Nắng, Gió, Và Cửa-Không-Cánh-Cửa
Huệ Trân
Đọc bài báo về một thiền tự, rồi cũng quên đi.
Quanh vùng, biết bao chùa lớn nhỏ, mới cũ, bao tịnh xá, niệm Phật đường, bao tu viện, thiền viện … nhiều quá, chắc khó có Phật tử nào dám đoan chắc là mình đã viếng thăm hết!
Người con Phật hay dùng chữ “duyên”. Mình đủ duyên với nơi này nên đã có mặt nơi này, mình chưa đủ duyên với nơi kia nên chưa từng biết đến nơi kia …
Nắng và gió sáng nay chắc là cái duyên đưa tôi đến Vô Môn thiền tự.
Cách đây khá lâu, do một cảm xúc bất chợt nhận được từ ánh mắt rực lửa của Tổ Đạt Ma, tôi đã viết mấy dòng thơ thế này:
“Vô Môn Quan, cửa-không-cánh-cửa,
Chưa bước vào mà như đã ra
Ngoài hay trong?
Ngẩn ngơ tâm động!...”
Tâm còn động thì làm sao bước vào được cánh cửa này nên “chưa bước vào mà như đã ra” là đúng rồi!
Năm nay, nắng và gió của đầu tháng mười một dường như hơi bất thường. Cái nắng rất nhạt mà lung linh. Cái gió rất nhẹ mà se lạnh. Nắng và gió này là của tháng hai, miền Bắc.
Sau thời công phu sáng, bước ra hiên thăm dăm cây kiểng, lòng tôi đã rưng rưng chạnh nhớ quê nhà. Đã thế, tôi lại chấp nhận tiếp hai người bạn đạo, xin ghé Thất, hai mươi phút thôi, để hỏi ý về một buổi thiền-ca.
Trách chi mà khi tiễn họ ra về, dòng suối róc rách trên lối vào Thất chẳng nhắc tôi về ngôi thiền tự vừa đọc được trên báo.
Theo lời chỉ dẫn của tác giả bài viết, tôi lái chậm, khi rẽ vào con đường mang tên Cây Song Sinh (Twintree Lane) thuộc thành phố Garden Grove.
Khi tôi hỏi:
- Bao xa, sau khi rẽ vào đường nhỏ?
Thì được trả lời:
- Cứ tới là biết, vì Tổ Đạt Ma đứng chờ ngay sân trước.
Quả thật, tôi đã dễ dàng nhìn thấy Tổ, giữa rừng trúc.
Tôi xuống xe, bước thật chậm, dừng trước Tổ, lạy Tổ, mà nghe lòng mình tinh quái cười thầm “Tổ không diện bích nữa, mà … diện lộ!”
Nếu ngay khi ấy, tôi có nghe tiếng quát: “Đưa cái tâm hay đùa rỡn của mi ra đây, ta nghiêm túc cho!” thì tôi cũng không ngạc nhiên gì, vì với tôi, Tổ luôn là điểm tựa những khi tôi thất niệm.
Ôi, vô ngôn mà ngàn lời!
Thiền tự vắng lặng.
Không phải cái vắng của cô đơn mà là cái tĩnh lặng thanh tịnh.
Lạ thay, sao tôi cảm nhận rõ như thế!
Đồng thời, cái tâm hay đùa rỡn như đã được Tổ nghiêm túc cho rồi. Kỳ diệu biết bao!
Tôi bước chậm vào hành lang.
Bây giờ thì tôi nghe tiếng gió lao xao qua lá trúc. Nương theo tiếng gió ấy, tôi thấy ban thờ Phật đơn sơ bên hiên nhà. Bỏ nón và áo lạnh xuống đất, tôi quỳ trước tôn tượng, đăm đăm chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn. Ôi, Người đã thị hiện vì chúng sanh, vì muôn loài. Người đã thương xót, không bỏ một sinh linh nào, từ con sâu cái kiến nhỏ nhoi. Tình thương ấy dẫu mênh mông trời biển vẫn không hoán chuyển hết bao nghiệp nặng chúng sanh, bởi vô minh sâu dày huân tập, nên thế giới ta-bà vẫn còn nhiều quằn quại khổ đau.
Đáng sợ thay, nếu không có sự thị hiện của Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương thì thảm họa chập chùng do nhân loại gây ra còn kinh hoàng đến đâu! Nên dẫu phải chứng kiến bao khổ đau hôm nay, tôi vẫn nhận thức rằng khổ đau này sẽ vô vàn gấp bội nếu không có Chư Phật nhìn xuống, gia hộ, che chở, cứu vớt và độ cho những kẻ độ được!
Khi tôi đứng lên, không gian quanh tôi vẫn hoàn toàn tĩnh lặng. Cánh cửa bên hiên vẫn đóng, nhưng nhìn kỹ thì thấy dòng chữ nhỏ “Số của Sư: ….”
Đó là những con số điện thoại.
Nếu không muốn tiếp khách, Sư đã không để số phone nơi cánh cửa như thế. Và nếu không nhận được thông điệp này, chắc chắn tôi không đủ can đảm bấm chuông trong không gian tĩnh lặng đầy thiền vị như vầy.
Đã vững tin, tôi lấy điện thoại di động và bấm số. Giọng nói trầm và nhẹ cất lên:
- Mô Phật!
- Mô Phật! Con đọc bài báo,về thiền viện, nên xin được viếng thăm.
- Mô Phật! Cô đang ở đâu?
- Thưa, con đã đứng bên khóm trúc.
- Thế ư? Chờ một phút, Sư ra ngay.
Tôi chắp tay, cúi đầu, lòng tràn đầy an lạc và thanh thản khi vị sư đắp y theo phái Nam Tông, mở nhẹ cánh cửa Vô Môn.
Tôi lặng lẽ theo bước chân trần của Sư, vào Chánh Điện, đảnh lễ Tam Bảo. Không chuông. Không mõ. Không một tiếng động. Chỉ thấy nụ cười Đức Thế Tôn chan hòa.
Không gian tràn đầy an lạc, thanh thản.
Lòng tôi tràn đầy an lạc, thanh thản.
Những gì được nghe, được chia sẻ khi Sư cho phép ngồi đối diện nơi Chánh Điện cũng tràn đầy an lạc, thanh thản.
Chỉ thế. Và chỉ thế thôi.
Dẫu dùng từ ngữ nào, nhìn dưới lăng kính nào, thì đây chẳng phải là điều cuối cùng mà muôn loài nhọc lòng tìm cầu sao?
“Đạo như trời đất,
Vận hành mang mang,
Lặng thinh dũng mãnh,
Rạt rào thơm ngát Kim Cang ….”
Cám ơn nắng và gió, trong một sát na kỳ diệu đã đưa tôi đến Cửa Không.
Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất, thượng tuần tháng mười một, 2011)