Đâu là ý nghĩa chân thật của NIỆM được Đức Phật dạy
Alan Wallace
Thanh Hòa biên dịch
(Theo Tạp chí Tricycle số Mùa xuân 2008)
Giáo sư Alan Wallace là một học giả đã từng viết và dịch nhiều văn liệu Phật giáo. Là một tiến sĩ tôn giáo học của Đại học Stanford (Hoa Kỳ), ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các truyền thống tu tập và triết lý Phật giáo và mối liên hệ của chúng đối với khoa học hiện đại. Ông đã có một bài thảo luận sâu sắc về một phương pháp tu tập quan trọng nhưng lại bị hiểu lầm rộng rải trong Phật giáo: Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation).
Tôi đã từng trao đổi với nhiều giảng viên Phật giáo về đề tài niệm. Do đâu
khiến tôi chú trọng vào đề tài này?
Nhiều năm qua, tôi đã từng lúng túng bởi sự khác nhau giữa những giải thích về
niệm (mindfulness) của nhiều thiền sư Thiền Minh Sát (Vipassana) hiện đại và
nhiều nhà tâm lý học có gia tâm tìm hiểu so với những định nghĩa về niệm mà
chúng tôi tìm thấy trong các văn hiến Phật giáo Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy.
Tôi để tâm đến sự không nhất trí này lần đầu tiên cách đây khoảng 30 năm, khi
đó tôi nghĩ có lẽ do sự khác nhau giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Nhưng
càng tìm hiểu tôi càng thấy những tài liệu truyền thống của Nguyên Thủy và Đại
Thừa phần lớn tương hợp với nhau, và chính những miêu tả của thời hiện đại về
niệm mới thực sự đi xa cả hai truyền thống.
Những văn kiện hiện đại miêu tả khác theo cách nào?
Trong khi niệm (sati) thường được đồng nhất với sự chú tâm thuần túy, những
trao đổi của tôi với hai nhà tu hành thông tuệ Bhikkhu Bodhi và Bhikkhu
Analayo, và Rupert Gethin - chủ tịch Hội Kinh Tạng Pali (Pali Text Society),
cũng như những công trình nghiên cứu gần đây của họ dẫn tôi đến kết luận rằng
chú tâm thuần túy hầu như tương đương với thuật ngữ manasikāra trong Pali, một
từ thường được dịch là sự “chú tâm”, hay “tác ý”. Từ này chỉ cho sát na đầu
tiên của sự nhận thức thuần túy một đối tượng, trước khi bắt đầu phân biệt,
nhận định và khái niệm hóa; và trong những văn liệu Phật giáo, nó không được
xem là một tâm sở thiện. Nó là vô ký - trung lập xét về diện đạo đức. Mặt khác,
ý nghĩa nguyên thủy của sati là nhớ lại, không quên. Điều này bao gồm sự hồi
tưởng về những việc trong quá khứ, nhớ việc cần làm trong tương lai, và ghi nhớ
ngay trong hiện tại theo ý nghĩa duy trì sự chú tâm liên tục đến thực tại hiện
tiền. Ngược lại với niệm là thất niệm (hay quên), cho nên niệm, chẳng hạn được
áp dụng cho hơi thở, bao hàm sự chú tâm liên tục, không dao động đến hơi thở ra
vào. Niệm có thể được dùng để giữ sự chú tâm thuần túy (manasikāra - tác ý)
nhưng trong văn liệu Phật giáo truyền thống không có chỗ nào đồng nhất niệm với
sự chú tâm như thế.
Đức Phật đã bao giờ đề cập đến từ manasikāra trong khi dạy về niệm?
Điều đó tôi không biết. Từ này xuất hiện khá rõ trong A-tì-đàm - những luận
giải căn bản về tâm lý học Phật giáo. Trong các hướng dẫn thực hành của đức
Phật về cả Thiền Chỉ (samatha) lẫn Thiền Minh Sát (vipassana), từ sati (niệm)
và sampajañña (tri) xuất hiện thường xuyên nhất. Sampajañña trong Pali thường
được dịch là “biết rõ ràng”, nhưng loại biết này luôn luôn có đặc tính phản kỷ:
Nó lúc nào cũng đòi hỏi một sự trắc lượng trạng thái thân hoặc tâm, đôi khi
liên đới đến ngoại cảnh. Do vậy, tôi muốn dịch từ sampajañña là “nội quán” (introspection),
ở đây từ này đòi hỏi một sự quán sát sâu sắc không chỉ tâm mà còn cả các hoạt
động thuộc thân và khẩu.
Có những nguy cơ nào trong việc xem thiền đơn giản như là một quá trình chú
tâm thuần túy?
Một khi niệm được đánh đồng với sự chú tâm thuần túy, nó dễ dàng dẫn đến sự
nhận thức lệch lạc rằng việc tu tập niệm không liên quan với giới hay với sự tu
dưỡng các tâm thiện và sự gạn trừ các tâm bất thiện. Không thể đi quá xa sự
thật. Trong A-tì-đàm thuộc tạng Pali, niệm được liệt kê như một tâm thiện,
không miêu tả nó như là sự chú tâm thuần túy mà như một tâm sở phân biệt rõ
ràng tâm thiện với tâm bất thiện, nghiệp thiện với nghiệp bất thiện. Và nó được
vận dụng để hỗ trợ các trạng thái tâm thiện cũng như đối trị những tâm bất
thiện.
Vậy thì vai trò của sự chú tâm thuần túy (tác ý) là gì?
Tôi luyện sự chú tâm thuần túy (tác ý) có rất nhiều giá trị, và có một bộ phận
ngày càng lớn nghiên cứu những lợi ích của nó để chữa trị những rối loạn tâm
sinh lý. Thế nhưng đồng nhất nó với niệm là không đúng, và càng sai lầm tệ hại
hơn khi nghĩ rằng Thiền Minh Sát (vipassana) chỉ là bấy nhiêu đó. Nếu đúng như
thế, tất cả giáo huấn của đức Phật về giới, định, và tuệ sẽ không thích đáng.
Những người cho rằng sự chú tâm thuần túy là tất cả những gì thiền hướng đến
luôn luôn bác bỏ những cái còn lại của Phật giáo như là những thứ hoa ngữ và
huyễn hoặc. Những giáo lý cốt yếu bị loại bỏ thay vào đó là thiên kiến cá nhân.
Có một ý kiến thường được viện đến nói rằng sự giác sát [tri nhận] thuần túy
(bare awareness) sẽ tự động ngăn chặn không cho các tư tưởng bất thiện khởi
lên. Liệu có cơ sở nào cho ý kiến này ở trong kinh điển không?
Tri nhận đơn thuần, như là sự nhận biết tịch tĩnh, vô phân biệt đối tượng thiền
quán, đóng một vai trò tiên quyết trong việc thực tập chỉ (samatha), nó làm
muội lược những tâm lý não hại như tham, sân, thụy miên, trạo cử và nghi. Cũng
có nhiều ghi nhận trong kinh Phật về những người đạt được trí tuệ giải thoát,
thâm sâu thông qua những cái có vẻ như là sự chú tâm đơn thuần. Có lẽ trường hợp
được biết đến nhiều nhất chính là nhà khổ hạnh Bāhiya. Sau thời gian tu tập
tinh chuyên, ông tưởng mình đã chứng quả A-la-hán, nhưng rồi nhờ một thiên thần
chỉ cho biết ông vẫn chưa chứng đắc quả giải thoát, và khuyên ông đến tìm Phật
xin sự chỉ giáo. Đức Phật nói với ông ta rằng: “với cái được thấy, sẽ chỉ là
cái được thấy; với cái được nghe, sẽ chỉ là cái được nghe; với cái được cảm
thọ, sẽ chỉ là cái được cảm thọ; với cái được nhận thức, sẽ chỉ là cái được
nhận thức. Đó là những gì ông cần tu tập” (Bahiya Sutta, UD I.10.). Và Bāhiya
lập tức chứng quả A-la-hán.
Từ câu chuyện đó chúng ta có thể dễ dàng kết luận rằng sự chú tâm thuần túy là
tất cả những gì cần thiết cho thiền giác ngộ. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng
trường hợp Bāhiya là đặc biệt. Ông ta đã thành tựu được một trình độ tâm linh
rất cao trước khi gặp Phật, vì thế những hướng dẫn tinh tủy này là đủ cho ông
ta hoàn toàn gạn sạch những phiền não trong tâm. Đối với những người như chúng
ta, sự đa dạng của lý thuyết và thực hành trong Phật giáo có thể hỗ trợ cho ta
rất lớn. Sự tri nhận đơn thuần có thể đóng một vai trò quan trọng, và đôi lúc
nó thực sự có khả năng ngăn chặn không cho những tâm lý bất thiện khởi lên.
Nhưng nếu chúng ta chỉ khư khư chấp lấy sự chú tâm thuần túy thôi, nó cũng có
thể ngăn cản không cho các tâm thiện sinh khởi! Chẳng hạn, thiền quán tu tập tứ
vô lượng tâm từ, bi, hỷ, và xả đều dựa trên niệm chứ không phải sự chú tâm đơn
thuần. Sự chú tâm không phải là một phương pháp hoàn thiện, và riêng rẽ mà nói,
nó có ích nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Các định nghĩa khác nhau về niệm có ý nghĩa thực tập nào không hay chỉ là
một vấn đề ngữ nghĩa?
Đó không phải chỉ là một vấn đề ngữ nghĩa học. Theo cách dùng thông thường, từ
mindfulness trong tiếng Anh có ý nghĩa đơn giản là biết, hay lưu ý. Sati có ý
nghĩa phong phú hơn, vì thế những ai muốn thực hành thiền Phật giáo cần phải
hiểu rõ từ này và những từ liên quan khác dựa trên những văn liệu có thẩm quyền
nhất có thể có được. Nếu không, thiền Phật giáo sẽ nhanh chóng phát triển thành
một loại tư tưởng “đây và bây giờ” hồ đồ, mà nơi đó, sự thâm sâu và phong phú
của những truyền thống thiền Phật giáo siêu việt sẽ bị mai một.
Có nên chăng tiêu chuẩn hóa ý nghĩa của niệm?
Vì sự tôn trọng tính nguyên bản của mỗi truyền thống, cho nên ép buộc tất cả
các hình thái vào một khuôn khổ nhất định là không phải. Điều quan trọng là
phải nhận biết được sự khác biệt giữa những trường phái khác nhau. Nhưng trong
phạm vi những kinh điển của Phật và các luận giải quan trọng nhất trí với nhau
về ý nghĩa của niệm, Phật tử của tất cả các trường phái nên thừa nhận giá trị
đó.
Trong tác phẩm Thanh tịnh đạo (The Path of Purification) vào thế kỷ V, ngài
Giác Âm (Buddhaghosa) - vị luận sư uy tín nhất trong truyền thống Nguyên Thủy -
giải thích rằng: “niệm là tâm sở nhờ nó ta nhớ lại, hoặc chính nó nhớ lại” (The
Path of Purification, C. XIV, 141.). Đặc tính của nó, ngài Buddhaghosa nói, là
“không dao động”, nhờ đó tâm gắn chặt với đối tượng quán sát. Nhiệm vụ của nó
là “không tuột mất”, ngụ ý rằng niệm giúp ta duy trì được sự chú tâm mà không
quên mất. Biểu hiện của nó là “canh giữ” hay trạng thái “xúc tiếp với đối
tượng”, ngụ ý rằng “rợi dây ghi nhớ” duy trì sự chú mục một cách vững chắc trên
đối tượng được hướng đến, cho dù đó là một đối tượng đơn lẻ, tương đối độc lập
hay là một chuỗi các sự kiện liên đới nhau. Nền tảng của nó là “sự chú ý mạnh
mẽ”, ý nói đến phẩm chất rõ ràng của nó, phẩm chất này hết sức cần thiết khi
thực tập các niệm xứ (satipaṭṭhāna) - niệm về thân, thọ, tâm, và pháp. Như ngài
Buddhaghosa nhận định, niệm cần được xem như cái trụ cắm vào trong đối tượng
của nó, hoặc như người gác cửa canh giữ các cánh cửa nhận thức. Trên nền tảng
của luận giải nổi tiếng có thẩm quyền này, chúng ta có thể dễ dàng thấy được
tại sao niệm lại cần thiết cho Thiền Chỉ (samatha) và Thiền Minh Sát
(vipassana) nói riêng, và cho sự tu tập tâm nói chung. Theo truyền thống, thiền
chỉ (samatha) là phương pháp chủ yếu để tu tập niệm, trong khi với sự tu tập
Thiền Minh Sát (vipassana), hành giả sử dụng cả tâm và tuệ lên thân, thọ, tâm,
và pháp.
Với vai trò tâm lý như là sự hồi tưởng, sati là một năng lực tinh thần bình
thường mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Một số thực hành trong sự
tu tập niệm xứ, chẳng hạn như quán niệm về các bộ phận của cơ thể, không thể
được thực hiện với sự chú tâm đơn thuần - ví dụ, khi niệm xứ được sử dụng trong
sự thực hành về quán niệm các sắc tưởng. Trong hầu hết mọi trường hợp, khi nó
được vận dụng trong sự tu tập tâm, niệm được ứng dụng với trí tuệ sắc bén,
thường quán sát các pháp trong khuôn khổ các phạm trù Phật giáo như ngũ uẩn.
Điều này hiển nhiên trong bản kinh quan trọng của Phật về Niệm Xứ
(satipatthana), nó vượt lên trên sự chú tâm đơn thuần.
Có sự khác nhau nào giữa niệm và chánh niệm? Có cái gọi là tà niệm hay
không?
Một tay súng nấp mình trong bụi cây, chờ đợi kẻ thù, có thể nhận biết một cách
tinh tường những gì đang khởi lên trong mỗi khoảnh khắc trôi qua. Nhưng bởi vì
anh ta đang âm mưu sát hại, cho nên anh ta đang thực hành tà niệm. Thực vậy,
cái anh ta đang trải qua là sự chú tâm thuần túy nhưng thiếu vắng yếu tố giới.
Nói chung, chánh niệm phải được kết hợp với sampajañña (sự biết rõ mang tính
phản kỷ theo tinh thần của giới) - mặt khác, nội quán phải bao gồm sự nhận thức
rõ - và chỉ khi nào 2 yếu tố này hoạt động cùng nhau thì chánh niệm mới có thể
hoàn thiện mục đính nó hướng đến. Đặc biệt, trong sự tu tập Tứ Niệm Xứ, chánh
niệm phải hoạt động trên nền tảng Bát Chánh Đạo: chẳng hạn, nó phải được hướng
đạo bởi chánh kiến, khích lệ bởi chánh tư duy, đặt cơ sở trên chánh giới (ngữ,
nghiệp, mạng), và được tu tập cùng với chánh tinh tấn. Nếu không có chánh kiến
hay chánh tư duy, có thể chúng ta đang thực tập sự chú tâm đơn thuần mà không
bao giờ có sự tiến bộ thành chánh niệm. Cho nên, chú tâm thuần túy hoàn toàn
không mô tả được ý nghĩa hoàn thiện của Thiền Minh Sát, nó chỉ tương ứng với
giai đoạn đầu trong quá trình thực tập thiền chánh niệm.
Có khuynh hướng thiên vị thiền minh sát (vipassana) hơn thiền chỉ (samatha)
ở trong một số nhóm, chuyện đó như thế nào?
Thuật ngữ samatha, được chuyển dịch là “an tịnh” hay “tịnh chỉ”, chỉ cho một
mức độ rộng rải các phương pháp thực hành nhằm thành tựu định (samadhi), hay
trạng thái nhất tâm. Cả niệm lẫn nội quán đều cần thiết cho mọi phương pháp
thực tập chỉ, và trạng thái nhất tâm mà hành giả đạt được thông qua sự tu tập
ấy có thể ứng dụng vào bất kỳ loại đối tượng nào: nhỏ hoặc lớn, đơn giản hoặc
phức tạp, tương đối bền vững hoặc thay đổi. Việc thực tập chỉ (samatha) thường
bị bỏ qua hoặc xem là thứ yếu trong nhiều trường phái Phật giáo đương đại, bao
gồm cả Thiền Tông, Nguyên Thủy, và Phật giáo Tây Tạng. Với sự nhấn mạnh vào
“đốn ngộ”, Thiền Tông không dạy chỉ (samatha) như một pháp tu riêng rẽ. Thay
vào đó, nó được kết hợp vào trong sự thực tập thiền tọa và công án. Xu hướng
tương tự như thế gần đây đã thâm nhập vào truyền thống Thiền Minh Sát, nó không
còn chú trọng đến chỉ (samatha) nữa.
Thế nhưng trong văn hiến truyền thống của Nguyên Thủy và Đại Thừa, các phương
pháp thực tập chỉ (samatha) chiếm giữ vai trò trung tâm trong tam vô lậu học
giới - định - tuệ. Hơn nữa, trình tự tu tập Phật giáo được dạy trong chủ đề
định bao trùm diện rộng hơn chứ không chỉ để phát triển trạng thái nhất tâm.
Mục đích của những phương pháp thực tập này là tu luyện những trạng thái an
định thân tâm, và tất cả mọi loại thiền tuệ giác đều được thực hành một cách
tối ưu dựa trên nền tảng đó. Nếu không có niệm, định không thể đạt được. Và nếu
không có sự định tĩnh và minh hiển của sự chú tâm đạt được thông qua việc thực
hành chỉ (samatha), sự tu tập trí tuệ của Phật giáo nhất định bị chướng ngại
bởi trạo cử, hôn trầm và nhiều triền cái khác. Giới và định hỗ trợ lẫn nhau,
Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát cũng như thế.
Phương pháp thực tập niệm thường được gắn kết với truyền thống Nguyên Thủy,
trong Kim Cương Thừa nó giữ vai trò như thế nào?
Niệm, như một năng lực duy trì sự chú tâm liên tục trên đối tượng, là không thể
thiếu đối với tất cả các loại thiền. Ở nhiều phương pháp quán tưởng trong các
loại thiền của Kim Cương Thừa, niệm giúp hành giả duy trì sự minh định trên
quán ảnh. Kim Cương Thừa còn gồm cả thiền Đại Viên Mãn và Đại Thủ ấn, và ở đây,
một lần nữa, sự chú tâm minh định, vô phân biệt rất được chú trọng, giống như
trong Thiền Tông vậy. Tuy nhiên, cơ sở cho những thực hành tuệ giác này vẫn là
sự tu tập định, bao gồm sự chú tâm tịch tĩnh và minh hiển.
Trong phương pháp Đại Thủ Ấn (Mahāmudra)chẳng hạn, trước tiên hành giả phải tu
học giáo lý nền tảng Tứ diệu đế, bao gồm tu tập giới , định, và tuệ. Sau đó
hành giả tiến lên các giáo lý Đại thừa, đặc biệt là tư tưởng Bồ-tát đạo, quan
điểm của Bát Nhã Ba La Mật về không và duyên khởi, và Phật tánh. Trên nền tảng
đó, hành giả được hướng dẫn đi vào Phật giáo Kim Cương Thừa với những phương
pháp đặc thù của riêng nó như biến nhập thân, khẩu, ý của mình vào trong thân,
khẩu, ý của Phật. Cuối cùng, hành giả được tôi luyện trong quan điểm, thiền
định, và lối sống đặc thù của truyền thống Đại Thủ ấn. Pháp thiền này cần một
loại “vô tác” gốc, ở đó hành giả an trú trong sự cảnh giác thả lỏng, không để
tâm đến tất cả các hình thái cảm thọ, ức niệm và tư tưởng. Kết quả là, tất cả
các kinh nghiệm từ từ khởi lên giúp cho sự giác ngộ tâm linh của hành giả, và
cuối cùng tất cả các pháp được nhận thức như là sự thể hiện của bản thức, hay
Phật tánh.
Giai đoạn đầu tiên của thiền Đại Viên Mãn (Dzogchen), được biết đến như là “đột
phá”, rất giống với Đại Thủ ấn, và mới xem qua chúng có vẻ dường như đồng nhất
với sự chú tâm thuần túy trong Thiền Minh Sát hiện đại và Thiền Tông. Nhưng như
chúng ta đã ghi nhận trong phần nói về chánh niệm, bối cảnh thực hành hết sức
quan trọng, và phương pháp bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng bên trong tiềm ẩn
những dị biệt rất lớn. Theo truyền thống, chẳng hạn các thiền sư Thiền Tông
thông thường sẽ phải tu tập giới và học tập các bộ luận tiêu biểu trong nhiều
năm trước khi họ chuyên tâm vào thiền định. Điều này cũng đúng với Phật giáo
Nguyên thủy và Tây Tạng. Mỗi truyền thống thực hành thiền theo quan điểm của
mình mà nó đã được nhận biết sâu sắc bởi tuệ giác Phật giáo.
Có những yếu tố khác biệt nào trong nhân sinh quan Đại Thừa và Kim Cương
Thừa khiến họ sử dụng niệm theo cách khác với truyền thống Nguyên Thủy?
Chánh niệm xuất hiện chỉ khi nào có mặt chánh kiến và chánh tư duy, và mỗi một
trường phái Phật giáo có lối giải thích riêng của mình về hai chi này ở trong
Bát Chánh Đạo. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, chánh kiến chú trọng vào 3 chủ đề
vô thường, khổ, và vô ngã. Chánh tư duy là động lực thúc đẩy sự tu tập dựa trên
sự nhận thức về bản chất và nguyên nhân của khổ đau; và ước muốn giải thoát mãi
mãi khỏi những phiền não đang cắm sâu trong gốc rễ khổ đau. Một số thiền giả
Minh Sát thời nay hiếm khi chú trọng đến chánh kiến hay chánh tư duy, và tôi
thực sự nghi ngờ rằng liệu chỉ thực hành niệm làm sao có thể mang lại bất kỳ sự
giác ngộ siêu việt nào! Vả lại, nếu niệm, như được nhiều người thời nay quan
niệm, là tất cả những gì cần thiết để đạt được giải thoát, thì khi ấy, toàn bộ
Phật pháp còn lại sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong Phật giáo đại thừa, chánh niệm được tu tập cùng với các kiến giải về
không, duyên khởi, và Phật tánh, cộng thêm ý nguyện thành tựu chánh giác vì lợi
lạc mọi loài. Nếu không có nhận thức và nguyện lực như thế, sự tu tập niệm và
mọi hình thái thiền liên quan được cho là sẽ không đưa đến Phật quả. Trong
truyền thống Kim Cương Thừa, chánh kiến bao gồm “tịnh kiến” nhận thức các pháp
như là sự biểu hiện của bản thức, và chánh tư duy là từ bi nguyện lực cầu quả
vị chánh giác sớm thành để lợi lạc chúng sanh. Nguyện lực này cũng giống như
trong Đại Thừa, nhưng có phần gấp rút hơn.
Trong mỗi trường hợp, niệm có một dáng vẻ riêng, cũng giống như thế nếu nó được
ứng dụng với quan điểm duy vật và mục đích thế gian, nghĩa là chỉ đơn giản để
làm lắng dịu áp lực cuộc sống và tìm kiếm niềm hạnh phúc lớn hơn ở trong đời
này thôi. Khi sự chú tâm thuần túy được thực hành trong phạm vi của một quan
điểm hiện đại, duy vật, sẽ không có cơ sở để tin rằng nó sẽ mang lại một kết
quả tương tự như khi nó được áp dụng trong bối cảnh Phật giáo Nguyên Thủy, Đại
Thừa hay Kim Cương Thừa.
Trong suốt thế kỷ qua, Phật giáo chứng kiến sự cải cách của Tin lành, cùng với
sự suy yếu của nếp sống tự viện trong Phật giáo và tính phổ biến ngày càng tăng
của thiền giữa những Phật tử tại gia. Thật là kỳ diệu khi nhiều người ngày nay
đang kết hợp thiền Phật giáo vào đời sống thường nhật. Tuy nhiên, điều quan
trọng là không được coi nhẹ giá trị của việc dành nhiều năm học và thực hành
thiền như là sự nghiệp duy nhất. Nói cho cùng, chúng ta sẽ không giao răng của
mình cho ai đó mà họ chỉ mở qua loa vài cửa hàng nha cụ và hành nghề khoảng
chừng mỗi ngày một giờ, cũng như thế, chẳng lẽ chúng ta không nên cân nhắc khi
giao tâm mình cho những thiền sư mà chưa từng trải qua năm tháng chuyên tâm rèn
luyện về giáo lý và thực hành thiền sao?
Tất cả đều phụ thuộc vào quan điểm và mục đích của chúng ta đối với thiền. Nếu
thứ ta muốn là một loại liệu pháp thiền để giúp ta giảm stress, giải quyết
những rắc rối tâm lý riêng tư, và có một đời sống cân bằng hơn, thế thì chúng
ta không cần những thiền sư được đào tạo bài bản. Nhưng nếu chúng ta đặt mục
đích cao hơn - giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sinh tử - khi đó chúng ta cần
dựa vào những vị đã được đào tạo chuyên môn trong nhiều năm về lý thuyết và
thực hành thiền. Đứng về mặt truyền thống, những vị tu sỹ đóng một vai trò chủ
yếu trong vấn đề này, và tôi hy vọng họ tiếp tục làm như thế trong tương lai.
Nhưng để điều đó xảy ra, họ cần sự hỗ trợ của những người tại gia, như họ đã
từng như thế trong quá khứ.
Với những Phật tử không chuyên như ở trong các cộng đồng phương Tây, chúng
ta không thể có được những bậc thầy giác ngộ?
Nếu chúng ta chỉ có những nhà khoa học không chuyên, thế thì không ngành khoa
học nào có thể tiến bộ đến mức độ tinh tế như hiện nay. Cũng thế, nếu chúng ta
chỉ có những bác sĩ và nhà trị liệu tâm lý không chuyên, chúng ta sẽ gặp nhiều
rắc rối hơn nhiều trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe thể xác lẫn tinh thần. Rộng
hơn, hãy tưởng tượng thế giới chỉ toàn những thợ máy, thợ điện, nông dân, và
giáo viên không chuyên. Nếu chúng ta giao những công việc quan trọng vào trong
tay của những người nghiệp dư, nền văn minh hiện đại sẽ trở nên nghèo nàn đáng
sợ.
Con đường giác ngộ là sự thách thức lớn nhất đối với tất cả nỗ lực của loài
người và đòi hỏi một sự chuyển hóa sâu sắc của con người từ một sinh vật dối
gian, bần tiện thành một hiền giả giác ngộ. Nếu chúng ta muốn có những bậc giác
ngộ trong xã hội hiện đại, thì những ai muốn toàn tâm toàn ý dâng hiến cuộc đời
mình cho con đường này - dù họ muốn xuất gia hay không - những người ấy cần
được hỗ trợ tối ưu. Điều này sẽ là món quà vĩ đại nhất của chúng ta dành cho
những thế hệ mai sau.