(Xem: 1958)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2354)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

13-Bốn chỗ động tâm.

29 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 11607)

 

13-LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA PHẬT GIÁO

 

Bốn Chỗ Động Tâm

 Trong khi ngự tại Rừng Long Thọ ở Kusinārā (Câu Thi Na), một vài tiếng đồng hồ trước khi nhập parinibbāna (Đại Niết Bàn), Đức Phật Tối Thượng, lúc ấy tám mươi tuổi thọ, nói với Đức Ānanda, vị thị giả trung tín và quý mến nhất của Ngài:

 “Có bốn nơi, này Ānanda, mà người thiện tín nhiệt tâm đến viếng với những cảm xúc gợi hứng (samvega): nơi mà người ấy có thể nói, ‘Tại đây Đức Như Lai đản sanh,’ ‘Tại đây Đức Như Lai thành đạo,’ ‘Tại đây Đức Như Lai vận chuyển Pháp Luân,’ ‘Tại đây Đức Như Lai cuối cùng nhập Parinibbāna (Đại Niết Bàn), Vô Sanh Bất Diệt.’ Và này Ānanda, nhiều chư Tăng và chư Ni nhiệt thành trong Giáo Hội, và nhiều chư thiện nam tín nữ, sẽ đến những nơi này.”

 

I- Lumbini

 Lumbini (Lâm Tỳ Ni), hay Rummindei, tên địa phương mà hiện nay người ta quen gọi, là nơi đản sanh của Hoàng Tử Siddhattha Gotama, nằm về hướng Bắc cách Benares một trăm dậm Anh, và từ nơi đây nhìn thấy trọn vẹn dãy núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) tuyết phủ trắng phao. Siddhattha Gotama, bậc Toàn Giác, là người sáng lập Phật Giáo. Cha Ngài, Vua Suddhodana Gotama, thuộc giai cấp Kshatriya (chiến sĩ), đóng đô tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) và trị vì toàn thể lãnh thổ của dòng Sakya (Thích Ca) nằm trên biên giới Nepal; Công chúa Mahāmāyā của dân tộc Koliya là hoàng hậu.

 Vào ngày trăng tròn tháng Năm D.L. (Vesākha), trong khi đi từ Kapilavatthu về quê cha mẹ tại Devadaha, Hoàng Hậu Mahāmāyā hạ sanh một hoàng nam trong khu Rừng Lumbini xinh đẹp, dưới tàng bóng một cội cây long thọ đang trổ hoa tươi tốt. Công trình khám phá và nhận ra vườn Lumbini vào năm 1896 được biết là do nhà khảo cổ trứ danh, Tướng Alexander Cunningham. Do nhờ nỗ lực kiên trì và không biết mệt của ông nhiều thánh tích Phật Giáo lúc bấy giờ chưa ai biết và xá lợi của hai vị đại đệ tử, Đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Đức Mahā Moggallāna (Mục KIền Liên), được đem ra ánh sáng.

 Tại Lumbini, khách hành hương và khách du lịch đặc biệt chú ý đến trụ đá Asoka vĩ đại, được dựng lên cách nay 2,210 năm về trước. Lịch sử ghi rằng sau khi trở thành Phật tử, Hoàng Đế Asoka (A Dục) từ bỏ Dig-vijaya (cuộc xâm lăng thế gian bằng võ lực) và kiên cố thiết lập Dharma-vijaya (cuộc xâm lăng bằng đường lối chân chánh) và chánh thức hành hương đến các thánh tích. “Những cuộc chánh thức hành hương các thánh tích mà Asoka ra lịnh tổ chức, thay vì những cuộc săn bắn của nhà vua, và những địa điểm thiêng liêng Phật Giáo mà Ngài đến viếng, đều được đánh dấu bằng các đài tưởng niệm có hình ngọn cờ của hoàng đế (dhvaja-stambhas), chạm trổ và gọt giũa khéo léo trên đá và lộng lẩy ghi tạc những dòng chữ thời Asoka thuật lại cuộc viếng thăm nơi này của nhà vua. Những di tích tương tợ vẫn còn, trong tình trạng ít nhiều toàn hảo.[1]

 Đại Đế Asoka cùng đoàn tùy tùng đến hành hương tại Lumbini với vị thầy và cố vấn mình, Đại Đức Upagupta. Vị này chỉ nơi Hoàng Tử Siddhattha đản sanh và nói, “Nơi đây, tâu Đại Vương, bậc chí tôn chí thánh Sakyamuni đản sanh.” Asoka quỳ xuống khấu đầu đảnh lễ thánh tích và truyền lịnh cho xây dựng tại nơi này một trụ đá tưởng niệm để ghi dấu trạm dừng chân đầu tiên của cuộc hành hương. Trên trụ đá có ghi tạc năm hàng gồm 93 chữ thời Asoka như sau:

Devāna piyena Piyadasinā lājina visativasābhistitena, atana āgācha mahiyita hida Budhe jāte Sākyamuni ti, silā vigadabhi chā kalāpita silāthabhe cha usapāpite, hida Bhagavam jāte ti Lummini-game yubalike kate, atha-bhagiye cha..

“Vua Devanampiya Piyadassi, lúc ấy hai mươi tuổi thọ, đích thân đến tôn vinh địa điểm này. Vì Đức Phật, vị hiền thánh dòng Sakya đản sanh nơi đây, nhà vua hạ lịnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi này[2] và một trụ cột bên trong. Vì nơi đây Đức Thế Tôn đản sanh, vua giảm sưu thuế cho dân làng Lumbini tám phần mễ cốc.”[3]

 

II- Buddhagayā (hay Bodh-Gayā)

 Buddhagayā, hay Bodh-Gayā như người Ấn gọi, là thánh tích thiêng liêng nhất của người Phật tử trên khắp thế giới bởi vì chính tại nơi đây mà Đức Bổn Sư chứng ngộ Đạo Quả Tối Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vào năm ba mươi lăm tuổi thọ.

 Kinh điển Phật Giáo ghi rằng vào năm lên hai mươi chín tuổi Thái Tử Gotama từ bỏ vợ và con, cha Ngài và ngôi vị quốc vương đầy hứa hẹn quyền thế, vinh quang, và đắp lên mình bộ y của đạo sĩ, rút vào sống đơn độc trong rừng sâu để tìm chân lý vĩnh cửu của đời sống. Cùng với năm vị đạo sĩ khác Ngài thực hành pháp tu khổ hạnh bên bờ sông Nerañjara (Ni Liên Thiền) tại Uruvela, gần Gayā. Tận lực cố gắng và kiên trì chiến đấu trong sáu năm dài dẳng Ngài đã đến tận ngưỡng cửa của thần chết. Nhưng pháp tu khổ hạnh không đưa Ngài đến mục tiêu mong mỏi. Từ bỏ lối tu ép xác và nhịn đói đến mức cùng cực Ngài bắt đầu dùng trở lại chút ít thức ăn. Năm vị đạo sĩ cùng tu với Ngài thấy vậy chán nản, lìa bỏ Ngài. Chừng đó, không có sự giúp đỡ của một vị thầy ngoài ý chí sắt đá và hạnh tinh tấn không lay chuyển của chính mình, hoàn toàn tin tưởng nơi lòng trong sạch và quyền năng dũng mãnh của chính mình, không cùng tu với một ai, Bồ Tát khẳng quyết thành đạt mục tiêu cùng tột trong tình trạng hoàn toàn đơn độc. Ngồi tréo chân dưới cội bồ đề tại Uruvela, một nơi ngoạn mục làm êm dịu giác quan và kích thích tâm trí, Ngài đi sâu vào pháp hành niệm hơi thở-vào-thở-ra (āna+apāna-sati).

 Giờ đây vào ngày trăng tròn tháng Năm, khi mặt trời vừa ló dạng trên vùng trời phương Đông và trăng tròn tháng Vesak dần dần khuất bóng ở phương Tây, Bồ Tát giải quyết những khó khăn phức tạp của sự trở thành, vén lên bức màng che dấu những bí ẩn của kiếp sinh tồn: khổ, nguyên nhân sanh khổ, sự chấm dứt đau khổ và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Vì sự kết hợp thiêng liêng này, địa điểm Gayā (Đạo Tràng) được gọi là Buddha Gayā (Bồ Đề Đạo Tràng), và cội cây che mưa đỡ nắng cho Đức Phật lúc ngồi thiền có tên là Bodhi (Bồ Đề), hay Bo Tree, “cây trí tuệ”.

 Như vậy Ngài trở thành người mà vòng luân hồi (saṁsāra) đã chấm dứt. Rồi Ngài suy tư: “Tâm ta không còn chút gì ham muốn những kiếp sinh tồn triền miên tiếp diễn. Sự sanh đã được tận diệt, đời sống thánh thiện đã được hoàn tất viên mãn, những gì cần phải làm đã được làm, đối với ta không còn tái sanh nữa. Tri và kiến đã phát sanh đến ta. Trạng thái giải thoát của ta đã bất lay chuyển, đây là lần sanh cuối cùng của ta.”[4]

 Chính lúc ngồi dưới cội Bồ Đề mà đấng Toàn Giác suy gẫm về paṭicca-samupapāda (pháp tùy thuộc phát sanh, hay thập nhị nhân duyên), phần nòng cốt của giáo huấn Ngài, như sau: “Khi cái này hiện hữu, cái kia hiện hữu; với sự phát sanh của nhân này, quả kia phát sanh; khi nhân này không hiện hữu, quả kia không hiện hữu; với sự chấm dứt nhân này, quả kia chấm dứt.”

 Cội Bồ Đề hiện tại là một trong những cây con cháu của cội Bồ Đề thời Đức Phật. Được biết rằng Công Chúa Sanghaṁittā, con Hoàng Đế Asoka, đã thỉnh theo với nàng một cây nhỏ, chiết từ một cành hướng về phía Nam của cội Bồ Đề chính, và đem sang Sri Lanka, trồng tại Anuradha-pura. Cội cây này hiện vẫn còn sum sê tươi tốt và là cây Bồ Đề già nhất thế giới được biết.

 Theo sự ghi nhận của hai nhà hành hương Trung Hoa, Fa-Hien và Hiuen-Tsiang, Hoàng Đế Asoka có thói quen đến viếng cội Mahā Bodhi. Câu chuyện cội Bồ Đề và cuộc viếng thăm của Hoàng Đế được diễn tả trong những tác phẩm điêu khắc của đền Sanchi.

 Được biết Vua Asoka có cho xây dựng một nơi để tôn thờ thánh tích tại địa điểm mà Đức Bổn Sư Thành Đạo, và một vách thành bằng đá đẹp đẽ rào quanh. Tuy nhiên, đến nay không còn tàn tích nào của những công trình ấy. “Đền thờ tại Bodh-Gayā khó có thể được xây dựng sớm hơn thế kỷ thứ nhất trước dương lịch, nhưng có lý do để tin rằng nó cũng nhái theo kiến trúc của đền thờ mà Asoka cho xây dựng tại cùng địa điểm này.” (Havell, trang 112).

Có một liên hệ văn hóa giữa Buddha-Gayā (Bồ Đề Đạo Tràng) và xứ Sri Lanka (Tích Lan). Vào triều đại Samudra-gupta tại Ấn, Vua Meghavanna xứ Sri Lanka có gởi sứ giả sang với nhiều tặng phẩm quý giá và yêu cầu cho sáng tạo một ngôi chùa tại Buddha-Gayā để cho các nhà sư từ Sri Lanka đến, cư ngụ tại đó. Ngài Hiuen Tsiang đã viết rất sống động về ngôi tự viện này mà Ngài viếng thăm vào khoảng giữa thế kỷ thứ Bảy.

 “Đây là ngôi Sinhala Sanghārāma (chùa Tích Lan) đầu tiên được xây dựng tại Bắc phần xứ Ấn, nhưng chắc chắn không phải là tự viện đầu tiên của người Tích Lan trên toàn xứ Ấn Độ, bởi vì chúng ta biết rằng theo di tích ghi tạc trên đá của Virapurisadatta tại Nāgarjunikonda thì một ngôi chùa thật rộng có tên Sinhala-vihāra đã được xây dựng bên bờ sông Krsnā trong miền Nam xứ Ấn tối thiểu là một thế kỷ trước đó. Cơ sở Mahābodhi Sanghārāma vẫn còn ở ngay bên ngoài cổng phía Bắc của đền thờ Bodhgāya, thách đố những cơn phong ba bão táp của thời gian, mặc dầu đã bị lãng quên từ nhiều thế kỷ.”[5]

 

III- Isipatana (hay là Sarnath)

 Kế đến là Isipatana, hiện là Sarnath, nơi mà Đức Bổn Sư

vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo. Vừa hai tháng sau khi chứng đắc Toàn Giác thì ngài rời Gayā để đi Benares, cách đó không ít hơn một trăm năm mươi dặm Anh để giáo truyền chân lý đến năm vị đạo sĩ mà xưa kia đã cùng tu với Ngài nhưng đến nay vẫn còn lạc bước trong nếp sống khổ hạnh vô nghĩa lý, cực kỳ kham khổ.

 Lần hồi đi từng chặng, Đức Thế Tôn đến Vườn Lộc Uyển tại Isipatana, gặp năm đạo sĩ, và nói: “Này chư đạo sĩ, Như Lai[6] là A La Hán, đấng Trọn Lành, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammā Sambuddha). Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, trạng thái Bất Diệt đã được thành đạt, Như Lai sẽ giảng dạy các thầy. Như Lai sẽ giáo huấn các thầy. Hành theo lời dạy của Như Lai các thầy sẽ thông hiểu và tự mình chứng ngộ, trong chính kiếp sống này, mục tiêu trong sạch tối thượng mà các người con trong những gia đình quý phái rời bỏ gia đình, để theo lối sống không nhà cửa.”

 Lúc ấy năm vị đạo sĩ nói: “Này Đạo Hữu Gotama, mặc dầu đã thực hành lối tu cực kỳ nghiêm khắc, khổ hạnh và tự ép xác, Đạo Hữu đã không thành đạt tri kiến và trí tuệ siêu thế nào. Giờ đây sống đời xa hoa, lợi dưỡng và từ bỏ chiến đấu, làm thế nào Đạo Hữu thành đạt tri kiến và trí tuệ siêu thế?”

 Rồi Đức Thế Tôn trả lời: “Như Lai không hề từ bỏ cố gắng, trở về lối sống xa hoa và phong phú dồi dào. Như Lai là bậc Toàn Giác tối thượng. Hãy lắng nghe, này chư đạo sĩ, trạng thái Bất Diệt đã được thành đạt. Như Lai sẽ giảng dạy các thầy. Như Lai sẽ dạy Giáo Pháp.”

 Lần thứ nhì năm vị đạo sĩ lặp lại thắc mắc như trước, và Đức Phật cũng trả lời như trước lần thứ nhì. Lần thứ ba câu hỏi được lặp lại. Chừng đó Đức Bổn Sư hỏi: “Này chư đạo sĩ, có lần nào trước đây chư đạo sĩ nghe Như Lai nói như vậy không?” “Bạch Ngài, không.” Các đạo sĩ trả lời. Lời nói chân thật của Đức Phật đã thuyết phục năm đạo sĩ, giờ đây tin chắc lời của Đức Phật, sẵn sàng lắng nghe Ngài.

 Lúc bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng 7 (Āsatha), vào buổi chiều, trong Vườn Lộc Uyển tại Isipatana, thành Benares, Đức Phật ngỏ lời với năm đạo sĩ:

“Có hai cực đoan, này chư đạo sĩ, mà người tu hành không nên dung dưỡng trau giồi. Hai ấy là gì? Lối sống lợi dưỡng, duyên theo nhục dục ngũ trần vốn thấp hèn, phàm tục và đưa đến tổn hại; và lối tu ép xác khổ hạnh, vốn đau khổ, thấp hèn và đưa đến tổn hại. Trung Đạo, này chư đạo sĩ, mà Như Lai khám phá, tránh xa hai cực đoan trên và đem lại nhãn quan, tri kiến và Niết Bàn.

“Trung Đạo ấy là gì? Đó chính là Bát Chánh Đạo, tức: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”

 Rồi Đức Thế Tôn giải thích cho năm vị đạo sĩ Tứ Diệu Đế: diệu đế về dukkha (đau khổ), diệu đế về nguyên nhân của dukkha, diệu đế về sự chấm dứt dukkha, diệu đế về con đường dẫn đến chấm dứt dukkha.[7]

 Sarnath, nằm về hướng Bắc cách Vārānasi năm dặm Anh, là nơi chôn nhau cắt rún của Giáo Pháp, những gì Đức Phật dạy, và Tăng Già, những người được dạy. Bởi vì chính tại nơi đây bậc Toàn Giác lần đầu tiên công bố Giáo Pháp, và từ nơi đây Ngài gởi sáu mươi vị đệ tử đầu tiên tuôn ra khắp nơi.

 Đại Đế Asoka đến hành hương nơi thánh tích này và cho xây dựng một loạt những đài tưởng niệm và một trụ cột với tượng sư tử trên đỉnh. Sư tử trên đầu cột, hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Sarnath, là niềm hãnh diện của nơi này, và ngày nay, cũng sư tử ấy là biểu hiệu của xứ Ấn Độ tự do. Những chữ được ghi tạc trên cột trụ là “... không có bất luận ai, dầu thế nào, có thể chia rẽ tách rời Tăng Già. Bất luận ai, tăng hay ni, chia rẽ Tăng Già phải bị đắp y trắng và ở một nơi khác hơn là chùa chiền.”

 Trong quyển Discovery of India, Sri Nehru viết, “Tại Sarnath, hầu như tôi thấy Đức Phật đang thuyết giảng bài Pháp đầu tiên của Ngài, và vang âm của một vài chữ được ghi nhận hình như còn phảng phất đâu đây cho tôi, xuyên qua hai ngàn năm trăm năm xa xưa. Những thạch trụ Asoka với những chữ được ghi tạc trên đó hầu như nói với tôi trong một ngôn ngữ tuyệt mỹ về một con người, dầu là một hoàng đế, vĩ đại hơn bất cứ vì vua hay hoàng đế nào.”

 Trong khi tìm những trụ cột Asoka, H.G. Rawlinson viết trong quyển India (trang 84): “Những trụ cột này bị hao mòn láng mướt, bằng phẳng gần giống như mặt gương, và tình trạng láng bóng ấy làm những du khách sau này lầm tưởng là kim khí. Chót vót trên đỉnh cao là một cái chuông, và một hình ảnh biểu tượng, mà thường là sư tử. Trong những đầu cột này, cái mà người ta chú ý nhất được thấy ở Sarnath, với bốn sư tử tuyệt đẹp đỡ lên một dharma-cakra, Bánh Xe Pháp Bảo, vốn được vận chuyển tại địa điểm này.”

 John Marshall nói với lòng khâm phục sâu xa về “những tượng sư tử hùng dũng trên đầu trụ, gân guốc nổi phồng lên và bắp thịt nở nang,” và ông đi xa đến đỗi tuyên bố rằng cả hai, chuông và đầu cột, là “những kiệt tác về mặt nghệ thuật cũng như về phương diện kỹ thuật -- quả thật là tác phẩm điêu khắc hoàn hảo nhất mà xứ Ấn Độ đã sáng tạo và không có chi cùng loại này trong thế giới cổ xưa có thể hơn.”

 

IV- Kusinara (Kusinagara)

 Từ Sarnath chúng ta đến Kusinara, hay Kusinagara như hiện nay người ta gọi. Địa điểm này nằm trong Uttar Pradesh, khoảng 120 dặm Anh phía Đông Bắc của Bārānasi. Đây là cảnh Đức Phật nhập diệt, vì lẽ ấy người Phật tử có tâm đạo nhiệt thành cùng khắp thế giới đến viếng thánh tích này với tâm xúc động và lòng gợi cảm mạnh mẽ.

 Vào lúc bấy giờ Đức Thế Tôn được tám mươi tuổi thọ. Hai vị đại đệ tử của Ngài, Sāriputta và Mahā Moggallāna, đã nhập diệt ba tháng trước. Pajāpati Gotami, mẹ nuôi của Đức Bổn Sư và là vị lãnh đạo Giáo Hội Tỳ Khưu Ni, Yasodharā, và Rāhula cũng đã qua đời.

 Vì lúc ấy nhằm mùa Nhập Hạ nên Đức Phật, cùng với đông đảo chư tỳ khưu, rời Vesāli đi Beluva để an cư kiết hạ (vassāna). Rồi từ Beluva Ngài đi Mahāvana. Bịnh hoạn làm kiệt sức, chân cẳng yếu kém, Đức Phật giờ đây đi đứng rất khó khăn, theo sau có Đại Đức Ānanda và một nhóm đông chư tăng. Chí trong cuộc hành trình dài dẳng và mệt nhọc cuối cùng này Đức Bổn Sư cũng luôn luôn để ý dạy dỗ người khác.

 Giờ đây Đức Phật đã đến mức tận cùng của cuộc hành trình, trong khu Rừng Long Thọ của người Mallas tại Kusinārā. Ngỏ lời cùng chư tăng, Đức Phật giảng dạy nhiều điểm quan trọng được ghi trong Mahāparinibbāna Suttanta, Kinh Đại Niết Bàn, bài kinh dài nhất trong kinh điển Phật Giáo. Tất cả những diễn biến xảy ra trong những năm cuối cùng của đời Ngài cũng được ghi nhận trong kinh này.

 Đây quả thật là bài kinh mà người Phật tử thuần thành cũng như những ai muốn học Phật nên đọc, vì nó chứa đựng nhiều Phật ngôn rất quan trọng và rất hữu ích.

 Đức Phật nói lên lời khuyên dạy tối hậu, cho những ai vui lòng hành theo Giáo Huấn của Ngài, trong hiện tại và trong tương lai, với những lời như sau:

Vayadhammā sankhāra. Appamādena sampādetha.

“Tất cả các pháp hữu vi (các pháp được cấu tạo) đều vô thường. Hãy giác tỉnh chú niệm và kiên trì gia công để thành tựu giải thoát”

 Với những lời cuối cùng ấy Đức Bổn Sư nhập diệt. Ngài thành đạt Mahāparinibbāna, Đại Niết Bàn, hoàn toàn không còn trở thành.

 Tại Kusinārā, điểm chánh yếu cần biết là đền thờ với pho tượng Phật nằm (Matha Kunwarka Kot), tháp Phật nhập Đại Niết Bàn (Mahāparinirvāna Stupa) liền kế sau nhà ấy, và tháp Angāra Cetiya, nơi cử hành lễ trà tỳ, hỏa thiêu Đức Phật, khoảng non một dặm Anh cách xa tháp kia. Lẽ dĩ nhiên tháp này đã điêu tàn, nhưng công trình trùng tu đã bắt đầu. Khi A.C. Carlyle khám phá ra pho tượng vào năm 1833, thì chỉ là những mảnh vụn, nhưng ông đã ráp lại một cách rất khéo léo. Pho tượng khổng lồ, dài 20 feet, của Đức Như Lai ở tư thế nằm nghiêng mình bên mặt, đầu hướng về hướng Bắc, khích động mạnh mẽ nguồn gợi hứng và xúc cảm sùng kính (saṁvega) nơi khách hành hương có tâm đạo nhiệt thành, và hầu như bất luận ai, khi rời khỏi nơi tôn thờ trang nghiêm này lòng cũng nao nao xúc động.

 Trên tảng đá bồ đoàn nơi Phật nằm có ghi những dòng chữ thời thế kỷ thứ V, cho biết danh tánh của thí chủ và của điêu khắc gia.

Deyadharmoyam mahā-vihāraswāmino Haribālasya Prati-māceyam ghatitā Dine ... Mathurena.

“Đây là lễ vật cúng dường của Haribāla Swāmi, chùa Mahā Vihāra. Pho tượng do Dina ... Mathura thực hiện”

 Tháp Mahāparinirvāna Stupa (Đại Niết Bàn) được xây dựng trên địa điểm mà Đức Bổn Sư Đại Từ Đại Bi trút hơi thở cuối cùng và nhập Đại Niết Bàn, Mahāparinibbāna. Địa điểm này được xác nhận, không còn nghi ngờ gì nữa, nhờ những tài liệu ghi tạc trên đá được khám phá có liên quan đến tháp Parinirvāna Caitya.

 Lịch sử ghi rằng Hoàng Đế Asoka đến đây đảnh lễ thánh tích này và có cho xây dựng một ngôi bảo tháp, nhưng sự kiện này chưa được đưa ra ánh sáng. Tháp Parinirvāna Caitya mà những dòng chữ trên đây đề cập đến, được xây cất từ thời đại Gupta và như vậy, có thể là tháp Asoka đã bị chôn vùi phía dưới công trình này.



[1] E.B. Havell, The History of Aryan Rule in India, page 96.

[2] Hoặc “vua hạ lịnh xây dựng một bức thành bằng đá và gạch,” như F.J. Fleet gợi ý trong JRAS, July 1908, trang 832

[3] F.J. Fleet, “The Rummindei Inscription and the Conversion of Asoka to Buddhism.” JRAS, April 1908.

[4] Majjhima Nikāya, Trung Bộ Kinh 26.I. 167

[5] B.M. Barua, Ceylon Lectures (1945), trang 18

[6] Như Lai, Tathāgatha, là lối xưng hô của Đức Phật. Một trong những ý nghĩa khác là “Người đã chứng đắc Chân Lý”.

[7] Dhammacakkappavattana Sutta, Saṁyutta Nikāya. v. 420.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn