(Xem: 1958)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2354)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

12-Người phụ nữ trong văn học Phật giáo.

28 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 10222)

 

12-NGƯỜI PHỤ NỮTRONG VĂN HỌC PHẬT GIÁO

 

Lời Mở Đầu

 

Vị Trí Của Hàng Phụ Nữ Trong Phật Giáo

 Khi Đức Phật Siddhattha Gotama (Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm) thị hiện ở Ấn Độ cách nay hơn 2,500 năm về trước, người phụ nữ có một địa vị rất thấp kém và đê hèn trong xã hội Ấn Độ. Vào thời bấy giờ, trong phần còn lại của thế giới văn minh, trải dài từ Trung Hoa đến Hy Lạp, vị trí của người phụ nữ vẫn khiêm nhường và hạ cấp. Ngày nay, cùng khắp nơi ai ai cũng nhìn nhận rằng Đức Phật là người đã sáng lập một tôn giáo được truyền bá sâu rộng trên thế gian, phổ cập đến những hang cùng hóc hẻm của quả địa cầu, đã ban truyền một triết lý huy hoàng và vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng loài người.

 Nhưng vai trò phục hưng xã hội và cách mạng văn hóa của Đức Phật, rất kỳ diệu và phi thường, đôi khi bị các sử gia Phật Giáo lãng quên.

 Quan trọng nhất trong các đổi mới mà Ngài đem lại cho cơ cấu xã hội loài người vào thời bấy giờ là sự phá tan hệ thống giai cấp rất tai hại và giải phóng hàng phụ nữ. Với lòng quả cảm hiếm có đáng được lưu ý, Ngài chỉ vạch tánh cách vô lý và điên rồ của những ràng buộc nghiêm khắc trong sự phân chia giai cấp và tình trạng nô lệ của người phụ nữ. Ngài phục hưng hai vấn đề tối trọng yếu ấy trong tập tục và tư tưởng con người mà vào thời bấy giờ đã thấm nhuần tận xương tủy người Ấn. Ngài biến chuyển một xã hội đã lún sâu trong thành kiến mù quáng và lòng mê tín ẩn tàng trở thành lành mạnh, dũng cảm và có nền đạo đức trong sạch.

 Từ xa xưa trước thời Đức Phật, giai cấp Bà la môn (brahmin) vẫn giữ toàn thể dân Ấn trong bàn tay sắt của họ, dìm thấp người phụ nữ xuống hàng tôi đòi hay nô lệ. Người đàn bà không có quyền gì của mình, không tự do ăn nói, mà phải tự giam hãm trong bốn bức tường của nhà mình và được xem là không xứng đáng được hưởng bất luận gì cao hơn là hàng tôi tớ của chồng, của cha hay của anh. Nữ giới không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội.

 Theo sách Manusmrti, The Laws of Manu, một quy luật để hướng đạo số phận của cuộc sống trong xã hội Ấn Độ thời xưa mà nhà làm luật nổi tiếng Manu đã ban hành, hôn nhân là tăng cường những ràng buộc cột trói người đàn bà trong vòng nô lệ, siết chặt trọn cuộc đời vào người đàn ông -- là một phần của chồng, là người làm công, người giúp việc để phục vụ chồng.

 Vâng dạ phục tùng chồng, thi hành những gì chồng sai bảo, luôn luôn làm theo ý muốn của chồng, chỉ bấy nhiêu đó cũng có đủ tư cách cho người vợ vượt qua cánh cổng của cảnh trời. Không như người nam, người nữ không cần phải tế lễ hay thực hành những nghi thức lễ bái hoặc cúng kiếng nào, cũng không cần đọc tụng kinh và dâng cúng thần linh để dọn đường lên cảnh trời. Một lòng trung thành với chồng và lúc nào cũng tuân hành lời sai khiến của chồng là cái chìa khóa mở cổng vào hạnh phúc thiên đàng[1]. Theo quy luật Manu hàng phụ nữ không được quyền học kinh Vedas (Phệ Đà). Đó là lý do tại sao trong nghi thức lễ bái dành cho người nữ không có phần đọc chú Veda. Quan kiến về nữ giới như vậy là một sĩnhục cho người phụ nữ Ấn Độ.

 Lòng trung thành của người vợ không phải chỉ được bày tỏ trong khi chồng còn sống mà còn tiếp tục cho đến khi hỏa táng ông chồng. Một người vợ Ấn Độ được trông đợi phải theo chồng sang thế giới bên kia bằng cách tự quyên sinh, nhảy vào ngọn lửa bừng cháy của giàn hỏa đang thiêu chồng. Mặc dầu các tập tục man rợ ấy đã được hoàn toàn bãi bỏ và chấm dứt và không còn được duy trì để bôi xấu gương mặt tươi đẹp của nền văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên thói quen ấy đã được lan rộng trong xã hội Ấn Độ cổ xưa, và ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn sống dậy trong xứ Ấn Độ tân tiến, cho thấy rõ vị trí thấp hèn của người phụ nữ trong xã hội Ấn vào những ngày xa xưa và có thể còn được ứng dụng đến một mức độ nào. Xã hội thời bấy giờ tin rằng sinh con gái là một điều bất hạnh -- còn hơn vậy nữa -- là một đại họa. Không phải chỉ người dân thường mà chí đến hàng vua chúa cũng không tránh khỏi bị quan kiến hẹp hòi và lầm lạc ấy gây nhiễm độc. Chuyện thuật rằng một ngày nọ Vua xứ Kosala (Câu Tát La) đến hầu Phật như thông thường vua vẫn đến và đàm đạo với Ngài. Vào lúc ấy có tin báo là Hoàng Hậu Mallika hạ sanh con gái. Nghe tin này vua ngẩn ngơ khó chịu, sắc mặt trở nên ủ dột âu lo và phiền muộn. Nhìn thấy vậy đấng Toàn Giác mở lời khuyên:

“Không nên băn khoăn, tâu Đại Vương,

Một bé gái có thể , Còn tốt hơn con trai,

Vì lớn lên em có thể thông minh và đức hạnh,

Là một người vợ hiền, mẹ chồng em sẽ yêu quý.

Rồi đứa con trai mà em sẽ sanh ra

Có thể làm nên đại sự

Trị vì một lãnh thổ rộng lớn, đúng vậy, con trai

Của bà vợ cao quý trở thành người lãnh đạo quốc gia.”[2]

 Trong Phật Giáo, sự khác biệt giữa nam và nữ không phải là một trở ngại để thành tựu mức độ toàn hảo cao thượng nhất. Đề cập đến Bát Chánh Đạo mà Ngài ví như một cổ xe, Đức Phật dạy:

“Dầu là người nữ, dầu là người nam

Cổ xe cũng vẫn chờ đợi, cùng một chiếc xe ấy

Sẽ đưa vào tận Niết Bàn.”[3]

 Thấu hiểu lòng thù nghịch hiểm độc và thái độ ác cảm đối với hàng phụ nữ trong các hệ thống tôn giáo và xã hội của thời Ngài, Đức Phật phát huy một cuộc cách mạng trong tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ không có gì là thấp kém hơn người nam, và trên con đường đức hạnh toàn hảo và trí tuệ thâm sâu dẫn đến Niết Bàn, vừa khó khăn vừa khổ nhọc, nam và nữ vẫn ngang nhau. Bên trong mỗi người nữ, cũng như bên trong mỗi người nam, đều có tiềm ẩn khả năng để trở thành A La Hán, tiềm lực để trở nên bậc thánh nhân.

 Tuyên ngôn này của Đức Phật, cũng như sự phủ nhận hệ thống giai cấp của Ngài, đã gây nên một biến động lớn lao trong giới tôn giáo thời bấy giờ vì đó là trực tiếp đương đầu với niềm tin đã ăn sâu vững chắc trong dân gian. Tuy nhiên, những thành trì chánh thống ấy sớm sụp đổ trước giáo lý vẻ vang của Đức Phật.

 Đức Phật chỉ rằng người đàn bà là mẹ của đàn ông. Không ai xứng đáng cho ta kỉnh mộ tôn sùng bằng mẹ của mình, và phận làm con không thể trả hết món nợ của mẹ mà mình phải mang trong lòng. Như thế Ngài nâng cao vị trí của hàng phụ nữ.

 Trong kinh sách Phật Giáo, đôi khi vì lòng sùng kính và tôn trọng, hàng phụ nữ được nhắc đến dưới danh nghĩa là xã hội các bà mẹ (mātugāma). Về sau, người hiểu biết ở Ấn nghe theo lời khuyên dạy của Đức Phật về giá trị của bà mẹ, tuyên ngôn rằng: “Bà mẹ và lãnh vực của mẹ phải được tôn trọng hơn là cảnh trời.[4]“ Đức Phật cũng ghi sâu vào tâm não của dân chúng thời bấy giờ nhu cầu phải kính nể và tôn trọng nữ phái. Ngài dạy người nam nên xem người nữ như chị, như em gái và hết lòng bảo vệ họ, nên đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ, xem vợ là ngang hàng với mình, và cho con gái những cơ hội thăng tiến giống như con trai. Hơn nữa, trong kinh Sigālovāda Sutta, toát yếu đạo lý cho người cư sĩ, Đức Phật ban hành đường lối chỉ đạo về bổn phận người làm chồng nên: lễ độ, luôn luôn nhã nhặn thanh tao với vợ; không tỏ ý khinh thường; trung thành với vợ, trao quyền hành trong nhà, và mua sắm nữ trang cho vợ.

 Cũng trong bài kinh ấy Đức Phật khuyên dạy bổn phận người làm vợ nên đối xử với chồng thế nào. Phải bày tỏ lòng thương kính chồng bằng năm cách: làm tròn phận sự của mình; ân cần đón tiếp thân bằng quyến thuộc bên chồng; trung thành với chồng; cẩn thận giữ gìn tiền bạc của cải mà chồng đem về; luôn luôn siêng năng, không bao giờ tháo trúc công việc.

 Vài người chỉ trích vội vã đi đến kết luận rằng Đức Phật không biết và không quan tâm thích nghi đến bổn phận và lý tưởng của hàng phụ nữ cư sĩ. Những vị ấy chỉ cần đọc các bài thuyết giảng của Đức Phật, nhất là những bài trong bộ Anguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh)[5] và Saṁyutta Nikāya (Tương Ưng Bộ Kinh)[6] để nhận định đến mức nào đấng Toàn Giác đã chú trọng đến tình trạng an lành của “xã hội các bà mẹ.” Theo Đức Phật, tất cả mọi tiến bộ và mọi thành tựu, tại thế cũng như siêu thế, đều nằm trong tầm khả năng của người phụ nữ cư sĩ sống với nếp sống trong gia đình và theo những khuynh hướng đạo đức của người tại gia, miễn là người ấy thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật.

 Những phẩm hạnh đem lại tình trạng an lành cho người phụ nữ trong cả hai, thế gian này và cảnh giới về sau, đã được Đức Phật ban hành như sau:

1. Tâm đạo nhiệt thành,

2. Biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi,

3. Không dể duôi buông xuôi theo chiều hướng độc hiểm, thù oán và sân hận,

4. Không ganh tỵ

5. Không keo kiết bỏn xẻn mà quảng đại rộng rãi,

6. Đức hạnh trong sạch,

7. Sống cuộc đời đạo đức và thích hợp với thuần phong mỹ tục,

8. Trau giồi học vấn và kiến thức thâm sâu,

9. Hăng say và nhiệt thành,

10. Cảnh giác và lanh trí,

11. Sáng suốt và khôn ngoan.[7]

 Một thiếu phụ mà có những phẩm hạnh như trên đã vững chắc tiến bước trên con đường an lành và hạnh phúc.

Như nhà viết kịch vĩ đại người hy lạp, Euripides, đã lưu ý: “Không có gì tệ hại hơn là một người đàn bà xấu và không có gì cao cả hơn một người đàn bà tốt.” Cũng vì Đức Phật tin chắc vào khả năng của người phụ nữ để tiến đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh mà con người có thể thành đạt nên Ngài chấp nhận thỉnh nguyện khẩn cấp của bà di mẫu Pajāpati Gotami và thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Làm điều này Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử tôn giáo nhân loại đã nâng cao vị trí của hàng phụ nữ đến mức quan trọng nhất. Đây là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong rất nhiều hệ thống tôn giáo và trường phái tư tưởng được biết, trước và trong thời Đức Phật. Đây là một sự canh tân bất ngờ đã làm cho những nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo thời bấy giờ hoàn toàn kinh ngạc. Đây là một canh tân mới lạ phi thường vì nó chấp nhận cho hàng phụ nữ đặc quyền tiếp thụ một bản chất cao quý, một sức mạnh kiên cố vững chắc trong nền đạo lý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới.

 Cũng nên ghi nhận thêm rằng Đức Phật cho phép thành lập Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni vào thời điểm và địa điểm mà người phụ nữ được xếp vào hạng rất thấp kém, khiêm tốn và có một địa vị nhục nhã trong xã hội. Và ta cũng có thể nói thêm rằng, mặc dầu 2,500 năm đã trôi qua từ thời Đức Phật và mặc dầu nhiều hệ thống tôn giáo khác đã phát triển dồi dào thịnh vượng tại Ấn Độ, chí đến ngày nay không có tôn giáo nào thành lập một giáo hội cho hàng nữ tu sĩ. Không thể còn nhiều nghi ngờ nữa, rằng hàng phụ nữ trên thế giới vẫn chịu một món nợ trường cửu đối với Đức Phật vì Ngài đã nâng cao họ lên hàng danh dự này.

 Sau khi Giáo Hội Tỳ Khưu Ni được thành lập, một số đông phụ nữ từ mọi từng lớp của đời sống gia nhập vào Giáo Hội và những hành động của các bà đã tô điểm vẻ vang những trang văn học Phật Giáo. Đời sống của một số khá đông những vị tỳ khưu ni thánh thiện ấy, công trình kiên trì nỗ lực của các bà để thành đạt mục tiêu giải thoát và những khúc ca khải hoàn sau khi thành tựu mục tiêu, đã được mô tả một cách sống động trong Therigāthā (Psalms of the Sisters, Trưởng Lão Ni Kệ, những thánh thi của chư tỳ khưu ni).

 Trong tích chuyện bà Pajāpati Gotami, được đề cập đến trong kinh sách, có tường trình việc thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni với đầy đủ chi tiết. Văn học Phật Giáo chứa đựng dồi dào những gương lành của người phụ nữ đã viên mãn nhiều thành tựu khác thường.

 Bộ Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh, kể lại rất tận tường tiểu sử các bà Phật tử, tỳ khưu ni và cư sĩ tín nữ, không những đã thực hành tốt đẹp Giáo Pháp mà còn là giảng sư dạy Giáo Lý. Vị Tỳ Khưu Ni Kundalakesā[8] là một trong các bà. Tích chuyện Tỳ Khưu Ni Somā đã nói lên bằng những danh từ không thể lầm lẫn rằng nữ tính không phải là trở ngại cho tiến bộ.

 Tin tưởng lầm lạc thông thường ở Ấn Độ là cho rằng về phương diện tinh thần và đạo đức người phụ nữ thấp kém hơn người nam, được Tỳ Khưu Ni Somā[9] bác bỏ và giải rõ như sau: “Làm thế nào bản chất của người đàn bà được xem là thấp kém khi mà, với tâm an trụ, với tri kiến sáng tỏ và thanh tịnh đầy trí tuệ sâu sắc, người phụ nữ có thể vén lên bức màn vô minh đang bao trùm mình, thông suốt Giáo Pháp và nhận thấy đời sống đúng theo thực tướng của nó?”

 Sự kiện Đức Phật thông hiểu tiềm năng sâu ẩn và khả năng hoàn mãn những thành tựu vĩ đại và cao thâm của hàng phụ nữ không làm cho Ngài mù quáng không thấy những khuyết điểm và yếu mềm cố hữu trong tâm tánh người nữ, và đó là điểm đặc thù của phái này. Ngài có thể khuyến cáo cả hai, người nam và người nữ, nên cảnh giác lưu tâm đến các thiếu sót và suy kém ấy.

 Đề cập đến nữ phái, Đức Phật nói: “Khuynh hướng không cương nghị và bẩm tánh kém đạo đức là tai hại lớn lao của nữ giới,”[10] nhưng điều này không có nghĩa là bắt buộc họ phải chịu số phận như vậy. Điều này chỉ có nghĩa là người nữ cần phải hết sức thận trọng và tận lực gia công chiến đấu để vượt đến mức độ cao trổi hơn trong đời sống. 

 Dầu sao, Đức Phật vạch rõ những yếu kém và khuyết điểm của hàng phụ nữ, không phải để chế nhạo và chê cười là thua sút, mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý là giúp họ nhận định những khó khăn gây trở ngại cho những nỗ lực thành tựu mục tiêu của mình và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn công của những khát vọng và các cuộc đột kích của những cám dỗ.

 Có lời dạy rằng những thích thú của năm giác quan -- sắc, thinh, hương, vị, xúc, vốn làm say mê và cám dỗ người nam -- đều tập trung và kết tinh trong hình dáng người đàn bà. Với năng lực làm say đắm mê hồn ấy người đàn bà có thể nô lệ hoá và đặt người đàn ông dưới quyền thống trị của mình. [11]

 Người ta thường nói rằng người phụ nữ cám dỗ và lôi cuốn con người dể duôi buông lung bằng những cái liếc mắt, những nụ cười duyên, những dáng điệu yêu đương, bằng cách thân mến chăm nom chãi chuốt (dunni-vatthena) và bằng những lời quyến rũ dịu dàng dễ mến.[12]

 Bộ kinh Angutara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh, mở đầu như sau:

“Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết một hình thể nào khác chiếm đoạt quả tim người đàn ông như bóng dáng của người đàn bà. Này chư tỳ khưu, hình dáng của người phụ nữ làm cho tâm trí người nam đắm đuối say mê.

“Như Lai không biết một âm thanh ...

Như Lai không biết một hương thơm ...

Như Lai không biết một mùi vị ...

Như Lai không biết một sự đụng chạm nào ...mà có thể làm đắm đuối say mê và giam cầm quả tim người nam như âm thanh, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm một người đàn bà. Tiếng nói, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm với người phụ nữ chiếm đầy tâm trí người nam.

“Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết sắc, thinh, hương, vị, xúc nào khác mà làm cho quả tim người đàn bà hoàn toàn đắm đuối say mê trước những quyến rũ và cảm xúc ấy.”

 Nơi đây có một thời pháp về sự thân cận nam nữ và năng lực không thể cưỡng của nó được diễn đạt trong một ngôn ngữ giản dị và không thể nhầm lẫn, chân lý mà không người biết lẽ phải nào có thể dám phủ nhận. Sự gần gủi giữa nam và nữ được Đức Phật xem là dục vọng hùng mạnh nhất, là bản năng có sức mạnh hùng hậu nhất của con người. Nếu ta để cho tình dục lôi cuốn, trở thành người bị trói buộc, người nô lệ của những dục vọng, người hoàn toàn tự hãm mình trong cạm bẫy, tự hiến mình vào nanh vuốt của mê hoặc -- thì con người dũng mãnh nhất cũng trở thành như loài sâu bọ thế cô; một người thánh thiện sáng suốt cũng hành động như điên cuồng khờ dại; chí đến một hành giả đã thành đạt những từng thiền (jhāna) cao cũng có thể rơi xuống thâm sâu trong những khổ cảnh trần gian.

“Không có lửa nào như tham ái.

Khát vọng không tàn lụi, nó bừng cháy.”[13]

 Đó là lời của Đức Phật về những cảm xúc của tình dục. Nhưng ta phải nhớ rằng Đức Phật không khinh rẻ, không có ý làm tổn hại danh dự, suy giảm giá trị của nữ giới. Ngài chỉ nêu lên tâm tánh yếu mềm và tình trạng mỏng manh của người nữ và muốn cho họ cảnh giác đề phòng. Đàng khác Ngài thấm nhuần và in sâu vào lòng họ bài học tự mình uốn nắn tâm tánh và sửa đổi tác phong để thành một nguồn an ủi và sức mạnh của nhân loại.

 Nói về người phụ nữ, Đức Phật vắn tắt phê bình: “Tác phong dể duôi hay kém đạo đức là ô nhiễm của người phụ nữ.[14]“ Nhưng một lần nữa Đức Thế Tôn khẳng định rõ ràng, “Người tốt nhất trong những bà vợ hiền là người làm vui lòng chồng,[15]“ và ở một nơi khác Ngài ghi nhận, “Vợ là người bạn hiền tốt nhất.[16]“ Goldsmith chỉ vang âm những lời của Đức Phật khi ông viết:

 “Một bà vợ toàn hảo giúp đỡ trong đời sống còn nhiều hơn người luôn luôn khoát chiếc áo triết gia, vổ ngực tự xưng anh hùng, hay những công nương gắt gỏng. Người làm cho chồng con hạnh phúc là một nhân vật vĩ đại hơn các thiếu nữ trong những câu chuyện tiểu thuyết mà trọn đời chỉ giết chóc nhân loại bằng những làn tên được phóng ra từ ống tên khoé mắt.”

 Một cách vắn tắt, đó là vị trí của nữ giới trong Phật Giáo. Người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam giới, về phương diện khả năng và thành đạt mục tiêu Niết Bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, có khả năng trèo đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.

 Trong mọi lãnh vực nỗ lực của nhân loại, người nam không có gì hơn người nữ, nhưng cùng lúc Đức Phật nhìn nhận những khuyết điểm dính liền theo nữ tính, khuynh hướng nhẹ dạ và thiên tánh yếu mềm của người phụ nữ dễ dàng rơi vào đường tội lỗi, dễ bị khuyến dụ đi trên con đường kém đạo đức, và vốn là một vị thầy luân lý vĩ đại -- là vị thầy vĩ đại nhất trong lịch sử loài người -- Ngài gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, chỉ vạch những dấu hiệu hiểm nguy trên con đường tiến bộ của các bà.

 Mối lo âu chánh của Đức Phật là phục hưng tinh thần đạo đức và luân lý cho tất cả mọi người, nam và nữ; là giải thoát họ ra khỏi những trói buộc vô cùng tận của vòng luân hồi và đưa họ đến hạnh phúc trường cửu của Niết Bàn. Đã như vậy, Ngài không mấy bận tâm đến những vấn đề của thế gian như cải cách xã hội và tiến bộ chánh trị. Ngài để những công việc ấy lại cho những ai có thẩm quyền -- những nhà cai trị dân, vua chúa, người có quyền thế, những người có nhiệm vụ gánh vác công chuyện quốc gia. Suốt đời Ngài không bao giờ xen vào những tổ chức của chánh quyền; Ngài không bao giờ nhúng tay vào những vấn đề chánh trị nhưng dầu sao, không thể phủ nhận và luận bàn, rằng trong khi tuyên ngôn bức thông điệp vĩnh cửu về sự giải thoát nhân loại, cùng lúc ấy, vì lý do cao cả của giáo huấn tuyệt luân, Ngài đã đem lại tiến bộ xã hội đáng ghi nhớ và sự giác ngộ chánh trị cho toàn thể nhân loại, duy nhất trong lịch sử thế giới. Những chuyện tích thuật lại dưới đây cho thấy rằng giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật đã có một ảnh hưởng thấm nhuần sâu xa vào đời sống của hàng phụ nữ trong thời Ngài.[17]

 Hầu hết tất cả những tích chuyện này đều được phiên dịch từ kinh điển và các Bản Chú Giải Pali. Những câu kệ được viết lại theo văn xuôi để có thể rất trung thực, dễ thực hiện và dễ đọc.

 

Thành Lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni

 

Người Phụ nữ Vĩ Đại Nhất

Mahā Pajāpati Gotami

 Cuộc đời và tiểu sử Bà Mahā Pajāpati Gotami, sự xuất gia của bà và sau đó sự thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (Bhikkhuni) là một trong những mẫu chuyện sáng chói và hấp dẫn nhất trong văn học Phật Giáo. Nó biểu lộ cùng lúc trí tuệ thấy xa và lòng nhân đạo của Đức Phật Đại Từ Đại Bi. Hơn nữa nó cho thấy đến mức nào năng lực hùng mạnh của sự quyết tâm bất khuất và bất thối chuyển và lòng quả cảm của một thiếu phụ có thể gieo ảnh hưởng đến xã hội đương thời. Nó cũng cho thấy như thế nào một sự can thiệp làm trung gian để thỉnh cầu đầy lòng từ ái, có thể giúp làm mềm dịu lập trường cứng rắn nhất và dẫn đến tình trạng thân hữu và mềm dẻo hơn.

 

 Trên hết, đây là một giai đoạn đầy hiểm họa có những thành quả sâu xa nhất trong lịch sử giải thoát hàng phụ nữ. Hai ngàn năm trăm năm sau thời Đức Phật, cuộc vận động để giải phóng nữ giới vẫn còn được mạnh mẽ tiếp diễn khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước Đức Phật đặc ân công nhận và cho phép hàng phụ nữ được xuất gia và gia nhập vào giáo hội, mặc dầu không khỏi phần nào do dự. Người trực tiếp đảm đang trách nhiệm đưa vượt qua khúc quanh lịch sử, giải phóng nữ giới, không ai khác hơn là Bà Mahā Pajāpati Gotami vĩ đại. Giữa nhóm các mạng phụ phu nhân đã có ảnh hưởng trên bước đường giải phóng nữ giới, bà trổi lên là vị nữ anh hùng nổi bật. Bà đứng hàng đầu các bà tín nữ của Đức Phật. Đức Phật chỉ định cho bà địa vị quan trọng nhất về tuổi tác cũng như về kinh nghiệm. Nhưng nếu không có lòng dũng cảm kiên trì và bất khuất của bà trước những bất trắc chồng chất, giới Phật tử không bao giờ biết có Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Bà sanh trưởng tại thị trấn Devadaha của xứ Ấn Độ cổ xưa, trong gia đình Suppabuddha. Bà là em của Hoàng Hậu Mahā Māyā, mẹ Thái Tử Siddhattha. Tên tộc bà là Gotami. Người ta gọi bà là Mahā Pajāpati Gotami bởi vì các nhà tiên tri đoán rằng về sau bà sẽ trở nên vị lãnh đạo của một nhóm người rộng lớn. “Mahā” có nghĩa lớn. “Pati” là người dẫn đầu và “Pajā” là một nhóm đông người có tổ chức. Vua Suddhodna, trị vì dân tộc Sakyan tại Kapilavattu, cưới luôn cả hai bà, Mahā Māyā và em là Gotami. Theo quan niệm xã hội của người thời bấy giờ, một cuộc hôn nhân như thế ấy không có chi là lạ và vẫn thích hợp với tập tục đương thời.

 Bà Gotami sanh một gái tên Sundari Nandā và một trai tên Nanda. Về sau cả hai đều gia nhập vào Giáo Hội. Hoàng Hậu Mahā Māyā băng hà sau khi hạ sanh Hoàng Tử Siddhattha được bảy ngày. Trong một cử chỉ cao cả, hy sinh tình mẫu tử, bà Gotami giao con lại cho người khác nuôi dưỡng và lãnh lấy trọng trách thiêng liêng dưỡng dục và chăm sóc con của chị mình.

 Dưỡng nuôi và chăm sóc vị Phật tương lai, bà không những được toàn thể Phật tử trên thế gian tri ân mà cũng đặt Thái Tử Siddhattha vào vị trí phải mang trọng ân đối với bà.

 Lòng biết ơn không phải là phẩm hạnh chung của người tầm thường, nam cũng như nữ. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu nổi bật của chư Phật. Đó là một trong những đức hạnh chánh yếu và đặc thù của chư Phật. Cũng chính lòng tri ân này, trong số những lý do khác, đã thúc giục Đức Phật cuối cùng tán thành lời thỉnh cầu khẩn thiết và bền dai của Bà Gotami và chấp nhận bà vào Giáo Hội Thánh Thiện của chư Tỳ Khưu Ni.

 Khi Vua Suddhodana băng hà Bà Gotami, lúc ấy đã không còn chị, không còn chồng và con (con bà đã gia nhập vào Giáo Hội Tăng Già), quyết định từ bỏ thế gian và những gì rực rỡ sáng chói của kiếp nhân sinh phàm tục và trở về nương tựa trong cuộc sống không nhà cửa. Bà xin được xuất gia, nhưng Đức Phật không chấp thuận.

 Ngày kia Đức Phật đến thành Kapilavattu để giảng hòa một cuộc tranh chấp dữ dội giữa hai dân tộc, Sakyan và Koliyan, đang dành quyền xử dụng nước của dòng sông Rohini. Sau khi cuộc cãi vã cay đắng đã được dàn xếp ổn thỏa và hai bên dịu giọng, như thường lệ, Đức Thế Tôn mở lời thuyết giảng Giáo Pháp, và sau khi lắng nghe thời Pháp một số đông người trai trẻ Sakyan xin gia nhập vào Giáo Hội chư Tỳ Khưu. Các bà vợ của những vị ấy, do Mahā Pajāpati Gotami hướng dẫn, đến xin xuất gia với Đức Bổn Sư. Các bà khẩn khoản van xin như sau: “Bạch Đức Thế Tôn, thật là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ chúng con được chấp nhận gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni để khép mình trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Ngài công bố.”

 Tuy nhiên, Đức Phật không sẵn sàng khích lệ thỉnh nguyện của Bà Gotami và trả lời, “Đủ rồi, này Bà Gotami, Như Lai không thể làm vừa lòng Bà và chấp nhận như vậy.” Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba Bà Gotami lặp lại lời thỉnh cầu, nhưng mỗi lần đều bị từ chối. Sau đó Đức Thế Tôn lần hồi sang thành Vesali và ngự trong một đền thờ trên đỉnh núi. Bà Gotami vẫn không nao núng, không ngã lòng vì những đợt thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và đương đầu với nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến Vesali cùng với một số mạng phụ phu nhân có niềm tin nơi bà. Nơi đây ta mục kích sự biểu dương tinh thần dũng cảm bất khuất của bà, đáng gợi lòng ngưỡng mộ và tôn kính của mọi người.

 Cắt lìa những chùm tóc đẹp đẽ một thời nào, vứt bỏ những đồ trang điểm giàu sang tráng lệ, và khoác lên mình tấm y vàng thô thiển, các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài 150 dặm đến Vesali. Vốn chưa từng quen thuộc với những thử thách quá cam go dường thế ấy trong quá khứ, các bà chiến đấu và vất vả khổ nhọc trăm bề trên cuộc hành trình. Dài theo đường, nhiều người thấy vậy rất cảm kích, sẵn lòng hào hiệp nhường chỗ trên xe, nhưng các bà lễ độ khước từ và tiếp tục nhọc nhằn lê bước. Cảnh tượng quả thật não nề và rất đáng thương tâm. Cuối cùng các bà đến Vesali, suy yếu và kiệt quệ, đứng trước cổng chùa, mình mẩy lấm lem cát bụi -- y phục nhăn nhó tả tơi, chân cẳng sưng vù đau nhức.

 Đại Đức Ānanda, vị thị giả trung thành và rất tận tụy, người hầu cận thân tín và cần mẫn siêng năng của Đức Phật, thấy cảnh tượng khổ đau như vậy, động lòng trắc ẩn, đến gần Đức Bổn Sư và bạch như sau: “Kính Bạch Đức Thế Tôn, Bà Gotami cùng với đoàn tùy tùng đang đứng phía trước điện, vẻ mặt hốc hác mệt nhọc, sức lực kiệt quệ. Các bà ấy phải đi đường xa tìm đến gặp Đức Thế Tôn để khẩn khoản thỉnh nguyện. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi cho phép nữ giới được xuất gia tỳ khưu ni, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Thế Tôn đã công bố. Đây sẽ là một đại hạnh, bạch hóa Đức Thế Tôn, nếu Ngài cho phép hàng phụ nữ được gia nhập vào Giáo Hội.” Ba lần Đại Đức Ānanda cố nài xin, nhưng Đức Phật một mực chối từ. Tuy nhiên, Đại Đức Ānanda không nãn lòng. Khi một người thành thật và kiên trì cầu khẩn cho người khác và tập trung cố gắng nhằm làm mềm dịu một thái độ cứng rắn thì không có lý do gì để từ bỏ triển vọng. Lúc bấy giờ Đại Đức Ānanda áp dụng đường lối khác, kính cẩn bạch đấng Toàn Giác như sau: “Bạch hoá Đức Thế Tôn, người phụ nữ có chăng khả năng thành đạt những mức sống cao thượng trong đời sống tinh thần -- bốn tầng thánh[18]-- một khi họ từ bỏ cuộc sống tại gia, tiến đến đời sống không nhà cửa, tự khép mình vào khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Thế Tôn?” “Có, này Ānanda, họ có đủ khả năng làm được vậy,[19]” Đức Phật trả lời.

 Tiến được một bước vững chắc trong chiều hướng thuận lợi, được khích lệ, Đại Đức Ānanda thiết tha khẩn bạch, “Bạch hoá Đức Thế Tôn, nếu hàng phụ nữ có đủ khả năng đạt thành thánh quả, như vậy Bà Mahā Pajāpati Gotami mà trước kia đã nuôi Đức Thế Tôn bằng sữa của bà, đã bồng bế Ngài trong lòng sau khi hoàng hậu thăng hà và sau đó dưỡng nuôi chăm sóc Ngài cho đến lúc trưởng thành, vậy, bạch Đức Thế Tôn, hàng phụ nữ có thể được phép gia nhập vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Thế Tôn đã công bố.” Đến đây Đại Đức Ānanda đã chạm đến một điểm rất tế nhị. Đại Đức đã đề cập đến vấn đề biết ơn, và biết ơn là một đức tính được chư Phật hết lời tán dưong và thâm sâu thấm nhuần. Trước lời khẩn cầu nồng nhiệt của Đại Đức Ānanda, Đức Phật không thể làm gì hơn là thuận lòng.

 Tuy nhiên, với trí tuệ nhìn xa và hiểu rộng, Đức Thế Tôn có thể thấy những hiểm họa và những khuyết điểm không thể tránh trong việc điều hành song song hai Giáo Hội Tăng Già cùng một lúc. Do đó Ngài ban hành một vài điều kiện và quy định vài giới luật cho Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni nhằm giữ gìn và bảo vệ tương lai cho cả hai Giáo Hội. Những điều kiện được ban hành là:

1.  Một vị tỳ khưu ni, dầu có trăm tuổi hạ do sự thọ trì cụ túc giới (upasampadā) phải chào hỏi một vị tỳ khưu, đứng dậy trước mặt vị tỳ khưu, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị tỳ khưu, mặc dầu vị này mới thọ cụ túc giới trong ngày hôm nay.

2.  Một vị tỳ khưu ni không thể nhập hạ (vassa) ở một nơi mà không có tỳ khưu.

3.  Vào mỗi ngày sám hối (một tháng hai lần), vị tỳ khưu

ni phải hỏi Giáo Hội chư Tỳ Khưu ngày giờ nào một vị tỳ

khưu đến hành lễ phát lồ (uposatha).[20]

4.  Khi mãn thời gian an cư kiết hạ mỗi vị tỳ khưu ni phải thọ lễ tự tứ (pavārana)[21] trước cả hai Giáo Hội, tỳ khưu và tỳ khưu ni (để kiểm thảo xem trong ba điểm: thấy, nghe và hoài nghi, mình có làm điều chi lỗi lầm không)

5.  Một vị tỳ khưu ni đã phạm một trọng tội phải chịu hình phạt manatta[22] trước cả hai Giáo Hội, Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.

6.  Một nữ giới tử (sikkhamānā, trong thời gian học tập) đã có tu tập sáu giới trong thời gian hai năm, có thể thọ trì cụ túc giới với cả hai Giáo Hội, Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.

7.  Bất cứ trong trường hợp nào một vị tỳ khưu ni không quyền khiển trách hay nặng lời một vị tỳ khưu.

8.  Kể từ hôm nay tỳ khưu ni không được phép làm lễ sám hối cho tỳ khưu nhưng tỳ khưu thì có thể hành lễ sám hối cho tỳ khưu ni.

 Những giới luật và điều kiện trên đây phải được tôn trọng, khâm sùng, kính cẩn tuân hành, và nghiêm túc thọ trì suốt đời, không được vi phạm dầu bất cứ trường hợp nào.

Giờ đây Đại Đức Ānanda đã học nằm lòng với Đức Thế Tôn tám giới chủ yếu ấy, đến gặp Bà Mahā Pajāpati Gotami và trao truyền lại bà. Bà Gotami hoan hỷ lãnh giáo, chấp thuận nghiêm trì tám giới chủ yếu ấy và nguyện trọn đời không vi phạm[23]. Sau đó Bà Gotami xuất gia. Bà đến trước Đức Phật và đảnh lễ. Đức Bổn Sư thuyết giảng cho bà một thời Pháp và ban truyền cho bà một đề mục hành thiền. Bà Gotami, vị đệ tử có tâm đạo nhiệt thành, thực hành đúng theo lời giáo huấn, hành thiền, khai triển tuệ minh sát (vipassanā) và chứng đắc Đạo Quả A La Hán cùng với bốn paṭisambhidā[24], tri kiến phân tách. Về sau các vị đệ tử của bà cũng đắc Quả A La Hán khi Ngài Trưởng Lão Nandaka[25] chấm dứt một thời Pháp giảng cho các bà. Trong khi cư ngụ tại Vesali, Bà Gotami nhận biết rằng cuộc đời của bà sắp kết liễu, đến đảnh lễ từ giả Đức Phật và viên tịch -- lúc ấy bà được một trăm hai mươi tuổi thọ.

 Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo một Giáo Hội Nữ Tu Sĩ được thành lập và nữ giới được chấp nhận vào đời sống tu viện. Cánh cửa đã rộng mở để cho hàng phụ nữ xuất gia, đặc ân cho phái nữ gia nhập vào một Giáo Hội Nữ Tu Sĩ đã được ban hành. Giáo Hội Tỳ Khưu Ni sớm được thành lập, tốt đẹp và vững chắc. Nhiều bà ở lứa tuổi lớn khôn, các bà khác giữa độ thanh xuân và những bà khác nữa tuổi hạc đã cao đến mức hoàng hôn của cuộc sống, tất cả đều gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Họ đến thật đông -- hạng người giàu sang sung túc và những người nghèo khổ bần cùng, người dốt nát và người có trình độ văn hóa sâu rộng, người chất phác thật thà và người nhiều học thức -- họ đến từ các nẻo đường của đời sống và xin gia nhập vào Giáo Hội Thánh Thiện của chư vị Tỳ Khưu Ni. Giáo Hội tồn tại trong nhiều trăm năm. Những vị tỳ khưu ni này, sau khi đã gia nhập vào Giáo Hội và thành đạt giải thoát cuối cùng, bắt đầu thốt ra những lời tán dương và những khúc ca khải hoàn hay thánh thi, như người ta gọi, được góp nhặt trong một quyển sách có tên là Therīgāthā (những bài Thánh Thi của các Trưởng Lão Ni, hay Trưởng Lão Ni Kệ). Những bài thánh thi này nói lên mức độ phỉ lạc mà các bà đã kinh nghiệm trong khi xuất gia và sau đó khi thành đạt thánh quả.

 Câu hỏi đôi khi được nêu lên là Đức Phật có đặt Ni Bộ dưới quyền của Tăng Bộ chăng. Câu hỏi thật sự không cần được nêu lên, bởi vì Đức Phật khai sáng hai giáo hội riêng biệt tách rời và sinh hoạt song song, và không có ý định làm cho giáo hội nào sẽ kiểm soát giáo hội nào. Giáo Hội chư Tỳ Khưu có những vị tăng trưởng, hai vị đại đệ tử ấy là nhị vị Trưởng Lão A La Hán, Sāriputta và Mahā Moggallāna. Cùng thế ấy, bên Ni Bộ cũng có hai vị Ni Trưởng, tức hai vị A La Hán Khemā và Uppalavannā. Sự kiện Đức Phật không bao giờ có ý định đặt Giáo Hội Tăng Già, tăng bộ hay ni bộ, dưới quyền kiểm soát của một người hay một nhóm người, được lời dạy của Ngài trong kinh Đại Niết Bàn, Mahāparinibbāna Sutta, cho thấy tỏ rõ. Nơi đây Ngài tuyên bố không bao giờ có ý rằng Ngài, là vị Phật, phải kiểm soát Tăng Già (Sangha). Theo Đức Phật, Tăng già không bao giờ có nghĩa là một cơ cấu được hàng ngủ hóa, được tổ chức thành đoàn, phải sùng bái và trung thành phục tùng một vị giáo chủ duy nhất. Nhưng đây phải là một tập đoàn của những người nam và những người nữ tự do, nhiệt thành dấn thân vào nhiệm vụ cao cả là thành đạt Niết Bàn, giải thoát cuối cùng cái tâm. Và những vị này có đủ tự do tư tưởng và hành động trong một cơ cấu gồm những người trang nghiêm, thấm nhuần những lý tưởng cao thượng, cố gắng bắt tay vào công trình cao cả là phá vỡ những xiềng xích của vòng luân hồi, samsāra, những kiếp sống triền miên lặp đi lặp lại.

 Câu hỏi thường được nêu lên là Đức Phật do dự, không sẵn sàng cho phép nữ giới gia nhập vào Giáo Hội, có phải vì Ngài xem nữ giới là thấp kém hơn nam giới và nghĩ rằng họ không thích hợp với một khuynh hướng cao cả như vậy không. Giải đáp cho câu hỏi là không bao giờ, không có lần nào, Đức Phật công bố rằng người nữ thua kém người nam, bất luận trên phương diện trí thức hay cương nghị hay khả năng thành đạt Niết Bàn. Chỉ có thể giải thích sự do dự của Đức Phật trên căn bản là Ngài có thể nhận thấy rằng nếu người phụ nữ gia nhập vào đời sống tự viện thì phẩm hạnh cốt yếu của người sống độc thân, vốn dĩ rất cần thiết cho sự điều hành suôn sẻ của một tự viện, sẽ bị ảnh hưởng và tổn thương. Và cũng vì điều này mà Ngài ban hành tám giới hay điều kiện bảo vệ. Chính tám giới này tạo điều kiện để điều hành tốt đẹp hai cơ quan trong tinh thần trang nghiêm và thích đáng với bản tánh tự nhiên. Nó giữ chư ni trong vị trí thích hợp với tâm tánh người nữ. Cũng chính tám giới này đã hỗ trợ trạng thái điều hoà và thuận thảo và đem lại tình giao hảo thích nghi giữa tỳ khưu và tỳ khưu ni. Không nên diễn dịch bất cứ như thế nào sự chấp thuận muộn màng của Đức Phật là Ngài chấp nhận tánh cách yếu đuối hay suy nhược của người phụ nữ. Theo một lối, đó là phương tiện để chỉ cho cả hai, chư tỳ khưu và chư tỳ khưu ni, hiểu rằng sự hình thành Giáo Hội Tỳ Khưu Ni từ giai đoạn sơ khởi đã mang theo với nó một vài yếu tố hiểm nguy, và nếu không có những phương sách dự phòng, trong tương lai có thể xảy ra những bất trắc khó lường. Sự chấp thuận cuối cùng biểu lộ trí sáng suốt thâm sâu của Đức Phật và khả năng thấy xa trong tương lai hậu quả của bất cứ sinh hoạt nào. Nó cũng cho thấy sự biết ơn và lòng bi mẫn mênh mông như trời biển của Ngài bao gồm mọi tầng lớp và tất cả mọi loài chúng sanh. Nên ghi nhận rằng công trình nghiêm túc hành trì tám giới này có một vai trò tối trọng yếu và có rất nhiều ý nghĩa để gìn giữ tình trạng thanh khiết và thánh thiện của hai Giáo Hội trong một thời gian rất lâu dài. Chính tám giới trọng yếu này (được gọi trong tiếng Pali là garu-dhammas) là tảng đá vững chắc làm nền để xây dựng kiến trúc đồ sộ và công trình sinh hoạt chảy trôi suôn sẻ của hai Giáo Hội.

 Cái quyền to lớn và đặc ân mà Bà Mahā Pajāpati Gotami đã tranh đấu và thành công, tức quyền của nữ giới được gia nhập vào Giáo Hội Thánh Thiện, quả thật là quan trọng trong lịch sử tôn giáo. Chí đến ngày nay còn nhiều hệ thống tôn giáo hưng thạnh trên thế giới vẫn chưa chịu nhượng quyền cho hàng phụ nữ thọ giới tu sĩ. Cũng có một số ít tôn giáo đã nhường cho nữ giới quyền xuất gia, bắt đầu hoài nghi rằng không biết nhân nhượng nhiều quyền như thế mình có sáng suốt không, và đặt câu hỏi có cần bước sang giai đoạn này không.

 Đức Phật nổi bật là một trong số ít các vị giáo chủ của nhân loại đã nâng cao hàng phụ nữ lên một vị trí xứng đáng trong đời sống, bằng cách cho phép nữ giới gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni, và như vậy, mở ra một chương sách hoàn toàn mới trong lịch sử giải phóng của người phụ nữ.

 

Người Con Gái Chăn Đà La 

Vấn Đề Giai Cấp

 Đức Phật Siddhattha Gotama đang ngự trong thành Sāvatthi (Sravasti, Xá Vệ), Ấn Độ, tại Kỳ Viên Tịnh Xá của Trưởng Giả Anāthapindika, Cấp Cô Độc. Vào lúc ấy Đại Đức Ānanda, vị đệ tử trung kiên và là thị giả chuyên cần nhất của Đức Bổn Sư cũng ngụ tại ngôi tự viện ấy. Ngày nọ, như thường lệ, Trưởng Lão Ānanda y phục chỉnh tề, tay ôm bình bát, chân thong dong đều đặn từng bước, và mắt nhìn xuống, đi vào thành Sāvatthi. Khi đã thọ vừa đủ vật thực để đỡ dạ Ngài tìm ẩn vào một nơi yên tĩnh để độ ngọ. Thọ thực xong Ngài tìm nước và thấy một cái giếng bên đàng. Vào lúc ấy có một thiếu nữ thuộc giai cấp Chandāla (chăn đà la) tên Prakrti, cũng đến giếng ấy gánh nước. Đại Đức Ānanda đến gần đứng lại, mắt nhìn xuống đất, hai tay ôm bát. Và câu chuyện đối thoại xảy diễn như sau:

Prakrti:  Bạch Sư, cần dùng chi?

Đại Đức:  Xin cho tôi chút nước để giải khát.

-- Tôi là người thuộc giai cấp Chanḍāla (chăn đà la); không ai dùng nước của chúng tôi.

-- Tôi chỉ muốn xin chút nước uống để giải khát. Nước làm đở khát cho tất cả mọi người, dầu người thuộc về giai cấp, đẳng cấp hay chủng tộc nào.

-- Sư không biết rằng trong xứ có hai giai cấp: cấp cao và cấp thấp sao? Tôi thuộc về giai cấp thấp. 

-- Vấn đề giai cấp là cái gì rõ ràng không quan trọng đối với tôi. Tôi không mảy may bận tâm đến việc này. Tôi chỉ cần chút nước để giải khát.

-- Làm thế nào tôi, một gái hạng chăn đà la, có thể dâng nước đến Sư? Chí đến cái bóng của chúng tôi, người ở giai cấp cao còn không dám giẫm chân lên. Họ tránh chúng tôi, hất hủi chúng tôi, và nếu bất chợt thấy chúng tôi thì họ mau mau đi rửa mặt với nước thơm và than vãn: “Bất hạnh thay! hôm nay chúng ta lại gặp một người thuộc hạng cùng đinh.” Họ khinh rẻ chúng tôi và có những thái độ khinh khi như vậy.

-- Tôi không biết giai cấp cao hay giai cấp thấp, cô cũng là một con người như tôi. Tất cả mọi người đều là người như nhau. Tất cả đều cùng chung thuộc về chủng tộc loài người. Tất cả đều có một đầu, hai mắt, hai tai, một miệng và một mũi v.v... Máu chảy trong huyết quản của mọi người đều có màu đỏ như nhau, không phải đen. Có gì khác biệt? Có gì để có thể phân chia?

-- Đúng vậy, bạch Sư, về phần vật chất thì không có gì khác biệt. Tuy nhiên, người ở giai cấp và địa vị cao sang, họ đã tạo thiện nghiệp và vun bồi phước báo nên tái sanh vào gia đình cao cấp. Chúng tôi đã tạo nghiệp bất thiện nên sanh vào giai cấp cùng đinh, làm người khốn khổ cơ hàn, cặn bã của xã hội, phải chịu số phận bị khinh khi ruồng rẫy.

-- Dầu sao, Đức Bổn Sư, bậc Toàn Giác Tối Thượng, Thầy tôi, có ban truyền bức thông điệp cao quý như sau:

“Là cùng đinh không phải do sanh trưởng,

Không phải do sanh trưởng là bà la môn,

Do hành động ta trở thành cùng đinh,

Do hành động ta trở thành bà la môn.”

(Sutta-nipāta. 135).

 Tôi không quan tâm đến cái được gọi là giai cấp chút nào, xin cho tôi chút nước vì hiện tôi đang cần giải khát.

 Prakrti nói không ra lời, miệng ngậm cứng như câm. Người thiếu nữ sợ hãi, cúi xuống nghiêng mình tới trước, run rẩy trịnh trọng dâng nưóc đến Ngài Ānanda, sớt ra từ trong cái chậu, và tim nàng bắt đầu đập, càng lúc càng mau. Nhà Sư hớp nước với lòng biết ơn nồng hậu trong khi Prakrti ngạc nhiên đứng nhìn. Rồi Đại Đức Ānanda trở về tịnh xá.

 Nhưng Prakrti thì ngẩn người, nhớ lại giọng nói dịu hiền của nhà sư, nàng đắm đuối say mê phẩm cách cao đẹp và tướng mạo oai nghiêm của vị đạo sĩ đến độ ngây ngất sững sờ, vô cùng kinh ngạc.”‘Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước’ Tiếng nói êm dịu nhẹ nhàng dễ cảm; ông ấy nói chuyện với ta hiền hòa thanh nhã làm sao! Ôi, con người đẹp đẽ lạ thường, phong độ cao quý vô cùng! Tại sao ông ấy lại đến với người con gái chăn đà la? Có phải ta là người con gái duy nhất trong thành Sāvatthi này không? Có phải đây là cái giếng duy nhất trong thành này không? Y phục của ta không hiển nhiên cho thấy ta là hạng chăn đà la hay sao? Cách ăn mặc và trang sức của ta không nói lên giai cấp ta hay sao? Người lạ mặt kỳ diệu khác thường ấy có thể là ai? Từ đâu ông ta đến đây? Rồi ông sẽ đi đâu? ờ, mà ông ấy sẽ còn trở lại xin nước uống nữa chăng?” Nàng tiếp tục ngẩn ngơ mơ mộng một cách buồn thảm.

 Tâm nàng mãi vơ vẩn đăm chiêu với những ý nghĩ trên trong khi thơ thẩn từng bước trên đường về nhà.

 Đến nhà, nàng đặt bầu nước xuống bỏ qua một bên, rồi vội vã đi tìm mẹ, một bà phù thủy có nhiều bùa phép và van xin mẹ làm bùa chú bỏ cho ông sư.

Bà mẹ:  - Có gì làm phật ý con, cái gì làm cho con đau khổ, nhà sư ấy là ai?

Prakrti: - ‘Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước’ -- Mẹ ơi, trước đây con chưa từng nghe một giọng nói dịu hiền thanh nhã như vậy.

-- Người mà xin con nước chắc phải thuộc giai cấp của chúng ta.

-- Dạ không đâu, đó là một thanh niên đẹp trai tươi tắn lạ thường, đầu cạo trọc, mình đắp y vàng, tay ôm bình bát, rõ thật là thanh nhã trang nghiêm.

-- Con nói gì bậy bạ vậy. Làm thế nào một người đầu cạo trọc lại có thể đẹp trai, tươi tắn? Con biết không, người ta cạo đầu là để làm cho không còn vẻ đẹp hay duyên dáng gì nữa?

-- Con không biết điều đó, thưa mẹ, người ấy dễ thương, duyên dáng làm sao. Ông ta là hiện thân của lòng từ mẫn và khiêm tốn, của phẩm cách thanh tao và trang nhã.

-- Ông ấy có phải là người thuộc giai cấp của chúng ta không?

-- Dạ phải, ông nói con cũng thuộc giai cấp của ông.

-- Đó là giai cấp nào vậy con?

-- Giai cấp loài người.

-- Con có phỉnh lừa ông ta và không nói rõ giai cấp của mình không?

-- Con nói với ông con là hạng chăn đà la, nhưng ông ta không chịu tin con. Ông cứ xin nước hoài, và tuyên bố rằng người ta là bà la môn hay cùng đinh do hành động của mình chớ không phải vì sanh trưởng trong một gia đình nào. Rồi ông nói thêm về tự do và phẩm cách con người. Từ bấy lâu nay con lầm lạc ngỡ rằng mình là “kẻ có tội” phải chịu khốn khổ bần cùng, nay nhờ ông con được biết rằng mình cũng thuộc xã hội loài người, và cũng được un đúc từ cái khuôn nhân loại. Ông ta cho con ánh sáng, ông là ánh sáng của con.

‘Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước.’ Ôi, giọng nói êm dịu hiền hoà làm sao!

-- Này Prakrti con, người ta được sanh vào giai cấp ăn trên ngồi trước vì trong quá khứ họ đã tạo nghiệp tốt. Còn chúng mình thì sanh vào giai cấp chăn đà la, hạng cùng đinh, cũng do hậu quả của những nghiệp chẳng lành mà mình đã gieo trong quá khứ.

-- Không phải vậy đâu thưa mẹ, không phải tất cả đều do nghiệp báo. Chính xã hội loài người đã sắp xếp, đóng dấu, dán nhãn lên, rồi gọi chúng ta là cùng đinh, chính con người tạo sự phân chia giả tạo ấy. Không sao đâu, con muốn biết chàng thanh niên ấy là ai, tên họ và làm nghề gì.

-- Theo cách con mô tả, này con, mẹ tin rằng ông ấy là đệ tử của Đức Phật Gotama (Cồ Đàm), ông là một người thuộc dòng Sakya (Thích Ca). Mẹ nghe rằng tên ông ta là Ānanda. Ông là một tỳ khưu, một tu sĩ, người đã từ bỏ thế gian cùng với những lạc thú và tiện nghi trần tục.

-- Này mẹ yêu dấu, con van xin mẹ, con không thể sống mà không có người ấy. Con phải có ông ta. Xin mẹ hãy dùng tất cả bùa chú và phù phép, hãy tận dụng mọi quyền năng thần thông của mẹ, và đưa Ānanda về con. Nếu không được vậy, con sẽ nhịn đói đến chết, và mẹ sẽ mất đứa con duy nhất.

-- Này con yêu dấu, con có biết không rằng Vua xứ Kosala (Câu Tát La) của chúng ta là một thí chủ nhiệt thành của Đức Phật Gotama? Nếu hay được rằng con say mê và khao khát muốn được Ānanda, ắt vua sẽ tiêu diệt toàn thể cộng đồng Chanḍāla (chăn đà la). Con có muốn vua làm điều ấy không?

-- Thưa mẹ, con van xin, mẹ hãy đọc lên câu thần chú, và ông ấy sẽ đến. Nếu không có ông, con sẽ không thể sống nữa.

-- Này Prakrti con, Đức Phật, đấng Toàn Thiện, đã diệt trừ mọi dục vọng và ô nhiễm. Ngài là bậc Tôn Sư tối thượng. Bùa phép của Ngài cao cường hơn tất cả những người khác. Thần chú của Ngài trội hơn bất cứ ai. Tuy nhiên, mẹ sẽ tận lực cố gắng cho con, đứa con yêu quý nhất đời của mẹ, chớ nên kêu gào than khóc nữa, và hãy đi ăn đi.

 Để đáp lại lời van xin khẩn thiết của người con gái duy nhất, bà mẹ nhúm một bếp lửa với phân bò khô ngoài sân, ngồi lại một bên với 108 cành hoa arka và bắt đầu đọc thần chú. Và trong khi ấy bà luôn luôn ném hoa, hết cái này đến cái khác, vào ngọn lửa, mỗi lần ném một cành hoa thì miệng đọc thần chú.

 Trưởng Lão Ānanda không thể cưỡng lại năng lực, sức quyến rũ mãnh liệt, của bùa phép. Ngài rời bỏ tịnh thất của tu viện, quên hẳn lối sống mà mình đã chọn, và thẳng tiến đến nhà của người thiếu nữ Chanḍāla (chăn đà la). Bà mẹ trông thấy vị đạo sĩ tiến đến gần nhà, bảo con gái dọn sẵn một chỗ ngồi. Vừa lúc Prakrti sắp xếp xong thì nhà sư vô nhà và ngồi xuống trên chỗ đã dọn sẵn. Ngài lưu ý đến những nụ cười quyến rũ của Prakrti và thuận chiều hướng về những cám dỗ của bà mẹ. Ngày đã về chiều. Vầng thái dương dần dần lặn chìm xuống dưới chân trời phương Tây và bầu không khí im lìm lặng lẽ, trang trọng bao trùm khắp nơi. Nhà sư cảm nghe ngột ngạt, lạc lối và lúng túng. Ngài liền nghĩ đến Đức Phật, ngưỡng nguyện trong lòng: “Ngưỡng mong Đức Bổn Sư Từ Mẫn và Trí Tuệ mở lòng trắc ẩn cứu con ra khỏi hiểm họa này.”

 Lúc bấy giờ Đức Phật Toàn Tri, với nhãn quan của một vị Phật, nhìn thấy tình thế nguy ngập của người đệ tử trung thành, và với lòng bi mẫn vô lượng vô biên, Ngài đọc chú Buddhaṁantra, những câu có ý nghĩa như sau:

“Nếu có một biển hồ trong suốt, không một đớm nhỏ bợn nhơ, hoàn toàn im lặng, và người vào đó được châu toàn, tất cả hiểm họa, mọi nổi kinh sợ và run rẩy đều biến tan, thì hồ đó là Niết Bàn mà chư thiên và tất cả hành giả và các bậc Thánh Nhân, đều sùng kính. Do oai lực của chân lý các lời này, ước nguyện mọi điều lành đến với tỳ khưu Ānanda.”

Câu chú hoàn toàn khắc phục bùa phép của bà phù thủy, và Ngài Ānanda được cứu thoát khỏi tai họa khủng khiếp, quyết định mau mau trở về tịnh thất. Prakrti rất đau lòng xót dạ và thất vọng một cách chua cay, nhưng không từ bỏ nỗi lòng đối với nhà sư. Sáng hôm sau nàng sửa soạn, ăn mặc tươm tất với những đồ trang sức lộng lẫy nhất của mình và chờ sẵn trên con đường mà thường ngày Trưởng Lão Ānanda phải trải qua để vào thành Sāvatthi trì bình. Và trong khi Ngài lặng lẽ tiến hành buổi đi bát thì Prakrti bước liền theo chân, từ nhà này đến nhà kia, dân chúng lấy làm ngạc nhiên nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ này.

 Ngài Ānanda hoàn toàn lúng túng, bươn bả quày bước trở về tịnh thất, luôn luôn có Prakrti theo sau, và thuật lại đầu đuôi câu chuyện với Đức Bổn Sư.

 Lúc ấy Prakrti đứng trước cổng chùa, Đấng Đại Bi cho vời nàng vào. Với cặp mắt nhìn xuống nàng đi vào, đảnh lễ Đức Thế Tôn và chấp tay ngồi lại một bên.

 Rồi Đấng Đại Bi nhỏ nhẹ hỏi cô gái Chanḍāla (chăn đà la): “Cô muốn làm gì với Đại Đức Ānanda?”.

 Một cách giản dị và ngây thơ, Prakrti bộc lộ tất cả những khát vọng mà nàng ấp ủ sâu kín trong lòng. Đức Tôn Sư bảo: “Này Prakrti, con hãy về nhà xin phép cha mẹ trước đi.”

 Nàng vội vã đi nhanh về nhà rồi quày quả trở lại với sự đồng ý của cha mẹ. Một lần nữa Đức Phật mở lời:

 Đức Phật: - Này Prakrti, có rất nhiều thanh niên trong thành Sāvatthi. Tại sao con chỉ thương có mình Ānanda là một thầy tỳ khưu, người đã từ bỏ nếp sống tại gia?

 Prakrti: - Con ưa thích và thương yêu ông ấy với tất cả tấm lòng. Ông ấy đem ánh sáng lại cho người con gái đã mãi sống trong đêm tối. Chính ông dạy con rằng con là một con người, không phải nô lệ, và như ai nấy, con cũng có thể hưởng quyền làm người. Ông là ánh sáng cho mắt con, là niềm hy vọng cho tất cả những ước mơ của con, là dòng suối của đời con. Con muốn ông. Con không thể sống mà không có ông.

-- Như vậy, nếu muốn được ông ấy, con phải làm những gì Như Lai bảo con làm.

-- Để có thể được Ānanda, kính bạch Ngài, con sẽ làm tất cả những gì Ngài muốn con làm.

-- Nếu con cạo trọc đầu và khoác lên mình tấm y vàng như Ānanda, con sẽ được ông ấy.

-- Chắc chắn con sẽ làm y như lời Ngài bảo. Bạch Ngài, con đi gắp về nhà và sẽ trở lại liền, đầu cạo trọc và đắp y vàng.

 Prakrti đi nhanh về nhà, và giải thích đầu đuôi cho mẹ. Nghe vậy bà mẹ nổi cơn giận dữ.

-- Này con yêu dấu, con điên rồi sao? Con có còn tỉnh táo không, hay đã mất trí rồi?

-- Này mẹ, xin mẹ vui lòng cạo đầu cho con, nếu không con sẽ tự quyên sinh.

-- Con là con gái ngu. Tóc là trang điểm tốt nhất của người đàn bà. Cạo tóc đi con sẽ xấu xí, khó coi. Trong toàn thể khu thành Sāvatthi này không có người con gái nào dễ thương và duyên dáng như con. Này con yêu dấu của mẹ, hãy nhẫn nại, mẹ sẽ tìm cho con một người chồng xứng đáng.

-- Con không cần ai khác, chỉ muốn Ānanda của con. Đối với con, ông ấy đẹp đẽ sáng ngời, ông ấy duyên dáng dễ thương, có giọng nói nhỏ nhẹ dịu hiền và phong độ thanh tao nhã nhặn, dễ mến làm sao. Ông ấy là trọn cuộc sống của con, là kho tàng bảo vật, là tất cả trong đời con.

-- Thôi, hãy đi ăn đi, đừng để chết đói bây giờ.

-- Này mẹ, con sẽ nhịn ăn đến chừng nào mẹ cạo đầu cho con.

 Sợ con chết đói, bà mẹ liền cạo đầu cho con.

-- Bây giờ con giống y như một sư cô. Con sẽ bị mấy ông đạo sĩ và thầy của họ, Đức Phật Gotama, lường gạt. Họ có bùa phép cao cường kỳ diệu để quyến dụ những người như con. (Chính lòng từ bi vô lượng vô biên của Đức Phật đã cảm hóa và làm cho người ta về với Ngài, chớ không có sự cám dỗ khuyến dụ hay gian manh xảo quyệt lường gạt nào.)

-- Không hề gì đâu mẹ, dầu ra sao thì ra, nếu có được Ānanda của con, là con bằng lòng vui vẻ lắm rồi. Con không cần gì khác. Giờ đây con đi Tịnh Xá Jetavana (Kỳ Viên.)

-- Muốn làm gì thì làm; con sẽ ăn năn hối tiếc vì sự điên rồ trầm trọng này. Cạo đầu xong, Prakrti vội vã trở lại chùa, đảnh lễ Đức Phật và ngồi lại một bên. Lúc ấy cũng có nhiều vị sư, kể cả Ngài Ānanda, đã hội về hầu Phật.

Prakrti: -- Bạch hóa Đức Thế Tôn, con đã làm đúng theo lời Ngài bảo. Như đã hứa, xin Ngài cho con Ānanda.

Đức Phật: -- Trước khi được Ānanda, con phải trả lời những câu hỏi của Như Lai.

-- Xin vâng, con sẽ giải đáp những câu hỏi của Ngài.

-- Con yêu thương Ānanda lắm. Vậy cái gì của nhà sư ấy đã làm cho con đắm đuối say mê.

-- Toàn thân ông ấy, các bộ phận và tất cả những gì trong thân thể ông ấy đều rất vừa lòng con. Chính cái nhìn của ông là giọt thuốc nhỏ vào, làm cho mắt con sáng tỏ. Giọng nói của ông làm cho con đắm đuối say mê, ông là tất cả cho con.

-- Này Prakrti con, tất cả những gì con thấy và tất cả những gì làm con mê hồn là bề ngoài của lớp da. Sắc đẹp chỉ mỏng manh như lớp da, nông cạn và phù du tạm bợ. Thân thể chúng ta không phải làm bằng vàng, bằng ngọc, bằng hột xoàn hay một loại kim cương nào khác. Trong thân này có: tóc, móng, răng, da, thịt, gân, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất nhờn, nước miếng, nước mũi, nước tiểu, phẩn. Phía sau bức hình đẹp đẻ, cái sắc đẹp bề ngoài ấy, là một cơ thể đầy thương tích, không có chi ổn định vững bền và thường còn. Thành trì này được tạo dựng bằng xương, đắp thịt và máu bên ngoài, trong đó tích trữ tuổi già, bịnh tật và chết chóc, kiêu hãnh ngã mạn, và phỉ báng kẻ khác[26] . Nếu, vì một lý do nào, những gì ở bên trong được phơi bày ra ngoài, như một cái gối bị lộn ngược, chắc chắn cần phải có một người cầm roi đứng đó để rượt đuổi bầy quạ và chó, đến đó cả đoàn cả lũ rất đông. Khát vọng say mê là do lòng ham muốn ích kỷ.

“Trìu mến sanh sầu muộn,

Trìu mến sanh lo sợ,

Người đã dập tắt hoàn toàn lòng trìu mến,

Không còn sầu muộn, còn gì lo sợ?”[27]

 Từ ngày bắt đầu thương Ānanda, con đã chịu trăm phần đau khổ, mất ăn, mất ngủ, than vắn thở dài, nỉ non khóc kể, rên rỉ bi ai -- những điều ấy làm cho con vô cùng sầu muộn. Giờ đây, hãy suy tư sáng suốt, nghĩ lại xem cơ thể của Ānanda có phải là cái gì đáng được trìu mến bám níu không? Có phải là cái gì đáng được ta hân hoan ôm giữ không? Là cái gì đáng được khát khao ham muốn một cách tuyệt vọng không? Tất cả mọi sự vật là vậy, khi ta vừa bám vào thì nó đã hư hoại, suy tàn và phân tán. Tất cả những vật được cấu tạo là như thế, trong khi ta thèm khát ham muốn thì nó đã mục thúi và phai tàn.

-- Kính bạch Đức Thế Tôn, những lời của Ngài, xác đáng và đúng chân lý, đem lại cho con nhiều an ủi. Mọi việc đã sáng tỏ. Kính xin Ngài cho con xuất gia.

-- Được, này Prakrti, Giáo Hội của Như Lai rộng mở cho tất cả, không phân biệt giai cấp, màu da, bộ lạc, chủng tộc hay nam nữ. Giáo Hội của Như Lai tựa hồ như biển cả mênh mông. Dường như nước trong các dòng sông Gangā, Yamunā, Sindu, Aciravati, đều tuôn chảy vào đại dương và mất đi lai lịch của nó, cùng thế ấy người từ những giai cấp và bộ lạc khác nhau, từ các nẻo đường khác nhau trong đời sống, đều gia nhập vào Giáo Hội của Như Lai, và rồi ý niệm về giai cấp, đẳng cấp, bộ lạc và những phân biệt khác đều phai mờ và tan biến. Trong đại dương, này Prakrti, chỉ có một vị, và đó là vị mặn của muối. Trong Giáo Hội của Như Lai cũng dường thế ấy, chỉ có một vị, và đó là vị Giải Thoát.

Ehi tvaṁ bhikkhuṇi, cara brahma cariyaṁ

Hãy đến đây, này tỳ khưu ni, sống đời thánh thiện.

 Đức Thế Tôn gọi nàng vào như thế ấy, và Prakrti trở thành hội viên của Giáo Hội Tỳ Khưu Ni.

 Rồi Đấng Đại Từ Bi thuyết giảng cho nàng khía cạnh đơn giản của Giáo Pháp bằng những lời lẽ dễ hiểu. Nàng đặt niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, Ti-ratana: Phật, Pháp, Tăng (Buddha, Dhamma Sangha). Sau đó Đức Bổn Sư giải thích cho nàng Tứ Diệu Đế -- bốn chân lý vĩnh cửu về sự đau khổ hay bất toại nguyện, về nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ, và Đấng Toàn Giác ban cho nàng món quà Giải Thoát, nâng cao con người, từ bùn lầy suy thoái và điêu tàn đến tình trạng an lạc thanh bình, giác ngộ và Niết Bàn.

 Phương cách trình bày rõ ràng dễ hiểu của Đức Bổn Sư thấm nhuần, ăn sâu vào tận đáy lòng của thiếu nữ và đổi hẳn cái nhìn toàn diện của nàng. Nàng khấu đầu đảnh lễ dưới chân Đấng Toàn Giác Tối Thượng và xin sám hối về những lỗi lầm của người con gái si mê và không được dạy dỗ.

 Sự xuất gia của người con gái Chanḍāla (chăn đà la) làm cho Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala (Câu Tát La) vô cùng bối rối và các thân hào nhân sĩ trong thành Sāvatthi (Xá Vệ) xôn xao nổi dậy. Họ không thể bỏ qua chuyện một người trong gia đình Chanḍāla (Chăn-đà-la) mà được xuất gia, gia nhập vào Giáo Hội Thiêng Liêng của Đức Phật. Không thể dung tha, họ kéo nhau đến chùa để hội thảo và tranh luận về vấn đề tối trọng yếu này, một vấn đề vi phạm đến thanh danh và uy tín của họ, nhưng Đức Phật thì rõ ràng thản nhiên. Ngài luôn luôn phủ nhận hệ thống phân chia giai cấp một cách không thể lầm lẫn. Ngài là vị giáo chủ duy nhất đã cố gắng pha trộn chung trong tinh thần khoan dung đại độ và thuận thảo điều hoà những người mà trước kia đã bị ruồng bỏ vì tình trạng ngu đần của sự phân chia giai cấp.

 Đức Thế Tôn nhẫn nại lắng nghe những lời phiền trách của họ, rồi bắt đầu thuật lại câu chuyện quá khứ của Prakrti:

 ‘Vào thủa xưa, ở Ấn Độ có một làng Chanḍāla (chăn đà la) bên cạnh sông Gangā (Hằng). Vị trưởng làng tên là Trishanku. Ông này có người con trai đẹp đẽ lạ thường tên Sardulakarna, lão thông thâm sâu ba bộ kinh Veda (Phệ Đà) và những ngành học vấn khác. Người cha rất ước muốn cho con mình cưới một cô gái xinh đẹp và minh mẫn. Biết trong làng có một thiếu nữ đặc biệt dễ mến, tên Prakrti, con người bà la môn tên Pushkarasari, ông đến bàn thảo vấn đề với người cha cô ấy. Ông bà la môn nổi giận rầy la thậm tệ người cha của chàng thanh niên và từ chối lời cầu hôn.

 “Trishanku nhẫn nại giải thích vấn đề như sau: ‘Thưa Ông, tất cả mọi người, dầu ở đâu, nghèo hay giàu, có học hay vô học thức, xấu xí hay xinh đẹp, dầu đen hay dầu trắng, tất cả đều cùng chung thuộc về một xã hội loài người, chung thuộc về một chủng tộc nhân loại. Giai cấp và đẳng cấp là những phân chia do con người giả tạo.’

 “Lời giải thích hùng biện ấy hoàn toàn thuyết phục người bà la môn. Ông đồng ý gả con, Prakrti, cho Sardula-karna, con ông Trishanku.”

 Và Đức Phật nói tiếp:

 “Prakrti, vị tỳ khưu ni trước mặt chúng ta đây, là con gái người bà la môn, trước kia cũng có tên Prakrti. Sardulakarna là tỳ khưu Ānanda ngày nay, và chính Như Lai là Trishanku, viên trưởng làng, Tù Trưởng Chăn Đà La.

 Vua Pasenadi cùng đoàn tùy tùng chăm chỉ lắng nghe câu chuyện quá khứ, lấy làm kinh ngạc, không nói được một lời, cùng nhau đảnh lễ Đức Phật và chư Tăng rồi lặng lẽ lui gót trở về.

 

Mắt Người Trinh Nữ

 

Subhā Gặp Tên Du Đãng

 Đã tạo được nhiều phước báu trong quá khứ, vào thời của Đức Phật Siddhattha Gotama, Bậc Tôn Sư Toàn Giác Tối Thượng, nàng Subhā tái sanh vào gia đình của một vị bà la môn khả kính tại Rājagaha (Vương Xá, ngày nay là Rajgir, Ấn Độ). Nàng có sắc đẹp tuyệt trần, trong toàn thể thân nàng chỗ nào cũng dễ mến, vì lẽ ấy có tên là Subhā. Khi Đức Bổn Sư ngự tại Rājagaha cô đặt niềm tin (saddhā) vững chắc nơi Ngài và trở thành một nữ thiện tín. Về sau cô phát tâm lo sợ bản chất đáng kinh hoàng của vòng luân hồi (saṁsāra), vòng quanh những kiếp sinh tồn triền miên tiếp diễn, và nhận thức rằng thú vui trần tục là dây trói buộc vào vòng nô lệ, một loại hạnh phúc tạm bợ nhất thời, có ít hứng vị. Tình trạng an toàn và tự do nằm trong sự buông bỏ khước từ. Vì thế cô xin xuất gia với Sư Bà Mahā Pajāpati Gotami[28]. Cô Subhā tinh tấn chuyên cần. Hành thiền vắng lặng (samādhi) và tận lực gia công hành thiền minh sát (vi- passanā) cô chứng đắc tầng thánh thứ ba (anāgāmi, bất lai), không còn bao giờ trở lại Dục Giới sau khi chết.

 Ngày kia, Tỳ Khưu Ni Subhā vào vườn xoài của Jīvaka để ngơi nghỉ vào buổi trưa. Cùng lúc ấy có tên du đãng nọ ở thành Rājagaha, trong lứa tuổi thanh xuân đầy tham dục, thấy ni cô vào rừng thì đâm ra say đắm sắc đẹp diễm kiều của cô. Tên du đãng đứng chận ngang đường không cho đi tới. Ni cô Subhā cố làm cho anh ta hiểu rằng cô là người xuất gia, đã khước từ thế gian, và cảnh cáo anh về những tai hại và nguy cơ của dục lạc, nhưng vô hiệu quả. Lời khuyên của ni cô đã lọt vào lỗ tai của người điếc.

 Cuộc đàm thoại sau đây được ghi lại bằng những vần thơ thanh nhã tiếng Pali, trong bộ Therīgāthā, Trưởng Lão Ni Kệ.

1.  Tỳ khưu ni Subhā đang vào khu vườn xoài xinh đẹp. Một tên du đãng chận ngang giữa đàng. Sư cô nói với nó như sau:

2.  “Lỗi gì, tội gì, bần ni đã xúc phạm đến ông mà ông chận đường? Này ông bạn, tôi là một ni cô, đã xuất gia mà chạm đến người nam là phạm giới.

3.  “Phật Giáo đối với tôi thật vô cùng quý báu và tôi rất mến chuộng. Giới tu tập nào mà Đức Bổn Sư đã ban hành (cho tỳ khưu ni), tôi nghiêm túc thọ trì. Không mảy may ô nhiễm, tôi hoàn toàn trong sạch. Tại sao ông lại chận đường tôi?

4.  “Tâm của ông đầy những tư tưởng tham dục; tôi thì tâm thanh ý tịnh. Quả tim của ông bị những khát vọng đê hèn khuấy động, tôi không còn dục vọng và dầu đi đâu cũng không ham muốn gì cho cái thân xác phàm tục này. Tại sao ông mãi đứng đó chận đường tôi?”

 Tên du đãng trả lời:

5. “Sư cô đang còn son trẻ, sắc đẹp của sư cô trong trẻo, thân hình đẹp đẽ diễm kiều. Gia nhập Giáo Hội (sống đời thánh thiện) thì có lợi ích gì; hãy lột bỏ đi bộ y vàng. Đến đây, chúng ta hãy thọ hưởng lạc thú trong khu rừng đầy bông hoa đang đua nở, hãy tìm thú vui của nhục dục.

6.  “Xem kìa, hương thơm ngào ngạt của ngàn hoa đang phảng phất trong gió. Hãy thưởng ngoạn mùa xuân đang tung nở, hớn hở trong niềm vui. Hãy đến đây, thọ hưởng lạc thú trong khu rừng đầy bông hoa đang đua nở, hãy tìm thú vui trong nhục dục.

7.  “Những ngọn cây đầy bông hoa nghiêng ngả, lả lơi uốn mình trước gió, hình như đang ca hát để đón mừng chúng ta. Nhưng sư cô thì thui thủi vào rừng một mình, làm sao tìm được hạnh phúc trong đó?

8.  “Vào trong khu rừng hoang dại, nơi mà thú dữ hằng lui tới, nơi bị khuấy động và luôn luôn phải run sợ trước những thớt voi đi tìm mồi, bốc lên mùi rừng rú dã man, hôi thúi nồng nặc, nơi vắng bóng người và đầy kinh sợ hãi hùng[29], sư cô muốn vào trong ấy một mình, không ai tháp tùng hay sao?

9. “Ôi, này người thiếu nữ đẹp đẽ tuyệt trần! Như pho tượng đúc bằng vàng ròng lộng lẫy sáng chói, như tiên nữ nhảy múa hát ca trong một hoa viên trên cảnh trời, trong bộ y phục làm bằng tơ lụa của Benares cô sẽ đẹp đẽ xinh tươi.

10.  “Ôi, thiếu nữ với cặp mắt mơ mộng đẹp như tiên! Tôi sẽ hàng phục dưới quyền uy của cô nếu chúng ta có thể chung sống và cùng nhau trải qua cuộc đời trong khu rừng hoang dại này và thọ hưởng dục lạc. Cùng khắp thế gian không có ai dịu hiền và dễ mến như cô. (Đối với tôi cô còn quý hơn là mạng sống của tôi).

11.  “Nếu cô lưu ý đến những lời của tôi (từ bỏ và lánh xa đời sống độc thân của cô), cùng nhau sống đời tại gia cư sĩ và hưởng thụ nhục dục ngũ trần. Những kiều nữ thướt tha dễ mến sống trong những tòa nhà đẹp đẽ sẽ chăm sóc và cung phụng cô về mọi nhu cầu.

12.  “Hãy mặc những y phục may bằng hàng lụa ở Benares. Hãy trang điểm với những tràng hoa, và ướp tẩm nước thơm hương bay ngào ngạt. Tôi sẽ thân tặng cô nhiều đồ trang sức đủ loại, với những hột kim cương lóng lánh sáng ngời.

13  “Cô sẽ nằm trải mình trên một cái giưòng ấm cúng tiện nghi và sang trọng, có mùi thơm của gỗ trầm phảng phất, và bao phủ trong một tấm trải giường mới mịn bằng lông trừu êm ấm và gối đầu trên những cái gối dồn với lông thiên nga mềm mại, màn trướng mới mẻ tinh anh.

14.  “Dường như hoa sen xinh đẹp mà nở tung trong một ao đầm hoang dại (và lặng lẽ tàn tạ, không ai màng muốn), cùng thế ấy, cô là một sư cô thanh khiết; thân hình trong trắng, trinh bạch và giữ vẹn tiết tháo, cô sẽ già nua và suy nhược rồi tàn tạ hoại diệt với tuổi già.”

 Sư cô Subhā hỏi:

15.  “Nhìn vào phần nào trong cơ thể phù du yếu ớt đang suy tàn này, ông thấy thích thú? Có gì mà ông xem là dễ mến trong cái thân nhơ bẩn ngạt mùi hôi thúi này?”

 Tên du đãng trả lời:

16.  “Mắt cô giống như mắt của những con hưu rụt rè e sợ; nó tựa như cặp mắt xinh đẹp của bà tiên nữ sống nơi thâm sơn cùng cốc. Nhìn vào đó lòng tôi tê tái tràn đầy khát vọng không thể kềm chế.

17.  “Gương mặt sáng ngời của cô chói lọi xinh tươi như một pho tượng vàng rực rỡ. Mắt cô lóng lánh như những tai sen màu đỏ. Nhìn vào lòng tôi rung cảm không thể kềm chế.

18. “Với lông nheo dài của cô! Với cặp mắt trong trẻo và lóng lánh sáng ngời của cô! Dầu cách xa ngàn dậm tôi vẫn chỉ mơ cặp mắt chói dịu ấy. Ôi, người có cặp mắt xinh đẹp như các vì tiên nữ trong câu chuyện thần thoại! Trong thế gian này không có chi mà tôi yêu quý bằng đôi mắt ngọc của cô.”

 Sư cô Subhā trả lời:

19. “Ông chận đường một người con gái của Đức Phật. Ước vọng của ông cũng điên rồ và vô ích như dấn bước trên con đường nguy hại. Lòng khao khát của ông muốn được tôi cũng dại khờ và vô nghĩa như muốn nhảy vọt lên đỉnh núi Meru, hay mong muốn mặt trăng là món đồ chơi của con người. (Là một ước muốn không bao giờ được thỏa mãn).

 

20.  “Không nơi nào trên thế gian này có bất luận cái chi (dầu vô tri vô giác hay hữu giác hữu tri) mà có thể gợi lòng tham dục của tôi. Tôi không biết tham dục là gì. Lòng tham dục ấy, tôi đã phá tan từ gốc rễ bằng cách vững chắc tiến hành trên Con Đường Cao Thượng.

21.  “Như vật gì mình đã vứt bỏ trong đống lửa đang phừng cháy, như chai thuốc độc đã bị hủy diệt, dường thế ấy ngọn lửa tham dục của tôi đã bị dập tắt vĩnh viễn. Tôi không biết (thấy) tham dục là gì.

22. “Nếu có thể được, hãy đi cám dỗ người đàn bà nào khác mà chưa từng có đủ sáng suốt để trông thấy ngũ uẩn[30], hoặc người chưa từng liên hệ với Đức Phật. Nơi đây ông chỉ khuyấy rầy người tu nữ -- một sư cô đã chứng ngộ Tứ Diệu Đế.[31]

23. “Trước những lời khiển trách và tán dương, trong đau khổ và hạnh phúc, tôi luôn luôn giữ chánh niệm. Như vậy, không lúc nào tâm tôi bám níu hay thèm khát điều chi. Tất cả các pháp hữu vi, hiện hữu do duyên sinh, đều giả tạm. Tôi đã hoàn toàn thông suốt điều này.

24.  “Tôi là đệ tử của Đức Phật, người đã vượt thoát ra khỏi mọi thúc dục ô nhiễm, đã tận diệt mọi ái dục bẩn thỉu đê hèn. Lái chiếc xe Bát Chánh Đạo, tôi thẳng tiến (đến Niết Bàn). Những mũi tên của tham dục đã được nhổ ra. Tôi tìm những cảnh quạnh hiu cô tịch, đơn độc và thanh khiết để thích thú sống một mình (an hưởng thú vui của rừng núi).

25.  “Ôi, ta đã thấy những đồ chơi hình giả, tay chân sơn phết với màu mè sực sỡ và những thằng hình bằng gỗ để làm trò chơi múa rối, được nối ráp và khéo léo cột với nhau bằng chỉ và, có thể thong thả nhảy múa theo mọi chiều hướng.

26.  “Nhưng một khi gỗ, chỉ và trục quây đều được tháo gỡ hay nới lỏng và bỏ tung toé món ở đây món ở kia, thì còn đâu là đồ chơi hình giả, đâu là thằng hình múa rối. Có nơi nào trong đó mà ông có thể chú tâm đến?

27.  “Cơ thể này của ta cũng dường như thằng hình gỗ đồ chơi. Nó không còn nữa khi các bộ phận vật lý và những phụ tùng của nó không còn. Ngoài những bộ phận và phụ thuộc không còn người sống nữa. Ông sẽ chú tâm vào đâu (phần nào)?

28.  “Hãy nhìn bức hình vẽ một thiếu nữ trên tường, với cái nhìn sai lạc ông sẽ thấy đó là một người sống. Sự nhận thấy ấy là một ảo ảnh.[32]

29.  “Này ông, con người thiển trí! con người đui mù. Ông cố bám vào thân này như vật gì thường còn và thuộc về của ông chăng, trong khi nó vốn chỉ là bọt bèo và bong bóng? Tấm thân phù du tạm bợ này tựa hồ như trò chơi của nhà ảo thuật, như một cội cây bằng vàng mà ông thấy trong mộng, một pho tượng bằng bạc mà nhà ảo thuật khéo léo trình bày giữa đám đông, ông có luyến ái nó không?

30.  “Mắt này chỉ là một hòn bi nhỏ nằm trên một nạng cây -- một cái bong bóng đầy nước mắt và tiết ra chất nhờn, một sự pha trộn (những màu trắng, đen và xanh v.v...) đó là tất cả những gì tạo nên hình dáng của mắt.”

31.  Sư cô Subhā không còn luyến ái bất cứ gì; cô không luyến ái cặp mắt. Do đó, trong một cảnh tượng rất cảm động, sư cô thình lình hồn nhiên móc trồng mắt ra đưa cho tên du đãng và nói: “Đây là con mắt đó (con mắt mà ông đắm đuối say mê). Hãy lấy đi.”

32.  Tức khắc, lòng tham dục của tên du đãng biến tan. Xin sám hối với sư cô, chàng ta nói: “Ôi, này sư cô, bậc thánh thiện và vô nhiễm! Ngưỡng nguyện sư cô được an lành! Ngưỡng nguyện mắt sư cô được hồi phục! Tôi không bao giờ còn dám tái phạm tội ác ghê tởm như vậy nữa.

33.  “Cũng dường như tôi đi vào một ngọn lửa đang cháy đỏ. Cũng giống như tôi đang ôm một con rắn độc. Phá khuấy một người hiền lành thánh thiện như sư cô thì ích lợi gì? Cúi xin sư cô khoan dung tha lỗi cho tôi.

34.  Được thoát ra khỏi tay tên du đãng, sư cô Subhā về hầu Phật, bậc Toàn Giác Tối Thượng. Nơi đây, ngưỡng nhìn lên dung nhan lộng lẩy của Đức Bổn Sư nhãn quan của sư cô liền được hồi phục trong tất cả tình trạng rực rỡ vinh quang của nó.

 Khi nhãn quan trở lại như xưa sư cô vô cùng hoan hỷ, và Đức Phật thuyết giảng về những pháp để thành đạt tầng thánh cao nhất. Bà đè nén niềm hoan hỷ thích thú trong lòng, phát triển thiền minh sát và chứng ngộ Đạo Quả A La Hán, tầng thứ tư và cũng là tầng cuối cùng trong tứ thánh, bằng cách trọn vẹn nắm vững Giáo Pháp, thông suốt đầy đủ ý nghĩa trong tất cả chi tiết.

 Về sau, thọ hưởng hạnh phúc của đạo quả Niết Bàn, và suy tư về tầng thánh mà mình đã chứng ngộ, bà tuyên bố cuộc đàm thọai với tên du đãng qua những vần thơ được đề cập đến trên đây.

 

Kisāgotami

Chỉ Một Nhúm Hột Cải[33]

 Tích chuyện Bà Kisāgotami là một trong những chuyện cảm động nhất trong kinh điển được ghi nhận. Bà sanh trưởng trong một gia đình nghèo tại thành Sāvatthi (Xá Vệ). Bà thuộc dòng Gotama, và do đó là họ hàng với Đức Phật Gotama. Vì có thân hình mỏng manh yếu ớt nên người ta gọi bà là Kisā (có nghĩa là ốm gầy) Gotami. Khi đến tuổi trưởng thành bà được gả cho người con trai của một thương gia, và đúng lúc, hạ sanh một trai. Than ôi, khi bé lớn khôn vừa đến tuổi bặp bẹ biết nói và biết chơi thì chết, làm cho mẹ vô cùng sầu thảm. Vì tình thương con vô bờ bến, đứa con duy nhất, bà không thể tin rằng con bà đã thở hơi thở cuối cùng, ôm con vào lòng chạy đôn chạy đáo tìm thuốc cứu mạng. Trong toàn thể vùng Sāvatthi không vị lương y nào có thể cứu sống một người chết.

 Vì quá sầu muộn bà như người mất trí, bôn ba chạy từ nhà này sang nhà khác khóc nức nở, van kêu: “Cúi xin quý ông quý bà rộng lòng cho tôi thuốc để cứu mạng con!” Tuy nhiên, dân chúng không thể thuyết phục bà rằng đứa bé đã chết. Nỗi khổ đau của bà quá sâu đậm để có thể nhận định đúng mức lời họ. Sau cùng có một vị trưởng lão sáng suốt thấu hiểu tâm trạng đáng thương của bà mẹ đang khóc sướt mướt, khuyên bà nên đến gặp Đức Phật Tối Thượng. Đức Bổn Sư Đại Từ Đại Bi, vào lúc bấy giờ đang ngự tại Tịnh Xá Jetavana (Kỳ Viên) của Trưởng Giả Anāthapindika (Cấp Cô Độc), tại Sāvatthi.

 Bà lật đật tuôn chạy đến tịnh xá, đặt đứa con chết dưới chân Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài và thuật lại câu chuyện rất thương tâm có thể làm mềm dịu quả tim chai cứng nhất.

 Đấng Đại Bi nhìn bà với cặp mắt dịu hiền và nhỏ nhẹ nói: “Này bà chị thân mến, có một món thuốc thần hiệu chắc chắn chữa được bịnh, Như Lai sẽ hàn gắn vết thương lòng của bà. Chỉ cần tìm cho Như Lai một nhúm hột cải xin từ bất cứ nhà nào trong thành này.” Bà Gotami nghe những lời an ủi ấy thì lòng mừng vô hạn.

 “Nhưng nên ghi nhận, này Gotami,” Đức Bổn Sư nói tiếp, “rằng phải xin hột cải ấy từ một nhà nào mà chưa từng bao giờ có người chết.”

 Tuy nhiên, vì quá đổi vui mừng bà Gotami không thấu hiểu ý nghĩa lời nói của đấng Toàn Giác. Với ước vọng cứu được đứa con yêu dấu, bà tức khắc vội vã chạy tìm hột cải. Tất cả mọi người trong thành đều tận tình thương hại bà và rất sẵn sàng cho hột cải mà bà hết lòng mong tìm. Nhưng than ôi, bà không thể tìm một nhà nào mà māra, thần chết, chưa hề đến viếng.

  Trời đã về chiều, mặt trời lặng lẽ, nhẹ nhàng lặn chìm trong vùng trời ở phương Tây, đàn chim vội vàng bay về ổ, và Bà Gotami cuối cùng nhận thức tánh cách phổ cập của hiện tượng chết. Chân lý phủ phàng rọi sáng cho bà như một ánh chớp, và bà thông hiểu rằng tất cả những gì yêu quý mến thương nhất trên đời đều vô thường. Tất cả mọi sum hợp đều chấm dứt trong chia ly và đời sống suy tàn, biến tan vào cõi chết. Do đó bà đi ra ngoại ô thành, đặt con trong một bãi tha ma rồi về tịnh xá, vừa than:

“Đây không phải là luật lệ của xóm làng, không phải luật của thành phố,

Không phải là luật chỉ để áp dụng riêng cho gia đình này hay gia đình khác;

Mà cho toàn thể thế gian -- hơn thế nữa, cho tất cả chư thiên trên cảnh trời.

Đây là định luật: tất cả đều vô thường.”[34]

 

“Này Gotami, bà có tìm ra hột cải không?” Đức Thế Tôn hỏi.

 

“Bạch Đức Thế Tôn, con ra đi, bế trong lòng

Đứa con càng lúc càng lạnh dần, đi từng nhà để hỏi xin –

Từ nơi rừng rậm này đến thành phố --

‘Cúi xin ông bà ban ơn ban phước,

Cho tôi chút hột cải’, và mọi người ai có cũng đều cho,

Vì tất cả người nghèo đều thương hại người nghèo;

Nhưng khi con hỏi, nơi đây, tại nhà bạn,

Đã từng có người chết không –

Chồng, vợ, hay con, hay người làm công? họ trả lời:

‘Này bà chị! Bà hỏi gì? Người chết

Thì có thật nhiều, người sống chỉ một ít!’

Rồi trả lại hột cải với lời cảm tạ buồn thảm.

Và van xin ở nhà khác; nhưng người khác nói,

‘Đây là hột cải, nhưng người làm công trong nhà đã chết!’

‘Đây là hột cải, nhưng chồng tôi đã qua đời!’

‘Đây là hột cải, nhưng khi gieo mạ xong thì chồng tôi chết

Giữa mùa mưa và mùa gặt hái!’

Ôi, Bạch Đức Thế Tôn! Con không thể tìm đâu ra một nhà

Có hột cải mà không có người chết!

Do vậy con đành lìa bỏ đứa con -- nó không còn bú

Cũng không cười -- dưới một lùm cây, bên cạnh dòng suối,

Để rồi về đây chiêm ngưỡng dung nhan Ngài,

Đảnh lễ dưới chân Ngài, và bạch hỏi van xin Ngài chỉ cho

Nơi nào có thể tìm ra hột cải ấy và không thấy thần chết,

Quả thật vậy, nếu giờ đây con của con không chết,

Như con sợ, và như người ta nói với con.”

Bà Kisāgotami bạch như vậy.

Đức Bổn Sư dạy, “Này bà tín nữ! Bà đã tìm ra,”

“Tìm được cái gì mà không ai tìm thấy –

Niềm an ủi đắng cay mà Như Lai tặng cho bà.

Đứa con yêu dấu đã an giấc nghìn thu

Trong vòng tay của bà ngày hôm qua;

Hôm nay bà biết rằng toàn thể thế gian mênh mông này

Đều than khóc nỗi khổ đau của họ cũng giống vậy.”[35]

“Đối với người mà tình thương đã gắn bó

Tập trung và bám chặt vào con cái và đàn gia súc,

Cái chết tràn đến như trận thủy lụt trong đêm tối,

Càn quét cuốn đi trọn cả làng đang ngon giấc.”[36]

 Những lời của Đức Bổn Sư thấm sâu vào tâm bà, lúc bấy giờ đã thấu triệt rằng vô thường là đặc tướng của tất cả mọi hiện tượng sinh tồn. Bà chứng đắc tầng thánh đầu tiên (sotāpānna, nhập lưu) và xin xuất gia, gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Sau đó không bao lâu, nhờ nghe những thời thuyết giảng của Đấng Bổn Sư Đại Từ Đại Bi, và nhờ chuyên cần hành thiền, bà tiến đến mức tuyệt đỉnh thanh tịnh, tầng thánh cuối cùng, vượt ra khỏi mọi bợn nhơ của đời sống. Về sau, nhớ lại những thành tựu cao cả đã đạt, bà nói lên một số kệ ngôn mà dưới đây xin ghi lại hai câu cuối cùng:

“Hoan hỷ thay! Ta đã dấn bước

Trải qua con đường Thánh Thiện, Bát Chánh Đạo

Thẳng tiến đến trạng thái cao siêu.

Ta đã chứng ngộ Niết Bàn, và nhìn vào

Gương sáng của Giáo Pháp thiêng liêng.

Ta, chí đến ta, vết thương đau khổ cũng được hàn gắn,

Đã đặt xuống gánh nặng, nhiệm vụ đã viên mãn hoàn thành,

Tâm ta đã hoàn toàn giải thoát,

Ta, sư cô Kisāgotami, đã tuyên ngôn điều này!”[37]

 

Con Gái Người Thợ Dệt

 Một lần nọ Đức Phật viếng thị trấn Ālavi, Ấn Độ, và dân chúng nhiệt thành dâng cúng vật thực, dāna đến Ngài. Sau khi thọ thực xong Đức Bổn Sư khuyên bảo họ như sau: “Hãy trau dồi pháp hành thiền, suy niệm về sự chết, tự nói với mình: “Sống không ổn định vững bền, cái chết là chắc chắn; cuộc sóng quả thật biến đổi vô thường.’ Khi tử thần đến, người không quán niệm về sự chết sẽ ra đi trong đau khổ và sợ sệt như người kia run rẩy kinh hoàng khi bất thình lình thấy con rắn gần kề. Cũng dường như người kia thấy con rắn, bình tỉnh dùng gậy hất bổng nó đi nơi khác mà không sợ, người có quán niệm về sự chết không sợ sệt vào lúc lâm chung”[38].

 Sau khi thuyết giảng vắn tắt thời pháp Đức Thế Tôn rời Ālavi về tịnh xá Jetavana (kỳ viên) trong thành Sāvatthi. Nhóm người thính Pháp, tai lắng nghe giáo lý mà đầu óc lẫn lộn với những sinh hoạt ngoài đời, vẫn không thấu hiểu những gì họ nghe. Tuy nhiên những lời vàng ngọc của Đức Phật thấm sâu vào tâm não của người con gái nhà nghèo 16 tuổi, con một người thợ dệt. Những lời ấy cảm kích mạnh mẽ và luôn luôn còn được giữ xanh tươi trong trí nhớ nàng. Thiếu nữ tự nghĩ thầm:”Những lời của Đức Bổn Sư quả thật kỳ diệu, và ta phải trau giồi pháp quán niệm về sự chết (maraṇa anusati)”. Nghĩ như vậy, cô quyết định trau giồi pháp quán niệm về sự chết, và gia công chuyên cần trong suốt ba năm trường.

 Giờ đây ta có nghe rằng Đức Phật Đại Bi có thông lệ mỗi ngày hằng quan sát thế gian, xem ai là người hữu duyên cần được tế độ. Ngày kia, với Phật nhãn Ngài nhìn chúng sanh trong thế gian và nhận thấy con gái của người thợ dệt. Rồi suy nghĩ, Ngài hay biết rằng cô gái nhỏ này đã trau giồi pháp quán niệm về cái chết trong ba năm qua, và đã đủ thuần thục để có thể lãnh hội Giáo Pháp (Dhamma) và chứng ngộ Niết Bàn.

 Do đó Đức Thế Tôn cùng với chư vị đệ tử rời Tịnh Xá Jetavana (Kỳ viên) lên đường đến Tu Viện Aggalāva tại ālavi. Tức khắc dân chúng cung thỉnh Đức Bổn Sư để trai tăng.

 Cô gái có tâm đạo nhiệt thành cũng hay tin Đức Bổn Sư đến, lấy làm hoan hỷ và trong niềm vui tự nghĩ: “Người đến hôm nay là cha ta, Đức Bổn Sư của ta, là bậc Thầy Tổ của ta, sáng chói như mặt trăng ngày rằm -- Đức Phật Toàn Năng Gotama. Sau thời gian ba năm không gặp, hôm nay ta phải yết kiến Đức Bổn Sư. Ta sẽ được cơ hội chiêm ngưỡng Pháp Thể sáng chói màu vàng của Đấng Đại Bi và lắng nghe Giáo Pháp tối thượng.” Nhưng cũng ngày hôm đó, khi cha cô rời nhà để đi xưởng có dặn: “Này con, một cái áo của khách hàng còn đang dở dang trên khung cửi, một vạt chưa dệt xong. Cha sẽ hoàn tất hôm nay; vậy con hãy quấn cái suốt cho đầy và mau mau đem đến cho Cha!”.

 Người con gái suy tư: “Ta rất thiết tha muốn nghe Đức Phật giảng nhưng giờ đây cha thân mến của ta lại bảo phải quấn đầy ống suốt. Phải làm sao bây giờ? Đến nghe Đức Bổn Sư hay quấn chỉ vào suốt và đem đến cha?”.

 Đối với người con gái đáng thương, đây là tình trạng hầu như tấn thối lưỡng nan. Và trong khi lưỡng lự suy tư cô nghĩ tốt hơn hết nên đem suốt chỉ đến cha trước. Nếu không làm vậy ắt sẽ bị khiển trách vì không vâng lời cha. Do đó nàng bắt đầu quân chỉ vào suốt.

 Vào lúc bấy giờ dân chúng đã dâng vật thực cúng dường Đức Thế Tôn, và đang khao khát nghe Pháp. Nhưng Đức Bổn Sư không nói một lời.

 Đấng Giác Ngộ nghĩ: “Như Lai đi ba mươi dặm đường đến đây vì lợi ích của con gái người thợ dệt đáng thương. Nhưng đến giờ này mà cô ấy chưa tìm được cơ hội để lại đây. Vậy, chờ khi cô gái ấy đến Như Lai sẽ công bố Giáo Pháp. Ngài ngồi lặng thinh. Và khi Đức Phật lặng thinh thì không ai dám hé môi.

 Nói về con gái người thợ dệt, khi đã quấn chỉ xong đầy suốt thì bỏ vào giỏ và đem đến cha. trên đường đi đến xưởng dệt nàng thấy đám người tụ họp đông đảo thì đứng lại xa xa trong một góc, chăm chăm nhìn Đấng Tối Thượng Toàn Giác sáng chói với tâm từ -- tình thương trong sạch. Và Đức Phật ngẩng đầu lên nhìn nàng[39]. Cô liền hiểu biết rằng Đức Bổn Sư muốn mình đến ngay trước Ngài nên đặt giỏ xuống một bên và đến gần, đảnh lễ Ngài với tất cả lòng tôn kính và giũ im lặng cho đến lúc Đức Phật mở lời hỏi cô.

Đức Bổn Sư:  - Từ đâu con đến đây?

Con Gái Người Thợ Dệt: - Bạch Ngài, con nào biết.

– Rồi con đi đâu?

– Bạch Ngài, con không biết.

– Con không biết sao?

– Bạch Ngài, con biết.

– Con biết phải không?

–Con không biết, Bạch Ngài.

 Như thế ấy, Đức Phật hỏi cô gái bốn câu và cô nàng trả lời một cách dường như vô lễ và không thích nghi. Đám đông người trong buổi họp lấy làm bất mãn, nổi giận vì kém nhãn quan của trí tuệ, không hiểu được ý nghĩa lời nói của cô gái. Họ mất bình tĩnh và bắt đầu quở mắng người con gái vô tội. Đức Phật can thiệp, khuyên mọi người nên yên lặng, và để làm sáng tỏ những câu trả lời của cô gái cho đám đông thiếu cẩn trọng, Ngài hỏi thêm bốn câu.

 “Này con, khi Như Lai hỏi “Từ đâu con đến đây?” tại sao con nói “Con nào biết?”

 Người con gái trả lời, “Bạch Ngài, Ngài hẳn biết rõ rằng con đi từ nhà đến đây. Nhưng Ngài muốn hỏi “Từ đâu (cảnh giới nào) con tái sanh đến đây?” Điều ấy con nào biết.

 Rồi Đức Phật hỏi thêm: “Này con, khi Như Lai hỏi “Con sẽ đi về đâu?” tại sao con nói, “Con không biết?”

 “Bạch Ngài, Ngài biết rõ rằng con đang đi đến xưởng dệt với cái giỏ cầm trên tay. Nhưng ý Đức Thế Tôn muốn hỏi “Khi ra đi từ đây, con sẽ tái sanh về đâu?” Điều ấy con không biết.”

 Rồi Đức Phật nêu lên câu hỏi thứ ba “Khi Như Lai hỏi “Con không biết sao?” tại sao con trả lời là “Con biết!”

 Bạch Ngài, vì biết rõ rằng chắc chắn con phải chết một ngày nào, nên con Bạch Ngài là “con biết”.

 Và Đức Phật nêu lên câu hỏi cuối cùng “Khi Như Lai hỏi “Con biết phải không” tại sao con nói “Con không biết?”

 

“Bạch Ngài, con biết rõ rằng mình sẽ chết một ngày nào, nhưng chừng nào chết, vào lúc ban đêm hay ban ngày, thì con không biết, và vì lẽ ấy con bạch rằng “con không biết.”

 Lúc bấy giờ Đức Phật tán dương và ngợi khen cô gái, Ngài nói “Này con, con đã giải đáp đúng những câu mà Như Lai đã hỏi con.”

 Đến đây Đấng Giác Ngộ ngỏ lời cùng buổi họp: “Quý vị không hiểu ý nghĩa những lời của người con gái mà chỉ lăng mạ cô. Người thiếu con mắt hiểu biết là người mù. Người có mắt hiểu biết quả thật là người có mắt sáng.”

 Liên quan đến vấn đề này Đức Phật tuyên ngôn câu kệ sau đây:

“Thế gian này mù quáng, chỉ ít người thấy rõ.

Số người vào cảnh trời thật kiếm hoi,

Như số chim thoát khỏi lưới

(Số người vượt qua khỏi lưới của Māra, Ma vương. Tử Thần, và thoát đến Niết Bàn Vô Sanh Bất Tử quả thật là hiếm hoi)[40]

 Sau cùng, người con gái chứng đắc thánh quả và đem giỏ đến cha. Nơi đây, trong một tai nạn, cô chết vì bị suốt chỉ của khung cửi đập trúng, và tái sanh vào cảnh trời Tusita (Đâu Xuất). Người cha thân mến của cô gần như điên vì quá sầu khổ, đến hầu Phật, vị Cố Vấn Tối Cao và trong cơn thảm khổ vô cùng sâu đậm van xin Ngài làm vơi bớt nổi đau buồn. Đấng Đại Bi khoan thai mở lời an ủi và khuyên dạy, thoa dịu cơn sầu của ông. Vào lúc ấy đức tin (saddhā, niềm tin nơi Tam Bảo) của ông tăng trưởng mạnh mẽ, ông xin xuất gia, gia nhập vào Giáo Hội và giải quyết những vấn đề của kiếp nhân sinh bằng cách chứng ngộ Tứ Diệu Đế: đau khổ hay bất toại nguyện, nguồi gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ.

 

Upagupta và Cô Gái Nhảy.

 Vào lúc hoàng hôn, vầng thái dương dần dần đắm chìm xuống chân trời ở phương tây. Ánh sáng của mặt trăng rằm từ từ ló dạng ở phương đông. Ngày đã chấm dứt, và màn đêm bắt đầu phủ xuống. Vào lúc bấy giờ vị đạo sĩ ẩn dật tên Upagupta, đệ tử của Đức Phật, rời xa liêu cốc của mình, an nghỉ bên cạnh một con đường đầy cát bụi, dưới vòm trời mịt mờ u tịch, gần vách thành của thị trấn Mathura, Ấn Độ.

 Đèn đóm đã tắt, nhà nhà cửa đóng then gài, và khắp nơi cảnh vật lặng lẽ đắm chìm trong bầu không khí trang nghiêm tịch mịch. Thình lình có tiếng leng keng của những chiếc kiềng đeo ở chân va chạm nhau đánh thức đạo sĩ. Đó là một cô gái nhảy, điểm trang lộng lẩy và lóng lánh trong những món đồ trang sức rực rỡ, vai choàng áo màu xanh lợt.

 Cô xâm xâm đi tới đạo sĩ, dừng bước lại, hạ cây đèn xuống thấp, và quỳ gối, không phải vì thương hại hay tọc mạch. Nàng nhìn vào gương mặt nghiêm nghị và tươi đẹp của vị đạo sĩ trai trẻ.

 “Ôi này đạo sĩ, xin ngài tha lỗi cho tôi,” cô gái viện cớ. “Mặt đất dơ bẩn đầy cát bụi này không phải là nơi thích nghi để cho Ngài ngủ nghỉ. Ngài đang còn trong thời thanh xuân son trẻ của đời sống. Hãy theo tôi về lâu đài để an giấc”.

 Với giọng nói nhịp nhàng thanh nhã, vị đạo sĩ trả lời: “Này cô nương, xin cô hãy về đi, để cho tôi ở yên một mình. Tôi sẽ đến viếng cô khi cô cần đến tôi nhất. Đây không phải là lúc mà tôi cùng đi với cô”.

 Thình lình trời giông gió, sấm sét chớp lên. Cô gái nhảy hoảng kinh biến dạng.

 

Lễ Xem Hoa.

 Ngày tháng trôi qua. Lúc bấy giờ vào độ xuân sang, cây cối xanh tươi, trăm hoa đua nở, tiếng chim lảnh lót phảng phất bay theo chiều gió. Vào buổi chiều nam thanh nữ tú kéo nhau vào rừng để thưởng ngoạn lễ xem hoa. Đêm ấy trăng tròn. Trong khi Upagupta, vị đạo sĩ trẻ tuổi, thẩn thơ dài theo một con đường hoang vắng đưa vào cổng thành, thì văng vẳng nghe tiếng rên của một thiếu nữ nằm bên cạnh bức tường. Nàng bị nhiễm bệnh hắc dịch. Mục đầy máu mủ mọc lên cùng khắp châu thân. Ung nhọt lở loét đau nhức vô cùng và toàn thân nàng là một khối hôi thúi nặc nồng. Nàng bị lánh xa, dân chúng trong thành đem bỏ ở ngoại ô, khinh khi nguyền rủa là kẻ khốn khổ đê hèn. Nàng nằm đó, khóc than thảm thiết -- bơ vơ và tuyệt vô hy vọng.

 Vị đạo sĩ có lòng hào hiệp ngồi lại bên nàng, nhẹ nhàng đỡ đầu nàng lên để nằm trên chân, thắm nước trên môi, và thoa dầu, làm dịu bớt cơn đau nhức của nàng.

 “Này vị đạo sĩ giàu lòng bi mẫn, có thể nào Ngài cho tôi biết Ngài là ai?” thiếu nữ nhỏ nhẹ hỏi với giọng nói đau đớn khổ sở.

 “Tôi đã hứa là sẽ viếng cô vào lúc mà cô cần đến tôi nhất, và đây, tôi đến” Upagupta đáp lời trong tĩnh lặng an lành.

Dựa theo “Fruit Gathering

của Rabindranath Tagore.

 

Kunḍala Kesā(Cô Gái Tóc Quăn).[41]

Người Phụ Nữ Có Chồng Là Tên Trộm

 Kunḍalakesā (tóc quăn), cũng có tên Bhaddā, là con gái duy nhất của một thương gia giàu có tại Rājagaha (vương xá). Nàng xinh đẹp vô cùng, được cha mẹ hết sức tâng tiu và cẩn mật phòng ngừa không để vướng mắc trong những cuộc tình duyên bất hạnh. Vào lúc bấy giờ, trong thành phố có một chàng thanh niên bị bắt về tội trộm cắp. Lính tuân lệnh vua, trói hai tay phạm nhân lại phía sau lưng và dẫn ra pháp trường, trên đường đi mỗi khi đến một ngã tư thì dùng roi quất. Mặc dầu chàng ta chỉ là một tên trộm tham tàn nhưng mặt mày đẹp đẽ và trông dễ mến. Vào lúc ấy Bhaddā đang ở trên tầng lầu cao nhất của ngôi nhà sang trọng như đền đài. Nghe tiếng la ó vang rền của đám đông ở phía dưới, nàng tò mò nhìn xuống xuyên qua bức rèm thưa, thấy tên trộm đẹp trai. Trước duyên dáng quyến rũ của tên trộm trai trẻ xinh đẹp nàng đem lòng thương và đắm đuối say mê. Tình yêu và lòng ham muốn đạt cho được chàng trai trẻ quá mạnh đến nỗi nàng đi ngay vào phòng nằm phịch trên giường và từ chối không ăn uống gì cả. Cha mẹ cô thấy vậy thì lấy làm lo lắng, hỏi thăm vì sao có thái độ lạ lùng bất thường như vậy, cô trả lời: “Nếu con có thể có được chàng trai mà lính vua dẫn đi trên đường ngày hôm nay, con sẽ tiếp tục sống; nếu không, ắt con chết”.

 Ông cha thất vọng nói: “Này con, không nên làm như vậy. Con sẽ có bạn trăm năm xứng đáng hơn là người như vậy, chồng của con phải là một người trong gia đình sang cả, giàu có, môn đương hộ đối với chúng ta.”

  “Con sẽ không có ai khác.” người con gái khóc than rên rỉ. “Đời chỉ đáng sống nếu con có được người ấy.”

 Thấy không thể làm dịu nổi niềm đau khổ của con, vì tình thương quá sâu đậm đối với người con gái duy nhất ông cha đành tìm cách lo lót với lính và những nhân viên có nhiêm vụ canh gát tên trộm, vận động để họ thả chàng ra và tráo vào đó một người vô tội, rồi dẫn đến pháp trường hành quyết. Nhưng vua thì vẫn đinh ninh rằng chính thật sự tên trộm bị xử tử.

 Hai ông bà làm đám cưới gả con gái duy nhất của mình cho tên trộm ấy. Bhaddā rất thương yêu chồng. Nàng chăm lo trang sức vòng vàng đẹp đẽ và tự tay mình chu toàn mọi nhu cầu của chồng. Nhưng tên trộm tham lam lại để ý thèm muốn những món đồ trang sức quý giá và manh tâm định giết vợ để cướp của.

 Ngày kia Bhaddā thấy chồng buồn bực biếng ăn thì hỏi: “Này anh yêu quý, có chi làm buồn phiền anh không, cha mẹ có giận anh không?” Người chồng đáp: “Không đâu, không có việc ấy đâu.” “Vậy chớ có vấn đề gì?” Bhaddā hỏi thêm tìm hiểu.

 Tên trộm giải thích, “Câu chuyện ấy là như thế này, vào hôm mà tôi bị dẫn ra “Vực sâu của những tên trộm” để hành quyết thì tôi có van vái, xin chư thiên ở cái hố sâu ấy cứu mạng, và nguyện nếu được như nguyện sẽ đem tế lễ vật đến cúng dường các Ngài. Nhờ oai lực của chư vị ấy, tôi đã khỏi chết mà còn được cưới nàng làm vợ.”

 Rồi anh ta than “Tôi đang lo nghĩ, giờ đây phải làm thế nào trả lễ để giữ tròn lời nguyện?”

 Cô Bhaddā trấn an chồng, “Này anh yêu quý, không nên lo ngại, hãy bình tĩnh, tôi sẽ lo chuyện ấy.” Rồi nàng tận tâm sắm sửa đầy đủ lễ vật rồi nói với chồng: “Đâu đó đã tươm tất, chúng ta hãy cùng đi.” Ông chồng muốn nàng trang sức sang trọng với những món nữ trang quý giá nhất. Nàng chiều ý, làm theo như chồng muốn, và cả hai cùng với đoàn tùy tùng tiến về hướng vực sâu. Khi đến chân núi, với dụng ý làm cho vợ phải hoàn toàn chịu quyền điều khiển của mình, tên trộm ra lịnh cho tất cả gia đình hãy trở về nhà, và anh ta nắm tay Bhaddā hai người trèo lên tận đỉnh núi. Một bên của hòn núi là vực sâu thâm thẩm, và đây là nơi mà người ta hành quyết các tên trộm bằng cách quăng xuống vực. Vì lẽ ấy có tên là “Vực sâu của các tên trộm”.

 Khi đến đỉnh núi, Bhaddā nhắc chồng dâng lễ vật cúng chư thiên. Anh chồng lặng im, đứng không nhúc nhích. Cô Vợ khẩn cầu: “Này ông chồng yêu quý của tôi, tại sao anh không nói gì hết vậy?” Anh chồng đáp: “Tôi đến đây không phải để tế lễ dâng cúng chi hết. Tôi chỉ phỉnh gạt nàng, chỉ muốn giết nàng để giựt cướp vòng vàng và các đồ trang sức của nàng.”

 Kinh hoàng lo sợ và khủng khiếp hãi hùng trước cái chết lủng lẳng trước mắt, nàng nhỏ nhẹ nói: “Này anh yêu quý của em, vòng vàng, các đồ trang sức của em và luôn cả em nữa, đều là của anh. Em chỉ là phận tôi đòi, là người nô lệ chỉ nương tựa nơi anh. Tại sao anh lại nói vậy?”. Tên trộm chỉ một mực nói: “Ta sẽ giết ngươi.” Rồi nàng nói: “Xin chàng lột hết vòng vàng trang sức rồi cất giữ, và tha mạng cho tôi. Giết tôi mà có lợi ích gì?”

 “Nếu ta tha cho ngươi khỏi chết, ngươi sẽ về thuật lại tự sự cho cha mẹ, và ông bà sẽ giết ta. Thôi, chớ nên than van, không còn cách nào khác đâu, ta quyết định sẽ giết ngươi. Hãy cởi áo choàng ra và lột hết đồ trang sức, bộc vào đó!” tên trộm ra lịnh một cách tàn nhẫn.

 Cô Bhaddā không tỏ ra kinh sợ. Không hoảng hốt và bối rối, nàng trầm tĩnh nghĩ thầm: “Được rồi, ta sẽ có phương kế để đối phó với tên gian manh này,” và nói với tên trộm: “Này chàng, từ ngày do lời khẩn cầu của tôi, cha mẹ tôi cứu chàng ra khỏi hoàn cảnh nguy ngập từ trong tay của lính nhà vua, lúc nào tôi cũng hết lòng trông nom chăm sóc chàng một cách trung tín và nhiệt thành. Đây là lần cuối cùng mà tôi có thể gặp chàng.” Và trong khi nhỏ nhẹ van lơn than vãn như vậy nàng choàng tay ôm phía trước ngực tên trộm, làm như muốn vói tay kia ôm phía sau, rồi thình lình một tay nắm vai, tay kia ôm eo ếch, thừa lúc tên trộm sơ ý cô đẩy luôn xuống hố.

 Chư thiên ngự trên đồi núi ghi nhận hành vi và phương kế xảo diệu của Cô Gái Tóc Quăn đồng thanh tán dương và hoan hỷ tuyên ngôn:

 “Không phải lúc nào người nam cũng khôn ngoan sáng suốt, hàng phụ nữ cũng vậy, cũng sáng suốt khi họ cần nhanh trí”.

 Đức Phật dạy rằng ái dục, bất cứ loại nào và bất luận dưới hình thức nào -- dầu là tham ái tài sản hay vòng vàng, hoặc tham ái nhục dục ngũ trần và tình dục -- luôn luôn dẫn đến tình trạng suy đồi cùng tột của con người. Lòng tham vàng vòng quá độ đã đưa tên trộm đến cái chết vô cùng thê thảm. Và tính khát khao thèm muốn thỏa mãn nhục dục đã dẫn Bhaddā đến một số phận cũng gần như vậy. Chỉ có phương cách duy nhất là quẳng vứt đi mọi gông cùm xiềng xích của tham ái mà người minh mẫn sáng suốt và bậc trí tuệ có thể vạch con đường của mình hướng về Niết Bàn; và càng sớm ý thức được điều này càng sớm sủa có thể thành tựu mục tiêu, và những người sớm thức tỉnh như Bhaddā quả thật vô cùng hữu phúc.

 Khi ấy Bhaddā nghiền ngẫm sâu xa về câu chuyện vừa xảy diễn và suy tư: “Nếu ta trở về nhà, sẽ bị cha mẹ hạch hỏi. Và nói rằng vì chàng kia muốn giết ta để cướp vòng vàng trang sức nên ta đã làm cho hắn mất mạng, thì sẽ không ai tin lời. Dầu sao ta đã chán ở nhà và không bao giờ còn muốn trở lại đó nữa.” Nghĩ vậy Bhaddā vứt đi tất cả vòng vàng trang sức và xin gia nhập vào Giáo Hội Nigaṇṭhas (Jains), các bà mặc áo dài trắng. Vì lời phát nguyện của cô là thực hành những pháp môn cực kỳ kham khổ, họ nhổ tóc cô với cái lược làm bằng cây kè. Nhưng rồi tóc mọc trở lại quăn rí thành những lọn xoắn nhỏ. Do đó người ta gọi cô là “Kunḍalakesā" có nghĩa là tóc quăn. Cô học thông suốt tất cả những gì thầy dạy, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, tìm đến những vị thầy khác có kiến thức thâm sâu hơn, tu học vững vàng giáo huấn của những vị này và trở nên cao kiến và tài năng. Dầu sao, khi cảm thấy rằng trong những cuộc tranh luận không ai có thể sánh bằng mình, cô đi đó đây tay cầm cành trâm. Khi có người đến mở cuộc tranh luận và nàng nêu lên những câu hỏi thì không ai dám tranh tài với nàng. Họ ra đi và than rằng: “Vị tu nữ với cành trâm lại đến”.

 Cô có thói quen cặm cành trâm của mình trên gò nóng trước một cổng làng hay cổng vào một thị trấn, rồi thách đố: “Bất cứ ai có khả năng tranh tài biện luận với tôi, xin hãy nhổ cành trâm này lên và giậm chân trên đó.” Không ai dám đến gần cành trâm. Không ai có thể thắng nàng trong một cuộc tranh luận. Sau một tuần cành trâm vẫn còn đó, cô nhổ lên và đi nơi khác. Khi cành này héo thì bẻ một cành tươi khác.

 Ngày nọ cô Bhaddā đến thành Sāvatthi (Xá Vệ), đặt cành trâm trước cổng thành, và để đó đi trì bình. Vào lúc bấy giờ Đức Bổn Sư đang ngự tại Tịnh Xá Jeta (Kỳ Viên). Một trong những vị đại đệ tử của Ngài, Đức Trưởng Lão Sāriputta, vị Thủ Lãnh Giáo Pháp -- Dhamma Senapati, như người ta thường tôn Ngài -- nhìn thấy cành trâm, hỏi trẻ con nơi ấy tại sao có ai cặm nhánh cây trâm trước cổng thành như vậy. Mấy em nhỏ giải thích lý do. Nghe vậy Ngài Sāriputta bảo các em: “Nếu vậy các con hãy nhổ cành trâm lên và giậm chân lên đó” và chúng nó làm y, vừa la ó và đá cát bụi văng tung theo cách trẻ con. Khi cô nữ tu sĩ tóc quăn trở về hỏi trẻ nhỏ ai giậm chân trên cành trâm. Biết được rằng vị Trưởng Lão bảo trẻ con làm vậy, nàng bạch với Đức Sāriputta: “Bạch Thầy (Bhante), Thầy có bảo trẻ con giậm chân lên cành trâm của tôi không ?” Đức Sāriputta đáp: “Đúng vậy, chính bần tăng bảo.” “Nếu vậy, chúng ta hãy tranh luận,” cô tu nữ đề nghị. Vị Trưởng Lão đồng ý. Cô gái nêu lên tất cả những câu hỏi của cô và được Ngài giải đáp thỏa đáng. Đến lúc không còn câu hỏi nào để hỏi nữa, cô lặng thinh, Chừng đó vị Trưởng Lão nói: “Cô đã nêu lên rất nhiều câu hỏi và bần tăng đã giải đáp tất cả, giờ đây bần tăng xin hỏi lại chỉ một câu thôi.” Cô gái thưa: “Bạch Thầy, xin Thầy hỏi.” Ngài Sāriputta hỏi: “Này cô nữ tu sĩ, Một là gì?”[42] Cô tu nữ hoàn toàn lúng túng và bối rối nói: “Bạch Thầy, con không biết.” Rồi Ngài dạy nàng Giáo Pháp, và cô mê mệt lắng nghe. Khi Ngài dứt lời, cô tu nữ tóc quăn quỳ xuống dưới chân, khấu đầu đảnh lễ và xin quy y với Ngài. Đại Đức Sāriputta khuyên nên về chùa quy y với Đức Bổn Sư, và Ngài giao nàng lại cho chư ni trong Ni Bộ. Sau đó nàng gia nhập vào Giáo Hội chư Tỳ Khưu Ni. Nhờ tinh tấn hành thiền -- Thiền vắng lặng và minh sát (samatha-vipassanā) bà chứng đắc đạo quả A La Hán, tầng thánh cuối cùng, với bốn paṭisambhidā[43], tri kiến phân tách.

 Chư tăng hôm nay tụ hội tại giảng đường, thảo luận về diễn biến này: “Kunḍalakesā đã chiến đấu trong một trận thư hùng dữ dội với tên trộm. Vì vậy mà được xuất gia, và chỉ nghe có một ít Giáo Pháp, đã đắc quả A La Hán.” Lúc ấy Đức Phật bước vào giảng đường, nghe chư tăng bàn thảo như vậy thì nói: “Này chư tỳ khưu, chớ nên đo lường Giáo Pháp mà Như Lai truyền dạy, nói rằng “ít” hay “nhiều”. Một câu đúng theo Giáo Pháp còn quý giá hơn nhiều cả khối chữ vô nghĩa lý. Khắc phục những tên trộm khác không phải là chiến thắng, nhưng người chiến thắng những tên trộm bên trong mình, tức những ô nhiễm của mình, rõ ràng là chiến thắng vẻ vang.” Lại nữa Đức Phật dạy:

“Ta có thể nói cả trăm câu -- mà chỉ là tổng hợp những chữ vô nghĩa lý. Nhưng chỉ giản dị một câu mà người nghe trở

nên an lạc và thanh bình thì còn hơn tất cả.”

“Dầu khắc phục và chiến thắng ở chiến trường

Hàng ngàn người, cả ngàn lần

Tuy nhiên, tự khắc phục và tự chiến thắng mình

Là chiến thắng vẻ vang nhất”.[44]

 

Một Trường Hợp Thay Hình Đổi Dạng[45]

Mẹ Của Hai và Cha Của Hai.

 “Điều tốt đẹp mà không người mẹ, người cha, hay bất luận thân bằng quyến thuộc nào có thể làm, một cái tâm hướng thiện có thể, và nâng ta lên đến mức cao quý”[46]

 Lời dạy này được Đức Phật ban truyền trong khi Ngài ngự tại Tịnh Xá Jetavana, trong thành Sāvatthi, chuyện liên quan đến một ông quan giữ kho. Câu chuyện bắt đầu tại thị trấn Soreyya và kết thúc tại Sāvatthi.

 Trong khi cùng với một người bạn trên đường đi tắm trên một chiếc xe, Soreyya, quan giữ kho, nhìn thấy màu da vàng sáng ngời của Đại Đức Mahā Kaccāna, một vị Trưởng Lão A La Hán, khi Ngài sửa soạn đắp y vào thành trì bình. Soreyya lấy làm say mê cái màu vàng sáng chói của nhục thân nhà sư, bỗng dưng nghĩ thầm: “Ồ, phải chi vị sư này có thể là vợ ta, hay màu da của vợ ta có thể vàng chói như vị sư này.” Vừa nghĩ như vậy thì thân người của Soreyya tức khắc biến thành đàn bà[47]. Ông hoàn toàn kinh ngạc, vội vã xuống xe và bỏ chạy, trong khi ngừơi bạn ngẩn ngơ, nói một cách lúng túng, “Điều gì lạ kỳ vậy”

 Khi ông bạn về đến nhà, cha mẹ của quan giữ kho Soreyya hỏi thăm về người con thì ông không biết sao, vì tưởng tượng rằng Soreyya đã chạy về nhà rồi sau khi tắm. Cha mẹ Soreyya cho người đi tìm khắp nơi mà không gặp. Hai ông bà rất buồn, than khóc thảm thương, vô chùa làm phước trai tăng và dâng cúng lễ vật đến Tam Bảo và cũng xin các buổi lễ cầu an cho con.

 Về phần Soreyya, giờ đây là một phụ nữ, theo một đoàn thương buôn đi Takhasilā (người Hy Lạp gọi là Taxila). Những người trong đoàn thấy thiếu phụ xinh đẹp thì nghĩ rằng: “Quan giữ kho của thành Takkasilā chúng ta chưa lập gia đình và đang cần tìm vợ. Ta sẽ mách với ông về sắc đẹp tuyệt trần của người đàn bà này và như vậy ông sẽ ban thưởng chúng ta.” Khi về đến nơi họ giới thiệu người đẹp cho quan giữ kho, một món quà quý giá. Ông ta vô cùng thỏa thích trước duyên dáng và sắc đẹp mỹ miều của người đàn bà, đem lòng thương và cưới làm vợ. Bà có hai con với quan giữ kho của thành Takkasilā.Trước kia, lúc ở thành Soreyya ông Soreyya là cha của hai con, giờ đây là mẹ của hai con nữa.

 Vào lúc bấy giờ người bạn trước kia cùng đi tắm với Soreyya trên một xe, cũng rời thành Soreyya đi tìm bạn và vào thành Takkasilā. Ngày kia thiếu phụ Soreyya từ trên lầu cao nhìn xuống đường thấy người bạn cũ của bà lúc ở thành phố Soreyya. Lập tức bà cho gia đinh mời vào và giòn giã chuyện trò.

 Ông khách không biết vì lẽ gì mà bà chủ nhà tiếp đón mình nồng hậu khác thường như vậy, hỏi tại sao bà có thái độ quá tự do đối với một người lạ như vậy. Bà chủ nhà trả lời, “Tôi biết ông nhiều lắm; có phải ông cư ngụ trong thành Soreyya hay không?” “Đúng vậy, tôi từ Soreyya đến đây.” Rồi bà hỏi thăm tin tức sức khỏe của cha mẹ, của bà vợ và hai đứa con. Ông khách hỏi, “Bà có biết mấy người đó sao?” “Dạ có, thưa ông, tôi biết rất nhiều. Ông bà ấy cũng có một người con trai. Người ấy hiện giờ ở đâu?” “Kính thưa bà, tôi xin bà chớ nên nói về ông con ấy nữa,” và ông ta tường thuật đầy đủ diễn biến lạ lùng đã xảy ra. Trước sự kinh ngạc của khách, bà chủ nhà nói, “Chính tôi là người con ấy.” “Bà nói gì lạ vậy? Người ấy là bạn thân với tôi, trẻ đẹp như thiên thần, và là một người nam.” “Không có gì quan trọng đâu, chính tôi và người ấy là một.” Rồi bà thuật lại lúc ấy bà -- là người đàn ông -- nhìn thấy vị Đại Trưởng Lão Kaccāna và có những ý nghĩ như thế nào. Bà thổ lộ hết những bí ẩn mà từ lâu được giữ gìn sâu kín trong tâm. Khi nghe hết câu chuyện, ông bạn vô cùng xúc động và lưu ý rằng hành vi của bà quả thật đáng bị khiển trách, ông khuyên nên đến sám hối với Đức Kaccāna. Bà đồng ý. Ông bạn tìm đến gặp Ngài, lúc bấy giờ cũng cư ngụ gần thành Takkasilā và xin dâng cúng trai tăng (dāna) ngày hôm sau. Vị Trưởng Lão chấp thuận, và trưa hôm sau ông bạn cùng đến với bà (Soreyya), hướng dẫn bà đãnh lễ sư, và xin sám hối. Đức Kaccāna muốn biết lý do. Ông bạn giải thích vì sao bà, từ một người nam đã chuyển biến thành người nữ.

 Rồi Sư chú nguyện: “Tốt lắm, hãy đứng dậy, Sư đã tha lỗi cho con.” Lời chú nguyện vừa dứt, bà liền chuyển biến, từ người nữ trở thành nam. Như thế ấy Soreyya đã chịu thay hình đổi dạng hai lần trong một kiếp. Giờ đây ông không còn muốn sống đời tại gia cư sĩ nữa. Quan giữ kho của thành phố Takkasilā trước đó là chồng nói với ông: “Này bạn, chớ nên buồn phiền. Bạn là mẹ của hai đứa con và tôi là cha, chúng nó thật sự là con của chúng ta. Hãy tiếp tục sống ở đây.” Soreyya trả lời: “Này bạn, trong chính kiếp sống này tôi đã chịu biến dạng hai lần. Trước tiên tôi là đàn ông, kế đó là đàn bà, và giờ đây tôi thành đàn ông trở lại. Trước, tôi là cha của hai con, và sau đó là mẹ của hai đứa. Xin bạn đừng nghĩ rằng sau hai lần chuyển biến, từ nam ra nữ rồi từ nữ trở thành nam, tôi còn có thể sống đời tại gia cư sĩ nữa. Tôi sẽ gia nhập vào Giáo Hội dưới sự hướng dẩn của vị thầy cao quý của tôi, Ngài Mahā Kaccaāna. Bạn có nhiệm vụ chăm sóc hai con. Xin chớ nên hờ hững bỏ lơ.” Soreyya nói như vậy rồi ôm hai con vào lòng hôn và trao lại cho cha chúng. Ông từ bỏ đời sống trần tục và trở thành Soreyya Thera, Đại Đức Soreyya.

 Khi hay biết câu chuyện, dân chúng tò mò đến gặp Đại Đức và hỏi: “Bạch Ngài, trong hai cặp con, Ngài thương cặp nào hơn?” “Cái cặp mà tôi là mẹ,” nhà sư trả lời.

 Về sau sư tìm nơi thanh vắng, chuyên cần hành thiền, và đắc quả A La Hán, tuyệt đỉnh trong sạch, cùng với những oai lực thần thông.

 Sau đó dân chúng đến viếng Ngài, nêu lên cũng câu hỏi trên và vị Trưởng Lão trả lời: “Không còn luyến ái với gia đình hay bất luận gì thì Sư còn gì bận bịu”.

 Chư tăng nghe vậy không tin, đem vấn đề ra bạch hỏi Đức Thế Tôn. Nhân đó Đức Bổn Sư dạy:

“Này chư tỳ khưu, con của Như Lai không hề nói dối. Từ ngày trở thành thánh tăng vị sư ấy không còn luyến ái bất luận gì. Điều mà không người mẹ hay người cha nào có thể cung cấp, một cái tâm hướng thiện ban rải đến chúng sanh.”

 

Dhammadinnā -Vị Pháp Sư 

 Khi Đức Ānanda tìm cách cung thỉnh Đức Phật thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni, một trong những câu mà Ngài hỏi Đức Thế Tôn là: “Bạch hóa Đức Thế Tôn, người phụ nữ có chăng khả năng thành đạt những tầm mức cao thượng trong đời sống tâm linh -- đạo quả nhập lưu, nhất lai, bất lai hay A La Hán -- sau khi từ bỏ cuộc đời tại gia, tiến đến nếp sống không nhà cửa, tự khép mình vào khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Thế Tôn đã ban truyền?”. Đức Phật trả lời: “Có, này Ānanda, họ có đủ khả năng làm được vậy.”

 Quả vậy, nhiều vị tỳ khưu ni đã chứng đắc đạo quả A La Hán, và một vài vị đã trở thành những Pháp sư lỗi lạc. Dhammadinnā là một trong các vị tỳ khưu ni đứng hàng đầu, thông suốt Giáo Pháp một cách uyên thâm.

 Dhammadinnā có chồng là người giàu có tên Visākha. Ông này chẳng những là đệ tử của Đức Phật, mà còn đã chứng đắc đạo quả A La Hán (anāgāmi), tầng thứ ba trong tứ thánh. Chính mình đã liễu ngộ chân lý của Giáo Pháp ông muốn chia xẻ kiến thức cao siêu ấy với bà vợ thân mến. Do vậy ông khuyến khích bà xuất gia tỳ khưu ni.

 Sau một thời gian rất ngắn hành thiền nơi vắng vẻ Dhammadinnā trở về Rājagaha. Nơi đây người chồng xưa, ông Visākha, nêu lên những câu hỏi để trắc nghiệm sự hiểu biết về Giáo Pháp của bà:

 “Kính thưa Sư Bà nói ‘tự ngã, tự ngã’ (sakkāyo), cái mà Đức Thế Tôn gọi tự ngã là gì?”

 “Này đạo hữu Visākha, năm uẩn có ảnh hưởng đến sự bám níu (ngũ uẩn thủ) được Đức Thế Tôn gọi là tự ngã; đó là sắc uẩn thủ, thọ uẩn thủ, tưởng uẩn thủ, hành uẩn thủ, và thức uẩn thủ, được Đức Thế Tôn gọi là tự ngã.”

 “Kính thưa Sư Bà, nói ‘chấm dứt tự ngã, chấm dứt tự ngã’. Đức Thế Tôn gọi chấm dứt tự ngã là gì?”

 “Này đạo hữu Visākha, đó là sự tan biến không để lại dấu vết, sự khước từ, sự buông bỏ, để trôi qua không chấp vào, và loại bỏ chính cái lòng khát khao ham muốn (ái) và bám níu (thủ) ấy. Đó là điều mà Đức Thế Tôn gọi là chấm dứt tự ngã”.

 “Kính thưa Sư Bà, nói ‘con đường dẫn đến chấm dứt tự ngã, con đường dẫn đến chấm dứt tự ngã.’ Đức Thế Tôn gọi con đường dẫn đến chấm dứt tự ngã là gì?”.

 “Này đạo hữu Visākha, đó chính là Bát Chánh Đạo; tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.”

 Visākha tiếp tục nêu lên những câu hỏi liên quan đến sự bám níu (thủ), quan kiến về tự ngã phát sanh như thế nào, Bát Chánh Đạo có phải là pháp hữu vi hay không, tức có phải tùy duyên để hiện hữu hay không, về ba uẩn, về tâm định, về hành, về thành quả của sự chấm dứt tưởng và thọ, về các loại thọ, về những khuynh hướng ngủ ngầm. Rồi Visākha nêu lên một câu hỏi không thể giải đáp.

 “Kính thưa Sư Bà, đối chiếu với Niết Bàn là gì?

 “Này đạo hữu Visākha, ông hỏi quá xa; đạo hữu không thể tìm ra một kết luận cho những câu hỏi tương tợ. Bởi vì, này đạo hữu Visākha, đời sống thánh thiện vượt đến Niết Bàn, lên đến cực điểm là Niết Bàn, chấm dứt trong Niết Bàn. Nếu muốn, đạo hữu có thể đến hỏi Đức Bổn Sư. Đức Thế Tôn sẽ giải thích điều này, rồi đạo hữu hãy nhớ lấy.”

 Khi ấy ông thiện tín Visākha, rất hoan hỷ và thỏa thích với những lời của tỳ khưu ni Dhammdinnā, đứng dậy sau khi đảnh lễ bà, luôn luôn hướng vai mặt của mình về phía bà, đến hầu Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Ngài ông ngồi xuống một bên và thuật lại đầu đuôi cuộc đàm thoại của ông với tỳ khưu ni Dhammadinnā.Khi ông dứt lời Đức Phật dạy: “Tỳ khưu ni Dhammadinnā là người trí tuệ, này Visākha, tỳ khưu ni có kiến thức uyên thâm. Nếu con hỏi Như Lai ý nghĩa của điều này, Như Lai sẽ giải đáp y hệt như tỳ khưu ni Dhammadinnā đã giải đáp với con. Đó là ý nghĩa, và con phải ghi nhớ như vậy.

 

Cūlavedalla Sutta, M.44 Đại Đức Ñanamoli

chuyển dịch từ Pāli sang Anh ngữ.

 

Visākhā - Vị Đại Thí Chủ Của Đức Phật.

 Ngôi tự viện nằm phía Đông thành Sāvatthi là do bà Visākhā, vị nữ thí chủ nhiệt thành của Đức Phật, dâng cúng. Bà được Đức Phật ngợi khen là đứng hàng đầu các bà tín nữ. Nhưng hơn nữa, câu chuyện sau đây của bà Visākhā và những lời dạy bảo của ông cha bà cho thấy rằng vào thời bấy giờ người ta đối xử rất nghiêm khắc đối với hàng phụ nữ. Mặc dầu thái độ gắt gao đối với nữ giới và mặc dầu cuộc sống của người phụ nữ có rất nhiều giới hạn, nhờ đức tin dũng mãnh nơi Giáo Huấn của Đức Phật, bà Visākhā đã có khả năng vượt lên trên những giới hạn ấy.

 Bà Visākhā sanh trưởng tại thành Bhaddiya, trong vương quốc Anga, Cha bà là Dhananjaya, quan giữ kho của nhà vua và mẹ là Sumanādevi. Lúc vừa lên bảy bà nhiệt thành lắng nghe những lời giảng giải rõ ràng và trong sáng của Đức Bổn Sư và chứng đắc tầng thánh thứ nhất (nhập lưu). Theo tập tục thời bấy giờ, vào năm lên mười sáu tuổi bà được gã cho Puṇṇavaḍḍhana, con của quan giữ kho tên Migāra.

 Sau đây là câu chuyện được ghi nhận. Khi cha mẹ Puṇṇa khuyên bảo chàng nên chọn một người xứng đáng để làm bạn trăm năm thì chàng nói: “Chỉ khi nào có thể tìm được một cô gái có đủ ‘Năm Vẻ Đẹp’ con sẽ làm y như lời cha mẹ dạy.” Ông bà hỏi, “Nhưng ‘Năm Vẻ Đẹp’ ấy là gì, Hỡi con yêu dấu?” “Vẻ đạp của tóc, vẻ đẹp của thịt, vẻ đẹp của xương, vẻ đẹp của da, và vẻ đẹp của thời niên thiếu.” Puṇṇa nói.

 “Người phụ nữ quý giá phải có tóc như đuôi công, khi tháo xả buông xuống thì đụng chí mắt cá rồi cuộn trở lên. Đó là điểm đầu tiên. Vẻ đẹp của tóc.

 “Cặp môi của nàng màu đỏ hồng, tươi như bí rợ, đều đặn xinh xắn và mềm dịu. Đó là điểm thứ nhì, vẻ đẹp của thịt.

 “Điểm thứ ba, vẻ đẹp của xương, răng của nàng trắng trẻo và khít khao đều đặn, sáng chói như một xâu chuỗi ngọc sắp đứng ngay hàng thẳng lối, hoặc như xà cừ bằng phẳng bóng láng.

 “Da của nàng, không dùng đến gỗ trầm, son, hoặc trang sức nào khác mà bóng láng mịn màng như tràng hoa súng và trắng trong như tràng hoa Kanikāra. Đó là vẻ đẹp của da, cái đẹp thứ tư.

 “Thứ năm và cuối cùng, vẻ đẹp của thời son trẻ, là dầu có sanh đẻ mười lần, nét xuân xanh của nàng cũng giống như người vừa có một con.”[48]

 Tức thì bà mẹ của Puṇṇavaḍḍhana cho thỉnh một trăm lẻ tám vị bà la môn, dâng cúng nồng hậu và nhờ họ tuôn ra đi khắp nơi tìm một thiếu nữ có “Năm Vẻ Đẹp”. Trước khi chư vị bà la môn lên đường bà tặng tiền bạc rất hậu và trao cho mỗi vị một tràng hoa bằng vàng đắt giá, và nói: “Nếu ông tìm ra một thiếu nữ với “Năm Vẻ Đẹp” ấy, xin hãy đeo cho nàng cái tràng hoa bằng vàng này”.

 

Nghệ Thuật Chọn Một Cô Gái.

 Theo lời dặn, các vị bà la môn tủa đi khắp nơi trong các thành phố lớn, nhưng tìm không ra một thiếu nữ như được mô tả. Các vị vào đến Sāketa nhằm một ngày hội, và dân chúng đang vui vẻ dự lễ. Được biết rằng vào ngày ấy tất cả dân chúng -- dầu là những người mà bình thường không bao giờ ra khỏi nhà -- đều ra ngoài với đàn tỳ nữ, đi dài trên bãi cát dọc theo sông. Và được biết rằng vào ngày ấy những thanh niên thuộc giai cấp chiến sĩ, giàu sang và có địa vị, đứng dài theo bên đường. Khi thấy một phụ nữ trẻ đẹp và cùng giai cấp đi ngang qua thì đến tặng tràng hoa.

 Visākhā lúc ấy khoảng mười sáu tuổi, trang sức đẹp đẽ, khoan thai từng bước trên bãi cát theo ven sông cùng với rất đông tỳ nữ. Nhưng rồi một cơn mưa thình lình kéo đến, và các thị nữ vội vã chạy nhanh vào núp mưa trong một gian nhà trống bên đường. Nhưng Visākhā thì không, mặc dầu mưa to, vẫn giữ dáng đi trang nghiêm bình thường.

 Các vị bà la môn thấy vậy hỏi cô: “Này công nương, những người tùy tùng của công nương đã bươn bả chạy vào đụt mưa để giữ cho y phục và đồ trang sức khỏi bị ướt át; nhưng công nương thì chậm rãi như thường, ắt phải mắc mưa.” Để trả lời Visākhā nói: “Này quý ông, không nên nói vậy. Tôi mạnh khỏe hơn những cô ấy nữa, nhưng có những lý do chánh đáng để không hấp tấp.

 “Có bốn hạng người sẽ mất phẩm cách khi chạy rong ngoài đường; và ngoài ra còn một lý do khác.

 “Một vì vua áo mảo chỉnh tề, cân đai sáng chói mà bỏ chạy quanh quẩn trong triều đình, ắt sẽ mất phẩm cách. Làm như vậy vua chắc chắn sẽ bị phê bình bất lợi, và người ta sẽ chỉ trích. Tại sao vị vua ấy cũng chạy nhảy giống như thường dân?”.

 “Một nhà sư cũng mất phẩm cách trong khi chạy. Hấp tấp vội vã, xốc xết y bát, mất vẻ khả kính của một tu sĩ, vị ấy sẽ bị dân chúng chỉ trích, ‘Tại sao vị sư ấy chạy rong như người cư sĩ thường?’. Nhưng nếu trầm tĩnh và trang nghiêm bước từng bước, nhà sư ắt giữ được phẩm cách của mình.

 “Một phụ nữ cũng mất phẩm cách trong khi chạy. Bỏ chạy ngoài đường như vậy người ta sẽ khiển trách, ‘Tại sao thiếu phụ ấy kém thận trọng, chạy ngoài đường như đàn ong để mất hết nề nếp đoan trang phong nhã như vậy?

 “Đó là bốn hạng người mất phẩm cách trong khi chạy”

 “Nhưng còn một lý do khác là gì?” các vị bà la môn hỏi.

 “Này quý ông, khi sanh con gái, cha mẹ hết lòng dưỡng nuôi chăm sóc, gìn giữ cho con nguyên vẹn tay chân và các bộ phận lớn nhỏ trong thân; bởi vì phụ nữ chúng tôi là những món hàng để bán, chỉ là hàng hóa để đấu giá, và cha mẹ nuôi dưỡng với chủ ý sẽ trao đổi với một gia đình khác trong cuộc hôn nhân. Vì lẽ ấy trong khi chạy, nếu chúng tôi vấp phải lai quần hay vật gì khác dưới đất và té gãy tay hoặc gãy chân, chúng tôi sẽ là gánh nặng cho gia đình. Còn quần áo mà chúng tôi đang mặc, dầu có ướt rồi nó sẽ khô. Vì có những ý nghĩ tương tợ trong tâm, này quý ông, nên tôi không chạy”[49]

 Các vị bà la môn xem xét và nhận thức rằng thiếu phụ này có đủ “Năm Vẻ Đẹp”, hoan hô nàng và trao tặng tất cả những tràng hoa bằng vàng rồi đem tin mừng về cho Migāra, quan giữ kho.

 

Mười Điều Khuyên Dạy.

 Lễ thành hôn được cả hai bên, nhà trai và nhà gái, chuẩn bị rất trọng thể. Dhananjaya, quan giữ kho, cho con mình nhiều của hồi môn quý giá, trâu bò, tôi trai tớ gái và cung cấp tất cả nhu cầu cần thiết cho Visākhā, và sau cùng khuyên dạy con: “Này con yêu dấu, có những điều làm cho phẩm hạnh được đoan trang và lối xử thế được tốt đẹp mà con phải thận trọng gìn giữ, ngày nào sống chung với chồng con:

1.  Ngày nào sống chung trong nhà với cha mẹ chồng không nên đem lửa trong nhà ra ngoài.

2.  Không nên đem lửa ở ngoài vào nhà.

3.  Chỉ cho những người cho.

4.  Không cho những người không cho.

5.  Cho cả hai, những người cho và những người không cho.

6.  Ngồi một cách an vui.

7.  Ăn một cách an vui.

8.  Ngủ một cách an vui.

9.  Trông nom gìn giữ lửa.

10.  Tôn trọng các vị trời trong nhà.

Và ý nghĩa thật sự của mười điều khuyên dạy là:

1.  Nếu con nhận thấy cha mẹ chồng hay chồng có chi lỗi lầm, không nên đem chuyện xấu trong nhà thuật lại cho láng giềng, đầu này hay đầu khác; bởi vì không có lửa nào có thể tệ hại như lửa ấy.

2.  Nếu có người láng giềng, đàn ông hay đàn bà, nói xấu cha mẹ chồng hay chồng con, không nên đem những lời phỉ báng ấy về nhà lập lại và nói rằng, ‘Người nọ, người kia nói xấu điều này hay điều khác về ta; bởi vì không có lửa nào tệ hại như lửa ấy.

3.  Chỉ nên cho mượn, những người mượn rồi trả lại.

4.  Không nên cho mượn, những người mượn rồi giữ luôn không trả lại.

5.  Những thân bằng quyến thuộc nghèo khó cần con giúp đỡ, con phải giúp đỡ họ, dầu họ có ở trong vị thế có thể trả lại được không.

6.  Ngồi một cách an vui có nghĩa là khi thấy cha chồng, mẹ chồng hay chồng đến gần, con phải đứng dậy để tỏ ra mình tôn trọng chớ không nên ngồi yên.

7. Ăn một cách an vui có nghĩa là con không nên ăn trước khi cha chồng, mẹ chồng hay chồng bắt đầu ăn. Phải coi dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng hay chồng rồi chừng đó và chỉ đến chừng đó con mới ăn.

8.  Ngủ một cách an vui có nghĩa là con không nên đi ngủ trước khi cha chồng, mẹ chồng và chồng đi ngủ. Con phải lo làm đủ bổn phận lớn nhỏ của người vợ và chừng đó, khi đã làm xong mời nằm xuống ngủ.

9.  Trông nom gìn giữ lửa có nghĩa là con phải xem cha chồng, mẹ chồng và chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng, như khi làm việc với lửa.

10.  Tôn trọng các vị trời trong nhà có nghĩa là con phải coi cha chồng, mẹ chồng và chồng như chư thiên và kính trọng như chư thiên trong nhà.

 Cô Visākhā cũng rất hảo tâm và thận trọng ân cần. Được biết rằng ngay lúc nửa đêm vào ngày cưới của cô, một trong những con ngựa cái của cô sắp đẻ. Cô lập tức cùng tỳ nữ đốt đuốc ra sau chuồng, nấu nước tắm và xoa bóp dầu, hết lòng chăm sóc ngựa.

 Cô Visākhā rất giàu lòng quảng đại. Trong ngày cưới của cô rất đông người tới tấp gởi tặng phẩm. Tất cả những quà cưới ấy, cô đem ra phân phối cho nhiều gia đình khác nhau trong thành phố.

 Ta cũng được biết rằng cha mẹ chồng cô, quan giữ kho Migāra, vào lúc ấy là tín đồ nhiệt thành của giáo phái Nigantha (Jaina), Tuy nhiên do sự nhận thức sáng suốt và bản năng thấy xa hiểu rộng của cô, cô cung thỉnh Đức Thế Tôn về biệt thự sang trọng của cha chồng. Nhờ cô mà toàn thể gia quyến đều theo về với Đức Phật và Giáo Huấn của Ngài, và ông cha chồng chứng đắc Tu Đà Hườn, tầng thánh thứ nhất. Vì lẽ ấy mà Visākhā được tôn vinh là “Mẹ của Migāra”, mặc dầu nàng chỉ là cô dâu.

 Bà Visākhā nổi danh là vị nữ thí chủ (dāyikā) quan trọng nhất của Đức Phật. Niềm tin và lòng thỏa thích phục vụ đạo pháp (Buddhasāsana) của bà thật vô bờ bến. Bà cho xây dựng một ngôi chùa rộng lớn (Pubhārama) và dâng đến Đức Phật và chư Tăng.

 Vào ngày ngôi chùa đã hoàn tất và lễ khánh thành đang được cử hành. Bà Visākhā cùng các con và các cháu đi nhiều vòng quanh ngôi tự viện, long trọng hát lên năm câu kệ với giọng điệu lảnh lót và thâm trầm khác thường, vì lời nguyện sâu kín của bà trong quá khứ xa xưa nay đã hoàn mãn viên thành.

 Khi nghe tiếng hát của bà chư tăng bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không bao giờ nghe bà Visākhā ca hát. Vậy mà hôm nay, bà cùng với các con và các cháu đi vòng quanh chùa ca hát. Có phải bà mê sảng vì quá hoan hỷ không, Bạch Đức Thế Tôn?” Nhân cơ hội Đức Thế Tôn giải thích:

 “Này chư tỳ khưu, không phải bà đang vui đùa ca hát. Vì một lời nguyền từ xa xưa nay đã viên thành tốt đẹp nên bà đi vòng quanh chùa để bày tỏ niềm hoan hỷ” và Ngài thuật lại câu chuyện trong quá khứ đã đưa đến lời nguyện của bà. Rồi Đức Thế Tôn dạy:

 “Cũng như từ đống hoa người ta nhặt từng cành để làm thành tràng hoa, cùng thế ấy được làm người chúng sanh phải thâu nhặt nhiều lần những hành động tốt”[50]

 

 

-ooOoo-

 



[1] Nāsti stīìnāṁ prthagyajno

Na vratam napyuposathaṁ

Patiṁ susrusate yena

Tena svarge mahīyate (Manu, câu 153).

[2] Kindred Sayings, I, trang iii

[3] Kindred Sayings, I, trang 45.

[4] Jananī janma bhūmis ca svargādapi garīyasi

[5] Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh 4: 265 và những trang tiếp

[6] Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh. 4: 238 và những trang tiếp

[7] ] i. saddho, ii. hirimā ottāpi, iii. akkodhano anupanāhi, iv. anissuki, v. amacchari, vi. anaticāri, vii. sīlavā, viii. bahussuto, ix. āraddhaviriyo, x. upatthita sati, xi. paññavā (Saṁyutta Nikāya,Tương Ưng Bộ Kinh, 4: 143)

[8] Xem phần sau, Kundala Kesa

[9] Psalms of the Sistrers (Trưởng Lão Ni Kệ)

[10] Xem Dhammapada, kinh Pháp Cú, câu 242

[11] Pañcakāmagunā ete itthirūpasmiṁ dissare -- rupā saddhā rasā gandhā phoṭṭhabbā ca manoramā(Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh, 3: 69)

[12] Gradual Sayings, iii, trang 57

[13] Xem Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 251

[14] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 242

[15] Saṁyutta Nikāya,Tương Ưng Bộ Kinh, I: 7

[16] Saṁyutta Nikāya,Tương Ưng Bộ Kinh, I: 37

[17] Quý vị quan tâm đến vấn đề “Người Phụ Nữ Trong Phật Giáo” có thể đọc Women Under Primitive Buddhism của tác giả I.B. Horner; Women in Buddhist Literature của tác giả B.C. Law; và bài viết có nhiều tài liệu “Women and the Religious Order of the Buddha” của Jotiya Dhīrasekera, hiện nay là Đại Đức Dhammavuhāri (The Mahā Bodhi, May-June 1967, Calcutta).

[18] Tầng thánh đầu tiên là nhập lưu (sotāpatti, cũng gọi là Tu đà huờn); tầng thứ nhì là nhất lai (sakadāgāmi, Tư đà hàm); thứ ba là bất lai (anāgāmi, A na hàm); và thứ tư, bậc thánh cuối cùng, là A la hán (arahatta), giai đoạn mà tất cả mọi thằng thúc đều bị phá tan và mọi nhiễm ô đều được bứng tận gốc rễ.

[19] Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh, 4: 276; Vinaya, Tạng Luật 2: 254.

[20] Vào ngày rằm và ngày mồng một khi chư tăng cu hội để đọc Pātimokkha hay Giới Bổn.

[21] Buỗi lễ cử hành nhằm chánh thức chấm dứt mùa nhập hạ

[22] Một hình thức trừng phạt thuộc về giới luật

[23] Anguttara Nikāya, Tăng Chi Bộ Kinh, 4:274 ff.

[24] Sự hiểu biết có tánh cách phân tách về: i) ý nghĩa (attha), ii) kinh điển (dhamma), iii) ngữ nguyên (nirutti), và iv) thông hiểu rõ ràng ba điểm trên.

[25] Majjhima Nikāya, Trung Bộ Kinh, 146, Bài giảng của Đại Đức Nandaka cho các bà tỳ khưu ni.

[26] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 150

[27] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 213

[28] Xin xem phần trên, Tích chuyện Bà Mahā Pajāpati Gotami

[29] Bản Chú Giải nói: “Trong rừng vào lúc ấy không có gì giống như vậy. Nhưng tên du đãng nói như thế vì muốn làm cho sư cô hoảng sợ.”

[30] Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hay nói cách khác, là danh và sắc, cái mà được gọi là chúng sanh.

[31] Đau khổ hay bất toại nguyện, nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ.

[32] Đức Phật nói đến ba loại ảo ảnh (tiếng Pali là vipallāsa, Sanskrit: viparyāsa) bám níu vào tâm con người.

[33] Paramatthadīpanī, Chú Giải bộ Therīgāthā, Trưởng Lão Ni Kệ.

[34] Psalms of the Sisters, trang 107

[35] The Light of Asia.

[36] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 287. Psalms of the Sisters, trang 107

[37] Psalms of the Sisters, trang 109

[38] Dhammapada Aṭṭhakathā, Chú giải Kinh Pháp Cú, quyển III, trang 107

[39] Bản chú giải nói rằng Đức Phật nhìn nàng vì Ngài biết rằng trong ngày này cô gái kia sẽ chết. Nếu không được nghe Ngài thuyết giảng nàng sẽ mãi còn là hạng phàm nhân (puthujjana,, chưa đắc quả thánh) và như vậy tương lai sẽ còn bấp bênh. Nhưng nghe được lời dạy của Ngài nàng sẽ thành đạt Đạo Quả. Vì trong ngày hôm ấy cô gái kia không thể tránh khỏi chết, Đức Bổn Sư giàu lòng bi mẫn muốn cho nàng có một tương lai chắc chắn hạnh phúc.

[40] Dhammapad. Kinh Pháp Cú, câu 174

[41] Cũng được gọi là Kunḍalakesi, Dhammapada Aṭṭahakathā (chú giải), Quyển II, trang 217

[42] Câu trả lời là: “Tất cả chúng sanh đều sống nhờ vật thực”. Để có thêm chi tiết xem The Book of Protection, Piyadassi There, Kandy; BPS trang 25.

[43] Xem chú thích số 24.

[44] Dhammapada, Kinh Pháp Cú câu 102-103.

[45] Dhammapada Aṭṭahakathā, Chú giải Kinh Pháp Cú, Quyển I, trang 325.

[46] Dhammapada, Kinh Pháp Cú câu 43

[47] Tình trạng thay đổi từ nam trở thành nữ hay từ nữ trở thành nam thỉnh thoảng đã có được tường trình trong báo chí ngày nay. Trong Tạng Luật của Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo cũng có đoạn để cập đến vấn đề này. Xem bài “Change of Sex in Buddhist Literature” của P.V.Bapat.

[48] Buddhist Legends, Burlingham, Quyển.ii, trang 61

[49] Buddhist Legends, Burlingham, trang 63.( có sửa đổi chút ít)

[50] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 53.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn