộ toàn triệt như ngài mong đợi, nên trong lịch sử, Đức Phật đã phải thực hành thêm một phương pháp khác nữa để đạt đại giác ngộ.

Đối với Đạo Phật, trải nghiệm “sống trong hiện tại” chỉ là kết quả của luyện tập Chánh niệm (right mindfulness). Trải nghiệm này không bền, nghĩa là chánh niệm có thể mất đi rất nhanh bất cứ lúc nào. Đây chỉ là phương pháp thực hành để hổ trợ cho việc phát triển thiền định. Ngay cả khi đạt được thiền định, những trải nghiệm trong định cũng mất đi rất nhanh sau khi xuất ra khỏi định. Các đạo sư thuộc Ấn Độ giáo không bàn về sự chấm dứt tái sanh hoặc không chứng minh được khả năng chấm dứt tái sanh. Theo giáo pháp của Đức Phật, nếu không hướng tới sự chấm dứt tái sinh, thì cái gọi là “giác ngộ nhất thời” trong đời sống ngắn ngủi này sẽ không có lợi ích gì nhiều. Tất cả các tôn giáo, giáo phái của Ấn Độ giáo đều không xem việc chấm dứt tái sanh là cứu cánh của giải thoát. Có thể họ cho đó là mục đích cao xa quá!

V. Một số các quan điểm phổ thông hiện nay về giác ngộ

Trên các phương tiện truyền thông hiện nay như sách báo, internet, các mạng xã hội v.v… có rất nhiều các thông tin “dường như” cố tìm liên hệ giữa sự tỉnh thức hoặc giác ngộ với các trải nhiệm như:

  •  Sự xuất hồn (out of body experience) , sự phóng chiếu thể vía (astral projection) hoặc trải nghiệm về các giấc mơ tỉnh táo (lucid dreaming) mà khoa học phương tây đang nghiên cứu.
  •  Sự nhận ra bản chất năng lượng của cơ thể và thế giới chung quanh (ví dụ trong nhiều trường hợp Kundalini thức tỉnh)
  •  Sự trải nghiệm các ảo giác khi sử dụng các loại nấm và cây cỏ mà thổ dân thường dùng trong các nghi lễ thần bí. Hiện tại có nhiều thông tin đáng chú ý về một chất gây ảo giác mạnh gọi là Ayahuasca.
  •  Sự trải nghiệm các chất hóa học gây ảo giác tổng hợp như LSD, DMT (N,N-Dimethyltryptamine).

VI. Giác ngộ theo giáo pháp của Đức Phật Gautama

Sự giác ngộ có thể biểu hiện ở các tâm giải thoát (ceto-vimutti)

Tâm giải thoát là những trải nghiệm tâm, đạt được khi thành tựu các loại thiền (hoặc là thiền định hoặc là thiền quán).Ví dụ khi thực hành thiền về “tâm từ” thì kết quả khi đạt được là từ tâm giải thoát (mettācetovimutti). Khi thực hànhthiền quán về “tánh không” thì kết quả đạt được sẽ là Không tâm giải thoát (suññatā cetovimutti). Khi thực hành “định vô sỡ hữu xứ” thì kết quả sẽ là Vô sở hữu tâm giải thoát (ākiñcaññā cetovimutti).

Trong thời kỳ Đức Phật giảng dạy có nhiều Tâm Giải Thoát được đề cập trong kinh điển. Ví dụ:

  • Bất khổ bất lạc tâm giải thoát (adukkhamasukhāya cetovimuttiyā)
  • Đại hành tâm giải thoát (mahaggatā cetovimutti)
  • Từ tâm giải thoát (Mettācetovimutti)
  • Bi tâm giải thoát (Karuṇācetovimutti)
  • Hỉ tâm giải thoát (Muditācetovimutti)
  • Xả tâm giải thoát (Upekkhācetovimutti)
  • Vô Lượng Tâm giải thoát (Appamāṇā cetovimutti) gọi tắt cho tứ vô lương tâm giải thoát
  • Không (Tâm) giải thoát (Suññatā cetovimutti)
  • Vô Sở Hữu tâm giải thoát (ākiñcaññā cetovimutti)
  • Vô Tướng tâm giải thoát (Animittā cetovimutti)
  • Bất Động tâm giải thoát (Akuppā cetovimutti)
  • Và rất nhiều các tâm giải thoát khác v.v…

Đặc biệt Tam (Ba) Giải Thoát (Vimokkha) gồm :

  • Vô tướng Giải Thoát (Animitto vimokkha)
  • Vô nguyện Giải Thoát (Appaṇihito vimokkha)
  • Không tánh Giải Thoát ( Sunñnñato vimokkha)

Là những tâm giải thoát này xuất phát từ thiền quán về Tam Tướng. Đó là Vô Thường tùy quán (aniccānupassanā), Khổ tùy quán (dukkhānupassanā), Vô Ngã tùy quán (anattānupassanā) [15]. Nghĩa là Ba Giải Thoát được hình thành trong quá trình thực hành Tuệ Quán (vipassana) về Vô Thường, Khổ và Vô Ngã

Bất Động tâm giải thoát (akupa-cetovimutti)

là biểu hiện của giác ngộ hoàn toàn trong Đạo Phật

Các Tâm giải thoát được hiểu là những biến cố của tâm (events of mind) xảy ra trong tiến trình đi đến giải thoát.

Nếu sự tu tập các tâm giải thoát được thực hành riêng lẽ, không đặt nền tảng diệt trừ các lậu hoặc (ô nhiễm) thì các tâm giải thoát này sẽ không phát triển thành một giác ngộ hoàn toàn theo chánh pháp.

Ngược lại nếu sự tu tập các tâm giải thoát này đặt nền tảng trên sự diệt trừ các lậu hoặc thì cuối cùng chúng sẽ trở thành tâm bất động. “Bất động tâm giải thoát” là trạng thái tối thượng so với các tâm giải thoát khác, vì đó là tâm giải thoát không còn tham, sân, si. Nghĩa là không còn mầm mống cho sự tái sanh (vô sanh)

Đây là quan điểm của Đạo Phật nguyên thủy, được thuyết giảng trong nhiều bài kinh như: MN 043. MAHĀVEDALLASUTTAṂ, kinh MN 127 ANURUDDHASUTTA, kinh SN, thiên sáu xứ, chương VII, tương ưng tâm, kinh GODATTA v.v…

Hai yếu tố chính của giác ngộ “hoàn toàn” theo quan điểm của Đạo Phật nguyên thủy

1. Vượt thoát khỏi tất cả những đau khổ vốn có của đời sống.

Tâm đạt được trạng thái gọi là Tâm giải thoát “bất động” (Pāli: akuppā cetovimutti), không lay chuyễn vì không còn bị ô nhiễm bởi tham, sân, si.

“Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh…” ( Tiểu kinh Ví dụ lõi cây MN 030 – Bản dịch Thích Minh Châu)

2. Chấm dứt được quá trình tái sinh (quả vô sanh)

Giáo pháp của Đức Phật giúp con người không phải lập lại những chu kỳ vô tận của đời người mong manh và ngắn ngủi bởi sinh-lão-bệnh-tử.

Nếu tu tập giới, định, tuệ theo đúng chánh pháp pháp, phàm phu sẽ có thể giác ngộ và trở thành một vị gọi là A La Hán. A La Hán là vị có tâm an tĩnh bất động, không còn dư tàn của tất cả tham, sân, si. Vì không còn tham, sân, si làm mầm mống do đó không còn tái sanh trong bất cứ cõi giới nào. Như trong các bài kinh Nikaya, sau khi giác ngộ, các vị A La Hán thường nói: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm v.v…”

Ví dụ, trong kinh MN 037 Tiểu kinh Đoạn Tận Ái:

“Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa…” (bản dịch của Thích Minh Châu)

Các đặc điểm khác của Giác Ngộ trong Đạo Phật nguyên thủy

  • Giác Ngộ trong giáo pháp thực sự của Đức Phật do nổ lực hoàn toàn tự thân. Sự giác ngộ này không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc của một vị thày, cũng không cần đến một hệ truyền thừa hay một thủ thuật “khai mở” (initiation) nào cả!

Các giáo phái thuộc hệ tư tưởng Bà La Môn hoặc các giáo phái bí mật như Sanmat cho rằng Thầy có thể truyền tâm, khai ngộ (initiate) cho đệ tử . Phải cẩn thận vì chữ “khai ngộ” ở đây không phải là giác ngộ hoàn toàn. Truyền thống Vedanta còn cho rằng một người chỉ tu tập thành công khi có một minh sư còn sống!

Lịch sử Đạo Phật còn biết rõ Anan vốn là thị giả, người thân cận nhất, đồng thời cũng là người anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, nhưng mãi tận đến sau khi Đức Phật nhập diệt ngài mới chứng quả A La Hán. Rõ ràng Đức Phật không thể gánh nghiệp cho Anan hoặc cho bất cứ ai, cũng như không thể gia trì cho Anan hoặc cho bất cứ ai sớm chứng đắc đạo quả được. Trong khi có các “minh sư” ngoài Đạo Phật tuyên bố “gánh nghiệp”, “xóa nghiệp” cho các tín đồ! Nhưng Đức Phật trong qúa khứ đã không gánh nghiệp, xóa nghiệp cho bất cứ ai!

  •  Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự giác ngộ. Các giai đoạn tu tập cũng như quy trình tâm khi giác ngộ được mô tả và giải thích cặn kẽ (xem phần lộ trình tâm khi giác ngộ)
  • Đạo Phật nguyên thủy có các pháp Tuệ quán (Vipassana) là pháp thiền để tạo ra các “tuệ cần thiết để hiện thực giác ngộ”. Đối với Đạo Phật nguyên thủy, chính TUỆ là yếu tố đưa đến giác ngộ và giải thoát. Giải thoát sinh bởi Tuệ (Paññā cetovimutti) mới có thể phát triển Giải Thoát tối thượng, tức Giải Thoát không còn tâm tham, tâm sân, tâm si, tức không còn mầm mống của tái sanh.
  • Đạo Phật nguyên thủy có bốn mức độ giác ngộ (còn gọi là bốn tầng thánh trí).Bốn mức độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết:

1. Tầng thánh thứ nhất: Sơ quả hay Tu đà hoàn (Sotàpatti, Dự lưu), còn được gọi là Thất lai, người không thể tái sinh quá 7 lần

2. Tầng Thánh thứ hai: là Nhị quả Tư đà hàm còn được gọi là Nhất lai (Sakadàgàmì) chỉ tái sinh trong Dục giới một lần nữa

3. Tầng Thánh thứ ba: là Tam quả A na hàm (Anàgàmi), nghĩa là bậc Bất lai, người không còn trở lui các cõi dục giới nữa

4. Tầng Thánh thứ tư chính là quả vị A La hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não, không còn tái sanh nữa. Trong kinh Sư Tử Hống, Đức Phật đã thuyết pháp mạnh mẽ, như tiếng rống của Sư tử, rằng chỉ có bốn quả Sa Môn (bốn bậc thánh) mới là đặc thù của Chánh Pháp mà ngài đã thuyết giảng.– Này các Tỷ-kheo, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất; ở đây là có Sa-môn thứ hai; ở đây là có Sa-môn thứ ba; ở đây là có Sa-môn thứ tư; các ngoại đạo khác không có Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy. (MN 011- Tiểu kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ Kinh)

  • Quy trình tu tập để đạt tới Giác Ngộ của Đạo Phật nguyên thủy được công truyền, không dấu diếm [14] với hướng dẫn có tính khoa học:

1. . Làm trong sạch tâm (Giới luật và các phương pháp diệt trừ lậu hoặc)

2. . Làm an tĩnh tâm (Chánh Niệm và Thiền Định)

3. . Phát triển các loại Trí (nana) hướng tới giải thoát (Thiền Tuệ -Vipassana)

4. . Và cuối cùng nhận ra Níp bàn như một đối tượng đặc biệt của tâm (Giác Ngộ -Giải Thoát)

Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện làm thế nào để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ ( đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp-bàn.

  • Các bậc thiền định của Đạo Phật được mô tả rất chi tiết và có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào. Các bậc thiền định hay tuệ quán của Đạo Phật nguyên thủy đều được mô tả rõ ràng, đồng thời cũng có những chuẩn mực, tiêu mốc để xác định và còn ghi lại trong các bộ Nikaya. Ví dụ: Sơ thiền là trạng thái định với năm thiền-chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, định nhất tâm). Các giáo phái khác không bao giờ biết đến những chuẩn mốc này.
  • Chứng đắc thiền định (samatha) chưa phải là giác ngộ hoàn toàn

Bởi vì nội dung giác ngộ có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành phải khác nhau. Đối với Ấn giáo Bà La Môn (gồm rất nhiều tôn giáo), giác ngộ cao nhất tương ứng với sự tái sanh cõi trời “cao” nhất. Một tu sĩ bà La Môn giữ phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời (thiên đàng) tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đức Phật cũng từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là Giải Thoát tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời, và bằng sự tự tin mãnh liệt, đã khiến ngài quyết định thực hành một phương pháp riêng và đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Phương pháp đó gọi là Tuệ Quán hoặc Thiền Tuệ (Vipassana). “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya.Kinh điển có ghi lại diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề trong khi Ngài thực hiện giác ngộ.

Ví dụ Kinh Saccaka kể lại việc Đức Phật đã thực hành Thiền quán sau khi đã nhập và xuất bậc Định thứ tư (tứ thiền):

“…Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là Khổ”, biết như thật: “Đây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Đây là Con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. …”

  • Mục đích của Đạo Phật là giải thoát khổ và chấm dứt tái sanh, chứ không nhằm mục đích đi tìm bản thể của thế giới.Trong khi có giáo phái khi ngồi thiền thấy ánh sáng, âm thanh lại cho đó là bản thể của tự thân và vũ trụ và họ cho đó là chứng ngộ “Phật tánh”. Hoặc có giáo phái tin rằng sự khai mở các luân xa, hoặc đánh thức các nguồn năng lực (như Kundalini) hoặc sự nhận biết bản thể năng lượng của tự thân và thế giới là giác ngộ.
  • Đạo Phật luôn thanh lọc tâm, luôn cảnh giác với các nhận thức sai lạc do tưởng tri tạo nên. Trong khi có giáo phái thấy các hình ảnh của các cảnh giới lạ, như thấy chư thiên v.v…, bèn cho là đã đạt được giác ngộ!
  • Tu tập Đạo Phật luôn có quy trình và thứ tự nhất định. Sự giác ngộ phát triển dần từ thấp lên cao. Từ sự an tịnh tâm bằng giới luật, bằng cách thay đổi quan điểm sống, thay đổi lối sống, đến việc hình thành chánh niệm, thiền định, rồi tuệ quán. Sự giác ngộ trong Đạo Phật có nguồn gốc trực tiếp từ TRÍ TUỆ sinh ra từ tuệ quán (Vipassana)

Trong kinh điển không ghi nhận bất cứ trường hợp nào đột nhiên mà giác ngộ. Giác ngộ chỉ xảy ra sau một quá trình tu tập. Dù ai cũng muốn sự tu tập của mình được nhanh chóng, ai cũng muốn tìm được con đường tắt, nhưng cũng nên hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập qua lịch sử của Đạo Phật còn để lại. Cái nào cũng có cái giá của nó! Rất khó để tin rằng một người có thể bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được! Nếu có, thì đó là một nội dung giác ngộ hoàn toàn khác với giác ngộ của Đức Phật đã thực hiện dưới cội Bồ đề.

Níp bàn (Nibbana)

Giác ngộ của Đạo Phật gọi là Níp Bàn (Nibbana). Níp bàn không phải Thượng Đế (God), không phải Đấng sáng tạo mà chỉ là trạng thái tâm đoạn tận được các ô nhiễm (lậu-hoặc, taints), không còn bị tham ái, sân, si khống chế. Với trạng thái tâm trong sạch thanh tịnh đó, con người giác ngộ hoàn toàn tự do, không tái sanh, vô sanh (Ajāti), không ‘trở thành”, không già, không bệnh, không chết. Níp Bàn không phải là trạng thái đoạn diệt và hư vô (annihilation). Níp Bàn được ví như khi ngon lửa tắt đi nhưng thực sự nó không mất đi đâu, giống như khi nó sanh ra, nó chẳng từ đâu đến.

Các bậc Thánh thường mô tả trạng thái giác ngộ là trạng thái Tâm định tĩnh, kiên cố, không lay chuyển được (akuppa cetovimutti) hoặc là trạng thái “không tái sanh” . Sau khi giác ngộ, các ngài thường nói:

“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, nay không thối lui nữa!”

Một số trích dẫn từ kinh điển khi giải thích Nip Bàn

Đồng nghĩa với Níp bàn giới, này các Tỷ kheo, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.”

Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này các Tỷ kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo tám ngành là con đương đưa đến bất tử.”
(Tương Ưng V )

Hoặc

“Này các Tỷ kheo! Thân của đức Như lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân của vị này tồn tại thời Chư Thiên và loài người có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung thời Chư thiên và loài người không thể thấy được.”
(Trường Bộ I, Phạm Võng – 46)

Hoặc:

“Này các Tỷ kheo, có xứ này tại này, không có đất, không có nước, không có lửa,, không có gió , không có hư không vô biên … không có phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau; không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ kheo ! Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau.”
(Phật tự thuyết, UD 80 – 381)

Hoặc:

“Này các Tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở nay không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”

“Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau.”
(Phật tự thuyết, UD 81 – 382)

Níp Bàn là một phạm trù đặc biệt. Thực sự với đầu óc phàm phu chúng ta không thể mô tả Níp-bàn là gì! Vì đây là lãnh vực trải nghiệm trực tiếp của các bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Tuy nhiên, quy trình đi đến giác ngộ để trải nghiệm Níp-bàn thì hoàn toàn có thể mô tả được!

Đạo lộ đưa đến giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy

Đạo Phật với sự hướng dẫn của Đức Phật chỉ tồn tại hơn hai trăm năm. Hiện nay, tông phái của Đạo Phật xưa cổ nhất, duy nhất còn tồn tại là Theravada (Thera có nghĩa là trưởng lão). Theravada được coi như Đạo Phật nguyên thủyvới Luật, Kinh, Thắng Pháp (vi Diệu Pháp) và các bộ chú giải (commentaries) được bảo tồn khá đầy đủ. Phương cách thực hiện giác ngộ của Theravada dựa trên kinh Nikaya, bộ Phân Tích Đạo của ngài Xá Lợi Phất và bộ luận Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của ngài Buddhaghosa. Bộ Thanh Tịnh Đạo không phải là quan điểm riêng của ngài Buddhaghosa. Đây là qui trình tu tập dựa trên Kinh-điển và Vi Diệu Pháp:

- Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng giới (sila),

- Sau đó thực hành thiền định (samadhi) để hỗ trợ Giới và hỗ trợ Tuệ quán (vipassana) sau này.

- Sự giác ngộ được thực hành tuần tự qua 16 tầng thiền tuệ từ thấp lên cao. Thiền tuệ là phương pháp quan sát thế giới (vật chất và tinh thần) bằng cách quan sát thân tâm của chính hành giả. Bằng năng lực của Định, hành giả thấy rõ từng tâm phát khởi, thấy rõ quá trình tâm duyên hợp phát sinh rồi hủy diệt. Sự biết và thấy rõ các tâm phát sinh ra các trí.

Qua mười một tầng tuệ đầu tiên hành giả sẽ bắt đầu trực nhận Níp bàn:

“…Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.

Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:

12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)

13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)

14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)

15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)

16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)

Như vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn…” [16]

Đạo lộ tu tập Theravada hoàn chỉnh được tìm lại căn cứ theo các bộ Nikaya, theo Vi diệu pháp, theo Phân tích đạo, theo Thanh Tịnh đạo luận (Visudhimagga). Ngay vào lúc giác ngộ, người giác ngộ sẽ trực tiếp nhìn thấy lộ trình tâm giác ngộ của chính mình. Khi đã “hữu duyên” biết đến những thông tin này, những ai tha thiết với sự truy tìm giác ngộ sẽ phải bật khóc khi biết đến tính minh bạch và tầm vóc vĩ đại của giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy.

Đạo Phật của Đức Phật Gautam được giảng dạy công khai, không dấu diếm, không bí truyền. Tính thần bí và bí truyền cũng như tính luôn đề cao vai trò của giáo chủ hay của tha lực là một đặc diểm của Ấn giáo. Sự truyền tâm (initiation) chỉ là một kĩ thuật hổ trợ loại giác ngộ trong tam giới. Kĩ thuật truyền tâm không có tác dụng gì trong Giác Ngộ Tối Thượng của Đạo Phật Phật (ý nói Đạo Phật chính thống và nguyên thủy). Nguyên lý trong sự giác ngộ của Đạo Phật là sự phát tiển các Tuệ (wisdom) tức sự hiểu biết hướng đến giải thoát. Tuệ giác ngộ không phải là phạm trù mơ hồ hay thần bí. Tuệ để thực hiện giác ngộ có thể liệt kê, đếm và mô tả được [17]. Mười sáu tuệ trong sự thực hành Vipassana là những tuệ căn bản nhất. Chỉ có đầy đủ tuệ giác ngộ mới có được lộ trình tâm giác ngộ.

Lộ Trình Tâm khi giác ngộ

Vi Diệu Pháp (abhidhamma), một bộ luận được Theravada xếp vào Chánh tạng, đã phân tích chi tiết tâm thức của con người thành các tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi). Đối với một người bình thường, ý môn lộ trình tâm vận hành theo một kiểu nhất định. Khi một người đạt giác ngộ, ý môn lộ trình tâm lại vận hành theo một kiểu khác:

1. Ý môn lộ trình tâm “bình thường” của tất cả mọi người (phàm phu)

Bắt đầu và theo thứ tự như sau:

- Tâm “Hộ kiếp rúng động” (một sát na)

- Tâm “Hộ kiếp dứt dòng” (một sát na)

- Tâm “Ý môn hướng” (một sát na)

- Tâm “Đổng Tốc” (7 sát na)

- Tâm “Thập Di” (2 sát na)

Cuối cùng, ý thức rơi trở vào dòng Tâm Hộ kiếp còn gọi Tâm Hữu phần (life continuum). Nếu kể cả tâm Hộ kiếp, thì một lộ trình tâm của ý thức của một người bình thường trong đời sống hàng ngày gồm có 12 sát-na tâm.

Khác với cách giải thích mù mờ, thần bí và huyễn hoặc về sự giác ngộ của tất cả các tôn giáo thần khải cũng như các giáo phái Bà la môn, Sanmat, Thiền Tông Trung Quốc v.v…và kể cả các Đạo Phật gọi là “phát triển”, giác ngộ trong Đạo Phật nguyên thủy là một sự kiện minh bạch. Với sự hổ trợ của năng lực Thiền định, người thực hành Tuệ quán (Vipassana) có thể nhận biết rõ ràng từng tâm (citta) và các lộ trình tâm (citta vithi) của mình, trong lúc chưa giác ngộ cũng như trong lúc giác ngộ. Đây không phải chỉ là một lý thuyết trên kinh điển. Trong quá khứ các vị A-La-Hán đã mô tả các tâm, lộ trình tâm bằng trải nghiệm của mình và ghi lại trong tạng Vi Diệu Pháp. Trong hiện tại, đang có các vị sư thực hiện thành công pháp tuệ quán này. Khi giác ngộ, người tu có thể tự nhận biết sự giác ngộ của mình bằng một lộ trình tâm giác ngộ với 11 tâm như sau:

2. Ý môn lộ trình tâm của người “Giác Ngộ”

Với kí hiệu cụ thể như sau:

- Đối với người có trí tuệ chậm lụt (Mandapanna)

Na – Da – Ma – Pa – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Bh –

- Hoặc đối với người có trí tuệ nhạy bén (Tikkhapana)

Na – Da – Ma – U – Nu – Go – Magga – Phala – Phala – Phala – Bh -

Giải thích các kí hiệu :

Na = bhavaṅga-calana – hữu phần (hộ kiếp) rúng động, – vibrating life-continuum

Da = bhavaṅgu-paccheda – hữu phần (hộ kiếp) dứt dòng – arrested life-continuum

Ma = manodvārāvajjana – ý môn hướng tâm -door adverting consciousness

Pa = parikamma – chuẩn bị của Đạo (magga) – preparation of the Path (magga)

U = upacāra – cận hành của Đạo (magga) – proximity of the Path (magga)

Nu = anuloma – thuận thứ cho cái đi trước và cái theo sau – conformity to what preceeds and to what follows

Go = gotrabhu – chuyển tộc – change-of-lineage

Magga = sotāpattimagga – Đạo Nhập Lưu – the Path of stream-entry

Phala = sotāpatti-phala – Quả Nhập Lưu – the Fruition of stream-entry

Bh = bhavaṅga – hữu phần (hộ kiếp) – life-continuum

Chỉ trừ một số người, mà Pháp Học chưa được nắm vững, thì có thể không nhận biết được các tâm trong tiến trình giác ngộ (nhập lưu). Một người thuần thục về Pháp học, với tuệ quán đúng cách, sẽ nhận biết rõ các tâm trong tiến trình giác ngộ, thấy được sát-na của tâm chuyển tộc, ngay lúc chuyển phàm thành thánh.

Kể từ khi Đức Phật đại giác ngộ và tuyên thuyết giáo pháp của Ngài cho tới ngày nay, chưa có một tôn giáo hay tông phái nào có khả năng mô tả “lộ trình tâm” của một người khi giác ngộ. Qua sự mô tả chi tiết lộ trình tâm giác ngộ, Đạo Phật có cái nhìn về sự giác ngộ rất rõ ràng, rất minh bạch và rất chuẩn mực so với sự mơ hồ đầy thần bí của sự giác ngộ trong tất cả mọi tôn giáo khác.

Tóm tắt

Trên con đường tu tập tâm linh, người tu nhất thiết phải hình dung về cái đích đến của mình. Nghĩa là, phải xác định loại giác ngộ, giải thgoát nào mà mình thực sự muốn nhắm đến. Tức phải tìm câu trả lời thật chính xác cho câu hỏi “Giác Ngộ là gì?”. Như đã trình bày, có rất nhiều loại giác ngộ do các minh sư, guru, giáo chủ đã từng thuyết giảng qua nhiều thời đại. Tu tập loại giác ngộ nào, đó là sự lựa chọn của riêng của từng mỗi cá nhân. Đối với những ai ngưỡng mộ giáo pháp của Đức Phật, cần phải nhận biết loại “giác ngộ” rất đặc thù của Đạo Phật. Sự thực hiện Giác Ngộ trong Đạo Phật không hề có tính thần bí mơ hồ. Đó là một quy trình tu tập đã được mô tả rõ ràng, minh bạch. Người giác ngộ sẽ sống trong hiện kiếp này với trạng thái định tĩnh, thanh thản, an lạc. Đồng thời sẽ không còn có sự tái sanhđể lại phải tiếp tục chịu khổ đau.

BS. Phạm Doãn

(Sài Gòn 28/04/2013)



 

Chú thích:

[1] Với tiếng Anh, chữ “enlightenment” có thể làm liên tưởng đến phong trào triết học gọi là thời kì khai sáng ở giữa thế kỉ 19. Chữ “awakening” cũng vậy, từ lâu chữ này đã mang một ý nghĩa phục sinh, phục hưng, phục dựng cho các phong trào tôn giáo hay văn hóa của phương Tây

[2] Xem ảnh: https://bsphamdoan.wordpress.com/mot-so-hinh-anh-tai-lieu/tai-lieu-01/

[3] Vedanta là một trường phái triết học Ấn Độ phát triển dựa trên Upanisad.

[4] Đạo của ngài Thanh Hải (một nhánh của Sanmat) dùng chữ “truyền tâm ấn”. Xem phả hệ dòng Sanmat của ngài Thanh Hải tại link này: http://santmat.livingcosmos.org/surat-shabd-yoga/ssy-navtree.html

[5] Trích từ tác phẩm “Osho Tự Truyện”, chuyển ngữ: Minh Nguyệt, tác giả: OSHO

[6] Tăng Chi bộ kinh, chương nói về hào quang ( AN. 11.139)

[7] Trích từ Biết và Thấy, tác giả Pa Auk Sayadaw

[8] tham khảo thêm tại link này: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/psychological-view-of-meditative-experiences/

http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/th%E1%BB%83-nghi%E1%BB%87m-kundalini/

[9] Trái Tim của Bụt- Thích Nhất Hạnh. Bài thứ 17: Tam Pháp Ấn

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-but/bai-17-phap-an?set_language=vi

[10] Thiền Luận, tác giả Daiset Teitaro Suzuki, bản dịch Trúc Thiên, quyển thượng, luận hai, đoạn: Thiền và Ngộ

[11] Mười bức tranh trâu http://www.budsas.org/uni/u-tranh-chantrau/ix.htm

[12] Đức Sơn Tuyên Giám (zh. déshān xuānjiàn 德山宣鑒, ja. tokusan senkan), 782-865, là Thiền sư Trung Quốc, một trong những Thiền sư lỗi lạc nhất đời Đường. Sư có 9 môn đệ được ấn khả, trong đó hai vị Nham Đầu Toàn Hoát và Tuyết Phong Nghĩa Tồn đứng hàng đầu. Sư nối pháp Long Đàm Sùng Tín thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hi Thiên. Nhân duyên ngộ đạo của Sư là một trong những câu chuyện thường được nhắc lại nhất trong giới Thiền. Sư nổi danh về việc sử dụng cây gậy để giáo hoá (đập) thiền sinh, từ đó mà sinh ra danh từ Bổng hát, chỉ cây gậy (bổng) ngang dọc của Sư và tiếng hét (Hát) vọng vang của Lâm Tế Nghĩa Huyền. (Wikipedia)

[13] Giới thiệu mật tông Việt Nam: http://bsphamdoan.wordpress.com/cac-bai-vi%E1%BA%BFt-cu/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-m%E1%BA%ADt-tong-vi%E1%BB%87t-nam/

[14] DN 16 Kinh Đại Bát Niết bàn: Tụng phẩm 2, đoạn 25

“…Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). (Kinh Đại Bát Niết bàn, đoạn 25, T.T Thích Minh Châu dịch ra tiếng Việt)

http://buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-truongbo/truong16.htm

[15] Đoạn Trừ Lậu Hoặc, phần II, tác giả HT Buddharakkhita, dịch giả Tỳ Khưu Pháp Thông

[16] Biết và Thấy (Knowing and Seeing), đoạn: Biết và thấy niết bàn, tác giả: Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna), Tỳ khưu Pháp Thông dịch.

[17] Về các Tuệ để thực hiện Giác Ngộ , quý vị có thể đọc thêm phân tích chi tiết trong bài: “Tuệ và Giác Ngộ” (http://bsphamdoan.wordpress.com/giac-ng%E1%BB%99-enlightenment/tu%E1%BB%87-va-giac-ng%E1%BB%99/)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 17496)
Đối với tôn giáo, để trở thành tín đồ, chúng ta phải trải qua nghi lễ theo tôn giáo mình theo quy định. Với Ấn Độ giáo, muốn trở thành tín đồ có đầy đủ tư cách học kinh Vệ đà, chúng ta phải trải qua lễ Upanayana (lễ đánh dấu thời điểm người con trai chính thức được giáo dục trong dòng tư tưởng Vệ đà). Với Cơ Đốc giáo, muốn trở thành con chiên chính thức, chúng ta phải trai qua lễ Baptism (lễ rửa tội). Cũng vậy, muốn trở thành người phật tử chính thức của Phật giáo, chúng ta phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo.
(Xem: 17011)
Nhưng cuộc sống vốn nhiêu khê, đa dạng và biến ảo khó lường nên thiền cũng phải "vô chiêu" mới có thể thực sự miên mật với bấy nhiêu bài học thực tế phức tạp trong đời. Vì vậy tôi thường vận dụng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi chính những gì mà mình đang trải nghiệm, bất kỳ ở đâu và lúc nào, trong trạng thái tự nhiên, không thêm bớt, không cố đưa vào khuôn mẫu hay điều kiện đặc biệt nào. Tôi muốn thấy sự thật như nó là chứ không đặt nó trong chiều kích phải là
(Xem: 17847)
Đó là câu nói khá quen thuộc của nhà Phật, cốt yếu khuyên nhắc những người con Phật, cần phải lưu tâm gìn giữ và vận dụng lời nói của mình sao cho phù hợp với Chánh pháp hay thể hiện lời nói đúng như lời Phật dạy. Nghĩa là những lời nói ra phải bảo đảm mang lại lợi ích cho mình và lợi lạc cho người khác
(Xem: 20178)
Cúng sao, giải hạn để tránh những tai ương là điều mà chưa từng thấy kinh điển nguyên thủy nào của đức Phật nói đến. Đạo Phật chỉ dựa vào luật Nhân quả để hướng dẫn con người thoát khỏi những tai ương, đó là ra sức tu tập trì chay, giữ giới và giữ tâm tỉnh táo, tránh luyến ái vụ lợi.
(Xem: 19323)
Ngày xưa vào thời đức Phật, mỗi sáng các thầy ôm bình bát của mình đi vào làng để khất thực. Khất thực có nghĩa là xin vật thực của người để nuôi thân. Thong thả đi từ nhà này sang nhà khác, không chọn lựa, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước cửa. Và họ tiếp nhận hết bất cứ những vật thực nấu sẵn nào được người dân bỏ vào bình bát của mình, không khen chê, vui buồn, và cũng không phân biệt. Với một tâm bình đẳng.
(Xem: 23153)
Cần phải biết doanh nhân tìm đến Đạo Phật nhằm mục đích gì? Có thể có doanh nhân làm ăn thất bại, nên đến với Đạo Phật để tìm cách làm ăn thành công hơn. Thật ra, Phật giáo không loại trừ điều này (kinh doanh → lợi nhuận), vì đó là một trong những nhu cầu sinh tồn của loài người. Nếu một người thông suốt được phương diện đạo đức của Phật giáo, họ sẽ làm tốt những sinh hoạt trong đời thường, bất kỳ sinh hoạt nào, không nhất thiết là kinh doanh.
(Xem: 17853)
Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sa là kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, tầm thường, và khiêm nhường nhất. Người đọc, nếu chưa có ý niệm gì về chiếc áo của một nhà tu Phật giáo, cũng có thể hơi ngạc nhiên khi đọc những điều vừa nêu trên đây
(Xem: 17842)
Bố Thí một đức hạnh cao quí thường được đề cập đến trong cuộc sống tu tập của người con Phật, tu sĩ lẫn cư sĩ, trong mọi tông phái Phật Giáo. Bố thí là một trong 3 hạnh kiểm được người hiền trí, bậc thiện nhân tán thán. Đó là: Bố thí, Xuất gia, và Phụng dưỡng cha mẹ. "Xuất gia" (pabbajjā) ở đây có ý nghĩa là sự thiểu dục, sự thoát ly điều bận rộn phiền não, thọ trì pháp không não hại, sống chế ngự, điều phục và hòa hợp. Trong Tăng Chi Bộ, Chương Ba Pháp, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ-khưu, có ba pháp được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố. Đó là: Bố thí, Xuất gia, và Hầu hạ cha mẹ."
(Xem: 36682)
Có một hành giả học giả (vì biết vị này có ngồi thiền và cũng có nghiên cứu Kinh điển) làm research cho biết rằng: Ở bản dịch Trung Bộ Kinh có tới 232 chữ chánh niệm, còn chữ sammāsati (23) sammāsatiyā (3) sammāsatiṃ (2) sammāsatissa (2), chỉ gặp có 30 lần. Cũng như đã gặp ở 1 đề tài gần đây về chữ satimā (được dịch là “chánh niệm”, thay vì CÓ NIỆM. khiến số lượng các chữ “chánh niệm” nhiều hơn đến 202 lần. Trong ngôn ngữ thường ngày hình như chữ “chánh niệm” được sử dụng cũng nhiều, ví dụ như vị Trụ Trì của Sư ngày xưa thường hay nhắc nhở rằng: “Mấy Sư phải có chánh niệm một chút.” Vậy nên hiểu NIỆM VÀ CHÁNH NIỆM như thế nào đây ?
(Xem: 16423)
Dù lúc ban đầu chúng ta có thể hành thiền với một tâm hồn cởi mở muốn tìm tòi khám phá, vào một thời điểm nào đó trong lúc thực hành, chúng ta sẽ không tránh khỏi đi đến trước một ngã ba đường, nơi chúng ta phải đối mặt với một sự lựa chọn. Hoặc là chúng ta có thể tiếp tục hành thiền như một môn học thuần túy tự nhiên, không liên hệ đến tôn giáo, hay là chúng ta có thể chuyển đổi pháp hành này trở lại bối cảnh nguyên thủy của đức tin và tri kiến Phật giáo
(Xem: 20197)
Có bốn cách cúng dường từ thấp đến cao, đó là phẩm vật cúng dường, tâm cúng dường, hạnh cúng dường và pháp cúng dường; ngoài bốn cách này không phải là cúng dường. Người có hiểu biết dâng phẩm vật cúng dường kèm theo tâm cúng dường, hạnh cúng dường và pháp cúng dường là thành tựu trọn vẹn sự cúng dường.
(Xem: 12328)
Kính mời quý vị và các bạn trẻ cùng theo dõi câu chuyện hôm nay với tiêu đề “Ăn chay, Ăn mặn” với các bạn trẻ (A), (B) và (C). Đây là một vấn đề mà nhiều người quan tâm đến, lại là một vấn đề hết sức tế nhị nên chúng tôi không dám tự tiện lý luận mà phải dựa vào những bài viết của hai vị sau đây: một là Tiến sĩ Victor A. Gunesekara, người Úc gốc Tích Lan, hiện là giáo sư đại học Queensland và là tổng thư ký hội Phật Giáo Queensland, Úc Đại Lợi; hai là Đại đức Thích Trí Siêu, ở Chùa Linh Sơn, Paris, Pháp quốc.
(Xem: 13408)
Đức Thích Ca có dạy: "Tin là căn bản của sự thành công, và là nguồn gốc của muôn hạnh lành". Nhưng lòng tin của người Phật Tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, không suy xét. Một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, dân tộc và xã hội
(Xem: 22063)
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng được Thế Tôn thiết định trong kinh Jivaka rằng, dù các Tỷ kheo được ăn tịnh nhục nhưng không vì thế mà hàng Phật tử giết thịt sinh vật, nếu làm tổn hại chúng sanh sẽ mất công đức: “Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức”. Và như thế, giải phap cho vấn đề Không giết hại là mua các nguyên liệu ở chợ về chế biến thành thực phẩm cúng dường chư Tăng là hợp lý nhất
(Xem: 11798)
Chánh niệm hay “sống trong hiện tại” có ích gì cho sức khỏe nhân loại? Nhiều người có thể nghĩ rằng chánh niệm là chuyện tâm linh, làm sao có thể giúp ích cho sức khỏe. Nhưng hiện nay, người ta đã ý thức được rằng sức khỏe thể lý gắn liền với sức khỏe tâm linh, một khi tâm trí an lạc thì thân thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn.
(Xem: 15057)
Nếu có người dùng tâm lành nghe pháp, đây là phước đức đệ nhất. Vì mục đích đi nghe pháp, dù chỉ bước một bước, phước báo có thể sanh lên cõi trời Phạm thiên. Người nghe pháp do thân, khẩu, ý tạo nghiệp lành nên sanh trong cõi trời, cõi người, được hưởng phước báo, hạnh phúc bậc nhất, mạng sống lâu dài, cuối cùng được Niết Bàn.
(Xem: 16838)
Nghe pháp là cơ hội để tiếp cận và thấu hiểu lời dạy của đức Phật nhằm áp dụng hành trì tu tập, gạn lọc thanh tâm, thăng tiến đạo nghiệp. Đây là cơ hội để mình kết duyên, gieo trồng thiện căn đối với Phật pháp. Tuy nhiên, với nhiều pháp hội thì các vị pháp sư trình bày bài giảng với nhiều nội dung và phương cách khác nhau, nên người nghe pháp rất dễ sanh tâm so sánh hơn thua, vô tình biến vấn đề đi nghe pháp trở thành đối tượng để bàn luận mà không thâm nhập được diệu lý từ buổi pháp thoại, làm mất ý nghĩa và lợi ích thiết thực từ việc nghe pháp.
(Xem: 15831)
Giáo dục là nắm giữ, tích trữ, Thiền là buông bỏ, xả ly. Phương pháp tuy có khác nhau, nhưng cùng chung một hướng là: tiến tới chân, thiện, mỹ. Nhưng cái đích của giáo dục là giúp con người trở nên có trí thức cao, có nhân cách; còn Thiền của nhà Phật lại dắt dẫn con người đến được trí tuệ tối hậu, từ bi, thành Chánh Đẳng Giác.
(Xem: 18743)
Góc Suy Ngẫm sưu tầm những bài có ý nghĩa thiết thực trong Giáo Pháp, trong đời sống nhằm chia sẻ những sự lợi ích, những điều hay lẽ đẹp với quý vị xa gần. - Những tư liệu, bài viết hay hình ảnh ở đây do một số bạn bè gần xa gởi đến. -Do đọc được trên Internet hay sưu tầm từ những trang sách báo, tạp chí v.v… Chúng tôi luôn ghi rõ nguồn tư liệu, nếu có, nhưng cũng không ít bài viết hay hình ảnh không ghi rõ nguồn gốc mong các bạn thông cảm vì chúng tôi chưa tìm được xuất xứ. **Phần này đăng lại những bài viết về suy ngẫm riêng của chư tăng, ni, Phật tử.
(Xem: 16143)
Đi lễ chùa là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết có rất nhiều người đi chùa lễ Phật