(Xem: 1988)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2375)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

05-Con đường giải thoát khổ hoàn toàn

24 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 10167)


Con Đường Giải Thoát Khổ

Soạn giả: Hộ Pháp

 

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT KHỔ HOÀN TOÀN

Con đường giải thoát khổ hoàn toàn phải là con đường dẫn đến giải thoát khổ tái sinh (jātidukkha) trong ba giới bốn loài. Đó mới thật gọi là giải thoát khổ hoàn toàn. Hễ còn tái sinh trong cõi nào trong tam giới, thì vẫn còn khổ, chỉ có khác nhau mức độ khổ nhiều khổ ít mà thôi, bởi vì trong tam giới, khổ sự thật chân lý (dukkhasacca), còn lạc chỉ là sự đảo điên (sukhavipallāsa) mà thôi. Thật ra, ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, đều là Khổ đế. Bậc Thánh Nhân có trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng ngộ sự thật chân lý Khổ đế này gọi là Khổ Thánh Đế.

Đức Phật dạy:

Jighacchāparamā rogā,
saṅkhāraparamā dukkhā.
Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ,
Nibbānaṃ paramaṃ sukhā
1 .

Đói khát là căn bệnh trầm kha,
Ngũ uẩn là cực kỳ đau khổ.
Bậc trí biết rõ sự thật,
Đói khát, ngũ uẩn là Khổ đế,
Chứng ngộ Niết Bàn là cực lạc”.

Trong các chứng bệnh tuy có những bệnh nặng, nhưng chữa trị một thời gian lâu cũng có thể khỏi hẳn; còn căn bệnh đói khát không sao chữa trị khỏi hẳn được, cứ dai dẳng suốt cuộc đời cho đến chết, không có căn bệnh nào bằng. Cho nên, Đức Phật dạy:

Đói khát là căn bệnh trầm kha cực kỳ khó chữa”.

Trong mọi nỗi khổ, nỗi khổ phải săn sóc ngũ uẩn suốt ngày đêm không bao giờ ngừng nghỉ là nỗi khổ cực kỳ trầm trọng, không có nỗi khổ nào bằng. Do đó, Đức Phật dạy:

Ngũ uần là cực kỳ đau khổ”.

Bậc thiện trí có trí tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ căn bệnh đói khát, nỗi khổ của ngũ uẩn đều là Khổ đế, nên tìm con đường giải thoát khổ.

Trong mọi sự an lạc, như sự an lạc trong ngũ dục 2 , sự an lạc trong khi đang nhập thiền. Những sự an lạc này cũng bị vô thường chi phối, nên chung quy chỉ có Khổ đế mà thôi. Chỉ có Niết Bàn không bị vô thường chi phối, nên mới có sự an lạc tuyệt đối thật sự, không có sự an lạc nào bằng. Do đó, Đức Phật dạy:

Niết Bàn thật là cực kỳ an lạc”.

Muốn chứng ngộ Niết Bàn chỉ có con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, khi hợp đủ 8 chánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế.

Bát Chánh Đạo có 8 chánh là:

1- Chánh kiến: Trí tuệ chân chính là trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế: Khổ Thánh Đế, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, Diệt Khổ Thánh Đế, Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, có đối tượng Niết Bàn.

2-Chánh tư duy: Tư duy chân chính là tư duy thoát ra khỏi ngũ trần, tư duy không làm khổ mình, khổ người, tư duy không làm hại mình, hại người, có đối tượng Niết Bàn.

3-Chánh ngữ: Nói chân chính là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, tránh xa sự nói lời vô ích, có đối tượng Niết Bàn.

4-Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, có đối tượng Niết Bàn.

5-Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính là tránh xa cách sống tà mạng do thân và khẩu hành ác, có đối tượng Niết Bàn.

6-Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là tinh tấn 4 điều:

-Tinh tấn ngăn ác pháp chưa sinh thì không cho phát sinh.

-Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

-Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sinh thì phát sinh.

-Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh, có đối tượng Niết Bàn.

7-Chánh niệm: Niệm chân chính là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, có đối tượng Niết Bàn.

8-Chánh định: Định chân chính là định tâm trong các bậc thiền Siêu tam giới, có đối tượng Niết Bàn.

Bát Chánh Đạo khi hợp đủ 8 chánh là pháp hành dẫn đến chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bát Chánh Đạo đó là 8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo chắc chắn chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi.

8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo làm phận sự Bát Chánh Đạo là:

1-Tâm sở trí tuệ (paññācetasika) gọi là chánh kiến (sammādiṭṭhi)

2-Tâm sở hướng tâm (vitakkacetasika) gọi là chánh tư duy (sammāsaṅkappa)

3-Tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasika) gọi là chánh ngữ (sammāvācā)

4-Tâm sở chánh nghiệp (sammākammantacetasika) gọi là chánh nghiệp (sammākammanta)

5-Tâm sở chánh mạng (sammā ājīvacetasika) gọi là chánh mạng (sammā ājīva)

6-Tâm sở tinh tấn (vīriyacetasika) gọi là chánh tinh tấn (sammāvāyāma)

7-Tâm sở niệm (saticetasika) gọi là chánh niệm (sammāsati)

8-Tâm sở nhất tâm (ekaggatācetasika) gọi là chánh định (sammāsamādhi)

Trong tâm Thánh Đạo có 36 tâm sở đồng sinh, nhưng chỉ có 8 tâm sở (tâm sở trí tuệ, tâm sở hướng tâm, tâm sở chánh ngữ, tâm sở chánh nghiệp, tâm sở chánh mạng, tâm sở tinh tấn, tâm sở niệm, tâm sở nhất tâm) có tên trong Bát Chánh Đạo, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết bàn diệt Khổ Thánh Đế, gọi tắt là Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, hoặc Đạo Thánh Đế. Còn tâm Thánh Đạo cùng với 28 tâm sở còn lại không gọi là Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, hoặc Đạo Thánh Đế và cũng không có trong 3 Thánh Đế còn lại. Cho nên, gọi là ngoại Thánh Đế (Saccavimutti) hoặc ngoài Tứ Thánh Đế.

Trong tâm Thánh Đạo có 8 tâm sở có tên trong Bát Chánh Đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định tuần tự trước sau theo thứ tự thuyết pháp và theo tính chất quan trọng hỗ trợ: Chánh đạo trước hỗ trợ cho chánh đạo sau như chánh kiến có vai trò quan trọng chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, nên đề cao chánh kiến trước hỗ trợ cho chánh tư duy, rồi chánh tư duy hỗ trợ cho chánh ngữ, v.v… theo tuần tự cho đến chánh định. 8 chánh đạo này đồng sinh, đồng diệt, nên không phải trước sau theo thời gian.

Ví dụ:

Như một thang thuốc có 8 vị thuốc, trong 8 vị có một vị thuốc chính trị bệnh, 7 vị thuốc còn lại là phụ, bỏ thang thuốc ấy vào siêu sắc thuốc, đổ 2 chén nước sắc còn 8 phân. Bệnh nhân uống chén thuốc ấy 1 lần có đầy đủ 8 chất thuốc hỗ trợ lẫn nhau trị bệnh. Cũng như vậy, 8 chánh đạo là 8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo cùng một lúc không trước không sau. Riêng mỗi chánh đạo có khả năng diệt mỗi tà đạo, như chánh kiến diệt tà kiến, chánh tư duy diệt tà tư duy, chánh ngữ diệt tà ngữ, chánh nghiệp diệt tà nghiệp, chánh mạng diệt tà mạng, chánh tinh tấn diệt tà tinh tấn, chánh niệm diệt tà niệm, chánh định diệt tà định.

8 chánh đạo diệt đoạn tuyệt được tham ái, phiền não, tùy theo mỗi Thánh Đạo Tuệ.

Bát Chánh Đạo là 8 tâm sở này chỉ đồng sinh cùng một lúc trong tâm Siêu tam giới (4 Tâm Thánh Đạo + 4 Tâm Thánh Quả) mà thôi. Còn trong tâm tam giới không có đầy đủ Bát Chánh Đạo, nhất là 3 tâm sở: Chánh ngữ, chánh nghiệpchánh mạng chỉ phát sinh riêng rẽ mỗi tâm sở trong 8 tâm đại thiện dục giới mà thôi, 3 tâm sở này không phát sinh trong các tâm tam giới còn lại.

Pháp Hành Bát Chánh Đạo

Pháp hành Bát Chánh Đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệmchánh định là 8 tâm sở chỉ đồng sinh trong tâm Siêu tam giới (4 Tâm Thánh Đạo + 4 Tâm Thánh Quả) mà thôi, như vậy pháp hành Bát Chánh Đạo không phải pháp hành bắt đầu thực hành, cũng không phải pháp hành đang thực hành, mà là pháp hành đã thực hành xong rồi, hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế. Đó là giai đoạn cuối cùng của pháp hành Bát Chánh Đạo.

Vậy, giai đoạn bắt đầu thực hành pháp hành Bát Chánh Đạo như thế nào?

Thực hành pháp hành Bát Chánh Đạo giai đoạn đầu là thực hành chánh niệm, là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Pháp Hành Tứ Niệm Xứ

Trong Chú giải bài kinh Đại Tứ Niệm Xứ giảng giải rằng: “Pubbabhāgasatipaṭṭhānamaggo”: Tứ Niệm Xứ là chánh đạo phần đầu.

Tứ Niệm Xứ trong bài kinh Đại Niệm Xứ là:

1- Phần niệm thân có 14 đối tượng:

1. 1 Đối tượng hơi thở vô, hơi thở ra.

1. 2 Đối tượng tứ oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm.

1. 3 Đối tượng tỉnh giác các oai nghi phụ: Bước tới trước, bước quay lại sau, nhìn thẳng, nhìn bên trái, bên phải, co tay, chân vào, duỗi tay, chân ra, v.v…

1. 4 Đối tượng quán 32 thể trược trong thân: Tóc, lông, móng, răng, da, v.v…

1. 5 Đối tượng quán tứ đại trong thân: Đất, nước, lửa, gió.

Đối tượng 9 loại tử thi trong nghĩa địa

1. 6 Tử thi chết 1-2-3 ngày sình lên,…

1. 7 Tử thi bị các loài chim, quạ, diều, kên kên, … mổ ăn thịt; các loài thú chó, cọp cắn xé ăn thịt.

1. 8 Bộ xương còn thịt và máu,…

1. 9 Bộ xương không còn thịt, còn dính máu,…

1. 10 Bộ xương không còn thịt, không còn máu,…

1. 11 Bộ xương không còn gân, bị rã rời mỗi thứ một nơi.

1. 12 Bộ xương trắng.

1. 13 Đống xương khô, qua một năm.

1. 14 Đống xương thành bột,…

Đó là 14 đối tượng của phần niệm thân, thuộc về sắc pháp.

2- Phần niệm thọ có 1 đối tượng, có 9 loại thọ:

2. 1 Thọ lạc: Cảm giác dễ chịu đựng của thân, của tâm.

2. 2 Thọ khổ: Cảm giác khó chịu đựng của thân, của tâm.

2. 3 Thọ không khổ không lạc: Cảm giác không phải khó chịu, không phải dễ chịu của thân, của tâm.

2. 4 Thọ lạc nương nhờ nơi ngũ trần 1 .

2. 5 Thọ lạc không nương nhờ nơi ngũ trần.

2. 6 Thọ khổ nương nhờ nơi ngũ trần.

2. 7 Thọ khổ không nương nhờ nơi ngũ trần.

2. 8 Thọ không khổ không lạc nương nhờ nơi ngũ trần.

2. 9 Thọ không khổ không lạc không nương nhờ nơi ngũ trần.

Đó là đối tượng của phần niệm thọ, thuộc về danh pháp.

3- Phần niệm tâm có 1 đối tượng, có 16 loại tâm:

3. 1 Tâm có tham đó là 8 tâm tham.

3. 2 Tâm không có tham đó là 8 tâm dục giới đại thiện…

3. 3 Tâm có sân đó là 2 tâm sân.

3. 4 Tâm không có sân đó là 8 tâm dục giới đại thiện…

3. 5 Tâm có si đó là 2 tâm si.

3. 6 Tâm không có si đó là 8 tâm dục giới đại thiện.

3. 7 Tâm buồn chán (sankhittacitta) đó là tâm bất thiện hợp với tâm buồn chán.

3. 8 Tâm phóng tâm (vikkhittacitta) đó là tâm bất thiện hợp với tâm phóng tâm.

3. 9 Tâm bậc cao (mahaggatacitta) đó là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới.

3. 10 Tâm không phải bậc cao (amahaggatacitta) đó là tâm dục giới.

3. 11 Tâm có tâm cao hơn (sa uttaracitta) đó là tâm dục giới.

3. 12 Tâm không có tâm cao hơn (anuttaracitta) đó là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới.

3. 13 Tâm có cận định, an định (samāhitacitta).

3. 14 Tâm không có cận định, an định (asamāhitacitta).

3. 15 Tâm giải thoát phiền não bằng cách từng thời là tâm dục giới đại thiện; tâm giải thoát phiền não bằng cách đè nén (chế ngự) đó là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới (vimutti).

3. 16 Tâm không giải thoát phiền não bằng mọi cách đó là tâm bất thiện (avimutti).

Đó là đối tượng của phần niệm tâm, thuộc về danh pháp.

4- Phần niệm pháp có 5 đối tượng:

4. 1 Đối tượng 5 pháp chướng ngại (nivaraṇa):

-Tham dục là tâm tham muốn trong ngũ trần, phát sinh trong tâm.

- Sân hận là tâm sân phát sinh trong tâm.

-Tâm buồn chán, tâm buồn ngủ buông bỏ đối tượng.

-Tâm phóng tâm, tâm hối hận phát sinh trong tâm.

-Tâm hoài nghi phát sinh trong tâm.

Đối tượng 5 pháp chướng ngại này thuộc về danh pháp.

4. 2 Đối tượng chấp thủ ngũ uẩn (upadānakkhandha):

Sắc uẩn là 28 sắc pháp trong thân.

Thọ uẩn là tâm sở thọ, cảm thọ nơi đối tượng.

Tưởng uẩn là tâm sở tưởng trong đối tượng.

Hành uẩn là các tâm sở, trừ tâm sở thọ và tưởng, tạo tác.

Thức uẩn là các tâm biết đối tượng.

Đối tượng 5 chấp thủ trong ngũ uẩn này thuộc về sắc pháp danh pháp.

4. 3 Đối tượng 6 xứ bên trong với 6 xứ bên ngoài (ajjhattikabāhira āyatana):

Mắt tiếp xúc với sắc trần.

Tai tiếp xúc với thanh trần.

Mũi tiếp xúc với hương trần.

Lưỡi tiếp xúc với vị trần.

Thân tiếp xúc với xúc trần.

Ý tiếp xúc với pháp trần.

Đối tượng 12 xứ này thuộc về sắc pháp danh pháp.

4. 4 Đối tượng 7 pháp giác chi (bojjhaṅga):

Pháp niệm giác chi.

- Pháp phân tích giác chi.

- Pháp tinh tấn giác chi.

-  Pháp hỷ giác chi.

-  Pháp an tịnh giác chi.

-  Pháp định giác chi.

-  Pháp xả giác chi.

Đối tượng 7 pháp giác chi này thuộc về danh pháp.

4. 5 Đối tượng Tứ Đế (Sacca):

Khổ đế là chấp thủ trong ngũ uẩn.

Nhân sinh Khổ đế là tham ái.

Diệt Khổ đế là Niết Bàn.

Pháp hành diệt Khổ đế là Bát Chánh Đạo.

Đối tượng của Tứ Đế này thuộc về sắc phápdanh pháp.

Như vậy, Tứ Niệm Xứ gồm có 21 đối tượng, mà mỗi đối tượng đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, mọi phiền não, trở thành bậc Thánh Arahán.

Thực hành Tứ Niệm Xứ với thực hành thiền tuệ

- Phần niệm thân có 14 đối tượng thuộc về sắc pháp.

- Phần niệm thọ có 1 đối tượng thuộc về danh pháp.

- Phần niệm tâm có 1 đối tượng thuộc về danh pháp.

- Phần niệm pháp có 5 đối tượng thuộc về danh pháp, sắc pháp.

Hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ có đối tượng thân, thọ, tâm, pháp, cũng là sắc pháp, danh pháp, mà sắc pháp, danh pháp cũng là đối tượng của thiền tuệ.

Như vậy, thực hành Tứ Niệm Xứ với thực hành thiền tuệđối tượng giống nhau, chủ thể giống nhau, kết quả pháp hành cũng hoàn toàn giống nhau; chỉ có khác nhau danh từ gọi mà thôi.

Bản tính và trí tuệ thích hợp Tứ Niệm Xứ

Bản tính của hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ được phân loại có 2 bản tính và trí tuệ nên có 4 hạng người:

1- Hạng hành giả có tính tham ái, trí tuệ ít.

2- Hạng hành giả có tính tham ái, trí tuệ nhiều.

3- Hạng hành giả có tính tà kiến, trí tuệ ít.

4- Hạng hành giả có tính tà kiến, trí tuệ nhiều.

Nếu hành giả biết chọn đúng đối tượng niệm xứ thích hợp với tínhtrí tuệ của mình, thì việc thực hành niệm xứ ban đầu rất thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ thiền tuệ.

Trong Chú giải kinh Đại Niệm Xứ dạy rằng:

-Hành giả có tính tham ái, trí tuệ ít, thì thích hợp với đối tượng phần niệm thân, thuộc về sắc pháp; bởi vì, hành giả thực hành đối tượng niệm thân (sắc pháp), để trí tuệ thấy rõ, biết rõ thân này bất tịnh, mới diệt được tâm tham ái, nương nhờ nơi thân cho rằng tịnh, xinh đẹp.

-Hành giả có tính tham ái, trí tuệ nhiều, thì thích hợp với đối tượng phần niệm thọ, thuộc về danh pháp; bởi vì, hành giả thực hành đối tượng niệm thọ (danh pháp), để trí tuệ thấy rõ, biết rõ thọ này khổ, mới diệt được tâm tham ái, nương nhờ nơi thọ cho rằng lạc.

-Hành giả có tính tà kiến, trí tuệ ít, thì thích hợp với đối tượng phần niệm tâm, thuộc về danh pháp; bởi vì, hành giả thực hành đối tượng niệm tâm (danh pháp), để trí tuệ thấy rõ, biết rõ tâm này vô thường, mới diệt được tâm tà kiến, nương nhờ nơi tâm cho rằng thường.

-Hành giả có tính tà kiến, trí tuệ nhiều, thì thích hợp với đối tượng phần niệm pháp, thuộc về danh pháp, sắc pháp; bởi vì, hành giả thực hành đối tượng niệm pháp (danh pháp, sắc pháp), để trí tuệ thấy rõ, biết rõ pháp này vô ngã, mới diệt được tâm tà kiến, nương nhờ nơi pháp cho rằng ngã.

Tuy 4 đối tượng “thân là bất tịnh, thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã”, chỉ đề cập đến tính chất đặc biệt của mỗi đối tượng mà thôi, nhưng thật ra, tất cả 4 đối tượng thân, thọ, tâm, pháp đều có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh giống nhau cả thảy.

Nếu hành giả biết chọn đúng đối tượng thích hợp với bản tínhtrí tuệ của mình, thì việc thực hành thiền tuệ ban đầu rất thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái.

Nhận xét 21 đối tượng trong kinh Đại Niệm Xứ

Trong bài kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật giảng phần niệm thân có 14 đối tượng; phần niệm thọ có 1 đối tượng chia làm 9 loại thọ; phần niệm tâm có 1 đối tượng chia làm 16 loại tâm; phần niệm pháp có 5 đối tượng, gồm tất cả có 21 đối tượng. Mỗi đối tượng niệm xứ đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đều trở thành bậc Thánh Arahán cả thảy.

Trong 21 đối tượng của Tứ Niệm Xứ ấy, nhận xét thấy đối tượng tứ oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm trong phần niệm thân là một đối tượng tương đối rõ ràng, thường hiện hữu trong thời hiện tại hơn các đối tượng khác.

Đối tượng tứ oai nghi này rất thích hợp với hành giả có tính tham ái, trí tuệ ít. Hành giả có tính tham ái, trí tuệ ít nên chọn đối tượng tứ oai nghi: Sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm làm đối tượng để thực hành thiền tuệ trong giai đoạn đầu rất thuận lợi.

Trong những tiền kiếp quá khứ, nếu hành giả đã từng thực hành đối tượng niệm xứ nào, mà trong kiếp hiện tại, hành giả chưa có khả năng chọn lựa được đối tượng niệm xứ ấy, thì tốt hơn hành giả nên chọn đối tượng tứ oai nghi làm đối tượng thực hành thiền tuệ ban đầu. Khi tiến triển đến giai đoạn tâm của hành giả xác định được đối tượng niệm xứ cũ ấy rất quen thuộc, thì hành giả nên thay đổi sang đối tượng niệm xứ khác, để cho thuận lợi thực hành thiền tuệ, dễ phát sinh trí tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp.

Đối Tượng Thiền Tuệ - Đối Tượng Thiền Định

Đối tượng thiền tuệ đó là danh pháp, sắc pháp trong 6 đối tượng: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần pháp trần thuộc về Chân nghĩa pháp trong tam giới; 6 đối tượng theo 6 môn: Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn ý môn. Biết 6 đối tượng ấy bằng 6 tâm thức: Nhãn thức tâm, nhĩ thức tâm, tỷ thức tâm, thiệt thức tâm, thân thức tâm ý thức tâm.

Hành giả thực hành thiền tuệ, khi biết mỗi đối tượng bằng mỗi tâm thức qua mỗi môn, chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp riêng biệt theo mỗi môn.

Cho nên, hành giả thực hành thiền tuệ khi thay đổi đối tượng danh pháp, sắc pháp hoàn toàn tùy thuộc theo nhân duyên của nó. Đó là việc bình thường đương nhiên trong pháp hành thiền tuệ. Dù cho đối tượng danh pháp, sắc pháp thay đổi, chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác vẫn phát triển tự nhiên, không ảnh hưởng đến sự thay đổi đối tượng danh pháp, sắc pháp.

Đối tượng thiền định: Gồm có 40 đề mục thiền định thuộc về Chế định pháp. Để thực hành thiền định, khi hành giả chọn một đề mục thiền định nào, thì dùng đề mục ấy làm đối tượng để thực hành thiền định, không nên thay đổi đề mục thiền định, cho đến khi chứng đắc các bậc thiền hữu sắc. Mỗi khi nhập thiền (jhānasamāpatti) để hưởng sự an lạc trong bậc thiền ấy, hành giả cũng chỉ có đề mục thiền định ấy làm đối tượng mà thôi.

Bởi vậy cho nên, hành giả thực hành thiền định không nên thay đổi đề mục thiền định. Mỗi lần muốn thay đổi đề mục thiền định, thì hành giả bắt đầu thực hành trở lại, bởi vì mỗi đề mục thiền định có một phương pháp thực hành khác nhau.

Đối Tượng Tứ Oai Nghi

Trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta (Đại Niệm Xứ), phần niệm thân có 14 đối tượng, Đức Phật thuyết giảng đối tượng tứ oai nghi như sau:

“Puna ca paraṃ bhikkhave bhikkhu.
Gacchanto vā gacchāmī’ti pajānāti,
Ṭhito vā ṭhito’mhī’ti pajānāti,
Nisinno vā nisinno’mhī’ti pajānāti,
Sayāno vā sayāno’mhī’ti pajānāti,
Yathā yathā vā pana’ssa kāyo paṇihito hoti.
Tathā tathā naṃ pajānāti.
Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati.
Bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati.
Ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati.
Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.
Vayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.
Samudayavayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati.
“Atthi kāyo”ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti.
Yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya.
Anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.
Evampi kho bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati”
1 .
(Iriyāpathapabbaṃ niṭṭhitaṃ)

Dịch nghĩa:

Sau khi thuyết giảng xong đối tượng “niệm hơi thở vô - hơi thở ra”, Đức Thế Tôn dạy chư Tỳ khưu rằng:

“Này chư Tỳ khưu, (hay hành giả), một đối tượng khác, Tỳ khưu:

-Khi đang đi, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ rằng: “thân đi” hoặc “sắc đi”.

-Khi đang đứng, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ rằng: “thân đứng” hoặc “sắc đứng”.

-Khi đang ngồi, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ rằng: “thân ngồi” hoặc “sắc ngồi”.

-Khi đang nằm, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác biết rõ rằng: “thân nằm” hoặc “sắc nằm”.

-Hoặc toàn thân của hành giả đang hiện hữu trong tư thế (dáng) như thế nào, hành giả nên có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ toàn thân đang hiện hữu trong tư thế (dáng) như thế ấy.

-Như vậy, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân bên trong của mình.

-Hoặc hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân bên ngoài mình, của người khác.

Hoặc hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ khi thì toàn thân trong thân bên trong của mình, khi thì toàn thân trong thân bên ngoài mình, của người khác.

-Hoặc hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái sinh do nhân duyên nào sinh.

-Hoặc hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái diệt do nhân duyên ấy diệt.

-Hoặc hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi thấy rõ, biết rõ khi thì trạng thái sinh do nhân duyên sinh, khi thì trạng thái diệt do nhân duyên ấy diệt.

-Chánh niệm (trí tuệ tỉnh giác) của hành giả biết rõ rằng: “chỉ là thân mà thôi”, đối tượng hiện tại, chỉ để phát sinh chánh niệm, để phát triển trí tuệ tỉnh giác mà thôi. Hành giả không có tham ái và tà kiến nương nhờ (nơi đối tượng và chủ thể), không có chấp thủ nào (ta và của ta) trong ngũ uẩn này.

Này chư Tỳ khưu (hay hành giả), như vậy, gọi là Tỳ khưu có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân.

(Xong đối tượng tứ oai nghi).

Đoạn kinh này có những động từ:

-Gacchāmī: Theo nghĩa thường là “tôi đi”, nhưng theo Chân nghĩa pháp là: “thân đi” hoặc “sắc đi”.

-Ṭhito’mhī: Theo nghĩa thường là “tôi đứng”, nhưng theo Chân nghĩa pháp là: “thân đứng” hoặc “sắc đứng”.

-Nisinno’mhī: Theo nghĩa thường là “tôi ngồi”, nhưng theo Chân nghĩa pháp là: “thân ngồi” hoặc “sắc ngồi”.

-Sayāno’mhī: Theo nghĩa thường là “tôi nằm”, nhưng theo Chân nghĩa pháp là: “thân nằm” hoặc “sắc nằm”.

Phần Chú Giải Iriyāpathapabba

“Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati.
Bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati.
Ajjhattabahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati…”

Phần Chú giải 1 (Aṭṭhakathā) của đối tượng oai nghi giải thích rằng:

*Iti ajjhattaṃ vā’ti evaṃ attano vā catu irriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.

*Bahiddhā vā’ti parassa vā catu iriyāpathapariggaṇhanena…

*Ajjhattabahiddhā vā’ti kālena attano, kālena parassa catu iriyāpathapariggaṇhanena kāye kāyānupassī viharati.

*Samudayadhammānupassī vā’ti ādīsu pana “avijjāsamudayā rūpasamudayo”ti ādinā nayena pañcahākārehi rūpakkhandhassa samudayo ca vayo ca nīharitabbo. Tañhi sandhāya idha “samudayadhammānupassī vā” ti ādi vuttaṃ.

*Tañhi sandhāya idha “Samudayadhammānupassī vā’ti ādi vuttaṃ”.

Atthi kāyo’ti vā panassā ti ādi vuttasadisameva…

Dịch nghĩa:

* Iti ajjhattaṃ vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ, biết rõ thân trong thân - 4 oai nghi bên trong của mình như vậy.

Bahiddhā vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ, biết rõ thân trong thân - 4 oai nghi bên ngoài mình, của người khác như vậy.

*Ajjhattabahiddhā vā: Hoặc Tỳ khưu (hành giả), có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thường theo dõi trực nhận, trực giác thấy rõ, biết rõ thân trong thân - 4 oai nghi, khi thì bên trong của mình, khi thì bên ngoài mình, của người khác như vậy.

*Samudayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái sinh do bởi 5 nhân duyên sinh của sắc pháp: Vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái sinh của sắc pháp như vậy.

Vayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ, biết rõ trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp: Vô minh, tham ái, nghiệp, vật thực, trạng thái diệt của sắc pháp như vậy.

*Samudayavayadhammānupassī vā: Hoặc chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác theo dõi thấy rõ, biết rõ khi thì trạng thái sinh do bởi 5 nhân duyên sinh của sắc pháp, khi thì trạng thái diệt do bởi 5 nhân duyên diệt của sắc pháp như vậy.

*Atthi kāyo: Chỉ là thân mà thôi. Thân trong đối tượng này là 4 oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm thuộc về sắc pháp là pháp vô ngã: không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải tự ngã (na attā), không phải thuộc về ngã sở (ta) (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai (na koci), không phải của ai, v.v…

*Chánh niệm trực nhận dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm, … cốt để cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác được phát triển, tăng trưởng (sati sampajaññānaṃ vuḍḍhatthāya).

*Anissito ca viharati: Hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có tà kiến và tham ái nương nhờ trong dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm, …

*Na ca kiñci loke upādīyati: Tâm không còn chấp thủ do bởi tà kiến, tham ái cho rằng: “ta, của ta” nào trong ngũ uẩn này nữa (đó là tâm của bậc Thánh Arahán).

Như vậy, đối tượng tứ oai nghi trong phần niệm thân này có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, Arahán Thánh Đạo - Arahán trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng.

Ý Nghĩa Danh Từ Kāya Trong Các Pháp

-Kāya-dvāra: Thân môn, cửa để thân lộ trình tâm phát sinh.

-Kāya-ppasāda: Thân tịnh sắc, nơi tiếp xúc đối tượng xúc trần để phát sinh thân thức tâm.

-Kāya-viññatti: Sự cử động của thân.

Kāya-saṅkhāra:

1- Tác ý tạo tác nghiệp thân (thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp) nơi thân môn.

2-Hơi thở vô - hơi thở ra.

-Kāya-duccarita: Thân hành ác như: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

-Kāya-sucarita: Thân hành thiện như: Tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm.

-Kāya-viññāṇacitta: Thân thức tâm, là tâm phát sinh do nương nhờ thân tịnh sắc, có phận sự xúc giác với xúc trần.

- Kāya-ppassaddhi: Tâm sở an tịnh tam uẩn 1 : Có trạng thái làm an tịnh tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Kāya-lahutā: Tâm sở nhẹ nhàng tam uẩn: Có trạng thái làm nhẹ nhàng toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Kāya-mudutā: Tâm sở nhu nhuyến tam uẩn: Có trạng thái làm nhu nhuyến toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Kāya-kammaññatā: Tâm sở uyển chuyển tam uẩn: Có trạng thái làm uyển chuyển toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Kāya-pāguññatā: Tâm sở thành thạo tam uẩn: Có trạng thái làm thành thạo toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Kāyujukatā: Tâm sở chánh trực tam uẩn: Có trạng thái làm chánh trực toàn tâm sở đồng sinh trong tâm tịnh hảo ấy.

-Rūpa-kāya: Sự tổng hợp toàn sắc pháp.

-Nāma-kāya: Sự tổng hợp toàn danh pháp (tâm + tâm sở).

- Ni-kāya: Sự tổng hợp vào thành bộ, như: Dīghanikāya: Tổng hợp 34 bài kinh dài; Majjhimanikāya: Tổng hợp 152 bài kinh trung,…

-Karaja-kāya: Thân tứ đại.

-Sakkāyadiṭṭhi: Tà kiến chấp thủ ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) (kāya có nghĩa tổng hợp ngũ uẩn).

-Dhamma-kāya: Tổng hợp tất cả các pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng, đó là Tam Tạng Pháp Bảo được thuyết từ kim ngôn của Đức Phật bằng ngôn ngữ Pāḷi, v.v…

Ý Nghĩa Kāya Trong Kinh Đại Tứ Niệm Xứ

Danh từ kāya trong kinh Đại Niệm Xứ, phần niệm thân, kāya: Nghĩa là tổng hợp các thành phần ô trược như tóc, lông, móng, răng, da, v.v… theo từng mỗi loại chúng sinh, đều gọi là kāya.

Định nghĩa: Kucchitānaṃ āyo’ti kāyo 1 .

“Thân là nơi tổng hợp các thành phần ô trược theo tính tự nhiên của mỗi loại chúng sinh”.

Kāya: Thân trong phần niệm thân, theo Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) thuộc về sắc pháp (rūpadhammma), tổng hợp gồm có 28 sắc pháp, có tâm nương nhờ, tâm làm chủ điều khiển mọi sinh hoạt của thân như thở vô - thở ra, đi, đứng, ngồi, nằm...

Thân của một người bình thường gồm có 27 sắc pháp.

-Nếu là người đàn ông, thì trừ sắc nữ tính.

-Nếu là người đàn bà, thì trừ sắc nam tính.

Nếu trường hợp người nào bị mắt mù, tai điếc,… thì người ấy có số sắc pháp trong thân thể bị giảm theo bệnh tật khiếm khuyết ấy.

Trong kinh Đại Niệm Xứ, phần niệm thân, Đức Phật dạy:

“Idha bhikkhave bhikkhu, kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhā domanassaṃ…” 2 .

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu hoặc hành giả trong Phật giáo này, là người có tâm tinh tấn không ngừng (thiêu đốt phiền não, chứ không phải để phiền não thiêu đốt), có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác, trực giác thấy rõ thân trong thân, để diệt tâm tham (hài lòng) và tâm sân (không hài lòng) trong chấp thủ ngũ uẩn này,…”

Trong đoạn kinh này có 2 danh từ kāyekāyānupassī đi liền với nhau, theo Chú giải dạy rằng:

-Kāyānupassī: Trí tuệ thiền tuệ thường theo dõi thấy rõ, biết rõ toàn thân.

-Kāye: Nhắc lại một lần nữa trong câu “kāye kāyānupassī” danh từ kāya lần thứ nhì, để giải thích phân biệt rõ từng mỗi đối tượng riêng biệt, không lẫn lộn với đối tượng khác. Nghĩa là trí tuệ thiền tuệ thường theo dõi thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân, không phải trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thọ “vedanānupassī” trong thân hoặc trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ tâm, pháp “cittadhammānupasī” trong thân.

Thật ra, trí tuệ thiền tuệ chỉ thấy rõ, biết rõ toàn thân trong thân thuộc về sắc pháp mà thôi, trí tuệ thiền tuệ không phải thấy rõ, biết rõ thọ, tâm, pháp trong thân.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn